Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)

21/09/20146:27 SA(Xem: 10352)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)


Giúp thuốc thang cứu người bệnh khổ
Giảng rộng
Trong cõi Diêm-phù-đề này có cả vạn giống cây, tám ngàn giống cỏ, bảy trăm bốn mươi giống cây thuốc lẫn lộn, bốn mươi ba giống cây với đủ loại hương thơm, một trăm hai mươi mốt giống cây quý, hết thảy đều có thể dùng vào việc cứu người. Đối với người đang mang tật bệnh thống khổ, ắt không gì có thể quý hơn thuốc men chữa trị cho họ. 
Dùng thuốc cứu người, đó chính là tu hạnh thí xả. Chỉ bày phương thuốc cho người, đó cũng là tu hạnh thí xả. Chữa trị cho người nghèo khổ không tính toán so đo chi phí lợi hại, đó là tu hạnh thí xả. Khuyên người khác không bán thuốc giả, đó cũng là tu hạnh thí xả. Phương pháp tu tập hạnh thí xả tuy có rất nhiều, nhưng tựu trung quan trọng nhất vẫn là phải xuất phát từ tấm lòng bi mẫn thương người.
Vào thời thế gian suy mạt, tật bệnh cứ dần dần ngày càng nhiều hơn, mà thuốc men lại dần dần ngày càng khan hiếm. Hãy lấy ví dụ như bệnh đậu mùa ở trẻ con, từ đời Ngụy, Tấn về sau mới có, bệnh trúng phong chỉ bắt đầu có từ năm cuối niên hiệu Thuận Trị đời Thanh. Gần đây, trẻ sơ sinh thường hay bị chứng đường lang tử, phải cắt bỏ đi mới bú mẹ được, bằng không chỉ trong một hai ngày có thể tử vong. Những bệnh quái lạ như vậy, vào thời tôi còn nhỏ thật chưa từng nhìn thấy.
Cách đây mười ngàn năm, nước uống vào có vị hết sức ngon ngọt, như mùi vị của sữa đặc. Đến thời ông Kỳ-bà, tại Ấn Độ vẫn còn giữ được một cây quý gọi là dược vương, có thể dùng soi chiếu thấy được thấu trong nội tạng của con người. Vào triều Minh, loại nhân sâm tốt nhất, phần rễ đã phát triển rõ rệt thành hình người, vẫn còn rất nhiều, giá bán mỗi cân cũng chỉ tương đương như một cân bạc trắng. Ngày nay, giá bán đã cao hơn gấp bốn, năm lần mà màu sắc, mùi vị đều không được như trước. Trong tương lai khoảng 5.000 năm nữa, tuổi thọ trung bình của con người giảm xuống chỉ còn 20 năm, tai kiếp dịch bệnh khởi sinh, người chết nằm phơi xác khắp ngoài đồng nội. Tai kiếp này kéo dài đến bảy tháng bảy ngày mới dứt. Lúc ấy, các thứ nhu yếu thông thường như đường, muối... cũng không tìm ra được, huống hồ là các loại thuốc quý giá như nhân sâm, phục linh, nhục quế, phụ tử...
Luận Bà-sa có nói rằng: “Như có người mang một quả a-lê-lặc dâng lên cúng dường cho một vị tăng bị bệnh, thì trong tương lai người ấy nhất định sẽ không gặp phải những tai kiếp dịch bệnh.”
Bệnh tật khổ não không sẵn có lúc ta mới sinh ra, đều phải có nguyên nhân mới sinh khởi. Kinh Đại phương quảng Tổng trì dạy rằng: “Khởi tâm xấu ác lấy mắt nhìn người phát tâm Bồ-đề nên phải chịu quả báo đui mù. Dùng lời xấu ác hủy báng người phát tâm Bồ-đề nên phải chịu quả báo sinh ra không có lưỡi.” Lương hoàng sám nói rằng: “Sinh ra làm người câm ngọng, là do nhân đời trước hủy báng người khác. Sinh ra làm người thấp bé, là do nhân đời trước khinh miệt người khác. Sinh ra làm người xấu xí đen đủi, là do nhân đời trước ngăn che ánh sáng Phật pháp. Thân thể sinh ung nhọt đau đớn là do nhân đời trước đánh đập hành hạ các chúng sinh khác.” Kinh Pháp hoa dạy rằng: “Người mắc các bệnh phù nề, đau đầu, ghẻ lở, phong hủi... là do nhân đời trước hủy báng kinh này nên phải chịu quả báo như thế.” 
Theo đó thì có thể biết rằng, mỗi một chứng bệnh đều có nguyên do tạo nghiệp đời trước. Cấp phát thuốc thang chữa trị, ấy là cứu giúp người sau khi bệnh tật đã sinh khởi; khuyên người không tạo nghiệp ác, ấy là cứu giúp người từ khi bệnh tật còn chưa sinh ra. Nếu mượn lời dạy của Khổng tử để so sánh thì một đàng giống như “phân xử công minh việc tranh tụng của dân”, một đàng là “khuyên dạy để dân không còn tranh tụng”. Cả hai việc đều có thể cùng lúc thực hiện, không có gì trở ngại cho nhau.
Trưng dẫn sự tích
Nhiều đời không bệnh tật 
Vào thời đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời, tôn giả Bạc-câu-la là một người nghèo khổ. Tôn giả nhìn thấy một vị tỳ-kheo mắc chứng đau đầu, liền phát tâm chí thành dâng cúng một quả a-lê-lặc, vị tỳ-kheo nhờ đó được khỏi bệnh. 
Do nhân duyên ấy, từ đó về sau trong suốt 91 kiếp, Tôn giả dù sinh trong cõi trời hay cõi người cũng đều không mắc phải bệnh khổ
Lời bàn
Người thế tục, lúc tuổi già hay khi có bệnh đều được vợ con, người thân chăm sóc, nhưng các vị tăng ni khi mắc bệnh phải nằm liệt thì hoàn toàn không có ai chăm sóc, nhìn quanh chẳng có ai thân cận, hoàn cảnh thật hết sức thê thảm. Cho nên, trong Kinh điển khuyến khích mọi người nên cúng dường các vị tăng ni bị bệnh, sẽ được phước báo lớn lao nhất. 
Ung nhọt biết nói 
Vào đời Hán Cảnh đế, chư hầu bảy nước lộng quyền kiêu ngạo xem thường hoàng đế, Ngô vương Lưu Tỵ lại có ý mưu phản. Quan ngự sử đại phu là Triệu Thố lo lắng sự biến loạn, khuyên vua nên cắt bớt đất đai phong cho chư hầu để giảm thiểu quyền lực của họ. Bảy nước chư hầu nghe tin hoàng đế muốn cắt bớt đất đai được phong, liền đồng loạt nổi loạn. Hán Cảnh đế hết sức lo sợ, hội triều thần bàn cách đánh dẹp, nhưng Viên Áng vốn có tư thù với Triệu Thố nên thừa dịp khuyên hoàng đế nên giết Triệu Thố để yên lòng chư hầu. Hoàng đế nghe lời, bắt Triệu Thố mang chém ngang lưng tại chợ Đông. Về sau, quan Bộc xạ Đặng Công dâng thư kêu oan, hoàng đế hết sức hối hận nhưng sự đã rồi
Đến đời Đường Ý tông có quốc sư Ngộ Đạt. Khi còn là một vị tỳ-kheo chưa mấy người biết đến, ngài có tình cờ gặp gỡ một vị tăng ở kinh đô. Vị tăng này thân mang bệnh dữ, mọi người đều xa lánh, chỉ riêng ngài Ngộ Đạt hết lòng chăm sóc, không hề tỏ vẻ chê chán. Đến lúc chia tay nhau, vị tăng cảm thâm tình ấy nên dặn lại rằng: “Ông sau này sẽ gặp nạn, lúc đó có thể đến tìm ta ở núi Trà Lũng thuộc Bành Châu, Tây Thục. Trên núi ấy, cứ tìm đến nơi nào có hai cây tùng sẽ gặp nhau.” 
Về sau, ngài Ngộ ĐạtTrường An, đức hạnh ngày một vang xa, được hoàng đế Ý tông kính lễ tôn làm Quốc sư, ban tòa báu bằng gỗ trầm hương, đối đãi ngày càng cung kính, trọng hậu hơn. Khi ấy, bỗng nhiên nơi đầu gối của ngài phát sinh một cái nhọt độc hình dáng như mặt người, cũng đầy đủ mắt, mày, răng, miệng, lại cũng ăn uống được như người không khác. Nhọt độc ấy làm cho ngài Ngộ Đạt đau đớn cực kỳ, hết thảy lương y đều không ai biết được ấy là bệnh gì, vô phương cứu chữa.
Chợt nhớ lại lời dặn lúc chia tay của vị tăng ngày trước, ngài Ngộ Đạt liền tìm đến núi Trà Lũng. Lúc đến nơi trời đã xế chiều, bốn phía không một bóng người, cỏ cây um tùm mù mịt. Đang lúc còn băn khoăn chưa biết định liệu thế nào, chợt thấy xa xa trong làn khói mây mờ ảo có hai cây tùng ẩn hiện, vội theo hướng ấy tìm đến. Quả nhiên gặp được vị tăng ngày xưa tại đó. 
Ngài Ngộ Đạt liền đem hết những nỗi khổ sở bấy lâu nay của mình ra trình bày. Vị tăng nói: “Không có gì phải lo lắng cả, dưới chân núi này có một con suối. Đợi đến sáng mai, dùng nước suối ấy rửa qua một lần là khỏi bệnh thôi.” 
Sáng sớm hôm sau, có một đồng tử đưa ngài xuống núi, đến chỗ con suối. Vừa chụm hay tay vốc nước suối định rửa, bỗng nghe cái nhọt phát ra tiếng kêu lớn: “Chưa rửa được, chưa rửa được! Tôi còn có chuyện nhân duyên đời trước muốn nói. Thầy là người thông bác chuyện xưa nay, vậy đã từng đọc qua chuyện Viên Áng hại chết Triệu Thố trong sách Tây Hán thư hay chưa?”
Ngài Ngộ Đạt đáp: “Có đọc qua rồi.” Cái nhọt mặt người liền nói: “Thầy chính là Viên Áng ngày trước, còn tôi là Triệu Thố. Xưa tôi bị chém ngang hông ở chợ Đông, oan ức không thể nói hết! Tôi trải qua nhiều đời luôn muốn báo mối thù ấy, nhưng thầy trong mười đời qua đều làm cao tăng, giới luật tinh nghiêm, tôi muốn báo thù cũng không biết làm sao. Nay thầy nhận sự đãi ngộ của bậc nhân chủ, được nhiều ân huệ lớn, tâm danh lợi khởi sinh, đức độ có phần thương tổn, tôi nhân dịp ấy mới báo được thù xưa. Nay nhờ có Tôn giả Ca-nặc-ca dùng nước Tam-muội rửa sạch oán thù cho tôi, từ nay tôi với thầy không còn oan kết nữa.” 
Ngài Ngộ Đạt nghe xong câu chuyện rùng mình run sợ, liền vốc nước suối lên rửa. Khi cái nhọt vừa chạm vào nước, ngài đau thấu xương tủy, đến nỗi ngất đi một lúc lâu rồi mới tỉnh lại thì cái nhọt đã biến mất. 
Ngày nay vẫn còn lưu truyền bộ Thủy sám gồm 3 quyển, chính là do ngài Ngộ Đạt sau khi khỏi bệnh soạn ra để người đời sau dùng làm phương pháp sám hối
Lời bàn
Tôn giả Ca-nặc-ca là một vị A-la-hán, đệ tử của đức Thế Tôn. Quốc sư Ngộ Đạt lúc gặp ngài chỉ biết đó là một vị tăng bị bệnh, nào biết đó là một vị thánh tăng. Đến như thánh hiệu Ca-nặc-ca, cũng phải nhờ cái nhọt mặt người nói ra mới biết. Những nghiệp báo thuộc loại này, thuốc men của người thế gian làm sao có thể trị dứt được? 
Nay xin kính cẩn nương theo lời dạy của bậc Đại Y vương, vì lưu lại cho đời sau những món thuốc hay nên ghi chép ra sau đây những phương thuốc vô cùng thần hiệu. 
Phương thuốc thần hiệu trừ dứt các loại bệnh ung nhọt đau đớn 
- Khi làm quan không vô cớ hành hạ đánh đập người khác. 
- Không dùng đòn roi đánh đập người làm công, giúp việc.
- Không đánh đập, hành hạ các loài động vật
- Tay chưa rửa sạch không được cầm vào Kinh sách. 
- Giúp thuốc thang trị bệnh cho người khác.
- Không ghê tởm, nhờm gớm những người bị mụn nhọt, ghẻ lở. 
Phương thuốc thần hiệu trừ dứt các bệnh đui điếc câm ngọng
- Không khinh miệt những người bị đui điếc câm ngọng. 
- Nỗ lực lưu truyền những lời Phật dạy như Kinh điển, giáo pháp...
- Dâng cúng dầu, đèn, hương trầm...
- Không nhìn ngắm những chuyện dâm dục, giết hại... 
- Không dòm ngó, xoi mói những chuyện riêng tư, muốn che giấu của người khác
- Không khởi tâm xấu ác mà nhìn cha mẹ, các bậc sư trưởng, tăng ni với sự hằn học, hung ác.
- Người có mắt sáng không học phép bói toán, làm ngăn trở sinh kế của những kẻ không may đã bị mù lòa

- Không ngăn che, bịt mắt các loài cầm thú.
- Không nghe lời gièm pha, nói xấu của vợ mà đối xử nhạt nhẽo, thờ ơ với cha mẹ.
- Không nghe và tin theo các tà thuyết.
- Không lén nghe những việc riêng tư, bí mật mà người khác muốn che giấu.
- Không tin thuyết đoạn diệt, cho rằng sau khi chết là dứt hết, không có nhân quả báo ứng.
- Không hủy báng Tam bảo
- Không lén lút chê bai cha mẹ, thầy tổ, các bậc trưởng thượng.
- Không dùng khả năng biện thuyết khéo léo để làm đảo lộn lẽ trắng đen, phải trái.
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh suy nhược, nhút nhát
- Phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ không nề khó nhọc.
- Tinh cần lễ bái Tam bảo
- Cúng dường, chu cấp các vị tăng ni bị bệnh.
- Thay người bệnh làm những việc khó nhọc. 
- Không ép buộc những người giúp việc cho mình hoặc những người nghèo khó phải làm việc quá sức.
- Sử dụng sức trâu cày, ngựa kéo có mức độ vừa phải
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh chết yểu, chết bất đắc kỳ tử
- Hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, ông bà...
- Giữ giới không giết hại, thường làm việc phóng sinh, cứu sống vật mạng.
- Không vì lợi dưỡng cho mình mà nuôi các loài dê, lợn, gà, vịt... để giết thịt hoặc bán cho người giết thịt.
- Không làm ra những loại khí cụ, bẫy rập, chài lưới... để giết hại các loài sinh linh trên cạn, dưới nước
- Khuyên bảo, khuyến khích những người làm nghề giết mổ, chài cá, lưới chim... chuyển đổi sang các nghề nghiệp khác, tránh sự giết hại.
- Góp sức in ấn, phân phát lưu hành những sách khuyến thiện, khuyên người phóng sinh, bỏ việc giết hại, tin sâu nhân quả.
- Nếu học nghề thuốc chưa đến mức tinh tường, thông thạo thì quyết không nên hành nghề
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh gia đình ly tán
- Không phá tổ bắt các loài chim. 
- Không đào hang bắt các loài thú. 
- Không đuổi bắt các loài dế, côn trùng... 
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh giam cầm tù ngục
- Không dễ dãi khinh suất khởi sinh việc kiện tụng khi không thực sự cần thiết
- Không giam nhốt các loài chim, thú.
- Không nuôi nhốt các loài dế, côn trùng... để làm trò vui.
- Không làm ra những khí cụ để hành hình, tra tấn... 
- Không làm ra các loại lồng, chuồng để nhốt chim, thú, hoặc các loại phên, lưới để ngăn nhốt giam hãm các loài cá, côn trùng...
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh nghèo khốn khổ sở
- Phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, ông bà... không được so đo tính toán phí tổn.
- Thường thiết trai cúng dường chư tăng ni. 
- Giúp đỡ, chu cấp cho thân bằng quyến thuộc, cứu giúp người nghèo khó bần hàn không tính toán chuyện lợi hại
- Khi có cơ hội, không từ chối việc dùng tiền của, tài vật giúp đỡ người khác.
- Tài vật không phải của mình thì không tìm cách tranh đoạt, giữ lấy. 
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh hình dung xấu xí
- Chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, ông bà... điều quan trọng là phải giữ vẻ mặt vui vẻ kính thuận.
- Luôn giữ dáng vẻ cung kính nhu hòa khi phụng sự các bậc tôn trưởng, thầy tổ.
- Vẽ tranh, đắp tượng chư Phật, Bồ Tát...
- Tu sửa tranh, tượng chư Phật, Bồ Tát...
- Cúng dường các loại đèn, dầu, hương trầm...
- Khuyên người khác từ bỏ việc thưa kiện, tranh tụng...
- Đối xử với người luôn giữ lòng khiêm tốn, cung kính giữ lễ.
- Không khởi tâm sân hận nóng nảy, hung bạo xúc phạm người khác.
- Không khinh bỉ, chế nhạo những người khuyết tật, giác quan không trọn đủ (như người mù, điếc, câm... )
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh ngu si, tà kiến
- Tôn kính, hết lòng tin sâu Tam bảo.
- Tôn trọng, quý tiếc các loại giấy có chữ viết
- Tôn sùng, kính trọng thầy dạy.
- Thọ trì, tụng đọc Kinh điển Đại thừa.
- Thân cận, gần gũi các bậc cao tăng đức hạnh.
- Giảng giải, chứng minh, làm rõ với người khác về thuyết nhân quả ba đời, khiến cho tự mình cũng như mọi người đều tin sâu nhân quả.
- Loại trừ, thiêu hủy các loại sách hủy báng, bài xích Phật pháp.
- Dạy bảo, khuyên răn người khác phải có tâm nhẫn nại, không hề chán nản, mỏi mệt.
- Không khinh thường những người ít học, kém trí. 
Mỗi một phương thuốc vừa kể trên đây đều bao gồm đủ ba phần: (1) tự thân mình nỗ lực làm, (2) khuyên bảo, chỉ dạy, khuyến khích người khác làm, (3) khi thấy người khác làm được thì sinh tâm hoan hỷ vui mừng, ngợi khen, tán thán
Giúp nước uống giải cơn khát cho người 
Giảng rộng
Người người đều biết rằng đói ăn có thể phải chết, nhưng không biết rằng khát nước cũng có thể sinh bệnh. Với người tuổi trẻ cường tráng còn có thể chịu đựng, nhưng với người già yếu thật khó qua khỏi. Với người khỏe mạnh bình thường có thể chịu đựng, nhưng với người sẵn mang nhiều bệnh tật ắt rất khó chịu đựng. Với người qua lại gần gũi có thể chịu được, nhưng với người đi trên đường xa thật rất khó vượt qua cơn khát. Những khi thời tiết ôn hòa mát dịu còn có thể chịu được, nhưng gặp những lúc rét lạnh hoặc nóng bức thật không dễ chịu đựng. 
Người xưa dạy rằng: “Chớ nên chê việc thiện nhỏ mà không làm.” Giúp nước uống giải khát cho người cũng là một trong các việc thiện nhỏ nên làm.
Trưng dẫn sự tích
Phước báo của việc giúp nước uống cho người 
Vào thời đức Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ có một vị trưởng giả giàu có vô cùng. Vợ ông sinh được một người con trai hình dung tuấn tú xinh đẹp. Từ lúc sinh ra không hề bú sữa mẹ, từ trong kẽ răng tự nhiên tiết ra chất nước có đủ tám công đức, dùng nước ấy để tự nuôi dưỡng thân mình. 
Người con ấy tên là Da-xoa-mật-đa, về sau lớn lên theo Phật xuất gia, tu tập chứng quả A-la-hán. Có vị tỳ-kheo thưa hỏi Phật về nhân duyên đời trước của Da-xoa-mật-đa, đức Phật dạy rằng: “Vào thời đức Phật Ca-diếp trong quá khứ, có một ông trưởng giả già yếu rồi mới xuất gia làm tỳ-kheo, lại thêm thân mang bệnh nặng nên không thể tinh cần tu tập. Thầy thuốc khuyên ông dùng món sữa đặc pha với thuốc. Về đêm, chất thuốc ấy làm cho cả người ông nóng nảy, trong miệng khô khốc, khát nước vô cùng. Ông thức dậy tìm nước uống nhưng tìm khắp nơi đều không có nước. Cuối cùng ông chạy ra bờ sông để tìm nước uống, nào ngờ thấy sông cũng đã cạn khô. Ông không còn biết làm sao, đành phải chịu đựng cơn khát vô cùng khổ sở.
“Hôm sau ông đem chuyện không tìm được nước uống kể lại với thầy. Thầy ông dạy rằng: ‘Nỗi khổ mà ông kể lại đó rất giống với nỗi khổ trong cảnh giới ngạ quỷ. Nay ông hãy lấy nước trong bình của ta mà dùng thử xem.’ Vị tỳ-kheo nghe lời thầy, đến lấy nước trong bình. Khi vừa đến nơi, xem lại đã thấy nước trong bình tự nhiên cạn khô. Vị tỳ-kheo ấy trong lòng hết sức lo lắng kinh sợ, tự biết mình sau khi chết nhất định sẽ phải đọa vào cảnh giới ngạ quỷ. Ông liền tìm đến kính lễ trước đức Phật Ca-diếp, chí thành sám hối tất cả những tội chướng trước đây của mình. Đức Phật Ca-diếp dạy rằng: ‘Từ nay ông nên phát tâm lo việc cung cấp nước sạch cho chư tăng dùng, như vậy có thể thoát được ác nghiệp sinh vào cảnh giới ngạ quỷ.’
“Vị tỳ-kheo ấy nghe lời Phật dạy hết sức vui mừng, từ đó phát tâm thường lo việc cung cấp nước sạch cho chư tăng dùng, mãi cho đến khi tuổi thọ đủ 20.000 năm mới thôi. 
“Do nhân duyên ấy, từ đó về sau vị tỳ-kheo này dù sinh ra ở bất cứ nơi nào, nơi kẽ răng cũng thường tiết ra chất nước có đủ tám công đức. Cho đến ngày nay được gặp Phật, xuất gia tu hành chứng đắc đạo quả.”
Lời bàn
Chúng sinh trong cảnh giới ngạ quỷ, trải qua nhiều kiếp cho đến tên gọi của nước cũng không được nghe, nào chỉ là không có nước uống. Những chúng sinh ngạ quỷ, ví như sinh ra bên cạnh bờ sông, cũng vẫn không được nghe đến tên gọi của nước. Tỳ-kheo Da-xoa-mật-đa nếu trước đây không được gặp đức Như Lai Ca-diếp, làm sao có thể chuyển họa thành phúc được như vậy?
Dùng nước để bán kiếp nghèo 
Ở nước A-bàn-đề một có ông trưởng giả hết sức giàu có, của cải nhiều không kể xiết, nhưng hết sức keo kiệt, để cho người nữ tỳ trong nhà phải sống hết sức nghèo hèn, áo mặc không đủ che thân, cơm ăn không đủ no bụng, lại thường bị đánh đập hành hạ, dù đã già yếu. Người ấy muốn chết đi cho thoát khổ mà không chết được. 
Một hôm nọ, người nữ tỳ già nua ấy mang bình ra bờ sông lấy nước, tủi thân khóc lóc thảm thiết. Một vị đệ tử Phật là ngài Ca-chiên-diên thấy vậy thương xót liền hỏi: “Nếu như bà chán ghét kiếp nghèo khổ, sao không mang bán nó đi?” 
Lão nô tỳ thưa: “Có ai lại chịu mua cái nghèo?” 
Ngài Ca-chiên-diên nói: “Được, cái nghèo khổ của bà đó quả thật có thể bán đi được.” 
Lão nô tỳ liền hỏi: “Làm cách nào để bán được?” 
Ngài Ca-chiên-diên dạy: “Nếu lão bà quả thật muốn bán cái nghèo đi, thì phải hết lòng tin theo lời ta. Trước hết hãy súc rửa bình này cho thật sạch, sau đó lấy nước sạch vào bình mang đến cúng dường chư tăng.”
Lão nô tỳ hỏi: “Bình này là tài sản của chủ nhân, chẳng phải của tôi, làm sao có thể mang cúng dường?”
Ngài Ca-chiên-diên đáp: “Cái bình tuy không phải của bà, nhưng nước trong bình chẳng lẽ bà không có quyền sử dụng hay sao?” 
Lão bà hiểu ra, liền mang bình lấy nước cúng dường. Ngài Ca-chiên-diên đích thân thọ nhận sự cúng dường đó, rồi lại truyền dạy Tam quy, Ngũ giới cho bà, sau đó lại dạy bà niệm Phật
Đêm hôm ấy, lão bà mạng chung trong nhà chủ nhân. Sáng ra, người chủ thấy vậy nổi giận, mang xác vất vào trong rừng Lạnh. Thần thức lão bà khi ấy đã sinh lên cung trời Đao-lợi, làm vị thiên nhân nơi đó, từ xa nhìn thấy thân xác cũ liền cùng với chư thiên quyến thuộc hiện đến rải hoa trời lên thi thể ấy.
Lời bàn
Nếu biết thực hành bố thí cúng dường có thể “bán đi sự nghèo khổ”, tất nhiên sẽ biết rằng việc kính lễ chư Phật có thể “bán đi sự hèn kém”, thực hành phóng sinh có thể “bán đi sự chết yểu”, siêng năng học hỏi có thể “bán đi sự ngu si”. Người có trí tuệ, chỉ nghe qua một điều có thể hiểu thấu ra trăm ngàn lẽ. Đối với hết thảy những nghịch cảnh bất như ý trong chốn thế gian này, há có điều gì lại không thể “bán đi” như thế?
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/07/2011(Xem: 109891)
10/10/2010(Xem: 106077)
10/10/2010(Xem: 108484)
10/08/2010(Xem: 111393)
08/08/2010(Xem: 116975)
21/03/2015(Xem: 21760)
27/10/2012(Xem: 64995)
09/09/2017(Xem: 10789)
02/09/2019(Xem: 7673)
09/04/2016(Xem: 13749)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.