Kinh Pháp Cú

21/08/20223:48 SA(Xem: 52361)
Kinh Pháp Cú
KINH PHÁP CÚ
LỜI PHẬT DẠY
Pāli-Anh-Việt-Hán đối chiếu
Nārada MahāThera dịch Pāli - Anh
HT. Thích Thiện Siêu dịch từ bản Hán ngữ
HT. Thích Minh Châu dịch từ bản Pāli ngữ
 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Chứng minh:
HT. THÍCH PHỔ TUỆ
PHÁP CHỦ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Chủ trương:
HT. THÍCH CHƠN THIỆN
HT. THÍCH HẢI ẤN
Biên tập:
Thiện tri thức
In lần thứ nhất tại Việt Nam, 2014
© Công ty CP Văn hóa Thiện tri thức, 2014
ISBN: 978-604-86-1707-3


kinh phap cu

MỤC LỤC

Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Lời dịch giả
Dhammapada - Kinh Pháp cú - Lời Phật dạy
Hán bản: 法句經
Bảng chú thích
Phụ lục A
Thư tịch
Phụ lục B
Thuật ngữ


LỜI GIỚI THIỆU

Pháp Cú: quyển Kinh Thánh Phật giáo toàn cầu.

Khi nói về tư tưởng Lão-Trang, ta liền nghĩ ngay đến Lão Tử Đạo Đức KinhTrang Tử Nam Hoa Kinh; nói đến Khổng giáo thì có Tứ Thư Ngũ Kinh.[1] Phật giáo, với gia tài văn hóa đồ sộ của hai hệ Nam Bắc Tông, chỉ riêng Năm Bộ Kinh (nikāyas)[2] hay Tứ A Hàm (āgamas: 四阿含),[3] không kể đến các bộ luận lớn như Câu Xá[4] hoặc các kinh cao như Hoa Nghiêm[5] hay Bát Nhã,[6] cũng đủ chất đầy một tủ sách. Còn bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (viết tắt: Taishò), thì gồm 100 tập, mỗi tập trên dưới 1.000 trang khổ lớn.

Ấy thế mà, nếu có ai hỏi, có MỘT quyển kinh nào, của Phật giáo, tương ưng đối tác với quyển Kinh Thánh của 3 tôn giáo Tây phương (Ki-tô -, Do thái - và Hồi giáo)[7] hay không, thì ta bị lúng túng. Bởi vì, kinh nào cũng được cho là do Phật thuyết, kinh nào cũng gọi là kinh cao, cho nên không ai có thể chỉ định riêng một quyển nào là tiêu biểu hoàn toàn cho đạo Phật cả, Một quyển mà có thể bao hàm nền tảng giáo pháp căn bản 49 năm hoằng hóa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho nên, hỏi có Một quyển kinh nào đối tác với quyển Kinh Thánh của  tôn giáo Tây phương hay không, hỏi thế không phải không có lý. Bởi vì  cả ba tôn giáo lớn của Tây phương,[8] chỉ cần có một quyển Kinh Thánh mà làm nên cơ bản nền tảng cho sự tồn tại của họ hơn hai ngàn năm qua, với hơn ba tỉ giáo đồ trên thế giới. Ki-tô giáo gọi Kinh Thánh là Lời Chúa.

Tây phương, bắt đầu vào năm 1881, văn học Phật giáo mới được dịch sang Anh ngữ do nhóm học giả của Pàli Text Society (Hiệp Hội Văn Bản Pàli)[9] chủ trương; trong số đó, M. F. Mueller nhận dịch toàn bộ Dhammapadasutta (Pháp cú kinh), một quyển kinh tương đối ngắn nhỏ, thuộc quyển thứ 2 trong Tiểu bộ kinh (Khuddaka-Nikàya). Vừa phát hành cùng năm, Dhammapadasutta đã gây tiếng vang rộng lớn trong học giới tại đây và ảnh hưởng cho đến độ ngày nay đã có gần 80 bản dịch khác ra đời, xuất hiện dưới nhiều dạng thức theo kỹ thuật tân tiến hiện đại. Sở dĩ ảnh hưởng rộng lớn như thế là vì Pháp cú kinh tuy ngắn nhỏ nhưng bao hàm đầy đủ giáo lý căn bản của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, như Tứ diệu đế, lý Duyên khởi, định luật Vô thường, v.v., những lời Phật dạy thật thực tiễn, gần gũi, dễ hiểu, dễ ứng dụng trong đời sống đạo đức hàng ngày, cho cả hai giới xuất giatại gia.

Như câu: "Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả, là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được",[10] hay: "Make an island unto yoursef"[11] (Hãy tự mình làm hòn đảo an toàn cho chính mình), cũng như: "Các ngươi hãy tự mình nỗ lực! Như Lai duy chỉ là người dạy cho con đường giác ngộ",[12] v.v., mà ta thường đọc nghe đó đây, đều là được trích dẫn từ Kinh Pháp Cú cả. Lại nữa, hiện nay Dhammapadasutta đã được các nhà Khảo cổ học và Phật học gia xác chứng là một trong số rất ít kinh Phật được tập thành sớm nhất, khoảng năm 100 tây lịch,[13] trong lịch sử văn bản học Phật giáo; cho nên địa vị của Kinh thật là tối quan trọng sánh với toàn bộ các kinh điển Nam Bắc tông khác.
Trở lại câu hỏi, có MỘT quyển kinh nào, của Phật giáo, tương ưng đối tác với quyển Kinh Thánh của 3 tôn giáo lớn Tây phương hay không, câu trả lời là CÓ, một cách quyết xác và không do dự, bởi vì Phật tử Tây phương ngày nay – gồm giới nghiên cứu học thuật cùng chư tôn đức hoằng pháp – đã đương nhiên mặc định tôn vinh Dhammapadasutta như là quyển Thánh Kinh (Bible) của Phật giáo nói chung, không phân biệt Nam hay Bắc tông. Thánh Kinh, là vì Pháp Cú Kinh chính là Lời Phật Dạy, làm cốt lõi cho tư tưởng Phật giáo phát triển về sau, bất luận là Nam hay Bắc tông.

Tại Việt nam, cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Siêu[14] đã có viễn kiến sâu rộng khi là người đầu tiên, vào năm 1959, khởi dịch toàn bộ Dhammapada sang Việt ngữ, đề là Lời Phật Dạy (hay Kinh Lời Vàng, nay thống nhất gọi là Kinh Pháp Cú) sang Việt ngữ, theo thể văn xuôi. Tiếp đến cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu[15] trùng dịch từ nguyên bản Pàli, theo thể văn vần, lập thành thi kệ, vào năm 1969. Từ đó đến nay lại có nhiều bản dịch liên tục xuất bản, hoặc bằng văn xuôi như của cư sĩ lão thành Phạm Kim Khánh dịch từ bản Anh văn của ngài Narada MahaThera,[16]  hoặc bằng văn vần thi hóa như của Tỳ kheo Giới Đức,[17] của Phạm Thiên Thư,[18] của giáo sư Hán văn Trần Trọng San (bản viết tay, thể lục bát),[19] v.v., cho thấy Kinh Pháp Cú đã được thưởng thức, đọc tụng nồng nhiệt và kính mộ rộng rãi. Tuy nhiên, duyệt qua tất cả,[20] so với bản của hai vị Đại lão Hòa thượng kể trên, thì chỉ có công trình của hai ngài là chính xác nhất, về mặt ngữ học, đặc biệt là có thẩm quyền nhất, về mặt giáo phẩm cũng như về mặt trí thức; hai ngài là những bậc long tượng trong nền văn hóavăn học Phật giáo Việt nam hiện đại, công trình của hai ngài không ai có thể thù thắng hơn.  

Đây là lý do chánh yếu thôi thúc HT Thích Chơn Thiện[21] và HT Thích Hải Ấn[22] quyết định xuất bản Lời Phật Dạy một lần nữa, thu tập và trình bày bản văn xuôi của HT Thích Thiện Siêu và bản thi kệ của HT Thích Minh Châu chung nhau, đối chiếu với bản Pàli và Anh ngữ của Đại đức Narada, cùng với bản Hán văn của Pháp sư Liễu Tham, hợp thành một quyển Kinh Pháp Cúthẩm quyền nhất, về phương diện tư liệu, văn học, cũng như giáo dục học thuật, làm quyển Kinh biểu trưng toàn vẹn cho Phật giáo Nam Bắc tông nói chung và Phật giáo Việt nam nói riêng. Bởi vậy nên Kinh được sự Chứng minh của Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam; còn HT Thích Chơn Thiện .viết lời Giới thiệu; HT Thích Hải Ấn viết Lời nói đầu; đây là quyển Dhammapada - Kinh Pháp Cú đầu tiên tập hợp làm thành một quyển Thánh Điển biểu trưng đầy đủ thẩm quyền về phương diện chuyển ngữ đúng thật những lời Phật dạy, cũng như về phương diện căn bản đạo đứctu hành cho toàn thể Phật giáo đồ. Từ đây, nếu có ai hỏi, có MỘT ..., thì ta sẵn sàng trả lời cách quyết chắc, đầy tin tưởng, CÓ.

Sách do ni sư TN An Quy hiệu đính, chú thích, lập bản Thư tịch và bản Từ vựng thuật ngữ Việt-Pàli-Anh; nhóm Thiện Tri Thức thiết kế kỹ thuật, trình bày nguyên bản Pàli và Anh của cố Đại đức Narada MahaThera dịch bên tay trái, trang số chẵn, còn 2 bản văn vần và thi kệ của HT Thích Thiện Siêu và HT Thích Minh Châu bên tay phải; như thế, học giả hay độc giả có thể đọc thẳng các bản tiếng Việt nơi những trang số lẻ, hoặc cần nghiên cứu so sánh với nguyên bản Pàli hay Anh dịch thì dùng cả 2 bên, rất dễ dàng, tiện lợi. Lại còn có bản Hán văn của Pháp sư Liễu Tham để thêm phần phong phú. Sách in đẹp, màu bìa nhu nhuyến, trang nhã.

Như thế, Phật giáo Việt nam đã có được một bộ Đại Tạng Kinh thu nhỏ, dễ cầm tay, làm thủ sách cẩm nang cho mọi giới, bất luận cho tự lợi hay lợi tha, đều có ích. Giảng sư có thể thao thao trích dẫn những câu hợp nghi với đề tài thuyết pháp, Phật học viện có thủ sách (manual) cho Phật học nhập môn, tăng ni sinh có thể chiêm nghiệm từng câu từng lời dạy của Phật hàng ngày cho đến trọn đời tu, tại gia dùng đó làm kim chỉ nam cho nếp sống cư sĩ hàng ngày. Tất cả đều có thể thực hiện đúng Lời Phật dạy: "Chớ làm điều ác, gắng làm việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Ấy, lời chư Phật dạy"[23]

Phấn Tảo Y Lang

trân trọng giới thiệu.

 

Bị chú:

Dhammapada - Kinh Pháp Cú

Hồng Đức xuất bản

Văn hóa Thiện Tri Thức phát hành

245 đ Nguyễn thị Minh Khai

p. Nguyễn Cư Trinh, q. 1

tp HCM.



[2] gồm: Trường bộ kinh (Dìgha-Nikàya), Trung bộ kinh (Majhima-Nikàya), Tăng chi bộ kinh (Anguttara-Nikàya), Tương Ưng Bộ kinh (Samyutta-Nikàya), và Tiểu bộ kinh (Khuddaka-Nikàya).

[3] Trường A Hàm (Dīrgha Āgama, 長阿含經, Long Discourses), Trung A Hàm (Madhyama Āgama, 中阿含經, Middle-length Discourses), Tăng Nhất A Hàm (Ekottara Āgama, 增壹阿含, Numerical Discourses), Tạp A Hàm (Saṃyukta Āgama, 雜阿含經, Connected Discourses).

[4] A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (阿毗達磨俱舍論, Abhidharmakośa-śāstra)

[5] Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (大方廣佛華嚴經, Buddhāvataṃsaka-mahā-vaipulyasūtra), thường được gọi tắt là kinh Hoa nghiêm (bát thập, 80 quyển, Avataṃsaka-sūtra)  hay Hoa Nghiêm lục thập (Gaṇḍavyūha). 

[6] Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahà-Prajnàpàramità-Sùtra, 大般若波羅蜜多經), 600 quyển.

[7] Thiên Chúa giáo hay Ki-tô giáo (Christianity, gồm Gia-tô giáo [Catholicism] & Tin Lành giáo [Protestantanism] có quyển Kinh Thánh (Bible) gồm 2 phần Cựu Ước và Tân Ước; Cựu Ước dựa trên Kinh Thánh Torah của Do-thái giáo, khởi nguồn từ Abraham. Hồi giáo có Kinh Thánh Koran, phần lớn cũng dựa trên Bible. Cả ba đều thờ Chúa độc thần, toàn năng, toàn tri.

[8] Tuy Hồi giáo xuất phát từ vùng Trung Đông, nhưng ở phía Tây của Việt nam.

[9] do Thomas William Rhys Davids (1843–1922) sáng lập và làm Hội trưởng, 1881–1922.

[10] Kinh Pháp Cú, phẩmXVII Phẫn nộ, kệ số 8 (hay kệ số 228 liên tục).

[11] Kinh Pháp Cú, phẩm XVIII Cấu uế, kệ số 2 & 4 (236 & 238). Câu này rất thông dụngTây phương.

[12] Kinh Pháp Cú, phẩm XX Đạo, kệ số 4 (276)

[13] xem: “Di liệu Văn học Phật giáo Kharosthì”, Phật Điển Hành Tư giới thiệu, trong Nguyệt san Giác Ngộ, số 71, tháng 2-2002, tr. 33-50; hoặc trong Nghiên Cứu Phật Học Qua Lăng Kính Tây Phương, nx Hồng Đức, 2014, tr. 263-287.

[14] đời thứ 43 Lâm Tế chánh tôn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế; Trú trì Tổ đình Từ Đàm và Thiền Tôn - Huế.

[15] đời thứ 43 Lâm Tế chánh tôn, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Sàigòn.

[16] Phạm Kim Khánh. Kinh Pháp Cú - The Dhammapada (dịch từ bản Anh ngữ và chú giải của ngài Narada MahaThera). Sài Gòn, 1971.

[17] Giới Đức, Tỳ kheo. Kinh Lời Vàng - Thi hóa Dhammapada Sutta. NXB Thuận Hóa, Đà Nẳng, 1995.

[18] Phạm Thiên Thư. Suối Nguồn Vi Diệu - Thi hóa tư tưởng Dhammapada.  1973. Chùa Khánh Anh ấn tống , Paris. 1993.

[19] Trần Trọng San.  Kinh Pháp Cú. Bản viết tay, thi hoá theo thể lục bát, hoàn thành năm 1987. Toronto, Chùa A-Di-Đà ấn hành, 2002. Vì sơ sót kỹ thuật, bản dịch này không thấy trong phần Thư Tịch của Kinh Pháp Cú đang nói đến.

[20] Ở đây không kể đến công trình của Trưởng lão Thiền sư Pháp Minh dịch Kinh Pháp Cú chú giải (Dhamma-pàdatthakatha) của ngài Phật Âm (Buddhaghosa, tk. 5 tl). Nxb Tổng Hợp Tp HCM, 2013. q.1-2. 

[21] HT Thích Chơn Thiện, đương kim Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế; pháp đệ của HT Thích Minh Châu;

[22] HT Thích Hải Ấn, đương kim Tọa chủ Tổ đình Từ Đàm - Huế; pháp tử của HT Thích Thiện Siêu.

[23] Kinh Pháp Cú, phẩm XIV Phật đà, kệ số 5 (hay số 183 liên tục).



pdf_download_2
XEM NỘI DUNG: 
Kinh Pháp Cú (19.10.2014)


Thư Viện Hoa Sen chân thành cảm ơn Ni sư Thích Nữ Tuệ Hạnh
đã gửi tặng phiên bản điện tử và ấn bản in trên giấy quyển kinh quý này (Tâm Diệu)

Tạo bài viết
02/04/2016(Xem: 10357)
23/02/2017(Xem: 11991)
27/03/2014(Xem: 25392)
06/08/2010(Xem: 41526)
14/12/2010(Xem: 235459)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…