- Mục Lục
- 01 Giới Thiệu Đạo Phật
- 02 Cuộc Đời Đức Phật
- 03 Tam Tạng Kinh Điển
- 04 Mahayana Và Theravada: Cùng Một Cỗ Xe
- 05 Đạo Phật Nguyên Thủy Tại Việt Nam
- 06 Đạo Phật Và Chính Trị
- 07 Nhân Cách Thăng Bằng
- 08 Công Dụng Của Giới Đức
- 09 Lòng Hiếu Thảo Trong Kinh Điển Pali
- 10 Duy Thức Trong Thắng Pháp
- 11 Chánh Niệm Và Niết Bàn
- 12 Vô Ngã Và Pháp Hành Thiền
- 13 Mọi Pháp Đều Vô Ngã
- 14 Đạo Và Quả
- 15 Năm Triền Cái
- 16 Tứ Niệm Xứ: Bốn Nền Tảng Của Chánh Niệm
- 17 Quán Niệm Hơi Thở
- 18 Lợi Ích Của Thiền Hành
- 19 Ba Bài Pháp Về Thiền Quán
- 20 So Sánh Tóm Tắt Các Bộ Luật Tỳ-khưu
- 21 Quy Ước Trích Dẫn Kinh Điển Nguyên Thủy
GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, TL. 2005 - PL. 2549
Tham vọng dường như là một hiện tượng tự nhiên của con người. Có người muốn giàu, có quyền thế hoặc danh vọng. Có người muốn có nhiều kiến thức, có bằng cấp. Có người chỉ muốn có một tổ ấm nhỏ và từ đó họ có thể ngắm nhìn quang cảnh giống nhau mỗi ngày. Có người muốn tìm một người tình lý tưởng, hoặc càng gần lý tưởng càng tốt.
Ngay khi chúng ta không sống trong thế gian, chỉ sống trong ni viện, chúng ta cũng có nhiều tham vọng: muốn trở thành thiền giả thượng hạng, muốn có an định toàn hảo, muốn cách sống nầy tạo ra kết quả tốt. Lúc nào cũng có một điều gì đó để ta hy vọng. Tại sao thế? Bởi vì đó là điều sẽ xảy ra trong tương lai, không bao giờ có trong hiện tại.
Thay vì chú tâm vào hiện tại, ta lại cầu mong điều tốt đẹp hơn sẽ đến, có lẽ trong ngày mai. Thế nhưng khi ngày mai đến, ta lại mong đến ngày kế, vì nó cũng chưa đủ toàn hảo. Nếu ta thay đổi thói quen trong tư duy của mình và chú tâm vào cái đang hiện hữu, chừng đó ta sẽ tìm được một điều gì đó làm ta hài lòng. Nhưng khi ta chỉ tìm kiếm những gì chưa hiện hữu, mong rằng có thể toàn hảo hơn, kỳ diệu hơn, thỏa mãn hơn, ta sẽ không thể tìm được gì cả, bởi vì ta chỉ tìm kiếm cái mà nó không hiện diện ở đó.
Đức Phật nói về hai hạng người, người tầm thường (phàm nhân, puthujjana) và người cao sang (thánh nhân, ariya). Dĩ nhiên, ai cũng mong ước trở thành thánh nhân, nhưng nếu chúng ta chỉ mong cầu điều đó trong một tương lai nào đó, ta sẽ không đạt được. Sự khác biệt giữa một thánh nhân và phàm nhân là sự thực chứng về "đạo và quả" (magga-phala). Giây khắc đầu tiên khi tâm thức đạt đến trạng thái siêu thế này được gọi là Dự-lưu (sotapatti) và người chứng nghiệm điều đó gọi là Dự-lưu nhân (sotapanna), người nhập dòng suối đưa đến Niết-bàn.
Nếu ta đem điều đó vào lòng như là một mục tiêu cho tương lai, điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì ta không đem hết năng lực và sức mạnh để chú niệm từng giây khắc. Chỉ khi nào tâm chú niệm vào từng giây khắc thì chập tâm Đạo (sát-na tâm Đạo) giải thoát mới có thể xảy ra.
Yếu tố phân biệt một thánh nhân với phàm nhân là sự đoạn diệt ba kiết sử đầu tiên đã trói buộc ta vào luân hồi miên viễn. Ba kiết sử này là: thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ (sakkayaditthi, vici-kiccha, silabbatta paramasa). Người nào chưa phải là bậc Dự lưu thì người ấy vẫn còn bị trói buộc vào ba loại tà kiến này và hành động sai lầm vốn đem ta xa rời sự tự do và đưa ta vào trói buộc.
Hãy thử nhìn vào sợi dây "hoài nghi" trước. Đó là ý tưởng vụn vặt lúc nào cũng ám ảnh trong đầu óc: "Chắc là có một pháp tu khác, dễ dàng hơn", hoặc "Tôi biết chắc là tôi có thể tìm được an lạc ở một nơi nào đó trong thế gian rộng lớn nầy". Khi nào vẫn còn sự nghi ngờ về con đường giải thoát khỏi thế gian và vẫn còn sự tin tưởng rằng những điều toại ý có thể tìm ra được trong thế gian, khi đó sẽ không có cơ hội để đắc quả thánh, bởi vì ta đang nhìn lầm hướng. Trong thế gian nầy với con người và vật chất, tài vật và sự chiếm hữu, quang cảnh và các tiếp xúc qua giác quan, không còn có một cái gì khác ngoài những gì chúng ta đã từng quen biết. Nếu còn có gì khác, tại sao chúng lại không được xác nhận, tại sao ta đã không tìm ra? Điều nầy thật hiển nhiên. Thế nhưng tại sao ta lại phải tìm kiếm chúng?
Dĩ nhiên là chúng ta đang tìm kiếm hạnh phúc và an bình, cũng như những người khác. Hoài nghi, anh chàng báo động, bảo: "Tôi chắc là nếu tôi thử tu tập một cách thông minh hơn là phương cách vừa qua, tôi sẽ được hạnh phúc. Còn có vài điều nữa mà tôi chưa thử qua." Có thể ta chưa tự mình lái chiếc máy bay của riêng mình, chưa thử sống trong hang động Hy mã lạp sơn, chưa từng dùng thuyền chu du thế giới, chưa từng viết một quyển tiểu thuyết bán chạy nhất. Tất cả các điều nầy thật là huy hoàng để thực hiện trong cõi đời, nhưng chúng chỉ là những phí phạm thì giờ và năng lực.
Hoài nghi hiện rõ ra khi ta không biết chắc là trong bước kế tiếp, ta sẽ phải làm gì. "Khi tôi đến đó, tôi sẽ phải làm gì?" Ta chưa định hướng được. Hoài nghi là một kiết sử trong tâm khi chưa có được một sự minh bạch rõ ràng vốn bắt nguồn từ sát-na tâm nhập Đạo. Tâm thức khởi sinh ngay trong giây khắc đó sẽ hủy diệt mọi hoài nghi bởi vì lúc đó, ta tự thực chứng được con đường. Cũng như khi ta cắn quả xoài, ta biết được ngay cái vị của nó.
Nhận thức sai lầm về tự ngã là một kiết sử gây nhiều tổn hại nhất và vây hãm phàm nhân. Nó chứa đựng ý tưởng chôn sâu trong tâm về "đây là tôi". Có thể cái ngã đó không phải là cái thân "của tôi", nhưng có "một người nào đó" đang hành thiền. Cái "một người nào đó" nầy đang muốn giác ngộ, muốn đắc quả Dự-lưu, muốn được hạnh phúc. Tà kiến về tự ngã nầy là nguyên nhân của mọi vấn đề đang khởi sinh.
Chừng nào vẫn còn có ý tưởng có "một người nào đó", ta vẫn còn nhiều vấn đề. Nếu ở đó không có một người nào cả, thì ai đang gặp khó khăn đây? Tà kiến về tự ngã là gốc rễ tạo ra sự đau đớn, buồn rầu và than thở. Kèm theo với nó là sự sợ hãi và lo lắng: "Không biết tôi sẽ an toàn, hạnh phúc, thanh bình, tìm được cái tôi đang tìm kiếm, đạt được điều tôi mong muốn như là an lạc, giàu có và khôn ngoan không?" Những nỗi lo lắng và sợ hãi nầy được hỗ trợ bằng các kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ. Trong quá khứ, ta đã không bao giờ khỏe mạnh, giàu có và khôn ngoan, đã không thể đạt được điều mong muốn, đã không có cảm giác kỳ diệu. Do đó, đây là lý do mạnh mẽ để ta lo lắng và sợ sệt, chừng nào vẫn còn các tư tưởng sai lầm về tự ngã bao trùm.
Lễ nghi và cúng tế tự chúng không phải gây nhiều điều hại, chỉ khi nào ta tin tưởng đó là một phần của con đường đến Niết Bàn thì mới có hại. Chúng không cần phải có tính tôn giáo, dù rằng ta thường nghĩ như thế. Những hành động như dâng hương hoa trên bàn thờ, quỳ lạy hoặc tham gia vào các cuộc lễ có thể tích tụ phước báo để tái sinh vào các cõi trời. Sự thành tín, kính trọng và biết ơn đối với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) mới là điều quan trọng. Nhưng ngay cả lòng tin nầy cũng không chỉ giới hạn vào các hoạt động tôn giáo. Mọi người đều sống với lễ nghi và cúng tế, cho dù có khi ta không ý thức về chúng. Trong sự tương giao của con người, có những cách thức qui định để giao tiếp với cha mẹ, con cái, vợ chồng.
Ta phải xử sự thế nào trong công việc, với bạn bè, với người lạ, ta mong người khác đối đãi như thế nào, tất cả những điều nầy đều liên kết với những định kiến về sự đúng đắn và thích hợp trong một văn hoá và truyền thống nào đó. Không một điều nào hàm chứa chân lý, bởi vì chúng chỉ do tâm tạo ra. Ta càng có nhiều ý kiến, ta càng xa rời thực tế. Ta càng tin tưởng vào chúng, ta càng khó gỡ bỏ chúng. Khi ta tưởng ta là một loại người nào đó, ta sẽ có giao tiếp như thế trong mọi tình huống. Điều này xảy ra chẳng những trong phương cách ta chưng hoa trên bàn thờ mà ngay cả trong cách ta thù tiếp người khác, nếu ta làm theo một nghi lễ tiên định nào đó và không theo cách mà tâm rộng mở của ta sai khiến ta.
Ba kiết sử trên sẽ bị tiêu trừ khi chập Đạo và chập Quả được thực chứng. Lúc ấy sẽ có một sự thay đổi rõ ràng trong người đó, dĩ nhiên không thể nào thấy được qua hình dạng bên ngoài. Nhưng sự thay đổi nội tâm trước tiên là kinh nghiệm thực chứng đó sẽ làm tiêu tan tuyệt đối các hoài nghi về điều cần phải làm trong đời sống. Biến cố nầy hoàn toàn khác hẳn những gì đã biết từ trước, cho đến nỗi, người ấy sẽ thấy những gì đã tạo ra đời sống của mình, từ trước cho đến nay, đều vô nghĩa. Không có việc gì trong quá khứ là quan trọng nữa. Điều quan trọng duy nhất là tiến hành với công phu tu tập để làm tăng trưởng sự chứng nghiệm nầy từ trong chập tâm Đạo đầu tiên, để tái nghiệm và thiết lập vững chắc trong người ấy.
Các chập tâm Đạo và Quả sẽ lại xảy ra cho những vị Nhất-lai (sakadagami), Bất-lai (anagami) và Giác-ngộ (arahant, A-la-hán). Mỗi lần như thế, chúng chẳng những sâu đậm hơn mà còn kéo dài hơn. Ta có thể so sánh với các kỳ thi trong trường đại học. Nếu ta chọn một chương trình bốn năm để lấy bằng cấp, mỗi năm ta phải dự kỳ thi cuối năm. Ta phải trả lời các câu hỏi trong mỗi kỳ thi, dựa theo kiến thức ta đã thu hoạch được. Các câu hỏi trở nên sâu sắc hơn, khó khăn hơn trong các kỳ khảo hạch kế tiếp. Trong khi chúng chỉ liên quan đến cùng một chủ đề, chúng đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng hơn. Cho đến khi ta tốt nghiệp và không cần phải trở lại trường đại học nữa. Sự phát triển tâm trí của chúng ta cũng như thế. Mỗi một chập tâm Đạo là dựa theo chập tâm trước và có liên quan đến cùng một chủ đề, nhưng nó đi sâu hơn. Cho đến khi ta vượt qua kỳ khảo hạch cuối cùng và không cần phải trở lại nữa.
Chập tâm Đạo không có tư tưởng hay cảm thọ trong đó. Nó không thể so sánh với các tầng thiền-na (jhana). Mặc dù nó dựa vào các tầng thiền vì chỉ có tâm định mạnh mẽ mới có thể đi vào chập tâm Đạo, nó không có những tính chất như trong các tầng thiền - trong các bước đầu - như là hỷ, lạc, và an bình. Lúc sau, tâm chứng nghiệm một sự bành trướng, vô sở hữu và một thay đổi về nhận thức. Chập tâm Đạo không bao hàm các trạng thái tâm nầy.
Nó có tính không sinh hữu. Đây là một sự nhẹ nhõm và thay đổi cái nhìn về thế gian, hoàn toàn đến đỗi mà giờ đây người ấy hiểu được tại sao Đức Phật đã dạy về một sự phân biệt rõ ràng giữa một phàm nhân và Thánh nhân. Trong khi các tầng thiền-na đem đến cảm giác nhất như, nhất thể, tâm Đạo không có cảm giác đó. Chập tâm Quả, tiếp theo chập tâm Đạo, là một chứng nghiệm đã thông hiểu và tạo ra một cái nhìn hoàn toàn mới lạ về sự hiện hữu.
Sự hiểu biết mới nầy nhận thức được rằng mỗi ý tưởng, mỗi cảm thọ đều là khổ (dukkha). Ngay chính ý tưởng cao sang nhất, cao thượng nhất cũng có tính chất đó. Chỉ khi nào không có gì cả, mới không có khổ. Không có cái gì, bên trong lẫn bên ngoài, hàm chứa tính chất toại ý hoàn toàn. Bởi vì, có một nhận thức rõ ràng như thế, lòng ham muốn về bất cứ điều gì được loại bỏ. Mọi việc được nhìn theo bản thể chân thật của chúng, và không gì có thể mang lại hạnh phúc như là những gì khởi sinh qua sự tu tập Đạo và kết quả của nó.
Yếu tố Niết-bàn không thể diễn tả thật sự như là hoan lạc, vì hoan lạc mang hàm ý có phấn khởi. Ta dùng chữ "hoan lạc" cho tầng thiền-na, bởi trong đó còn có một sự thích thú. Yếu tố Niết-bàn không công nhận hoan lạc vì tất cả những gì khởi sinh đều xem là khổ. "Sự hoan lạc của Niết-bàn" có thể làm cho ta có cảm tưởng rằng ta có thể tìm thấy hạnh phúc tuyệt đối, thật ra là điều ngược lại. Ta thấy ở đó không có gì cả và vì thế, không còn điều bất hạnh nữa, chỉ có an bình.
Nếu chỉ mong tìm kiếm Đạo và Quả sẽ không đem chúng đến ta, bởi vì chỉ có sự tỉnh giác từng thời khắc mới có thể làm được điều đó. Sự chú niệm này dần dần sẽ giúp tạo một tâm định thật sự, trong đó ta có thể xả bỏ mọi tư tưởng và hoàn toàn hòa nhập vào đề mục. Lúc đó, ta có thể bỏ đề mục hành thiền. Ta không cần phải đẩy nó ra, nó sẽ rớt đi theo cách riêng của nó, và sự an định trong giác niệm sẽ xảy đến. Nếu cần phải có một tham vọng nào trong đời sống, thì đây là một tham vọng duy nhất có giá trị. Các loại khác không mang đến thành đạt trọn vẹn.
Ta cũng không cần phải tự ép buộc xả bỏ hoài nghi. Còn gì phải hoài nghi khi ta đã chứng nghiệm Chân lý? Nếu ta tự đánh mình bằng một cây búa, ta cảm thấy đau đớn mà không thể nghi ngờ chi cả. Ta biết rõ như thế qua kinh nghiệm tự thân.
Chấp thủ vào lễ nghi và giới cấm sẽ bị kết liễu thú vị, bởi vì khi ta đã chứng nghiệm được tâm Đạo thì không còn trường hợp nào ta cần phải đóng tuồng nữa. Mọi vai trò chỉ là những cấu tử của hư ngụy. Ta có thể sẽ tiếp tục các lễ nghi vì chúng hàm chứa những phần kính trọng, biết ơn và thành tín. Nhưng không còn có các lễ nghi để ứng xử với người khác, với tình huống, và cũng không còn phải tạo dựng các câu chuyện về tự ngã, bởi vì các phản ứng của ta lúc đó là hoát nhiên với tâm rộng mở.
Xả bỏ tư tưởng sai lầm về tự ngã dĩ nhiên là một thay đổi sâu xa nhất, tạo ra tất cả các thay đổi khác. Đối với vị Dự-lưu, tà kiến về tự ngã không còn khởi sinh qua lý luận nữa, nhưng vẫn còn các cảm xúc về nó, vì chập tâm Đạo xảy ra và biến đi rất nhanh. Nó chưa tạo một tác động tuyệt đối. Nếu nó làm được như vậy thì đã tạo ra quả Giác ngộ. Có những người có thể đắc nhanh như thế, như đã ghi trong kinh điển thời Phật còn tại thế. Cả bốn quả thánh có thể được chứng đắc ngay trong khi lắng nghe Pháp của Ngài.
Chập tâm Quả đầu tiên cần phải được tái sinh, do đó cần phải tái lập nó nhiều lần, cho đến khi chập tâm Đạo thứ hai khởi sinh, cũng như thể lặp lại những gì mình đã biết để khỏi quên, và từ đó tạo dựng thêm cái khác.
Điều cần thiết là ta phải luôn tự nhắc nhở trong mỗi thời khắc thức tỉnh rằng sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường và không có bản thể thường tồn, thay đổi từng chập. Cho dù ta có một trực kiến về vô ngã (anatta) hay chỉ có kiến thức về điều đó, trong trường hợp nào ta cũng phải đem điều đó vào trong tâm và sống với nó càng nhiều càng tốt. Khi ta tiếp tục làm như thế, các vấn đề thông thường sẽ khởi sinh ít đi. Nếu ta giác niệm về tính vô thường của mọi hiện hữu, các nỗi khó khăn của ta dường như không còn quan trọng nữa và cách nhìn về tự ngã sẽ từ từ thay đổi.
Tri kiến ta có về chính ta là kẻ thù độc hại nhất của ta. Mỗi người tạo ra một cá tính, một mặt nạ để mang, và ta không muốn thấy những gì phía sau mặt nạ đó. Ta cũng không cho phép người khác thấy những điều đó. Sau khi đắc tâm Đạo, sự che giấu đó không còn nữa. Cái mặt nạ, sự sợ hãi và xua đuổi hiện ra rõ ràng. Để đối trị hữu hiệu, ta phải luôn nhớ rằng thật ra không có ai ở đó, chỉ có các hiện tượng mà thôi. Cho dù cái nhìn trong tâm vẫn chưa ổn cố đủ để chứng minh điều đó, sự xác định như thế giúp tháo lỏng các bám thủ, chấp dính và làm ta chấp giữ ít chặt chẽ hơn.
Định hướng của sự tu tập chắc chắn là hướng về quả Dự-lưu. Tuy nhiên, không có gì để chứng đắc, mà tất cả cần phải được xả bỏ. Nếu không làm như thế, chập tâm Đạo sẽ không xảy ra, và ta tiếp tục sống như trước: bị khổ não hành hạ và ràng buộc, trải qua các sự khen chê, được mất, sang hèn, vui buồn. Các vấn đề thông thường - tạo ra bởi cái "ngã" - sẽ lại sinh ra, rồi cứ thế sinh ra mãi. Sự thay đổi thật sự chỉ đến khi nào có được một thay đổi rốt ráo về phương thức ta nhìn về ta. Nếu không, các khó khăn vẫn tồn tại như cũ vì đó là do một người như xưa tạo ra chúng.
Có chánh niệm trong và ngoài lúc hành thiền là phương cách tu tập để mang lại kết quả. Có nghĩa là giờ nào làm việc ấy, chú ý qua thân và trong tâm. Khi nghe Pháp, chỉ chuyên tâm nghe. Khi ngồi thiền, chỉ chú tâm vào đề mục hành thiền. Khi trồng cây, chỉ biết trồng cây. Không kiểu cách, không phán đoán. Đó là để cho tâm ý được quen dần trong sự sống từng giây khắc. Làm như thế thì chập tâm Đạo mới xảy ra. Không phải ở một tương lai xa xôi, mà nó có thể xảy ra ngay trong lúc nầy và tại nơi đây. Không có lý do gì mà một thiền sinh có đủ trí khôn, khỏe mạnh và quyết tâm, lại không thể đạt được điều đó với lòng kiên nhẫn và trì chí.
Chúng ta đã nghe về sự chán chường và lạnh nhạt là những bước trên đường đến giải thoát và tự do. Chúng không thể có ý nghĩa và tác động nếu không có một quan kiến về một thực tế hoàn toàn khác biệt, một thực tế không nằm trong sự đa dạng của thế gian. Khi ta ngồi thiền mà bắt đầu suy luận, đó là cám dỗ của sự đa dạng hóa và bành trướng, hý luận (papanca). Yếu tố Niết-bàn là một, không đa dạng. Ta có thể nói nó không hàm chứa những gì ta biết. Cho đến khi thấy được như thế, thế gian tiếp tục đặt tên cho nó, nhưng ta không cần phải tin như thế. Đó là một công việc khó khăn. Ta phải tự cảnh giác luôn, nếu không sẽ bị cám dỗ lôi cuốn. Ta không nên ngạc nhiên khi ta không tìm thấy hạnh phúc; sự đa đoan, đa dạng không thể tạo hạnh phúc, chỉ tạo vọng tưởng mống khởi.
Chắc chắn là ta có thể chứng nghiệm khoái lạc qua các giác quan. Ta sẽ được nhiều dịp như thế nếu ta tạo nghiệp lành. Thức ăn ngon, phong cảnh đẹp, đối tác dễ thương, âm nhạc du dương, sách hay, nhà cửa thoải mái, không có tật bệnh khó chịu. Nhưng những điều nầy có đem lại một hạnh phúc toàn bích không? Nó đã không xảy ra trong quá khứ, tại sao nó sẽ phải xảy ra trong tương lai? Đạo và Quả mang lại hạnh phúc vì chúng không hàm chứa hiện tượng. Tánh Không không thay đổi, không trở nên khó chịu mà cũng không thiếu vắng sự bình an, vì không có gì để chao động nó.
Khi người ta nghe hoặc đọc về "Niết-bàn", người ta nói ngay là: "Làm thế nào mà tôi có thể không mong muốn gì cả?" Khi ta đã thấy mọi thứ ta muốn chỉ là để trám đầy sự trống rỗng bên trong và đều bất toại ý, đó là lúc ta không muốn gì cả. Điều nầy vượt qua sự "không mong cầu" vì giờ đây ta chấp nhận rằng, trong thực tế, không có gì đáng để sở hữu. Không mong muốn điều gì sẽ giúp ta có thể thực chứng được rằng, thật ra không có gì cả - chỉ có một sự yên lặng và an bình.
Bình Anson lược dịch,
tháng 5-1999