Thư Viện Hoa Sen

CHƯƠNG 4: Bị đánh dấu cả đời

05/01/20162:53 SA(Xem: 6297)
CHƯƠNG 4: Bị đánh dấu cả đời
TIỀN KIẾP – CÓ HAY KHÔNG?
Tác giả: Jim B. Tucker
Hoàng Mai Hoa dịch
Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính
Bản quyền thuộc công ty cổ phần Sách Thái Hà

Chương 4
BỊ ĐÁNH DẤU CẢ ĐỜI

Patrick Christenson là cậu bé được sinh mổ ở Michigan vào năm 1991. Khi y tá bế cậu bé lại cho người mẹ, ngay lập tức chị có cảm giác cậu con trai mới sinh có mối liên hệ nào đó với đứa con trai đầu của chị đã chết trước đó 12 năm vì bệnh ung thư khi mới được 2 tuổi. Chị sớm nhận ra Patrick có ba dị tật giống với đứa con trai đầu của mình lúc chết.

Kevin, con trai đầu của chị, bắt đầu di khập khiễng khi cậu bé mới được một tuổi rưỡi. Một ngày nọ, em bị ngã và bị gãy chân trái. Sau đó các bác sĩ đã xét nghiệm cho em, họ làm cả phép sinh thiết(1) một khối u nhở ở vùng da năm trên tai trái cậu bé. Họ chẩn đoán em mắc bệnh ung thư đã di căn. Phim chụp xương cho thấy rất nhiều chỗ khác thường. Mắt trái của cậu bé bị lồi ra và bầm tím do có một khối u. Người ta phải chữa cho cậu bé bằng hóa trị liệu thông qua một đường truyền trung tâm và một đường truyền tĩnh mạch lớn ở bên phải cổ của em. Mặc dù chỗ truyền các chất hóa trị liệu vào người ở trên cổ của cậu bé sưng đỏ lên mấy lần nhưng em không gặp vấn đề gì lớn trong quá trình chữa trị và cuối cùng đã được ra viện. Cậu bé được chữa trị theo chế độ ngoại trú nhưng phải quay lại bệnh viện năm tháng sau đó. Vào thời điểm đó, em gần như đã mù mắt trái. Cậu bé nhập viện trong tình trạng bị sốt, được chữa trị bằng thuốc kháng sinh và được trả về nhà. Em mất hai ngày sau đó, ba tuần sau ngày sinh nhật thứ hai của mình.

_______________

(1) một kỹ thuật y học, trong đó các bác sĩ lấy một mảnh mô hoặc cơ quan bị bệnh rồi xem chúng dưới kính hiển vi và khẳng định nguyên nhân gây bệnh.

______________

Bố mẹ Kevin đã ly thân trước khi em mất và mẹ của em cuối cùng cũng đi bước nữa. Chị đã có một cô con gái và một cậu con trai trước khi sinh hạ Patrick. Ngay lúc chào đời, cậu bé đã có một vết bớt nằm chéo có hình dạng giống với một vết cắt nhỏ ở vùng da trên tai phải giống như khối u đã sinh thiết của Kevin và một khoảng mờ trong mắt trái, được chẩn đoán là vảy cá mắt màng sừng, khiến thị lực con mắt đó của em, cũng như Kevin, rất yếu. Khi đến tuổi biết đi, cậu bé cũng đi khập khiễng và nghiêng về bên trái.

Khi Patrick được gần bốn tuổi rưỡi, cậu bé bắt đầu kể cho mẹ mình những chuyện chị cảm thấy là có liên quan đến cuộc đời của Kevin. Cậu bé đã nói về mong muốn được trở lại ngôi nhà trước kia và bảo với mẹ mình rằng em đã bỏ mẹ đi ở đó. Cậu bé cũng nói ngôi nhà có màu cam và màu nâu, sự thật đúng là vậy. Em hỏi mẹ xem có nhớ em đã phải làm phẫu thuật hay không và khi chị trả lời rằng em chưa hề phải làm phẫu thuật, cậu bé khẳng định là mình có và chỉ lên phía trên tai phải nơi bác sĩ đã sinh thiết khối u của Kevin. Cậu bé cũng nói không nhớ rõ ca phẫu thuật đó diễn ra như thế nào vì em đã ngủ trong suốt thời gian nó được thực hiện. Một lần khác, Patrick nhìn thấy tấm ảnh của Kevin, mặc dù bố mẹ cậu thường không hay trưng ảnh của anh trai cậu ra trong nhà và nói đó chính là ảnh của mình.

Sau khi Patrick bắt đầu nói ra những lời này, mẹ cậu bé đã liên hệ với Carol Bowman – một tác giả đã từng viết hai cuốn sách về những đứa trẻ có kí ức về kiếp trước – Childrens Past Lives (Cuộc sống kiếp trước của trẻ) và Return from Heaven (Trở về từ thiên đường). Họ đã nói chuyện qua điện thoại một số lần, trong đó Carol đã cho chị một số lời chỉ dẫn về cách đối phó với các vấn đề về tiền kiếp dường như sắp xảy ra. Cuối cùng Carol đã cho chị một số lời chỉ dẫn về cách đối phó với các vấn đề về tiền kiếp dường như sắp xảy ra. Cuối cùng Carol báo cho chúng tôi biết về trường hợp này để nghiên cứu. Sau đó Tiến sĩ Stevenson và tôi đến nhà cậu bé khi Patrick lên năm tuổi.

Trong khi ở đó, chúng tôi đã nhìn thấy và chụp ảnh vết bớt trên cổ Patrick, một đường chéo đậm rộng 4 milimet ở bên phải cổ cậu bé và trông giống một vết thương đã lành. Cục bướu trên đầu cậu bé rất khó nhìn nhưng lại dễ sờ ra. Chúng tôi có thể thấy mắt trái của Patrick bị mờ đục và đã hỏi xin một bản sao hồ sơ khám mắt của Patrick. Chúng tôi nhìn cậu bé bước đi và có thể dễ dàng khẳng định được rằng em đi hơi khập khiễng, mặc dù không mắc phải một chứng bệnh nào có thể dẫn đến tình trạng đó. Chúng tôi đã xin được hồ sơ khám bệnh của Kevin và chúng có ghi lại tiền sử bệnh trước đó của cậu bé, trong đó có cả những vết thương có vẻ như rất giống với các vết bớt sau này của Patrick. Chúng tôi đưa Patrick đến căn nhà Kevin đã ở cùng với mẹ mình. Không may là Patrick gặp vấn đề phát âm và đôi lúc rất khó để hiểu cậu bé nói gì nhưng em đã không nói ra câu gì cho thấy chắc chắn rằng em nhận ra ngôi nhà.

Tóm lại Patrick có ba vết bớt bẩm sinh kỳ lạ có vẻ như rất giống với những vết thương của người anh trai cùng mẹ khác cha của mình. Thêm vào đó, cậu bé đi khập khiễng khi tập đi và nhắc đến những sự kiện trong cuộc đời Kevin khi nói chuyện với mẹ mình.

Trường hợp của Patrick là một ví dụ của các trường hợp có các vết bớt và dị tật mà Tiến sĩ Stevenson đã đề cập đến trong cuốn Reincarnation and Biology: A Contribution to the Etiology of Birthmarks and Birth Defects (Đầu thai và sinh học: Một đóng góp vào việc đi tìm nguyên nhân cho các vết bớt và dị tật), trong đó ông đã viết về nhiều trường hợp trẻ không những đã thuật lại kí ức về tiền kiếp mà còn có các vết bớt hoặc dị tật tương ứng với những vết thương trên cơ thể của người kiếp trước. Các em đến từ những khu vực khác nhau trên thế giới và có rất nhiều loại vết bớt và dị tật khác nhau. Tôi sẽ không cố tóm tắt tất cả 225 trường hợp đó trong cuốn sách này nhưng một vài trường hợp trong số này rất đáng để đưa ra xem xét.

Trường hợp của Chanai Choomalaiwong

Chanai Choomalaiwong được sinh ra ở miền trung Thái Lan vào năm 1967 với hai vết bớt, một ở sau đầu cậu bé và một ở phía trên mắt trái. Khi cậu bé được sinh ra, gia đình em không cho rằng các vết bớt này có ý nghĩa đặc biệt gì, nhưng khi bước sang tuổi thứ ba, cậu bé bắt đầu kể chuyện về cuộc sống kiếp trước. Cậu bé nói mình từng là một thầy giáo tên Bua Kai và bị bắn chết trên đường đi tới trường. Cậu bé đã cho tên của bố mẹ, vợ và hai đứa con trong kiếp trước của mình; em liên tục đòi bà mình – người em sống cùng – đưa em tới nhà bố mẹ trước kia của mình ở một vùng có tên Kha Pra.

Cuối cùng, bà của em đã chiều theo lời em. Bà và Chanai bắt một chuyến xe buýt đến một thị trấn ở gần Kha Pra, cách ngôi làng của họ 24 km. Sauk hi xuống xe buýt, Chanai dẫn bà mình đến một ngôi nhà mà em nói là nơi bố mẹ mình sống. Ngôi nhà thuộc về một cặp vợ chồng già có một người con trai tên Bua Kai Lawnak làm nghề giáo viên và đã bị giết năm năm trước khi Chanai được sinh ra. Hóa ra trước đây bà của Chanai chỉ sống cách đó 5 km. Vì bà có một cửa hàng bán đồ cho rất nhiều người ở vùng xung quanh nên bà có biết qua về Bua Kai và vợ anh. Bà chưa từng đến nhà của họ và không hề biết Chanai đang dẫn mình đi đâu. Khi tới đó, Chanai chỉ vào bố mẹ của Bua Kai, lúc đó đang ở nhà với một số người thân khác trong gia đình và nói họ là bố mẹ mình. Họ đã bị ấn tượng bởi những lời nói và các vết bớt của cậu bé và đã mời cậu trở lại nhà mình một thời gian ngắn sau đó. Khi cậu bé quay lại, họ đã kiểm tra em bằng cách yêu cầu em chỉ ra những thứ của Bua Kai trong số nhiều đồ vật và em đã chỉ được. Cậu bé nhận ra một trong số những cô con gái của Bua Kai và hỏi thăm một đứa con khác. Gia đình Bua Kai đã chấp nhận rằng Chanai chính là do Bua Kai đầu thai và cậu bé đã đến thăm họ một vài lần. Cậu bé khăng khăng yêu cầu các con gái của Bua Kai gọi mình bằng “bố” và nếu họ không chịu thì em sẽ không nói chuyện với họ.

Còn về các vết thương của Bua Kai, không có biên bản khám nghiệm tử thi nào để kiểm tra chúng nhưng Tiến sĩ Stevenson đã nói chuyện với một số người trong gia đình của anh về những vết thương trên người anh và họ nói rằng anh có hai vết thương trên đầu do bị bắn. Vợ anh nhớ rằng vị bác sĩ khám nghiệm thi thể của Bua Kai đã nói rằng vết thương do đạn bắn vào sau đầu anh nhỏ hơn nhiều so với vết thương trên trán là vết thương do đạn xuyên ra. Những vết thương này giống các vết bớt của Chanai: một vết nhỏ hình tròn ở đằng sau đầu và một vết lớn có hình dạng khác thường hơn ở trên trán. Chúng đều không có lông và bị nhô lên. Không ai chụp hình chúng cho đến năm Chanai được mười một tuổi rưỡi, vì thế rất khó để xác định chính xác vị trí của chúng ngay từ lúc sinh ra. Trong bức ảnh, vết bớt lớn hơn nằm ở vùng phía trên bên trái trán cậu bé nhưng các nhân chứng đã nói hồi em còn nhỏ nó nằm thấp hơn.

Trong trường hợp này, một cậu bé với những vết bớt giống các vết thương trên cơ thể một người đàn ông đã chết biết nhiều chi tiết về cuộc đời người đàn ông đó. Mà cậu bé không thể nào đã biết được các chi tiết này bằng những cách thông thường và em đã vượt qua được những bài kiểm tra của gia đình người đàn ông đó.

Trường hợp của Necip Unlutaskiran

Một trường hợp khác trong cuốn Reincarnation and Biology (Đầu thai và sinh học) là trường hợp của Necip Unlutaskiran từ Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời điểm chào đời, người ta để ý thấy cậu bé có một số vết bớt trên đầu, mặt và thân người. Lúc đầu bố mẹ của cậu bé đặt tên cho cậu là Malik, nhưng ba ngày sau khi sinh, mẹ cậu có một giấc mơ trong đó con chị bảo với chị rằng nó được gọi là Necip. Sau đó, bố mẹ cậu bé thay đổi tên em thành Necati thay vì Necip, vì hai tên này tương tự nhau và có một số đứa trẻ khác trong nhà đã được đặt tên là Necip. Khi đến tuổi biết nói, cậu bé liên tục đòi được gọi là Necip và không chịu đáp lại bất cứ tên gọi nào, vậy nên bố mẹ cậu cuối cùng đã phải đồng ý gọi cậu bằng tên Necip.

Necip biết nói chậm và bắt đầu nói về cuộc sống kiếp trước khá muộn, nhưng khi được sáu tuổi, cậu bắt đầu kể rằng mình có con. Dần dần cậu bé cho biết thêm các chi tiết khác, bao gồm sự thật rằng cậu đã bị đâm liên tiếp. Cậu bé nói lúc trước mình sống trong thành phố Mersin, cách nhà cậu 80 km. Gia đình cậu bé không đưa em đến đó ngay vì không có phương tiện và cả vì họ không mấy quan tâm đến những lời cậu nói.

Khi Necip bước sang tuổi 12, mẹ cậu bé đưa cậu đến một thị trấn gần Mersin để thăm bố mình và vợ của ông, người cả Necip lẫn mẹ cậu đều chưa gặp trước đó. Khi Necip gặp bà, cậu bé nói giờ bà đã trở thành bà ngoại thật sự của mình chứ không phải giống lúc trước, khi bà chỉ như một người bà đối với cậu. Cậu bé kể cho bà nghe về kí ức kiếp trước của mình và bà khẳng định rằng điều cậu nói là đúng sự thật. Lúc trước bà đã sống ở Mersin, ở đó bà được biết đến bởi biệt danh “bà”. Một người hàng xóm của bà ở đó tên Necip Budak đã bị đâm đến chết một thời gian ngắn trước khi cậu bé Necip được sinh ra. Sau đó, ông của Necip đưa cậu bé đến Mersin, ở đó em đã nhận ra một số người trong gia đình của Necip Budak. Cậu bé chỉ ra được hai đồ vật thuộc về Necip Budak và em đã kể chính xác rằng Necip Budak đã từng dùng dao cắt vào chân vợ mình trong một trận cãi vã. Dĩ nhiên là trước đó cậu bé chưa hề nhìn thấy chân của người quả phụ, nhưng một người phụ nữ trong nhóm của Tiến sĩ Stevenson đã kiểm tra chúng và xác nhận rằng chị có một vết sẹo trên đùi mà chị nói là chính chồng mình đã gây ra.

Tiến sĩ Stevenson đã lấy được một bản sao biên bản khám nghiệm tử thi của Necip Budak và ông phát hiện ra rằng cậu bé Necip có ba vết bớt, những vết gia đình cậu đã nhận thấy ở thời điểm cậu chào đời và vẫn còn nhìn thấy được khi Tiến sĩ Stevenson kiểm tra cậu ở độ tuổi 13, giống với các vết thương được miêu tả trong biên bản khám nghiệm tử thi. Thêm vào đó, lúc trước Necip còn có ba vết bớt mà người thân của em đã nhìn thấy trên người em lúc được sinh ra nhưng giờ đã mờ hẳn khi em bước sang tuổi 13, những vết bớt này cũng giống các vết thương biên bản có đề cập đến. Tiến sĩ Stevenson cũng phát hiện thấy hai vết khác trên người Necip tương tự với các vết thương trong biên bản, nhưng trước đó bố mẹ em không nhận thấy những vết này. Cuối cùng, biên bản cũng miêu tả một số vết thương trên tay trái của Necip Budak không giống với bất cứ vết bớt nào trên người Necip.

Tóm lại, Necip có đến tám vết bớt tương tự với các vết thương trên người Necip Budak, người đàn ông đã bị giết cách đó 80 km và cậu bé cũng nói ra được những chi tiết chính xác về cuộc đời của Necip Budak cũng như nhận ra các thành viên trong gia đình của anh.

Trong hai trường hợp tôi vừa miêu tả, trẻ đều có một mối liên hệ nào đó với người tiền kiếp. Bà của Chanai có biết qua về người tiền kiếp, còn bà ngoại Necip và người tiền kiếp của cậu bé có quen biết với nhau. Mối liên hệ trong hầu hết các trường hợp trong đó trẻ và người tiền kiếp là người cùng gia đình hay sống cùng làng, hoặc ít nhất cũng sống trong những ngôi làng cạnh nhau.

Chúng ta có thể nhìn nhận những mối liên hệ này theo các cách khác nhau. Một cách giải thích cho nhiều trường hợp trong số này là vết bớt của trẻ giúp xác định một người có khả năng là người tiền kiếp vì ở vùng xung quanh có một người nào đó đã chết với một vết thương tương tự. Sau đó, trẻ chỉ cần nói ra một số câu để người ta có thể khẳng định được mối liên hệ này là có thật. Chẳng hạn trong một trường hợp nọ, một người đàn ông chết vì bị bắn vào ngực dưới và sau đó một đứa trẻ được sinh ra trong cùng một ngôi làng với một vết bớt giống hệt một vết bắn súng trên ngực dưới. Gia đình cậu bé ngờ rằng con mình chính là do người đàn ông đã chết đầu thai. Cậu bé chỉ cần nói ra một số ít câu về cuộc sống của người tiền kiếpbao gồm việc cậu chính là người đó và cậu đã bị bắn vào ngực – là người ta sẽ chấp nhận cậu chính là hiện thân đầu thai của người đã mất.

Mặt khác, nếu một đứa trẻ được sinh ra với một vết bớt, nhưng xung quanh đó không có người nào từng chết vì một vết thương tương tự thì em sẽ phải cho biết nhiều thông tin hơn để trường hợp này được giải quyết. Cụ thể là em phải nói ra nơi người tiền kiếp đã sống, phải lôi kéo được sự quan tâm của bố mẹ mình thì họ mới đến nơi đó để thử tìm lời giải thích cho trường hợp của con mình. Rõ ràng là một trường hợp có bớt mà trẻ và người tiền kiếp sống gần nhau dễ giải quyết hơn nhiều so với trường hợp hai người ở xa nhau. Các trường hợp của Chanai và Necip, dù hai em đều có mối liên hệ nào đó với người tiền kiếp, vẫn không thật sự thuộc loại trường hợp này, vì các vết bớt của hai em đều không khiến bố mẹ mình nhớ đến một người nào cụ thể. Trong trường hợp của Chanai, bà của em đã không hề nghĩ cháu mình và người tiền kiếpliên quan đến nhau cho đến khi Chanai đưa bà đến ngôi nhà của bố mẹ người đó. Trong trường hợp của Necip, nếu cậu bé không nhận ra vợ của ông mình chính là một người mình quen biết trong cuộc sống kiếp trước thì mọi người đã không thể nào xác định được người tiền kiếp của cậu bé là ai.

Một độc giả hoài nghi có thể sẽ kết luận rằng chính mối quan hệ trong những trường hợp này đã khiến mọi người nhầm lẫn khi khẳng định các em chính là do người khác đầu thai. Độc giả này sẽ cho rằng gia đình của các em chắc hẳn đã đủ quen biết với các người tiền kiếp để hoặc là nói cho các em biết những thông tin đó, hoặc là suy ra các em đang nói về những người đã chết nhất định nào đó trong khi không phải như vậy. Lập luận bác bỏ này không thể áp dụng được trong hai trường hợp tiếp theo vì giữa hai gia đình không hề có mối liên hệ nào.

Trường hợp của Indika Ishwara

Indika Ishwara – một cậu bé thuộc một cặp sinh đôi – được sinh ra ở Sri Lanka vào năm 1972. Anh trai cậu bé bắt đầu kể về cuộc sống kiếp trước từ khi còn rất nhỏ, như tôi sẽ nói sau này trong Chương 6. Khi Indika được ba tuổi, em cũng bắt đầu nói những câu tương tự. Em nói mình đến từ Balappitiya, một thị trấn cách quê nhà của em gần 50 km. Cậu bé kể về bố mẹ em trước kia của mình. Em không nói ra tên họ mà gọi họ là người mẹ và người bố ở Ambalangoda của mình. Em cho biết mình đã đi học ở một ngôi trường lớn ở Ambalangoda – một thị trấn lớn hơn nằm cạnh Balapitiya – và em đi đến đó bằng tàu hỏa. Cậu bé kể mình vẫn thường được gọi là “Baby Mahattaya” (Mahattaya nhỏ). Mahattaya trong tiếng Sinhaese nghĩa là “ông chủ”, và “Baby Mahattaya” là một biệt danh phổ biến ở Sri Lanka. Cậu bé nói mình có một người chị gái tên Malkanthie, người vẫn thường đạp xe cùng với cậu. Cậu bé cũng nhắc đến một người chú tên Premasiri và có biệt danh “Mudalali Bappa”. Mudalali chỉ một người có công việc làm ăn phát đạt, còn Bappa nghĩa là một người chú. Em còn kể gia đình mình nuôi một con bê, một con chó và ở nhà có một chiếc xe hơi và một xe tải.

Ngoài ra, cậu bé cũng kể về lần cùng đi với chị gái mình đến đền thờ, nơi cậu bé tả có một tấm rèm đỏ treo trước hình Đức Phật. Em nói người bố trong kiếp trước của mình hay mặc quần; người bố hiện tại lại hay mặc xà-rông. Ngôi nhà trước kia của cậu bé – nơi một đám cưới đã diễn ra – có điện. Nhà của cậu hiện giờ không có. Cậu miêu tả người mẹ kiếp trước của mình là một người đen hơn, cao hơn và béo hơn người mẹ hiện tại. Cậu bé cũng nói mình đã học hết lớp Bốn và có một người bạn cùng lớp tên Sepali.

Gia đình của Indika không quen biết ai sống ở Ambalagoda. Bố cậu bé có một người bạn làm việc ở đó và ông đã nhờ bạn mình tìm gia đình người tiền kiếp dựa vào những gì Indika đã nói. Người bạn này nhanh chóng tìm được một gia đình ở Balapitiya trùng khớp với những câu nói của Indika. Con trai đầu của họ, Dharshana, đã chết khi 10 tuổi vì bị viêm não bốn năm trước khi Indika được sinh ra.

Bạn bố cậu bé cũng đã nói chuyện với mẹ của Dharshana về Indika, vì lúc đó bố của Dharshana đang vắng nhà. Khi người bố biết những điều Indika nói, ông đã rất quan tâm và không lâu sau đó ông bất ngờ đến thị trấn nơi Indika sống. Ông tới cửa hàng của bố Indika. Trong lúc đứng đó để đợi người khác dẫn mình về nhà cậu bé, một nhân viên cửa hàng đã hỏi ông xem liệu có phải ông có một có con gái tên Malkanthie và một cậu con trai tên Mahatmaya không vì Indika đã kể như vậy. Ông có hai người con như thế thật, và sau đó ông đến nhà Indika và gặp cậu bé, lúc đó chưa được bốn tuổi. Mọi người nghĩ rằng cậu bé đã nhận ra ông, vì mặc dù không gọi trực tiếp tên ông nhưng em đã nói với mẹ mình: “Bố con đến rồi”.

Một thời gian ngắn sau đó, các thành viên khác nhau trong gia đình của Dharshana đã thực hiện hai chuyến đi để đến gặp Indika. Mọi người cho là cậu bé đã nhận ra vài người trong số họ, nhưng cậu bé và những người này đã gặp nhau trong các điều kiện không được kiểm soát với rất nhiều người ở xung quanh. Sau đó, cộng sự lâu năm của Tiến sĩ Stevenson ở Sri Lanka – Godwin Samararatne – đã cùng Indika tới Balapitiya và Ambalangoda, nhưng Indika không hề nói câu gì cho thấy cậu bé nhận ra được bất cứ thứ nào mình đã thấy. Vào thời điểm đó, hầu hết những người thuộc gia đình của Dharshana đã gặp mặt Indika nhưng ông Samararatne vẫn thực hiện một bài kiểm tra trong điều kiện được kiểm soát để xem Indika có thể nhận ra thêm một người chú và một người em họ nữa hay không. Cậu bé đã không nhận ra được. Trong chuyến đi thứ hai đến nhà Dharshana, cậu bé tỏ vẻ muốn tìm kiếm một thứ gì đó ở ngoài ngôi nhà. Em phát hiện được thứ mình đang tìm và chỉ về cái tên Dharshana và con số ghi năm 1965 có vẻ như đã được chính Dharshana khắc lên thành xi măng của một đường cống. Không người nào trong nhà Dharshana biết hay đã từng thấy dòng chữ này cho đến khi Indika chỉ cho họ.

Ông Samararatne – cộng sự của Tiến sĩ Stevenson – đã sớm nghe trường hợp này sau khi nó phát triển, ông đã thực hiện cuộc phỏng vấn với bố mẹ Indika ba tuần sau khi cuộc gặp đầu tiên giữa Indika và bố Dharshana diễn ra và với bố Dharshana một tuần sau đó. Tất cả các câu nói của Indika về cuộc sống kiếp trước trong những trang vừa qua đều là những điều thu được từ các cuộc phỏng vấn được thực hiện rất sớm sau khi hai gia đình gặp mặt. Chi tiết bố Dharshana đã nghe tên hai con của mình tại cửa hàng của bố Indika đặc biệt đáng chú ý và tôi nghĩ chúng ta phải rút ra kết luận rằng Indika đã nói ra những cái tên đó trước lần gặp mặt đầu tiên của hai gia đình.

Hầu hết tất cả nhưng câu Indika nói đều tỏ ra đúng với cuộc đời của Dharshana. Gia đình của Dharshana đúng là sống ở Balapitiya và cậu bé đã đi học ở Ambalangoda. Dharshana có biệt danh là “Baby Mahattaya”. Chị gái của cậu có tên Malkanthie và hai chị em đúng là đã thường đi xe đạp cùng nhau. Một trong những người chú của cậu có tên Premasiri (tên đầy đủ của anh là Sangama Premasiri de Silva) và là một nhà thầu kiêm thương nhân buôn gỗ, chính vì thế mà người ta gọi anh là Mudalali. Gia đình Dharshana có một chiếc xe hơi và một con chó. Mặc dù họ không sở hữu một chiếc xe tải nào nhưng có một chiếc đậu trong khuôn viên nhà họ. Tương tự, gia đình này cũng không nuôi một con bê nào, nhưng những người khác đã đưa bê của mình đến gặm cỏ trên đất nhà họ. Ngôi đền gia đình Indika hay đến có một tấm rèm màu trắng treo trước bức hình Đức Phật, trong khi ngôi đền nhà Dharshana thường viếng thăm có một bức rèm màu đỏ. Bố Dharshana hay mặc quần và ngôi nhà của họ có điện. Dù Dharshana có thể đã không trực tiếp chứng kiến một đám cưới diễn ra trong nhà mình, có vài hôn lễ đã được tổ chức xung quanh đó, bao gồm một lễ cưới trong nhà một người hàng xóm được cử hành vài tuần trước khi Dharshana mất. Dharshana đã ngã khỏi một bức tường trong thời gian diễn ra đám cưới và các bác sĩ nghĩ cậu bé có thể đã bị một chấn thương ở đầu mà về sau đã dẫn đến bệnh viêm não của cậu. Lời miêu tả của Indika về mẹ của Dharshana rất chính xác. Dharshana đã học hết lớp Bốn. Cậu bé mới bắt đầu học lớp Năm khi cậu ngã bệnh. Theo những gì gia đình Dharshana và một người bạn trong lớp cậu bé nhớ được, cậu đúng là có một người bạn cùng lớp tên Sepali.

Làm thế nào mà Indika lại có thể biết được tất cả những chi tiết này về một cậu bé đã chết ở trong một ngôi làng nằm cách đó 50 km? Đây rõ ràng là một điều đáng thắc mắc. Hơn nữa, bố mẹ cậu còn nhận thấy một cục u nhỏ ở mũi cậu hồi cậu mới một tuổi. U ở mũi không phải là hiếm ở độ tuổi lớn hơn nhưng chúng lại khá hiếm ở trẻ sơ sinh và anh trai sinh đôi của Indika không có cục u nào như thế. Vậy thì vì sao Indika lại có? Nếu chấp nhận rằng các vết bớt và dị tật có thể được truyền lại thông qua quá trình đầu thai, chúng ta cần xem xét một khả năng là do người ta đã phải gắn cả ống truyền khí ôxy và truyền dịch vào mũi Dharshana trong thời gian cậu bị bệnh nên chỗ sưng tấy do một trong hai ống đó gây ra có thể chính là nguyên nhân dẫn đến khối u sau này của Indika. Khối u ở mũi này, mặc dù không nổi bật như một số các dị tật khác thường khác trong cuốn Reincarnation and Biology(Đầu thai và sinh học), song vẫn rất hiếm và cách giải thích rằng nó tương tự với vết sưng tấy gây ra bởi các ống dẫn trong mũi của Dharshana phù hợp với những câu Indika đã nói ra và đúng với cuộc đởi của Dharshana.

Trường hợp của Purnima Ekanayake

Trường hợp cuối cùng thuộc loại này mà tôi muốn trình bày không có ở trong cuốn Reincarnation and Biology (Đầu thai và sinh học). Trái lại, chính người đồng nghiệp Erlendur Haraldsson của chúng tôi là người đã điều tracông bố trường hợp này. Purnima Ekanayake – một cô bé ở Sri Lanka – được sinh ra với một nhóm các vết bớt nhạt màu ở bên ngực trái và sườn dưới của em. Cô bé bắt đầu kể về kiếp trước của mình khi em được khoảng hai tuổi rưỡi, ba tuổi, nhưng lúc đầu bố mẹ cô bé không để ý lắm đến những lời nói của em. Khi cô bé được bốn tuổi, có lần em xem một trương trình truyền hình về ngôi đền Kelaniya – một ngôi đền nổi tiếng cách đó 232 km và nói em nhận ra nó. Một thời gian sau, bố cô bé, hiệu trưởng của một trường học và mẹ em – một cô giáo – đã đưa một nhóm học sinh đến ngôi đền Kelaniya. Purnima cũng đi thăm đền cùng với họ. Trong khi ở đó, cô bé nói em đã từng sống ở bờ bên kia của con sông chảy qua ngôi đền.

Cho đến năm em được sáu tuổi, Purnima đã nói ra khoảng 20 câu về cuộc sống kiếp trước của mình, trong đó cô bé miêu tả một người đàn ông làm hương trầm bị chết trong một vụ tai nạn giao thông. Cô bé đã nhắc đến tên của hai nhãn hiệu hương trầm – Ambiga và Geta Pichcha. Bố mẹ em chưa hề nghe đến những tên này và sau này khi Tiến sĩ Haraldsson kiểm tra các cửa hàng trong thị trấn của họ, không có nơi nào bán những loại hương trầm này.

Trong thị trấn của Purnima có một thầy giáo mới đến. Vào những ngày cuối tuần anh về Kelaniya – nơi vợ mình sống. Bố Purnima kể cho anh nghe về những điều Purnima đã nói và người thầy giáo quyết định thử tìm hiểu xem có ai ở Kelaniya đã chết và trùng hợp với những lời miêu tả của Purnima hay không. Người thầy giáo nói rằng bố Purnima đã đưa những thông tin sau cho anh kiểm chứng:

  • Cô bé đã sống ở bờ bên kia của con sông chảy qua ngôi đền Kelaniya.
  • Cô bé là người làm ra hai loại hương trầm Ambiga và Pichcha
  • Cô bé đi bán hương trầm bằng xe đạp
  • Cô bé chết trong một vụ tai nạn gây ra bởi một chiếc xe rất lớn

Sau đó, anh đi cùng với người anh rể của mình – một người không tin có sự đầu thai – đến đó để tìm xem có người nào trùng khớp với những thông tin đó hay không. Họ đến ngôi đền Kelaniya và lên một chuyến phà vượt sông. Ở đó, họ đã hỏi về những người làm hương trầm và biết được rằng trong vùng có ba hộ gia đình sản xuất hương trầm. Người chủ của một trong số đó gọi các nhãn hiệu của mình là Ambiga và Geta Pichcha. Anh rể và cũng là trợ lý của người đó – Jinadasa Perera – đã bị chết bởi một chiếc xe buýt khi đang đạp xe đưa hương trầm đến chợ hai năm trước khi Purnima được sinh ra.

Không lâu sau đó, gia đình của Purnima đã đến thăm nhà của người chủ đó. Ở đó, Purnima đã nói rất nhiều câu chính xác về những người trong gia đình và nơi sản xuất, gia đình đó đã chấp nhận cô bé chính là do Jinasada đầu thai. Tiến sĩ Haraldsson bắt đầu điều tra trường hợp này khi Purnima đã bước sang tuổi thứ chín. Ông đã ghi lại 20 câu mà bố mẹ cô bé kể Purnima đã nói ra trước khi hai gia đình gặp mặt. Bên cạnh những câu đã được nhắc đến ở trên, chúng còn bao gồm tên của mẹ và vợ của Jinasada cũng như tên của ngôi trường Jinasada đã từng học. Tiến sĩ Haraldsson xác nhận rằng trong số đó có 14 câu trùng khớp với cuộc đời của Jinasada. Có ba câu không đúng và không thể kiểm tra được mức độ chính xác của ba câu còn lại. Ông cũng đã lấy được biên bản khám nghiệm tử thi của Jinasada, trong đó có ghi lại những chỗ gãy ở xương sườn bên trái, một lá lách bị rách và các vết xước chạy dọc từ vài phải xuống vùng bụng dưới bên trái. Những vết thương này tương tự như những vết bớt có trên ngực và sườn của Purnima.

Trường hợp này thách thức những nỗ lực nhằm đưa ra một cách giải thích nhanh chóng và bình thường cho hiện tượng này. Theo những gì đã biết, hai gia đình này, sống cách nhau 232 km, là những người hoàn toàn xa lạ và Purnima không có cách nào để biết được về cái chết của Jinasada trước khi hai nhà gặp nhau. Giả thiết do tình cờ rất ít khả năng xảy ra, vì Purnima đã nói ra những chi tiết rất cụ thể, bao gồm cả tên của các nhãn hiệu hương trầm. Cũng có thể những người cung cấp thông tin đều nhớ nhầm nhưng mức độ thuyết phục của trường hợp này lại càng được củng cố bởi sự hiện diện của một người trung gian là người thầy giáo – người không có quan hệ gì với hai gia đình và đã đi tìm kiếm người tiền kiếp trước khi hai bên gặp nhau. Vết bớt cũng rất lớn và nổi bật, nó cũng trùng khớp với các vết thương của người kiếp trước.

Một cách để lý giải những trường hợp có bớt

Cho dù có tin vào hiện tượng đầu thai, chúng ta cũng có thể tự hỏi làm thế nào mà một vết thương trên cơ thể một người lại có thể xuất hiện trên cơ thể người sinh ra sau đó. Chúng ta có thể lý giải vì sao điều này lại có thể xảy ra bằng cách xem xét những nghiên cứu về mối quan hệ giữa các vấn đề tâm lý và thể xác. Đầu tiền, các nghiên cứu đã cho thấy các yếu tố tinh thần có thể gây ra những thay đổi trên cơ thể. Chẳng hạn như các cơn căng thẳng có thể là một nguyên nhân gây bệnh vì nó mang lại những thay đổi trong các kích thích tố và đường thần kinh, hậu quả là khả năng chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch trở nên yếu đi. Tương tự, đã có ví dụ cho thấy sự tuyệt vọng có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc ung thư. Một điều ít được chấp nhận hơn và không thể hiểu nổi là việc những hình ảnh trong đầu có thể tạo ra những thay đổi trên cơ thể, và đây chính là điều chúng ta cần xem xét để có thể giải thích được những trường hợp có bớt này.

Tiến sĩ Stevenson đã đưa ra các bằng chứng tại phần đầu của cuốn Reincarnation and Biology (Đầu thai và sinh học). Ông bắt đầu với những dấu Chúa. Đây là những vết thương trên da một số người mộ đạo thường rất giống với các vết thương đóng đinh trên cơ thể chúa Jesus được miêu tả trong cuốn Kinh Thánh. Thánh Francis của xứ Assiri rất có thể đã là người có dấu Chúa đầu tiên và kể từ thời của ông đến nay đã có những lời đồn về hơn 350 trường hợp có dấu Chúa khác. Lúc đầu, những trường hợp này được cho là các phép màu nhưng người ta quan sát thấy chúng xuất hiện cả trên những người không thể nào được coi là thánh. Chúng thường hiện lên khi những người này quá nhập tâm vào một nghi thức tôn giáo nào đó và được cho là có nguồn gốc tinh thần. Mặc dù người ta đã phát hiện ra một số vụ lừa gạt – những người cố tình gây ra vết thương cho chính mình bằng cách sử dụng chất kích thích hóa học hoặc thậm chí cả sơn.

Một ví dụ khác về những thay đổi trên cơ thể có nguồn gốc tinh thầntrường hợp đã xảy ra với một số người khi bị thôi mien. Theo những gì Tiến sĩ Stevenson ghi lại, có bằng chứng cho thấy những lời gợi ý trong lúc thôi miên có thể gây ra nhiều biến đổi khác nhau trong cơ thể; chẳng hạn như không chỉ cảm giác khát mà còn những thay đổi ở thận khi mất nước, thay dổi về nhịp tim, sự cầm máu, thay đổi về thời gian hành kinh ở phụ nữ, thậm chí hiện tượng ngực to ra.

Bên cạnh đó, người ta cũng công bố một số trường hợp khác trong đó nhà thôi miên tạo ra những vết phồng rộp trên cơ thể đối tượng thôi miên bằng cách nói họ đang bị đốt rồi chạm vào người họ với một vật mát, chẳng hạn như đầu ngón tay. Trong một số trường hợp, các nhà thôi miên sử dụng một vật giống một chữ cái hoặc các biểu tượng dễ nhận khác và các vết thương tạo ra sau đó có hình dạng y như thế. Có một trường hợp có cả dấu Chúa và những vết thương do thôi miên, trong đó một người trong lúc bị thôi miên đã có những vết thương chảy máu trên chân và lòng bàn tay cùng với một số vết thương hình tam giác trên trán trông như thể do một vòng gai gây ra.

Trong một kiểu trường hợp khác, các đối tượng đã “sống lại” những trải nghiệm đau đớn dưới tác dụng của thuốc hoặc thuật thôi miên và sau đó trên da của họ hiện lên những vết giống với các vết thương họ đã phải chịu như trong thực tế. Trong một trường hợp đáng chú ý, một người đàn ông trải nghiệm lại một sự kiện trong đó anh bị người khác dùng dây thừng trói tay ra đằng sau. Trên cánh tay anh đã hiện lên những vết hằn trông giống như vết buộc dây thừng. Giới khoa học chính thống đã gặp khó khăn trong việc tìm ra cơ chế giải thích cho những trường hợp như thế này, vậy nên phần lớn họ đều bỏ qua chúng.

Tất cả chúng ta có thể đồng ý rằng thuật thôi miên có thể sử dụng các hình ảnh tinh thần để tạo ra ít nhất một sự thay đổi sinh lý trên cơ thể một số người. Nhưng chúng tôi vẫn chưa vạch ra được cơ chế lý giải làm thế nào một người có thể bị phồng da khi nghĩ mình bị bỏng hoặc có vết buộc dây thừng khi phải sống lại khoảng thời gian bị trói nhưng chúng tôi nhận thấy rằng những hiện tượng này chỉ có sự khác biệt rất ít so với những trường hợp trong đó các hình ảnh tinh thần tạo ra những thay đổi sinh lý đã giải thích được.

Điều chúng tôi muốn nói ở đây là tâm trí có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể mà với trình độ kiến thức hiện giờ chúng ta vẫn chưa thể giải thích được. Tâm trí ở đây không hẳn là bộ não. Tôi đang nói đến suy nghĩ hoặc ý thức tồn tại trong bộ não và tôi sẽ nói kỹ hơn về điểm này khi tôi bàn đến chủ nghĩa duy vật trong Chương 4. Nếu ý thức hoặc tâm trí có thể tồn tại sau khi bộ não chết đi – nếu một phần của chúng ta vẫn tồn tại được sau khi cơ thể của chúng ta chết – và nhập vào một bào thai để được tái sinh, vậy thì nó có thể gây ra những thay đổi trong quá trình phát triển của bào thai cũng như cách nó tạo ra những biến đổi trên một người. Vì có thể coi giai đoạn phát triển trong bào thaithời gian cơ thể dễ bị ảnh hưởng nhất nên chúng ta dễ dàng nhận thấy nếu ý thức nhập vào một bào thaimang theo những kí ức chấn thương – những kí ức mà các nghiên cứu trước đây đã cho thấy có thể gây ra một số vết thương nhất định trên một số người thì chúng có thể mang lại những vết bớt hoặc thậm chí là các dị tật tương tự với các vết thương ý thức đó đã phải chịu trong kiếp trước. Nếu quả thật ý thức có thể tồn tại được sau khi chết và chuyển sang kiếp sau thì theo logic, rất có thể những đứa trẻ có bớt này cũng phải trải qua một quá trình tương tự như trong các trường hợp thôi miên ở trên.

Giả thiết này có vẻ hợp lý trong nhiều trường hợp có bớt của chúng tôi. Trong trường hợp của Patrick, cậu bé có các vết bớt và dị tật tương tự như nnững vết thương của Kevin. Nếu tạm thời chúng ta chấp nhận Patrick chính là hiện thân đầu thai của Kevin thì việc cậu bé bị dị tật có vẻ không được công bằng vì em đã phải chịu những chấn thương đó một lần khi còn là Kevin, nhưng ý thức có thể tự động gây ảnh hưởng lên cơ thể và tạo ra những dị tật đó cho dù chúng ta không muốn. Các vết bớt của Patrick khác với nhiều trường hợp có bớt khác ở chỗ chúng không giống với những vết thương chí mạng trên cơ thể người anh trai Kevin của mình, dù Kevin không chết vì bị giết, mà lại tương tự với những vết thương và dị tật chắc hẳn đã gây ra nhiều khổ sở cho Kevin – vết sẹo trên vùng da chỗ bác sĩ sinh thiết khối u, vết sẹo ở cổ nơi Kevin bị gắn một đường dẫn trung tâm vào, con mắt trái bị mờ không nhìn thấy được và cuối cùng là tật đi khập khiễng y như Kevin. Tất cả những điều này chắc chắn đã khiến cậu bé Kevin thấy rất khó chịu và những kí ức chấn thương đó có thể gây ra những vết sẹo trên bào thai đang phát triển của Patrick dù chúng không phải là những vết thương nguy hiểm đến tính mạng.

Chúng ta cũng có thể áp dụng lập luận tương tự vào trường hợp cậu bé Indika có khối u ở mũi tương ứng với các ống dẫn mà người tiền kiếp của cậu đã phải chịu vào cuối đời. Trong trường hợp của Chanai, việc bị bắn chết chắc chắn là một trải nghiệm mạnh mẽ đối với ý thức vẫn tồn tại của cậu bé và tương tự, các vết bớt của Purnima tương ứng với các chấn thương tinh thần và thể xác người tiền kiếp của cô bé khi anh bị một chiếc xe buýt đâm phải.

Trường hợp của Necip phức tạp hơn một chút. Nếu tạm thời có thể chấp nhận cậu bé có thể là kiếp sau của Necip Budak, chúng ta có thể sẽ tự hỏi vì sao em lại có một số vết bớt tương tự với một số vết thương trên người Necip Budak chứ không phải tất cả. Tiến sĩ Stevenson đã đưa ra một giả thiết rằng trong một vụ chấn thương, những vết thương ban đầu sẽ có nhiều khả năng được truyền lại kiếp sau hơn vì lúc chúng hình thành nạn nhân vẫn còn tỉnh táo. Trong trường hợp này, các vết bớt rõ ràng nhất nằm ở trên đầu Necip và cậu bé cũng có bớt trên ngực và bụng. Necip Budak đã bị thương trên đầu, nhưng chính những vết thương trên ngực và bụng mới là những vết chí mạng. Tiến sĩ Stevenson cho rằng nếu Necip bị thương trên đầu trước khi bị ở ngực và bụng thì những vết thương đó chắc hẳn đã ở trong đầu anh lâu hơn trước khi anh bất tỉnh.

Như Tiến sĩ Stevenson vẫn thường chỉ ra, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì những người khám nghiệm thi thể không làm việc cho chúng tôi và họ thường không để ý đến thời gian hình thành các vết thương. Trong trường hợp này , Necip Budak có thể đã không tỉnh táo sau khi bị chấn thương ở đầu, vậy nên những vết thương khác sẽ có ít ảnh hưởng lên ý thức và cơ thể kiếp sau. Chúng ta không có cách nào để biết chắc chắn. Một giả thiết khác là những vết cắt trên tay anh xuất hiện khi anh đang cố bảo vệ mình, vậy nên lúc đó anh vẫn còn một chút tỉnh táo. Tuy thế cậu bé Necip, nhữ đã đề cập đến ở trên, lại không có vết bớt nào trên tay.

Một khả năng khác cần xem xét là những vết thương có ảnh hưởng nhất đến tinh thần sẽ có nhiều khả năng được truyền lại kiếp sau nhất. Thường thì chúng là những vết thương hình thành ngay sau khi một người bị chấn thương và vẫn còn tỉnh táo, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Necip Budak được cho là vẫn tỉnh táo khi bị những vết cắt trên tay cũng như trên thân người, nhưng cậu bé Necip lại không có vết bớt nào trên tay. Chúng ta có thể suy luận rằng sau khi Necip Budak bị va đập ở đầu nhưng vẫn còn nhận thấy mọi chuyện xung quanh, những vết thương anh bị trên thân người gây cho anh nhiều đau đớn hơn những vết cắt trên tay vì chúng nguy hiểm đến tính mạng hơn. Chính vì thế những vết bớt rõ rệt xuất hiện trên đầu Necip và cậu bé cũng có những vết bớt khác mờ hơn ở trên thân mình.

Dĩ nhiên vẫn còn một khả năng nữa, đó là những vết thương trên thân người để lại bớt vì chúng trầm trọng hơn những vết cắt trên tay. Tuy vậy Tiến sĩ Stevenson đã nhận thấy không phải lúc nào những vết thương nguy hiểm cũng gây ra các vết bớt rõ rệt, vậy nên chắc chắn phải còn một yếu tố khác ngoài mức độ trầm trọng của vết thương. Nó có lẽ là một yếu tố nào đó có liên quan đến trạng thái tỉnh táo, có thể là mức độ tỉnh táo tại thời điểm chấn thương hoặc tác động tinh thần lên ý thức.

Những câu hỏi về các trường hợp có bớt

Một câu hỏi nổi bật trong quá trình nghiên cứu các trường hợp này là nếu chấn thương vào cuối đời ở kiếp này có thể dẫn đến các vết bớt và dị tật ở kiếp sau thì tại sao số trẻ được sinh ra với các vết bớt và dị tật lại không lớn hơn? Một cách giải thích cho điều này sử dụng lý giải về thôi miên. Một số người phản ứng với thôi miên mạnh hơn những người khác. Sự thật là có một số người lại không thể nào bị thôi miên được. Trong trường hợp tái sinh, chúng ta cũng có thể nói một số người sẽ dễ bị dị tật liên quan đến các chấn thương kiếp trước hơn so với những người khác. Thuật thôi miên không thể tạo ra dấu vết trên da của hầu hết mọi người, nhưng có một số người đặc biệt nhạy cảm với nó. Tương tự như vậy, những chấn thương vào lúc chết có thể ít có khả năng gây ảnh hưởng lên bào thai kiếp sau của phần đông mọi người nhưng một số cá nhân có thể lại dễ bị tác động bởi chúng.

Chúng tôi không biết chắc chắn những yếu tố nào có thể quyết định mức độ dễ bị ảnh hưởng của một người trước quá trình truyền lại chấn thương, nhưng một trong số đó có thể là tín ngưỡng văn hóa. Nếu trong nền văn hóa có một tín ngưỡng rằng chấn thương kiếp trước có thể ảnh hưởng đến một bào thai đang phát triển thì những người sống trong nền văn hóa đó có thể dễ bị dị tật hơn những cá nhân sống trong các nền văn hóa khác. Khi bị thôi miên, dự đoán của một người về những việc có thể xảy ra trong quá trình thôi miên có thể tác động đến những việc xảy ra thật sự. Tương tự như vậy, các tín ngưỡng của một người về sự sống và cái chết có thể có ảnh hưởng lên những sự việc kiếp sau, như các vết bớt chẳng hạn.

Điều này ít nhất có thể lý giải được vì sao các trường hợp có bớt lại xảy ra thường xuyên hơn ở một số nơi so với những nơi khác. Ngoại trừ trường hợp của Patrick, chúng tôi có rất ít các trường hợp xảy ra ở Mỹ. Thái độ hoài nghi về hiện tượng này có thể khiến người Mỹ ít bị các vết bớt liên quan đến chấn thương kiếp trước hơn những người ở các nước khác.

Tuy vậy, tôi vẫn phải nói rằng các trường hợp có bớt không phải lúc nào cũng phản ánh các tín ngưỡng tôn giáo trong nhiều cộng đồng nơi các trường hợp được phát hiện ra. Quan niệm nhân quảquan niệm chủ chốt trong tín ngưỡng của đạo Ấn và đạo Phật – cho rằng môi trường trong đó một người được đầu thai trở lại được quyết định bởi tư cách đạo đức của người đó trong kiếp trước. Dựa vào đó, chúng ta có thể suy ra rằng chính kẻ sát nhân chứ không phải nạn nhân mới là người phải chịu những vết bớt và dị tật ở kiếp sau do phải trả món nợ nhân quả, nhưng đó không phải là điều chúng ta đã thấy. Chúng tôi chỉ có ba trường hợp trong đó trẻ nghĩ rằng các dị tật bẩm sinh của mình chính là sự trừng phạt cho những việc mình nhớ được từ kiếp trước. Một cậu bé ở Sri Lanka tên Wijeratne nhớ được cuộc đời của chú mình – một người đã bị treo cổ 18 năm trước khi Wijeratne được sinh ra vì tội đâm một người phụ nữ sau khi cô hủy bỏ đám cưới giữa họ. Wijeratne chào đời với một cánh tay và bàn tay phải bị tật, cả hai đều ngắn hơn bình thường và ngực bên phải của cậu bé bị thiếu một cơ ngực. Wijeratne nói cậu có một tay bị tật vì trong kiếp trước cậu đã dùng tay đó để giết chết người phụ nữ.

Trong tất cả các trường hợp còn lại, trẻ đều kể trong kiếp trước mình đã bị các vết thương mà sau này được truyền lại cho cơ thể mới, thế nên, với những trường hợp này, sẽ thích hợp hơn nếu chúng ta áp dụng giả thiết chính các hình ảnh tinh thần hoặc kí ức đã tạo ra các thay đổi trên cơ thể. Tuy vậy, sức khỏe và cơ thể của những người sống trong những nền văn hóa này nói chung dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tinh thần hơn, vì thế sự nhạy cảm đó có thể khiến họ dễ bị các vết bớt liên quan đến kiếp trước cho dù chúng không phù hợp với quan niệm về nhân quả của họ.

Bên cạnh sự khác biệt văn hóa, chúng ta cũng cần phải xét đến những quan điểm khác nhau giữa các cá nhân. Mặc dù ở nhiều nước khác, nguyên nhân kiếp trước cho những vết bớt và dị tật dễ dàng được chấp nhận hơn so với Mỹ nhưng suy nghĩ của mỗi người vẫn có thể khác nhau. Người dân ở những nền văn hóa nơi các trường hợp được phát hiện raniềm tin ở các mức độ khác nhau vào sự đầu thai, cũng như ở Mỹ tín ngưỡng, tôn giáo, cá nhân khác nhau có thể ảnh hưởng đến khả năng người đó bị các vết bớt ở kiếp sau. Tương tự như vậy, các tín ngưỡng văn hóa nói chung ở Mỹ không bao gồm tín ngưỡng vào sự đầu thai, nhưng một số người vẫn cho rằng mình sẽ được tái sinh. Một ví dụ là William – cậu bé tôi đã nhắc đến trong Chương Một – em đã được sinh ra với một dị tật ở tim tương tự với những vết thương chí mạng ông ngoại em đã phải chịu trong vụ nổ súng. Ông ngoại em là một tín đồ đạo Thiên Chúa giáo La Mã nhưng ông cũng tin vào sự đầu thai. Có thể tín ngưỡng đó đã khiến ông dễ bị dị tật liên quan đến các vết thương chí mạng của mình hơn trong kiếp sau.

Một vấn đề khác nổi lên là tại sao trong nhiều trường hợp các vết bớt hay dị tật lại nằm ngoài da. Một số trẻ bị cụt ngón tay, ngón chân, nhưng chỉ có rất ít em bị nội thương. Chúng ta chỉ có thể dự đoán về nguyên nhân gây ra điều này, nhưng nó cũng có thể liên quan đến ý thức. Chúng ta nhận biết các vết thương ngoài da rõ hơn những chấn thương của các cơ quan bên trong, vì thế chúng ta dễ mang theo kí ức về những vết thương đó sang kiếp sau hơn. Tương tự như vậy, nếu một người đàn ông bị chặt các ngón tay trước lúc bị giết thì anh ta chắc chắn sẽ nhận biết được chuyện gì đang xảy ra, nhưng anh ta có thể không biết được rằng gan của mình đã bị xé rách bởi một viên đạn. Dị tật có thể bắt nguồn từ ý thức của người kiếp trước về các vết thương và có thể các cơ quan nội tạng không ảnh hưởng gì vì nạn nhân không nhận biết được các vết thương bên trong cơ thể.

Trường hợp của William là một ngoại lệ. Nếu dị tật ở tim cậu bé là hiện thân của các vết thương trên người ông ngoại em, chúng ta có thể sẽ thắc mắc tại sao em không có ít nhất một vết bớt khác trên ngực đi kèm với dị tật này. Tôi không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó nhưng tôi tự hỏi liệu người ông ngoại có nghĩ rằng cơn đau trong ngực mình là do mình đã bị bắn vào tim hay không. Chắc hẳn ông đã để ý đến vết thương trong tim hơn chấn thương ngoài da. Vấn đề lại càng phức tạp hơn vì tuy William không có vết bớt nào trên ngực đi kèm với dị tật ở tim nhưng cậu bé lại có một vết bớt ở cổ có thể có liên quan đến cái chết của ông ngoại. Carol Bowman giới thiệu tôi cho William và mẹ cậu bé. Khi tôi gặp họ lần đầu, mẹ cậu bé không cho biết em có vết bớt trên cơ thể. Trong những lần trao đổi thư từ tiếp theo, chị có viết cậu bé có một vết bớt trên cổ nằm dưới tai trái và chị đã gửi cho tôi một bức ảnh chụp hình nó. Vết bớt này nằm cùng với vị trí với vùng thâm tím trên cổ của ông ngoại William, được ghi lại trong biên bản khám nghiệm thi thể của ông. Vết bầm đó chắc hẳn đã rất nghiêm trọng vì nó được đưa vào đoạn báo cáo khám nghiệm ngoại thương trong biên bản. Sự thật rằng mẹ William nghĩ rằng bố mình đã bị bắn vào chỗ đó, nhưng vì biên bản khám nghiệm không nhắc đến một vết thương do đạn bắn nào nằm ở đó nên vết bầm có thể là hậu quả của việc một viên đạn bay sượt qua vùng cổ. Cùng với dị tật ở tim tương tự với chấn thương ông ngoại mình đã phải chịu, William còn có một vết bớt giống với vết bầm trên nhưng lại không có bất cứ vết bớt nào tương ứng với những vết thương do đạn bắn trên cơ thể của ông ngoại. Chúng tôi suy đoán rằng có thể ông ngoại của William đã nhận ra vết xước trên cổ trước khi tập trung vào vết thương nguy hiểm ở tim, và ông đã không chú ý lắm đến hậu quả của viên đạn khác.

Trường hợp của William cũng giúp chỉ ra một yếu tố khác đứng đằng sau việc có ít trường hợp bị dị tật ở các cơ quan bên trong cơ thể. Một đứa bé được sinh ra trong một ngôi làng Châu Á với một dị tật ở tim như William chắc hẳn sẽ chết sau đó vài ngày, nếu không sớm hơn. Em sẽ không bao giờ có cơ hội kể về cuộc sống kiếp trướcchúng tôi sẽ không bao giờ biết đến trường hợp của em. Có thể các trường hợp bị dị tật bên trong vẫn xảy ra, nhưng chúng không được biết đến vì trẻ đã chết ở độ tuổi rất nhỏ.

Những vết bớt tạo trước

Như tôi đã nói từ trước, nghi thức tạo trước vết bớt được thực hiện ở một số nước Châu Á. Một người nào đó – thường là một người thân trong nhà hoặc một người bạn của gia đìnhđánh dấu lên cơ thể của một người đang hấp hối hoặc đã chết, thường là bằng nhọ nồi hoặc bột hồ, với niềm tin rằng khi người đó được tái sinh, đứa bé sẽ mang một vết bớt tương tự với vết đánh dấu này. Người đánh dấu thường cầu nguyện trong lúc thực hiện nghi thức và xin người đang hấp hối hãy mang theo dấu vết này sang cơ thể mới của mình. Sau này một đứa trẻ được sinh ra với một vết bớt được cho là giống với vết đánh dấu trên cơ thể người tiền kiếp.

Tiến sĩ Stevenson là người đầu tiên ở phương Tây miêu tả trọn vẹn nghi thức này nhưng nhiều tác giả khác đã từng đề cập đến nó. Chẳng hạn trong cuốn tự truyện của mình, Đạt Lai Lạt Ma đã từng viết về một trường hợp xảy ra trong gia đình ông. Em trai ông chết khi mới được hai tuổi. Mọi người đã bôi bơ lên người cậu bé sau khi em mất và mẹ ông sau đó đã hạ sinh một đứa con trai khác có một vết bớt mờ ở cùng vị trí với vết đánh dấu trên cơ thể ban đầu.

Trường hợp đó khá điển hình cho những trường hợp chúng tôi đã phát hiện được. Tiến sĩ Stevenson đã miêu tả 20 trường hợp như vậy trong cuốn Reincarnation and Biology (Đầu thai và sinh học), Jurgen và tôi cũng tìm thêm được 18 trường hợp trong các chuyến đi tới Thái Lan và Myanmar. Chúng ta có thể lấy ví dụ là một trường hợp Tiến sĩ Keil và tôi đã nghiên cứuKloy Matwiset là một cậu bé được sinh ra ở Thái Lan vào năm 1990. 11 tháng trước khi cậu bé chào đời, bà ngoại của cậu đã chết vì bệnh tiểu đường. Trước khi chết bà nói với con dâu của mình rằng bà muốn được đầu thai làm con trai để có thể có nhân tình như chồng của mình. Một ngày sau khi bà qua đời, con dâu của bà dùng bột hồ trắng quét dọc lên đằng sau cổ của bà với mong muốn sẽ nhận ra được mẹ chồng của mình khi bà được đầu thai trở lại.

Mẹ của Kloy có một giấc mộng điềm báo khi chị có thai ở tháng thứ ba, trong đó mẹ chị nói bà muốn được đầu thai làm con của chị. Mẹ cậu bé đã thấy vết đánh dấu trên người bà. Khi Kloy được sinh ra, chị nhận thấy con mình có một vết bớt đằng sau cổ ở cùng một chỗ với vết đánh dấu. Chúng tôi gặp cậu bé và nhìn thấy một vết bớt dọc nhạt màu rất rõ ở đằng sau cổ cậu bé có hình dạng tương tự như một vết quệt ngón tay. Người đánh dấu đã xác nhận rằng vết bớt khác thường này ở cùng một vị trí với chỗ chị đã tạo dấu lên cơ thể người bà.

Khi Kloy còn khá nhỏ cậu bé đã nói một số câu về cuộc sống kiếp trước của mình. Cậu bé nói mình chính là bà ngoại và bảo với mẹ mình rằng em là mẹ của chị. Cậu cũng nói cánh đồng lúa của bà ngoại thuộc về mình. Thêm vào đó, cậu bé còn có một số cách cư xử rất nữ tính. Cậu bé nói muốn làm con gái và khi còn nhỏ, em thường ngồi xuống để đi tiểu. Em cũng thích mặc đồ con gái; dùng son, khuyên tai và váy của mẹ rất nhiều lần. Ở trường, cậu thích chơi và học cùng các bạn gái hơn các bạn trai, cậu không tham gia vào các trò chơi dành cho con trai ở vùng đó.

Các cách cư xử này cho thấy cậu bé bị mắc một hội chứng gọi là hội chứng rối loạn giới tính, tôi sẽ bàn kỹ hơn về những hành động như vậy trong Chương 6. Giờ tôi muốn tập trung vào vết bớt và nguyên nhân hình thành của nó. Dĩ nhiên có một khả năng là sự ngẫu nhiên. Nhưng nó sẽ không giải thích được các đặc điểm khác của trường hợp này. Ngoài ra, để nói được rằng vết bớt này chỉ ngẫu nhiên xuất hiện sau khi con dâu của người tiền kiếp muốn tạo ra chính một vết như vậy, chúng ta sẽ phải mở rông giả thiết ngẫu nhiên này.

Một khả năng khác cần xem xét là mặc dù đứa trẻ không phải là hiện thân của người tiền kiếp nhưng chính lời ước và nguyện vọng của người mẹ đã tạo ra vết bớt. Vì trong hầu hết các trường hợp có vết bớt, trẻ và người tiền kiếp là người cùng một gia đình, nên thường thì mẹ của trẻ đã nhìn thấy hoặc ít nhất cũng biết về vết đánh dấu đó. Lúc này câu hỏi của chúng ta là liệu việc người mẹ mong muốn người đã chết đầu thai làm con mình có thể khiến chị hạ sinh một đứa trẻ có vết bớt tạo trước đó hay không. Khi xem xét giả thiết này, một lần nữa chúng ta lại phải nhớ lại các trường hợp thôi miên. Nếu một hình ảnh trong đầu có thể gây ra một dấu vết trên da một người, vậy thì liệu hình ảnh trong đầu một người mẹ có thể tạo ra vết trên da của một bào thai đang phát triển hay không? Nó sẽ tương tự với các trường hợp nhận dấu ấn từ mẹ – một quan niệm phổ biến từ cuối thế kỷ XIX(19) được dùng để miêu tả những trường hợp trong đó một người mẹ mang thai thấy bất an khi phải chứng kiến dị tật trên thân một người khác sau đó lại hạ sinh ra một đứa trẻ có cùng dị tật đó. Nhiều người đã cho rằng hiện tượng này thật phi lý vì họ không thể tìm ra một cơ chế nào để giải thích cho nó, mặc dù bây giờ chúng ta biết rằng màng bảo vệ nhau có nhiều lỗ hổng hơn nhiều người vẫn nghĩ. Tiến sĩ Stevenson đã liệt kê nhiều trường hợp nhận dấu từ mẹ đã được công bố trong cuốn Reincarnation and Biology(Đầu thai và sinh học) và chúng bao gồm một số trường hợp có sự ngẫu nhiên đến kỳ lạ. Nổi bật nhất có lẽ là trường hợp một người phụ nữ mang thai, sau một thời gian phiền muộn vì các vết thương để lại trên người em trai mình sau ca phẫu thuật cắt bỏ dương vật bị ung thư, đã hạ sinh một cậu bé bị thiếu dương vật bẩm sinh – một dị tật hầu như chưa thấy bao giờ.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các trường hợp vết bớt tạo trước cũng khác các trường hợp thôi miên và nhận dấu ấn từ mẹ ở ít nhât một điểm. Bị thôi miên rõ ràng là một trạng thái tinh thần không bình thườngtương tự như vậy, hầu hết những người mẹ gây dấu ấn cho con đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ về mặt tinh thần bởi những dị tật họ nhìn thấy. Trong các trường hợp vết bớt tạo trước, người mẹ, mặc dù có thể rất đau buồn vì cái chết của một người thân trong gia đình, thường đã nhìn thấy vết đánh dấu nhưng không đặc biệt xúc động trước chúng. Hơn nữa, thường thì người mẹ nhìn thấy vết đánh dấu một thời gian trước khi mang thai và mặc dù chúng ta đều có thể đoán được rằng thời gian mang thai là khoảng thời gian ý thức chấn thương dễ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai nhất, nếu cho rằng hình ảnh người mẹ đã nhìn thấy từ nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi mang thai có thể tạo ra dấu vết trên cơ thể con mình nghe kém lôgic hơn. Có lẽ chúng ta có thể xét đến khả năng mong muốn của người mẹ rằng con mình chính là hiện thân của người đã chết lớn đến nỗi nó đã khiến người mẹ sinh ra một đứa bé có một vết bớt tương tự vết đánh dấu trên người đó. Dĩ nhiên cách giải thích như thế vẫn không lý giải được cho những câu nói và hành động của trẻ trong một số trường hợp.

Còn về giả thiết đầu thai, chúng tôi gặp vấn đề về thời điểm đánh dấu. Đôi khi các vết này được đánh dấu khi người đó đang hấp hối, nhưng thường thì sau khi người đó đã chết. Trong một vài trường hợp, thi thể một người được đánh dấu vài ngày sau khi người đó qua đời hoặc vào lúc đầu của nghi thức hỏa táng. Khi đó, sẽ phải có nhiều yếu tố góp phần tạo ra vết bớt chứ không chỉ là vết đánh dấu trên cơ thể vì nghi thức hỏa táng ngay sau đó có thể sẽ tạo ra kết quả như nghi thức đánh dấu và đứa bé được sinh ra sau này không hề có dấu vết nào cho thấy ảnh hưởng của nó.

ít nhất hai khả năng đáng được xem xét. Khả năng thứ nhất là ý thức có thể ở gần cơ thể một thời gian sau khi chết, điều này phù hợp với một số lời kể chúng tôi nghe được từ trẻ về lễ tang của người tiền kiếp (đề cập ở Chương 8). Một khả năng khác chính là lời cầu nguyện của người đánh dấu. Khi người đó cầu nguyện cho người chết mang theo dấu này sang kiếp sau, ý thức của người đánh dấu có thể kết nối với ý thức của người chết để tạo ra vết bớt về sau. Chúng ta có thể đoán được rằng thời gian xung quanh cái chết là một khoảng thời gian đặc biệt nhạy cảm và lời cầu nguyện này sẽ có tác dụng gần như một lời thôi miên làm vết bớt xuất hiện trên đứa trẻ được sinh ra sau này.

Trong bất cứ trường hợp nào thì những vết bớt (tạo trước) này cũng rất khó giải thích và chúng có thể cung cấp cho chúng ta một số manh mối về hiện tượng đầu thai nói chung. Chúng cho thấy các vết bớt có thể bắt nguồn từ cả những vết đánh dấu trước và sau cái chết. Nếu đây là những trường hợp đầu thai, điều này sẽ chỉ ra rằng ý thức có thể bị ảnh hưởng bởi những sự kiện xảy ra ít nhất là một khoảng thời gian sau cái chết. Chúng cũng cho thấy, ít nhất là đối với tôi, các vết bớt này có nhiều nguyên nhân chứ không chỉ mỗi vết thương trên cơ thể người chết. Điều này khá hợp lý xét về một mặt nào đó vì chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc lý giải vì sao ý thức lại có thể mang theo một vết thương mà không cần tới cơ thể. Nếu chúng ta đặt giả thiết vết thương thể xác sẽ tạo ra một hình ảnh tinh thần thì ý kiến cho rằng hình ảnh tinh thần đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của một bào thai khi ý thức đã nhập vào nó khá hợp lý nếu chúng ta xét đến các tác động của hình ảnh tinh thần trong các trường hợp đặc biệt khác.

Các cách giải thích

Trong quá trình đi tìm lời giải thích cho các trường hợp có bớt nói chung, chúng tôi nhận thấy trong nhiều trường hợp, gia đình của trẻ đã biết về cái chết của người tiền kiếp trước khi trẻ được sinh ra, vì người đó là một người thân trong gia đình, một người bạn, hoặc ít nhất là một người quen. Trong những trường hợp như thế, nếu chỉ sử dụng các giả thiết nguyên nhân tự nhiên thì chúng ta không thể cho rằng chính việc bố mẹ trẻ biết cái chết là nguyên nhân dẫn đến các vết bớt hay dị tật, nhưng chúng ta vẫn có thể suy luận rằng chính các vết bớt và dị tật đã khiến các bậc bố mẹ nghĩ con mình là do người đã chết đầu thai. Sau đó, chúng ta có thể thử giải thích các câu nói của trẻ bằng giả thiết về thông tin biết được qua các cách bình thường hoặc giả thiết về trí nhớ sai của những người cung cấp thông tin, như tôi sẽ trình bày dưới đây. Sau khi cho rằng con mình là do người khác đầu thai, các bậc bố mẹ có thể truyền ý tưởng đó vào đầu đứa bé và khiến nó dần dần cũng tin vào chuyện này. Trẻ sẽ bắt đầu tự nhận mình là người kiếp trước và có thể biết được một số chi tiết về cuộc đời của người mà trẻ nói là kí ức về tiền kiếp. Ngoài ra, vì háo hức, các bậc bố mẹ cũng có thể diễn giải nhầm các câu nói của trẻ thành dấu hiệu cho thấy trẻ biết nhiều về cuộc sống kiếp trước trong khi sự thật không phải như thế. Trong trường hợp nào đi nữa, niềm tin ban đầu của bố mẹ cũng sẽ được khẳng định bởi những câu nói của trẻ và tất cả những người liên quan sẽ tin rằng trẻ chính là do người kiếp trước đầu thai.

Tất cả những điều này đều đi ngược lại với những lời làm chứng thường thấy từ các gia đình về việc trẻ không thể nào biết được thông tin về người đã chết trong cuộc đời hiện tại, mặc dù gia đình trẻ quen biết người đó. Bỏ qua vấn đề này, chúng ta vẫn còn các vết bớt và dị tật cần giải thíchchúng ta nên nhớ trong đó có một số bớt và dị tật rất khác thường. Trong trường hợp của Patrick Christenson – cậu bé có ba vết bớt không bình thường – và em cũng đi khập khiễng khi đến tuổi tập đi. Sự kết hợp như vậy thật kỳ lạ trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng sự thật rằng tất cả những dị tật này của em đều tương tự với những dị tật của người anh trai cùng mẹ khác cha đã chết của em lại càng làm trường hợp này thêm khác thường. Tương tự như vậy, Chanai Choomalaiwong có một vết bớt nhỏ hình tròn ở đằng sau đầu trông giống như một vết thương do đạn bắn vào, một vết lớn và có hình dạng kỳ lạ hơn ở trên trán tương tự như một vết đạn bắn ra. Tự bản thân chúng đã rất kỳ lạ, nhưng khi đặt chúng cạnh những câu nói của cậu bé về cuộc đời của một thầy giáo bị bắn chết từ phía sau, chúng càng trở nên bất thường hơn. Trong những trường hợp này, khả năng ngẫu nhiên là rất nhỏ và không được giải thích thỏa đáng.

Khi chúng ta xét đến những trường hợp trong đó gia đình trẻ chưa từng nghe đến người đã chết, một cách giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên lại càng khó áp dụng hơn. Indika Ishwara và Purnima Ekanayake không những có các vết bớt và còn nói rất nhiều về những người xa lạ đã chết ở cách nhà các em rất xa. Những câu nói đó đã được xác nhận là đúng với một người đã chết có một vết thương tương tự với vết bớt trên người các em.

Một lần nữa chúng ta có thể dùng giả thiết ngẫu nhiên để lý giải các vết bớt, nhưng chúng ta còn phải giải thích những câu nói. Sự ngẫu nhiên cũng có giới hạn và trong trường hợp của Purnima, em nói ra 20 câu về người đã chết bao gồm các chi tiết về một thợ làm hương trầm bị chết trên một chiếc xe đạp và thậm chí là tên chính xác của các nhãn hiệu hương trầm, những nhãn hiệu không được bày bán trong thị trấn của em.

Thông tin đạt được bằng những cách thông thường cũng có thể là một cách giải thích nếu người đã chết sống trong cùng một cộng đồng với trẻ, nhưng nó dường như không thỏa đáng trong những trường hợp như của Purnima khi người tiền kiếp sống cách nhà của trẻ 232 km. Một cách giải thích khác là những người cung cấp thông tin đã nhớ nhầm. Theo cách này, Purnima và những đứa trẻ khác như em không thật sự nói ra những câu mà mọi người đã gán cho các em.

Vì vậy, trong các trường hợp trẻ có bớt và người tiền kiếp sống cách trẻ một khoảng cách rất xa, chúng ta chỉ có thể nói rằng các vết bớt xảy ra do một sự ngẫu nhiên kỳ lạ và người cung cấp thông tin đã nhớ sai về các câu nói của trẻ. Ngoài ra không còn cách giải thích theo nguyên nhân tự nhiên nào hợp lý.

Còn về các giả thiết sử dụng hiện tượng siêu nhiên, khả năng ngoại cảm không phải là một cách giải thích dễ dàng cho các trường hợp có bớt vì rõ ràng chúng liên quan đến nhiều yếu tố chứ không chỉ mỗi sự thu nhận thông tin bằng các cách siêu nhiên. Tương tự như vậy, chừng nào chúng ta còn nghĩ vong nhập là một hiện tượng xảy ra sau khi trẻ sinh ra thì nó không thể là một cách lý giải cho các vết bớt. Trái lại, như chúng tôi đã phân tích ở trên, giả thiết đầu thai lại có thể giải thích được thông qua lập luận rằng ý thức đã bị ảnh hưởng bởi chấn thương gây tổn hại cho cơ thể đến nỗi nó tác động lên sự phát triển của bào thai và tạo ra một vết tương tự. Hơn nữa, trẻ còn thuật lại được kí ức về cuộc sống của người có những vết thương tương tự nên đầu thai rõ ràng là cách giải thích bằng hiện tượng siêu nhiên khả dĩ nhất trường hợp này.

Để tóm tắt lại quá trình nghiên cứu các trường hợp có bớt, chúng tôi có thể nói rằng mặc dù hầu hết các trường hợp đều xảy ra giữa những người thân trong gia đình hoặc bạn bè, vẫn có một số trường hợp khác trong đó trẻ và người đã chết hoàn toàn xa lạ với nhau. Nếu đây là những trường hợp đầu thai thì cơ chế giải thích khả dĩ sẽ liên quan đến hình ảnh tinh thần đã được ý thức tồn tại ghi nhớ và các trường hợp vết bớt tạo trước cho thấy quá trình ghi nhớ này thậm chí có thể xảy ra một thời gian ngắn sau cái chết của người tiền kiếp.

Tạo bài viết
11/04/2023(Xem: 3503)
19/10/2016(Xem: 12165)
08/08/2010(Xem: 110390)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: