Thư Viện Hoa Sen

Đường Thi: Thế Nào Là Thơ Thiền

04/11/201312:00 SA(Xem: 19167)
Đường Thi: Thế Nào Là Thơ Thiền

Đường thi: Thế nào là thơ thiền
Vũ Thế Ngọc

tho-duong-tho-thien-300x4171. Thế nào là thơ thiền?

Về mặt lịch sử, Phật giáo có nhiều tương quan với ngôn ngữ thi ca. Khi còn tại thế, Đức Phật luôn luôn khuyến khích các đệ tử dùng các ngôn ngữ địa phương để diễn dịch, truyền đạt giáo pháp của Ngài. Các bản kinh còn lại cũng hay dùng các thể văn vần, với lý do duy nhất để dể đọc dễ nhớ. Nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, người ta vẫn chỉ lưu truyền lời Phật (kinh) bằng cách truyền khẩu. Nên có thể nói ngay từ nguyên thủy Phật giáo đã dùng thơ làm phương tiện giáo hóa. Cho đến Thiền tông sau này, dù chủ trương “trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật”, dõng dạc tuyên bố “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” coi thường ngôn ngữ kể cả kinh điển, thì sừng sững trong văn học Thiền tông vẫn là các bài thơ trong các ngữ lục danh tiếng của các tổ Thiền tông.

Thi ca thường được coi là có thể diễn tả được những gì không thể diễn tả bằng văn xuôi. Như cách nói “một bài thơ nói được nhiều hơn tổng số ngôn từ trong bài thơ đó”, thơ có khả năng chuyên chở phần nào kinh nghiệm “bất khả tư nghị” không thể nghĩ bàn. Đó là kinh nghiệm thiền định mà ngôn ngữ bình thường của thế giới nhị nguyên không những bất lực mà còn làm người ta hoang mang hiểu lầm, như các thiền giả thường nhấn mạnh. Cho nên trong thiền học thơ cũng thường được dùng như một phương tiện thiện xảo, một “công án trong công án” để hướng dẫn người học đi vào thực nghiệm cái kinh nghiệm “bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết” – Dù biết rằng “chín mươi chín phần trăm chính xác của thơ cũng không bằng ngôn ngữ của im lặng”.

2. Gần đây đã có những người dễ dãi sưu tập các bài thi kệ (thơ!) của các tăng sĩ (thiền?) và gọi đó là “thơ thiền”. Thật sự chưa nói đến các bài thơ dịch quá khiên cưỡng, tự thân đại đa số các bài thơ được sưu tập đó cũng chỉ là những bài văn vần dạy đạo hay các bài kệ diễn tả kinh nghiệm thiền của các tác giả. Các thiền sư không có mục đích làm văn chương. Cũng như có cả một ‘phong trào thời thượng’ của một số người làm tập tành làm thơ thường hay mang những Phật ngữ, thiền từ vào thơ và nghĩ đó là thơ thiền. Thật ra đó cũng chỉ là trò chơi ráp chữ mua vui. Các thiền sư thật sự chưa bao giờ thích dùng ngôn ngữ để diễn giải về chân lý siêu việt “bờ bên kia”. Dù đôi khi các ngài chỉ bất đắc dĩ phải dùng loại loại ngôn ngữ thi ca để làm phương tiện gợi tỏ, ‘viên đá dẫn đường’. Nên đâu đó, trong các ngữ lục của các thiền sư thường có lẫn ít nhiều câu thơ. Các câu thơ hay các bài thơ đó được các ngài thuận miệng nói ra, thuận tay chép lại theo thủ thuật nhà thiền “nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” chẳng bao giờ chú thích xuất xứ. Và các ngữ lục của các thiền sư thường chỉ do hậu bối nhớ lại và ghi chép, nên vẫn thường có thể lẫn các câu thơ của nhiều thi nhân khác. Các thiền sư chỉ tức thời mượn câu thơ văn có vần có điệu dễ nhớ dễ nghe để trình bày một vấn đề uyên áo ‘bất khả tư nghị, bất khả ngôn thuyết’. Các “thi phẩm” này hoàn toàn không có mục đích thi ca trừ trường hợp các tu sĩ cũng là thi sĩ – Đây lại là vấn đề khác. Đó là trường hợp của 116 thi nhân và cũng là tăng sĩ trong Toàn Đường Thi và các tu sĩ làm thơ khác đời sau.

Đối với các thiền sư, dù có những bài thơ là những bài thật sự có giá trị thi ca thì cũng chỉ là tình cờ. Chúng ta nên nhớ các “bài thơ” này vẫn chỉ có mục đích mượn bè qua sông, một phương tiện “tải đạo.” Thiền sư Lai Quả từng nói rõ: “Người xưa việc lớn đã sáng tỏ, là người trước đã tỏ ngộ sau đó mới quan sát căn cơlập giáo, dùng văn để tiếp người trí thức, dùng thơ để tiếp người học rộng hiểu sâu. Chỉ lấy thơ văn làm phương tiện đưa người nhập đạo, tất cả không ngoài lòng từ bi làm lợi ích cho thế gian, chứ chẳng phải như bọn người phù phiếm ưa thích ý vị thi văn”.

Vì vậy đối với các thiền sư dù có làm thơ thì mục đích của những bài thơ đó cũng không khác các câu nói mộc mạc tùy tiện như “ba cân mè”, “cây tùng trước sân”, “uống trà đi”,… hay có khi sỗ sàng như “càn thỉ quyết”, “phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ”… chỉ với mục đích tải đạo. Đó cũng là trường hợp các tu sĩ dùng các bài kệ bài vè để truyền giáo vào đại đa số quần chúng, như các “ông đạo” ở miền Nam Việt Nam trước đây. Các ngài không bao giờ nhắm mục đích ‘làm văn chương’.

3. Tuy nhiên trong bình diện phổ thông người ta vẫn có thể gọi là “thơ thiền” theo ý nghĩa dung tục: Đó là những bài thơ thoáng gợi một nhân sinh quan thiền học nhất định nào đó hay diễn tả một trạng thái xuất thần phảng phất một kinh nghiệm thực chứng của giáo lý vô ngã của kinh nghiệm thiền quán.

Nói là ‘phảng phất ít nhiều nhân sinh quan thiền học’ mà không nói ‘mang nội dung thiền học’.

Nhưng vấn đề cơ bản của bất cứ bài “thơ thiền” nào thì cũng phải là một bài thơ – một bài thơ hay. Một thi sĩ có thể không phải là thiền giả nhưng vẫn có thể có những bài thơ những câu thơ “rất thiền,” và một vị thiền sư có thể có những bài thi bài kệ dạy đạo rất sâu sắc nhưng không có nghĩa đó là những bài “thơ thiền” nếu từ cơ bản nó không phải là bài thơ hay.

Đó chính là một tiêu chuẩn để được chọn lựa vào tuyển tập Toàn Đường Thi, Đường Thi Tam Bách Thủ, Thiên Gia Thi hay các thi tuyển tương tự.

4. Thưởng thức thơ, làm thơ là một hoạt động trí tuệ thanh cao. “Thơ thiền” lại là một hoạt động cao nhã hơn nữa. Nhưng nên nhớ trò chơi lao tâm chọn chữ theo lời cũng là một chướng ngại của người tu thiền. Thiền sư Hiệu Nhiên (730-799) là một thi nhân lỗi lạc đời Đường với bảy thi tập còn ghi trong Toàn Đường Thi và cũng là một nhà phê bình thi ca nổi tiếng với quyển Thi Thức. Tuy nhiên đến cuối đời ông không làm thơ nữa vì tự nhận thấy nỗi đam mê này cũng là một chướng ngại của thiền nhân. Đúng như các thiền sư xưa nhận định, người tu thiền tâm còn mải miết buông thả theo cảnh huyễn lấy thi thơ làm nghiệp, phung phí thời giờ đuổi theo vần điệu chỉ là tạo ra nghiệp xấu của thi tăng. Đó là những kinh nghiệmthiền nhân chân chính tự hiểu.

Tạp Chí Văn Hóa phật Giáo số 153 

 

 

Tạo bài viết
16/10/2023(Xem: 3940)
21/04/2013(Xem: 13039)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: