CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER
TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM
(CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER TRONG ĐỊA PHẬN DINH LONG HỒ XƯA)
Người Long Hồ
Xem bản PDF dưới đây với đầy đủ hình ảnh minh họa
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER TRÊN VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM
I
Tổng Quan Về Người Khmer
Trong Dinh Long Hồ Xưa
Trước khi người Phù Nam và Chân Lạp đến vùng đất nầy, vào khoảng bốn hoặc năm ngàn năm trước đây đã có những nhóm người Indonesien từ các vùng Nam Á và Nam Đảo đến định cư tại miền Đông Nam Kỳ và dựng nên nền văn hóa Đồng Nai, và nền văn hóa nầy hoàn chỉnh khoảng trên ba ngàn năm đước đây. Đến khi vùng châu thổ sông Cửu Long thành hình một cách rõ rệt khoảng 2.500 năm trước, những cư dân bản địa miền Đông bắt đầu di chuyển dần xuống miền Tây. Để rồi vào khoảng một trăm năm trước tây lịch, những cư dân bản địa ở đây đã hợp cùng với những cư dân mới đến từ các vùng Nam Đảo lập nên vương quốc Phù Nam mà người Cao Miên ngày nay tự nhận là tổ tiên của mình. Tuy nhiên, vấn đề nầy hãy còn là một nghi vấn lớn cho các nhà viết cổ sử, vì có lý nào con cháu lại đi đánh phá và tiêu diệt tổ tiên mình bao giờ? Sau khi Phù Nam sụp đổ, một phần cư dân của họ chạy ra các vùng Nam Đảo, phần khác chạy lên các vùng cao thuộc cao nguyên Nam Trung Phần, phần còn lại tiếp tục sống cộng cư với người Kambuja. Ngày nay ai trong chúng ta cũng đều biết vùng đất mà chúng ta gọi là Nam Kỳ hôm nay vốn là một phần lãnh thổ của vương quốc Phù Nam đã bị nước Kambuja tiêu diệt và xâm chiếm vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI. Tuy nhiên, vì nước Cao Miên không ghi chép lại lịch sử, họ chỉ ghi chép lại những gì xảy ra trên lá thốt nốt, mà loại lá nầy dầu có bảo quản tốt thế mấy cũng chỉ tồn tại khoảng trên dưới 150 năm mà thôi. Chính vì vậy mà rất khó có thể xác định được những người Khmer đang sinh sống trên vùng đất Nam Kỳ là hậu duệ của những người Phù Nam đã ở lại chịu sống cộng cư với người Kambuja hay là hậu duệ của những người Khmer mới theo chân những lưu dân người Việt và người Hoa đến vùng đất nầy vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Khi người Pháp bảo hộ Cao Miên vào năm 1864, họ không gọi nước nầy là Chenla, tức Chân Lạp, mà họ gọi là Cambodge, do chữ Kambuja thoát thai từ truyền thuyết lập quốc Cao Miên từ thế kỷ thứ VI. Ngoại trừ tên gọi Chenla, còn thì tất cả những tên gọi khác như Cambodge, Kambuja hay Kampuchia đều đi ngược lại với chuyện người Khmer tự nhận mình là hậu duệ của người Phù Nam. Hoặc giả khi soạn bộ sử Cao Miên bằng tiếng Pháp, người Pháp đã lầm lẫn hoặc cố ý cho rằng vương quốc Phù Nam là tiền thân của nước Chenla (1).
Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, nước Kambuja bị chia ra làm hai phần, phần trên là Lục Chân Lạp và phần dưới là Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên, trải qua gần mười thế kỷ, vì từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, vùng đất nầy coi như bị xứ Chân Lạp bỏ hoang. Đến sau thế kỷ thứ XVII, tình hình chính trị trong vùng có nhiều biến động, quân Xiêm La luôn dòm ngó tiêu diệt Chân Lạp nên vua nước nầy phải nhờ xứ Đàng Trong bảo hộ để sinh tồn và để chống lại ngoại xâm. Và cũng kể từ đó, hễ mỗi lần quốc vương Chân Lạp nhờ vả xứ Đàng Trong là mỗi lần xứ nầy nhượng bớt một phần đất hoang ở Thủy Chân Lạp để đền ơn đáp nghĩa.
Tưởng cũng nên nhắc lại, sở dĩ cộng đồng người Khmer trên vùng đất Nam Kỳ ngày nay cũng còn một con số đáng kể là vì những lần các vua Chân Lạp dâng hiến đất đai cho các chúa Nguyễn, nước Chân Lạp ít khi bắt buộc cư dân của họ phải tản cư về vùng Lục Chân Lạp. Sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt vào thế kỷ thứ VII, coi như vùng đất Thủy Chân Lạp bị bỏ hoang vì đa số người Phù Nam bỏ ra các vùng Nam Đảo hoặc lên Tây Nguyên. Trong khi đó người Khmer lại không chịu di cư xuống vùng đất thấp nầy; nếu có thì họ chỉ sống co cụm tại các vùng sâu bên trong giữa Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp mà thôi. Theo Châu Đạt Quan trong Chân Lạp Phong Thổ Ký, vào khoảng thế kỷ thứ XIV, đã có một số người Khmer định cư sẵn dọc theo đường ông đang đi đến thủ đô của Chân Lạp; tuy nhiên, con số này không đông lắm. Có thể Châu Đạt Quan chỉ quan sát dọc theo hai bên bờ sông nên ông không thấy được lúc đó đã có một số đông người Khmer đến từ nội địa Kampuchia vào khoảng những thế kỷ thứ VI và thứ VII, sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt. Sau đó, vào những thế kỷ thứ X, XI, và XII, do những biến động giữa tộc người Thái và Khmer nên một số lớn người Khmer đã lần theo dòng Cửu Long đi về phía đồng bằng miền Tây Nam Phần và định cư sâu trên các giồng đất cổ. Nói chung, đa số người Khmer ở vùng Đất Phương Nam thường thích định cư trên các giồng đất trên những cánh đồng của miền Tây. Trong khoảng thời gian các chúa Nguyễn thâu nhận vùng Đất Phương Nam từ tiền bán thế kỷ thứ XVII đến những năm đầu hậu bán thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là trong vòng chưa đầy 150 năm, mỗi khi thâu nhận một châu hay phủ nào của Chân Lạp, các vua Chân Lạp đều không ép buộc dân chúng của họ phải hồi cư về chính quốc, trong khoảng thời gian đó không có đoàn người Khmer mới nào đến từ phía Lục Chân Lạp, nghĩa là những người Khmer cư ngụ trên vùng Đất Phương Nam là con cháu của những người Khmer đã đến đây đợt đầu từ những thế kỷ thứ VI, thứ VII; và đợt hai từ những thế kỷ thứ X, XI, và XII. Một điều đáng chú ý là ngay từ thời còn Dinh Long Hồ hồi hậu bán thế kỷ thứ XVIII, đã có chừng 90 phần trăm số người Khmer Đất Phương Nam định cư ở các vùng miền Tây Nam Phần, nghĩa là trong địa phận của dinh Long Hồ, chủ yếu là các vùng Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang và Châu Đốc. Riêng các vùng Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, và Rạch Giá cũng có người Khmer, nhưng so với các vùng vừa kể trên thì ít hơn rất nhiều.
Ngay đến khi người Pháp chiếm miền Nam, vùng đất nầy cũng không có bao nhiêu người Khmer. Theo thống kê của người Pháp vào năm 1862, tổng số người Khmer là 146.718 người trong khi người Việt đã có trên 1.732.316 người. Có thể vì dân số Chân Lạp quá ít để phân bố cho cả hai vùng Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp nên sau khi Phù Nam bị tiêu diệt, Chân Lạp không thể phân bố dân chúng xuống miền Thủy Chân Lạp được. Có lẽ chính vì vậy mà các Miên vương đã bỏ mặc vùng nầy cho một vị Phó vương trông coi (2). Theo thống kê của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1956, tổng số người Khmer ở miền Nam vào khoảng 567.115 (3) người tại các vùng Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Chương Thiện, Rạch Giá, Hà Tiên, An Giang, Châu Đốc, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long và Sài Gòn. Riêng tại các vùng Tân An, Mộc Hóa, Cao Lãnh, Bến Tre, Mỹ Tho và Gò Công hầu như có rất ít người Khmer sinh sống. Có người cho rằng lý do các vùng Tân An, Mộc Hóa, Cao Lãnh, Bến Tre, Mỹ Tho và Gò Công hầu như không có người Khmer sinh sống là vì thứ nhất kể từ khi thôn tính Phù Nam các vua Chân Lạp chưa bao giờ có kế hoạch đưa dân tới vùng đất nầy để định cư; thứ nhì thời đó sông ngòi là những con đường giao thông huyết mạch, mà những vùng vừa kể lại nằm xa hai dòng Bassac Thượng và Bassac Hạ nên ít có người Khmer nào chịu đi đến đó; và thứ ba là có thể khi lưu dân người Việt mới đến các vùng đất nầy vào cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, các vùng nầy cũng có một ít người Khmer, nhưng người Khmer lại ít chịu sống chung đụng với người Việt nên dần dà họ bỏ đi nơi khác. Ngay từ hồi tiền bán thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân người Việt theo chân bà Công Nữ Ngọc Vạn lúc đó về làm Hoàng hậu xứ Chân Lạp, khi đến khai khẩn miền Đông Nam Kỳ, khi thấy người Việt định cư đến đâu thì người Cao Miên âm thầm từ từ bỏ đi nơi khác. Có lẽ một phần vì người Miên thấy không tranh nổi với người Việt vì đa phần người Việt lúc nào cũng chịu khó và cần cù làm lụn, nhất là những lưu dân người Việt phải rời bỏ những làng quê khô cằn sỏi đá ra đi tìm đất mới. Phần khác có lẽ người Miên đã quen sống đời sống thư thả trong khung cảnh thiên nhiên ưu đãi bấy lâu nay, nên công đồng người Miên rất khó hòa nhập với cộng đồng người Việt được. Bên cạnh đó, còn có những khác biệt về văn hóa, xã hội và phong tục tập quán nữa. Còn nhiều lắm những nguyên nhân khác khiến người Miên không chịu sống chung đụng với người Việt. Chẳng hạn như về sau này, có lúc không chịu nỗi sự hà khắc của các quan lại người Việt, người Miên đã nổi lên chống lại và bị quân đội triều đình thẳng tay trấn áp trong những trận chiến đẫm máu như ở Hà Âm (vùng Hà Tiên), loạn Lâm Sâm (ở vùng Sóc Trăng), loạn người Miên vùng Láng Thé, vân vân. Chính những cuộc đàn áp đẫm máu này đã khiến cho thành kiến giữa hai dân tộc Việt-Miên ngày càng sâu đậm hơn. Rồi đến hậu bán thế kỷ thứ XIX, sau khi người Pháp xâm chiếm Đông Dương, họ đã sử dụng chính sách chia rẽ các dân tộc đang cư ngụ trên bán đảo Đông Dương để họ dễ bề cai trị. Riêng giữa hai dân tộc Việt-Miên, người Pháp đã nhồi nhét vào đầu của những thế hệ thanh niên người Miên rằng thì là vùng đất Thủy Chân Lạp là của người Cao Miên đã bị người Việt Nam cưỡng chiếm, vân vân. Chính vì những nguyên nhân chính vừa kể mà người Cao Miên luôn có thành kiến ganh ghét người Việt Nam. Và bây giờ, sau nhiều thế kỷ sống với thành kiến này, đối với một số người Cao Miên quá khích không còn là chuyện thành kiến dân tộc nữa, mà là chuyện thù hằn, nên mỗi khi có biến động gì là họ sẵn sàng “Cáp Duồn” (cáp duồn là tiếng Miên có nghĩa tàn giết chết người Việt Nam) không thương tiếc, rồi chuyện tới đâu cũng mặc kệ. Và cũng chính vì vậy mà người Miên cũng ít khi chịu gả con gái hay cưới con dâu người Việt cho con cái của họ. Ngược lại, họ lại rất hòa đồng với người Hoa, họ thích làm ăn buôn bán với người Hoa, và sẵn sàng cưới gả con cái của họ cho con cái của người Hoa.
Thật vậy, mãi đến hôm nay người Khmer ở các vùng Trà Vinh, Sóc Trăng và Châu Đốc, vv... cũng chỉ sống biệt lập trong các phum sóc chứ ít khi chịu ra ngoài sống cộng cư với người Việt. Đa số người Khmer thích sống co cụm tại các vùng thôn quê, trên những giồng đất cao, họ thường làm ruộng rẫy, chứ ít khi buôn bán, chẳng hạn như tại vùng An Giang-Châu Đốc có khoảng 62.593 Khmer, thì chỉ riêng quận Tri Tôn đã có khoảng 50.320. Bên cạnh đó, nhiều người Khmer thích sinh sống tại các quận miền biên giới như tại các vùng Hà Tiên, Tịnh Biên, Châu Phú, Tân Phú, Hồng Ngự, Tây Ninh, Bình Long và Phước Long. Điểm đặc biệt là người Khmer không thích sống hòa nhập với cộng đồng người Việt. Theo Công Báo Việt Nam, ngày 18 tháng 9 năm 1969, chánh phủ VNCH ký sắc lệnh số 112-SL thành lập Nha Tổng Giám Đốc đặc trách phát triển người Việt gốc Miên (4). Đến ngày 17 tháng 11 năm 1969, chánh phủ ký nghị định ấn định tổ chức và nhiệm vụ của nha nầy (5). Sau đó, vào ngày 14 tháng 3 năm 1970, chánh phủ VNCH lại ra thông tư số 120-NTGĐ về việc tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận gốc Miên (6). Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, người Việt gốc Khmer đã được chánh phủ nâng đở một cách đặc biệt về mọi mặt, nhất là về mặt phát triển giáo dục. Chẳng hạn như người Việt gốc Miên, nếu có giấy chứng nhận của Nha Tổng Giám Đốc đặc trách phát triển người Việt gốc Miên, chỉ cần có bằng Trung học đệ nhất cấp là có thể theo học tại các trường sư phạm để ra làm thầy giáo tiểu học, trong khi người Kinh phải có ít nhất là bằng Tú tài phần nhất. Không riêng gì trong lãnh vực giáo dục, mà trong bất cứ lãnh vực nào, người Việt gốc Khmer cũng đều được chánh phủ VNCH đặc biệt nâng đở.
Chú Thích:
(1)Theo Lê Hương trong “Người Việt Gốc Miên”, tác giả xuất bản tại Sài Gòn, 1969, tr. 9-11, trong quyển “Những Đền Đài Đế Thiên Đế Thích” (Les Monuments du Groupe d’Angkor), nhà khảo cổ Maurice Glaize dựng lại bản phổ hệ của các triều đại Cao Miên bắt đầu từ thế kỷ thứ I sau tây lịch là vương quốc Phù Nam, đến thế kỷ thứ VI mới xuất hiện vị quốc vương thứ nhất của nước Chân Lạp. Trong khi những nhà khảo cổ căn cứ vào những bia đá tìm thấy ở Việt Nam và các sử gia trên thế giới đều đồng ý về một vị hoàng thân Ấn Độ tên Kaundinya đã thành lập vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ I sau tây lịch. Trong lúc ấy không có một dấu vết nào chứng minh sự có mặt của vương quốc Chân Lạp hay Kambuja trong lịch sử thế giới mãi đến năm 598 sau tây lịch mới thấy xuất hiện vị quốc vương đầu tiên là Bhavavarman I dựng lên nước Chân Lạp, đóng đô ở Icanapura, nay là Sambor-Prei-Kuk, gần tỉnh lỵ Kompong Thom, cách thủ đô Nam Vang khoảng 200 cây số về hướng tây bắc. Nhà khảo cổ Maurice Glaize ghi rằng: “... và ngay sau khi lập quốc, năm 598 sau tây lịch, vua Chân Lạp lấn dần đất đai xứ Phù Nam, chiếm đế đô và tiêu diệt hẳn dân tộc nầy.” Đây là một điểm mâu thuẫn nhất của người Pháp viết về Phương Đông: con cháu tiêu diệt tổ tiên để giành đất, rất đáng cho mọi người suy nghĩ.
(2)Theo Lê Hương trong “Người Việt Gốc Miên”, tác giả xuất bản tại Sài Gòn, 1969, tr. 26.
(3)Trà Vinh 237.330, Sóc Trăng và Bạc Liêu 156.951, Cà Mau 3.058, Châu Đốc và An Giang 62.593, Kiên Giang và Hà Tiên 52865, Chương Thiện 31.377, Cần Thơ 7.134, Vĩnh Long 4.500, Tây Ninh 4.315, Bình Long 4.731, Phước Long 1.095, và Sài Gòn 1.166.
(4)Công Báo Việt Nam, 1969, tr. 6537.
(5)Nghị định số 1211, Công Báo Việt Nam, 1969, tr. 7801.
(6)Công Báo Việt Nam, 1970, tr. 2233.
Hình 1: Cảnh sinh hoạt văn hoá của người Khmer tại Miền Tây, ảnh Internet.
Hình 2: Trường Trung Cấp tiếng Phạn Pali của người Khmer tại Trà Vinh, ảnh 2018.
Hình 3: Một lớp học tiếng Phạn Pali của người Khmer tại Trà Vinh, ảnh Internet.
Hình 4: Chùa Cò Trà Vinh, ảnh 2018.
II
Nếp Sống Truyền Thống Văn Hóa Và
Tín Ngưỡng Của Người Khmer
Tại miền Nam Việt Nam sau bao nhiêu thế kỷ sống chung với người Việt, người Khmer vẫn giữ riêng nếp sống văn hóa đặc thù của họ. Họ thường sống tập trung ở từng xóm, từng sóc hay từng phum cách biệt với người Việt. Mặc dầu sống trên một mảnh đất với đồng ruộng phì nhiêu, cuộc sống của họ vẫn nghèo nàn vì họ không thích cạnh tranh hay đua chen để làm giàu. Ngược lại, họ thích nhàn rỗi ranh rang và rong chơi suốt ngày từ đầu trên xuống xóm dưới. Họ tin vào số phận, tin vào phần phước, chứ ít khi chịu tìm hiểu phương cách làm ăn hoặc làm thế nào để tăng năng xuất canh tác để thu hoạch được nhiều kết quả như người Việt. Họ nặng về tinh thần hơn vật chất nên thường các bậc cha mẹ sau khi lo cho con cái thành gia thất xong là họ đem cúng tất cả tài sản vào chùa, chỉ để lại một phần tài sản nhỏ đủ sống hàng ngày mà thôi.
Như trên đã nói sở dĩ cộng đồng người Khmer trên vùng đất Nam Kỳ ngày nay cũng còn một con số đáng kể là vì những lần các vua Chân Lạp dâng hiến đất đai cho các chúa Nguyễn, nước Chân Lạp ít khi bắt buộc cư dân của họ phải tản cư về vùng Lục Chân Lạp. Chưa có tài liệu nào minh xác người Khmer ở Campuchia và Nam Kỳ có cùng một nguồn gốc với nhau. Ví dầu cho họ có cùng một nguồn gốc đi nữa, nhưng họ đã sống cách biệt nhau trong một thời gian quá dài nên có nhiều điểm khác biệt, có khi khác biệt ngay cả văn hóa và cách sống. Theo thống kê sau năm 1975, có khoảng trên 600 ngàn người Khmer ở miền Tây. Ngoài những vùng có khá đông người Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá và Châu Đốc, người Khmer còn sống rãi rác ở nhiều nơi trên đất Nam Kỳ. Người Khmer không theo chế độ phụ hệ như người Việt Nam, mà cũng không theo chế độ mẫu hệ như người Champa. Mặc dầu người đàn bà Khmer có vai trò rất quan trọng trong gia đình, nhưng không vì thế mà vai trò của người đàn ông bị lu mờ. Đối với người Khmer, quan hệ huyết thống được tính theo cả bên cha lẫn bên mẹ, nên trong cách xưng hô của họ không phân biệt bên nội hay bên ngoại, mà họ kêu cả ông nội lẫn ông ngoại bằng ‘tà’, và cả bà nội lẫn bà ngoại bằng ‘day’. Không biết họ có chữ ‘nội’ hay ‘ngoại’ không, mà người Khmer vùng Trà Vinh lại pha lẫn chữ Việt vào để gọi, thí dụ như khi muốn phân biệt ông nội thì họ gọi là ‘tà nội’, bà nội thì họ gọi là ‘day nội’. Cũng như vậy, khi muốn phân biệt ông ngoại thì họ gọi là ‘tà ngoại’, bà ngoại thì họ gọi là ‘day ngoại’.
Trên thực tế, quan hệ huyết thống thật sự đối với người Khmer chỉ là gia đình nhỏ của họ gồm vợ chồng con cái, và họ hàng mở rộng chỉ là những thế hệ cùng sống chung với nhau mà thôi. Họ thường sống quây quần với nhau trên một giồng hay một khu đất nhỏ mà người ta gọi là ‘phum thân tộc’. Thường thì họ sống với nhau rất hòa thuận vì theo truyền thống văn hóa của họ nếu để xảy ra xung đột giữa những người trong gia đình là điều bị xã hội không chấp nhận và lên án gắt gao. Đứng đầu gia đình là người chồng, nhưng không phải như tính cách gia trưởng, mà vợ chồng luôn bình đẳng với nhau trong việc cai quản gia đình nhỏ của họ. Về cách cưới hỏi của người Khmer cũng tương tự với người Việt, họ cũng coi ngày tốt, rồi đám cưới khởi hành từ nhà trai, khi đến nhà gái họ không vào ngay mà phải được người đại diện bên nhà gái cho phép mới được vào. Khi đã được cho phép vào khu đất của nhà gái, nhà trai chỉ được phép vào ở tạm trong những lều trại đã được dựng sẵn từ mấy ngày trước, và phải làm một số việc mà nhà gái yêu cầu. Tối đêm đó, các vị sư sãi đến tụng kinh chúc lành cho nhà gái, rồi sáng hôm sau khi mặt trời vừa mọc, khi chim muông bắt đầu rời tổ bay đi kiếm ăn thì hai bên nhà trai và nhà gái mới ra sân làm lễ lạy mặt trời. Tiếp đó là họ hàng và bạn bè hai bên mới bắt đầu làm lễ buộc tay cô dâu và chú rể. Sau lễ buộc tay là bên nhà trai trao cho bên nhà gái lễ cưới mà họ gọi là ‘đền ơn sữa mẹ’, gồm có trầu cau, vòng vàng và tiền bạc. Sau lễ cưới, chú rể sẽ ở lại nhà gái ba ngày, sau đó hai vợ chồng cùng trở về ra mắt cha mẹ và họ hàng bên chồng, rồi trở về ở luôn bên nhà vợ cho tới khi có đủ điều kiện ra riêng.
Về mặt tín ngưỡng, đa số người Khmer theo Phật giáo nguyên thủy. Họ rất tin nơi nhân quả luân hồi, và họ tin rằng hễ kiếp nầy ăn hiền ở lành thì kiếp sau sẽ được sung sướng và hạnh phúc. Họ tin kiếp sau hoàn toàn tùy thuộc vào cung cách xử thế của mình trong kiếp nầy. Người Việt Nam thường nói: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông.” Riêng đối với người Khmer, có thể họ cư trú trong ngôi nhà tồi tàn lụp sụp, nhưng ngôi chùa của họ phải đồ sộ uy nghi, vì ngôi chùa là biểu tượng của cả dân tộc. Ngoài tín ngưỡng thờ Phật, một số không nhỏ người Khmer trong các phum sóc ở những vùng xa xôi cũng thờ ‘ông tà’, một loại tín ngưỡng dân gian đã có trong cộng đồng người Khmer từ thời xa xưa. Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi Phật giáo trở thành quốc giáo, người Khmer đã từng theo Ấn Độ giáo. Từ khoảng thế kỷ thứ XIII đến nay, Phật giáo Nguyên Thủy đã trở thành quốc giáo của Cao Miên. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Ấn Độ giáo hãy còn rất nặng qua việc thờ hình tượng các thần Ấn giáo (1) trong các chùa như thần Brahma, thần Vishnou, thần Cava, thần Indra, thần Yama, thần Nagaraja, thần Ganapati, thần Kâma, thần Kubera, thần Têvôđa, thần Deva, thần Apsara, thần Devata, ông Tà, nữ thần Néang Khmau, nữ thần Umâ, nữ thần Laksmi, nữ thần Sarasvati, thần Skanda, thần Surya, thần Târa, thần Vicvakarman, thần Riahu, vân vân. Hiện nay đa số người Khmer theo Phật giáo Nguyên Thủy và trên toàn Nam Kỳ có khoảng gần 500 ngôi chùa Miên. Hầu như các cộng đồng người Khmer tại Nam Kỳ không có mở trường dạy tiếng Khmer như những người Hoa đã mở trường dạy tiếng Hoa khắp nơi; tuy nhiên, phải nói mỗi chùa là một ngôi trường, vừa dạy tiếng Khmer và vừa dạy tiếng Pali (Nam Phạn) cho thanh thiếu niên và sư sãi. Đối với người Khmer, sinh hoạt tôn giáo giữ một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống, vì thế bất cứ người con trai nào cũng phải vào chùa tu ít nhất là một tháng, người nào thấy thích hợp thì ở lại chùa tu suốt đời. Người nào không một lần vào chùa tu sẽ bị xã hội bên ngoài khinh thường; ngược lại, người tu càng lâu thì càng được trọng vọng. Thông thường khi đứa con trai lên bảy tuổi sẽ được gửi vào chùa, để trước tiên là học tập cho đến khi biết đọc biết viết chữ Khmer, sau đó sẽ được học chữ Pali và bắt đầu học tập kinh Phật. Lúc nầy họ được thọ giới sa di và tiếp tục tu tập đến năm 21 tuổi họ có đủ thẩm quyền quyết định cho chính mình là hoặc trở về gia đình để cưới vợ, hoặc tiếp tục ở lại tu tập suốt đời. Hàng năm, chùa tổ chức rất nhiều ngày lễ hội, như lễ Đôn Ta (2), lễ Ok Om Bok (3), lễ Tết Chol Chnam Thmay (4) vào khoảng tháng tư âm lịch, lễ Phật Đản Vesak vào khoảng rằm tháng tư âm lịch, lễ an cư kiết hạ Chol Neasa từ tháng sáu đến tháng 9 âm lịch, vân vân. Vào những ngày lễ hội đó, người Khmer qui tụ về chùa rất đông.
Điều hiển nhiên là sau gần bốn thế kỷ sống bên cạnh những cộng đồng người Việt, người Khmer vẫn giữ nguyên sắc thái đặc thù của dân tộc Khmer. Họ vẫn sống quây quần với nhau trong các phum sóc và giữ phong tục tập quán của mình. Thật vậy, nếu nhìn thoáng bề ngoài, thì người Khmer tại Nam Kỳ sống chung đụng với người Việt, không có gì khác biệt, nhưng nếu xét cho kỷ thì thấy hai phong cách Việt-Khmer rất khó hòa nhập. Về phong tục tập quán, cũng như các dân tộc quanh vùng như Miến, Thái, và Lào, người Khmer chịu ảnh hưởng văn hóa và phong tục tập quán Ấn Độ. Người Khmer cũng có tục làm đám giỗ cho người chết; tuy nhiên, họ quan niệm ngày giỗ là ngày cầu phước và cầu nguyện cho những người đã chết. Thường thì trong nhà của người Khmer chỉ có bàn thờ Phật chứ không có bàn thờ tổ tiên hay cửu huyền thất tổ như người Việt Nam. Người Khmer rất hiền hòa, tuy nhiên, khi giận dữ thì họ tỏ ra rất hung ác. Tại vùng Thất Sơn hãy còn rất nhiều huyền bí về những chuyện thư, tôm, bùa, ếm... Theo các bô lão trong vùng thì nếu ai đó gây thù chuốc oán với người Miên, có thể bị họ bỏ bùa cho khùng điên, hay “thư” cho đến chết. Vào khoảng năm 1945, tại vùng núi Thất Sơn có một cuộc đua bò trong dịp lễ Ok Om Bok, bên thua cuộc nghi bên thắng cuộc đã bỏ bùa khiến quỷ hiện hình chận đầu làm bò của họ sợ hãi bỏ chạy nên bị thua. Vì vậy mà họ đã dùng phép “trù ếm”, tiếng Khmer gọi là “Thnup”, khiến cho anh chàng thắng cuộc ngã bệnh bụng lớn vàng da, mỗi ngày dù ăn đến cả năm hay sáu nồi cơm vẫn ốm tong ốm teo cho đến chết. Theo các bô lão người Miên thì người muốn luyện phép trù ếm “Thnup” phải ăn toàn đồ dơ dáy, nào là cá ươn, thịt thúi, đàm dãi, và rác rưới, thậm chí ăn cả kinh nguyệt của đàn bà. Người ấy luôn đi lang thang trong các bãi tha ma, miệng lẩm nhẩm những câu thần chú, ăn ngủ trong nghĩa địa và tiếp xúc với ma quỷ để nhờ ma lực của chúng nhập vào mình trong những lúc muốn ra tay trù ếm. Còn phép luyện “Thư” tiếng Khmer cũng gọi là “Thnup,” cũng luyện như phép trù ếm, nhưng hình thức có khác đi chút đỉnh. Người luyện phép “thư” làm một hình nộm bằng bột hoặc bằng sáp rồi ghi tên họ và ngày tháng năm sanh của người muốn hại vào sau lưng hình nộm. Sau đó đọc thần chú và dùng kim đâm vào chỗ nào muốn cho nạn nhân bị đau. Có khi người ta “thư” bằng cách sai khiến một vật đi vào bụng nạn nhân mà nạn nhân không hề hay biết. Vật thư có thể là một nùi tóc rối hay một miếng da trâu, một khúc cây, vân vân.
Chú Thích:
(1)Theo Ấn giáo, thần Brahma là đấng tạo sinh, tượng trưng cho sự hoạt động, thần có 4 mặt, 4 tay cầm 4 quyển kinh Vệ Đà, cởi con thiên nga; thần Vishnou là đấng bảo tồn, tượng trưng cho lòng tốt; thần Cava là đấng phá hoại, tượng trưng cho sự đen tối; thần Indra là đế thích, tượng trưng cho Ngọc Hoàng; thần Yama là vị thần cầm cân pháp luật hay quan tòa tối cao ở âm phủ; thần Nagaraja là Long Vương, thần Ganapati có mình người đầu voi, hay đi đó đây cứu người; thần Kâma tượng trưng cho ái tình; thần Kubera tượng trưng cho sự giàu sang; thần Têvôđa là vị thần giữ nhà; thần Deva là vị thần giúp dân đánh chằng; nữ thần Apsara tượng trưng cho tiên nữ; thần Devata là vị thần ăn mặc đẹp đẽ, theo hầu các vị thần Indra, Vishnou, Civa và Brahma; ông Tà là thổ địa coi sóc một vùng; nữ thần Néang Khmau còn gọi là Bà Đen, là vị nữ thần coi sóc một vùng; nữ thần Umâ là vợ của thần Civa, tượng trưng cho sự nhân từ; nữ thần Laksmi, vợ của thần Vishnou, là nữ thần coi về sự phú quí; nữ thần Sarasvati, vợ của thần Brahma, coi về âm nhạc và khoa học; thần Skanda, coi về binh thư đồ trận; thần Surya, thần mặt trời; chư thần Târa, gồm 24 vị thần vừa nhân từ vừa hung dữ; thần Vicvakarman, tượng trưng cho mỹ nghệ; và thần Riahu, là vị thần định nuốt chững mặt trời nhưng thất bại, nên bị chém đứt mình mà chỉ còn lại cái đầu, người Khmer hay thờ thần Riahu trong các ngôi chùa.
(2)Lễ Đôn Ta giống như tết thanh minh hay lễ cúng ông bà, từ ngày 28 đến 30 tháng 8 âm lịch, và tiễn ông bà vào ngày mồng 1 tháng 9 âm lịch. Theo người Khmer, đây là dịp ông bà về thăm con cháu, nên nhà nào cũng bày sẵn một mâm cơm và bánh trái để cúng tổ tiên. Ngày 30 là ngày lễ chánh, người ta thỉnh sư sãi về nhà tụng kinh. Đến ngày mồng một tháng 9 là lễ tiễn ôg bà. Mọi người cùng lên chùa tụng kinh.
(3)Lễ Ok Om Bok là lễ rước nước hàng năm.
(4)Chol Chnam Thmay là lễ vô năm mới hoặc lễ chịu tuổi, thường rơi vào các ngày 12, 13, 14 tháng tư dương lịch. Đây cũng là dịp để những người trẻ tạ tội và chúc thọ người cao tuổi trong sóc.
Hình 1: Chol Chnam Thmay là lễ vô năm mới trong cộng đồng
người Khmer ở Miền Tây (thuộc địa phận Dinh Long Hồ ngày trước), ảnh 2015.
Hình 2: Quang cảnh Chư Tăng Ni và Phật Tử đang cử hành lễ
Chol Chnam Thmay là lễ vô năm mới tại một ngôi chùa ở Trà Vinh, ảnh 2015.
Hình 3: Quang cảnh đua ghe ngo trong lễ Lễ Ok Om Bok
hay lễ rước nước hàng năm, ảnh Internet.
Hình 4: Quang cảnh lễ cúng trăng tại Ao Bà Om, Trà Vinh,
với tục thả lồng đèn ban đêm trong Lễ Ok Om Bok, ảnh Internet.
III
Cộng Đồng Người Khmer
Tại Vùng Đất Tầm Bào
Cộng đồng người Khmer trong tỉnh Vĩnh Long không đông như các vùng Trà Vinh, Sóc Trăng hay Châu Đốc, chỉ vào khoảng trên dưới 10.000 người, hiện đang sống nhiều ở vùng Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn, đa phần làm ruộng rẫy, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada). Người Khmer trên vùng đất Vĩnh Long là những cư dân lâu đời, tổ tiên họ đã sống trên mảnh đất này từ trước khi các vua Chân Lạp hiến cho Xứ Đàng Trong. Đến khi Xứ Đàng Trong thu nhận vùng đất này thì các vua Chân Lạp không bắt buộc họ phải hồi cư về vùng Chân Lạp. Kỳ thật, dầu cho các vua Chân Lạp có bắt buộc họ hồi cư họ cũng không đi vì mồ mã tổ tiên, vì ngôi chùa của họ ở đây nên họ nhứt định phải ở đây. Người Khmer tại Vĩnh Long không đông đúc như các vùng Sóc Trăng, Trà Vinh và Châu Đốc, nên họ sống hòa nhập với người Việt và người Hoa tại các vùng thị tứ. Riêng tại các vùng nông thôn, người Khmer họ sống thành cộng đồng nhỏ tại các quận huyện như Bình Minh, Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Cái Nhum, và Long Hồ ngày nay. Đặc biệt tại xã Loan Mỹ của Tam Bình và xã Tân Mỹ của Trà Ôn. Năm 1966, theo thống kê của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, trong toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng gần 9.000 người Khmer. Tại quận Tam Bình, nhất là trong xã Loan Mỹ có khoảng 2.351 người, quận Trà Ôn có khoảng 3.405 người, quận Bình Minh có khoảng 2.191 người, quận Vũng Liêm có khoảng 831 người. Riêng tại các quận Châu Thành, Chợ Lách và Minh Đức mỗi nơi chỉ có khoảng chừng 200 người hay ít hơn.
Cộng đồng người Khmer tại Vĩnh Long cũng như những nơi khác tại miền Nam, họ sống thành từng “sóc,” mỗi sóc đều có một ngôi chùa và vị lục cả rất có uy tín với dân trong sóc. Tuy nói là theo đạo Phật, nhưng đa số người Việt gốc Miên còn chịu ảnh hưởng của những tập tục cổ truyền mê tín dị đoan như bùa, ngải, thư tôm, trù ếm, vân vân. Vì theo Phật giáo Nguyên Thủy nên tất cả những người xuất gia đều ăn mặn; tuy nhiên, họ cữ ăn những con thú như chó, rắn, rùa, voi, ngựa, cọp, beo, vân vân. Ngày nay họ cũng ăn tết dương lịch nhưng vẫn giữ ngày tết chính của họ vào tháng tư là ngày Chaul Chnam Thmay. Có thể nói người Miên là dân tộc có nhiều lễ hội nhất trong số những dân tộc sống trong tỉnh Vĩnh Long. Vào những ngày lễ hội, người Việt gốc Miên thường tổ chức hoặc đua ghe, hoặc nhảy múa theo điệu “lam thôn.” Thường thì lời ca theo nhịp của họ gần giống như điệu hò, ca dao và thơ của người Việt. Người Miên có ngôn ngữ và chữ viết riêng, theo lối chữ Pali (chữ Nam Phạn), nhưng ngày nay đa số cũng theo học chữ quốc ngữ và hòa đồng vào lối sống của người Việt. Chúng ta ít thấy ở Vĩnh Long những ngôi chùa Miên cổ kính, nhưng càng đi về hướng Trà Vinh thì càng có nhiều ngôi chùa Miên với lối kiến trúc và nghệ thuật trang trí thật độc đáo, đặc biệt nhất là khu không gian trước sân và sau chùa có nét thanh u tĩnh mịch với những cây cổ thụ hàng mấy trăm tuổi. Không như người Khmer ở Trà Vinh, vì Vĩnh Long không có những giồng đất cao nên người Khmer chỉ co cụm lại và cùng làm ruộng với nhau trong một số thôn xã. Vì không có một cộng đồng lớn tại Vĩnh Long nên người Khmer tại đây khi đi ra đường cũng ăn mặc giống như người Việt Nam.
Cộng Đồng Người Khmer
Tại Huyện Trà Vang
Tại vùng Trà Vinh, người Kinh chiếm trên 50 phần trăm, kế đến là người Khmer và người Hoa. Theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1956, Trà Vinh là vùng có đông người Khmer nhất Nam Kỳ với 237.330 người. Trà Vinh là vùng cây cối xanh tươi quanh năm, kênh rạch dọc ngang chằng chịt, với những giồng cát liên tiếp nhau như sóng biển, vì thế mà phong cảnh Trà Vinh rất hữu tình và thơ mộng với ruộng đồng chen lẫn vườn cây, đụn cát chạy dài trên các giồng. Cảnh quang nầy ai thấy cũng đều thích, cũng đều muốn lưu lại lập nghiệp, nhứt là những lưu dân cùng khổ từ các nơi khác. Năm 1972, chánh quyền VNCH đã thống kê Trà Vinh có trên 200 ngôi chùa, gồm trên 140 ngôi chùa Việt, 50 chùa Khmer, và khoảng trên 10 ngôi chùa của người Hoa, và có gần 50% dân số trong tỉnh Trà Vinh là người Khmer. Chính vì thế mà Trà Vinh hãy còn rất nhiều di tích văn hóa và lịch sử Khmer. Chùa của người Khmer chẳng những là nơi tín ngưỡng lễ bái theo Phật giáo Theravada, mà còn là trường học dạy chữ Khmer. Hằng năm các chùa Khmer đều tổ chức những lễ hội đặc sắc và độc đáo theo truyền thống Khmer. Có người cho rằng vùng đất Trà Vinh chỉ mới bắt đầu có cư dân khoảng trên dưới 400 năm nay mà thôi. Theo đó, người ta cho rằng vùng Thủy Chân Lạp bị bỏ hoang trên 10 thế kỷ (1).
Đến khi người Việt Nam mở cõi về phương Nam, thì người Hoa và người Khmer mới theo chân những lưu dân Việt Nam nầy đi đến những vùng hoang vu xa xôi để khẩn hoang lập ấp. Tuy nhiên, trong suốt thời gian gần 8 năm người viết bài nầy ở Trà Vinh, người viết đã từng nói chuyện với rất nhiều vị sư cả cũng như nhiều bô lão trong các vùng từ Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, thị xã Trà Vinh, Trà Cú, Cầu Ngang, Long Toàn, Giồng Trôm, Bàu Sen, Long Khánh, Cồn Cù, Láng Cháo, vân vân. Theo họ thì có rất nhiều ngôi chùa Miên đã được xây dựng cả ngàn năm trước, hoặc 7, 8 trăm năm trước... Có thể nói trên 7 huyện của tỉnh Trà Vinh, có trên 100 giồng đất cao, mà không có giồng đất nào lại không có ngôi chùa Miên, mà phải có người ở thì mới có việc xây chùa và dân cư gốc Khmer tại đây phải có mặt từ lâu lắm rồi. Theo thiển ý, chắc chắn ở Trà Vinh có nhiều ngôi chùa Miên đã được xây dựng từ hàng chục thế kỷ về trước. Hỏi kỷ ra mới biết, thời kỳ vương quốc Chân Lạp loạn lạc sau khi thất trận và mất nhiều đất đai về tay người Xiêm La, dân chúng tại nhiều vùng Lục Chân Lạp không còn màng đến chánh trị, với họ thì triều đình nào cũng mặc kệ, nên thời đó có rất nhiều người đã ‘bỏ phố lên rừng’. Có thể họ đã xuống vùng Thủy Chân Lạp từ rất sớm, đi đâu đến đâu họ cũng đều xây dựng nên những ngôi chùa thật lớn, vì chùa mới thật là chính quyền của họ, chùa lo cho họ tất cả mọi thứ trong đời sống, từ sinh hoạt tâm linh đến sinh hoạt hằng ngày trong đời sống. Với họ, ông Lục Cả trong chùa chính là người ‘Cha’ của cả sóc. Có thể họ không nghe hoặc không biết hoàng gia ra chỉ dụ gì, nhưng mỗi khi ông Lục Cả nói cái gì thì họ đều nghe và làm đúng theo như vậy. Như vậy, có thể vùng đất Trà Vinh đã có cư dân từ lâu đời lắm. Đến khi Miên vương dâng hiến vùng đất nầy cho triều đình xứ Đàng Trong, lại không bắt buộc người dân tại đây phải thiên di về đất Miên, nên cư dân Khmer chiếm đến gần 50 phần trăm dân số trong toàn tỉnh.
Về việc ăn mặc, mặc dầu cộng đồng người Khmer tại đây rất lớn và dân số người gốc Khmer cũng chiếm tới 50% tổng dân số trong tỉnh, nhưng cũng họ ăn mặc theo phong cách Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta đi sâu vào các phum sóc ở nông thôn thì mới thấy họ ăn mặc giống với người Khmer bên xứ Cao Miên. Có thể nói ruộng và rẫy là công việc chính của người Khmer không riêng gì ở Trà Vinh mà trong toàn vùng Nam Kỳ. Thường thì những người Khmer ít chịu di chuyển đi đâu, mà họ chỉ tiếp tục làm ruộng rẫy trên mảnh đất mà cha ông họ đã sống bao nhiêu đời nay. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chánh phủ đã cấp phát nhiều ruộng cho những nông dân nghèo người Khmer qua chương trình “Người Cày Có Ruộng”. Từ đó hầu hết người Khmer tại các vùng nông thôn trong các quận Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, và Long Toàn, vân vân, đều có ruộng cày. Nông dân Khmer tại vùng Trà Vinh cũng có lối canh tác “dần công” như người Việt Nam nên công việc hàng ngày của họ rất nhẹ nhàng. Lối “dần công” là nhiều người cùng nhau xúm lại làm cho xong mảnh ruộng nầy rồi mới di chuyển đến mảnh ruộng khác, họ làm cho xong một mảnh ruộng trong vòng một hoặc hai ngày, rồi mới đến phiên người khác, cho tới khi nào xong hết công việc trong phum sóc là mọi người cùng nghỉ ngơi, chè chén, ăn chơi, và giải trí.
Dân tộc Khmer có những lễ hội rất đặc sắc quanh năm, như lễ đón năm mới (Chôl Chnam Thmây), tức là Tết của cộng đồng người Khmer, được tổ chức vào giữa tháng 4 dương lịch. Lễ cúng ông bà (lễ Đôlta), cũng là một torng những lễ lớn của người Khmer, được tổ chức vào 3 ngày mỗi năm từ ngày 29 tháng 8 đến mồng 1 tháng 9 âm lịch. Lễ cúng trăng (lễ Ooc Om Bok) và hội đua ghe ngo vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Người Khmer tổ chức lễ cúng trăng để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, vì họ coi mặt trăng như một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp họ làm ăn khá giả trong suốt năm, trong lễ cúng trăng người Khmer còn tổ chức lễ đua ghe ngo rất hào hứng. Mỗi khi Phum hay Sóc cần xây dựng cầu, đường, chùa chiền hay trường học, hoặc các công trình lợi ích chung khác, họ thường tổ chức lễ dâng bông để quyên góp tiền bạc của dân chúng trong vùng. Thường thì các sư sãi đứng ra làm chủ lễ cầu nguyện, và các địa phương thường rước các đám hát về giúp vui cho dân địa phương. Người Việt chúng ta có đám cúng giỗ kỵ để tưởng nhớ người thân đã qua đời, thì người Khmer cũng có lễ dâng phước.
Chú Thích:
(1)Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, nghĩa là từ sau khi người Phù Nam bị tiêu diệt đến khi có cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam.
Hình 1: Chùa Ang, Trà Vinh, ảnh 2018.
Hình 2: Cảnh bao quát của chùa Vàm Ray, Trà Cú, Trà Vinh, ảnh Internet.
Hình 3: Cổng Chùa Vàm Ray, Trà Cú, Trà Vinh, ảnh 2018.
Hình 4: Bên trong chùa Vàm Ray, Trà Cú, Trà Vinh, ảnh 2018.
Hình 5: Những nhạc công người Khmer tại Trà Vinh, ảnh Internet.
Hình 6: Những thiếu nữ Khmer trong y phục truyền thống trong các lễ hội, ảnh internet.
IV
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER
TRONG PHỦ BASSAC
Ai trong chúng ta cũng đều biết là cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đã từng là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, nhưng chúng ta có quá ít sử liệu về vương quốc nầy. Riêng hai vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Trà Vinh và Sóc Trăng, mãi đến nay vẫn chưa có những khai quật nào đáng kể về văn minh Óc Eo liên quan đến hai vùng đất nầy. Các nhà khảo cổ nghĩ rằng có lẽ từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VI khi nền văn minh Óc Eo đang thời cực thịnh, lúc mà thương cảng Óc Eo luôn tấp nập với những ghe tàu ngoại quốc, thì hai vùng đất nầy hãy còn là những vùng biển cạn, chưa được bồi đắp. Mãi đến giữa thế kỷ thứ XVIII, khi vua Cao Miên dâng phần đất Bassac cho xứ Đàng Trong, một ít người Khmer đang sinh sống tại đây không bị bắt buộc phải hồi cư về Cao Miên. Tuy nhiên, vì đây là vùng đất hoang vu nên dầu với dân bản địa người Khmer tại đây từ thời còn trực thuộc Thủy Chân Lạp cũng chỉ có rất ít, nếu không muốn nói vùng Bassac vào năm 1757 là hoang địa hiếm thấy bóng người. Đến khi những lưu dân Ngũ Quảng vào đây thì có rất nhiều người Khmer theo chân họ để đi tìm đất sống ngay trên chính vương quốc của họ. Đến khi những người Hoa theo chân Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho, họ lại đi lần theo bờ biển đến các vùng Trà Vinh và Sóc Trăng, nhân đó những người Khmer cũng tháp tùng theo người Hoa đi tìm đất mới. Một nhóm khác lại đi dọc theo sông rạch từ Mỹ Tho qua Bến Tre, Trà Vinh, rồi đến định cư tại các vùng Kế Sách, Đại Ngãi, Phú Tâm (Vũng Thơm), Phú An, Lịch Hội Thượng, Bãi Xào, vân vân. Họ cũng bắt chước người Việt và người Hoa khai hoang, khẩn đất giữa những khu rừng đầy lau sậy um tùm để mở làng lập ấp. Tuy nhiên, người Khmer chỉ thích sống co cụm trên những giồng đất cao mà thôi. Đây cũng là thời điểm người Khmer từ các nơi ào ạt xuôi về Thủy Chân Lạp lập nghiệp nhiều nhất. Chính vì vậy mà về sau nầy hai vùng Preah Trapeang và Bassac là hai trong ba vùng đất của miền Nam có người gốc Khmer trú ngụ nhiều nhất (vùng thứ ba là Tri Tôn thuộc Châu Đốc). Kỳ thật, khác với người gốc Khmer ở Tri Tôn, người gốc Khmer trên hai vùng đất nầy đa phần không phải là dân cố cựu, mà là những người Khmer tháp tòng theo những lưu dân người Việt đến đây vào thế kỷ thứ XIX.
Người Việt thì làm ruộng, người Hoa thì buôn bán, còn người Khmer thì làm rẫy trên các giồng đất cao. Dầu ba sắc dân trên không đồng hóa được lẫn nhau, nhưng họ sống chung rất hòa hợp, thông cảm và nương tựa nhau, nên chỉ không đầy một thế kỷ sau đó, họ đã tự tạo cho Sóc Trăng một bản sắc văn hóa hết sức đặc biệt. Chính sự cộng cư nầy đã đưa đến sự hội nhập tự nhiên về văn hóa và tín ngưỡng giữa các dân tộc, nên đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Sóc Trăng rất đa dạng và phong phú. Tại Sóc Trăng, chúng ta thấy trong các lễ hội chùa Ông, chùa Bà của người Hoa, cả người Việt lẫn người Khmer đều tham dự. Và trong các lễ hội của người Việt, thì người Hoa và người Khmer cũng tham dự. Trong những ngày lễ của người Khmer như lễ Đôn Ta, Ok Om Bok, Chol Chnam Thamy... thì cả người Hoa lẫn người Việt đều đi chùa Khmer. Nhờ vậy mà người Sóc Trăng có đức tính tương trợ rất cao, và nếp sống của người Sóc Trăng thật hài hòa mà vô cùng phóng khoáng.
Đối với người Khmer, nếu chúng ta không đi về các miền nông thôn thì khó mà thấy rõ vùng cư trú của người Khmer; tuy nhiên, tại Sóc Trăng chúng ta có thể dễ dàng nhận ra khu vực của người Khmer, vì họ thường sống chung quanh những ngôi chùa Miên độ sộ như chùa Dơi, chùa Maha Tup (1), chùa Khleang, chùa Bãi Xàu, chùa Sà Lôn (2), và chùa Cà Săng (Sêrây Krosăng), vân vân. Từ Sóc Trăng đi về huyện Kế Sách, nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 6 cây số, chung quanh chùa Bốn Mặt là những xóm người Khmer sống quây quần với nhau.
Chú Thích:
(1) Chùa Maha Tup còn gọi là chùa Mã Tộc. Chùa được xây dựng bởi những người Khmer bản địa trên 400 năm nay, nằm cách thị xã Sóc Trăng chưa đầy 2 cây số (hiện tại chùa tọa lạc trong phường 3, thành phố Sóc Trăng.
(2) Chùa Sà Lôn nằm trên quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1A, từ Sóc Trăng đi Bạc Liêu và cách Sóc Trăng chừng 12 cây số.
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER
TRONG VÙNG CHÂU ĐỐC ĐẠO
Dân cư Châu Đốc tương đối phức tạp hơn các nơi khác nhiều, vì đây là vùng biên giới nên người Việt gốc Miên chiếm một tỷ lệ gần 30%, người Kinh khoảng 50%. Ngoài ra, còn có người Chăm chiếm khoảng 10%, số còn lại là người Hoa, Mã Lai, Lào... Ở Ba Thê cộng đồng người Miên cũng rất đông, đa số theo Phật giáo Nguyên Thủy, nên các chùa Miên ở đây rất lớn. Người Việt gốc Miên ăn Tết rất lớn vào khoảng tháng tư âm lịch, tết của họ kéo dài đến 15 ngày. Vào những ngày tết, người Miên thường mang đồ ăn đến các chùa để cùng nhau ăn chung, sau đó họ nhảy múa theo điệu “Lâm Thôn” đến suốt sáng. Sau khi dâng đất Tầm Phong Long cho xứ Đàng Trong, vua Miên là Nặc Tôn không bắt buộc người Miên tại đó dời cư nên tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên hãy còn rất đông người Khmer. Hầu hết người Khmer ở miền Nam nói chung, và vùng Thất Sơn nói riêng, đa số theo Đạo Phật Nguyên Thủy. Do đó, đối với họ, các sư sãi là biểu tượng của các vị Phật. Con trai Khmer lớn lên trong vùng phải xuất gia đi tu một thời gian, tùy theo khả năng tài chánh của gia đình. Sau đó, họ có thể ở lại tu suốt đời trong chùa hay hoàn tục nếu muốn. Theo truyền thống của họ thì chỉ có những ai đã trải qua một lần xuất gia mới được coi là đã làm tròn bổn phận, mới có đủ uy tín làm ăn ngoài đời. Người Miên rất trọng sư sãi, tiền của được trích ra một phần lớn để cúng dường cho các sư và chùa chiền. Đi vào các sóc Miên chúng ta thường thấy những căn nhà lụp xụp được cất bằng tre lá, nhưng các chùa thì chùa nào cũng đồ sộ nguy nga.
Cũng như các nơi khác, đa số người Khmer tại Châu Đốc theo Phật giáo Nguyên Thủy. Người Việt Nam chúng ta có câu “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”, nhưng đối với người Khmer, ngôi chùa còn có ý nghĩa nhiều hơn thế nữa, vì nó là biểu tượng của sự sinh động của dân tộc. Với người Khmer, họ có thể ở trong những ngôi nhà lá lụp sụp tồi tàn, nhưng ngôi chùa của họ phải nguy nga tráng lệ hơn cả cung vua. Tại thị trấn Tri Tôn có ngôi chùa Miên cổ, đó là chùa ‘Vat Svay Ton’ (Xà Tón). Theo tiếng Khmer, chữ ‘Svay Ton’ có nghĩa là bị khỉ lôi kéo (1), có lẽ thời trước tại đây có nhiều khỉ, nên người đi đường qua lại thường hay bị chúng lôi kéo? Đây là một trong những kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật của đồng bào Khmer trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với người Khmer, chùa chẳng những là nơi thờ Phật, mà còn là trung tâm văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật dân tộc cổ truyền, nơi gìn giữ phong tục tập quán cũng như những truyền thống lâu đời khác của dân tộc. Ngoài ra, chùa còn là trường học cho thanh thiếu niên Khmer trước khi thật sự bước chân vào đời. Theo các bô lão trong vùng kể lại thì chùa Xà Tón đã được xây dựng cách nay trên 300 năm. Ngày xưa vùng Tri Tôn hãy còn rất hoang vu, núi rừng rậm rạp, nên lúc đầu, chùa chỉ được cất lên bằng gỗ, lợp lá trên nền đất. Năm 1896, chùa được trùng tu lại và di tích còn tồn tại đến hiện nay là do lần trùng tu lại vào năm 1933. Chùa được xây lại trên nền đá xanh với chiều cao khoảng 1,8 mét, cột bằng những cây căm xe, lợp ngói. Chánh điện xoay về hướng Tây, nóc nhọn, mái cong như hình ảnh nằm dài uốn cong của rắn thần Naga, tượng trưng cho sự bất diệt, trường tồn và dũng mãnh. Chung quanh chánh điện là các dãy tháp, trong tháp là hài cốt hỏa táng của các vị sư đã từng tu hành tại chùa nầy. Phía trước chùa có hồ trồng sen, bên trái chùa là hàng dừa và các cây dầu cổ thụ. Đây là một ngôi chùa Tiểu Thừa của người Khmer. Trong ngôi chánh điện có tượng Phật ngồi thật lớn, được đúc tạc theo mỹ thuật Phật giáo Tiểu Thừa. Theo giáo phái nầy, ngôi chánh điện biểu trưng cho ngọn núi ‘Sumeru’, tức là trung tâm của vũ trụ, theo Phật giáo luận. Trên đỉnh núi là nơi ngự trị của Đại Phạm Thiên (2). Trên bức tường chung quanh chánh điện có nhiều hình vẽ kể lại cuộc đời của Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Phía trước tượng Phật hãy còn nhiều tượng nhỏ bằng bạc và bằng gỗ với lối điêu khắc rất đặc sắc. Điểm đặc biệt là vùng Châu Đốc có đến 120 cây số đường biên giới với Cao Miên, nên trên suốt đường biên giới nầy người ta thấy cả hai cộng đồng Khmer và Việt Nam đều tham gia trong sinh hoạt ‘Chợ Trời’ (3) vùng biên giới rất nhộn nhịp.
Chú Thích:
(1)Theo truyền thuyết, ngày xưa rừng rậm trong vùng Tri Tôn rất rậm rạp, trên những ngọn cây cao to có nhiều đàn khỉ, tiếng Khmer là Xvay, chúng đu vào nhau, nối đi mà chuyền từ cây nầy qua cây khác, tiếng Khmer gọi là Ton. Người Việt đọc trại thành Xà Tón.
(2)Maha Brahma, một vị thần 4 mặt, không phải là Quan Âm 4 mặt.
(3)Theo Lê Hương trong “Chợ Trời Biên Giới”, Sài Gòn: NXB Xuân Thu 1969, tr. 65-95, từ Châu Đốc ra chợ Tịnh Biên phải theo quốc lộ số 2 (nay là quốc lộ 91), đến ngay bờ kinh Vĩnh Tế., rẽ tay mặt chừng vài chục thước là đến khu chợ, còn rẽ tay trái là đến vùng bến đò. Vì lòng kinh không rộng lắm nên người ta dùng một chiếc đò duy nhất, để giữa hai sợi dây cột ngang hai bên bờ kinh; đò di chuyển bằng sào và bằng phu kéo theo hai sợi dây ấy. Trạm kiểm soát Việt Nam ở ngay tại bến đò, du khách trình giấy tờ xong tiếp tục đi thêm chừng 2 cây số nữa theo quốc lộ số 91 đi đến biên giới chánh thức ngay tại chân núi Đen (người Khmer gọi là Phnom Den). Chợ Trời Tịnh Biên nằm ngay cổng biên giới. Người ta chỉ họp chợ và buôn bán trên một khoảng đất trống chứ không xây cất quán sá chi cả. Hàng hóa trong chợ trời Tịnh Biên rất được đồng bào miền tây hoan nghênh vì chúng có vẻ lạ lẫm so với các hành hóa nội địa khác. Tại đây người ta buôn bán những món hàng được cho phép và ngay cả những món hàng quốc cấm. Tuy nhiên, thường khi bắt được những món hàng lậu thuế, chánh quyền chỉ thâu thuế chứ ít khi nào tịch thu trừ phi đó là những món hàng có nguy hại cho vấn đề an ninh quốc gia.
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER
TRONG VÙNG KIÊN GIANG ĐẠO
Dựa theo những di chỉ cổ nhất tìm được tại vùng Vĩnh Hưng, thuộc tỉnh Bạc Liêu, có lẽ dân bản địa đã từng sinh sống tại vùng Hậu Giang vào những thế kỷ trước Tây lịch là giống người Indonesien (1), vào khoảng thế kỷ thứ nhất Tây lịch, người Môn-Khmer tràn tới đẩy các thổ dân nầy xuống vùng Java, hoặc lên vùng Trường Sơn. Riêng tại vùng Rạch Giá-Hà Tiên, di chỉ cổ nhất của cư dân tại đây mà các nhà khảo cổ tìm được là người Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo của họ. Địa bàn của vương quốc Phù Nam trải rộng khắp vùng mà bây giờ là miền Nam Việt Nam, qua đến Kampuchia, Thái Lan trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Riêng tại vùng Rạch Giá thì dấu tích của vương quốc Phù Nam có thể tìm thấy tại các vùng từ Cạnh Đền lên Ấp Lục. Tuy nhiên, dân tộc Phù Nam đã lui vào quá khứ lu mờ mất rồi, họ để lại quá ít dấu tích về một thời vàng son của họ trên vùng đất này. Người Thủy Chân Lạp thì chỉ thích sống trên những giồng đất cao, nên mãi đến thế kỷ thứ XVII, trên 90 phần trăm đất rừng phương Nam vẫn còn bỏ hoang. Chính vì thế mà trên bước đường Nam Tiến, cha ông chúng ta ít khi phải giành giựt đất đai với ai. Miền Nam Trung phần thì núi rừng hoang vu, trong khi gần như toàn bộ miền Nam thời đó hãy còn là một khu rừng nhiệt đới khổng lồ chưa được khai phá. Trở ngại chính lúc đó chỉ là sự nghiệt ngã của thiên nhiên hoang vu mà thôi. Trên bước đường Nam Tiến, các chúa Nguyễn đã đánh giá rất cao vùng đất phương Nam, đặc biệt là vùng Kiên Giang, vùng đất luôn được xem như là vùng trái độn phòng ngự sự đánh phá của quân Xiêm vào những thế kỷ thứ XVII, XVIII, và XIX. Chẳng những thế, các chúa Nguyễn vẫn luôn xem vùng Kiên Giang như là vùng địa đầu của xứ Đàng Trong ngay khi nó vẫn còn trực thuộc vương quốc Chân Lạp, vì từ thời vương quốc Phù Nam được thành lập, vùng Kiên Giang đã từng là trung tâm giao thương giữa Phù Nam với các xứ vùng Ấn Độ, Trung Hoa, và ngay cả các xứ vùng Âu châu thời cổ. Cha ông chúng ta lại có một may mắn thật lớn, đó là giữa thế kỷ thứ XVII, nhiều thương nhân và quan lại cũ của Minh triều không phục nhà Mãn Thanh, nên họ dong buồm xuôi Nam tìm đến thần phục chúa Nguyễn của xứ Đàng Trong, trong số đó có Mạc Cửu. Trước khi Mạc Cửu đến khai phá vùng đất nầy thì Kiên Giang là vùng đất hoang vu thuộc phủ Sài Mạt, trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Sau khi được khẩn hoang, thì Kiên Giang trở thành một xóm chày ven biển, nhưng chỉ lưa thưa một vài hộ gia đình theo nghề đánh cá biển mà thôi. Lúc Mạc Cửu đến khai khẩn đất hoang tại vùng này, có nhiều người Triều Châu và Phước Kiến đi theo, họ định cư ở những vùng đất giồng, chuyên môn làm rẫy, họ trồng rau cải, còn số khác thì làm ruộng. Hiện tại cộng đồng cư dân trong tỉnh Rạch Giá bao gồm người Việt, người Hoa và người Khmer. Người Việt chiếm đa số và sống rải rác khắp nơi trong tỉnh, trong khi người Hoa tập trung tại vùng trung tâm tỉnh lỵ, chuyên làm thương mãi, hoặc làm rẫy trên các giồng đất cao. Người Khmer thường co cụm vào các phum sóc xa thành phố. Theo thống kê của Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, dân số Rạch Giá khoảng 1.565.900 người, khoảng 85% là người Việt, người Khmer chiếm khoảng 12%, người Hoa chỉ 3% nhưng họ nắm hầu hết những then chốt kinh tế trong tỉnh.
Chú Thích:
(1) Sọ được tìm thấy tại Vĩnh Hưng-Bạc Liêu.
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER
TRONG VÙNG TRẤN DI & LONG XUYÊN ĐẠO
Thời còn dinh Long Hồ, huyện Trấn Di tức vùng Bạc Liêu ngày nay, và huyện Long Xuyên tức vùng Cà Mau. Tuy nằm cạnh Sóc Trăng, đa số dân cư tại Bạc Liêu là người Kinh và người Hoa, chỉ có trên 5 phần trăm là người Khmer mà thôi. Trong khi đó, tổng dân số huyện Long Xuyên thời các chúa Nguyễn có rất ít người Khmer. Dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, Cà Mau vào năm 1956 là 276.650 người, trong đó chỉ có khoảng 2.959 người Khmer mà thôi. Hình ảnh Cà Mau-Bạc Liêu chưa bao giờ được nói đến dưới thời các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp. Mãi đến thời Mạc Cửu đến nhậm chức Ốc Nha phủ Mang Khảm với vua Cao Miên vào thế kỷ XVII thì Bạc Liêu vẫn còn là một vùng rừng rậm bao la, chưa có dấu chân người. Có thể nói những lưu dân đến đây đầu tiên là những người Khmer từ các vùng Sóc Trăng và Trà Vinh. Thoạt tiên họ đến trú ngụ tại các giồng cát tương đối cao, chạy song song với bờ biển tại khu vực mà bây giờ là tổng Thạnh Hưng. Sau đó người Hoa đến đây buôn bán, làm rẫy và làm ruộng muối, đa số là người Triều Châu. Cách đây khoảng trên 200 năm thì bờ biển nằm gần chỗ mà hiện giờ là tỉnh lỵ, do đất bồi lấn biển nên ngày nay bờ biển cách rất xa tỉnh lỵ. Ngay từ thế kỷ thứ XVII, đã có những lưu dân người Việt đến khai khẩn vùng Trấn Di, nhưng con số rất ít, và có khi họ chỉ đến khai khẩn rồi thấy không kham nên tự rút lui tìm phương khác sinh nhai. Đến đời Tổng Binh Mạc Thiên Tứ, nhiều người Hoa gốc Triều Châu lần lần được di cư từ các vùng Hà Tiên và Kiên Giang đến huyện Trấn Di để lập nghiệp. Đồng thời, một số người Khmer và Việt Nam khác nữa từ các vùng Trà Vinh và Sóc Trăng cũng bị vùng đất mới nầy lôi cuốn. Họ đã đem hết gia đình, cùng nhau chèo chống đến vùng Trấn Di khai hoang lập ấp, vì nhận thấy thứ nhất vùng nầy gần biển, rất thuận tiện cho việc đánh bắt cá biển, thứ nhì đất đai phì nhiêu, rất tốt cho việc trồng trọt.
Hình 1: Lễ hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, ảnh internet.
Hình 2: Lễ Tết Truyền Thống của người
Khmer Chôl Chnam Thmay ở Sóc Răng, ảnh 2018.
Hình 3: Chùa Dơi ở Sóc Trăng, ảnh 2018.
Hình 4: Một khu đan đát của người Khmer ở Sóc Trăng, ảnh 2018.
Hình 5: Chùa Mới trong huyện Tịnh Biên, vùng Thất Sơn, ảnh 2018.
Hình 6: Quang cảnh chùa Tà Pạ ở Tri Tôn, vùng Thất Sơn, ảnh internet.
Hình 7: Lễ Chôl Chnam Thmay ở thành phố Châu Đốc, ảnh internet.
Hình 8: Chùa Xà Tón, Tri Tôn, vùng Thất Sơn, ảnh 2018.
Hình 9: Chùa Láng Cát, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, ảnh 2018.
Hình 10: Chùa Rạch Giồng, thành phố Cà Mau, ảnh internet.
Hình 11-12: Cổng và cảnh bao quát chùa Xiêm Cán, ảnh internet.
Hình 13: Chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng, ảnh 2018.
V
Quan Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (1763-1820): Người Khmer Có Công Rất Lớn Trong Việc Khai Phá & Phát Triển Miền Tây Nam Việt
Theo Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Nguyễn Văn Tồn là một trong những danh tướng người Việt gốc Miên hiếm hoi dưới thời Nguyễn sơ, nguyên gốc là người Cao Miên. Thuở Nguyễn Ánh đang bôn tẩu về phương Nam, có một số người Cao Miên theo giúp, trong số đó nổi bật nhất phải kể đến Quan Điều Bát Nguyễn Văn Tồn. Ông có tên Khmer là Thạch Duồng hay Thạch Duông, sanh năm Quý Mùi, 1763, gốc người Nguyệt Lãng, làng Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Vĩnh Long, ngày nay thuộc quận Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Tên thường dùng của ông là Yuồn (1). Theo Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, lúc trẻ ông là một thanh niên có tướng mạo khôi ngô, đỉnh đạt, tinh thông võ nghệ, và tính tình cương trực.
Khi Nguyễn Ánh chạy về ẩn trốn tại vùng Nước Xoáy, xã Tân Hiệp, quận Lấp Vò, nay thuộc Sa Đéc. Nghĩa binh Tây Sơn lại tiếp tục truy đuổi, nên Nguyễn Ánh cùng vài cận thần phải chạy về vùng Vĩnh Long, rồi xuống lẩn trốn ở những vùng âm u hơn như Hiếu Phụng, Hựu Thành, và Cầu Kè. Khi đến bến sông Cầu Kè thì nghĩa binh Tây Sơn cũng truy kích gần tới nơi. May nhờ một người Miên giúp cho qua sông thoát nạn. Nguyễn Ánh hỏi ra tên ông ta nói tên là “Duồng”, rồi đưa Nguyễn Ánh về nhà, nhưng nhà không còn gạo mà chỉ có cây sa kê trước ngõ, ông bèn hái hết những trái sa kê đem nấu cho Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng đở dạ lúc đói, rồi lo chỗ nghỉ ngơi cho họ. Sau khi biết được Nguyễn Ánh là dòng dõi nhà Chúa, Duồng bèn xin đầu quân với Nguyễn Ánh. Có lẽ lần được ông Duồng cứu thoát trong gang tấc đã để lại một ấn tượng rất sâu đậm trong lòng Nguyễn Ánh. Chính vì vậy mà sau khi lên ngôi, Gia Long đã ra lệnh cho quan Trấn Thủ Vĩnh Thanh (2) bứng cây sa kê đem về trồng ở Huế.
Sau khi kết nạp ông, ban đầu Nguyễn Ánh sung ông vào hàng dịch đình nô, người để sai vặt trong cung. Nhờ hết lòng phục vụ phủ chúa, nên ít lâu sau đó, Nguyễn Ánh đã phong cho ông chức Cai Đội, giao cho ông nhiệm vụ trở về Trà Vinh kết nạp những người gốc Miên ra giúp Chúa đánh Tây Sơn (3). Tháng 5 năm Giáp Thìn, 1784, ông theo phò Nguyễn Ánh sang Vọng Các, thuộc xứ Xiêm La, nay là Thái Lan. Năm 1787, lúc Nguyễn Ánh bị nghĩa binh Tây Sơn đánh đuổi, ông theo chúa Nguyễn chạy sang Vọng Các. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện, Chính Biên, Tập 2, quyển 28 ghi: “năm 1788, ông trở về Việt Nam, theo tướng Lê Văn Quân kéo quân đi đánh đồn Ba Lai. Sau khi Nguyễn Ánh về nước, ông được chúa sai đi đến các vùng Mang Thít, Càn Long, Vũng Liêm, Trà Ôn và chiêu mộ một đạo quân người Cao Miên theo giúp Nguyễn Ánh, và được giao quyền làm Nội Thuộc Cai Đội Thống Quản, chúa lại phong cho ông chức Điều Bát cai quản đội quân người Khmer này, và đóng đồn tại các vùng Cầu Kè và Trà Ôn. Tại đây, ông huy động và chỉ huy quân binh dưới trướng đứng ra khẩn hoang để trồng trọt, thành lập nhiều làng xóm. Nhiều lần ông đem binh theo Lê Văn Quân và Võ Tánh đánh nhau với nghĩa binh Tây Sơn do Thái Bảo Phạm Văn Tham chỉ huy.”
Ông đã tham dự nhiều trận đánh với nghĩa binh Tây Sơn và lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm 1801, Nguyễn Ánh lại cử ông mang quân ra đánh các thành trì ngoài Trung như Phan Rang và Bình Định. Sau đó ông cùng Võ Tánh ở lại giữ thành Bình Định. Lúc này ông bị quân Tây Sơn bắt, nhưng sau đó trốn thoát và tìm cách quay về Nam tiếp tục theo phò Nguyễn Ánh. Về sau ông lập được nhiều công trận nên được Nguyễn Ánh cho cải họ Nguyễn và đặt tên là Văn Tồn và phong chức Thượng Hộ Quân.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua vào năm 1802, ông được thăng chức Cai Cơ, Chưởng Quản Thủy Quân Doanh, được vua cử đưa quân về quê, đóng tại đồn Uy Viễn ở Trà Ôn, thuộc đạo Trấn Giang, nay là Cần Thơ, kiêm quản suất 2 phủ Trà Vinh và Mang Thít, thuộc dinh Vĩnh Trấn (hậu thân của dinh Long Hồ). Tại đây, ông lại tiếp tục điều động dân quân khai khẩn hoang địa, tạo lập thành thôn xóm, và duy trì an ninh trật tự trong khu vực trách nhiệm của mình. Về sau, ông được cử theo đại quân của Thoại Ngọc Hầu sang đánh Xiêm La tại thành La Bích (Lovek). Sau khi thắng trận, ông được lệnh đóng quân tại thành La Bích để bảo hộ Cao Miên, giúp vua nước này trị nước an dân. Năm Canh Ngọ, 1810, ông cùng Thoại Ngọc Hầu dẫn đại binh sang chiến đấu với quân Xiêm La ở thành La Bích (Lovek), Cao Miên. Sau khi thắng trận, ông được vua Gia Long cắt cử ở lại Nam Vang để giúp vua Cao Miên trị nước, an dân. Năm Gia Long thứ 10, 1811, ông được triệu về nước, và được thăng chức hàm Thống Chế, tước Dung Ngọc Hầu.
Năm Quý Dậu, 1813, ông lại được vua Gia Long cử về cai quản các vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Vinh và các vùng thuộc miền duyên hải Trà Vinh ngày nay. Ông lại tiếp tục huy động dân quân khẩn hoang lập ấp thành những thôn xóm khang trang như ngày nay. Tại trấn Vĩnh Thanh, ông đã trợ lực cho quan Trấn Thủ Nguyễn Văn Thoại đào kinh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc-Hà Tiên. Ông lại được Nguyễn Ánh cho theo tướng Nguyễn văn Thành đi đánh trận ở nhiều nơi. Năm Gia Long thứ 10, 1811, ông được nhà vua giao cho cai quản đồn Uy Viễn. Đến năm 1818, ông được triều đình bổ vào chức Điều Bát Nhung Vụ, vua Gia Long giao cho việc tuyển mộ dân phu và chính ông đã chỉ huy nhóm dân phu và binh lính khoảng trên 500 người từ Uy Viễn lên Châu Đốc để trợ lực đào kinh Vĩnh Tế với Tuyên Trung Hầu và Thoại Ngọc Hầu (4).
Về sau này, có lúc dân Miên ở vùng Trà Vinh nổi lên làm loạn, ông được bổ nhiệm vào chức quan cai trị tại vùng đó. Và ông đã khéo léo khuyên nhủ được những đồng hương của mình trở về làm ăn lương thiện. Quan Điều Bát Nhung Vụ Nguyễn Văn Tồn bị bệnh và qua đời tại Trà Ôn ở tuổi 58 vào ngày mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn, nhằm ngày 27 tháng 2 năm 1820. Dân chúng trong vùng hết lòng thương tiếc một vị quan gốc người Khmer luôn hết lòng lo cho dân cho nước và luôn làm tròn trách nhiệm được giao phó. Để tưởng niệm một bậc trung thần nghĩa dũng, triều đình Huế đã phái đại thần mang phẩm vật vào làm lễ điếu tế với những nghi thức long trọng trong ba ngày. Đến năm Mậu Tý, 1828, để tưởng thưởng công lao của ông, vua Minh Mạng đã truy tặng sắc phong ông là Trung đẳng thần, hàm Ân Trung Dũng Thiên Trực, tước Dung Ngọc Hầu, vợ ông cũng được ban mỹ tự là Hiền Thục Chi Thần Thống Chế Đại Quan.
Sau khi ông mất, dân chúng địa phương và triều đình nhà Nguyễn đã xây đền thờ để tưởng nhớ đến công lao của tiền nhân. Hiện tại, dọc đường khoảng từ Trà Ôn đi Cầu Kè, còn có lăng mộ của quan Thống Chế Điều Bát. Khu lăng mộ của ông bà Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 8.000 mét vuông, thuộc địa phận giồng Thanh Bạch, ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, các thành phố Vĩnh Long khoảng 40 cây số về hướng đông nam.
Khu lăng mộ và đền được xây dựng vào năm Minh Mạng nguyên niên, Canh Thìn, 1820, gồm 2 phần chính: đền và mộ, cả hai đều được xây dựng bằng đá vôi và ô dước. Bên trong đền có chính điện, nơi được đặt bức tượng của ông để thờ, kế đó là võ ca và nhà khách. Phần mộ của ông bà nằm phía sau miếu thờ, theo kiểu song táng, có tường bao quanh. Tổng thể công trình được tô điểm bằng những hoa văn và kiến trúc theo lối cung đình nhà Nguyễn rất đẹp mắt. Dân chúng địa phương có hai câu ca dao tưởng nhớ về ông như sau:
“Lịch thay địa cuộc Trà Ôn,
Mộ ông Điều Bát lưu tồn đến nay.”
Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện, Chính Biên, Tập 2, có ghi về miêu duệ của ông như sau: “Nguyễn Văn Tồn có một người con tên Nguyễn Văn Vỵ, làm Vệ Úy ở đồn Tịnh Biên, Châu Đốc. Sau đó, có người tố cáo Vỵ theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình, nhưng vì lúc này Nguyễn Văn Vỵ đã chết và vua Minh Mạng nghĩ tình có công lao to lớn đối với triều đình nên không truy cứu tội con ông.” Vì việc này mà về sau này con cháu quan Thống Chế Điều Bát không được triều đình cho nhiều đặc ân nữa. Ngay việc hương hỏa và tế tự tại ngôi đền của ông trong vùng Trà Ôn, triều đình nhà Nguyễn cũng phó mặc cho dân chúng địa phương chứ không hề nhúng tay vào hay giúp đở bất cứ thứ gì.
Đến khi người Pháp chiếm miền Nam vào năm 1867, vùng Vũng Liêm và Trà Ôn là nơi mà nghĩa binh kháng Pháp thường lui tới hoạt động, nên trong chiến tranh buổi ban đầu với Pháp, đền thờ ông Thống Chế đã bị hư hại rất nặng và bị bỏ hoang phế trong một khoảng thời gian rất dài. Đến khoảng đầu thế kỷ thứ XX, người dân vùng Trà Ôn nghĩ đến công đức của ông trong việc khẩn hoang lập ấp đem lại an cư lạc nghiệp cho dân chúng, nên đã tự động quyên góp tiền bạc và tài vật để trùng tu lại khu đền và khu lăng mộ; đồng thời họ cũng thành lập hội Mỹ Thanh để chăm lo việc cúng tế. Tính từ đó đến nay, khu đền và mộ đã trải qua 5 lần trùng tu: 1937, 1953, 1960, 1994, và 2005. Hằng năm cứ đến ngày mồng 3 và mồng 4 tháng Giêng âm lịch, hàng ngàn dân chúng từ Trà Ôn, Cầu Kè, Sóc Trăng, và một số địa phương lân cận đều tề tựu về đây tổ chức lễ cúng giỗ cho ông rất long trọng và trang nghiêm. Bên cạnh lễ cúng tế, ban trị sự còn tổ chức múa lân, múa rồng và hát bội, trình diễn nhạc cổ ngũ âm, cũng như tổ chức các trò chơi dân gian khác.
Phải thực tình mà nói, dầu tiên khởi khi về theo với Nguyễn Ánh, chẳng biết quan Điều Bát có nghĩ gì đến chuyện trung quân ái quốc hay không, nhưng tấm lòng trung trinh một dạ theo phò Nguyễn Ánh của ông quả là một tấm gương rạng ngời, rất đáng cho người đời sau trân quí! Tiền Quân Thống Chế Điều Bát Nhung Vụ Nguyễn Văn Tồn chẳng những được liệt vào một trong những danh tướng kiệt xuất của triều đình nhà Nguyễn, đã từng theo và lập được nhiều chiến công ngay từ thời Nguyễn Ánh còn bôn tẩu lẩn trốn nghĩa binh Tây Sơn, mà ông còn là một vị quan thanh liêm đầy đức độ trong việc an dân. Ngoài ra, ông còn là một người đi tiên phong trong việc khẩn hoang lập ấp. Trong những vùng trách nhiệm của ông ngày nay thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, ông đã chỉ huy chiêu mộ dân chúng về khai khẩn hoang địa, khuyến khích họ trong việc canh tác, khiến cho cuộc sống của dân chúng trong địa hạt do ông cai quản luôn an cư lạc nghiệp. Ông còn là một người trợ tá đắc lực cho Thoại Ngọc Hầu trong việc chỉ huy dân quân người Khmer đến phụ đào kinh Vĩnh Tế. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà lãnh đạo tài tình trong việc cai trị, khiến cho các dân tộc Việt, Hoa, và Khmer luôn sống chung hài hòa trong khu vực trách nhiệm của mình. Chính vì thế mà tính từ ngày ông mất đến nay đã gần 200 năm, thời gian 2 thế kỷ có dài và có thể làm phai mờ đi nhiều thứ, nhưng tấm lòng của quan Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn đối với dân chúng Đất Phương Nam vẫn luôn được con dân hậu bối của xứ này trân quí, kính ngưỡng và nhớ ơn!
Oai Linh Quan Điều Bát
Khoảng đầu năm 1985, người viết tập sách này có cơ duyên cùng chú Huỳnh Minh làm công quả tại Tổ Đình Minh Đăng Quang của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên. Trong suốt thời gian này, hai chú cháu nói rất nhiều về vùng Đất Phương Nam, người viết xin ghi lại một trong những mẫu chuyện nhỏ mà chú Huỳnh Minh đã kể về “Oai Linh Quan Điều Bát” để chia xẻ cùng những ai có lòng yêu thích vùng đất này. Cách chợ Trà Ôn chừng khoảng hơn cây số, cạnh đường Cầu Kè, có ngôi mộ quan Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn. Một tọa lạc trên giồng Thanh Bạch, ngày nay thuộc xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn. Nhiều người lầm tường quan cựu trào Nguyễn Văn Tồn là người Việt, nhưng không phải thế, ông là người Miên, có tên là Duồn, có nghĩa là Việt Nam. Ông là người Miên đầu tiên phục vụ cho triều đình Nguyễn Ánh. Từ ngày có ông mà dân Miên đối với người Việt trở nên thân thiện và hòa nhã hơn trước rất nhiều. Ngay cả khi ông đã qua đời, oai linh của ông vẫn được cả người Việt lẫn người Miên trong vùng kính nể vô cùng. Theo dân chúng địa phương, ông Điều Bác rất hiển linh, mỗi khi dân chúng trong làng có điều chi oan ức mà chính quyền địa phương phân xử không xong, họ đều đến lăng của ông để thề. Quả nhiên kẻ gian ác bất chính liền bị quả báo tức thời. Có thể nói dân chúng vùng Sài Gòn Gia Định tin tưởng đức Tả Quân ở Lăng Ông như thế nào thì dân chúng vùng Trà Ôn cũng kính tin oai linh của quan Điều Bác như thế ấy. Vào khoảng năm 1945, quân đội Pháp kéo đến Trà Ôn mở cuộc bố ráp và càn quét lực lượng kháng chiến trong vùng. Khi đi ngang qua lăng ông Điều Bác, quân Pháp nghi là có quân kháng chiến ở bên trong, viên chỉ huy Pháp liền ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền đập phá tất cả các vật chướng ngại có thể làm nơi trú ẩn cho quân kháng chiến. Trong toán quân Pháp, có người biết chuyện liền nói với các bạn đồng đội về oai linh ông Điều Bác: “Coi chừng đấy! Tôi ngh đồn lăng ông này linh thiêng lắm. Nếu chúng ta đập phá, không khéo sẽ mất mạng như không.” Trong đoàn quân này cũng có nhiều người tin tưởng điều này nên họ thầm bảo nhau rằng quan Điều Bác là người Miên, rất giỏi bùa ngải, thư tôm, ếm đối. Lúc còn sống oai linh của ông đã vang dội, thì khi thác đi chắc hẵn là còn linh thiêng hơn nhiều. Thấy mọi người đều lựng khựng không chịu làm theo lệnh mình, viên chỉ huy bèn hét: “Sao mấy ông đứng im ru hết vậy? Bàn tán cái gì? Hãy thi hành mệnh lệnh mau lên!” Một tên lính nói: “Thưa xếp, chỗ lăng quan Điều bác này linh thiêng lắm. nên anh em e ngại, không dám xâm phạm.” Viên sĩ quan ra lệnh: “Không bàn cãi nhảm nhí gì cả, cứ ra tay triệt hạ để dẹp trống trải. Lệnh của tôi linh hay lệnh của ông Điều Bác linh? Ai không ra tay đập phá thì đừng trách tay tôi!” Sau lệnh này của viên chỉ huy, tất cả binh lính phải răm rắp tuân theo, nhưng trong số này có một vài người nghĩ thầm: “Ông xếp này hách dịch quá đáng, e không khỏi bị thần linh quở phạt. Tội vạ về ông xếp, chúng ta là kẻ dưới quyền, xếp bảo sao thì phải làm vậy, chứ không dám cãi lệnh.” Lúc này viên sĩ quan hách dịch, đứng chống nạnh quát tháo thuộc cấp: “Cứ đập phá đi, tội lệ gì đã có tao chịu. bất tuân lệnh là tao phạt thẳng tay.” Thuộc cấp của ông ta bắt buộc phải đập phá, xong việc, viên sĩ quan vừa cười to vừa nói: “Tụi bây thấy chưa, có gì đâu? Từ rày đừng tin nhảm nhí nữa.” Nói xong, viên sĩ quan ra lệnh cho mọi người rút lui. Mọi người rút lui nhưng trong lòng vẫn lo sợ chắc chắn sẽ có điều báo ứng. Quả nhiên như vậy, khi mọi người đều đã bước xuống tàu, trên bờ chỉ còn một mình viên sĩ quan đang cười hả hê với thành quả của mình, bỗng nhiên ông ta sút tay làm rớt trái lựu đạn, một tiếng nổ vang lên. Chỉ một mình viên sĩ quan bị văng mất một cánh tay và bị miểng lựu đạn ghim đầy mình. Sau sự việc này, người dân địa phương xôn xao bàn tán, chắc chắn quan Điều Bác linh thiêng, chỉ trừng phạt một mình viên sĩ quan mà thôi. Mãi cho tới ngày hôm nay, dầu đã trải qua mấy trăm năm nhưng người người tại đây đều kính tin sự linh thiêng về sự oai linh của quan Điều Bác Nguyễn Văn Tồn. Riêng đối với người viết tập sách này, quan Điều Bác chẳng những oai linh, mà ông lúc nào cũng là tinh thần của chiếc cầu nối về tình hữu nghị của hai sắc dân Việt và Khmer trong vùng. Xin trân trọng và kính ngưỡng dâng lên ngài một nén hương lòng của người con dân đất Vĩnh, xin ngài hãy tiếp tục hộ trì cho con dân đất Vĩnh cũng như con dân Việt luôn có được những điều mà ngài đã mong muốn là thanh bình, thạnh trị và sống làm một con người thật là người, mong lắm thay!!!
Ghi Chú:
(1) Yuồn là âm tiếng Cao Miên có nghĩa là Việt. Nguyễn Ánh thấy ông có nhiều công trận và trung thành mới cho ông họ Nguyễn là họ của vua, mang tên Việt Nam là Tồn. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện chép tên ông là Dung để ghi lại âm Yuồn. Người Khmer trước thời các vua chúa triều Nguyễn không có họ. Dưới triều Minh Mạng, mới ban cho họ những họ như Thạch, Danh, Sơn, vân vân.
(2) Hồi đó trấn Vĩnh Thanh bao gồm các vùng Trà Vinh, một phần của Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc, một phần của Cần Thơ, và một phần của An Giang ngày nay.
(3) Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện Chính Biên, Tập 2, quyển 28, trang 502-503, có ghi: “Mùa xuân năm Giáp Thìn, 1786, theo vua sang Vọng Các làm Cai Đội... Tồn khi trước tên là Duyên, không có họ, vì theo chúa có công bèn cho họ và tên. Năm Gia Long thứ I, 1802, thăng Cai Cơ. Vua sai Nguyễn Văn Tồn kiêm quản cả 2 phủ Trà Vinh và Mân Thiết, thuộc Vĩnh Trấn... Năm Gia Long thứ 9, 1810, nhà vua cho đổi đồn Xiêm Binh làm đồn Uy Viễn, cho Tồn làm thống đồn, trông coi như cũ. Năm Gia Long thứ 10, 1811, lại triệu Tồn về kinh thăng chức Thống Chế, vẫn coi đồn Uy Viễn. Khi trở về cho 10 lạng vàng, 30 lạng bạc, 200 quan tiền, 1 bộ áo mão đại triều, rồi sai đem 1.000 lính đồn đi đóng ở Nam Vang. Năm Gia Long thứ 18, 1819, Nguyễn Văn Tồn đốc lính khơi sông Vĩnh Tế. Năm Minh Mạng nguyên niên, 1820 thì chết, sai người tới dụ tế, cho cây gấm Trung Hoa, 20 tấm vải, 100 quan tiền, cấp cho 7 tên phu coi mộ. Năm Minh Mạng thứ 8, 1828, con là Vy xin truy cấp cho sắc tặng, bèn được truy tặng làm Thống Chế.”
(4) Công việc đào kinh Vĩnh Tế gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại vì rất nhiều đoạn kinh mà bên dưới toàn là đá, với lại thời tiết và khí hậu khắt nghiệt, mà công trình chỉ được thực hiện hoàn toàn bằng nhân lực chứ không có máy móc hỗ trợ, nên có nhiều lúc công trình đào kinh phải bị gián đoạn. Ngay từ đợt đầu, đã có đến 5.000 dân phu và binh lính cộng với khoảng 500 binh sĩ đến từ đồn Uy Viễn của quan Thống Chế Nguyễn Văn Tồn. Tuy nhiên, sau đó, vì xảy ra quá nhiều trở ngại, công thêm việc có quá nhiều người trốn đi vì quá cực khổ, nên vua Gia Long đã sai quan Thống Chế Nguyễn Văn Tồn tăng viện thêm 5.000 dân xâu khác nữa, đa số là những binh lính người Cao Miên trong hàng ngũ của quan Điều Bát.
Hình 1-2: Cổng bên ngoài khu đền của
Quan Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn, ảnh 2019.
Hình 3: Cổng bên trong khu đền của
Quan Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn, ảnh 2019.
Hình 4: Ao sen & nhà Thuỷ Tạ bên trong Khu Lăng mộ
quan Thống Chế Điều Bát ở Trà Ôn, ảnh 2019.
Hình 5: Tượng Thống Chế Điều Bát
Nguyễn Văn Tồn ở Trà Ôn, ảnh 2019.
Hình 6-7: Khu Lăng mộ quan Thống Chế Điều Bát ở Trà Ôn, trong đó có
Khu mộ của phu nhân của quan Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, ảnh 2019.
VI
PUKOMPO (?-1867): THỦ LÃNH NGƯỜI KHMER KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP TẠI TÂY NINH
Pu Kom Pô hay Pucômbô là tên theo cách gọi của người Việt. Ông là một nhà sư người Khmer. Hiện nay chúng ta không có tài liệu chính xác là ông sinh năm nào và tại đâu, chỉ biết ông là người của hoàng tộc Cao Miên, nhưng nói thông thạo cả hai ngôn ngữ Việt và Khmer. Khoảng năm 1845, do nạn tranh chấp quyền hành trong triều đình Oudong, cố đô Cao Miên, nên ông đã lánh sang Lào và lưu lại đó khoảng 17 năm. Năm 1863, đô đốc Pháp ở Nam Kỳ là De la Grandière đã đi sang Oudong để gặp vua Norodom đệ nhất. Sau đó hai bên đã ký bản hiệp ước công nhận sự bảo hộ của người Pháp đối với vương quốc Campuchia vào ngày 11 tháng 8 năm 1863. Trước khi người Pháp kéo quân qua Lào, Pukompo đã đi chuyển từ Lào sang tạm trú tại các vùng Tây Ninh, Tháp Mười và Thất Sơn để chiêu mộ nghĩa binh đánh Pháp. Lúc nầy, dân chúng Cao Miên không chịu sự bảo hộ của người Pháp nên đã lần lượt đứng lên theo các thủ lãnh nghĩa binh chống lại người Pháp. Đáng kể nhất là ba cuộc nổi dậy của Sivotha, Acha Xoa và Pukompo. Riêng trong tập sách Hào Kiệt Đất Phương Nam, tác giả xin được đề cập đến Pukompo vì trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vị hoàng thân này đã có một thời gian sát cánh cùng ông Trương Quyền (con của thủ lãnh kháng chiến Trương Định, Trương Quyền còn có tên là Trương Huệ 1844-1871) đánh Pháp tại vùng Tây Ninh.
Đến năm 1862, ông bắt đầu trở về Cao Miên quy tụ thêm nghĩa dũng đứng lên phát khởi phong trào chống cả triều đình lẫn thực dân Pháp. Đến đầu năm 1865 thì lực lượng của ông đã khá mạnh, Pukompo bắt đầu cho quân nghĩa dũng của mình chặn đường phục kích những đoàn công voa vận chuyển quân lương của Pháp từ Tây Ninh qua Nam Vang. Trong một lần sơ hở, vào tháng 4 năm 1865, Pukompo bị viên chủ tỉnh Tây Ninh tên Larclause phục kích và bắt đưa về giam giữ tại Khám Lớn Sài Gòn. Đến tháng 5 năm 1866, Pukompo vượt ngục rồi trở về Tây Ninh tiếp tục hoạt động. Lần này, số nghĩa dũng, ngoài chủ lực là người Khmer, còn có rất nhiều người Việt, người Champa và người Stiêng (1).
Khi trở lại Tây Ninh lần nầy, Pukompo đã tìm cách liên kết với thủ lĩnh Trương Huệ từ vùng Đồng Tháp Mười mới di chuyển tới hoạt động tại Tây Ninh. Sau khi Pukompo hay tin nghĩa binh của Trương Huệ đã di chuyển về hoạt động trong vùng Rạch Vịnh, Tây Ninh, Pukompo rất mừng, bèn kéo ngay nghĩa dũng của mình đến bàn với Trương Huệ kế hoạch tấn công giặc Pháp. Sau khi chuẩn bị, ngày 7 tháng 6 năm 1866, nhân lúc Pháp quân đang dồn nỗ lực đánh phá chiến khu Đồng Tháp Mười của Thiên Hộ Dương tại vùng Mỹ Trà, Cao Lãnh, liên quân nghĩa binh do Trương Huệ và Pukompo chỉ huy đã tấn công vào sở Tham Biện Tây Ninh, giết chết tên chánh tham biện Larclause, tên phụ tá Tham Biện Lasage cùng 11 lính Pháp. Đến ngày 14 tháng 6 năm 1866, Trương Huệ lại chỉ huy nghĩa binh tấn công đồn Rạch Vinh, cách Tây Ninh khoảng 40 cây số, giết chết tên Đại tá Pháp là Marchaisse.
Sau đó Trương Huệ ráo riết chuẩn bị tấn công Sài Gòn-Chợ Lớn với tổng quân số vào khoảng 500 quân. Theo kế hoạch thì nghĩa binh dước sự chỉ huy của Trương Huệ tấn công vào Sài Gòn, trong khi cánh do Pukompo chỉ huy thì ứng chiến hỗ trợ cho đường rút quân trong rừng Tây Ninh. Lúc bấy giờ Trương Huệ cùng nghĩa dũng của mình trở lại chiến khu trong rừng núi Tây Ninh để hợp sức cùng một số quân kháng chiến Cao Miên do Pukompo chỉ huy. Liên quân Trương Huệ-Pukompo bắt đầu lập chiến khu ở Truông Mít và Bến Thứ để trường kỳ đánh Tây, đồng thời Trương Huệ còn liên kết chặt chẽ với nghĩa binh Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười. Hay tin, giặc Pháp cho đổ quân ào ạt lên Tây Ninh. Nghĩa binh Việt Miên phải rút lui xuống Trảng Bàng và đánh tại đây nhiều trận ác liệt. Tên trung úy Pháp là Eymard phải kêu viện binh từ Tây Ninh tới tiếp viện. Thấy thế không xong, Trương Huệ ra lệnh cho nghĩa binh bắn thẳng vào nơi đồn trú của lính Pháp, gây thiệt hại lớn cho chúng trước khi được một nhóm người thuộc bộ rộc Stiêng hướng dẫn cho nghĩa binh rút lui toàn bộ vào rừng.
Sau đó, Pukompo và Trương Huệ đưa toàn bộ nghĩa binh vượt qua biên giới và đóng quân trên đất Cao Miên. Lúc này, Pukompo hợp sức với một thủ lãnh người Khmer khác trên đất Cao Miên để tiếp tục đánh các đồn Pháp dọc theo biên giới Việt-Miên. Quân Pháp ở Sài Gòn được tin liên quân Trương Huệ-Pu-Kầm-Pô đang đánh gắt ở Tây Ninh, chúng liền phái thêm 200 lính thiện chiến, 100 lính tập và 50 lính thủy, dưới quyền của tên thiếu úy Rémiot Lerebours đến Tây Ninh để tăng viện cho quân đồn trú tại đó. Khoảng đầu tháng 12 năm 1866, quân tăng viện đến nơi, nhưng không làm gì được liên quân nghĩa binh Pukompo-Trương Huệ, vì đạo quân này lúc ẩn lúc hiện, và luôn thay đổi địa điểm, và đợi lúc xuất kỳ bất ý mà tấn công giặc. Hơn nữa, nghĩa binh không đồn trú nơi nào nhất định, nên giặc Pháp không biết chỗ nào mà tấn công.
Đến cuối năm 1866, khi biết tin nghĩa binh đang hoạt động trong vùng Rạch Vịnh, Pháp bèn mở cuộc hành quân tấn công. Lúc này Đô đốc De La Grandière liền cử đại tá Marchaise đem tàu chiến cùng liên quân thụy bộ lên Tây Ninh. Khi gần đến nơi, Marchaise cho toán lính thủy đổ bộ tại Bến Kéo, đợi toán thứ nhì do đại úy Fromillet chỉ huy từ Trảng Bàng kéo lên. Sau khi hợp quân xong, ngày 14 tháng 6 năm 1866, giặc Pháp bắt đầu tấn công rầm rộ với khoảng 150 lính Tây được trang bị đầy đủ cùng hai khẩu đại bác. Tại mặt trận Rạch Vịnh, cách Tây Ninh khoảng 40 cây số, liên quân nghĩa binh Trương Huệ-Pukompo chiến đấu rất can trường, nhưng vũ khí không cân xứng nên nghĩa dũng Việt-Miên quyết định đánh sáp lá cà, tức là xông ra đánh cận chiến. Cuối cùng, nghĩa dũng Việt-Miên đã giết chết tên đại tá Marchaise cùng một số lính Pháp, còn số thương vong của liên quân Pukompo-Trương Quyền thì không rõ là bao nhiêu (2).
Lúc này Trương Huệ ra lệnh cho các cánh quân Pháp bằng mọi cách phải đánh chiếm các đồn ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Trảng Bàng để cầm chân không cho giặc Pháp kéo được đại quân lên Tây Ninh tiếp cứu. Vì thế mà vào đêm 23 rạng 24 tháng 6 năm 1866, lúc 4 giờ khuya, Trương Huệ liền kéo quân về đánh Sài Gòn. Liên quân kháng chiến Việt-Miên dưới quyền điều khiển của hai ông đột nhập vào vùng Chợ Lớn, tấn công đồn Thuận Kiều trong lúc bọn lính Tây đang ngủ say, rất nhiều nghĩa binh đã đột nhập vào đồn và đánh sáp lá cà với lính Pháp. Chỉ trong chớp nhoáng, nghĩa binh Trương Huệ đã chiếm được đồn Thuận Kiều và giết gần hết số lính Tây trấn thủ tại đó. Tất cả những tử thi không đầu của giặc Pháp được lôi ra ngoài đồn cho dân chúng xem để cảnh cáo bọn tay sai mãi quốc cầu vinh. Tuy nhiên, đến khoảng 6 giờ sáng thì quân tiếp viện của Pháp đã tới. Trận đánh ngày càng ác liệt, vì khi Pháp càng tăng viện thì nghĩa binh Việt Miên cũng tăng viện, nhưng đến 8 giờ sáng, thấy không nên giữ đồn Thuận Kiều, nên Trương Huệ ra lệnh cho nghĩa binh rút về vùng Bà Hom.
Sau đó liên quân Pukompo-Trương Quyền còn lần lượt tổ chức nhiều cuộc tấn công khác từ Gia Định lên Tây Ninh như trận Trà Vông ở Tây Ninh vào ngày 2 tháng 7 năm 1866; các trận Trảng Bàng, Củ Chi và Hóc Môn đồng loạt diễn ra vào ngày 7 tháng 7 năm 1866; trận Long Trì ở Tân An vào ngày 8 tháng 7 năm 1866; trận Bà Vang ở Tây Ninh và trận Bình Thới ở Gia Định xảy ra cùng ngày 13 tháng 7 năm 1866. Tuy không có con số thương vong chính xác, nhưng cuộc khởi nghĩa của liên quân Pukompo-Trương Quyền đã giết chết tên tham biện Larclause, tên phó tham biện Lasage, tên đại tá Marchaise và rất nhiều binh lính người Pháp, cũng như rất nhiều quân trang quân dụng và vũ khí đã bị nghĩa binh tịch thu... Chính vì thế mà chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ, nhất là 3 tỉnh Miền Đông, rất hoang mang lo sợ, không biết lúc nào nghĩa binh sẽ lấy mạng mình. Lại nữa, địa bàn hoạt động của liên quân Pukompo-Trương Quyền trải rộng từ Sài Gòn qua biên giới Việt Miên, đến tận Oudong, Lào và ngay cả trong vùng Vịnh Thái Lan. Coi như trong suốt năm 1866, nghĩa binh của liên quân Pukompo-Trương Quyền đã chiếm trọn quyền kiểm soát một khu vự rộng lớn giữa hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, từ Svay-Riêng, Cao Miên, đến vùng Trảng Bàng, Tây Ninh. Hơn nữa, lúc này một số phong trào kháng chiến ở miền Tây Nam Kỳ như của các ông Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương... đã bị Pháp dập tắt hay suy yếu, nên nghĩa dũng cũng tìm đến tham gia lực lượng của liên quân Pukompo-Trương Quyền. Chính vì vậy mà lực lượng này rất lớn mạnh, nhất là vào khoảng giữa năm 1866.
Lo ngại trước sự lớn mạnh quá nhanh của liên quân Pukompo-Trương Quyền, thực dân Pháp bèn huy động một lực lượng lớn từ khắp các tỉnh miền nam và liên tiếp mở nhiều đợt tấn công càn quét vào căn cứ nghĩa binh ở Tây Ninh. Đồng thời, thực dân cũng mua chuộc những nông dân nhẹ dạ nhằm phong tỏa nguồn tiếp tế gạo và các thứ nhu yếu phẩm cho nghĩa binh, khiến đời sống của nghĩa binh vốn dĩ đã khó khăn, nay càng khó khăn gấp bội. Thấy tình thế khó khăn như vậy, nên ngoài các chiến khu ở Truông Mít và Bến Thứ, Pukompo và Trương Huệ lại cho thiết lập thêm chiến khu ở Giao Loan để ít nhất cũng có được thêm một nguồn tiếp tế trong công cuộc trường kỳ đánh Tây. Tuy nhiên, nguồn tiếp tế ngày càng cạn dần, trước tình hình đó, khoảng cuối tháng 7 năm 1866, Pukompo bàn với Trương Huệ và quyết định đưa quân về lại Cao Miên bảo toàn lực lượng để tiếp tục chiến đấu.
Ngày 18 tháng 8 năm 1866, trên đường chuyển quân, nghĩa binh của ông đã giết chết viên chỉ huy người Cao Miên, gốc người Ba Nam (Pak-nam) là Thượng Thư Bộ Binh của triều đình Oudong, tức là chức Krahom. Đến tháng 10 năm 1866, ông lại mở cuộc tấn công Oudong, khiến cho vua Norodom I phải cầu cứu với Soái Phủ Sài Gòn ở Nam Kỳ. Lúc này triều đình Campuchia ở Oudong cũng tổ chức một đạo quân khoảng 2.000 đưa đi càn quét quân Pukompo tại tỉnh Ba-Phnum, nay là tỉnh Pray Veng và tỉnh Svay Rieng. Tuy nhiên, nghĩa binh Pukompo đã nhanh chóng di chuyển đi nơi khác để bảo toàn lực lượng.
Ngày 17 tháng 12 năm 1866, Pukompo dẫn nghĩa binh đánh thành Oudong, quân triều đình Campuchia bỏ chạy, nhưng sau đó, viện binh của Pháp đã kịp thời đến giải cứu. Sau trận chiến ác liệt này, Pukompo còn đánh nhiều nơi từ Oudong đến Phnom-Penh, khiến cho cả triều đình Cao Miên và thực dân Pháp phải mất ăn mất ngủ. Đến cuối tháng 6 năm 1867, thực dân Pháp đã chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, tình hình càng trở nên vô cùng bất lợi cho quân kháng chiến nói chung, cho nghĩa binh Pukompo nói riêng, bởi vì từ trước đến nay 3 tỉnh này luôn là hậu cần cung cấp lương thực, vũ khí và nhu yếu phẩm cho nghĩa binh.
Lúc này người Pháp lại đưa hoàng thân Prakeo Pha, em vua Norodom I, một người rất thân Pháp, lên làm Phó vương Campuchia. Người Pháp lại tận tình giúp đỡ vũ trang cho Phó Vương thành lập đội quân bảo vệ hoàng triều lên tới khoảng 4.000 người. Hoàng thân Prakeo Pha đã dùng đội quân bảo vệ này để trấn áp quân nổi dậy trong nước. Như trên đã nói, ngoài những biện pháp như vũ trang cho những tên tau sai, Pháp còn dùng đủ mọi cách để mua chuộc nông dân ngưng tiếp tế cho nghĩa binh, và len lỏi vào hàng ngũ nghĩa binh làm ly gián, gây chia rẽ và phá hoại các phong trào chống đối. Vì vậy mà đến giữa năm 1867, nghĩa binh Pukompo đã yếu hẳn đi. Sau đó, Pukompo phải ra lệnh cho toàn bộ nghĩa binh rút sang vùng Suối Giây ở Tây Ninh, tiếp tục liên kết với nghĩa binh Trương Huệ, nhưng cũng bị Pháp càn quét. Pukompo phải rút quân lên vùng Stung Treng và vào các khu rừng gần biên giới Lào-Miên để ẩn náu. Quân Pháp lại cho quân kéo đến bao vây, Pukompo và nghĩa binh phải mở đường máu rút lui trở về lại vùng Suối Giây. Ngày 28 tháng 7 năm 1867, có tay sai mật báo nên quân Pháp lại bất ngờ tấn công vào Suối Giây, Tây Ninh. Trước vũ khí tối tân của giặc, Trương Huệ và Pukompo đành phải chia lính ra làm từng toán nhỏ, vừa đánh vừa rút về phía vùng Hậu Giang, nhưng vừa ra khỏi Suối Giây thì Trương Huệ bị một tên thuộc hạ làm phản (3) phục kích giết chết khi đang trên đường rút về chiến khu Đồng Tháp Mười.
Sau khi chia quân ra làm nhiều toán nhỏ, Pukompo ra lệnh cho họ vượt sông Cửu Long, sau đó họ họp quân tại Kompong Thom ở phía bắc Biển Hồ. Ngày 3 tháng 12 năm 1867, sau một trận kịch chiến với giặc Pháp, quân Pukompo, vừa quá mệt mỏi, vừa không có lương thực và vũ khí, nên bị giặc Pháp đánh tan rả. Trong khi đó Pukompo bị thương nặng, vì tức tối trước những tổn thất quá nặng mà Pukompo đã gây cho chúng nên chúng đã giết chết Pukompo trên đường giải về Phnom Penh. Giặc Pháp đã đem bêu đầu Pukompo ngay trước hoàng cung Campuchia. Phải thành thật mà nói, Pukompo là một trong những hào kiệt, tuy không phải là người Việt Nam, nhưng những tổn thất mà ông gây ra cho giặc Pháp trong suốt năm 1866: cùng Trương Huệ giết chết tên tham biện Tây Ninh Larclause, tên phó tham biện Lesage, viên đại tá Marchaise và rất nhiều binh lính viễn chinh Pháp trên đất Tây Ninh... cũng xứng đáng cho tác giả ghi tên ông vào những Hào Kiệt của Đất Phương Nam. Dân tộc Việt Nam, nhất là dân chúng vùng Nam Kỳ sẽ mãi mãi kính ngưỡng và nhớ ơn ông!
Ghi Chú:
(1)Sau khi chiêu mộ thêm binh sĩ Chăm và Khmer, ngày 17 tháng 12 năm 1866, Pukompo tiến vào Oudong. Quân triều đình bỏ chạy, chỉ còn quân Chăm của Samdech Chau Ponhea ở lại tử thủ. Nhưng qua ngày hôm sau, hơm 500 quân Chăm của Pukompo bỏ theo Chau Ponhea vì lý do tôn giáo (Pukompo là tu sĩ Phật giáo, còn người Chăm theo Chau Ponhea theo Hồi giáo). Chính vì vậy mà hoàng tử Sisowath (Preah Kevea) của triều đình Oudong được người Khmer và người Chăm tại vùng Kompong Cham ủng hộ, nên nghĩa binh do Pukompo chỉ huy sau đó phải thúc thủ. Nguyễn Văn Huy trong quyển Tìm Hiểu Người Chăm Việt Nam có ghi: Năm 1865, một tu sĩ Phật giáo tên Pou Kombo, tự nhận là hoàng tử Ang Phim, con vua Ang Chan, cháu vua Ang Duong, cùng với 2.000 người Chăm tại Châu Đốc nổi lên chống lại vua Norodom I, bao vây thành Oudong. Khoảng 1.000 người Chăm khác từ Châu Đốc theo quân Pháp sang bảo vệ thành Oudong. Pou Kombo chạy sang Châu Đốc và Tây Ninh tỵ nạn.
(2)Trong hai trận thua nặng này, André Baudrit trong quân đội viễn chinh có kể như vầy: Sau trận đánh đồn Tây Ninh trong 9 giờ liền, có lần quân Pháp đánh liều ra ngoài lấy xác viên quan ba Pino, vừa qua khỏi cầu, thoáng thấy nhóm nghĩa quân núp sau đám cây thì đâm ra hoảng loạn, xô nhau chạy về đồn, chỉ mang được xác Lasage, vì xác này nằm ngay trên đầu cầu. Trong khi đó Vial, cũng một lính viễn chinh, sau này trở thành một trong những chiến lược gia trong kế hoạch cai trị dân thuộc địa của Pháp đã viết: Tin tức về sự thiệt hại nặng nề của ta trong trận Rạch Vịnh đã lan tràn trong nhân dân như một mồi lửa thuốc súng; các lãnh tụ khởi nghĩa phái người đi cổ vũ các nơi, cả trong hàng ngũ chúng ta, cả trong thành phố Sài Gòn và họ đang tìm cách tấn công ta ngay tại phủ của ta.
(3)Từ khi từ Cao Miên về lại Việt Nam, liên quân Pukompo-Trương Quyền đã làm cho Pháp quân nhiều phen điêu đứng, về tài phục binh và đột kích của ông. Pháp cho người đem quyền cao chức trọng ra khuyến dụ, nhưng ông khẳng quyết giữ lòng trung hiếu với nước với dân, và nhất quyết không đội trời chung với giặc Pháp. Nhưng vì thế cô sức yếu và không có đường tiếp tế về quân trang quân dụng và vũ khí đạn dược, nên Trương Huệ ra lệnh cho nghĩa binh rút về Biên Hòa, rồi sau đó lại lui về lại vùng Đồng Tháp đưa quân vào chiến khu cũ của Thiên Hộ Dương, gây cho Pháp quân nhiều phen thất điên bát đảo. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến lâu dài, trong những hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt của vùng Đồng Tháp, nhiều nghĩa binh lâm bệnh mà mất, lại không có lực lượng bổ sung, nên ít lâu sau đó nghĩa binh coi như tan rã. Nhưng Trương Huệ nhất quyết đánh tới cùng. Quân Pháp thấy khó lòng sử dụng quân đội để đánh với quân du kích của ông, nên vào tháng 5 năm 1870, người Pháp đã mua chuộc một người Khmer, lính cũ của ông và Pucumpo ở Cao Miên, tổ chức tiệc rượu rồi mời Trương Huệ đến dự và cho quân phục kích giết chết ông và đoàn tùy tùng đi theo, lúc đó ông mới 26 tuổi. Từ đó, nghĩa binh Trương Huệ cũng dần dần tan rã.
Hình 1: Vùng hoạt động của quân kháng chiến Pukompo-Trương Quyền,
Bulletin de Cochinchine 1870.
Hình 2: Vùng Rạch Vịnh, Tây Ninh, mật khu của Pukompo-Trương Quyền,
Bulletin de Cochinchine 1870.
Hình 3: Sau khi quân Pháp tấn công vùng Rạch Vịnh, nghĩa binh Pukompo
kéo về vùng Terre de Baphnom bên phía Cam Bốt để tiếp tục kháng chiến đến khi
ông Pukompo tử trận vào ngày 3 tháng 12 năm 1867, Bulletin de Cochinchine 1870.
Tham Khảo
Người Long Hồ, Một Thoáng Nam Kỳ Lục Tỉnh, xuất bản, California, USA, 2006.
Người Long Hồ, Đất Phương Nam, xuất bản, California, USA, 2012.
Người Long Hồ, Hào Kiệt Đất Phương Nam, xuất bản, California, USA, 2018.
Công Báo:
Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945.
Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise 1862-1945.
Công Báo Việt Nam Cộng Hòa 1955- 1975.
Lịch Annam-Sáu Tỉnh Nam Kỳ, Sài Gòn-Bản In Nhà Nước 1869, 1871, 1872, 1874, 1875, 1876, 1878, 1879, 1880.
Theo Lời Kể Từ Các Bô Lão:
Theo lời kể miệng của các cụ Trần văn Tiếng, Trần văn Hương, và Ông Cụ Sáu xóm Bánh Phồng bên Thiềng Đức Vĩnh Long (cụ sáu sanh năm 1855, đến năm 1961 thì cụ đã 105 tuổi, nhưng hãy còn rất minh mẫn), kể từ Nam Kỳ Lục Tỉnh đến 20 tỉnh Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc, cũng như Nam Kỳ từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khoảng thập niên 1950s.
Theo lời kể miệng từ các bô lão trong khắp các vùng Đất Phương Nam, từ Phan Thiết đến Cà Mau, trong khoảng từ năm 1969 đến 1975.
Theo lời kể của hai anh Hứa Hoành và Nguyễn Hữu Trí trong những đêm “Nhớ Về Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh” tại Bataan, Philippines vào cuối năm 1984.
- Từ khóa :
- cộng đồng
- ,
- Người Khmer
- ,
- Đất Phương Nam