GIỚI THIỆU ĐỀ MỤC KINH HOA NGHIÊM
Thích nữ Như Giác
Học
làm Thầy người, học làm mô phạm cho đời" là chủ đề mà Pháp sư Tịnh Không
chọn khi khai giảng Kinh Hoa Nghiêm tại đạo tràng Phật giáo Cư Sĩ Lâm ở
Ngay nơi 7 chữ "ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH", Pháp sư cho rằng nghĩa lý của nó bao hàm vô tận. Bởi vì chính đề kinh mà Đức Phật tuyên thuyết đã hiển bày được chân tướng của các pháp. Trước hết, Pháp sư Tịnh Không đã trích dẫn cách giải thích của Đại sư Thanh Lương Trừng Quán, vị Tổ thứ 2 của tông Hoa Nghiêm, sau đó Sư phân tích và giảng giải nghĩa lý của từng chữ một. Giáo nghĩa và giáo tướng của từng chữ trong đề kinh đã được lý giải rõ ràng qua cách hiểu hết sức sáng tạo và sâu sắc này.
Đầu tiên, Pháp sư đã nêu ra 5 mệnh đề đối lập : Giáo và Nghĩa, Tổng và Biệt, Năng và Sở, Nhân và Pháp, Thể và Dụng. Sau đó, Sư đã phối hợp các mệnh đề này với các chữ của đề kinh, tạo thành 6 đôi biệt lập :
- Đôi thứ nhất là chữ Kinh và 6 chữ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, nói về Giáo và Nghĩa. Kinh là từ gọi chung giáo học của Phật, mà ý nghĩa chính là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.
- Đôi thứ hai là chữ Nghiêm và 5 chữ Đại Phương Quảng Phật Hoa, nói về Tổng và Biệt. Đại Phương Quảng Phật Hoa là nói riêng (biệt), Nghiêm là nghiêm sức, là trang nghiêm tất cả (tổng).
- Đôi thứ ba là chữ Hoa và 3 chữ Đại Phương Quảng, hiển bày Năng và Sở. Hoa là vật trang nghiêm (năng) và Đại Phương Quảng pháp được Hoa trang nghiêm (sở).
- Đôi thứ tư là chữ Phật và 3 chữ Đại Phương Quảng, biểu thị Nhân và Pháp. Phật là Nhân và Đại Phương Quảng là Pháp.
- Đôi thứ năm là chữ Quảng và 2 chữ Đại Phương, hiển bày Thể và Dụng. Đại là bản thể vũ trụ (Thể); Phương là hiện tướng. Tướng không lìa Thể và ngược lại. Thể và Tướng là một, không hai; còn Quảng là tác dụng. Tác dụng của Thể là hiện tướng, Thể có thể hiện ra các tướng (Dụng). Cho nên có Dụng của Thể và Dụng của Tướng khác nhau. Chữ Quảng bao gồm cả Dụng của Thể và Tướng.
- Đôi thứ sáu là 2 chữ Đại và Phương, cũng hiển bày Năng và Sở뮠Phương là hiện tướng, còn Đại là tự tánh, là bản tánh chân như. Bản tánh chân như là Năng hiện, Năng biến mà tất cả hiện tướng là Sở hiện, Sở biến.
Đối với những phạm trù trên, người học Phật cần phải phân biệt rõ. Phân biệt ở đây không phải là chia chẻ các pháp thành những mảnh vụn biệt lập với nhau. Bởi vì theo tư tưởng Hoa Nghiêm, Lý và Sự vô ngại. Ví dụ đem vàng nấu chảy, đổ vào một khuôn hình khối thì vàng có tướng hình khối, nếu đổ vào khuôn hình tròn thì vàng có tướng hình tròn... Cũng vậy, Nhất chân pháp giới, Thập pháp giới, y báo, chánh báo đều do tự tánh hiển hiện ra, đó là tất cả tác dụng của hiện tướng. Do không biết rõ đâu là Lý, đâu là Sự, nên người thế gian thường đem cái tâm hạn cuộc mà duyên với tất cả các pháp, rồi khởi lên chấp trước. Thật ra, khi thực tập quán sát các pháp như là chính nó, thì Giáo và Nghĩa nhất quán, Tổng và Biệt dung nhập, Năng và Sở không hai, Nhân và Pháp bất nhị, Thể và Dụng tương tức. Từ cái nhìn này, Pháp sư Tịnh Không dạy chúng ta phân biệt và thẩm thấu muôn sự muôn việc qua lăng kính trùng trùng duyên khởi của pháp giới. Bằng pháp quán này, chúng ta không còn thấy kẻ oán người thân, không còn khái niệm thương ghét, mà luôn thể hiện phong thái bao dung bằng chính lòng chân từ bình đẳng đối với mọi người, mọi việc. Xét một cách rốt ráo, thì toàn bộ giáo nghĩa Hoa Nghiêm đều chứa đựng trong 7 chữ hàm súc của đề kinh.
Để hiểu rõ hơn tính chất vô ngại của các pháp theo giáo quán Hoa Nghiêm, Pháp sư Tịnh Không lại tiếp tục phân tích ý nghĩa của từng chữ một trong đề kinh, giúp chúng ta hiểu được giá trị đích thực của tư tưởng Đại thừa trong cuộc sống hiện tại đầy phức tạp này.
ĐẠI : Biểu thị cho Thể đại. Cổ đức nói : Thể gồm hai nghĩa Thường và Biến. Thường tức nói Chân tâm của chúng ta vĩnh hằng bất biến, siêu việt thời gian. Biến tức là rộng lớn, chính là nghĩa tâm lượng chúng ta bao trùm cả hư không. Cho nên Đại ở đây không phải là Đại của lớn, nhỏ. Đại của lớ鮠nhỏ mang tánh tương đối vì có đối đãi, mà tương đối thì không phải là Đại. Chữ Đại ở đây là "Bất tư nghì giải thoát cảnh giới", là "Nhất chân pháp giới", cũng chính là Chân tâm, là Tự tánh, là Phật tánh sẵn có trong mỗi chúng sanh, mà Thiền tông vẫn gọi là Bản lai diện mục. "Đại" ấy, chân tâm ấy, Phật ví nó như hư không, còn toàn bộ pháp giới trong tự tánh chúng ta ví như đám mây trên bầu trời. Cho nên nói : "Tâm bao quát hư không, lượng trùm khắp sa giới". Trên phương diện lý tánh tuyệt đối thì Chân tâm, Phật tánh sẵn có trong mỗi chúng sanh cùng với tâm chư Phật không khác nhau. Thế nên Phật nói : "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành". Nhưng xét về mặt hiện tướng thì hoàn toàn sai biệt, tâm chư Phật thì bao quát như hư không, còn tâm chúng ta là thứ tâm hẹp hòi ích kỷ, nên chiêu cảm y báo luân hồi khổ đau, chiêu cảm hoàn cảnh sống bất như ý, bởi vì "y báo tùy theo chánh báo chuyển". Do đó chúng ta học Phật là nhằm làm cho tâm lượng mình thật sự đạt đến bao quát như hư không. Một khi có tâm lượng lớn như thế, thì cảnh giới hiện tiền sẽ là Nhất chân pháp giới.
PHƯƠNG : Phương là Tướng đại, là bản thể tự tánh vốn đầy đủ vô lượng trí tuệ đức năng mà thông thường chúng ta gọi là Tánh đức. Như trên đã nói, Đại là tự tánh, là chân như bản tánh, tức là Năng hiện, Năng biến. Còn Phương là hiện tướng, là Sở hiện, Sở biến. Chữ Phương này có hai nghĩa là Chánh và Pháp. Thế nào là Chánh ? Chẳng hạn như phương hướng, mục tiêu tu tập của chúng ta đối chuẩn Phật, Bồ-tát, không sai một mảy may là Chánh. Còn pháp Thanh văn, Duyên giác của hàng Nhị thừa đều có thiên lệch, vì sự thiên lệch này mà không thể thành Chánh đẳng chánh giác. Cho nên trong các kinh Đại thừa, Phật thường quở trách hàng Nhị thừa là "tiêu nha bại chủng". Do vậy, chúng ta phải cảnh giác không đi vào con đường thiên lệch này.
Ý nghĩa thứ hai của chữ Phương là Pháp. Pháp là phương pháp. Tức là phương pháp thành Phật, phương pháp chứng quả. Phương pháp này giống như một quỹ đạo. Đi theo quỹ đạo này, y theo phương pháp này nhất định chúng ta có thể khế nhập Nhất chân pháp giới, Thiền tông gọi là Minh tâm kiến tánh.
QUẢNG : Quảng là Dụng đại. Dụng này có hai nghĩa là Bao trùm và Biến khắp. Bao trùm chính là tâm lượng bao trùm thái hư. Biến chính là trùm khắp pháp giới. Thể, Tướng, Dụng tuy ba mà một, tuy một mà ba, nên gọi là Tướng xứng Thể, Dụng xứng Thể, biến khắp pháp giới. Chư Phật, Bồ-tát đã giác ngộ rồi, thì sự khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều xứng hợp với Tánh, đều cùng với Tánh thể biến khắp pháp giới. Còn hàng phàm phu chúng ta, do vô minh che lấp chân tâm trong sáng, vắng lặng sẵn có, nên mê mờ tự tánh, khởi tâm động niệm gì đều có tội, luân hồi lên xuống trong sáu đường. Tuy vậy, sự tạo tác khởi thân động niệm của chúng ta cũng biến khắp pháp giới. Không phải chỉ ngộ mới biến khắp pháp giới, mà mê ngộ, thiện ác cũng đều biến khắp pháp giới. Như vậy có lẽ nào chúng ta không cẩn thận? Đoạn ác tu thiện là đề mục tu học trọng yếu trước mắt chúng ta. Tự tánh, Thể tướng, Tác dụng chính là Đại Phương Quảng tương ưng, khởi tâm động niệm gì chúng ta đều phải trụ ở nơi chí thiện này.
PHẬT : Phật là Quả đại. Phật (Buddha), gọi tắt của từ Phật-đà, dịch nghĩa là Giác hoặc Trí. Giác có hai nghĩa là Giác sát và Giác ngộ. Hiểu biết suy xét phiền não khiến nó không gây ra tác hại nữa gọi là Giác sát, đó gọi là Nhất thiết trí. Hiểu rõ sự lý của chư pháp, rõ ràng rành mạch như người tỉnh giấc mơ thì gọi là Giác ngộ, còn gọi là Nhất thiết chủng trí. Nên Kinh Niết Bàn nói : "Như người ta phát giác thấy giặc thì giặc không làm gì nổi". Phật cũng thế. Giác trong giác ngộ đối lập với Vô minh, Sở tri chướng, giống như người mê ngủ; khi thánh huệ chợt lóe lên soi sáng khắp nơi, như người ngủ mê chợt tỉnh, thì gọi là Giác. Nếu đã tự giác rồi, thì còn phải giác tha; khi tự giác và giác tha đều viên mãn thì gọi là Phật. Tự giác là hơn hẳn phàm phu. Giác tha là hơn hẳn Nhị thừa. Tự giác, giác tha viên mãn là đã hơn hẳn Bồ-tát. Vì sao vậy ? Vì rằng phàm phu không biết Tự giác, Nhị thừa tuy Tự giác nhưng chưa tu hành Giác tha, Bồ-tát thì đủ cả Tự giác, Giác tha nhưng tu hành chưa viên mãn. Ba loại giác này đạt đến viên mãn thì vô ngại, đạt đến một mà ba, ba mà một, vào cảnh giới này rồi thì được gọi là Diệu giác, Diệu giác chính là Phật. Phật là quả vị cứu cánh viên mãn, đó là Quả đại, là Năng giác. Còn Sở giác tức là Chân như tự tánh, là Đại Phương Quảng. Đại là thể của chân như tự tánh, Phương là tướng của Chân như tự tánh, Quảng là tác dụng của Chân như tự tánh. Thể, Tướng, Dụng chính là chân như tự tánh sẵn có trong mỗi chúng ta. Nói về sự tướng thì thể của Giác là Chân đế, còn tác dụng của Giác là pháp thế gian; thông đạt pháp thế gian, thấy rõ pháp thế gian, chỉnh đốn pháp thế gian, đối chuẩn Đại Phương Quảng, cho nên không còn sự đối lập giữa Năng và Sở.
HOA : Trên đã nói Phật là Quả đại thì Hoa được dụ cho Nhân đại, dùng làm tiêu biểu cho pháp. Như trồng cây trước có hoa sau mới có quả. Hoa có hai nghĩa:
- Một là biểu thị cho Lục độ vạn hạnh của Bồ-tát, là hạnh môn vô lượng vô biên : Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát nhã. Nhưng sáu cương mục này đan chéo lẫn nhau, một pháp là tất cả pháp. Ví dụ chúng ta nói Bố thí, thì trong Bố thí bao hàm năm pháp còn lại, và pháp nào cũng thế. Một pháp đều viên dung tất cả pháp. Cho nên pháp pháp viên dung, pháp pháp chu biến. Đại sư Thanh Lương có nói về Ngũ chu nhân quả trong Kinh Hoa Nghiêm rõ ràng như sau : "Chữ Chu chính là chu biến pháp giới. Trong Nhân có Quả, trong Quả có Nhân, tức Nhân bao trùm biển Quả, Quả thấu triệt nguồn Nhân". Trong một Nhân bao hàm biển Nhân, trong một Quả thấu triệt nguồn Quả, không thể nghĩ bàn. Đó là ý nghĩa thứ nhất của chữ Hoa.
- Hai là nghĩa trang nghiêm các tướng. Đối với người học Phật thì sự trang nghiêm chân chính là Đức hạnh. Người học Phật khai tỏ được trí huệ, hiểu được tướng trí huệ chính là trang nghiêm. Như tu tâm thanh tịnh liền hiển tướng thanh tịnh, tu tâm từ bi thì hiển tướng từ bi, tướng tùy tâm chuyển. Cũng vậy, nếu tâm lo lắng thì hiển tướng lo lắng, tâm khổ não thì hiển tướng khổ não. Vậy làm thế nào để giữ gìn tướng chân thật, thanh tịnh, từ bi, bình đẳng ? Đây cũng là ý nghĩa của Hoa. Thấy Hoa chúng ta liền nghĩ đến việc phải tu Bồ-tát hạnh, Lục độ Ba-la-mật để cho tướng mạo này, thể chất này cũng hoàn mỹ như Hoa. Thế nên Hoa trí huệ đẹp hơn bất cứ loại hoa nào khác, vĩnh viễn không mất được.
NGHIÊM : Nghiêm biểu thị cho Trí đại, tức trí huệ chân thật. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy "Trụ chân thật huệ", đó là ý nghĩa thứ nhất của Nghiêm. Như chúng ta vì tự thân, vì mọi người thật sự nỗ lực tu hành, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế đều trên cơ sở Lục hòa, Tam vô lậu học, Bát chánh đạo.., đó là tự trang nghiêm bản thân mình, trang nghiêm tánh đức mình, cũng chính là trang nghiêm Đại Phương Quảng.
Ý nghĩa thứ hai là dùng công đức trang nghiêm của chúng ta để trang nghiêm Phật pháp, tức bằng công phu tu tập của mình, chúng ta chân chính thực hành công hạnh "Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ".
Thế giới này loạn động, nhân dân khốn khổ là do sự tu hành của chúng ta không rốt ráo. Nói cách khác, nếu bản thân chúng ta không thể khế nhập Đại Phương Quảng, không thể chứng đắc Phật Hoa Nghiêm, thì loạn động này không có cách gì trừ được. Muốn xã hội an định, muốn mọi người trở về với Chân, Thiện, Mỹ thì tự thân chúng ta phải nghiêm túc, tu hành đúng theo lời giáo huấn của Phật. Chúng ta chớ nên chủ quan rằng "khi tâm bình thì khỏi cần nhọc công trì giới, hạnh đoan chánh thì cần gì tu thiền" (Tâm bình hà lao trì giới, hạnh trực hà dụng tu thiền); mà Phước, Huệ cần phải song tu; Lý, Sự cần phải viên dung; nền tảng vững chắc vẫn là Giới, Định, Huệ. Nhờ Giới sanh Định, nhờ Định phát Huệ, nhờ vậy ta mới có thể làm mô phạm cho đời, từ đó nhiều người biết, rồi nhiều người hiểu mà quay đầu về bờ giác. Đó là ý nghĩa của Nghiêm.
KINH : Kinh là Giáo đại (giáo học rộng lớn). Giáo học của Phật bao gồm cả giáo dục xã hội, đặc biệt từ phẩm "Nhập pháp giới", chỉ rõ cho chúng ta thấy Thiện Tài Đồng Tử theo học cùng 53 vị thiện tri thức. Đại biểu đầu tiên cho nội dung giáo học của Phật pháp là Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng. Phật giáo dạy người học Phật muốn nhập đạo trước phải qui y Tam bảo. Vị thiện tri thức thứ tư mà Đồng tử Thiện Tài tham học là cư sĩ trưởng giả Du-già, ông ta đang làm công việc giáo dục xã hội. Như đã nói, Phật giáo bao gồm giáo dục xã hội, đối tượng giáo dục xã hội của ông là tất cả chúng sanh trong chín pháp giới, nội dung giáo học bao trùm tất cả pháp thế xuất thế gian, đó chính là Giáo đại. Không có giáo học nào có thể sánh với giáo học thế xuất thế gian.
Văn như đề kinh, đề kinh như văn, toàn bộ đại kinh Hoa Nghiêm chính là giảng đề mục gồm bảy chữ trên. Đại Phương Quảng là Lý, là Minh tâm kiến tánh. Phật Hoa Nghiêm là Sự, là Nhất chân pháp giới, Phật là chánh báo của Nhất chân pháp giới, Hoa Nghiêm là y báo của Nhất chân pháp giới, cả hai là y chánh trang nghiêm quả địa của Như Lai. Tóm lại, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm là Nhất chân pháp giới, nhưng do chúng sanh mê mờ rồi chuyển hóa thành nội thập pháp giới. Mê ngộ không hai, "Một niệm giác chính là Phật, là Bồ-tát; một niệm mê chính là phàm phu".
Chính vì mê mờ mà con người đã đưa đạo đức nhân loại đến chỗ sa sút, những cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, giữa triền phược và giải thoát, giữa ham muốn và từ bỏ mãi mãi là cuộc chiến đấu gay gắt, quyết liệt. Trên thế giới, do bối cảnh văn hóa, phương thức sinh hoạt, hình dạng ý thức, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, cho nên qua những lần giao tiếp ngắn ngủi, loài người không thể tránh khỏi những mâu thuẫn bất đồng, dẫn đến sự xung đột nghiêm trọng. Ngày nay, có rất nhiều nhà tư tưởng, triết gia, các nhà giáo dục đều nghiên cứu như thế nào để khiến cho mọi người trên trái đất này phá vỡ ngăn cách, xóa tan kỳ thị, xây dựng hiểu biết cộng đồng, mọi người có thể sống chung hòa thuận, hỗ trợ hợp tác, cùng sáng tạo an định xã hội phồn vinh.
Nhưng trong cuộc cải cách này, những lý luận sắc bén, uyên bác của họ cũng không có sức thuyết phục bằng sự chứng ngộ tâm linh chân thật, người chứng ngộ sẽ là tấm gương sáng, tiên phong, để lôi cuốn con người trở về với sự hoàn thiện. Người có tâm chứng sâu thẳm tự nhiên có sức lôi cuốn mãnh liệt với mọi người, làm cho mọi người phát khởi niềm tin đối với sự giải thoát. Nhận thức được điều này, chúng ta không còn mục đích chỉ tu cho sự giải thoát của chính mình mà là hướng về một mục đích rộng lớn hơn, đó là tâm nguyện giáo hóa tất cả mọi người cùng đạt được giác ngộ, là con đường Tư giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn của Phật-đà.