12. Việc “Cầu Lời Nói Thẳng” Trong Lịch Sử (Tôn Thất Thọ)

23/09/20204:57 SA(Xem: 1479)
12. Việc “Cầu Lời Nói Thẳng” Trong Lịch Sử (Tôn Thất Thọ)
12.
VIỆC “CẦU LỜI NÓI THẲNG” TRONG LỊCH SỬ

(TÔN THẤT THỌ)

Khi bàn về “Chiếu cầu lời nói thẳng” dưới triều đại nhà Tây Sơn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có bài viết “Bàn về Chiếu cầu lời nói thẳng của triều đại Tây Sơn” đăng trên trang báo điện tử Bình Định (http://www.baobinhdinh. com.vn) ngày 16/10/2005, trong bài viết có đoạn: “Trong lịch sử loài người, bất kỳ một vị hoàng đế nào sau khi lên ngôi cũng đều có chiếu chỉ an dân như chiếu cầu hiền, chiếu khuyến học, chiếu khuyến nông… đó là việc thường tình, dễ hiểu, dễ thấy, nhưng nhà vua phải ra một chiếu chỉ như “Chiếu cầu lời nói thẳng” thì quả là hiếm thấy, hình như chỉ thấy xuất hiệnthời đại triều Tây Sơn mà thôi.

Chớ nên ngây ngô nghĩ rằng: Các vị hoàng đế của các triều đại khác trong xã hội của họ đều là những người nói thẳng nên không cần có chiếu cầu lời nói thẳng. Chỉ có thể giải thích: hoặc là họ sợ những lời nói thẳng, hoặc là họ chẳng cần thiết lời nói cong hay là lời nói thẳng miễn là nói thế nào cho họ vừa lòng”.

Tương tự, trước đó, trên tạp chí Xưa và Nay số 46B (2/1998) cũng có bài của tác giả Miền Biển với nội dung cũng giống hệt như thế.

Thật ra vấn đề không chỉ là như vậy! Sách Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1 (Nxb KHXH, 1983, tr.292) chép:

“Mùa hạ, tháng 4 năm Bính Thìn (1076), vua Lý Nhân Tông xuống chiếu “Cầu lời nói thẳng”. Đáng tiếc là sử cũ không ghi rõ nội dung cụ thể của tờ chiếu này và văn bản này hiện nay không còn nên chúng ta không được biết tỉ mỉ thái độ cầu thị của “vị vua giỏi của triều Lý” như các sử thần đã nêu trong bộ sử trên. Như vậy cách đây 944 năm, “chiếu cầu lời nói thẳng” đã được vua nhà Lý ban bố.

Dưới thời nhà Lê, vào ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ ra lệnh cho các ngôn quan (quan giữ trách nhiệm khuyên răn vua và đàn hặc các quan): “Nếu thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, ngược hại lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo đúng phép xưa, hay các đại thần, quan lại, tướng hiệu, quan chức trong ngoài không giữ phép, nhận hối lộ, nhiễu hại lương dân… thì lập tức dâng sớ đàn hặc ngay”.

(ĐVSKTT, tập II, Nxb KHXH, 1985, tr.300)

Về hình thức, đây chỉ là lệnh của vua, chưa phải là chiếu, nhưng cũng có giá trị như chiếu và nội dung của lệnh này đã bao hàm tinh thần “cầu lời nói thăng”. Hơn nữa việc dùng ngôn quan cũng đã có nghĩa vua có ý cầu lời nói thẳng.

Ngày 27 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1438), vua Lê Thái Tông (1434-1442) vì thấy có nhiều tai dị bèn xuống chiếu cho thần dân cả nước. Trong tờ chiếu, vua cho rằng “những tai dị đó phải chăngnguyên nhân ở việc vua không lo sửa đức để mọi việc bê trễ, do quan tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa; do nạn hối lộ công khai mà hình ngục có nhiều oan trái; do làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mệt mỏi; do thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu. Vậy tất cả các đại thần, các quan viên văn võ các ngươi nên chỉ ra những lỗi lầm kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc. Dẫu có ngu đần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể xoay chuyển được lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy”.

(ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.351-352)

Năm 1443, vua Lê Nhân Tông (1443-1459) lên ngôi, nhà vua tuổi còn nhỏ, Thần phi Nguyễn Thị Anh được tôn làm Hoàng thái hậu, buông rèm chính sự. Thái hậu đã thay mặt vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng từ đại thần và nhân dân để giúp vua giữ yên đất nước:

“Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn giấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót”.

(ĐVSKTT, tập II, sđd, tr.358)

Mùa hạ, tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1462), nhân có tai biến về mưa đá và sấm chớp, vua Lê Thánh Tông 14601497) cũng xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Rất tiếc sử cũ không cho biết nội dung cụ thể của tờ chiếu này, song lại cho biết một chi tiết lý thú: ngay sau khi vua ban chiếu, một vị quan Đô úy là Hoàng Thanh đã dâng tờ sớ trình bày ý nguyện:

– Thuận âm dương để đón khí hòa.

– Gần kinh diên để tôn kính học.

– Chọn con nối để giữ vững gốc nước.

Tiết kiệm của dùng để chi cho kinh phí.

Thận trọng chức thú lệnh để chăn dân.

Thường xuyên huấn luyện để nghiêm võ bị.

– Đặt đồn điền để chứa lương cho biên giới.

Cả bảy điều trên, vua đều tiếp nhận cả (ĐVSKTT, tập II, tr.400).

Thời Lê – Trịnh, vào tháng 5 năm Canh Tý (1720), vì đại hạn, chúa Trịnh Cương trưng cầu lời nói thẳng, “cho phép văn võ bách quan được dâng thư niêm phong điều trần về chính sự, cứ nói rõ ràng hết lời về việc được,việc hỏng, việc hay, việc dở, không được giấu diếm kiêng kỵ”. (Lịch triều tạp kỷ, tập II, Nxb KHXH, 1975, tr.13)

Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), mặc dù chính sử không ghi chi tiết, nhưng trong sách Đại Nam thực lục đã ghi chép về chúa như sau: “Chúa mới giữ chính quyền, chiêu hiền đãi sĩ, cầu nói lời hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai không vui mừng”. (ĐNTL, tập 1, Nxb Giáo Dục, 2007, tr.106)

Không chỉ lắng nghe lời hay lời thẳng của quan dân mà đối với người nước ngoài có tấm lòng với đất nước ông cũng rất để tâm lắng nghe, cụ thể là những lời đề nghị của nhà sư Thích Đại Sán được ông mời từ Trung Hoa sang. Do đề nghị của chúa, sư đã có những kiến nghị nhắm chấn chỉnh triều chính, điều đó đã làm thay đổi rõ rệt trong chính sách trị nước của triều đình: “Nước ta phép tắc dân tình vốn bị khiếm khuyết, nay được lão hòa thượngchúng ta mà lấy lễ pháp của Trung Hoa chỉ dạy cho 18 điều, nay đem khắc trước phủ để văn võ bá quan và người dân biết, ngoài ra làm 24 thẻ bài phân loại ghi rõ, nếu như kẻ nào vi phạm người bị hại có thể kiện, bất luận là hoàng thân quốc thích văn võ bá quan hay thứ dân, đều căn cứ theo pháp luật mà trị tội”. (Hải ngoại kỷ sự, Nxb Đại Học Huế, 1963, tr.54)

Dưới thời nhà Nguyễn, ngay lúc mới lên ngôi, vua Minh Mạng đã có chiếu viết:

“Ta nghe nói đường lối mở thì nước trị, lấp lại thì nước loạn… Ta tự thẹn vì mình nhỏ mọn, kính nối nghiệp lớn, những chăm chăm sợ rằng nhận lấy sự phó thác quá nặng, nên thường cùng các quan huân cựu đại thần sáng sớm đã mặc áo, trưa muộn mới ăn cơm, sửa sang việc chính trị, nay gặp lúc khí trời trái tiết, dân sự ít vui, chẳng phải tại vì trong chính sự có khuyết điểm hay sao? Có những ân tình của dân chưa biết đến chăng? Người ta muốn thấy hình dáng, tất phải nhờ có gương sáng, vua muốn nghe theo lỗi mình, hẳn phải đợi người bầy tôi nói thẳng.

Vậy chuẩn cho các quan văn võ ở kinh từ tứ phẩm trở lên, ở ngoài các quan thành, doanh, trấn đều nghĩ cố gắng cùng đua nhau thưa lên xem có phải là lỗi ở tại ta… Các ngươi đều nên chỉ bảo thẳng chỗ ta sai trái, không phải kiêng nể, cùng là chính sự thiếu sót, dân tình đau khổ đều cho phong tâu một thể. Ta sẽ thân tự xem chọn sửa cho kỳ được…”. (Trích lại từ tạp chí Xưa & Nay, số 47, tr.41)

Qua một vài dẫn chứng nói trên, có thể nói rằng “Chiếu cầu lời nói thẳng” đầu tiên ở nước ta được ban bố trước triều đại Tây Sơn tới gần 720 năm, và được các triều đại thực hiện liên tục. Việc ban chiếu (hay ra chỉ dụ) là việc làm tương đối thường xuyên ở nhiều triều đại. Có thể xem đây là một việc làm truyền thống của bất cứ triều đại cầm quyền nào quan tâm tới lợi ích của đất nước và của dân tộc.

TÔN THẤT THỌ

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.