Thư Viện Hoa Sen

Bạn già quanh tôi: ông bạn di tản 75

01/09/20142:55 CH(Xem: 6098)
Bạn già quanh tôi: ông bạn di tản 75

BẠN GIÀ QUANH TÔI: ÔNG BẠN DI TẢN 75

Vũ Khanh

 

Anh Liên là ngưồi đến Mỹ sớm nhất trong đám chúng tôi. Vừa rồi tôi điện thoại thăm anh. Sau vài câu trao đổi thường lệ về sức khỏe, sinh hoạt có gì lạ, anh cho biết sắp về VN và lần này là lần thứ 28. Tôi buột miệng khen vừa hỏi :

Thế là nhất anh rồi, vẫn là việc từ thiện mổ mắt chứ?

Đúng vậy, nhưng lần này có thể tôi sẽ ở bên đó lâu hơn chứ không một, hai tháng như thường lệ.

Tôi hỏi đùa tiếp : Nghe đồn Tầu cộng đe dọa sắp dạy cho Việt cộng bài học thứ hai anh không sợ sao?

Hơi đâu mà sợ cho bận tâm anh ơi, đời là vô thường mà.

Anh đáp lại, giọng bình thản nhẹ nhàng. Tôi chợt nhớ ra mấy lúc sau này trong câu chuyện, anh thường xen vào chút ít giáo lý nhà Phật nghe rất hay và bổ ích, nhưng sợ câu chuyện kéo dài như lần trước, tôi vội chuyển sang đề tài khác. Chúng tôi trao đổi với nhau về nhiều thứ, từ bạn bè xa gần, chuyện trong cộng đồng, chuyện bầu cử Tổng Thống của Mỹ v..v.. rất thân tình vui vẻ như bao nhiêu lần trước. Lúc sau cuộc điện đàm chấm dứt nhưng con người anh và những hoạt động của anh những năm gần đây vẫn còn lảng vảng trong tôi.

Chúng tôi cùng quân chủng khi còn quân lực VNCH, sang bên xứ người này cùng cảnh ngộ nên dễ thân nhau hơn, nhất là chúng tôi lại ở hai thành phố sát bên nhau, dễ dàng tới lui gặp nhau khi cần. Anh Liên lúc nào cũng vui vẻ cởi mở, nói chuyện hoạt bát đôi lúc pha chút dí dỏm làm người nghe rất dễ có cảm tình. Bạn bè thân thiết còn biết anh rất thông minh, giao thiệp rộng và tử tế, giầu lòng nhân ái. Anh đã thành công ngay từ khi còn hồi trai trẻ trong thời gian được chánh phủ cho đi học chuyên môn tại một trường ở Pháp vào những năm đầu thập niên 1950 cũng như ngoài đời sau khi về nước. Lúc học ở Pháp anh được chọn làm huấn luyện viên, một chức vụ chỉ dành cho ai giỏi, xuất sắc nhất trong đám khoá sinh mấy chục người. Với nhiệm vụ này anh đặc biệt không phải về nước ngay sau khi mãn khoá học như bao anh em khác mà được ở lại huấn luyện cho các khóa sinh đến sau. Khi về nước anh làm việc trong quân đội một thời gian thì xin được giải ngũ, anh ra ngoài làm việc cho một công ty truyền tin của Mỹ ở ngay Saigon với chức vụ khá và lương bổng cao hơn nhiều lần so với thời còn trong quân ngũ. Anh là dân Bắc Kỳ di cư biết khá rõ về Cộng sản, bản thân lại làm việc cho Mỹ, nên khi biết tình hình miền Nam sắp mất anh vội di tản sang Mỹ cùng với toàn thể gia đình vào một ngày trước khi miền Nam rơi vào tay Việt cộng.

Khi đến xứ người, anh may mắn đem theo được một số vốn dành dụm thời còn làm việc. Gia đình anh định cư ngay tại quận Cam từ đó cho đến nay. Sau khi ổn định, vợ chồng anh mua nhà ở và anh khởi sự đi làm công một thời gian ngắn, sau đó mở văn phòng dịch vụ tự làm chủ, trong lúc các con anh chị vẫn tiếp tục việc học. Chỉ mười mấy năm sau, nhờ tài tháo vát, lanh lẹ, sự giao tiếp khéo léo cũng như tính cần cù, chí thú, anh chịđời sống dễ chịu, không còn phải bận tâm với sinh kế. Lúc đó anh đến tuổi hưu, con cái đều trưởng thành, học hành xong, anh chị nghĩ đến chuyện thôi làm việc, đến những năm vàng son của cuộc đời về già  “đi ngao du sơn thuỷ” đó đây theo truyền thống thông thường trước đây của người Mỹ khi về hưu.

Tôi đoán chừng đối với anh có chút của để là được rồi, có lẽ anh theo thuyết “biết đủ tức là đủ” hay là “hãy hài lòng với cái tương đối”. Anh chị nghĩ đến chuyện đi chơi đây đó bù lại thời gian dài lo toan vất vả với cuộc sống trên xứ người, và khởi đầu bằng các chuyến du lịch xa tại một số nước trên thế giới. Anh chị rủ vài bạn cùng đi thăm một số nước ở châu Âu, đông Âu, Trung Quốc, một thời gian sau cảm thấy lớn tuổi, mà đi máy bay xa mãi cũng thấm mệt, anh chị rủ bạn ta cùng đi cruise các nơi gần như Mễ, Hawai…

Bẵng đi một thời gian khá lâu không nghe tin anh đi chơi xa nữa, tôi đoán chừng anh đã đổi ý không thích du lịch nữa. Có lẽ đã đến lúc anh nhàm chán những thú vui du lịch và nhìn lại đời mình.Tuổi đời ngày càng chồng chấtkiếp người thì có hạn, quỹ thời gian lại chẳng còn bao nhiêu. Anh thấy cần có sự thay đổi, cần phải xử dụng thiời gian và tiền bạc vào những việc có ý nghiã hơn. Anh nghĩ đến việc về quê hương sau bao nhiêu năm xa cách xem sự tình thế nào. Và anh chị về thăm lại Saigon lần đầu tiên vào những năm đầu 1990. Không còn bà con ruột thịt ở đây vì tất cả đã ở nước ngoài, một số do họ tự đi, số khác đã được anh chị bảo lãnh sang Mỹ. Anh chị thuê phòng nghỉ ở một khách sạn nhỏ ngay trung tâm thành phố, về sau khách sạn này trở nên rất quen thuộc như nhà riêng vì những lần về kế tiếp anh chị đều đến ở đây. Rồi anh rong chơi khắp thành phố vừa xem sự tình vừa tìm lại bạn bè đồng đội thân quen ngày xưa, anh gặp được nhiều bạn học cũ, có anh được tha khỏi trại cải taọ sau gần chục năm tù đầy đang chờ đi theo diện H O, gặp bạn nào anh đều thăm hỏi ân cần và giúp đỡ nếu xét thấy cần thiết. Thời gian ở Saigon anh cò dịp đi đến nhiều nơi, ngoài những khu phố cao to hào nhoáng phô trương “ phồn vinh giả tạo”, anh còn đi sâu vào những khu phố nhỏ, về thăm những miền quê, anh đã có dịp thấy tận mắt biết bao cảnh đời bần hàn, cùng cực mà anh nghĩ nếu ai đứng trước cảnh tương tự hẳn cũng động lòng trắc ẩn, nghĩ ngay đến sự giúp đỡ nào đó. Anh nghĩ đến những hoàn cảnh thiếu thốn, nghèo khó của các trẻ em mồ côi, người già yếu, tàn tật sau khi đến thăm các nơi này và anh đã có sự giúp đỡ sơ khởi qua các người quản lý và hội từ thiện.

Những năm sau đó, anh cũng tiếp tục làm những việc từ thiện tương tự, vẫn không dành cho một thành phần cố định nào và tất cả sự giúp đỡ đều thông qua người đại diện hay cơ quan trung gian, một việc mà anh không hài lòng lắm nhưng chưa biết tính sao. Cho đến một năm kia, do một cơ duyên khá bất ngờ anh đã đi đến quyết định dành trọn sự giúp đỡ cho những dồng bào già nghèo khổ bị cườm mắt đui mù mà không có điều kiện chữa trị thích hợp để lấy lại ánh sáng. Đấy là một việc làm mà cho tới nay anh vẫn tiếp tục và vẫn hài lòng bởi anh có thể theo dõi diễn tiến, thấy được kết quả nhãn tiền sau khi đã trực tiếp trả mọi tiền phí tổn.

Theo lời anh kể lại thì đúng là một duyên may tình cờ, dó là năm mà trước ngày anh trở lại Mỹ, có một bác sĩ tên Mai đến xin gặp anh chị ở khách sạn. Bà bác sĩ này tự giới thiệu là một chuyên viên mổ mắt, thường cũng làm thiện nguyện ở bệnh viện An Bình, bà được biết anh chị thường về VN làm việc từ thiện nên mong muốn được anh chị giúp đỡ thêm phương tiện để có thể mổ mắt giúp cho nhiều đồng bào già cả nghèo nàn đang cần dịch vụ này Sau khi hỏi và được biết kết quả về việc điều hành ca mổ mắt và nhu cầu cần thiết như thuỷ tinh thể cùng một số vật dụng khác, anh Liên đồng ý giúp nhưng cho hay  mai phải về lại Mỹ, không thể ở lại xem công việc diễn tiến và kết quả như thế nào. Tuy nhiên còn rong túi 2000 $US, anh trao cho bác sĩ Mai với yêu cầu ghi lại công việc làm  và gởi cho anh chị xem kết quả, nếu thấy được anh chị sẽ tiếp tục yểm trợ khi trở lại VN. Anh cho bà bác sĩ địa chỉ nhà anh ở Mỹ.

Một thời gian sau anh nhận được thư ghi chi tiết công việc mổ mắt, hình ảnh, kết quả và việc xử dụng số tiền anh đã đưa. Năm sau anh chị trở lại VN và gặp bác sĩ Mai bàn bạc về kinh nghiệm mổ mắt lần trước và chương trình mổ mắt tiếp với quy mô lớn hơn cho nhiều bệnh nhân hơn. Cũng thời gian này anh chị được giới thiệu với một vị nữ tu đức độ và giầu lòng bác ái, từ lâu sư cô vẫn chuyên làm việc công đức giúp đỡ những người hoạn nạn nghèo khổ nhờ có thân nhân ở nước ngoài vẫn thường xuyên gửi tiền yểm trợ. Khi anh Liên cho biết cần tìm nhiều người già nghèo khổ bị bệnh cườm đui mù để thực hiện việc mổ mắt giúp, sư cô tình nguyện làm việc này. Do có quan hệ rộng rãi với rất nhiều nhà chùa, hội từ thiện, không những trong thành phố mà cả ở các địa phương dưới tỉnh nên sư cô có thể cung cấp danh sách những người có nhu cầu trên không mấy khó khăn.

Thế là với sự giúp đỡ, điều động của sư cô, các bệnh nhân từ các nơi được hướng dẫn đến bệnh viện khám mắt để xác định tình trạng (mổ được hay không)  và được yểm trợ mọi mặt cho đến khi được chữa trị xong. Do bệnh nhân cần mổ rất đông, anh Liên đã phải cần đến một nhóm bác sĩ chuyên khoa mổ mắt mới có thể hoàn tất công việc theo dự trù. Suốt thời gian việc mổ mắt diễn tiến, anh thường có mặt quan sát, theo dõi nên thấy được kết quả trước mắt, bao nhiêu người khốn khổ vì thiếu ánh sáng, vì đui mù từ bao lâu bỗng chốc được sáng mắt, vui mừng đến nghẹn ngào. Anh không màng đến những lời cảm ơn sâu đậm xuất từ đáy lòng của họ nhưng rất vui trong lòng khi thấy nét mặt già nua rạng rỡ sung sướng của họ, biết được từ đây họ thấy lại ánh sáng để sống nốt quãng đời còn lại.

Lần đầu trực tiếp làm từ thiện, tuy bận rộn nhưng anh rất hài lòng bởi anh biết được công sức, tiền bạc anh bỏ ra dù chẳng bao nhiêu nhưng đã đem lại được hạnh phúc thiết thựcrõ ràng cho một số đồng bào ruột thịt. Về Mỹ, anh kể lại cho một số bạn bè và người thân quen nghe việc anh vừa làm, hầu như ai cũng đồng ý, ngưỡng mộ, tỏ ý sằn sàng hưởng ứng đóng góp mỗi khi anh cần đến để tiếp tục làm việc thiện này. Năm kế tiếp và những năm sau đó nữa anh đều về lại VN làm từ thiện giúp đỡ mổ mắt. Nhờ kinh nghiệm tích lũy, sự giúp đỡ nhiệt tình của vị nữ tu cũng như sự làm việc tích cực, tận tâm của nhóm bác sĩ chuyên khoa, việc mổ mắt tiến triển nhanh và kết quả đạt được cũng nhiều hơn. Việc làm không những được thực hiện ngay tại các bệnh viện tại Saigon, mà còn được thực hiện ở ngay các tỉnh có nhiều bệnh nhân để tránh cho họ khỏi đi xa, và bớt được phí tổn, nơi ăn chốn ở. Tính chung, mỗi lần anh Liên về đều giúp được ba, bốn trăm người bệnh thấy lại được ánh sáng. Có những năm anh về hai lần, bởi mỗi lần về chỉ ở lại độ một tháng mà số người bệnh thì càng ngày càng gia tăng. Đặc biệt năm 2007 anh đã ở VN hơn 3 tháng để giúp mổ mắt cho hơn 1500 người.

Những năm sau này trong thời gian ở VN, ngoài thỉ giờ theo rõi việc mổ mắt ở các nơi, những lúc rảnh rỗi, anh để tâm nghiên cứu Phật pháp và tìm những vị thầy giỏi để học hỏi thêm. Có một hôm anh nói khá nhiều cho tôi nghe về giáo lý nhân quả cùa Đức Phật, rồi đưa ra một số trường hợp điển hình để dẫn chúng, Dường như qua thời gian dài, dốc tâm đem lòng vị tha vô ngã làm việc thiệnđối diện với bao người già nghèo khổ bệnh tật, lòng nhân hậu nơi anh cũng xâu đậm hơn, ý tưởng đến với niềm tin tôn giáo trong anh cũng mạnh  mẽ hơn.

Anh tâm nguyện dành thời gian còn lại của đời mình, làm sao cho được “thân tâm thường tịnh”, và tạo nghiệp lành trong kiếp sống luân hồi, những điều mà hẳn mọi người nhất là những ai về già đều mong muốn đạt được.

 

Vũ Khanh


BÀI ĐỌC THÊM:

Chương Trình Đem Lại Ánh Sáng Cho Những Người Nghèo Bị Mù Do Đục Thuỷ Tinh Thể 
Một chuyến thăm quê




Tạo bài viết
29/10/2019(Xem: 12767)
19/12/2014(Xem: 4838)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: