Ái Dục Phẩm, Pháp Cú Kinh- phần 1 - Thầy Làng Mai
Phiên tả: Chân Giác Lưu
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán Tạng. Chữ "ái ân" nằm ngay trong bài kệ thứ ba của kinh, câu “Nhân vi ân ái hoặc”. Trong kinh có sử dụng hình ảnh chiếc lưới để ví với sự mất tự do của một người khi bị vướng vào ái dục. Chữ lưới được lặp lại hai lần (ái võng và dục võng), vì vậy ý niệm về chiếc lưới thấy rất rõ trong kinh. Mới đọc qua kinh chúng ta có cảm tưởng kinh được dạy riêng cho người xuất gia, nhưng nghiên cứu kỹ chúng ta thấy những người tại gia cũng có thể thừa hưởng rất nhiều từ kinh này. Những người tại gia, dù sống đời sống lứa đôi, dù đã có vợ, có chồng nhưng vẫn có thể bị sa vào lưới ân ái rồi gây khổ đau và làm tan nát gia đình của mình và gia đình người khác.
Đứng về phương diện hành trì thì người xuất gia dễ thực tập hơn người tại gia, tại vì người xuất gia sống trong một môi trường rất thuận lợi cho sự thực tập. Những vị xuất gia tại Làng Mai vì không xem truyền hình, không đọc tiểu thuyết tình cảm nên không thấy những hình ảnh khêu khợi ái dục trong phim ảnh hay sách báo, do đó hạt giống ái dục không bị tưới tẩm. Trong khi đó, người tại gia sống ngoài đời, phải tiếp xúc, chung đụng, lại không có những giới luật và uy nghi bảo hộ nên những hạt giống của ái dục rất dễ bị tưới tẩm. Đứng về phương diện đó mà nói thì tu tại gia và tu chợ khó hơn tu chùa. Con đường xuất gia vốn là con đường dễ nhất, còn hành trì với tính cách cư sĩ thì khó hơn. Vì vậy, ban đầu Đức Thế Tôn có ý dạy kinh này cho những người xuất gia nhưng những người tại gia cũng phải nên học.
Ngày hôm qua các thầy, các sư cô có trách nhiệm dịch kinh ra tiếng Anh và tiếng Pháp hơi băn khoăn, không biết nên dịch chữ “ái dục” như thế nào. Mình có thể dịch chữ ái là love. Ái không phải chỉ là tình cảm giữa nam và nữ mà nó còn có nghĩa khác là lòng nhân ái, là tình người, tình yêu nhân loại. Yêu nước là ái quốc. Ái nhân như ái thân (thương người như thể thương thân). Chữ ái không có nghĩa là vướng mắc mà có nghĩa là thương yêu.
Chữ dục đứng riêng thì có nghĩa là khao khát, thèm muốn, mình có thể dịch là desire. Khi hai chữ đứng riêng ra thì rất dễ dịch: một bên là tình thương (ái) và một bên là ham muốn (dục). Nhưng khi gộp hai chữ lại thành chữ ái dục thì hơi khó dịch tại vì trong ái có dục. Giới thứ ba của Năm Giới có nói: Tình yêu và tình dục là hai cái khác nhau. Khi văn bản của Năm giới tân tu đưa ra thì đã nhận được sự phản ứng rất thuận lợi của các bạn Tây phương. Các bạn chấp nhận một cách dễ dàng câu: Tình yêu và tình dục là hai cái khác nhau.
Tên của kinh, trong nguyên văn là Ái Dục Phẩm, mình có thể dịch là “Sensual love”, “L’amour sensuel”. Ở Tây phương có thứ tình yêu gọi là tình yêu suông (amour platonique) tức là tình yêu không có sự chung đụng xác thịt. Thi sĩ Pháp Félix Arvers có làm một bài thơ rất nổi tiếng tên “Sonnet d’Arvers “ nói về tình yêu không có xác thịt:
Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
Đọc bài thơ của thi sĩ Arvers ta thấy trong đó chất chứa một khối khổ đau. Mình yêu người đó nhưng người đó không biết và mình vẫn cứ âm thầm yêu. Yêu mà mang một nỗi thảm sầu thì tình yêu ấy chẳng vui vẻ, hạnh phúc gì. Tình yêu suông (l’amour platonique ) cũng đem lại biết bao nhiêu khổ đau, vì trong đó có sự vướng mắc, vướng vào đó thì mình cũng đánh mất tự do, tình yêu ấy không nằm trong tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ và xả).
Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi
Người dù ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Đường đời lặng lẽ bước tiên
Ngờ đâu chân đạp lên trên mối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng:
Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?
Người dịch bài thơ này là nhà văn Khái Hưng. Bài thơ của Félix Arvers rất nổi tiếng, người Pháp hầu như ai cũng thuộc bài thơ này. Thi sĩ sống vào nửa đầu thế kỷ thứ 19 và làm bài thơ này lúc 25 tuổi. Dưới đây là nguyên văn tiếng Pháp của bài thơ:
Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment conçu:
Le mal est sans espoir, aussi j'ai dû le taire,
Et celle qui l'a fait n'en a jamais rien su.
Hélas! j'aurai passé près d'elle inaperçu,
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire;
Et j'aurai jusqu'au bout fait mon temps sur la terre,
N'osant rien demander et n'ayant rien reçu.
Pour elle, quoique Dieu l'ait faite douce et tendre,
Elle ira son chemin, distraite et sans entendre
Ce murmure d'amour élevé sur ses pas.
l'austère devoir pieusement fidèle,
Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle:
"Quelle est donc cette femme ?" Et ne comprendra pas!
Bản kinh mà chúng ta đang học được trích trong Kinh Pháp Cú Hán Tạng. Kinh Pháp Cú Hán Tạng là kinh số 210 trong Đại Tạng Taisho, có tất cả 39 phẩm và 752 bài kệ. Kinh Pháp Tập Yếu Tụng là kinh số 213 trong Đại Tạng Tân Tu và có 32 phẩm. Cuối cùng chúng ta có Dhammapada (Kinh Pháp Cú) của tạng Pali, có 26 phẩm và 403 bài kệ. Kinh Pháp Cú Hán Tạng được dịch vào thế kỷ thứ ba, Kinh Pháp Tập Yếu Tụng được dịch vào thế kỷ thứ mười nên kinh trước có sớm hơn kinh sau khoảng 700 năm.
Chúng ta có ba kinh nói về ái dục, một kinh bằng tiếng Pali và hai kinh bằng chữ Hán. Khi nghiên cứu ba kinh tôi thấy bài kinh trong kinh Pháp Cú Hán Tạng là hay nhất. Kinh được dịch vào khoảng năm 225 tức nửa đầu của thế kỷ thứ ba. Phẩm Ái Dục còn có trong kinh Pháp Tập Yếu Tụng, hình như được dịch vào thế kỷ thứ 10, lời văn chải chuốt hơn nhưng không hay và không đầy đủ bằng bản trước. Bản văn chúng ta đang học hay hơn cả bản văn trong tạng Pali nên tôi chọn bản này. Khi học, có thể quý vị sẽ thích thú khi so sánh bản văn này với bản văn tạng Pali và với phẩm Ái Dục của Kinh Pháp Tập Yếu Tụng.
Chúng ta hãy cùng đọc bản văn bằng tiếng Việt:
1.
Tâm ý đi về hướng ái dục thì cây ái dục sẽ đâm chồi trổ nhánh rất mau.
Tâm ý phân tán vì đối tượng ái dục sẽ làm cho lửa ái dục bừng cháy trong ta.
Kẻ đi tìm ái dục cũng giống như một con vượn chuyền cành tìm trái, từ cành này sang cành khác.
2.
Ái dục buộc mình phải gánh chịu khổ đau.
Ái dục làm cho mình bị vướng mắc vào cuộc sống trần tục.
Những lo lắng và hoạn nạn do ái dục đưa tới cứ tăng trưởng đêm ngày, mọc kín như cỏ tranh.
3.
Bị ái ân mê hoặc người ta sớm muộn gì cũng sẽ bị vướng vào dục tình.
Cái lo lắng kia càng ngày càng lớn, giống như dòng nước rỉ, rỉ mãi cũng đầy hồ.
4.
Ở đời có nhiều thứ lo lắng và đau buồn, nhưng không có thứ lo buồn nào lớn hơn cái lo buồn do ái dục đem lại.
Buông bỏ được ái dục mới hết lo buồn.
5.
Muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm dứt bỏ ái ân.
Không
ân ái thì không còn phải đi vòng quanh trong cõi luân hồi, không còn phải mang nặng ưu tư, không còn thấp thỏm mong cầu những gì ô nhiễm.
Không còn ái nhiễm thì sẽ được thực sự an vui.
6.
Ân ái thâm trọng thì đến giờ lâm chung, bao quanh bởi những người thân thuộc, sẽ thấy con đường của lo lắng và sầu khổ dài như thế nào.
Cái khổ do ân ái gây nên thường đưa ta tới những hoàn cảnh không an toàn, đầy tai ách.
7. Là người tu đạo, ta không nên đi về hướng ái dục.
Phải bắt đầu bằng cách tìm diệt tận gốc cái cây ái dục để cho những cái rễ của nó không còn có thể đâm chồi lên được.
Đừng làm như cắt cỏ lau, để sau khi được cắt rồi lau lại mọc lên như cũ.
8. Gốc cây ái dục sâu và vững. Tuy cây đã bị đốn, nhưng cành lá vẫn có thể sinh ra trở lại.
Tâm ái dục chưa dứt trừ thì theo lẽ thường cái khổ do ái dục đem tới vẫn còn trở lại như thường.
9.
Như con vượn nhảy ra khỏi cây
này thì lại nhảy vào cây khác, người đời cũng thế, ra khỏi được một ngục tù ái dục này rồi lại lao mình vào một ngục tù ái dục khác.
10.
Tâm ái dục là một dòng chảy thường xuôi theo dòng tập khí và dòng kiêu mạn.
Những
tư duy và nhận thức của ta đều có thể được tô điểm theo màu sắc ái dục
và do đó chính mình tự che lấp sự thật và không thấy được sự thật.
11.
Dòng suối tâm ý ấy cứ mặc tình trôi chảy khiến cho những nút thắt ái dục đan kết lại với nhau chằng chịt.
Chỉ
có tuệ giác chân thực mới có khả năng phân biệt và thấy rõ được đìều này và giúp ta đoạn trừ được căn nguyên của nó nơi tâm ý.
12.
Dòng suối ái dục thấm vào tư duy và nhận thức để lớn mạnh và quấn vào nhau.
Nguồn suối ái dục sâu không đáy kia làm cho cái già và cái chết tăng trưởng một cách rất mau chóng.
13.
Những cành nhánh của cây ái dục cứ tiếp tục sinh trưởng không dừng nghỉ cũng bởi vì chúng được nuôi
dưỡng bằng thực phẩm ái dục.
Thực phẩm này nuôi dưỡng oán hận, un thành gò thành đống.
Người thiếu trí tuệ thì cứ nôn nóng đi về hướng ấy.
14.
Trong ngục thất có gông có cùm, nhưng người có trí tuệ không thấy những dụng cụ này là thứ gông cùm vững chắc nhất.
Cái loại gông cùm ái nhiễm cột người ta vào vòng hệ lụy mới thật là loại gông cùm kiên cố.
15.
Người có trí tuệ thấy ái dục là một thứ ngục tù kiên cố, khó thoát ra khỏi.
Người ấy biết rõ rằng phải đoạn trừ ái dục thì mới thực sự được an vui.
16.
Thấy sắc mà bị mê hoặc đó là vì không biết quán vô thường.
Kẻ
u mê tưởng rằng cái sắc ấy là một cái gì lành và đẹp, không biết rằng cái bóng dáng bên ngoài kia không chứa đựng được một cái gì bền bỉ chắc
thật bên trong nó.
17.
Tự nhốt mình trong sắc dục thì cũng như con tằm kéo chiếc kén để tự mình giam hãm lấy mình.
Bậc
trí giả có khả năng đoạn trừ và buông bỏ dục tưởng, không thiết tha gì
đến những đối tượng ái dục, cho nên mới tránh thoát khỏi mọi khổ nạn.
18.
Kẻ có tâm ý phóng đãng khi nhìn vào một đối tượng ái dục thì có thể cho đó là một cái gì tinh khiết,
không biết rằng sự tăng trưởng lớn mạnh của ái ân sẽ đem tới bao nhiêu hệ lụy tù ngục sau này.
19.
Những ai thực tập chánh niệm sẽ có khả năng thấy được rằng cái đối tượng của ái dục kia là bất tịnh,
do đó diệt trừ được dục ý, ra khỏi ngục tù và thoát khỏi tai nạn già và chết.
20-21.
Tự quấn lấy mình trong chiếc
lưới ái dục, tự che mình bằng chiếc dù ái dục là tự trói mình trong vòng hệ lụy như con cá tự chui vào trong một chiếc nơm,
bị cái già và cái chết bắt theo và luẩn quẩn bên cạnh đối tượng ấy như một con bê đi tìm vú mẹ.
Lìa
bỏ được dục, không đi theo vết xe của ái, thì có thể vượt thoát ra ngoài chiếc lưới ái ân, không còn bị bất cứ một cái gì làm hại nữa.
22.
Đi trọn được con đường, cởi bỏ được mọi ràng buộc hệ lụy, giải phóng được mọi phân biệt kỳ thị,
vượt qua được các ý niệm lưỡng nguyên, đó mới thật là bậc xuất sĩ đại trí.
23.
Đừng thân cận với những kẻ đi ngược chánh pháp cũng đừng bị lôi kéo theo con đường ái nhiễm.
Nếu chưa vượt thoát được thời gian, thì hành giả vẫn còn bị kẹt vào cái thấy nhị nguyên.
24.
Thấy và hiểu được tự tánh các pháp, không còn bị vướng vào một pháp nào, biết cách gỡ ra được mọi
sợi dây ái dục trong tâm ý, như thế là đã nắm được ý chỉ của Bụt.
25.
Trong các thứ hiến tặng, hiến tặng chánh pháp là quý hơn cả. Trong các mùi hương, hương đạo đức là thơm tho hơn hết.
Trong các thứ hạnh phúc, được sống trong chánh pháp là hạnh phúc lớn nhất.
Không có phương pháp nào chiến thắng được khổ đau một cách tận cùng bằng sự thực tập chấm dứt ái dục.
26-27.
Người u mê thường lấy sợi dây tham dục để tự trói mình.
Người ấy chưa có ước mong vượt sang bờ bên kia. Tham dục gây bại hoại, đem lại tai họa cho mình và cho kẻ khác.
Tâm tham dục là ruộng đất, tham sân si là hạt giống.
Đối với người có khả năng bố thí và độ đời thì những phúc đức thu hoạch được không thể đo lường.
28.
Người đồng hành thì ít, hàng hóa chuyên chở thì nhiều, kẻ thương nhân lâm vào trạng thái lo lắng kinh sợ.
Biết rằng cái đam mê dục lạc là tên giặc, có thể làm tổn hại thân mạng của mình, bậc trí giả không còn chạy theo tham dục.
29.
Năm thứ tham dục phát sinh khi tâm mình cảm thấy có sự khả ý.
Mau chóng chấm dứt được cả năm thứ tham dục, đó mới thật là người dũng sĩ.
30. Hết tham dục thì không còn sợ hãi. Lúc ấy ta mới được thảnh thơi an lạc.
Dục hết thì kiết sử cũng hết, do đó hành giả ra khỏi được vực sâu.
31.
Này ái dục ta ơi, ta biết gốc gác của mi rồi: Dục ý là từ ước muốn và nhận thức sai lầm mà phát khởi.
Nay ta không còn ước muốn và nhận thức sai lầm về mi thì làm sao mi còn có thể phát sinh?
32.
Đốn cây ái dục mà không tận gốc thì cây ái dục sẽ mọc trở lại.
Đốn cây ái dục mà tận gốc thì vị xuất sĩ đạt tới Niết Bàn.
33.
Nếu không chịu chặt cây ái dục thì cành lá ái dục ít nhiều vẫn còn phát sinh.
Tâm còn vướng vào ái dục thì người ta vẫn còn như một con bê phải luôn luôn cần đến vú mẹ.
Trong bài kệ 26 có câu: Người u mê thường lấy sợi dây tham dục để tự trói mình và trong bài kệ thứ 20 nói: Mình tự quấn lấy mình trong chiếc lưới ái dục. Không phải người khác tới bắt mình nhốt vào mà chính mình tự nhốt mình. Trong kinh có sử dụng hình ảnh con cá tự chui vào trong chiếc nơm, con tằm tự kéo kén để nằm trong đó. Cái nơm nhốt con cá, chiếc kén giam hãm con tằm. Đó là do chính mình làm ra, đó là vì mình muốn như vậy chứ không ai bắt ép mình.
Trong Truyện Kiều, lúc sư Giác Duyên tham vấn với đạo cô Tam Hợp để hỏi về tương lai của Kiều thì đạo cô nói rằng Kiều sẽ còn phải khổ đau nhiều lắm tại vì Kiều còn vướng vào lưới tình. Đạo cô nói:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình
Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối quỷ dẫn đàng
Lại tìm những chốn đoạn tràng mà đi
Kinh nói rất rõ: tại mình chứ không phải tại người khác. Trong đạo Bụt, Bụt dạy rất nhiều về vấn đề thương yêu. Chúng ta đã có một cuốn sách tựa là “Teaching on love” (Bụt dạy thương yêu). Thương yêu có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc và bình an cho con người. Nhưng thương yêu và ái dục có khác nhau, thương như thế nào để đừng làm ra một chiếc lưới tự nhốt mình và nhốt người kia, thương như thế nào để đừng gây khổ đau cho mình và cho người kia. Thương như vậy mới đúng là thương, cho nên Tứ Vô Lượng Tâm là con đường thương yêu của Bụt dạy mà mình phải học.
Trong phòng khách của chùa Tây Thiên ở Huế có một câu đối, trong đó các thầy dùng chữ rất táo bạo:
Bất tục tức tiên cốt 不 俗 即 仙 骨
Đa tình thị Phật tâm 多 情 是 佛 心
Bất tục tức tiên cốt: Bất tục là không có trần tục 俗. Cốt là xương, người có cốt của tiên thì nhẹ nhàng, không có tục lụy, không có cái thô tháo của trần tục. Xương của tiên không có mùi tục lụy, nếu muốn làm tiên thì phải rời xa tục lụy.
Đa tình thị Phật tâm: Trái tim của Bụt có rất nhiều tình (đa tình). Tình mà Bụt dạy là cái tình rộng lớn. Câu đối này nói Bụt là một người đa tình, tức Bụt là người có tình thương rất lớn. Nhờ có tình thương lớn nên Bụt mới ôm trọn được thế gian. Tâm bảo thái hư là tấm lòng ôm trọn cả thế gian.
Chúng ta là con cháu của tổ Lâm Tế. Tổ dạy, hễ là con người thì mình có thể thành Bụt, người nào cũng có thể thành Bụt. Nhưng khi thành Bụt rồi mình vẫn tiếp tục được làm người, có nghĩa là thành Bụt rồi thì không phải là hết được làm người, mình vẫn là một con người. Điều kiện tiên quyết để thành Bụt là phải là một con người, cho nên chúng ta có giáo lý : Phật sanh bất nhị (the non duality of Buddhas and human beings).
Đã là con người thì phải có hạt giống của tình dục. Con người được làm bằng năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), con người có hình hài, có cảm thọ. Nếu nhìn Bụt như một con người (sách “Đường xưa mây trắng” giúp chúng ta nhìn Bụt như một con người mà không phải là một vị thần linh) thì chúng ta thấy rõ là trong con người của Bụt cũng có hạt giống của tình dục. Bụt đi xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi, mới có 35 tuổi là còn rất trẻ nên năng lượng tình dục vẫn còn trong con người đó. Bụt vẫn còn là con người như mình. Nhưng tại vì khi thành Bụt rồi thì mình có đủ trí tuệ, có đủ thương yêu, đủ tinh thần trách nhiệm, đủ tuệ giác cho nên mình biết xử lý năng lượng tình dục của mình một cách dễ dàng.
Ai nói Bụt không có yêu thương? Bụt yêu thương rất nhiều, tim Bụt vốn đa tình. Mình phải thấy rằng, hễ là con ngươì thì có hạt giống của tình dục. Tình yêu phần nào có gốc rễ trong tình dục, chúng ta phải công nhận chuyện đó. Sự khao khát có cơ hội để thương yêu và được thương yêu có mặt trong tất cả mọi người chúng ta. Tu tập không phải là để quét sạch, để lấy đi hết những thứ đó; lấy đi hết những thứ đó thì mình không còn là con người nữa. Mình tu tập là để có đủ khả năng đối phó với những thứ đó, cười với nó khiến nó không làm gì được mình. Hễ là con người, có một hình hài thì còn những hạt giống tình dục. Thỉnh thoảng khi nó trở về, mình có chánh niệm có tuệ giác, mình mỉm cười với nó và mình được tiếp tục làm người. Bụt đã thành Phật rồi mà vẫn tiếp tục làm một con người, vì vậy mình mới tới được gần Bụt. Nếu Bụt là một vị thần linh thì làm sao mình tới gần được? Và nếu Bụt xử lý được năng lượng tình dục thì mình làm cũng được như Bụt.
Khi đã chọn con đường xuất gia thì mình phải khép lại cánh cửa ái ân. Như vậy không có nghĩa là mình cho ái ân là một tội ác, nhưng tại vì có nhiều con đường và mình đã chọn một con đường, con đường đó là con đường thương yêu lớn, con đường thương yêu của Bụt, con đường không bị hệ lụy. Con đường này không làm mình khổ và đem lại niềm vui cho rất nhiều người khác. Sau khi lựa chọn rồi thì mình phải đóng cánh cửa kia lại; mình không thể bắt cá hai tay, vừa muốn làm cái này lại vừa muốn làm các kia.
Mình thương mẹ, nhưng mình có lý tưởng xuất gia nên mình phải xuất gia thôi, mình không thể ở nhà để ăn chuối ba hương, ăn xôi nếp một, ăn đường mía lau. Ở đời luôn luôn phải có sự chọn lựa, đã chọn lựa rồi thì mình phải đi con đường đó chứ đừng thụt tới thụt lui để rốt cuộc cũng không đi được tới đâu. Mình có quyền làm người, Bụt có quyền làm người. Nhờ cách học làm người cho đàng hoàng nên mình có thể thành Bụt.
Kinh này có những bài kệ rất sâu, mình phải học từ từ.
Đọc kinh cẩn thận, mình thấy Bụt chỉ cho mình nguồn gốc của ái dục gọi là dục ý 欲 意. Dục ý là cái tâm muốn đi về hướng đó, khi có dục ý rồi thì mình không còn bình an nữa. Thi sĩ Xuân Diệu làm một bài thơ bốn câu để giải nghĩa tình yêu là gì:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
Có nghĩa gì đâu? Một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
Tự nhiên mình có một cảm giác nhớ nhung và thiếu vắng, đó là định nghĩa của Xuân Diệu về tình yêu. Hễ yêu là thấy nhớ nhung, thấy thiếu vắng. Mình đổ lỗi tại nắng nhạt, mây nhẹ và gió hiu hiu, nhưng có người khác đứng cạnh mình, trời cũng có nắng nhạt, mây nhẹ và gió hiu hiu nhưng người ta có làm sao đâu. Thế nên trước đó đã có cái gì rồi chứ không phải là tự dưng.
Theo sự phân tích của Bụt thì ban đầu phải có xúc, sparśa (contact), xúc giữa mắt và hình ảnh, xúc giữa lỗ tai với âm thanh. Xúc đi với tác ý (attention), manaskara. Tại sao mình không chú ý tới cái khác mà lại chú ý tới cái đó? Có nhiều loại tác ý, có loại tác ý có lợi cho sự tu tập của mình như khi nghe tiếng chuông mình để tâm vào tiếng chuông. Đó gọi là như lý tác ý, để tâm vào tiếng chuông thì tự nhiên tâm mình lắng lại. Thành ra đối tượng của tác ý quyết định là mình có bình an hay không có bình an. Mỗi ngày, người tu phải học như lý tác ý, để tâm tới những cái không làm cho mình mất bình an. Thọ (vedanā) là cảm thọ, cảm thọ khó chịu hay dễ chịu. Mình thấy một hình ảnh, nghe một âm thanh và mình có một tri giác (một nhận thức) về cái đó. Tri giác đó gọi là tưởng (samjñā), nó tùy thuộc nơi thọ. Khi tiếp xúc với một cái gì đó và có một cảm thọ thì tự nhiên mình có tưởng (tri giác). Mình cho cái đó là xấu hay đẹp, là dễ chịu hay không dễ chịu. Có cảm giác dễ chịu là có lạc thọ, có cảm giác không dễ chịu là có khổ thọ. Mình tiếp xúc với một đối tượng và cho đối tượng đó là thường, là lạc, là ngã, là tịnh. Nếu có chánh niệm và trí tuệ, mình biết đối tượng đó là vô thường và nó có thể đem lại khổ đau cho mình. Nếu có trí tuệ mình thấy nó là trống rỗng, nó không có chủ thể bền chắc lâu dài và nó là bất tịnh. Lúc đó cái tưởng của mình không phải là một vọng tưởng mà là một nhận thức đúng đắn. Mình sẽ không bị nội kết (internal formation, samyojana). Nội kết đó gọi là tư, volition (cetana). Tư là một nhớ tưởng, một mong cầu.
Một tia nắng nhạt, một đám mây nhè nhẹ, một cơn gió hiu hiu làm cho mình cảm thấy thiếu vắng một cái gì, mình mong cầu một cái gì đó. Đó gọi là tư, là nhớ mong (cái gì như thể nhớ mong). Tư do cái tưởng sinh ra. Sau khi có xúc, tác ý và thọ thì mình có một nhận thức về đối tượng đó. Nếu mình cho đối tượng đó là tịnh, là lạc, là ngã, là thường thì mình có một nội kết êm ái. Nội kết êm ái sinh ra tư, cái tư đó là cái thiếu vắng, cái nhớ mong bồn chồn không quên được. Tư là tư niệm thực tức nguồn thực phẩm thứ ba trong bốn loại thực phẩm. Tư là nghĩ tới nó và cứ muốn ao ước nó.
Trong kinh này có nói về nội kết, về tư và về tưởng. Trong bài kệ thứ 31 có nói: Này ái dục ta ơi, ta biết gốc gác của mi rồi. Dục ý là từ ước muốn và nhận thức sai lầm mà phát khởi. Chữ ước muốn được dịch từ chữ tư và chữ nhận thức sai lầm được dịch từ chữ tưởng. Bụt chỉ cho mình rất rõ ràng gốc rễ của ái dục. Vọng tưởng đưa tới tư niệm, tư niệm làm cho mình thiếu thốn, đau khổ, bất an. Và tư đưa tới những phiền não như lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, giận hờn, v.v… Với chánh niệm, mình để ý tới xúc, tác ý, thọ và khi đi tới tưởng mình sẽ không bị vọng tưởng. Mình thấy đối tượng kia là vô thường có thể đem lại khổ đau, nó không có gì chắc thực ở bên trong và nó là bất tịnh; lúc đó tự nhiên mình không có vọng tưởng và không có vọng tưởng thì mình sẽ không có nội kết êm ái, sẽ không bị “mây nhè nhẹ gió hiu hiu” bắt cóc đi.
Bài kệ 1
Tâm phóng tại dâm hành 心 放 在 婬 行
Dục ái tăng chi điều 欲 愛 增 枝 條
Phân bố sanh sí thạnh 分 布 生 熾 盛
Siêu dược tham quả hầu 超 躍 貪 果 猴
Tâm ý đi về hướng ái dục thì cây ái dục sẽ đâm chồi trổ nhánh rất mau. Tâm ý phân tán vì đối tượng ái dục sẽ làm cho lửa ái dục bừng cháy trong ta. Kẻ đi tìm ái dục cũng giống như một con vượn chuyền cành tìm trái, từ cành này sang cành khác.
Tâm phóng tại dâm hành: Phóng là đi tới. Dâm hành là hướng của ái dục. Tâm ý đi về hướng của ái dục.
Dục ái tăng chi điều: Cây ái dục tăng thêm cành thêm nhánh.
Phân bố sanh sí thạnh: Sí thạnh là cháy bùng lên. Tâm ý phân tán vì đối tượng ái dục sẽ làm cho lửa ái dục bừng cháy trong ta.
Siêu dược tham quả hầu: Tham quả là ham đi tìm trái cây. Hầu là con khỉ. Con khỉ đi tìm trái cây, nhảy nhót từ cây này sang cây khác.
Ngay trong bài kệ này chúng ta đã thấy đây không phải chỉ là giáo lý cho người xuất gia. Người tại gia cũng rất cần tại vì người tại gia sống trong một hoàn cảnh có rất nhiều cơ hội bị vướng mắc. Sống trong chùa mình được nhắc nhở, được thực tập và mình có tăng thân. Còn sống ngoài đời, mình đi tới sở làm gặp gỡ người này người khác nên có hoàn cảnh kéo người tại gia đi theo rất mau. Mình đã có vợ, có chồng, có con rồi nhưng mình vẫn bị kéo theo ái dục, mình vẫn muốn bỏ người này để đi theo người kia. Trong kinh dùng hình ảnh của một con vượn nhảy từ cành này sang cành khác để tìm trái cây. Nó ăn một trái rồi nhưng còn thèm nên đi tìm trái khác. Ở ngoài đời chuyện ngoại tình xảy ra rất nhiều, sự thực tập đối với người cư sĩ còn khó hơn đối với người xuất sĩ. Cho nên đi xuất gia là con đường dễ nhất và mình đừng đợi đến lúc già rồi mới xuất gia.
Kinh hay ở chỗ là đưa ra rất nhiều hình ảnh, có trên mười hình ảnh và những hình ảnh tự nó đã nói ra được giáo lý.
Bài kệ 2
Dĩ vi ái nhẫn khổ 以 為 愛 忍 苦
Tham dục trước thế gian 貪 欲 著 世 間
Ưu hoạn nhật dạ trưởng 憂 患 日 夜 長
Diên như mạn thảo sanh 莚 如 蔓 草 生
Ái dục buộc mình phải gánh chịu khổ đau, ái dục làm cho mình bị vướng mắc vào cuộc sống trần tục. Những lo lắng và hoạn nạn do ái dục đem tới cứ tăng trưởng đêm ngày, mọc kín như cỏ tranh.
Bài kệ này cũng để dành cho người cư sĩ. Các vị xuất gia đừng tưởng ở ngoài đời thì khỏi phải hành trì. Ở ngoài kia mà không hành trì thì sẽ khổ lắm.
Dĩ vi ái nhẫn khổ: Ái dục buộc mình phải gánh chịu khổ đau.
Nhẫn là chịu đựng, nhẫn khổ là chịu đựng nhiều khổ đau. Trong chúng ta có người đã nếm được vị này.
Tham dục trước thế gian: Vướng mắc vào vòng ái dục là vướng mắc vào thế giới của trần lụy, không giải thoát được. Thế gian là cuộc sống trần tục.
Ưu hoạn nhật dạ trưởng: Những lo lắng và hoạn nạn do ái dục đem tới cứ tăng trưởng đêm ngày.
Ưu là lo lắng, hoạn là tai nạn. Đó là hai cái đi đôi với ái dục. Làm tổng thống như ông Bill Clinton hay ông Sarkozy cũng khổ vì ái dục. Bên Do Thái có một vị tổng thống vì bị vướng vào ái dục mà phải bỏ chức tổng thống. Các vị nguyên thủ quốc gia phải học kinh này, tại vì khi bị vướng mắc thì trong lòng mình sẽ có những lo lắng, buồn phiền, sợ hãi. Khi ấy làm sao mình có đủ minh mẫn, có đủ thông minh để giải quyết những vấn đề trọng đại của quốc gia, làm sao mình có thể dẫn dắt cả một dân tộc cho đàng hoàng. Kinh này không phải chỉ dành cho người xuất gia mà còn dành cho người tại gia tới Làng Mai tu học, nhất là các nhà chính trị, các nhà doanh thương.
Nhật dạ là ngày đêm. Nhật dạ trưởng là tăng trưởng ngày đêm.
Diên như mạn thảo sanh: Rễ đan chằng chịt với nhau như cỏ tranh. Mạn thảo là cỏ tranh, trong bản Pali cỏ này là Birana, rễ của nó đan chằng chịt với nhau và hình như nó có chất ngọt nên có người muốn đào. Vì vậy nên tôi dịch mạn thảo là cỏ tranh vì nước của rễ cỏ tranh uống vào hơi ngọt ngọt. Trong bản Pali nói, nếu tưới thì cỏ đó sẽ mọc lên chằng chịt, phải tìm cách đào cho hết thì nó mới không mọc lên nữa.
Trong tự điển mạn thảo là Andtropogon muricatus và tự điển của Phạm Hoàng Hộ gọi là hồng thảo chứ không phải mạn thảo, chữ Sanskrit là Birana.
Bài kệ 3
Nhân vi ân ái hoặc 人 為 恩 愛 惑
Bất năng xả tình dục 不 能 捨 情 欲
Như thị ưu ái đa 如 是 憂 愛 多
Sàn sàn doanh vu trì 潺 潺 盈 于 池
Bị ái ân mê hoặc người ta sớm muộn gì cũng bị vướng vào dục tình. Cái lo lắng kia càng ngày càng lớn giống như dòng nước rỉ, rỉ mãi cũng đầy hồ.
Nhân vi ân ái hoặc: Khi con người bị mê hoặc. Hoặc là bị cám dỗ, bị hớp hồn. Khi con người bị cám dỗ bởi ân ái thì Bất năng xả tình dục, không thể buông bỏ được tình dục, thế nào cũng đi tới chuyện tình dục và rốt cuộc cũng sẽ đi tới chỗ chung đụng xác thịt.
Thi sĩ Félix Arvers nói l’amour platonique (chỉ yêu xuông thôi), nhưng nếu hoàn cảnh thuận tiện thì dù yêu như thế nhưng thế nào người ta cũng sẽ phạm giới. Thái Hư đạo sư nói: Tình yêu, nếu cứ tăng trưởng thì chắc chắn sẽ đưa tới tình dục và đưa tới tình dục thì sẽ làm tan vỡ tất cả, nhất là đối với người xuất gia. Vì vậy mình không thể coi thường, mình đừng tưởng là yêu suông thì không sao mà phải lo ngay từ lúc ban đầu.
Nếu đó là tình huynh đệ thì không sao cả nhưng nếu nó có hơi hướng của ái dục thì mình phải biết là nó sẽ đẩy mình tới tình dục. Chuyện này đã có xảy ra trong đại chúng, đồng tính cũng như dị tính. Một sư chú với một sư cô và hai người đã rủ nhau đi. Vì vậy mình phải thấy cho rõ, đây có phải là tình huynh đệ hay không? Nếu nó có màu sắc của ái dục thì mình phải cẩn thận, nếu để cho nó lớn thì sẽ đưa tới sự gần gũi. Đây chỉ là vấn đề con người, nhưng tại vì mình đã xuất gia, mình đã có chí nguyện đi theo sự nghiệp của Đức Thế Tôn nên mình phải chọn lựa. Muốn thành công mình phải làm như vậy, mình phải nhắc nhở nhau. Khi người khác nhắc mình thì mình phải chắp tay lại cám ơn. Mình không nên nói: “có gì đâu!“ Những vị đã bỏ đi, ngày xưa cũng đã từng nói như vậy.
Như thị ưu ái đa: Cái lo lắng kia càng ngày càng lớn. Mình phải cẩn thận lắm mới được tại vì ở dưới mặt đất cỏ mọc rất mau, nó mọc chằng chịt vướng vào nhau, cho nên Đức Thế Tôn nói nó mọc chằng chịt như cỏ tranh. Bụt dạy mình đừng nghĩ rằng đó là chuyện không quan trọng.
Sàn sàn doanh vu trì: Nó là dòng nước rỉ, nhưng mai mốt sẽ đầy hồ, và khi hồ đầy rồi thì nước sẽ
tràn ra. Đây là hình ảnh thứ ba trong kinh. Hình ảnh đầu là con vượn chuyền cành, hình ảnh thứ hai là cỏ tranh mọc kín, hình ảnh thứ ba là nước rỉ đầy hồ.
(Đây là bài Pháp thoại ngày 02.05.2010 tại thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Nghiêm, xóm Mới)
_________________________
Giảng giải kinh Chiếc Lưới Ái Ân (phần 2)- Thầy Làng Mai
Nhìn một cái cây đứng ngoài vườn chúng ta thấy nó có những chiếc rễ cắm sâu vào lòng đất, nhờ vậy nên nó vững chãi, xinh tươi và hùng tráng. Có những cái cây khi nhìn thì thấy có vẻ khá vững nhưng chỉ cần một trận bão kéo tới đã ngã đổ, trong khi những cái cây khác dù có trải qua vài ba trận bão mà vẫn không sao. Mình biết rằng những cây kiên cường đứng vững được trong bão tố là vì chúng có những chiếc rễ rất vững chắc bám sâu vào lòng đất. Người tu cũng vậy, người tu cũng phải có những chiếc rễ cắm sâu vào lòng đất thì mới đứng vững và có thăng bằng. Nhiều khi mình tưởng mình đã có thăng bằng, nhưng thật ra thì cái thăng bằng đó còn rất mong manh, chỉ cần một ngọn gió thổi tới là mình có thể ngã xuống. Thế nên, mình phải cẩn thận lắm mới được, đừng nên nghĩ rằng mình đã có thăng bằng rồi thì sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Tín
Chiếc rễ đầu tiên của người tu là tín. Tín là niềm tin, niềm tin này không phải là niềm tin vào một đấng thần linh hay tin vào một người khác. Nếu tin vào một đấng thần linh thì có thể sau này mình sẽ đánh mất niềm tin đó, hoặc nếu tin vào một người khác thì rất có thể mình cũng mất đi niềm tin nơi người ấy. Niềm tin đó không phải là chiếc rễ vững chắc. Mình phải tin vào một cái gì bền chặt hơn. Cái đó là cái gì? Trước hết mình tin ở Tam Bảo tức tin vào Bụt, Pháp và Tăng. Bụt là khả năng hiểu biết, thương yêu và hiến tặng hạnh phúc cho bản thân và cho người khác, chúng ta gọi là Phật bảo. Mình phải tin rằng, nếu thực tập thì mình sẽ mở rộng được sự hiểu biết, tình thương yêu và niềm hạnh phúc. Đó là khẳ năng của tất cả mọi người - tin vào Phật tánh của chính mình. Không có niềm tin đó thì không "làm ăn" gì được. Không có niềm tin đó thì mình không phải là huynh đệ cùng đi trên một con đường. Sở dĩ chúng ta là huynh đệ với nhau, sở dĩ chúng ta là một tăng thân là vì tất cả chúng ta đều tin vào một điều: Trong con người của mình có khả năng hiểu nhiều hơn, thương nhiều hơn và có hạnh phúc hơn. Niềm tin này không phải là sự mê tín tại vì mình thấy con người có khả năng mở rộng hiểu biết, làm lớn thương yêu, chuyển hóa khổ đau và tạo dựng hạnh phúc. Đó là tin vào Phật tánh trong con người của mình. Niềm tin này không phải là lý thuyết, mà là một thực tại, tại vì trong khi quán chiếu mình thấy người nào có hiểu, có thương thì người đó có hạnh phúc và có khả năng làm hạnh phúc cho mọi người. Người nào không có khả năng hiểu và thương thì người đó sẽ có nhiều khổ và làm khổ người khác. Niềm tin của mình căn cứ trên sự nhận xét đó chứ không phải vào một sự hứa hẹn nào khác.
Nhìn vào thế giới, chúng ta thấy khả năng hiểu và khả năng thương của con người quá ít; vì vậy mới có sự chia rẽ, sự kỳ thị, sự độc ác và tàn hại. Chúng ta biết con đường hiểu và thương là con đường chúng ta phải quyết chí đi theo. Thấy được như vậy mới gọi là có niềm tin. Niềm tin này được gọi là chánh tín, nó căn cứ trên một cái thấy trực tiếp chứ không phải do mình nghe hay do mình bị tuyên truyền. Trong kinh Kalama có câu chuyện của một thanh niên tới hỏi Đức Thế Tôn:
- Có nhiều vị đạo sư tới với chúng con. Người nào cũng nói là họ có chân lý và bảo mình phải nên đi theo họ. Chúng con không biết phải theo ai? Vậy Đức Thế Tôn dạy chúng con phải nên làm như thế nào?
Bụt dạy rất hay, Bụt nói:
- Đừng tin vào một điều gì dù điều đó do một đạo sư nổi tiếng nói ra. Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó đã được ghi chép trong kinh sách. Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó tất cả mọi người đều tin theo. Không phải tại mọi người đều tin thì mình cũng phải tin. Đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó nằm trong truyền thống. Nghe một điều gì, mình hãy quán sát, suy luận và đem ra áp dụng. Nếu áp dụng có kết quả thì lúc đó mình mới tin.
Đó là kinh Kalama, một kinh rất hay! Cái rễ đầu tiên giữ mình đứng vững là có một niềm tin, niềm tin do sự thực chứng, do sự nhận xét của chính mình chứ không phải do mình nghe tuyên truyền mà có.
Thứ hai là tin vào giáo pháp mà mình đang hành trì. Đó là những giáo pháp linh động đã được trao truyền lại qua bao nhiêu thế hệ. Ví dụ như mình đang hành trì Năm Giới, Mười Bốn Giới, mình đang thực tập thiền ngồi, thiền đi, thiền thở, thực tập ái ngữ và lắng nghe,... Đó chính là pháp mà mình đang thực tập, mình tin rằng những pháp đó đem lại sự chuyển hóa và an lạc, tại vì mình đã thấy hiệu quả của sự thực tập ấy nơi bản thân và nơi đoàn thể mình.
Khi được trao truyền pháp môn thiền đi, mình dùng trí năng để tìm hiểu thiền đi có những lợi ích nào và có khả năng giúp mình đạt tới cái gì? Khi hiểu rồi mình mới đem ra áp dụng, nếu áp dụng chưa thành công thì mình có thể học hỏi thêm và áp dụng lại. Thực tập mà có kết quả thì niềm tin trong mình sẽ ngày càng lớn mạnh.
Mình đã được nghe dạy và hiểu rằng nếu thực tập thiền thở thì mình sẽ làm lắng dịu được những tâm hành xáo động và buồn tủi mỗi khi chúng xuất hiện. Ban đầu mình thực tập chưa thành công nhưng nếu tiếp tục thực tập thì mình sẽ thấy có kết quả. Do thấy được hiệu năng của sự thực tập nên từ từ niềm tin nơi Pháp của mình cứ lớn dần lên. Đức tin của mình luôn luôn được căn cứ trên thực nghiệm mà không căn cứ trên sự lặp đi lặp lại nhiều lần của người khác.
Khi đã tin vào Bụt và Pháp thì mình phải tin vào Tăng. Tăng nghĩa là tăng thân, là đoàn thể mà mình đang tu học, trong đó ai cũng tin vào Phật tính nơi mình và ai cũng đang đi trên con đường thực tập với mình. Nếu không có niềm tin nơi tăng thân thì mình sẽ không đi tới đâu cả. Tăng thân như một mảnh đất và mình phải có những chiếc rễ cắm sâu vào trong tăng thân. Cái rễ đó không cắm vào một người mà cắm vào tất cả tăng thân. Mình phải hoàn toàn nương tựa vào Tăng thân, phải bám lấy Tăng thân, bởi vì mất Tăng thân là mất Phật thân và mất Pháp thân. Tăng thân (nếu là Tăng thân tốt) luôn luôn chuyên chở được Phật thân và Pháp thân. Khi đã cắm rễ vào trong tăng thân, mình sẽ thấy mình không thể sống mà không có tăng thân. Những chiếc rễ của mình bắt đầu hút được những chất bổ dưỡng từ tăng thân để lớn mạnh và tăng thân giữ cho mình đứng vững. Công phu tu học của mình làm cho Tăng thân càng ngày càng có phẩm chất. Người tu phải có tăng thân và phải có niềm tin nơi tăng thân. Một Tăng thân có phẩm chất là một Tăng thân có tu, có học. Cách mình đi, cách mình thở, cách mình làm việc với nhau, cách mình nói năng chứng tỏ Tăng thân có phẩm chất tu học hay không, Tăng thân có chuyên chở Pháp thân hay không? Nếu Tăng thân chưa được như mình mong ước thì mình phải làm cho Tăng thân vững mạnh hơn. Làm cho Tăng thân vững mạnh không phải bằng cách đòi hỏi nơi người khác mà chính mình phải thực tập để giúp cho Tăng thân càng ngày càng vững mạnh. Làm cho Tăng thân vững mạnh là một việc làm rất cụ thể, ví dụ như khi bước một bước chân đi là có hơi thở đi kèm theo. Làm được như vậy thì vừa tốt cho mình vừa tốt cho Tăng thân. Nếu mọi người trong Tăng thân ai cũng làm được như vậy thì phẩm chất thực tập của tăng thân sẽ rất cao và Pháp thân sẽ lớn lên trong Tăng thân, mà Pháp thân lớn lên thì Tăng thân mới thật sự là Tăng thân.
Chí nguyện
Chí nguyện là một ước mong, một lý tưởng. Nó là tư niệm thực, là nguồn thực phẩm thứ ba trong bốn nguồn thực phẩm (xin tham khảo Kinh Bốn Loại Thức Ăn). Khi mình có một ý chí, có một lý tưởng trong trái tim thì mình sẽ có một sức mạnh để đi tới, bằng không thì mình sẽ chẳng có chút năng lượng nào. Lời nguyện đem lại cho mình rất nhiều năng lượng. Người tu là người có chí nguyện, có lý tưởng. Đó là tâm bồ đề tức tâm ban đầu của mình. Mình phải sống làm sao để cho chí nguyện của mình ngày thêm vững vàng, càng lớn tuổi thì nguyện càng bền chắc mà không bị sói mòn đi. Nếu chí nguyện mà bị sói mòn và bạc nhược thì mình sẽ không thành công trên con đường tu tập. Mình phải muốn và muốn rất nhiều. Mình phải đêm đêm ngày ngày, tâm tâm niệm niệm làm cho được việc đó. Mình phải có một ước mong để theo đuổi. Theo đuổi ước nguyện nhưng không bỏ đi giây phút hiện tại, mà sử dụng giây phút hiện tại để thực hiện ước nguyện. Ngoài xã hội có nhiều khổ đau mà trong lòng mình cũng có nhiều khổ đau. Mình có mong muốn giải tỏa khổ đau trong lòng và giúp tháo gỡ những khổ đau ngoài xã hội. Vì vậy mà mình hết lòng tu học với tăng thân. Mình học hỏi Phật pháp để giúp đời và để xây dựng tăng thân. Nguyện là một nguồn năng lượng rất lớn. Không có nguyện thì mình sẽ bệ rạc và không có sức sống. Hãy nên tự hỏi mình rằng sức mạnh đó, nguồn năng lượng đó đã có đủ trong mình hay chưa? Nếu nó chưa đủ thì mình vẫn chưa vững chãi, chỉ cần một trận gió thổi tới có thể làm mình ngã đổ như thường.
Hành động
Hành là hành động (action). Niềm tin và một chí nguyện sẽ đưa tới hành động. Hành động này có nguồn gốc từ đức tin và chí nguyện. Có những người làm việc rất nhiều, họ bận rộn suốt ngày nhưng họ làm như vậy chỉ để phủ lấp những khó khăn trong họ. Họ làm để quên đi những khổ đau, những vấn đề của chính mình và họ tin rằng làm càng nhiều thì càng tốt. Làm việc như vậy không phải là một cách hay, nó chỉ là một sự trốn tránh tại vì hành động đó không dựa trên chí nguyện và niềm tin.
Khi có chí nguyện và niềm tin lớn thì tự nhiên sẽ có hành động và hành động ở đây là sự thực tập. Mình nấu cơm cho đại chúng, mình quét nhà, mình làm thiền đường, đó là hành. Hành đem lại niềm vui tại vì nó biểu lộ niềm tin và chí nguyện của mình. Mình làm những việc ấy vì tình thương, vì chí nguyện chứ không phải vì bị bắt buộc phải làm. Ngồi làm việc trong văn phòng trước máy tính mình cũng có rất nhiều niềm vui tại vì mình làm việc không phải để khỏa lấp thì giờ mà là để biểu lộ niềm tin và chí nguyện của mình. Vì vậy việc làm hàng ngày của mình phải có gốc rễ ở niềm tin và chí nguyện. Hành động này đem lại rất nhiều niềm vui cho mình, cho đại chúng và cho con người.
Niềm tin, chí nguyện và hành động là ba chiếc rễ cần phải có để cắm sâu và mảnh đất tăng thân, khi rễ đã ăn sâu rồi thì mình sẽ vững chãi, không cơn bão tố nào có thể quật ngã được. Thường thì chúng ta chỉ cần làm sao để có thể sống sót mà đừng ngã lăn ra. Nhưng ở đây không phải là vấn đề sống sót, mà là vấn đề về sức sống. Muốn có sức sống thì ít nhất cái cây phải có ba chiếc rễ đó. Chúng ta phải xét lại mình, nếu mình không có năng lượng, mình còn nghi ngờ và không có niềm vui, đó là tại vì cái rễ của mình đang còn non yếu.
Bây giờ chúng ta sẽ học tiếp bài kệ thứ 4 của kinh:
Bài kệ 4
Phù sở dĩ ưu bi 夫 所 以 憂 悲
Thế gian khổ phi nhất 世 間 苦 非 一
Đãn vi duyên ái hữu 但 為 緣 愛 有
Ly ái tất vô ưu 離 愛 則 無 憂
Ở đời có nhiều thứ lo lắng và đau buồn, nhưng không có thứ lo buồn nào lớn hơn cái lo buồn do ái dục đem lại. Buông bỏ được ái dục mới hết lo buồn.
Phù sở dĩ ưu bi: Câu này nói tới cái lo lắng và cái ưu buồn khi vướng vào ân ái. Người nào đã đi “qua cầu“ thì
sẽ có kinh nghiệm ấy. Khi vướng vào một ai đó mình luôn lo sợ người kia bỏ mình, phản bội mình. Những tri giác sai lầm sẽ khiến cho mình thường xuyên rơi vào sự ghen tuông, tuyệt vọng và khổ đau.
Thế gian khổ phi nhất: Thế gian khổ là những cái khổ trong cuộc đời. Phi nhất có nghĩa là không phải là một cái. Những đau khổ trong thế gian không phải chỉ một thứ.
Đãn vi duyên ái hữu: Phần lớn những đau khổ trong cuộc đời là do ái dục sinh ra. Duyên ái hữu là có gốc rễ từ ái dục.
Ly ái tất vô ưu: Xa lìa được ái dục thì không còn lo lắng nữa.
Bài kệ 5
Dĩ ý an khí ưu 己 意 安 棄 憂
Vô ái hà hữu thế 無 愛 何 有 世
Bất ưu bất nhiễm cầu 不 憂 不 染 求
Bất ái yên đắc an 不 愛 焉 得 安
Muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm vứt bỏ ái ân. Không ân ái thì không đi vòng quanh trong cõi luân hồi, không còn phải mang nặng ưu tư, không còn thấp thỏm mong cầu những gì ô nhiễm, không còn ái nhiễm thì sẽ được thật sự an vui.
Dĩ ý an khí ưu: Muốn cho tâm ý được an vui thì phải bỏ đi những ưu tư lo lắng.
Vô ái hà hữu thế: Không có ái dục thì không còn quanh quẩn trong cõi luân hồi. Thế là thời gian, là sự đi vòng quanh trong cõi luân hồi.
Bất ưu bất nhiễm cầu: Không lo lắng, không tìm cầu những chuyện ô nhiễm.
Bất ái yên đắc an: Không có ái dục thì sẽ đạt tới an lạc.
Trong bài kệ tương đương của văn hệ Pali có một hình ảnh mà trong bài kệ này không có, đó là hình ảnh một lá
sen. Không có ái dục thì sẽ có an vui. Những giọt nước rơi xuống lá sen không thấm được vào trong lá. Người tu tập giống như một lá sen, ái
dục không thấm vào được mình nên mình giữ được sự an vui và sự tươi mát của mình.
Bài kệ 6
Hữu ưu dĩ tử thời 有 憂 以 死 時
Vi trí thân chúc đa 為 致 親 屬 多
Thiệp ưu chi trường đồ 涉 憂 之 長 塗
Ái khổ thường đọa nguy 愛 苦 常 墮 危
Ân ái thâm trọng thì đến giờ lâm chung bao quanh bởi những người
thân thuộc sẽ thấy con đường của lo lắng và sầu khổ dài như thế nào. Cái khổ do ân ái gây nên thường đưa ta tới những hoàn cảnh không an toàn, đầy tai ách.
Hữu ưu dĩ tử thời: Tử thời là giờ lâm chung. Ái ân thâm trọng thì đến giờ lâm chung,
Vi trí thân chúc đa: bao quanh bởi những người thân thuộc. Đa là nhiều.
Thiệp ưu chi trường đồ: sẽ thấy con đường của lo lắng và sầu khổ dài như thế nào. Trường đồ là con đường dài. Ưu là lo lắng.
Ái khổ thường đọa nguy: Cái khổ do ân ái gây nên sẽ đưa ta tới những hoàn cảnh không an toàn, đầy tai ách.
Tên của kinh dịch ra tiếng Anh là “The net of love sutra“. Chữ “love” trong kinh này mang ý nghĩa hơi tiêu cực. Vướng vào tình yêu như một con cá mắc phải lưới rất bức bách, mất tự do. Tuy nhiên, chữ “love” có thể có một nghĩa rất đẹp, đó là tình thương. Học Năm giới trong “Giới bản tân tu”, chúng ta thấy con đường hành trì năm giới đúng là con đường của thương yêu đích thực (true love). Giới thứ nhất là sự thực tập thương yêu, giới thứ hai cũng là sự thực tập thương yêu, giới thứ ba, giới thứ tư và giới thứ năm cũng vậy. Vì vậy chữ thương yêu này có ý nghĩa rất tích cực, giáo lý Bụt dạy về thương yêu rất rõ ràng. Chúng ta không thể nói đạo Bụt không phải là đạo thương yêu. Đạo Bụt là đạo thương yêu nhưng thương theo nghĩa của Tứ vô lượng tâm, của đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Đó là sự thương yêu đích thực.
Chữ love (yêu) trong kinh này có nghĩa là sensual love tức là một thứ tình có dục ở trong mà không phải là sự thương yêu đích thực. Vì vậy trong “Giới bản tân tu” có câu: Tình yêu và tình dục là hai cái khác nhau. Ngoài “The net of love sutra” (kinh chiếc lưới ái ân) mình cũng có “The sutra on love” (kinh thương yêu) và chữ love ở đây có nghĩa là true love.
Bài kệ 7
Vi đạo hành giả 為 道 行 者
Bất dữ dục hội 不 與 欲 會
Tiên tru ái bổn 先 誅 愛 本
Vô sở thực căn 無 所 植 根
Vật như ngải vi 勿 如 刈 葦
Lệnh tâm phục sanh 令 心 復 生
Là người tu đạo ta không nên đi về hướng ái dục, phải bắt đầu bằng
cách tìm diệt tận gốc cái cây ái dục để cho những cái rễ của nó không
còn có thể đâm chồi lên được. Đừng làm như cắt cỏ lau để sau khi được
cắt rồi lau lại mọc lên như cũ.
Vi đạo hành giả: Một người đang đi trên con đường đạo.
Bất dữ dục hội: Không nên đi về hướng ái dục. Hội là cộng trú, là ở chung, là associated with.
Tiên tru ái bổn: Bắt đầu bằng cách tìm diệt tận gốc cái cây ái dục.
Tiên là trước hết. Tru là diệt đi. Ái bổn là gốc rễ của ái dục. Ái dục không chỉ ở cành lá, ái dục chính là gốc rễ. Nó là tập khí, là mặc cảm của mình.
Vô sở thực căn: để cho những cái rễ của nó không còn đâm chồi lên được.
Vật như ngải vi: đừng làm giống như cắt cỏ lau.
Lệnh tâm phục sanh: sau khi cắt rồi tâm ái dục mới sinh ra trở lại.
Có một vị thiền sinh nhạc sĩ, đã từng làm trong một hộp đêm nhiều năm có nhận xét rằng: Trong hộp đêm người ta nghe nhạc, uống rượu và khiêu vũ. Lúc ban đầu người ta vui vẻ, cởi mở, cười nói với nhau. Nhưng càng về khuya người ta càng khép kín. Người ta không để ý tới nhau nữa mà chỉ để ý tìm một người để chung chạ trong đêm đó. Âm nhạc, rượu và thức ăn đã tưới tẩm hạt giống ái dục trong họ. Ban đầu thì mọi người đều cởi mở, vui tươi chơi với nhau, nhưng càng về khuya người ta càng khép kín và chỉ nghĩ tới chuyện ái dục. Sáng mai thức dậy, họ nhìn người mà đêm qua mình đã gần gũi như nhìn một người xa lạ. Họ chào nhau rồi chia tay, không nhớ đêm qua mình đã chia sẻ hết những gì sâu kín nhất của thân thể và tâm hồn của mình cho người ấy. Vị thiền sinh kia thấy rõ trong hành động đó chỉ có sự thèm khát tình dục mà không phải là tình yêu. Tuần sau tới hộp đêm, họ có thể lặp lại chuyện đó với một người khác. Cứ như vậy từ người này tới người khác, từ đam mê này tới đam mê khác, từ sự thèm khát này tới sự thèm khát khác, nó làm tiêu hoại thân tâm của mình cho đến khi thức tỉnh mới thấy rằng mình cần đi tìm một sự thương yêu đích thực. Đó là ý kiến đóng góp trong buổi pháp đàm vừa qua; nó cho chúng ta thấy, tình dục tiêu hoại thân tâm và không đem lại sự thỏa mãn, an lạc, hạnh phúc.
Một vị thiền sinh khác nói cô có rất nhiều khó khăn trong khi chung sống với người chồng và hai đứa con. Bây giờ cô đã ly dị, mỗi người có một đời sống riêng. Cô thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn, cũng là lúc cô cảm thấy thương chồng con nhiều hơn. Bây giờ mới thật sự là thương yêu tại vì những hệ lụy kia không còn nữa. Cái gọi là love không còn thì bắt đầu thật sự có true love. Bây giờ cô bắt đầu thương, hiểu và chăm sóc chồng con nhiều hơn.
(Đây là bài Pháp thoại ngày 06.05.2010 (tại thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng)
_________________________
Giảng giải kinh Chiếc Lưới Ái Ân _ phần 3 (Ái Dục Phẩm, Pháp Cú Kinh) - Thầy Làng Mai
Kính thưa đại chúng hôm nay là ngày mồng 9 tháng 5 năm 2010, chúng ta đang ở tại thiền đường Hội Ngàn Sao xóm Hạ trong khóa tu mùa Xuân. Đây là giây phút hạnh phúc. This is a moment of happiness.
Chúng ta học tiếp Kinh Chiếc Lưới Ái Ân. Hôm nay chúng ta có một bản dịch mới của sư cô Chân Đức vừa gửi từ Viện Phật Học qua, thay vì “The net of love” sư cô dịch là “The net of attachment”.
Bài kệ 8
Như thọ căn thâm cố 如 樹 根 深 固
Tuy tài do phục sinh 雖 裁 猶 復 生
Ái ý bất tận trừ 愛 意 不 盡 除
Triếp đương hoàn thọ khổ 輒 當 還 受 苦
Gốc cây ái dục sâu và vững, tuy cây đã bị đốn nhưng các cành lá vẫn có thể sinh ra trở lại. Tâm ái dục chưa dứt trừ thì theo lẽ thường cái khổ do ái dục đem tới vẫn còn trở lại như thường.
Như thọ căn thâm cố: Thọ căn là gốc rễ của cây. Thâm là sâu, cố là vững chãi. Gốc của cây ái dục rất sâu và vững.
Tuy tài do phục sinh: Tài là cắt. Phục sinh là sinh ra trở lại. Tuy bị cắt đứt rồi nhưng cây có thể sinh ra trở lại.
Ái ý bất tận trừ: Tận là hết. Ái ý là tâm ý vướng vào ái dục. Nếu ái dục trong tâm ý chưa dứt trừ hoàn toàn thì
Triếp đương hoàn thọ khổ: theo lẽ thường mình phải trở lại để chịu đựng khổ đau. Triếp có nghĩa là thường thường, luôn luôn như vậy.
Bài kệ này nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự đoạn trừ ái dục trong tâm ý. Năng lượng tình dục có thể còn bởi vì nó là bản năng tự nhiên của con người. Nhưng khi tâm ý được nhiếp phục thì ta không những không bị lôi kéo bởi năng luợng tình dục mà ngược lại ta còn có thể sử dụng nó như một nguồn năng lượng tốt cho những mục tiêu hướng thượng. Đào gốc ái dục không có nghĩa là phải làm cho hết năng lượng tình dục trong con người, vấn đề là phải chuyển hóa cái tâm chứ không phải đày đọa và làm tiêu ma cái thân. Một khi trong tâm mình có đủ tuệ giác và từ bi thì tuệ giác và từ bi ấy sẽ tự khắc điều phục và xử lý được năng lượng kia.
Bài kệ 9
Viên hầu đắc ly thọ 猨 猴 得 離 樹
Đắc thoát phục thú thọ 得 脫 復 趣 樹
Chúng nhân diệc như thị 眾 人 亦 如 是
Xuất ngục phục nhập ngục 出 獄 復 入 獄
Như con vượn nhảy ra khỏi cây này thì lại nhảy vào cây khác, người đời cũng thế, ra khỏi được ngục tù ái dục này rồi lại lao vào ngục tù ái dục khác.
Viên hầu đắc ly thọ: Viên hầu là con khỉ, con vượn. Đắc là được. Ly thọ là rời khỏi cái cây. Con vượn có cơ hội rời khỏi cái cây.
Đắc thoát phục thú thọ: Vừa mới thoát ra khỏi cái cây này thì lại nhảy vào một cây khác, nghĩa là lại có một đối tác mới.
Chúng nhân diệc như thị: Người đời cũng như vậy.
Xuất ngục phục nhập ngục: Ra khỏi một ngục tù thì lại vào rơi trở vào một ngục tù khác.
Trong con người chúng ta có một tập khí và nếu tập khí đó chưa được chuyển đổi thì ra khỏi ngục tù này mình sẽ lại tự giam mình vào một ngục tù khác. Theo thói thường của người ngoài đời, khi gặp khó khăn và khổ đau với một người, họ luôn tin rằng chỉ cần ly dị và thoát khỏi người đó thì họ sẽ có tự do bởi vì họ nghĩ người kia là nguyên nhân của những khó khăn và khổ đau mình. Nhưng sự thật là sau khi ly hôn, ly thân với người ấy rồi thì tuy mình có khỏe hơn thật nhưng mình sẽ lại đi tìm một đối tác khác để vướng vào. Dính vào người thứ hai, tuy người này là người mới nhưng mình cũng lại hành xử y hệt như với người trước. Họ hành xử như vậy bởi vì họ là nạn nhân của tập khí của chính họ. Đây là một ví dụ cụ thể cho những gì đã được nêu trong bài kệ thứ 9. Cách mình suy tư, nói năng và tiếp xử không hề thay đổi, những gì mình đã làm để gây đau khổ cho người trước bây giờ mình cũng lại làm y như vậy để gây đau khổ cho người mới và vì vậy mình tạo ra một địa ngục thứ hai. Mình không biết rằng khổ đau không phải tới từ người này hay tới từ người kia mà tới từ chính mình. Nếu mình không chuyển hóa được tập khí của mình và lề thói ứng xử của mình thì với ai mình cũng có thể làm cho họ đau khổ và làm cho mình đau khổ. Đây không phải là vấn đề với đối tác mà là vấn đề với tập khí của chính mình.
Bài kệ 10
Tham ý vi thường lưu 貪 意 為 常 流
Tập dữ kiêu mạn tinh 習 與 憍 慢 并
Tư tưởng ỷ dâm dục 思 想 猗 婬 欲
Tự phú vô sở kiến 自 覆 無 所 見
Tâm ái dục là một dòng chảy thường xuôi theo dòng tập khí và dòng kiêu mạn. Những trông cầu và nhận thức của ta đều có thể được tô điểm theo màu sắc ái dục và do đó chính mình tự che lấp sự thật và không thấy được sự thật.
Tham ý vi thường lưu: Tham ý là ý niệm hay tâm ý của tham dục. Thường lưu là chảy hoài. Tâm ý của tham dục như một dòng chảy cứ chảy hoài.
Tập dữ kiêu mạn tinh: Tập là thói quen, là tập khí. Tinh là cùng đi với. Kiêu mạn cùng đi đôi với tập khí.
Tư tưởng ỷ dâm dục: Những mong cầu và nhận thức của ta đều có thể được tô điểm theo màu sắc ái dục.
Tự phú vô sở kiến: Phú là che. Vô sở kiến là không thấy được. Tự mình che mình và không thấy được sự thật.
Trong Duy Biểu Học, chúng ta được biết tới năm tâm hành thường xuất hiện cùng nhau, gọi là Năm tâm sở biến hành. Chúng là: xúc (sparśa), tác ý (manaskara), thọ (vedanā), tưởng (samjña) và tư (cetana).
Giác quan của chúng ta tiếp xúc với một cái gì đó, mình để ý tới nó và tự nhiên mình có một cảm thọ có thể là dễ chịu hoặc khó chịu. Cảm thọ đó cho mình một tri giác, tri giác này có thể đúng hay sai. Thấy cái đó không khả ái mình không muốn chấp nhận, mình muốn xua đuổi, còn khi nhận ra cái đó là khả ái thì mình muốn nắm giữ. Cái ý muốn xua đuổi hay nắm giữ ấy chính là tư (volition).
Trong câu kệ thứ ba có chữ tư và chữ tưởng. Tư tưởng, trong văn mới có nghĩa là tư duy (thinking). Nhưng chúng ta phải hiểu kinh theo nghĩa của chữ cổ. Tưởng là tri giác hay nhận thức (perception). Trong chữ tưởng 想, ở trên có chữ tướng 相 và ở dưới có chữ tâm 心 , có nghĩa là tâm nắm bắt tướng và làm phát sinh ra một tri giác, một nhận thức.
Chữ tư ở đây không nên dịch là tư duy, dịch là tư duy thì có nghĩa, nhưng e rằng không chắc lắm. Chữ tư (cetana) là sự ước mong, sự trông cầu, động lực để nắm bắt hay xua đuổi những đối tượng của nhận thức như nghĩa của tâm hành tư trong năm tâm sở biến hành. Chúng ta nên dịch là “những trông cầu và nhận thức của ta“ thay vì “ những tư duy và nhận thức của ta“. Tư cũng là tư niệm thực, nguồn thực phẩm thứ ba được giảng bày trong kinh Bốn Loại Thức Ăn. Trong tình yêu chúng ta có chữ tương tư và nó được xem như một chứng bệnh gọi là “bệnh tương tư”, mình cứ nhớ tới một bóng hình nào đó hoài, không quên được.
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy
Đó là những câu thơ rất nổi tiếng trong Khúc Trường Tương Tư của nàng Ý Nương đời Hậu Chu, một người đang mắc bệnh tương tư trầm trọng. Tạm dịch là:
Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương.
Chữ tư đó có nghĩa là nhớ, tưởng, mong ước một cái gì đó, một người nào đó. Khi bị vướng vào lưới ái dục rồi thì sự nhớ mong và nhận thức của mình đều bị nhuộm màu sắc của ái dục. Đi cũng nghĩ tới chuyện đó, ngồi cũng nghĩ tới chuyện đó. Thấy mặt trăng cũng nhớ tới chuyện đó, thấy đám mây cũng nhớ tới chuyện đó.
Đọc kỹ mình thấy bài kệ này rất sâu sắc. Tâm ái dục là một dòng chảy, nó không phải là một cục, một khối. Trong chuyện Trương Chi, khối tình của Trương Chi là một khối không tiêu, đến khi chết rồi cái khối đó vẫn còn nguyên nhưng trong kinh nói ái dục không phải là một khối mà là một dòng chảy. Vì là một dòng chảy nên nó cuốn theo tất cả, những tư duy, những nhận thức, những hành động hàng ngày đều bị dòng chảy đó kéo theo.
Hay nhất là câu “xuôi theo dòng tập khí và dòng kiêu mạn“, tại sao trong tình dục lại có tập khí và kiêu mạn?
Tập khí là một cái gì lâu đời mà mình mang theo trong con người của mình. Dù mình không muốn nó nhưng nó đã có sẵn đó, nó là hạt giống do tổ tiên, ông bà, cha mẹ trao truyền lại. Trước tiên chúng ta nên biết rằng trong con người mình luôn có thiên chức làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ. Tình dục có liên hệ tới gốc rễ đó và là một năng lượng rất tự nhiên. Thứ hai là do những hạt giống lâu đời của ông bà tổ tiên để lại vẫn còn trong mình, đến khi chúng phát hiện ra thì chúng làm cho mình lao đao, khốn khổ và cho dù không muốn mình cũng là nạn nhân của nó. Đó gọi là tập khí. Tập khí không phải là cái được un đúc ngay trong đời của mình mà nó có thể có từ trước, từ đời ông bà tổ tiên.
Một sư cô có viết thư cho thầy và nói rất rõ: “Con có khuynh hướng muốn người khác vướng vào con. Con rất ghét chuyện đó nhưng con cũng lại thấy thích thú khi người khác vướng vào con. Tại sao con lại có cái tật muốn người khác phải bị vướng vào mình? “.
Khi người ta vướng vào mình thì người đó khổ mà tại sao mình lại cảm thấy thích thú khi người ta vướng vào mình? Điều này cũng xảy ra ở bên phía người con trai, người con trai cũng có ý muốn người con gái vướng vào mình.
Ngày xưa có một sư cô, khi còn dưới 20 tuổi thì sống rất hạnh phúc, rất trong sáng và một lòng tu tập. Không có vấn đề gì về tình cảm. Nhưng khi sư cô quá tuổi 20 thì hạt giống nào đó trong sư cô bắt đầu phát triển, có thể đó là hạt giống do tổ tiên để lại. Tự nhiên sư cô đó thấy có sự thích thú khi thấy người này hay người kia vướng vào mình và sư cô đó đã gây đau khổ cho những người con trai khác. Rốt cuộc, sư cô đã được gửi về nhà không cho tu nữa. Khi thầy quán sát và nhận thấy như vậy thì thầy rất thương. Đôi khi đương sự không muốn như vậy nhưng vì tập khí quá mạnh nên người đó không cưỡng lại được. Điều này cũng đúng cho phía con trai. Đó là vấn đề tập khí, vấn đề hạt giống. Khi gặp một người như vậy mình phải phát khởi lòng từ bi, mình buộc lòng phải gửi người đó về nhà, không cho tu nữa nhưng mình không giận tại vì mình hiểu dòng ái dục luôn đi chung với dòng tập khí. Tu được hay không tu được là vấn đề phước đức của tổ tiên để lại, phước đức ở chỗ mình có được trao truyền những hạt giống tốt hay không.
Trong truyền thống Làng Mai, ngày Tết chúng ta làm lễ địa xúc để bày tỏ chí nguyện thực tập giới luật và uy nghi để tự bảo vệ cho mình và bảo vệ cho người kia (người xuất gia khác phái) và mong muốn người đó cũng thực tập uy nghi và giới luật hết lòng để tự bảo vệ cho người đó và bảo vệ cho mình. Chúng ta phải nhớ như vậy. Đừng nên có bất cứ cử chỉ hay lời nói nào làm cho người khác vướng vào mình mà tội nghiệp cho mình và tội nghiệp cho người đó. Mỗi khi tập khí muốn người khác vướng vào mình nổi dậy thì mình phải trở về với hơi thở và thấy rằng điều này là không đúng. Lời Bụt dạy rất đúng đó là dòng ái dục chảy cùng với dòng tập khí, mình phải thấy được như vậy.
Kiêu mạn cũng là một dòng chảy mà trong đó chứa đựng ý niệm về “cái ngã”. Khi một người vướng vào mình thì mình có cảm tưởng tự ái được thỏa mãn. Mình phải có giá trị nào đó, có sắc đẹp nào đó, có sự tốt đẹp nào đó cho nên người kia mới vướng vào mình. Vì vậy cho nên kiêu mạn liên đới với tình dục. Đôi khi chúng ta có mặc cảm là mình không có đủ tài năng, không đủ xinh đẹp và mình đau khổ. Nhiều người con gái có cảm tưởng đó mà nhiều người con trai cũng nghĩ như vậy. Nghĩ mình không đủ đẹp, mình không có đủ tài năng. Vì vậy, trong ý hướng chinh phục một người nữ hay chinh phục một người nam có yếu tố của mặc cảm chi phối. Khi chinh phục được người khác, mình có cảm tưởng mình có một giá trị nào đó, mình không phải là một con số không. Trong ái dục có mạn (mặc cảm):
- Mình có mặc cảm mình có tài năng, mình có sắc đẹp.
- Mình có mặc cảm mình không có tài năng, mình không có sắc đẹp và mình muốn chinh phục để không còn mặc cảm đó nữa.
- Nếu không có mặc cảm hơn người hay thua người thì mình có mặc cảm bằng người, mặc cảm là mình không thua ai.
Ba thứ mặc cảm đó có dính líu rất mật thiết tới chuyện tình dục. Đây là cái nhìn của Đức Thế Tôn. Ngài thấy rất rõ, rất sâu: Ái dục không phải chỉ là vấn đề thèm khát, ái dục là vấn đề tập khí, là vấn đề mặc cảm sâu sắc. Kinh dạy rất “cạn tàu ráo máng” và đi rất sâu. Phải quán chiếu thật kỹ để thấy rằng sự thèm khát, tập khí và mặc cảm tô màu cho những tư duy, những mong muốn và những nhận thức của mình.
Trong đại chúng của mình có rất nhiều sư cô, sư chú xinh đẹp. Một hôm, một sư cô tới kể với thầy rằng có một sư anh tới tâm sự với sư cô là bây giờ sư anh đã trên 30 tuổi rồi, sư anh phải nghĩ tới tương lai của mình. Mình phải làm gì cho xứng đáng với lý tưởng của một người xuất gia có định hướng trong cuộc đời và sư anh muốn hỏi ý kiến của sư em. Sư em có ý kiến gì về tương lai của sư anh hay không? (Có thể sư anh đã hỏi ý kiến của thầy và của các sư anh khác rồi, nhưng vì thấy sư em xinh đẹp dễ thương nên tới hỏi sư em). Sư cô chưa trả lời ngay mà nói mình cần phải suy nghĩ rồi sẽ trả lời sư anh sau. Sư cô đó đã kể lại với thầy: “Bây giờ con đã có câu trả lời cho sư anh rồi. Con có thể tới nói trực tiếp hoặc gởi e-mail cho sư anh. Câu trả lời của con như thế này: cái quan trọng nhất mà sư anh cần phải làm là đào cho tận gốc ái dục trong bản thân.”
Thầy rất hạnh phúc vì trong chúng của mình có những sư em như vậy, có khả năng giúp được cho sư anh mình. Dù sư em chưa học kinh này nhưng đã trả lời đúng vào một bài kệ trong kinh. Việc đầu tiên phải làm trên con đường thực hiện lý tưởng là đào được tận gốc ái dục trong con người của mình. Khi có được một sư em hay một sư anh có tuệ giác như vậy mình phải tự hào là trong chúng của mình có những vị bồ tát thực tâm tu học.
Chỉ với bài kệ thứ 10, chúng ta biết cái thấy của Bụt rất sâu sắc, mình phải quán chiếu và pháp đàm về bài kệ này. Tâm ái dục không phải là một cái khối bất động như khối tình Trương Chi mà là một dòng chảy xuôi theo dòng tập khí và kiêu mạn. Chúng ta không thể coi thường. Nếu có chánh niệm, mình thấy những gì sẽ xảy ra. Như trong câu chuyện trên, sư em thấy sư anh muốn khoe với mình và muốn gây ấn tượng tốt đẹp nơi mình bằng một câu hỏi, tưởng chừng là hay ho, và sư em đã hành xử như Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, giúp cho sư anh thấy rõ được con đường của sư anh.
Bài kệ cho thấy rõ cái ngã chấp của mình là nguồn gốc của tất cả mọi mặc cảm. Vì thấy mình là một cái ta riêng biệt nên mình mới so sánh mình với người để thấy hoặc mình hơn, hoặc mình thua, hoặc mình bằng người khác. Rất ít người biết phân tích tình yêu và sự luyến ái dưới góc độ của vô ngã. Đức Thế Tôn là người đầu tiên đưa ra vấn đề này. Phân tích tình yêu dưới góc độ của vô ngã, ta sẽ khám phá ra được những điều rất mầu nhiệm. Chứng được vô ngã, ta thấy mình có trong người kia và thấy người kia cũng có trong ta. Lúc đó mình thấy rất khỏe nhẹ và hạnh phúc. Sư anh của mình cũng là mình, sư em của mình cũng là mình, sư chị của mình cũng là mình. Chê hay khen người đó cũng là chê khen mình nên mình không còn là nạn nhân của sự khen chê nữa. Vô ngã là một tuệ giác, khi có tuệ giác này rồi thì tất cả các vấn đề đều được giải quyết trong đó có vấn đề ái dục, vấn đề tình yêu. Phương thuốc mà Đức Thế Tôn đưa ra là phương thuốc trị tận gốc, không phải là chối bỏ thương yêu mà là thương yêu trong ánh sáng của tuệ giác Vô Ngã. Thương, theo đúng ý nghĩa chân thực của nó là không còn sự phân biệt, là phải có yếu tố xả (equanimity), một trong bốn yếu tố mà Bụt gọi là thương yêu không bờ bến (Tứ Vô Lượng Tâm). Xả là sự vắng mặt của ba loại mặc cảm, không còn phân biệt, kỳ thị, ôm lấy tất cả và không có khổ đau. Khi trong tình thương mà vắng mặt sự phân biệt, kỳ thị thì tình thương ấy cũng vắng mặt luôn cả khổ đau. Mình phải thương theo hướng đó.
Chúng ta nên dành thời gian để pháp đàm sâu sắc về hai gốc rễ của ái dục là tập khí và mặc cảm.
Bài kệ 11
Nhất thiết ý lưu diễn 一 切 意 流 衍
Ái kết như cát đằng 愛 結 如 葛 藤
Duy tuệ phân biệt kiến 唯 慧 分 別 見
Năng đoạn ý căn nguyên 能 斷 意 根 原
Dòng tâm ý tham dục ấy cứ mặc tình trôi chảy khiến cho những nút thắt ái dục đan kết lại với nhau chằng chịt. Chỉ có tuệ giác chân thật mới có thể có khả năng phân biệt và thấy rõ điều này, giúp ta đoạn trừ được căn nguyên của nó nơi tâm ý.
Nhất thiết ý lưu diễn: Nhất thiết là tất cả. Ý là tâm ý. Tất cả dòng tâm ý chảy tràn (lưu diễn).
Ái kết như cát đằng: Kết là những nút thắt, được dịch từ chữ samyojana, tiếng Anh là fetters. Trong bản tiếng Pali có chữ sanyojana, sanyojana và có cùng nghĩa như samyojana, tức là những sợi dây ràng buộc. Ngoài ra còn có chữ sanga, sanga có nghĩa là trước 著 tức sự vướng mắc. Vô trước (asanga) là không vướng mắc. Asanga là tên một thầy lớn, anh ruột của thầy Vasubandhu (Thế Thân). Trong bản Pali có hai chữ dùng để chỉ sư ràng buộc, vướng mắc: chữ sanyojana (kết) dịch ra tiếng Anh là fetters và chữ sanga (trước) dịch tiếng ra Anh là bonds. Cát đằng là những dây leo, tiếng Anh là creeper, tiếng Pháp là plante grimpante, tiếng Phạn là lata. Chữ lata đồng thời cũng có nghĩa là tham dục. Lata là một épithète của chữ tanha, tanha là dục.
Cả dòng tâm ý chảy mạnh làm cho những nút thắt và những vướng mắc của ái dục kết thành những dây leo chằng chịt.
Duy tuệ phân biệt kiến: Chỉ có tuệ giác mới có thể thấy, có thể phân biệt được
Năng đoạn ý căn nguyên: và đoạn trừ được nguồn gốc của tâm ý tham dục. Ý là ái ý, dục ý. Đoạn là cắt đứt.
Vấn đề giải thoát không phải là ép xác cho khô để hết năng lượng tình dục. Giải thoát là vấn đề có tuệ giác, có tuệ giác và tình thương rồi thì tuy năng lượng tình dục còn có đó nhưng mình có thể xử lý nó dễ dàng. Đó gọi là đào tận gốc. Có đủ trí tuệ và tình thương nên mình thấy rõ rằng mình không được làm chuyện đó vì làm chuyện đó sẽ đưa tới khổ đau cho chính mình và cho người khác. Ví dụ có một người có khuynh hướng muốn lạm dụng tình dục một em bé. Có thể người đó đã được sinh ra với tập khí này từ tổ tiên để lại. Dù cho có đi xuất gia làm một ông thầy hay một ông cha thì tập khí đó vẫn còn. Dù người này không muốn lạm dụng tình dục của trẻ em nhưng tiềm tàng trong con người họ vẫn có hạt giống đó. Khi bắt đầu thấy được điều đó thì sự giận dữ, sự thù hận của mình đối với những người lạm dụng tình dục trẻ em sẽ bớt đi nhiều lắm. Và mình sẽ thấy xót thương cho cả hai bên tại vì kẻ phạm tội cũng là một nạn nhân của tập khí. Con đường giải thoát cho người đó không phải là hủy hoại thân thể. Có nhiều người rất tức giận vì trong họ cái tập khí đó hơi mạnh, họ không muốn như vậy nên họ tự hủy hoại thân thể của mình. Trong truyền thống Tây phương cũng như Đông phương có người đã lấy dao tự cắt bộ phận sinh dục của mình, gọi là đoạn âm, bởi vì họ không chấp nhận năng lượng đó của họ. Họ không muốn như vậy! Thi sĩ Huy Cận hỏi tại sao Thượng đế sinh ra cơ thể con người kỳ cục như vậy?
Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp
Chớ giận chi những kẻ mất thiên đường.
Thi sĩ trách tại sao Thượng đế lại sinh ra cơ thể con người quá nặng nề như vậy. Mình không muốn nhưng cơ thể mình muốn như vậy. Ngày xưa trong giáo đoàn của Bụt có người đã tự đoạn âm và bị Bụt la rầy, Bụt nói: "Đoạn âm không bằng đoạn tâm" (đoạn âm bất như đoạn tâm), cắt đứt cái tâm chứ không nên cắt đứt cái thân.
Ta phải tìm phương pháp để đối xử với năng lượng đó chứ tự hủy hoại thân thể thì không giải quyết được vấn đề. Phương pháp Bụt đưa ra là phải có tuệ giác, có tuệ giác là có từ bi. Nhìn một em bé, mình có thể có khuynh hướng muốn lạm dụng nó, nhưng nếu có đủ trí tuệ, mình sẽ thấy nếu mình làm chuyện đó là mình làm hỏng cả cuộc đời của nó và làm hỏng luôn cả cuộc đời mình. Đừa bé ấy nó mới có sáu, bảy tuổi, nếu bị lạm dụng tình dục thì vết thương sẽ đi theo nó khiến nó đau khổ suốt đời. Thấy được như vậy tự nhiên mình có từ bi. Chính trí tuệ và từ bi cứu mình và cứu em bé. Muốn làm được chuyện đó thì phải phải có Bụt, có Pháp, có Tăng hộ niệm và yểm trợ. Làm một mình thì rất khó, nhất là khi mình sống một mình, không có sự hướng dẫn của thầy, của bạn, của giáo pháp. Có những trường hợp tập khí quá nặng, người đó phải được đặt trong một hoàn cảnh có sự giữ gìn của một đoàn thể những người hiểu biết phương pháp. Nếu thả lỏng người đó vào trong hoàn cảnh tự do thì người đó sẽ gây tàn hại cho những em bé khác và cho chính họ. Đó mới gọi là thương.
Theo tuệ giác của Bụt thì có bốn cái thấy sai lạc gọi là Tứ điên đảo (viparyasa). Điên đảo có nghĩa là đảo lộn trật tự (upside down). Có bốn cái thấy trái ngược với sự thật, mình phải làm sao cho bốn cái thấy đó đúng trở lại:
1. Thường (nitya): Sự vật là vô thường (anitya) mà mình thấy là thường (nitya). Đó là đệ nhất điên đảo, một trong bốn cái thấy đảo lộn.
2. Lạc (sukha): Đó là khổ mà mình tưởng là lạc. Ví dụ như mình đi tìm hạnh phúc trong ma túy, trong tửu sắc. Những thứ đó không phải là lạc (sukha), nó là khổ (dukha).
3. Ngã (atma): Bông hoa không có chủ thể riêng biệt, con người không có chủ thể riêng biệt, cha không có chủ thể riêng biệt mà con cũng không có chủ thể riêng biệt. Cha có trong con và con có trong cha, đám mây có trong bông hoa và bông hoa có trong đám mây. Thấy được điều đó là thấy vô ngã, thấy được vô ngã thì không có mặc cảm. Chưa thấy được vô ngã thì cái thấy của mình còn đảo ngược. Mình phải tu tập như thế nào để có chánh kiến, có cái thấy chân thật (right view).
4. Tịnh (suddhi): Tịnh là tinh khiết. Nó không tinh khiết mà mình cho là tinh khiết. Nó là ái nhiễm (unhealthy, unsane) mà mình cho là tinh khiết. Đó gọi là điên đảo.
Thường - lạc - ngã - tịnh, đó là bốn cái thấy đảo ngược gọi là Tứ điên đảo. Khi quán chiếu thấy được nó là tà kiến (wrong view) thì mình đạt tới tuệ giác. Nhìn vào đối tượng của ái dục thấy được bản chất của nó không phải thường, không phải lạc, không phải ngã, không phải tịnh, nó gây khổ đau cho mình và cho người kia trong tương lai thì mình tự khắc có tuệ giác. Có tuệ giác thì có từ bi, mình có khả năng thấy được và phân biệt được. Chỉ khi có tuệ giác rồi thì mới đoạn trừ được cái nguồn và cái gốc của dục ý mà thôi.
Chúng ta phải đưa ra với nhau những câu hỏi rất thực tế để cùng quán chiếu và đi tới tuệ giác, đó là: Trong cuộc phiêu lưu ân ái vướng mắc này mình sẽ đi về đâu và người kia sẽ đi về đâu? Nếu tiếp tục đi sâu vào sự liên hệ đó thì ngày mai mình sẽ đi về đâu trong cuộc đời người tu của mình và người kia sẽ đi về đâu? Nếu tiếp tục đi vào chuyện vướng mắc thì mình và người kia sẽ trở thành ra cái gì? Trong giây phút hiện tại mình đã có thể thấy được tương lai.
Câu hỏi thứ hai là: Chí nguyện của mình là gì? Mình có thật sự muốn thể hiện chí nguyện đó hay không? Nếu mình thật sự muốn hoàn thành chí nguyện lớn lao đó thì tại sao mình lại còn muốn đi vào con đường này? Con đường ngược lại với chí nguyện ban đầu của mình, nó làm cho mình không còn năng lượng để có thể tu học và độ đời.
Câu hỏi thứ ba là: Nếu ta để cho sự kiện vướng mắc đó đưa ta và người kia đi xa, ta không muốn nghe lời khuyên nhủ và giáo giới của tăng thân thì ta sẽ đi tới đâu? Ta nói mình có đủ tuệ giác để tự lo cho mình thì mọi người trong tăng thân sẽ đối xử với ta như thế nào? Chúng ta có thể có câu trả lời là mình sẽ trở thành đối tượng "khó gần" của tăng thân tại vì tăng thân thấy không thể tới chuyện trò được với mình, không thể tới chơi được với mình. Lúc ấy mình sẽ thấy mình như một kẻ lưu lạc và mọi người đang nhìn mình bằng con mắt khác. Khi đó mình là một giọt dầu trong bát nước của tăng thân. Nếu mình vẫn cứ tiếp tục đi về hướng đó thì chắc chắn một ngày nào đó mình sẽ từ bỏ con đường hiện giờ mình đang đi và mình sẽ đánh mất tăng thân. Có những người ngoan cố đi con đường mà tăng thân không ngăn cản được nên đã đánh mất tăng thân và không trở về được với tăng thân nữa.
Tất cả dòng suối tâm ý tuôn chảy tạo ra những nút thắt, những ràng buộc khiến cho cây ái dục đan vào nhau chằng chịt. Trong trường hợp đó chỉ có tuệ giác mới giúp cho ta thấy và phân biệt được rõ ràng cái gì đang xảy ra, giúp ta chấm dứt được dục ý, chấm dứt được cái nguồn và cái gốc của ái dục.
(Đây là bài Pháp thoại ngày 09.05.2010 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ)
_________________________
Giảng giải kinh Chiếc Lưới Ái Ân_phần 4 (Ái Dục Phẩm, Pháp Cú Kinh) - Thầy Làng Mai
Chúng ta cùng đọc lại những bài kệ đã học:
1. Tâm ý đi về hướng ái dục thì cây ái dục sẽ đâm chồi, trổ nhánh rất mau. Tâm ý phân tán vì đối tượng ái dục sẽ làm cho lửa ái dục bừng cháy trong ta. Kẻ đi tìm ái dục cũng giống như một con vượn chuyền cành tìm trái, chuyền từ cành này sang cành khác.
2. Ái dục buộc mình phải gánh chịu khổ đau, ái dục làm cho mình bị vướng mắc vào cuộc sống trần tục. Những lo lắng và hoạn nạn do ái dục đem tới cứ tăng trưởng đêm ngày, mọc kín như cỏ tranh.
3. Bị ái ân mê hoặc người ta sớm muộn gì cũng bị vướng vào dục tình. Cái lo lắng kia càng ngày càng lớn giống như dòng nước rỉ, rỉ mãi cũng đầy hồ.
4. Ở đời có nhiều thứ lo lắng và đau buồn, nhưng không có thứ lo buồn nào lớn hơn cái lo buồn do ái dục đem lại. Buông bỏ được ái dục mới hết lo buồn.
5. Muốn tâm ý được an vui thì phải quyết tâm vứt bỏ ái ân. Không ân ái thì không đi vòng quanh trong cõi luân hồi, không còn phải mang nặng ưu tư, không còn thấp thỏm mong cầu những gì ô nhiễm. Không còn ái nhiễm thì sẽ được thật sự an vui.
6. Ân ái thâm trọng thì đến giờ lâm chung bao quanh bởi những người thân thuộc, sẽ thấy con đường của lo lắng và sầu khổ dài như thế nào. Cái khổ do ân ái gây nên thường đưa ta tới những hoàn cảnh không an toàn, đầy tai ách.
7. Là người tu đạo ta không nên đi về hướng ái dục, phải bắt đầu bằng cách tìm diệt tận gốc cái cây ái dục để cho những cái rễ của nó không còn có thể đâm chồi lên được. Đừng làm như cắt cỏ lau để sau khi được cắt rồi thì lau lại mọc lên như cũ.
8. Gốc cây ái dục sâu và vững, tuy cây đã bị đốn nhưng các cành lá vẫn có thể sinh ra trở lại. Tâm ái dục chưa dứt trừ thì theo lẽ thường cái khổ do ái dục đem tới vẫn còn trở lại như thường.
9. Như con vượn nhảy ra khỏi cây này thì lại nhảy vào cây khác, người đời cũng thế, ra khỏi được ngục tù ái dục này rồi lại lao vào ngục tù ái dục khác.
10. Tâm ái dục là một dòng chảy thường xuôi theo dòng tập khí và dòng kiêu mạn. Những mong cầu và nhận thức của ta đều có thể được tô điểm theo màu sắc ái dục và do đó chính mình tự che lấp sự thật và không thấy được sự thật.
11. Dòng tâm ý ái dục ấy cứ mặc tình trôi chảy khiến cho những gút thắt ái dục đan kết lại với nhau chằng chịt. Chỉ có tuệ giác chân thật mới có thể cò khả năng phân biệt và thấy rõ điều này, giúp ta đoạn trừ được căn nguyên của nó nơi tâm ý.
Bài kệ 12
Phù tùng ái nhuận trạch 夫 從 愛 潤 澤
Tư tưởng vi tư mạn 思 想 為 滋 蔓
Ái dục thâm vô để 愛 欲 深 無 底
Lão tử thị dụng tăng 老 死 是 用 增
Dòng suối ái dục thấm vào tư duy, mong cầu và nhận thức để lớn mạnh và quấn vào nhau. Nguồn suối ái dục sâu không đáy kia làm cho cái già và cái chết tăng trưởng một cách rất là mau chóng.
Phù tùng ái nhuận trạch: Theo lẽ thường thì dòng ái dục kia thấm vào trong dòng sông (tâm thức) của mình và làm cho
Tư tưởng vi tư mạn: những tư duy, mong muốn và nhận thức (nhiễm màu của ái dục) lớn lên (tư) và quấn vào nhau (mạn).
Ái dục thâm vô để: Ái dục sâu và không có đáy.
Lão tử thị dụng tăng: Do ái dục mà cái già và cái chết tới rất mau.
Bài kệ 13
Sở sinh chi bất tuyệt 所 生 枝 不 絕
Đãn dụng thực tham dục 但 用 食 貪 欲
Dưỡng oán ích khưu trủng 養 怨 益 丘 塜
Ngu nhân thường cấp cấp 愚 人 常 汲 汲
Những cành nhánh của cây ái dục cứ tiếp tục sinh trưởng không ngừng nghỉ cũng bởi vì chúng được nuôi dưỡng bằng thực phẩm ái dục. Thực phẩm này nuôi dưỡng oán hận, un thành từng gò từng đống, người thiếu trí tuệ thì cứ miệt mài đi về hướng ấy.
Sở sinh chi bất tuyệt: Những cành nhánh sinh ra không chấm dứt
Đãn dụng thực tham dục: Tại vì được chăm bón và nuôi dưỡng bằng nguồn thực phẩm tham dục nên cành lá của cây ái dục càng ngày càng vươn lớn.
Dưỡng oán ích khưu trủng: Ích là làm cho lớn lên. Khưu là đồi đất, đống đất. Trủng hay chủng là những gò mả. Ái dục nuôi dưỡng oán hận thành gò thành đống.
Ngu nhân thường cấp cấp: Ngu nhân là người không có trí tuệ. Cấp cấp là miệt mài, bận rộn. Những người không có trí tuệ cứ miệt mài, bận rộn đi về phía đó.
Bài kệ mô tả ái dục như một loài cây. Nhờ nguồn thực phẩm tham dục nên cây ái dục cứ tiếp tục lớn lên và không ngớt sinh ra những cành nhánh mới và vì vậy những khổ đau, oán hận cũng càng ngày càng chất chồng như những gò đống. Ấy vậy mà những người không có trí tuệ vẫn cứ miệt mài đi về hướng đó.
Bài kệ 14
Tuy ngục hữu câu diệp 雖 獄 有 鉤 鍱
Tuệ nhân bất vị lao 慧 人 不 謂 牢
Ngu kiến thê tử tức 愚 見 妻 子 息
Nhiễm trước ái thậm lao 染 著 愛 甚 牢
Trong ngục thất có gông có cùm. Nhưng người có trí tuệ không thấy những dụng cụ này là thứ gông cùm vững chắc nhất. Cái loại gông cùm ái nhiễm cột người ta vào hệ lụy mới là loại gông cùm kiên cố.
Tuy ngục hữu câu diệp: Câu là móc làm bằng đồng, bằng sắt. Chữ diệp có thể là chữ tỏa 鎖 viết nhầm, tỏa có nghĩa là cái khóa.
Tuệ nhân bất vị lao: Những người có trí tuệ không cho đó là những thứ kiên cố nhất.
Ngu kiến thê tử tức: Ngu chỉ những người không có trí tuệ. Thê tử là vợ con, ý nói tới vòng hệ lụy, ái dục. Tức là bị chặn đứng lại.
Nhiễm trước ái thậm lao: Nhiễm trước là vướng vào và bị ô nhiễm, thậm là rất (very), lao là kiên cố (solid). Vướng vào ái dục, đó mới thực là vướng vào thứ gông cùm kiên cố.
Bài kệ thứ 14 đã ví ái dục như những gông cùm và móc khóa khóa chặt con người. Những thứ gông, thứ khóa
này các bậc thức giả thấy rằng chúng còn kiên cố hơn cả những dụng cụ kiềm tỏa trong lao tù. Chúng là những vòng luẩn quẩn của vợ con, thân quyến và ái tình mà bao nhiêu người không có trí tuệ đang bị vướng vào. Khi người ta đã bị giam cầm bởi chúng thì bao nhiêu chí khí đều bị tiêu
tán hết, chí nguyện cũng xa rời mà con đường lý tưởng cũng không thể đi tiếp được. Mình không dám nói, không dám làm vì nếu mình nói, mình làm thì mình sợ sẽ động tới an nguy của vợ con hoặc chồng con mình, của
những người mình thương. Lúc đó khác nào mình đang bị bịt miệng, còng tay và trói chặt bằng những cái gông cùm còn vững chắc hơn cả những cái
gông bằng đồng, bằng sắt. Chính vì vậy nên những người làm cách mạng thường sống độc thân để hoạt động, tại vì khi sống độc thân, họ có can đảm nói và làm những điều họ cho là đúng để đem lại giải phóng và an vui
cho đất nước. Cuộc sống độc lập đó cho phép họ sống thực sự là một đấng hào kiệt, tự do tung hoành mà không bị vướng bận bởi vợ chồng, con
cái hay ái tình.
Những người ngoài đời muốn làm cách mạng còn phải xa lìa ái dục huống chi là người có chí hướng độ đời như Siddharta?
Bài kệ 15
Tuệ thuyết ái vi ngục 慧 說 愛 為 獄
Thâm cố nan đắc xuất 深 固 難 得 出
Thị cố đương đoạn khí 是 故 當 斷 棄
Bất thị dục năng an 不 視 欲 能 安
Người có trí tuệ thấy ái dục là một ngục tù kiên cố khó thoát ra khỏi. Người ấy biết rõ rằng, phải đoạn
trừ ái dục thì mới thật sự được an vui.
Tuệ thuyết ái vi ngục: Những người có trí tuệ nói rằng ái dục là ngục tù.
Thâm cố nan đắc xuất: Nó sâu vững khó mà đi ra khỏi.
Thị cố đương đoạn khí: Vì vậy cho nên phải chấm dứt, phải buông bỏ.
Bất thị dục năng an: Không vướng vào ái dục thì mới thật sự có an vui.
Bài kệ này tiếp nối bài kệ trên với hình ảnh ái dục như ngục tù sâu vững, những người muốn đạt tới giải thoát, an vui cần tìm cách thoát ra khỏi nó. Bài kệ nhắc tới sự thực tập đoạn khí tức là chấm dứt và buông bỏ những đối tượng của dục vọng.
Bài kệ 16
Kiến sắc tâm mê hoặc 見 色 心 迷 惑
Bất duy quán vô thường 不 惟 觀 無 常
Ngu dĩ vi mỹ thiện 愚 以 為 美 善
An tri kỳ phi chân 安 知 其 非 真
Thấy sắc mà bị mê hoặc, đó là vì
không biết quán vô thường. Kẻ u mê tưởng rằng cái sắc ấy là một cái gì
lành và đẹp, không biết rằng cái bóng dáng bên ngoài kia không chứa đựng được một cái gì bền bỉ và chắc thật bên trong nó.
Kiến sắc tâm mê hoặc: Nếu thấy sắc mà tâm của mình bị mê hoặc, bị cuốn theo là tại vì
Bất duy quán vô thường: Mình không có tuệ giác vô thường.
Ngu dĩ vi mỹ thiện: Ngu là những người không có trí tuệ. Những người thiếu trí tuệ cho đó là đẹp, là lành.
An tri kỳ phi chân: Không biết nó không phải là cái gì chân thật.
Trong bài kệ 11 chúng ta đã học rằng chỉ có tuệ giác mới giúp mình đào được gốc rễ của cây ái dục. Tuệ giác đây là tuệ giác vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh. Nếu không có tuệ giác thì cái thấy của mình là vọng tưởng, là cái thấy đảo ngược (perverted view). Mình thấy là thường, là ngã, là lạc, là tịnh trong khi
chúng là vô thường, là vô ngã, là khổ, là bất tịnh. Với bài kệ thứ 16,
chúng ta học sâu hơn về tuệ giác vô thường để đoạn trừ ái nhiễm.
Văn dịch rất hay, bài kệ có chứa cả ba chữ: Chân (the truth), Thiện (the good) và Mỹ (the beauty). Còn hay hơn nữa khi bài kệ cho ta một cái thấy rằng bởi vì cái sắc (đối tượng của ái dục) là không thật (phi chân) như những ý niệm thường, lạc, ngã, tịnh của ta nên nó cũng không đẹp (mỹ) và lành (thiện). It’s not true, it’s not good either and it’s not beautiful either.
Sắc có thể dịch là nhan sắc tức là vẻ đẹp bề ngoài, vẻ đẹp có thể quyến rũ và mê hoặc tâm mình. Người có trí tuệ thấy nó là cái cần phải xa lìa và buông bỏ nhưng hầu hết con người của xã hội này đang đua nhau chạy theo nó. Chỉ cần nhìn vào các thành phố là mình thấy rõ điều đó ngay. Sản phẩm làm đẹp cho đàn bà và đàn ông đang bán rất chạy. Khắp nơi nơi, những tiệm bán mỹ phẩm mọc lên như nấm. Chúng ta hãy tưởng tượng tới sự nực cười của nước hoa. Mình rất hôi nhưng nếu rải vào giọt nước hoa thì nó sẽ át mùi hôi đi và mình tưởng rằng mình thơm thật. Khoa giải phẫu thẩm mỹ cũng đang rất thịnh hành, bao người đang tới đó để bơm chất hóa học vào trong ngực, trong mặt cho phình lên, cho đẹp và nhờ dao kéo gọt tỉa, chỉnh trang những khiếm nhã trên thân thể.
Người nào cũng muốn trang điểm cho vẻ ngoài thêm hấp dẫn nhưng bên trong thì không có gì thật cả. Đó gọi là phi chân, là không có thật mà mình tưởng là nó thật nên mình tin là nó lành và đẹp. Bài kệ thứ 16 nhắc nhở chúng ta về sự thực tập quán vô thường. Hình dáng bên ngoài đó không chắc thật, mai mốt nó sẽ không còn như vậy nữa, vì vậy cho nên ta không nên vướng vào nó. Vô thường là một trong bốn phép quán quan trọng, chúng ta cần thực tập sâu sắc để thực sự vượt thoát được ngục tù của ái dục.
Cái gì thật sự Mỹ, thật sự Thiện thì trong đó phải có Chân.
Bài kệ 17
Dĩ dâm lạc tự lý 以 婬 樂 自 裹
Thí như tàm tác kiển 譬 如 蠶 作 繭
Trí giả năng đoạn khí 智 者 能 斷 棄
Bất hễ trừ chúng khổ 不 盻 除 眾 苦
Tự nhốt mình trong sắc dục thì cũng như con tằm kéo chiếc kén tự mình giam hãm lấy mình. Bậc trí giả có
khả năng đoạn trừ và buông bỏ dục tưởng, không thiết tha gì đến cái đối tượng ái dục cho nên mới tránh thoát khỏi mọi khổ nạn.
Dĩ dâm lạc tự lý: Dâm lạc là lạc thú của dâm dục. Tự lý là tự nhốt mình. Lấy lạc thú của dâm dục mà tự nhốt mình vào.
Thí như tàm tác kiển: Tàm là con tằm. Kiển là cái kén. Tự nhốt mình vào dâm dục cũng giống như con tằm làm ra cái kén để tự giam mình.
Trí giả năng đoạn khí: Trí chỉ những người có trí tuệ. Đoạn là cắt đứt, khí là buông bỏ. Những người có trí có khả năng cắt đứt và buông bỏ.
Bất nghễ trừ chúng khổ: Chữ 盻 có thể đọc là nghễ hay hễ. Nghễ có nghĩa là nhìn trừng trừng, nhìn chăm chăm, nhìn một cách tức giận. Kẻ trí giả không nhìn chăm chăm vào chuyện đó nên có thể diệt trừ được tất cả mọi khổ nạn (trừ chúng khổ).
Đặc điểm của kinh là sử dụng nhiều hình ảnh rất tuyệt diệu. Một trong số đó là hình ảnh con tằm kéo cái kén làm thành tù ngục để tự giam hãm nó. Khi nghiên cứu và so sánh với bản tiếng Pali, chúng ta thấy trong bản Pali không dùng hình ảnh của con tằm với cái kén mà dùng hình ảnh con nhện với cái lưới của nó. Lưới nhện là makkataka-jala (jala là cái lưới), kén tằm là kosa-kimi. Có lẽ dịch giả muốn sử dụng một hình ảnh thân thuộc với người Trung quốc hơn vì vậy hình ảnh cái lưới nhện được thay thế bằng hình ảnh cái kén tằm. Tuy nhiên cả hai hình ảnh đều cùng diễn tả một hành động của kẻ thiếu trí tuệ, đó là tự giam mình trong tù ngục của dâm dục, cái nhà tù do chính họ tự tạo ra mà không phải ai khác.
Người trí thì có khả năng chấm dứt và buông bỏ, không đoái hoài tới sắc dục cho nên có thể diệt trừ được tất cả khổ nạn.
Bài kệ 18
Tâm niệm phóng dật giả 心 念 放 逸 者
Kiến dâm dĩ vi tịnh 見 婬 以 為 淨
Ân ái ý thịnh tăng 恩 愛 意 盛 增
Tùng thị tạo ngục lao 從 是 造 獄 牢
Kẻ có tâm ý phóng đãng khi nhìn vào một đối tượng ái dục thì có thể cho đó là một cái gì tinh khiết, không biết rằng sự tăng trưởng lớn mạnh của ái ân sẽ đem tới bao nhiêu hệ lụy, tù ngục kiên cố sau này.
Tâm niệm phóng dật giả: Giả là những người. Những người có tâm niệm phóng dật, buông lung, phóng đãng.
Kiến dâm dĩ vi tịnh: Kiến là thấy là cho rằng, dâm là những đối tượng của ham muốn. Họ cho rằng những hình ảnh, những đối tượng của ham muốn là những cái gì trong sạch.
Ân ái ý thịnh tăng: Ân ái ý là tâm niệm ân ái. Thịnh tăng là tăng trưởng mạnh mẽ. Vì thấy đối tượng của dâm dục là trong sạch nên tâm ân ái càng ngày càng lớn mạnh.
Tùng thị tạo ngục lao: Từ nguyên do đó mà chế tác ra ngục tù kiên cố sau này. Nhà tù đó, không phải do người khác mà do chính mình làm ra, giống như con tằm làm ra cái kén hay như con nhện làm ra chiếc lưới để tự giam mình.
Với bài kệ thứ 16, chúng ta được học về phép quán vô thường, bài kệ thứ 18 tiếp tục đưa chúng ta đi tới phép quán bất tịnh. Tuệ giác về tính chất bất tịnh cũng giúp chúng ta phá trừ được vòng vây của ái dục.
Những người có tâm niệm phóng đãng luôn thấy đối tượng ái dục là một cái gì trong sạch nhưng nếu nhìn cho kỹ thì không có gì là tinh khiết hết. Mình có ảo tưởng là đối tượng kia sạch và đẹp bởi vì có thể nó đang mang trên mình một cái vỏ sạch và đẹp nhưng kỳ thực bên trong nội dung thì không có gì được gọi là sạch và đẹp cả. Lột trần mọi lớp vỏ che đậy ra để thấy được sự thật, để không bị đánh lừa bởi hình thức giả dối bên ngoài, đó là phương pháp quán bất tịnh.
Bài kệ 19
Giác ý diệt dâm giả 覺 意 滅 婬 者
Thường niệm dục bất tịnh 常 念 欲 不 淨
Tùng thị xuất tà ngục 從 是 出 邪 獄
Năng đoạn lão tử hoạn 能 斷 老 死 患
Những ai thực tập chánh niệm sẽ có khả năng thấy được rằng cái đối tượng ái dục kia là bất tịnh, do đó diệt trừ được dục ý, ra khỏi nguc tù và thoát khỏi tai nạn già và chết.
Giác ý diệt dâm giả: Giác có nghĩa là tỉnh thức, cư sĩ Chi Khiêm đã dịch từ chữ sati. Sati có nghĩa là chánh niệm (smrti). Giả là những người. Những người thực tập chánh niệm có thể diệt trừ được ái dục.
Thường niệm dục bất tịnh: Thường nhớ rằng đối tượng ái dục kia là bất tịnh.
Tùng thị xuất tà ngục: Nhờ đó mà ra khỏi địa ngục của hệ lụy, của tà ma.
Năng đoạn lão tử nạn: Có khả năng chấm dứt được tai nạn của già và của chết.
Trong khi pháp đàm bên phía các thầy tìm ra được những điều khá hay. Các thầy thấy rằng những sư anh hay
sư em nào đã đào được gốc ái dục, không còn suy nghĩ hay vương vấn về chuyện đó thì những người ấy có rất nhiều hạnh phúc, có tiến bộ đều đều
trong sự tu học và các anh em khác có thể đặt niềm tin vào họ.
Có thầy nói nhu yếu muốn được người khác phái thương yêu có thể được thay thế khi anh chị em cùng chơi với nhau, sinh hoạt chung với nhau trong chúng. Khi mình xây dựng được tình anh chị em đích thực thì tình anh chị em đó có khả năng thay thế được cho nhu yếu kia và mình không cần phải hướng tâm tới người khác phái nữa.
Đời sống của người xuất gia dễ dàng hơn đời sống của người cư sĩ. Người cư sĩ, tuy có vợ có chồng nhưng họ có một đời sống rất khó khăn. Không phải có lứa đôi rồi là họ không còn vấn đề, mà có thể khi lấy nhau rồi họ còn có nhiều vấn đề hơn nữa. Con đường dễ đi là con đường xuất gia rộng lượng, nói như vậy không có nghĩa là ai cũng phải đi xuất gia. Tuy kinh này là kinh Bụt dạy cho người xuất gia nhưng ngay buổi đầu, chúng ta đã đồng ý với nhau là người tại gia cũng có thể học được rất nhiều từ những lời dạy của kinh. Chúng ta phải nghiên cứu làm sao để có thể áp dụng được kinh này cho những người thực tập với hình thức cư sĩ. Thực tập trong một tăng đoàn xuất gia có Thầy, có sư anh, sư chị, sư em luôn nhắc nhở và giữ gìn cho nhau thì rất dễ. Còn là một cư sĩ tại gia, không được sống trong tăng thân, thì mình phải cố gắng và khéo léo lắm mới có thể thành công.
Những buổi pháp đàm rất quan trọng. Chúng ta pháp đàm chung nhưng đôi khi cũng nên tổ chức pháp đàm riêng theo từng độ tuổi. Những người trẻ thỉnh thoảng cũng phải ngồi riêng tại vì khi ngồi với nhau, người trẻ có thể nói ra những điều họ ngần ngại không muốn nói trước những người lớn tuổi hơn mình. Những người lớn tuổi cũng nên làm như vậy, nói với nhau những điều mà mình nghĩ những người trẻ chưa chấp nhận được. Người cư sĩ pháp đàm chung với người xuất sĩ nhưng nhiều khi cũng phải pháp đàm riêng để tìm ra những phương pháp, đường lối thực tập phù hợp với đời sống tại gia của mình.
Vấn đề ái dục là vấn đề muôn đời. Chúng ta thấy Đức Thế Tôn đã đi rất sâu vào trong vấn đề này. Ngài đã đưa ra những gốc rễ rất sâu sắc, Ngài nói rõ là dòng ái dục đi đôi với dòng tập khí và dòng mặc cảm. Mình gây hệ lụy cho mình và cho người khác tại vì mình có mặc cảm. Mình muốn chứng tỏ mình là ai đó, mình có một giá trị nào đó và do đó mình đưa người ta vào nỗi khổ niềm đau của sự vướng mắc, rất là tội nghiệp. Sự phân tích của Đức Thế Tôn quả là sâu sắc, chúng ta phải để hết tâm ý tiếp nhận cho thấu đáo và hành trì cho hết lòng!
(Đây là bài Pháp thoại ngày 13.05.2010 (tại thiền đường Trăng Rằm, chùa Từ Nghiêm, xóm Mới)
_________________________
Giảng giải kinh Chiếc Lưới Ái Ân _ phần 5 (Ái Dục Phẩm, Pháp Cú Kinh) - Thầy Làng Mai
Như tôi đã nói, sư cô Chân Đức có dịch kinh này sang tiếng Anh, tên của kinh được sư cô dịch là “The net of attachment”. Tôi thấy dịch là ”The net of love“ thì nghe hấp dẫn hơn là “The net of attachment”, tại vì nhiều người hiểu ý nghĩa của chữ love khác nhau.
Sáng nay khi đi thiền hành, tôi thấy hành tinh của chúng ta là một cái gì rất hiếm trong vũ trụ. Trong khoảng không gian bao la mà có được một sự biểu hiện như trái đất là một điều rất mầu nhiệm. Các nhà thiên văn học dùng kính viễn vọng để quan sát vũ trụ mà chưa tìm ra được một chỗ nào giống như hành tinh của chúng ta. Trong kinh có nói đến những cõi nước khác. Những cõi nước khác ấy chắc là có đó, nhưng chúng ở rất xa và cho tới bây giờ các nhà thiên văn học vẫn chưa tìm ra được một hành tinh nào giống như trái đất của mình cả. Vì vậy sự sống trên trái đất rất là quí giá. Người ta nói trên mặt trăng có nước đá, nhưng trên mặt trăng cũng không có sự sống. Nếu một ngày nào đó có người báo cáo có cỏ mọc trên mặt trăng thì đó là một tin động trời. Cỏ mà mọc trên mặt trăng là một chuyện rất lạ! Nếu có cỏ mọc trên mặt trăng thì những hãng bất động sản sẽ tìm cách lên đó để xây cất. Điều này chưa xảy ra nhưng khoa học đang tìm cách làm cho trên mặt trăng có dưỡng khí.
Sáng nay, tôi nói với sư chú Pháp Thệ: “Trái đất của mình là một điều mầu nhiệm. Đi thiền hành trên trái đất cũng giống như là đang tiêu thụ trái đất. Mỗi bước chân của mình là để thưởng thức, để tiếp xúc với đất. Nếu mình có chánh niệm thì mỗi bước chân đem lại hạnh phúc, đem lại sự trị liệu và nuôi dưỡng.
Thứ năm vừa rồi tại xóm Mới, tôi đi thiền hành với bài kệ:
Mỗi bước chân là phép lạMỗi bước chân là trị liệu
Mỗi bước chân là nuôi dưỡng
Mỗi bước chân là thảnh thơi
Là hành giả, mình phải có khả năng đi một cách có hạnh phúc. Nếu có năng lượng của chánh niệm trong bàn chân, nếu ý thức được sự tiếp xúc của bàn chân với trái đất, mình sẽ có sự thích thú trong khi đi. Và khi ấy mỗi bước chân thực sự là một phép lạ. Tổ Lâm Tế nói: Mỗi bước chân là thần thông. Địa hành thần thông. Mình có thể làm phép thần thông bằng hai chân của mình. Ai nói là mình không thể làm phép thần thông? Tổ Lâm Tế nói tất cả chúng ta đều có thể thi thố thần thông, mà phép lạ đầu tiên là đi trên mặt đất. Bước đi tâm không bận tới quá khứ, tới tương lai và không bị những dự án, những lo lắng kéo đi. Mỗi bước chân có thảnh thơi, có sự buông thư thì mỗi bước đưa tới sự trị liệu, sự chuyển hóa; là nuôi dưỡng và chuyển hóa cho mình và cho cả trái đất.
Bài kệ 20
Dĩ dục võng tự tệ 以 欲 網 自 蔽
Dĩ ái cái tự phú 以 愛 蓋 自 覆
Tự tứ phược ư ngục 自 恣 縛 於 獄
Như ngư nhập cú khẩu 如 魚 入 笱 口
Tự cuốn lấy mình trong chiếc lưới ái dục, tự che mình bằng chiếc dù ái dục là tự trói mình trong vòng hệ lụy như con cá tự chui vào trong một chiếc nơm.
Dĩ dục võng tự tệ: Võng là cái lưới, tệ là che lấp. Lấy cái lưới dục vọng mà tự che lấp mình.
Dĩ ái cái tự phú: Cái là cái ô. Phú là phủ lên, là che lấp. Lấy cái ô tham ái mà tự che đậy mình.
Tự tứ phược ư ngục: Tứ là phóng túng, phược là trói lại. Tự mình phóng túng, tự mình trói mình lại trong ngục thất.
Như ngư nhập cú khẩu: Như con cá đi vào miệng nơm. Cú (có thể đọc là cẩu) là cái nơm. Nơm là một cái bẫy để bắt cá, đan bằng tre có hai cửa, cá đi vào rất dễ mà đi ra không được.
Bài kệ 21
Vi lão tử sở tứ 為 老 死 所 伺
Nhược độc cầu mẫu nhũ 若 犢 求 母 乳
Ly dục diệt ái tích 離 欲 滅 愛 迹
Xuất võng vô sở tệ 出 網 無 所 弊
Bị cái già và cái chết bắt theo và luẩn quẩn bên cạnh đối tượng ấy như một con bê đi tìm vú mẹ. Lìa bỏ được dục, không đi theo vết xe của ái thì có thể vượt thoát ra ngoài chiếc lưới ái ân, không còn bị bất cứ một cái gì làm hại mình nữa.
Vi lão tử sở tứ: Vi là bị. Tứ có nghĩa là hầu hạ, là đi theo không rời. Bị cái già và cái chết thăm hỏi, đi theo sát nút.
Nhược độc cầu mẫu nhũ: Nhược là giống như. Độc là con bê (con bò con). Cầu là đi tìm. Mẫu nhũ là sữa mẹ. Khi bị lọt vào lưới ái ân rồi thì mình đi quanh quẩn xung quanh đối tượng giống như một con bê đi tìm vú mẹ, không thể đi xa được.
Ly dục diệt ái tích: Khi thoát ly được ái dục và xóa được vết tích của nó (diệt ái tích).
Xuất võng vô sở tệ:
Xuất võng là ra khỏi lưới, Tệ là tệ hại, là hệ lụy. Vô sở tệ là không có gì làm mình hệ lụy, không có gì che lấp được mình nữa.
Các bài kệ 20 và 21 có thể được xem như là trung tâm điểm của kinh. Cụm từ “chiếc lưới ái ân“ được lấy ra từ bài kệ thứ 20 để làm tên kinh. Chúng ta có thể gọi kinh này là Ái Võng Kinh 愛 網 經, kinh Chiếc Lưới Ái Ân (The net of love sutra). Khi mình đã lấy cái lưới tham dục tự quấn mình, đã lấy chiếc ô ái ân tự che mình rồi thì mình buông lung và tự đưa mình vào tù ngục như con cá đi vào miệng chiếc nơm. Khi bị lọt vào lưới ái ân rồi thì mình bị cái già và cái chết dõi theo như con bê đi tìm cầu sữa mẹ, không cách gì thoát ra được. Đây là những hình ảnh rất hay, đầy chất thi ca! Thi ca được làm bằng hai yếu tố: hình ảnh và âm điệu. Kinh kệ cũng vậy, cũng là thi ca bởi vì trong đó có rất nhiều hình ảnh và âm điệu tuyệt vời. Theo dõi kinh chúng ta thấy nói cho ái dục, Bụt đã đưa ra rất nhiều hình ảnh sinh động và thực tế, nào là cái cây, con vượn, dây leo, dòng nước lũ, con bê tìm vú mẹ, con cá chui vào nơm v.v… Và chúng ta đã chọn hình ảnh chiếc lưới đại diện cho các hình ảnh ấy để làm tên kinh.
Chỉ khi nào lìa xa được ái dục, xóa hết những vết tích của nó thì khi đó mình mới thực ra khỏi được cái lưới, không còn bị bất cứ một cái gì gây hệ lụy và làm hại được nữa.
Mình là chàng dũng sĩ, là người có chí nguyện thực tập, mình phải dũng mãnh dang tay xé toạc lưới ái ân. Mỗi vị xuất sĩ và mỗi vị cư sĩ nên viết một chứng từ thuật lại kinh nghiệm của mình về ái ân, viết cho thật thì tự nhiên sẽ hay. Chúng ta hãy đọc lại bản dịch:
Tự cuốn lấy mình trong chiếc lưới ái dục, tự che mình bằng chiếc dù ái dục là tự trói mình trong vòng hệ lụy như con cá tự chui vào trong một chiếc nơm.
Bị cái già và cái chết bắt theo và lẩn quẩn bên cạnh đối tượng ấy như một con bê đi tìm vú mẹ. Lìa bỏ được dục, không đi theo vết xe của ái thì có thể vượt thoát ra ngoài chiếc lưới ái ân, không còn bị bất cứ một cái gì làm hại mình nữa.
Bài kệ 22
Tận đạo trừ ngục phược 盡 道 除 獄 縛
Nhất thiết thử bỉ giải 一 切 此 彼 解
Dĩ đắc độ biên hành 已 得 度 邊 行
Thị vi đại trí sĩ 是 為 大 智 士
Đi trọn được con đường, cởi bỏ được mọi ràng buộc hệ lụy, giải phóng được mọi phân biệt kỳ thị, vượt qua được các ý niệm lưỡng nguyên, đó mới thật là bậc xuất sĩ đại trí.
Tận đạo trừ ngục phược: Đạo là con đường. Tận đạo là đi cho hết con đường, không bỏ dở nửa chừng. Trừ ngục phược là cắt đứt, diệt trừ những sợi dây ràng buộc vào chốn ngục tù.
Nhất thiết thử bỉ giải: Thử là cái này, bỉ là cái kia, ý chỉ cho sự phân biệt kỳ thị (discrimination), cái này không phải là cái kia, cái kia không phải là cái này. Giải là thấu suốt và cũng có nghĩa là cởi trói. Hiểu thấu và cởi trói tất cả mọi ý niệm phân biệt, kỳ thị.
Dĩ đắc độ biên hành: Độ là vượt thoát, biên là một bên, biên hành là vướng mắc vào một bên. Vượt thoát sự vướng mắc vào một bên.
Thị vi đại trí sĩ: Đó mới thật là bậc đại sĩ có trí tuệ lớn.
Chân lý là cái này nằm trong cái kia, không thể lấy cái này ra khỏi cái kia. Trái và phải dường như đối lập nhau nhưng nếu không có trái thì không có phải và không có phải thì không có trái. Cha và con cũng vậy, nếu không có cha thì không có con và không có con thì không có cha. Người đàn ông đó nếu không có đứa con thì ông ta không thể được gọi là cha và đứa con cũng vậy, cũng nhờ có cha mà nó được gọi là con. Cha và con không thể tách rời nhau được. Nếu thấy được như vậy tức là ta đã có thể Nhất thiết bỉ thử giải, hiểu được và cởi trói cho tất cả mọi sự phân biệt, kỳ thị.
Còn nếu bị kẹt vào những quan niệm như “cái này không phải là cái kia”, “cha và con là hai cái khác nhau”, “vật thể và tâm thức là hai cái khác nhau”, “sinh tử là hai cái khác nhau”, “có không là hai cái khác nhau” thì đó là bị vướng vào cái thấy lưỡng nguyên (dualistic view), vướng vào biên hành. Trong truyền thống Cơ Đốc giáo, chúng ta quan niệm rằng có một Thượng đế tạo ra thế giới và có thế giới này là do Thượng đế tạo ra, Thượng đế và thế giới là hai cái khác nhau. Đó là một cách nhìn lưỡng nguyên. Chúng ta hãy thử đặt lại một câu hỏi là nếu không có tạo vật thì làm sao có thứ gọi là tạo hóa? Trả lời được câu hỏi đó rồi thì ta còn có thể thấy Đấng Sáng Tạo và vật được sáng tạo là hai thực tại đứng ngoài nhau không?
Con đường của đạo Bụt là con đường Trung Đạo (The Middle Way), không vướng vào bờ nào và vượt thoát mọi ý niệm phân biệt. Cũng như một khúc gỗ trôi trên một dòng sông, khúc gỗ đó muốn đi tiếp để trôi ra biển thì nó phải không bị vướng vào một trong hai bờ, nó phải đi con đường Trung Đạo, bằng không, nó sẽ không bao giờ ra biển được.
Khoa học bây giờ cũng bắt đầu thấy được những gì Đức Thế Tôn đã khám phá từ rất lâu. Họ đã nhận ra rằng tâm thức quán sát và thế giới được quán sát dính chặt vào nhau, không thể tách riêng ra được. Khi lấy tâm quán sát một đối tượng thì đối tượng đó bị thay đổi bởi sự quán sát kia. Khi một lượng tử (quantum) không bị quán sát thì nó rất tự do, nó có mặt khắp nơi nhưng khi mình quán sát nó thì nó bắt đầu có vị trí trong không gian và thời gian. Vì vậy các nhà khoa học đã bắt đầu đi tới kết luận là đối tượng quán sát và tâm thức quán sát không phải là hai cái riêng biệt tách rời nhau. Các nhà khoa học bây giờ đang vùng vẫy trong cái lưới nhị nguyên.
Chúng ta may mắn được là học trò của Bụt vì vậy chúng ta phải tinh chuyên đi con đường của Bụt để trở thành một con người tự do, một bậc đại sĩ có trí tuệ lớn. Muốn được như vậy mình phải làm ba điều:
- Phải cởi được sợi dây ái dục để đi trọn vẹn con đường.
- Không kỳ thị “cái này” và “cái kia”.
- Không bị vướng vào cái nhìn lưỡng nguyên.
Bài kệ thứ 22 rất là sâu, nó là hạt giống của giáo lý Trung Đạo sau này. Chúng ta có Đại Trí Độ Luận, Trung Quán Luận, những bộ luận lớn đó được đặt nền móng trên những câu kinh này. Những tư tưởng vĩ đại của Đại Thừa không phải là những cái gì mới mà đã có sẵn trong đạo Bụt nguyên thỉ. Bài kệ thứ 22 đủ để chứng minh cho điều đó.
Bài kệ 23
Vật thân viễn pháp nhân 勿 親 遠 法 人
Diệc vật vi ái nhiễm 亦勿 為 愛 染
Bất đoạn tam thế giả 不 斷 三 世 者
Hội phục đọa biên hành 會 復 墮 邊 行
Đừng thân cận với những kẻ đi ngược chánh pháp, cũng đừng để bị lôi kéo theo con đường ái nhiễm. Nếu chưa vượt thoát được thời gian thì hành giả vẫn còn bị kẹt vào cái thấy nhị nguyên.
Vật thân viễn pháp nhân: Vật là đừng, là không nên. Thân là gần gũi, kết bạn. Viễn pháp nhân là những người đang đi ngược với chánh pháp. Đừng gần gũi với những người đi ngược với chánh pháp tức là những người đang có đam mê, vướng mắc và cứng đầu không chịu nghe lời nhắc nhở của những bạn đồng tu.
Diệc vật vi ái nhiễm: Diệc là cũng. Nhiễm là dính vào (infected). Ái là ái dục. Câu này nghĩa là cũng đừng dính vào ái dục.
Bất đoạn tam thế giả: Tam thế là quá khứ, hiện tại và vị lai, ý chỉ cho ý niệm thời gian. Nếu chưa vượt thoát được ý niệm về thời gian thì…
Hội phục đọa biên hành: vẫn còn bị rơi vào cái nhìn lưỡng nguyên. Đọa là rơi xuống.
Vật thân viễn pháp nhân
Diệc vật vi ái nhiễm
Ta không nên thân cận với những người đi ngược với chánh pháp, bởi vì nếu gần họ thì ta sẽ bị ảnh hưởng, sẽ bị kéo theo. Người đó có thể nói những câu khiến cho mình thoái thất bồ đề tâm để họ có thêm đồng minh đi với họ trên con đường họ muốn. Ta chỉ nên thân cận với những người thực tập giới luật và uy nghi vững chãi, có niềm vui trong sự tu học. Trong đại chúng có thể cũng có một hay hai người “viễn pháp nhân”, mình phải tìm cách giúp họ. Nếu mình quá yếu không giúp được thì mình phải xa lìa người đó và nhờ đại chúng giúp cho họ.
Bất đoạn tam thế giả
Hội phục đọa biên hành
Chúng ta sống trong thế kỷ thứ 21, thế kỷ mà trong khi các nhà khoa học còn đang tìm hiểu về những hiện tượng bên ngoài như khoa học lượng tử hay khoa thiên văn học thì đồng thời họ cũng muốn gõ cửa, muốn chạm tới cái gọi là chân lý tối hậu (the ultimate) tức là bản môn. Khoa học muốn biết nguồn gốc của thực tại, của sự sống. Khoa thiên văn học và khoa vật lý học cũng muốn đi tìm cái nguyên thủy của thực tại. Các nhà khoa học đang gõ cửa bản thể học (the door of ontology, the door of metaphysics). Nhà khoa học đang nói: “Vừng ơi, mở ra! Sésame, ouvre toi!”
Các nhà thiên văn học đã nói tới hiện tượng “Big Bang” tức là cái nguyên thủy của vũ trụ. Theo cái thấy của họ thì lúc ban đầu chưa có vũ trụ, chỉ có một điểm rất nhỏ. Trong khi quán sát vũ trụ nhà thiên văn học thấy các tinh hà mỗi ngày mỗi rời xa nhau với tốc độ rất lớn và vũ trụ đang phình ra (expansion). Họ đã đồng ý với nhau là thời gian và không gian bắt đầu có từ giây phút gọi là “Big Bang”, còn trước đó không có không gian và thời gian. Các nhà thiên văn học nói rằng trước khi có vũ trụ thì chưa có thời gian và không gian.
Các nhà khoa học lượng tử, khi đi vào trong “cái vô cùng nhỏ” thì thấy rằng quan niệm về thời gian của chúng ta không còn chính xác nữa. Trong thế giới hàng ngày, thời gian là một mũi tên đi về một hướng nhưng khi đi vào thế giới lượng tử thì họ thấy các lượng tử có thể đi ngược lại. Các nhà khoa học bắt đầu thấy là một lượng tử không chỉ có mặt ở một chỗ mà nó có thể có mặt khắp nơi và họ bắt đầu thấy được, hình như thời gian và không gian là những sáng tạo của tâm thức.
Cả khoa học vĩ mô tức khoa thiên văn học và khoa học vi mô tức khoa lượng tử học đều công nhận rằng tâm của chúng ta tạo ra thời gian và không gian. Thời gian và không gian là do vật thể và tốc độ mà có. Nếu không có vật thể và tốc độ thì không có khái niệm về thời gian và không gian tại vì thời gian và không gian là tương tức (inter-being).
Nếu các nhà khoa học không buông bỏ được ý niệm về thời gian và không gian thì họ vẫn bị kẹt vào cái thấy lưỡng nguyên. Họ đòi hỏi phải có cái bắt đầu nên mới đi tìm cái gọi là “Big Bang”. Và vì có cái đầu nên sẽ có “cái đuôi”, một ngày nào đó sẽ có cái gọi là “Big Crunch”. Tại vì các nhà khoa học bị kẹt vào khái niệm thời gian là một cái gì có thật như một thực tại ở ngoài cho nên họ đòi hỏi phải có một bắt đầu và một chung cục. Ngược lại, với cái nhìn của Đạo Bụt, chúng ta thấy rằng không có cái gì là “cái đầu” và cũng không có cái gì là “cái đuôi” (vô thủy vô chung) và ý niệm về “bắt đầu” và “chung cục” là những ý niệm được sáng tạo bởi tâm thức con người.
Theo đạo Bụt thì cánh cửa bí mật mà các nhà khoa học đang cố công tìm vào đã được mở từ lâu rồi (the door is already opened). Thực ra thì nó chưa bao giờ từng bị đóng, vấn đề là nhà khoa học có thể đi vào được hay không thôi. Nhà khoa học có trí năng của mình nhưng trí năng đó không chắc đã đủ để đưa nhà khoa học đi vào thế giới của bản môn. Họ có thể có những đau buồn, những lo lắng, những sợ hãi, những khổ đau che lấp tâm tư của mình. Tâm của nhà khoa học có thể đang trĩu nặng hành trang của những cái thấy, những cái biết, những cái thấy biết còn mang màu sắc lưỡng nguyên. Nếu chưa vượt thoát được ý niệm thời gian thì nhà khoa học vẫn còn bị rơi vào vòng lẩn quẩn của nhị nguyên. Đó chính là những chướng ngại ngăn không cho họ đi vào cánh cửa mầu nhiệm của thực tại.
Có hai chướng ngại lớn, đó là phiền não chướng (klesa) và sở tri chướng. Phiền não chướng tức là những vui, buồn, giận, ghét, thất vọng, đam mê v.v... Tâm thức của mình cũng như tâm thức của nhà khoa học đều đang bị những phiền não che lấp và vì vậy không đi vào được thế giới của bản môn. Nhà bác học Einstein rất thông minh nhưng trong đời sống cá nhân ông có nhiều đau khổ và khó khăn với gia đình. Ông đã ly dị và khổ đau. Nếu Einstein không có những phiền não đó chắc là ông đã đi xa hơn rất nhiều.
Chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể là nhà khoa học hay không phải là nhà khoa học, có thể là nhà Phật học hay không phải là nhà Phật học, nhưng nếu có phiền não chướng trong tâm thì dù cho cửa bản môn có mở mình cũng không đi vào được.
Sở tri chướng là phiền não thứ hai. Sở tri là những cái mình biết, mình hiểu, những cái thấy của mình. Nếu mình còn bị kẹt vào ý niệm thời gian, còn thấy tâm thức và vật thể là những cái biệt lập, chủ thể và đối tượng là không tương quan với nhau, Thượng đế và tạo vật là hai cái khác nhau, tách rời nhau, thì những cái thấy nhị nguyên đó ngăn không cho mình đi vào được thế giới của bản môn, thế giới của Niết Bàn.
Đức Thế Tôn đã chỉ cho chúng ta phương pháp diệt trừ phiền não chướng và sở tri chướng để chúng ta có thể đi vào được trong bản môn. Mình không cần gõ cửa, mình chỉ cần thực tập niệm, định và tuệ (smrti, samādhi, prajña) gọi là Tam vô lậu học, tức là ba môn học đưa tới sự giải thoát. Đây là khoa học của Bụt (the Triple Science of the Buddha). Khoa học của Bụt không cần có những dụng cụ máy móc tối tân như kính viễn vọng hay máy gia tốc (accélérateur)… mà dụng cụ duy nhất cần được sử dụng chỉ là tâm thôi. Và thành công là khi mình diệt trừ được phiền não chướng và sở tri chướng để tâm có đủ sáng suốt mà quán sát thực tại. Buông bỏ đi hết những hành lý của phiền não và ý niệm lưỡng nguyên thì mình có đủ tự do đi vào bản môn. Nhà khoa học có đủ tự do đó hay không? Những kiến thức khoa học có giúp cho nhà khoa học đạt tới tự do hay không? Khoa học có thể giúp cho kỹ thuật (technology) phát triển nhưng trong khi đó nhiều người trong chúng ta vẫn bị cuốn theo những tham giận, kiêu căng và vì vậy khổ đau của chúng ta càng ngày càng lớn.
Trong kho tàng đạo Bụt, có những kinh như Kinh Rohitassa, Kinh Kalama, đó là những kinh mà Bụt dạy cho chúng ta cách đi vào thế giới bản môn mà con đường là sử dụng tâm như một dụng củ để thể nghiệm thực tại. Mình phải dùi mài, phải làm sáng cái tâm thì mới có thể thành công được. Khóa học 21 ngày sang năm có thể sẽ có chủ đề “Khoa học của Bụt” (The sciences of the Buddha) và mình sẽ nói về sự liên hệ giữa đạo Bụt và khoa học. Mình có thể mời vài nhà khoa học lượng tử và khoa học thiên văn tới nói chuyện, nhưng chúng ta sẽ trình bày con đường của Bụt như một ngành khoa học. Khoa học này không chỉ dùng trí năng, dùng trí năng thôi thì chưa đủ. Trong đạo Bụt ngoài trí năng (ý thức, mind-consciousness) còn có tàng thức (store-consciousness) và chỉ khi nào chuyển hóa được tàng thức thì mới có Đại Viên Cảnh Trí, thứ trí tuệ được miêu tả là sáng trong và chân thực như một tấm gương lớn, thứ trí tuệ giúp ta đi vào thế giới của không sinh, không diệt (xin tham khảo giáo lý chuyển hóa tám Thức thành bốn Trí).
Xin đọc một lá thư từ một sư cô trẻ viết cho tôi, đề cập tới vấn đề ân ái:
Con xin thành kính tri ân Sư Ông đã sinh ra những thầy, những sư chú quá sức dễ thương để cho con thương với một tình thương trong sáng, tình huynh đệ. Đối với con, tình thương đó linh thiêng và cao quí lắm, cho nên con không bao giờ dám làm hoen ố từ ngày con xuất gia cho đến bây giờ. Con thấy mình được an ninh bởi sự bảo hộ của tăng thân. Nếu ở ngoài đời chắc con sẽ còn lận đận và khổ sở lắm với cái tình thế gian đó. Thương yêu nhau mà biết thực tập giới luật và uy nghi, biết tôn kính lẫn nhau thì tình thương ấy rất đẹp và đưa mình đi rất xa.
Trịnh Công Sơn có nói: “May thay trong đời ngoài tình yêu còn có tình bạn. Tình bạn thường có khuôn mặt thật hơn là tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có nhưng không nhiều. Tôi thấy tình bạn quí hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh được một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.”
Đây là những lời của Trịnh Công Sơn dùng để ca ngợi tình bạn mà sư cô đã trích ra. Sư cô viết tiếp:
Thật vậy, tình bạn đã đưa con đi xa và bây giờ tình huynh đệ còn đưa con đi xa hơn nữa. Thương nhiều người với tấm lòng rộng mở như vậy, con tin là sẽ không bao giờ len lỏi một bóng hình nào trong trái tim mình.
Có người nói, nhìn vào người mình vướng mắc, quán bất tịnh thì sẽ trừ được tham dục. Riêng bản thân con thì con tập quán những cái thiện, cái mỹ của người đó mà thôi bởi vì những vị đó rất đẹp và dễ thương, làm sao con có thể quán cái không đẹp và không dễ thương nơi vị đó được? Con nhìn vị đó đẹp quá, con thương quá và con không muốn cái đẹp đó mất đi. Lý tưởng của quí vị đang bừng cháy trong quí vị và lý tưởng của con cũng đang bừng cháy trong con thì tại sao con lại dám làm cho ngọn lửa ấy tắt lịm đi bằng sự mê mờ thiếu sáng suốt của mình.
Cũng giống như một bông hoa, chính vì nó đẹp, chính vì nó tươi mát, luôn làm đẹp cho cuộc đời cho nên mình phải tôn trọng và trân quí nó. Nó phải ở đúng vị trí của nó thì nó mới đẹp và mọi người được chiêm ngưỡng. Còn nếu như thấy đẹp mà chiếm làm của riêng cho mình thì tội nghiệp quá, cái đẹp đó sẽ không còn tồn tại được nữa.
Con nghĩ cái khổ của sự nghèo đói, thiếu thốn chắc có lẽ cũng không bằng cái khổ của một người vướng vào chiếc lưới kia. Nó có thể giết chết cuộc đời mình bằng những sợi dây nhợ đan dính vào nhau và đan luôn cả tuổi trẻ với bao nhiêu ước mơ và hy vọng, càng vùng vẫy thì càng cuốn quanh không tìm được lối thoát. Cái khổ này cũng giống như một người bị bệnh nan y, cho dù có thầy giỏi, thuốc hay cũng không thể nào chữa lành.
Con không biết trước được là sau này sẽ như thế nào, nhưng từ khi xuất gia cho đến nay, con thấy với con như vậy là đủ lắm rồi và con rất hài lòng với tình thương con đang có. Tình thương đó cũng xứng đáng để cho con đi xuất gia, để cho con vứt bỏ mọi thứ để đến với con đường này và để học được chữ thương. Thương như thế con thấy khoẻ và tự do lắm. Với tình thương này con không cảm thấy có sự sợ hãi bởi vì con thấy được sự an toàn cho con và cho đối tượng thương yêu của con. Tình thương này rất đẹp, đã đem đến cho con sự quân bình và con cảm thấy mình đã đủ, không còn gì cần phải tìm cầu rong ruổi nữa.
Nếu học được nghệ thuật thương thì tình thương đó sẽ làm thăng hoa đời sống và trưởng dưỡng tâm bồ đề để cùng nhau thực hiện chí nguyện độ sinh và phụng sự Tam bảo.
Bức thư này được viết bởi một sư cô, nhưng bức thư này cũng có thể được viết bởi một thầy hay một sư chú. Sư chú cũng có thể viết:
Con xin thành kính tri ân Sư ông đã sinh ra những sư cô quá sức dễ thương để cho con thương với một tình thương trong sáng, tình huynh đệ. Đối với con tình thương đó linh thiêng và cao quí lắm, cho nên con không bao giờ dám làm hoen ố từ ngày con xuất gia cho đến bây giờ. Con thấy mình được an ninh bởi sự bảo hộ của tăng thân. Nếu ở ngoài đời chắc con sẽ còn lận đận và khổ sở lắm với cái tình thế gian đó. Thương yêu nhau mà trong đó có chất liệu của sự thực tập giới luật và uy nghi, biết tôn kính lẫn nhau thì tình thương ấy rất đẹp và đưa mình đi rất xa.
(Pháp thoại ngày 16.05.2011 (tại thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân, xóm Thượng)
_________________________
Giảng giải kinh Chiếc Lưới Ái Ân - Ái Dục Phẩm, Pháp Cú Kinh- phần 6 - Thầy Làng Mai
Trong thiền đường ta có thể để một chiếc đồng hồ phát ra tiếng tích tắc để đại chúng có thể thở theo nhịp của đồng hồ. Thầy không sử dụng đồng hồ mấy mươi năm rồi. Nhưng từ ngày sư chú Pháp Triển và thầy chế tác ra chiếc đồng hồ “It’s now“ thì thầy sử dụng lại, không hẳn để xem giờ vì mình đã biết giờ rồi (it’s now), nhưng thầy sử dụng đồng hồ để thở. Đồng hồ đánh nhịp rất đều, mình có thể nương theo tiếng đồng hồ mà không cần phải để nhiều tâm vào. Mình chỉ cần đặt khoảng 2% tâm vào tiếng chuông và 98% tâm còn lại mình dùng để quán chiếu chuyện khác, 2% đó cũng đủ để mình thực tập.
Nếu thực tập thở theo nhịp của đồng hồ, bắt đầu quí vị có thể tập theo nhịp 2-3 tức thở vào hai giây và thở ra ba giây, thường thì hơi thở ra dài hơn hơi thở vào và sau đó không lâu thì trở thành nhịp 3-5. Bắt đầu mình có thể đi hai bước lúc thở vào và đi ba bước lúc thở ra. Mình để tâm ở dưới bàn chân, đi cho chấm đất. Khi để tâm ở dưới bàn chân thì bước chân của mình vững, mình không bay bổng lên trời, vòm trời của sự suy tưởng.
Trong khi ngồi thiền hay nằm nghỉ cũng vậy, mình theo dõi nhịp thở 2-3 thì một lúc sau mình sẽ có nhu yếu thở sâu hơn và nhịp thở sẽ trở thành 3-5. Mình có thể giúp thêm bằng cách tăng nhịp lên 2-4 và 2-5 thì tự nhiên phổi sẽ đòi tăng thêm một giây cho hơi thở vào thành nhịp 3-5. Sau nhịp 3-5 một lúc mình thử tăng lên 3-6, 3-7 và hơi thở vào sẽ tăng thành 4-6 (bốn giây cho hơi thở vào và sáu giây cho hơi thở ra). Thở như vậy rất khoẻ, mình không cần phải cố gắng mà vẫn thấy thích thú, nếu mình cố gắng mệt nhọc thì là sai. Mình cũng có thể đi thiền hành như vậy, bốn bước cho hơi thở vào và sáu bước cho hơi thở ra. Mình thưởng thức từng bước chân, từng hơi thở, nó rất ngon, nhất là khi mình thực tập ngoài trời có không khí trong lành. 3-5, 3-5, 3-6, 3-6, 4-6, 4-6. 4-6 là nhịp rất hay và người nào cũng có thể đạt tới nhịp 4-6 dễ dàng.
Đừng nên hấp tấp, cứ thưởng thức nhịp 4-6, rồi quí vị sẽ thấy hai lá phổi của mình có khả năng làm việc giỏi hơn trước nhiều. Từ từ hơi thở sẽ có nhịp 5-8, năm giây cho hơi thở vào và tám giây cho hơi thở ra. Mình không cố gắng, mình làm rất thoải mái, thở vào mình bước đi năm bước, thở ra mình bước đi tám bước, mình rất hạnh phúc. Mình không để hết tâm tư vào con số mà chỉ để một chút tâm tư thôi rồi tự nhiên nó tự đếm lấy mà lại đếm rất chính xác. 2% cho việc đếm và 98% để mình chú tâm vào những mầu nhiệm của sự sống như trời xanh, mây trắng, tiếng gió, tiếng chim v.v… nhất là vẻ đẹp tuyệt vời của mùa Xuân. Khi nằm võng mình cũng có thể thực tập được như vậy. Nằm võng là một loại thiền gọi là thiền võng (hammock meditation) mà thầy rất thích.
Sau nhịp 5-8, từ từ mình đi tới nhịp 6-9. Khi mình thở vào sáu giây thì trong sáu giây đó mình đều có hạnh phúc và mình thở ra trong chín giây rất khoẻ. Một lúc sau mình thêm vào thành 6-10 hay 6-11 và tiếp đó mình tới nhịp 7-10, 7-11, 8-12. Khi có hạnh phúc nhịp 8-12 thì mình cứ thở tám giây cho hơi thở vào và mười hai giây cho hơi thở ra. Bây giờ lá phổi của mình làm việc khá, lượng dưỡng khi đưa vào nhiều hơn và lượng thán khí đưa ra nhiều hơn. Điều đó rất tốt cho sức khoẻ của mình, làm cho máu của mình đỏ hơn. Và mình có thể đi tới 10-15 rất dễ dàng, chỉ sau mười phút là mình có thể đi từ nhịp 2-3 tới nhịp 10-15. Trong tư thế nằm, nằm trên võng hay nằm trên cỏ, nếu có đồng hồ để bên tai đánh nhịp thì mình thở rất dễ. Trong phòng ngủ, thầy có chiếc đồng hồ tic tắc, buổi tối thầy cứ nương vào tiếng đồng hồ để thở và cứ như vậy mà đi vào giấc ngủ. Trong khi thở mình không suy nghĩ ngày mai mình sẽ làm gì, mình hoàn toàn không suy nghĩ.
Nhịp 10-15 là nhịp ai cũng làm được dễ dàng chứ không chỉ những nhà yogi mới có thể làm được. Có khi thầy đã làm được 15-20. Mình thấy lá phổi của mình có khả năng rất lớn. Trong đời sống hàng ngày mình chỉ sử dụng lá phổi sơ sơ, mình không sử dụng được hết khả năng của nó. Mình là nhà giàu mà không biết xài tiền cũng như ngoài vườn mình có nhiều rau mà không biết bỏ rau vào mì gói, chỉ ăn mì của Tú Uyên mà không biết ăn mì của Giáng Kiều.
Nếu trong thiền đường có đồng hồ đánh nhịp mà mọi người đều nghe được thì điều đó cũng không hại gì, nó không làm ồn. Nếu không có thì mình sử dụng đồng hồ riêng để thở và mình sẽ thấy phổi của mình càng ngày càng mạnh, nó làm việc càng ngày càng nhiều. Mình không ép nhưng nó làm việc có thích thú và khoẻ mạnh hơn. Trong khi ngồi thiền, mình thở và thấy hạnh phúc như vậy thì chuyện buồn ngủ không thể xảy ra. Khi khoẻ mình quán chiếu những vấn đề của mình và của thế gian rất dễ dàng tại vì mình có nhiều định.
Hạnh phúc của mình đi ra từ trong tâm. Nhiều người nghĩ mình có hạnh phúc là do những điều kiện từ bên ngoài đem đến, nhờ mình có cái này hay có cái kia, mình có sự may mắn này hay có sự may mắn kia, mình không gặp tai nạn này hay không có tai nạn kia. Hạnh phúc đối với họ là có sự may mắn và không có tai nạn. Nhưng nhìn cho kỹ thì cái may mắn đó không hẳn đã là may mắn, tai nạn đó chưa hẳn đã là tai nạn. Đôi khi những cái mình gọi là tai nạn lại giúp mình lớn lên rất mau để mình có cái thấy, cái hiểu, cái thương sâu sắc hơn. Đó không phải là sự rủi ro, là tai nạn mà là một điều kiện, một may mắn. Nếu mình nghĩ là mình không có hạnh phúc thì mình phải xét lại. Đó là một cái thấy nhưng có thể đó không phải là sự thật. Mình không có hạnh phúc là tại vì mình chứ không phải tại hoàn cảnh hay tại người kia. Nếu có tu mình có thể chấp nhận được hoàn cảnh, chấp nhận được sự vật như vậy và mình vẫn có thể có hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Nói như vậy không có nghĩa là mình thụ động, mình không cố gắng làm để thay thế và đi tới. Mình vẫn làm, mình vẫn thiết kế cho tương lai, vẫn lo chuyện này chuyện kia; nhưng không hẳn có cái đó mình mới có hạnh phúc. Có cái đó thì tốt mà không có cái đó mình vẫn hạnh phúc như thường. Phải tự thách thức mình như vậy.
Ví dụ mình đang đợi Visa để qua nước ngoài tu học thêm với tăng thân. Và mình nghĩ rằng, khi nào có Visa và qua được bên đó thì mình mới có hạnh phúc. Nhưng Sự việc có thể xảy ra hoàn toàn ngược lại, mình chờ đợi để qua được nước ngoài nhưng sau đó mình thất vọng. Mình thấy mình ngu quá, đang ở an lành bên nhà tự nhiên qua đây làm chi cho khổ. Là một người thực tập giỏi thì khi nộp đơn xin Visa mình nói: nếu xin được thì mình đi, nếu không được cũng chẳng sao. Có cũng hạnh phúc mà không có cũng hạnh phúc. Mình có hạnh phúc ngay trong trường hợp này, mình tìm hạnh phúc ngay trong điều kiện mình đang có. Bụt dạy: Mình có đủ điều kiện để hạnh phúc rồi nhưng tại vì mình không nhận diện được nó nên mình mới đi tìm những điều kiện hạnh phúc mới.
Thầy chứng nghiệm được sự thật là hạnh phúc từ trong tâm ra mà không phải tới từ bên ngoài. Đối với người tu, hạnh phúc nằm ở niềm tin của mình. Mình có niềm tin, có một con đường, mình có ước nguyện làm gì đó để cho đời bớt khổ, mà hễ có nguyện là có năng lượng. Đức Địa Tạng tượng trưng cho đại nguyện, có nguyện trong người thì đời mình mới có ý nghĩa. Phải có môt sự thích thú nào đó, sự thích thú đó được biểu hiện bằng hành động trong đời sống hàng ngày gọi là hạnh. Đó là tín, nguyện và hạnh.
Mỗi ngày, làm những công việc có thể thỏa mãn được cái nguyện sẽ đem lại cho mình rất nhiều hạnh phúc. Xây dựng tăng thân, xây dựng tình anh chị em, giúp đỡ những người xung quanh là chuyện mình có thể làm trong đời sống hàng ngày. Làm ngay trong ngày hôm nay, đừng đợi tới ngày mai tại vì ngay trong ngày hôm nay mình đã có khả năng làm được rồi. Suy nghĩ như vậy có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc, đó là chánh tư duy. Mình suy nghĩ với tình thương, với sự hiểu biết, chấp nhận; mình không suy nghĩ với sự bực bội và trách móc. Chỉ suy nghĩ đúng đắn thôi đã đem tới hạnh phúc rồi. Lời nói của mình có từ bi, có hiểu biết thì trong lòng mình khỏe nhẹ. Viết một lá thư hay nói một câu trong điện thoại diễn bày được cái hiểu, cái thương, cái chấp nhận đã đem lại cho mình và cho người kia rất nhiều hạnh phúc. Chuyện đó không phải đợi đến ngày mai, hôm nay mình cũng đã làm được.
Mình làm một việc đơn giản như: nấu cơm, cắt cỏ, lặt rau cho chúng, hay hướng dẫn một sư em cách tu tập hoặc giải tỏa những khó khăn cho một sư chị sư em thì tất cả những điều ấy mình đều có thể làm được ngay ngày hôm nay. Tại vì mình có tín, có nguyện nên mình phải bộc lộ ra bằng hành và hành động đó đem lại rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho những người xung quanh. Mình phải tìm hạnh phúc ngay trong hành, đừng ngồi đó mà chờ đợi ngày mai. Người anh hùng không phải là người ôm bom cảm tử mà là người làm được những chuyện như vậy ngay ngày hôm nay.
Nếu trong quá khứ mình đã có những lỡ lầm, vụng dại thì mình phải dùng tín, nguyện và hạnh của mình để chuyển hóa ngay trong ngày hôm nay. Ai mà không có những dại dột, lầm lỡ. Nhưng người tu phải thấy những lầm lỡ đó không có lợi cho lý tưởng, cho đời tu của mình. Mình phải thức tỉnh và mình muốn chấm dứt chúng. Mình nên phát lộ với thầy: “Bạch Thầy, con đã làm chuyện không đáng làm“. Và thầy chấp nhận cho mình. Thầy chấp nhận cho mình tại vì thầy tin vào mình, tin vào khả năng làm mới của mình. Niềm tin đó rất đẹp, tình thầy trò vẫn còn tại vì thầy còn tin ở đệ tử và đệ tử còn tin ở thầy. Khi đệ tử không còn tin ở thầy và thầy không còn tin ở đệ tử thì làm sao có hạnh phúc nữa? Khi mình lên phát lộ với thầy và thầy chứng minh cho mình tức là thầy tin mình có thể làm được. Niềm tin đó làm cho mình có hạnh phúc và làm cho thầy có hạnh phúc. Nếu mình không giữ cái nguyện của mình, nếu mình không thực hiện cái hạnh của mình thì niềm tin đó sẽ tan biến. Niềm tin bị sói mòn thì mình mất hạnh phúc và thầy cũng mất hạnh phúc.
Mình đã hứa với thầy mình sẽ chuyển hóa, mình sẽ không làm chuyện đó nữa mà mình không tôn trọng lời hứa thì niềm tin bị sói mòn nơi thầy và nơi chính bản thân mình. Tình thầy trò không còn vững chãi như ngày xưa. Mình phải làm thế nào để niềm tin đừng bị đổ vỡ tại vì niềm tin đổ vỡ thì mình đánh mất lý tưởng. Sự liên hệ giữa mình với thầy nằm ở chỗ hai thầy trò cùng đi một hướng và mình có cam kết với nhau là chỉ đi về hướng đó thôi. Chừng nào hai thầy trò còn cùng đi về một hướng thì hạnh phúc vẫn còn tại vì niềm tin vẫn còn. Nếu mình không giữ lời hứa sau khi đã phát lộ thì trong tâm mình sự đổ vỡ sẽ xảy ra và mình không còn hạnh phúc.
Bài kệ 24
Nhược giác nhất thiết pháp 若 覺 一 切 法
Năng bất trước chư Pháp 能 不 著 諸 法
Nhất thiết ái ý giải 一 切 愛 意 解
Thị vi thông thánh ý 是 為 通 聖 意
Thấy và hiểu được tự tánh các pháp, không còn bị vướng vào một pháp nào, biết cách gỡ ra mọi sợi dây ái dục trong tâm ý, như thế là đã nắm được ý chỉ của Bụt.
Nhược giác nhất thiết pháp: Nếu giác ngộ được bản tính của tất cả các pháp.
Năng bất trước chư pháp: và có khả năng không bị dính vào các pháp. Bất trước là không bị kẹt vào. Sở dĩ mình bị kẹt vào là tại vì mình chưa hiểu nó, mình chưa thấy được chân tướng của nó. Nếu hiểu được chân tướng của nó thì mình sẽ không bị kẹt vào nó. Nó có trở thành một cái bẫy hay một nhà tù hay không là do mình có thấy được nó hay không? Chúng ta thấy rất rõ: Sự giải phóng, sự cứu chuộc không phải do ân huệ của một vị thần linh ban tới mà do trí tuệ của mình.
Giác là trí tuệ, là sự tỉnh thức (enlightenment). Thấy được chân tướng của đối tượng đó, mình sẽ không trở thành nô lệ của nó. Mình không trở thành nạn nhân của nó và nó không trở thành tù ngục của mình.
Nếu thấy được bản chất của tất cả các pháp thì sẽ có khả năng không bị dính vào những pháp ấy.
Nhất thiết ái ý giải: Ái ý là dục ý, là tâm ái dục, tâm ham muốn của mình. Giải là cởi ra. Chữ giải cũng có nghĩa là hiểu, nhưng ở đây có nghĩa là thoát ra. Tất cả dục ý đều được cởi bỏ. Ái ý là một sợi dây, trong truyện Kiều có câu: “Lại mang lấy một chữ tình. Khăng khăng mình buộc lấy mình vào trong”. Giải là cởi trói, cởi bỏ sợi dây ái ý.
Thị vi thông thánh ý: Như thế là đã hiểu được lời dạy của Đức Thế Tôn. Thánh là bậc thánh nhân, là Đức Thế Tôn. Thông là hiểu được.
Bài kệ 25
Chúng thí Kinh thí thắng 眾 施 經 施 勝
Chúng vị Đạo vị thắng 眾 味 道 味 勝
Chúng lạc Pháp lạc thắng 眾 樂 法 樂 勝
Ái tận thắng chúng khổ 愛 盡 勝 眾 苦
Trong các thứ hiến tặng, hiến tặng chánh pháp là quí hơn cả. Trong các mùi hương, hương đạo đức là thơm tho hơn hết. Trong các thứ hạnh phúc, hạnh phúc được sống trong chánh pháp là hạnh phúc lớn nhất. Không có phương pháp nào chiến thắng được khổ đau một cách tận cùng bằng sự thực tập dứt trừ ái dục.
Chúng thí Kinh thí thắng: Chữ 施 còn được đọc là thi, thi có nghĩa là làm (thi hành). Nhưng chữ 施 ở đây được đọc là thí tức là hiến tặng. Trong các loại hiến tặng, hiến tặng kinh là tốt quí hơn hết. Chữ Kinh không có nghĩa là cuốn kinh mà thôi mà còn có nghĩa là giáo pháp, giáo pháp của Bụt dạy. Chỉ cho người thoát ra khỏi tình trạng hệ lụy gọi là pháp thí.
Có ba loại bố thí: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là cho tiền bạc, cơm ăn áo mặc để bớt nghèo khổ. Pháp thí là cho một con đường để thoát khỏi tình huống bế tắc. khổ đau. Trong ba loại hiến tặng thì pháp thí là quí hơn cả. Thắng là thù thắng.
Chủng vị Đạo vị thắng: Trong các loại vị ngon ngọt thì hương vị của đạo đức là ngon ngọt hơn hết.
Chủng lạc Pháp lạc thắng: Trong tất cả các niềm vui, niềm vui của sự thực tập giáo pháp là lớn hơn cả. Được có cơ hội để thực tập giáo pháp với những người bạn tu của mình là một niềm vui rất lớn mà mình lại đi bỏ niềm vui đó (pháp lạc, dharma-sukha) thì rất uổng. Trong các thứ hạnh phúc, hạnh phúc thực tập chánh pháp là hạnh phúc lớn nhất. Theo nguyên tắc, mình là người hạnh phúc nhất trên đời tại vì mình đang có pháp lạc.
Ái tận thắng chúng khổ: Chúng khổ là tất cả mọi khổ não. Muốn vượt thắng được mọi khổ não, phương pháp hay nhất là chấm dứt ái nhiễm tại vì ái nhiễm đem tới khổ đau nhiều nhất. Chấm dứt ái nhiễm là phương pháp diệt trừ khổ đau hay nhất.
Ở đây đưa ra ba ví dụ (bố thí, hương vị và giáo pháp) để kết luận rằng trong những phương pháp diệt khổ thì chấm dứt ái dục là phương pháp hay nhất.
Bài kệ 26
Ngu dĩ tham tự phược 愚 以 貪 自 縛
Bất cầu độ bỉ ngạn 不 求 度 彼 岸
Tham vi bại xứ cố 貪 為 敗 處 故
Hại nhân diệc tự hại 害 人 亦 自 害
Người u mê thường lấy sợi dây tham dục để tự trói mình, người ấy chưa có ước mong vượt sang bờ bên kia. Tham dục gây bại hoại, đem lại tai họa cho mình và cho kẻ khác.
Ngu dĩ tham tự phược: Tham là tham dục. Tự phược là tự trói mình. Giải là mở trói. Người u mê (không thông minh) thường lấy sợi dây tham dục để tự trói mình.
Bất cầu độ bỉ ngạn: Không có sự mong ước đi qua bờ bên kia. Bờ bên kia là bờ của an vui, của tự do, của thảnh thơi. Nhưng người này không có tư niệm thực đó, rất là tội nghiệp.
Người tu phải bắt đầu bằng ý nguyện muốn vượt thoát bờ bên này để đi sang bờ bên kia. Ước nguyện đó rất quý, vì không có chí nguyện thì đời đời kiếp kiếp mình sẽ ở trong trầm luân khổ ải. Người không có trí tuệ lấy sợi dây tham dục để tự trói mình và không có nhu yếu đi sang bờ bên kia. “Cho tôi suốt đời được làm một tên nô lệ“, đó là ý muốn của người đó, người đó không muốn có tự do. Là người xuất gia, mình nói ngược lại: “Tôi chỉ muốn một cái, đó là tự do!“
Tham dục vi xứ cố: Tham dục đưa mình tới hoàn cảnh bại hoại.
Hại nhân diệc tự hại: Tham dục làm hại cuộc đời của mình và làm hư cả cuộc đời của người khác. Khi bị vướng vào sợi dây tham dục thì mình gây khổ đau cho người khác, mình lạm dụng tình dục của trẻ em, mình lạm dụng tình dục của người lớn, mình làm tan nát gia đình và cuộc sống của họ, đồng thời mình cũng làm tan nát cuộc đời của chính mình.
Bài kệ 27
Ái dục ý vi điền 愛 欲 意 為 田
Dâm oán si vi chủng 婬 怨 癡 為 種
Cố thí độ thế giả 故 施 度 世 者
Đắc phước vô hữu lượng 得 福 無 有 量
Tâm tham dục là ruộng đất, tham sân si là hạt giống, đối với người có khả năng bố thí và độ đời thì những phước đức thu hoạch được không thể đo lường.
Ái dục ý vi điền: Điền là ruộng. Tâm ái dục là một thửa ruộng mà...
Dâm oán si vi chủng: trong thửa ruộng đó mình gieo hạt giống tham, sân và si. Chủng là hạt giống. Dâm là tham dục, oán là sự giận hờn, si là sự u mê. Ái dục, oán hờn, si mê, ba loại hạt giống đó mình đã gieo vào trong miếng đất của tâm ý.
Cố độ thí độ giả: Cho nên những người biết thực tập bố thí và độ đời thì...
Đắc phước vô hữu lượng: phước đức không thể nào đong được. Đắc phước là phước đức thu hoạch được.
Trong bản tiếng Pali phước là thu hoạch lớn (maha-phala), great harvest. Phala là hoa trái. Những người biết thực tập bố thí và độ đời thì gặt hái được những hoa trái không thể đo lường.
Chúng ta có thể tập hợp hai bài kệ 26 và 27 thành một bài kệ cho sát với bài kệ thứ 356 trong Dhammapada tạng Pali:
Ngu dĩ tham tự phược 愚 以 貪 自 縛
Bất cầu độ bỉ ngạn 不 求 度 彼 岸
Ái dục ý vi điền 愛 欲 意 為 田
Dâm oán si vi chủng 婬 怨 癡 為 種
Tham vi bại xứ cố 貪 為 敗 處 故
Hại nhân diệc tự hại 害 人 亦 自 害
Cố thí độ thế giả 故 施 度 世 者
Đắc phước vô hữu lượng 得 福 無 有 量
Người u mê thường lấy sợi dây tham dục để tự trói mình, người ấy chưa có ước mong vượt sang bờ bên kia. Tâm tham dục là ruộng đất, tham sân si là hạt giống. Cái tham dục đó gây bại hoại cho mình và cho người khác. Trái lại, đối với người có khả năng bố thí và độ đời thì những phước đức thu hoạch được không thể đo lường.
Bài kệ 28
Bạn thiểu nhi hóa đa 伴 少 而 貨 多
Thương nhân truật dịch cụ 商 人 怵 惕
Thị dục tặc hại mạng 嗜 欲 賊 害 命
Cố tuệ bất tham dục 故 慧 不 貪 欲
Người đồng hành thì ít, hàng hóa chuyên chở thì nhiều, kẻ thương nhân lâm vào trạng thái lo lắng, kinh sợ. Biết rằng cái đam mê dục lạc là tên giặc có thể làm tổn hại thân mạng của mình, bậc trí giả không còn chạy theo tham dục.
Bạn thiểu nhi hóa đa: Bạn là người đồng hành. Người đồng hành thì ít mà hàng hóa thì nhiều. Đây là những người đi buôn đi qua những khu rừng vắng hay những sa mạc rất nguy hiểm. Họ có thể bị cướp và mất mạng như chơi.
Đi buôn rất nguy hiểm! Nếu mình chở hàng hóa nhiều mà số lượng người cùng đi với mình ít thì có thể bị cướp chặn đường lấy hàng hóa và giết mình.
Thương nhân truật dịch cụ: Thương nhân là người đi buôn. Truật là sợ hãi. Dịch là kinh hoàng. Cụ là sợ.
Hàng hóa thì nhiều mà người đồng hành thì ít, người thương nhân lâm vào hoàn cảnh hoảng sợ, kinh hoàng.
Thị dục tặc hại mạng: Thị là ham thích, tham đắm. Ham thích ái dục là những tên cướp làm hại tính mạng của mình. Đó là những tên cướp chặn đường lấy đồ và giết hại thương gia cho nên mình phải sợ những tên giặc đó. Những tên giặc đó là ai? Những tên giặc đó, tên của nó là ái dục. Sự ham thích ái dục là những tên giặc chặn đường ám hại mình.
Cố tuệ bất tham dục: Cho nên những người có tuệ giác không vướng vào tham dục.
Trong bản tiếng Pali nói: Mình sợ hãi giống như một con thỏ sợ bị người ta bắt.
(Đây là bài Pháp thoại ngày 20.05.2010 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, chùa Cam Lộ, xóm Hạ)
(Nguồn: Làng Mai)