Đây là nhắc nhở cho tất cả về ý nghĩa "Đưa Tâm Về Nhà". Bây giờ mình phải ngược dòng lưu chuyển để đưa tâm về nhà. Như đã nói, hiện tại mình đang ở đây nhưng tâm mình thì đang lang thang ở quê người, đó gọi là xa quê, xa nhà, là mất gốc. Lang thang đây là lang thang ở trong các trần, đuổi theo các duyên, nó buông cái này, bắt cái kia hoài không chịu dừng. Chính đó là tâm sinh tử, là tâm biến động. Do vậy mà trôi theo dòng luân chuyểnsinh tử luân hồi. Vua Trần Thái Tông tuy là vua nhưng ông cũng tu thiền, sáng tỏ được tâm nên trong bài kệ "Núi Thứ Nhất", vua nói rằng:
Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm, Liền trái không sanh nhận có sanh. Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị, Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai. Lang thang làm khách phong trần mãi, Ngày cách quê hương muôn dặm trình.
Đang sống trong cái vô niệm, vô sanh nhưng chợt khởi niệm nên thành có. Gọi là "chỉ sai hữu niệm quên vô niệm". Quên vô niệm mà thành có niệm. Sai chút xíu đó thôi nên thành ra "liền trái không sanh nhận có sanh". Tức là trong cái vô sanh lại nhận có sanh, từ đó mà xa nhà, xa quê. Rồi "Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị" tức đi theosáu trần. Bởi vậy, "lang thang làm khách phong trần mãi, ngày cách quê hương muôn dặm trình", là lang thang trong sáu trần, sống nơi quê người, mà lang thang trong sáu trần như vậy tức là mất gốc. Chính vì vậy, ở đây mình tu là để trở về. Trong Mười Bức TranhChăn Trâu, bài kệ thứ tư là "Được Trâu", nhưng cũng chưa xong mà còn phải chăn nữa. Trong bài kệ đó có câu:
Đem hết thần thông bắt được rồi, Bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi. Có khi vừa đến cao nguyên đứng, Lại chạy sâu vào chốn khói mây.
"Đem hết thần thông bắt được rồi", tức dùng hết công phu để bắt được trâu. Nhưng "bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi", tuy bắt được rồi nhưng vẫn còn bị lôi, tâm trí cũ vẫn còn chuyển theo cảnh. Bởi vậy, "có khi vừa đến cao nguyên đứng", mới thấy nó đứng ở trên cao nguyên, an ổn đó; nhưng quay đầu lại thì thấy nó "lại chạy sâu vào chốn khói mây" rồi! Đó là chưa làm chủ được. Bởi vậy, thấy được trâu, bắt được trâu rồi mà nó còn chạy huống là chưa thấy, chưa bắt được thì nó còn chạy cỡ nào! Đó là nhắc nhở cho mình, làm sao khéo tinh tấn tu để đưa trâu về nhà. Nếu sống như vậy, nó chạy hoài thì làm sao được an! Khi được hỏi: "Đâu là bản tâm của mình?" thì đều không rõ, không biết. Là vì trâu đang chạy, là tâm đang lang thang! Sống ở đây mà giống như đang sống ở đâu vậy, hỏi: ‘Bây giờ đang ở đâu?" thì không biết. Thử hỏi có ai sống mà không có tâm, nhưng khi được hỏi: "Bản tâm là gì? Ở đâu?" thì đều lờ mờ không rõ. Bản tâm mình mà lại không biết! Trái lại, chỉ lo biết chuyện của người khác, đó là sống mất gốc, sống thiếu ý nghĩa. Bởi vậy, đây là nhắc để cho mình biết mà chịu đưa tâm về nhà. Lâu nay đưa tâm đi lang thang, bây giờ phải đưa tâm về nhà, trả về gốc.
Nhưng đây không phải chỉ là lý luận thôi, nói đưa nhưng phải đưa như thế nào? Đây là phải đưa theo chỗ từ đó nó đi ra, theo dấu nó đi ra mà đưa nó về thôi, chứ có gì đâu! Nó đi ra theo cái dấu nào thì phải theo cái dấu đó mà đưa nó về, thì về trúng nhà. Đó là khéo, là ngược dòng đó. Mà tâm mình đi ra thì đi theo cái dấu gì? Đó là theo sáu căn mà đi ra sáu trần, cái dấu là ở đó. Vậy nên, vua Trần Thái Tông nói: "Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị", tức là từ chỗ thấy, nghe, hiểu, biết này, nó đi ra sáu trần. Bây giờ muốn đưa nó trở về thì cũng theo chỗ thấy, nghe, hiểu, biết đó rồi đưa về. Theo dấu đó nó đi ra thì cũng theo dấu đó mà đưa nó về. Thay vì nó hiểu biết theo duyên, theo niệm (đi ra các trần) thì bây giờ cho nó biết trở lại trước khi khởi niệm, trước khi động niệm. Bởi vậy, vua Trần Thái Tông nói: "Chỉ sai hữu niệm, quên vô niệm". Trong vô niệm đó chỉ sai vì động niệm thì nó đi ra; nên bây giờ muốn đưa nó về thì phải trở lại trước khi động niệm, đó là đưa nó về nhà. Tức là nó biết nhưng lìa các duyên, chưa có đối tượng thì đó là trở vềbản tâm, là đưa nó về nhà. Bởi vậy, ngồi thiền mà khéo biết cách thì mình ngồi thiền dễ yên lắm. Ngày xưa, có vị tăng hỏi Thượng tọa Tỉnh ở chùa Quốc Thanh:
- Đệ tử mỗi đêm ngồi thiềntâm niệmlăng xăng, tán loạn, chưa rõ phương pháp nhiếp phục, xin thầy từ bi chỉ dạy cho.
Thượng tọa Tỉnh trả lời:
"Hoặc là đêm vắng ngồi yên, tâm niệmlăng xăng, tán loạn thì liền đem cái tâm lăng xăng đó xét tìm trở lại cái chỗ lăng xăng. Xét tìm lại thấy nó không có chỗ thì tâm lăng xăng đó đâu còn".
Tức là thay vì tâm mình lăng xăng theo này kia thì mình đem cái tâm lăng xăng đó xét tìm cái chỗ lăng xăng xem thế nào? Đem cái tâm lăng xăng đó xét tìm trở lại thì mình đã trở lại rồi. Nó lăng xăng là theo duyên theo cảnh, bây giờ đem tâm lăng xăng xét tìm trở lại tức là ngược dòng luân chuyển. Tức là buông duyên, buông cảnh khiến nó không có chỗ để duyên thì chỗ nào lăng xăng được. Có duyên thì nó có chỗ bám, có chỗ lăng xăng, còn bây giờ hết chỗ bám thì nó lăng xăng chỗ nào? Bởi vậy, xét tìm trở lại thì niệm lăng xăng đó đâu còn.
"Xét tìm trở lại cái tâm tìm xét thì cái tâm hay tìm xét đó đâu thể có"ù.
Tức là mình xét tiếp cái tâm hay tìm xét, mà tâm là cái đang hiện hữu đây thì còn cái tâm nào tìm xét nữa, là nó bặt dấu thôi!
"Lại nữa, trí hay chiếu vốn không, cảnh bị chiếu cũng lặng, lặng mà chẳng phải lặng, bởi vì không có người hay lặng; chiếu mà chẳng phải chiếu, vì không có cảnh bị chiếu".
Tức là có cái năng chiếu này thì phải có cảnh sở chiếu đó, còn bây giờ cái cảnh không có thì lấy năng chiếu cái gì? Tâm có chỗ duyên thì mới phát, còn không có chỗ nào duyên hết thì sao? Hòa thượngDược Sơn dạy: "Hãy suy nghĩ cái không suy nghĩ!", thì lấy gì suy nghĩ? Tức năng sở liền bặt dứt. Vậy nên:
"Cảnh trí đều lặng, tâm tự an nhiên. Ngoài chẳng theo cảnh, trong không trụ định, hai đường đều dứt, một tánh yên vui. Đây là yếu đạotrở về nguồn vậy".
Con đường đưa tâm về nhà là vậy. Thay vì tâm mình lăng xăng theo cảnh, theo duyên, giờ đem ngay cái tâm lăng xăng đó xét tìm trở lại cái chỗ lăng xăng, chứ không phải là theo nó mà đi ra. Đó là khéo trở về. Mỗi vị khéo ứng dụng thì có cách đưa tâm về nhà của mình. Mê cũng từ tâm đó. Mình nói thức, nói trí, trên danh từ thì có hai nhưng trên thể thì đâu có hai. Do vậy, trong Duy Thức, khi chuyển thức thành trí thì đó là chuyển cái tên chứ không phải là chuyển cái thể. Xưa nó là thức, sau tu thì nó thành trí. Chỉ đổi cái tên chứ cái thể thì không phải chuyển nữa.
Như người có đi biển, nhìn ra biển thì thấy rõ. Lúc đầu mặt biển yên, nhưng có gió thì sóng to sóng nhỏ, lượn sóng trước sóng sau đều nổi lên từ biển. Lúc nó nổi lên thì mình thấy giống như có lượn sóng to sóng nhỏ, có lượn sóng trước sóng sau. Lượn sóng trước sau, lớn nhỏ, lên xuống giống như là có sanh có diệt. Nhưng xét kỹ thì cũng chỉ là mặt biển thôi chứ có truớc sau gì! Cuối cùng, nó cũng tan trở về biển. Từ biển mà nó nổi sóng rồi cũng trở về biển, đâu có cái nào khác sanh diệt trong đó! Nhưng con mắt thường của mình thì bị gạt. Cũng mặt biển đó, bao nhiêu nước đó, nhưng con mắt mình bị cái tướng đó gạt. Tâm mình cũng vậy, các thức cũng khởi từ tâm (biển tâm). Từ biển tâm, khi gió cảnh thổi vào thì tâm động theo duyên nên nổi thành sóng. Đây là sóng gió ở trong tâm, nhưng khi sóng yên thì cũng trở về tâm. Tức cũng chỉ là biển tâm thôi chứ chưa ra khỏi biển tâm. Do vậy, khi thấy sắc hoặc nghe tiếng, nó từ trong tâm đi ra sắc hay tiếng. Mình thấy sắc thì tâm đi ra theo sắc, nghe tiếng thì đi ra theo tiếng. Nhưng đi đâu đi nữa thì nó có ra khỏi tâm không? Cái thức biết đó, nó biết theo sắc theo tiếng, biết cái này cái kia, biết đủ thứ v.v… nhưng nó có đi ra khỏi tâm không? Nếu nó ra khỏi biển tâm này thì thành khúc cây, khúc gỗ chắc hết còn biết gì rồi! Như vậy, nó đâu tách rời khỏi tâm, nên mình ngay đó khéo léo mà trở về. Làm gì thì làm, nó cũng không ra khỏi biển tâm này, khéo ngay đó mà trở về thì có hay hơn không! Bởi vậy, trong nhà Thiền cácThiền sư hay nhắc nhở: "Thấy sắc liền sáng tâm". Khi thượng đường, các Ngài khai thị ngay cái sắc bằng cách đưa phất tử hay chỉ cây bách. Đó là để đánh thức mình, ngay đó mà thấy sắc liền sáng được tâm tức là khéo trở về. Đó là đưa tâm về nhà. Hiểu rõ như vậy thì mình không có gì lạ khi đọc sách Thiền.
Trong nhà Thiền, có vị tăng hỏi Ngài Triệu Châu: "Thế nào là ý Tổ Sư từ Ấn Độ sang?". Ngài bèn đáp: "Cây bách trước sân". Mình mà chưa có kinh nghiệm học thiền thì cứ theo đó suy nghĩ: ‘Cây bách trước sân đó ý nghĩa là sao? Tại sao hỏi vậy mà lại đáp là cây bách trước sân?’. Mà càng suy luận thế này thế kia thì càng lúc càng xa. Người khéo thì phải biết ý Thiền sư, nói cây bách nhưng ý không phải ở cây bách mà là ở nơi ông. Được như vậy gọi là "đưa tâm về nhà". Đây là cái thực tế, mỗi người hiện tại đây, đang ngồi, đang nghe rõ ràng nhưng là đưa tâm về nhà hay là đang đưa đi đâu? Nhà đây mà không chịu về, còn tìm nhà ở đâu nữa! Đó là lẽ thật, mình kiểm nghiệm, xét kỹ thì thấy được đường đi, thấy được pháp tu của mình. Thật hết sứcthực tế, hết sức gần gũi! Sống thực ngay đây, đang ở nhà nhưng mình thì lại đi chỗ khác! Đó là sống theo tướng. Cho nên, trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo Ngài A-nan:
"Ông cũng lại như vậy, nếu lấy cái phân biệt theo tiếng của tôi nói pháp làm tâm của ông, tâm ấy tự rời cái phân biệt theo tiếng nói pháp, nó vẫn có tính phân biệt, thì chính cái đó mới thật là tâm của ông!".
Còn mình thì theo tiếng nói pháp đó: nghe thì có phân biệt nhưng tiếng đó qua mất thì hết phân biệt! Chính đó là tâm sanh diệt, là nổi sóng. Còn bây giờ buông chỗ đó mà quay lại, thì gọi là trở về nhà. Cho nên ngay sắc, ngay thanh là chỗ mình đưa tâm về nhà. Thiền SưThanh Tủng dạy chúng:
"Thấy sắc là thấy tâm, hãy nói cái gì là tâm? Núi sông, đất ruộng, vạn tượng sum la, xanh vàng đỏ trắng, nam nữ v.v… là tâm hay chẳng phải tâm? Nếu là tâm thì sao lại trở thành vật tượng? Nếu chẳng phải tâm thì sao lại nói thấy sắc là thấy tâm?".
Hai chỗ đó, mình khéo xét lại thì thấy đường về.
"Lãnh hội chăng? Chỉ vì mê cái này mà thành điên đảo các thứ chẳng đồng. Trong cái không đồng dị mà ép thành đồng dị. Hiện nay thẳng đó thừa đương, chóng ngộ bản tâm thì rõ ràng không có một vật có thể làm thấy nghe".
Đã không một vật có thể làm thấy nghe, vậy cái gì thấy nghe? Ngay khi thấy bình hoa này thì tâm ở đâu? Ở bình hoa chăng? Cái bình hoa đâu làm ra cái thấy, cũng như tiếng nói đâu làm ra cái nghe. Vậy cái gì làm ra cái thấy, cái nghe? Từ đâu mà nó có thấy nghe? Bấy nhiêu đó thôi, sáng tỏ được chỗ đó thì thấy được đường về liền! Mình học đạo mà tiêu hóa đuợc chút xíu đó thôi là đã thấy hay rồi. Còn cứ lo theo đó mà phân biệt, suy luận cái này cái kia thì còn xa. Có người học Thiền bắt chước "thấy sắc là thấy tâm", rồi ở trên cây bách, cây thông mà suy luận về tâm, thì cũng chạy ra ngoài. Còn ở đây khéo soi trở lại thì thấy được đường về của mình. Đó là "đưa tâm về nhà". Như vậy, lẽ thật là ngay đây, hết sức gần gũi, mà mình thì sống với cái tưởng nhiều quá nên thành đi xa. Thiền sưHuyền Sa - Sư Bị, một hôm đang ngồi, thấy cái chấm trắng trên nền đất, Sư bèn hỏi vị tăng đứng bên cạnh:
- Ông có thấy không? Ông tăng thưa: - Dạ thấy. Ngài nhấn mạnh lại: - Ông có thấy thật không? Ông tăng thưa: - Dạ thấy. Ngài hỏi lần nữa: - Quả thật là thấy không? Ông tăng nói: - Dạ thấy. Ngài Huyền Sa bèn bảo: - Ta cũng thấy, ông cũng thấy, vì sao nói chẳng lãnh hội?
Nói thực tế hơn, ngay cái bình hoa này tất cả mỗi người có ai không thấy bình hoa không? Ai cũng thấy bình hoa hết, vậy tại sao có người ngộ, có người không ngộ? Vậy điểm khác biệt ở chỗ nào? Rõ ràng, tất cả đều thấy cái bình hoa đó, nhưng thường mỗi người thấy bình hoa thì chỉ nhớ bình hoa, chứ không nhớ cái gì ngay nơi mình. Đó là đưa tâm đi ra, nên bây giờ đây mình phải khéo để đưa tâm về nhà. Được vậy thìhằng ngày thấy tất cả cảnh đều là chỗ để mình đưa tâm về nhà, thì không có cái gì che mờ được.
II. BUÔNG CHỖ DUYÊN.
Nhiều người nghĩ rằng: ‘Học thiền là khó, là sâu xa khó hiểu nên đó chỉ dành cho những người thượng căn, thượng trí, còn mình thì chậm lụt nên khó học nổi’. Nhưng sự thực thì Thiền rất là thực tế, rất là gần gũi, đâu có gì xa xôi! Chỉ là do tâm tưởng của người, tuởng quá nhiều nên thành xa. Do vậy, bây giờ biết thì mình buông các duyên để trở về, đó là khéo. Tức là muốn trở về thì phải tập buông các duyên, buông chỗ bám, nó đi ra nó bám, nó duyên nên đó là xa nhà. Bây giờ buông các duyên không cho nó bám thì chỗ nào nó đi đuợc? Nó có chỗ bám thì nó mới có chỗ đi, còn nó không có chỗ bám thì nó đi đâu được, tức là nó trở về nhà thôi! Bởi vậy, một hôm vào vườn rau, Thiền sưDược Sơn – Duy Nghiễm hỏi ông Tri viên:
- Ông đang làm gì? Ông Tri viên nói: - Con đang trồng rau. Sư bảo: - Ông trồng rau thì ta cho trồng nhưng cấm cho nó mọc rễ. Ông Tri viên: - Bạch Hòa thượng, trồng rau mà không cho mọc rễ thì đại chúng lấy gì ăn? Sư quở: - Ông cũng có miệng nữa sao!
Đây chính là Sư khéo nhắc ông đưa tâm về nhà. "Trồng rau nhưng không cho mọc rễ", tức là hằng ngày mình sinh hoạt, tạo tác đủ thứ nhưng trong đó tâm vẫn sạch, không mọc rễ, thì đó là đưa tâm về nhà. Còn mình làm cái gì đó mà tâm mọc rễ thì đó là đưa tâm đi xa nhà. Rõ ràng, không có gì xa xôi hết. Mà thường thườngđa số mình làm cái gì thì tâm mọc rễ chỗ đó. Đi xe thì mọc rễ trên xe, vô bếp thì mọc rễ trong nhà bếp, nên thành ra xa nhà, từ đó thành mê, thành ra phiền não. Ngược lại, nếu làm mà tâm không mọc rễ thì dù làm gì cũng không có phiền não. Thêm nữa, đến những việc làm tốt mà nó mọc rễ trong đó thì cũng thành xấu! Thí dụ như những vị đi làm từ thiện, thì có mọc rễ trong đó không? Đi bố thí, mở tâm rộng rãi giúp đỡ người ta là tâm tốt nhưng có khi cũng mọc rễ trong đó. Mình đem cho người đó món đồ, thời gian sau gặp lại người đó, mình nhờ họ việc gì mà họ không làm thì mình phiền não liền! Hoặc là mình đem món đồ giúp đỡ cho họ, mới đi ra thì thấy họ cho người khác, là buồn phiền liền! Vậy mình cho người đó nhưng có mọc rễ trong đó không? Cho người đó rồi mà mình còn nghĩ: ‘Món đồ đó là của tôi’. Đúng ra, khi mình cho người ta món đồ thì cái đó thuộc về người đó, không còn là của mình nữa. Thuộc về người ta thì người ta có quyền sử dụng. Do vậy, mình tập làm tất cả nhưng không cho nó mọc rễ, buông hết các duyên thì đó là đưa tâm về nhà.
Có vị tăng hỏi Ngài Quy Sơn: - Thế nào là đạo? Ngài đáp: - Không tâm là đạo. Tăng thưa: - Con chẳng lãnh hội. Sư bảo: - Hội lấy cái chẳng hội là tốt. Ông tăng thưa: - Thế nào là cái chẳng hội? Sư bảo: - Chính là ông thôi, không riêng người khác.
Sư nói thêm:
- Người thời nay chỉ ngay đó thể nhận cái chẳng hội thì chính đó là tâm của ông, chính đó là Phật của ông. Còn nếu nhằm ra ngoài được chút ít hiểu biết cho là thiền, là đạo thì lại không dính dáng, gọi là đem phẩn vào, chẳng phải đem phẩn ra, đó chỉ làm dơ bẩn cái tâm của ông.
Đó là Ngài Quy Sơn chỉ cách cho ông tăng đưa tâm về nhà. Thường mình học đạo là mình học cái gì thì phải thích học cho hiểu. Còn ở đây Ngài nói, ông tăng không hiểu (không hội) thì bảo: "Hội ngay cái chẳng hội đó là xong, không phải tìm gì khác". Bởi vì theo chỗ học để hiểu nên phải giải thích thế này, định nghĩa thế kia cho hiểu. Mà có chỗ để hiểu, để hội thì đó là chỗ duyên để tâm đi ra rồi, theo cái chỗ hiểu đó mà đi. Còn đây ông nói: "Không hiểu", tức không có chỗ để bám, để duyên thì chính là nó đó, là chỗ ông cần tìm đó! Ông không hiểu thì cái gì biết không hiểu?! Nói được vậy tức là đâu phải như cây như đá. Ngay cái tâm không hiểu, ông hiểu trở lại cái tâm đó là xong! Khỏi phải tìm hiểu đâu xa, chỗ đưa tâm về nhà là ngay chỗ đó! Ngay đó ngộ là xong, đâu phải tìm gì khác, thì vượt qua bao nhiêu kiếp mê lầm chứ không phải thường. Bởi vậy, cách để đưa tâm về nhà là chịu khó buông, buông duyên, tâm không chỗ duyên thì trở về nhà. Có ông Phạm chí Hắc Thị tu đắc ngũ thông, thuyết pháp rất hay đến nỗi chư Thiên cũng đến nghe thuyết pháp. Hôm đó, khi nghe thuyết pháp xong thì một vị chư Thiên bỗng rơi lệ. Thấy vậy, ông Phạm chí lấy làm lạ nên hỏi:
- Vì sao Ngài khóc vậy? Vị ấy đáp: - Thầy thuyết pháp hay quá, nhưng theo chỗ thấy của tôi thì tuổi thọ của thầy còn có bảy ngày nữa thôi nên tôi buồn, sau này hết được nghe pháp nữa. Nghe tới đó, ông hoảng hồn và nói: - Xin Ngài hãy cứu tôi, hoặc là chỉ dạy có cách gì khiến tôi thoát được cái chết hay không? Vị ấy trả lời: - Chính tôi cũng phải chịu chết thôi, không ai cứu được hết, nhưng có một cách. Ông bèn hỏi: - Có cách gì? Vị ấy đáp: - Hiện giờ có Đức Phật ra đời, đang thuyết pháp ở thành Xá-vệ, ông hãy đến hỏi, Đức Phật sẽ chỉ cho ông cách thoát khỏisinh tử. Nghe như vậy, ông bèn dùng thần thông đi đến. Trên đường đi, thấy hai cây ngô đồng đang nở hoa rất đẹp, ông bèn dùng thần thông bứng cả hai cây bưng hai tay mang đến chỗ Phật để cúng dường. Đến nơi, ông thưa Phật dạy cho ông cách thoát khỏisinh tử. Phật bèn bảo: - Ông hãy buông xuống đi! Ông liền buông cây ngô đồng bên tay trái. Phật bảo tiếp: - Buông xuống nữa đi. Ông buông cây ở bên tay phải luôn. Phật bảo tiếp: - Buông! Ông ngơ ngác thưa: - Bạch Ngài, tôi có hai cây ngô đồng cầm ở hai tay, Ngài bảo buông, tôi buông hết rồi thì còn cái gì buông nữa? Phật dạy: - Ta nói buông đó không phải bảo ông buông hai cây ngô đồng. Ta bảo buông thứ nhất là buông sáu căn, buông thứ hai là buông sáu trần, còn buông thứ ba là buông sáu thức. Căn, trần, thức đều buông, không cho kết hợpvới nhau thì ngay đó là cách giải thoát khỏi sinh tử. Ở đây, Phật cũng dạy buông hết chỗ bám, không còn duyên để tâm sanh, là giải thoát. Còn Ngài Đại Điên thì dạy: "Bỏ tất cả vọng động, tưởng niệm thì tức là chân tâm của ông". Chân tâm rất là đơn giản, chỉ cần ông bỏ hết vọng động, tưởng niệm, xét lường, buông hết những cái đó thì chính là chân tâm của ông, chứ không có thêm vào. Còn mình thì cứ lo thu vào để hiểu, để chứa nên thành xa. Đây là nhắc cho tất cả đại chúng, nghe rồi thì mình khéo đưa tâm về nhà, chứ không để cho nó đi ra nhiều, đi xa nữa, là sống mất mình, là lang thang làm khách phong trần khổ sở.
III. TÓM KẾT.
Mỗi người đã đi qua vòng sanh tửluân hồi này quá nhiều, quá lâu, quá đầy đủ rồi. Từ lúc có một niệm bất giác mà đi vàovòng sanh tửluân hồi này, đến bây giờ mà chưa thấy đủ hay sao? Nếu xét kỹ thì thấy rõ ngay đây là quá đủ rồi. Mình đã nếm qua tất cả, từ mùi sung sướng tột cùng cho đến mùi khổ cực cũng tột cùng, mình đã đi qua hết các loài, đâu có thiếu gì. Bằng chứng là cái thức của mình, nó hiện đủ thứ hết. Những lúc nằm mơ là thấy rõ đủ thứ: khổ vui, tốt xấu v.v… đó là những hạt giống đọng lại chứ gì nữa! Kiểm tra lại thì mình thấy, có lúc tâm thức rất cao thượng như bậc Thánh, nhưng có lúc rất xấu tệ như con thú. Trong đó chứa đủ các hạt giống, rõ ràng mình đã đi qua hết rồi. Vậy ngay đây trở về là đúng lúc, không có gì thiệt thòi. Lang thang làm khách phong trần khổ nhọc như thế nào thì mỗi người quá rõ rồi, bây giờ trở về nhà là vừa. Mỗi người khéo léo xét lại để sẵn sàng đưa tâm về nhà. Niềm vui trở về nhà không có gì diễn tả được, không thể nói hết bằng lời. Như vậy, hết một năm cũ qua năm mới thì mỗi người khéo tu, buông hết những gì cũ xưa của năm cũ. Những tập khímê lầm của năm cũ trả về cho năm cũ hết đi, để sống dậy cái mới mẻ của năm mới, cái chân thật tinh khôi chưa nhuốm bụi trần. Một năm mới sống cho thật mới mẻ. Như Ngài Huyền Giác nói: "Sẵn nguồn tự tánhthiên chân Phật", sống với cái nguồn nơi tự tánhthiên chân đó. Thiên chân là tự nhiên, nguyên vẹn, chưa có nhuốm một chút bụi trần nào hết. Đó cũng là lúc vỗ trống tâm mà ca khúc ca trở về nhà.
Ngang lưng đeo trống đối tri âm Duỗi thẳng hai tay đánh trống tâm. Tập tập tầm tâm tâm tất tập Tầm tâm tâm tập tập tầm tâm.
Tức là đánh trống tâm, ca bài háttrở về nhà, nhưng lúc cuối cùng là:
Thôi nhé tâm ta chẳng thể tầm Tầm tâm chẳng được chẳng tầm tâm. Mang đèn xin lửa thêm điên đảo Thà đứng bên song hát khúc ngâm.
Tức là tâm mình mà tìm ở đâu, vỗ trống tâm là mình trở về nhà. Còn mình đã vỗ trống tâm rồi mà mình còn đi tìm tâm nữa có phải là mâu thuẫn không? Mỗi người hiện thời đang tu là đang làm gì? Cũng đúng là đang vỗ trống tâm để tìm tâm. Tu là tìm tâm để sáng được tâm, nhưng tâm mình mà tại sao lại đi tìm? Còn chính cái tâm đang đi tìm thì đó là cái gì? Do vậy, ngộ trở lại ngay cái đó là xong, khỏi đi tìm cái gì hết! Thay vì đi tìm tâm này tâm kia, chính tâm mà đang đi tìm đó, ngộ ra ngay thì khỏi cần đi tìm đâu hết. Rất là thực tế, thì ngay đó là trở về nhà.
Chúc tất cả một năm mới khéo đưa tâm trở về nhà, để rồi vỗ trống tâm mà hát khúc ca này. Đó là niềm vui an lạc nhất trong đời tu của mình. Đó là con đườngtrở về của mình. Con đườngluân hồi này là đủ rồi, trở về là vừa.
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như:
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.