TÂM (CITTA) Minh Đức Triều Tâm Ảnh Sát góc núi, nơi lối đi có mấy bậc đá tôi có đề 3 chữ “tâm dưới chân” để nhắc nhở mọi người lưu ý để khỏi bước vấp. Thế nhưng vẫn có người hỏi “tâm dưới chân” có nghĩa là gì? Nơi Am Mây Tía mấy chú điệu hay bước lên xuống, tôi cũng hay nói, “mắt dưới chân đó con”, thế mà có chú hiểu, chú không hiểu! Có bữa, tôi kể chuyện: “- Có một vị sư tu thiền suốt nhiều năm trên núi. Hôm kia, cảm thấy ‘thiền của mình đã đạt’ bèn xuống núi lặn lội đi tìm một vị đại thiền sư để xin ấn chứng. Gặp vị đại thiền sư, đảnh lễ phải phép rồi vị sư kể lại mọi chứng nghiệm tu tập của mình cho thầy thẩm định. Lẳng lặng và chăm chú lắng nghe xong, vị đại thiền sư hỏi: - Vậy thì khi ông vào đây, cái dù của ông đặt bên phải hay bên trái cửa? Vị sư ngớ ra! Lại thêm mấy năm tu tập nữa, vị sư về trình pháp, vào cửa, ông chăm chăm ghi nhớ cái dù ở đâu. Không như lần trước, lần này, đại thiền sư lại hỏi: - Vậy thì khi bước lên thềm, ông bước chân phải hay chân trái? Vị sư cũng không nhớ!” Buồn chưa! Phải tu lại là cái chắc! Người mà luôn luôn biết chú tâm, quan sát, cách nói khác của chánh niệm (định), tỉnh giác (tuệ) thì không bao giờ quên mình, không bao giờ để “tâm lang thang bất tại”, không bao giờ làm việc gì mà không để cái tâm của mình vào đấy! Vậy thì cái tâm ai cũng có thể hiểu, có thể thấy! Tâm là gì? Tuy nhiên khi nói về tâm thì phần đông mọi người đều nghĩ rằng: - Tâm là linh hồn của con người. - Tâm là phần tinh hoa, tinh túy ở trong tinh thần của con người. - Con người có tâm - tức là có nhân, nghĩa... có tấm lòng đối với cuộc đời. Hoặc có tâm tức có đức (chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài). - Có người hiểu tâm là trái tim, là phần tình cảm của con người. - Tâm là lòng, bụng... Từ những nghĩa như vậy, chữ tâm được biến hóa rất phong phú: Tâm hồn, tâm can, tâm chí, tâm cơ, tâm đảm, tâm đắc, tâm đầu, tâm địa, tâm giao, tâm huyết, tâm hoa, tâm hương, tâm ý, tâm khảm, tâm linh, tâm lực, tâm phục, tâm sự, tâm trí, tâm đức, tâm minh, tâm đạo... Đấy là cả một kho tàng ngôn ngữ xuất phát từ nền văn học của Phật giáo đã được thế tục hóa, thế gian hóa, thế tình hóa. Dĩ nhiên là nó đúng theo cách hiểu của đại chúng, nhưng chưa được chính xác so với chữ citta trong Abhidhamma. Citta có ngữ căn “cit” là suy nghĩ, tư tưởng, là cái nhận thức đối tượng; là cảm biết, thấy biết, nhận biết cái gì đang hiện hữu (đang có mặt): - Thấy đóa hoa, là con mắt thấy biết - nhãn thức. - Nghe âm thanh, là lỗ tai nghe biết - nhĩ thức. - Mũi ngửi hương, là cái mũi ngửi biết - tỷ thức. - Lưỡi nếm vị, là cái lưỡi nếm biết - thiệt thức. - Thân xúc chạm, là thân cảm biết - thân thức. - Ý tiếp nhận pháp, là ý nhận biết - ý thức. Sáu thức ấy chính là tâm. Vậy có thể nói: Tâm thấy, tâm nghe, tâm ngửi, tâm nếm, tâm xúc chạm, tâm suy nghĩ. Ở đây, tâm (citta) và thức (viññāṇa) đồng nghĩa. Đôi khi, ý (mana) cũng đồng nghĩa với tâm: “Các pháp do ý dẫn đầu. Các pháp do tâm dẫn đầu”. Và danh cũng đồng nghĩa với tâm khi phân chia con người gồm có 2 phần: Sắc (rūpa) và danh (nāma). Trong Abhidhamma thì ý (mana), thức (viññāṇa), danh (nāma), tâm (citta) thường sử dụng cùng một nghĩa. Còn nữa, nói tâm thì phải nói đến tâm sở, là những sở hữu của tâm, phụ tùy của tâm, thuộc tính của tâm, phát sanh cùng lúc với tâm (Tâm và tâm sở đồng sanh, đồng diệt, đồng căn môn và đồng đối tượng).- Nếu một tâm thiện khởi lên thì các tâm sở thiện cùng khởi theo: Niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si... (là những tâm sở thiện).- Nếu một tâm bất thiện khởi lên thì các tâm sở bất thiện cùng khởi theo: Vô tàm, vô quý, tham, mạn, tà kiến... (là những tâm sở bất thiện). Ngoài ra, còn có những tâm sở không thiện, không ác; ví dụ xúc, tác ý, thọ, tưởng, tầm, tứ... Gồm chung cả ba loại, có cả thảy 52 tâm sở. Trong 52 tâm sở ấy, thì ở nơi các trạng thái tâm lý (hành) có 50, nơi cảm giác (thọ) có 1, nơi tri giác (tưởng) có 1. Vậy trong thọ, tưởng, hành, thức thì thức là tâm và thọ, tưởng, hành là tâm sở. Có tất cả bao nhiêu loại tâm?Chúng sanh ở đời có rất nhiều nghiệp khác nhau, tâm khác nhau, cảnh giới khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể tạm thời phân loại tâm theo cảnh giới. - Địa ngục: Do tâm độc ác, bạo tàn, hận thù... tạo nghiệp rất nặng nên sanh vào cảnh giới này (Tâm địa ngục). - Ngạ quỷ: Do tâm khao khát, tham lam quá độ, tạo nghiệp rất nặng nên sanh làm các loại quỷ đói khát (Tâm ngạ quỷ). - Súc sanh: Do tâm ngu si, trì độn, bản năng, thú tính... tạo nghiệp nặng mà đọa vào cảnh giới các loài thú hai chân, bốn chân... (Tâm súc sanh). - Atula: Do tâm hiếu chiến, tranh thắng; thích sử dụng binh khí miệng lưỡi, đao gậy, gươm súng... nên sanh vào cảnh giới này (Tâm a-tu-la). - Người: Có hai loại là người bất hạnh và người hữu phúc. Người bất hạnh: Là loại người mà tâm địa ngục, tâm ngạ quỷ, tâm súc sanh, tâm a-tu-la nhiều hơn tâm người; nên hiện tại họ khuyết tật, thiếu ngũ quan hoặc sống trong cảnh bất hạnh, thống khổ, đói khát, cơ cực... bị xã hội khinh khi, ghét bỏ, ruồng bỏ... Tuy nhiên, ta phải hiểu là do nghiệp quá khứ còn dư sót nên họ phải nhận chịu như vậy. Còn hiện tại, nếu có người đang trong hoàn cảnh hữu phúc mà các tâm xấu ác vượt trội tâm người thì họ phải thọ nhận ác báo ở kiếp sau. Người hữu phúc: Do tâm biết phải trái, thiện ác, có nhân, có hiếu, có tình, có nghĩa, xử sự hợp đạo đức, luân lý ở đời. Họ cũng có thiện ác, tốt xấu nhưng đa phần thiện nhiều hơn ác, tốt nhiều hơn xấu. Họ được đầy đủ ngũ quan hoặc ngũ quan hoàn hảo; được thọ hưởng 5 loại phước báu: sức khỏe, tiền tài, sắc đẹp, trường thọ và trí tuệ. Nói tóm lại là họ gần hoàn hảo hoặc đã hoàn hảo tâm người (nhân tâm). - Trời Dục giới: Do tâm biết ngăn ngừa việc ác, thích làm điều lành; biết giữ giới, biết bố thí, biết cúng dường, biết tham thiền niệm Phật; có tâm thương xót đến người, vật có hoàn cảnh bất hạnh... Tùy theo nghiệp lành nhiều ít, họ sẽ hóa sanh vào 6 cõi trời dục giới tương ứng. - Trời Sắc giới và trời Vô sắc giới: Do tâm đã có như tâm của trời Dục giới, lại còn biết tu tập thiền định và đắc các tầng thiền hữu sắc và vô sắc; họ sẽ làm những vị Phạm thiên cao sang phước tướng. - Đạo quả Tứ thánh và Niết-bàn: Đây là những tâm có giới, có thí, có định lại còn biết tu tập thiền quán, thấy rõ tam tướng vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) để lần lượt cắt đứt những kiết sử phiền não; tuần tự chứng đắc Tứ thánh đạo, Tứ thánh quả và Niết-bàn. Nói tóm lại, có nhiều loại tâm tương ứng với những cảnh giới như vậy, nhưng theo Abhidhamma đúc kết, chỉ có 4 loại tâm, như sau: Dục giới tâm (kāmāvacara-citta); Sắc giới tâm (rūpavacara-citta); Vô sắc giới tâm (arūpavacara-citta); Siêu thế giới tâm (lokuttaravacara-citta). Tâm ở đâu? Như vậy, tâm rất là rõ ràng khi thấy sự hiện khởi của nó như tâm tham, tâm sân... tuy nhiên, có người hỏi tâm ở đâu thì quả là câu hỏi khó có lời giải cho thoả đáng. Đây là một thắc mắc khá nghiêm túc, người học Phật, tu Phật cần phải liễu tri, chứ không thể mơ mơ hồ hồ được. Cũng không nên đưa những ví dụ có vẻ văn hoa nhưng vô thưởng, vô phạt như cách nói “huề vốn”. Cũng không nên lấy kinh điển mà bảo Phật nói như thế này, Phật bảo như thế kia – vì bao giờ “cái thực” cũng khác với những khái niệm khói sương! Theo giáo pháp Theravāda, thì cần thấy biết tâm ở đâu mới có thể tu tập thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanā) được. Đầu tiên, câu hỏi tâm ở đâu, tức là muốn hỏi cái “trú xứ” của tâm. - Cái biết của con mắt (nhãn thức) có trú xứ là nhãn căn, tức là nương tựa nơi “con mắt thịt” mà khởi sanh. Con mắt thịt này có hai phần, phần thô tháo gọi là “phù trần căn”, phần tinh tế là “tịnh sắc căn”. Trong tịnh sắc căn này có thần kinh nhạy bén cảm biết đối tượng – mà ta gọi là nhãn thức. Cả tai, mũi, lưỡi, thân đều tương tợ vậy nên có nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Cả 5 thức nầy đều yếu ớt, muội lược – nhưng Abhidhamma đều gọi chúng là tâm (thức và tâm đồng nghĩa, là cái biết). Như vậy, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức có trú xứ là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn. Nói cho rõ hơn: - Nhãn thức y cứ vào nhãn tịnh sắc căn mà khởi sanh. - Nhĩ thức y cứ vào nhĩ tịnh sắc căn mà khởi sanh. - Tỷ thức y cứ vào tỷ tịnh sắc căn mà khởi sanh. - Thiệt thức y cứ vào thiệt tịnh sắc căn mà khởi sanh. - Thân thức y cứ vào thân tịnh sắc căn mà khởi sanh. - Ý giới (tiếp thọ tâm). - Ý thức giới (các tâm còn lại). Hai cái ý giới và ý thức giới y cứ trên ý căn mà khởi sanh. Đây được gọi là "7 thức tâm y cứ trên 6 trú căn". Ý giới chỉ những thức tâm yếu ớt, muội lược; còn ý thức giới, chỉ cho những thức tâm đầy đủ nhận thức. Thế thì, 5 căn đầu thì có điểm tựa rõ ràng, còn ý giới, và ý thức giới nương tựa nơi ý căn, nhưng ý căn ấy nằm ở đâu trong tấm thân một trượng nầy? Đây là vấn đề “bí hiểm” và “gay cấn” nhất từ xưa đến nay! Theo sớ giải, Hadayavatthu (hadaya là trái tim, vatthu là cõi, chỗ) là trú căn của tâm thức (tâm căn). Quan niệm trái tim là trú căn của tâm thức nguyên xưa thuộc truyền thống của Upanishad (Áo nghĩa thư), sau này ảnh hưởng vào các sớ giải. Đức Phật không chấp nhận cũng không phủ nhận điều ấy. Tuy nhiên, trong tập Paṭṭhāna (1) (tập 7, quan trọng nhất của tạng Abhidhamma) nói rằng đức Phật không xác định ý căn nằm ở đâu mà chỉ nói"y cứ trên sắc pháp này" (Yaṃrūpamnissāya) mà tâm khởi sanh - chứ không xác định trú căn ấy là ở tim hay ở não bộ! Đến đây, “y cứ trên sắc pháp nầy” hé lộ cho ta về giáo lý duyên khởi, cái tư tưởng độc sáng của đức Phật, làm nền tảng cho giáo pháp. Y cứ trên sắc pháp nầy? Theo giáo lý duyên khởi, không cái gì tự dưng có mặt, lại càng không thể quan niệm được có một cái gì đó tồn tại độc lập mà không nương theo cái khác, kết hợp với cái khác. Từ trăng sao, vũ trụ, cho đến một hạt vi trần thảy đều duyên sinh, kết hợp. Lý tương duyên tương sinh cho ta biết rằng, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không! Từ sự thật này, nên ai nói rằng, có một cái tâm ở đâu đó, có một cái tâm thường còn ở đâu đó hoặc có một cái tâm độc lập (nhất nguyên luận) thì lại rơi vào cái thường kiến trong 62 tà kiến. Vậy, tâm, thức (cái biết) cũng do kết hợp mà có, do duyên sinh. Ta hãy quan sát. - Khi nhìn một chiếc lá, ta nhận biết đó là chiếc lá: Tâm nhận biết chiếc lá có mặt do có nhãn căn tiếp xúc với chiếc lá (sắc). Tương tợ như vậy là nhĩ thức với âm thanh (sắc), tỷ thức với các mùi (sắc), thiệt thức với các vị (sắc), thân thức với đất, lửa, gió (sắc) (2). Vậy thì tâm, cái nhận biết là do duyên sinh. Rõ hơn, do sự vận hành của căn, trần, và thức. Căn là lục căn, trần là lục trần và thức là lục thức. 18 giới ấy là toàn bộ vận hành của ta và cả vũ trụ. Nó duyên sanh đồng khởi, đồng vận động, đống tác động, chẳng có cái nào trước, cái nào sau; và cũng chẳng có trong, có ngoài, chủ và khách không thể lập! “Y cứ trên sắc pháp nầy” – nghĩa là tâm ở đó, khi nào ý thức, nhận thức có mặt. Khi đang ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi... mà không có tâm biết (chánh niệm, tỉnh giác) đang ăn, đang uống, đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi... thì gọi là thất niệm hoặc gọi là “tâm bất tại”, vì nó đang lang thang ở chân trời góc biển, ở quá khứ hay tương lại nào đó! Người có tu tập minh sát tuệ có lẽ hiểu rõ điều này hơn ai hết khi tâm tham biết tham, tâm sân biết sân (cả 16 loại tâm). Huệ Khả cũng được Đạt Ma dạy cho chỗ này: “Tâm tán loạn tuệ tri tâm tán loạn; tâm không an, tuệ tri tâm không an” (3) Chỉ tuệ tri như vậy thôi, ngay hiện tiền như vậy, không đánh giá, không phê phán – thì đấy mới gọi là thấy rõ thực tánh. Cái gì cũng phải tuệ tri như thực, không thêm bớt, không thủ xả, không “đầu thượng trước đầu” không “tuyết thượng gia sương!”, vì “tri lập tri tức vô minh bổn” vậy! Như thế thì người tu minh sát luôn thấy rõ tâm mình trong mọi lúc, mọi nơi – sao còn phải hỏi tâm ở đâu nữa? Nó duyên sanh! Không ở trái tim, không ở não bộ, mà vẫn là duyên sanh. Khoa học ngày nay cho rằng cái biết sơ khởi, ban đầu ở các giác quan (họ gọi là hưng phấn) là trạng thái được xác định bởi tương quan lực” do sự phân cực điện trong các axon thần kinh (4). Mà hệ thần kinh có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu kích thích từ các cơ quan cảm giác, xử lý phân tích các tín hiệu và phát các thông tin phản ứng nhằm điều khiển các hoạt động của các cơ và các tuyến tiết. Sự truyền tín hiệu này liên quan đến các neuron và synapse là các tế bào mang thông tin. Bất kỳ cung phản xạ thần kinh nào dù đơn giản hay phức tạp cũng đều được cấu tạo từ một số neuron nối với nhau qua các synapse nhỏ bé. Nhờ các synapse nhỏ bé này mà xung thần kinh được truyền từ neuron này sang neuron khác. Còn nữa, hệ thần kinh gồm có hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Hệ thần kinh trung ương gồm tuỷ và não bộ được xem như là bộ phận điều khiển trung ương có chức năng thu nhận và xử lý phân tích tất cả các thông tin và phát thông tin trả lời. Hệ thần kinh ngoại biên gồm các tế bào và toàn bộ dây thần kinh còn lại, nó có chức năng nối liên lạc giữa thần kinh trung ương với các mô và các cơ quan của cơ thể. Nói khái quát như thế để biết rằng, thu nhận và xử lý thông tin là cả một bộ máy khổng lồ, là cả một hệ thống tinh vi, tinh tế liên quan chặt chẽ với nhau, nó duyên khởi, nương tựa nhau trùng trùng. Trở lại với giáo pháp, đức Phật khi nói về con người, ngài chỉ nói đến sắc thọ tưởng hành thức. Ngũ uẩn ấy nếu được nhìn ở thế giới khái niệm thô tháo (vĩ mô) thì có sắc thân, cảm thọ, cảm giác, tâm hành và nhận thức, một bên thân, một bên tâm. Nhưng nếu được nhìn trong thế giới cực vi (vi mô), vận động liên tục, hoạt dụng liên tục, duyên khởi liên tục – thì sắc chỉ là các phân tử, nguyên tử, hạt cơ bản, hạt nhân... Cảm giác, tri giác, tâm hành và nhận thức chúng chỉ là những sát-na cực vi trong những hạt chuỗi sinh, trụ, diệt (6) trùng trùng. Nơi ngũ uẩn, thì cảm giác là cái biết sơ khởi, tri giác là cái biết tổng quát và ý thức là cái biết có chức năng xử lý phân tích các thông tin và cả phát thông tin nữa. Vậy nếu ai đó nói, cái tâm (cái biết) tồn tại độc lập thì rõ ràng là phản khoa học; và nên nhớ rằng thiên tài khoa học vĩ đại Albert Einstein có nói rằng: Phật giáo không cần phải tu chỉnh, cải sửa những quan điểm của mình mà theo khoa học vì Phật giáo không chỉ bao hàm khoa học mà nó còn vượt xa, vượt quá khoa học nữa!” (5) Đức Phật chỉ nói: “Y cứ trên sắc pháp này” dường như là câu nói cô đọng và minh triết nhất cho mọi vận động duyên khởi ở trên, mà từng cái biết ở thần kinh mắt, thần kinh tai, thần kinh mũi, thần kinh lưỡi, thần kinh thân, thần kinh tuỷ sống, thần kinh não bộ - là toàn bộ vận hành ấy, trao truyền tín hiệu ấy lại còn nhờ cậy vào các neuron và synapse là các tế bào mang thông tin nữa. Vậy, cái biết ở khắp mọi nơi khi nhận thức, ý thức có mặt trong sự vận hành của căn trần thức. Đến đây, những hành giả tu tập minh sát chắc sẽ tâm đắc tại sao trong Tứ Niệm Xứ, đức Phật dạy, đừng bao giờ “rời khỏi cái biết”! Không có vọng tâm, không có chân tâm. Vậy cái biết (tâm) là duyên sanh trong sự vận động trùng trùng của căn trần thức. Và nếu duyên khởi là vọng thì tất cả đều là vọng hết làm gì có chơn? Nhưng nếu tất cả duyên khởi đều được “tuệ tri như thực” như tham, tuệ tri tham, như sân, tuệ tri sân - thì chúng đều là chơn (như thực) hết, làm gì có vọng? Hay vọng với nghĩa là khi nó khởi và chơn là khi nó chưa khởi? Điều này cũng không đúng lắm, và coi chừng cũng chỉ ngang bằng tư tưởng của Khổng và Lão thôi! Khổng nói rằng, chưa có dâm, nộ, si (tham, sân, si) là chỗ vào ra của đạo; nói cách khác, đạo là khi dâm nộ si chưa khởi! Còn Lão thì nói đạo sinh nhất, sinh nhị, sinh tam, tam sinh vạn vật – thì khi chưa sinh khởi là đạo! Đức Phật là bậc Toàn Giác, ngài nói cái chỗ chưa khởi ấy là khi chưa có 6 nhân: tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si; và ngài không hề cho đây là đạo, mà ngài còn nói rằng, có duyên thì nó khởi đấy; và nó khởi thì khởi trùng trùng! Lại nữa, trong tâm của mỗi chúng sanh đang ngủ ngầm vô lượng hạt giống tốt có, xấu có – nghĩa là còn vô lượng năng lực ngầm (tuỳ miên kiết sử). Vậy thì từ chỗ chưa khởi này cũng phải thường trực chánh niệm, tỉnh giác; không thường trực chánh niệm tỉnh giác thì nó sẽ khởi lung tung đấy! Vậy nếu có khởi thì khởi làm việc lành, việc tốt, khởi thọ trì tam quy, ngũ giới, tu thập thiện, tu bố thí, tu tứ vô lượng tâm v.v.và v.v... Để kết luận: Chỉ có sự khổ và sự diệt khổ. Biết được cái tâm ở đâu là biết được hành tung của nó, là để mà tu tập. Ví dụ như đâu là tâm địa ngục, tâm ngạ quỷ, đâu là tâm người, tâm trời. Nói có hình tượng hơn là như bức tranh “thập mục ngưu đồ” đi tìm dấu chân trâu là đi tìm cái tâm của mình vậy! Và ai cũng biết rằng, tâm dẫn đầu các pháp, tâm chủ, tâm tạo tác. Vậy hãy dè chừng cái tâm. Và dè chừng kiểu nào cũng được hết, tu sao cũng được hết, miễn là có tu. - Nếu ai thấy tâm mình có khuynh hướng xấu ác thì nên tu giới, mấy giới cũng được để ngăn chừng, ngăn ngừa chừng nào tốt chừng ấy. - Nếu ai thấy mình thiếu phước, lại keo kiệt, bủn xỉn thì nên tu bố thí vừa được phước vừa mở rộng tấm lòng của mình ra. - Nếu ai thấy mình lao xao, rối loạn, thiếu tự chủ, thiếu bình tĩnh thì nên tu thiền định. - Nếu ai thấy mình vô cảm, xơ cứng, lạnh lùng thì nên tu tập tâm từ, tâm bi. - Nếu ai thấy mình tối tăm, cố chấp thì nên tập tành tu tập thiền tuệ để tâm trí nó sáng ra... Tất cả, tất cả sang hèn, giàu nghèo, trí ngu, vui khổ... đều do tâm, bởi tâm. Vậy hãy tu tập đi thôi, lửa đang bốc cháy ở khắp nơi; vậy hãy là hòn đảo an lành, an toàn cho mình nương tựa – là lợi mình và lợi người, lợi cả hai vậy. MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH Ghi chú: (1) Thường dịch là Vị trí, Đại xứ hay Nhân duyên thuyết. Trong bộ này trình bày chi tiết về 24 duyên - trong ngoài duyên khởi, duyên sanh rất phức tạp – nó cũng không có trong ngoài, không có chủ thể và khách thể. (2) Thân xúc cái gì cứng, mềm chiếm chỗ trong không gian là đất, cái gì nóng, lạnh là lửa, cái gì rung động, chuyển động là gió. Riêng nước, thân không xúc chạm được vì nó là cái kết dính các sắc. Do vậy, ngũ căn (5 sắc), có 7 đối tượng sắc pháp (sắc, thanh, hương, vị, địa, hoả, phong). (3) Vikkhitaṃ vā cittaṃ ‘vikkhitaṃ cittan’ ti pajānāti hay Asamāhitaṃ vā cittaṃ ‘asam āhitaṃ cittan ‘ ti pajānāti. (4) Tôi mạo muội học lóm một vài kiến thức cũng như một số thuật ngữ chuyên môn về cấu tạo tế bào và thần kinh học – mà tôi chưa thật sự hiểu cho tường tận. Ở đây chỉ nhằm chứng minh cho lý duyên khởi thôi! (5) Buddhism requires no revision to surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science. (6) Mỗi sát-na có 3 tiểu sát-na, một tiểu sát-na sinh, một tiểu sát-na trụ, một tiểu sát-na diệt. Phần tô mầu là do người phụ trách post bài lên mạng thể hiện. |