QUANG MINH TẠNG
Nguyễn Thế Đăng
- 1. Quang minh tạng
Khởi đầu của chương thứ nhất kinh Hoa Nghiêm, danh từ quang minh tạng được nói đến rất nhiều: “quang minh của chư Phật”, “tất cả thần biến của chư Phật ba đời đều thấy trong quang minh”, “các Bồ-tát ấy đã vào tạng pháp giới trí vô phân biệt, đã bước trên đất Phổ Quang Minh của Như Lai”, “lưới quang minh”…
Quang minh tạng được nói nhiều trong những chương đầu. Chẳng hạn bài kệ của Bồ-tát Phổ Hiền:
Các cõi vững chắc diệu trang nghiêm
Rộng lớn thanh tịnh quang minh tạng
(Phẩm Hoa tạng thế giới, thứ 5).
Lại có an trụ tạng quang minh
(Phẩm Thế giới thành tựu, thứ 4).
Tạng quang minh ấy là Pháp thân, kinh Viên Giác gọi là “Đại Quang minh tạng, chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như Lai, cũng là giác địa thanh tịnh của chúng sanh”.
Pháp thân quang minh soi mọi sự
Pháp tánh vô tướng không gì sánh
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Quang minh rộng lớn Phật pháp thân
Chân Như bình đẳng thân vô tướng
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Pháp giới nằm trong tạng quang minh:
Mười phương vi trần cõi
Lưới sáng trùm khắp nơi
Quang minh đều có Phật
Khắp hóa độ quần sanh
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).
Tạng quang minh ấy là Phật, là Pháp thân Phật:
Phật là tạng quang minh vô biên
(Phẩm Thăng Đâu-suất thiên cung, thứ 23).
Phật là biển trí của thế gian
Phóng tịnh quang minh đều cùng khắp
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Thế Tôn quang minh vô cùng tận
Chiếu khắp pháp giới chẳng nghĩ bàn
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Tạng quang minh là pháp thân, “là thật tướng của tất cả các pháp” (Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1), là Như Lai tạng, là Phật tánh.
Tạng quang minh ấy là ánh sáng nền tảng, từ đó mọi cái chúng ta cảm nhận, mọi đối tượng của mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là những “ảnh hiện”: “Tất cả chúng sanh, nhà cửa, nơi chốn của họ đều hiện bóng trong đó” (Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1), “Tất cả cảnh vật trong đại thiên thế giới đều hiển hiện trong quang minh Phật” (Phẩm Quang minh giác, thứ 9). Tóm lại, tất cả chúng sanh, thế giới đều là ảnh hiện từ, và trong, quang minh tạng:
Tất cả ảnh tượng đều hiện trong
Các thứ trang nghiêm đều ảnh hiện
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Quang minh ảnh hiện thành đài tòa
Quang minh thanh tịnh đấng Biến tri
Trong vật trang nghiêm đều hiện bóng.
(Phẩm Hoa Tạng thế giới, thứ 5)
Sự ứng hiện, xuất hiện, khắp hiện, biểu lộ này là khắp pháp giới:
Tất cả sắc hình đều hóa hiện
Mười phương pháp giới đều đầy khắp
Phật thân sắc tướng đồng chúng sanh
(Phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm, thứ 1).
Bởi vì mọi sự đều là ảnh hiện từ, và của, quang minh tạng, nên mọi sự đều là quang minh, là ánh sáng căn bản:
Bất khả thuyết cõi nước
Trang nghiêm nơi một cõi
Mỗi vật phóng quang minh
(Phẩm Hoa Tạng thế giới, thứ 5).
Trong mỗi mỗi vi trần
Quang minh đều đầy đủ.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).
Thế nên, tất cả các pháp là Phật pháp: “Nơi tất cả pháp nghĩ tưởng là Phật pháp” (Phẩm Ly thế gian, thứ 38).
Nền tảng quang minh này xuất sanh tất cả các pháp nên cũng chính nhờ nền tảng quang minh này mà giác ngộ (Phẩm Quang minh giác, thứ 9).
Sự biểu lộ thành muôn vàn sắc tướng của pháp giới là biểu lộ của pháp tánh như hư không. Hiện mà không hiện, vẫn không chỗ trụ, vô sanh, cho nên những ứng hiện, biểu lộ ấy là tự giải thoát, như huyễn, “chỗ hiện đều như bóng”:
Thân Phật vốn vô sanh
Mà thị hiện xuất sanh
Pháp tánh như hư không
Chư Phật trụ trong đó.
Không trụ cũng không đi
Mọi nơi đều thấy Phật
Quang minh chiếu cùng khắp
Danh tiếng khắp các cõi.
Vô thể, vô sở trụ
Cũng không có chỗ sanh
Không tướng cũng không hình
Chỗ hiện đều như bóng.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).
Tất cả các pháp là ảnh hiện của tạng quang minh, nên tất cả các pháp là như huyễn:
Phật rõ pháp như huyễn
Thông đạt không chướng ngại
(Phẩm Quang minh giác, thứ 9).
Cái thấy tất cả các pháp đều là quang minh, ánh sáng căn bản, đều là sự thị hiện, sự biểu lộ của Pháp thân quang minh tạng, và do đó, như huyễn, đó là cái thấy của kinh Hoa Nghiêm.
- 2. Thực hành cái thấy trong đời sống hàng ngày
- Kinh nghiệm sự vật:
Nền tảng của mọi sự xuất hiện, con người, sự vật, thế giới… là Quang minh tạng. Bất cứ hiện hữu nào cũng từ quang minh tạng, hiện hữu trong quang minh tạng và tiêu tan trong quang minh tạng.
Khi tin được, thoáng thấy được thực tại Quang minh tạng bao trùm khắp và mọi hiện hữu đều xuất hiện từ nó, sự thực hành là thấy vật gì đều biết nó là ảnh hiện của Quang minh tạng. Tiếp xúc với một sự vật tức là tiếp xúc với quang minh tạng, do đó chúng ta có thể tiếp xúc với Pháp thân quang minh tạng ở khắp mọi không gian và thời gian.
Thiền định là đi sâu vào cái thấy Quang minh tạng bằng cách thấy sắc tướng ở đâu thì ở đó là Quang minh tạng. Kinh thường nói về tấm gương, viên ngọc như ý, mặt trăng trong nước, lưới trời Đế-thích… để chỉ rằng hiện tướng hay ảnh hiện ở đâu thì ở đó là mặt gương sáng, là Quang minh tạng.
Mặt trời không mây mờ
Chiếu sáng khắp mười phương
Quang minh không sai khác
Pháp chư Phật như vậy.
(Phẩm Bồ-tát vấn minh, thứ 10).
Như mặt gương sáng sạch
Theo hình mà hiện bóng
Phật phước điền cũng vậy
Tùy tâm được báo khác.
(Phẩm Bồ-tát vấn minh, thứ 10).
Ánh sáng mặt trời ở khắp nơi, cho nên thấy vật gì thì ở đó có ánh sáng bình đẳng không sai khác của mặt trời. Bóng hiện ở đâu thì tấm gương sáng sạch có ở đó. Ngoài tấm gương sáng không có bóng. Cho nên ngay nơi bóng chính là tấm gương, ngay nơi ảnh hiện chính là quang minh tạng.
Cũng như trong kinh Đại Bát-nhã, sắc tướng không khác tánh Không, sắc tướng chính là tánh Không. Bóng không khác gương, bóng chính là gương. “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc”.
Mặt khác, khi nhận biết các sự vật là ảnh hiện, là sự biến hiện của gương quang minh tạng, người ta thấy những sự vật là như huyễn, vì “vốn vô sanh mà thị hiện xuất sanh, không đến cũng không đi”. Khi thấy các sắc tướng là như huyễn, chúng bèn tự động tan vào nền tảng của chúng là quang minh tạng. Do đó chính nơi sự vật như huyễn ấy, người ta giải thoát. Như khi nhìn thấy bóng ở trong gương, nhưng bóng ấy chẳng phải là gương, bóng chỉ là sự ứng hiện theo duyên của gương, bóng là như huyễn như mộng, người ta giải thoát khỏi tất cả các bóng.
Với thiền định và thiền quán sắc thanh hương vị xúc pháp là quang minh tạng, người ta làm quen với quang minh tạng Pháp thân, dần dần mở rộng trường kinh nghiệm về quang minh tạng. Thấy bóng ở đâu thì quang minh tạng ở đó, càng thấy nhiều bóng là mặt gương chừng nào thì kinh nghiệm về mặt gương càng rộng lớn chừng đó. Thấy bóng là như huyễn và nhiều bóng như huyễn càng tiêu tan vào mặt gương sáng quang minh tạng chừng nào thì kinh nghiệm về mặt gương sáng quang minh tạng càng lớn rộng chừng đó.
Thấy biết, kinh nghiệm sự biểu lộ của quang minh tạng càng ngày càng sâu rộng, tức là sự chứng ngộ quang minh tạng Pháp thân càng ngày càng sâu rộng.
- Kinh nghiệm ý tưởng
Bởi vì “Tâm, Phật, và chúng sanh. Cả ba không sai khác” (Phẩm Dạ-ma cung kệ tán, thứ 20), cho nên khi Phật là quang minh tạng thì tâm chúng sanh chúng ta cũng là quang minh tạng.
Nền tảng hay bản tánh của tâm là quang minh tạng, thế nên bất cứ ý tưởng nào sanh khởi đều xuất sanh từ quang minh tạng, hiện hữu trong quang minh tạng và tan chìm trong quang minh tạng. Bằng một cái nhìn thấu suốt, một quán chiếu sâu sắc (insight), người ta thấy ý tưởng chính là ảnh hiện, biểu hiện của quang minh tạng. Như khi thấy sóng khởi lên, người ta biết đó là sự xuất hiện, sự biểu lộ của đại dương.
Càng kinh nghiệm sâu rộng về các ý tưởng khởi và diệt là quang minh tạng, người ta càng kinh nghiệm sự bao la và sâu thẳm của thực tại nền tảng là Pháp thân quang minh tạng. Mỗi ý tưởng khởi lên, mỗi một niệm khởi, là cơ hội để cho chúng ta nhìn ra thực tại nền tảng quang minh tạng. Sự thấy biết nền tảng quang minh tạng của những ý tưởng càng rộng lớn thì kinh nghiệm về Pháp thân quang minh tạng càng rộng lớn.
Mặt khác, vì các ý tưởng khởi từ quang minh tạng tức tánh Không, nên những ý tưởng là rỗng không, như huyễn, không có tự tánh. Chúng là sự biến hiện rỗng không, như huyễn của quang minh tạng tánh Không. Thấy biết các ý tưởng là như huyễn thì các ý tưởng tự động tan vào nền tảng của chúng là quang minh tạng. Các ý tưởng như huyễn tự giải thoát trong quang minh tạng. Như thế, người ta giải thoát chính vào lúc ý tưởng sanh khởi. Như các sóng là sự biến hiện của đại dương, nói chúng là đại dương thì không phải, nói chúng là khác với đại dương cũng không phải, do đó, chúng có mà không có, chúng sanh mà không sanh, chúng là như huyễn.
Những sắc tướng và những ý tưởng là những cơ hội luôn luôn có mặt để chúng ta nhìn thấy bản tánh của tất cả kinh nghiệm thân tâm là quang minh tạng tánh Không. Nếu không biết, sắc thanh hương vị xúc pháp là những cái đưa chúng ta vào mê lầm tạo ra sanh tử khổ đau. Nếu thấy biết bản tánh của chúng là quang minh tạng thì chúng là những cơ hội luôn luôn sẵn có để chúng ta giải thoát và giác ngộ.
Với sự thực hành trên sự nhận biết những xuất hiện của tướng và tưởng là những ảnh hiện như huyễn của quang minh tạng tánh Không, trong đời sống hàng ngày người ta càng lúc càng làm cho kinh nghiệm về quang minh tạng tánh Không thêm rộng lớn, sự thấy biết thực tại ấy càng rõ ràng, càng hiện tiền. Như vậy, người ta sống bằng một tâm quang minh tạng ngay tại thế gian như huyễn này. Đó là con đường Bồ-tát.
Như Thiền sư Thường Chiếu (tịch năm 1203) nói trong một bài kệ:
Ở đời làm thân người
Tâm là Như Lai tạng
Chiếu sáng khắp mười phương
Tìm nó càng trống rỗng.
Văn hóa Phật Giáo số 224