Kinh Chanda (Chiên Đà)

16/02/201312:00 SA(Xem: 47767)
Kinh Chanda (Chiên Đà)

KINH CHANDA (CHIÊN ĐÀ)
Thích Nhất Hạnh

Đây là những điều tôi đã được nghe :

Hồi ấy, có những vị thượng tọa khất sĩ cùng cư trú tại vườn Lộc Uyển ở Isipatana thành Vārānasi. Đức Thế tôn vừa mới nhập diệt không lâu.

Lúc bấy giờ khất sĩ Chanda (Chiên Đà), vào buổi sáng khoác y, mang bát đi vào thành phố Vārānasī để khất thực.

Khất thực và thọ trai xong, thầy Chanda cất y bát, rửa chân, cầm theo chiếc chìa khoá cửa, đi từ cụm rừng này đến cụm rừng kia, từ tịnh thất này đến tịnh thất kia, từ con đường thiền hành này tới con đường thiền hành khác. Đến đâu khất sĩ Chanda cũng thưa với các vị thượng tọa khất sĩ :

- Xin quý thượng tọa dạy cho con, thuyết pháp cho con, để con có thể hiểu được Pháp, thấy được Pháp và như thế có thể thật sự hiểu được Pháp và quán chiếu Pháp đúng pháp.

Lúc bấy giờ các vị thượng tọa khất sĩ nói với thầy Chanda :

- Sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng là vô thường. Tất cả các hành đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã, và niết bàn là sự yên ổn lắng dịu.

Thầy Chanda bạch với các vị thượng tọa khất sĩ :

- Con cũng đã biết sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng vô thường. Con biết tất cả các hành đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã, và niết bàn là sự an ổn lắng dịu. Nhưng con không vui khi nghe nói rằng tất cả các hành đều không, không thể nắm bắt được, và chỉ khi nào ái dục chấm dứt thì mới có niết bàn.

« Nếu như thế thì có một cái ngã (một cái chủ thể) nào có thể biết [sự thật] một cách chân thực, có thể thấy [sự thật] một cách chân thực để ta có thể nói rằng “thấy được Pháp”? »

Thầy Chanda lặp lại câu ấy hai rồi ba lần. Rồi thầy tự hỏi : « Ai trong số các vị thượng tọa này có dạy cho mình để mình có thể hiểu được Pháp và thấy được Pháp? »

Thế rồi thầy Chanda lại nghĩ : « Tôn giả Ānanda hiện đang cư trú tại vườn Ghosita trong vùng Kosambi. Tôn giả là người đã từng được gần gũi và làm thị giả cho đức Thế tôn, đã từng được Bụt khen ngợi và được tất cả các bậc tu phạm hạnh biết đến. Tôn giả ấy chắc chắn sẽ có khả năng thuyết pháp cho ta, để ta có thể biết được Pháp và thấy được Pháp. »

Thầy Chanda nghỉ ngơi qua đêm. Sáng hôm sau, khoác y và mang bát, thầy đi vào thành phố Vārānasī để khất thực.

Khất thực và thọ trai xong thầy xếp dẹp chiếc giường nằm của thầy lại. Xếp dẹp xong, thầy khoác y cầm bát lên đường đi về Kosambi. Đi nhiều chặng, thầy tới nơi. Rồi thầy đặt y bát xuống, đi rửa chân và đi tới chỗ tôn giả Ānanda cư trú. Sau khi chào hỏi tôn giả, thầy ngồi xuống một bên tôn giả.

Lúc bấy giờ, thầy Chanda hỏi tôn giả Ānanda :

- Thưa tôn giả, hồi ấy nhiều vị thượng tọa khất sĩ đang cư trú tại vườn Lộc Uyển ở Isipatana thuộc thành phố Vārānasī. Buổi sáng ấy con mang y cầm bát đi vào thành Vārānasī để khất thực. Khất thực và thọ thực xong, con cất y bát, rửa chân, cầm theo chiếc chìa khóa, đi từ cụm rừng này đến cụm rừng kia, từ tịnh thất này đến tịnh thất kia, từ con đường thiền hành này tới con đường thiền hành khác. Đến đâu gặp các vị thượng tọa khất sĩ, con cũng đều xin quý vị dạy dỗ trao truyền cho con, thuyết pháp cho con, để con có thể biết Pháp và thấy Pháp.

« Lúc bấy giờ các vị thượng tọa khất sĩ thuyết pháp cho con, dạy con rằng :

- Sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã, và niết bàn là sự yên ổn lắng dịu.

« Khi ấy con có thưa với các vị thượng tọa khất sĩ :

- Con đã biết sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức cũng vô thường. Tất cả các hành đều vô thường. Tất cả các pháp đều vô ngã, và niết bàn là sự an ổn lắng dịu. Nhưng con không được vui khi nghe nói rằng tất cả các hành đều rỗng không, không thể nắm bắt được, và chỉ khi nào ái dục chấm dứt thì mới có niết bàn.

« Nếu như thế thì trong đó có một cái ngã (chủ thể) nào có thể biết được [sự thật] một cách chân thực, thấy được [sự thật] một cách chân thực, để ta có thể nói rằng “thấy được Pháp”?

« Lúc ấy con mới tự hỏi rằng trong số các vị khất sĩ thượng tọa, ai là người có khả năng vì ta mà thuyết pháp khiến cho ta biết được Pháp và thấy được Pháp?

« Rồi con nghĩ : “ Tôn giả Ānanda hiện giờ đang ở tại vườn Ghosita trong vùng Kosambi. Tôn giả là người đã từng được gần gũi và làm thị giả cho đức Thế tôn, đã từng được Bụt khen ngợi và đã được tất cả các bậc tu phạm hạnh biết đến. Tôn giả ấy chắc chắn sẽ có khả năng thuyết pháp cho ta, để ta có thể biết được Pháp và thấy được Pháp.”

« Lành thay, tôn giả Ānanda! Xin tôn giả bây giờ đây thuyết pháp cho con, khiến cho con biết được Pháp và thấy được Pháp. »

Lúc bấy giờ tôn giả Ānanda nói với thầy Chanda :

- Hay thay, Chanda! Tôi rất vui. Tôi mừng cho thầy vì thầy có khả năng đứng trước người tu phạm hạnh mà không che dấu [những gì trong tâm mình] để mong phá trừ những gai gốc hư ngụy [trong tâm mình].

« Thầy Chanda! Những kẻ phàm phu si mê không có khả năng hiểu được sắc là vô thường, thọ, tưởng, hành và thức là vô thường, không biết rằng tất cả các hành đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngãniết bàn là sự an ổn lắng dịu. Giờ này đây khi thầy đã có khả năng tiếp nhận giáo pháp thâm diệu thì hãy lắng nghe, tôi sẽ vì thầy mà nói. »

Lúc bấy giờ, thầy Chanda nghĩ : « Ta có được niềm vui, có được tâm trạng mầu nhiệm hết sức này, bởi vì ta biết giờ đây ta có được khả năng tiếp nhận giáo pháp thâm diệu. »

Lúc ấy, tôn giả Ānanda nói với thầy Chanda :

- Tôi đã được đích thân nghe Bụt dạy cho tôn giả Mahakatyayana (Ca Chiên Diên) như sau :

- Người đời thường bị vướng vào hai cái thấy cực đoan : đó là cái thấy có và cái thấy không. Người đời vì bị kẹt vào trong các cảnh giới [của nhận thức] cho nên tâm họ bị ràng buộc. Nếu không tiếp nhận, không nắm bắt, không đứng ở [trong cái kẹt] ấy, không kế độ chấp vào một cái ngã, thì người ta sẽ thấy rằng khi [điều kiện có đủ để] sinh thì cái khổ sinh, khi [điều kiện hết để cái khổ] diệt thì cái khổ diệt (trong đó không cần một cái ngã, và trong đó những ý niệm có và không không thể áp đặt vào được). Này Kaccāyana, [khi một người thấy được như thế thì] người ấy không còn hồ nghi gì nữa, không bị phiền não nào [sai sử] nữa, và cái thấy ấy không do ai trao truyền mà chỉ mình tự biết. Cái thấy ấy gọi là chánh kiếnNhư lai đã nói đến.

« Tại sao như thế, Katyayana? Tại vì khi một người quán chiếu sự tập khởi của thế giới một cách đúng phép, thì người ấy không làm phát khởi ý niệm không, và khi người ấy quán chiếu sự hoại diệt của thế giới một cách đúng phép thì người ấy cũng không làm phát khởi ý niệm có. Này Katyayana, Như lai loại bỏ cả hai ý niệm cực đoan ấy và thuyết pháp về trung đạo. Nghĩa là cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, vì vô minh nên có hành, v.v... cho đến sinh, lão tử, ưu, bi, não. Đó là sự tập khởi của đau thương. Nghĩa là cái này không vì cái kia không, cái này diệt vì cái kia diệt, vì vô minh diệt nên hành diệt, v.v... cho đến sinh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, v.v... Đó là sự chấm dứt của đau thương. »

Trong lúc tôn giả Ānanda thuyết pháp, khất sĩ Chanda đạt tới tình trạng viễn trần ly cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ, khất sĩ Chanda thấy Pháp, đắc Pháp, biết Pháp, làm cho Pháp hưng khởi, vượt thoát được mọi hồ nghi. Cái thấy ấy của thầy không do kẻ khác trao truyền lại. Trong giáo pháp của vị đại sĩ, thầy đạt được trạng thái vô sở uý. Thầy cung kính chắp tay thưa với tôn giả Ānanda :

- Quả thật như thế, tôn giả đúng là một vị tu hành phạm hạnh, một vị thiện tri thức, một vị giáo thọ có khả năng dạy bảo, giáo giới và thuyết pháp [rất hay].

« Bây giờ đây, từ tôn giả Ānanda, ta đã được nghe một giáo pháp như thế, và ta đã thấy được rằng tất cả các pháp đều trống không, đều có tính cách an lắng, không thể nào nắm bắt được, và chỉ khi nào hết ái, lìa dục thì mới có được cái tuyệt đối an lắng là niết bàn. Tâm ta an lạc, an trú ngay trong giải thoát, không còn thối thất nữa, không còn thấy cái ngã nữa mà chỉ thấy chánh pháp. »

Bấy giờ tôn giả Ānanda nói với thầy Chanda :

- Giờ đây thầy đã đạt tới được cái lợi ích lành mạnh to lớn, đã có được con mắt tuệ thánh thiện trong giáo pháp thậm thâm của Bụt.

Rồi cả hai vị đại sĩ cùng vui mừng cho nhau, cả hai cùng đứng dậy, mỗi người trở về trú xứ của mình.

(Làng Mai)

Tạp A hàm, kinh 262





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2017(Xem: 11889)
27/03/2014(Xem: 25254)
06/08/2010(Xem: 41393)
14/12/2010(Xem: 234869)
Ăn thịt chó lâu lâu lại nổi lên như một vấn đề trọng đại của đất nước, kéo theo những cuộc biểu tình, phản đối làm đau đầu chính phủ. Và người ta đã xót xa, lên án những người hành hạ chó hay ăn thịt chó. Đặc biệt trong thế giới Tây Phương và Hoa Kỳ. Mới đây trong cuộc tranh luận với Bà Harris trên đài truyền hình ABC, Ô. Trump nói rằng di dân Haiti ở Tiểu Bang Ohio đã ăn thịt thú cưng (chó mèo) khiến gây phản ứng phẫn nộ, thậm chí dọa giết khiến cộng đồng ở đây vô cùng lo sợ. Thế nhưng theo sở cảnh sát Springfield, nguồn tin trên không có gì đáng tin cậy và không có chuyện thú cưng bị hại hay làm bị thương hay hành hạ bới người dân ở đây. Đấy người ta yêu thú vật như thế đó và sẵn sàng giết người, bạo động để bảo vệ thú vật.
Mới đây, 250 nhà hàng và quán ăn ở phố cổ Hà Nội đã ủng hộ việc không tiêu thụ thịt chó, mèo bằng cách dán các poster tại nhà hàng với thông điệp “Chó mèo là bạn, không phải là thức ăn. Chúng tôi không phục vụ thịt chó mèo tại đây”.
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.