ĐỊNH KIẾN TRONG THÁI ĐỘ HỌC PHẬT
Thiên Hạnh
Sâu trong tiềm thức, mỗi con người đều có những quy chuẩn với cơ chế tự ổn định và tự trì chấp. Thành kiến_và cao sâu hơn_định kiến là một dạng xu thế tâm lý đối với các đối tượng là cá nhân, một cộng đồng, một lĩnh vực xã hội,…nó quy định cách nhìn cách đánh giá về các đối tượng và hệ quả là chủ thể sẽ có những hành xử quy thuộc, khó ra ngoài sự điều chỉnh của định kiến. Định kiến vì thế có vai trò kìm tỏa, chi phối con người, lệ thuộc hóa họ, khiến họ bị tước mất sự tự tại trong ý nghĩ và hành vi_một sự nô lệ tâm thức bền bỉ mà người trong cuộc khó có thể nhận ra để tự giải phóng mình.
Chuyện kể rằng một nhà thơ Đức nổi tiếng vốn là cây bút chủ lực của một tạp chí nọ một hôm vì sự hối thúc của tòa soạn buộc phải nộp gấp bản thảo cho kịp ra số báo mới nhất, ông vội vàng chộp lấy bản thảo để sẵn trên bàn và ra bưu điện, hấp tấp thế nào lại bốc nhầm mảnh giấy ghi nhớ của vợ chuẩn bị ra chợ sắm sửa thức ăn trong ngày. Ông ta cứ thế gởi về tòa soạn, nội dung mảnh giấy thế này:
Sáng nay ra chợ x.
Ưu tiên hàng rau củ
Nửa ký hành tây
Một cân cà rốt
Dăm trái cà chua
Bò ghi lê đủ ký
Cà ri một bịch
Táo đỏ cam vàng,….
…..
Nhận được bản thảo, ban đầu ban biên tập cũng ngỡ ngàng, nhưng vì tên tuổi nhà thơ quá nổi tiếng, biết đâu là một cách diễn đạt thi ca mới lạ chăng(!), thế là sau một hồi họp bàn họ quyết định cho “bài thơ” lên khuôn để kịp ra báo. Thật không ngờ ngày hôm đó tòa soạn thắng lớn, số lượng in gấp đôi mà vẫn không đủ bán. Cùng chung tâm trạng với tòa soạn, độc giả ban đầu cũng bị sốc khi đọc nội dung “bài thơ” nhưng vì uy tín tòa soạn và đặc biệt là sự lừng danh xưa nay của nhà thơ, dù khó hiểu nhưng họ vẫn tỏ ra am hiểu và cứ theo nhau tán thưởng sự uyên áo, độc và lạ của “bài thơ”. Nhà thơ nọ được một vụ bội thu ngoài dự tưởng! Vậy mới hay hiện tượng thần tượng hóa một ai để rồi đánh đồng tất cả những gì thuộc về họ đều là toàn bích, là một sự thật phổ biến xưa nay.
Một tác giả lớn xuất hiện trong một trang web chuyên về nghệ thuật dưới một nickname lạ lẫm, bài viết bị độc giả thờ ơ thậm chí còn phải nhận lấy những comment không mấy hay ho. Thời gian sau khi biết nick đó là của một nhà nghiên cứu tầm cỡ thì mọi thái độ đều thay đổi hẳn, người ta đua nhau đọc và không ngớt tán dương. Sự khách quan và trong sáng lắm khi bị đánh bại bởi thành kiến và định kiến!
Điều đáng nói ở đây là những hệ quả khó lường nghiêng về tiêu cực do thành kiến và định kiến thì vô vàn dạng thức, ảnh hưởng trong vô số lĩnh vực. Người ta vẫn thường nhắc đến từ tiên niệm( preconception) như một sự định hướng cố hữu của tư duy. Người học và tu Phật cố nhiên phải bằng vũ khí của chánh kiến để suy nghiệm thay vì dùng thành kiến và định kiến để suy xét mọi đối tượng. Bởi vì xu hướng hành vi( chánh nghiệp, chánh mạng hoặc tà nghiệp, tà mạng) được định hướng bởi nhận thức của chủ thể( chánh kiến, chánh tư duy hoặc tà kiến, tà tư duy).
Những gì thuộc về tín lý, tín điều hay tín ngưỡng gần mức cực đoan đều là sự sa đọa của tâm linh. Minh chứng rõ nhất là những tôn giáo thần quyền thường có điểm chung là mặc định niềm tin không cần kiểm chứng, duy chỉ có Đức Phật muốn mọi người đều cần phải trắc nghiệm tất cả những thông tin tiếp cận, đó chính là biệt tính của Đạo Phật về sự đề cao sự tự do trong lộ trình tư duy mỗi cá nhân nhằm phóng hoạt những tinh ba tồn hữu trong nội giới tâm thức của chính họ ngõ hầu tránh những vết xe của sự nô lệ thâm căn cố đế dưới bóng đen của các chủ thuyết hư ngụy. Trong Kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ III, Đức Phật đã cảnh tỉnh rằng hãy đừng vội đặt niềm tin vào bất cứ điều gì (kể cả những lời dạy của Ngài) khi chưa có sự kiểm chứng thông qua sự thực hành:
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó là truyền thuyết_ Ngài muốn chúng ta thoát khỏi những nguồn thông tin, kết quả của sự hỗn dung giữa lịch sử và hư cấu.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó là truyền thống_ Ngài dạy chúng ta không dùng tiêu chuẩn “xưa bày nay làm” coi đó là thước đo chân lý.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được số đông nhắc đến hay truyền đạt_ Ngài muốn chúng ta hiểu rằng: sự chênh lệch tỷ lệ trong mọi cách nhận định không có nghĩa chân lý thuộc số đông, hiệu ứng số đông hay tâm lý bầy đàn là điều nên tránh.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong Kinh điển sách vở_ Ngài cảnh tỉnh chúng ta: phương tiện thể hiện những chuẩn mực đạo đức là ngôn ngữ( văn bản), ngôn ngữ không phải chân lý vì sự hạn chế nhất định của nó trong biểu đạt chân lý.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình_ Ngài chỉ ra rằng: tin vào những gì được xác lập vô căn cứ là càng xa chân lý.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó hợp với lập trường bản thân_ Ngài dạy: lấy sự chấp ngã, ngã sở làm thước đo sự thật là sai lầm.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt _ Ngài dạy: sự mơ hồ thiếu xác đáng không phải là nơi chọn mặt gởi vàng.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó hợp với định kiến của mình_ Ngài khuyến cáo định kiến bản chất là sai lạc nếu tin theo sẽ đánh mất cơ hội tiếp cận sự thật.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được sức mạnh và uy quyền bảo trợ_ Ngài nhắc nhở : chân lý là chân lý, vượt ngoài cái gọi là lý của kẻ mạnh.
Chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nhà truyền giáo hay Đạo sư mình tuyên thuyết_ Ngài chỉ ra: Gíao Pháp luôn là bậc thầy đúng nghĩa, nương Pháp cũng là nương thầy, nương Phật, sự cố chấp cứng nhắc vào người thuyết Pháp dễ bỏ quên Giáo Pháp Pháp thân.
Sống giữa những sự va đập trùng trùng của muôn vạn đối thể, với đặc tính bất toàn cố hữu, con người sẽ dao động quay cuồng trong những đường cong hấp lực của định kiến. Mâu thuẫn và sự đấu tranh, sự lầm lạc và cuối cùng là sự trả giá nghiệt ngã là điều tất yếu. Bởi thế, Đức Phật đã chỉ rõ:
“ …Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào sau khi kiểm nghiệm các vị thực sự nhận thấy: “ Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán. Nếu sống và thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu về dài thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.”
( Kinh Kalama_ Tăng Chi Bộ III).
Sẽ có những cánh cửa mở ra để mỗi người còn những cơ hội thể nhập Thật nghĩa. Nhưng những quyền lực mền luôn rình rập quanh ta, đó chính là những thông tin hay hệ thống những thông tin với nguồn năng lượng xám, ẩn hiện như những bàn tay sát thủ bọc nhung tiềm nhập vào tâm thức, khuynh loát và đưa tâm trí con người vào vòng lệ thuộc êm ái, mở lối cho vòng bế tắc và băng hoại khởi hoạt.
Nhưng Thế Tôn đã khai thị, ánh sáng đã và đang hứa hẹn những khung trời thoáng đạt của nhân tâm.