Trôi Chảy Không Ngừng Nghĩa Là Thế Nào ?

28/09/20224:12 SA(Xem: 3902)
Trôi Chảy Không Ngừng Nghĩa Là Thế Nào ?
TRÔI CHẢY KHÔNG NGỪNG NGHĨA LÀ THẾ NÀO ?
Truyền Bình
 

vu truÝ nghĩa quan trọng của trôi chảy không ngừng

Câu hỏi tưởng chừng đơn giản. Một dòng suối chảy, nó chảy hoài không ngừng, đâu có gì khó hiểu. Thời gian trôi, nó trôi mãi không thể ngừng. Trái đất chuyển động chung quanh Mặt trời, vừa tự xoay quanh trục của nó vừa di chuyển trên quỹ đạo; xoay một vòng mất 24 giờ, di chuyển giáp một vòng quỹ đạo mất 365 ngày không ngừng nghỉ. Những biểu hiện đó không có gì khó hiểu song ý nghĩa triết học của nó mới là điều quan trọng đáng cho chúng nắm bắt. Kinh điển Phật pháp cũng có đề cập vấn đề này.

Đại Huệ Đại Sĩ có hỏi Phật về sinh, trụ, diệt. Đức Phật nói: “Tất cả tâm thức đều có hai loại tác dụng đối với sinh, trụ và diệt, và đều không thể hiểu rõ bằng suy lường. Hai loại tác dụng sinh của tâm thức là gì? Đó gọi là lưu chú sinh 流注生 (không phải lưu trú 流住, chú 注 nghĩa là chảy) và tướng sinh 相生. Chẳng hạn như dòng sông chảy không ngừng, chảy mãi không thôi, nó được gọi là lưu chú sinh (chú 注 là rót, chảy). Do đó, phát sinh các hiện tượng tiếp tục không ngừng, được gọi là tướng sinh. Hai loại tâm thức trụ 住 là gì? Đó là lưu chú trụ 流注住 và tướng trụ 相住. Chẳng hạn như thác nước. Sự liên tục đổ xuống của dòng nước mới có sự tồn tại của hiện tượng thác nước, thác nước là tướng trụ. Hai loại tâm thức diệt 灭 là gì? Đó là lưu chú diệt 流注灭 và tướng diệt 相灭, tức là sự diệt vong cũng liên tục không ngừng, hiện tượng tồn tạidiệt vong cũng diễn ra liên tục không ngừng và đồng thời.” Tóm lại tướng lưu chú 流注相 là sự nối tiếp không ngừng của mọi hiện tượng theo ba chu kỳ sinh, trụ, diệt. Chính sự tiếp nối không ngừng tạo ra hiện tượng (tướng). Ví dụ quay một cây nhang có đóm lửa ở đầu thì thấy một vòng tròn lửa. Vòng tròn lửa đó là tướng lưu chú chứ nó không có thật. Tương tự như vậy, sinh, trụ, diệt đều không có thật, chỉ là tướng lưu chú mà thôi.   

Trên đây kinh Phật giải thích về tướng lưu chú với ba hình thái : sinh, trụ và diệt. Các hình thái này đều luôn luôn đi cùng với sự trôi chảy không ngừng, không thể ngừng. Nước ngừng chảy thì không còn thác nước, dòng nước ngừng trôi thì không còn dòng sông, Trái đất ngừng quay thì không còn thời gian và cuộc sống. Electron ngừng chuyển động thì không còn vật chất, tâm niệm ngừng tưởng tuợng thì không còn một sự vật gì cả (bản lai vô nhất vật 本來無一物 – Huệ Năng), vũ trụ vạn vật đều không còn, sự sống chết (sinh tử) không còn. Bởi vì tất cả đều là tướng lưu chú (sự vật là do chuyển động mà hiện hữu). Động lực của tất cả chuyển động đó là tâm. Tâm vô niệm, ngừng tưởng tượng thì không có gì cả, đó là tánh không. Bản thể của vũ trụ vạn vật đã được Phật pháp đúc kết trong 2 nguyên lý cơ bản.

1/Nhất thiết pháp vô tự tính 一切法無自性 (tất cả các pháp đều không có sẵn đặc  trưng đặc điểm) nghĩa là các hạt cơ bản như photon, electron, quark…đều không có đặc trưng nên tất cả các pháp (vạn vật) cũng không có đặc trưng, không có thật.

2/Nhất thiết duy tâm tạo 一切唯心造 (tất cả sự vật đều là do tâm tưởng tượng ra). Cơ chế để tạo ra vạn vật là tướng lưu chú nghĩa là vận động, trôi chảy. Bản chất của vũ trụ vạn vật là thông tin. Thông tin là sóng vô hình vô cùng vi diệuPhật giáo gọi là Phật (Bhudda) hay Phật tánh, Tánh biết, còn gọi là Tâm. Vì nó vô hình vô thể, bất sinh, bất diệt nên không thể khẳng định là Có hay Không, Thiền tạm gọi là Tánh Không. Tuy nói tánh không nhưng không phải là Hư Vô vì nó có khả năng tạo ra vũ trụ vạn vật. Nó bao gồm cả Không và Có. Ở trạng thái Không, nó là Tâm. Ở trạng thái Có, nó là Thức, biểu hiện là 8 thức, 8 thức thật ra chỉ là A-lại-da thức nhưng nó thể biểu hiện thành Mạt-na thức (thức thứ 7), Ý thức (thức thứ 6), Tiền ngũ thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc thân thể). 8 thức là sự vận động tiếp xúc của 6 căn và 6 trần mà Duy Thức Học đã giải thích. Tướng lưu chú của sóng vô hình, sóng thông tin là rung động không ngừng nghỉ. Khi giao tiếp với các giác quan của con người hay thiết bị bắt sóng, thì sóng biến thành hạt cơ bản (quark, electron, photon…).

Do trùng trùng duyên khởi, hạt cơ bản là tướng lưu chú của sóng vô hình, thông tin vô hình. Nguyên tử, phân tử là tướng lưu chú của hạt cơ bản. Vật thể, sinh vật, con người, vạn vật, vạn pháp là tướng lưu chú của nguyên tử, phân tử. Cả một hệ thống vô cùng phức tạp như vậy đều là tướng lưu chú của Tâm. Do đó kinh điển mới nói Nhất thiết duy tâm tạo.     

Sai lầm của con người khi không nhận thức được trôi chảy không ngừng              

Người sai lầm đáng kể nhất phải nói chính là nhà khoa học lừng lẫy nhất của nhân loại : Albert Einstein

Giới khoa học khi liệt kê các sai lầm của Einstein chỉ thường kể những điểm sau :

1/ Hằng số vũ trụ : đây được coi là sai lầm lớn nhất của Einsteins, hằng số vũ trụ vẫn là sai số (fudge factor) thay đổi cách không thời gian (space-time) tương tác với năng lượng tối, dạng năng lượng khiến các thiên hà phát triển giãn nở nhanh hơn, làm tăng tốc độ giãn nở của vũ trụ. Sai lầm này là cho rằng vũ trụ đứng yên không giãn nở.

2/Sóng hấp dẫn : hơn 100 năm trước, Einstein đã dự đoán sự hiện diện của sóng hấp dẫn. Song đã có khoảng thời gian, chính bản thân Einsteins cũng nghi ngờ về sự tồn tại của chúng. Năm 1930, hai thập kỷ sau khi công bố thuyết tương đối rộng, Einsteins từng có ý định bác bỏ sóng hấp dẫn. Năm 2016, các nhà khoa học tuyên bố đã trực tiếp phát hiện những làn sóng trong kết cấu không thời gian, gọi là sóng hấp dẫn. Phát hiện trên là bước đột phá trong ngành thiên văn, thay đổi cách ta nghiên cứu vũ trụ, vừa là sự xác nhận rất lớn cho những nỗ lực của Einsteins, một điều mà ông đã từ bỏ.

3/ Sai lầm về lượng tử : Einstein là người tiên phong trong lĩnh vực vật lý lượng tử, chính ông là người nhận định rằng ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt và đã chứng minh được qua việc tạo ra được dòng điện từ hạt photon, đó là phát minh về hiệu ứng quang điện mà ngày nay được ứng dụng trong các tấm pin mặt trời. Tuy nhiên ông lại không tin hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement) là có thật và nói rằng đó là tác động ma quái từ xa “spooky action at a distance” và giải thích rằng nó giống như tách đôi một cặp găng tay (gloves) cái bên phải và cái bên trái, bỏ mỗi cái vào một vali riêng và đem chúng đi xa, chẳng hạn một cái ở New York, một cái ở Nam Cực. Khi mở cái ở cái ở New York, ví dụ là găng tay trái thì người ta tức thời biết cái ở Nam Cực là găng tay phải, bất kể khoảng cách là bao xa. Lý luận của Einstein đã được Alain Aspect chứng minh là sai năm 1982 tại Paris, vì Aspect đã chứng tỏ được hiện tượng liên kết lượng tử là có xảy ra thật.  

Trên đây là nhận xét của giới khoa học, nhưng theo thiển ý của tôi, sai lầm lớn nhất của Einstein là ông chưa thấu triệt 2 nguyên lý mà tôi đã nêu ở trên, đó là nhất thiết pháp vô tự tínhnhất thiết duy tâm tạo. Einstein là người đánh giá rất cao Phật giáo. Ông nói :

“Nếu có một tôn giáo nào có thể đối diện với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó có lẽ là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science- trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein).  

Tuy nhiên ông vẫn chưa hiểu hết Phật giáo. Ông nói Phật giáo bao hàm khoa học và đi xa hơn khoa học (it embrances science as well as goes beyond science) nhưng ông chưa thể nghiệm điều đó.

Einstein vẫn còn tin tưởng rằng các hạt cơ bản của vật chất (material particles) là khách quan và luôn luôn có sẵn đặc trưng. Đây mới chính là sai lầm cơ bản và lớn nhất của Einstein. Ông tranh cãi với một nhà khoa học khác là Niels Bohr về vấn đề này. Quan điểm của Bohr nói rằng hạt cơ bản không có sẵn đặc trưng, chỉ khi có người quan sát thì đặc trưng mới xuất hiện. Cuối cùng thì đến năm 1982, Alain Aspect đã chứng tỏ Bohr đúng, Einstein sai.

Sai lầm của Einstein thể hiện rõ ràng trong phát biểu của ông : 

Einstein nói : “Tôi thích nghĩ rằng Mặt trăng vẫn tồn tại ở đó ngay cả khi tôi không đang nhìn nó”

Einstein nghĩ rằng Mặt trăng là một thực thể khách quan, nó tồn tại bên ngoài tâm niệm, bên ngoài nhận thức của con người. Nhưng suy nghĩ đó của Einstein cũng giống như của hàng tỷ con người trên Trái đất, chỉ là điên đảo mộng tưởng, nằm mơ giữa ban ngày. Ông chưa hiểu Mặt trăng chỉ là tướng lưu chú của tâm niệm. Nếu tâm vô niệm thì không có Mặt trăng, tất cả chỉ là Tánh Không, không có một vật gì cả như bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng đã nói “Bản lai vô nhất vật” (Xưa nay không có một vật gì cả).

Trong cuộc sống thực tế thì con người chúng ta đã bị trói buộc bởi tập khí từ lâu đời gọi là Thế lưu bố tưởng世流布想 đó là tưởng tượng bình thường được lưu truyền rộng rãi qua nhiều đời của thế nhân, bị trói buộc bởi không gian, thời gian và số lượng. Nên quan điểm của chúng ta luôn xem cảnh giới thế gian là có thật, Mặt trời, Mặt trăng, Địa Cầu, Sơn hà đại địa, vạn vật con người là có thật, không biết rằng tất cả chỉ là tướng lưu chú 流注相 của tâm. Nếu tâm ngừng niệm, dòng trôi chảy ngừng lại thì tất cả đều biến mất.

Nhưng con người không thể ngừng tâm niệm, kể cả khi chết nó cũng không ngừng, nó chỉ chuyển từ cảnh giới thế gian sang một cảnh giới khác, tùy theo nghiệp tốt xấu mà thần thức sẽ đầu thai ở một trong sáu đường, bốn loài, ba cõi.  Sáu đường là : [trời, thần (asura), người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục]; Bốn loài là : [thai sanh (người, thú…), thấp sanh (vi trùng vi khuẩn, côn trùng), noãn sanh (gà, vịt, chim…), hóa sanh (trời, tây phương cực lạc)]; Ba cõi là : Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

Hậu quả của nhận thức lầm lạcđau khổ. Chẳng hạn hiện nay nhân loại đang đau khổ vì đại dịch Covid-19. Những chúng sinh sinh ra ở 3 đường trên thì còn có phần hạnh phúc, phước báu nhưng cũng có phiền não. Còn những chúng sinh sinh ra ở 3 đường dưới thì đau khổ triền miên. Ngay cả ở một đường lưng chừng như cõi người, đau khổ cũng không phải ít, đó là do mê muội chấp thật. Hiện nay con người trên khắp thế giới đang đau khổ vì con virus SARS-CoV-2.

Làm sao để hóa giải đau khổ ?                 

Phật giáo đã dạy con người Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ [quán thân, quán thọ (cảm giác), quán tâm, quán pháp] Bát Chánh Đạo, tu tập dần dần để hóa giải đau khổ. Đây là giáo môn dạy cho những người còn chấp ngã, chấp pháp quá nặng. Họ cũng giống như Einstein, chưa nhận ra tướng lưu chú; ngã, pháp đều không phải có thật. Họ phải quán tưởng đủ thứ để khởi lòng nghi, từ nghi dẫn tới ngộ mới hết đau khổ.

Một pháp môn khác là Thiền cũng dành cho những người chưa khởi lòng nghi nhưng không nặng về dạy giáo lý mà dạy tham thiền hoặc tham thoại đầu. Có nhiều tông phái thiền. Có phái thiên về quán tưởng, hoặc tham công án. Có phái thiên về thiền định. Có hai phái thiền chính là Như Lai ThiềnTổ Sư Thiền.

Tổ Sư ThiềnThiền định dạy về chấm dứt suy nghĩ, tâm lặng yên không khởi niệm, dùng cái không biết để tu. Nhưng không khởi niệm là rất khó, là vô phương, nên các vị Tổ bày ra một phương tiện là tham thoại đầu.  

Thoại đầu là cái phần đầu trước khi có câu thoại. Câu thoại là một câu khó hiểu dùng để tham thiền, ví dụ như câu : “Trước khi có trời đất, ta là cái gì ?” Thoại đầu là cái trước khi có câu thoại, trước khi câu thoại khởi lên. Thoại đầu tức là cái bản thể trước khi có trời đất, trước khi có cái ta, trước khi có câu thoại. Thoại vĩ (đuôi câu thoại) chính là câu thoại, chính là tâm niệm của ta. Tham thoại đầu thì không được suy nghĩ tìm hiểu, chỉ đề khởi câu thoại và khán (nhìn), nhìn vào chỗ không có đối tượng để nhìn. Chỉ khởi và nhìn liên tục như vậy lâu ngày sẽ định tức là thật sự chấm dứt nghĩ tưởng, chấm dứt thế lưu bố tưởng, định sinh huệ tức là giác ngộ, kiến tánh thành Phật.

Đa số hành giả tham thoại đầu không có kết quả là vì rơi vào thoại vĩ chứ không tới được thoại đầu. Tới được thoại đầu là tới được vô thủy vô minh. Tới đó rồi còn phải bước thêm bước nữa mới kiến tánh.

Đời Tống, Chiêu Hiền đại sư 招賢大師trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 景德傳燈錄 có sáng tác bài kệ để nói ý này:  

百尺竿頭不動人 Bách xích can đầu bất động nhân, Sào cao trăm thước người lặng thinh,

雖 然 得 入 未 為 真 Tuy nhiên đắc nhập vi vi chân.  Tuy là cao vút hết đường binh
百 尺 竿 頭須 進 步  Bách xích can đầu, tu tiến bộ, Đầu sào vẫn cần tiếp bước nữa  

十 方 世 界全身 Thập phương thế giới thị toàn thân. Mười phương thế giới chính là mình.

Tại sao đã leo tới đầu sào cao trăm thước, không còn chỗ để leo nữa, vậy mà phải tiến thêm nữa mới giác ngộ ? Bởi vì phải tới vô phân biệt trí mới giác ngộ. Tức là phải tới chỗ vô sở trụ như kinh Kim Cang nói : Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Phải vô sở trụ thì tâm bản nguyên vô sinh pháp nhẫn 無生法忍 mới xuất hiện. Đầu sào trăm trước tuy là chỗ cao nhất trên hành trình của hành giả rồi nhưng vẫn còn chỗ trụ.       

Còn Như Lai Thiền là dùng cái biết của ý thức để tu. Phần lớn kinh điển Đại Thừa đều là Như Lai Thiền.

Như Lai Thiền giảng về Vi diệu pháp tức là những pháp thật là tinh vi sâu kín mà người bình thường không thể nào hiểu nổi, chẳng hạn như Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy về tánh biết, tánh thấy không phải do bộ não, không phải do con mắt; tâm không phải ở trong thân cũng không phải ở ngoài thân. Kinh Hoa Nghiêm giảng về pháp giới Hoa Nghiêm lý sự vô ngại, sự sự vô ngại.

Ngày nay với những phát minh mới về khoa học nhất là cơ học lượng tử, chúng ta có thêm phương tiện để hiểu sâu Như Lai Thiền. Do đó có thể nhận ra chỗ sai lầm của những nhà khoa học số một của thế giới dựa vào những điều mà kinh điển đã nói từ lâu. Phật pháp thật sự đã đi trước khoa học.

Chúng ta giác ngộ rằng thế giới chỉ là ảo tưởng, là mở mắt chiêm bao, là nằm mơ giữa ban ngày, chúng ta giảm bớt chấp thật, không còn tuyệt đối tin tưởng ở những cảnh giới “khách quan” nữa vì hiểu rằng khách quan chỉ là thế lưu bố tưởng, là chủ quan tập thể. Càng bớt chấp thật thì chúng ta càng giảm bớt rất nhiều đau khổ. Thí dụ một người thấy cha mẹ, con cái, người thân hay bạn bè của mình chết vì covid cũng chỉ đau buồn một chút mà thôi chứ không đến nỗi giống như trời long đất lở.

Phật giáo dạy bảo con người điều gì ?         

Kinh điển của Phật giáo có rất nhiều. Kinh điển cũng không thống nhất. Tùy theo căn cơ của con người mê muội nhiều hay mê muội ít mà kinh dạy rất khác nhau, khác nhau tới 180 độ, nghĩa là mâu thuẫn hẳn nhau. Tiêu biểu cho mức độ khác nhau này chúng ta có thể lấy bài kệ Tứ liệu giản của thiền sư Lâm Tế làm ví dụ.

四料簡 臨濟義玄 Tứ liệu giản Lâm Tế Nghĩa Huyền (không rõ năm sinh, tịch khoảng năm 866/867 đời Đường)

奪人不奪境 Đoạt nhân bất đoạt cảnh Bỏ người không bỏ cảnh

奪 境不奪人 Đoạt cảnh bất đoạt nhân Bỏ cảnh không bỏ người

人境俱奪 Nhân cảnh câu đoạt Người và cảnh đều bỏ

人境俱不奪 Nhân cảnh câu bất đoạt Người và cảnh đều không bỏ

Liệu 料 nghĩa đenvật liệu chất liệu. Nghĩa bóngcân nhắc liều lượng

Giản 簡 nghĩa đen là cái thẻ tre. Nghĩa bóng ở đây là chọn lựa

Vậy tứ liệu giản là 4 cách cân nhắc chọn lựa cho phù hợp với người học đạo từ thấp tới cao.

Đoạt nhân bất đoạt cảnh ý nói tu là sửa mình, phá ngã chấp, coi cảnh giới là thật còn ta là giả.

Đoạt cảnh bất đoạt nhân ý nói cảnh cũng là hư giả, ngũ uẩn ngã không phải là mình, bản tâm, Phật tánh mới là mình thật.

Nhân cảnh câu đoạt ý nói ngã và pháp đều là không, chứng vô sinh pháp nhẫn, thấu rõ tánh không của vạn pháp   

Nhân cảnh câu bất đoạt ý nói đó là cảnh giới giác ngộ, không còn phân biệt thật giả, đúng sai, thiện ác, sáng tối, dơ sạch, trí ngu, thánh phàm. Pháp giới bình đẳng, vô sở trụ, không có không gian, thời gian, số lượng; mà cũng không phải là không có, bởi vì Sắc bất dị Không. Đây chính thậtTrung Đạo nghĩa của Long Thọ Bồ Tát. Trung Đạo không phải ở ngay chính giữa mà là vô sở trụ.

Vậy hành giả phải ứng xử thế nào ? Hoàn toàn tự do mà không cần nhà nước phải ban bố những quyền tự do như thế nào, kể cả sinh tử cũng tự do, không có gì ràng buộc hết. Câu chuyện gia đình Bàng Uẩnthể hiện cái tự do tự tại đó. Nó không có khuôn mẫu nào cả.

Nhiều người hiểu nhầm Phật giáo, cho rằng PG khuyên mọi người diệt dục, ăn chay niệm Phật, từ bỏ cuộc sống thế tục, từ bỏ cuộc sống vợ chồng, bỏ vợ bỏ chồng, bỏ con để đi tu. 

Thật ra không phải như vậy. PG dạy mọi người nhận thức được bản thể của vũ trụ vạn vật là tướng lưu chú (dòng trôi chảy không ngừng) của tâm, không phải là tuyệt đối chân thật, do đó giác ngộ, thoát khỏi tất cả mọi khổ nạn. Bởi vì tất cả mọi cảnh giới, mọi khổ nạn đều không phải có thật nên không việc gì phải đau khổ, chuyện sinh tử cũng chỉ là mở mắt chiêm bao.

Hành giả giác ngộ rồi thì cứ sống bình thường, hoàn toàn tự do, bình thường tâm thị đạo 平常心是道 . Hành giảtu sĩ thì sống theo giới luật của tu sĩ vì họ tự nguyện chứ không phải ai bắt buộc. Đó là vì họ muốn làm gương mẫu cho người đời cho nên phải nghiêm túc giữ giới luật của tỳ kheo hay tỳ kheo ni. Hành giảcư sĩ thì chỉ cần giữ 5 giới căn bản thôi. Ăn chay hay ăn mặn cũng là tự nguyện chứ không bắt buộc, sống độc thân hay có vợ, có chồng, có tình nhân, cũng là do nhân duyên của mỗi người chứ cũng không có gì phải bắt buộc. Cuộc sống thế gian là một trò chơi, một vở kịch của tạo hóa, của Tâm bản nguyên. Tâm phải tạo ra cuộc sống ảo hóa như vậy là vì tâm có năng lực rất lớn. Tâm là họa sĩ đại tài có khả năng vẽ vời ra tất cả mọi cảnh giới.

Kinh Hoa Nghiêm nói : Tâm như công họa sư, tạo chủng chủng ngũ ấm, nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo 心如工畫師,造種種五陰,一切世間中,無法而不造。[Tâm như vị họa sư tạo ra tất cả các loại ngũ ấm (cũng tức là ngũ uẩn五蘊) tất cả mọi thứ trong thế gian, không có pháp nào mà tâm không tạo ra được].  Mỗi hành giả, mỗi chúng sinh đều là diễn viên trong đại hí trường đó. Ta vừa là tâm, người tạo ra đại hí trường đó, vừa là diễn viên trong vở kịch đó luôn. Có chúng sinh đóng vai chính diện, có chúng sinh đóng vai phản diện. Vì không gian thời gian và số lượng đều không có thật, nên tâm có thể làm được như vậy. Tâm có thể tạo ra cả vũ trụ vạn vật, thiên hà, mặt trời, hành tinh, con người, không gì là không thể tạo ra được bởi vì tất cả chỉ là ảo hóa, là tưởng tượng.

Truyền Bình

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/07/2014(Xem: 8698)
11/01/2014(Xem: 15337)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.