Từ Điển Tác Phẩm Kinh – Luật – Luận Phật Học Việt Nam

04/07/202111:09 SA(Xem: 8434)
Từ Điển Tác Phẩm Kinh – Luật – Luận Phật Học Việt Nam

Biên soạn: Thích Hạnh Thành

TỪ ĐIỂN TÁC PHẨM KINH – LUẬT – LUẬN
PHẬT HỌC VIỆT NAM
 PL. 2565 – DL. 2021

 

Từ điển Tác Phẩm Kinh Luật Luận Phật Học Việt Nam 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Đạo Phật xuất hiện tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VII Tr. TL, do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni khai sáng. Trải qua 45 năm truyền bá chân lý giải thoát tối hậu, những giáo lý Ngài đã tuyên thuyết được gọi là Kinh, những gì đã chế định trong sinh hoạt tu tập, hoằng hóa của Tăng Ni được gọi là Giới-luật. Tương truyền, Đức Phật thường dùng ngôn ngữ Pàli để thuyết giảng. Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, chư vị Tổ sư đã phân biệt, chỉnh lí hoặc giải thích để chỉ rõ yếu nghĩa của Kinh điển thì gọi là Luận. Từ đó, Kinh-Luật-Luận là Tam tạng Thánh điển của Phật giáo được truyền thừa ban đầu qua hình thức khẩu truyềnlưu truyền qua ba lần Kết tập Kinh điển tại Ấn Độ. Đến khoảng thế kỷ thứ I Tr. TL, Đại Hội Kết tập Kinh điển lần thứ IV được tổ chức tại Tích Lan, Tam tạng lần đầu tiên được viết trên lá Bối, đây là những văn bản Kinh điển nguyên thủylưu truyền đến ngày nay.

Tại Việt Nam, Phật giáo đã du nhập vào đến nay có hơn 2.000 năm. Thời bấy giờ, trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước bị đô hộ hơn một ngàn năm bởi các triều đại phong kiến phương Bắc-Trung Quốc. Vì thế, Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng gần như hoàn toàn của  Phật giáo Trung Quốc, tất nhiên Kinh điển sử dụng cũng đều là Đại tạng Kinh chữ Hán. Đến thời kỳ Phật giáo nước nhà hưng thịnh, nhà Lý đã khởi sự việc khắc mộc bản, rồi sang thời nhà Trần vào năm Tân Hợi (1311), Vua Trần Anh Tông ban chiếu sắc cho Tôn giả Pháp LoaThiền sư Bảo Sái phụng hành thực hiện công trình khắc bản gỗ Đại tạng Kinh, nhưng đó vẫn là Kinh luật chữ Hán. Mãi cho đến thời kỳ Pháp thuộc (1867-1945), người Việt buộc phải sử dụng tiếng Việt La-tinh hóa, từ đó cho đến những thập niên 50, 60, các cao Tăng Việt Nam như HT. Khánh Anh (1895-1961), HT. Trí Tịnh (1917-2014),  HT. Hành Trụ (1904-1984), HT. Trí Quang (1923-2019), HT. Thanh Từ, HT. Trí Nghiêm (1911-2003), HT. Thiện Siêu (1921-2001),… và các Cư sĩ, dich giả như Tâm Minh-Lê Đình Thám (1897-1969), Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), Tuệ Nhuận-Văn Quang Thùy (1887-1967), Hồng Tai-Đoàn Trung Còn (1908-1988),… mới quyết định phiên dịch Kinh điển từ Hán cổ ra tiếng Việt La-tinh để truyền bá Phật pháp được rộng rãi trong quần chúng nhân dân.  Như vậy, Phật giáo Việt Nam có khoảng thời gian mười sáu, mười bảy thế kỷ hầu hết sử dụng Kinh điển chữ Hán, từ thời kỳ du nhập cho đến giai đoạn dịch Kinh điển ra Việt ngữ, đó là khoảng thời gian mà hàng hậu tấn chúng ta phải suy ngẫm và kinh nghiệm.

Lúc ban đầu, tại các lớp gia giáo của sơn môn, Phật học đường chư vị giáo thọ đa phần căn cứ vào nguyên bản Kinh văn chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt, sau đó mới có những văn bản viết tay (cảo bản), không bao lâu thì chính thức thực hiện in ấn và xuất bản. Những tác phẩm Kinh Luật được dịch sang tiếng Việt La-tinh và xuất bản đầu tiên hiện nay chưa được xác định niên đại và văn bản có còn lưu trữ hay không? Theo chỗ chúng tôi sưu tra, biên soạn thì quyển Kinh A-di-đà – Hồng Danh – Vu Lan do Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ấn hành vào năm 1934, là một trong những tác phẩm Kinh được xuất bản rất sớm, bản này hiện được Thư viện Huệ Quang-Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang (Tp. Hồ Chí Minh) bảo quản tại phòng lưu trữ.

Và cũng trong quá trình biên soạn, đã đi nhiều nơi, tôi nhận thấy chỉ có khoảng bốn, năm Thư viện lớn của Phật giáo tại Tp. Hồ Chí Minh là còn bảo quản, lưu trữ khá tốt những Kinh luận dịch ra tiếng Việt La-tinh trong thời kỳ đầu, ngoài ra thì nhiều phòng Kinh sách, cả đến một số không nhỏ Thư viện của chùa cũng không còn việc bảo lưu những ấn bản pháp bảo xa xưa đó. Một khi lưu trữ đã không có, thì việc tìm kiếm các văn bản liên quan đến thống kê, tra cứu về Kinh sách Việt ngữ cũ lại càng khó khăn vô vàn. Thực trạng này, những Học giả, giới nghiên cứu Phật giáo sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc nghiên cứu về các ấn phẩm cũ của Kinh điển chữ Việt La-tinh. Từ đó, tôi khởi lên ý nghĩ cần phải có một quyển sách mô tả sơ lược về các tác phẩm Kinh điển dịch ra Việt ngữ, một phần giúp cho việc thống kê, tra cứu, một phần có tác dụng bảo lưu tên tuổi tác phẩm. Thế là, những ý nghĩ trên khiến cho tôi thực hiện công trình biên soạn này phải mất hơn hai năm. Lúc đầu, khi biên soạn ở dăm ba Thư viện tôi chỉ định làm quyển Mục lục, nhưng dần dần về sau số lượng tác phẩm tăng lên nhiều đến tầm vóc quy mô nên người biên soạn quyết định lấy tên là Từ điển Tác Phẩm Kinh Luật Luận Phật Học Việt Nam, vì xét thấy những Từ điển cùng loại như “Từ Điển về Từ Điển”, có khổ 13 x 19cm, có 281 trang, bìa mềm; “Từ điển-Sách Công cụ chữ Hán của Việt NamTrung Quốc”, khổ 14.5 x 20.5cm, có 309, bìa mềm, vẫn gọi là Từ điển.

Tác giả mong rằng Từ điển Tác Phẩm Kinh Luật Luận Phật Học Việt Nam này sẽ góp phần giúp cho những ai muốn tìm hiểu sơ lược, con số thống kê, phân loại, tra cứu nhanh các tác phẩm Kinh luận Việt ngữ đã xuất bản được tiện lợi hơn.

Trong quá trình biên soạn Từ điển này, tác giả rất may mắn được Thầy Không Hạnh quản thủ Thư viện Huệ Quang cho tiếp cận, biên soạn tại phòng lưu trữ Kinh sách của Thư viện và các nhân viên làm việc tại đây đã ân cần hỗ trợ, cung cấp cho văn bản thống kê một số Kinh sách Việt ngữ; quí Sư cô làm việc tại Thư viện Viện Nghiên cứu PHVN cũng tận tình giúp đỡ. Nhân đây chúng tôi xin được chân thành tri ân sâu sắc đến quí vị.

Về phần người biên soạn, đây là cả tâm thành kính Pháp bảo. Nhưng do kiến thức và khả năng của tác giả có hạn nên Từ điển này khó tránh khỏi những vụng về, sơ suất. Chúng tôi rất mong các bậc thiện tri thức, quí độc giả cao minh chỉ giáo để lần tái bản Từ điển này được hoàn hảo hơn.

 

Núi Dinh, ngày 27 – 6 – 2021 (Tân Sửu)

Sa-môn Thích Hạnh Thành

Cẩn bút 

 

THỂ LỆ CHUNG

 

I. NỘI DUNG

Từ điển này chỉ biên soạn những tác phẩm Kinh-Luật-Luận do chư Tôn đức Tăng Ni, dịch giả, học giả, giới tri thức Phật giáo dịch, chú giải, giảng giải,… sang Việt ngữ. Từ điển đã biên soạn hầu như tất cả những tác phẩm Kinh-Luật-Luận được dịch ra chữ Quốc ngữ đã có mặt ở Việt Nam từ khởi thủy cho đến hiện nay. Có thể, một trong những tác phẩm Kinh điển được dịch ra Việt ngữ và xuất bản sớm nhất đó là vào năm 1934, Kinh A-di-đà – Hồng Danh – Vu Lan do Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học ấn hành, và chúng tôi biên soạn các tác phẩm được xuất bản hoặc tái bản cho đến năm 2021, như Kinh Vô Lượng Thọ Như Lai do HT. Thích Trí Tịnh dịch (tái bản), Nxb Đà Nẵng. Đồng thời, chúng tôi cũng có đối chiếu với Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt do Nguyễn Minh Tiến biên soạn, để cập nhật tất cả những Kinh luận trong Đại Tạng Kinh đã được dịch sang Việt ngữ và xuất bản.

Những Kinh-Luật-Luận được biên soạn trong Từ điển này đại đa số đều là tác phẩm dưới dạng sách, có một số Kinh luận được dịch và đăng trên các trang Website Phật giáo, chúng tôi cũng đã biên soạn vào đây cho tác phẩm được đầy đủ hơn. Còn lại, hầu hết tất cả các Kinh-Luật-Luận trên Website thì tác giả biên soạn để vào phần Phụ lục.  

Về cơ quan xuất bản, những tác phẩm trước năm 1981 thì ghi rõ: Nhà xuất bản, Nhà in, Hệ phái, Chùa và Giấy phép xuất bản (nếu có); từ sau năm 1981 thì tác giả chỉ ghi một cơ quan pháp lý cho phép xuất bản như Thành hội Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam hay Nhà xuất bản. Và về việc chú thích, năm sinh và viên tịch của chư Tôn đức, dịch giả thì chúng tôi căn cứ vào bộ Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, 3 tập, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thực hiện, Tỳ-kheo Thích Đồng Bổn chủ biên.

Trong phạm vi giới hạn cũng như khả năng cho phép của tác giả, Từ điển này chỉ biên soạn, xác nhận về tính lịch sử hiện hữu tồn tại của tác phẩm, còn về giá trị nội dung, tiêu chuẩn đúng tinh thần của Tam tạng Kinh điển Phật giáo, thì xin để dành cho các nhà nghiên cứu Kinh tạng, những công trình nghiên cứu chuyên môn về Tam tạng Thánh điển Phật giáo.

Kết cấu của Từ điển này gồm có 4 phần:

1. Tác phẩm Kinh điển: Trên 1.130 tác phẩm, bao gồm các loại:

- Kinh dịch (chánh văn): Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ, Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Kinh Dược Sư, Kinh Duy-ma-cật, Kinh Đại Bát Niết-bàn,…

- Kinh dịchgiảng giải: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng giải, Kinh Duy-ma-cật giảng giải, Bát-nhã Tâm Kinh giảng giải, Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải,…

- Giới Kinh, Bồ-tát Giái Kinh, Kinh Mười giới và các Oai nghi của Sa-di, Kinh Phạm Võng Bồ-tát Giới, Kinh Ưu-bà-tắc Giới, Tỳ-kheo Giới Kinh,…

- Kinh luận: Luận Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật, Luận Kinh Thập Địa, Luận Kinh Vô Lượng Thọ, Luận về Kinh Đại Trang Nghiêm,…

- Chú giải Kinh: Chú giải Kinh Pháp Cú, Chú giải Bổn Sanh Kinh, Chú giải Kinh Di Giáo, Chú giải Kinh Phạm Võng…

- Lược giải Kinh: Lược giải Kinh A-di-đà, Lược giải Kinh Duy-ma, Lược giải Kinh Hoa Nghiêm, Lược giải Kinh Địa Tạng,…

- Nghiên cứu Kinh: Nghiên cứu Kinh Hoa Nghiêm, Nghiên cứu Kinh Lăng-già, Nghiên cứu Kinh Pháp Hoa,…

- Đại cương Kinh: Đại cương Kinh Hoa Nghiêm, Đại cương Kinh Tạp A-hàm, Đại cương Kinh Tăng nhất A-hàm,…

- Tác phẩm Kinh diễn văn vần và thi hóa: Có 40 tác phẩm, tiêu biểu như: Kinh Vu Lan và Báo hiếu,  Hội Hoa Đàm – Kinh Hiền, Qua Suối Mây Hồng – Kinh Ngọc, Lời vàng Vi diệu, Kinh Tụng diễn ca tuyển tập, Trường ca Kinh Sa-môn quả,…

2. Tác phẩm Luật: Có trên 240 tác phẩm, bao gồm các loại:  

- Giới luật dịch (chánh văn): Giới bản Tỳ-kheo, Bồ-tát giới, Tứ Phần Luật, Luật Ma-ha Tăng kỳ, Tứ Phần Tỳ-kheo Ni giới bổn, Thức-xoa-ma-na Ni giới bổn,…

- Căn bản Giới luật: Căn bản Thuyết Nhất thiết Hữu bộ Bách nhất Yết-ma, Căn bản Thuyết Nhất thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da tạp sự, Căn bản Giới Bồ-tát của Phật giáo Tây Tạng,…

- Giới Luật lược giải: Sa-di Luật giải, Sa-di Luật nghi yếu lược, Luật Tứ phần Bổn giới Tỳ-kheo Ni lược ký,…

- Giới Luật thiết yếu: Trùng Trị Tỳ-ni sự nghĩa tập yếu, Tỳ-ni Nhật dụng thiết yếu, Yết-ma yếu chỉ, Giới Luật học cương yếu, Luật học Tinh yếu,…

3. Tác phẩm Luận: Trên 330 tác phẩm, bao gồm các thể loại:

- Luận dịch (chánh văn): Luận Đại Trí độ, Luận Du-già-sư-địa, Luận Thành Duy thức, Luận Trung quán,…

- Luận dịch và giảng giải: Luận Đại thừa Khởi tín giảng giải, Trung Luận giảng giải, Thắng Pháp Tập yếu luận hậu sớ giải, Triệu Luận lược giải,…

-  Luận (Phật giáo Nam truyền): Bộ Nguyên chất ngữ-Bộ Nhân chế định, Bộ Ngữ tông, Bộ Pháp tụ, Bộ Phân tích, Bộ Song đối – Tạng Vô Tỷ Pháp,…

- Luận Đại thừa: Luận Đại thừa Khởi tín, Luận Đại thừa Trăm pháp Minh môn, Luận bản Nhiếp Đại thừa, Luận Thành Duy Thức, Luận Đại thừa tập Bồ-tát học,…

- Luận sử: Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Ấn Độ Phật giáo Sử Luận,…

4. Phụ lục: Có 6 phần, I. Những tác phẩm Kinh-Luật-Luận trên các trang Website Phật giáo; II. Ngữ lục; III. Từ điển (Phật học Việt Nam), IV. Mục lục Dịch giả-soạn giả của tác phẩm, V. Bảng Tra cứu phân loại tác phẩm, VI. Mục lục Nhà in-Nhà xuất bản tiêu biểu

 

II. CÁCH TRÌNH BÀY:

Các mục từ trong những phần Tác phẩm Kinh, Tác phẩm Luật, Tác phẩm Luận được xếp theo mẫu tự tiếng Việt: A, (Ă, Â), B, C, CH, D, (Đ), E, Ê, G, H, I, K, KH, L, M, N, NG, NGH, NH, O, (Ô, Ơ), P, Q, R, T, TH, TR, U, (Ư), V, X, Y.

Trong mỗi mục từ tác phẩm được trình bày như sau:

-        Tên tác phẩm (Kinh, Luật, Luận)

-        Tác giả, dịch giả, soạn giả, người giảng giải

-        Nhà xuất bản, năm xuất bản, số tập, khổ sách, số lượng trang, bìa

-        Sơ lược nội dung tác phẩm

-        Năm tái bản (nếu có)

 

III. CHỮ VIẾT TẮT:

- B: Bài

- C: Chương

- DL: Dương lịch

- ĐCTTĐTK: Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh

- GHPGVN: Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- GHPGVNTN: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất

- HT: Hòa thượng

- K: Kinh

- Ks: Kinh số (trong Đại Chánh tạng hay Tục tạng)

- Nxb: Nhà xuất bản

- P: Phẩm

- PL: Phật lịch

- PT: Phật tử

- Q: Quyển

- S: Số (trong Đại Chánh tạng hay Tục tạng)

- T (24): Tập 24 (T. 24) trong Đại Chánh tạng

- T: Tiết

- THPG: Thành hội Phật giáo

- TK: Tỳ-kheo

- TN: Thích nữ

- Tp. HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

- TT: Thượng tọa

- (tt): Tiếp theo

- X (62): Tập 62 (X.62) trong Tục tạng. 

 

MỤC LỤC

  

Lời nói đầu

Thể lệ chung

Lời Tri ân của Tác giả

Mục lục

I. Tác phẩm Kinh điển

Những tác phẩm Kinh điển Diễn văn vần và Thi hóa

II. Tác phẩm Giới Luật

III. Tác phẩm Luận

Phụ lục:

I. Những tác phẩm Kinh-Luật-Luận trên các trang Website Phật giáo

1. Tác phẩm Kinh

2. Tác phẩm Luật

3. Tác phẩm Luận

II. Ngữ lục

III. Từ điển (Phật học Việt Nam)

IV. Mục lục Dịch giả-Soạn giả của tác phẩm

V. Bảng Tra cứu phân loại tác phẩm

VI. Mục lục Nhà in-Nhà xuất bản tiêu biểu


pdf_download_2
Từ điển Tác Phẩm Kinh Luật Luận Phật Học Việt Nam - Thích Hạnh Thành




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.