Kinh Mangala Sutta (Kinh Phước Đức)

22/09/20201:00 SA(Xem: 10605)
Kinh Mangala Sutta (Kinh Phước Đức)

KINH MANGALA SUTTA
(Minh Mẫn chú giải)

KInh Phước ĐứcKinh Mangala Suttabản kinh số 5 trong Tiểu bộ thuộc phần Tiểu tụng, được phổ biến trong các quốc gia Phật giáo Nam truyền. Tại Việt Nam được TT Bửu Chánh giảng tại chùa Xá Lọi, HT Huyền Diệu và một vài giảng sư Bắc tông thuyết giảng chung chung.

Mangala có nghĩa la “hạnh phúc” – “Phúc đức” -  “ Điềm lành” – “Phước lành”. Hay nói một cách bao quát hơn, rộng nghĩa hơn  Mangala là những nguyên tắc tạo cho con người thực hành đưa đến một đời sống an lạc, hạnh phúc, lợi mình, lợi người; một nền tảng xây dựng xã hội an lành, đạo đức. Một đạo đức nhân thân đưa đến thành công trong đời sống. Vì thế, không phải là bản kinh chỉ để tụng đọc mà là để hành trì.

Đây là bài kinh quan trọng đến độ, một chú tiểu vào chùa tại Miến điện, đầu tiên được dạy bản kinh này; thậm chí một số sư thuộc lòng, xem đó là bản kinh gối đầu giường và là bản đồ dẫn đạo suốt lộ trình tu tập.

                                                           ***

1. Không gần kẻ ngu si,
Thân cận người hiền trí,
Cúng dường bậc xứng đáng,
phước đức lớn nhất

Nơi đây, chỉ dẫn chứng giá trị của bản kinh qua 38 pháp hành được đức Thế Tôn giảng dạy cho chư Thiên lúc đêm về.

Chữ “ngu”, cũng có nghĩa là xấu ác,là phần đầu tiên đức Thế tôn dạy cho chư Thiên, nó khác với cái “ngu” mà thế thường hay sử dụng. Ngu không chỉ là sự dốt nát vấn đề nào đó, không hiểu điều người khác nói, không phân biệt đúng sai... Chữ ngu như thế không đủ ngôn ngữ diễn đạt, người ta chỉ nói là “ngu như bò”, thật ra bò không hẳn đã ngu, nó biết đường đi lối về sau một ngày cày ruộng, nó biết phân biệt chủ và người lạ; biết giành tình cảm cho con; biết lo sợ khóc lóc khi đưa vào lò mổ.

Chữ “ngu” trong Phật giáo có nghĩa si mê, tăm tối, sa đọa, sống theo bản năng tham dục,luyến ái…Không biết mà tham đắm đã đành, biết là sai quấy mà vẫn phạm cũng gọi là ngu.Hầu hết trong chúng ta, ít nhiều đều phạm phải cái ngu của vô minh Tham-sân-si.Tại sao Phật dạy không nên thân cận, gần gủi, giao du với kẻ ngu? Mà phải thân cận với người hiền trí?.Thế thường bảo – gần mực thì đen, gần đèn thì sáng – đó là cách nói ám chỉ người không đủ bản lãnh tự chủ. Theo tinh thần Phật giáo Bắc truyền, hạnh Bồ tát, phải lăn xả vào đời để độ chúng sanh tội lỗi; không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ tốt người xấu; nếu chọn tốt thì ai sẽ chơi với kẻ xấu? kẻ xấu bị loại ra khỏi cuộc chơi thì muôn đời họ vẫn là kẻ xấu, không có cơ hội học hỏi người tốt để trở thành người tốt?Tuy nhiên, nếu người không đủ bản lãnh tự chủ mà thân cận, giao du với kể tăm tối ngu si, không độ được người ta, ngược lại bị kẻ xấu lôi cuốn vào con đường tội lỗi.Đó là lý do Phật dạy không gần kẻ ngu mà phải thân cận người hiền trí.Tập khí kiết sử ai cũng có, hoặc hiển lộ hoặc tiềm ẩn; người biết tu tập thì các tập khí xấu ác được chế ngự, nếu thân cận kẻ xấu ác thì lâu ngày các hạt giống xấu ác sẽ sống dậy. Ngoại cảnh là vậy, nội tâm có hai bản chất – xấu và tốt, nếu luôn thân cận hạt giống xấu thi biến thành kẻ xấu; “không gần kẻ ngu si”  là không sống với bản chất bất thiện, luôn thể hiện bản tánh hiền trí, có nghĩa luôn thân cận người thánh thiệntrí tuệ.Hạt giống tốt huân tập lâu ngày, cuộc sống thánh thiện trở nên người hiền trí

Xa tránh kẻ ngu si xấu ác, thân cận người hiền trí để học hỏi điều hay,cũng chưa đủ nếu không khởi tâm cúng dường, tôn kính; mà phải cúng dường, tôn kính  bậc xứng đáng; nghĩa là khi hạt giống si mê ám chướng tham dục xa lìa, hiển lộ hạt giống thánh thiện, thì việc cúng dường hạt giống tuệ giác ( bậc xứng đáng) đồng nghĩa với “năng lễ, sở lễ tánh không tịch”, không còn chấp ngã vô ngã, đó là điềm lành tối thượng thứ nhất Phật dạy.

 

2. Ở trú xứ thích hợp,
Quá khứ tạo nhân lành,
Hướng tâm theo lẽ chánh,
Là điềm lành tối thượng

Trong luật Tỳ kheo quy định -   nơi chốn,chỗ ở, là nơi không có nguy hiểm, nơi không bị bít lối. Nếu tỳ kheo, nơi ở có nguy hiểm, nơi bị bít lối , phạm tăng già bà thi sa.Với tu sĩ đã như vậy thì cư sĩ cũng phải chọn cho mình chỗ ở thích hợp về an ninh, sức khỏe, thuận tiện việc đi lại làm ăn; tiện nghi tối thiểu, không khí trong lành tối thiểu, gần cơ sở giáo dụcthực phẩm không độc hại.Y tế, thực phẩm, không khí, nước uống là những tiêu chuẩn ắt có và đủ tạo một cuộc sống thích hợp cho việc tiến hóa tâm linh.. Chỗ ở loạn lạc, trộm cướp hay toàn thành phần bất hảo thì làm sao an lạc được.Một chỗ ở thuận tiện, kế sinh nhai thuần thiện cần phải có.…Hàng ngàn năm trước, tuy thoát khỏi sự chi phối những luật lệ thông thường thế tục, Đức Phậtchúng sanh cũng phải hướng dẫn đồ chúng sống đúng nguyên tắc an sinh xã hội. Trung Hoa cũng có một nguyên lý địa chính, thổ nhưỡng tương thích với gia chủ tọa lạc trên vùng đất tương sinh,vượng địa, gọi là địa lý thuộc Dịch học.Thầy địa lý xem phương hướng tương thích với tuổi tác, cung mệnh của gia chủ để đoán định cát hung theo hướng tương sinh, đắc địa thu nạp sinh khí mới vượng phát, tránh tai nạn bệnh tật…

Nguyên tắc là vậy, còn tùy thuộc phước báu cá nhân của gia chủ mà kết quả gia giảm nặng nhẹ khác nhau. Địa lý còn bị chi phối vùng đất, khu vực, chợ phố khó mà chọn đúng hướng hạp với tuổi tác. Như vậy, theo lời dạy của đức Phật có thông thoáng hơn, không lệ thuộc tuổi tác, địa lý, chỉ yêu cầu nơi ở thích hợp với tâm trạng đem lại an lành, vui vẻ, không bị nhiều chướng ngại là tốt.

Việc chọn được chỗ ở thích hợp, còn tùy thuộc vào phước nghiệp quá khứ gieo tạo nhân lành Trong Kinh Pháp Hoa có nói: Có những nhân thấy rất nhỏ, nhưng chính những nhân đó đưa chúng ta tới kết quả rất lớn. Có một người đi vào trong tháp hay trong miếu tự nhiên thốt ra: nam mô A Di Đà Phật, chỉ cần nói một câu nhưng chính nhờ hạt giống nhỏ xíu ấy mà sau này người đó thành Phật (Nhất sinh nam mô Phật, da dĩ thành Phật đạo). Mình đã từng phát khởi được tâm niệm lành, đã từng nói được lời lành và đã từng làm được điều lành thì tất cả những điều lành trở thành vốn liếng của mình. Sau này mình thành công được là nhờ vốn liếng đó. Mình đã tạo tác những nhân lành trong quá khứ và trong giây phút hiện tại mình có thể làm thêm. Đức Phật dạy rằng, đừng trì hoãn để làm một việc tốt. Hãy làm ngay. Bởi vì chúng ta chẳng biết khi nào chúng ta sẽ chết. Đừng nói rằng ngày mai tôi sẽ làm việc tốt. Hãy làm một việc gì đó tốt đẹp ngay bây giờ. Chúng ta có quá nhiều điều tốt đẹp để làm. Những gì tốt đẹp nhất mà ta có thể làm lại không cần một thời gian đặc biệt nào, và thậm chí không tiêu tốn tiền bạc của chúng ta.

Tăng thân Làng Mai từng tâm niệm:

Các Đức Thế Tôn thường trú trên đời, xin thương xót con.
Nếu con đã từng bố thí, dù chỉ là một nắm cơm.
Nếu con đã từng từng cứu độ chúng sanh, dù chỉ là vài con sâu con kiến.
Nếu con đã từng nói lời dễ thương, dù chỉ một vài câu làm cho người bớt khổ.

Quá khứ từng tạo nhân lành nên hiện tại gặp quả tốt đi vào chánh đạo dễ dàng.Đó là điềm lành tối thượng.Nếu không tạo nhân lành quá khứ, ngay cả hiện tại thì làm sao có quả tốt cho ta hưởng. Chư Tổ từng nói – “dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thé quả, kim sanh tác giả thị. muốn biết cái nhân kiếp trước, hãy xem cái thọ nhận hiện tại, muốn biết quả kiếp sau, hãy xem việc làm hiện nay.

 

3. Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Giới luật biết tu tập,
Có những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng

Việc hướng dẫn cho mỗi thành phần, mỗi trình độ khác nhau, Đức Thế Tôn tùy căn cơ, tùy thời điểm, đưa ra những pháp hành khác nhau. Cũng thế, chư Thiên là dạng chúng sanh trọn đời hưởng phước; chúng sanh cỏi Ta bà, phần lớn cũng thích hưởng phước, nhưng không biết cách tạo phước, nếu có tạo phước thì đôi khi không tránh khỏi tạo tội.Do vậy những người giàu sang phú quý, quyền lực khó mà thoát khỏi sự chi phối của nhân quả vô thường.vẫn chịu tác động của khổ đau, không hưởng phước trọn vẹn suốt đời như chư Thiên.Ai đủ duyên đến với Tôn giáo,nhất là đạo Phật, được hướng dẫn cách sống tạo nhân để đến một cảnh giới có nhiều phước báu.Trong sáu cõi mà chúng sanh mãi trôi lăn, gọi là lục đạo luân hồi, chỉ có chư Thiên hưởng phước dồi dào, không biết khổ là gì, sướng quá khó tu, không nghĩ đến tu, đến khí phước mãn, hiện ngũ tướng suy, lúc đó chư Thiên chuẩn bị trở lại cõi thấp hơn để rèn luyện tu tập tạo phước,hoặc trả quảhạt giống nghiệp nhân ẩn sâu trong tiềm thức chưa có cơ hội trổ phát.Cõi người do phước tội lẫn lộn nên sung sướng khổ đau luôn thay nhau xuất hiện; người sướng nhiều khổ ít, kẻ sướng ít khổ nhiều. Sướng quá cũng khó tu, khổ quá càng khó tu, ngoại trừ có sẵn hạt giống  đạo đức, mới đến với Đạo để tiếp tục học hỏi, tránh ác làm lành.

Do căn cơ của chư Thiên cũng như một số người trong cõi Nam Diêm phù Đề muốn hành thiện tạo phúc, đức Phật hướng dẫn cách sống theo chánh mạn và chánh nghiệp. Nghề nghiệp là phương tiện sống; mỗi thời đại phát sanh thêm những nghề mới. Năm mươi năm trước, thế hệ ông bà không biết vi tính là gì. Nhiều kỷ nghệ khoa học càng ngày càng phát triển, chỉ cần không quan tâm theo dõi đã trở thành lỗi thời lạc hậu. Ngày nay một vài vị chưa biết cách sử dụng computer, máy điện thoại cảm ứng…Để thích ứng với đời sống xã hội, Đức Phật khuyến khích học nhiều nghề và nghề nghiệp thật giỏi. Ngày xưa ông cha quan niệm – nhất nghệ tinh, nhất thân vinh – với xã hội đa dạng ngày nay, ngoài nghề chính, cần có thêm nghề tay trái, nguồn thu nhập mới đủ nuôi sống gia đình. Một Bác sĩ chuyên khoa cũng phải tìm hiểu học hỏi thêm các ngành khác trong y học. Gần ba ngàn năm trước, Đức Phật đã thấy giá trị nhu cầu cần phải học nhiều và nghề nghiệp thật giỏi; “

Kiến thức đa văn dễ đưa đến cống cao ngã mạn, để hỗ trợ cho việc tiến thân trong sự nghiệp, cần có đạo hạnh để nhân cách được hoàn chỉnh.Đạo hạnh thông qua giới luật. Về phương diên kỷ luật, dĩ nhiên dù sống cá nhân hay môi trường tập thể cũng cần có kỷ luật. Hãy nghe sư Nam Tông nói về kỷ luật của một nhà sư: Chúng tôigiới luật về cách sống, sinh hoạt. Kể cả cách mặc y cũng là một giới luật. Đức Phật dạy chúng tôi cách đi đứng. Cách bước đi. Không bước đi những bước ngắn. Điều đó trông không ổn, không trang nghiêm. Cũng không bước những bước thật dài. Điều đó trông cũng không ổn. Bạn mất sự cân bằng. Bước đi không quá ngắn, không quá dài. Không bước đi trên những ngón chân. Không bước đi bằng gót chân. Liệu trông có ổn không, khi một ai đó bước đi bằng gót chân? Trông sẽ rất vụng về. Bạn cần bước đi với các bước chân đều đặn đặt lên nền nhà. Trong kinh điển Pali, có những miêu tả về cách mà Đức Phật bước đi. Chúng tôi học về những điều đó, cố gắng hiểu cũng như thực hành cách bước đi như vậy của Đức Phật.

Phật giáo Bắc tông, trước khi thọ Sa Di, cũng phải nằm lòng bốn cuốn luật – Tỳ ni –Sa Di – oai nghicảnh sách. Cơ bản huấn luyện nhân cách cho một tu sĩ bước đầu làm thầy.

Tùy khả năng thọ trìphát nguyện những giới điều cần phải có. Giới của xuất gia dành cho những vị quyết tâm thoát ly sanh tử. Giới của vị xuất gia nam khác với vị xuất gia nữ. Giới của mấy chú tập sự khác với Sa Di, Sa Di khác với Tỳ Kheo, giới Thức Xoa cũng thế..Do đời sống xuất gia không bận tâm với cuộc sống thế tục, không đòi hỏi nghề nghiệp, học vị, nên giới luật càng nhiều càng thúc liễm thân tâm tránh điều giới phạm.

Bản thân được trang bị đạo giới và kiến thức nghề nghiệp, Đức Phật không quên nhắc nhở vê ngôn cách ứng xử đối với chung quanh. Thế thường, ông bà đã dạy – lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Chính quyền nào cũng có bộ Ngoại giao, là bộ phận dùng khả năng ăn nói truyền đạt chủ trương, đường lối của một chính sách, để đối tác chấp nhận điều mình truyền đạt. Ngôn ngữphương tiện truyền đạt; mỗi chủng loại có một ngôn ngữ riêng chứ không riêng loài người. Nếu khôngngôn ngữ của chủng loại làm sao ong và kiến xây dựng được tổ, tha mồi tích lũy, điều khiển ong thợ mà ong chúa, kiến chúa duy trì đời sống tập thể…

Qua ngôn ngữ, thể hiện bản tánh của người truyền đạt. dù là vị trí bình thường hay có chức quyền trong xã hội, trong Tôn giáo, ngôn hành đóng vai trò thành bại trong công việc.Một quản lý hay một giám đốc có lời lẽ ôn tồn khác với lời nói cộc cằn thô lỗ tỏ vẻ quyền uy đối với nhân viên thuộc cấp. Một trụ trì khôn khéo từng lời nói dễ cảm hóa đồ chúng hơn là nóng nảy thị uy của kẻ có chức quyền. “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”. Phật đã dạy thế nhưng mấy ai thể hiện khi việc bất bình xảy đến. Sân thể hiện qua ngôn từ và hành động.

Trong “tứ nhiếp pháp”, ái ngữ đứng hàng thứ hai sau bố thí. Do tầm quan trọng của lời nói, phần thứ nhì trong 38 pháp hạnh phúc kinh Điêm lành này, Phật dạy chư Thiên“Có những lời khéo nói,Là điềm lành tối thượng”

Lời nói khôn khéo vui lòng người nghe là truyền đạt năng lượng yêu thương, thể hiện đức nhân, tăng trưởng phước nghiệp, vì thế Phật bảoĐiềm lành tối thượng.
Phải nói, Đức Thế Tôn là nhà tâm lý sâu sắc,nhắc nhỡ dạy dỗ cho chư Thiên cũng là cho loài người, một cách chu đáo.

Trong phần ba, theo Thiền sư Nhất Hạnh chuyển dịch từ Hán tự:

Bài kệ 3
Nhược bất tùng thiên nhân 若不從天人
Hy vọng cầu kiểu hạnh 希望求僥倖
Diệc bất đáo thần từ  亦不禱神祠 
Thị vi tối cát tường 是為最吉祥

Dịch nghĩa:
Không chạy theo các giới trời và người,
để cầu mong ban phúc và tránh họa,
cũng không đến cầu đảo ở các đền miếu,
đó là điềm lành lớn nhất.

 

4.Hiếu dưỡng mẹ và cha.

 Biết nuôi nấng vợ con.

Việc làm không xungkhắc, 

  Là điềm lành tối thượng

Hiếu dưỡng mẹ cha là đức tính quan trọng trong nền giáo dục học đường cũng như trong gia đình, nhất là các nước thuộc châu Á. Việt Nam, Trung Hoa (ngày xưa), Đại Hàn, Nhật Bản…Việt Nam ngày nay, tuy không đặt nặng việc hiếu dưỡng trong chương  trình giáo dục, nhưng truyền thống đó vẫn luôn tồn tại; Tinh thần đạo Hiếu trong Phật giáo Bắc tông, hàng năm, tháng bảy được xem là tháng báo hiếu, cộng thêm tính nghệ thuật “Hoa hồng cài áo” được phổ biến trong các chùa, nhất  là các đơn vị GĐPT, các em tổ chức rất bài bản, thể hiện giáo dục tính thiết thực hiếu đạo đối với cha mẹ tại buổi lễ,quỳ dưới chân thân mẫu, dâng lên tâm tư, tình cảm và lời hối lỗi trong năm qua đã làm cho mẹ, cho cha buồn lòng. Hôn và dâng quà lên đấng sanh thành.

Một số gia đình phát nguyện trai tịnh suốt tháng bảy để cầu siêu thân bằng quyến thuộc quá vãng.Nếu có điều kiện kinh tế, phát tâm cúng trai Tăng một ngày. Thường xuyên tụng kinh Vu Lan và sám hối, làm phước, bố thí. Những năm gần đây, Ơ miền Nam, nhà nhà đua nhau làm phước, không những trong mùa báo hiếu, mà mùa dịch bệnh, nhiều nhà cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân nghèo qua nhiều hình thức; Vài nơi cung cấp nhà lầu cho cư dân tha hương có chỗ ở, lo cho họ cơm nước từng bữa. Một cán bộ về hưu mua xe đưa đón bệnh nhân miễn phí.Cơm miễn phí vào ngày sóc vọng. bình nước đặt vỉa hè, xe bánh mỳ cho người vô gia cư hoặc ai cần, đến lấy.

Nhà nhà làm phước, người người làm thiện, không những là truyền thống lá lành đùm lá rách, mà cha ông từng dạy – “bầu ơi thương bí lấy cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tinh thần tương thân tương ái đã gắn bó keo sơn tình người trong xã hội. Nhất là mùa dịch bệnh, trước vô thường, tiền của không thế mạng được, vì thế tình thương và lòng nghĩa hiệp trỗi dậy.Vu Lan năm nay, tuy bị giới hạn vì dịch bệnh, nhưng các chùa vẫn không thiếu bóng hình mùa Hiếu hạnh. Truyền thống báo hiếu, không chỉ nhắc nhở con cháu mà còn có dịp để cha mẹ, ông bà nhớ đến nghĩa vụ giáo dục, làm gương cho lớp trẻ.

Tích xưa kể rằng –đứa bé nhìn bố đóng củi, bèn hỏi, bố trả lời, mai bố đưa nội lên bỏ trên núi, nhà quá nghèo, bố không nuôi được; bé con nói – bố nhớ đem củi về lại để sau này bố gìà yếu, con đưa bố lên núi! Nhị thập tứ hiếu là sách xưa kể lại 24 mẫu người hiếu của Tàu. Hiếu là phải dưỡng,nhưng dưỡng theo kiểu Vương Tường đời Tấn  đặt ván lên trên tuyết để nằm chờ cá lý ngư từ dưới tuyết nhảy lên để bắt đem về làm cho kế mẫu ăn. Hoặc như Ngô Mạnh Tông, cha mất sớm, ở với mẹ, mùa đông đâu có măng, mẹ thèm canh măng, Mạnh Tông buồn vì không tìm được măng để nấu canh cho mẹ ăn nên ôm gốc tre khóc, động lòng trời đất cho măng mọc ra, đem về nấu canh cho mẹ dùng. Những chuyện thiếu thực tế như thế, nhưng nói lên tâm hiếu và dưỡng của đạo làm con ngày xưa bên Tàu; nghĩa vụ làm con bằng tấm lòng.Tuy nhiên, tùy xã hội và cuộc sống ngày nay, con cháu khó mà thể hiện chữ hiếu trọn vẹn. Kinh tế eo hẹp, không có thì giờ chăm sóc, buộc lòng phải gửi cha mẹ vào cơ sở xã hội chăm sóc người già. Cuối tuần vào thăm viếng. Dẫu sao – “công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Phật dạy: -Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật! Này Thiện Sinh, kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều. Những gì là năm?

“1.) Cung phụng không để thiếu thốn.

“2.) Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

“3.) Không trái điều cha mẹ làm.

“4.) Không trái điều cha mẹ dạy.

“5.) Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.

 

Đạo Hiếu là vậy, còn đạo chồng vợ là một nghĩa vụ thiêng liêng, nói lên tính tương quan tình nghĩa tự nguyện đến với nhau, phải có trách nhiệm lẫn nhau.Thế thường bảo rằng – Con là nợ, chồng vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo. Cho dù là nợ, là oan gia, là nghiệp báo, đã tạo là phải có trách nhiệm, không thể phó thác cho vợ hay cho chồng để tìm niềm vui riêng.Câu nói đó dễ giúp cho kẻ vô trách nhiệm phủi tay.Trách nhiệm đi liền với đạo đức. Kinh Thiên sinh Phật dạy:

“Này Thiện Sinh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ:

“1.) Lấy lễ đối đãi nhau.

“2.) Oai nghiêm không nghiệt.

“3.) Cho ăn mặc phải thời.

“4. Cho trang sức phải thời

.

“5.) Phó thác việc nhà.

“Này Thiện Sinh, chồng đối đãi vợ có năm điều, vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng. Những gì là năm?

“1.) Dậy trước.

“2.) Ngồi sau.

“3.) Nói lời hòa nhã.

“4.) Kính nhường tùy thuận.

“5.) Đón trước ý chồng.

Vợ chồng lấy nghĩa và tình xây dựng tổ âm, thì cũng phải có trách nhiệm dạy dỗ  con cái cho nên người, để biết cách hiếu dưỡng cha mẹ mà còn có trách nhiệm với xã hội và có nhân cách trong cuộc sống.

Mọi sinh hoạt trong gia đình đến nghề nghiệp kiếm sống ngoài xã hội thuận với vợ con và hợp với đạo lý. Đó là nhữngviệc làm đem đến tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Bài kệ 4, Thiền sư Nhất Hạnh dịch:

 

 

5. Bố thí, hành đúng pháp,
Giúp quyến thuộc họ hàng,
Hành xử không tỳ vết,
Là điềm lành tối thượng

Bố thícông hạnh đầu tiên của Tứ nhiếp pháp, cũng là một trong sàu hạnh Ba La Mật. Ý nghĩa đầu tiên của bố thí là hạnh xả ly; tâm không hẹp hòi,lòng vị tha…giúp đối trị lòng tham, tính vị kỷ.

Bố thí gồm – tài thípháp thívô úy thí. Tài thí là dùng của cải vật chất giúp đỡ kẻ thiếu thốn; tài thí gồm có nội tài và ngoại tài.Hiến tặng nội tạng, một phần thân thể là nội tài, ngoài ra dùng vật chất để thí là ngoại tài. hành động hiến tặng vật chất, năng lực hoặc trí huệ cho người khác là tài thí.

Sự cúng dường của Ma Ha Ca Diếp 

Ca Diếp có nghĩa là Ẩm Quang, vì thân hình của ngài lúc nào cũng tỏa ra ánh sáng rực rỡ và trang nghiêm. Trong một tiền kiếp quá khứ xa xưa vào thời Đức Phật Tỳ Bà Thi, lúc đó tôn giả Ca Diếp tiền thân là một thợ bạc chuyên đúc tượng. Một ngày nọ, có một thiếu nữ nghèo vào tiệm trên tay mang theo một thoi vàng, nhờ ông đúc một pho tượng Phật. Người thợ bạc thấy thế liền hỏi : " Vàng ở đâu mà cô có? " Thiếu nữ trả lời :" Trên đường đi lễ Phật về đã nhặt được."

Người thợ bạc lấy làm ngạc nhiên hỏi : " Tôi thấy cô nghèo khổ quá, không đủ cơm ăn, áo mặc, sao cô không đem vàng này bán đi để chi dụng cho cuộc sống mà lại đem đúc tượng Phật? "

Thiếu nữ nói : "Vì tôi có phát lời nguyện tại chùa là nếu có đủ thuận duyên thì tôi sẽ đúc một pho tượng Phật bằng vàng đẻ cho chúng sinh chiêm ngưỡng lễ bái. Và hôm nay làm được như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi, không còn mong cầu chi khác hơn."

Cảm động trước sự phát tâm bố thí cúng dường quá rộng lớn của thiếu nữ, người thợ bạc cũng phát tâm : " Được, tôi sẽ đúc cho cô pho tượng Phật này và tôi cũng xin nguyện cúng dường không lấy tiền công."

Do nơi công đức bố thí và cúng dường này mà chín mươi mốt kiếp sau, hai người sinh ra lúc nào thân hình lúc nào cũng trong sáng trang nghiêm và gặp được nhiều thiện hữu tri thứccho đến kiếp sau cùng sinh vào nước Ấn Độ gặp Phật Thích Ca xuât gia học đạo đồng chứng quả A La Hán.

 

Pháp thí là dùng đạo lý hướng dẫn cho người chưa hiểu. Dùng đạo lý giúp người giải thoát phiền não, gọi là chánh pháp, ngược lại, tà pháp là đưa con người vào cỏi mê tín tăm tối gọi là pháp thí không chân chánh.

Vô úy thí là đem lại nguồn yên vui an ổn cho người đang bị lo âu, khủng hoảng…Đáng ra, vô úy thí này nằm trong pháp thí, đem lời nói chân thật giúp họ hiểu đúng sai đó là pháp thí để họ không còn sợ hải bởi vọng chấp.

Bố thí bằng tâm hoan hỷ, không vụ lợi, không ý đồ, không cầu danh, không hận thù, không tình cảm cá nhân, không mong phước báu...tóm lại không vì bất cứ mục đích nào, gọi là bố thí Ba la mật.

Truyện tích xưa Sự Bố thí của vua A Dục (Asoka)

Có hai trẻ nhỏ là Jaya và Vijaya đang vui đùa lấy đất sét nắn chơi. Khi thấy đức Phật đến, chúng rất vui mừng hớn hở. Jaya lấy đất sét nắn một cái bánh, thành kính cúi đầu cúng dâng cho đức Phật, Jaya, trong lúc cúng dường cái bánh đất, phát nguyện rằng sau này sẽ làm vua an trị cả một thế giới, rồi em đọc một bài kệ cúng dường đức PhậtĐức Phật hoan hỷ  đón nhận cái bánh đất và mỉm cười. Phật mỉm cười, và nói cùng ngài A nan : 'Một trăm năm, sau khi ta nhập Niết Bàn,đứa bé này sẽ là một vị Chuyển luân thánh vương trông coi một trong bốn châu thiên hạ, và trong thành phố Kusumapura ,nó sẽ làm một vị minh vương tên là A Dục (Ásoka). Sau khi chia phát những xá lợi của ta xong, nó sẽ xây cất 84.000 bảo tháp để làm lợi ích cho muôn loài'.

Tóm lại, bố thí với tâm hoan hỷ, vật thí chính đáng là nhân tốt cho quả sau này, gọi là hành đúng pháp. Hạnh thí như vậy không chỉ với mọi người trong xã hội mà ngay cả bà con thân thich, họ hàng một cách chân chính đều là việc lành tốt nhất.

 

MANGGALA SUTTA 

6. Ghê sợ, tránh điều ác
Không nghiện ngập rượu chè,
Tinh tấn hành thiện pháp,
Là điềm lành tối thượng

Trong đời sống, không thiếu những người tự tay làm điều ác, giết vật, hại người để mưu lợi một cách lạnh lùng, không sợ tội, không sợ luật nhân quả. Việc ác có vô số qua mọi hành động, ý nghĩ, lời nói. Biết gạt người để sinh sống, người bị gạt sẽ khổ vì số tiền bị gạt, họ nghèo, phải vay mượn, thậm chí có người bị gạt phải kết liễu sự sống, thế mà vẫn cứ gạt, vẫn cướp đoạt.Ngoài tiền bạc, còn nghề nghiệp, tài sản…cướp gạt để gia đình hưởng thụ sung túc, không cần biết người bị cướp gạt sẽ khốn khổ ra sao. Mượn danh làm từ thiện,hùn hạp, mượn danh  đồng nghiệp, Phật tử hay tín hữu của bất cứ tôn giáo nào để đoạt số tiền, ăn chơi hưởng thụ, nuôi gia đình, nuôi cha mẹ vợ con, bản thân không cảm thấy ghê sợ, lương tâm không cắn rứt, không tin hậu quả, người đó không khác kẻ “nhất xiển đề” trong nhà Phật.Một người nhân danh Phật tử Việt kiều, gạt trong nước, ngoài nước, thâm chí một nhà sư phải vay mượn số tiền lớn cho bà ta, đã bị bà ta gạt trắng tay, sư phải nợ  trong khi chùa đang xây dựng.Dĩ nhiên bà ta lừa gạt rất nhiều nên kinh nghiệm cho con mồi vào tròng dễ dàng. Đã không sợ hậu quả thì không biết ghê sợ bất cứ việc ác nào mà không làm, thân nhân cũng chịu ảnh hưởng khi tiêu thụ đồng tiền do người nhà cướp đoạt kẻ khác. Dùng đồng tiền của con cái, người thân cướp đoạt kẻ khác đem làm từ thiện, chả được phước gì; có thể qua mắt thế tục nhưng nhân bất thiện không thể được bù trừ bằng việc thiện khác.Người có lòng nhân phải biết ghê sợ mọi cái ác. Cổ nhân dạy – dù việc thiện nhỏ không bỏ qua, dù cái ác nhỏ không nên làm; đây là quan trọng bản chất chứ không cần đến hiện tượng.Ví dụ ăn trộm một nhánh hoa hay ăn trộm một vật quý, bản chất vẫn là ăn trộm. Ý tưởng ngoại tình, hay gian dâm với người ngoài hôn thê, hôn phu, vẫn là ngoại tình.Nhìn người làm thiện, sanh tâm hoan hỷ, hay đích thân làm thiện cảm thấy hoan hỷ cũng đều là hoan hỷ như nhau; quan trọng ở bản chất hơn là hiện tượng.

                                                         ***

Kinh Pháp cú phẩm ác, số 125.

 Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi.

Chuyện tích kể rằng – chàng thợ săn bất mãn vì suốt ngày không săn bắt được khi gặp nhà sư lúc sáng đi săn; chiều về lại cũng gặp nhà sư, ông ta tức giận ra lịnh bầy chó tấn công nhà sư, hoảng sợ, sư trèo lên cây, thợ săn dùng cây chỉa đâm vào gót chân sư; quá đau sư buông tay rơi tấm y phủ trùm lên người thợ săn, bầy chó tưởng nhà sư té xuống, xúm nhau cắn chủ đến chết. Nhà sư bẻ nhánh cây vứt xuống, bầy cho biết cắn nhầm chủ, chúng hoảng sợ bỏ chạy. Nhà sư áy náy, do mình mà thợ săn chết chăng? Phật giải thích, con không liên hệ gì đến cái chết đó, ai gieo nhân ác phải gặt quả ác thôi.

Người làm ác do hạt giống ác có sẵn trong tâm, nếu gặp thuận duyên hỗ trợ cho ác nảy sinh thì hành động ác sẽ không đủ lý trí ngăn cản. Trong đó, cờ bạc, rượu chè, tham dục, sân hận, si mê… thường làm cho tâm trí mờ ám, dọn đường cho việc ác sanh sôi nảy nở. Vì thế, nên tránh xa mọi cái có thể dẫn đến việc ác. Chùa Kỳ Quang, thợ xây vô tình làm rơi bản tên của hủ cốt, không có gì quan trọng, nhưng kẻ ác tâm lạm dụng kích động quần chúng tạo ác khẩu,gieo nhân ác cho một bậc chân tu; quần chúng thiếu nhận định, tin vào truyền thông bẩn, dấy lên cao trào mắng chưởi, đòi chôn sống nhà sư từ cửa miệng một cán bộ đảng viên, từng là chủ tịch UBND bốn nhiệm kỳ tại quận 12 TP HCM. Phải chăng hạt giống ác có sẵn trong tâm đã bùng phát khi có điều kiện. Do vậy, người rí nên tránh xa mọi cám dỗ, kích động bên ngoài, luôn hướng thiện và làm thiện, sẽ giúp chúng ta có nhân cách đáng kính trong xã hội. Người cực thiện và trầm tĩnh,luôn là nhân tố an ổn, làm điểm tựa cho mọi người trước cuồng loạn si mê.

Tất cả mọi người hành thiện thì xã hội chắc chắn an lành, đó là điềm tốt cao quý cho bản thân cũng như cho xã hội..

7. Sống lễ độ, khiêm cung,
Tri túc và tri ân,
Đúng thời, nghe giảng Pháp,
Là điềm lành tối thượng.

Đạo đức người xưa, thường đề cao đức hạnh khiêm tốn.  Giáo dục học đường luôn nêu khẩu hiệu – “tiên học lễ, hậu học văn”; Lễ nghĩa thể hiện tính văn hóa, có văn hóa mà thiếu lễ nghĩa xem như chưa đủ nhân cách làm người. Nhật Bản, hai năm đầu trẻ con vào trường chưa được học chữ mà được giáo dục về nhân cách ứng xử với người chung quanh, học lễ độ đối với người lớn, tự chăm sóc bản thân, té ngã tự đứng lên, giữ vệ sinh cá nhân, tạo con trẻ tính tự lập và có bản lãnh không ỷ lại.

Phẩm Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa cho thấy một vị Bồ tát luôn khiêm cung với mọi người bởi vì theo Ngài ai rồi trước sau cũng sẽ thành Phật nên không khinh người: “
"Lạy người, tôi không dám khinh suất các người.
nhân duyên trước sau, các người sẽ thành Phật.".

Người có nhân cách dạo đức, chọn vị trí sau cùng, thấp nhất trong hội chúng, sẽ được tôn kính mời lên hàng đầu. Trong đời sống, chỗ trũng thấp nhất là chỗ tích lũy nhiều nước, kẻ thiếu thốn nghèo khổ sẽ được nhiều người trong xã hội văn minh quan tâm giúp đỡ; được học hỏi điều hay từ người khác. Ngược lại, người thể hiện tính cao ngạo, xem thiên hạ  không ra gì, đó là nhân cách vô văn hóa, chẳng bao giờ được tiếp nhận cái hay cái tốt của người khác, mọi người thường xa lánh; cây trái biết rũ xuống khi đơm hoa kết trái. Lúa trổ bông biết lã ngọn cho thơm hạt gạo. Tóm lại, khiêm cung không làm mất nhân cách mà tăng thêm nhân cách và lễ độ tùy lúc tùy nơi.Người càng hiểu biết đức khiêm cung càng lớn, bản ngã mòn dần cho dù đứng trước kẻ thấp kém hơn mình.

Cố đại lão Hòa thượng Thiện Hoa có dạy: “Tu là từ mẫn vật, khiêm tốn tự y, thiên ty tọa xứ, thuyết luật pháp ngữ, kiến quá mặc nhiên”. Nghĩa là, người tu phải có lòng yêu thương loài vật, phải khiêm tốn nhún nhường, phải biết bổn phận của mình, phải nên luận bàn đúng theo lời Phật dạy và chỉ tự xét lỗi mình chớ nên tìm lỗi kẻ khác.

Cho nên Phật dạy: “Hãy thắng người hơn mình bằng đức tánh khiêm cung.”

 “Kinh Thư” nói: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” (kiêu căng chiêu cảm tổn hại, khiêm cung nhận được lợi ích.Bất học lễ, vô dĩ lập (Không học lễ, lấy gì lập thân)

Liễu Phàm Tứ Huấn”là sách dạy nhân cách, triết lý nhân sinh rất quan trọng của người xưa. Một khi Ngạo khí bất trưởng thì con ngừi khó mà trưởng thành về nhân cách cũng như kiến thức. Đức độ chính là phúc khí, Khiêm nhường biểu hiện hàm dưỡng, Trầm tĩnhthể hiện của trí huệ .Trong “Chu Dịch” viết rằng, khiêm tốn là cái gốc của đạo đức, nhường nhịn đứng đầu mọi loại lễ nghi, phép tắc

Bậc đại trí quân tử rất hiểu được đạo đức nội tại ẩn giấu của một con người, cho dù vẻ bề ngoài của họ dường như rất ngờ nghệch, chậm chạp“. Đây chính là điều mà người xưa vẫn gọi là “Đại trí nhược ngu“, nghĩa là: Người tài giỏi có vẻ ngoài đần độn.

                                              ***

Thánh nhân luôn có cuộc sống thật giản dị, tuy giản dị mà họ vẫn cảm thấy đầy đủ, vì thế họ sống an lạc vô cùng –Thiểu dục tri túc - Tri túc thường lạc. Người sống biết đủ thì lòng tham không làm chủ, không bị sai sử chạy theo cám dỗ; Người thấy cái gì cũng ham muốn, cho dù thật sự không cần thiết, cũng bỏ tiền mua về chất đầy nhà, thay vì đồng tiền đó có thể giúp cho người đói một bữa cơm. Người biết hạn chế lòng ham muốn là người sống an lạc, ngược lại cứ chạy theo cám đỗ thí suốt đời không bao giờ thỏa mãn. Phương tiện vật chất mỗi ngày một cải tiến, thấy cái gì cũng mới lạ, cũng thích, đó là người không làm chủ được bản thân, không khống chế được cảm thọ, dĩ nhiên lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn khổ đau, không bao giờ thỏa mãn an vui với hiện tại.Vật chất đã không tiết chế được thì sắc dục làm sao khỏi lún sâu. Người có tâm tham dục, cho dù vợ chồng xứng đôi, vẫn thèm thuồng khi gặp người khác phái. Người tu không thể để lòng tham dục khống chế. Tinh thần sống giản dị, tri túc giúp hành giảđời sống an lạc hạnh phức thực tại. Nguyễn Công Trứ trong bài “Chữ nhàn”:

Trí túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn

Nghĩa là:

Biết đủ là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ?
Biết nhàn là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?

Trong đời người, khi ra khỏi lòng mẹ, ai cũng phải bẫm thọ ơn nghĩa cuộc sống. từ giọt sữa, muỗng cháo, manh tả, tấm áo, đến khi khôn lớn, mọi thứ từ cái ăn cái mặc đều được cuộc đời cung ứng;sống trên đống vàng mà không có những tiện nghi vật chất do người khác đem lại, liệu có sống được? cho dù trong rừng, trên núi dưới biển cũng phải thọ dụng  cây trái, sinh vật của đất trời, tất cả là ân nghĩa mà nhà Phật dạy – “Tứ trọng ân”.Người sống biết tri ân  là công hạnh đức độ tăng trưởng, kẻ vô ơn cuộc sống chả ra gì. Tri ân và đền đáp-  Khi ta biết tri ân thì cũng sẽ tìm cách đền đáp. Không chỉ đền đáp vật chất mà cần thể hiện tình cảm qua nhân cách. Không làm thất vọng người đã ban ơn cho mình-        

    Một người luôn biết tri ân thì tâm hồn sẽ dần sáng, vơi đi những oán hận, hướng tới đời sống thiện lành. Tri ân là chìa khóa thành công của mỗi con người. Người biết tri ân là người luôn khiêm tốn, nhã nhặn.Muốn hiểu sâu những đức tính đó, không những học hỏi từ những cao nhân cổ đức, Thánh hiền,mà cần học sâu giáo lý đức Phật  để tăng trưởng lòng nhân, đức thiện tiến hóa tâm thức, hợp thời , hợp căn cơ với từng chủng loại.

Đây là một trong những liệu pháp tối ưu cho một đời người trong cuộc sống.

 

8. Biết kiên trì, phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
phước đức lớn nhất.

Kiên trì là một đức tính cần phải có để vượt qua mọi chướng ngại nếu muốn đi đến thành công. Trong cuộc sống, không ai mà không có chướng duyên khi bắt tay làm một việc nào đó.Ví dụ, sức khỏe kém, bệnh nhiều, sau thời gian dùng thuốc không khỏi, bạn bèn nhịn ăn để tiêu độc trong cơ thể. Ba ngày đầu, cái đói cồn cào xúi dục bạn phải ăn, tại sao phải nhịn! tâm lý bịa ra đủ mọi lý do để bạn bỏ cuộc; sau khi thắng được mọi cám dỗ, bạn bè, người thân lại cản ngăn việc nhịn ăn, cho đó là phản khoa học, sẽ đưa đến tai hại cho bao tử, giảm sức khỏe, mất năng lượng…Họ mời những thức ăn bạn thường khoái khẩu; trước cám dỗ khó xử, bạn kiên trì vượt qua, đó là một thành công cho một chủ đích vạch ra.Cũng thế,để đi đến thành công cho  một việc, kiên trìđộng lực căn bản vượt mọi chướng ngại.Trong kiên trì còn có tính chất lạc quan, vì chóng chán đã ươm mầm thất bại.Ông bà ta có câu- “có công mài sắt có ngày nên kim”. Trước khi đi đến thành công, chắc chắn phải gặp thất bại; thất bại nung chí kiên trì, sẽ gặt hái được những thành công theo chí nguyện;đây là một nghị lực.Tuổi trẻ  sống trong hoàn cảnh được cung ứng mọi thuận lợi trong gia đình, ra xã hội, gặp trở ngại đầu tiên dễ nản chí, thất vọng, bỏ cuộc.Nhiều học sinh nghèo, không đủ điều kiện ăn học, họ kiên trì tự học, dù thi trượt nhiều lần vẫn không nản, cuối cùng thành công là sự tưởng thưởng cho ý chí kiên trì.Bằng cấp không phải là điều kiện tối ưu để đi đến thành công; năng lực, trình độ, khả năng và ý chí vượt khó, đó là tiêu chuẩn để các công ty, doanh nghiệp xét đoán thu nạp nhân viên.

Xác định mục tiêu để phấn đấu, mới không lạc hướng để kiên trì  đi đến thành công. Cuộc sống thật ngắn ngủi, mục tiêu đưa ra để phấn đấu cần hợp lý, không uổng phí thời gianđời người.Thất bại không phải là con đường chấm dứt tương lai. Thất bại và đau khổ là chất liệu kiên trì đi đến thành công.Đừng mơ tưởng sự thành công của người khác mà chán nản sự thất bại hôm nay của mình, hãy thể hiện nghị lực để kiên trì vượt khó.Hố càng sâu thì đỉnh càng cao, càng cao danh vọng càng dày gian nan.Kiên trì thể hiện nghị lực của mình.

Song song với sự kiên trì, biết nhận lỗi, biết phục thiện giúp ta thăng tiến giữa sự ngưỡng mộ và trân quý của mọi người. Đức Phật dạy – “ Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm, hai là người có lỗi nhưng biết sai và phục thiện”; phục thiện là biết nghe theo điều phải, làm theo lẽ phải sau khi sai phạm. Phục thiện ẩn chứa niềm ăn năn hối lỗi. Các Tôn giáo đều tán thán tinh thần phục thiện của người biết sửa sai.Tín hữu Kito giáo khi phạm phải sai lầm, thường vỗ ngực nhận – lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, đến tòa giải tội xưng với vị Linh mục, hứa phục thiện, không tái phạm. Trong nhà Phật, khi phạm lỗi, tự đối diện bàn Phật, phát lồ sám hối, nguyện không tái phạm. Mỗi tháng có hai kỳ sám hối tập thể.

Phục thiệnthái độ thành khẩn tự tâm để mình tiến bộ, không sai phạm tiếp; giúp trở thành con người lương thiện, trong sáng hơn. Tạo niềm tin yêu và kính trọng với mọi người; đây cũng là yếu tố giúp ta thăng tiến dễ dàng trong cuộc sống.

Dĩ nhiên trong cuộc sống, điều xấu dễ gặp hơn cái tốt.   Pháp cú phẩm Tâm dạy - 35. Khó nắm giữ, khinh động                                                                               Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm;
Tâm điều, an lạc đến.


36. Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến.

Muốn có sự bảo hộ, nhắc nhở thường xuyên, ta nên gần gủi, thân cận người tốt, các vị chân tu, bạn hiền, để trao dồi học hỏi giáo pháp; Thường xuyên đàm đạo, không những tăng trưởng niềm tin, phát triển kiến thức mà còn vun bồ đạo lực. Kinh Pháp cú phẩm Giáo học dạy:

 Chánh kiến học Đạo tăng                                                                                      Trí tuệ soi thế gian
Phước sanh trăm ngàn đời
Vĩnh không đọa đường ác.

Người Phật tử khi đã chọn con đường tu tập, nên hạn chế mọi sinh hoạt giải trí không cần thiết; cuộc sống ngắn ngủi, không nên phung phí thời gian vào những việc vô bổ, dành thời gian cho việc học hỏi, nghiên cứu, tham vấnhành trì.Dù sống thánh thiện, luôn  làm từ thiện, hộ đạo, làm phật sự cũng chưa đủ cho sự tu tập. Chọn một pháp môn để chuyên tu quan trọng hơn việc làm phúc bề ngoài. Phúc huệ phải song hành. Được như thế là điềm lành tối thượng cho một kiếp sống tạm bợ hiện nay.

 

9.Sống tinh cần, tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết-bàn
phước đức lớn nhất.

Tinh cần là luôn siêng năng, cần mẫn. Phật dạy có bốn loại tinh cần:

 “1- Tinh cần chế ngự

 2- Tinh cần đoạn tận

 3- Tinh cần tu tập

 4- Tinh cần hộ trì”.

Luôn cần mẫn chế ngự những ham muốn, tâm bất thiện. Trong tâm thức dung chứa rất nhiều hạt giống bất thiện; tham muốn mọi thứ, dễ nóng giận ganh ghét, đố kỵ, thich ăn ngon mặc đẹp, ham ngủ, xem phim, nghe ngóng chuyện thị phi…tất cả là những điều bất thiện của người tu; vì thế, chế ngự những bất thiện đó, giúp lục căn không bị tác động bởi lục trần, tâm không bị chi phối ngoại cảnh, nhiếp tâm việc hành trì dễ dàng.

Tinh cần đoạn tận là siêng năng chấm dứt mọi duyên phát khởi cho tâm. Dục ẩn dưới mọi hình thức gọi là ham muốn; thập kiết sử cũng thế, tâm luôn theo dõi mọi sanh biến từ tưởng thức đưa đến hành động; đi đứng, nằm ngồi, nói năn phải được kiểm soát bằng chánh niệm. Nhiếp tâm để đoạn mọi tạp niệm gọi là đoạn tận từ cội gốc.

Đam mê truyền hình, đam mê thời sự, đam mê điện thoại cảm ứng, đam mê tiện nghi vật chất…tóm lại mọi thứ đam mê trở thành thói quen làm mất thời giờ của người tu tập. Hành xử như một phương tiện, khác với đam mê, vì đam mê trở thành thói quen,thói quen biến thành bản chất và nhân cách. Vì thế, cần đoạn tận mọi đam mê cám dỗ.Do đam mê, năng lượng bị phân tán vào những việc không cần thiết, tinh thần suy nhược, ảnh hưởng đến sức khỏe, hay mệt mỏi, luôn buồn ngủ, thiếu tập trung; thích hoạt động bên ngoài hơn là chuyên tâm hướng nội cho pháp hành.Càng đam mê càng tạo nghiệp, càng tích lũy càng nặng nghiệp.

Khi đoạn tận những cám dỗ thì việc tu tập sẽ tiến triển, chuyên cần là việc đương nhiên như cái trớn bánh xe được lăn,từ đó, các căn được hộ trì, không bị giao động khi tiếp xúc với pháp trần, tâm không tạp niệm. thì tâm hànhthân hành được hiệp nhất.

Tâm chuyên hướng nội, theo dõi mọi tâm hànhthân hành là tâm luôn luôn tỉnh thức trước ngoại cảnh. Pháp hành cũng từ đó được chuyên nhất. Tùy căn cơ chọn một pháp hành  tương thích; Những pháp hành giúp người tu giải quyết mọi khổ đau hiện tại, tâm giải thoát, lòng từ phát triển và trí tuệ phát sanh. Đó là giáo lý nhiệm mầu đạt đến Niết Bàn.

Vậy Niết Bàn là gì? Niết-bàn là mục đích tu hành cứu cánh của mọi trường phái Phật giáo. Trong đạo Phật nguyên thủy, Niết-bàn được xem là đoạn triệt Luân hồi Đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện  là tham, sân và si. Trưởng lão tăng kệ ghi (Chân Nguyên dịch Pāli-Việt): Tóm lược lại thì Niết-bàn có thể được hiểu là: Tình trạng ngọn lửa tham lam, sân hận, ngu si đã bị dập tắt.

[PHẬT NGÔN]

Các Tỳ Kheo, có hai thứ Niết bàn Những gì là hai? Niết bàn có dư y và Niết bàn không dư y. Các Tỳ kheo, thế nào là Niết bàn có dư y? Các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo là bậc A la hán, hết các lậu hoặc, hoàn thành phạm hạnh, làm xong việc nên làm, đặt xuống gánh nặng, đạt đến mục đích, hết sạch hữu kiết sử, giải thoát do chánh trí. Nơi vị ấy, 5 căn vẫn tồn tại; Vì bản thân không bị tiêu hoại nên vị ấy lý giải điều vừa ý và điều không vừa ý, và cảm giác vui khổ. Các Tỳ kheo, nơi vị ấy tham hết, sân hết, si hết, ấy gọi là Niết bàn có dư y.

Các Tỳ kheo, thế nào gọi là Niết bàn không dư y? Các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo là bậc A la hán, hết các lậu hoặc, hoàn thành phạm hạnh, làm xong việc nên làm, đặt xuống gánh nặng, đạt đến mục đích, hết sạch hữu kiết sử, giải thoát do chánh trí. Các Tỳ kheo, ở đây, nơi vị ấy, tất cả cảm giác không hỷ lạc đều mát dịu; Các Tỳ kheo, ấy gọi là Niết bàn không dư y.

Các Tỳ kheo, đây là hai thứ Niết bàn.

Theo HT T.Thanh Từ thì trong các kinh điển có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng chữ Niết Bàn không ngoài những nghĩa Viên tịch (hoàn toàn vắng lặng), Vô sanh (không còn sanh diệt) và Giải thoát v.v... những nghĩa này nhằm chỉ cho người đạt đạo sống trong trạng thái tâm thể hoàn toàn vắng lặng, dứt hết vọng tưởng vô minh.
Do trình độ giác ngộ khác nhau nên trong kinh chia ra bốn thứ Niết Bàn:

1. Niết Bàn Hữu Dư Y: Niết Bàn đã dứt sạch phiền não vọng hoặc trong ba cõi, nhưng còn thân của nghiệp báo dư thừa.

2. Niết Bàn Vô Dư Y: Niết Bàn đã dứt sạch phiền não hữu lậu và không còn mang thân của nghiệp báo (dứt hết uẩn thân).

3. Niết Bàn Tự TánhNiết Bàn tự tánh sẵn có của chúng sanh, nó vốn sẵn có tánh Niết Bàn không phải tu tập mới có. Như mặt gương tánh vốn sạch không phải đợi lau chùi mới hiện.

4. Niết Bàn Vô Trụ Xứ: Niết Bàn không chỗ nơi. Các vị Bồ Tát khi giác ngộ, lao mình trong lục đạo giáo hóa chúng sanh, lấy sự sanh tử của chúng sanh làm cảnh giới. Tuy ra vào sanh tử nhưng lúc nào cũng tự tại vô ngại.

Hai thứ Niết Bàn trên là của hàng Nhị thừa, hai thứ Niết Bàn dưới chỉ riêng hàng Đại thừa mới có.

Như vậy, Niết Bàn theo quan điểm Phật giáo phát triển, thân còn sống trong hiện tại hay trôi lăn trong 6 cõi luân hồn, các vị Bồ Tát nhập pháp giới để giáo hóa chúng sanh vẫn thể hiện tự tánh Niết Bàn, lúc nào cũng tự tại vô ngại.

Hành giả sống tinh cần, luôn tỉnh thức, luôn học hỏi thực hành giáo lý nhiệm mầu,cuộc sống thật đơn giản, ít ham muốn, ít chú trọng hình tướng, dù là hình tướng tín ngưỡng Tôn giáo chắc chắn sẽ thấu đạt Niết Bàn tại thế. Được như thế là phúc báu lớn nhất.

 

MANGALA SUUTA   (tiếp theo)

10.Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
An nhiên, không uế não,
Là điềm lành tối thượng

Xúc cảnh sanh tình là muốn nói lục căn giao tiếp lục trần sanh ra lục thức, từ thức mới sanh cảm thọ., đưa đến yêu, ghét, mừng lo,thích, chán… Cái gì thích , hạp với tâm dục thì hạt giống đó luôn ám ảnh, thỉnh thoảng đầu óc nghỉ tưởng về nó, lấy đó làm niềm vui thích thú, sanh ra nhiều tưởng tượng.không đạt được như ý thì cảm thấy khổ; chán ghét hay lo sợ cũng thế, tâm thức luôn ám ảnh điều mình lo sợ; gặp nhau là khổ (oán tắng hội khổ). Thương yêu không gần nhau, bị chia ly

cũng khổ, đó là những điều kiện đưa đến bát nạn tam đồ cu ly khổ . Như vậy, tam đồhỏa đồ (đường lửa), huyết đồ (đường máu), và đao binh đồ (đường đao binh). Bát nạn gồm có: địa ngục- ngạ quỷ- súc sinh-  sinh lên cõi trời Trường thọ -  sinh ở Uất đan việt hay còn gọi là Bắc cu lô châu hoặc Thắng xứ - đui điếc câm ngọng -  thế trí biện thông - sinh trước Phật và sau Phật. Cuộc sống không mấy ai làm chủ được cảm xúc, do cảm xúc mới sanh tình cảm, tình ái, tình thương yêu ghét…Nghệ sĩ thường dâng trào cảm xúc để có những tác phẩm nói lên nỗi lòng như:


Có những cảm xúc đưa đến sa đọa, sầu thảm bi ai, như tằm nhả tơ để lại cho đời những cung bậc trầm thống giá trị về nghệ  thuật, tự bản thân dày vò đau khổ. Có những cảm xúc mang tư tưởng chính trị khích động quần chúng, cũng có những nghệ sĩ biết sử dụng khả năng hướng cảm xúc cho ra những nhạc phẩm phục vụ đức tin Tôn giáo, giúp quần chúng thích nghệ thuật, âm nhạc, thơ văn hướng về đạo. Đứng trước một tôn tượng ta có thể sanh cảm xúc, tuy đó là cảm xúc thánh thiện nhưng theo tinh thần tu hướng giải thoát, nó vẫn là hạt giống đam mê, ưa thích, đó gọi là xúc cảnh sanh tình, chướng ngại trên đường tu.

Từ tiếp xúc với đời sống đến cá nhân, luôn bị tác động cảm xúc, Phật khuyên không nên giao động, tránh được sầu khổ thương đau, nhẹ thì tự kỷ, nặng thì tự tử, cuộc sống như thế uổng phí kiếp người, không giải quyết được gì, biết bao giờ có được thân người tiếp tục. Trường đời là bài học khảo thí, không hiểu đạo Phật để giữ thân tâm tiến hóa trên chánh đạo thì dễ rơi vào đường ác, khổ đau. Quan trọng là giữ tâm bình thản trước mọi giao tiếp, không vui mừng, không giận hờn lo âu, đó được gọi là tâm bình thường.

Đến là nhân duyên, đi là nhân duyên. Cho nên cần phải "Tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên".Đối diện với hiện thựcvượt qua mọi cám dỗ, cảm thọ mới là đấng trượng phu, chí quân tử, đó là mẫu người chuyên tu giải thoát mọi nghiệp chướng.Không ai có thể làm cho ta đau khổ nếu tâm ta không chiêu cảm sự khổ đau. Cứ dòm ngó lỗi người như tự đem rác vào mình. Không ai có nghĩa vụ làm vừa lòng ta thì ta cũng không thể bắt ai phải theo ý mình. Qua lục căn tiếp xúc với lục trần sanh ra lục thức, phát sanh cảm thọ.

Lục nhập

Sáu căn

(sáu nội xứ)

Sáu trần

(sáu ngoại xứ)

1. Mắt (nhãn xứ)

Sắc (sắc xứ)

2. Tai (nhĩ xứ)

Âm thanh (thanh xứ)

3. Mũi (tỷ xứ)

Hương (hương xứ)

4. Lưỡi (thiệt xứ)

Vị (vị xứ)

5. Thân (thân xứ)

Xúc, chạm (xúc xứ)

6. Ý (ý xứ)

Pháp (pháp xứ)

Đức Phật dạy: Trong Kinh "Bài giảng về lửa" (Adittapariyaya Sutta, SN 35.28), được thuyết một vài tháng sau khi Đức Phật giác ngộ, Đức Phật mô tả tất cả các xứ và các quá trình tâm thức liên quan như sau:

"Này các tỷ-kheo, tất cả đang bốc cháy. Tất cả đang bốc cháy là gì? Mắt là đang bốc cháy. Sắc là đang bốc cháy. Thức tại mắt là đang bốc cháy. Xúc tại mắt là đang bốc cháy. Và bất kể cái gì sinh ra theo duyên của Xúc tại mắt - được cảm thọ như là lạc, khổ hoặc bất khổ bất lạc - cũng đang bốc cháy. Bốc cháy với điều gì? Bốc cháy với ngọn lửa tham, ngọn lửa sân, ngọn lửa si. Bốc cháy, ta nói cho các ngài, với sanh, già và chết, với sầu, bi, khổ, ưu và não"

Kinh Niệm xứ (Satipatthana Sutta) (MN 10) Đức Phật đã hướng dẫn các Tỷ-Kheo cách thiền trên các nội-ngoại xứ và phát triển của kiết sử như sau:

"Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Sáu Nội Ngoại xứ?

Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy... và tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng... và tuệ tri mũi và tuệ tri các hương... và tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị... và tuệ tri thân và tuệ tri các xúc... và tuệ tri ý và tuệ tri các pháp...

Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp... không chấp trước một vật gì trên đời."

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy rằng: 
“Khi thấy,nghe, hay, biết, mà khởi vọng niệm phân biệt, đó là gốc vô minh. Còn khi thấy, nghe, hay, biết mà không khởi vọng niệm phân biệt, đó là Niết bàn”.
 
 Trong các phiền não, chỉ có sân hận là thô bạo nhất, bởi thế cổ nhân có nói:”Nhứt niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”,
là khi phát sinh một niềm giận hờn tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại. Tệ hại hơn nữa, một khi tham, sân, si phát khởi, thì dâm, sát, đạo, vọng sẽ nảy sinh. Đây là bốn đại ác nghiệp mà người tu Phật phải tránh xa.Xã hội ngày nay giết nhau dễ dàng do tâm sân không được kềm chế. Tham dục lúc nào cũng rực lửa đưa đến hành động phạm tội do ái dục không được lạnh nguội mà tu sĩ Tôn giáo thường phạm ấu dâm.
 
Cổ đức nói: “Ái bất trọng bất sinh Ta-bà”. Nghĩa là tình ái không nặng nề thì không sinh vào thế giới này. Tình ái là nguồn gốc của sinh mệnh. Theo “Mười hai nhân duyên”1 của Phật giáo, con người do vì có tình ái, cho nên luân hồi sinh tử; con người do vì có tình cảm, vì vậy gọi là “hữu tình chúng sinh”.

Phật dạy rằng: 
 “A Nan, ông tu thiềnnếu không đoạn lòng dâm, thì cũng như người nấu cát muốn cho thành cơm, dầu trãi bao nhiêu kiếp cũng không thành được”.
 

Phật dạy:”Thanh tịnh pháp thân là chơn tánh thanh tịnh, không sanh không diệt, không hoại không thành. Vọng tánh của chúng sanh chỉ thấy nhục thân mà không thấy pháp thân. Tại chổ phàm phu gọi là tâm tánh, tại nơi thánh hiền gọi là thánh tánh, trong cõi trời đất gọi là thiên tánh. Tới chỗ Bồ tát gọi là Phật tánh và tại chổ chư Phật gọi là thanh tịnh pháp thân”.
 
Bản ngã càng lớn ác pháp càng dễ sanh do tam độc chủ động sai khiến, vì thế, khi giao tiếp ngoại cảnh, sống an nhiên, không uế tạp phiền não; Bát phong suy bất động là khen chê, được mất, vinh nhục, buồn vui. Ba điềm lành khác: không còn sầu não sống an nhiên không còn uế nhiễm . Đó là điềm lành tột bực đem lại hạnh phúc cho cuộc sống.

 

11. "Ai sống được như thế
Đi đâu cũng an toàn
Tới đâu cũng vững mạnh
Phước đức của tự thân."

 

11 bài kệ là bản hướng dẫn tổng quát cách sống, vào đầu tiên Phật dạy không thân cận kẻ ác,  ý tưởng, hành động, lời  nói, đều ươm mầm đạo đức; lối hành sử trong cuộc đời vừa lợi mình vừa lợi người; từ trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng con cháu cho đến bạn bè, tín ngưỡng…đều là nên tảng,  là căn bản đạo đức; ta thấy, tuy Phật giảng cho chư Thiên nhưng không khác  nhân gian. Chư Thiên xuất hiện giữa đêm tối, ánh sáng chói lòa, được Phật khai thị, thế thì giữa đêm trường vô minh tịch mịch cõi nhân gian, được Phật đem ánh sáng Phật pháp khai thị làm sáng tỏ nhân cách sống; tuy đạo đức nhân cách và đạo đức xử thế, vẫn không lìa xa pháp hành giải thoát. Vì thế được gọi là – Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mịch Bồ đề, cáp như cầu thố giác.

Phật xác định, ai sống được như thế, đến đâu cũng an toàn, tới đâu cũng vững mạnh.Vì một khi tâm an trụ, không chiêu cảm chướng duyên thì cuộc sống không chướng ngại, nếu có chăng là do nhân quá khứ, cũng sẽ được hóa giải bằng lòng từvô niệm mình đang hành trì.

Chư Tổ thường nói – Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả; chỉ sợ tạo nhân xấu chứ không sợ quả xấu đến với mình. Một nhà sư Tây Tạng sau mấy mươi năm bị cầm tù tra khảo hành hạ, trốn sang được Ấn Độ, gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài hỏi – trong suốt thời gian đó, con sợ gì nhất? – ngài đáp – con chỉ sợ đánh mất lòng từ bi thôi! Đúng là người nuôi dưỡng tâm từ cực thiện trước ác ma mà vẫn không lay chuyển. Đó lá sự thử thách công hạnh tu tập. Vô ma khảo bất thành đại đạo, không bị nghịch duyên làm sao biết đạo lựccông năng tu tập đến đâu.

Các bậc Thánh hạnh, họ cảm ơn đời, cảm ơn mọi nghịch cảnh đã giúp cho họ một bài học, thử thách để tiến hóa. Hành giả khác với thế thườngcan đảm đối diện với mọi chướng duyên nghịch cảnh, không than vãn, sợ sệt, trốn chạy, cũng không khiên cưỡng chấp nhận, nhẫn nhục chịu đựng, vì tâm các ngài không còn đối tượng thuận nghịch, lúc đó gọi là thỏng tay vào chợ. Đã không cảm thấy chướng duyên trở ngại, thì đi đâu, sống đâu cũng tự tại an nhiên.

Cho dù chưa giải thoát hay đạt đến trạng thái Niết Bàn hữu dư y, ngay đó hành giả cũng đã cảm thấy tự tại của Niết bàn tự tánh. Sống tự tại là nguồn hạnh phúc, phước báu vô biên của người biết tu!

Hãy học thật kỷ , hàng ngày quán xét thân tâm, áp dụng 38 pháp hành Phật dạy, chắc chắn cuộc sống thật an toàn hạnh phúc giữa cõi tạm.

 

MINH MẪN

21/9/2020             (HẾT)


mangala




.

 

Tạo bài viết
02/04/2016(Xem: 10361)
23/02/2017(Xem: 11994)
27/03/2014(Xem: 25392)
06/08/2010(Xem: 41526)
14/12/2010(Xem: 235462)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…