Cộng Đồng Người Champa Trên Vùng Đất Phương Nam

24/04/20234:13 SA(Xem: 4325)
Cộng Đồng Người Champa Trên Vùng Đất Phương Nam

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CHAMPA

TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM

Người Long Hồ

 Tìm Về Một Cội Nguồn Cách Xa

Hình bìa sách TÌM VỀ VỚI MỘT CỘI NGUỒN CÁCH XA
(BANGSA CHAMPA) của tác giả Dohamide Dorohiêm,
một trong những giới trí thức Champa tại hải ngoại, hình chụp từ
bìa sách của thư viện tại nhà của người viết bài nầy. Phải thật tình mà nói,
sau khi đọc xong quyển sách nầy của Dohamide Dorohiêm, riêng tôi cảm thấy
vừa xót xa cho dân tộc Champa, vì đâu đến nỗi phải Tìm Về Một Cội Nguồn Cách Xa,
đồng thời tôi cũng cảm thấy hình như cũng có một cái gì đó không ổn, rất không ổn với dân tộc
Việt Nam trong thế kỷ XXI nầy… Nếu không khéo, một ngày không xa nào đó những nhà trí thức chân chánh Việt Nam mình cũng sẽ phải viết ra những cuốn sách có tựa đề na ná giống như quyển sách nầy. Mong cho việc nầy không xảy đến với dân tộc Việt Nam, mong lắm!!!

PDF icon (4)CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CHAMPA TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM


I

 Lịch Sử Thành Lập Cộng Đồng

Người Champa Tại Nam Kỳ

 

     Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 19, do những biến cố lịch sử trong vùng Đông Nam Á giữa hai xứ Đàng Trong và vương quốc Champa đã khiến vương quốc Champa ngày càng co cụm lại (1), từ các vùng Quảng Bình, Quảng Trị phải lui về Huế và Quảng Nam, Trà Kiệu, rồi lại tiếp tục lui về Qui Nhơn, Đồ Bàn, rồi sau lại chỉ còn một phần đất nhỏ tại các vùng Phan Rang và Phan Rí. Cuối cùng là sự bại vong hoàn toàn của vương quốc Champa vào thế kỷ thứ 19. Sau khi vương quốc Champa bị nước xứ Đàng Trong triệt tiêu, một số người Chăm bỏ chạy sang Miên và Mã Lai, một số khác không muốn đi quá xa khỏi nơi chôn nhao cắt rún của họ nên đã chạy về phía Bắc vùng Tầm Phong Long và Tây Ninh rồi định cư lại đây, vì dân Thủy Chân Lạp cũng có nền văn hóa gần gũi với họ hơn là người Việt, còn lại một số khác chạy lên miền Lục Chân Lạp, tức Cao Miên ngày nay.

     Vì đa số người Chăm theo đạo Hồi nên về sau này do ảnh hưởng tôn giáo, một số đã kết hợp với người Mã Lai dù họ đang sống trên đất Miên. Có một thời họ đã lôi kéo được một vị vua Miên theo đạo Hồi gây cảnh giết chóc lẫn nhau trong hoàng tộc Miên. Chính vì thế mà sau khi vị vua Miên theo đạo Hồi bị giết, những người Chăm ở Miên, mà người Việt Nam gọi là người Côn Man, cũng bị tàn sát, nên một lần nữa họ lại phải trốn chạy về vùng Tầm Phong Long, lúc đó hãy còn rất hoang vu. Đó là nguyên nhân chính của sự thành hình một cộng đồng lớn nhất của người Champa trên đất Nam Kỳ. Dù lịch sử có như thế nào đi nữa thì hiện tại, những người Chăm này cũng là một bộ phận quan trọng của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay họ đã sống và đã tuân thủ đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của người công dân. Họ cũng đã từng đem xương máu ra chống giặc Tây bảo vệ đất nước. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau những biến động chánh trị tại vương quốc Champa hồi thế kỷ thứ XVII, số người Champa chạy sang Cao Miên khoảng 150.000 người, trong số đó có khoảng vài chục ngàn người chạy sang Thái Lan và lập nên làng Ban Khrua (2).

     Theo truyền thuyết Champa, Bà Chúa Xứ Y-A-Na (Damnưy Po Inư Nưgar) chính là con nhà Trời xuống trần dạy cho người Chăm cày cấy, dệt vải, xây đền tháp và tổ chức công việc triều chánh. Có thể nói Bà là mẹ đẻ của vương quốc Champa cổ đại. Truyền thuyết nầy gắn liền với sự hình thành và tồn tại của chế độ mẫu hệ Champa. Cũng giống như truyền thuyết “Ao Bà Om” của người Khmer ở Trà Vinh, vào thế kỷ thứ XII cánh đàn ông Champa cũng thách thức cánh đàn bà, hễ cánh đàn bà thắng trong việc đào mương thì cánh đó có quyền đi cưới chồng; còn ngược lại hễ cánh đàn ông thắng là cánh đó có quyền đi cưới vợ. Rốt cuộc đàn bà vẫn là cánh thắng với truyền thuyết về mương đực và mương cái của dân gian Champa. Thêm vào đó, một nhà tiên tri Champa là Po Klaung Garai đã tiên đoán rằng dân tộc Champa muốn trường tồn cần phải củng cố chế độ mẫu hệ. Có người thắc mắc, tại sao dân tộc Champa theo chế độ mẫu hệ, nhưng vương quốc Champa lại chưa từng có nữ hoàng. Theo Inrasara trong “Văn Hóa-Xã Hội Chăm Nghiên Cứu & Đối Thoại”, điều nầy rất dễ hiểu vì theo nhân sinh quan của dân tộc Champa ‘phận của đàn ông là chiến đấu’, còn ‘phận của đàn bà là sinh nở’. Dầu lời nói trên có mộc mạc, nhưng nó chính là trung tâm của vấn đề: quyền lợi và nghĩa vụ cao cả của đàn bà là sinh nở và cai quản gia đình; còn nam giới phải được trang bị đầy đủ vũ khí sắc bén để họ lăn xả vào cuộc chiến lớn hơn và khốc liệt hơn là cai quản cả xã hội (3).

     Kỳ thật, từ khoảng gần 200 năm nay, kể từ ngày những cộng đồng của người Champa tại vùng Ninh Thuận thật sự không còn làm chủ được những mảng đất cuối cùng của vương quốc nầy, lớp bụi thời gian và sự vô tình của lòng người đã khiến cho nền văn hóa một thời sáng rực của Champa bị chìm hẳn dưới lớp bụi thời gian. Văn hóa Champa không chỉ là những nét đẹp yêu kiều của người phụ nữ Chăm, hay nét đẹp của những hoa văn trên thổ cẩm; mà nền văn hóa ấy còn đang tiềm ẩn đâu đó trong những áng văn chương thất truyền hay những áng văn chương đang được người Chăm truyền khẩu khắp đó đây. Ngày nay, nếu muốn phủi đi lớp bụi thời gian ấy, cả người Chăm lẫn người Việt phải góp sức với nhau tìm hiểunghiên cứu vấn đề thật tinh tường, thật tỉ mỉ, nhưng những thách thức trước mặt không phải là nhỏ.

     Theo sử liệu của Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1957, sau khi vương quốc Champa bị xóa tên trên bản đồ Đông Dương, một nhóm khoảng 150.000 người Champa chạy sang Cao Miên, một nhóm khác khoảng 300.000 người chạy lên miền đồi núi Tây Nguyên. Hiện tại, trong các vùng Phan Rang và Phan Rí hãy còn khoảng trên dưới 100.000 người Champa đang sinh sống. Riêng tại Nam Kỳ, đặc biệt là vùng Châu Đốc cũng có một cộng đồng Champa với khoảng ba chục ngàn người. Mặc dầu trong hiện tại người Chăm đã phân tán đi khắp nơi trên thế giới, nhưng ưu điểm giúp họ nhận ra nhau là cùng giòng tộc chính là tiếng nói. Người viết bài nầy đã có lần được hầu chuyện với một số bô lão trong làng Koh Taboong ở Châu Đốc và được các vị cho biết: “Người Chăm dầu ở chân trời góc biển nào cũng đều giữ gìn và trân quý tiếng mẹ đẻ của mình, vì hễ tiếng Chăm còn là còn dòng giống Champa.”

 

Chú Thích:

(1) Chúng ta có thể nói rằng những biến cố lịch sử nầy bắt đầu từ năm 982 khi vua Champa vô cớ bắt sứ giả của nhà Tiền Lê, khiến cho vua Lê Đại Hành phải tự mình thân chinh đi đánh Champa, san bằng kinh đô và chém được vua Champa là Bê Mi Thuế cho đến khoảng năm 1832 khi vua Minh Mạng chính thức xóa tên Champa trên bản đồ bán đảo Đông Dương.

(2) Vào thế kỷ thứ XVII, lúc những người Champa chạy từ Cao Miên sang Thái Lan, họ đã được những người Champa đang cư trú trong làng Ban Khrua tiếp đón rất niềm nở trong tinh thần tương thân tương trợ. Tưởng cũng nên nhắc lại, theo sử liệu Thái Lan, vào khoảng năm 1313, vương quốc Sukhothai đã mang quân đánh phá Champa và bắt đi rất nhiều tù binh về vương quốc Xiêm La. Đa số những tù binh nầy được quan quân Sukhothai cho gia nhập vào hải quân Sukhothai vì thường thì người Champa là những thủy thủ thiện nghệ. Số còn lại được cho định cư xung quanh vùng thủ đô Bangkok ngày nay. Về sau nầy chính những người Champa ở Ban Khrua đã tình nguyện nhập ngủ trong quân đội Sukhothai để chống lại quân Chenla đang đánh phá vương quốc nầy. Có lẽ đến thời vua Rama I, từ năm 1782 đến 1809, những tù binh nầy được vua Rama I cấp đất tại khu vực Ban Khrua để đền ơn họ đã giúp Sukhothai đánh lại quân xâm lăng Chenla và Miến Điện. Hiện làng Ban Khrua vẫn còn tồn tại tại thủ đô Bangkok, vì tọa lạc không xa trung tâm thủ đô Bangkok nên hiện nay làng nầy đang phải đối đầu với những nguy cơ bị xóa tên vì những công trình xây dựngđô thị hóa của Bangkok. Đa số người Champa tại Ban Khrua nói tiếng Mã Lai.

(3) Theo Inrasara trong “Văn Hóa-Xã Hội Chăm Nghiên Cứu & Đối Thoại”, TPHCM: NXB Văn Học, 2003, tr. 42-44.

 

Picture1

Hình 1: Bản đồ Vương Quốc Champa vào thế kỷ thứ V (phần màu vàng).
Lúc đó Champa và Đại Việt (phần màu xanh dương) có diện tích gần tương đương
với dân số của mỗi nước khoảng 5 triệu người. Đến năm 1900, theo Bulletin d’Annam,
Việt Nam có khoảng trên 30 triệu dân, trong khi người thiểu số Champa
trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ khoảng dưới 400.000 người.

 

Picture2

Hình 2: Đền đài tại Mỹ Sơn, Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam, ảnh internet.

Picture3

Hình 3: Một người đàn bà Champa đang chuẩn bị
dệt thổ Cẩm Champa tại làng Châmpa, Châu Đốc, ảnh 2015.

Picture4

Hình 4: Một thiếu nữ Champa chụp ảnh trước
đền tháp Champa tại Phan Rang, ảnh internet.

Picture5

Hình 5: Trang phục của thiếu nữ Champa, ảnh internet.

 Picture6Hình 6: Trang phục của thiếu nữ Champa, ảnh internet.

 

  

II

 Cộng Đồng Người Champa

Tại Châu Đốc

 

     Kể từ thế kỷ thứ mười một sau tây lịch cho đến thế kỷ thứ XIX, sau những cuộc chiến với các lân quốc như Đại Việt, Chân Lạp, và Xiêm La, đã có nhiều đoàn người Champa vượt biển ra đi. Gần đây nhất là vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVIII, khi vùng Panduranga (4) trở thành bãi chiến trường giữa quân của Nguyễn Ánh và nghĩa quân Tây Sơn, vua Cei Brei (5) đã cùng triều đình kéo tàn quân chạy sang Chân Lạp lánh nạn. Riêng tại vùng Nam Kỳ, cuộc dời cư của người Chăm từ Cambodge về đến Châu Đốc là một cuộc hành trình gian nan. Theo quyển “Histoire du Cambodge”, sau khi vương quốc Champa bị xóa tên, đa số những người rời bỏ Phan Rang và Phan Rí đi Chân Lạp thời đó đều là quan quân trong chánh quyền và quân đội Champa, nên khi đến Chân Lạp những người nầy đã ít nhiều gây được ảnh hưởng vào những thăng trầm trong hoàng gia Chân Lạp. Đến năm 1782, một lãnh đạo Champa là Don Set đưa quân từ Thabaung Khnum tiến đánh thành Udong, khiến hoàng gia Chân Lạp phải bỏ chạy sang Xiêm La. Sau đó người Chăm được Don Set cho về định cư tại Chruy Chagwar, một cù lao nằm gần Nam Vang, chắn ngang sông Cửu Long và Biển Hồ Tonlé Sap. Sau đó vua Chân Lạp kéo quân Xiêm La về đánh đuổi người Côn Man đến tận vùng Mat Chruk, thuộc Châu Đốc ngày nay. Triều đình xứ Đàng Trong thời đó chẳng những cho người Champa định cư tại đây mà còn xây đồn đắp lũy và bổ nhiệm họ trấn thủ những tiền đồn nầy. Chẳng những thế, xứ Đàng Trong còn tuyển dụng người Chăm vào quân đội. Khi quan Bảo Hộ Thoại khởi công đào kinh Vĩnh Tế, rất nhiều người Chăm đã được sung vào quân đội, thuộc đội bảo vệ an ninh cho dân phu trong vùng biên giới.

     Tại Châu Đốc hiện nay người Chăm (Chàm) có khoảng 10%, khoảng 12.000 người. Cộng đồng người Chăm ở Châu Đốc là cộng đồng người Chăm lớn thứ nhì sau Phan Rang (6). Đa số người Champa làm nghề buôn bán, nhưng họ không buôn bán một thứ mặt hàng nhất định nào, thường là họ bán những sản phẩm do họ làm ra. Người Chăm tại Châu Đốc làm ruộng, đánh cá và dệt vải. Không như những người Champa ở vùng Phan Rang, người Champa Châu Đốc vì đã quen sống với vùng sông nước nên người đàn ông Champa phát triển các nghề buôn bán, nuôi cá tôm hay đánh bắt cá trên sông. Trong khi đó, người phụ nữ Champa rất nổi tiếng với nghề dệt vải, nhất là dệt thổ Cẩm Champa và thêu thùa. Có lẽ nhu cầu cho cuộc sống của họ rất đơn giản nên cuộc sống của họ cũng rất yên bình và thanh thản. Tại Châu Phong, người Chăm rất nổi tiếng về nghề dệt xà rông và các loại vải may quần phụ nữ. Riêng tại Tân Châu, người Chăm dệt cả ba loại là lãnh, lụa, và lược (7). Đặc biệt nghề dệt vải Thổ Cẩm Chăm ( 8 ), và thêu may khăn choàng rất đẹp và tinh xảo, đây là những món hàng mỹ nghệ rất được người Mã Lai ưa thích. Tại Châu Giang, người Chăm rất nổi tiếng về nghề dệt xà rông và các loại vải may quần phụ nữ. Riêng tại vùng Châu Phong, người Chăm chuyên nghề dệt vải Thổ Cẩm Chăm, và thêu may khăn choàng để xuất khẩu sang Mã Lai.

     Theo Dohamide trong bài “Người Chăm Nam Bộ”, tại Châu Đốc hiện nay có ít nhất là bảy ngôi làng mà người Champa đang sinh sống, đó là Koh Taboong, Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, Vĩnh Trường (La Ma), Búng Bình Thiên (Búng Lớn), và Đồng Cô Ky, với những tên Chăm tương ứng là Mat Chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Ghoi, Koh Kaghia, Sabâu. Phần lớn các địa danh tiếng Chăm kể trên khởi đầu bằng từ “Koh” có nghĩa là cù lao, cho thấy phần lớn các làng Chăm ở Châu Đốc đều nằm trên các cù lao ven sông Cửu Long. Chẳng hạn như Koh Kaghia vì cù lao nầy được đánh dấu bằng hàng cây sao (9). Còn cù lao được người Chăm gọi là “Koh Kaboăk” vì người dân trên cù lao nầy chuyên nghề dệt và mua bán tơ lụa. Còn làng “Plây Kênh” có nghĩa là làng của con kênh, với nhà cửa dọc hai bên bờ một con kênh dẫn nước từ sông Hậu chảy qua phía Tân Châu. Về sau nầy, dưới thời Pháp thuộc làng Plây Kênh được gọi là Phum Soài, có lẽ vì trong làng có một ấp nằm ngoài bờ sông cái có một hàng cây xoài nên người ta gọi riết thành tên (10). Trong số những làng Chăm nầy có một làng nằm ngay chổ dòng Cửu Long chẻ làm hai nhánh khi chảy vào địa phận Việt Nam và có hình thể giống như con heo, nên người ta gọi theo tiếng Khmer là “Mat Chruk”. Mặc dầu địa thế bảy làng Chăm ở Châu Đốc không liền lạc nhau nhưng phần lớn các làng nầy đều nằm ven hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu.

     Người Chăm vùng Châu Đốc thường sống khép kín theo truyền thống cổ truyền trong các thôn làng của mình, chứ ít chịu ra ngoài giao thiệp với các sắc dân Việt, Hoa và Khmer. Đa số cư dân trong làng Châu Giang đều làm nghề dệt tơ lụa theo truyền thống gia đình. Sau khi dệt xong thì cũng chính người trong gia đình quảy gói đi khắp Nam Kỳ để bán sản phẩm của mình. Chính vì vậy mà dân gian miền Tây còn gọi họ là “Chà Châu Giang”. Thật sự thì gọi như vậy là không đúng, vì đây là những người Champa chứ không phải là người “Java”. Theo thiển ý, những người Chăm ở đây cũng không thích bị gọi như vậy, vì cũng như mọi người, hồi nhỏ người viết bài nầy có lần đã gọi một bà bán tơ lụa từ xứ Châu Giang là bà “Chà Châu Giang”. Bà cụ đã tỏ ra tức giận khi nghe như vậy, và bà đã khẳng định “làm gì có Chà Châu Giang, chỉ có Chăm Châu Giang mà thôi’.

     Đa số người Chăm theo đạo Hồi nên sinh hoạt thường ngày của xóm làng đều xoay quanh một ngôi giáo đường gọi là Masjid. Hiện nay tại khu vực Châu Giang, thuộc tỉnh Châu Đốc, còn một ngôi giáo đường hết sức đặc biệt, đó là thánh đường Hồi giáo Mosque Mubarak rất lớn, cách Châu Đốc khoảng 2 cây số. Có thể ngôi thánh đường đã được dựng lên từ thời vua Minh Mạng, nhưng mới được xây cất lớn thêm về sau nầy. Kiến trúc hiện nay là do một kiến trúc sư người Ấn tên Mohamet Amin thiết kế, theo kiểu kiến trúc của các thánh đường Hồi giáo của Saudi Arabia, có dáng dấp như những ngôi giáo đường bên Trung Đông (11). Người Việt sinh sống quanh vùng nầy thường gọi ngôi giáo đường Hồi giáo nầy là “Chùa Chàm”. Thường thì mỗi thứ sáu hàng tuần, tín đồ tề tựu về đây thật đông, quay mặt về hướng Tây, hướng của Thánh Địa Mecca để lễ báicầu nguyện. Tuy nhiên, mỗi ngày năm lần, vào lúc bình minh chưa ló dạng, trưa, xế chiều, chạng vạng tối và lúc gần nửa khuya, từ ngọn tháp trên giáo đường phát ra hồi trống và là lời kêu gọi mọi người đến giáo đường dâng lễ cầu nguyện. Ngoài ra, người theo đạo Hồi còn phải nhập chay vào mùa lễ Ramadan, từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 10 âm lịch. Người theo Hồi giáo còn có mùa hành hương, 3 ngày 7, 8, và 9 tháng 12 theo lịch Hồi.

     Mặc dầu người Champa thường tin tưởng vào các vị thần linh dân gian, trước thế kỷ thứ VIII, người Champa theo Phật giáo, nhưng sau đó hầu như còn rất ít người Chăm theo đạo Phật, mà họ thường theo 3 tôn giáo chính là Bà Là Môn (Ấn Độ Giáo), Bani, và Islam (Hồi Giáo) dòng Sunni. Riêng đối với người Chăm ở Châu Đốc, đa phần đều theo đạo Hồi, theo giới luật, họ chỉ được ăn thịt những con vật do chính tay họ làm chứ không mua thịt bán sẵn ngoài chợ hay siêu thị. Họ không ăn thịt heo, rắn, chó, mèo. Họ cũng không ăn thịt những con vật tự nhiên ngã ra chết, hay bị đập đầu, siết cổ cho chết. Tất cả những người Chăm theo đạo Hồi không được phép uống rượu hay bia. Tuy bị nhiều giới luật ràng buộc, về phần ăn uống, người Chăm vẫn có những món nổi tiếng như Tùng lò mò (lạp xưởng bò), cơm nị (cơm hạt điều)…

     Hầu như tất cả mọi người Chăm khi đi ra ngoài lúc nào họ cũng ăn mặc rất chỉnh tề. Người nam lớn tuổi thường vận xà rông và đội nón trắng, người trẻ tuổi thì đội nón đen. Trong khi phụ nữ ra ngoài đều phải choàng khăn che kín mái tóc, nhưng không che kín mặt như phụ nữ Hồi giáo ở vùng Trung Đông. Tại Châu Đốc, cũng như hầu hết người Việt, nhằm thích ứng với vùng nước nổi, người Chăm cũng cư trú trong những ngôi nhà sàn, nhưng cách cấu trúc thì có phần hơi khác so với những căn nhà sàn của người Việt. Mặc dầu ngày nay đa số người Chăm Châu Đốc đều theo chế độ phụ hệ, nhưng vai tròquyền hạn của người đàn bà trong gia đình người Chăm hãy còn rất lớn và rất quan trọng không khác gì thời mẫu hệ. Đặc biệt trong lễ cưới hỏi của người Chăm, mặc dầu bên đàng trai chủ động trong việc cưới vợ và mọi nghi thức, nhưng nhà trai không rước dâu mà sẽ đưa chàng rể sang nhà gái làm lễ.

     Khác với người Chăm vùng Phân Rang và Phân Rí Chàm, trong các sinh hoạt hằng ngày người Chăm vùng Châu Đốc thường rất gắn bó với các sinh hoạt hằng ngàylễ hội tại các thánh đường. Hầu như tất cả các nghi lễ đều được tổ chức tại thánh đường. Theo truyền thống Hồi giáo Sunni, mỗi ngày tại nhà họ cầu nguyện với đấng Allah 5 lần. Mỗi trưa thứ sáu, người nam tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc trang phục truyền thống rồi đi đến làm lễ tại thánh đường, còn người nữ thì làm lễ tại nhà. Trong dịp lễ quan trọng nhất của Hồi giáo, tháng lễ Ramadan, vào tháng 9 của Hồi giáo, khoảng tháng 4 đến tháng 5 dương lịch, tất cả mọi tín đồ Hồi giáo đều không ăn uống vào ban ngày, chỉ ăn chút ít vào ban đêm, với mục đích giúp họ thấy được sự nghèo đó, và giúp họ tiết chế thân tâm trước sự cám dỗ của vật chất. Ngoài những sinh hoạt thường nhật tại các giáo đường Hồi giáo, người Chăm Châu Đốc còn có nhiều sinh hoạt văn hóa khép kín khác như họ thường hay tụ họp tại nhà các bô lão để nghe các vị nầy kể lại những huyền thoại hay lịch sử về một vương quốc Champa. Về văn nghệ, trải qua nhiều cuộc loạn ly sau cơn hồng thủy mất nước hoàn toàn vào năm 1832, cha ông của những người Chăm ở Châu Đốc đã từng phải hoặc chạy qua Cam Bốt hay Mã Lai, rồi cuối cùng chạy về Châu Đốc, nên họ có nhiều câu hò vè nghe mà thấy não lòng. Ngoài ra, họ còn có những loại hình ca múa dân gian rất độc đáo như những bài hát giao duyên dành cho các đôi nam thanh nữ tú, hát ru hời, hát đồng dao… Nhạc cụ quan trọng nhất trong âm nhạc Chăm là cái trống, nhất là bộ trống Rap Panà được sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết của người Chăm.

     Nhiều bô lão cũng đã bỏ công viết lại những giai thoại lịch sử nầy. Khoảng cuối năm 1973, có một lần tôi tháp tùng một người bạn Chăm về thăm quê của anh ta ở Châu Đốc và được tham dự vào một sinh hoạt hết sức đặc biệt của người Chăm tại Châu Đốc. Số là vào một đêm tại một làng Chăm Châu Đốc, dưới ánh đèn lung linh mờ ảo đượm vẻ huyền bí, các bô lão đã thay phiên nhau đọc lại kệ thơ về nhiều mẫu chuyện xưa của vương quốc Champa. Thính giả không chỉ mọi người trong nhà, mà còn nhiều bà con lối xóm đến tham dự. Mọi người chăm chú theo dõi cuộc kể chuyện một cách thích thú. Quả thật đây là lối sinh hoạt vừa giải trí mà cũng vừa hữu ích cho giới trẻ hiểu được lịch sửvăn hóa của chính dân tộc họ. Việc thay đổi thể chế chính trị tại miền Nam Việt Nam vào năm 1975 đã khiến một số không nhỏ người Chăm một lần nữa phải rời bỏ nơi mình đang cư trú để ra đi tìm đất sống như rất nhiều người Việt Nam khác. Sau năm 1975, một số người Chăm ở Châu Đốc, vì theo đạo Hồi nên đã chạy sang Mã Lai, trong khi một số khác ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận cũng đã vượt biên và hiện đang tỵ nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Đức, Bỉ, vân vân. Không biết bây giờ những người Chăm tha hương nầy còn người có đủ khả năng đảm trách và giữ được những tập tục kể chuyện về văn hóalịch sử mà vài thập niên về trước cha anh họ đã trao truyền hay không?

 

 

Thay Lời Kết

 

     Tóm lại, dầu có rất nhiều ngộ nhận về chánh sách của các chúa Nguyễn đối với vương quốc Champa và người Chăm, và dầu cộng đồng người Chăm không tích cực góp phần vào công cuộc khai khẩn và phát triển vùng đất phương Nam, chúng ta không thể nào phủ nhận hoàn toàn những đóng góp về văn hóa Champa vào nếp sống văn hóa miền Nam. Chính nền văn hóa nối tiếp văn hóa Sa Huỳnh ấy là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam, là một cái gạch nối tuyệt hảo nối liền sự quan hệ giữa dân tộc Việt Nam với các bộ tộc Nam Đảo. Ngày nay, người Chăm cảm thấy hãnh diện không chỉ riêng về những ngôi tháp Chàm miền Trung, mà văn hóa của họ nói chung đã góp phần không nhỏ trong việc khiến cho vùng đất Nam Kỳ đi sau mà phải nói toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung đều có cùng chung một niềm hãnh diện. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dầu ngày nay vương quốc Champa không còn nữa, nhưng những di sản mà vương quốc nầy đã để lại cho dân tộc Việt Namvô cùng quý báu. Thiết tưởng những người hậu bối chúng ta phải nhìn xa hơn về cái di sản Champa, để không chỉ thấy người Champa qua một mảng văn hóa hay văn minh của dân tộc nầy, mà chúng ta nên nghiên cứu thật tỉ mỉ về nền kiến trúc và điêu khắc có thể góp phần giúp cho sự thịnh vượng của dân tộc Việt Nam trong tương lai.

 

Chú Thích:

 (4) Panduranga là vùng Phan Rang Phan Rí ngày nay.

(5) Theo Po Dharma trong “À Propos de l’exil d’un roi Cam au Cambodge”, 1983, tr. 253-266.

(6) Theo Dohamide và Dorohiêm trong “Bangsa Champa”, California, USA, Seacafe & Viet Foundation, 2004, tr. 353 cộng đồng người Champa hiện nay có trên 130.000 người sinh sống rãi rác từ Phan Rang, Phan Rí, Châu Đốc và Tây Ninh.

(7) Lãnh là loại dầy, lụa là loại vừa vừa, còn lược là loại vải mỏng nhất.

( 8 )Thổ cẩm Chăm là một loại vải đầy màu sắc rực rỡ.

(9) Sao là một giống cây mà gỗ của nó rất chắc, người Chăm thường dùng cây sao để làm cột nhà hay đóng ghe thuyền.

(10) Đến thời VNCH người ta đặt tên Phum Soài là Châu Phong.

(11)​Những ngôi giáo đường Hồi giáo thường có nóc vòm và đài tháp cao mà người ta có thể nhận biết được từ xa. Bên trong ngôi giáo đường không có tượng thờ mà chỉ có một chiếc bục thật đơn giản.

 

 

Picture7Hình 1: Nhà người Chăm tại Châu Đốc, ảnh 1973. 

Picture8Hình 2: Giáo Đường Mubarak ở Châu Đốc, ảnh 2015.

Picture9Hình 3: Giáo Đường Hồi Giáo An Phú, ảnh internet.

Picture10Hình 4: Một người đàn bà Chăm đang trình bày sản phẩm dệt

thổ Cẩm Châu Giang, ảnh internet.

Picture11Hình 5: Cảnh buôn bán bên lề đường của người Chăm ở Châu Giang, ảnh internet.

 

Picture12Hình 6: Người con gái Chăm đang đẩy xe đi bán dạo sản phẩm dệt

Thổ Cẩm của người Chăm ở làng Búng Bình Thiên, An Phú, ảnh internet.

 

Picture13Hình 7: Gian hàng bán sản phẩm dệt của người Chăm ở Châu Đốc, ảnh 2015.

Picture14Hình 8: Một ngôi nhà tiêu biểu của người Chăm ở Châu Giang, ảnh 2015.

 

Picture15Hình 9: Cơm nị với hạt điều của người Chăm, ảnh 2015.

 

Picture16Hình 10: Thánh đường Hồi giáo Jaminul’Aman ở

làng Chăm Cỏ Tầm Bôn (Koh Taboong), ảnh 2015.

Picture17Hình 11: Trang phục của một vị Haji, những người đã từng đi

hành hươngThánh địa Mecca ở Saudi Arabia, ảnh internet.

 

Picture18Hình 12: Tín đồ Hồi giáo Chăm đanh tham dự thánh lễ tại Thánh đường

Hồi giáo Jaminul’Aman ở làng Chăm Cỏ Tầm Bôn (Koh Taboong), ảnh 2015.

 

Picture19Hình 13: Phà Châu Giang đang qua Châu Đốc

(Châu Giang nằm ngay trụ điện cao phía bên kia bờ), ảnh 2015.

 

Picture20Hình 14: Cảnh bao quát của Hồ Búng Bình Thiên trong làng Búng Bình Thiên,

ảnh 2015. Người Champa gọi là Hồ Nước Trời, nằm trong cù lao An Phú,

rộng khoảng 300 mẫu vào mùa khô. Vào mùa nước nổi, Hồ Nước Trời

có thể rộng hàng ngàn mẫu, nhưng nước trong hồ vẫn luôn trong xanh,

trong khi nước ngoài phía Hậu Giang thì mang đầy phù sa đục ngầu.

 

Picture21Hình 15: Những cô gái Champa bên bờ Búng Bình Thiêng, ảnh internet.

 

Picture22Hình 16: Một khu xóm của người Champa trong làng Búng Bình Thiên, ảnh internet.

 

Picture23Hình 17: Hình bìa sách TÌM VỀ VỚI MỘT CỘI NGUỒN CÁCH XA
(BANGSA CHAMPA) của tác giả Dohamide Dorohiêm,
một trong những giới trí thức Champa tại hải ngoại, hình chụp từ
bìa sách của thư viện tại nhà của người viết bài nầy. Phải thật tình mà nói,
sau khi đọc xong quyển sách nầy của Dohamide Dorohiêm, riêng tôi cảm thấy
vừa xót xa cho dân tộc Champa, vì đâu đến nỗi phải Tìm Về Một Cội Nguồn Cách Xa,
đồng thời tôi cũng cảm thấy hình như cũng có một cái gì đó không ổn, rất không ổn với dân tộc
Việt Nam trong thế kỷ XXI nầy… Nếu không khéo, một ngày không xa nào đó những nhà trí thức chân chánh Việt Nam mình cũng sẽ phải viết ra những cuốn sách có tựa đề na ná giống như quyển sách nầy. Mong cho việc nầy không xảy đến với dân tộc Việt Nam, mong lắm!!!

Tham Khảo

Champaka, California, USA, 1999.

Người Long Hồ, Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh, xuất bản, California, USA, 2006.

Người Long Hồ, Đất Phương Nam, xuất bản, California, USA, 2012.

Người Long Hồ, o Kiệt Đất Phương Nam, xuất bản, California, USA, 2018.

 

Công Báo:

Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945.

Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise 1862-1945.

Công Báo Việt Nam Cộng Hòa 1955- 1975.

Lịch Annam-Sáu Tỉnh Nam Kỳ, Sài Gòn-Bản In Nhà Nước 1869, 1871, 1872, 1874, 1875, 1876, 1878, 1879, 1880.

 

Theo Lời Kể Từ Các Bô Lão:

Theo lời kể miệng của các cụ Trần văn Tiếng, Trần văn Hương, và Ông Cụ Sáu xóm Bánh Phồng bên Thiềng Đức Vĩnh Long (cụ sáu sanh năm 1855, đến năm 1961 thì cụ đã 105 tuổi, nhưng hãy còn rất minh mẫn), kể từ Nam Kỳ Lục Tỉnh đến 20 tỉnh Nam Kỳ  dưới thời Pháp thuộc, cũng như Nam Kỳ từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khoảng thập niên 1950s.

Theo lời kể miệng từ các bô lão trong khắp các vùng Đất Phương Nam, từ Phan Thiết đến Cà Mau, trong khoảng từ năm 1969 đến 1975.

Theo lời kể của hai anh Hứa Hoành và Nguyễn Hữu Trí trong những đêm “Nhớ Về Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh” tại Bataan, Philippines vào cuối năm 1984.



 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.