Bảy Pháp

03/01/201112:00 SA(Xem: 11951)
Bảy Pháp

KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán Dịch: Tam tạng Cù-đàm Tăng-già-đề-bà
Việt dịch: Thích Đức Thắng - Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ
(PL.2549 - 2005 sửa chữa và bổ sung)

BẢY PHÁP

39. PHẨM ĐẲNG PHÁP

KINH SỐ 1[1]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp, ở trong hiện tại thọ lạc vô cùng, muốn dứt sạch các lậu, cũng có thể được. Những gì là bảy pháp? Ở đây, Tỳ-kheo biết pháp, biết nghĩa, biết thời, lại có thể tự biết, lại có thể biết đủ, lại biết và đại chúng, quán sát người.[2] Đó gọi là bảy pháp.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết pháp? ỳ-kheo biết pháp là chỉ Khế kinh, Kỳ-dạ, Kệ, Nhân duyên, Thí dụ, Bổn mạt, Quảng diễn, Phương đẳng, Vị tằng hữu, Quảng phổ, Thọ quyết, Sanh kinh. Tỳ-kheo không biết Pháp, không biết mười hai bộ kinh, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này có thể hiểu rõ pháp nên gọi là biết pháp. Như vậy, Tỳ-kheo hiểu rõ pháp.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết nghĩa? Ở đây, Tỳ-kheo biết ý thú của Như Lai, hiểu rõ nghĩa sâu, không có điều gì nghi ngờ. Tỳ-kheo không hiểu nghĩa, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này có thể biết nghĩa sâu nên gọi là hiểu nghĩa. Như vậy, Tỳ-kheo có thể phân biệt nghĩa.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết thời nghi? Ở đây, Tỳ-kheo biết thời tiết khi nên tu quán thì tu quán, khi nên tu chỉ thì tu chỉ, nên im lặng biết im lặng, nên đi biết đi, nên tụng biết tụng, nên trao người trước liền trao cho người trước, nên nói biết nói. Tỳ-kheo không biết những việc ấy, không biết thời thích hợp tu chỉ, tu quán, tiến, dừng, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Tỳ-kheo biết thời tiết ấy thì không để mất thời cơ thích hợp, đó gọi là biết tuỳ thời thích hợp. Tỳ-kheo như vậy là biết thời nghi.

“Sao gọi là Tỳ-kheo có thể sửa mình? Ở đây, Tỳ-kheo có thể tự biết mình, nay ta có sự thấy, nghe, nghĩ, biết này, có trí huệ như vậy,[3] đi, bước, tiến, dừng thường theo chánh pháp. Tỳ-kheo không thể tự biết thích ứng theo trí huệ mà ra, vào, đi, đến, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này có thể tự tu, tiến, dừng đều thích hợp, đây gọi là tự biết tu dưỡng. Đó gọi là Tỳ-kheo tự biết mình.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết vừa đủ? Ở đây, Tỳ-kheo có thể tự điều hòa việc ngủ nghỉ, tỉnh thức, ngồi, nằm, kinh hành, cách tiến dừng, đều có thể biết dừng đúng lúc. Tỳ-kheo không thể biết những việc ấy thì chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo này hiểu rõ những việc này nên gọi là biết đủ. Tỳ-kheo như vậy gọi là Tỳ-kheo biết vừa đủ.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết vào đại chúng? Ở đây, Tỳ-kheo phân biệt đại chúng: Đây là dòng sát-lợi, đây là chúng bà-la-môn, đây là chúng trưởng giả, đây là [729a] chúng sa-môn. Ta nên dùng pháp này mới thích hợp với chúng ấy, nên nói hay nên im lặng, tất cả đều biết. Tỳ-kheo không biết vào chúng, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo ấy biết vào đại chúng nên gọi là biết vào chúng. Đó gọi là Tỳ-kheo biết vào đại chúng.

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết căn nguyên mọi người? Tỳ-kheo nên biết có hai hạng người. Những gì là hai? Hoặc có một người muốn đến già-lam để thân cận Tỳ-kheo; người thứ hai không thích đến đó gặp gỡ Tỳ-kheo. Người muốn đến trong Tăng viên kia, thân cận Tỳ-kheo, là người tối thượng. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Một người, tuy đến chỗ Tỳ-kheo song không tùy thích hợp mà hỏi; người thứ hai cũng không đến trong chùa gặp Tỳ-kheo. Người đến chùa kia là hơn hết. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Một người, đến chỗ Tỳ-kheo tỳ thích hợp mà hỏi; người thứ hai, đến chỗ Tỳ-kheo nhưng không hỏi điều thích hợp. Ngưòi đến chùa kia là đệ nhất tối tôn, vượt lên trên người kia. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Một người đến chỗ Tỳ-kheo hết lòng nghe pháp; người thứ hai đến chỗ Tỳ-kheo, nhưng không hết lòng nghe pháp. Người (hết lòng nghe pháp) kia là ngưòi hơn hết. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Có một người, có thể quán sát pháp, thọ trì, đọc tụng; người thứ hai, họ không thể thọ trì, đọc tụng. Người có thể thọ trì kia, là đệ nhất tối thượng. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Có một người nghe pháp liền hiểu nghĩa; người thứ hai, nghe pháp mà không hiểu nghĩa. Người (nghe pháp mà hiểu nghĩa) này là tối thượng. Này Tỳ-kheo, lại có hai hạng người. Những gì là hai? Có một người, nghe pháp (và hiểu nghĩa) liền thành tựu pháp tùy pháp; người thứ hai, nghe pháp (và hiểu nghãi) nhưng không thành tựu pháp tùy pháp. Người nghe pháp (hiểu nghĩa) kia, thành tựu pháp tùy pháp. Người này là tối tôn đệ nhất. Này Tỳ-kheo, lại có hai người. Những gì là hai? Một người, nghe pháp có thể kham nhẫn tu hành, phân biệt hộ trì chánh pháp; người thứ hai không thể kham nhẫn tu hành pháp kia. Người có thể kham nhẫn tu hành pháp kia, là tối tôn đệ nhất. Giống như bò có lạc, do lạc có tô, do tô có đề hồ là tối tôn đệ nhất không gì bằng. Ở đây cũng vậy, nếu người nào có thể tu hành thì người này là tối đệ nhất, không ai sánh kịp. Đó gọi là Tỳ-kheo quán sát căn người. Nếu có người nào không rõ điều này thì chẳng phải là Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo kia nghe pháp, phân biệt nghĩa nó, đó là tối thượng. Tỳ-kheo như vậy là biết quán sát căn ngưòi.

“Nếu có Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp này, ngay trong hiện pháp an lạc vô vi, ý muốn đoạn trừ lậu cũng không khó khăn. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này. 

“Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 2[4]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn cây Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Cây Trú độ[5] trên trời Tam thập tam có gốc dọc ngang năm mươi do tuần, cao một trăm do tuần, bóng râm che đông, tây, nam, bắc năm mươi do tuần. Trời Tam thập tam vui chơi với nhau ở đó bốn tháng. Tỳ-kheo, nên biết, đến một lúc hoa lá cây Trú độ ấy úa vàng, rơi rụng trên mặt đất. Chư thiên bấy giờ thấy điềm ứng này, tất cả đều hoan hỷ, tình vui phát sanh: ‘Cây này không bao lâu sẽ sinh ra hoa đầy trở lại.’

“Tỳ-kheo, nên biết, đến một lúc hoa của cây này tất cả đều rơi rụng xuống đất. Bấy giờ, trời Tam thập tam lại càng hoan hỷ tự bảo với nhau rằng: ‘Cây này không bao lâu sẽ trở thành màu tro.’

“Tỳ-kheo, nên biết, qua một thời gian nữa cây ấy liền thành màu tro. Lúc này, Trời Tam thập tam thấy cây này biến thành màu tro rồi, lòng rất vui mừng tự bảo với nhau rằng: ‘Nay, cây này đã biến màu tro, không lâu sẽ nẩy chồi.’[6]

Bấy giờ, Trời Tam thập tam thấy cây Trú độ này đã nẩy chồi, không bao lâu nữa sẽ sanh nụ. Bấy giờ, trời Tam thập tam thấy rồi, chư thiên lại hoan hỷ: ‘Hôm nay cây này đã sanh nụ, không bao lâu lại sẽ nở đầy.’

“Tỳ-kheo, nên biết, Trời Tam thập tam thấy rồi, cây này từ từ nở đầy, lòng chư thiên đều hoan hỷ: ‘Cây này đã dần dần nở đầy, không lâu sẽ đính đầy hoa.’

“Tỳ-kheo, nên biết, đến một lúc cây ấy nở đầy khắp, lòng chư thiên tất cả đều hoan hỷ: ‘Hôm nay, cây này nở [729c] đầy hoa.’ Bấy giờ, hương của nó bay ngược gió trong vòng trăm do tuần, không đâu không nghe mùi thơm. Bấy giờ, chư thiên cùng nhau vui chơi ở đó bốn tháng, vui không thể nói hết.

“Ở đây cũng vậy, đệ tử Hiền Thánh khi phát ý muốn xuất gia học đạo, cũng giống như cây này bắt đầu muốn úa rụng lá.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh xả bỏ vợ con, tài sản, với lòng tin kiên cố cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, giống như lá cây kia rụng xuống đất.

“Tỳ-kheo, nên biết, đệ tử Hiền Thánh không tưởng tham dục, trừ pháp bất thiện, có hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và an trú sơ thiền,[7] như cây Trú độ thành màu tro.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh diệt tầm tứ, nội tĩnh, chuyên chú nhất tâm, không tầm, không tứ, có hỷ lạc do dịnh sanh, chứng và an trú nhị thiền, như cây kia nẩy chồi.

“Lại nữa, đệ tử Hiền thánh, ly hỷ, an trú xả,tự thân giác tri lạc, điều mà chư Hiền Thánh nói, xả, niệm, an trú lạc, chứng và an trú tam thiền, giống như cây kia sanh nụ.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh diệt khổ lạc, ưu hỷ trước đó đã trừ, không khổ, không lạc, xả, niệm thanh tịnh, chứng và an trú tứ thiền, giống như cây kia dần dần mở đầy.

“Lại nữa, đệ tử Hiền Thánh dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự thân chứng ngộ, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa, điều đó giống như cây kia nở hoa đầy khắp.

“Bấy giờ, hương giới đức của đệ tử Hiền Thánh nghe khắp bốn phương, không ai không ca ngợi. Trong bốn tháng tự hưởng vui thích, tâm an trú tứ thiền, bản hạnh đầy đủ. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu hương giới đức. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỔ 3[8]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay ta sẽ nói bảy dụ về nước. Con người cũng như vậy. Hãy lắng nghe! Lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo: 

“Sao gọi là bảy dụ về nước mà tựa người? Giống như có người chìm ở đáy nước; lại có người tạm ngoi khỏi nước rồi lại chìm xuống; có người nổi lên khỏi nước rồi nhìn; lại có người [730a] nổi lên khỏi nước rồi trụ; có người bơi đi trong nước; có người nổi lên khỏi nước rồi muốn đến bờ kia; lại có người đã đến bờ kia. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là bảy sự thí dụ về nước xuất hiện ở đời.

“Sao gọi là người chìm dưới đáy nước không nổi lên được? Ở đây, hoặc có người mà toàn thể đầy khắp pháp bất thiện, trải qua nhiều kiếp, không thể chữa trị. Đó gọi là người chìm dưới đáy nước.

“Sao gọi là người nào nổi lên khỏi nước rồi chìm lại? Hoặc có người mà tín căn dần mai một, tuy có pháp lành nhưng không chắc chắn. Thân, miệng, ý hành thiện, nhưng sau đó thân, miệng, ý lại hành pháp bất thiện, thân hoại mạng chung sanh vào địa ngục. Đó gọi là người ra khỏi nước rồi chìm lại.

“Sao gọi là người nổi lên khỏi nước rồi nhìn ? Ở đây, hoặc có người có tín thiện căn, nhưng hành vi của thân, khẩu, ý lại không làm tăng trưởng pháp này, tự thủ mà đứng yên, thân hoại mạng chung sanh vào A-tu-la. Đó gọi là người ra khỏi nước mà nhìn.[9]

“Sao gọi là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ? Ở đây, hoặc có người có lòng tin, tinh tấn dứt ba kết sử,[10] không thối chuyển nữa, ắt đạt cứu cánh, thành đạo Vô thượng. Đó gọi là người ngoi lên khỏi nước rồi trụ.[11]

“Sao gọi là người muốn lội khỏi nước? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, lòng luôn hổ thẹn, vơi mỏng ba kết sử dâm, nộ, si, trở lại đời này một lần nữa rồi đoạn trừ gốc khổ.[12] Đó gọi là người định vượt khỏi nước.

“Sao gọi là người muốn đến bờ kia? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, dứt sạch năm hạ phần kết sử, thành A-na-hàm, không lại thế gian này nữa mà nhập Niết-bàn trên đó.[13] Đó gọi là người muốn đến bờ kia.

“Sao gọi là người đã đến bờ kia? Ở đây, hoặc có người tín căn tinh tấn, mà có lòng hổ thẹn, dứt sạch hữu lậu thành vô lậu, ở trong hiện pháp, tự thân chứng ngộ, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa, ở trong Niết-bàn giới vô dư mà Bát-niết-bàn. Đó gọi là người đã vượt qua bờ kia.

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bảy dụ về nước và người, mà Ta vừa nói cho các ngươi. Điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm để tiếp độ mọi người, nay Ta đã làm xong. Các ngươi hãy ở nơi yên tĩnh, hoặc dưới gốc cây, hãy nghĩ đến việc toạ thiền, chớ sinh biếng nhác. Đó là lời dạy của Ta.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật [730b] dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 4[14]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Thánh vương cai trị nước xa xôi,[15] nếu thành tựu bảy pháp, sẽ không bị kẻ thù, giặc cướp chiếm giữ. 

“Những gì là bảy? Thành quách ấy rất cao, được sửa sang tề chỉnh. Đó gọi là vị vua kia thành tựu pháp thứ nhất. Lại nữa, cổng thành kia chắc chắn. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ hai. Lại nữa, ngoài thành kia có hào rất sâu rộng. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ ba. Lại nữa, trong thành kia nhiều thóc gạo, kho lẫm chứa đầy ắp. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ tư. Lại nữa, thành kia nhiều củi, cỏ. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ năm. Lại nữa, thành kia nhiều cụ khí, gậy gộc, đầy đủ các chiến cụ. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ sáu. Lại nữa, chủ thành kia rất thông minh, tài cao, dự biết tình người, đáng dùng roi thì dùng roi, đáng sửa trị thì sửa trị. Đó gọi là thành kia thành tựu pháp thứ bảy, cảnh ngoài không thể đến xâm chiếm. Đó gọi là, này các Tỳ-kheo, chủ nước thành kia thành tựu bảy pháp, nên người ngoài không thể tiếp cận quấy nhiễu

“Ở đây, Tỳ-kheo cũng lại như vậy, nếu thành tựu bảy pháp thì tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện được. Những gì là bảy? Ở đây, Tỳ-kheo thành tựu giới luật, đầy đủ oai nghi, phạm luật nhỏ còn sợ huống gì là lớn. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ nhất này, tệ ác ma không thể tùy tiện được. Giống như thành kia cao rộng, rất nghiêm nhặt, không thể phá hoại.

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc không khởi tưởng đắm, cũng không khởi niệm, nhãn căn đầy đủ, thủ hộ nhãn căn không để khuyết thủng, rò rỉ;[16] tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi niếm vị, thân xúc chạm, ý đối với pháp cũng lại như vậy, cũng không khởi tưởng, đầy đủ ý căn, mà không loạn tưởng, thủ hộ đầy đủ ý căn. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ hai này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như thành quách kia cửa ngõ chắc chắn.

“Lại nữa, Tỳ-kheo nghe nhiều không quên, thường nhớ nghĩ tư duy chánh pháp đạo giáo, những pháp đã nghe qua trước kia thảy đều thông suốt. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ ba này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như bên ngoài thành quách kia có hào rất sâu và rộng.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có nhiều phương tiện,[17] những [730c] pháp mà khoảng đầu thiện xảo, giữa thiện xảo, cuối cũng thiện xảo, thanh tịnh đầy đủ, hiển hiện phạm hạnh. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ tư này; như thành quách kia, nhiều lúa gạo, giặc ngoài không dám đến xâm lăng.

“Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy về bốn pháp tăng thượng tâm[18], cũng không rỉ thóat.[19] Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ năm này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như thành quách kia, nhiều củi, cỏ, người bên ngoài không thể đến quấy nhiễu.

“Lại nữa, Tỳ-kheo đắc bốn thần túc, thực hiện không khó. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ sáu này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như trong thành kia đầy đủ vũ khí.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có thể phân biệt đầy đủ ấm, nhập, giới, cũng lại phân biệt pháp do mười hai nhân duyên phát sanh. Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ bảy này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện; như chủ thành quách kia thông minh, tài cao, đáng bắt thì bắt, đáng thả thì thả. 

“Nay đây, Tỳ-kheo cũng lại như vậy, biết phân biệt đầy đủ các bệnh uẩn, giới, xứ. [20] Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, tệ ma Ba-tuần không thể tùy tiện. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện phân biệt uẩn, giới, xứ và mười hai nhân duyên, đừng để mất thứ lớp, liền vượt cảnh Ma, không có ở trong ấy nữa. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về bảy trú xứ của thức.[21] Các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Vì sao được gọi là bảy trú xứ của thức? Chúng sanh với nhiều loại thân, và nhiều loại tưởng khác nhau, như người và trời.[22] Lại nữa, chúng sanh hoặc nhiều lọai thân nhưng chỉ có một tưởng, đó là trời Phạm-ca-di mới xuất hiệnthế gian.[23] Lại nữa, chúng sanh một thân nhưng nhiều tưởng, đó là trời Quang âm. Lại nữa, chúng sanh một thân, một tưởng, đó là trời Biến tịnh. Lại nữa, chúng sanh vô lượng không, là trời Không xứ. Lại nữa, chúng sanh vô lượng thức, là trời Thức xứ. Lại nữa, chúng sanh vô hữu xứ, là trời Vô sở hữu xứ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là bảy nơi thức trú. Nay [731a] Ta đã nói bảy thức xứ.

“Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm để tiếp độ mọi người, nay Ta đã làm xong. Các ngươi hãy đến dưới bóng cây vắng vẻ, hãy khéo tu hạnh này, chớ có lười biếng. Đó là những lời dạy của Ta.”

Các Tỳ-kheo, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 6[24]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Vào lúc bấy giờ, Tôn giả Quân-đầu[25] thân mang bịnh nặng, nằm liệt giường, không thể tự ngồi dậy. Khi ấy, Quân-đầu nghĩ: “Hôm nay ta không được Thế Tôn Như Lai rủ lòng thương xót. Ta đang gặp bệnh nặng, không còn sống bao lâu nữa. Thuốc thang không tiếp. Lại nghe Thế Tôn nói: ‘Còn một người chưa độ, Ta quyết không bỏ.’ Song nay chỉ một mình ta bị bỏ rơi. Còn khổ nào hơn!”

Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe được lời oán trách của Tỳ-kheo Quân-đầu. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi hãy tụ họp đi đến chỗ Tỳ-kheo Quân-đầu, hỏi thăm bệnh Tỳ-kheo ấy.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Rồi Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đi lần đến phòng Tỳ-kheo Quân-đầu. Quân-đầu từ xa nhìn thấy Như Lai đến, liền tự gieo mình xuống đất. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Quân-đầu: 

“Nay ngươi mang bệnh rất là nặng, không cần xuống giường. Ta tự có chỗ ngồi.”

Thế Tôn bảo Quân-đầu: 

“Bệnh của ngươi tăng hay giảm, hay không tăng giảm? Ngươi có thể nghe Ta dạy được không?”

Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật

“Bệnh hôm nay của đệ tử rất nặng, chỉ có tăng, không có giảm. Thuốc uống không thấm vào đâu.”

Thế Tôn hỏi: 

“Người chăm sóc bệnh là ai vậy?”

Quân-đầu bạch: 

“Các vị phạm hạnh đến, gặp thì chăm sóc.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Quân-đầu: 

“Nay ngươi có thể nói cho Ta nghe bảy giác chi không?”

Quân-đầu nêu tên bảy giác chi ba lần:

“Nay con có thể ở trước Như Lai nói pháp bảy giác chi.”

Thế Tôn bảo:

“Nếu có thể nói cho Như Lai nghe thì cứ nói.”

Quân-đầu bạch Phật

“Bảy giác chi. Những gì là bảy? Như Lai đã nói, đó là niệm giác chi, pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an* giác chi, định giác chi, xả* giác chi. Bạch Thế Tôn, nói là có bảy giác chi này, chính là như vậy.” 

Sau khi Tôn giả Quân-đầu nói những lời này xong, mọi bệnh tật đều được trừ khỏi, không còn khổ não.[26] Bấy giờ, Quân-đầu bạch Thế Tôn

“Hiệu nghiệm nhất trong các thứ thuốc, đó chính là pháp bảy giác chi này. Muốn nói là thuốc hay nhất không qua bảy giác chi này. Con nhờ tư duy về bảy giác chi mà bệnh gì cũng khỏi cả.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi thọ trì pháp bảy giác chi này, khéo nhớ phúng tụng, chớ có hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng. Mọi bệnh họan của chúng sanh kia được trừ khỏi. Vì sao vậy? Vì bảy giác chi này rất khó lường hết, nhưng nhờ đó tất cả các pháp đều được thấu rõ, hết thảy các pháp đều được soi sáng. Cũng như thuốc hay chữa trị hết thảy các bệnh. Giống như cam lồ ăn không biết chán. Nếu không được bảy giác chi này, các loài chúng sanh sẽ trôi lăn sanh tử. Các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác chi

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 7[27]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiệnthế gian, liền có bảy báu xuất hiện thế gian. Bảy báu đó là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, minh châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Đó là nói khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì bảy báu cũng xuất hiện, truyền khắp ở thế gian.

“Khi Như Lai xuất hiệnthế gian thì có bảy báu giác chi xuất hiện thế gian. Những gì là bảy? Niệm giác chi, pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an* giác chi, định giác chi, xả* giác chi xuất hiệnthế gian. Khi Như Lai xuất hiệnthế gian thì, báu bảy giác chi này cũng xuất hiệnthế gian. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác chi này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo, sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiệnthế gian, liền chọn lựa đất tốt mà xây thành quách, từ đông, tây mười hai do tuần; nam, bắc bảy do tuần. Đất đai màu mỡ, được mùa, hạnh phúc không thể nói hết. [731b] Bấy giờ, bên ngoài thành được bao bọc bảy lớp xen kẽ bởi bảy báu. Bảy loại báu ấy là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly, hổ phách, mã não, xà cừ. Đó gọi là bảy báu. Thành lại được bao quanh bởi bảy lớp hào rất sâu tạo thành bởi báu, khó mà vượt qua; trong hào toàn cát vàng. Lại có bảy lớp cây mọc chen giữa; các loại cây ấy có bảy loại màu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách. Thành trong được bao bọc bởi bảy lớp cửa kiên cố, cũng được làm bằng bảy báu. Khung cửa bằng bạc thì cánh cửa vàng, khung cửa bằng vàng thì cánh cửa bạc, khung cửa thuỷ tinh thì cánh cửa lưu ly, khung cửa bằng lưu ly thì cánh cửa thuỷ tinh, khung cửa bằng mã não thì cánh cửa hổ phách, rất là khóai lạc, thật không thể nói hết. Bốn mặt trong thành ấy có bốn ao tắm, mỗi một ao tắm dọc ngang một do tuần, có nước vàng, bạc, thuỷ tinh tự nhiên tạo thành. Ao nước bạc đông lại trở thành báu bạc, ao nước vàng đông lại trở thành báu vàng, Chuyển luân Thánh vương lấy đó mà sử dụng.

“Bấy giờ, trong thành kia có bảy loại âm thanh. Đó là tiếng tù và, tiếng trống, tiếng trống con, tiếng chuông, tiếng trống eo, tiếng múa, tiếng ca. Đó gọi là bảy loại âm thanh. Bấy giờ, nhân dân thường vui chơi theo đó. Chúng sanh nơi đó không bị nóng lạnh, cũng không bị đói khát, cũng không bịnh tật. Chuyển luân Thánh vương sống ở đời, thành tựu bảy báu này và bốn thần túc, không có giảm khuyết, không bao giờ mất. Nững gì là bảy báuChuyển luân Thánh vương thành tựu? Đó là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, người nữ báu, cư sĩ báu, điển binh báu. Lại có ngàn người con rất dũng mãnh, có thể hàng phục giặc ngoài. Cõi Diêm-phù-lý-địa này, không dùng dao gậy để giáo hóa dân trong nước.”

Khi ấy có một Tỳ-kheo hỏi Thế Tôn

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu bánh xe báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương, vào sáng sớm ngày rằm, tắm rửa, gội đầu lên trên đại điện, có ngọc nữ vây quanh. Khi, bánh xe báu đủ ngàn căm từ phương đông bay đến trước điện, ánh sáng rực rỡ huy hòang, chẳng phải do người tạo, cách mặt đất bảy nhẫn, từ từ đến trước vua, rồi dừng lại. Thấy vậy, Chuyển luân Thánh vương liền nói: ‘Ta nghe người xưa nói, vua Chuyển luân vào ngày rằm, tắm rửa, gội đầu, [732a] lên ngồi trên điện. Lúc ấy, bánh xe báu tự nhiên từ phương Đông đến trước vua dừng lại. Nay ta phải thử bánh xe báu này.’ Rồi vua Chuyển luân dùng tay phải nắm bánh xe báu mà nói rằng, ‘Giờ ngươi quay lăn cho đúng pháp, chớ đừng phi pháp.’ Bánh xe báu tự nhiên lăn quay và dừng trên không trung. Chuyển luân Thánh vương liền dẫn binh bốn bộ, cũng ở trên hư không. Khi ấy, bánh xe báu quay hướng về Đông, Chuyển luân Thánh vương cũng theo bánh xe báu mà đi. Khi bánh xe báu dừng, Chuyển luân Thánh vương và bốn bộ binh cũng dừng trên hư không. Bấy giờ, vua Túc tán[28] và nhân dân từ xa trông thấy vua đến, tất cả đều đứng dậy nghinh đón, lại dùng bát vàng đựng bạc mụn, bát bạc đựng vàng mụn, dâng lên cho Chuyển luân Thánh vương mà tâu với vua rằng, ‘Hoan nghênh Thánh vương! Nay nhân dân thành phương này rất đông đúc, an vui vô hạn. Cúi xin đại vương hãy ở lại đây cai trị.’ Chuyển luân Thánh vương bảo dân nước ấy, ‘Các ngươi hãy dùng pháp cai trị giáo hóa, chớ có dùng phi pháp, cũng chớ có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, cẩn thận chớ có dùng phi pháp cai trị giáo hóa.’ Sau đó, bánh xe báu lại di chuyển đến phương Nam, phương Tây, phương Bắc, vỗ về giáo hoá hết thảy nhân dân rồi trở về nơi vua đang trị vì, đi cách mặt đất bảy nhẫn và dừng lại. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu bánh xe báu như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Thế Tôn

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu voi báu như thế nào?” 

Thế Tôn bảo: 

“Tỳ-kheo, nên biết, vào ngày rằm, Chuyển luân Thánh vương tắm rửa, gội đầu, rồi lên trên đại điện. Bấy giờ, voi báu từ phương Nam đến, có sáu ngà, lông trắng buốt, có bảy chỗ bằng phẳng, được trang sức bằng vàng, bạc, châu báu, có thể bay trên hư không. Thấy vậy, Chuyển luân Thánh vương liền tự nghĩ: ‘Voi báu này rất kỳ diệu, hiếm có trên đời, thể tánh nhu hoà, không hung bạo. Nay ta phải thử voi báu này.’ Rồi thì, sáng sớm, khi mặt trời sắp mọc, Chuyển luân Thánh vương liền cưỡi voi báu này dạo khắp bốn biển, giáo hoá nhân dân. Chuyển luân Thánh vương thành tựu voi báu như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Thế Tôn

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngựa báu như thế nào?”

Thế Tôn nói:

“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, ngựa báu bay từ phía Tây đến, lông màu xanh đậm, lông đuôi có ánh đỏ, đi không lắc lư, [732b] có thể bay trên hư không, không có gì trở ngại. Thấy vậy, lòng rất vui mừng: ‘Ngựa báu này thật là kỳ lạ. Nay phải sai khiến nó. Thể tánh khôn và lành, không có bạo chứng. Ta phải thí nghiệm ngựa báu này.’ Rồi Chuyển luân Thánh vương liền cởi ngựa báu này đi khắp bốn châu thiên hạ, dạy dỗ nhân dân rồi trở về nơi chỗ ấy trị vì. Này các Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngựa báu như vậy.”

Tỳ-kheo bạch Phật

“Lại thành tựu ngọc báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Ở đây, Tỳ-kheo, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, lúc đó ngọc báu từ phương Đông bay đến, có tám góc, bốn mặt có ánh sáng, dài một thước sáu tấc. Chuyển luân Thánh vương thấy vậy, liền tự nghĩ: ‘Ngọc báu này rất kỳ lạ, ta phải thử nó.’ Rồi vào lúc nửa đêm, Chuyển luân Thánh vương tập hợp bốn bộ binh, đem ma-ni báu này gắn vào đầu ngọn cờ cao. Lúc đó, ánh sáng chiếu mười hai do tuần trong đất nước ấy. Bấy giờ, nhân dân trong thành thấy ánh sáng này, mọi người bảo nhau rằng: “Giờ mặt trời đã mọc, hãy lo liệu việc nhà.’ Chuyển luân Thánh vương ngồi trên điện, nhìn khắp nhân dân rồi trở vào trong cung. Sau đó, Chuyển luân Thánh vương đem ma ni này cất vào trong cung; cả trong ngoài đều sáng khắp, không đâu là không sáng. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngọc báu này như vậy.

Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu người nữ báu như thế nào?”

Thế Tôn nói: 

“Tỳ-kheo, nên biết, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, tự nhiên hiện ngọc nữ xuất báu này, dung mạo xinh đẹp, mặt như màu hoa đào, không cao, không thấp, không trắng, không đen, tánh tình nhu hòa, không hung bạo, hơi miệng có mùi hương hoa sen, thân phát mùi hương chiên đàn, thường theo hầu hạ Thánh vương, không quên thời khắc, thường tỏ ra hòa nhã vui cười nhìn vua. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu ngọc nữ như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật rằng: 

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu cư sĩ báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Ở đây, này Tỳ-kheo, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời liền có cư sĩ báu xuất hiệnthế gian, không cao, không thấp, thân thể màu hồng, tài cao, trí tột, không việc gì không suốt, lại đạt thiên nhãn thông. Bấy giờ, cư sĩ đi đến chỗ vua tâu với vua rằng, ‘Cúi [732c] mong Thánh vương sống lâu vô cùng! Nếu vua muốn cần vàng, bạc, châu báu gì, thần sẽ cung cấp hết thảy.’ Cư sĩ dùng thiên nhãn quán sát nơi có kho báu và nơi không có kho báu, đều thấy tất cả. Vua có cần báu gì, tùy thời cung cấp. Khi ấy, Chuyển luân Thánh vương muốn thử cư sĩ báu kia, liền dẫn cư sĩ này qua sông, chưa đến bờ bên kia, liền nói với cư sĩ rằng, ‘Nay ta cần vàng, bạc, châu báu. Hãy làm sao có ngay bây giờ.’ Cư sĩ đáp, ‘Đến trên bờ trước, thần sẽ cung cấp.’ Chuyển luân Thánh vương nói, ‘Nay ta cần báu ở đây, chứ không cần khi đến trên bờ.’ Khi ấy, cư sĩ liền quỳ xuống, chấp tay hướng xuống nước, tức thì bảy báu trong nước liền vọt lên. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương bảo trưởng giả, ‘Thôi, Thôi, Cư sĩ! Không cần báu nữa.’ Này các Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu cư sĩ báu như vậy.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật

“Chuyển luân Thánh vương thành tựu điển binh báu như thế nào?”

Thế Tôn bảo: 

“ Ở đây, Tỳ-kheo, khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời liền có điển binh báu tự nhiên hiện đến, thông minh, cái thế, biết trước tình người, thân thể hồng hào, đi đến chỗ Chuyển luân Thánh vương, tâu Thánh vương: ‘Cúi mong Thánh vương cứ tự nhiên hưởng lạc thú. Nếu Thánh vương muốn cần binh chúng, tiến thoái đúng lúc, thần sẽ cung cấp ngay.’ Rồi điển binh báu theo ý vua, tập họp binh chúng ở cạnh vua. Bấy giờ, Chuyển luân Thánh vương muốn thử điển binh báu, liền tự nghĩ: ‘Hãy tập họp binh chúng của ta ngay bây giờ!’ Lập tức binh chúng liền ở ngoài cửa vua. Nếu ý muốn Chuyển luân Thánh vương khiến binh chúng đứng yên, liền đứng yên; muốn tiến thì, liền tiến. Này Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thành tựu điển binh báu như vậy.

“Tỳ-kheo nên biết, Chuyển luân Thánh vương thành tựu bảy báu này như vậy.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn

“Thế nào là Chuyển luân Thánh vương thành tựu bốn thần túc, được nhiều thiện lợi?”

Phật bảo Tỳ-kheo: 

“Ở đây, Chuyển luân Thánh vương tướng mạo đoan chánh, hiếm có trên đời, hơn hẳn người thường. Giống như thiên tử kia, không ai sánh kịp. Đó gọi là Chuyển luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ nhất này.

“Lại nữa, Chuyển luân Thánh vương thông minh, cái thế, không gì không điêu luyện; là bậc hùng mãnh trong người. Bấy giờ, không ai hơn trí huệ phong phú cùa Chuyển luân Thánh vương này. Đó gọi là (Chuyền luân Thánh vương) thành tựu thần túc thứ hai. 

[733a] “Lại nữa Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương không hề có bệnh tật; thân thể khoẻ mạnh, mọi thứ đồ ăn thức uống tự nhiên tiêu hoá, không lo các chứng đại tiểu tiện. Đó gọi là Chuyển luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ ba.

“Lại nữa Tỳ-kheo, Chuyển luân Thánh vương thọ mạng rất dài, tuối thọ không thể tính. Tuổi thọ con người lúc ấy không ai hơn tuổi thọ Chuyển luân Thánh vương. Này Tỳ-kheo, đó gọi là Chuyển luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ tư này. 

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là Chuyển luân Thánh vương có bốn thần túc.”

Tỳ-kheo kia lại bạch Phật

“Sau khi Chuyển luân Thánh vương mạng chung, sẽ sanh nơi nào?” 

Thế Tôn nói: 

“Chuyển luân Thánh vương, sau khi mạng chung, sẽ sanh lên trời Tam thập tam, thọ mạng ngàn tuổi. Vì sao vậy? Vì tự thân Chuyển luân Thánh vương không sát sanh, lại dạy người khác khiến không sát sanh; tự mình không trộm cướp, lại dạy người khiến không trộm cướp; tự mình không dâm dật, lại dạy người khiến không dâm dật; tự mình không nói dối, lại dạy người khiến không nói dối; tự mình hành pháp thập thiện, lại dạy người khiến hành pháp thập thiện

“Các Tỳ-kheo, nên biết, Chuyển luân Thánh vương nhờ công đức này, sau khi mạng chung, sanh lên trời Tam thập tam.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia liền tự nghĩ: 

“Chuyển luân Thánh vương thật đáng được hâm mộ. Muốn nói đó là con người, lại chẳng phải là người; nhưng kỳ thật chẳng phải là trời mà lại thi hành việc trời, hưởng thụ lạc thú vi diệu, không đoạ ba đường dữ. Nếu hôm nay ta dũng mãnh giữ giới, chắc sẽ có phước để đời tương lai được làm Chuyển luân Thánh vương, không thích hay sao?”

Bấy giờ, Thế Tôn biết được những ý nghĩ trong tâm Tỳ-kheo kia, bảo tỳ-kheo kia: 

“Ở trước Như Lai, đừng có ý nghĩ như vậy. Vì sao vậy? Chuyển luân Thánh vương tuy thành tựu bảy báu, có bốn thần túc không ai sánh kịp, nhưng vẫn không thóat khỏi ba đường dữđịa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì sao vậy? Vì Chuyển luân Thánh vương không đắc bốn thiền, bốn thần túc, không chứng đắc bốn đế. Vì nhân duyên này, sau lại đoạ vào ba đưòng dữ. Thân người rất khó được, gặp phải tám nạn, muốn thoát ra rất khó; sinh ở chính giữa nước cũng lại không dễ; muốn có bạn lương thiện cũng lại không phải dễ; muốn cùng thiện tri thức gặp nhau cũng lại không dễ; muốn theo học đạo trong giáo pháp Như Lai cũng lại khó gặp; Như Lai xuất hiện thật không thể gặp; giáo pháp được giảng dạy cũng khó gặp như vậy; hiểu bốn đế và bốn phi thường, thật khó mà được nghe. Chuyển luân Thánh vương cũng không được cứu cánh bốn pháp này.

“Này Tỳ-kheo, nếu khi Như Lai xuất hiện ở đời, khi ấy có bảy báu này xuất hiệnthế gian; đó là báu bảy giác chi của Như Lai, dẫn đến cứu cánh vô biên, chỗ trời người khen ngợi. 

“Này Tỳ-kheo, nay khéo tu phạm hạnh, ngay hiện thân này sẽ chấm dứt được biên tế khổ, thì cần gì đến bảy báu của Chuyển luân Thánh vương?

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nghe những lời dạy của Như Lai như vậy, ở tại nơi vắng vẻ tư duy đạo pháp, vì mục đích mà thiện gia nam tử sở dĩ cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, tu chánh nghiệp vô thượng, để như thật biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia thành A-la-hán.

Tỳ-kheo kia sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 9[29]
Tôi nghe như vầy

Một thời, tôn giả Đồng Chân Ca-diếp[30] ở trong vườn Trú ám,[31] nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào nửa đêm, Ca-diếp kinh hành. Khi ấy có vị trời đến chỗ Ca-diếp, ở giữa hư không nói với Ca-diếp: 

“Tỳ-kheo nên biết, ngôi nhà[32] này ban đêm bốc khói, ban ngày bị lửa cháy[33]. Có người Bà-la-môn nói vơi một người có trí: ‘Giờ ông hãy cầm đao đục núi[34]. Khi đang đục núi tất sẽ thấy một đồ gánh[35] thì hãy nhổ nó lên. Rồi ông đục lại núi; khi đang đục núi tất sẽ thấy núi. Giờ hãy hãy bỏ núi. Ông lại đục núi; khi đang đục núi tất thấy con ễnh ương. Bấy giờ ông hãy bỏ[36] con ễnh ương. Ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ thấy đống thịt. Thấy đống thịt, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đang đục núi sẽ gặp cái gông. Thấy cái gông, hãy bỏ nó. Bây giờ, ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy hai con đường.[37] Khi thấy hai đường, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy cành cây. Thấy cành cây, hãy bỏ nó. Bây giờ ông lại đục núi; khi đục núi sẽ thấy con rồng.[38] Thấy con rồng rồi, chớ nói gì với nó, hãy lo tự quy mạng,[39] và để yên nó đó.[40] 

“Này Tỳ-kheo! Hãy suy nghĩ kỹ nghĩa này. Nếu không hiểu thì lập tức đến thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn hỏi điều này. Nếu Như Lai có dạy điều gì thì khéo nhớ nghĩ mà thực hành. Vì sao vậy? Vì hiện tại tôi cũng không thấy có người, sa-môn, bà-la-môn, [733c] Ma hoặc Thiên ma nào có thể hiểu nghĩa này, trừ Như Laiđệ tử Như Lai, hoặc nghe từ tôi[41].”

Ca-diếp bảo vị thiên: 

“Việc này thật hay!”

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn; đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Ca-diếp hỏi Thế Tôn

“Nay con muốn hỏi nghĩa Như Lai. Những điều vị trời nói, ý nghĩa nhắm đến cái gì? Vì sao nói nhà này ban đêm bốc khói, ban ngày lửa cháy? Tại sao nói là Bà-la-môn? Tại sao nói là người trí? Lại nói đục núi, ý nghĩa này nhắm đến cái gì? Nói về con dao, con cũng không hiểu. Tại sao nói là đồ gánh? Lại nói về núi, nghĩa này thế nào? Tại sao lại nói con ễnh ương? Tại sao lại nói đống thịt? Tại sao lại nói cái gông? Tại sao nói hai con đường? Cành cây, nghĩa nó thế nào? Tại sao nói là con rồng?” 

Thế Tôn bảo: 

“Nhà tức là hình thể do sắc bốn đại tạo thành, nhận huyết mạch cha mẹ dần dần lớn lên, thường được nuôi dưỡng bằng thức ăn không để thiếu thốn, là pháp phân tán. Ban đêm có khói là chỉ cho tâm niệm của các loài chúng sanh. Ban ngày lửa cháy là chỉ cho hành động do thân, miệng, ý đã tạo. Bà-la-môn là A-la-hán. Người trí là người học.[42] Đục núi là chỉ tâm tinh tấn. Con dao chính là chỉ trí huệ. Đồ gánh là năm kết sử.[43] Núi là kiêu mạn.[44] Con ếch là chỉ tâm sân hận. Đống thịt là chỉ tham dục. Cái gông chỉ năm dục.[45] Hai đường là chỉ nghi ngờ. Cành cây là vô minh.[46] Rồng là chỉ Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác.[47] Những lời vị thiên kia nói, nghĩa nó như vậy. Nay ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ, không lâu sẽ dứt sạch hữu lậu.”

Sau khi vâng lời Như Lai dạy, Ca-diếp ở nơi vắng vẻ mà tự tu hành, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, tu phạm hạnh, biết như thật rằng, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Ca-diếp thành A-la-hán.

Ca-diếp sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH SỐ 10[48]
Tôi nghe như vầy

Một thời, đức Phật trua tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt, cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm Tỳ-kheo vị. Mãn Nguyện Tử[49] cũng dẫn theo [734a] năm trăm Tỳ-kheo an cư ở sanh quán.[50] 

Bấy giờ, sau khi kiết hạ chín mươi ngày ở thành La-duyệt, Thế Tôn đi du hoá trong nhân gian dần dần đến vườn cây Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Các Tỳ-kheo phân tán trong nhân gian cũng đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. 

Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi hạ an cư ở đâu?”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Chúng con hạ an cư tại quê nhà.”

Thế Tôn bảo: 

“Trong số các Tỳ kheo các ngươi an cư tại sanh quán, ai là người sống với hạnh a-lan-nhã, lại hay khen ngợi a-lan-nhã, tự hành khất thực, lại khuyến khích người khiến hành khất thực không mất thời nghi, tự đắp y vá nhiều mảnh,[51] lại khuyến khích người khiến đắp y vá nhiều mảnh, tự tu tri túc, lại cũng ca ngợi hạnh tri túc, tự mình sống ít ham muốn, cũng lại ca ngợi hạnh ít ham muốn, tự thích nơi nhàn tĩnh, lại khuyến khích người khác ở nơi nhàn tĩnh; tự giữ hạnh ấy, lại khuyến khích người khác khiến giữ hạnh ấy, tự thân giới thanh tịnh đầy đủ, lại khuyến khích người khác khiến tu giới ấy, tự thân thành tựu tam-muội, lại khuyến khích người khác khiến hành tam-muội, tự thân thành tựu trí huệ, lại dạy người khác khiến hành trí huệ, tự thân thành tự giải thoát, lại khuyến khích người khác khiến hành giải thoát, tự thân thành tựu giải thoát tri kiến[52], lại khuyến khích người khác khiến hành pháp này, tự thân cò thể giáo hoá không biết chán đủ, nói pháp không lười mỏi?”

Ccác Tỳ-kheo bạch Thế Tôn

“Tỳ-kheo Mãn Nguyện Tử ở trong chúng Tỳ-kheo này kham nhận giáo hoá. Tự thân tu hạnh a-lan-nhã, cũng lại khen ngợi hạnh a-lan-nhã, tự thân mặc y vá, ít ham muốn, biết đủ, tinh tấn, dũng mãnh, khất thực, thích ở nơi vắng vẻ, thành tựu giới, tam-muội, trí huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến*, lại khuyến khích người khác khiến hành pháp này, tự mình có thể giáo hoá, nói pháp không biết chán đủ.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe. Sau khi nghe pháp xong, các Tỳ-kheo ngồi lại một lát, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng và ra đi.

Trong lúc ấy, cách Thế Tôn không xa, Xá-lợi-phất ngồi kiết già, chánh thân chánh ý, buộc niệm trước mặt. Khi ấy, Xá-lợi-phất [734a] suy nghĩ như vầy: “Hôm nay Mãn Nguyện Tử được nhiều thiện lợi. Vì sao vậy? Các Tỳ-kheo phạm hạnh khen ngợi đức kia và Thế Tôn lại xác nhận lời này, cũng không phản đối. Ngày nào ta sẽ cùng vị ấy được gặp nhauđàm luận với vị ấy?”

Bấy giờ, tại quê hương mình, Mãn Nguyện Tử giáo hoá đã xong, sau đó đi giáo hoá trong nhân gian, lần hồi đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Thế Tôn thứ tự nói pháp cho nghe. Mãn Nguyện Tử sau khi nghe pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi ra đi, lấy ni-sư-đàn vắt trên vai hữu, đi đến trong vườn Trú ám.

Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ xa trông thấy Mãn Nguyện Tử lấy ni-sư-đàn vắt trên vai hữu, đi đến trong vườn kia. Thấy vậy, ông liền đến chỗ Xá-lợi-phất, bạch rằng:[53] 

“Thế Tôn thường khen ngợi Mãn Nguyện Tử. Thầy ấy vừa đến chỗ Như Lai nghe Phật nói pháp, nay đang đi vào trong rừng. Tôn giả nên biết thời thích hợp.”

Sau khi nghe Tỳ-kheo ấy nói, Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai phải và đi đến trong khu rừng kia.

Bấy giờ, Mãn Nguyện Tử ngồi kiết già dưới một bóng cây. Xá-lợi-phất cũng lại ngồi kiết già tư duy ở dưới một bóng cây. Sau đó, Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Mãn Nguyện Tử. Đến nơi, sau khi cùng hỏi thăm nhau, rồi ngồi qua một bên. Xá-lợi-phất hỏi Mãn Nguyện Tử

“Thế nào, Mãn Nguyện Tử, có phải do[54] Thế Tôn mà ngài làm đệ tử tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Đúng vậy, đúng vậy.”

Xá-lợi-phất lại hỏi: 

“Lại có phải nhân bởi[55] Thế Tôn mà được tu giới thanh tịnh[56] không?”

Mãn Nguyện Tử nói: 

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói: 

“Có phải do tâm thanh tịnh[57] nên nương nơi Như Lai mà tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói: 

“Có phải vì kiến thanh tịnh nên nương nơi Như Lai mà tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Không phải”

Xá-lợi-phất nói: 

“Thế nào, có phải vì không do dự[58] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp:

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Có phải do hành tích thanh tịnh[59] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp:

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Thế nào, có phải vì trí thanh tịnh ở trong đạo[60] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp:

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Thế nào, có phải vì tri kiến thanh tịnh [734c] mà được tu phạm hạnh không?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Không phải.”

Xá-lợi-phất nói:

“Những câu hỏi vừa rồi của tôi, ‘Có phải ở nơi Như Lai mà được tu phạm hạnh không?’ Thầy lại đáp tôi rằng: ‘Đúng vậy.’ Tôi lại hỏi: ‘Có phải do trí tuệ, tâm thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh, được tu phạm hạnh không?’ Thầy lại nói: ‘Không phải.’ Vậy vì sao thầy ở nơi Như Lai mà được tu phạm hạnh?”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Nghĩa[61] giới thanh tịnh là để khiến tâm thanh tịnh. Nghĩa* tâm thanh tịnh là để khiến kiến thanh tịnh. Nghĩa* kiến thanh tịnh là để khiến không do dự thanh tịnh. Nghĩa* không do dự thanh tịnh là để khiến hành tích thanh tịnh. Nghĩa* hành tích thanh tịnh là để khiến đạo thanh tịnh. Nghĩa* đạo thanh tịnh là để khiến tri kiến thanh tịnh. Nghĩa* tri kiến thanh tịnh là để khiến nhập nghĩa Niết-bàn.[62] Đó gọi là ở nơi Như Lai mà được tu phạm hạnh.”

Xá-lợi-phất hỏi: 

“Nghĩa thầy nói hôm nay nhắm về đâu?”

Mãn Nguyện Tử nói: 

“Nay tôi sẽ đưa ra thí dụ để giải thích nghĩa này. Người trí nhờ thí dụ mà hiểu nghĩa đó, người trí tự ngộ. Giống như hôm nay vua Ba-tư-nặc đi từ thành Xá-vệ đến nước Bà-kì, khoảng giữa hai nước bố trí bảy chiếc xe. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra khỏi thành, lên chiếc xe thứ nhất, đến chiếc thứ hai; lên chiếc thứ hai, bỏ chiếc thứ nhất lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ ba và bỏ chiếc thứ hai lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ tư và bỏ chiếc thứ ba lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ năm và bỏ chiếc thứ tư lại, đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ sáu và bỏ chiếc thứ năm lại; đi về trước một lát, lại lên chiếc thứ bảy và bỏ chiếc thứ sáu lại để vào nước Bà-kì. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đã đến trong cung, nếu có người hỏi: ‘Hôm nay Đại vương đi cỗ xe nào đến cung này?’ thì vua ấy sẽ đáp thế nào?”

Xá-lợi-phất đáp: 

“Nếu có người hỏi thì sẽ đáp như vầy: ‘Tôi ra khỏi thành nước Xá-vệ, trước lên xe thứ nhất đến xe thứ hai; lại bỏ xe thứ hai, lên xe thứ ba; lại bỏ xe thứ ba, lên xe thứ tư; lại bỏ xe thứ tư, lên xe thứ năm; lại bỏ xe thứ năm, lên xe thứ sáu; lại bỏ xe thứ sáu, lên xe thứ bảy đến nước Bà-kỳ. Vì sao vậy? Vì tất cả nhờ xe trước đến xe thứ hai, lần lượt làm nhân cho nhau đến được nước kia.’ Nếu có người hỏi thì nên trả lời như vậy.”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Nghĩa* giới thanh tịnh cũng lại như [735a] vậy. Do tâm thanh tịnh mà được kiến thanh tịnh; do kiến thanh tịnh mà đạt được trừ do dự; do nghĩa không do dựđạt được hành tích thanh tịnh; do nghĩa hành tích thanh tịnhđạt được đạo thanh tịnh; do nghĩa đạo thanh tịnhđạt được tri kiến thanh tịnh; do nghĩa tri kiến thanh tịnhđạt được nghĩa Niết-bàn, do đó mà ở nơi Như Lai được tu phạm hạnh. Vì sao vậy? Vì nghĩa giới thanh tịnh là tướng chấp thủ[63], nhưng Như Lai dạy khiến trừ chấp thủ*. Nghĩa tâm thanh tịnh cũng là tướng chấp thủ, nhưng Như Lai dạy trừ chấp thủ cho đến nghĩa tri kiến cũng là chấp thủ. Như Lai dạy trừ chấp thủ cho đến Niết-bàn, do đó mà ở nơi Như Lai được tu phạm hạnh. Nếu chỉ vì giới thanh tịnh mà nương nơi Như Lai tu phạm hạnh, thì ngay kẻ phàm phu cũng sẽ diệt độ.[64] Vì sao vậy? Vì kẻ phàm phu cũng có giới pháp này.[65] Thế Tôn đã dạy, theo thứ lớp thành đạo mà đến được Niết-bàn giới, chẳng phải chỉ có giới thanh tịnh mà đến được diệt độ. Giống như có người muốn lên trên lầu bảy tầng, phải theo thứ bậc mà đi lên. Nghĩa giới thanh tịnh cũng lại như vậy; dần dần mới đến tâm. Do tâm mà đạt đến kiến. Do kiến mà đạt đến không do dự. Do không do dựđạt đến hành tích thanh tịnh. Do hành tích thanh tịnh mà đến được đạo. Do đạo thanh tịnhđạt đến tri kiến. Do tri kiếnđạt đến Niết-bàn.”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất liền khen: 

“Lành thay, lành thay, nghĩa này được nói thật kheo léo. Thầy tên là gì? Các Tỳ-kheo phạm hạnh gọi thầy hiệu gì?”

Mãn Nguyện Tử nói: 

“Tôi tên là Mãn Nguyện Tử. Họ mẹ là Di-đa-na-ni.[66]”

Xá-lợi-phất nói: 

“Lành thay, lành thay, Mãn Nguyện Tử! Trong pháp Hiền thánh thật không ai sánh bằng thầy; trong lòng chứa đựng cam lồ, lại ban phát vô cùng. Nay tôi đã hỏi nghĩa rất sâu, thầy đều đã giải đáp tất cả. Cho dù các vị phạm hạnh đội thầy trên đầu mà đi khắp thế gian, cũng không thể báo đáp được ơn này. Những ai đến thân cận, hỏi han, người ấy sẽ được nhiều thiện lợi. Nay tôi cũng được lợi nhiều nhờ sự chỉ giáo đó.”

Mãn Nguyện Tử đáp: 

“Lành thay, lành thay, như những lời thầy nói! Thầy tên là gì? Các Tỳ-kheo gọi thầy là gì?”

Xá-lợi-phất đáp: 

“Tôi tên Ưu-ba-đề-xá. Mẹ tên Xá-lợi. Các Tỳ-kheo gọi tôi là Xá-lợi-phất.”

 [735b] Mãn Nguyện Tử nói: 

“Hôm nay tôi cùng đã bàn luận với bậc Đại nhân. Vậy mà trước đó tôi không biết vị Đại tướng[67] của pháp đến nơi này! Nếu tôi biết tôn giả Xá-lợi-phất đến đây thì không dám cùng biện luận đối đáp như vậy. Nhưng tôn giả hỏi nghĩa rất sâu này, nên tiếp theo đó tôi đã giải đáp

“Lành thay, Xá-lợi-phất! Vị Thượng thủ trong các đệ tử của Phật, thường an trú với pháp vị cam lồ. Dù cho các vị phạm hạnh đội tôn giả Xá-lợi-phất trên đầu mà đi khắp thế gian, từ năm này qua năm khác, cũng không thể báo đáp được ơn ấy chút nào. Ở đây, có chúng sanh nào đến hỏi thăm, thân cận tôn giả, người ấy sẽ có được nhiều lợi. Chúng tôi cũng được lợi nhiều.”

Bấy giờ, hai hiền giả đàm luận với nhau trong khu ấy ấy như vậy.

Sau khi hai vị nghe điều đã được nói, đều hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt

Đẳng pháp và Trú độ,

Dụ nước và thành quách,

Thức, Quân-đầu, hai luân,

Bà-mật và bảy xe.[68]

40 . PHẨM BẢY NGÀY

KINH SỐ 1[69]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, sau giờ ăn, các Tỳ-kheo tập trung ở giảng đường Phổ hội bàn luận như vầy: “Núi Tu-di này rất là rộng lớn, các núi khác không thể sánh, hết sức kỳ lạ, cao rộng hùng vĩ. Như vậy mà không bao lâu nữa sẽ bị tan rã, không còn sót thứ gì. Các núi lớn khác y tựa vào núi Tu-di, cũng sẽ tan rã.”

Bấy giờ, Thế Tôn bằng thiên nhĩ nghe các Tỳ-kheo bàn luận như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ giảng đường kia và ngồi xuống. Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi ở đây đang bàn luận những gì? Đang định làm gì?”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Chúng con tụ tập ở đây luận về pháp sự kia. Những điều vừa được thảo luận đều đúng như pháp.” 

Thế Tôn bảo:

“Lành thay, [735c] Tỳ-kheo! Các ngươi xuất gia cần phải phải thảo luận chánh pháp. Nhưng cũng không bỏ sự im lặng của Hiền Thánh. Vì sao vậy? Khi các Tỳ-kheo tụ tập một chỗ thì nên làm hai việc. Nhừng gì là hai? Một là luận bàn như pháp; hai là im lặng như Thánh Hiền. Các ngươi làm hai việc này, luôn luôn được an ổn, không mất thời nghi. Vừa rồi, các ngươi đã luận nghĩa như pháp những gì vậy?”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Hôm nay, các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường này để luận nghĩa như vầy: ‘Thật là kỳ lạ, núi Tu-di này hết sức cao rộng, nhưng núi Tu-di này như vậy không bao lâu sẽ bị tan rã. Các núi Thiết vi ở bốn phía cũng sẽ bị tan rã như vậy.’ Vừa rồi chúng con tụ tập ở đây bàn luận như pháp vậy.”

Thế Tôn bảo:

“Các ngươi có muốn nghe sự biến chuyển đưa đến bại hoại của cảnh giới thế gian này không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật

“Nay là lúc thích hợp, cúi xin Thế Tôn hợp thời giảng nói, để cho chúng sanh được tâm giải thoát.”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ luôn trong lòng.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn.” 

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo: 

“Núi Tu-di thật rộng lớn, không núi nào có thể sánh bằng. Tỳ-kheo, nên biết, núi Tu-di nhô khỏi mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do tuần và chìm dưới nước sâu cũng tám vạn bốn ngàn do tuần. Núi Tu-di được tạo nên do bốn loại báu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Lại có bốn góc cũng được tạo thành do bốn loại báu là vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Thành vàng, quách bạc; thành bạc, quách vàng; thành thuỷ tinh, quách lưu ly; thành lưu ly, quách thuỷ tinh. Trên núi Tu-di có năm loại trời cư trú ở đó, đều do túc duyên mà sống nơi này. Những gì là năm? Trong thành bạc kia có trời Tế cước[70] cư trú; trong thành vàng kia có trời Thi-lợi-sa[71] cư trú; trong thành thuỷ tinh kia có trời Hoan duyệt[72] cư trú; trong thành lưu ly kia có trời Lực thạnh[73] cư trú. Giữa thành vàng và bạc có Tì-sa-môn Thiên vương cư trú cùng với số lượng Dạ-xoa không thể đếm xuể. Giữa thành vàng và thuỷ tinh có Tì-lưu-bác-xoa Thiên vương cư trú cùng với các Long thần. Giữa thành thuỷ tinhlưu ly có Tì-lưu-lặc-xoa Thiên vương cư trú. Giữa thành lưu ly và vàng có Đề-đầu-lại-tra Thiên vương cư trú .

“Tỳ-kheo, nên biết, [736a] dưới núi Tu-di có A-tu-la cư trú. Khi A-tu-la muốn đánh nhau với trời Tâm thập tam thì trước cùng đánh nhau với trời Tế cước. Nếu thắng, tiến đến thành vàng cùng đánh nhau với trời Thi-lợi-sa. Khi đã thắng trời Thi-lợi-sa, lại đến thành thuỷ tinh cùng đánh nhau với trời Hoan duyệt. Thắng rồi, chúng tiến đến thành lưu ly. Thắng đây rồi, chúng đánh nhau với trời Tam thập tam.[74]

“Tỳ-kheo, nên biết, trời Tam thập tam cư trú trên đỉnh núi Tu-di, ngày đêm phát ra ánh sáng; tự chiếu sáng cho nên như vậy. Nương vào núi Tu-di mà mặt trời, mặt trăng trôi đi. Nhật thiên tử có thành quách dài rộng năm mươi mốt do tuần. Nguyệt thiên tử có thành quách dài rộng ba mươi chín do tuần. Ngôi sao lớn nhất dài rộng một do tuần, sao nhỏ nhất dài rộng hai trăm bộ. Đỉnh núi Tu-di từ đông sang tây,từ nam đến bắc, dài rộng tám vạn bốn nghìn do tuần. Gần núi Tu-di, phía nam có núi Đại thiết vi[75] dài rộng dài tám vạn bốn nghìn dặm, cao tám vạn dặm. Thêm nữa, ngoài núi này có núi Ni-di-đà[76] bọc quanh núi ấy, cách núi Ni-di-đà lại có núi tên là Khư-la,[77] cách núi này lại còn có núi tên Ti-sa,[78] cách núi này lại còn có núi tên Mã đầu,[79] lại có núi tên Tì-na-da, kế núi Tì-na-da[80] lại có núi tên Thiết vi, Đại thiết vi.

“Chính giữa núi Thiết vi có tám địa ngục lớn, mỗi[81] địa ngục có mười sáu ngục phụ.[82] Núi Thiết vi này giúp ích rất nhiều cho Diêm-phù-đề-lý-địa. Nếu không có núi Thiết vi này, Diêm-phù-đề-lý-địa thường là nơi hôi thối. Bên ngòai núi Thiết vi có núi Hương tích;[83] cạnh đó có tám vạn bốn ngàn voi chúa trắng sinh sống nơi này. Mỗi con có sáu ngà được trang sức bằng vàng, bạc. Trong núi ấy có tám vạn bốn ngàn hang, các voi ấy cư trú ở đó. Con voi tối thượng được tạo bởi vàng, bạc, thuỷ tinh, lưu ly. Thích Đề-hoàn Nhân thường tự thân cởi nó. Chuyển luân Thánh vương cởi voi nhỏ nhất. Cạnh núi Hương tích có ao nước Ma-đà, sinh tòan hoa sen ưu-bát, hoa câu-mâu-đầu; những con voi kia nhổ rễ ăn. Cạnh ao nước Ma-đà có núi tên Ưu-xà-già-la. Núi này sanh ra đủ loại cây cỏ, chim, thú, sâu bọ, hổ báo đều nương vào núi này mà ở, có nhiều người đắc thần thông cũng đều sống ở đây. Kế đó lại có núi tên Bàn-trà-bà, tiếp lại có núi tên Kỳ-xà-quật. [736a] Đây là chỗ y cứ của mà Diêm-phù-lý-địa.

“Các Tỳ-kheo nên biết, cho đến một lúc, khi thế gian này sắp băng hoại, trời không mưa, những lúa mạ đã gieo không tăng trưởng, các con sông suối nhỏ đều bị khô cạn, tất cả các hành đều qui về vô thường, không tồn tại lâu. 

“Tỳ-kheo nên biết, hoặc có lúc bốn sông lớn như Hằng hà, Tư-đầu, Tử-đà, Bà-xoa cũng lại khô cạn không còn gì sót lại. Cũng vậy Tỳ-kheo, vô thường trăm lần biến đổi chính là vậy.

“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi thế gian này có hai mặt trời xuất hiện, lúc ấy các loại cây cối thảo mộc đều điêu tàn. Cũng vậy Tỳ-kheo, vô thường biến dịch, không được tồn tại lâu dài. Lúc ấy, nước các nguồn suối nhỏ đều khô cạn. Tỳ-kheo, nên biết, khi hai mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn tất cả đều khô cạn đến cả trăm do tuần, dần dần đến bảy trăm do tuần, nước tự nhiên khô.

 “Tỳ-kheo, nên biết, khi ba mặt trời xuất hiệnthế gian, nước bốn biển lớn trong vòng ngàn do tuần, tự nhiên khô cạn, dần dần cho đến bảy ngàn do tuần, nước tự nhiên khô cạn.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi bốn mặt trời xuất hiện, nước bốn biển lớn chỉ còn sâu khoảng một ngàn do tuần. Như vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường không tồn tại lâu dài được.

“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi thế gian có năm mặt trời xuất hiện, lúc ấy nước trong bốn biển lớn chỉ còn bảy trăm do tuần nước, dần dần còn lại một trăm do tuần. Tỳ-kheo, nên biết, khi năm mặt trời xuất hiện, nước biển chỉ còn một do tuần; dần dần nước khô không còn gì hết. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước chỉ còn bảy thước. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước biển khô hết không còn gì. Tỳ-kheo, nên biết, tất cả các hành đều vô thường, không tồn tại lâu dài được.

“Tỳ-kheo, cho đến một lúc, khi sáu mặt trời xuất hiện, mặt đất dày sáu vạn tám ngàn do tuần này đều bốc khói hết. Núi Tu-di cũng dần dần bị sụp lở. Khi sáu mặt trời xuất hiện, ba ngàn đại thiên quốc độ này đều băng họai. Giống như người thợ gốm nung đồ gốm. Lúc ấy, ba ngàn đại thiên quốc độ cũng lại như vậy, lửa cháy bừng bừng, lan khắp nơi. 

“Tỳ-kheo, nên biết, khi sáu mặt trời xuất hiện, tám địa ngục lớn cũng bị tiêu diệt, nhân dân qua đời. Năm loại trời nương vào núi Tu-di cũng mạng chung. Trời Tam thập tam, trời Diêm thiên, cho đến trời Tha hoá [736c] tự tại cũng mạng chung; cung điện đều trống. Khi sáu mặt trời xuất hiện, núi Tu-di và ba ngàn đại thiên quốc độ đều trống không, không còn gì. Như vậy, Tỳ-kheo, các hành đều vô thường, không tồn tại lâu dài được.

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, khi bảy mặt trời xuất hiện, bấy giờ đất tuy dày sáu vạn tám ngàn do tuần và ba ngàn đại thiên quốc độ đều bốc lửa. Khi bảy mặt trời xuất hiện, núi Tu-di này dần dần tan họai, trăm ngàn do tuần tự nhiên sụp lở hòan tòan không còn gì, cũng không còn thấy mảy may khói bụi, huống gì là thấy tro! 

“Khi ấy, cung điện trời Tam thập tam cho đến trời Tha hoá tự tại đều bốc lửa. Lửa bốc cháy nơi này cho đến trên Phạm thiên. Các thiên tử mới sinh ở thiên cung kia, vì xưa nay không thấy kiếp thiêu, nên khi thấy ánh lửa bốc cháy này trong lòng kinh hãi, lo bị lửa đốt. Song những vị thiên tử sống lâu, đã từng thấy kiếp thiêu liền đến an ủi những thiên tử mới sanh: ‘Các ông chớ có lo sợ. Lửa này hòan tòan không thể lan đến nơi này.’ 

“Tỳ-kheo, nên biết, khi bảy mặt trời xuất hiện, từ nơi này đến sáu trời Dục giới, cho đến ba ngàn đại thiên quốc độ, đều thành tro bụi, cũng không còn dấu vết hình chất. Như vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường, không thể bảo tồn lâu, đều đưa đến hoại diệt. Bấy giờ, nhân dân qua đời, sinh về quốc độ khác, hoặc sinh lên trời. Chúng sanh nào trong địa ngục, nếu tội trước đã hết thì sinh lên trời, hoặc quốc độ khác. Nếu chúng sanh địa ngục kia chưa hết tội thì lại dời đến quốc độ khác. 

“Tỳ-kheo, nên biết, khi bảy mặt trời xuất hiện, không còn dấu vết ánh sáng mặt trời, mặt trăngtinh tú. Khi ấy mặt trời mặt trăng đã diệt, không còn ngày và đêm. Này Tỳ-kheo, đó gọi là vì quả báo nên đưa đến tan rã này.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi thành tựu kiếp trở lại, cho đến một lúc lửa tự nó tắt mất, trong hư không nổi lên mây lớn, dần dần mưa xuống. Khi ấy, ba ngàn đại thiên quốc độ này đều ngập nước. Nước dâng lên cõi Phạm thiên

“Tỳ-kheo, nên biết, bấy giờ nước này dần dần ngưng lại và tự tiêu hết. Lại có cơn gió khởi lên tên là Tuỳ lam, thổi nước này tụ lại một chỗ. Lúc bấy giờ, gió này lại thổi dậy một ngàn núi Tu-di, một ngàn núi Kì-di-đà,[84] một ngàn núi Ni-di-đà, một ngàn núi Khư-la, một ngàn núi Y-sa, một ngàn núi Tỳ-na, một ngàn núi Thiết vi, một ngàn núi Đại thiết vi. Lại sinh tám ngàn địa ngục, [737a] lại sanh một ngàn núi Mã đầu, một ngàn núi Hương tích, một ngàn núi Bàn-trà-bà, một ngàn núi Ưu-xà-già, một ngàn cõi Diêm-phù-đề, một ngàn cõi Cù-da-ni, một ngàn cõi Phất-vu-đãi, một ngàn cõi Uất-đơn-việt. Lại sinh nước một ngàn biển, lại sinh một ngàn cung Tứ thiên vương, một ngàn trời Tam thập tam, một ngàn Diệm thiên, một ngàn trời Đâu-suất, một ngàn trời Hoá tự tại, một ngàn trời Tha hoá tự tại.

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, nước rút, đất bày trở lại. Khi ấy trên đất tự nhiên có lớp chất béo đất,[85] rất thơm ngon hơn cả cam lồ. Nên biết chất béo đất kia có mùi vị giống như rượu ngọt bồ đào

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc, các vị trời Quang âm nói với nhau: ‘Chúng ta xuống Diêm-phù-đề để xem mặt đất kia khi phục hồi trở lại.’ Thiên tử Quang âm xuống đến thế gian, thấy trên mặt đất có béo đất này liền dùng ngón tay quết đưa vào miệng mà ăn thử. Khi ấy, thiên tử ăn nhiều béo đất nên không còn oai thần và ánh sáng nữa, thân thể trở nên nặng mà sanh ra xương thịt, mất thần túc không còn bay được. Thiên tử nào ăn ít béo đất thì thân thể không nặng, cũng không mất thần túc, có thể bay lại trên hư không.

“Lúc ấy, những thiên tử mất thần túc đều cùng nhau than khóc, nói với nhau: ‘Nay chúng ta thật là cùng khốn, lại mất thần túc, phải ở lại thế gian, không thể trở lên trời lại được.’ Rồi họ ăn chất béo đất này, và để ý nhan sắc nhau. Khi ấy, thiên tử nào có nhiều dục ý thì trở thành thành người nữ, rồi làm tình dục cùng nhau vui thích

“Này Tỳ-kheo, đó gọi là lúc thế gian mới hình thành có pháp dâm này lưu truyền thế gian, là thường pháp tối sơ, khi người nữ xuất hiện ở đời; cũng lại là pháp xưa chẳng phải mới ngày nay. 

“Lúc ấy, các vị trời Quang âm khác thấy các thiên tử đoạ lạc liền đến quở trách rằng: ‘Vì sao các ông lại làm hạnh bất tịnh này.’ Lúc này, các chúng sanh lại tự nghĩ: ‘Chúng ta phải tìm cách nào để có thể nghỉ đêm với nhaumọi người không thấy.’ Dần dần chúng làm nhà cửa để tự che thân thể. Này Tỳ-kheo, đó gọi là do nhân duyên này mà ngày nay có nhà cửa.

“Tỳ-kheo, nên biết, cho đến một lúc chất béo đất tự nhiên lẩn xuống đất, sau đó sanh ra lúa gạo rất tươi sạch, cũng không có vỏ ngòai, hết sức thơm ngon khiến người ăn được mập trắng. Sáng thu hoạch, chiều lại sinh; chiều thu họach, sáng lại sinh. Này Tỳ-kheo, bấy giờ mới có tên lúa gạo này xuất hiện

[737b]“Tỳ-kheo, cho đến một lúc nhơn dân biếng nhác, không chuyên cần sinh họat. Có một người suy nghĩ: ‘Vì sao ngày nào ta cũng phải gặt hái lúa thóc này. Nên thu một lần cho cả hai ngày.’ Người đó liền đi thu hoạch lúa một lần cho hai ngày. 

“Bấy giờ, nhân dân lần lượt mang thai, và do đó có sự sanh đẻ.

“Một lúc nọ, có một chúng sanh bảo chúng sanh kia: ‘Chúng ta cùng đi gặt lúa.’ Người kia đáp: ‘Tôi đã lấy lương thực đủ cho hai ngày.’ Người này nghe xong bèn nghĩ nghĩ: ‘Ta phải chứa lương thực bốn ngày.’ Người ấy liền lo lương thực đủ bốn ngày. Lại có chúng sanh nói với chúng sanh ấy rằng: ‘Chúng ta cùng ra ngòai thâu lúa.’ Người này đáp: ‘Tôi đã lấy lương thực bốn ngày.’ Người kia nghe rồi liền nghĩ như vầy: ‘Ta phải lo lương thực tám ngày.’ Nó liền lo chứa thức ăn tám ngày. Do vậy, lúa kia không sinh trở lại. Bấy giờ, mọi người suy nghĩ như vầy: ‘Thế gian có tai hoạ lớn. Giờ lúa thóc này không như xưa nữa. Nay phải phân chia lúa thóc này.’ Tức thì chúng phân chia lúa thóc. Lúc ấy, có chúng sanh suy nghĩ như vầy: ‘Giờ ta hãy giấu lúa thóc mình. Nên ăn trộm lúa thóc người khác.’ Rồi chúng sanh ấy giấu lúa thóc mình, ăn trộm lúa thóc người khác. Chủ kia bắt gặp nó ăn trộm lúa thóc, liền nói với nó: ‘Sao ông lấy lúa thóc của tôi? Giờ tha tội ông, sau này chớ tái phạm.’ Bấy giờ, thế gian bắt đầu có tâm trộm cắp này. Lúc này, lại có chúng sanh nghe lời này rồi liền nghĩ như vầy: ‘Giờ ta hãy giấu lúa thóc mình. Nên trộm lúa thóc người khác.’ Rồi, chúng sanh ấy liền cất vật của mình mà lấy vật người khác. Người chủ kia thấy vậy, nói với nó: ‘Sao ông lại lấy lúa thóc tôi?’ Nhưng người kia im lặng không đáp. Lúc ấy, chủ vật liền giơ nắm tay đánh: ‘Từ nay về sau chớ có xâm lấn nữa!’ Bấy giờ, mọi người dân nghe chúng sanh trộm lẫn nhau, bền tụ tập và cùng bàn bạc: ‘Thế gian có phi pháp này, chúng trộm lẫn nhau. Nay phải lập người giữ ruộng để giữ gìn ruộng. Có chúng sanh kia thông minh tài giỏi nên lập làm chủ ruộng.’ Rồi họ bầu chọn chủ ruộng mà nói rằng: ‘Các vị nên biết, thế gian có sự trộm cắp phi pháp này. Nay ông hãy giữ ruộng, chúng tôi sẽ trả công cho. Những người dân nào đến lấy trộm lúa thóc người khác, hãy trị tội họ.’ Bấy giờ chủ ruộng được lập. 

“Tỳ-kheo, nên biết, người giữ ruộng kia bấy giờ [737c] được gọi là dòng sát-lợi, đều là pháp xưa chẳng phải pháp bây giờ.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ này:

Dòng sát-lợi bắt đầu, 

Đứng đầu trong các họ.

Người thông minh tài giỏi, 

Được trời người kính đãi.

“Bấy giờ, có người kia xâm phạm vật người khác, nó liền bị sát-lợi bắt trị phạt. Nhưng người ấy lại không sửa đổi lỗi mà vẫn tái phạm. Chúa sát-lợi ra lệnh làm đao trượng, bắt người kia mà bêu đầu. Bấy giờ thế gian bắt đầu có sự sát sanh này. Khi ấy, mọi người dân nghe giáo lệnh này: ‘Nếu có ai trộm cướp lúa thóc người khác, Chua sát-lợi sẽ bắt giết.’ Tất cả sợ hãi, lông tóc đều dựng đứng. 

“Có người dựng am cỏ, ở trong ấy toạ thiền, tu phạm hạnh, nhất quyết xả bỏ gia nghiệp, vợ con thê thiếp. Độc cư nhàn tịnh quyết chí tu phạm hạnh. Nhân từ đó về sau có dòng họ bà-la-môn. Bấy giờ liền có hai dòng họ xuất hiện ở đời.

“Tỳ-kheo, nên biết, thời bấy giờ do trộm cắp nên có sát sanh; do sát nên có đao trượng. 

“Bấy giờ, chúa sát-lợi bố cáo nhân dân: ‘Người nào dẹp đẽ, tài cao, sẽ được giáo thống lĩnh nhân dân này.’ Lại bố cáo: ‘Nếu người dân nào trộm cắp sẽ bị trừng trị.’ Sau đó liền có dòng họ tỳ-xá này xuất hiện ở đời. 

“Bấy giờ, có nhiều chúng sanh nghĩ như vầy: ‘Nay mọi người sát hại nhau, đều là do nghề nghiêp mà ra. Nay ta phải lui tới khắp nơi để mưu tự nuôi sống.’ Khi ấy liền có dòng họ Thủ-đà-la xuất hiện ở đời.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ này:

Đầu tiên dòng sát-lợi; 

Kế đến bà-la-môn;

Thứ ba là tỳ-xá; 

Tiếp nữa dòng thủ-đà.

Có bốn dòng dõi này, 

Dần dần sanh lẫn nhau,

Đều từ thân trời đến, 

Và cùng một sắc da.

“Tỳ-kheo, nên biết, khi có tâm sát sanh, trộm cắp này, nên không còn có lúa thóc tự nhiên này nữa. Bấy giờ, có năm loại hạt giống, một là hạt từ rễ, hai là hạt từ thân, ba [738a] là hạt từ cành, bốn là hạt từ hoa, năm là hạt từ quả và sinh những loại hạt giống khác. Đó gọi là năm loại giống, đều do gió thổi từ các quốc độ nơi khác đến, được dùng để trồng, lấy đó để tự nuôi sống. 

“Như vậy, Tỳ-kheo, thế gian có điềm báo này liền có sanh, già, bệnh, chết, cho đến khiến cho ngày nay có thân năm thủ uẩn này, không dứt được biên tế khổ. 

“Đó gọi là sự biến đổi lúc kiếp thành bại của thế giới mà Ta nói cho các ngươi. Những điều mà chư Phật Thế Tôn cần làm, nay Ta đã nói hết cho các ngươi. Hãy vui sống nơi chỗ nhàn tĩnh, nên nhớ nghĩ ngồi thiền, chớ sinh giải đãi. Nay không tinh thành, sau hối hận vô ích. Đây là những lời dạy dỗ của Ta.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2[86]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, tại thành La-duyệt, cùng chúng đại Tỳ kheo năm trăm vị.

Bấy giờ, vua nước Ma-kiệt-đà là A-xà-thế ở giữa quần thần nói rằng: 

“Nước Bạt-kỳ rất thịnh vượng, dân chúng đông đúc. Ta sẽ chinh phạt để thu phục nước ấy.”

Rồi vua A-xà-thế bảo bà-la-môn Bà-lợi-ca[87] rằng:

“Ông hãy đến chỗ Thế Tôn, xưng tên họ ta mà hỏi thăm Thế Tôn, đảnh lễ, thừa sự rồi thưa: ‘Vua A-xà-thế bạch Thế Tôn, vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, không biết có được không?’ Nếu Như Lai có dạy gì, ông hãy nhớ kỹ rồi về nói lại cho ta. Vì sao vậy? Như Lai không có nói hai lời.”

Bà-la-môn vâng lệnh vua, đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn bạch Phật rằng:

“Vua A-xà-thế kính lạy Thế Tôn, thừa sự, hỏi thăm.” 

Rồi lại bạch: 

“Ý muốn vua muốn công phạt nước Bạt-kỳ, trước hết đến hỏi Phật, không biết có được không?”

Bấy giờ, Bà-la-môn kia lấy y che kín đầu, chân mang giày ngà voi, hông đeo kiếm bén, không nên vì ông nói pháp.

Khi ấy, Thế Tôn bảo A-nan:

“Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tu bảy pháp, quyết không bị giặc cướp bên ngoài tiêu diệt. Những gì là bảy? Nếu nhân dân nước Bạt-kỳ tập họp lại một chỗ không phân tán, sẽ không bị nước khác phá hoại. Đó gọi là pháp thứ nhất không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ trên dưới hoà [738b] thuận, nhân dân nước Bạt-kỳ sẽ không bị người ngoài cầm giữ. Này A-nan, đó gọi là pháp thứ hai không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tà dâm, đắm sắc người nữ khác, đó gọi là pháp thứ ba không bị giặc ngoại xâm phá hoại

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không đem việc nơi này truyền đến nơi kia, cũng lại không đem việc nơi kia truyền đến nơi này, đó gọi là pháp thứ tư không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ cúng dường sa-môn, Bà-la-môn, thừa sự, kính lễ đồng phạm hạnh, đó gọi là pháp thứ năm không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ không tham đắm của báu người khác, đó gọi là pháp thứ sáu không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại

“Lại nữa, A-nan, nếu người nước Bạt-kỳ đều cùng một lòng, hướng[88] đến miếu thần, mà chuyên tinh ý mình, sẽ không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại. Đó gọi là pháp thứ bảy không bị giặc ngoại xâm phá hoại

“A-nan, đó gọi là người Bạt-kỳ tu bảy pháp này, quyết không bị giặc cướp bên ngoài phá hoại.” 

Khi ấy, bà-la-môn bạch Phật:

 “Giả sử người nước Bat-kỳ thành tựu chỉ một pháp thôi, còn không thể hoại, huống chi đến bảy pháp thì làm sao hoại nổi? Đày đủ thay, Bạch Thế Tôn. Nhưng việc nước đa đoan, con muốn trở về.”

Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Sau khi bà-la-môn đi được một lát, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Nay Ta sẽ nói bảy pháp không thối chuyển, các ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:

“Sao gọi là bảy pháp không thối chuyển? Tỳ-kheo, nên biết, nếu Tỳ-kheo cùng tập hợp lại một chỗ, đều cùng hoà thuận, trên dưới chăm sóc nhau, tiến dần lên trên, tu các pháp lành không thối chuyển, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ nhất.

“Lại nữa, chúng Tăng hoà hợp, thuận theo giáo pháp, tiến dần lên trên không thối chuyển, không để Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ hai.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không bận rộn công việc, không huân tập nghiệp đời, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ ba.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không tụng đọc sách tạp, trọn [738c] ngày sách tấn tình ý tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ tư.

“Lại nữa, Tỳ-kheo siêng tu pháp, trừ khử ngủ nghỉ, thường tự cảnh tỉnh, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ năm.

“Lại nữa, Tỳ-kheo không học toán thuật, cũng không khuyến khích người khác học, thích chỗ yên tĩnh, tu tập pháp, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ sáu.

“Lại nữa, Tỳ-kheo khởi tưởng tất cả thế gian không đáng ưa thích, tập hạnh thiền, kham nhẫn pháp giáo, tiến dần lên trên, không để cho Ma được tùy tiện. Đó gọi là pháp không thối chuyển thứ bảy. 

“Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này, hoà thuận với nhau, Ma không thể tùy tiện.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này:

Trừ bỏ mọi nghiệp đời, 

Không tư duy loạn tưởng.

Nếu không hành như vậy, 

Không thể được tam-muội.

Người hay ưa thích phap;

Phân biệt nghĩa pháp ấy;

Tỳ-kheo ưa hạnh này, 

Sẽ dẫn đến tam-muội.

“Cho nên, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này. 

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

 Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo : 

“Nay, Ta sẽ nói về bảy sử,[89] các ngươi hãy ghi nhớ kỹ.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn!” 

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.

Thế Tôn nói: 

“Những gì là bảy? Một là sử tham dục, hai là sử sân hận, ba là sử kiêu mạn, bốn là sử ngu si, năm là sử nghi, sáu là sử tà kiến, bảy là sử tham đắm thế gian.[90] Tỳ-kheo, đó gọi là có bảy sử này khiến chúng sanh, mãi mãi ở nơi tối tăm, thân bị trói buộc, trôi lăn mãi ở thế gian không có lúc dừng, cũng không thể biết cội nguồn của sanh tử. Giống như hai con trâu một đen, một trắng cùng chung một cái ách, cùng lôi kéo nhau không thể xa rời nhau. Chúng sanh này cũng như vậy, [739a] bị tham dục sử, vô minh sử này trói buộc không thể lìa nhau, năm sử còn lại cũng đuổi theo. Năm sử đuổi theo thì bảy sử cũng vậy. Nếu kẻ phàm phu bị bảy sử này trói buộctrôi lăn mãi trong sanh tử không được giải thoát, không thể biết nguồn gốc khổ.

“Tỳ-kheo, nên biết, do bảy sử này mà có ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này nên không thể vượt qua được cảnh giới tệ ma. Nhưng pháp bảy sử này lại có bảy phương thuốc. Những là bảy? Sử tham dục, dùng niệm giác chi để trị. Sử sân hận, dùng trạch pháp giác chi để trị. Sử tà kiến, dùng tinh tấn giác chi để trị. Sử tham đắm thế gian, dùng hỷ giác chi để trị. Sử kiêu mạn dùng khinh an* giác chi để trị. Sử nghi, dùng định giác chi để trị. Sử vô minh, dùng xả* giác chi để trị. Tỳ-kheo, đó gọi là dùng bảy giác chi để trị bảy sử ấy.

“Tỳ-kheo, nên biết, xưa khi Ta chưa thành Phật, còn đang thực hành Bồ-tát hạnh, ngổi dưới bóng cây, suy nghĩ như vầy: ‘Chúng sanh Dục giới bị những gì trói buộc?’ Lại nghĩ: ‘Chúng sanh này bị bảy sử cuốn trôi trong sanh tử, mãi không được giải thoát. Nay Ta cũng bị bảy sử này trói, không giải thóat được.’ Rồi Ta lại nghĩ: ‘Lấy gì để trị bảy sử này?’ Ta lại suy nghĩ: ‘Bảy sử này nên dùng bảy giác chi để trị. Ta hãy tư duy về bảy giác chi.’ Khi tư duy bảy giác chi, tâm dứt sạch hữu lậu, liền được giải thoát. Sau jhi thành Đạo Vô thượng chánh chơn, trong bảy ngày ngồi kiết già, Ta tư duy thêm nữa bảy giác chi này. Cho nên, các Tỳ-kheo, muốn dứt trừ bảy sử thì phải tu tập pháp bảy giác chi

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
 
 

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng thế gian. Những ai là bảy hạng người? Một là hành từ, hai là hành bi, ba là hành hỷ, bốn là hành xả*, năm là hành không, sáu là hành vô tướng, bảy là hành vô nguyện. Đó gọi là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là [739b] phước điền vô thượng thế gian. Vì sao vậy? Vì có chúng sanh nào hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp được quả báo.” 

Khi ấy, A-nan bạch Thế Tôn

“Vì sao không nói Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Phật mà lại nói bảy pháp này?”

Thế Tôn nói: 

“Bảy hạng người, hành từ, v.v, hành của họ cùng với Tu-đà-hoàn cho đến Phật không giống nhau. Tuy cúng dường Tu-đà-hoàn cho đến Phật cũng không được báo hiện tiền; nhưng cúng dường bảy hạng người này, ở hiện đời được báo. Cho nên, A-nan, cần phải nổ lực dũng mãnh để thành tựu bảy pháp này. A-nan, hãy học điều này như vậy.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành .

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở tại ao Di hầu, Tỳ-xá-ly, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .

Bấy giờ, đến giờ khất thực, Thế Tôn đắp y mang bát cùng A-nan vào Tỳ-xá-ly khất thực. Lúc ấy, trong thành Tỳ-xá-ly có trưởng giả tên Tỳ-la-tiên nhiều của lắm báu không thể đếm xuể, nhưng lại tham lam keo kiệt, không có tâm huệ thí, chỉ hưởng phước cũ, không tạo thêm phước mới. Lúc ấy, trưởng giả kia dẫn các thể nữ ở hậu cung ca múa vui đùa với nhau.

Bấy giờ, Thế Tôn đi đến con đường ấy, biết mà vẫn hỏi A-nan: 

“Tiếng đờn ca đang nghe phát ra từ nhà nào vậy?”

A-nan bạch Phật

“Đó là từ nhà của trưởng giả Tỳ-la-tiên.”

Phật bảo A-nan: 

“Sau bảy ngày nữa, trưởng giả này sẽ qua đời, sanh vào địa ngục Thế khốc.[91] Vì sao vậy? Đó là pháp thường. Nếu người nào đọan hết căn lành, khi mạng chung đều sanh vào địa ngục Thế khốc. Nay trưởng giả này đã hết phước cũ lại không tạo phước mới.”

A-nan bạch Phật

“Có nhân duyên gì khiến trưởng giả này sau bảy ngày không qua đời không?”

Phật bảo A-nan: 

“Không có nhân duyên nào để không qua đời. Những hành vi đã tạo kiếp trước hôm nay đã hết. Điều này không thể tránh khỏi.”

A-nan bạch Phật

“Có phương cách nào giúp trưởng giả này không sanh vào địa ngục Thế khốc không?”

Phật bảo A-nan: 

“Có cách này có thể giúp trưởng giả không vào địa ngục.”

A-nan bạch Phật:

“Nhân duyên nào để trưởng giả không vào địa ngục?”

Phật bảo A-nan: 

“Nếu trưởng giả này, cạo bỏ râu tóc, mặt ba pháp y, xuất gia học đạo, thì tránh khỏi [739c] tội này được.”

A-nan bạch Phật

“Nay con có thể khiến cho trưởng giả này xuất gia học đạo!”

Rồi thì, A-nan từ giã Thế Tôn, đi đến nhà trưởng giả này, đứng ở ngoài cửa. Khi ấy, trưởng giả từ xa trông thấy A-nan đến, liền ra nghênh đón và mời ngồi. A-nan bảo trưởng giả

“Hiện tôi ở gần bậc Nhất thiết trí, nghe Như Lai báo trước về thân ông, sau bảy ngày nữa thân hoại mạng chung sẽ sinh vào địa ngục Thế khốc.”

Trưởng giả nghe rồi, trong lòng sợ hãi, lông tóc dựng đứng, thưa với A-nan: “Có cách nào giúp trong bảy ngày không qua đời không?”

A-nan đáp: 

“Không có cách nào giúp trong bảy ngày thóat khỏi mạng chung.”

Trưởng giả lại bạch: 

“Có cách nào giúp con mạng chung không sanh vào địa ngục Thế khốc không?”

A-nan đáp: 

“Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Nếu trưởng giả cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, thì không vào trong địa ngục.’ Nay trưởng giả có thể xuất gia học đạo để đến bờ kia.”

Trưởng giả bạch: 

“Ngài A-nan, hãy đi trước, tôi sẽ đến ngay.”

Sau đó, A-nan liền ra đi. Trưởng giả tự nghĩ: “Bảy ngày hãy còn xa. Nay ta có thể tự vui thích ngũ dục, sau đó sẽ xuất gia học đạo.” 

Hôm sau, A-nan lại đến nhà trưởng giả, nói với trưởng giả

“Một ngày đã qua, chỉ còn lại sáu ngày, đúng lúc xuất gia!”

Trưởng giả bạch: 

“Ngài A-nan, hãy đi trước đi, tôi sẽ theo ngay.”

Nhưng trưởng giả kia vẫn cố không đi. Qua hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày, lúc này A-nan đến nhà trưởng giả bảo trưởng giả

“Đúng lúc hãy xuất gia, kẽo sau hối hận không kịp. Nếu không xuất gia, hôm nay mạng chung sẽ sanh vào trong địa ngục Thế khốc.”

Trưởng giả bạch A-nan: “Tôn giả hãy đi trước, tôi sẽ theo sau ngay.”

A-nan bảo: 

“Trưởng giả, hôm nay ông dùng thần túc gì để đến nơi ấy, mà bảo tôi đi trước? Nay cả hai phải đi cùng lúc.”

Lúc ấy, A-nan dẫn trưởng giả này đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi bạch Phật

“Trưởng giả này, nay muốn xuất gia học đạo, cúi xin Như Lai cho phép cạo bỏ râu tóc, khiến được học đạo.”

Phật bảo A-nan: 

“Nay ngươi hãy đích thân độ cho trưởng giả này.”

Lúc ấy, A-nan vâng lời Phật dạy, liền [740a] cạo bỏ râu tóc cho trưởng giả, dạy cho đắp ba pháp y, cho học chánh pháp. Bấy giờ, A-nan dạy Tỳ-kheo kia rằng: 

“Ông hãy nhớ nghĩ tu hành, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tĩnh, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Hãy tu hành pháp như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo. Hành mười niệm này thì lập tức được quả báo lớn, được pháp vị cam lồ.”

Sau khi tu tập pháp như vậy rồi, ngay trong ngày hôm đó, ông ấy mạng chung sanh lên Tứ thiên vương.

Bấy giờ, A-nan liền hoả thiêu thân kia, rồi trở về chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, A-nan bạch Thế Tôn

“Vừa rồi Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên đã qua đời. Ông sanh về nơi nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Tỳ-kheo này chết sanh lên Tứ thiên vương.”

A-nan bạch Phật:

“Ở đó mạng chung sẽ sanh nơi nào?”

Thế Tôn bảo: 

“Ở đó mạng chung sẽ sanh lên trời Tam thập tam, rồi lần lượt sanh lên trời Diệm thiên, trời Đâu-suất, trời Hoá tự tại, trời Tha hoá tự tại. Từ đó mạng chung, sanh trở lại cho đến trời Tứ thiên vương. Này A-nan, đó gọi là Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên bảy phen chuyển vòng trong trời người, cuối cùng được làm thân người, xuất gia học đạo, sẽ dứt sạch gốc khổ. Vì sao vậy? Vì vị ấy có lòng tinNhư Lai.

“A-nan nên biết, cõi Diêm-phù-đề này, nam bắc hai vạn một nghìn do tuần, đông tây bảy nghìn do tuần. Nếu có người cúng dường tất cả người cõi Diêm-phù-đề, phước đó có nhiều không?”

A-nan bạch Phật

“Thật nhiều, thật nhiều, bạch Thế Tôn.”

Phật bảo A-nan: 

“Nếu chúng sanh nào chỉ trong khoảnh khắc, tín tâm không đứt đoạn, tu tập mười niệm, phước kia không thể lường, không có thể đo lượng được. Như vậy, A-nan hãy tìm cầu phương tiện tu tập mười niệm. 

“A-nan, hãy học điều này như vậy.”

A-nan sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 6[92]
Tôi nghe như vầy:

Một thời,đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Ta sẽ nói pháp cực diệu, khoảng đầu, giữa, cuối đều thiện xảo, nghĩa lý sâu xa, đầy đủ tu phạm hạnh. Kinh này gọi là ‘pháp thanh tịnh các lậu,’ các ngươi hãy nhớ nghĩ kỹ.”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Thưa vâng, Thế Tôn!”

Các Tỳ-kheo vâng theo Phật dạy.

Thế Tôn bảo: 

[740b]“Sao gọi là pháp sạch các lậu? Hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi thấy, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi thân cận, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi viễn ly, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi ngu lạc, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi oai nghi, hoặc có hữu lậu được đoạn trừ bởi tư duy.[93]

“Sao gọi là hữu lậu được đoạn trừ bởi thấy? Ở đây, kẻ phàm phu không gặp Thánh nhân, không thuận theo pháp Như Lai, không thể thủ hộ pháp Hiền Thánh, không thân cận thiện tri thức, không tùng sự với thiện tri thức; pháp đã được nghe cần tư duy mà không phân biệt; pháp không nên tư duytư duy, khiến cho dục lậu chưa sinh liền sinh, dục lậu đã sinh liền tăng nhiều; hữu lậu chưa sinh liền sinh, hữu lậu đã sinh liền tăng nhiều; vô minh lậu chưa sanh liền sinh, vô minh lậu đã sinh liền tăng nhiều. Đó là pháp không nên tư duytư duy.

“Sao gọi là pháp nên tư duy, nhưng không tư duy[94]? Pháp nên tư duy là do pháp đó mà dục lậu chưa sanh khiến không sinh, dục lậu đã sinh thì liền diệt; hữu lậu chưa sanh khiến không sinh, hữu lậu đã sinh thì liền diệt; vô minh lậu chưa sinh khiến không sanh, vô minh lậu đã sanh thì liền diệt. Đây gọi là pháp nên tư duy mà không tư duy. Điều không nên tư duytư duy, điều nên tư duy lại không tư duy, khiến dục lậu chưa sinh liền sinh, dục lậu đã sinh liền tăng nhiều, hữu lậu chưa sinh liền sinh, hữu lậu đã sinh liền tăng nhiều, vô minh lậu chưa sinh liền sinh, vô minh lậu đã sinh liền tăng nhiều. Người kia khởi lên tư duy như vầy: ‘Có quá khứ lâu xa hay không? Ta có thể đã hiện hữu trong quá khứ lâu xa ấy.’ Hoặc lại tư duy: ‘Không có quá khứ lâu xa. Ta hiện hữu trong quá khứ lâu xa hay không? Ai hiện hữu trong quá khứ lâu xa? Có tương lai lâu xa hay không? Ta sẽ hiện hữu trong tương lai lâu xa.’ Hoặc lại nói: ‘Không tương lai lâu xa. Ta sẽ hiện hữu trong tương lai lâu xa hay không? Ai hiện hữu tương lai lâu xa? Vì sao có chúng sanh lâu xa này? Chúng sanh lâu xa này từ đâu mà đến? Từ đây mạng chung sẽ sinh về đâu?’ Người kia khởi lên những ý nghĩ chẳng lành này liền khởi lên sáu kiến, lần lượt sinh tưởng tà: Thấy rằng có ngã, có kiến này hay không? Thấy rằng không có ngã, có phát sanh kiến này hay không? Thấy rằng vừa có ngã, vừa không ngã, ở trong đó có phát sinh kiến này hay không? Lại do quán sát tự thân khởi lại kiến này: ở nơi chính ta mà không thấy có ta. Lại khởi lên kiến này: ở nơi không có ta mà không thấy không có ta, ở trong đó khởi kiến này. Bấy giờ, người kia lại sinh tà kiến này: Ngã đời này cũng là ngã đời sau, tồn tại mãi ở đời không bị tan rã, cũng không biến dịch, lại không dời đổi.[95] Đó gọi là tụ tà kiến. Tà kiến, tai hoạ, sầu bi, khổ não, đều từ đây sinh, không thể chữa trị, cũng lại không thể loại bỏ, làm tăng gốc khổ. Do đó không phải là hành của sa-môn, đạo Niết-bàn.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, đệ tử Hiền Thánh tu hành pháp kia không mất thứ lớp, khéo biết thủ hộ, tùng sự theo thiện tri thức. Vị ấy có thể phân biệt, biết rõ pháp nên tư duy cũng, và cũng biết rõ pháp nào nên tư duy. Vị ấy không tư duy pháp không nên tư duy; tư duy pháp nên tư duy

“Pháp gì không nên tư duy mà vị ấy không tư duy? Ở đây, các pháp khiến dục lậu chưa sinh bèn sinh, dục lậu đã sinh bèn tăng nhiều; hữu lậu chưa sinh bèn sinh, hữu lậu đã sinh bèn tăng nhiều; vô minh lậu chưa sinh bèn sinh, vô minh lậu đã sinh bèn tăng nhiều. Đây gọi là pháp không nên tư duy

“Pháp gì nên tư duy mà vị ấy tư duy? Ở đây, các pháp khiến dục lậu chưa sinh khiến không sinh, dục lậu đã sinh liền diệt, hữu lậu chưa sinh khiến không sanh, hữu lậu đã sinh liền diệt, vô minh lậu chưa sinh khiến không sinh, vô minh lậu đã sinh liền diệt. Đây gọi là pháp nên nên tư duy. Vị ấy cũng không tư duy điều không nên tư duy vị, và tư duy điều nên tư duy. Vị ấy tư duy như vậy, liền diệt ba pháp. Những gì là ba? Thân tà, giới đạo, và nghi.[96] Nếu không thấy không biết thì tăng thạnh hữu lậu, nếu thấy nghe nghĩ biết thì không tăng hạnh hữu lậu; đã biết, đã thấy thì hữu lậu liền không sinh. Đây gọi là lậu do thấy đoạn được.[97]

“Sao gọi là lậu được đoạn bằng kham nhẫn[98]? Ở đây, Tỳ-kheo chịu đựng đói lạnh, cần khổ, gió mưa, ruồi muỗi, lời ác, mạ nhục, thân sinh thống khổ, rất là đau buồn, mạng sắp muốn dứt, mà có thể nhẫn chịu. Nếu không như vậy, liền sinh khổ não. Nếu có thể kham chịu, thì không sinh như vậy. Đây gọi là lậu [741a] được đoạn bởi kham nhẫn*. 

“Sao gọi là lậu được đoạn bằng thân cận?[99] Ở đây, Tỳ-kheo nắm giữ tâm khi nhận y, không vì trang sức mà chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng, muốn cho gió mưa không chạm vào thân mình; lại che thân thể không để lộ ra ngòai. Lại nữa, nắm giữ tâm theo thời khất thực, không khởi tâm nhiễm đắm, chỉ cốt giữ gìn thân thể khiến cho bệnh cũ được lành, mới không sinh; gìn giữ các hành không cho xúc phạm, an ổn lâu dàitu tập phạm hạnh lâu bền ở đời. Lại nắm giữ tâm ý, khi thọ dụng giường ghế, cũng không ham trang trí tốt đẹp, chỉ mong trừ đói lạnh, gió mưa, ruồi muỗi, giữ gìn thân mình để thực hành đạo pháp. Lại nữa, giữ tâm khi thọ dụng thuốc trị bệnh, không sanh tâm nhiễm đắm nơi thuốc trị bệnh kia, chỉ mong cho bệnh tật được trừ khỏi, thân thể được an ổn. Nếu không thọ dụng như vậy thì tai hại của hữu lậu sẽ phát sinh. Nếu thọ dụng như vậy thì tại hại của hữu lậu không sinh. Đây gọi là hữu lậu được đoạn bởi thân cận.

“Sao gọi là lậu hoặc được đoạn bởi viễn ly?[100] Ở đây, Tỳ-kheo trừ bỏ tưởng loạn[101] do bởi voi dữ, lạc đà, bò ngựa, hổ sói, chó, rắn, hầm sâu, bờ hiểm, gai góc, sườn cao, bùn lầy; thảy đều nên tránh xa chúng. Chớ tùng sự với ác tri thức, cũng lại không gần gũi với người ác, hay tư duy thuần thục không lìa khỏi đầu mối của tâm. Nếu không giữ gìn[102] thì sinh hữu lậu, nếu được giưc gìn thì không sinh hữu lậu. Đây gọi là hữu lậu được đọan bởi viễn ly.

“Sao gọi là hữu lậu được đọan bởi ngu lạc?[103] Ở đây, Tỳ-kheo sinh tưởng dục mà không xả ly; khởi tưởng sân nhuế cũng không xả ly; lại khởi tưởng tật đố cũng không xả ly. Nếu không xả ly thì sinh hữu lậu, nếu có thể xả ly liền có thể không khởi hữu lậu. Đây gọi là hữu lậu được đọan bởi ngu lạc. 

“Sao gọi là lậu được đoạn nhờ oai nghi?[104] Ở đây, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc không khởi tưởng sắc, cũng không khởi tâm nhiễm ô, giữ nhìn nhãn căn đầy đủ, không để khuyết lậu. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết mịn láng, ý biết pháp đều không khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi đắm mà giữ gìn ý căn. Nếu không giữ gìn oai nghi mình thì sinh hữu lậu, nếu giữ gìn oai nghi mình thì không có tai hoạn hữu lậu. Đây gọi là lậu được đoạn bởi oai nghi.

“Sao gọi là [741b] lậu được đoạn bởi tư duy? Ở đây, Tỳ-kheo tu niệm giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu; tu trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an* giác chi, định giác chi, xả* giác chi, y vô dục, y không nhiễm ô, y diệt tận mà cầu xuất yếu. Nếu không tu pháp này thì sinh tai họan hữu lậu. Nếu có thể tu pháp này thì không sinh tai hoạn hữu lậu. Đây gọi là lậu được đoạn bởi tư duy.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, ở nơi Tỳ-kheo mà những gì là hữu lậu được đọan trừ bới kiến, liền được đoạn trừ bởi kiến; được đoạn trừ bởi kham nhẫn* liền được đoạn trừ bởi kham nhẫn* , được đoạn trừ bởi thân cận liền thân cận, được đoạn trừ bởi viễn ly liền được đoạn trừ bởi viễn ly, được đoạn trừ bởi oai nghi liền được đoạn trừ bởi oai nghi, được đoạn trừ bởi tư duy liền tư duy. Đó gọi là Tỳ-kheo đầy đủ tất cả oai nghi có thể đoạn ái kết, xả ái dục, vượt qua bốn bộc lưu, dần dần thoát khổ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là pháp trừ hữu lậu

“Nhừng gì mà Chư Phật Thế Tôn cần làm, vì từ niệm đối với tất cả chúng sanh, nay Ta cũng đã làm xong. Các ngươi nên luôn luôn vui thích chỗ vắng, ở dưới bóng cây, chuyên cần tinh tấn, chớ có giải đãi. Hiện tại không nổ lực, sau hối hận cũng vô ích. Đây là những lời dạy dỗ của Ta.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[105]

KINH SỐ 7[106]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở bên bờ sông A-du-xà,[107] cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị.

Lúc ấy, Đại Quân-đầu[108] đang ở tại mổ chỗ nhàn tĩnh, tự nghĩ: “Có nghĩa này, mà thường tăng thêm công đức, hay không lý này?” Rồi Quân-đầu liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, và ngồi qua một bên. Bấy giờ Quân-đầu bạch Phật

“Bạch Thế Tôn, vừa rồi, khi ở chỗ nhàn tĩnh, con tự nghĩ: ‘Có lý này hay không, là những gì được làm cho [741c] chúng Tăng được tăng thêm công đức?’ Nay con hỏi Thế Tôn, cúi xin dạy cho.”

Thế Tôn bảo: 

“Có thể được tăng ích công đức.”

Quân-đầu bạch Phật

“Thế nào là được tăng thêm công đức?”

Thế Tôn đáp: 

“Có bảy sự kiện tăng ích, phước kia không thể kể được, cũng không ai có thể tính đếm được. Những gì là bảy? Ở đây, con trai thiện gia, hoặc con gái thiện gia, tạo dựng Tăng già-lam nơi chưa từng tạo dựng. Phước này không thể kể.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem giường ghế cúng dường Tăng già-lam kia, cùng Tăng Tỳ-kheo, này Quân-đầu, đây là phước thứ hai không thể kể hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem thức ăn cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia; này Quân-đầu, đó là phước thứ ba không thể tính hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ đem áo che mưa cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia, này Quân-đầu, đó là công đức thứ tư, phước kia không thể lường.

“Lại nữa, Quân-đầu, con trai, con gái thiện gia đem thuốc cúng dường Tăng Tỳ-kheo kia, này Quân-đầu, đó là phước thứ năm không thể tính hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam thiện nữ đào giếng tốt nơi hoang dã, này Quân-đầu, đó là công đức thứ sáu cũng không thể tính hết.

“Lại nữa, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ nào làm nhà dọc đường cho người qua lại có chỗ nghỉ đêm, này Quân-đầu, đó là công đức thứ bảy không thể tính xiết.

“Này Quân-đầu, đó gọi là pháp bảy công đức, phước kia không thể đo lường. Khi đi, hoặc ngồi, ngay đến khiến mạng chung, phước kia cũng theo sau như bóng theo hình, phước đức ấy không thể tính hết để có thể nói có bao nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn, không thể dùng thăng đấu để đong được để nói có bao nhiêu nước. Bảy công đức này cũng vậy, phước ấy không hạn lượng. Cho nên, Quân-đầu, thiện nam, thiện nữ hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy công đức này. 

“Quân-đầu, hãy học điều này như vậy.”

Quân-đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành 

KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Các ngươi hãy tu hành, niệm tưởng về sự chết, tư duy về tưởng chết.”

Khi ấy, có một Tỳ-kheo đang ngồi ở chỗ kia, bạch Thế Tôn

[742a] “Con thường tu hành tư duy tưởng về sự chết.” 

Thế Tôn bảo: 

“Ngươi tư duy tu hành tưởng về sự chết thế nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật

“Con tư duy về tưởng chết rằng: ‘Ý sẽ còn sống bảy ngày nữa, nên tư duy bảy giác chi, để ở trong pháp Như Lai được nhiều lợi ích, sau khi chết không hối hận.’ Thế Tôn, con tư duy về tưởng chết như vậy.”

Thế Tôn bảo: 

“Thôi, Thôi, Tỳ-kheo! Đây chẳng phải hành về tưởng chết. Đấy gọi là pháp phóng dật.”

Lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn

“Con có thể tu hành về tưởng chết.”

Thế Tôn bảo: 

“Ngươi tu hành tư duy về tưởng chết thế nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật

“Con suy nghĩ: ‘Ý sẽ còn sống sáu ngày nữa, tư duy Chánh pháp Như Lai, rồi sau đó mạng chung. Như vậy mới có sự tăng ích.’ Con tư duy tưởng chết như vậy.” 

Thế Tôn bảo: 

“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đó cũng là pháp phóng dật, chẳng phải tư duy về tưởng chết.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Ý sẽ tồn tại năm ngày, hoặc nói bốn ngày, hoặc nói ba ngày, hai ngày, một ngày.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Đây cũng là pháp phóng dật chẳng phải tư duy về tưởng chết.”

Lúc ấy, lại có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn

“Con có thể kham nhận tu hành về tưởng chết.”

 Tỳ-kheo bạch Phật

“Đến giờ khất thực, con đắp y mang bát, vào thành Xá-vệ khất thực, rồi ra khỏi thành Xá-vệ, trở về nơi ở, vào trong tịnh thất, tư duy về bảy giác chimạng chung. Đây là tư duy về tưởng chết.”

Thế Tôn bảo: 

“Thôi, thôi, Tỳ-kheo! Những điều mà Tỳ-kheo các ngươi mói đều là hành phóng dật, chẳng phải là tu hành pháp tưởng chết.” 

Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo: 

“Nếu ai có thể như Tỳ-kheo Bà-ca-lợi[109] , đó gọi là tư duy về tưởng chết. Tỳ-kheo ấy có thể khéo tư duy về tưởng chết, nhàm tởm thân này là bất tịnh ghê tởm. Tỳ-kheo tư duy về tưởng chết, phải buộc ý trước mắt, tâm không di động, niệm số đếm hơi thở ra vào, đồng thời tư duy về bảy giác chi, như vậy ở trong pháp Như Lai mới được nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hoá, không có chơn thật. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để [743b] thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não

“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

bấy giờ, vua Ba-tư-nặc ra lệnh quần thần: 

“Hãy nhanh chóng chuẩn bị xe lông chim. Ta muốn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ thăm hỏi.”

Sau đó, đại vương ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Như Lai đang thuyết pháp cho vô số chúng đang vây quanh. Lúc ấy, có bảy Ni-kiền Tử, lại có bảy người lõa hình, lại có bảy bà-la-môn Đen[110], lại có bảy bà-la-môn lõa hình, đi qua cách Thế Tôn không xa.

Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc thấy những người này đi qua cách Thế Tôn không xa, liền bạch Phật

“Xem những người này đi qua trông không dừng, đều là thiểu dục tri túc, không có gia nghiệp. Nay trong những vị A-la-hán ở thế gian này, những người này là tối thượng thủ. Vì sao vậy? Ở giữa mọi người, họ là những người rất là khổ hành, không tham lợi dưỡng.”

Thế Tôn nói: 

Đại vương hoàn toàn chưa biết chân A-la-hán. Không phải vì hình thể lõa lồ mà gọi là A-la-hán. Đại vương, nên biết, đó đều chẳng phải là hành chân thật. Nên nhớ nghĩ quan sát sự biến đổi từ xa xưa đến nay, rồi lại nên quán ai đáng thân thì biết thân, ai đáng gần thì biết gần. Vì sao vậy? Thời quá khứ lâu xa có bảy bà-la-môn, cùng học một chỗ, tuổi đã suy sụp, lấy cỏ làm y phục, ăn rau quả, sinh các tà kiến. Họ đều nghĩ như vầy: ‘Chúng ta trì pháp khổ hành này để sau làm vua nước lớn. Hoặc cầu làm Thích, Phạm, Tứ thiên vương.’

Bấy giờ, có vị Thiên sư A-tư-đà[111] vốn là tổ phụ của các bà-la-môn ấy, biết những ý nghĩ trong tâm các bà-la-môn kia, liền biến mất khỏi Phạm thiên, hiện đến chỗ bảy bà-la-môn. Lúc ấy, Thiên sư A-tư-đà bỏ phục sức cõi trời, hiện hình bà-la-môn, kinh hành ở đất trống. Bảy bà-la-môn từ xa trong thấy A-tư-đà kinh hành, ai nấy đều nổi sân nhuế mà nói rằng: ‘Đây là người đắm dục nào mà đi trước những đồng phạm hạnh chúng ta? Nay phải chú thuật cho nó tiêu thành tro.’ Bảy bà-la-môn này liền lấy tay bụm nước rảy lên bà-la-môn này và chú rằng: ‘Giờ ngươi hãy mau biến thành tro bụi.’ Nhưng bà-la-môn càng tức giận thì nhan sắc của Thiên sư A-tư-đà càng xinh đẹp. Vì sao vậy? Vì tâm từ hay [742c] diệt sân. Lúc ấy, bảy bà-la-môn tự nghĩ: ‘Cấm giới của ta đã bị suy giảm hay sao mà chúng ta càng nổi giận thì người ấy càng xinh đẹp thêm?’ Rồi bảy bà-la-môn liền nói với vị Thiên sư rằng: 

Là trời? Càn-thát-bà? 

La sát? hay quỷ thần?

Thật sự người tên gì?

Chúng tôi đều muốn biết.

“Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ đáp rằng: 

Chẳng phải trời, Đạp-hòa, 

La sát hay quỷ thần

Mà ta đây chính là 

Thiên sư A-tư-đà 

“Tôi biết ý nghĩ của các ông nên từ cõi trời Phạm thiên bay xuống đây. Phạm thiên cách đây rất xa. Thiên đế Thích cũng vậy. Dùng khổ hành để làm Chuyển luân Thánh vương còn không được, huống gì là làm Đế Thích, Phạm thiên hay Tứ thiên vương.

“Lúc ấy, Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ:

Trong tâm đầy niệm tưởng, 

ngoại hình tồi tàn.

Nhưng siêng tu chánh kiến 

Mới xa lìa ác đạo.

Giữ tâm cho thanh tịnh

Thân, miệng cũng như vậy;

Xa lìa các niệm ác; 

Chắc chắn sẽ sanh thiên.

“Lúc ấy, bảy bà-la-môn hỏi: ‘Ngài có thật là Thiên sư không?’ Thiên sư A-tư-đà đáp: ‘Đúng vậy. Nhưng không phải do lõa hình mà được sanh thiên. Vị tất tu khổ hành ấy mà được sanh lên trời Phạm thiên. Cũng chẳng phải phơi bày thân thể hay làm ngần ấy khổ hành mà được sanh nơi ấy. Nhưng nếu có thể thu nhiếp tâm ý không cho lay động thì được sanh thiên. Không thể sanh nơi ấy bằng cách mà các ông đang làm.’

“Này Đại vương, quán sát ý nghĩa này, không phải do lõa hình mà gọi là A-la-hán. Kẻ phàm phu không thể phân biệt được ai là bậc Chân nhân, nhưng bậc Chân nhân thì có thể phân biệt do hành vi được làm nào là phàm phu. Lại nữa, kẻ phàm phu không thể biết hành của của phàm phu; duy chỉ bậc Chân nhân mới biết hành của phàm phu. Đại vương, nên biết, do phương tiện mà biết rằng điều đó đã có từ trước lâu xa rồi, chứ không phải mới ngày nay. Đại vương, hãy học điều này như vậy.”

Bấy giò, vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn rằng: 

“ Những điều Như Lai dạy rất là hay, người đời chẳng thể hiểu nổi. Nhưng việc nước quá [743a] nhiều, con xin cáo về.”

Phật bảo vua: 

“Vua hãy biết thời”

Vua đứng dậy, đảnh lễ sát đất rồi ra đi.

Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 10[112]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở vườn Ny-câu-lâu thuộc nước Ca tỳ la vệ của dòng họ Thích, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .

Bấy giờ, sau khi ăn, Thế Tôn từ vườn Ni-câu-lâu đến trong xóm Tì-la-da-trí[113] và ngồi dưới một gốc cây. Lúc ấy, Chấp Trượng, người họ Thích,[114] ra khỏi thành Ca tỳ la việt, đến chỗ Thế Tôn, rồi đứng im lặng

Sau đó, Chấp Trượng Thích hỏi Thế Tôn rằng: “Sa môn dạy dỗ điều gì? Bàn luận những gì?”

Thế Tôn bảo: “Bà-la-môn nên biết, điều mà Ta luận thì trời rồng, quỷ thần không thể theo kịp,[115] chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian.[116] Điều mà Ta luận là như vậy.”

Khi ấy, Chấp Trượng Thích lắc đầu, thở dài, rồi bỏ đi. Sau đó, Như Lai đứng dạy trở về tinh xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

“Vừa rồi, khi Ta đang ngồi trong vườn, có Chấp Trượng Thích đến gặp ta và hỏi ta rằng: ‘Sa môn luận những gì?’ Ta đáp: ‘Điều mà Ta luận chẳng phải là điều mà chư thiênthế gian có thể theo kịp, cũng chẳng dính mắc thế gian, cũng chẳng trụ trong thế gian. Điều mà Ta luận là như vậy.’ Lúc ấy, Chấp Trượng Thích nghe xong liền bỏ đi.”

Lúc ấy, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng: 

“Thế nào là không dính mắc thế gian cũng không trụ ở thế gian?”

Thế Tôn bảo: 

“Điều mà Ta luận hoàn toàn không dính mắc thế gian, cũng như nay được giải thoát khỏi tham dục, dứt trừ sự nghi ngờ của dòng họ Thích,[117] không có các tưởng.[118] Điều mà Ta luận là như vậy.”

Nói xong, Thế Tôn liền đi vào tịnh thất.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo nói với nhau: “Vừa rồi, Thế Tôn nói tóm lược ý nghĩa của luận ấy, mà ai có thể giảng rộng nghĩa này?”

Rồi các Tỳ-kheo nói với nhau: “Thế Tôn thường ca ngợi tôn giả Đại Ca-chiên-diên. Chỉ có Ca-chiên-diên có thể giảng rộng ý nghĩa này.”

Sau đó, các Tỳ-kheo nói với Ca-chiên-diên rằng: 

“Vừa rồi Như Lai đã giảng tóm tắt ý nghĩa ấy. Cúi xin Tôn giả hãy giảng rộng thêm, phân biệt rõ ràng từng việc cho mọi người được hiểu.”

Ca-chiên-diên đáp: 

“Ví dụ như có một người [743b] đi ra khỏi làng để tìm lõi cây. Vừa thấy cây to, người ấy liền đốn ngã lấy cành lá mang đi mà bỏ cây lại. Hôm nay các vị cũng như vậy. Các vị đã bỏ Như Lai mà đi tìm lõi cây nơi cành lá. Nhưng Như Lai nhìn thấy tất cả, không đâu không cùng khắp. Ngài soi sáng thế gian, là Đạo sư của Trời Người. Như Lai là chủ chân thật của pháp. Các vị phải tùy theo thời gian thích hợp, tự nhiên sẽ được Như Lai giải thsch cho ý nghĩa này.”

Lúc ấy, các Tỳ-kheo đáp: 

“Tuy Như Lai là chủ chân thật của pháp, sẽ diễn rộng nghĩa ấy. Nhưng Tôn giả đã được Thế Tôn ghi nhận, có khả năng nói rõ nghĩa ấy.”

Ca-chiên-diên nói: 

“Vậy các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ, tôi sẽ giảng nói phân biệt nghĩa ấy.”

Các Tỳ-kheo đáp: “ Thưa vâng.” 

Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Ca-chiên-diên nói: “Luận mà hôm nay Như Lai nói đến, không phải là điều mà trời rồng, quỷ thần có thể theo kịp, không dính mắc, cũng không trụ thế gian, nhưng ta được giải thoát đối với chúng, dứt sạch nghi ngờ không còn do dự. Như chúng sanh ngày nay ưa thích tranh đấu, kiện tụng, khởi các loạn tưởng. Lại nữa, Như Lai nói, Ta không sanh tâm đắm nhiễm trong đó; đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi, kết sử vô minh, và do đó đưa đến đau khổ vì dao gậy, mà tranh đấu kiện tụng với người, phát sanh bao nhiêu hành vi bất thiện, phát sanh loạn tưởng

“Khi mắt thấy sắc mà sanh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc[119]. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng.[120] Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp mà sanh ra thức tưởng, nhân ba sự ấy mà có xúc. Do có xúc* nên có thọ*. Do có thọ* nên có giác tri. Do có giác tri nên có tưởng. Do có tưởng nên suy lường; từ đó mà có các niệm dính mắc nơi tưởng. Đó là kết sử tham dục, kết sử sân nhuế, tà kiến, ham muốn thế gian, kết sử kiêu mạn, kết sử nghi ngờ, kết sử vô minh, gây ra tai biến đao gậy và bao nhiêu tai biến khác không thể tính hết.

“Nếu có ai nói không có mắt, không có sắc mà lại có xúc*, điều đó không đúng. Nếu có ai nói không có xúc* mà có [743c] thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói không có tai, không có tiếng; không có mũi, không có mùi; không có lưỡi, không có vị; không có thân, không có sự xúc chạm; không có ý, không có pháp, mà nói là có thức, thì cũng không có lý. Nếu có ai nói không có xúc* mà có thọ* thì cũng không đúng. Nếu nói không có thọ* mà có tưởng thì cũng không đúng. Nếu có ai nói, có mắt, có sắc và ở trong đó phát sanh ra thức, điều đó hợp lý. Nếu nói có tai, tiếng; mũi, hương; lưỡi, vị; thân, sự trơn láng; ý, pháp, và ở trong đó phát sanh ra thức, điều đó hợp lý. Các vị nên biết, do nhân duyên này nên Thế Tôn nói: ‘Điều mà Ta luận, không phải là điều mà trời, người, Ma, Thiên ma có thể theo kịp; không chấp trước thế gian, không trụ ở thế gian, nhưng Ta lại giải thoát khỏi tham dục, chấm dứt nghi ngờ, không còn do dự.’ Vì lý do này Thế Tôn nói nghĩa ấy. Nếu ai chưa thông suốt thì hãy đến gặp Thế Tôn hỏi lại nghĩa ấy. Như Lai có dạy điều gì, hãy ghi nhớ mà phụng hành.”

Nghe Ca-chiên-diên giảng xong, các Tỳ-kheo không nói là đúng, cũng không nói là sai, mà tức thời đứng dậy, nói với nhau: “Chúng ta hãy đem ý nghĩa này đến hỏi Thế Tôn. Thế Tôn có dạy điều gì, sẽ theo đó mà phụng hành.”

Rồi thì, số đông các Tỳ-kheo đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, rồi ngồi qua một phía, đem việc lúc nãy bạch với Thế Tôn

Bấy giờ, Như Lai nói với các Tỳ-kheo rằng: 

“Tỳ-kheo Ca-chiên-diên thông minh, biện tài, đã giảng rộng nghĩa ấy. Nếu các ông đến hỏi Ta điều đó, thì Ta cũng giảng cho các ông như vậy mà thôi.”

Lúc ấy, A-nan đang đứng sau Như Lai. A-nan liền bạch Phật rằng: 

“Ý nghĩa của kinh này rất sâu sắc. Giống như có người đi đường gặp cam lồ[121] liền lấy ăn. Thật hết sức thơm ngon, ăn không biết chán. Ở đây cũng như vậy, thiện nam, thiện nữ nghe kinh này sẽ không hề biết chán.” 

A-nan lại hỏi: 

“Kinh này tên là gì và phụng hành ra sao?”

Phật bảo A-nan:

“Kinh này tên là ‘Pháp vị cam lồ.’[122] Hãy ghi nhớ và phụng hành.”

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

41. PHẨM CHỚ SỢ

KINH SỐ 1[123]
[744a2] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Ny-câu-lâu thuộc nước Ca-tỳ-la-vệ của dòng họ Thích, cùng chúng đại Tỳ-kheo gồm năm trăm vị.

Lúc ấy, Thích Ma-ha-nam đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía, rồi bạch Thế Tôn rằng: 

“Tự thân con nghe Như Lai có dạy như vầy, thiện nam, thiện nữ nào đoạn trừ ba kết sử thành Tu đà hoàn, gọi là bất thối chuyển, ắt thành đạo quả, không còn tìm cầu đến các ngoại đạo dị học, cũng không xét đến các thuyết mà người khác nói. Không có trường hợp nào mà không phải như vậy.

“Nhưng khi con thấy bò, ngựa, lạc đà hung dữ, thì con sợ hãi đến rợn tóc gáy và nghĩ rằng: Nếu hôm nay mà ta gặp phải tai nạn này chắc sẽ qua đời và sẽ sanh về đâu?”

Thế Tôn bảo Ma-ha-nam : 

“Chớ sợ, Ma-ha-nam! Giả sử hôm nay mạng chung, ông sẽ không đoạ vào ba đường dữ. Vì sao vậy? Có ba thứ dẫn đến tiêu diệt. Ba thứ ấy là: như có người do tham đắm dâm dục mà phát sanh não loạn, lại có tâm làm hại người khác.[124] Nếu không có tâm tham dục này thì sẽ không có tâm sát hại, ở trong đời hiện tại không phát sanh khổ não. Những ai có pháp ác, bất thiện, thì sẽ tự hại mình. Nếu không có pháp ấy thì không bị nhiễu loạn, không có sầu ưu. Cho nên, này Ma-ha-nam, ba ý nghĩa này cho thấy các pháp ác thì đoạ xuống dưới, các pháp lành thì nổi lên trên. Cũng như thả hủ bơ bị vào trong nước, rồi đạp vỡ; các mảnh sành liền chìm xuống còn bơ thì nổi lên trên. Ở đây cũng vậy, các pháp ác bất thiện thì chìm xuống, các pháp lành thì nổi lên. Ma-ha-nam, nên biết, ngày xưa khi chưa thành Phật đạo,[125] Ta siêng tu khổ hành suốt sáu năm tại Ưu-lưu-tì, không ăn thức ăn ngon. Thân thể ốm gầy giống như là người trăm tuổi, đều do không ăn mà ra. Khi Ta định đứng dậy, liền bị té xuống đất. Lúc ấy, Ta lại suy nghĩ: nếu Ta bị chết lúc ấy thì sẽ sanh về đâu? Và ta nghĩ rằng: Nếu hôm nay Ta chết thì sẽ không đoạ ác đạo, nhưng ý nghĩa không phải là từ vui đến vui, mà là từ khổ đến vui.

“Sau đó, Ta sống trong hang Tiên nhân,[126] có nhiều Ni-kiền tử đang học đạo ở đấy. Lúc ấy, có Ni-kiền tử đưa tay chỉ mặt trời, phơi thân ngoài nắng để học đạo. [744b] Có người ngồi chồm hổm để học đạo. Bấy giờ, Ta đến chỗ họ, nói với họ rằng: ‘Vì sao các ông không ngồi mà lại dơ tay, kiểng chân vậy?’ Ni-kiền tử nói: ‘Cù-đàm, nên biết, trước kia Thầy tôi đã làm việc bất thiện, sở dĩ chúng tôi khổ hành là để diệt tội ấy.[127] Nay phơi bày thân thể tuy hơi nhục, nhưng tội ấy sẽ được diệt trừ. Cù-đàm, nên biết, hành diệt hết thì khổ cũng diệt hết; khổ diệt hết thì hành cũng diệt hết.[128] Khổ, hành dứt hết thì đạt đến Niết bàn.’ 

“Khi ấy, Ta nói với các Ni-kiền tử rằng: ‘Việc ấy không đúng. Không phải do hành diệt hết mà khổ diệt hết; cũng không phải do khổ diệt hết và hành diệt hết mà đạt Niết bàn. Giả sử khổ hānh diệt hết mà đạt đến Niết bàn, điều đó đúng; nhưng không thể từ lạc mà dẫn đến vui.’[129] Ni kiền tử nói: ‘Vua Tần-tì-sa-la do từ vui mà dẫn đến lạc, có gì là khổ?’ Khi ấy, Ta lại nói với Ni-kiền tử rằng: ‘Cái vui của vua Tần-tì-sa-la làm sao bằng cái lạc của Ta?” Ni-kiền tử nói: ‘Cái vui của vua Tần-tì-sa-la hơn cái lạc của ông.’ Ta lại nói với Ni-kiền tử rằng: ‘Vua Tần-tì-sa-la có thể như Ta ngồi kiết già bảy ngày bảy đêm không lay động[130] được không? Hoặc ngồi kiết già sáu, năm, bốn, ba, hai cho đến một ngày được không?’ Ni kiền tử đáp: ‘Không được, thưa Cù-đàm.’ Thế Tôn bảo: “ Ta có thể ngồi kiết giàthân hình không lay động*. Thế nào, Ni kiền tử, vậy ai lạc hơn?’ Ni kiền tử đáp: ‘Sa môn Cù-đàm lạc hơn.’

“Này Ma-ha-nam, hãy do phương tiện này mà biết rừng, lạc không thể đến từ lạc, mà lạc phải đến từ từ khổ. Này Ma-ha-nam giống như hai bên làng có ao nước lớn, dài rộng một do tuần, chứa đầy nước. Nếu có người đến đó lấy một giọt nước; này Ma-ha-nam, giọt nước đó nhiều hay nước trong hồ nhiều hơn?”[131]

Ma-ha-nam nói: “Nước trong hồ nhiều; chẳng phải một giọt nước nhiều.”

Thế Tôn bảo: 

“Ở đây cũng như vậy, đệ tử Hiền Thánh đã vĩnh viễn chấm dứt các khổ, chỉ còn lại (một ít khổ) cũng như một giọt nước mà thôi. Người chứng quả thấp nhất trong chúng của Ta trải qua không quá bảy lần sanh, bảy lần chết nữa thì dứt sạch gốc khổ; nếu dũng mãnh, tinh tấn thì đạt đến Gia gia[132] rồi đắc đạo.”

Rồi Thế Tôn lại nói thêm pháp [744c] vi diệu cho Ma-ha-nam nghe. Sau khi nghe pháp xong, ông đứng dậy ra về.

Bấy giờ Ma-ha-nam nghenhừng điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Na-già-bà-la ở trong thành Lộc dã.

Bấy giờ, có một Bà-la-môn tuổi đã già nua, vốn có đôi chút quen biết đối với Tôn giả Na-già-bà-la. Lúc ấy, Bà-la-môn đó đến chỗ Tôn giả Na-già-bà-la, đảnh lễ rồi ngồi qua một phía.

Bà-la-môn nói với Tôn giả Na-già-bà-la rằng: 

“Ngài là người sung sướng nhất trong những người sung sướng.”

Tôn giả Na-già-bà-la nói: 

“Vì sao ông nói tôi là người sung sướng nhất trong những người sung sướng?”

Bà-la-môn đáp: 

“Trong vòng bảy ngày, bảy đứa con trai của tôi đều chết. Chúng đều dũng mãnh, tài cao, trí huệ, khó có ai sánh kịp. Trong vòng sáu ngày gần đây, mười hai người giúp việc qua đời. Họ đều là những người giúp việc siêng năng. Trong vòng năm ngày, bốn anh em tôi qua đời. Họ có nhiều nghề, làm gì cũng giỏi. Bốn ngày gần đây, cha mẹ tôi đã gần trăm tuổi bỏ tôi mà lìa đời. Ba ngày gần đây, hai người vợ xinh đệp hiếm có trên đời của tôi đã chết. Lại nữa trong nhà có tám hầm châu báu, hôm qua tìm mãi không thấy. Những khổ não mà tôi đang gặp không thể tính hết. Còn tôn giả thì đã vĩnh viễn xa lìa tai hoạ đó, không còn lo buồn, sống an vui với đạo pháp. Vì lý do đó tôi mới nói ngài là người sung sướng nhất trong những người sung sướng.”

Lúc ấy, Tôn giả Na-già-bà-la bảo bà-la-môn ấy rằng: 

“Sao ông không tìm phương tiện cho những người ấy không qua đời.”

Bà-la-môn đáp: 

“Tôi cũng làm nhiều phương tiện để không chết, không bị mất của, lại tuỳ thời bố thí, tạo các công đức, tế tự chư thiên, cúng dường các bà-la-môn trưởng lão, thủ hộ chư thần, tụng các chú thuật, lại có thể xem tinh tú, chế thuốc thang, bố thí đồ ăn uống ngon lành cho những người nghèo khổ. Những việc như vậy kể ra không hết nhưng lại không thể cứu mạng sống của họ.”

Bấy giờ, Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:

Thuốc thang và chú thuật

Y phục, đồ ăn uống;

Tuy cho nhưng vô ích

Vẫn ôm lấy khổ đau.

[745a] Giả sử cúng tế thần, 

Hương hoa và tắm gội.

Suy tính nguồn gốc này, 

Không thể chửa trị được.

Giả sử cho các vật, 

Tinh tấn giữ phạm hạnh,

Suy tính nguồn gốc này, 

Không thể chửa trị được.

Bà-la-môn hỏi: 

“Phải làm cách nào để thoát khỏi tai hoạ khổ não này?”

Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:

Gốc ân ái, vô minh

Phát sanh các khổ não.

Diệt sạch các thứ ấy, 

Thì không còn khổ não.

Nghe xong, bà-la-môn ấy liền nói kệ:

Tuy già chẳng ngại già, 

Hành sự như đệ tử;

Xin xuất gia học đạo 

Để thoát tai nạn này.

Rồi thì, Tôn giả Na-già-bà-la trao cho ông ba y, cho ông ấy xuất gia học đạo và bảo với ông ấy rằng: 

“Ông nay là Tỳ-kheo. Hãy quán sát thân này từ đầu đến chân; xét sem tóc, lông, móng, răng, từ đâu mà đến, hình hài, da thịt, xương, tuỷ, ruột, bao tử, từ đâu mà đến. Nếu từ bỏ đây, thì sẽ đi về đâu? Vì vậy, Tỳ-kheo chớ có lo nghĩ nhiều về sự khổ não của thế gian, mà phải quán sát trong lỗ chân lông này, tìm phương tiện thành tựu bốn đế.

Bấy giờ, Tôn giả Na-già-bà-la liền nói kệ:

Trừ tưởng, chớ lo nhiều; 

Không lâu được pháp nhãn.

Hành vô thường, như điện .

Không gặp phước lớn này.

Quán từng lỗ chân lông,

Nguồn gốc của sanh diệt.

Hành vô thường, như điện. 

Bố thí hướng Niết bàn.

Sau khi nghe giảng xong, Tỳ-kheo già ấy ngồi ở nơi vắng vẻ tư duy về mục đíchthiện nam tử ấy cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố, tu phạm hạnh vô thượng, biêt như thật rằng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, đã làm những việc cần làm, không còn thọ thai trở lại. Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy liền đắc quả A-la-hán. 

Có vị thiên vốn là bạn cũ của Tỳ-kheo ấy, thấy vị ấy thành A-la-hán, liền đến chỗ Tôn giả Na-già-bà-la đứng trên hư không mà [745b] nói kệ rằng: 

Đã đắc giới cụ túc

Ở nơi vắng vẻ ấy.

Đắc đạo, tâm không chấp; 

Trừ sạch nguồn gốc ác.

Lúc ấy, vị thiên đó rải hoa trời cúng dường tôn giả rồi biến mất.

Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy và vị thiên nghe nhừng điều Tôn giả Na-già-bà-la nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 3[133]
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. 

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy quán bảy xứ thiện, lại xét bốn pháp,[134] ở trong ngay trong đời này được gọi là thượng nhân. Này Tỳ-kheo, thế nào là quán bảy xứ thiện? Ở đây, Tỳ-kheo đem tâm từ rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, bốn hướng và phương trên dưới cũng đều như vậy, làm cho tâm từ tràn đầy khắp thế gian. Với tâm bi, hỷ, xả*, không, vô tướng, nguyện cũng lại như vậy.[135] Các căn đầy đủ, ăn uống điều độ, thường tự giác ngộ; Tỳ-kheo quán bảy pháp như vậy.

“Tỳ-kheo, xét bốn pháp như thế nào? Ở đây, Tỳ-kheo quán thân nơi nội thân, trừ khử sầu ưu, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ; quán thân nơi ngoại thân, thân niệm xứ. Quán thọ nơi nội thọ thọ*, thọ niệm xứ; quan thọ nơi ngoại thọ*, thọ thọ niệm xứ; quán thọ nơi nội ngoại thọ*, thọ niệm xứ. Quán tâm nơi nội tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi ngoại tâm, tâm niệm xứ; quan tâm nơi nội ngoại tâm, tâm niệm xứ;trừ khử sầu ưu, không còn các khổ hoạn. Quán pháp nơi nội pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi ngoại pháp, pháp niệm xứ; quán pháp nơi nội ngoại pháp, pháp niệm xứ. Tỳ-kheo, hãy quan sát bốn pháp như vậy.

“Này Tỳ-kheo, quán bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy, ở ngay trong đời này là bậc thượng nhân. Vì vậy, Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy xứ thiện và xét bốn pháp ấy. Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Ni-câu-lâu, nước Ca-tỳ-la-vệ, giữa những người họ Thích cùng đại chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị .

Lúc ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng: 

“Chúng con muốn đến phương Bắc để du hoá.”

[745c] Thế Tôn nói: 

“Nên biết thời.”

Rồi Thế Tôn lại hỏi các Tỳ kheo:

“Các ngươi đã từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất chưa?”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Chưa, bạch Thế Tôn.”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

 “Các ông hãy đến từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Vì sao vậy? Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường xuyên giáo giới cho những đồng phạm hạnh, thuyết pháp không hề mệt mỏi.

Rồi Thế Tôn nói pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo nghe. Các Tỳ-kheo sau khi nghe pháp xong, rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu Phật ba vòng, rồi ra đi.

Lúc ấy, Xá-lợi-phất đang ở một tháp miếu của những người họ Thích. Các Tỳ-kheo đến chỗ Xá-lợi-phất, chào hỏi, rồi ngồi qua một phía. Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất rằng: 

“Chúng tôi muốn đến phương bắc du hoá trong nhân gian. Nay xin từ giã Tôn giả[136].”

Xá-lợi-phất nói: 

“Này các Thầy, nên biết, nhân dân, sa-môn, bà-la-môn ở phương Bắc đều thông minh, trí huệ khó ai bì. Nếu có người muốn thử, đế hỏi các vị rằng, ‘Chư Hiền có chủ trương gì?’ Các Thầy sẽ trả lời như thế nào?”

Các Tỳ-kheo đáp: 

“Nếu có ai đến hỏi, chúng tôi sẽ trả lời bằng nghĩa lý này: “Sắc là vô thường. Cái gì vô thường, cái đó là khổ. Cái gì khổ, cáo đó là vô ngã. Vô ngã là không. Do không, vô ngã nên chúng rỗng không. Đó là điều mà người trí quán sát. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng vậy, là vô thường, khổ, không, vô ngã. Những gì là không, vì nó vô ngã nên không. Đó là điều mà người trí học. Năm uẩn này đều rỗng không, vắng lặng. Những gì tụ hội bởi nhân duyên, đều sẽ tiêu diệt, không tồn tại lâu dài. Con đường tám nhánh cùng tu với bảy chi. Những điều mà Tôn Sư của chúng tôi dạy chính là như vậy.’ Nếu có người sát-lợi, bà-la-môn hay nhân dân đến hỏi, chúng tôi sẽ trả lời với nghĩa lý như vậy.”

Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo rằng:

“Các Thầy hãy kiên trì tâm ý, chớ có khinh suất.”

Bấy giờ, Xá-lợi-phất nói pháp vi diệu đầy đủ cho các Tỳ kheo nghe. Các Tỳ kheo nghe xong, rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

Khi số đông các Tỳ-kheo đi chưa bao xa, Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo: 

“Như thế nào là thực hành con đường tám nhánh và pháp bảy chi?”

Số đông các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất rằng: 

“Chúng tôi từ xa đến đây là để nghe ý nghĩa ấy. Xin hày hãy giảng cho chúng tôi.”

Xá-lợi-phất [746a] đáp: 

“Các vị hãy lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Tôi sẽ nói.” 

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Xá-lợi-phất nói: 

“Ai nhất tâm niệm chánh kiến, tức là niệm giác chi không rối loạn. Chánh tư duy,[137] là nhất tâm niệm hết thảy các pháp, tức là pháp giác chi. Chánh ngữ,[138] là thân, ý tinh tấn, tức là tinh tấn giác chi. Chánh nghiệp,[139] là hết thảy các pháp được sanh, tức là hỷ giác chi. Chánh mạng,[140] là biết đủ đối với tài sản Hiền Thánh, xả xả bỏ tài sản thế tục, nhẹ nhàng thân thể, tức là khinh an* giác chi. Chánh tinh tấn,[141] là chứng đắc bốn Thánh đế, trừ sạch các kết sử, tức là định giác chi. Chánh niệm,[142] là quán sát bốn niệm xứ,[143] thân không bền chắc, thẩy đều rỗng không, vô ngã, tức là xả* giác chi. Chánh tam muội,[144] là đạt được những gì chưa đạt, độ thoát những gì chưa độ thoát, chứng đắc những gì chưa chứng đắc.[145] 

“Nếu có người đến hỏi rằng, ‘Như thế nào là tu tám đạo và bảy pháp ấy,’ các Thầy hãy trả lời như vậy. Vì sao vậy? Bởi vì Tỳ-kheo nào tu tám đạo và bảy pháp này, tâm liền được giải thoát khỏi hữu lậu.

“Tôi nhắc lại cho các Thầy rõ, Tỳ-kheo nào tu hành tư duy con đường tám nhánh và bảy pháp này, Tỳ-kheo ấy liền thành tựu hai quả không nghi ngờ gì. Hoặc chứng quả A-la-hán. Vả, hãy gác qua việc đó. Nếu không thể tu tập nhiều, nhưng trong một ngày mà tu hành con đường tám nhánh và bảy pháp này, phước báo không thể tính hết. Hoặc đắc A-na-hàm hoặc A-la-hán.[146] 

“Vì vậy, các Thầy phải tìm cầu phương tiện tu hành con đường tám nhánh và bảy pháp này, nhất định sẽ chứng đắc đạo không có gì nghi ngờ.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe những điều Xá-lợi-phất nói, hoan hỷ phụng hành.

KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ..

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ca-diếp: 

“Nay ông đã cao tuổi, ý lực không còn trẻ khỏe, hãy nhận y áo và đồ ăn của các gia chủ.”

Ca-diếp bạch Phật rằng: 

“Con không thể nhận y áo và đồ ăn của họ. Nay với con, mặc y vá mảnh này, và tùy thời khất thực, không còn an lạc nào hơn. Vì sao vậy? Trong tương lai sẽ có các Tỳ-kheo thân thể yếu ớt, tâm tham y đệp, thức ăn ngon, nên giảm sút toạ thiền, không kham hành khổ hạnh, nhưng người ấy lại nói, ‘Quá khứ trong thời Phật, các Tỳ-kheo cũng nhận sự cung thỉnh của người, nhận y áo, ṭhức ăn. Vì sao chúng ta không làm theo Thánh nhân ngày xưa?’ Do tham đắm y áo, thức ăn, họ sẽ [746b] cởi bỏ y phục làm bạch y, khiến cho các vị Thánh hiền không còn oai thần, chúng bốn bộ dần dần suy giảm. Thánh chúng đã giảm bớt thì tháp miếu Phật cũng sẽ bị huỷ hoại. Tháp miếu Phật bị huỷ hoại cho nên kinh sách bị thất lạc. Lúc ấy, chúng sanh không còn tinh quang. Do không còn tinh quang nên tuổi thọ rất ngắn. Bấy giờ, chúng sanh sau khi mạng chung đều đoạ vào ba đường dữ. Cũng như ngày nay, chúng sanh tạo phước nhiều nên đều được sanh thiên; chúng sanh trong tương lai vì tạo tội nhiều nên đều đoạ địa ngục.”

Thế Tôn nói: 

“Lành thay, lành thay, Ca-diếp! Ông đã làm nhiều lợi ích, làm ruộng phước và bạn lành của mọi người. Ca-diếp, nên biết, hơn một ngàn năm sau khi Ta nhập Niết bàn sẽ có Tỳ-kheo sút giảm thiền định, không còn thực hành pháp đầu đà, cũng không có đắp y vá mảnh và đi khất thực, chỉ thích nhận y áo, thức ăn do trưởng giả mang lại. Không còn ai sống dưới gốc cây, tại chỗ nhàn tĩnh, mà chỉ ưa trang sức phòng xá. Cũng không dùng đại tiểu tiện làm thuốc,[147] mà chỉ thích các loại dược thảo rất ngon ngọt. Hoặc ở đây lại tham đắm tài sản, tiếc lẩn phòng xá, thường xuyên tranh chấp với nhau. Lúc bấy giờ, đàn-việt thí chủ, dốc lòng chí tín Phật pháp, ưa hành huệ thí, không tiếc lẩn tài vật. Đàn-việt thí chủ ấy sau khi mạng chung thảy đều sanh lên trời. Nhưng Tỳ kheo lười biếng thì vào địa ngục

“Như vậy, Ca-diếp, hết thảy các hành là vô thường, không tồn tại dài lâu.

“Lại nữa, Ca-diếp, nên biết, trong đời tương lai có Tỳ kheo tuy cạo đầu những vẫn hành theo nghiệp thế tục; tay trái ẳm con trai, tay phải ẳm con gái; lại cầm đàn, sáo mà khất thực trên đường phố. Lúc ấy, thí chủ đàn việt còn thọ phước vô cùng huống gì ngày nay những người khất thực đều tu hành chân chánh. 

“Này Ca-diếp, tất cả các hành đều vô thường, không thể tồn tại lâu dài

“Ca-diếp nên biết, trong tương lai, sa môn Tỳ-kheo sẽ xả bỏ con đường tám nhánh và bảy pháp này, cũng như Pháp bảo mà ngày hôm nay Ta đã tích tụ trong ba a-tăng-kỳ kiếp. Trong tương lai, các Tỳ-kheo khất thực để tự nuôi sóng bằng sự ca hát giữa đám đông. Đàn-việt thí chủ cho cơm cho chúng Tỳ kheo đó mà còn được phước, huống là ngày nay mà không được phước sao? Nay Ta đem pháp này giao cho Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan. Vì sao vậy? Hôm nay, Ta đã gần tám mươi tuổi. Không bao lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ. Nay [746c] đem Pháp bảo giao phó cho hai người. Hãy ghi nhớ đọc tụng, lưu truyềnthế gian, đừng để đoạn tuyệt. Nếu ai ngăn cản ngôn giáo của Thánh nhân, người ấy sẽ đoạ vào biên địa. Hôm nay ta đã giao phó Kinh pháp cho ông, đừng để bị thất thoát.”

Lúc ấy, Ca-diếp và A-nan liền rời khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống chấp tay, bạch Thế Tôn rằng: 

“Vì sao lại đem giáo Pháp giao phó cho hai con mà không giao cho vị khác? Lại nữa, trong chúng Như Lai, các vị có thần thông bậc nhất không thể đếm hết, sao Như Lai không phó chúc cho các vị đó?”

Thế Tôn bảo Ca-diếp rằng: 

“Trên trời, trong loài người, ta không thấy người nào có thể thọ trì Pháp bảo sánh với Ca-diếp và A-nan. Trong chúng Thanh văn cũng không có ai vượt hơn được hai người này. Chư Phật trong quá khứ cũng có hai người thọ trì kinh pháp như Ca-diếp và A-nan ngày nay, rất là hy hữu. Vì sao vậy? Tỳ-kheo hành đầu đà trong thời Phật quá khứ, khi Pháp còn thì vị ấy còn, khi Pháp diệt vị ấy cũng mất. Tỳ-kheo Ca-diếp của Ta ngày nay lưu lại ở thế gian cho đến khi Phật Di-lặc ra đời rồi mới nhập diệt. Do đó Tỳ-kheo Ca-diếp hơn các Tỳ-kheo thời quá khứ. Còn Tỳ-kheo A-nan vì sao lại hơn các thị giả của chư Phật quá khứ? Thị giả của chư Phật quá khứ nghe các Ngài giảng sau đó mới hiểu; nhưng Tỳ-kheo A-nan ngày nay Như Lai chưa nói đã hiểu; Như Lai không nói cũng đều biết hết. Do bởi nhân duyên này Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả của chư Phật quá khứ.

“Vì vậy, hôm nay Ta giao phó Pháp bảo cho Ca-diếp và A-nan, đừng để bị khuyết giảm.”

Rồi Thế Tôn liền nói kệ rằng: 

Hết thảy hành vô thường

Có sanh ắt có diệt.

Không sanh thì không chết. 

Diệt ấy đệ nhất lạc.

Bấy giờ, Đại Ca-diếp và A-nan nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[148]
 
 

[1] Pāli, A.VII. 68 Dhammaññū (R.iv. 113). Hán, Trung, kinh 1.

[2] Pāli: dhammaññū (biết pháp), atthaññū (biết nghĩa), attaññū (biết mình), mattaññū (biết tiết độ), kālaññū (biết thời), parisaññū (biết đại chúng), puggalaparoparaññū (biết sự cao thấp của người). Trung, k.1: tri pháp 知法, tri nghĩa知義, tri thời知時, tri tiết 知節, tri kỹ 知
<lb n="0421a17"/>己, tri chúng 知眾, tri nhân thnắg như 知人勝如.

[3] Trung, ibid.: Tỳ kheo biết mình: “Ta có tín, giới, thí, văn, huệ như vậy…” Pāli: bhikkhu attānaṃ jānāti– ‘ettakomhi saddhāya sīlena sutena cāgena paññāya paṭibhānenā’ti. 

[4] Pāli, A.VII. 69. Pārichattaka. Hán, Trung, kinh 2.

[5] Trú độ thọ 晝度樹. Pāli: Parichattaka. 

[6] Sinh la võng 生羅網. Pāli: jālakajāta. Hán hiểu là jāla-jāta: sinh lưới, thay vì jālaka-jāta, sinh chồi non.

[7] Văn curna về bốn thiền, xem kinh 1 phẩm 12.

[8] Pāli, Udakūpama (R. iv. 12). Hán, Trung, kinh 4.

[9] Hán dịch mục này khác thứ tự với Trung và Pāli: đây là hạng người nổi lên rồi trụ được, không chìm trở lại.

[10] Pāli: đắc Dự lưu.

[11] Hán dịch mục này trái thứ tự với Trung và Pāli: đây là hạng người ngoi lên khỏi nước rồi, đã trụ được, còn có thể quán sát.

[12] Hạng chứng Nhất lai.

[13] Trên Tịnh cư thiên.

[14] Pāli, A.VII. 67. Nagara (R. iv. 105). Hán, Trung, kinh 3.

[15] Hán: viễn quốc 遠國. Trung: biên thành 邊城, thành trì ở biên địa. Pāli: paccantimaṃ nagaraṃ.

[16] Đoạn nói về phòng hộ căn môn, rải rác trong nhiều kinh, nhưng văn dịch không thống nhất.

[17] Hán: đa phương tiện 多諸方便, nên hiểu: nhiều nổ lực, tnh cần.

[18] Tức tu bốn thiền. Pāli: catunnaṃ jhānānaṃ ābhicetasikānaṃ. 

[19] Hán: bất thoát lậu 不脫漏. Nên hiểu: dễ chứng đạt, không khó. Pāli: nikāmalābhī hoti akicchalābhī akasiralābhī.

[20] Nguyên Hán:ấm, trì, nhập..

[21] Nguyên Hán: thần chỉ xứ 神止
<lb n="0730c21"/>處. Xem, Trường, kinh 9 (Chúng tập) Pāli, Cf. D.iii. tr. 253. satta viññāṇaṭṭhitiyo.

[22] Hán dịch không xác định: chỉ một phần chư thiên thuộc thôi.

[23] Hán: sơ xuất thế gian, dịch không hết ý. Nên hiểu: khi kiếp mới sáng thành.

[24] Pāli, S. 46. 16 Gilāna (3) (R.v. 81).

[25] Quân-đầu. Pāli: Mahā-Cunda. Nhưng, bản Pāli nói đức Phật bệnh, và Cunda làm thị giả chăm sóc bịnh, chứ không phải Cunda bệnh.

[26] Bản Pāli: Phật bảo Cunda nói 7 giác chi. Cunda nói xong, Phật khỏi bệnh. 

[27] Pāli, S.46. 42. Cakkavatti (R. v. 99).

[28] Túc tán vương, chỉ các Tiêu vương, chư hầu của Chuyên luân.

[29] Tham chiếu Pāli, M. 23 Vammika (R. i. 142).

[30] Đồng Chân Ca-diếp 童真迦葉. Pāli: Kumārakassapa. Xem Trường, kinh 7 (Tệ-tú); D. 23. Pāyāsi.

[31] Trú ám viên. Pāli: Andhavana, khu rừng ở pía nam Xá-vệ.

[32] Pāli: vammika, gò mối.

[33] Pāli: divā pajjalati, ban ngày rực sáng.

[34] Hán: tạc sơn 鑿山. Bản Pāli: cầm gươm mà đào gò mối lên.

[35] Hán: phụ vật 負物. Pāli: thấy cái then cửa (laṅgī).

[36] Pāli: ukkhipa. hãy lấy lên. Hán hiểu là nikkhipa, hãy để xuống.

[37] Hán: nhị đaok. Pāli: dvidhāpatha, đường đi có hai lối.

[38] Pāli: nāga. có thể hiểu là rắn (thần), cũng có thể là rồng. 

[39] Pāli: namo karohi nāgassa, hãy đảnh lễ (xưng nam-mô) con rắn.

[40] Thứ tự các vật đào được trong Hán dịch khác với bản Pāli. Có ba vật không đòng nhất được giữa Hán và Pāli. Hán: núi, cái gông, cành cây. Pāli: caṅgavāra (cái bát), kumma (con rùa), asisūna (dao mổ bò).

[41] Hán: nhược tùng ngã văn若從我聞. Hán có thể dịch sai, So sanh Pāli (định cú): ito vā pana sutvā, hoặc nghe từ đó; tức những ai nghe từ Phật hay đệ tử của Phật. Nhưng tiếng Phạn ít khi dùng từ nhân xưng, nên Hán dịch tự tiện thêm từ “tôi” vào. Tham chiếu, Trung 25 (tr. 584c29): 唯有如來.如來弟子或從此聞. 

[42] Học nhân 學人, chỉ Thánh giả hữu học.

[43] Pāli: Bát đựng (caṅgavāra, Hán?) chỉ năm triền cái (pañca nīvaraṇānaṃ).

[44] Pāli: không có.

[45] Pāli: con dao mổ (asisūna) chỉ năm dục (pañca kāmaguṇānaṃ).

[46] Pāli: then cửa (laṅgī) chỉ vô minh (āvijjā). 

[47] Pāli: chỉ Tỳ kheo lậu tận (khīṇāsavassetaṃ bhikkhuno).

[48] Pāli, M. 24 Rathavinīta (R. i. 146). Hán, Trung, kinh 9.

[49] Mãn Nguyện Tử. Pāli: Puṇṇa Mantāṇiputta.

[50] Puṇṇa Mantāṇiputta quê ở Donavatthu, gần Kapailavatthu. 

[51] Bổ nạp y 補納衣, đây chỉ y phấn tảo.

[52] Để bản: giải thóat kiến tuệ.

[53] Đoạn này có thể do Hán dịch tự thêm thắt, vì mầu thuẫn với đoạn cuối, theo đó, Xá-lợ-phất cho tới khi kết thúc luận đọa moiứ nhận ra người đối thoại là Mãn Nguyện Tử. Sự kiện này phù hợ với tường thuật của Pāli, và Trung A-hàm.

[54] Biến cách 7 của Phạn ngữ đây dịch thành sở do, thay vì sở y. Nên hiểu: (chúng ta) ở nơi Thế tôn, hay nương nơi Thế tôn (sở y), mà tu phạm hạnh. Như vậy để có mạch lạc với những hỏi và câu trả lời đoạn sau.

[55] Biến cách 7, Hán dịch thành sở do, nên câu hỏi trở thành vô lý. Nên hiểu: “có phải (chúng ta) nương nơi Thế tôn (sở y, biến cách số 7) mà tu phạm hạnh …?”

[56] Pāli: sīlavisuddhatthaṃ, (có phải) vì mục đích giới thanh tịnh?

[57] Pāli: cittavisuddhatthaṃ, vì mục đích tâm thanh tịnh.

[58] Pāli: kaṅkhāvitaraṇavisuddhatthaṃ, độ nghi tịnh, vì mục đích sự thanh tịnh do vượt qua hoài nghi.

[59] Pāli: paṭipadāñāṇadassanavisuddhatthaṃ, đạo tích kiến tịnh, vì mục đích thanh tịnh của tri kiến về phương pháp hành trì. Thứ tự trong bản Pāli, mục đích này ở sau đạo phi đạo kiến tịnh.

[60] Pāli: maggāmaggañāṇadassanavisuddhatthaṃ, đạo phi đạo kiến tịnh, vì mục đích thanh tinh về sự thấy rõ đau là Thánh đạo và đâu là không phải. Xem cht. 59 trên.

[61] Hán: nghĩa, nên hiểu là “mục đích.” Pāli: atthaṃ.

[62] Pāli: ñāṇadassanavisuddhi yāvadeva anupādāparinibbānatthā, tri kiến thanh tịnh là vì mục đích vô dư Niết-bàn (không còn chấp thủ).

[63] Nguyên hán: thọ nhập chi mạo 受入之貌. 

[64] Đoạn dịch hán này tối nghĩa. So sanh Pāli: Xá-lợi-phất hỏi, “Phải chăng giới thanh tịnh là Niết-bàn không còn chấp thủ?” cho đến “tri kiến thanh tịnh là Niết-bàn không còn chấp thủ?” Mãn Nguyện Tử đều trá lời không phải. Nhưng ngoài các pháp được hỏi đó cũng không có pháp nào để đến Niết bàn. Nếu không, phàm phu cũng đạt đến Niết-bàn, vì phàm phu không có những pháp đó.

[65] Câu này Hán dịch rõ ràng sai. Vì các pháp mà Xá-lợi-phất vừa hỏi nhất định không thể có nơi phàm phu. Xem cht. 64 trên.

[66] Di-đa-na-ni 彌多[06]那尼. Skt. Maitrāyaṇi, nhưng Pāli: Mantāni.

[67] Nguyên Hán: đại chủ 大主. Xá-lợi-phất được xưng tụng là vị Đại tướng quân của Chánh pháp.

[68] Bản Hán, hết quyển 43.

[69] Pāli, A. VII. 62 Suriya (R. iv.99), D. 27 Aggañña.

[70] Tế cước 細<gaiji cb='CB0560' des='[腳-谷+去]' uni='811A' >脚. Có lẽ Câu-xá 11 (tr. 59c2) gọi là Kiên thủ 堅手 (Skt. Karoṭapāṇi).

[71] Thi-lợi-sa 尸利沙. 

[72] Hoan duyệt 歡悅. Có lẽ Câu-xá 11 nói là Hằng kiêu 恒憍 (Skt. Sadāmatta, nhưng đây đọc là Sadāmanas).

[73] Lực thạnh 力盛. Có lẽ Câu-xá 11 là Trì man (Skt. Māladhara, nhưng đây đọc là Baladhara).

[74] Pāli, Jā. i. 204: Đế Thích đặt năm vòng đại bảo vệ cung thành Tam thập tam, từ dưới chân Tu-di đi lên: Nāga (Rồng), Garuḍa (Kim sí điểu), Kumbhaṇḍa (Cưu-bàn-trà), Yakkha (Dạ-xoa), và Tứ thiên vương.

[75] Thiết vi 大鐵圍. SDkt. (Mahā)Xakrravāḍa. Pāli: Cakkavāḷa. Các núi bao quanh Tu-di, xem Trường, kinh 29 Thế ký, phẩm Diêm-phù-đề. Câu-xá 11, phẩm iii Thế gian. Thứ tự được kể trong bản Hán dịch này không phù hợp với các tài liệu dẫn trên.

[76] Ni-di-đà 尼
<lb n="0736a13"/>彌陀山, Skt. Nimimdhara. Pāli: Nemindhara.

[77] Khư-la 佉
<lb n="0736a14"/>羅. Skt. Khadiraka. Pāli: karavīka.

[78] Ti-sa 俾沙. Skt. īṣādhara. Pāli: īsadhara.

[79] Mã đầu 馬[08]頭. Skt. Aśvakarṇa; Pāli: Assakaṇṇa.

[80] Tỳ-na-da 毘
<lb n="0736a16"/>那耶. Skt. , Pāli: Vinataka.

[81] Để bản: nhị ; có lẽ nhất nhất bị chép nhầm.

[82] Hán: cách tử 隔子.

[83] Hương tích 香積. Câu-xá 11 (tr. 58a20): Hương túy 香醉. Skt. Gandhamadāna.

[84] Kì-di-đà 祇彌
<lb n="0736c28"/>陀; có thể chép dư. 

[85] Địa phì 地肥. Xem Trường 6 (kinh 5 Tiểu duyên, tr. 37b27); Trung 39 kinh 154 (tr. 674b24). Pāli, D 27 Agañña (R.iii. 85).

[86] Pāli, A.VII. 20 Vassakāra (R. iv. 16), Trường 3 kinh 2; Trung 35 kinh 142.

[87] Bà-lợi-ca 婆利[14]迦. Pāli: Vassakāra.

[88] Bản Hán: bất hướng 不向. Nghi chép dư chữ bất. Tham chiếu, Trung 35, ibid.

[89] Thất sử 七使; tức 7 tùy miên. Cf. Pāli, A. iv. 9: sattannaṃ, anusayānaṃ, có 7 tùy miên

[90] Pāli: kāmarāga, dục tham; paṭigha, sân; diṭṭha, kiến; vicikiccha, nghi; māna, mạn; bhavarāga, hữu tham; avijja, vô minh

[91] Thế khốc 涕哭; TNM: Đề khốc. Có lẽ tên khác của địa ngục Khiếu hoán 叫喚. Cf. Trường 19.

[92] Pāli, M.2. Sabbāsava (R. i. 6). Hán, Trung 2, kinh 10.

[93] Bảy loại trong Trung kinh 10 và Pāli. Bản Hán này chỉ có sáu: 1. Kiến đoạn 見
<lb n="0740b02"/>斷; Trung kinh 10, kiến đoạn; Pāli: dassanā pahātabbā. 2. Thân cận đoạn 親近斷; Trung kinh 10: dụng đoạn; Pāli: paṭisevanā pahātabbā. Tư duy đoạn 思惟斷. 3. Viễn ly đoạn 遠
<lb n="0740b03"/>離斷. Pāli: parivajjanā pahātabbā. 4. Ngu lạc đoạn 娛樂斷. Tư duy đoạn 思惟斷, Pāli: bhāvanā pahātabbā. Còn lại, không đồng nhất được: Pāli: saṃvarā pahātabbā (phòng hộ đoạn), adhivāsanā pahātabbā (kham nhẫn đoạn), vinodanā pahātabbā (trừ diệt đoạn).

[94] Pāli:dhammā manasikaraṇīyā ye dhamme na manasi karoti, pháp cần được tác ý mà không tác ý.

[95] Tham chiếu Pāli, sáu kiến chấp về ngã: 1. atthi me attā, có tự ngã của tôi; 2. natthi me attā, không có tự ngã của tôi; 3. attanāva attānaṃ sañjānāmī, do chính tôi, tôi nhận biết có tự ngã; 4. attanāva anattānaṃ sañjānāmī, do chính tôi, tôi nhận biết không có tự ngã; 5. anattanāva attānaṃ sañjānāmī, không do chính tôi, tôi nhận biết có tự ngã; 6. yo me ayaṃ attā vādo vedeyyo tatra tatra kalyāṇapāpakānaṃ kammānaṃ vipākaṃ paṭisaṃvedeti so kho pana me ayaṃ attā nicco dhuvo sassato avipariṇāmadhammo sassatisamaṃ tatheva ṭhassatī, tự ngã này của tôi nói, nơi này nơi kia nó cảm thọ báo dị thục cúa nghiệp thiện ác, cho nên tự ngã này thường tồn, vĩnh cửu, không biến đổi, mãi mãi tồn tại như vây.

[96] Ba kết (Pāli: tīṇi saṃyojanāni):Thân tà 身[27]耶, tức (hữu) thân kiến (Pāli: sakkāyadiṭṭhi); giới đạo 戒盜, tức giới cấm thủ (Pāli: sīlabbataparāmāso); nghi 疑 (Pāli: vicikicchā).

[97] Các lậu này, chính yếuba kết, được đoạn trừ ở kiến đạo, tức khi thấy bốn Thánh đế. Hán dịch này thiếu mất đoạn nói về thấy bốn Thánh đế, mà trong Trung kinh 10 và bản Pāli có nói rõ.

[98] Nguyên Hán: cung kính sở đoạn 恭敬所斷; đây nên hiểu là kham nhẫn, theo nội dung được nói (Pāli: adhivāsanā). Trong liệt kê, không đề cập mục này. Xem cht. 25 trên. 

[99] Thân cân đoạn sở 親近所斷. Pāli: paṭisevanā pahātabbā (lậu) được đoạn trừ do thọ dụng. Xem cht. 25 trên.

[100] Viễn ly sở đoạn 遠離所斷.Pāli: āsavā parivajjanā pahātabbā, hữu lậu được đoạn trừ do bởi tránh xa.

[101] Nên hiểu là tránh né những ác thú khi Tỳ kheo sống trong rừng.

[102] Nên hiểu, nếu không tránh xa.

[103] Nội dung tương đương với Pāli: đoạn trừ do trừ diệt (vinodanā). Từ Hán dịch ngu lạc không phù hợp với nội dung. Có lẽ Hán dịch đọc nhầm với từ nào đó. 

[104] Nội dung tương đương Pāli: đoạn từ do phòng hộ (saṃvāra), tức thủ hộ các căn. Hán hiểu là oai nghi tức các cử chỉ.

[105] Bản Hán, hết quyển 34.

[106] Tham chiếu, Hán, Trung 2, kinh 7.

[107] A-dũ-xà giang thủy 阿[24]踰闍江水. Có lẽ đồng nhất Pāli, Ayojjhā, tên một vương quốc bên bờ sông Hằng. Cf. Tây vực ký 5 (tr. 896b04): A-dũ-đā 阿踰陀國 (Skt. Ayodhyā).

[108] Đại Quân-đầu 大均頭. Pāli: Mahā-Cunda.

[109] Bà-ca-lợi 婆迦利, tức trên kia, kinh 10 phẩm 46, phiên âm là Bà-ca-lê 婆迦梨. Pāli: Vakkali. 

[110] Hắc phạm chí 黑梵志?

[111] Cf. Pāli, M. 93 Assalāyana (R. ii. 155): Asita Devala. Hán, Trung 37, kinh 151 (tr. 665c05).

[112] Pāli, M. 18 Madhupiṇḍika (R. i. 108). Hán, Trung 28, kinh 115.

[113] Tỳ-da-la-trí tụ 毘羅耶致聚. Pāli: beluvalaṭṭhikāya mūle, (ngồi) dưới gốc cây beluvaṭṭhika, một loại trúc. Trung kinh 115: trong một ngôi chùa của họ Thích, trong rừng trúc 竹林釋迦寺中. 

[114] Chấp Trượng Thích chủng 執杖釋種. Pāli: Daṇḍapāṇipi Sakko. 

[115] Hán: phi … sở năng cập … 所能及. Pāli: yathāvadī… na kenaci loke viggayha tiṭṭhati, yathā ca pana kāmehi visaṃyuttaṃ viharantaṃ taṃ brāhmaṇaṃ akathaṃkathiṃ chinnakukkuccaṃ bhavābhave vītataṇhaṃ saññā nānusenti, “điều mà Ta nói, không phải để tranh luận với bất cứ ai trong thế gian này; điều mà Ta nói là như bà-la-môn sống an trú mà không bị trói buộc bởi các dục, không hoài nghi, đọan trừ ác tác, không còn khát ái nơi hữu và phi hữu, không có các tưởng tiềm phục. ” Chỗ này Hán dịch thiếu một đoạn, nhưng được thấy trong tường thuật tiếp theo. Tham chiếu, Trung kinh 115 (tr. 0603b18).

[116] Dịch sát Hán. Có lẽ từ Phạn văn tương đương Pāli: na kenaci loke viggayha tiṭṭhati : “không tồn tại để tranh chấp (viggayha) với bất cứ ai trong thế gian”, nhưng bản Hán đọc là na kenaci loke vigayha tiṭṭhati, “không tồn tại để đắm chìm (vigayha) trong thế gian.”

[117] “Của dòng họ Thích”, cụm từ này có thể được chép dư trong Bản Hán. Xem cht. 47 trên. 

[118] Xem cht. 47 trên.

[119] Nguyên Hán: cánh lạc 更樂.Đây là định nghĩa về xúc. Định cú Pāli: cakhuñca… paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ tiṇṇaṃ saṅati phasso, duyên nơi mát và sắc, thức con matứ khởi lên. Tổ hợp ba này (gồm mắt, sắc, và thức) là xúc.

[120] Pāli: yaṃ vitakketi taṃ papañceti, do tầm mà có hý luận.

[121] Trung kinh 115: mật hoàn 蜜丸, cục mật ong. Pāli: madhupiṇḍikaṃ.

[122] Cam lộ pháp vị 甘露法味. Trung kinh 115: Mật hoàn dụ 蜜丸喻. Pāli: madhupiṇḍika-pariyāyo.

[123] Pāli, S. 55. 21. Mahānāma (R. v. 369); Pāli, M. 12 Cūḷadukkhakkhandha (R. i. 19). Hán, Tạp (Việt) kinh 1291.

[124] Cf. Pāli, M. 12 Cūḷadukkhakkhandha (R. i. 19): lobho, doso, moho cittassa upakkileso’ ti. tham, sân, si, là cấu uế của tâm.

[125] Tường thuật tương tợ, Cf. M. 14. ibid.

[126] Tiên nhân quật 仙人窟. Pāli: Isigila; tường thuật tưong tợ, cf. M. 14, ibid.

[127] Có lẽ Hán dịch bị nhảy sót nên đoạn văn hơi vô lý. Tham chiếu Pāli, ibid.: nigaṇṭho nāṭaputto‚ sabbaññū…so evamāha pubbe pāpakammaṃkataṃ, taṃ imāya kaṭukāya dukkarakārikāya nijjīretha, “Ni-kiền Tử, là đấng toàn trí, đã nói như vậy: bằng sự khổ hành khốc liệt này, các ngươi sẽ trừ diệt ác nghệp đã làm trước kia.”

[128] Đối chiếu Pāli: kammakkhayā dukkhakkhayo, nghiệp dứt sạch, nên khổ dứt sạch. 

[129] Trong bản Pāli, điều này là phát biểu của nhóm Ni-kiền tử: na… sukhena sukhaṃ adhigantaṃ, dukkhena kho sukhaṃ adhigantabbaṃ (…) bimbisāro sukhaṃ adhigaccheyya, “lạc không thể đạt được bằng lạc; lạc phải đạt được bằng khổ. (Nếu không như vậy,) vua Bimbisara có thể đạt được lạc.” Đây là lý luận cho lối tu khổ hạnh của Ni-kiền tử mà Phật bác bỏ. Hán dịch sai lầm cho là quan điểm của Phật. 

[130] Pāli, thêm chi tiết: suốt bảy bgày bảy đêm an trú với cảm thọ duy nhất là lạc (ekanta-sukhaṃ paṭisaṃvedī vaharitum).

[131] Xem Tạp 5, kinh 109. Pāli, S. 13.2. Pokkharaṇī.

[132] Gia gia, thứ sáu trong 18 bậc hữu học. Xem Trung 30, kinh 127. 

[133] Tham chiếu Pāli, S. 22.; 57. Sattaṭṭhāna (R. iii. 62). Hán, Tạp (Việt) kinh 42.

[134] Tạp (Việt) kinh 42: thất xứ thiện, tam chủng quán nghĩa 七處善種觀義. Pāli, S.22: sattaṭṭhānakusalo, tividhāpaparikkhī.

[135] Xem kinh 3, phẩm 30.

[136] Trong bản: Thế Tôn.

[137] Đẳng trị 等治. 

[138] Đẳng ngữ.

[139] Đẳng nghiệp.

[140] Đẳng mạng.

[141] Đẳng phương tiện.

[142] Đẳng niệm.

[143] Bốn ý chỉ.

[144] Đẳng tam-muộ.

[145] Hán dịch sót: định giác ý (giác chi).

[146] Việt dịch sát. Nhưng Hán dịch đoạn này lôn xộn. Nói theo thứ tự: tu tám Thánh đạobảy giác chi trong 7 năm, hoặc chỉ trong 7 ngày, cho đến một ngày, có thể chứng một trong hai quả: hoặc A-la-hán ngay trong đời này, hoặc nếu còn hữu dư, chứng A-na-hàm, tái sinh Tịnh cư thiên và nhập Niết-bàn trên đó.

[147] Địa tiểu tiện dược大小藥. Dịch ý của từ hủ lạn dược 腐爛藥, loại thuốc quy định cho Tỳ kheo. Pāli: pūtimatta, cũng được hiểu là nước nước đái quỷ. Nhưng ngữ nguyên của từ này không rõ ràng

[148] Bản Hán, hết quyển 35.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/04/2010(Xem: 131756)
14/05/2010(Xem: 444070)
23/04/2023(Xem: 33253)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.