Kinh Sai-Ma 103

25/10/20153:25 SA(Xem: 7744)
Kinh Sai-Ma 103

Lời giới thiệu bản kinh

Tình cờ ngẫu nhiên mà đọc xong bản dịch kinh Khemaka của Cư sĩ Nguyên Giác đăng trong Thư Viện Hoa Sen, mới biết đây chính là 'Ts'ai-mo ching' mà hôm rày Tuệ Hạnh mới vừa kiếm ra. Trong tiểu sử của Đàm Ma Da Xá (Dhammayasas), có đoạn ghi ngài truyền 5 giới cư sĩ cho Trương Phổ Minh con gái của thứ sử Giao Châu Trương Mục (kh. tk 5), theo yêu cầu của bà mà dịch 'Ts'ai-mo ching' (Sai-Ma kinh) từ Pàli sang Hán; sau đó lại truyền giới tỳ kheo ni cho bà. Theo đó thì (Trương) Phổ Minh là vị ni đầu tiên có tiểu sử trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam, chứ không phải đợi đến ni sư Diệu Nhân (tk. 12) như Thiền Uyển Tập Anh ghi mà ai nấy cũng lập đi lập lại. Tuệ Hạnh mới vừa tìm ra tên kinh Ts'ai-mo là Sai-Ma kinh 4-5 hôm nay, đọc xong cũng liền nghĩ ngay đến tư tưởng "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" như Cư sĩ Nguyên Giác đã ghi, và đã có ý định viết một bài ngắn về liên quan giữa tư tưởng 2 hệ Nam Bắc tông này. Nay Cư sĩ Nguyên Giác đã viết rồi thì thôi vậy. Như Lý Bạch muốn đề thơ trên lầu Hoàng Hạc mà  "Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu" vậy.

Thích Nữ Tuệ Hạnh.
24-10-2015
Bài kinh liên quan:
Kinh Khemaka: Ưng Vô Sở Trụ (Nguyên Giác)

KINH TẠP A-HÀM
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Đà-La. 
Việt dịch: Thích Đức Thắng. 
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
http://thuvienhoasen.org/p16a11442/4/tap-a-ham-quyen-5 
Tạp A Hàm, q. 5, kinh 103. Sai-Ma

KINH 103. SAI-MA [1]

blankTôi nghe như vầy:

Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo Thượng tọa trú ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-xá-di[2]. Lúc ấy cũng ở nước Câu-xá-di tại vườn Bạt-đà-lê[3] có Tỳ-kheo Sai-ma[4] thân mang trọng bệnh. Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa[5] là người nuôi bệnh. Tỳ-kheo Đà-sa đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, lễ dưới chân các Tỳ-kheo Thượng tọa rồi đứng sang một bên. Các Tỳ-kheo Thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Thầy trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma nói rằng: ‘Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không tăng lắm chứ?’”

Lúc ấy, Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: ‘Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không tăng lắm chứ?’

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Bệnh của tôi không bớt, thân không được an ổn, các thứ khổ bức bách càng tăng thêm, không cứu nổi. Giống như người có nhiều sức mạnh bắt lấy người gầy yếu đuối, dùng dây trói chặt vào đầu cùng hai tay, rồi siết chặt làm cho đau đớn vô cùng. Hiện tại sự thống khổ của tôi còn hơn cả người kia nữa. Giống như tên đồ tể dùng dao bén mổ bụng bò lấy nội tạng nó ra; sự đau đớn bụng con bò như thế nào có thể chịu nổi, còn hiện tại sự đau đớn bụng của tôi, hơn cả sự đau của con bò kia. Như hai lực sĩ bắt một người yếu đuối treo lên trên lửa rồi đốt hai chân họ, hiện nay hai chân của tôi còn nóng hơn người kia.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa đến lại chỗ các Thượng tọa, đem những lời đã nói về bệnh trạng của Tỳ-kheo Sai-ma bạch lại đầy đủ cho các Thượng tọa. Các Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma và nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Đức Thế Tôn đã dạy có năm thọ ấm, đó là: Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Tỳ-kheo Sai-ma, thầy có thể quán sát một chút về năm thọ ấm này, không phải ngã, không phải ngã sở, được không?”

Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy rồi trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

“Các Thượng tọa nhắn lại thầy là: ‘Thế Tôn đã từng dạy về năm thọ ấm, thầy có thể quán sát một chút, không phải ngã, không ngã sở được không?’”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Đối với năm thọ ấm này, tôi có thể quán sát không phải ngã, không phải ngã sở.”

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại bạch với các Thượng tọa rằng:

“Tỳ-kheo Sai-ma nói, ‘Đối với năm thọ ấm này, tôi có thể quán sát không phải ngã, không phải ngã sở.’”.

Các Tỳ-kheo Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Thầy có thể đối với năm thọ ấm quán sát về không phải ngã, không phải những gì thuộc về ngã như các bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc được không?”

Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy, lại đến chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Sai-ma rằng: “Thầy có thể quán sát năm thọ ấm như các bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc được không?”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Tôi có thể quán sát năm thọ ấm là không phải ngã, không phải ngã sở; nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc.”

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với các Thượng tọa, Tỳ-kheo Sai-ma nói, ‘Tôi có thể quán sát năm thọ ấm là không phải ngã, không phải ngã sở; nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc.’”

Bây giờ, các Thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa, “ngươi hãy trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma: ‘Thầy nói là thầy quán sát năm thọ ấm không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.’”

Tỳ-kheo Đà-sa lại vâng lời dạy các Thượng tọa, đến nói với Tỳ-kheo Sai-ma là: ‘Thầy nói là thầy quán sát năm thọ ấm không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.’

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Đối với năm thọ ấm tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.”

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với các Thượng tọa, là Tỳ-kheo Sai-ma xin thưa rằng: ‘Đối với năm thọ ấm tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.’

Các Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: ‘Thầy nói có ngã. Vậy thì ở chỗ nào có ngã? Sắc là ngã hay ngã khác sắc? Và thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác thức?’

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Tôi không nói sắc là ngã hay ngã khác sắc; thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác thức. Nhưng đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Sao dám làm phiền thầy phải chạy qua chạy lại! Thầy mang giùm cây gậy đến đây, tôi sẽ tự chống gậy đến các Thượng tọa kia. Xin trao gậy cho tôi.”

Tỳ-kheo Sai-ma liền tự chống gậy đi đến chỗ các Thượng tọa. Từ xa các Thượng tọa nhìn thấy Tỳ-kheo Sai-ma chống gậy đi lại, liền trải tọa cụ, sửa bồ đoàn, đích thân ra nghinh tiếp, vì thầy mang giúp y bát và mời ngồi, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi các Thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

“Thầy bảo ngã mạn; vậy chỗ nào thấy ngã? Sắc là ngã chăng? Ngã khác sắc chăng? Và thọ, tưởng, hành, thức là ngã chăng? Ngã khác thức chăng?”

Tỳ-kheo Sai-ma bạch rằng:

“Chẳng phải sắc là ngã, chẳng phải ngã khác sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, chẳng phải ngã khác thức. Nhưng đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi có thể chưa đoạn hết, chưa có thể biết rõ, chưa có thể xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.

“Giống như hương thơm của hoa Ưu-bát-la, Bát-đàm-ma, Câu-mâu-đầu, Phân-đà-lợi, có phải là mùi hương của rễ? Hay hương khác rễ; là mùi hương tinh thô của thân, lá, cuống? Là mùi hương khác tinh thô? Hay là tất cả những thứ đó chăng?”

Các Thượng tọa đáp rằng:

“Không phải đâu, Tỳ-kheo Sai-ma, chẳng phải rễ của hoa Ưu-bát-la, Bát-đàm-ma, Câu-mâu-đầu, Phân-đà-lợi, là mùi hương và chẳng phải mùi hương khác rễ; cũng chẳng phải thân, lá, cuống, tinh thô là mùi hương; cũng chẳng phải mùi hương khác tinh thô.”

Tỳ-kheo Sai-ma lại hỏi:

“Vậy đó là những thứ hương gì?”

Các Thượng tọa đáp rằng:

“Là mùi hương của hoa.”

Tỳ-kheo Sai-ma lại nói:

“Vậy thì ngã cũng như vậy. Chẳng phải sắc là ngã, ngã không lìa sắc và chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, ngã không lìa thức; nhưng đối với năm thọ ấm, tôi thấy không phải ngã, không phải ngã sở, mà đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.

“Các Thượng tọa hãy nghe tôi nói thí dụ, vì người trí nhờ thí dụ mà được hiểu rõ. Giống như chiếc áo của người nhũ mẫu giao cho người giặt. Họ giặt bằng nước tro, tuy có sạch bụi nhơ, nhưng vẫn còn có mùi. Nếu muốn hết mùi này thì cần phải dùng các thứ hương thơm xông ướp. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử xa lìa năm thọ ấm, quán sát chân chánh rằng không phải ngã, không phải ngã sở, có thể đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm chán, nhưng đối với năm thọ ấm sau đó vị ấy tư duy thêm nữa, quán sát sự sanh diệt của chúng, rằng: ‘Đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc này, đây là sự diệt tận của sắc này. Đây là thọ, tưởng, hành, thức này, đây là sự tập khởi... thức này và sự đoạn tận của... thức này cũng như vậy. Đối với năm thọ ấm khi đã quán sát sự sanh diệt của chúng như vậy rồi, thì ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tất cả đều được tiêu trừ. Đó gọi là quán sát chân chánh chân thật.”

Khi Tỳ-kheo Sai-ma nói pháp này, thì các vị Thượng tọa xa lìa được trần cấu, được trong sạch mắt pháp. Tỳ-kheo Sai-ma nhờ không khởi các lậu hoặc, nên tâm được giải thoát. Vì được an vui lợi ích nơi chánh pháp nên những bệnh của thân tất cả đều được tiêu trừ.

Bấy giờ, các Thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

“Lần đầu chúng tôi được nghe những gì Nhân giả nói đã hiểu rõ và mừng vui, huống chi là được nghe lại nhiều lần. Sở dĩ chúng tôi hỏi nhiều là vì muốn phát khởi biện tài vi diệu của Nhân giả, chứ không phải có ý nhiễu loạn. Nhân giả là người có khả năng nói rộng chánh pháp của Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.”

Sau khi các Thượng tọa nghe những gì mà Tỳ-kheo Sai-ma nói xong, tất cả đều hoan hỷ phụng hành.

Đại Chánh, quyển 5. Quốc Dịch, quyển 5, phẩm 15. Pāli, S. 22. 89. Khema.

[2].    Câu-xá-di quốc Cù-sư-la viên 拘舍彌國瞿師羅園. Pāli: Kosambī, Ghositārāma.

[3].    Bạt-đà-lê viên 跋陀梨園. Pāli: Badarikārāma.

[4].    Sai-ma 差摩. Pāli: Khema.

[5].    Đà-sa 陀娑. Pāli: Dāsaka.

 

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
18/05/2010(Xem: 149721)
16/05/2010(Xem: 92983)
13/03/2017(Xem: 9487)
19/03/2016(Xem: 22968)
13/05/2010(Xem: 172824)
Thư Ngỏ của Tỳ kheo Thích Giác Tâm Thế danh: Trương Mậu Nam Hiện trụ trì tại: Chùa La, thôn Cẩm Liên, xã Cẩm La, Tx Quảng Yên, T Quảng Ninh, nước Việt Nam Do ảnh hưởng trực tiếp từ bão Yagi quá mạnh đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh nên chùa con bị thiệt hại nặng nề. Trụ xứ chúng con có 9 chú tiểu là trẻ mồ côi con nhận cưu mang nuôi dưỡng, đang ở mái che tạm.
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
Phái đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ đã đến thăm Orange County và tổ chức buổi cơm chay "Gây Quỹ Xây Dựng Học Viện Phật Giáo Viên Giác tại Đức Quốc" vào thứ bảy ngày 5/10/2024 tại trung tâm Sangha, 7641 Talbert Avenue, thành phố Huntington Beach....Kiều Mỹ Duyên có buổi phỏng vấn Hòa Thượng Thích Như Điển và Hòa Thượng Thích Thông Triết vào thứ hai ngày 7/10/2024 trên đài truyền hình VBS 57.6 cùng cô Thu Anh, chuyên viên địa ốc.