Thư Viện Hoa Sen

03 Phẩm Đệ Tử: Hàng Thanh Văn

09/06/201012:00 SA(Xem: 22363)
03 Phẩm Đệ Tử: Hàng Thanh Văn

GIẢNG GIẢI KINH DUY MA CẬT
Tác giả Lê Sỹ Minh Tùng

Chương Thứ Ba

Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti
)

Tôn giả Xá Lợi Phất [Audio]
Tôn giả Mục Kiền Liên [Audio]
Tôn giả Đại Ca Diếp [Audio]
Tôn giả Tu Bồ Đề [Audio]
Tôn giả Phú Lâu Na [Audio]
Tôn giả Ca Chiên Diên [Audio]
Tôn giả A Na Luật [Audio]
Tôn giả Ưu Bà Ly [Audio]
Tôn giả La Hầu La [Audio]
Tôn giả A Nan [Audio]

Tôn giả Xá Lợi Phất. (Phạn ngữ: Sariputra): 
Vấn Đề Thiền.

Bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật tự nghĩ: nay mình nhuốm bệnh nằm một mình một giường và một thất, Đức Thế Tôn là bậc đại từ, lẽ đâu không đoái lòng thương xót. Phật biết thâm ý liền bảo ông Xá Lợi Phất rằng:

Xá Lợi Phất! Ông đi đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật.

Xá Lợi Phất bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con xin Thế Tôn thương cho. Con không kham lãnh trách nhiệm đến thăm bệnh ông ấy.

- Bạch Thế Tôn! Vì trước đây có một hôm con đang ở trong rừng ngồi thiền dưới một cội cây. Tình cờ ông Duy Ma Cật đến nói với con rằng:

Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Ngài bất tất phải ngồi như thế mới là ngồi thiền! Vả chăng ngồi yên ở trong tam giới mà không hiện thân ý mới là ngồi thiền. Sinh hoạt trong oai nghi như hằng ngày mà không rời diệt tận định mới là ngồi thiền. Làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không xao lãng đạo pháp mới là ngồi thiền. Tâm không cột vào trong mà cũng không tản mạn ra ngoài mới là ngồi thiền. Trước bao nhiêu tà kiến, bao nhiêu dị thuyết, bao nhiêu chuyện mê tín, hoang đườngtâm không lay động, không bị mê hoặc, cám dỗ, xiêu lòng, vững tâm trong 37 phần trợ đạo thế mới là ngồi thiền. Không khởi tâm đoạn trừ phiền nãovẫn có Niết bàn thế mới là ngồi thiền.

Ngồi được như thế thì đó là thứ thiền được Phật ngợi khenấn khả, thưa Ngài Xá Lợi Phất.

Xá Lợi Phất là một trong mười vị đại đệ tử của Phật. Ngài là người thông minh trí tuệ từ khi còn bé cho nên sau khi quy y theo Phật, Ngài nổi danh là đệ nhất trí tuệ trong hàng Thanh Văn. Đối với Phật giáo thì thiền là phương thức căn bản để định tâm. Chính ngày xưa Đức Phật đã ngồi thiền suốt 49 ngày đêm dưới cội Bồ-đề mới trở thành vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu mà không thiền cũng như ăn cơm mà không có muối. Dù có được ăn, nhưng càng ngày thân thể càng èo uột, dễ chết. Vì thế sau ngày Đức Phật nhập diệt thì các đệ tử vẫn tiếp tục duy trì truyền thống ngồi thiền để đạt được tâm thanh tịnh. Do đó khi ông Duy Ma Cật nói :”Bất tất phải ngồi thiền như thế mới là ngồi thiền” có mâu thuẩn giáo lý của Phật không? Tuy ngài Xá Lợi Phất là bậc thông minh xuất chúng, đệ nhất trí tuệ, nhưng vẫn thuộc hàng Thanh Văn. Đó là các ngài chỉ mới phá được chấp ngã tức là phá được cái Ta và những Tham-Sân-Si để tạo tác cho cái Ta mà chưa phá được chấp pháp tức là còn thấy có pháp để tu, có quả vị để chứng và chấp phải ngồi thiền thì tâm mới an, mới chứng quả A La hán. Lối nhìn của ông Xá Lợi Phất là đứng về Sự Tướng Tương Đối của thế gian còn tư tưởng của ông Duy Ma Cật là đứng về Chân Lý Thể Tánh Tuyệt Đối mà hành. Vì thế không có sự mâu thuẩn giữa tôn giả Xá Lợi Phấttrưởng giả Duy Ma Cậtdĩ nhiên cũng không có sự mâu thuẩn giữa hai lối tu thiền mà chỉ có sự khác nhau về tư tưởngthực hành giữa Sự và Lý hay Tướng và Tánh mà thôi. Ông Xá Lợi Phất thì chấp vào Tướng nên cứ phải ngồi yên lặng không nói năng mới là thiền còn ông Duy Ma Cật thì nhìn vào Bản Thể Chân Như bên trong nên đối với ông thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền, lúc nào cũng thiền, ở nhà cũng thiền, ở chợ cũng thiền ngay cả trong lúc ăn cơm, mặc áo, nói chuyện cũng thiền. Khi con người làm chủ được tâm của mình, giữ tâm an nhiên tự tại, không chạy theo vọng thức bằng cách sống trong Chánh Niệm, xa lìa sự quyến rủ của lục trần để kiềm chế Tham-Sân-Si làm cho Thân-Khẩu-Ý được thanh tịnh thì mới là tu thiền. Vậy đi, đứng, nằm đều là tu thiền chứ không nhất thiết chỉ có ngồi. Ngày xưa chính Lục Tổ Huệ Năng cũng nói rằng nếu có nhập thiền và có xuất thiền thì tâm chưa phải là đại định. Đối với tư tưởng Duy Ma Cật thì tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày đều là thiền. Tu thiền là tu trong mọi sinh hoạt của cuộc sống cho nên khi gặp thuận cảnh thì lòng không tham đắm và lúc đối diện với nghịch cảnh thì tâm không dao động, sợ hãi, đau khổ hay chán chường. Vì thế không nhất định chỉ có buổi sáng hay ban đêm mới thiền mà trong 24 tiếng đồng hồ mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà không cho vô minh vọng chấp dấy khởi làm Tham-Sân-Si không có cơ hội phát tác khiến tâm được thanh tịnh thì mới là thiền.

Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi tay cầm lưỡi gươm đang bốc lửa chính là lưỡi gươm vàng trí tuệ để chặt đứt những xiềng xích bó buộc của vô minh phiền não. Vì tầm quan trọng đó mà chính Đức Phật cũng dạy rằng:

- Thanh kiếm trí tuệ không bao giờ rời tay, đó mới là chiến sĩ. Một chiến sĩ vào trận mà bỏ kiếm, đi tay không thì sẽ bị giặc (phiền não) bắt ngay.

Không riêng gì Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi cầm trên tay thanh gươm trí tuệ mà tất cả chúng ta nếu muốn diệt vô minh vọng chấp thì cũng phải trang bị cho mình thanh gươm quý báu nầy. Nếu có người làm ta bất bình nổi nóng mà chúng ta vẫn trầm tỉnh an vui là trên tay còn thanh kiếm báu. Nếu đối diện với cuộc sống mà còn buồn phiền, lo lắng, đau khổ, tật đố là thanh kiếm trí tuệ bị bỏ rơi xuống đất rồi. Còn thản nhiên bình tĩnh thì tay vẫn còn cầm thanh kiếm. Vì thế thiền là giữ đừng cho tâm chạy tán loạn mà sanh ra vọng tưởng. Đa số con người có bệnh “lo ra”. Ngồi ở đây mà cứ lo nghĩ chuyện ở bên Tàu, bên Tây. Do đó muốn tâm được tự tại thì tới giờ ăn thì chỉ lo ăn chớ đừng tính toán việc sinh kế nầy nọ. Khi đi ngủ thì cứ đi ngủ, đừng có nghĩ chuyện lời lỗ, hơn thua. Tập được như vậy là chúng ta tập làm chủ tâm mình. Đây chính là yếu tố chính để chúng ta thành công trong mọi lãnh vực.

Việt Nam Trần Thánh Tông là vua thứ hai của nhà Trần vì nghe danh Trần Quốc Tảng là bậc đại sĩ nên nhà vua tôn ông làm sư huynh và tặng hiệu là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thượng Sĩ là con đầu của Trần Liễu và là anh cả của Hoàng Thái Hậu. Trần Cảnh là em của Trần Liễu sau lấy vua Lý Chiêu Hoàng lúc mới tám tuổi, được vợ nhường ngôi trở thành Trần Thái Tông. Khi Lý Chiêu Hoàng được 19 tuổi mà không con nên Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu là Thuận Thiên tức là chị dâu lúc đó đang mang thai và phong làm Hoàng hậu làm cho Trần Liễu phẩn uất nổi loạn. Thượng Sĩ là thầy của Thái tử Trần Khâm tức vua Trần Nhân Tông. Sau khi thắng quân Mông Cổ, vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử xuất gia và lập ra phái Trúc Lâm. Tuy là một cư sĩ nhưng ông rất tinh thông giáo pháptu hành đến chỗ vô phân biệt. Một hôm, Thái tử Trần Khâm hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

- Bạch Thượng Sĩ! Thế nào là chủ yếu của người tu thiền?

Thượng Sĩ đọc một câu thơ:

- Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.

Câu nầy có nghĩa là người tu thiền phải biết quay lại soi sáng mình thì đó là phận sự chính chớ không phải từ ngoài mà được.

Ngồi yên ở trong tam giới mà không hiện thân ý mới là ngồi thiền.

Người ngồi thiền thì yên lặng, chăm chú quán hơi thở nên miệng không nói vì thế trong bộ ba Thân-Khẩu-Ý thì khẩu đã tịnh nên chỉ cần giữ thêm thân và ý. Không hiện thân ý là đừng quan tâm, chú ý tới thân và ý mà hảy quên mình sống vì người để đạt đến trạng thái vô ngã. Luôn sống với Chánh Niệm và khi làm việc gì thì chủ tâm để ý đến việc ấy chớ đừng để tâm chạy tới chạy lui làm vọng thức mê lầm có cơ hội phát sinh. Nếu chúng ta đọc sách thì chỉ nên để tâm vào cuốn sách, nếu đang lái xe thì đừng quan tâm đến chuyện ở nhà và nếu nấu cơm mà để tâm lo trả lời điện thoại thì ăn cơm cháy là chắc. Bây giờ ngồi yên trong tam giới mà không hiện thân ý có nghĩa là con người tuy sống trong tam giới mà tâm và ý không chạy theo tam giới tức là không tạo nghiệp, không dính mắc trong ba cõi để khỏi phải chịu sinh tử luân hồi. Thân và tâm không động thì đó mới thật là ngồi yên.

Diệt Tận ĐịnhPhạn ngữ là Nirodha Samapatti là phương pháp tu Định để diệt hết hai uẩn Thọ và Tưởng nên thân tâm không còn cảm xúctư tưởng. Vì thế khi các vị A La Hán nhập Diệt Tận Định thì tuy thân còn chút hơi ấm mà không còn hơi thở và họ ngồi lặng lẽ như chết. Vào thời Đức Phật, một hôm vào mùa hè oi bức Đức Phật đang tọa thiền trong lều của những người làm ruộng. Khi ấy có cơn mưa giông rất lớn tạo ra sấm sét đánh chết người và trâu nhưng Ngài không hề hay biết. Khi Đức Phật xả thiền thì thấy mọi người xôn xao mổ trâu để làm thịt. Đức Phật mới hỏi lý do thì họ hỏi Ngài:

- Lúc nãy mưa to, sét đánh chết người chết trâu. Khi ấy, Ngài ngồi ở đâu?

Đức Phật trả lời:

Như Lai ngồi trong lều cỏ nầy.

- Ngài ngủ hay thức?

Như Lai không ngủ.

- Không ngủ sao Ngài không nghe.

Thì ra lúc đó Ngài đang nhập định (Diệt Tận Định) nên quên hết mọi chuyện bên ngoài.

Do đó khi đứng dậy hay đi đứng thì phải xả Diệt Tận Định, nhưng ở đây ông Duy Ma Cật muốn phá cái chấp ngồi yên mới là thiền nên cho dù không cần xả Diệt Tận Định mà tất cả mọi hành động như đi, đứng, nằm, ngồi thì mọi cảm xúctư tưởng vẫn như như bất động, không còn khởi vọng. Con người làm chủ thân tâm chứ không chạy theo trần cảnh bên ngoài. Đừng chấp có Định phải chứng và cũng đừng chấp có Thọ, Tưởng phải diệt mà cứ an vui tự tại trong mọi sinh hoạt hàng ngày miễn sao tâm đừng ô nhiễm thì đây chính là Như Lai thiền vậy. Như Lai thiền thì không nhất thiết phải ngồi mới có thiền mà tất cả mọi hoạt động như đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền cả.

Trong thế gian việc làm của kẻ phàm phu là họ làm bất cứ việc gì cũng đều có tính toán lời lỗ trong đó. Buôn bán thì muốn buôn may bán đắc để được giàu. Làm công sở thì muốn được thăng quan tiến chức…nhưng ông Duy Ma Cật nói rằng làm mọi việc như kẻ phàm phu mà không xao lãng đạo phápcon người có thể làm bất cứ việc gì mà lúc nào cũng giữ Chánh niệm, không để tâm chạy theo trần cảnh mà bị ô nhiễm. Thí dụ như khi đi làm công sở thì cứ tận tâm làm việc, hoàn thành công việc thật hoàn mãn mà đừng đặt nhiều tham vọng vào việc thăng quan tiến chức thì thân tâm sẽ an vui tự tại. Việc đến sẽ đến nếu ta xứng đáng thì có ngày sẽ được thăng quan. Không hại người để lợi cho mình, giàu mà không tham và nghèo mà không than khổ là sống theo đạo pháp vậy. Vì thế một lần nữa con người có thể làm bất cứ việc gì mà đừng để tâm một nơi khác, không tham đắm ngũ dục lạc thì đây mới gọi là ngồi thiền.

Tâm không cột vào trong mà cũng không tản mạn ra ngoài mới là ngồi thiền.

Thông thường con người có hai trạng thái. Một là tâm ở trong, hai là thấy tâm chạy ra ngoài. Tâm mà thấy còn trụ ở chỗ nầy hay chỗ kia thì không phải là tâm thật. Còn tâm thật thì nó phải trùm hết chứ không phải chỉ có ở trong hay ở ngoài. Vì thế nếu tâm không cột vào trong mà cũng không tản mạn ra ngoài chính là sống với chơn tâm, với Phật tính, với tự tánh thanh tịnh của mình. Đây mới chính là ngồi thiền vậy. Cũng như trong kinh Lăng Nghiêm, khi nói về Chơn Tâm, Phật gạn hỏi ông A Nan bảy lần về nơi thường trụ của tâm. Tôn giả A Nan nói tâm ở trong, tâm ở ngoài, tâm ở chính giữa, tâm núp trong con mắt, tâm là sự suy nghĩ, ngay cả tâm là cái không dính mắc…thì Phật bảo rằng ông nói sai. Con người vì có bệnh chấp nên nói tâm phải thường trụ một chỗ nào nhất định nên đây không phải là tâm thật. Khi bệnh chấp đã hết thì không còn thấy tâm trụ ở một chỗ nào mà nó bao trùm tất cả thì đây mới là chơn tâm. Vì chơn tâm là vô hình vô tướng, bao trùm, lan tỏa khắp mọi nơi thì làm sao thấy biết được mà nói là ở chỗ nầy hay chỗ kia.

Trước bao nhiêu tà kiến, bao nhiêu dị thuyết, bao nhiêu chuyện mê tín, hoang đườngtâm không lay động, không bị mê hoặc, cám dỗ, xiêu lòng, vững tâm trong 37 phần trợ đạo thế mới là ngồi thiền. Không khởi tâm đoạn trừ phiền nãovẫn có Niết bàn thế mới là ngồi thiền.

Đối với hàng Thanh Văn thì Tứ Diệu Đế là chiếc thuyền vững chắc đưa họ từ bờ mê sang bến giác. Muốn đạt đến Thánh đạo hàng Thanh Văn phải loại bỏ cho hết tà kiến, xóa tan những dị thuyết mê tín dị đoan, tu theo 37 phần trợ đạo để tâm được thanh tịnhchứng quả Niết bàn. Các vị A La Hán còn thấy có phiền não khổ đau nên mới cầu chứng đắc Niết bàn vì họ còn tâm phân biệt phiền nãoNiết bàn là hai. Bây giờ ông Duy Ma Cật dùng Chân Lý Bất Nhị để giúp họ quay về sống với Lý Tánh Tuyệt Đối của nhân sinh vũ trụ mà thấy rằng phiền não tức Bồ-đề và sinh tử tức Niết bàn. Dựa theo Chân Lý nầy thì người tu thiền không cần lìa bỏ thế gian mà vẫn được giải thoát giác ngộ bởi vì đạo và đời vốn không hai tức là bất nhị. Không một ai sống trong thế gian nầy ngay cả Đức Phật có thể tách rời đạo và đời được. Một chén cơm chúng ta ăn, bộ quần áo chúng ta mặc, chiếc xe chúng ta lái, cái nhà chúng ta ở là từ xã hội mà có. Ngay cả những nhà tu khổ hạnh lên tận núi tuyết sơn nếu họ không có người cung cấp thực phẩm, dụng cụ thì làm sao sống nổi để tu. Do đó chân lý bất nhị của ông Duy Ma Cật là đạo và đời tuy hai nhưng mà một, bất khả phân ly. Cái nầy tương trợ cho cái kia, trong hai thiếu một thì cuộc sống thiếu thăng bằng. Vì thế Phật mới dạy rằng:”Vì có phiền não nên có Bồ-đề, có sanh tử mới có Niết Bàn, có luân hồi mới có giải thoát, có chúng sinh mới có Phật”. Một khi chúng sinh không còn chấp có phiền não phải diệt, Niết bàn phải chứng mà cứ tự tại tu hành thì tâm địnhtrí tuệ sẽ sáng soi. Lúc ấy phiền não tự diệt và Niết bàn tự hiện bày.

Vì thế thiền định là quay vào bên trong để nghe rõ tiếng nói của Tâm tức là phản quan tự kỷ. Mà con người chỉ có thể nghe được những âm thanh huyền diệu nầy khi thân và tâm đã hoàn toàn thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt không còn Tham-Sân-Si quấy phá. Tâm định thì trí tuệ Bát nhã sẽ phát sinh và lúc đó con người sẽ thấy mình và chúng sinh không còn sự khác biệt nữa. Mình và chúng sinh bây giờ cùng một Thể tức là một thì mới có thể vào thế gian để cứu đời, độ đời, thực hành Bồ-tát đạo sống đời vị tha vô ngã.

Bạch Thế Tôn! Ông Xá Lợi Phất thưa. Sau khi con nghe những lời như thế, con lặng người ra gần như sảng sốt, chẳng trả lời được với ông Duy Ma Cật câu nào. Vì vậy con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.

Tôn giả Xá Lợi Phất tu theo Sự Tướng Tương Đối nên bị cư sĩ Duy Ma Cật đem Lý Tánh Bản Thể Tuyệt Đối ra chất vấn nên không trả lời được. Mặc dù ông Xá Lợi Phấttrí tuệ đệ nhất của hàng Thanh Văn cũng không thể nào sánh bằng trí tuệ của Bồ-tát được. Hàng Thanh Văn tuy đã phá được chấp ngã nhưng họ vẫn còn kẹt trong vòng tương đối của chấp pháp. Đó là còn chấp có phiền não phải diệt, có Niết bàn phải chứng, có pháp môn để tu…nên chưa đạt đến Lý Tánh Tuyệt Đối tức là không còn chấp Có, chấp Không, tuy hai nhưng mà một, là bản Thể Chân Như, là tự tánh thanh tịnh muôn đời.

Vì những lý do nầy mà tôn giả Xá Lợi Phất không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh cư sĩ Duy Ma Cật.

 

Phẩm Đệ Tử
(The Disciples’ Reluctance to Visit Vimalakirti)
Hàng Thanh Văn

Tôn giả Mục Kiền Liên (Maha Moggalyana): 
Vấn Đề Thuyết Pháp.

Trong số đại đệ tử của Phật, tôn giả Mục Kiền Liên nổi danh là đệ nhất thần thông. Sau khi ngài Xá Lợi Phất từ chối không dám đi, Đức Phật liền gọi tôn giả Mục Kiền Liên và bảo rằng:

- Mục Kiền Liên! Ông hảy đến thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ngài Mục Kiền Liên liền thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông ấy. Trước đây có lần con đi vào thành Tỳ Xá Ly. Trong một thôn xóm nọ, con vì một nhóm cư sĩ nói pháp cho họ nghe. Bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật đến nói với con rằng:

- Thưa ngài Mục Kiền Liên! Vì hàng bạch cư sĩ nói pháp Ngài không nên nói những pháp như vậy. Vả chăng nói pháp phải đúng như pháp mà nói. Bởi vì pháp không có tướng chúng sinh, xa lìa sự cấu nhiễm về chúng sinh. Pháp không có ngã vì lìa ngã cấu. Pháp không có tướng thọ mệnh, xa lìa sanh tử ưu bi. Pháp không có tướng nhơn, vì thời gian trước và thời gian sau không phải một. Pháp thường vắng lặng vì dứt bặt các tướng. Pháp ly tất cả tướng vì nó không phải đối tượng sở duyên. Pháp không có tên, không có lời để gọi vì ngoài sự nghĩ ngợi nói năng. Pháp không có gì để nói vì nó ly các giác quán. Pháp không hình tướng vì nó như hư không. Pháp không như trò giởn vì nó hoàn toàn rỗng lặng. Pháp không phải là ngã sở vì nó rời ngoài ngã sở. Pháp không thể phân biệt vì nó vượt ngoài sự nhận thức đánh giá. Pháp không có thể so sánh vì nó không ở trong vòng đối đãi. Pháp không lệ thuộc vào nhân vì pháp tồn tại ở duyên. Pháp hòa đồng pháp tánh vì nó dung nạp với pháp tánh. Pháp tùy thuận với pháp “NHƯ” vì nó không chỗ tùy. Pháp trụ nơi thật tế vì pháp bất đồng với bên hữu bên vô, bên đoạn bên thường. Pháp khônggiao động vì nó không tương can với lục trần. Pháp không có đến đi vì pháp vốn là bất trụ. Pháp thuận với không, tùy vô tướng, hợp với vô tác. Pháp rời tốt xấu. Pháp không tăng nhiều, không giảm thiểu. Pháp không có chỗ qui thú, nó vượt qua nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tâm. Pháp không có cao thấp, pháp thường trú bất động. Pháp xa lìa tất cả sự nghĩ ngợithi thố.

Hằng ngày ngài Mục Kiền Liên vào thành khất thực và sau đó thuyết pháp cho Phật tử tại gia nghe để họ thấu biết thêm về giáo lý Đức Phật. Những gì ngài Mục Kiền Liên nói là dựa theo lời Phật thuyết pháp thế mà cư sĩ Duy Ma cật bảo là không nên nói như vậy. Không lẻ ông Mục Kiền Liên nói sai? Pháp của Phật giáo có nhiều loại: Đó là pháp tánhpháp tướng, pháp liễu nghĩa và pháp bất liễu nghĩa, pháp tiểu thừa và pháp đại thừa. Chẳng hạn như khi nói về tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên…là nói về pháp tướng tức là pháp có sinh có diệt. Còn pháp tánh là nói về chân không, bản thể tuyệt đối, không hình tướng bởi vì nó là pháp ở trong tâm. Mà cái không hình, không sắc thì làm sao diễn tả được nên nó phải lìa văn tự, ly ngôn thuyết và ly tâm duyên mà Bồ-tát gọi pháp tánh nầy là NHƯ.

Đức Phật đã khẳng định rằng tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh như nhau do đó nếu muốn chúng sinh nghe pháp và thấu hiểu mà thực hành được viên mãn thì phải nói pháp cho đúng với chân lý, hợp với Phật tánh tức là NHƯ. Như có nghĩa là tự nó sao cứ để vậy, đừng để tâm phân biệt so sánh, thêm bớt vì nó đã lìa tất cả văn tự, ngôn ngữ…cho nên khi nói pháp thì phải nói với tâm vô phân biệt, vô quái ngại tức là nói pháp vì lợi ích cho chúng sinh chớ không phải vì danh văn lợi dưỡng cho mình. Khi nói về pháp tướng thì có bốn tướng: ngã, nhân, chúng sinhthọ giảpháp tánhBản thể tuyệt đối thì làm gì còn có ta, có người, có chúng sinh hay có thọ giảdĩ nhiên làm gì còn sinh tử luân hồi.

Thưa ngài Mục Kiền Liên! Pháp như thế thì làm sao mà có thể nói được? Luận đến chỗ cứu cánh của vấn đề thuyết pháp thì người nói không nói gì hết, không phô bày gì hết. Người nghe không nghe gì hết và không được có một sở đắc nào. Ví như nhà ảo thuật làm ra người ảo, người ảo lại nói chuyện ảo. Phải xác lập ý thức kiên định như thế rồi mới nên thuyết pháp.

Tuy ông Mục Kiền Liên lập lại lời của Phật để thuyết pháp giúp chúng sinh được thức tỉnh nhưng đây chỉ là phương tiện tương đối để đi đến Chân lýthuyết pháp tự nó không phải là Chân lý tuyệt đối. Bởi vì Chân Lý thì không thay đổi, biến thiên theo thời giankhông gian. Lúc nào cũng vậy và ở đâu cũng thế. Pháp mà ông Duy Ma Cật muốn nói ở đây chính là Pháp tánh và đó mới là Chân lý tuyệt đối, là Phật tri kiến, là Bản lai diện mục, là Bản Thể Chân Như…Chính cái pháp tánh nầy không hình, không tướng thì làm sao có thể diễn tả bằng lời nói, ngôn ngữ cho nên những gì mà ông Mục Kiền Liên có thể nói được thì chỉ là pháp tướng mà thôi. Pháp mà có thể nói được thì phải có đối đãi, so sánhso sánh, đối đãi là tướng chớ không phải tánh. Tất cả những kinh điển, giáo lý cũng chỉ là pháp tướng có nghĩa là phương tiện, là ngón tay mà đừng quên cứu cánh vẫn là ánh sáng chân lý, là mặt trăng, là pháp tánh vậy. Cùng ý nghĩa nầy trong kinh Kim Cang có câu:”Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng; nhược kiến chư tướng Phi Tướng tức kiến Như Lai” có nghĩa là cái gì mà có hình tướng là giả huyễn, là không thật, là sinh diệt; còn nếu thấy được cái Tướng Không của mọi sự vật thì sẽ thấy được Chân lý.

Nếu đứng về phương diện Bản Thể Chân Như thì Chân Lý không thể nào diễn bày được cho nên nói mà không nói, nghe mà không nghe và chứng đắc mà không chứng đắc. Một ngày nọ tôn giả Tu Bồ Đề đang ngồi thiền trong hang núi Linh Thứu, có vị trời Đế Thích đến rãi hoa cúng dường. Tôn giả nói:

- Vì lẽ gì ông đến đây rãi hoa?

- Vì tôn giả nói kinh Bát Nhã hay quá nên con đến cúng dường.

- Từ hồi nào đến giờ tôi chưa từng nói một câu, sao ông lại nói tôi thuyết Bát nhã?

Tôn giả không nói, tôi cũng không nghe. Không nói, không nghe mới là Bát Nhã chân chính.

Lại có một lần nọ Bồ-tát Văn Thù thỉnh Phật một lần chuyển pháp luân nữa thì Đức Phật bảo rằng:

- Trong thời gian bốn mươi chín năm ta chưa từng nói một chữ nào, sao ông lại thỉnh ta chuyển pháp luân một lần nữa? Hóa ra trước đây ta đã từng chuyển pháp luân rồi sao?

Nói mà không nói mới là chân Bát nhã.

Mặc dù cứu cánhChân Lý, là Bản Thể Chân Như nhưng con người cần phải dùng phương tiệnpháp tướng tức là có người nói và có kẻ nghe thì Chánh pháp mới có thể lưu truyền được. Bởi vì nếu khéo dùng phương tiện thì đạt tới cứu cánh viên mãn. Do đó nói pháp bây giờ cũng như người huyễn thuyết pháp cho người huyễn nghe. Người nói là huyễn mà người nghe cũng là huyễn. Tuy biết là huyễn mà vẫn dùng huyễn làm phương tiện để đi tới Chân Lý. Tuy Bồ-tát biết tất cả mọi pháp thế gian là huyễn, nhưng họ vẫn thuyết, vẫn dùng cái huyễn như là nền móng để dẫn dắt chúng sinh thấy cái chân thật. Toàn bộ giáo lý của Đức Phật là giúp chúng sinh thấy được tà để quay về với chánh, thấy huyễn để tìm về với chân tức là hướng dẫn chúng sinh lìa tướngchứng nhập pháp tánh. Cũng như những làn sóng nhấp nhô của đại dương, sóng biển là Tướng và Thể nước yên tịnh tận dưới lòng đại dương. Do đó muốn thấy được Thể thì con người phải biết Tướng vì Thể và Tướng cũng đều do nước mà ra, bất khả phân ly.

Thêm nữa, thưa ngài Mục Kiền Liên! Người thuyết pháp phải biết căn tánh chúng sinh. Trước một hay nhiều đối tượng phải đọc thấy rõ ràng căn tánh của họ lợi hay độn,

Căn cơ của chúng sinh thì có cao có thấp, sâu cạn khác nhau vì thế căn nhà giác ngộ mới có tám vạn bốn ngàn cánh cửa để vào. Cũng như có ba con thú sang sông. Con sông là Phật pháp không cạn không sâu. Con dê nhỏ thì lội ngập đầu cũng ví như người chưa biết đạo. Con nai lớn hơn thì lội ngập cổ ví như người chỉ biết pháp hữu vi sanh diệt. Còn con voi thì chỉ ngập ống chân ví như người đã thấu hiểu lý Không, Bát nhã. Ngày xưa chính Đức Phật phải đợi đến hai mươi năm mới đem diệu lý Bát nhã mà thuyết cho đệ tử và cũng cần đến hai mươi hai năm mới thuyết xong Chân lý nầy. Khi xuống núi Linh Thứu vào thành Vương Xá thì Đức Phật thuyết cho Phật tử tại gia. Ngài dạy họ đời là khổ não, cần phải tu tâm dưỡng tánh mà không cần lìa bỏ gia đình, quyến thuộc, thực hành Bồ-tát đạo và phát tâm cầu vô thượng Bồ-đề, sống với lòng vị tha vô ngã để tâm được thanh tịnh thì cũng chứng được vô sanh pháp nhẫn tức là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Khi về lại núi Linh Thứu thì Ngài thuyết cho hàng xuất gia để loại bỏ Tham-Sân-Si, ái dụcchứng đắc Niết bàn. Nên nhớ pháp chỉphương tiện, là chiếc bè nên khi đến được bờ bên kia thì phải bỏ bè mà lên bờ giác ngộ. Do đó khi thuyết pháp thì phải biết đối tượng, phải hợp với căn cơ thì chúng sinh mới thấu hiểu những bài pháp thoại và đó là yếu tố không thể thiếu của một vị pháp sư. Chúng sinh có Tri mới có Hành và nếu họ thực hành rốt ráo thì tâm mới khai mở và sau cùng trí tuệ sẽ phát sanh.

Người thuyết pháp phải lấy tâm đại bi mà khen ngợi đại thừa.

Tâm đại bi là biết thương xót chúng sinh cho nên phát tâm đại thừa muốn cứu giúp tất cả chúng sinh thoát ra khỏi biển trầm luân đau khổ để hoàn thành Phật đạo viên mãn chớ không ích kỷ mong cầu giải thoát cho riêng mình.

Phải nghĩ rằng thuyết pháptruyền bá, duy trì cho ngôi Tam Bảo cửu trụ thế gian.

Thuyết pháp nhằm để báo đáp thâm ân Phật. Phải lập chí như vậy, rồi sau mới thuyết pháp.

Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Vì thế Phật tri ân mà không bao giờ cầu báo đáp. Nhưng người Phật tử có bổn phận phải báo đền ơn đức nầy. Nhưng làm thế nào để báo ơn Phật? Xây chùa to, tạc tượng lớn, in kinh, cúng kiến…chỉ là hình thức bề ngoài không có giá trị thiết thực. Chỉ có một phương pháp đứng đắnhiệu quả nhất là người Phật tử nghe theo lời Phật dạy, y giáo phụng hànhtinh tấn nổ lực tu hành để khai mở trí tuệđược giải thoát giác ngộ. Tự độ cho mình cũng chưa đủ mà còn phải còn phải độ tha là cứu giúp mọi người cùng đến chỗ giác ngộ thì cũng như cúng dường cho chư Phật rồi vậy. Y pháp bất y nhân trong tứ y pháp của kinh Đại Niết Bàn cũng xác định là sau khi Phật nhập diệt thì phải lấy pháp làm Phật và giới làm thầy. Do đó thuyết pháp là cố để trả ơn Phật vì Phật đã chỉ cho ta con đường khai mở trí tuệ chớ thuyết pháp không phải là phương tiện để khoe mình thông kinh liễu nghĩa.

Ngôi Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng.

Nếu đứng về mặt pháp tướng mà nói thì Phật chính là Đức Thích Ca Mâu Ni. Pháp là những kinh điển ghi lại những lời Phật dạy để giúp chúng sinh viên thành Phật đạo. Và Tăng là những đệ tử xuất gia giữ gìn đầy đủ giới luật, tuân theo Lục Hòađại diện cho Phật để dẫn dắt chúng sinh tu học. Nếu tăng sĩ mà phá giới và không sống theo Lục hòa tức là chia rẽ, chạy theo danh văn lợi dưỡng, lập bè kết đảng thì đâu còn xứng đáng là tăng? Nhiều người ngày nay vẫn còn lầm tưởng rằng có nhiều chùa, có nhiều tăng sĩ là Phật giáo hưng thịnh. Thật ra trong chiều dài lịch sử của Phật giáo đã chứng minh rằng Phật giáo chỉ hưng thịnh khi nào có những vị cao tăng đắc đạo làm gương sáng cho mọi người noi theo mà tu đạo. Phẩm chất tốt lúc nào cũng cao quý hơn số lượng nhiều là vậy. Thêm nữa, lịch sử nhân loại trên mấy ngàn năm đã chứng minh hùng hồn rằng triều đại nầy tan, triều đại khác đến nhưng Chân lý của Đức Phật thì trường tồn bất biến. Do đó nếu con người chạy theo thời thế là chạy theo sinh diệt còn sống với Chân lý là tìm về với giải thoát, an vui và tự tại.

Còn nếu đứng về pháp tánh mà nói thì Phật là Chánh giác, là đấng Giác ngộ và Phật là trí tuệ. Pháp là cái trí để giúp con người thấy được chánh tri chánh kiến. Sau cùng Tăng chính là sự thanh tịnh, không bị ô nhiễm. Vì thế khi nói đừng để ngôi Tam Bảo bị hủy diệt cũng có hai ý nghĩa.

1)Nếu hiểu theo nghĩa cạn thì đừng cho chùa chiền, kinh điểnchư tăng biến mất ở trong thế gian nầy.

2)Nhưng nếu hiểu theo nghĩa sâu thì đừng để cho sự giải thoát giác ngộ, cái trí tuệ để biết chánh tri chánh kiến và sự thanh tịnh không ô nhiễm biến mất trong tâm của chúng ta.

Một khi con người phá được màn vô minh hắc ámquay về sống với tự tánh thanh tịnh để được giải thoát giác ngộ thì đây là một tấm gương sáng cho chúng sinh noi theo và dĩ nhiên ánh đạo vàng sẽ luôn bừng sáng trong tâm khảm của tất cả mọi người. Có được như thế thì ngọn đèn tâm của chúng sinh hòa nhập với ngọn đèn Phật để cùng đem ánh sáng Chân Lý lưu truyền khắp năm châu bốn bể và mãi mãi vô cùng vô tận về sau.

Sau cùng trưởng giả Duy Ma Cật đã khẳng định với tôn giả Mục Kiền Liên rằng có thực hiện đầy đủ những điều ở trên thì mới đúng với Pháp, đúng với Chân lý vì một khi còn có kẻ nói, người nghe là còn kẹt trong pháp tướng sinh diệt mà phải đi thẳng tới pháp tánh thanh tịnh bản nhiên rốt ráo. Đó là không có người nói mà cũng chẳng có người nghe thì đây mới thật là chân thuyết pháp.

Sau khi ông Duy Ma Cật nói thời pháp đó, có tám trăm cư sĩ phát tâm vô thượng Bồ-đề.

Bạch Thế Tôn! Con không được biện tài như thế, cho nên con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Chủ trương của kinh Duy Ma Cật là nhắm vào hàng Phật tử tại gia để khuyến khích họ phát Bồ-đề tâmđi theo Bồ-tát đạo. Trọng tâm của kinh nầy vẫn là chuyễn tâm thì cảnh sẽ chuyển theo. Do đó chúng sinh tu ở đâu cũng được. Tu nhà, tu chợ, tu trong sở làm, tu trong siêu thị…hay bất cứ nơi nào cũng là đạo tràng thanh tịnh cả. Khi hàng Phật tử tại gia thấy ông Duy Ma Cậtbiện tài vô ngại làm cho hai đại đệ tử của Phật là Xá Lợi PhấtMục Kiền Liên không đối đáp được nên có 800 cư sĩ hoan hỷ tu theo ông Duy Ma Cậtphát tâm cầu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác

Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakàsyapa): 
Vấn Đề Khất Thực.

Tôn giả Đại Ca Diếp xuất thân là con nhà giàu có, phú hộ, nhưng khi xuất gia theo Phật lại kham nhẫn tu theo khổ hạnh đầu đà. Trên hội Linh Sơn, khi Phật cầm cành hoa sen đưa lên mà tất cả đại chúng đều ngơ ngác không biết ý nghĩa là gì, duy chỉ có tôn giả đắc ý nên cười chúm chím. Vì thế mới có câu:”Niêm hoa vi tiếu”. Tâm ông cảm thông với tâm Phật nên được Đức Thế Tôn phó chúc làm sơ tổ thiền tông của Phật giáo. Về sau đem y, bát của Phật Thích Ca vào núi Kê Túc mà nhập định và chờ đến khi Phật Di Lặc ra đời sẽ trao lại. Tôn giảđại đệ tửđức hạnh cao và chỉ đi khất thực nhà nghèo chớ không khất thực nhà giàu vì ông nghĩ rằng người nghèo là tại vì họ thiếu phước đức nên tôn giả đến khất thực là để tạo duyên cho họ có dịp bố thí mà tạo phước điền thì sau nầy sẽ được giàu sang sung sướng.

Khất thực là một hạnh trong mười hai hạnh đầu đà. Tôn giả mặc áo phấn tảo tức là chiếc áo được kết bằng những tấm giẻ rách lượm ở nghĩa địa và không được ngủ dưới gốc cây quá ba đêm vì sẽ sanh tâm tham. Ngài không giữ tiền, không có của cảitài sản duy nhất chỉ có tam y nhất bát mà thôi.

Có phải khất thực, đi xin ăn là làm biếng, là ăn bám xã hội chăng? Nếu như thế thì tại sao chính Đức Phật lại thực hành?

Theo Phật giáo muốn giải thoát tâm mình ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não khổ đau thì người tu hành phải chấp nhận buông xả. Có thì phải lo phải giữ. Nhà càng lớn thì lo càng nhiều. Ngay cả chùa càng to thì phiền não cũng to theo. Vì thế đối với họ của cải vật chất thế gian là sợi giây vô hình cột chặt con người vào vòng sinh tử. Do đó sau khi thành Phật, chính Đức Thế Tôn cũng noi theo chư Phật đời trước mà đi khất thực. Tại sao? Bởi vì chư Tăng không giữ tiền bạc nên không mua bán, không nấu ăn. Hằng ngày họ đến từng nhà khất thực để mọi người có cơ hội bố thí mà tạo phước đứcnhân dịp đó chư Tăng nói pháp khuyên người nên tu tâm dưỡng tánh, làm lành lánh dữ…Khi đi khất thực họ không phân biệt thức ăn chay hay mặn, thí chủ cúng món gì thì họ thọ dụng món nấy. Nếu vị Tăng chỉ biết ăn chaythí chủ không biết cúng đồ mặn thì họ lấy tay che bình bát lại. Sau khi nhận thực phẩm họ luôn chú nguyện cho thí chủ phước huệ được tăng trưởng, thân tâm an lạc rồi tùy duyên mà nói pháp. Vì ngày xưa Đức Phật và chư đệ tử chỉ thọ trai mỗi ngày một lần nên cái bình bát tương đối hơi lớn cho nên họ phải đi nhiều nhà thì bình bát mới đầy. Khi thấy đủ thức ăn thì họ về tịnh xá hay nơi có gốc cây thanh tịnh, trộn chung các thức ăn với nhau để không còn phân biệt món nầy món khác, món ngon món dở, không phân biệt mùi vị rồi mới ăn. Đối với họ ăn để sống chớ không phải chạy theo mùi vị thơm ngon. Có được như thế thì mới phá nổi cái chấp. Tâm không còn dính mắc thì mới tu thanh tịnh được. Khất thực cũng là một phương pháp phá trừ ngã chấp, đánh tan tập khí ngã mạn. Không nấu nướng thì khỏi cần tiền mua bán cho nên chư Tăng dành nhiều thì giờ cho việc tu họcthiền định. Còn thí chủ thì có cơ hội bố thí tạo phước điền và được nghe những lời dạy bảotu hành mở mang trí tuệ. Như vậy khất thực rõ ràng là vì lòng từ bi, vì lợi ích cho chúng sinh, vì phương tiện tu hành, vì tự độ và độ tha và hai bên cùng lợi lạc nên khất thực không phải là lười biếng hay ăn bám xã hội. Sau khi thọ trai xong, chư tăng còn cả buổi chiều để nghe pháp, tu thiền hay niệm Phật…

Ngày nay những nước tu theo Phật giáo Tiểu thừa như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam Pô Chia…thì chư Tăng vẫn còn khất thực. Họ quấn y và đi chân đất như thời Phật còn tại thế. Còn những nước theo Phật giáo Đại thừa như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc…thì chỉ còn một số rất ít chư Tăng đi khất thực. Trong chùa có vị trụ trì chăm lo vấn đề tứ sự. Chư tăng không còn quấn y như Đức Phật mà mặc áo thụng như người Trung quốc. Như thế là tiến bộ hay thoái hóa? Tùy hảo ý của quý vị.

Bây giờ Đức Phật mới gọi tôn giả Đại Ca Diếp đến và bảo:

- Này Đại Ca Diếp! Ông hãy đến thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật vì ông ấy đang có bệnh.

Tôn giả thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Vì con nhớ trước đây, một hôm nọ con đi khất thực trong một xóm nghèo, ông Duy Ma Cật gặp và nói cho con một thời pháp dài rằng:

- Thưa ngài Đại Ca Diếp! Ngài có tâm từ mà không phổ biến, chẳng bình đẳng đối với chúng sinh. Ngài chừa nhà giàu, tìm nhà nghèo mà khất thực. Thưa ngài Đại Ca Diếp! Hãy nên trụ ở pháp bình đẳng, khất thực theo thứ tự của xóm làng. Không phải vì ăn mà khất thực thì mới nên đi khất thực. Nhằm hoại diệt cái thân tướng hòa hiệp này mà bốc cơm ăn. Phải sử dụng cái ý tưởng không thọ nhận, mới thọ nhận thức ăn. Vào xóm làng, phải tưởng như đến chỗ không người. Thấy sắc mà như đui. Nghe thanh như nghe vang. Ngưởi hương như hít gió. Nếm vị nhưng không phân biệt. Thọ xúc như trí chứng. Biết tướng của các pháp như huyễn, xưa vốn không sanh cho nên nay không có diệt.

Trong bất cứ xã hội nào ngay cả tại Hoa kỳ thì người nghèo vẫn chiếm đa phần, nhưng chuyện giàu nghèo là chuyện của nhân quần xã hội, là chuyện của chúng sinhcon người chính là cái quả mà họ thọ nhận từ những cái nhân tác tạo từ bao đời trước. Nhưng nghèo không phải nhất thiết là khổ vì nếu biết sống “tri túc thiểu dục” thì cũng có an vui hạnh phúc như thường. Do đó cổ nhân có câu:”Thanh bần thường lạc” là có. Còn giàu chưa chắc là sung sướng. Nếu con người làm giàu bằng cách bất chánh, bất lương, bất nhân, bất nghĩa thì tuy bên ngoài là giàu có nhưng bên trong lúc nào cũng lo âu, sợ sệt và đau khổ triền miên. Vì thế cổ nhân cũng đối lại là “Trọc phú đa ưu” là vậy.

Như thế thì quan niệm giàu là người có đầy đủ phước đức và được hưởng nhiều hạnh phúc là sai và nói rằng nghèo là kẻ đáng thương nên cần sự giúp đở để cho họ hưởng được phần nào hạnh phúc cũng là sai. Đo đó đối với chư Tăng nên nhìn bằng tuệ nhãn chớ không đánh giá khổ vui qua hình thức tiền của giàu nghèo. Tâm bình đẳng là tâm không còn phân biệt và đây là do đạo đứcquả chứng của người tu mà được. Khi thấy có nghèo và giàu là còn kẹt trong vòng phân biệt nhị nguyên, còn so sánh đối đãi , còn chấp tướng, còn sống với vọng chứ chưa phải Chân. Nếu đi khất thực theo thứ tự ở xóm làng để tùy duyên hóa độ làm phước điền cho chúng sinhtâm không phân biệt giàu nghèo, sang khó thì tâm mới được an nhiên tự tạixóa bỏ biên giới nhị nguyên để quay về với tự tánh thanh tịnh bình đẳng nhất như.

Không phải vì ăn mà khất thực thì mới nên đi khất thực.

Thông thường có đói mới đi kiếm ăn vì thế nếu không ăn thì cần gì phải đi khất thực? Nhưng ở đây không phải vì ăn có ý nghĩa sâu xa là không quan tâm, chú ý đến miếng ăn. Ăn chẳng cần ngon dở, không chạy theo mùi vị thì tâm không dính mắc, thanh thoảng và tự tại. Ăn là để nuôi thân mà tu đạo chớ không phải ăn để tạo thêm phiền não hay bồi dưỡng, cung phụng thân thái quá mà gây ra nghiệp để chịu quả khổ về sau. Không phải vì ăn cũng có nghĩa là tâm không mong cầu miếng ăn mà mục đích khất thực là để phá trừ ngã chấp, phát triển tâm bình đẳng và làm phước điền cho tất cả chúng sinh. Nếu nói về Sự Tướng thì có khất thực, có người, có ta, có thức ăn, có cúng dường bố thí, nhưng nếu nói về Thể Tánh thì ta cũng không mà chúng sinh cũng không thì làm gì có chuyện cúng dường, bố thí hay đi khất thực. Chuyển Tâm thành Tánh thì làm cũng như không làm, khất thực cũng như không khất thực chính là việc làm của Bồ-tát. Vì Bồ-tát không còn chấp ngã chấp pháptâm bình đẳng nên họ rất an nhiên tự tại.

Nhằm hoại diệt cái thân tướng hòa hiệp này mà bốc cơm ăn.

Khi ăn con người thường đem món nầy chấm với món nọ để tăng thêm khẩu vị. Chẳng hạn như đem đậu hủ chấm với tương thì mặn mà hơn. Cái mà chúng ta nghĩ là mặn mà, ngon miệng hơn chính là sự phát triển của Thiệt Thức Giới tức là cái biết phân biệt của lưởi. Còn phân biệt là còn chạy theo vọng trần tức là tăng trưởng tính tham ăn. Mà còn tham là còn khổ, còn sinh tử luân hồi. Cho nên trước khi ăn, chư Tăng trộn chung tất cả thức ăn với nhau để không còn phân biệt ngon dở, không còn phân biệt mùi vị tức là phá tướng hòa hiệp rồi mới bốc ăn. Vì người Ấn Độ ăn bốc chớ không cầm đủa như người Việt Nam hay muổn nỉa như người Tây phương.

Phải sử dụng cái ý tưởng không thọ nhận, mới thọ nhận thức ăn.

Không thọ nhận có nghĩa là không lãnh thọ nhửng cảm xúc do trần cảnh bên ngoài tạo ra, tránh xa những cám dỗ của thế gian có nghĩa là không thấy thức ăn ngon thì vui, thức ăn dở thì buồn mà phải giữ tâm bình đẳng thanh tịnh tức là thí chủ cúng gì cũng vui vẻ mà nhận. Thật ra thì thọ nhận bất cứ sự cúng dường nào của thí chủ từ thức ăn, quần áo, thuốc men…thì chư Tăng phải coi như là nợ của thí chủ. Nếu không dụng tâm tu hành chân chánh và đem pháp thí đền bù lại thì làm sao trả nổi món nợ nầy. Có thấu hiểu như vậy mới dám thọ nhận thức ăn.

Như vậy nếu đứng về Sự Tướng thì thấy có người cúng dường và kẻ thọ nhận thức ăn. Nhưng dựa theo Lý Tánh thì không có người cho mà cũng chẳng có kẻ nhận. Do đó Lý Tánh là bên trong nên không thấy có nhận mà Sự Tướng bề ngoài thì có nhận thức ăn để làm phước điền cho chúng sinh.

Vào xóm làng, phải tưởng như đến chỗ không người.

Vào xóm làng là chỗ náo nhiệt đông người mà như đến chỗ không người, đồng trống có nghĩa là đừng nên chấp có ta và có người. Ta cũng không mà người cũng không thì tâm mới thanh tịnh. Nếu còn thấy có người thì còn phải đối đầu trong thì có nội ma và ngoài thì có ngoại chướng. Những cám dổ Tham-Sân-Si ái dục phiền não lúc nào cũng là những chướng ngại để phá hoại công phu tu hành. Vì thế vào xóm làng là đi vào đời để độ đời chớ đừng để đời lôi cuốn nhận chìm. Nên nhớ cuộc đời thì vô thường, trước có sau không, nay còn mai mất mà con người cứ cố gắng vơ vét, tích lũy, làm nô lệ cho lòng tham và gây khổ cho nhiều người. Nhưng họ quên rằng càng vơ vét, càng có nhiều của cũng giống như kẻ mang đá mà nhảy xuống sông, làm sao bơi nổi.

Thấy sắc mà như đui. Nghe thanh như nghe vang. Ngưởi hương như hít gió. Nếm vị nhưng không phân biệt.

Khi lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì tâm phát sinh trí phân biệt. Chẳng hạn như khi mắt thấy cái nhà thì tâm liền phân biệt là nhà nầy thì lớn hay nhỏ, đẹp hay xấu…Tai mỗi khi nghe tiếng khen thì thích nghe tiếng chê thì buồn. Lưỡi nếm mùi vị thơm ngon thì khoái ăn, muốn ăn cho nhiều còn nếu nếm mùi vị đắng, tanh hôi thì khạc nhổ, bực mình khó chịu. Vì thế nếu mắt thấy sắc mà như đui, tai nghe âm thanh mà như điếc…thì tâm không còn phân biệt đẹp xấu, ngon dở…, không còn chấp trước, không luyến theo trần cảnh, không ưa, không ghét, không tham, không đắm và đây chính là sống với pháp bình đẳng vậy. Cho nên trong kinh Kim Cang cũng có câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là đừng để tâm mình dính mắc là vậy. Lục căn tiếp xúc lục trần sinh ra lục thức mà căn, trần và thức đều là duyên giả hợp nên tất cả là vô thường vô ngã. Nhưng nếu không có sự phân biệt đẹp xấu hay ngon dở thì cuộc sống còn ý nghĩa chăng? Khi lưỡi chúng ta nếm một món ăn nào thì dĩ nhiên lưỡi biết thức ăn đó là ngon hay dở vì phản ứng của trực giác nhưng không phân biệt theo Phật giáo có nghĩa là tuy lưỡi nếm vị ngon biết ngon vị dở biết dở nhưng đừng để tâm phát khởi ý niệm để luyến theo cái ngon và chán ghét cái dở thì đây cũng như nếm mà không biết mùi vị là vậy. Cũng như khi mắt thấy một chiếc xe thì dĩ nhiên chúng ta biết chiếc xe đó đẹp hay xấu nhưng tâm không dấy niệm tham luyến muốn chiếm lấy cái xe đẹp thì thấy mà như đui là thế.

Thọ xúc như trí chứng. Biết tướng của các pháp như huyễn, xưa vốn không sanh cho nên nay không có diệt.

Như trí chứngtrí thật, là chân lý. Khi có sự xúc chạm thì phát sinh ra cảm giác. Mà cảm giác là có vui, có buồn, có thích, có chán và đây chính là hệ quả của tình cảm mông lung của con người đưa đến phiền não khổ đau. Bây giờ con người cũng cảm thọ những cảm xúc đó mà không chạy theo tình cảm mà quay về với cái trí chứng như thật. Bởi vì tất cả cái xúc chạm chúng ta đều thấy nó như là huyễn hóa, không có thật cho nên tâm sẽ không còn ô nhiễm. Vì các pháp là huyễn, không thật, không tự tánh tức là Không. Mà đã là Không thì làm gì có thỉ có chung.

Còn nữa, thưa ngài Đại Ca Diếp! Có thể không cần rời bỏ bát tà mà được bát giải thoát. Ngay nơi tà pháp mà thế nhập chánh pháp. Một chút thức ăn có thể đem bố thí cho tất cả, có thể cúng dường chư Phật và các hiền thánh, sau đó mới đáng ăn.

Bát tà là đối ngược lại với Bát Chánh Đạo vì thế Bát tà gồm có: Tà kiến, Tà tư duy, Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng, Tà tinh tấn, Tà niệm và Tà định. Còn Bát giải thoát cũng được gọi là Bát Bội Xảtám pháp thiền địnhcông năng xa lìa tất cả phiền nãothoát khỏi những phiền trược trong ba cõi.

Nếu đứng về pháp tướng tương đối mà nói thì có chánh có tà, có thiện có ác, có tốt có xấu và dĩ nhiên còn thấy đau khổ bất tịnh. Chân lý mà ông Duy Ma Cật giới thiệu ở đây là Lý Tánh tuyệt đối có nghĩa là trong Bản Thể Chân Như không hề có biên giới của nhị nguyên để không còn phân biệt chánh với tà, thiện với ác hay tốt với xấu…vì chánh tà, thiện ác, tốt xấu vốn không hai tức là một.Vì thế môt khi chúng sinh sống với nguyên lý nhất như thì từ nơi phiền não mà họ sẽ tìm thấy Bồ-đề, ngay trong cuộc sống sinh tử khổ đau nầy mà họ vẫn tìm thấy Niết bàn và ở trong tất cả mọi chúng sinh mà họ vẫn tìm thấy Phật tính thanh tịnh. Cũng như khi cát bụi lắng xuống thì thấy nước trong ở trong lu nước đục và thấy hoa sen hương thơm tinh khiết ở trong ao bùn lầy tanh hôi dơ dáy. Nguyên lý bất nhị tức là tinh thần bình đẳng của nhà Phật bởi vì đến đây chúng sinh sẽ không còn thấy bên kia tà, bên nầy chánh. Bên kia pháp trói buộc và bên nầy là pháp giải thoát. Khi không còn kẹt bên nầy, bên kia thì từ một thức ăn mà có thể đem bố thí cho tất cả đó chính là chỉ cho sự bình đẳng không sai khác có nghĩa là tất cả là một và một là tất cả.

Ông Duy Ma Cật nói tiếp:

Ăn bằng cách như vậy, sẽ không có phiền não cũng không rời phiền não. Không dụng ý nhập định cũng không dụng ý xả định. Không trụ thế gian cũng không trụ Niết bàn.

Người thí chủ không có phước lớn cũng không có phước nhỏ, không thêm công đức cũng chẳng mất công đức. Đây là con đường vào Phật đạo thừa chân chánh, không chờn vờn khập khiểng ở cỗ xe bé bỏng của Thanh văn.

Các câu nầy đều tiến về cái nhất tướng bình đẳng để không còn có phiền não hay thoát ly phiền não. Cũng không có nhập địnhxuất địnhdĩ nhiên cũng không có trụ thế gian và trụ Niết bàn. Khi đã tới chỗ bình đẳng thì tất cả tuy hai nhưng mà một. Ngay cả cái nhìn đối với người thí chủ bây giờ cũng rất bình đẳng cho nên họ cũng chẳng có phước lớn hay phước nhỏ và công đức cũng chẳng thêm mà cũng chẳng mất vì lớn nhỏ, mất còn vốn bất nhị tức là một. Tâm bình đẳng là tâm Bồ-tát để giúp chúng sinh sớm viên thành Phật đạo mà không còn kẹt trong vòng phân biệt đối đãi như các vị A La Hán trong hàng Thanh văn.

Thưa ngài Đại Ca Diếp! Nếu được như thế mà ăn thì mới không luống uổng thức ăn của người thí chủ cúng dường.

Tôn giả Đại Ca Diếp vì thương người nghèo mà đến khất thực để giúp họ tạo phước điền tức là còn tâm phân biệt đối đãi giàu nghèo. Đôi khi các vị A La Hán trong hàng Thanh văn hay các vị Bích Chi Phật trong hàng Duyên giác thấy đời đầy phiền não khổ đau và chúng sinh nghiệp chướng sâu dày nên họ sợ ô nhiễm, không dám vào đời cứu độ mà rút tận vào chốn rừng sâu để riêng hưởng Niết bàn và đưa Phật giáo vào chỗ bế tắc. Lúc Đức Phật còn tại thế đã quở những hành động nầy là mầm thối nát không mang lại lợi ích cho thế gian. Do đó sau khi thấu hiểu tư tưởng đại thừacông hạnh vị tha của chư Bồ-tát thì tôn giả Đại Ca Diếp phát tâm cung kính từ nay sẽ tu theo Bồ-tát đạo và nguyện thực hành các hạnh lành để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Ngày xưa mỗi khi đi khất thực ông thường đem hạnh Thanh văn, Bích Chi Phật khuyên dạy người, nay biết rằng tư tưởng Tiểu thừa chưa phải rốt ráo nên nguyện chỉ đem thuyết đại thừa để giúp chúng sinh phát Bồ-đề tâm, tu theo Bồ-tát đạo và sớm được viên thành Phật đạo. Vậy sự khác biệt của hai tư tưởng Tiểu thừaĐại thừa về khất thực như thế nào?

Đối với chư Bồ-tát thì quan điểm về khất thực phải có những ý nghĩa sau đây:

1)Người khất thực phải coi miếng ăn là phụ mà giáo hóa chúng sinh mới là chính.

2)Phải xem việc tạo phước cho chúng sinh là phụ mà dạy cho chúng sinh phát Bồ-đề tâm đi vào Phật đạo mới quan trọng bởi vì pháp liễu nghĩa thượng thừa không chủ trương cúng dường để được phước đức mà pháp nầy cũng không chủ trương chú nguyện ban phước đức cho người cúng dường.

3)Thuyết pháp cho chúng sinh là phụ mà đoạn trừ phiền não vô minh cho chính mình mới là tối quan trọng vì có tự giác mới giác tha được.

4)Dạy cho chúng sinh thành Phật là phụ mà tăng tiến bồi dưỡng trí tuệ Phật cho mình mới là chính.

Tư tưởng Duy Ma Cật đã phân tích rõ ràng những tiến trình của người bố thí và kẻ nhận dựa vào pháp Nhất Thừa Phật Đạo để khai thị cho tôn giả Đại Ca Diếp thấy sự rốt ráođạt đến cứu cánh cho cả người bố thí và kẻ nhận là cùng viên thành Phật đạo.

Bạch Thế Tôn! Ông Đại Ca Diếp thưa. Lúc con nghe bài pháp ấy rồi, con được cái chưa từng có. Ngay lúc đó con sanh tâm cung kính chư Bồ-tát một cách thân thiết chân thành. Vì con nghĩ rằng, ngoài địa vị Bồ-tát, không ai có trí tuệ biện tài thâm diệu như thế. Thảo nào người nghe ai mà chẳng phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đó về sau con không khuyên dạy ai học tu theo pháp của Thanh văn, Bích chi Phật nữa. Vì lẽ đó con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Tôn giả Đại Ca Diếp nhận thức được sự thua kém của mình mà không lấy đó làm điều xấu hổ. Chẳng những thế ông còn chú nguyện phát tâm đại thừa, từ bỏ con đường ích kỷ nhỏ hẹp mà tiến về đại lộ bao dung rộng lớn để cùng mang lại lợi ích cho mình và cho tất cả chúng sinh. Có phá được chấp ngã, chấp pháp thì mới đạt được tâm bình đẳng của Bồ-tát. Nhưng tại sao tôn giả không dám đi thăm bệnh?

Muốn đại diện cho Đức Phật đến thăm bệnh ông Duy Ma Cật tức là vị sứ giả của Phật thì người đó phải có trí tuệ sáng suốt tột cùng, có biện tài vô ngại để làm rạng danh cho Đức Thế Tôn. Những điều đó các vị A La Hán không thể có được. Vì thế mà ông từ chối không dám lãnh trách nhiệm nầy mà dành vai trò danh dự cho vị nào có đủ tài đủ đức mà thôi. Một lần nữa đoạn kinh nầy đã chứng minh sự giác ngộ từng phần của hàng Thanh văn không thể nào so sánh với trí tuệ viên mãn của chư Bồ-tát được.

Đối với tư tưởng Tiểu thừa thì người bố thí có được phước còn người nhận của bố thí là người mang nợ. Do đó kẻ cho thì cầu mong được nhiều phước đức còn kẻ nhận thì phải cố gắng tu hành để trả nợ đàn na thí chủ. Vì thế hai bên đều bị ràng buộc không tự tại được. Bây giờ tư tưởng Đại thừa mở rộng cho chúng sinh một lối nhìn mới, không còn bị hạn chế ràng buộc để chúng ta có thể đi thong dong trên con đường Bồ-tát đạo. Kinh Kim Cang dạy rằng:”Bố thí vô tướngđộ sanh vô ngã” và “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là khi bố thí và giúp người thì đừng có chấp ngã chấp tướng và cũng đừng để tâm dính mắc nơi sáu trần thì làm bất cứ việc gì trên thế gian nầy cũng rất an vui tự tại. Tư tưởng Đại thừabố thí mà không thấy mình có bố thí nên không còn mong cầu phước đứctrông đợi đền ơn. Cho mà không biết mình cho và nhận mà không thấy mình nhận thì mới cho và nhận chân thật tức là không còn dính mắc. Người cho bây giờ không còn mong cầu phước đức mà là phương cách tu hành để thanh lọc nội tâm, tẩy trừ tham-sân-si, ngã, mạn mà tiến thẳng về giải thoát giác ngộ. Thế thì người cho kẻ nhận đều có lợi vì cả hai đều có thể đạt được quả vị Bồ-đề. Đây mới là chân bố thí của Đại thừacon người không còn lệ thuộc tình cảm của thế gian mà sống với lý trí sáng suốt triệt để của mình.

Kinh Bát nhã cũng nói thêm:”Tất cả các pháp lành đều nhiếp vào Bát nhã Ba-la-mật-đa sâu thẳm” nghĩa là nếu con người sống được với trí tuệ Bát nhã thì coi tất cả chúng sinh như nhau. Ai khổ thì giúp, ai mê thì gọi cho thức tỉnhtâm không mong cầu đền đáp nên việc làm được viên mãn. Còn nếu chưa sống được với trí tuệ Bát nhã, tuy có làm Phật sự trên hình tướng nhưng làm một lúc không sao tránh khỏi sự thiên chấp thân, sơ, thương, ghét…nên việc làm không viên mãn.

Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhoti): 
Trở Lại Vấn Đề Khất Thực.

Trong số những đại đệ tử của Phật chỉ có tôn giả Tu Bồ Đề được tôn xưng là đệ nhất giải không có nghĩa là trong hàng Thanh văn tôn giả là người duy nhất thấu hiểu Lý Không của Bát Nhã. Do sự thưa thỉnh của tôn giả mà Phật nói Kinh Kim Cangtịnh xá Kỳ Viên. Vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh nên tôn giả thỉnh Phật nói về ba nội dung. Đó là làm thế nào để phát Bồ-đề tâm, làm thế nào để hàng phục vọng tâm và làm thế nào để an trụ chơn tâm. Cũng trong kinh nầy Đức Phật gọi ông mà giảng luận ý nghĩa thâm sâu huyền diệu của Lý Không tức là của đại trí tuệ Ma Ha Bát Nhã mà rất ít người có thể hiểu nổi.

Đức Phật gọi tôn giả Tu Bồ Đề mà bảo rằng:

- Hiện giờ trưởng giả Duy Ma Cật đang bị bệnh. Tu Bồ Đề! Ông hãy đi thăm bệnh ông ấy.

Tu Bồ Đề thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Bởi vì trước đây, có lần đi khất thực con ghé nơi nhà Ông, lúc bấy giờ Ông lấy bình bát của con sớt đầy một bát cơm và nói với con rằng:

- Thưa ngài Tu Bồ Đề! người khất thực ở nơi vật thực có tâm bình đẳng, ở nơi các pháp có tâm bình đẳng. Ngược lại, ở nơi các pháp có tâm bình đẳng, ở nơi vật thực cũng có tâm bình đẳng. Khất thực được như thế, người khất thực mới xứng đáng nhận lấy vật thực của người thí chủ cúng dường.

Khác với tôn giả Đại Ca Diếp là chỉ khất thực nhà nghèo, tôn giả Tu Bồ Đề chỉ đến nhà giàu để khất thực. Tôn giả nghĩ rằng nhà giàu dù có bố thí chút ít thức ăn cũng chẳng hao tốn bao nhiêu còn đối với người nghèo tuy họ lòng có dư mà sức không đủ. Về sau Đức Phật biết được nên quở trách hai vị là cả hai không áp dụng đúng tinh thần bình đẳng của Phật giáo vì tâm còn chấp tướng, còn phân biệt giàu nghèo mà phải thực hành pháp khất thực một cách đứng đắng là không chọn lựa giàu nghèo, không chê dơ sạch và oai nghi nghiêm túc thứ tự mà hành khất ngỏ hầu hóa độ chúng sinh. Vì thế bỏ nhà giàu tìm nhà nghèo là sai mà bỏ nhà nghèo để tìm nhà giàu lại càng không đúng vì còn thiên vị bên nầy bên kia tức là chưa đạt được tâm bình đẳng của Bồ-tát và của chư Phật. Bỏ phân biệtđi vào con đường Trung đạo, là noi theo dấu chân của Phật mà tiến về giải thoát giác ngộ.

Pháp hiểu theo nghĩa thông thường là kinh sách và các pháp môn để tu hành. Kinh sách và những pháp môn tu hành là những phương tiện cần thiết để giúp chúng sinh đạt được cứu cánh thì chúng là bình đẳng. Tại sao? Phật pháp thì không cao không thấp, không cạn không sâu nhưng vì căn cơ của chúng sinh có sai khác nên mới có nhiều pháp môn nhưng tất cả cũng nhằm vào một cứu cánh duy nhấtgiải thoát giác ngộ. Cũng như chúng sinh có nhiều thứ bệnh thì Phật cho nhiều thứ thuốc khác nhau nhưng tựu trung là làm cho chúng sinh được khỏe mạnh. Thuốc tuy có nhiều loại nhưng cùng hướng về một mục đích nên chúng bình đẳng. Kinh điển, pháp tu tuy có nhiều nhưng tất cả chỉ là những phương tiện để đưa con người đến chỗ giác ngộ thì pháp là bình đẳng. Còn nếu nới rộng thì pháp là tất cả mọi vật, mọi sự trên thế giansiêu thế gian cho nên chúng cũng đều bình đẳng vì tất cả phải bị chi phối bởi luật vô thường và lý vô ngã. Không có một vật gì trên thế gian mà tự nó có thể sinh tồn nếu không có sự trợ giúp của những nhân duyên khác vì thế tất cả vật thể là vô ngã. Vì là vô ngã nên tất cả sự vật phải chịu sự thoái hóa của luật vô thường. Đó là hễ có sinh tất có diệt. Nói một cách khác tất cả các pháp đều là huyễn hóa, không có tự tánh, là vô ngã tức là Không. Nói về Tướng thì có muôn sai vạn biệt nhưng Thể Tánh thì chỉ có một cho nên chúng là bình đẳng. Thức ăn thì cũng thế: nào là chua, cay, mặn, ngọt; nào là chiên, xào, luộc, nướng. Mỗi quốc gia có hàng trăm món ăn khác nhau nhưng tựu trung tất cả thức ăn cùng quy về một Thểbồi dưỡng, nuôi sống xác thân mà thôi. Do đó vật thực là bình đẳng. Vì là phàm nhân nên con người có sự phân biệt. Chẳng hạn như khi có món ăn đưa tới con người không những chỉ ăn cái miệng mà năm căn còn lại cũng ăn cho nên sự phân biệt chạy tới chạy lui và vọng thức cũng vì thế mà sinh khởi dữ dội. Thí dụ như có người bưng đến một đỉa rau xào. Mắt nhìn để phân biệt đỉa rau là xào hay luộc, có hấp dẫn hay không tức là mắt ăn trước. Rồi đến mũi ngửi hương vị có thơm ngon không. Sau đó tay mới gắp để đưa vào miệng mà tay là hành động của thân. Miệng bắt đầu nhai và tai nghe âm thanh khác nhau để phân biệt cứng hay mềm. Trong khi nhai thì lưỡi cho biết là món ăn ngon hay dở và sau cùng tất cả những sự phân biệt của năm căn được chuyển về thức. Nếu là món ngon thì thức sẽ phát sinh ý niệm tham muốn ăn nữa. Còn món ăn dở thì thức sẽ phát sinh ý niệm chán ghét, đánh đổ nó đi. Vì còn sự phân biệt, chạy theo tham cầu dục vọng, tâm chất đầy vọng tưởng nên con người không an và còn đau khổ. Ngược lại, người tu hành đi khất thực ai cúng dường gì thì nhận lấy, khi đầy bát thì trộn lẫn thức ăn với nhau thành một món duy nhất để không còn phân biệt mùi vị, không còn phân biệt món nào của ai cho rồi mới ăn. Đó là tinh thần bình đẳng vô phân biệt.

tôn giả Tu Bồ Đề là người thông hiểu lý Không cho nên trưởng giả Duy Ma Cật muốn đem tất cả vạn pháp trong vũ trụso sánh với những thức ăn trong bình bát của tôn giả để chứng minh rằng tất cả đều là huyễn hóa, là giả, là không thật vì chúng không có tự tánh, là vô ngã tức là Không. Tuy bề ngoài hình tướngsai biệt nhưng tất cả đều cùng một Pháp tánh bình đẳng, không sai không khác. Trưởng giả Duy Ma Cật muốn chỉ cho ông Tu Bồ Đề thấy sự huyền diệu về chữ Không. Đối với hàng Thanh văn thì Không có nghĩa là cái không đối với cái có trong thế giới hữu hình nầy. Còn đối với Bồ-tát thì Không có nghĩa là giả huyễn, không thật Có. Không tức là Thể Tánh Chân Không Diệu Hữu, là cội nguồn để sinh ra tất cả nhân sinh vũ trụ, là “Bất Biến mà Tùy Duyên” có nghĩa là từ cái Bản Thể Chân Như mà sinh ra muôn sinh vạn vật.

Ông Duy Ma Cật lại nói tiếp:

Thưa ngài Tu Bồ Đề! Không cần đoạn trừ dâm nộ si, mà cũng không tùy thuận với dâm nộ si. Không cần hủy hoại thân nầy mà vẫn tùy thuận tướng nhất (Nhất chân pháp giới), không cần diệt si ái mà cũng có giải thoát. Ngay nơi tướng ngũ nghịchđược giải thoát. Không mở cũng không cột, không học hạnh Tứ diệu đế, không phải không học hạnh Tứ diệu đế. Không quả đắc, không phải không đắc quả. Không phải phàm phu, không phải xa rời pháp phàm phu. Không phải Thánh nhân, không phải không Thánh nhân. Dù thành tựu tất cả pháp mà rời ngoài cái tướng của tất cả pháp.

Được vậy, mới nên nhận lấy vật thực của người cúng dường.

Vì ông Tu Bồ ĐềA La Hán nên còn chấp có bên nầy bên kia. Muốn thiện thì phải diệt ác, muốn đạt Thánh quả thì phải tu theo Tứ diệu đế…Cái Không đối với ông là cái Không tương đối của thế gian pháp tức là cái không đối với cái có. Bây giờ ông Duy Ma Cật mới mở rộng tầm mắt cho ông ta thấy cái Không tuyệt đối, không cùng không tận, là cội nguồn của tất cả. Vì tất cả đều là huyễn hóa nên tất cả các pháp đều không thật Có. Nếu áp dụng nguyên lý nhất như (Nhất chân pháp giới) thì trong phiền não tức là Tham-Sân-Si mà vẫn có Bồ-đề, trong tướng ngũ nghịch mà vẫn được giải thoát. Khi không còn thấy có bên nầy bên kia tức là không còn có biên giới của nhị nguyên vì tất cả vốn không hai tức là bất nhị thì con người sẽ tìm giải thoát trong Tham-Sân-Si, loại phiền não để thấy được Bồ-đề. Một khi con người đã được tâm thanh tịnh thì Tham-Sân-Si, tướng ngũ nghịch, không mở, không cột…đều là giả huyễn, là không thật thì có gì phải sợ. Mà nếu không sợ thì cần gì phải trừ bỏ cho phiền lòng. Chẳng những không sợ mà con người có thể chuyển chúng thành thiện, chuyển phiền não thành Bồ-đề thì đây chính là con đường lợi tha của Bồ-tát vậy.

Ngày xưa ngài Đạo Tín lúc ấy mới mười bốn tuổi tìm tới gặp Tổ Tăng Xán mà thưa rằng:

- Bạch Hòa thượng! Xin Hòa thượng dạy cho con pháp môn giải thoát.

Tổ Tăng Xán bảo:

- Ai trói buộc ngươi?

- Không ai trói buộc con cả.

Tổ bảo:

- Không trói buộc thì cầu giải thoát để làm gì.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn cũng có câu:”Khi mê thì thầy độ, khi ngộ thì tự độ”. Do đó khi mê thì thấy mình còn bị trói buộc, lúc thức tỉnh thì thấy tự tại giải thoát, đâu có ai buộc mà phải cởi trói.

Một khi con người có sự sáng suốt triệt để từ nội tâm thì họ sẽ không thấy có pháp Tứ diệu đế để tu và cũng không có qủa vị để chứng đắcTứ diệu đế hay quả vị cũng chỉ là giả danh, không có chi là thật cả. Vì thế mà Tâm Kinh mới có câu: Thị cố không trung, vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo” là vậy. Con người thường hay lầm lẫn là cần pháp Tứ diệu đế làm phương tiện để đạt đến cứu cánh giải thoát giác ngộ tức là chứng quả vị Phật. Nhưng thật chất con người vốn đã giải thoát giác ngộ nhưng chỉ vì mê vọng điên đảo mà lầm tưởng là trầm luân. Trong tất cả chúng sinh vốn đã có Phật tính tức là Bản Thể Chân Như không tăng không giảm, không dơ không sạch mà chúng ta quên mất nó đi để cả cuộc đời đi tìm cái đã có sẳn. Cho nên một lần nữa Tâm Kinh mới nói:”Dĩ vô sở đắc cố” tức là không có gì là chứng đắc cả. Chỉ cần sống với tự tánh thanh tịnh thì Phật tính sẽ hiện ra cũng như lau hết bụi thì gương chiếu sáng vậy thôi vì tánh sáng cũng như Phật tính đã có từ lâu. Đó chính là bản lai diện mục của tất cả chúng ta.

Ông Duy Ma Cật khuyên tôn giả Tu Bồ Đề quay về sống với nguyên lý Bất nhị tức là không còn phân biệt có bên nầy bên kia mà phá chấp pháp để vào Pháp Tánh bình đẳng thì mới nên nhận lấy vật thực cúng dường của thí chủ.

Còn nữa, thưa ngài Tu Bồ Đề! Không cần tìm gặp Phật. Không cần nghe pháp Phật. Bọn lục sư ngoại đạo: Phú Lan Na Ca Diếp, Mạc Già Lê Câu Xa Lê Tử, Xan Xà Gia Tỳ La Chi Tử, A Kỳ Đa Xý Xá Khâm Bà La, Ca La Câu Đà Ca Chiên Diên, Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử…Bọn đó phải là thầy của ngài. Thưa ngài Tu Bồ Đề! Ngài hãy y chỉ vào họ mà xuất gia. Họ đọa địa ngục Ngài cũng đọa theo. Được như vậy mới xứng đáng thọ nhận vật thực của thí chủ cúng dường.

Gặp Phật qua 32 tướng tốt hay gặp Phật qua giọng thuyết pháp thì chưa phải là thấy được Như Lai. Vì Phật là một Ứng Thân trong thế giới Ta bà và là thân sinh tử. Còn Pháp Thân chính là Như Lai Viên giác Diệu Tâm mới thật là gặp được Phật và mới nghe được pháp Phật.

Đoạn trên ông Duy Ma Cật khuyên ông Tu Bồ Đề nên lìa hai bên, đứng chấp có bên nầy bên kia mà hãy quay về với nguyên lý nhất như để thấy được Bản Thể Chân Như trong khi đoạn nầy thì khuyên ông Tu Bồ Đề theo tà bỏ chánh. Tệ hại hơn nữa là gọi bọn lục sư ngoại đạo là thầy. Tại sao có sự mâu thuẩn như thế? Đối với người xuất gia thì phải quy y Tam Bảo chớ ai lại theo bọn ngoại đạođi theo họ vào địa ngục? Vì sự mâu thuẩn nầy mà tôn giả Tu Bồ Đề không sao hiểu được, tâm trí mờ mịt mà để bình bát lại và muốn đi ra khỏi nhà.

Thật ra bọn lục sư ngoại đạo mà ông Duy Ma Cật muốn ám chỉ ở trên chính sáu căn bởi vì con người lúc nào cũng để sáu căn chạy theo sáu trần mà trần thì ở ngoài nên gọi là ngoại trần hay ngoại đạo. Mà xuất gia là tháo gở đừng cho dính mắc tức là kiểm soát sáu căn đừng cho dính mắc với sáu trần. Một khi sáu căn không còn dính mắc thì cái chấp về dính mắc cũng không còn nữa thì tâm sẽ thanh tịnh.

Còn nữa, thưa ngài Tu Bồ Đề! Cứ xông pha trong các thứ tà kiến, không cần tránh né để đến Niết Bàn. Phải ở ngay trong bát nạn, không được không nạn. Nhập cuộc với phiền não, xa lìa pháp thanh tịnh đi. Ngài được Tam muội Vô tránh tam muội, tất cả chúng sinh cũng được Tam muội đó. Người thí chủ của ngài không được gọi là gieo giống phước điền, kẻ cúng dường ngài đọa trong ba đường ác. Họ là một cánh tay của bọn ma khấy rối. Ngài cùng các bọn ma và các trần lao không hơn kém. Đối với tất cả chúng sinh phải có tâm oán. Chê báng Phật, hủy mạ pháp, không làm Tăng và không cần Niết Bàn. Nếu ngài được như thế thì mới xứng đáng nhận lấy vật thực cúng dường.

Bạch Thế Tôn! ngài Tu Bồ Đề thưa: Khi nghe những điều đó tâm trí con mờ mịt, không còn biết phải nói lời gì và không biết phải đối đáp ra sao. Con bèn để bình bát xuống và muốn mau được đi khỏi nhà ông Duy Ma Cật. Như đoán được ý con, ông Duy Ma Cật nói tiếp:

- Thưa ngài Tu Bồ Đề! Ngài cứ nhận lấy bát cơm đi, đừng sợ. Ngài nghĩ thế nào? Giả như Đức Như Lai hóa hiện ra một người, đem những điều như thế đàm luận với ngài thì ngài có sợ chăng?

- Không sợ. Bạch Thế Tôn! Con đáp như thế.

Đoạn trên đã khó nghe mà đoạn nầy lại càng lạ lùng, khó hiểu. Ông Duy Ma Cật nói sao mà ngược ngạo quá vậy? Nhập cuộc với phiền nãoxa lìa thanh tịnh? Còn kẻ thí chủ bị đọa trong ba đường ác, rồi mình với ma giống hệt không khác. Tại sao lại phải chê Phật, hủy pháp, không làm Tăng và chả cần Niết bàn? Bây giờ hãy nghiệm đoạn kinh sau đây thì sẽ thấy được thâm ý của ông Duy Ma Cật.

Ông Duy Ma Cật lại nói tiếp:

- Tất cả pháp như huyễn, như hóa, ngài không nên có ý sợ sệt. Tất cả ngôn thuyết cũng là huyễn hóa. Bậc trí giả không dính mắc văn tự cho nên không có gì, vì tánh của văn tự vốn Không. Hiểu được rằng:”Văn tự vốn không có tánh” thì người đó được giải thoát. Vì cái tướng giải thoát chính là tướng các pháp vậy.

Tôn giả Tu Bồ Đề là đệ nhất giải không nên ông Duy Ma Cật một lần nữa đem Lý Khôngthử lòng đó thôi. Dựa theo Lý Không thì trên đời nầy không có cái gì là thật cả vì chúng không có tự tánh tức là vô ngã. Vì tất cả các pháp đều là huyễn hóa thì lời nói cũng là huyễn hóa, không thật. Lời nói, văn tựpháp hữu lậutương đối do duyên khởi tạo thành nên chính nó không có thật thể và dĩ nhiên không thể nào diễn tả được chân lý Tuyệt đối vô lậu. Vì hàng Thanh văn còn có chấp, ngay cả văn tự nên ông Duy Ma Cật khuyên nếu muốn đạt được trí tuệ Bát Nhã của Bồ Tát thì ngay cả văn tự cũng bỏ luôn, không nên chấp. Bởi vậy Kinh Kim Cang cũng có câu:”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng Phi Tướng tức kiến Như Lai” có nghĩa là tất cả mọi vật mà có hình tướng đều là giả huyễn, còn nếu thấy được cái Tướng Không của mọi sự vật thì mới thấy được Chân Lý. Nói một cách khác cái gì mà có thể diễn tả được, viết được, nói được thì cái đó không phải là Chân lý. Ngày xưa chư Tổ cũng dạy rằng:”Chân Lý là Tuyệt đối không thể dùng lời nóidiễn tả được. Nếu còn dùng lời nói thì Chân Lý bị che khuất, bị chôn vùi”.

Tất cả kinh điểnchúng ta có được ngày nay là do các vị đại A La Hán tụng thuật lại và được chuyển sang Phạn âm, rồi Hán tự và sau cùng dịch sang tiếng Việt. Đoạn kinh trên khai thị cho người tu Phật đừng quá chấp vào kinh điển vì không có lời nói hay văn tự nào có thể diễn tả được Chân Lý cả đó là chưa kể khi dịch kinh văn làm sao không có sự thêm bớt, sai biệt. Vì thế trong Kinh Đại Niết Bàn, Đức Phật nói Tứ Y Pháp mà trong đó y nghĩa bất y ngữ là như vậy. Cho nên kinh điển chỉ là phương tiện, là ngón tay mà cứu cánhChân Lý, là sự sáng suốt triệt để, là ánh sáng huyền diệu của mặt trăng.

Ông Duy Ma Cật đưa ra hai tư tưởng đối lập nhau để chỉ cho tôn giả Tu Bồ Đề đừng quá chấp vào lời nói văn tự vì chúng là huyễn hóa, không thật. Nếu là huyễn hóa thì nói ngược cũng được mà nói xuôi cũng chẳng sai. Vì chấp nên ông Tu Bồ Đề thấy lời nói trên là thật nên hoảng hốt, sợ sệt, muốn ôm bình bát mà chạy. Bây giờ ông Duy Ma Cật mới an ủi rằng nảy giờ là tôi nói đùa đấy vì lời nói không có giá trị chi cả vậy ông hãy lấy cơm mà ăn đi.

Tất cả các pháp trên thế gian nầy đều là huyễn hóa ngay cả lời nói văn tự. Nếu ngày nào con người còn chấp vào ngôn ngữ văn tự là thật thì ngày đó còn phải đối diện với phiền não khổ đau. Thói thường thì con người thích lời nói khen, nói tốtbất mãn, buồn phiền khi bị chỉ trích. Nếu chúng ta chấp lời nói kia là thật thì lúc nào cũng ghi nhớ, gìn giữ những lời nói đó vào lòng. Thuận duyên thì hạnh phúc tức là sống trong mộng tưởng, điên đảo, còn nghịch duyên thì buồn phiền, bực bội. Trưởng giả Duy Ma Cật muốn nhắn nhủ rằng người tu Phật cần phảitrí tuệ để biết rằng tất cả ngôn ngữ, lời nóikhông thật thì đừng quan tâm, lưu nhớ vì chúng phát xuất từ bên ngoài tức là ngoại trầncần phải giữ tâm thanh tịnh tức là sáu căn không dính mắc nơi sáu trần. Mình thì không nói xấu người mà nếu có ai dèm pha, thị phi thì luôn giữ chánh niệm và đừng cho tâm vọng động để tiêu trừ khẩu nghiệp. Một khi con ngườitự chủ tức là không chấp lời nói xấu, tiếng dèm pha hay tiếng khen thì cuộc sống sẽ rất an vui tự tại.

Bạch Thế Tôn! Ông Tu Bồ Đề thưa. Sau khi trưởng giả Duy Ma Cật nói thời pháp ấy rồi, có hai trăm vị Thiên tử được pháp nhãn thanh tịnh. Do vậy, con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.

Thiên tử ở đây không phải là những ông vua ở thế gian mà là những vị trời trong các cõi Dục giới, Sắc giớiVô sắc giới. Đó là các cõi trời Đạo Lợi, Dạ Ma, Đầu Xuất, Hóa Lạc, Tha Hóa…Khi chúng sinh thấy rằng dục lạc thế gian không bền chắc, tạm bợ, đáng chán và là cội nguồn tạo ra nghiệp để chịu quả khổ về sau nên họ bỏ ác mà tu theo mười điều thiện và khi chết sẽ được thọ sanh lên cõi trời để hưỡng phước lạc. Tuy thọ mạngcõi trời rất dài nhưng vẫn còn nằm trong lục độ luân hồi do đó nếu hưởng quá nhiều phước lạc sinh mê sẽ dễ bị đọa vào tam ác đạo.

Các vị trời bình sanh được ăn ngon mặc đẹp, sống trong cung vàng điện ngọc với đàn ca múa hát. Họ hưởng quá nhiều dục lạc nên bị mê đến khi nghe được lời dạy của ông Duy Ma Cật thì mới biết tất cả các pháp như thức ăn, áo quần, nhà cửa, đền đài, cung điện ngay cả âm thanh, lời nói đều là huyễn, không thật có. Nhờ thấu hiểu chân lý nầy mà các vị trời bừng tỉnh đôi mắt như người vừa ra khỏi giấc chiêm bao nên mới gọi là Pháp nhãn thanh tịnh.

Khi nói về hạnh bố thí thì có người lý luận rằng nếu có người làm ăn lương thiện đang sống trong cảnh bần hàn, mỗi ngày phải chạy cơm nuôi gia đình còn không đủ thì tiền của đâu dư mà bố thí để tạo phước đức cho đời sau? Đó là chưa kể khi gặp cảnh túng quẩn, vợ bệnh con đau sanh ra trộm cướp thì đời sau càng thê thảm.

Ngược lại có những người hiện tại rất giàu có, tiền rừng bạc biển, cuộc đời hạnh phúc ấm no thì đối với họ bố thí chút ít tiền của cũng chẳng ăn nhằm gì. Có thể họ dùng tiền của bất lương mà bố thí cho nên dựa theo thuyết nhân quả chẳng những đời nầy họ giàu sang phú quý mà đời sau họ càng hạnh phúc ấm no. Thế thì hạnh bố thí của nhà Phật có bất công và độc ác như họ nghĩ không?

Chữ bố thí trong nhà Phật không có nghĩa là đem tiền của ra phân phát cho kẻ khác để tạo phước. Đây chỉ là nhìn về hình tướng bên ngoài mà nói. Thật ra bố thí không nhất thiết phải là phân phát tiền của mà còn phải pháp thívô úy thí. Đứng về Bản Thể mà nói thì bố thí là để thanh lọc nội tâm của mình, làm giảm bớt tính tham, tật đố. Tham-sân-si, mạn, nghi có bớt thì tâm thanh tịnh mới hiện bày. Có dám bố thí chia xẻ bớt cho người thì tâm mới bớt tham. Bố thí mà còn mong cầu đền đáp thì tâm tham không giảm. Tham-sân-si chưa dứt thì làm sao đạt được tâm thanh tịnh. Nếu kẻ giàu có bằng hành động bất chính thì chính họ đã tự tạo cho mình bao nhiêu nhân bất thiện, cho dù họ có đem bao nhiêu tiền của để bố thí cũng không cách nào xóa đi những nhân bất thiện được. Vì thế kiếp sau làm sao họ có thể trở thành giàu sang phú quý, an vui hạnh phúc được? Còn đối với những người nghèo khổ, không đòi hỏi họ phải bố thí nhiều tiền của mà chỉ cần họ bố thí với tấm lòng vị tha vô ngã thì cho dù họ chỉ bố thí một đồng nhưng kết quả vẫn cao quý hơn những người giàu có bất thiện.

Nhắc lại ngày xưa trong thời Đức Phật còn tại thế, có một bà già đi ăn xin rất nghèo khổ. Tuy muốn cúng dường cho Phật ngặt nổi trong túi không có một xu. Ngày đó mà đi xin được vài đồng, bà nhịn ăn để mua một chút ít dầu đốt đèn và hân hoan đem cúng dường cho Phật. Sau một đêm tất cả những ngọn đèn khác đều tắt chỉ còn ngọn đèn của bà vẫn cháy sáng làm cho mọi người ngạc nhiên thì Phật mới dạy rằng bố thí phát xuất từ tấm lòng chân thành thì sẽ được vô lượng phước đức. Vì thế cho dù đời nầy mình có gặp nhiều nghịch duyên, cuộc sống không được vừa ý thì đó là chất liệu để tu tâm sửa tánh thì ngày sau chắc chắn sẽ tươi đẹp hơn nhiều. Con người không thể oán Trời trách Phật làm cho mình nghèo khổ. Nghèo khổ là do tự mình tạo ra quá nhiều nhân bất thiện trong đời quá khứ, nếu muốn kiếp sau được hạnh phúc an vui thì kiếp nầy tránh ác làm thiện là được ngay.

 Phật dạy rằng: 

Chư ác mạc tác
Chứng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo

 Nghĩa là;

Tất cả các nghiệp ác chớ có làm
Nên làm tất cả các việc lành
Cố gắng làm cho tâm ý được thanh tịnh
Đó là lời dạy của chư Phật

Nên nhớ nghèo không phải là cái tội mà tạo nghiệp bất thiện mới đưa con người lún sâu vào biển trầm luân đau khổ. Nghèo chưa chắc đã khổ mà giàu chưa hẳn đã hạnh phúc vui tươi cho nên cổ nhân có câu:”Thanh bần an lạc, trọc phú đa ưu” là vậy. Như thế thì hạnh bố thí đâu có bất công đối với ai đâu và dĩ nhiên đầy từ bi chớ làm gì có độc ác.

Tôn giả Phú Lâu Na. (Purna Maitrayaniputra):
Trở Lại Vấn Đề Thuyết Pháp.

Tôn giả Phú Lâu Na là con một vị Bà La Môn rất giàu sang làm quốc sư trong triều của vua Tịnh Phạn. Ông sanh cùng ngày với Đức Phật và sau đó quy y thọ giáo với Đức Thế Tônchứng quả A La Hán. Tôn giả là vị giảng sư rất nổi tiếng. Mỗi khi Đức Phật thuyết ngắn gọn hoặc khó hiểu thì tôn giả giảng giải rộng nghĩa cho tất cả mọi người. Vì thế ngài rất nổi tiếng là người nói pháp rất giỏi và rất dài nên được Đức Phật công nhận là đệ nhất thuyết pháp.

Đức Phật gọi ông Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử đến bảo:

- Phú Lâu Na! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông Phú Lâu Na thưa:

- Bạch Thế Tôn! Trước đây vào một hôm nọ, con ở trong khu rừng Đại Lâm, cùng với một số tân học Tỳ Kheo ngồi dưới bóng mát của một cây cổ thụ. Lúc con đang thuyết pháp dạy cho số Tỳ Kheo tân học, tình cờ trưởng giả Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

- Thưa ngài Phú Lâu Na! Trước hết ngài phải nhập định quán xét tâm tánh của các Tỳ Kheo, rồi sau đó hãy thuyết pháp.

- Thưa ngài Phú Lâu Na! Ngài không nên đem thức ăn thiu bẩn mà đựng trong chén ngọc đĩa vàng. Ngài phải biết ý niệm của các vị Tỳ kheo đang nghĩ tưởng gì, nhiên hậu sẽ thuyết pháp. Không nên sử dụng một thứ ngìn đồng nhất rồi cho rằng lưu lythủy tinh là một. Ngài chưa biết căn cơ chủng tánh của chúng sanh thì đừng đem pháp tiểu thừa mà dạy cho họ. Họ vốn không có ghẻ, đừng làm cho lở loét một con người. Họ muốn đi đại lộ, đừng chỉ cho họ ngõ hẹp quanh co. Ngài đừng đem nước biển đựng vào dấu chân trâu. Đừng lấy ánh sáng mặt trời mà đọ với ánh lập lòe của đom đóm.

- Thưa ngài Phú Lâu Na! Các vị Tỳ Kheo ấy đã phát tâm đại thừa từ lâu, khoảng giữa họ quên đi tâm ý đó. Tại sao ngài lấy pháp tiểu thừa hướng dẫn cho họ làm chi? Tôi nghĩ rằng thứ trí tuệ của hàng tiểu thừa nhỏ nhen, cạn cợt chẳng khác người đui. Họ không thể phân biệt được ai độn căn, ai lợi căn trong số chúng sinh, tâm họ vốn còn trong trắng.

Trong Phật giáo thì pháp có pháp liễu nghĩabất liễu nghĩa. Có pháp Đại thừaTiểu thừa. Có pháp cứu cánh và pháp phương tiện. Do đó khi thuyết pháp cần phải quán căn cơ và biết nhìn đối tượng. Chủ điểm của Kinh Duy Ma Cật là bắt nhịp cầu để chuyển tiếp từ tư tưởng chật hẹp, cố chấp của Tiểu thừa sang thế giới rộng rãi vô cùng vô tận của Đại thừa chớ không phải khinh miệt bởi vì có tự giác mới giác tha được. Phật pháp thì cao siêu và vượt ra ngoài văn tựlời nói, nhưng vì căn cơ, trình độ chúng sinh có sai khác nên pháp Phật được chia làm ngũ thừa chớ không phải Phật pháp có sai khác.

Ở đây tôn giả Phú Lâu Na thuyết pháp không phải sai pháp mà là sai đối tượng. Chẳng hạn người có trình độ cao mà mình nói pháp thấp thì chỉ có hại chớ không có lợi. Ngược lại người có trình độ thấp mà mình nói pháp cao thì đối với họ chỉ là vô ích. Vì thế sai đối tượng thì người nghe không có kết quả, pháp đúng trở thành sai. Cũng như chiếc áo trắng một khi đã nhúng chàm, chiếc áo ấy sẽ không còn đẹp nữa khi nhuộm màu sắc khác. Con người thì cũng thế, một khi tâm hồn trong trắng được nhuộm bằng màu sắc Tiểu thừa thì sự trong trắng kia không còn nữa. Nếu con người có khả năng đi đại lộ thì không nên chỉ họ đi quanh co ngõ hẽm làm chậm trễ bước tiến của họ vì thế việc làm chẳng những không được ơn mà còn có tội.

Ông Duy Ma Cật ví người Tiểu thừa như người mù vì trí tuệ nông cạn chưa sáng suốt thâm sâu, không biết căn tánh chúng sinh thông minh hay đần độn mà cứ đem pháp Tiểu thừa ra dạy thì lợi đâu không thấy mà chỉ là hại thêm.

Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh thì trong tất cả chúng sinh đều có chủng tánh Đại thừa. Nếu họ được hướng dẫn bằng pháp Đại thừa thì hạt giống Đại thừa chắc chắn sẽ phát triển.

Bấy giờ ông Duy Ma Cật liền nhập tam muội truyền một lực tĩnh tâm khiến cho các vị Tỳ Kheo kia tự biết túc mệnh của mình: Rằng họ đã từng trồng sâu gốc rễ phước ở 500 Đức Phật từ thưở xa xưa.

Ngày xưa trưởng giả Duy Ma Cật nhập định khiến các Tỳ Kheo nhớ được tiền kiếp của mình. Ngày nay chúng ta không có Túc Mạng Thông thì làm sao mà nhập đại định để biết tiền kiếp của mình hay của chúng sinh? Do đó trước khi thuyết pháp thì phải dò xét, đặt câu hỏi để thẩm định trình độcăn cơ của đối tượng thì lời thuyết pháp chẳng những không có hại hay vô ích mà còn gieo vào chúng sinh những chủng tử Phật pháp nhiệm mầu.

Tôn giả Phú Lâu Na nói tiếp:

Mọi người tự xoay về quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thoạt nhiên họ liền trở lại tâm đại thừa vốn có. Lúc bấy giờ các vị Tỳ Kheo ấy đánh lễ dưới chân ông Duy Ma Cật.

Sau thời pháp của trưởng giả Duy Ma Cật, các vị Tỳ Kheo ấy không còn thoái chuyển đối với ngôi vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đối với hàng Tiểu thừa thì cầu Niết bànchứng quả A La Hán, nhưng đối với Đại thừa thì Bồ Đề, Niết bàntự tánh vốn có của tất cả mọi người. Kinh Kim Cang xác định là thứ tự tánh thanh tịnh nầy ở địa vị Thánh nó cũng không tăng và ở phàm phu nó cũng không giảm. Cũng như nước trong trăng hiện, một khi phiền não hết thì Phật tánh hiễn bày.

Hàng Tiểu thừa thì cầu với chứng, nhưng thật ra tất cả quả vị chứng đắc thật ra không ai ban cho và ngay cả Bồ Đề, Niết bàn cũng không do Phật thưởng bởi vì phiền não vô minh tan thì có được an nhiên tự tại cũng như mây đen tan thì trời xanh hiện. Vì thế mà Tâm Kinh có câu: “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Con người quên rằng trong họ có hòn ngọc Ma Ni rất quý báu mà không biết nên cả cuộc đời cứ sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo túng. Thật vậy trong mọi chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, nhưng vì bị vô minh che lấp nên không thấy mà cứ chạy đi tìm cầu Phật ở bên ngoài. Nếu thức tỉnh phá được cái màn vô minh thì Phật tánh hiện bày cũng như thò tay vô túi lấy viên ngọc ra thì làm gì còn nghèo khổ. Như các vị Tỳ Kheo bổn tâm bị vô minh che lấp, nay nhờ ông Duy Ma Cậtthức tỉnh, tâm trí bừng sáng mà quay về với Chân lý, với Bản Lai Diện Mục, với Phật Tánh Chân Như. Sự sáng suốt đưa các vị Tỳ Kheo trở về với giáo lý Đại thừa, không còn bất thối chuyển thì chẳng còn trở lại nơi lầm lạc củ mà nhất tâm tiến về nẻo giác ngộ tột cùng tức là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy.

Bạch Thế Tôn! Ông Phú Lâu Na thưa. Qua sự kiện đó con suy nghĩ rằng hàng Thanh văn không thể quán xét căn tánh của người thì không nên thuyết pháp. Do vậy, hôm nay con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.

Vì khả năng và lối quán sát của hàng Thanh văn chưa thấu đáo nên tôn giả Phú Lâu Na cần phải tu và thực hành thiền định một cách rốt ráo thì mới phát huy được cái trí tuệ sáng suốt triệt để sẳn có trong tất cả mọi người. Vì thế Tâm Kinh cũng dạy rằng: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đỏa y Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn” có nghĩa là Khi đã có cái trí tuệ sáng suốt triệt đểnội tâm và không còn thấy có chứng đắc thì lòng thênh thang không còn bị điều gì ngăn ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảođạt được cứu cánh Niết bàn”.

Tôn giả Ca Chiên Diên (Katyayana):
Thuyết Pháp Tinh Yếu.

Tôn giả Ca Chiên Diên là con của một vị quốc sư của nước A Bàn Đề thuộc miền Nam nước Ấn Độ. Tiên A Tư Đà vị thần thông bác học của Ấn Độ thời bấy giờ, người đã đến xem tướng cho Thái tử Tất Đạt Đa khi Ngài mới đản sanh chính là cậu ruột và cũng là sư phụ đầu tiên của tôn giả. Sau tôn giả quy y theo Phật trở thành A La Hán và trong số mười đại đệ tử của Phật thì tôn giả nổi tiếng là đệ nhất nghị luận vì ngài có tài biện luậnlời nói diệu dàng làm mọi người kính phục. Ngoài tài biện thuyết, tôn giả còn làm ra bộ Thi Thiết Túc Luận gồm có 18 ngàn câu kệ và một bộ kinh có tên là Ca Chiên Diên Kinh để nói về ý nghĩa lìa cả hai đường Có và Không mà phá trừ tập khí ngã mạn.

Bấy giờ Đức Phật gọi ông Ca Chiên Diên bảo:

- Ca Chiên Diên! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông Ca Chiên Diên thưa:

- Bạch Thế Tôn! Trước kia con đã từng nghe Phật nói pháp tinh yếu cho các Tỳ Kheo. Hôm nọ con cùng các Tỳ Kheo hội hợp lại, con bèn trùng tuyên diễn nói lại về ý nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã và tịch diệt…Lúc bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật đến, nói với con rằng:

- Thưa ngài Ca Chiên Diên! Ngài không nên dùng tâm hành sanh diệt mà nói pháp thật tướng. Thưa ngài, các pháp không sanh không diệt, đó là nghĩa vô thường. Ngũ uẩn rỗng không, không có điểm sanh khởi, đó là nghĩa khổ. Các pháp rốt ráo không, không có nguồn gốc, đó là nghĩa không. Ngã và vô ngã không hai, đó mới là nghĩa vô ngã. Các pháp xưa không sanh, nay không diệt, đó là nghĩa tịch diệt.

Người học Phật thì phải nhìn vạn pháp qua hai mặt. Pháp thì có pháp tánhpháp tướng. Nếu con người chưa ngộ được thật tướng của vạn vật trong vủ trụ thì chỉ nói được pháp tướng. Còn thấu nhập được thật tướng thì mới nói được pháp tánh. Mà thật tướng chính là vô tướng.

Chúng sinh sống trong thế giới Ta bà nầy tức là đang bơi trong biển khổ cho nên Đức Thế Tôn muốn đem Phật pháp để giúp chúng sinh nương theo đó mà giải thoát. Vì thế Phật mới nói thuyết vô thường, vô ngã, khổ, không và diệt phiền não để chứng đắc Niết bàn. Vì đây là lời của Phật nên tôn giả Ca Chiên Diên mới đem những ý chính mà diễn lại cho các Tỳ Kheo nghe thì lời nói của tôn giả là đúng. Nói đúng mà tại sao lại bị quở? Trưởng giả Duy Ma Cật không những chỉ trích tôn giả Ca Chiên Diên mà còn chỉ trích tất cả các vị đại đệ tử của Phật không phải vì họ nói sai hay tu hành sai mà họ không đi đúng Phật đạo. Con đường để đạt đến Phật quả viên thành bắt đầu từ nhân thừa, thiên thừa, tiểu thừa, duyên giác thừacuối cùng tiến đến đại thừa viên giáo để đến Đẳng giácthành Phật. Bất cứ ai trong thế gian nầy nếu muốn hoàn thành Phật đạo đều phải đi theo con đường của các vị A La Hán cả, nhưng lý do họ bị khiển trách là vì họ tự mãn ở địa vị của hàng Thanh văn mà không tiếp tục tinh tấn tu hành từ Thanh văn lên Bồ-tát hay từ Tiểu thừa sang Đại thừa. Tuy đã thoát khỏi sinh tử luân hồi nhưng nếu không tiến tu theo Bồ-tát đạo thì trí tuệ không phát sinh, vô minh chưa trừ diệt thì làm sao thành Phật được. Do đó ông Duy Ma Cật mới đại diện cho Phật chỉ bày con đường sáng để khai thị cho họ theo đó mà tiếp tục tu hành để viên thành Phật đạo. Đây là chỉ trích trong tinh thần xây dựng vậy.

Khi Đức Phật thuyết pháp dạy các Tỳ Kheo thì Ngài thuyết huyễn pháp, độ huyễn nhân để chứng huyễn quả. Nhưng tôn giả Ca Chiên Diên nghe Phật nói huyễn lại tưởng là thật. Phật dùng phương tiện lại tưởng là cứu cánh cho nên tôn giả mới đem những lời Phật mà dạy cho các Tỳ Kheo.

Đứng về phương diện pháp tướng mà nói thì vạn pháp là thật có cho nên thấy vạn phápvô thường. Cũng như thấy thân nầy là thật nên phải chịu sinh lão bịnh tử. Thấy cái ta là thật có nên thấy cái ta là vô ngã. Muốn ngã và ngã sở được trường tồn vĩnh cửu nên thấy vạn pháp giai không. Thấy phiền não là thật cho nên mới mong cầu tịch diệt Niết bàn. Tóm lại vô thường, khổ, không, vô ngã, tịch diệt đều là pháp tướng tức là tướng sinh diệt của thế gian. Vì thế tôn giả Ca Chiên Diên càng diễn giải, biện luận cho các Tỳ Kheo thì càng chứng tỏ tâm ông bị dính mắc càng nhiều. Do đó trưởng giả Duy Ma Cật mới đến bảo ông chớ đem tâm hạnh sinh diệt tức là pháp tướng mà nói pháp Thật Tướng. Tại sao? Bởi vì tâm hạnh sinh diệt là pháp thế gian, là tương đối thì làm sao diễn tả được pháp Thật Tướng tức là tuyệt đối, là pháp xuất thế gian.

Đứng về phương diện tuyệt đối mà nói thì các pháp không sinh mà cũng không diệt, không còn đối đãi tức là Bất nhị. Ông Ca Chiên Diên nói các pháp có sinh có diệt tức là vô thường còn ông Duy Ma Cật nói các pháp không sinh không diệt mới là vô thường. Đây là hai tư tưởng hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy ai đúng ai sai? Thật ra cả hai cùng đúng. Tại sao lại có chuyện ngược với lý vô nhị thị như vậy? Nếu đứng về pháp Tướng tức là pháp sinh diệt tương đối của thế gian thì ông Ca Chiên Diên nói đúng. Còn nếu dựa vào pháp Tánh bất sinh bất diệt tức là Chân Lý Tuyệt đối thì ông Duy Ma Cật đúng vì trong Chân Không thì làm gì có sinh có diệt, có tăng có giảm. Nhưng nếu nói không sanh không diệt thì tại sao nói vô thường như các pháp sinh diệt? Đứng về pháp Tánh thì không sanh không diệt nhưng nhờ có duyên hợp mới thành Tướng. Mà đã là duyên hợp thì có sanh có diệt tức là vô thường. Đây chính là bất biếntùy duyên. Thí dụ như cái nhà của chúng ta. Vì cái nhà là do duyên hợp của gạch, ngói, cây, xi măng…nên cái nhà không có tự tánh tức là Không. Vì cái nhà là do duyên hợp mà thành nên có sanh có diệt tức là vô thường nhưng tự tánh của cái nhà là Không thì làm gì có sanh có diệt. Do đó cùng một đối tượng mà có hai bản thểhữu vivô vi hay tương đốituyệt đối. Hữu vi là Tướng và vô vi là Thể. Như vậy nói vô thường là chỉ cho giả tướng duyên hợp. Còn pháp Tánh thì không sanh không diệt. Cho nên cái không sanh không diệt đó không thể rời cái Tướng sanh diệt được. Vì thế Tâm Kinh mới có câu:”Sắc chẳng khác Không” là như vậy. Tuy tôn giả Ca Chiên Diên nói không sai, nhưng sự hiểu biết về sự sinh tồn của nhân sinh vủ trụ chỉ có một bên là pháp Tướng tức là pháp sinh diệt cho nên ông Duy Ma Cật muốn đem chân lý của Thật Tướng tuyệt đốigiảng giải để khai thị cho tôn giả thấy rằng tuy vạn pháp có tướng sinh diệt tức là vô thường nhưng Bản Thể Chân NhưThật Tướng thì không có hình tướng nên không bị chi phối bởi tánh vô thường, khi nào cũng như khi nào, không lên bổng xuống trầm, không còn già trẻ sống chết đổi thay nên được gọi là Chơn Thường. Vì thế ông Ca Chiên Diên tuy là nói không sai nhưng chưa được rốt ráo, thấu triệt mà thôi.

Ngũ uẩn rỗng không, không có điểm sanh khởi, đó là nghĩa khổ.

Năm uẩn ở đây chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong thế gian nầy con người còn thấy khổ, vui là vì còn cảm thọ những duyên trần từ bên ngoài. Khi gặp cảnh thuận duyên thì tâm vui mà gặp cảnh nghịch lòng thì phát sinh tâm sân hận. Tâm Kinh dạy rằng trong Bản Thể Chân Như thì ngũ uẩn là Không. Mà ngũ uẩn đã là Không thì làm gì có cảm thọ những duyên trần bên ngoài. Cảm thọ cũng Không thì vui khổ cũng chẳng còn. Vì thế ông Duy Ma Cật nói nghĩa khổ chính là chẳng khổ chẳng vui, là chân lý tuyệt đối vậy.

Trong Kinh Hoa Nghiêm có dạy rằng:”Vạn pháp duy tâm tạo” cho nên khổ vui cũng bởi tự lòng ta. Cùng một trái ớt cay mà có người thích ăn còn người khác lại không thích. Nếu bắt người Mỹ ăn cơm hoài như người Việt thì làm sao họ vui hay bắt người Việt ăn bánh mì hoài thì họ sẽ kêu khổ. Vậy vui khổ là không thật Có mà nó chỉ xuất hiện làm cho con người thêm điêu đứng khi chúng ta chạy theo gió lục trần. Khi con người còn chấp có hai bên là khổ vui nên tâm mới khổ vì muốn phá khổ tìm vui. Khi đã ngộ được Bản Thể Tuyệt Đối thì không còn chấp có khổ vui mà chỉ thấy rõ tất cả chỉ là một cái bất biến. Trong cuộc đời có ai lại không đối diện với cảnh trái ý nghịch lòng. Nếu người không hiểu đạo khi gặp nghịch duyên thì họ than trời, trách đất chẳng những làm khổ cho mình mà còn làm khổ cho mọi người chung quanh. Còn người có trí tuệ sáng suốt thì cũng cảnh nghịch duyên đó mà họ bình tĩnh lắng lòng để tìm nguyên nhân nào tạo ra nghịch cảnh mà tìm phương đối trị để vượt qua cảnh trái ý nghịch lòng. Cái vui khổ mà con người thọ nhận trong đời nầy chẳng qua là cái quả của những cái nhân tốt xấu mà họ đã tác tạo từ kiếp trước mà thôi. Tự tác hoàn tự thọ tức là ta làm thì ta chịu có gì phải phàn nàn. Chúng ta không có túc mạng thông thì không thể nào biết được mình đã làm những gì trong tiền kiếp. Nhưng điều quan trọng mà con người cần phải chú ý là ngay trong đời hiện tại cũng như trong tương lai đừng gây ra nghiệp xấu vì đây chính là những duyên xấu sẽ kết tập với những nghiệp bất thiện trong quá khứ mà tạo thành cái ác quả để hành hạ chúng ta. Nhân mà không có duyên thì không bao giờ thành quả. Do đó không chỉ riêng có Bồ-tát mới thấy câu:”Bồ-tát sợ nhân chúng sinh sợ quả” là chân lý mà tất cả chúng sinh cũng như Bồ-tát cùng sợ nhân cả.

Các pháp rốt ráo không, không có nguồn gốc, đó là nghĩa không.

Không có một hiện tượng tinh thần hay vật chất nào trong thế gian nầy có thể tự nó sinh tồn mà không cần đến những trợ duyên khác. Vì do sự kết hợp của nhiều nhân duyên nên tất cả vạn pháp chính nó không có tự tánh, không có chủ thể hay vô ngã tức là Không. Không ở đây có nghĩa là Chơn Không Diệu Tánh tức là từ vô thỉ nó như vậy và cho đến vô chung nó cũng thế, không tăng không giảm nên nói không nguồn không gốc là như vậy. Cái Không nầy mới chính thậtnghĩa không chớ không phải cái không đối với cái có của hàng Thanh văn.

Ngã và vô ngã không hai, đó mới là nghĩa vô ngã.

Ngã là thấy mình thật, vạn vật cũng thật. Còn vô ngã thì mình là huyễn và vạn vật, chúng sinh cũng huyễn. Khi còn thấy có ngã và vô ngã là thấy có bên nầy bên kia, là còn phân biệt nhị nguyên tức là tâm không bình đẳng. Đây là lối nói ngược để phá trừ bệnh chấp tướng, nhưng thật ra trong vô thường có Chơn thường và trong vô ngã có Chơn ngã. Đây mới chính là Trung đạo. Thí dụ như ngày xưa chúng ta chưa biết đạo thì lúc nào cũng chạy theo bản ngã, làm việc gì cũng vì mình, ai nói nặng một chút là giận là hờn, ai tâng bốc là kiêu căng, tự phụ cũng vì lầm tưởng thân nầy là thật, cái Ta là thật. Khi đã biết thân nầy là giả, thế gian vủ trụ là giả thì từ cái bản ngã mê lầm quay về với cái tự tánh thanh tịnh mà sống với tinh thần vô ngã từ bi của nhà Phật. Vậy ngã và vô ngã vốn ở trong ta. Nếu chạy theo lục dục thất tình là ngã còn sống với tự tánh bản nhiên thanh tịnhvô ngã. Tuy hai nhưng mà một tức là bất nhị thì đây mới là nghĩa vô ngã vậy.

Các pháp xưa không sanh, nay không diệt, đó là nghĩa tịch diệt.

Giáo lý Tiểu thừa dựa trên pháp hữu vi mà thấy các pháp có sinh có diệt nên tâm bất định mà sinh ra cái khổ. Do đó họ cố tu, xa lìa cái sinh diệt cho tâm được an định mà tìm cái vui tức là sự tịch diệt của Niết bàn. Ngược lại tư tưởng Đại thừa thì cho rằng các pháp từ nguyên thủy đến nay vẫn như thế, không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm. Mà các pháp vốn không sanh thì làm gì có diệt! Đây chính là Pháp Tánh của các pháp tức là Không. Vì là Chơn Không Diệu Tánh không hình không sắc, không kích thước, không nặng nhẹ thì làm gì có thể nghĩ bàn hay dùng văn tự để diễn bày được.

Như thế khi còn mê lầm vọng tưởng điên đảo thì còn thấy các pháp có sinh có diệt, đến khi trí tuệ bừng sáng để nhận thấy Thể Tánh bất sinh bất diệt của các pháp tức là thấy được tính Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì vọng tưởng điên đảo không còn và tâm hằng vắng lặng thanh tịnh thì Niết bàn còn dùng vào đâu mà cầu mong chứng với đắc thì đây mới chính là nghĩa Tịch Diệt vậy.

Như vậy:

- Nếu thấy thân là vô thường thì phải quay về sống với pháp tánh bất sinh bất diệt để tới chỗ Chơn Thường.

- Biết vạn pháp trong thế gian vủ trụ là vô ngã thì cố gắng suy tư quán chiếu, tĩnh lựquay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì sẽ thấy Chơn Ngã.

- Nếu để tâm chạy theo vọng trần thì sẽ cảm thọ cái vui hay cái buồn, nhưng nếu thấy rằng ngũ uẩn là Không thì sẽ chặn được gió lục trần. Không có gió lục trần thì làm gì còn cảm thọ cho nên buồn vui cũng vì thế mà tan biến.

- Nếu thấy thế gian sinh diệt thì tâm mới có khổ bây giờ quay về với pháp tánh thì sẽ không còn sinh diệt. Không sinh diệt thì khổ không còn tức là Tịch Diệt.

Tóm lại theo tư tưởng đại thừa thì ngay trong vô thường mà thấy được Chơn Thường. Ngay trong vô ngã mà thấy được Chơn Ngã. Trong cái khổ mà thấy Chơn Lạc và trong thế giới uế độ nầy mà vẫn thấy được Niết bàn thanh tịnh tức là Chơn Tịnh vậy. Vì thế với tuệ nhãn của Bồ-tát thì vạn pháp là Chơn Thường, Chơn Ngã, Chơn Lạc và Chơn Tịnh hay là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Nói một cách khác, tất cả vạn pháp trong thế gian vủ trụ nầy thì Tướng là giả huyễn, là sinh diệt. Thể thì lặng lẽ, là Chơn Không Diệu Tánh, là Không. Còn Dụng thì phát sinh từ tâm để tạo thành muôn sai vạn biệt. Đối với người tu theo đại thừa thì cho dù tâm có phát sinh trăm ngàn ý niệm, chánh có tà có, thiện có ác có…nhưng con người làm chủ tâm tức là kiềm chế ý niệm chớ không chạy theo nó. Niệm vừa dấy lên thì tự nhiên nó lắng xuống, biến đi. Vô niệm tức là Chơn tâm, là Phật tánh, là hạnh phúc vĩnh hằng trong tất cả chúng ta.

Hằng ngày chúng ta đi chùa, ngồi thiền, kinh hành, tụng kinh, niệm Phật mà người chửi còn giận, vật đẹp muốn lấy, tranh công đoạt chức thì vẫn làm nô lệ cho bản ngã. Muốn đạt đến ngã Không thì phải thấy vạn phápvô thường, vô ngã, Không và khổ như cái thấy biết của các vị A La Hán. Sau cùng phá luôn chấp pháp tức là pháp Không để được cái nhìn cái biết của Bồ-tát. Đó là thế gianhuyễn hóa, nhưng Bản Thể thì thường hằng bất biến, là Chơn Không Diệu Tánh nên lúc nào cũng thanh tịnh. Con người biết quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì ở đâu và lúc nào cũng có tịch diệt Niết bàn.

Tôn giả Ca Chiên Diên nói tiếp:

Sau khi ông Duy Ma Cật diễn nói về những pháp yếu đó, các Tỳ Kheo tâm được cởi mở. Vì vậy, hôm nay con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Các Tỳ Kheo khi đã được nghe Chân lý tuyệt đối, lãnh hội được pháp Tánh thanh tịnh thì như người ngũ mê sực tỉnh, không còn thấy mình bị trói buộc và tâm rất hoan hỷ. Ý của ông Duy Ma Cật trong đoạn kinh nầy là đứng lấy tâm sinh diệt tương đối của thế gianluận bàn về pháp Tánh tức là Chơn Không Diệu Tánh. Vì nó là Chơn Không, là rỗng lặng nên không thể dùng ngôn ngữ, văn tự để diễn bày. Nhưng nếu có quán chiếu, có thực hành thì sẽ ngộ Chân lý và nhập Thể Tánh thì lúc đó tự mình sẽ có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh vậy.

Tôn giả A Na Luật (Anurudha)
Vấn Đề Thiên Nhãn

Tôn giả A Na Luật sinh ra trong dòng dõi vua chúa. Ông là em họ của Thái tử Tất Đạt Đa. Khi Đức Phật thành đạo thì Ngài trở về cung thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp giáo hóa dòng họ Thích Ca. Về sau A Na Luật cùng với sáu vị vương tử khác là Bạt Đề, A Nan, Đề Bà Đạt Đa, Kiếp Tân Na, Bà SaNan Đề cùng xuất gia quy y theo Phật. Sống trong tăng đoàn, đạo tâm A Na Luật rất kiên cố cho dù gặp sắc đẹp cũng không hề xao động. Một hôm, trong lúc Thế Tôn đang thuyết pháp, A Na Luật ngủ gục nên bị Phật quở trách. Ông hổ thẹnquyết tâm không ngủ đến nỗi đôi mắt bị mù. Chính Đức Phật đã dạy môn “Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội” và chẳng bao lâu A Na Luật đạt được Thiên nhãn thôngchứng quả A La Hán. A Na Luật mất nhục nhãn mà được thiên nhãn làm tất cả chúng tăng hết lòng ái mộkính trọng. Vì tôn giả có thể thấy được tam thiên đại thiên thế giới nên Đức Phật khen tặng ông là đệ nhất Thiên nhãn trong hàng Thanh văn.

Một hôm A Na Luật đến hỏi Xá Lợi Phất rằng:

- Thưa tôn giả! Tôi dùng thiên nhãn thanh tịnh có thể thấy được ba ngàn đại thiên thế giới. Tôi được chánh niệm tinh tấn không lay động, hiện tại thân thể tôi khinh an như dạo chơi trong trời đất tịch mịch và tâm tôi đã lìa chấp trước. Vậy có phải là tôi đã ly phiền não đắc giải thoát không?

Xá Lợi Phất là bậc thượng thủ trong tăng đoàn, bèn nói:

Tôn giả A Na Luật! Vừa rồi ông nói nhờ có thiên nhãn nên thấy rõ ba ngàn đại thiên thế giới, đó là tâm ngã mạn. Ông nói ông có chánh niệm bất động là tâm kiêu ngạo. Tâm ông lìa chấp trước, không còn tán loạn là tâm cuồng vọng. Theo sự hiểu biết của tôi phải xa lìa tâm ngã mạn, tâm kiêu ngạo, tâm cuồng vọng mới thật là lìa phiền não đắc giải thoát.

Đức Phật gọi ngài A Na Luật bảo:

A Na Luật! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

A Na Luật thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật. Bởi vì con nhớ một hôm nọ, con đang kinh hành, bấy giờ có vị Phạm Vương tên là Nghiêm Tịnh và hàng ngàn Phạm Vương khác phóng hào quang vào chỗ con, dập đầu làm lễ và hỏi con rằng:

- Thưa ngài A Na Luật! Thiên Nhãn ngài chứng được có thể quan sát được bao xa?

- Bạch Thế Tôn! Con trả lời với Phạm Thiên Vương rằng:

Thiên nhãn của tôi trông thấy cõi Tam thiên Đại thiên thế giới của Đức Phật Thích Ca như xem trái quít trên bàn tay.

Bạch Thế Tôn! Lúc bấy giờ trưởng giả Duy Ma Cật đến hỏi con rằng:

- Thưa ngài A Na Luật! Thiên nhãn của ngài thấy đó là làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? Nếu như làm ra tướng thì khác gì ngũ thông của ngoại đạo. Nếu không làm ra tướng thì là vô vi. Vô vi thì không có thấy?

- Bạch Thế Tôn! Lúc đó con chẳng biết nói gì, đành im lặng.

Một tiểu thiên thế giới có 1,000 thế giới tức là 1,000 trái đất chúng ta đang ở. Trung thiên thế giới có 1,000 tiểu thế giới tức là một triệu trái đất. Đại thiên thế giới có 1,000 trung thiên hay một tỷ trái đất. Do đó mỗi cõi của một Đức Phật giáo hóa chẳng hạn như cõi Ta bà của Đức Phật Thích Ca gồm có một tỷ trái đất.

Trong thế gian nầy có năm loại mắt khác nhau, đó là:

1) Nhục nhãn: là mắt thịt của chúng sinh, chỉ nhìn gần chớ không nhìn xa được.

2) Thiên nhãn: là mắt của các vị Trời ở cõi Sắc giới và của những người tu thiền định đắc quả. Loại mắt nầy thì thấy gần, thấy xa, thấy trong, thấy ngoài và sáng tối đều thấy được cả.

3) Huệ nhãn: là mắt của các vị A La Hán hay Bích Chi Phật để thấy rõ vạn phápvô thường, vô ngã, khổ, Không nên họ mong cầu chứng đắc Niết bàn. Niết bàn là vì thấy khổ là thật, sinh lão bệnh tử là thật nên nếu muốn đạt được Niết bàn nầy thì các vị A La Hán phải xa lánh thế gian, chạy trốn cái khổ.

4) Pháp nhãn: là mắt sáng suốt của chư Bồ-tát vì đã thực hành sâu xa Bát Nhã Ba-La-Mật để thấy rõ căn cơ của chúng sinhtùy duyên hóa độ. Bồ-tát thì có vô trụ xứ Niết bàn tức là bất cứ ở đâu cũng có an vui tịch diệt cả. Vì các Ngài nhận biết vạn pháp giai Không tức là tất cả nhân sinh vủ trụ đều là giả huyễn nên tâm không dính mắc. Các Ngài vào đời để cứu chúng sinh là làm việc huyễn, giúp cho huyễn chúng sinh thoát ra khỏi huyễn tai ách. Cái gì cũng huyễn nên tâm lúc nào cũng thường lạc. Thật thì thấy Có rồi sợ mất, còn huyễn là không thật Có thì mất hay còn cũng vậy thôi, lòng không tiếc tức là Niết bàn vậy.

5) Phật nhãn: là mắt của Phật. Vì thường ở trong Chánh định nên tâm lúc nào cũng thanh tịnh, không bị ngăn ngại nên Phật thấy rõ tất cả và đầy đủ chẳng những tam thiên đại thiên thế giới mà còn tất cả các cõi Phật khác nữa.

Phạm Vương là các vua cõi Trời có nhiều phước báo nên thân và cung điện có hào quang sáng chói. Riêng vị Trời Nghiêm Tịnh chẳng những có hào quang chiếu sáng rực rỡ mà còn có đầy đủ vẻ trang nghiêmthanh tịnh. Các vị Trời đều có Thiên nhãn nên họ có thể phóng hào quang mà nhìn xa thấy rộng cho nên khi gặp đệ nhất Thiên nhãn A Na Luật thì họ muốn thử tài là ai nhìn xa hơn. Ông A Na Luật bị mù nhưng nhờ tu Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội mà có được Thiên nhãn nên có thể thấy một tỷ thế giới như trái đất rất rõ ràng như xem trái quít trên bàn tay thì Thiên nhãn của tôn giả chắc chắn thấy xa hơn Thiên nhãn của các vị Trời. Thật ra đối với các vị A La Hán của hàng Thanh văn thì phải nói là Huệ nhãn vì đây là Thiên nhãn do tu mà được. Các vị Trời có Thiên nhãn là do quả báo từ đời trước biết tu thập Thiện nên họ sử dụng tự nhiên Thiên nhãn mà không cần tác tướng. Không tác tướng tức là không khởi ý dụng công. Còn các vị A La Hán nhờ công phu tu tập chứng đắc mà có vì thế khi sử dụng Thiên nhãn họ phải cần tác tướng. Nhưng nếu nhờ dụng công mà có thì Thiên nhãn của các vị A La Hán đâu khác gì ngũ thông của ngoại đạo. Ngày xưa lúc Đức Phật còn tại thế thì chẳng những hàng Thanh văn chứng được năm phép thần thông mà ngay cả ngoại đạo do công phu tu tập cũng đạt được. Đó là:

1) Thiên Nhãn Thông: là có nhãn lực nhìn thấy khắp muôn loài cùng sự sinh hóa trong thế gian bao la hiện tại.

2) Thiên Nhĩ Thông: là có nhĩ lực để nghe khắp mọi nơi bao gồm loài người và loài vật.

3) Túc Mạng Thông: là có trí lực hiểu biết các kiếp trước của đời mình.

4) Tha Tâm Thông: là có tâm lực biết được tâm niệm sở cầu của kẻ khác.

5) Thần Túc Thông: là có thần lực để bay cao hay độn thổ.

Ngoài năm phép thần thông trên, Lậu Tận Thông là có trí tuệ thông suốt ba đời để không còn đau khổ, phiền nãosinh tử luân hồi. Chỉ riêng Đức Phật có được Lậu Tận Không mà thôi.

Nếu ông A Na Luật do công phu tu tập mà có được Thiên nhãn cũng giống như ngoại đạo thì có gì đáng quý để các vua Trời phải cúi đầu đãnh lễ. Khi ông Duy Ma Cật hỏi ông A Na LuậtThiên nhãn của ngài thấy đó là do làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? có nghĩa là những vật mà A Na Luật nhờ Thiên nhãn thấy được là được tạo ra hay không tạo ra? là có tướng hay không có tướng? Đây chính là tư tưởng nhị nguyên tức là còn đối đãi, có trên dưới, đúng sai, trong ngoài, thiện ác…Các vật được tạo ra là vật có hình tướnggiác quan có thể thấy được chẳng hạn như khi mắt thấy cái nhà thì cái nhà là hình tướng hiện ra trên võng mô của con mắt. Còn vật không được tạo ra là vật không có hình tướng mà các giác quan không thấy được. Thí dụ như khi chúng ta tưởng nhớ đến chiếc Lexus thì thời điểm nầy đâu có chiếc xe để thấy nên không có hình chiếc xe hiện trên võng mô của con mắt, nhưng hình bóng chiếc xe vẫn hiễn hiện rõ ràng trong tâm của chúng ta thì chiếc xe Lexus nầy là không làm ra tướng mà vẫn thấy. Khi mắt thấy hình tướng nào tức là nhãn căn tiếp xúc với sắc trần để tạo ra cái biết của sự thấy tức là nhãn thức. Ông A Na Luật đã bị mù thì nhãn căn không thể tiếp xúc với sắc trần được tức là không có hình ảnh hiện ra trên võng mô của mắt thì rõ ràng Thiên nhãn của ông A Na Luật là không làm ra tướng tức là vô vi. Mà vô vi thì không có thấy. Không có hình tướng nơi mắt mà tại sao ông A Na Luật lại thấy mọi vật gần xa rất rõ ràng? Nếu ông có thể thấy bằng trí tưởng tượng để nhớ lại những hình tướng mà ông đã thấy trước khi bị mù thì theo Duy Thức Học đây chính là Độc Đầu Ý Thức tức là chỉ một mình Ý Thức tác động mà không có liên quan gì tới năm thức khác. Nhưng Thiên nhãn của ông A Na Luật chẳng những thấy được mọi vật chất trong thế giới nầy mà còn có thể thấy được rất rõ ràng tất cả những gì rất xa nằm trong tam thiên đại thiên thế giới như thấy trái quít trên bàn tay mà trước kia ông chưa từng được thấy. Do đó Thiên nhãn nầy không phải chỉ do Độc Đầu Ý Thức mà thôi. Như vậy tất cả những hình tướng mà ông A Na Luật thấy được là thật hay giả, chân hay vọng, là do làm ra tướng mà thấy hay không làm ra tướng mà thấy? Câu hỏi khó quá làm ông A Na Luật không trả lời được, đành nín lặng.

Các Phạm Thiên thì được sự khinh an chưa từng có. Họ bèn làm lễ ông Duy Ma Cật và hỏi:

- Thưa trưởng giả! Trên đời nầy có ai là người được chơn thiên nhãn?

Ông Duy Ma Cật đáp:

- Chỉ có Phật Thế Tôn là người được chơn thiên nhãn, thường ở trong chánh định và thấy tất cả cõi nước chư Phật không do hai tướng.

Tuy Thiên nhãn của tôn giả A Na Luật có thể thấy được một tỷ thế giới trong cõi Ta bà của Đức Phật Thích Ca, nhưng không thể thấy được các cõi Phật khác. Chỉ có Đức Phậtthường trụ Chánh Định, phát huy được Đại Trí Tuệ sẳn có khiến tâm hoàn toàn thanh tịnh nên chẳng những thấy rõ thế giới Ta bà nầy mà còn thấy được các cõi Phật khác. Hướng Tây thì có cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà, hướng Đông có cõi Phật Dược Sư…thì đây mới là chân Thiên nhãn. Cho dù tôn giả A Na Luật có được Thiên nhãn thôngchứng đắc A La Hán thì trí tuệ vẫn còn quá hạn hẹp cho nên ông Duy Ma Cật dạy cho các vị Trời chỉ có Đức Phật mới là người có đủ lục đại thần thông và trí tuệ thông suốt ba đời. Đối với đạo Phật nếu tâm bất an thì trí rối loạn cho nên tu thiền, niệm Phật là cốt làm cho tâm được yên tịnh. Mà tâm yên thì trí sáng. Trí sáng ở đây không những trí tuệ được sáng suốt mà còn sáng cả sáu căn. Vì sáu căn được thông suốt nên mới gọi là lục thông. Cái khác nhau giữa thần thông do tâm thanh tịnh và do luyện tập là khi nào còn tập luyện, còn vận công thì còn thần thông đến khi không tập luyện thì thần thông biến mất. Còn thần thông do tâm an định là bởi trí tuệ sáng suốt mà có nên đây mới là thần thông chân thật. Trong Kinh Hoa Nghiêm có vị Thiện Tài Đồng Tử trong số hai ngàn người đến đánh lễ nghe pháp phát tâm cầu đạo Bồ-đề. Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát khuyên ngài nên đi tham vấn 53 vị Thiện Tri Thức từ Tỳ Kheo Đức Vân đến Phổ Hiền Bồ-tát. Mỗi vị Thiện Tri Thức đều hướng dẫn ngài về phương cách tu tập riêng của họ nhưng không có phương pháp nào được rốt ráo cả. Cuối cùng Bồ-tát Văn Thù dạy nếu muốn tiếp nhận tất cả những tinh hoa của giáo nghĩa thì phải cầu Đức Phật. Cũng như trăm sông đều đổ về biển lớn vì Phật là Đại Trí Tuệ.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy rằng:”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” có nghĩa là trong thế gian vủ trụ nầy cái gì có hình sắc thì là giả huyễn, còn nếu thấy được cái Thật Tướng của mọi vật thì thấy được Chân lý. Đức Phật thấy rõ Thật tướng của tất cả vạn phápvô tướng, là Tướng Không. Ngài lìa hai bên tương đối, không cần phân biệt, so sánh để thể nhập vào pháp môn Bất nhị tuyệt đối nên chơn Thiên nhãn của Đức Phật không do hai tướng là vậy. Chơn Thiên nhãnbất nhị, là nhất chơn. Ngài lìa Sự Tướng giả dối sinh diệt bên ngoài để thấy được Thể Tánh thanh tịnh thường hằng bất biến bên trong mà nhà Phật gọi là Thật Tướng, là Chân Như, là Bản Lai Diện Mục, là Chơn Tâm… Mặc dầu Thật TướngKhông Tướng tức là không hình, không sắc, không nặng không nhẹ, không tăng không giảm nhưng chính cái Thật Tướng nầy lại sinh ra muôn sinh vạn vật nên cái Không nầy được gọi là Chân Không Diệu Hữu vậy.

Ý của ông Duy Ma Cật là cho dù các vị Trời có Thiên nhãn là do phước đức tu thập Thiện, hay ngoại đạoThiên nhãn là do công phu tu tập thì họ vẫn còn nằm trong vòng sinh tử luân hồi, có gì phải quan trọng. Thiên nhãnthiên nhãn. Thấy gần thấy xa không có gì quan trọng mà hiểu xa biết rộng, thấy được Chân lý mới là điều cần thiết để khai mở trí tuệ mà được giác ngộ. Phàm phu thì thấy thần thông là quan trọng, còn bậc Thánh thì trí tuệChân lý mới là cứu cánh do đó đối với họ thấy là để mà thấy, dù thấy gần thấy xa cũng vậy thôi. Cũng như trong số bạn bè của chúng ta có người có nhiều tiền thì họ đi du lịch chỗ nầy, chổ kia. Tuy có cơ hội thấy nhiều mà tánh nào tật nấy tức là dầu đi tới đâu, thấy những gì mà tánh tham không giảm,tật đố không chừa, lòng từ bi không mở, trí tuệ không thông thì đâu có hơn những người không đi xa thấy nhiều mà tâm hằng thanh tịnh, cuộc sống an vui tự tại.

Tôn giả A Na Luật còn chấp thấy xa thấy gần tức là còn chấp tướng sinh diệt. Còn chấp tướng là còn kẹt trong vòng nhị nguyên đối đãi tức là thấy có trong có ngoài, có cao có thấp, có gần có xa…Còn thấy nhị nguyên là còn kẹt trong trí phân biệt tức là còn thấy khổ, vô thường, không và vô ngã. Ngược lại ông Duy Ma Cật muốn phá cả tướng trong lẫn ngoài. Lìa hai tướng thì không còn phân biệt, so sánh. Bỏ nhị nguyênThể nhập bất nhị thì phá tan phiền não, tâm an định thì trí tuệ sẽ phát sinh. Tôn giả A Na Luật tuy phá được chấp ngã nhưng chấp tướng vẫn còn vì thế nếu còn chấp tướng tức là còn sống với Sự Tướng tương đối sinh diệt. Mà còn nằm trong vòng nhị nguyên đối đãi phân biệt tức là còn thấy khổ. Bây giờ nếu quay về sống với Thể Tánh bất sinh bất diệt, phá tan biên giới nhị nguyên để hòa cùng Bản Thể Chân Như thì phân biệt đối đãi không còn, tâm được bình đẳnghoàn toàn thanh tịnh.

Con người chúng ta thì cũng thế. Nếu sống theo Sự Tướng là còn thấy có tam khổ, bát khổ. Vì còn phân biệt nên tâm chạy theo vọng trần mà thấy có phiền não khổ đau. Biết thế gianvô thường nên con người tham sống sợ chết. Nếu ngày nào chúng ta còn đi chùa, tụng kinh, niệm Phật mà tâm còn giận còn hờn, còn buồn còn khổ, còn bất bình bất mãn, còn tranh còn chấp thì ngày ấy chúng ta chưa hiểu đạo, chưa biết đạo và chưa sống vì đạo. Bây giờ nếu quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên có nghĩa là sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần thì sẽ nghiệm được Thể Tánh thanh tịnh của mình. Vì Thể Tánhbất sinh bất diệt, thường hằng bất biến cho nên con người có ai chết thật đâu mà sợ. Chết là để thay thân củ mà lấy thân mới cũng như người khách trọ bỏ khách sạn nầy để chuyển sang khách sạn khác vậy thôi. Trong Bản Thể thì làm gì có khổ! Khổ thì không có mà con người vì sống trong vọng thức mê lầm nên mới thấy có khổ. Thí dụ như rượu đâu có làm con người say mà hằng ngày con người vẫn chết lên chết xuống cũng vì rượu. Say là tại người chứ đâu phải tại rượu. Trong viện bào chế thuốc tây, dược phẩm là chất độc nhưng nó có giết vị dược sĩ nào đâu? Vậy khổ hay vui đều là do tâm tạo. Nếu thấy đời còn sinh diệt, còn tham đắm, còn dính mắc thì còn thấy có vui có khổ. Bây giờ đổi lối nhìn nhục nhãn bằng lối nhìn trí tuệ của Bô-tát thì vạn pháp là huyễn.

 Tại sao các vị Bồ-tát dễ phá trừ chấp ngã chấp pháp? Bởi vì chính họ là huyễn, vào trong huyễn thế gian để làm việc huyễn mà cứu độ huyễn chúng sinh. Đây là thực hành huyễn Tam ma đề vậy. Bồ-tát không chấp việc họ làm cho nên làm cũng như không làm, không có gì thật nên không có phiền não khổ đau. Thấy thế gian vủ trụ là tạm bợ, không thật cho nên Có cũng vậy mà Không cũng vậy thì lòng tham không dấy khởi. Mình cũng Không, người cũng Không và vạn vật cũng Không thì cái chấp đâu còn. Tâm thanh tịnh là hết khổ đau. Tất cả vạn pháp đều nằm trong tiến trình duyên khởi tức là bất biến tùy duyên thì từ Chơn Không sanh ra vạn pháptùy duyên bất biến thì từ vạn pháp trở lại với Bản Thể thanh tịnh ban đầu. Do đó không có cái gì thật sanh hay thật mất cả. Có trở thành Không rồi Không thành Có. Nếu không còn thấy có vô thường, khổ, không, vô ngã thì không mong cầu Niết bàn. Sống với Bản Thể Chân Như thì tâm thanh tịnh, an vui và tự tại. Không đau khổ thì cầu Niết bàn để làm gì? Bởi vì nếu không tham, không đắm, không giận, không hờn, không hơn, không thua thì tâm được thanh tịnh tức có Niết bàn.

Tất cả nhân sinh vủ trụ dựa theo Phật giáo chẳng qua là hiện tượng duyên khởi chớ không do một bàn tay mầu nhiệm nào tác tạo cả. Các vật thể làm nhân làm quả cho nhau, khi có nhân duyên thì thành mà duyên tan thì hoại. Ngày nay với khoa học không gian con người đã chứng minh rằng trái đất của chúng ta có được khoảng bốn tỷ rưỡi năm là do những vẫn thạch trong không gian kết tụ và chỉ còn tồn tại khoảng hai tỷ rưỡi năm nửa mà thôi. Tiến trình nầy kéo dài mấy tỷ năm thì mặt địa cầu mới nguội được. Trong những vẫn thạch lớn nầy đã chứa thành phần nước nên khi hòa nhập với hơi nóng của khí đốt đã tạo thành vần mây che phủ quả địa cầu. Những làn sóng điện từ trường trong không gian tạo ra những làn sấm sét và mưa bắt đầu đổ xuống. Thật ra con người có mặt trong thế gian nầy trên một triệu năm. Vì thế Kinh Phật mới dùng chữ vô thỉ vô chung là như vậy. Và một ngày nào đó nhân loại sẽ bị hủy diệtloài người mới sẽ được thành lập thì lúc đó Phật Di Lặc mới ra đời. Ngày nay biết bao nhà địa chất học đã gom góp rất nhiều vẫn thạch khắp năm châu bốn bể để chứng minh những gì Đức Phật đã chứng từ mấy ngàn năm về trước. Tuy nhiên có nhiều tôn giáo khác đã xác nhận trái đất và con người chỉ được tạo thành trên dưới mười ngàn năm. Nếu chỉ có mười ngàn năm thì làm sao mà gọi là xưa như trái đất được.

Đối với Phật giáo thì thần thông biến hóa xuất quỷ nhập thần không có gì quan trọng cả vì thần thông không thắng nổi nghiệp lực. Khi nghiệp lực phát khởi thì cho dù con người có trốn trên mây, có lặn tận đáy biển hay núp trong hang núi thì vẫn chết như thường. Ngày xưa vua Lưu Ly đem trăm vạn đại quân để tiêu diệt cung thành Ca Tỳ La Vệ thì đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên bay vào thành, chọn năm trăm người ưu tú trong dòng họ Thích Ca, rồi hóa phép để họ trong bình bát và bay ra. Đến một nơi an ổn, khi mở nắp bình bát làm ngài một phen thất kinh hồn vía vì năm trăm người trong bình bát đều hóa thành máu cả. Ngay cả tôn giả Mục Kiền Liênkiếp trước làm nghề chài lưới giết hại quá nhiều chúng sinh. Tuy kiếp nầy tu đã thành Thánh nhưng khi nghiệp quả đã đến thì thần thông biến mất và đành chịu chết dưới tay bọn ngoại đạo.

Bấy giờ Nghiêm Tịnh Phạm Vương và năm trăm Phạm Vương quyến thuộc đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tất cả lễ lạy dưới chân ông Duy Ma Cật và thoạt nhiên biến mất.

duyên cớ đó, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông vua Trời Nghiêm Tịnh và năm trăm quyến thuộc vì nhờ tu Thập Thiện nên được phước báo làm Trời. Họ tu phước mà không tu huệ nên trí tuệ chưa khai. Nay nghe được Chân lý rốt ráo làm tâm khai trí mở nên ai ai cũng đều phát tâm cầu đạo Bồ-đề, đãnh lễ tạ ơn ông Duy Ma Cật rồi biến mất mà về lại Thiên cung.

Vì thấy sự hiểu biết của mình còn thua kém trí tuệ sáng suốtbiện tài vô ngại của trưởng giả Duy Ma Cật nên tôn giả A Na Luật từ chối, không dám đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.

Tôn giả Ưu Bà Ly (Upali):
Giảng Luật.

Ông Ưu Bà Ly xuất thân là dòng hạ tiện Thủ Đà La và về sau trở thành thợ hớt tóc cho các vương tôn công tử trong cung thành Ca Tỳ La Vệ. Vì có tâm tánh thuần lương trung hậu nên mọi người đều thích anh chàng thợ cạo nầy. Sau khi thành đạo, Đức Phật về lại cung thành thăm phụ vương và gia đình thì Ưu Bà Ly được vinh dự cạo tóc cho Đức Thế Tôn. Về sau, khi bảy vị vương tử Bạt Đề, A Nan, A Na Luật, Kiếp Tân Na, Bà Sa, Nan ĐềĐề Bà Đạt Đa xuất gia theo Phật thì họ đem Ưu Bà Ly theo để cắt râu cạo tóc. Những vương tôn nầy khi quy y thì cởi bỏ y phục gấm vóc và đồ trang sức châu báu tặng cho Ưu Bà Ly. Ông nghĩ rằng các vương tử mà còn bỏ vinh hoa phú quý của thế gian để đi xuất gia, còn mình là kẻ hạ tiện thì có cái gì trên cuộc đời nầy để mà lưu luyến. Lòng đã quyết, ông bèn gói trân châu bảo vật treo lên một nhánh cây và đi về rừng Ni Câu Đà để tìm Đức Phật. Vì đã biết ông nên Đức Thế Tôn hoan hỷ nhận ông làm đệ tử. Bảy ngày sau, Đức phật cho gọi bảy vị vương tử ra mắt đại chúng và khi thấy Tỳ Kheo Ưu Bà Ly mọi người kinh ngạc không vái chào. Đức Phật dạy bảy vị phải tới chào vì trong tăng đoàn chỉ quan trọng đến đức hạnh tu chứng chớ không kể địa vị chức tức trong xã hội. Ông tu hành rất tinh tấn nên chưa đầy một năm đã chứng đắc quả A La Hán, trở thành bậc thượng thủ trong tăng đoàn và được Đức Phật khen ngợi là đệ nhất giới luật. Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt ở rừng Câu Thi Na, năm trăm vị đại A La Hán kết tập kinh điển lần đầu tiên và tôn giả Ưu Bà Ly được đề cử đọc lại những giới luật mà về sau được gom lại thành Luật Tạng. Việc Ưu Bà Ly xuất gia khiến cho pháp chế của Đức Phật dần dần được thực hiện. Chính Đức Phật là người đã san bằng những sự bất công trong xã hội và khuyến khích mọi người cùng có cơ hội để hướng thiện và hướng thượng bằng cách phát huy tinh tấn trí tuệ của mình.

Theo Đức Phật thì giới luậtgiá trị tuyệt đối để quyết định sự thành công hay thất bại trong việc tu đạo. Vì thế trước khi nhập diệt Đức Phật đã dạy rằng:

- Gặp thời không có Phật, hãy lấy giới luật làm thầy.

Thật vậy, giới luật là kim chỉ Nam để giúp chúng sinh khỏi bị lầm đường lạc lối. Một người phạm giới không có nghĩa là đã xúc phạm Trời, Thần, Phật và sẽ bị Trời hành hay Phật đọa gì cả mà chính họ đã tự tạo cho mình một nhân bất thiện để phải chịu quả báo về sau. Theo đạo Phật phạm giới thì tâm bất an. Mà tâm không an thì sẽ không có định. Nếu không đi sâu vào định thì vĩnh viễn sẽ không có trí tuệ tức là con mắt tâm không mở để được kiến tánh mà thấy được Chân lý.

Đối với Phật tử tại gia thì có ngũ giới. Đó là không được sát sinh, không được trộm cắp, không được tà dâm, không được vọng ngữ và không được uống rượu. Phật tử muốn thọ Bồ-tát giới thì phải giữ 48 điều giáo luật.

Còn hàng Tăng sĩ:

Nếu một người từ 14 tới 18 tuổi muốn xuất gia thì gọi là Sa di. Chú Sa di nầy phải giữ đúng 10 luật. Đến khi được 20 tuổi thì mới được thọ giới Tỳ Kheo. Khi đã trở thành Tỳ Kheo thì phải giữ 250 giới. Còn phía nữ giới thì gọi là Sa di ni. Mấy tiểu ni cô Sa di ni nầy phải thọ thêm giới “Thức xoa ma ni” và hai năm sau đó mà được thọ giới Tỳ Theo ni. Một khi đã trở thành Tỳ Kheo ni thì họ phải giữ 348 điều giáo luật.

Đức Phật gọi ông Ưu Bà Ly bảo:

- Ưu Bà Ly! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông Ưu Bà Ly thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Con nhớ có một lần nọ có hai vị Tỳ Kheo lỡ phạm luật hạnh, họ lấy làm xấu hổ không dám đem việc ấy ra thưa với Phật mà đến hỏi con rằng:

- Thưa ngài Ưu Bà Ly! Hai chúng tôi đã lỡ phạm luật hạnh, chúng tôi lấy làm xấu hổ, không dám đến thưa với Phật. Vậy xin ngài hãy chỉ giáo cho chúng tôi phải làm gì để xóa hết được cái lỗi ấy.

Bạch Thế Tôn! Ông Ưu Bà Ly thưa. Con liền như luật mà giải đáp rằng: Tứ khí thì tẩn xuất. Tội tăng tàn thì bất cộng trú…

Bấy giờ ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng:

- Thưa ngài Ưu Bà Ly! Ngài đừng làm tăng tội cho hai vị Tỳ Kheo kia. Hãy dừng ngay cách phân xử luật nghi của ngài đi. Thưa ngài Ưu Bà Ly! Tánh của tội không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Đức Phật đã từng dạy:”Tâm cấu cho nên chúng sinh cấu. Tâm tịnh thì chúng sinh tịnh. Tâm cũng không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa. Tâm vốn đã NHƯ, tội cấu cũng NHƯ và các pháp cũng NHƯ. Tất cả không vượt ngoài tánh NHƯ.

Nếu đứng về giới Tướng mà nói một khi chúng sinh phạm tội gì thì tội ấy là thật tức là thấy có người phạm giới, có giới luật bị phạm và có người bị trừng phạt. Thí dụ như có người phạm giới tà dâm hay uống rượu thì dựa theo giới luật họ phải bị trừng phạt. Ở đây ông Duy Ma Cật dựa vào Thể Tánh tuyệt đối mà nói thì ông Ưu Bà Ly không nên dùng giáo luật của thế gian mà kết thêm tội làm cho lòng họ thêm rối loạn. Họ phạm tội thì tự lòng đã hối hận tức là chịu đau khổ rồi, trừng phạt chỉ làm cho họ khổ đau thêm chẳng khác nào tăng thêm án cho người đã có tội. Tư tưởng Duy Ma Cật là tất cả đều từ tâm. Con người có nghĩ thiện, nghĩ ác cũng từ tâm. Có làm việc tốt, việc xấu cũng phát xuất từ tâm. Vì thế Kinh Hoa Nghiêm mới có câu:”Vạn pháp duy tâm tạo” là vậy. Tâm thanh tịnh tức là Chơn tâm thì có cảnh thiên đường, cực lạc. Còn sống với vọng tâm thì thấy có địa ngục, a tỳ. Mà tâm là không thật, không thể tìm thấy thì tội có thật không? Trong bài kệ sám hối có câu:

Tội tánh bổn không, do tâm tạo,

Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong.

Tội vong tâm diệt, lưỡng câu không,

Thị tắc danh vi chơn sám hối.

Tội tánh bổn không, do tâm tạo. Tội thì tự nó không có mà do tâm lành tâm dữ biến hiện mới tạo thành tội. Do đó con người nghĩ rằng tâm là thật mà tội từ tâm sanh nên thật và dĩ nhiên nghiệp báo chắc chắn là thật. Cho nên tội từ tâm tạo thì sám hối phải từ tâm mà sám. Vì thế muốn sám hối hết tội thì phải tìm xem tâm thật hay không? Mà tâm là không thật vì nó là vọng tâm sinh diệt. Còn chơn tâmPhật tính mới là thật thì thường hằng vắng lặng, thanh tịnh nên không gây ra tội. Do đó tâm không thật thì tội đâu có thật và dĩ nhiên quả báo làm sao thật được.

Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong có nghĩa là tâm nếu diệt rồi thì tội theo đó cũng mất. Thí dụ như khi chúng ta oán hận ai và muốn tìm cách hảm hại kẻ đó. Ghét người là do tâm và muốn hảm hại người là cũng do tâm. Tâm là ý nghiệp, rồi mới chuyển sang khẩu nghiệp và sau cùng thân nghiệp mới tác tạo. Vậy tâm hay ý nghiệp là nhân mà thân khẩu nghiệp là quả. Có nhân mới có quả. Nếu nhân là Không thì quả cũng Không tức là Tâm không thật thì quả làm sao thật được. Bây giờ nếu biết thức tỉnhloại bỏ những tư tưởng hắc ám, cuồng loạn đó đi thì tâm ác không còn và theo đó tội nghiệp cũng tan biến. Tóm lại tâm diệt thì tội nghiệp theo đó mà diệt.

Chừng nào thấy Tội vong tâm diệt, lưỡng câu không có nghĩa là không thấy tội là thật, tâm là thật và cả hai đều Không thì mới là Thị tắc danh vi chơn sám hối tức là đây mới chính thậtsám hối vậy.

Tánh của tội thì không ở trong, không ở ngoài và chẳng ở giữa vì tánh của tội là không tướng tức là không thật. Con người sống trong thế gian nầy nếu tâm nghĩ xấu có nghĩa là ý nghiệp xấu thì quả báo là nhân cách xấu tức là thành người xấu. Ngược lại nếu có người tâm luôn nghĩ thiện thì quả báo dĩ nhiên được làm người tốt. Do đó muốn trở thành người tốt hay xấu thì gốc vẫn từ tâm. Tốt, xấu vốn từ tâm. Vậy tâm ở đâu? Vì tâm không thật nên nó không ở trong, không ở ngoài, không ở chặng giữa cho dù có tìm kiếm cũng không bao giờ thấy nó được. Nếu tâm là không thật Có có nghĩa tâm là giả huyễn tức là Không. Mà Không là lặng lẽ, là Như hay Như Như, là Chơn Như. Tâm đã là Không tức là Như thì các tội cũng Không tức là Như và dĩ nhiên chúng sinh cũng Không tức là Như.

Ông Duy Ma Cật nói tiếp:

Cũng như ngài trong khi ngài sử dụng cái tướng của tâm giải thoát, vậy lúc đó tâm ngài có cấu không?

- Không. Bạch Thế Tôn! Con đáp như thế.

Ông Duy Ma cật giảng tiếp:

- Tâm của tất cả chúng sinh cũng giống như vậy, vốn không có tướng cấu. Vọng tưởng là cấu, không vọng tưởng là tịnh. Điên đảo là cấu, không điên đảo là tịnh. Chấp ngã là cấu, không chấp ngã là tịnh.

Tội lỗi cũng như tất cả vạn pháp trong thế gian nầy đều do tâm biến hiện rồi cũng do tâm diệt đi. Đó là “Tội tòng tâm khởi tòng tâm diệt”. Nếu thấy có tâm có tội thì còn chấp ngã chấp pháp. Vạn pháp là do duyên hợp nên chúng là giả huyễn, không thật tức là Không. Vạn pháp là Không thì tâm cũng là Không. Con người vì sống trong vọng thức mê lầm như người đang nằm mộng thì thấy tâm là thật, tội là thật và quả báo cũng là thật. Bây giờ thức tỉnh, thức giấc mộng, vọng thức biến đi, Chơn tâm bừng sáng thì chẳng còn thấy tội lỗi gì cả. Vì “Tội tánh bổn không” có nghĩa là tội lỗi thì không thật có. Tại sao? Bởi vì trong Lý Không thì ta cũng Không có nghĩa là không có cái Ta tức là phá chấp ngã và vạn pháp cũng Không có nghĩa là không có việc làm tội lỗi chi cả tức là phá chấp tướng. Nếu sống trong vọng tưởng điên đảo, vọng thức mê lầm che lấp Chơn tâm nên thấy mình là dơ, chúng sinhvạn pháp đều ô uế. Khi thức tỉnh, vọng thức tan biến, Chơn tâm hiện bày thì thấy mình trong sạch, chúng sinhvạn pháp cũng đều trong sạch.

Như vậy dơ bẩn chỉ là lớp vỏ bề ngoài và một khi con người phá được lớp vỏ bề ngoài thì tâm dơ bẩn sẽ trở thành thanh tịnh tức là vọng tâm biến mất và chơn tâm hiện bày. Con người hằng ngàychạy theo vọng tâm điên đảo nên bị lớp phiền não dơ bẩn che lấp Phật tánh thanh tịnh bên trong. Nếu chúng ta phá được lớp phiền não che lấp nầy thì Phật tánh hiện bày tức là được giải thoát giác ngộ.

Chấp ngãdơ bẩn, là ô uế. Tại sao? Trong thế gian nầy con ngườiphiền não, nóng giận, kiêu căng, đau khổ…cũng đều phát nguồn từ cái ngã mà ra. Vì thấy mình quan trọng tức là chấp có cái Ta, nên hễ ai đụng tới là nổi nóng. Có ai nói phải trái là chạm tự ái ngay. Làm việc gì cũng nghĩ đến lợi cho mình trước. Vì chấp thân mình là thật, là trường tồn vĩnh cửu nên tạo tác biết bao nghiệp báo để phải gánh chịu quả khổ về sau. Vậy chấp ngã nếu khôngdơ bẩn, tội lỗi, ô uế thì là gì? Bây giờ nếu bỏ chấp ngãbiết thân nầy không thật, không có cái Ta thì phiền não đâu còn. Tham-Sân-Si biến mất, tập khí ngã mạn cũng tan theo và con người sẽ sống rất thảnh thơi, tâm hằng thanh tịnh. Thân là do duyên hợp nên không bền không chắc. Duyên hợp thì còn, duyên tan thì hoại vậy thôi.

Ông Duy Ma Cật nói tiếp:

- Thưa ngài Ưu Bà Ly! Tất cả pháp sinh diệt không dừng, như huyễn hóa, như điện chớp không có chờ nhau, cho đến một niệm cũng không dừng trụ. Các pháp đều do vọng thấy như chiêm bao, như ngấn nước giữa cơn nắng gắt, như trăng đáy nước, như bóng trong gương. Tất cả đều do vọng tưởng sanh ra. Người nào biết kỹ những việc đó mới là người trí luật chơn chánh. Người nào hiểu rõ những điều đó mới là người luận giải luật pháp đúng ý Phật.

Sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội Bồ-đề thì Ngài bắt đầu thâu nhận đệ tử để truyền lại Chánh pháp. Trong suốt mười hai năm đầu Ngài chưa hề nói đến giới luật vì những đệ tử đầu tiên nầy là những người có đức hạnh cao. Họ đến với đạo Phật là vì bổn nguyện muốn được giải thoát giác ngộ. Rất tiếc sau đó trong tăng đoàn rồng rắn hổn tạp nên Đức thế Tôn mới chế ra nhiều điều giới luật để giúp chúng tăng quay về với Chánh đạo mà được tự độ và độ tha. Mục đích của giới luậtkiềm chế tham đắm ngũ dục làm tâm bất tịnh. Nhưng Tâm Kinh đã khẳng định rằng vạn pháp giai Không có nghĩa là thế gian vủ trụ là không thật, là huyễn. Như thế ngũ dục bây giờ cũng là giả huyễn, như bóng trăng dưới nước, như điện chớp trên không, như giấc chiêm bao thì còn gì mà tham mà đắm. Cái tham không còn thì nhiễm cũng tan. Không tham không nhiễm thì tâm đâu có ô uế tức là thanh tịnh thì đây mới là giữ giới chân chính.

Tóm lại đoạn kinh trên gồm có ba phần:

1)Trong đoạn đầu ông Duy Ma Cật cho chúng ta thấy rằng tánh tội không thật vì nó phát xuất từ tâm mà tâm là không thật. Tâm không thật mà hành động phát xuất từ tâm nên cũng hư dối vì thế tội nghiệp làm sao thật được. Do đó tất cả đều trở về Như tức là tánh viên mãn tự nhiênly ngôn thuyết.

2)Đoạn thứ hai thì nói rằng tâm mà dơ bẩn thì chúng sinh cũng dơ bẩn. Tâm mà sạch thì chúng sinh cũng sạch. Còn vọng tưởng là dơ, là ô uế. Hết vọng tưởng là sạch, là thanh tịnh. Cho nên tất cả tội nghiệp phát xuất từ tâm. Nếu tâm thanh tịnh thì tội nghiệp theo đó mà tan biến.

3)Đoạn sau cùng ông Duy Ma Cật muốn nói rằng tất cả vạn pháp đều là giả huyễn nay có mai không thì sống trên đời mà đừng nên tham đắm. Tâm không dính mắc, lục căn thường sáng tỏ thì tâm sẽ thanh tịnh thì mới gọi là người giữ giới chân thật.

Tôn giả Ưu Bà Ly là hàng Thanh văn nên tuy phá được chấp ngãchấp tướng vẫn còn mới thấy có hai vị Tỳ Kheo phạm giới, có giới bị vi phạm và có tội phải bị trừng phạt. Còn ông Duy Ma Cật thì áp dụng tư tưởng đại thừa Bát nhã vào trong đời sống thì thấy rằng tất cả thiện ác, khổ vui, thiên đàng địa ngục hay tội nghiệp đều do tâm tạo. Mà tâm là huyễn, là không thật tức là Không thì tội nghiệp cũng giả dối, không thật. Nếu vạn pháp phát xuất từ tâm thì dùng tâm sám hối sẽ thấy tội tánh vốn Không. Khi mê thì thấy có tâm có tội, lúc tỉnh ngộ thì tâm cũng Không và tội nghiệp cũng Không. Do đó chỉ cần tỉnh thức giác ngộ để lìa bỏ tâm vọng tưởng giả dối mà sống với tự tánh thanh tịnh chân thật của mình thì tội nghiệp đâu còn thì đây mới là người giữ giới chân chính vậy.

Bát Nhãtư tưởng Chân Không nên chúng ta cần phải thấu hiểu sâu xa để tránh những sai lầm tai hại về sau vì trong tam vô lậu học thì Giới là cánh cửa để vào căn nhà giác ngộ. Khi nói rằng :”Tội tánh vốn không” thì người Phật tửcần phải giữ giới nửa không? Xin thưa rằng: Dĩ nhiên là có. Tại sao?

Nếu đứng về Thể Tánh mà nói thì không có tội nghiệp quả báo chi cả vì nghiệp tánh vốn Không có nghĩa là tội nghiệpkhông thật Có nhưng chẳng mất. Khi biết tội nghiệp là Không thì hiện tượng quả báo làm sao có thật. Vì thế cái gốc của tội nghiệp vốn Không thì cái tướng của tội nghiệp cũng theo đó mà tiêu diệt hết. Chữ Không ở đây theo tư tưởng đại thừaChân Không Diệu Hữu, là Chơn tâm, là Bản Thể Chân Như, là Thật Tướng và cũng là cội nguồn sinh ra muôn pháp. Nếu muốn thấu triệt được cái Không của Bát Nhã thì chúng ta phải quay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình để diệt trừ vọng tưởng mà thấy được Chơn tâm. Sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần thì chơn tâm hiện bày. Do đó người mê thì thấy tâm là thật, tội nghiệp là thật. Còn kẻ thức tỉnh giác ngộ thì tất cả chỉ là hư dối, giả huyễn mà thôi.

Theo tinh thần Bát Nhã thì các pháp tự tánh là Không vì do duyên giả hợp mà có hình tướng. Mặc dầu tội tánh vốn không nhưng khi duyên hợp thì nó liền thành nghiệp nên nói:”Thể Không mà thành Sự”. Thí dụ tự tánh của Tham là không, nhưng khi mắt thấy cái đồng hồ đắc tiền niệm tham liền khởi lên, không dừng được, khiến tay lấy cắp mà tạo ra nghiệp trộm cắp. Khi nghiệp thành tức là phải chịu quả khổ, bị bắt bớ, lao tù…Do đó nghiệp tánh bổn không có nghĩa là tánh nó không cố định, có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện…Nhưng nếu đã lỡ tạo nghiệp xấu rồi thì phải chịu lấy quả báo xấu.

Bây giờ nếu đứng về Sự Tướng mà nói thì tội báo là thật. Con người sống trong thế gian nầy vì còn mang thân ngũ uẩn tức là còn thấy có Tướng thì còn phải giữ giới luật. Mọi ý niệm, lời nói và hành động phải dựa vào Chánh đạo tức là giữ giới ngay cả trong tâm và giữ cả ngoài thân. Nói một cách khác là ngày nào còn sống là ngày ấy chúng ta còn giữ giới luật. Chỉ khác là khi tâm được thanh tịnh tức là tâm không còn dính mắc, sáu căn thường sáng tỏ nên giữ giới mà không thấy mình giữ giới, không thấy có giới để giữ thì mới là giữ giới chân thật. Tại sao? Bởi vì tâm thanh tịnhChơn tâm, là tâm của Bồ-tát nên bộ ba Thân-Khẩu-Ý luôn được thanh tịnh. Vì tư tưởng, lời nói và hành động đều là thiện nên họ cứ thản nhiên mà sống, tự nhiên mà làm. Tâm không còn vọng tưởng si mê nên nhiễm ô ác xấu cũng tan biến.

Khi dựa vào sự Tướng hay dựa theo giáo lý Tiểu thừa thì thế gian vạn pháp là thật. Thân có thật và tội nghiệp phát xuất từ thân thì cũng thật. Vì thế có nhân quả tội phước rõ ràng. Nếu gây tội thì phải trả, phải ăn năn sám hối và làm việc tốt để chuộc lỗi xưa mà đền bù lại. Đối với người tu Tiểu thừa thì Giới luật là kim chỉ Nam để tu đạo, hành đạochứng đạo. Vì thế ngày xưa khi mới vào xuất gia thì các chú Sa di phải học giới luật trước. Có chịu nổi khuôn khổ của nhà chùa thì các Sư mới dạy pháp. 250 giới phải thực hành đứng đắn, nếu lỡ phạm tội thì phải ghi nhớ để đừng tái phạm.

Còn theo Đại thừa vì cốt nhìn vào Thể Tánh bên trong nên Tâm Giới thì quan trọng hơn là Tướng Giới mặc dầu không bỏ Tướng Giới. Theo Giới Tướng thì lỡ phạm tội thì tội ấy cứ theo con người dai dẳng mặc dù họ đã ăn năn sám hối vì thế tâm bất an. Còn theo Tâm Giới thì tội nghiệp là Không nên nếu lỡ phạm tội thì chỉ cần thật lòng tự tâm sám hối thì tội sẽ tan mất. Có quyết tâm tự nguyện không tái phạm thì mới là sự sám hối chân chính. Tội tan thì tâm được thanh tịnh. Người tu Tiểu thừa vì còn chấp nên không dám làm việc gì vì sợ phạm tội. Chẳng hạn như có căn nhà đang cháy và có cô gái trẻ đẹp đang kẹt ở bên trong. Nếu chấp và sợ tội nên không nhảy vào cứu thì cô gái kia sẽ cháy thành tro. Như thế thì làm sao mà gọi là từ bi được? Thấy người chết mà không cứu thì tu hành để làm gì? Vì thế mục đích của Đức Phật khi chế ra giới luật là muốn cho Phật tử đừng có tham đắm làm tâm bất tịnh. Nếu làm bất cứ việc gì mà vì lợi ích cho chúng sinh chớ không phải cho riêng mình và với tâm Bồ-tát thì tuy không thấy giữ giớichính thậtgiữ giới vậy cho nên trong tiền thân Đức Phật đã có lần giết những tên tướng cướp lái đò để cứu những người khách thương vô tội là vậy. Có rất nhiều Bồ-tát thị hiện trong thế gian nầy để cứu độ chúng sanh vì thế việc gì họ làm cũng được. Những việc mà chúng ta cho là tội lỗi thì họ cho là bình thường chả có gì là tội cả vì Bồ-tát biết rằng vạn pháp là Không cho nên làm mà như không làm tức là làm chơi thì có gì phải bận tâm. Họ không chấp phương tiện mà chỉ nhìn cứu cánh lợi lạc cho chúng sinh thì làm. Thí dụ như tay có vết thương cũng như con người còn tham nhiễm thì nếu đụng vào người bệnh cùi thì sẽ bi lây ngay. Còn nếu tay không bị thương như người có tâm thanh tịnh thì dầu có đụng người cùi thì cũng vậy thôi. Đâu có bị lây bệnh cùi tức là tâm vẫn hằng thanh tịnh không bị nhiễm ô.

Tóm lại, trong thế gian nầy nếu có việc khó làm ngay cả cứu người mà phạm giới thì người tu theo hạnh Tiểu thừa liền xa lánh. Ngược lại người tu theo hạnh Bồ-tát tự nguyện xông vào làm mà không sợ nguy nan hay tội nghiệp miễn sao cứu giúp được chúng sinh. Riêng họ dầu có thiệt thòi hay bị tội nghiệp cũng chẳng sao. Đây chính là Tâm Đại Bi vì người quên mình vậy.

- Bạch Thế Tôn! Ông Ưu Bà Ly thưa. Sau phút giây lãnh hội pháp ngữ hùng hồn siêu việt của ông Duy Ma Cật, hai vị Tỳ Kheo bèn tán thán: Ôi! thượng trí thay! Ngài Ưu Bà Ly không bằng được.

Đấy mới là người trì luật tối thượng. Đấy mới là người luận giải luật đệ nhất. Tuyệt diệu thay! Không còn ngôn từ tán thán cho vừa.

- Bạch Thế Tôn! Ông Ưu Bà Ly thưa. Lúc đó con cũng cảm kích và xúc động. Con nghĩ rằng : Ngoài Đức Như Lai ra, chưa có một vị Thanh văn, Bồ-tát nào có biện tài lạc thuyết vô ngại của một bậc trí tuệ thông đạt tuyệt luân như vậy.

- Bạch Thế Tốn Khi bấy giờ hai vị Tỳ Kheo kia dứt trừ mọi hoang mang sợ sệt và dũng mãnh phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì duyên cớ đó, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật.

Hai vị Tỳ kheo được nghe ông Duy Ma Cật luận giải để dẫn dắt những người tu theo hạnh Tiểu thừa thấy được con đường sáng rộng rãi mênh mông mà chuyển sang tư tưởng Đại thừa. Có phá được chấp ngã chấp tướngtừ bỏ lý vô thường sinh diệt mới có thể bước sang lý Chân Không Diệu Hữu bất sanh bất diệt của Bát Nhã.

Vì còn chấp pháp nên thấy vạn pháp là thật, tội nghiệp là thật và dĩ nhiên quả báo cũng thật nên người tu theo Tiểu thừa rất lo sợ làm tâm bất tịnh. Khi hai vị Tỳ Kheo đã thấu hiểu “Tội tánh vốn Không” và “Tội tòng tâm khởi tòng tâm diệt” thì giữ giới mà không thấy mình giữ giới, không thấy có giới để giữ thì mới là giữ giới chân chính. Tâm thanh tịnh thì không làm điều ác, không tạo nghiệp thì cuộc sống sẽ an nhiên tự tại. Sau khi nghe xong hai vị Tỳ Kheo như người vừa chợt tỉnh chiêm bao, không còn hoài nghi sợ hãi, tán thán công đức ông Duy Ma Cật và cùng phát tâm Bồ-đề. Họ nguyện theo Bồ-tát đạo, đó là tự giác rồi giác tha, không nguyện cho riêng mình mà nguyện cho tất cả chúng sinh đều có biện tài vô ngại. Đây chính là dám từ bỏ con đường nhỏ hẹp ích kỷ mà bước sang con đường rộng lớn vị tha vậy.

Chính tôn giả Ưu Bà Ly rất khâm phục và ngưỡng mộ tài biện thuyết vô ngại của ông Duy Ma Cật mà trên thế gian nầy ngoại trừ Đức Phật ra thì không có một vị Thanh văn hay Bồ-tát nào có được một trí tuệ tuyệt luân như vậy cho nên ông không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.

Tôn Giả La Hầu La (Rahula): Vấn Đề Xuất Gia.

Trước khi xuất gia, Thái tử Tất Đạt Đa đã kết hôn với Công chúa Da Du Đà La của nước Câu Ly và hạ sanh được La Hầu La. Vào đêm mùng tám tháng hai, Thái tử Tất Đạt Đa quyết chí đi tu lúc ấy La hầu La vừa mới sanh được bảy ngày. Trước khi ra đi Thái tử vén rèm nhìn hai người lần cuối. Ngài thương xót cho người vợ trẻ và đứa con còn nhỏ dại của mình, nhưng đối với sự đau khổ của nhân loại thì lòng thương xót của Ngài còn da diết hơn.

Sau khi thành đạo, Đức Phật về lại cung thành Ca Tỳ La Vệ để thăm phụ vương và gia đình. Nhờ nhân duyên nầy mà rất nhiều người trong dòng họ Thích Ca xuất gia theo Phật. Khi Đức Phật về đến rừng Ni Câu Đà, liền gọi Xá Lợi Phất mà dạy rằng:

Xá Lợi Phất! Cậu bé La Hầu La cứ theo ta xin gia tài. Ta không muốn cho nó thứ tài sảnhạnh phúc mong manh của thế gian mà ta chỉ muốn cho nó bảo bối vô giá mà thôi. Vậy ông hãy cho nó xuất gia làm Sa di đầu tiên của tăng đoàn.

Đức Phật nói xong bèn gọi ông Mục Kiền Liên cạo tóc cho cậu bé, dạy lễ bái Xá Lợi Phất làm thầy và truyền giới Sa di cho La Hầu La. Vì bị bắt buộc xuất gia chớ đâu phải do bổn nguyện của mình nên La Hầu La ương ngạnh khó dạy và thích nói dối gạt người cũng bởi tại quen thói được nuông chìu vì là con của Phật và là cháu của vua. Sau chính Đức Phật dạy dỗ nên ông sửa đổi tâm tính, chuyên cần tu học, giữ gìn giới luật. Đến khi hai mươi tuổi được thọ giới Tỳ Kheo và chẳng bao lâu đắc quả A La Hán. Trong mười vị đại đệ tử của Phật thì tôn giả La Hầu La được Phật khen ngợi là đệ nhất mật hạnh.

Mật hạnhgiới hạnh, là đạo đức sâu kín bên trong chớ không biểu lộ ra ngoài. Một người bên ngoài thì nhìn rất bình thường, thậm chí đôi khi còn tầm thường nữa là khác, nhưng bên trong thì có đầy đủ đức hạnh từ bi hỷ xả, dứt trừ phiền não vô minh, tâm hồn trong sáng tự tại thì mới là mật hạnh. Ngược lại trong thế gian nầy có rất nhiều người bên trong thì dẫy đầy Tham-Sân-Si, mạn, nghi, tật đố, hỷ nộ ái dục nhưng bên ngoài thì làm ra vẽ trang nghiêm điềm đạm, nói năng đạo đức quân tử. Thời nay thì những người giả nhân giả nghĩa hay ngụy quân tử nầy rất nhiều nên nhà Phật mới có câu:

“Giả trang thiền tướng,

Cầu bỉ cung kính” là vậy.

thế đạo Phật khuyên chúng sinh nên phát triển mật hạnh của chính mình vì đây chính là chất xúc tác để mở con mắt tâm mà thấy được Chân Lý.

Nhắc lại ngày xưa, cậu bé luôn theo Phật để xin gia tài thì ngày nay tôn giả đã chứng ngộ tức là đã được Phật trao cho Pháp tài vô tận. Tôn giả chính là thí dụ cụ thể nhất về cái tự ngã của con người. Tự ngã chính là kẻ thù số một của chính mình vì nó là màn vô minh hắc ám đã che lấp tất cả đỉnh cao trí tuệ của con người. Cái bản ngã càng to thì con người càng lún sâu vào vòng sinh tử luân hồi và xa dần ánh sáng Chân lý. Trãi qua bao nhiêu kiếp tinh tấn tu hành thì tôn giả sẽ thành Phật hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai tức là vị Phật bước đi trên hoa bảy báu. La Hầu La nhập diệt khi nào cũng như năm tháng đản sanh của tôn giả không được kinh sách ghi chép rõ ràng chỉ biết tôn giả nhập diệt trước Đức Phật.

Bấy giờ Đức Thế Tôn gọi tôn giả La Hầu La mà bảo rằng:

- Nầy La Hầu La! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông La Hầu La thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả! Bởi vì trước đây có lần các trưởng giả tử trong thành Tỳ Xá Ly đến chỗ con, cúi đầu làm lễ và hỏi con rằng:

- Thưa ngài La Hầu La! Ngài là con của Phật. Ngài bỏ địa vị chuyển luân thành vương đi xuất gia hành đạo. Vậy xin hỏi việc xuất gia đó có được ích lợi gì?

- Bạch Thế Tôn! Con vì các vị trưởng giả tử, nói rõ về cái lợi và công đức của việc xuất gia. Bấy giờ ông Duy Ma Cật đến nói với con rằng:

- Thưa ngài La Hầu La! Ngài không nên nói về cái lợi và cũng không nên nói về công đức của việc xuất gia. Tại sao? Bởi vì không có lợi, không có công đức mới xuất gia. Bởi vì xuất gia thuộc về pháp vô vi. Mà pháp vô vi không có lợi và không có công đức.

- Thưa ngài La Hầu La! Luận về xuất gia là không kia, không đây. Không có cái giữa. Rời sáu mươi hai thứ kiến chấp mà ở chỗ Niết bàn. Là việc của người trí cảm nhận, bậc thánh thường hành. Hàng phục các ma. Cứu độ ngũ đạo. Thanh tịnh ngũ nhãn. Thành tựu ngũ lực. Làm chũ ngũ căn. Không não hại người. Xa lìa xấu ác. Dẹp các ngoại đạo. Vượt khỏi các giả danh. Ra khỏi bùn lầy phiền não. Không có người buộc. Không có ngã sở hữu. Không có cái sở thọ. Lòng không khát vọng. Giữ ý an vui. Thuận theo thiền định. Xa rời các lỗi lầm. Nếu được như thế mới chính là chân xuất gia.

Ông La hầu La nói việc lợi íchcông đức của việc xuất gia thì phải dựa vào những ý nghĩa sau đây:

1)Phiền não chi gia: tức là phải ra khỏi nhà phiền não khổ đau.

2)Vô minh chi gia: tức là ra khỏi nhà vô minh tăm tối để thấy ánh sáng trí tuệ mà được minh tâm kiến tánh, giải thoát giác ngộ.

3)Tam giới chi gia: tức là phải ra khỏi nhà ba cõidục giới, sắc giớivô sắc giới.

- Dục giớithế giớicon người còn lệ thuộc vào thực dụcdâm dục. Hằng ngày chúng sinh bị lục dục thất tình tức là còn mừng, giận, thương, yêu, ghét, sợ, muốn chi phối làm cho tâm tánh thêm mê muội mà tạo nhiều phiền não khổ đau. Có càng nhiều thì con người càng muốn thêm, không bao giờ thỏa mãn được lòng tham vô đáy cả.

- Sắc giớicon người sống trong thế giới nầy tuy tâm có phần tự tại vì không còn lệ thuộc vào thực dụcdâm dục nhưng vẫn còn lệ thuộc vào vật chất vì chưa xa lìa được vật chất.

- Vô sắc giới không phải là cõi không có sắc thân. Con người chúng ta sống trên mặt đất nầy mà nếu khôngtrí tuệ để nhận thức Chân lý mà nẩy sanh ra những tư tưởng có tánh cách hoang đường, thần thoại thì gọi là sống trong cảnh giới không hình sắc. Thí dụ như có người ngồi thiền để xuất hồn về một cõi nào đó hay là hiện tại chúng ta đang ngồi đây mà lo sợ những cãnh tượng hãi hùng ở âm ty địa ngục. Tất cả những tư tưởng hoang đường nầy sẽ dẫn dắt con người vào chỗ mê tín dị đoan như cầu xin đồng cốt, xin xăm bói quẻ, đốt giấy tiền giả cho người âm phủ…Nói một cách khác là sống nhưng xác một nơi còn hồn một nẻo.

Theo Phật giáo thì có những người khi còn sống tạo nhiều phước đức, hoặc có công lớn trong xã hội…mà tánh nóng, tính cương trực vẫn còn. Đối với họ khi còn sống thì làm phước cũng nhiều mà gây ra tội lỗi cũng không ít. Cho nên khi chết họ được sinh vào trong cõi A Tu La tức là cõi Thần để hưởng phước lạc mà cũng chịu nhiều đau khổ. Vì thế nếu con người cầu nguyện thì họ giúp nhưng nếu không thỏa mãn những điều đã hứa với họ hay tâm sân nổi lên thì họ có thể hãm hại con người. Ngày xưa Đức Phật đã thấy được điều nầy nên khuyên chúng sinh chỉ kính trọng họ mà đừng trông cậy, mong cầu gì cả. Khác với hành động của những vị Bô-tát là hoàn toàn vị tha vô ngã, thậm chí nếu chúng ta mắng chửi, đánh đập thì họ vẫn tự tại, không oán hận hay trả thù. Còn các vị Thần nầy vì vẫn còn nằm trong lục đạo luân hồi nên tham-sân-si vẫn còn, tánh hiếu sát chưa dứt. Càng tin vào quỷ thần là càng đi sâu vào tà kiến làm tâm thêm mê muội, không sáng suốtdĩ nhiên đau khổ càng tăng.

4)Thế tục chi gia: tức là ra khỏi căn nhà thế tục, lìa bỏ gia đình, cha mẹ, vợ chồng con cái, thân bằng quyến thuộc, tiền của, địa vị trong xã hội…để vào chùa giữ trai trì giới, đoạn trừ vô minh phiền não, vượt qua tam giới, ra khỏi sinh tử luân hồichứng đắc Niết bàn.

Vì thế ông La hầu La nói việc lợi íchcông đức của việc xuất gia là dựa theo hình Tướng tức là còn thấy có đoạn phiền nãochứng đắc Niết bàn. Đây là pháp bất liễu nghĩa tức là giáo lý phương tiện để hướng dẫn người sơ cơ thấy sự lợi íchcông đứcphát tâm tu hành. Còn cư sĩ Duy Ma Cật nói không có lợi íchcông đức là dựa theo Thể Tánh tức là dựa vào cái Không Tướng có nghĩa là pháp vô vi. Đây mới thật là pháp liễu nghĩa thượng thừa.

Theo Sự Tướng là dựa theo pháp hữu vi, có sanh có diệt, có hình có tướng, là pháp tương đối thì ông La hầu La nói đúng. Bởi vì kẻ xuất gia vào chùa thì dễ dàng tu hành, ít bị ràng buộc dính mắc, không màng danh lợi, xa lìa gia đình thì mau đạt được thân tâm thường lạc, đoạn trừ phiền não, tự giác rồi giác thaviên thành Phật đạo. Nếu được như vậy thì dĩ nhiên có quá nhiều lợi íchvô lượng công đức.

Nhưng ở đây cái nhìn của ông Duy Ma Cật là cái nhìn của Bản Thể Tuyệt Đối. Mà trong Chân Không Diệu Tánh thì không hình không tướng, không tăng không giảm. Pháp vô viBản tâm thanh tịnh thì làm gì có lợi ích hay công đức.

Vậy thế nào là pháp vô vi?

Pháp hữu vi là do nhân duyên hòa hợp nên hữu hình thì hữu hoại. Luật vô thướng sinh diệt không sót một ai chẳng hạn từ những vật nhỏ như hạt cát đến lớn như mặt trời, mặt trăng thì hễ có sinh tất phải có diệt. Ngược lại pháp vô vipháp không sanh không diệt, không tăng không giảm, không do ai tạo ra cả mà chính là tự tánh của các pháp tức là thanh tịnh bản nhiên. Vì vô viChân Không nên không thể dùng ngôn ngữ hay văn tự để diễn tả hay so sánh được. Tuy nhiên, để có một ý niệm về Thể Tánh Chân Như, Duy Thức Luận dựa vào sắc tướng để hình dung mà đặt thành sáu pháp vô vi như sau:

1)Hư không vô vi: Vì Chơn Như hay Pháp Tánh là Chơn Không Diệu Tánh nên không do nhân duyên nào kết hợp mà tạo ra nên không có nhiễm ô, đau buồn hay sung sướng. Nó không hình không sắc, không dơ không sạch, không sanh không diệt, rỗng rang tịch diệt như hư không bao trùm khắp không gian vô cùng vô tận nên gọi là Hư không vô vi. Chơn Như là sự thanh tịnh có sẳn trong tất cả mọi người cũng như vạn pháp chỉ vì con người bị vô minh phiền não che lấp nên đánh mất cái thanh tịnh nầy.

2)Trạch diệt vô vi: Trạch là chọn lựa. Diệt là diệt trừ. Do đó Trạch diệt vô vi là nhờ sự chọn lựa trí huệ vô lậudiệt trừ các phiền não nhiễm ô nên Chơn Như vô vi mới hiện. Đức Phật dạy rằng Phật tánh, Chơn Như thì luôn luôn thanh tịnh, nhưng tại sao con người còn phiền não khổ đau? Vì tham-sân-si, ái dục để tạo ra phiền não khổ đau là phát xuất từ bên ngoài cho nên nếu con người đừng trụ chấp có nghĩa là các thứ nhiễm ô có đến rồi tự nó đi thì Phật tánh không bị vô minh che lấp. Thấy Phật tánh tức là tâm được thanh tịnh. Cũng như mây đen che lấp ánh sáng mặt trời. Một lúc sau mây tan thì ánh sáng trở lại. Ánh sáng mặt trời không bao giờ tắt cũng như Phật tâm không bao giờ mất mà chỉ bị che lấp mà thôi. Khi con người biết xa lìa phiền não, tránh xa nhiễm ô thì tâm sẽ được thanh tịnh và đây là trạch diệt vô vi.

3)Phi trạch diệt vô vi: Trạch diệt vô vi có được là nhờ biết lìa xa phiền não khổ đau để tâm được thanh tịnh. Nói thế không có nghĩa là Pháp tánh hay Chân Như là do sự diệt trừ phiền não mà có. Bởi vì Pháp Tánh vốn đã có sẵn, xưa nay vốn thanh tịnh, không bị nhiễm ô, không sanh không diệt nên gọi là Phi trạch diệt vô vi. Phi trạch diệt còn có một ý nghĩa thứ hai là mặc dầu con ngườitham nhiễm, chạy theo lục dục thất tình nhưng vì thiếu nhân duyên nên các phiền não không thành quả tức không xuất hiệnthế pháp vô vi thanh tịnh tự hiện ra chớ không cần chọn lựa diệt trừ.

4)Bất động diệt vô vi: Khi con người đã lìa xa các phiền não, ý niệm dấy lên liền dùng thiền quánxóa bỏ luôn. Đây chính là tứ thiền, là cõi cao nhất trong Sắc giới và cũng là cõi hoàn toàn thanh tịnh.

5)Tưởng thọ diệt vô vi: Khi đạt được Tứ thiền thì thiền giả có thể đi thẳng tới Diệt Thọ Tưởng định để diệt trừ hết “Thọ” và “Tưởng” thì Chơn Như hiện ra. Sự thanh tịnh nầy gọi là Tưởng thọ diệt vô vi,

6)Chơn Như vô vi: lìa xa vọng thì có Chơn. Lìa xa phiền não điên đảo thì có Như. Năm pháp vô vi ở trên chỉ là hình dung các đức tính của Chơn Như. Chính Chơn Như vô vi mới chỉ đích danh Bản Thể Chơn Như.

Người tu theo Tiểu thừa thì tuy đã phá được chấp ngã nhưng họ còn chấp tướng nên thấy có tu hành, có chứng đắc. Vì thế họ xuất gia, tinh tấn tu hành, lìa xa phiền não để mong cầu chứng đắc Niết bàn. Nhưng thật ra có chứng đắc thật không?

Trong tất cả mọi chúng sinh, không phân biệt nam nữ, già trẻ, thông minh hay khờ dại, không nhất thiết là người Tàu, người Việt, người Tây, hay người Mỹ thì ai ai cũng đều có Phật tánh như nhau. Nói một cách khác là trong tất cả chúng ta đều là Phật cả, nhưng trãi qua bao kiếp sống luân hồi con người bị cái vỏ vô minh che lấp làm cho Phật tánh bị lu mờ. Như thế tu hành là cốt phá tan cái màn vô minh che lấp bên ngoài mà tìm về với con người thật tức là Bản Lai Diện Mục để thấy được Phật tâm sáng suốt đã có sẳn trong ta từ muôn kiếp mà Kinh Viên Giác gọi là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, Kinh Pháp hoa gọi là Tri Kiến PhậtKinh Đại Niết Bàn gọi là Phật tánh. Như vậy thì có cái gì gọi là chứng đắc thật đâu? Bởi vì chứng đắcđạt được cái gì mà mình chưa có. Thí dụ như từ nhà chúng ta đi lạc đường nên phải sống trong phiền não khổ đau, lang thang rách rưới. Sau khi trãi qua nhiều kiếp sống nay chúng ta thức tỉnh muốn tìm đường về lại căn nhà xưa. Nếu đi đúng đường thì bớt lo âu phiền não và sau cùng về lại căn nhà xưa thì lòng chúng ta vui sướngphiền não khổ đau tan biến. Cho nên cái mà con người gọi là chứng đắc chẳng qua chỉ là tìm lại cái bị lãng quên chớ không phải tìm được cái chưa bao giờ có. Vì thế quả A La Hán, Bồ-tát hay ngay quả vị Phật chỉ là cái tên để gọi cho người sắp thấy hay thấy được con người thật của mình tức là Bản Thể chân thật bên trong. Khi diệt hết vô minh, đoạn trừ mọi phiền não thì gọi là thành Phật, nhưng họ không ngờ chúng sinh bản nguyện là Phật tức là Bản Lai Diện Mục thì đâu có phiền não vô minh. Vì thế Tâm Kinh mới có câu:”Dĩ vô sở đắc cố” tức là không có chứng đắc gì cả là vậy. Một thí dụ khác là trước khi chân mình đạp bùn nhơ thì chân sạch chớ đâu có dơ. Sau khi rữa sạch cũng giống như tinh tấn tu hành đoạn trừ phiền não, thấy được Chân Lý thì gọi là sạch tức là đã chứng đắc. Vì thế cái mà ông La hầu La gọi là chứng đắc hay công đức thật ra chỉ là rữa sạch chân dính bùn mà thôi chớ không có chứng đắc hay lợi ích công đức gì hết. 

Trong Kinh Kim Cang Đức Phật đã dạy rằng:”Ta đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho đến một chút pháp cũng không chứng đắc thì đây mới gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Chính Đức Phật đã khẳng định rằng pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là quả vị Phật chính là Bổn Tính Cố Hữu, là Bản Lai Diện Mục của chúng ta. Đó là viên ngọc đã có sẳn trong tất cả mọi người chớ không phải do người khác ban cho. Nếu trong tâm chúng sinh còn chấp ngã, chấp pháp tức là còn thấy mình là thật, người là thật, thế gian vủ trụ là thật thì không thể nào buông xảdĩ nhiên không thể nào giải thoát được. Con người chỉ cần biết thức tỉnh quay về sống với tự tánh thanh tịnh thì Chơn Tâm biểu hiện, Phật tánh hiện bày. Thí dụ như nói ông La Hầu La chứng quả A La Hán, nhưng thực ra chỉ là phương tiện để đo lường khả năng đoạn trừ phiền não, phá màn vô minh che lấp của tôn giả chớ thật ra cái quả A La Hán là không do ai ban cho mà chỉ tự mình ông biết mà thôi. Chính Đức Phật phải dùng phương tiện để giúp ông đoạn vô minh phá phiền não chứ Phật không thể cho ông cái thanh tịnh, quả vị được. Nếu chúng ta thi đậu bằng lái xe thì chính quyền cấp cho chúng ta một bằng lái chứng nhận đã thi đậu. Còn ở đây chứng đắc chỉ là giả danh để gọi cho người tu hành trên con đường trở về nhà củ tìm lại hình bóng xưa của mình chớ không phải đạt được cái gì mà mình chưa bao giờ có. Trở về với Bản Tâm thanh tịnh, với Phật tánh nhất như thì lợi cũng không và công đức cũng không thì con người sẽ hết tham và phá tan mọi vọng tưởng. Cho nên Tâm Kinh đã xác định là:’Vô Trí diệc Vô Đắc” có nghĩa là người tu hành khi đã có cái sáng suốt triệt để mà sống với Chân Không Diệu Tánh thì không có trí tuệ để đạt mà cũng không có quả vị để chứng đắc.

 Do vậy mà cổ nhân có câu:

Hữu pháp hữu tâm tồn vọng thức

Vô cầu vô đắc chứng chân như

Chân vọng lưỡng đầu câu đã phá

Nhất đạo hàn quang thước thái hư

 Dịch là:

Có pháp có tâm còn vọng thức

Không cầu không được chứng chân như

Chân vọng hai đầu đều phá sạch

Một luồng sáng lạnh rực thái hư.

Thêm nữa khi nói về Phật tánh, Chơn tâm thì Kinh Viên Giác gọi nó là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm có nghĩa là tâm lúc nào cũng tỉnh giác và sự tỉnh giác nầy lúc nào cũng tròn đầy không khiếm khuyết nên tâm nầy rất mầu nhiệm. Đây là tâm của tất cả loài hữu tình như con người, động vật …Như thế thì Diệu Tâm là tâm mầu nhiệm mà Phật và chúng sinh cùng có như nhau. Ở Phật tâm nầy không tăng và ở chúng sinh tâm nầy không giảm.

Như là bản thể chân như, là chân như thật tướng tức là tỉnh.

Lai là lai thành chánh giác hay diệu dụng tùy duyên tức là động.

Còn Như Lai Viên Giác Diệu Tánh là chỉ cho các loài vô tình như cây cỏ, hoa lá, thực vật…Tất cả loài vô tình cũng có tính mầu nhiệm, tròn đầy, viên mãnthanh tịnh như loài hữu tình vậy.

Ngày xưa khi vua Lương Vỏ Đế tạo dựng trên 480 ngôi chùa, in kinh và độ cho không biết bao nhiêu Tăng Ni nên hỏi Tổ Bồ-Đề Đạt Maviệc làm của nhà vua có công đức gì không? Tổ trả lời là không có công đức chi cả. Bởi vì nếu nói có phước đức, công đứcdựa vào hình tướng sinh diệt, còn đối đãi tức là pháp hữu vi. Còn muốn đạt tới tâm thanh tịnh có nghĩa là pháp vô vi, là Chân Không tuyệt đối, không hình không tướng thì làm gì có thể diễn tả được mà nói là có phước đức hay công đức. Thêm nữa, cái mà con người gọi là chứng đắc thì thật ra chỉ là trở về với con người thật tức là Bản Lai Diện Mục, là cái đã có sẳn. Bởi vì cái nầy là không do ai ban cho, không ai hóa giải hay ban tặng cho mà đã có sẳn trong ta thì chả có công đức gì cả. Cũng như hạt ngọc có sẳn trong túi, nếu biết thò tay lấy ra bán thì giàu có chứ có làm ăn cực khổ gì đâu mà kể công kể đức.

Đối với cư sĩ Duy Ma Cật thì Ngài không chú trọng tới hình thức bên ngoài, đầu tròn áo vuông, phải lìa xa gia đình vào chùa tu, mà trưởng giả chỉ chú trọng vào Tâm, bồi dưỡng trí tuệ để nhận thức đúng Chân lý. Nếu tu sửa Tâm để được Minh Tâm Kiến Tánh thì cho dù tu tại gia hay tu ở chùa cũng đều như nhau. Vì thế có bốn trường hợp tu hành như sau:

1)Thân xuất gia, Tâm xuất gia. Nếu có thể lìa bỏ tham-sân-si, diệt trừ mọi vô minh phiền não, lìa xa tam giới thì sẽ sớm viên thành Phật quả.

2)Thân xuất gia, Tâm không xuất gia. Nếu thân đã xuất gia mà tâm còn tại gia tức là tham-sân-si chưa dứt, tánh tham tật đố chưa trừ, danh lợi tài sắc còn tham đắm thì chỉ là xuất gia hình tướng bề ngoài. Xuất gia như vậy chỉ uổng phí tiền của cúng dường của thí chủ và sau nầy mang lông đội sừng, làm thân trâu ngựa mà trả nợ. Đây là những kẻ mượn đạo tạo đời vậy.

Trong bất cứ vườn hoa tươi đẹp nào cũng đều có cỏ dại. Nhưng chính những loài cỏ dại nầy làm tăng thêm vẻ đẹp của các loài hoa. Phật giáo thì cũng thế. Lúc Đức Phật còn tại thế thì cũng đã có rất nhiều Tỳ Kheodanh văn lợi dưỡngxuất gia theo Phật. Trong thời mạc pháp nầy thì dĩ nhiên hiện tượng nầy không phải là ít. Nhưng vì thế mà chúng ta càng kính trọng những vị đạo cao đức trọng đã tận tụy hy sinh cả đời cho đạo pháp, cho Chân lý.

Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn một đoạn trong cuốn The Jewel in the Lotus của giáo sư John Blofeld khi ông viết về Trung Hoa vào đầu thế kỷ thứ 20.

“Khi đó tình hình Phật giáo Trung Hoa đang rơi vào một tình trạng suy đồi trầm trọng. Những bậc cao tăng đạo hạnh thì ít nhưng các người mượn áo tu hành như một nghề nghiệp để kiếm sống thì nhiều vô kể. Tôi đã gặp nhiều nhà sư không biết đọc, biết viết hay hiểu nghĩa một câu kinh mà chỉ thuộc lòng một số nghi thức cúng kiếng như một hình thức sinh nhai. Nhiều người uống rượu, ăn thịt, không giữ giới luật, có người còn có cả vợ con nữa. Phần lớn chùa chiền không còn là những nơi có thanh quy mà chỉ là chốn tụ tập để buôn thần bán thánh, để tín đồ đến cầu tài, cầu lộc hay cầu phước. Thay vì thuyết pháp độ sinh, giảng dạy các chân lý cao thượng thì các sư sãi nầy lại mang những hình thức mê tín dị đoan ra dọa nạt, chiêu dụ tín đồ. Chân lý cao đẹp nhằm đưa đến việc thoát ly sinh tử đã bị các tăng sĩ biến thành một thứ thần quyền với những hứa hẹn hão huyền, các nghi thức cúng kiếng cầu đảo, lên đồng nhập cốt, cúng sao giải hạn…Trước tình trạng hủ hóa nầy, hòa thượng Thái Hư là người đã khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo…”

Khi nói về hiện tượng Phật giáo tại Thái lan, ông viết tiếp:

“…Các tục lệ mê tín di đoan của địa phương như cầu khấn, lên đồng nhập cốt, lấy lá số chiêm tinh, cúng sao giải hạn…đã ăn sâu vào đời sống các tu viện và trở nên một nguồn lợi về tài chánh quan trọng cho các chùa chiền. Người ta không còn coi Đức Phật Thích Ca như một vị thầy hướng dẫn mà biến Ngài thành một vị thần linh. một đấng thượng đế có thể ban phát các điều nầy nọ. Tôi đã nghe nhiều buổi giảng mà tăng sĩ cố tình giảng dạy sai lạc hoặc bóp méo những sự kiện lịch sử để thần thánh hóa Ngài lên…”

Trong thời kỳ Pháp thuộc thì đạo Phật ở Việt Nam lại càng suy đồi. Chúng tôi xin trích lại nguyên văn một đoạn do Thượng tọa Thích Mật Thể viết trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược:

“…Đến đây từ vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng nghĩ rằng đạo Phật là ở sự cúng cấp, cầu đảo, chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ chú trọng ông thầy ở chỗ danh vọng, chức tước, mặc dù ông ấy thiếu học, thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, Tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường trụy lạc, cờ bạc, rượu chè đắm trước thanh sắc.

Ở miền trung nguyên Bắc kỳ, về kỷ luật Tăng già bên ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ ở Trung kỳ, phần nhiều họ đã có vợ, có con một cách công nhiên, không áy náy. Nhất là ở Nam kỳ lại càng hổn độn nữa…Phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước: xin bằng Tăng cang, Trụ trì, Sắc tứ…Còn một hạng nữa, chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển, bảo là giải thoát…

Bởi vậy, các cảnh chùa đã thành những cảnh gia đình riêng, không còn gì là đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật giáo hầu hết chỉ còn là “dốt” và “quên”…”

Vì sự suy đồi trầm trọng nầy mà tại Việt Nam vào khoảng năm 1920 đến năm 1934 cũng có những phong trào chấn hưng Phật giáo. Nhưng rất tiếc trong khi phong trào chấn hưng đang lên thì thế chiến thứ hai bùng nổ và chiến tranh kéo dài làm phong trào bị bế tắc.

3)Tâm xuất gia, Thân không xuất gia. Tuy sống trong thế tục, có vợ chồng con cái, cha mẹ họ hàng, có địa vị bổn phận trong xã hội nhưng Tâm đã nhẹ nhàng thanh tịnh, vị tha vô ngã. Họ làm việc vì lợi ích cho chúng sinh chớ không mong cầu cho riêng mình. Giới hạnh kiên trì, mật hạnh thông suốt, dựa theo Lục độ Bồ-tát mà làm. Sống trong nhân thế, làm thân cư sĩ mà không đắm nhiễm, gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn trái lại còn tỏa hương thơm bát ngát. Công danh phú quý coi như bóng trăng dưới nước hay hoa đóm trên không. Họ rất xứng đáng với câu:

Thân tuy ở chốn Ta bà,

Mà lòng đã gửi bên tòa hoa sen.

4)Tâm không xuất gia, Thân không xuất gia. Vì thấy thế gian là thật, là quyến rủ, là hấp dẫn, là hạnh phúc nên vô minh đã che lấp Phật tính cũng như mây đen che lấp ánh sáng mặt trời làm cho tâm trí mê muội nên họ sống trong điên đảo, sa hầm sụp hố và trôi nỗi trầm luân trong lục đạo luân hồi. Đời nầy qua thì đời khác đến không tìm ra lối thoát. Đối với họ hạnh phúc nhất thời tạm bợ chỉ là những dục lạc của thế gian tuy bên ngoài được che lấp bằng những bông hoa màu sắc rực rỡ huy hoàng nhưng thực chất bên trong chất chứa toàn đau khổ tang thương.

Tóm lại không có một người xuất gia nào muốn mình có phước báo tương đối, sinh diệt cả mà cứu cánh vẫn là giải thoát giác ngộ tức là đi vào thế giới vô vi thanh tịnh. Tu hành mà còn cầu chứng với đắc thì còn tham, còn chấp ngã chấp pháp cho nên nếu xuất gia với lòng vô cầu, vô chứng, vô đắc thì tâm được thanh tịnh và mới thâm nhập Chân Như của trí tuệ Bát Nhã vậy.

Tiếp theo ông Duy Ma Cật nói với các trưởng giả tử:

- Các vị hãy ở trong chánh pháp và nên xuất gia trong chánh pháp. Bởi vì người sanh ra trong đời gặp được Phật là rất khó.

Các trưởng giả tử nói:

- Thưa cư sĩ! Chúng tôi nghe Phật nói rằng nếu cha mẹ không cho thì không được xuất gia.

- Đúng vậy! Ông Duy Ma Cật đáp. Nhưng các trưỡng giả tử đừng lo. Khi nào các vị phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chính lúc đó được xem như xuất gia rồi và đã thọ giới cụ túc rồi.

Xuất gia trong chánh pháp không phải là Tướng xuất gia nên các vị trưởng giả tử không hiểu vì thế cư sĩ Duy Ma Cật mới nhắc lại là khi nào các vị phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì lúc đó được xem nhưxuất gia và đã thọ giới cụ túc rồi. Đây chính là Tâm xuất gia. Vô thượng Chánh đẳng Chánh giácVô thượng Bồ-đề. Mà Bồ-đề là giác, là tĩnh thức tức là trí tuệ. Như vậy phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là phát tâm Bồ-đề có nghĩa là phát tâm hướng về trí tuệ, bồi dưỡng trí tuệnâng cao trí tuệ. Vậy đây chính là Tâm xuất gia mà Thân không xuất gia. Khi tâm đã trong sáng, hoàn toàn thanh tịnh, vị tha vô ngã thì đây có khác gì những vị xuất gia. Tuy mang thân cư sĩ nhưng có đầy đủ đức hạnh, phát huy trí tuệhoằng dương Phật pháp tế độ chúng sinh thì cũng như xuất gia vậy.

Đoạn kinh nầy đề cao lối tu tại gia. Tuy thân không xuất gia, nhưng nếu biết phát tâm hướng về trí tuệ, biết bồi dưỡngnâng cao trí tuệ để tâm được thanh tịnh và cuộc sống luôn hướng về giải thoát giác ngộ thì cũng như xuất gia chân chính vậy. Thâm ý của trưởng giả Duy Ma Cật trong đoạn kinh nầy là ca tụng, khuyến khích lối tu tại gia nhưng ông không hề đã kích, chống đối xuất gia mà chỉ muốn chúng sinh đừng quan tâm hay quan trọng hóa vấn đề tu tại gia hay xuất gia vì dựa theo Sự Tướng thì đây chỉ là phương tiện, hình thức bên ngoài mà con người cần chú ý đến cứu cánhBản Thể bên trong là giữ tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnhChơn tâm, là Phật tánh, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, là Tri Kiến Phật. Sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần tức là sống với tự tánh thanh tịnh của mình vậy.

Khi bấy giờ có 32 vị trưởng giả tử phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bạch Thế Tôn! Vì duyên cớ ấy, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh.

Nghe xong 32 vị trưởng giả tử đều phát tâm Bồ-đề vì thấy rõ ràng sự khác biệt giữa giáo lý phương tiện Tiểu thừa và pháp liễu nghĩa thượng thừa. Ngay cả tôn giả La hầu La tuy đã phá được chấp ngã nhưng chấp tướng, chấp pháp vẫn còn nên vẫn còn bị kẹt chứ không được an nhiên tự tại như hàng Bồ-tát vì họ đã diệt hết mọi chấp trước khiến tâm hoàn toàn thanh tịnh. Vì thế mà tôn giả không dám đi thăm bệnh.

Cho dù sống trong bất cứ xã hội nào trên thế gian nầy thì giá trị con người được đo lường bằng sự thành công bên ngoài chớ không phải là những thứ gì khác. Con người phải là bác sĩ, kỷ sư, thương gia hay là ông nầy bà kia thì mới xứng đáng có địa vị trong xã hội. Do đó từ trong học đường cho đến tư gia hay công sở xã hội con người cứ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc về những tiêu chuẩn, mẫu mực, những con người lý tưởng, những tấm gương bắt mọi người phải noi theo. Vì những ràng buộc nầy mà con người phải cạnh tranh từng ly từng tí để có thể hơn người khác. Do đó trong lịch sử nhân loại từ Đông qua Tây, từ cổ đến kim đã chứng minh một cách hùng hồn rằng muốn có địa vị cao, thành công lớn, ngay cả những người đã và sẽ nắm địa vị quan trọng lãnh đạo quốc gia đều bắt nguồn từ thái độ tranh giành, đố kỵ. Cũng vì quyền lợi mà họ đối đãi với nhau như kẻ thù

Vì thấy đâu cũng là ràng buộc nên ngay cả Trang Tử cũng thốt lên rằng:”Được tự do sống theo sở thích của mình mới là hạnh phúc”. Ngay cả đức Jesus cũng dạy rằng:”Kẻ giàu có tu hành chẳng khác chi con lạc đà chui qua lỗ kim, một người không thể thờ hai vua, đó là hoặc họ thờ chúa hoặc thờ tiền bạc”. Chính Đức Phật đã dạy rằng con người càng chạy theo tiền tài danh vọng, công danh phú quý thì càng bị ràng buộcdĩ nhiên khổ đau phiền não cũng vì thế mà tăng. Cái hạnh phúc nhất thời, giả tạo mà phải trả bằng cái giá quá đắc bởi những nghiệp bất thiện. Tất cả những gì có hình tướng trên thế gian nầy đếu là huyễn hóa tức là Không. Thấy thế gian vủ trụ là không thật, tiền tài danh vọng cũng không thật. Ta cũng không, người cũng không thì có gì ràng buộc để phải bận tâm, tranh giành, đố kỵ. Tất cả mọi thứ trên thế gian nầy chỉ là phương tiện để giúp con người sống an vui tự tại trong kiếp nầycứu cánh phải là cái gì cao thượng hơn. Cho dù chúng ta có gom cả thế giới nầy về cho mình thì khi chết cũng phải xuôi tay trả lại hết cho thế gian mà thôi. Do đó nếu con người biết thức tỉnh, biết sống tri túcquay về sống với tự tánh thanh tịnh của mình thì sáu căn không còn dính mắc nơi sáu trần. Lìa bỏ Sự Tướng giả dối bên ngoài để thấy được Bản Thể chân thật bên trong. Phát Bồ-đề tâm tức là phát tâm hướng về trí tuệ để sống vị tha vô ngã thì sẽ thấy được con người thật của mình tức là Chơn tâm, là Phật tánh, là tâm thanh tịnh hằng có ở trong ta. Tâm vô cầu, vô chứng, vô đắc thì cuộc sống sẽ vô cùng an vui tự tại và Niết bàn còn dùng vào đâu nữa mà chứng với đắc.

Khi nói về con người thật tức là Bản Lai Diện Mục của nhà Phật, có người thắc mắc rằng có phải cái Bản Lai Diện Mục nầy cũng giống như “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” nghĩa là con người mới sanh đã có tính thiện của Khổng Tử không?

Xin thưa đây là hai tư tưởng hoàn toàn khác nhau.

1)Dựa theo triết lý Khổng Mạnh thì nhân chi sơ tánh bổn thiện có nghĩa là khi con người vừa mới sanh thì họ hoàn toàn trong trắng, không có dính dấp hay mang theo cái dĩ vãng gì hết. Khi mới sinh thì chưa hấp thụ những thói hư tật xấu của thế gian xã hội nên tâm hồn hài nhi hoàn toàn thánh thiện, không một vết nhơ. Dần dần lớn lên hấp thụ bởi phong tục, hoàn cảnh gia đình, xã hội chung quanh thì đứa bé mới bắt đầu thay tâm đổi tánhtrở thành khôn ngoan xảo quyệt hay hiền nhân quân tử.

2)Còn cái Bản Lai Diện Mục là cái có sẳn trong con người từ bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp. Có con người là có nó. Nhưng khác với triết lý Khổng mạnh là con người sinh ra trong thế giới nầy hoàn toàn thánh thiện thì Chân Lý của Đức Phật xác định là con người nếu có tái sinh trong thế gian nầy là bởi duyên nghiệp. Tất cả những nghiệp nhânchúng ta đã tạo tác từ vô thỉ đến nay cộng với biết bao nhân duyên mới sẽ quyết định về số mạng của con người trong kiếp nầy. Nghiệp chướng là do vô minh che lấp Phật tính mà có. Do đó khi con người tái sinh trong thế giới Ta bà nầy là đã mang theo cái Phật tính thanh tịnh bản nhiên tức là cái Bản Lai Diện Mục cộng với bao nghiệp quả trong tiền kiếp và những nhân duyên mới. Như thế thì nhân chi sơ tánh bổn thiện của nhà nho chỉ nói lên một khía cạnh nhỏ chứ không phản ảnh đúng tất cả những gì trong tâm thứchình hài của hài nhi mang theo vào thế giới nầy. Thêm nữa phải hiểu rằng Bản Lai Diện Mục là tánh thanh tịnh bản nhiên chứ không dính dấp gì tới tánh thiện, tánh ác cả. Thanh tịnh bản nhiênBản Thể tuyệt đối, là pháp vô vi không sanh không diệt, không tăng không giảm, là Chân Không, là Phật tánh. Đối với nhà Phật thiện, ác chỉ là pháp tương đối tức là pháp hữu vi có sanh có diệt không có gì quan trọng. Một người có thể nói đây là hành động thiện thì người khác lại cho là ác. Vì thế Lục Tổ Huệ Năng mới nói có bỏ thiện bỏ ác để tâm được hoàn toàn thanh tịnh thì Chơn Tâm sẽ hiện bày tức là thấy được Bản Lai Diện Mục vậy. Dó đó mới có câu:

Chẳng cần tìm Phật đâu xa
Tây phương tại đó Thích Ca nơi nầy.

Tôn giả A Nan (Ananda) Nói về Như Lai Bệnh

A Nan là anh em cô cậu với Đức Phật. Ông là con của Bạch Phạn Vương (Amitodana) là em của vua Tịnh Phạn. Vì ngày ông sinh ra đem lại niềm hoan hỷ nên được đặt tên là Khánh Hỷ (A Nan). Sau khi thành đạo, Đức Phật về lại cung thành Ca Tỳ La Vệ thăm lại gia đìnhcảm hóa và khuyến khích những người trong dòng họ Thích Ca xuất gia tu đạo. Khi nhân duyên đã đến, A Nan cùng anh ruột là Đề Bà Đạt Đa và năm vị vương tử khác là A Na Luật, Kiếp Tân Na, Bà Sa, Bạt Đề, Nan Đề đồng lén bỏ nhàxuất gia theo Phật và ông là người trẻ tuổi nhất trong số những vị nầy. A Nan là người có tướng mạo trang nghiêmtrí nhớ phi thường ngay cả Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát còn phải khen ngợi ngài như sau:

Tướng như trăng thu đầy

Mắt biết tợ sen xanh

Phật pháp rộng như bể

Đều rót vào tâm A Nan.

Khi nói về A Nan thì không ai quên được câu chuyện nàng Ma Đăng Già trong Kinh Lăng Nghiêm. Vì có tướng mạo thanh tú nên nàng Ma Đăng Già đem lòng yêu thương mà dùng tà thuật mê hoặc. Đức Phật biết được bèn sai Văn Thù Bồ-tát đem bài thần chú Thủ Lăng Nghiêm đến giải nạn cho A Nan. Nội dung Kinh Lăng Nghiêm là Phật chỉ dạy cho chúng sinh ngộ được Chơn tâm. Trước khi dạy về Chơn tâm, Phật gạn hỏi A Nan bảy lần về nơi trụ của tâm. Vì tâm quá khứ đã diệt, tâm tương lai chưa đến còn tâm hiện tại thì quay cuồng thì làm sao tìm tâm cho được. Mà tâm quay cuồng tức là tâm điên đảo, mê lầm, vọng thức tức là vọng tâm. Khi vọng tâm biến mất thì chơn tâm mới hiện bày cũng như mây tan thì trời sáng vậy thôi. Có chơn tâm thì tâm được thanh tịnh tức là Phật tánh, là Bản Lai Diện Mục, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, là Tri Kiến Phật vậy.

A Nan thỉnh cầu Phật nhiều lần để cho phép phái nữ được xuất gia vì thế dưỡng mẫu Ma Ha Ba Xà Ba, công chúa Da Du Đà La và nhiều mệnh phụ phu nhân khác là những Ni cô đầu tiên trong tăng đoàn của Đức Phật.

Cả đời A Nan bị rắc rối cũng vì đàn bà con gái cho nên trước khi nhập diệt Đức Phật có dặn rằng:”Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với nữ phái thì nên xem người già như mẹ, người lớn như chị và người nhỏ như em thì ông sẽ giữ được chánh niệm’.

Khi Phật được 55 tuổi, các đệ tử Tỳ Kheo thấy sức khỏe của Ngài càng ngày càng yếu nên quyết định chọn một thị giả túc trực lo cho Đức Phật. Mặc dù có rất nhiều người tình nguyện, nhưng Đức Phật dành việc nầy cho A Nan. Vì có liên hệ họ hàng với Phật nên ông muốn tránh sự dị nghị được Phật ưu đãi mà đối xử đặc biệt với mình nên ông xin nhận trách nhiệm với tám điều thỉnh cầu:

1) Đức Phật không ban cho ông những bộ y do thí chủ cúng cho Phật.

2) Đức Phật không ban cho ông những đồ ăn do thí chủ cúng cho Phật.

3) Đức Phật không cho phép ông cùng ở trong một tịnh thất.

4) Đức Phật không cho phép ông đến nơi nào mà thí chủ thỉnh Phật.

5) Đức Phật sẽ hoan hỷ đến nơi nào mà thí chủ thỉnh ông.

6) Đức Phật cho phép ông tiến dẫn khách đến yết kiến Phật.

7) Đức Phật cho phép ông bạch hỏi mỗi khi có điều gì nghi ngại.

8) Đức Phật sẽ hoan hỷ giảng giải lại những bài Pháp mà Phật giảng trong lúc ông không có mặt tại đó.

Nhờ nhân duyên nầy mà A Nan trong suốt 25 năm làm thị giả đã được học rộng nghe nhiều và là người duy nhất có thể nhớ lại 84,000 bài kinh mà trước đây Đức Phật đã thuyết giảng. Vì thế trong hàng Thanh Văn ông nổi tiếng là đệ nhất đa văn.

Mặc dù học rộng, nghe nhiều, nhớ dai nhưng A Nan chưa chứng Thánh quả trong lúc Đức Phật còn sanh tiền. Mãi ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, trong lần kết tập kinh điển lần thứ nhất, ông không được mời tham dự vì chưa chứng quả A La Hán. Ngay chiều hôm ấy, A Nan nỗ lực tu tập, trầm tư mặc tưởng, buông bỏ tận cùng và đến nửa đêm thì khai ngộ, chứng quả. Ông bay thẳng vào đại hội và được đề cử đọc Kinh Tạng. Những kinh như Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhứt A HàmKinh Pháp Cú đều do chính tôn giả tụng lại. Tôn giả nhập diệt lúc 120 tuổi.

Đức Phật gọi ông A Nan và bảo:

- Này A Nan! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

Ông A Nan thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm trưởng giả. Bởi vì trước đây, có lần Như Lai trong người hơi có chút bệnh, phải cần dùng sửa. Con mang bình bát đến trước nhà của một đại Bà La Môn để xin.

Đức Phật Thích Ca Mâu Niba thânPháp thân, Báo thânỨng thân.

1) Pháp thân (Dharmakaya) là pháp giới thanh tịnh của các Đức Như Lai lan tỏa trong khắp không gian làm sở y bình đẳng cho Báo thânỨng thân. Pháp thân thì luôn thường trụ, bất sinh bất diệt cũng được gọi là Pháp giới tánh, Như Lai Tạng…Phật lấy Pháp Tánh Chân Như làm thân nên gọi là Pháp thân. Pháp thân là chỗ sở y chứa tất cả công đức trong Pháp giới. Vì Pháp thânthường trụ nên Pháp thân ở khắp mọi nơi. Cho dù Phật nhập thế cứu độ chúng sinh thì Pháp thân cũng không tăng hay Phật có xuất thế thì nó cũng không giảm, lúc nào cũng vậy mà thôi. Cái Pháp thân nầy Phật và chúng sinh đều có như nhau, nhưng ở Phật thì nó sáng suốt chiếu soi rực rỡ còn ở chúng sinh thì nó bị vô minh che mờ nên không hiễn lộ. Pháp thân chính là cái mà con người sẽ trở về sau khi diệt hết vô minh phiền não để phát huy trí tuệ sẳn có của mình. Vậy Pháp thân chính là cội nguồn, là Bản Thể của tất cả muôn sinh vạn vật. Đây chính là Bản Lai Diện Mục, là Phật tánh có sẳn trong tất cả mọi người.

2) Báo thân (Sambhogakaya) là thân tốt đẹp do công phu tu hành trãi qua bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp mà có. Vì thế mà Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp rực rỡ là vậy. Báo thân còn được gọi là tự thọ dụng thân.

Nếu chúng sinh đoạn trừ mọi vô minh phiền não thì tâm được hoàn toàn thanh tịnh. Cái thanh tịnh an lạc tự tại nầy chỉ có người đó biết và hưởng được còn người khác không hề cảm nhận hay san sẻ được thì cái quả thanh tịnh an nhàn nầy là tự thọ dụng thân. Cũng như uống một tách trà thơm ngon thì chỉ người uống trà mới biết được hương vị thơm ngon như thế nào mà thôi. Do đó nếu chúng ta bớt được một phần vô minh phiền não thì có được một phần thanh tịnh tức là có được một phần tự thọ dụng thân.

Còn Báo thân của chúng sinh thì gọi là Karmakaya tức là thân nầy là do quả nghiệp của tiền kiếp tạo thành. Muốn có thân thể khỏe mạnh sống lâu thì đừng bao giờ sát sinh. Muốn có giọng nói thanh tao trong trẻo thì đừng nên vọng ngữ. Muốn thân hình được đoan trang, đẹp đẻ thì đừng nghĩ tới tà dâm. Muốn gia đình được ấm no hạnh phúc thì đừng trộm cướp gian tham.

3) Ứng thân hay biến hóa thân (Nirmanakaya) Chư Phật do trí thành sở tácbiến hóa ra thành vô lượng thân, ứng theo căn cơ của chúng sinhhóa độ. Đức Phật Thích Ca Mâu Niứng thân của Phật trong cõi Ta bà nầy. Vì Ứng thân là thân thị hiện nên phải ảnh hưởng bởi luật vô thườngsinh lão bệnh tử. Ứng thân cũng được gọi là tha thọ dụng thân.

Đối với Phật giáo thì báo thân hay tự thọ dụng thângiá trị tuyệt đối vì chỉ có người được thức tỉnh giác ngộ mới hưởng được cái hương vị thanh tịnh an vui tự tại của giải thoát giác ngộ mà không một người nào khác có thể biết được. Khi chư Phật hay Bồ-tát thị hiện để hoằng dương đạo pháp thì chúng sinh có cơ hội học hỏi, tu sửa và sống theo Chân lý để tự mình giải thoát giác ngộ thì ứng thân để cứu độ chúng sinh ra khỏi bể khổ sông mê gọi là tha thọ dụng thân.

Tóm lại ba thân của Đức Phật là: Pháp thân là Thể, Báo thân là Tướng và Ứng thân là Dụng. Tuy nói ba mà là một, tuy một mà ba tức là một là tất cả và tất cả là một.

Ngài Thiền sư Xuyên Lão cũng có bài kệ rằng:

Ba Phật hình nghi chẳng phải chân

Con người trong mắt trước mặt xem

Nếu hay biết được trong nhà báu

Hoa núi chiêm kêu một dáng xuân

Ứng Phật, Hóa Phật đều không thật

Bóng hình muôn thử thảy là quyền

Cái gì có tướng đều hư vọng

Chân Phật không hình vốn tự nhiên.

Bấy giờ, trưởng giả Duy Ma Cật đến nói với con rằng:

- Thưa ngài A Nan! Ngài làm gì mang bình bát đến đứng đây sớm thế?

- Thưa cư sĩ! Như Lai trong người hơi có bệnh, cần phải dùng sữa nên tôi đến đây hóa duyên xin sữa cho Như Lai.

Ông Duy Ma Cật nói:

- Thôi! Thôi! A Nan! Ngài đừng nói như vậy. Thân Như Lai là thân Kim Cương, các xấu ác đã hết, các cái thiện đã đầy đủ, còn có bệnh gì, còn có não gì?

Hãy im lặng và đi đi! Ngài nói như vậy là phỉ báng Như Lai đó. Đừng để cho người ngoài họ nghe được những lời bất kính đó! Đừng để cho các hàng chư Thiên đại oai đức và các Bồ-tát ở các cõi Tịnh độ khác nghe được những lời ấy!

Thưa ngài A Nan! Chuyển Luân Thánh Vương chỉ có chút ít phước đức mà còn không bệnh, huống chi Như Lai là thân Kim Cương hội tụ vô lượng phước đức!

Hãy đi đi, ngài A Nan! Đừng để chúng tôi phải chịu sự xấu hổ đó! Hàng ngoại đạo Phạm Chí họ nghe được những điều đó, họ sẽ nghĩ gì về một bậc thầy của chúng ta!

Bản thân một vị thầy có bệnh mà không thể tự cứu thì làm sao cứu bệnh cho ai? Ngài hãy âm thầm đi nhanh đi. Đừng để lộ ra cho người ngoài nghe biết!

A Nan! Ngài nên biết rằng: Thân của Như Laipháp thân, không phải thân do tư dục. Phật là bậc Thế Tôn vượt ngoài tam giới. Thân Phật vô lậu, vì các lậu đã hết. Thân Phật vô vi, không mắc vào các số lượng. Thân như thế thì còn có bệnh gì?

Khi tôn giả A Nan nói thân Như Lai hơi có bệnh là ông muốn nói về Ứng thân, tha thọ dụng thân hay biến hóa thân là thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Thân nầy là thân vô thường nên phải chịu sinh lão bệnh tử như tất cả mọi chúng sinh. Còn trưởng giả Duy Ma Cật lại nói về Pháp thân, là thân Kim Cương, bất sinh bất diệt thì làm sao có bệnh được. Ứng thân là thân sinh diệt thuộc về pháp hữu vi nên mới có bệnh. Còn Pháp thân là Chơn Không Diệu Tánh, là pháp vô vi, là vô lậu thì làm sao có bệnh tật được.

Con người sống trong thế gian gánh chịu trăm nổi phiền não khổ đau vì thế Phật mới thị hiện để khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến. Đức Phật đã dùng vô lượng phương tiện để trị vô lượng bệnh phiền não của chúng sinh vì thế mà Ngài được tôn xưng là Vô thượng Y Vương. Nhưng Vô thượng Y Vương là để trị tâm bệnh còn thân bệnh thì phải trị bằng thuốc men. Ông A Nan nói Như Lai có bệnh là ám chỉ Ứng thân. Mà Ứng thân thì do tứ đại hợp thành. Khi tứ đại hòa hợp thì yên ổn an vui còn khi tứ đại bất hòa thì sanh ra bệnh tật. Trong khi ông Duy Ma Cật nói thân của Đức PhậtPháp thân chớ không phải là thân tư dục tức là thân mà không do tư tưởng ái dục duyên hợp mà thành.

Thân Phật vô lậuĐức Phật luôn làm việc thiện, không còn tạo nghiệp nên khỏi phải rơi rớt trong lục đạo luân hồi. Thân Phật vô vi vì tâm Đức Phật thường trụ Niết bàn nên cho dù không làm, không tạo tác mà vẫn an nhiên, tự tại bất sinh bất diệt. Thân Phật không mắc vào số lượng tức là không bị hạn chế bởi không gianthời gian. Nếu là Ứng thân thì Đức Phật chỉ thọ có 80 tuổi và sống tại Ấn độ. Còn nói về Pháp thân thì thọ mạng bây giờ là vô cùng vô hạn. Vì Pháp thân bao trùm khắp mọi nơibất sanh bất diệt thì làm gì có tuổi mà nói. Không có thỉ mà cũng chẳng có chung, vô cùng vô tận. Vì thế nếu chúng sinh cảm nhận Pháp thân Phật thì ở đâu cũng có Phật và bất cứ lúc nào cũng có Phật trong tâm của chúng ta. Đây chính là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na. Đức Phật A Di Đà có tuổi thọ dài vô lượngám chỉ Pháp thân vậy.

Nói về Sự Tướng tức là pháp hữu vi có sinh có diệt thì ông A Nan nói đúng vì thân của Đức PhậtỨng thân. Còn nói về Bản Thể, là pháp vô vi bất sinh bất diệt, thanh tịnh bản nhiên thì ông Duy Ma Cật nói đúng vì thân Đức Phật bây giờ không còn là Ứng thân sinh diệt, có đau có bệnh mà là Pháp thân thanh tịnh bất sinh bất diệt thì làm gì có đau có bệnh.

Bạch Thế Tôn! Ông A Nan thưa. Lúc đó con rất là xấu hổ. Nghĩ rằng con được hầu bên Phật há lại nghe lầm ư? Liền đó, con tự nghe có tiếng trong không trung vọng đến: A Nan! Lời cư sĩ như thế là đúng, nhưng vì Phật xuất hiện trong đời ngũ trược ác thế, thị hiện ra việc làm như vậy nhằm giáo hóa độ chúng sinh. A Nan! Ông hãy đi xin sữa, đừng có hổ thẹn!

Sau bao năm làm thị giả A Nan rất hiểu ý Đức Phật vì thế khi nghe Phật nói hơi có bệnh thì A Nan biết mình không nghe lầm. Vì biết Phật có chút bệnh nên A Nan mới đi xin sữa mà sửa thì chưa có nhưng chỉ nghe ông Duy Ma Cật đuổi về thì làm sao A Nan không khỏi tủi thân, xấu hổ. Lúc A Nan còn đang phân vân là có nghe lầm không thì ông tự nghe có tiếng trong không trung vọng đến. Đây là lối diễn tả rất tinh xảo của Kinh Duy Ma Cậtnếu không hiểu rõ thì dễ dàng rơi vào mê tín dị đoan. Câu:”tự nghe có tiếng trong không trung vọng đến” không thể hiểu là tiếng nói của các vị Trời, các vị Bồ-tát hay ngay cả chư Phật mà hai chữ “tự nghe” nói lên sự thức tỉnh, bừng sáng từ trong tâm thức của ông A Nan. Vậy A Nan thức tỉnh cái gì?

Đối với A Nan là vị thị giả của Phật mà chưa chứng quả A La Hán thì chấp ngã, chấp pháp vẫn còn. Vì thế cái nhìn của A Nan đối với Đức Phật Thích Ca là thật, là Ứng thân thì phải có bệnh. Khác với thế giới Hiện Tượng hữu hình, có sinh có diệt, có bệnh tật, có đau khổ bất tịnh thì bây giờ ông Duy Ma Cật mới giới thiệu cho A Nan một thế giới về Bản Thể vô vi thanh tịnh, không sanh không diệt, vô cùng vô tậnthế giới của Pháp thân. Cho nên chữ “tự nghe” ở đây chính là sự thức tỉnh, là ánh đuốc chợt bừng sáng để soi chiếu tự tâm ông A Nan và cũng là chiếc cầu nối giúp ông chuyển từ hệ thống giáo lý phương tiện Tiểu thừa chật hẹp sang tư tưởng Liễu nghĩa thượng thừa rộng lớn. Pháp thân mới chính là lý tưởng cứu cánh, là Bản Lai Diện Mục, là con người thật của mình vậy.

“Tiếng vọng trong không trung” cũng có thể hiểu là “tiếng lòng” nói lên sự phản tỉnh của ông A Nan qua những giây phút tiếp nhận những dòng tư tưởng ấm cúng của ánh lửa Đại thừa mà Ông Duy Ma Cật chính là người đã khơi dậy ngọn lửa trong đống to tàn. Và cũng chính “tiếng lòng” đã nhắc nhở ông A Nan sự khác biệt giữa Ứng thânPháp thân. Pháp thânBản Thể thanh tịnh nên không bệnh. Còn Ứng thân là nhục thân thị hiện nên vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sanh, lão, bệnh, tử như tất cả mọi chúng sinh. Tuy Ứng thân Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, nhưng Ngài vẫn có bệnh như mọi người. Vì thế khi thân có bệnh cần có sữa để chửa trị thì cứ đi lấy, không e ngại chi cả.

Bạch Thế Tôn! Ông A Nan thưa. Ông Duy Ma Cật có sức trí tuệ biện tài vô ngại như thế, con không dám lãnh trách nhiệm đến thăm bệnh.

Ngoài mười vị đại đệ tử Thanh Văn nầy, còn có năm trăm vị

nữa ở trước Phật đến trình bày duyên cớ đã từng gặp ông Duy Ma cật trước kia.

Tất cả đồng xưng tán Trưởng giả Duy Ma Cật và đồng thưa lên Phật rằng không dám đi thăm bệnh.

Đây là một đoạn kinh rất hay vì đã phản ảnh rõ ràng sự thấy biết khác nhau giữa hàng Thanh văn và Bồ-tát. Ông A Nan tuy là đệ nhất đa văn nhưng vẫn còn nằm trong hàng Thanh văn nên cái thấy biết của ông là Pháp nhãn có nghĩa là ông nhìn vạn pháp chỉ thấy được Pháp Tướng tức là Hiện Tượng sinh diệt bên ngoài. Ngược lại ông Duy Ma Cật là vị đại Bồ-tát có trí tuệ sáng suốtbiện tài vô ngại nên cái thấy biết của ông chính là Pháp Tánh tức là Bản Thể thanh tịnh bất sanh bất diệt bên trong. Thấy Pháp Tướng thì nhìn Phật cũng chỉ thấy Phật Tướng. Do đó thấy Pháp Tướng thì rõ ràng là Phật có bệnh nên cần phải đi xin sữa. Ông Duy Ma Cật không nhìn Phật bằng Pháp Nhãn như ông A Nan mà nhìn bằng Tuệ Nhãn cho nên thay vì thấy Phật Tướng sinh diệt vô thường thì ông thấy Phật bằng Pháp Thân thanh tịnh bất sanh bất diệt. Cái hay cái tuyệt của đoạn kinh nầy không những chỉ cho chúng sinh thấy rõ sự khác nhau giữa Pháp TướngPháp Tánh hay Hiện TượngBản Thể mà nó còn dung hòa mọi tư tưởng, quy ba thân làm một. Khi đứng về Tướng và Dụng thì Ứng thân có bệnh. Còn đứng về Thể và Tánh thì Pháp thânThật Tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh. Do đó tuy nói là có Tướng, Dụng, Thể, Tánh hay Tiểu thừa, Đại thừa nhưng tất cả cùng quy về một mối là Nhất Thừa Phật Đạo, Sự Lý nhất như.

Khi đã thấy rõ sự khác nhau giữa Phật Tướng và Phật Tánh thì chúng ta có thể áp dụng chân lý nầy ngay vào trong đời sống của chính mình.

Lúc mới vào đạo Phật thì chúng ta đến chùa quy y Tam Bảo và được đặt cho một pháp danh thì đây là quy y thế gian trụ trì Tam Bảo. Phật bây giờ là những hình tượng trên bàn thờ tức là Phật Tướng để nhắc nhở chúng sinh những hình ảnh sống động lúc Phật còn tại thế khiến con ngườicảm tưởng như được đối diện với Đức Thế Tôn. Pháp được hiểu là tam tạng kinh điển và Tăng là Tăng đoàn. Quy y nầy chỉ là tạo duyên để học Phật mà thôi vì đây là Hiện Tượng tức là pháp hữu vi sinh diệt bên ngoài vì tượng Phật, tam tạng kinh điển ngay cả chư Tăng đều nằm trong luật vô thường sinh diệt.

Khi đã biết đạo rồi thì chúng sinh phải quay về với Nhất Thể Tam Bảo vì đây mới là Bản Thể, là pháp vô vi bất sinh bất diệt, là tính thanh tịnh bản nhiên có sẳn trong tất cả mọi người. Vì Bản ThểChân Không, là Pháp Tánh, là Pháp thân thì không hình không tướng, không kích thước nặng nhẹ, không sinh không diệt, không dơ không sạch, vô ngôn vô thuyết thì đâu có ngôn ngữ nào diễn tả cho được mà đặt pháp danh.

Một hôm Lục Tổ ra giữa đại chúng mà hỏi:

- Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không họ, không lưng, không mặt. Vậy các ông biết là vật gì chăng?

Ngài Thần Hội lúc đó khoảng mười hai mười ba tuổi bèn lanh lẹ bước ra nói:

- Dạ đó là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ quở:

- Đã nói là không tên, không họ mà ông lại kêu là bản nguyên, là Phật tánh thì cũng như lấy tranh che đầu mà thôi.

Có nhiều người hiểu lầm cho rằng Kinh Bát Nhã nói cái gì cũng không. Không Phật, không Niết Bàn vậy tu để làm gì? Kinh Kim Cang có câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là Phật dạy chúng sinh dùng trí tuệ Bát nhã phá trừ tất cả là cốt cho chúng ta không có chỗ bám. Vì nếu chúng sinh còn bám vào một giả danh hay giả tướng nào là còn kẹt trong vòng sanh diệt đối đãi và sẽ không thấy cái chơn thật nơi mình.

Một hôm có quan Đại phu họ Mã đến hỏi ngài Triệu Châu, một cao Tăng đời nhà Đường:

Hòa thượng gần đâytu hành gì không?

- Nếu nói tu hành là họa.

- Nếu ngài nói tu hành là họa, tại sao ngài dạy đại chúng tu?

Ngài cười.

Đây là đứng về mặt bất biến tức là Bản Thể mà nói. Vì Thể Tánh vốn nhất như nên không còn tu bởi vì nếu khởi tu tức là động. Mà động là còn sanh diệt tức là tai họa chớ là gì? Nhưng nếu đứng về mặt tùy duyên tức là Sự Tướng thì còn phải tu vì có tu mới có giải thoát. Phật pháptùy duyên cho nên nếu duyên phàm thì thành phàm còn duyên Thánh thì trở thành Thánh vì thế mà nói có tu, không tu là vậy. Do đó nếu không thông suốt sự khác biệt giữa Bản ThểSự Tướng mà chỉ hiểu một chiều thì vô cùng tai hại.

Nhất Thể Tam Bảo gồm có Phật tánh, Pháp tánh và Tăng tánh.

1)Phật tánh: Trong tất cả chúng ta không phân biệt là người Việt, người Tàu, người Tây hay người Mỹ đều có sẳn cái Phật tánh thanh tịnh bản nhiên. Cái Phật tánh nầy chính là Pháp thân mà ở Phật cũng không tăng và ở chúng sinh cũng không giảm. Phật tánh hay Pháp thân thì lúc nào cũng thanh tịnh, nhưng vô minh vọng chấp che lấp Phật tánh khiến con người sống trong điên đảo, khổ đau. Thí dụ như sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì tự nó luôn luôn thanh tịnh. Nhưng khi tiếp xúc với ngoại trần liền bị đắm nhiễm. Cũng như con mắt thì tự nó thanh tịnh, không ô nhiễm nhưng khi mắt nhìn thấy cái nhà đẹp, cành hoa xinh, chiếc xe tốt thì tâm liền phân biệt tạo thành ý niệm ham muốn. Ham muốn là tham tức là ô nhiễm. Ngay cả lục trần tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tự nó cũng có bản nhiên thanh tịnh, không ô nhiễm. Thí dụ như cành hoa đâu có mê hoặc ai đâu? Mê sắc là tại người chớ đâu phải tại hoa. Ngay cả rượu có làm ai say đâu? Thế mà con người chết lên chết xuống cũng vì rượu. Do đó nếu con người biết lìa vọng chấp, sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần thì tâm được thanh tịnh tức là thấy được Pháp thân hay Phật tánh hiện bày.

Ngày xưa ngài Huệ Tịch tới chỗ Thiền sư Trung Ấp thưa rằng:

- Bạch Hòa thượng! Thế nào là Phật tánh?

Ngài Trung Ấp nói:

- Ta không nói thẳng được nhưng dùng thí dụ nầy cho ông tạm hiểu: Như có con khỉ nhốt trong lồng có sáu cánh cửa. Bên ngoài một con khỉ khác tới kêu “Chéo! Chéo” thì con khỉ trong cũng đáp lại:”Chéo! Chéo” . Cứ như vậy con khỉ bên ngoài tới cửa nào cũng kêu thì con khỉ bên trong đều đáp lại hết.

Ngài Huệ Tịch liền hỏi lại:

- Bạch Hòa thượng! Nếu con khỉ bên trong ngủ thì sao?

Thiền sư Trung Ấp từ trên tòa bước xuống nắm lấy vai Huệ Tịch mà nói:

Chúng ta thấy nhau rồi.

Khi lục căn tiếp xúc với lúc trần thì sanh vọng thức mê lầm. Còn lục căn yên lặng không bị lục trần quyến rủ thì có tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnhchơn tâm, là Phật tánh vậy.

Trong Kinh A Di Đà, Phật dạy rằng:

- Hoặc một ngày cho đến bảy ngày niệm mà không niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn thì Phật hiện tiền. Cũng như đi, đứng, nằm, ngồi mà tâm hằng thanh tịnh, không một chút vọng niệm khởi thì Phật tánh hiện tiền.

Phật tánh tức là tự tánh A Di Đà. Bởi vì Phật A Di Đà là Phật có vô lượng thọvô lượng quang. Mà tuổi thọ vô lượng là chỉ cho cái bất sinh bất diệtvô lượng quang là ánh sáng trùm khắp vô cùng vô tậnKinh Lăng Nghiêm gọi là Chơn Tâm, Kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật, Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh, Kinh Hoa Nghiêm gọi là Trí Huệ Phật, Kinh Viên Giác gọi là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm. Đây chính là tự tánh thanh tịnh sẳn có nơi mỗi chúng ta mà lâu nay con người cứ lầm lẫn cho nó ở ngoài mình nên mãi rong ruỗi tìm cầu. Tu Thiền hay tu Tịnh độ thì cứu cánh không khác chỉ vì chúng sinh mắc kẹt trên hình thức nên thấy có sự sai khác. Ở Ấn Độ tuy cũng có nhiều tông phái khác nhau mà các Luận sư tuy nói khác nhau nhưng bản ý là cùng nhau hướng về giải thoát giác ngộ. Trong khi ở Trung Hoa, Việt Nam thì môn đồ của hai tông bài xích nhau chẳng khác cừu thù. Học Phật, tu Phật như thế không thể chứng ngộcon người còn mắc phải quá nhiều bệnh cố chấp.

Thật vậy con người có sự phân biệt tông nầy, phái nọ nhưng chân lý Phật pháp vốn không sai biệt. Phải biết rằng một câu niệm Phật hay câu trì chú chỉ là phương tiện chớ không phải là cứu cánh. Người mới học Phật pháp lại phát sinh ra nhiều ý kiến, phân chia tông nầy phái nọ, rồi khen mình chê người làm tổn hại giá trị giáo hóa vi diệu của Phật pháp.

Có người hỏi rằng Thiền chú trọng về tự lực trong khi tịnh độ thì chú trọng vào tha lực. Mà tự lựctha lực thì làm sao giống nhau?

Thật ra tâm Phật và tâm của chúng sinh không hề khác nhau. Tâm PhậtPhật tánh thì từ vô thủy đến nay vốn không sinh diệt, không hình tướng, không thuộc Có Không. Cái linh tri ấy có đủ bốn đức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Bởi vì cái linh tri nầy không sanh không diệt nên nói là Thường, lúc nào cũng an nhiên tự tại nên gọi là Lạc, là chủ sinh ra muôn pháp nên gọi là Ngã và không bị cấu nhiễm nên gọi là Tịnh. Chỉ vì chúng sinh cứ chấp vào tướng nên đi tìm tâm ở bên ngoài nên Phật và chúng sinh mới xa cách muôn trùng vì ta và tha nhân là hai thực thể khác nhau.

Nên biết rằng Tịnh độ không những chú trọng đến tha lực mà đòi hỏi cả công phu về tự lực nữa. Nguyên tắc căn bản của Tịnh độ là phải biết nghiêm trì sáu căn: mắt, tai, mũi. lưỡi, thân, ý và ba nghiệp tức là thân, khẩu, ý cho thật thanh tịnh để lúc niệm Phật được nhất tâm. Đó là phần tự lực. Do đó khi niệm hồng danh chư Phật thì tâm không hề có vọng tưởng thì con người sẽ cảm thông được với chơn tâm hay Phật tánh của chư Phật trong mười phương pháp giới. Thật ra tâm Phậtchúng sinh vốn nào có khác đều cùng một Bản Thể nhưng vì chúng sinh bị vô minh che lấp nên chưa ý thức được điều nầy vì thế mới có sự phân biệt, xa cách. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay đã gây ra biết bao tội nghiệp. Cho dù công phu tu tập đến đâu cũng khó trong một đờigiải trừ được hết nghiệp chướng nên phải nương nhờ oai lực ở câu niệm Phật để tiêu trừ bớt nghiệp ngỏ hầu giúp cho tín căntín lực gia tăng mà được vãng sanh. Đó là phần tha lực.

Tóm lại, Tịnh độ bao gồm cả tha lựctự lực, tuy giản dị nhưng công năng vô cùng huyền diệu. Chúng sinh phải nắm vững những quy tắc căn bản của Tịnh độnếu không ý thức việc nghiêm trì sáu căn và ba nghiệp mà chỉ trông nhờ vào tha lực tiếp dẫn mà thôi là một thiếu sót rất lớn. Thiếu tự lực thì không có nhất tâm mà không nhất tâm thì làm sao thông cảm được với chơn tâm của chư Phật. Có một số người niệm Phật để cầu phước hay để xin xỏ việc nầy việc nọ thì cũng là đi ngược lại vời tông chỉ của Tịnh độ. Khi thiếu tâm thành mà chỉ mong cầu nầy nọ là tham lam mà đã là tham lam thì làm sao có kết quả được. Đối với người tu Tịnh độ thì không cần xin gì ngoài việc vãng sanh về cõi Tây phương với Phật A Di Đà.

Chúng ta bây giờ tự hỏi Tổ Bồ-đề Đạt Ma ngồi quay mặt vô tường suốt chín năm để suy gẫm điều gì?

Phải chăng ngài gẫm thấy tâm tức là Phật, Phật tức là chúng sinh. Khi mê thì có chúng sinh, có Phật nhưng khi ngộ thì Phật và chúng sinh vốn nào có khác. Phật tánh, chơn tâm thì không nhơ, không sạch, không sinh không diệt. Ở chúng sinh nó không tăng mà ở Phật nó cũng không giảm cho nên Ngài vượt thoát ra khỏi mọi phiền não khổ đau, ra khỏi sinh tử luân hồiđạt đến Niết bàn giải thoát.

Có người lại thắc mắc rằng Tổ Bồ-đề không hề nói đến Phật A Di Đà hay cõi Tây phương Cực lạc?

Thật vậy. Nhưng nghĩ lại là nếu có người dân quê hiền lành chất phác đến nghe pháp mà Tổ lại giảng về lý Không, pháp Tánh, pháp Tướng hay nguyên lý Bất nhị thì những điều nầy đâu có ý nghĩa gì đối với họ. Phải chăng đó là những danh từ trừu tượng trống rỗng, không thể hiểu và không có lợi ích gì? Nhưng nếu giảng cho họ về Đức Phật A Di Đà và những hạnh nguyện tiếp dẫn của Ngài để được về cõi Tây phương Cực lạc thì họ sẽ hiểu, sẽ tin và phát tâm muốn được sanh về cõi đó. Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, biết chú tâm vào hồng danh nầy khi làm ruộng, lúc nghĩ ngơi, khi gặt lúa cho đến lúc nhất tâm bất loạn thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt, có chúng sinh có Phật sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ được thực tại mầu nhiệm ngay. Dù chúng ta gọi nó là tha lực tiếp dẫn của Đức A Di Đà, gọi là thiền, gọi là mật, gọi là giáo thì đâu có khác biệt gì đâu? Cái khả năng giải thoátcon người cho rằng vốn ở bên ngoài tức là tha lực thật ra vẫn ở bên trong tức là tự lực thì lúc nào vẫn sẳn có trong ta. Đó chính là cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên vĩnh hằng trong tất cả mọi chúng sinh. Như thế khi hiểu rõ những chân lý nầy thì tùy theo ý thích của mỗi người mà bàn về thiền hay tịnh độ. Thiền cũng tốt mà Tịnh cũng hay. Người học Phật nếu đọc qua cuốn “Tông Cảnh Lục” và “Muôn Thiện đồng quy” của Tổ Vĩnh Minh hay trong”Bồ-tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông” thì Tịnh độ cũng phát xuất từ tự tánh, xả bỏ vọng tưởng, quay về nguồn chân nên chớ hướng ngoại tìm cầu. Nếu chúng sinh niệm danh hiệu Phật A Di Đà để dẹp trừ vọng tưởng, chấp trước thì mỗi câu niệm sẽ quét sạch vọng tưởng làm tâm thanh tịnh. Vì thế kinh mới có câu:”Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà” là vậy. Như thế thì cái mà Tổ Bồ-đề Đạt Ma chứng trong lúc ngồi thiền và người nông phu chất phác chứng ngộ trong khi niệm hồng danh Phật A Di Đà có khác gì nhau. Thiền gọi nó là Minh Tâm Kiến Tánh trong khi Tịnh gọi là Nhất Tâm Bất Loạn thì cùng một ý nghĩa tức là họ đã thấy được Phật tánh, chơn tâm hay tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình vậy thôi.

Phải biết rằng Thiền, Tịnh, Mật đều là những con đường khác nhau, phương tiện khác nhau nhưng đều dẫn đến một mục đíchgiải thoát giác ngộ. Cũng như nếu nhìn từ đỉnh núi xuống thì có vô số con đường dẫn lên núi nhưng nếu từ chân núi nhìn lên thì chỉ có một đỉnh núi cao mà thôi. Tịnh độ tông hay niệm Phật A Di Đàphương pháp tập trung tư tưởng để trì niệm hồng danh chư Phật cho đến chỗ nhất tâm bất loạn. Khi tâm không còn loạn động, không còn phiền não và không còn điên đảo thì sẽ có trí tuệ sáng suốt. Mật tông thì cũng thế, thay vì niệm hồng danh chư Phật thì người tu trì thần chú, mật ngữ của chư Phật để đạt đến nhất tâm. Khi biết phối hợp âm thanh (chú) với cử chỉ (ấn quyết) và tâm ý (Tam Ma Địa) thì đạt được tam mật tương ưng tức Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh.

Khi không còn vọng niệm, đạt đến trạng thái như như bất động thì làm gì còn phiền não. Sau cùng Thiền là phương pháp sử dụng trí tuệ bằng cách nhìn thẳng vào thực tánh của vạn pháp. Vì vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn nên trên đời nầy đâu có cái gì thật đâu mà phải quan tâm, bận lòng. Khi tâm không loạn động thì sẽ có Định. Mà có Định thì phiền não không còn, khổ đau tan biến. Tóm lại về mặt hình thức tuy có khác nhưng tựu trung ba phương pháp cũng đều quay về để diệt trừ vọng niệm, dứt sạch mọi phiền não để chấm dứt khổ đau và giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Đây chính là một là tất cả và tất cả là một vậy.

2)Pháp tánh: là cái nhận biết cho phù hợp với chân lý, đúng với chân lý tức là có chánh tri chánh kiến để đưa con người đến chỗ thanh tịnh, an vui và tự tại.

3)Tăng tánh: Phật tánh là tánh thanh tịnh bản nhiên ở trong ta và Pháp tánh là cái trí tuệ của ta như thế Tăng tánh là tánh hòa hợp của tánh thanh tịnh bản nhiêntrí tuệ sáng tỏ trong ta để tránh xa mọi ô nhiễm bên ngoài.

Quy y Nhất Thể Tam Bảo mới chính thậtquay về để sống với con người chân thật mà bấy lâu đã bị vô minh che lấp làm cho chúng ta sống trong điên đảo khổ đau. Con người chân thật nầy không ai khác hơn là Bản Lai Diện Mục, là Chơn tâm, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, là Phật tánh có sẳn trong tất cả mọi người.

 

Phần Tóm lược Phẩm Đệ Tử

Trong phẩm đệ tử nầy chúng ta có cơ hội học hỏi sự trao đổi kiến thức của mười vị đại đệ tử của Phật với ông Duy Ma Cật, một vị đại Bồ táttrí tuệ vô songbiện tài vô ngại. Tuy hoàn cảnh có khác, nhưng tựu trung cũng nhắm vào một đối tượng duy nhấtviên thành Phật đạo. Mà con đường để đạt đến cứu cánh tột đỉnh nầy là phải thấu suốt thật tướng của vạn pháp. Mà thật tướng chính là Bản Thể, là Chơn Như, là Phật tánh, là tính thanh tịnh bản nhiên có sẳn trong tất cả mọi người. Vì thế Kinh Kim Cang mới có câu:”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” nghĩa là tất cả những gì trong thế gian vủ trụ nầy mà có hình tướng thì là giả huyễn, không thật. Còn nếu thấy được thật tướng của vạn pháp thì thấy được Chân Lý.

Tuy mười vị đại đệ tử của Phật đã phá được chấp ngã nên họ lìa xa được phiền não khổ đau, nhưng chấp pháp vẫn còn. Đó là họ thấy con người là thật, thế gian vủ trụ là thật nên muốn xa lánh cuộc đời để không còn bị ô nhiễmtinh tấn tu hành để được an vui tịch diệt Niết bàn. Trưởng giả Duy Ma Cật là người đại diện cho Phật giới thiệu cho họ con đường Đại thừa rộng lớn để phá luôn chấp tướng thì mới viên thành Phật quả. Khi nói “vạn pháp giai Không” thì ông Duy Ma Cật đã đưa họ vào một thế giới vô cùng vô tận. Thế giới của Chân Không Diệu Tánh, không hình không tướng, không phiền não khổ đau, không cầu không đắc, hoàn toàn thanh tịnh. Chính ông Duy Ma Cật đã nắm tay đưa họ từ thế giới vật chất hữu hình hữu hoại sang một thế giới vô vi thanh tịnh. Khi đã biết và sống trong thế giới của Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì con người sẽ không còn lo sợ, mộng tưởng điên đảo mà lúc nào cũng an vui tự tại. Tâm Kinh dạy rằng:”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” thì con người sẽ không còn phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa, hữu vi hay vô vi mà tất cả đều quy về Nhất thừa Phật đạo, lìa bỏ hai bên để nhập vào pháp môn Bất Nhị. Vì sự huyền diệu của kinh nên chúng ta cần phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, diệt trừ lòng mê mờ chấp ngã chấp pháp ngỏ hầu phát huy trí tuệ sẳn có trong chúng tatrực nhận Chân lý để được tự giác rồi giác thađạt đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn.

Tạo bài viết
15/10/2010(Xem: 48850)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: