Nhàn đàm cái giận chốn thiền lâm

06/06/20189:23 SA(Xem: 13058)
Nhàn đàm cái giận chốn thiền lâm

NHÀN ĐÀM CÁI GIẬN CHỐN THIỀN LÂM

Huỳnh Ngọc Chiến

Trong tam độc “tham - sân - si” thì nóng giận là một cảm xúc dễ bộc phát nhất, và bởi thế, khó kiềm chế nhất. Khi giận, khó ai mà có thể kiềm chế được bản thân. No mất ngon, giận mất khôn. Nhan Hồi – một cao đệ yểu mệnh của đức Khổng Tử – được hậu nho ca ngợi, tôn xưng là á thánh cũng nhờ vào ba chữ “bất thiên nộ”, có nghĩa là “không giận lây” theo kiểu “giận cá chém thớt”. Giận mà biết kiềm chế thì phải có công phu hàm dưỡng. Phật giáo dùng nhẫn nhục như là pháp môn để đối trị sân, nhưng ngay cả đối với những bậc thượng trí hoặc những người nghĩ rằng mình đã “ngộ” thì cái sân đôi khi vẫn thường sinh khởi ở chỗ rất đỗi tế vi.

Thiền tông Nhật Bản còn lưu truyền một câu chuyện rất thú vị. Yamaoka Tesshu (Sơn Cương Thiết Chu 1836 - 1888) là một kiếm sĩ lỗi lạc của Nhật Bản. Khi còn trẻ, ông đi tham bái hết vị thầy nầy đến thầy khác để học thiền. Và ông ta nghĩ rằng mìng đã nắm được giáo nghĩa tinh yếu cả Phật pháp. Nên một ngày kia, ông đến tham bái Dokuon (Địch Dã Độc Viên 1819–1895), một thiền sư thuộc dòng Lâm Tế, ở Shokoku. Muốn trình bày sở đắc của mình, Yamaoka nói : - Tâm, Phật, cùng các loài hữu tình rốt ráo đều không hiện hữu. Chân tánh của mọi hiện tượng đều là Không. Không ngộ, không mê, không thánh, không phàm. Tam luân không tịch, không có người cho, không có người nhận, cũng chẳng có vật được cho.

Dokuon ngồi lặng lẽ hút thuốc, không nói gì. Thình lình, vị thiền sư cầm ống điếu tre quất Yamaoka một phát, khiến anh chàng nổi xung lên. Dokuon liền hỏi : - Nếu tất cả đều không hiện hữu, vậy cơn giận của anh từ đâu đến? (theo http://www.101zenstories.org/tag/tesshu/)

Giữa một tràng ba hoa thuyết thoại “nhất thiết giai không”, chỉ một cú quất của cái điếu tre cũng đủ để biến không thành hữu! Đó là một lối cảnh tỉnh kiểu Đức Sơn hay Lâm Tế, mà ta thường thấy chốn thiền đường. Nếu sau câu nói đó mà cái sân kia vẫn là sân thì Yamaoka đáng ăn thêm ba mươi gậy của Đức Sơn hay vài trăm hèo của Lâm Tế, để những kẻ đọc kinh sách theo kiểu trích cú tầm chương trong thiên hạ hết đường thuyết thoại. Nhưng nếu câu nói đó khiến Yamaoka hoát nhiên đại ngộ thì cái sân kia sẽ chuyển thành cái hỷ.

To-Dong-PhaNhưng giai thoại trên vẫn chưa lý thú bằng giai thoại về Tô Đông Pha, cũng lưu truyền trong thiền lâm Trung Quốc. Giai thoại này đã quá quen thuộc, nhưng tôi cũng xin ghi lại đây. Chuyện kể rằng, có một lần, Tô Đông Pha sáng tác được một bài thơ xưng tán cảnh giới giải thoát của đức Phật. Ông thấy rất hài lòng, nên sai thư đồng đem qua bên kia sông để tặng thiền sư Phật Ấn, lúc bấy giờ đang ở chùa Kim Sơn. Bài thơ như vầy:

Khể thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong xuy bất động

Đoan tọa tử kim liên.

(Cúi đầu đảnh lễ Pháp Vương, Mười phương tỏa sáng hào quang. Tám gió thổi, tâm không động, Ngồi nghiêm trên đóa sen vàng).

“Thiên trung thiên” (trời trong trời) dùng để chỉ Đức Phật. Trong kinh điển, thế gian có tám thứ khiến tâm con người phải điên đảo, không an. Đó là bốn cặp đối lập nhau : thịnh và suy, hủy và dự, xưng và cơ, khổ và lạc. Hưng thịnh và suy vi; hủy báng và danh dự; xưng tụng và chê bai; khổ đau và lạc phúc. Tám thứ này giống như tám ngọn gió thổi làm con người nghiêng ngã, nên được gọi là “bát phong”. Chỉ những người có định lựcđạo hạnh cao mới có thể giữ tâm bất động trước bát phong để có thể “Khen, chê phơi phới ngọn đông phong” như cụ Nguyễn Công Trứ. Ý định của Đông Pha là muốn Phật Ấn xem bài thơ để ấn chứng công phu thiền định của nhà thơ thâm viễn đến đâu. Nào ngờ, Phật Ấn xem qua liền phê vào hai chữ “phóng thí” (đánh rắm) bên cạnh bài thơ, rồi bảo thư đồng đem về trình lại cho Đông Pha. Đông Pha xem xong, đùng đùng nổi giận, lập tức qua sông, đến chùa Kim Sơn để gặp Phật Ấn hỏi cho ra lẽ. Đến nơi, thấy cửa phòng Phật Ấn khép kín, bên ngoài có dán hai câu thơ :

Bát phong xuy bất động,

Nhất thí đả quá giang.

Tám gió ào ào, tâm chẳng động, Một hơi đánh rắm đẩy qua sông.

Đông Pha giật mình, chợt hiểu công phu hàm dưỡng của mình vẫn còn nông lắm. Cứ nghĩ mình tâm đã tịch nhiên bất động, tám ngọn gió kia có ào ào thổi thì tâm vẫn vững như bàn thạch, nhưng đâu ngờ chỉ một hơi đánh rắm cũng đủ sức đẩy mình, cả thân lẫn tâm, văng tuốt qua bên kia sông, khi hăm hở muốn mở một trận chất vấn! Hai câu thơ của Phật Ấn giống như câu kệ khai ngộ cho Tô Đông Pha. Câu chuyện trên hiển nhiên chỉ là giai thoại. Tôi tin rằng không thể có chuyện một thi tài quán tuyệt như Tô Đông Pha lại làm một bài thơ xoàng xĩnh như một người mới tập làm thơ để xưng tán cảnh giới giải thoát của Đức Phật, rồi lại đem bài thơ xoàng xĩnh đó trình cho Phật Ấn - vốn cũng là một “tay tổ trong làng bút mực”? Cả hai giai thoại lý thú trên cho thấy nóng giận là cảm xúc rất khó kiềm chế. Đã là người dĩ nhiên không thể không có lúc nổi giận, nhưng để giữ cho cơn giận không vượt qua chữ lý thì đó phải là người có công phu hàm dưỡng lâu dài.

Tôi có lần làm bài thơ Tứ Đại để bỡn người quen là một bác sĩ tính tình rất nghiêm túc, thường hay viết sách về thiền.

Tưởng đã ưng vô sở trụ,

Rong chơi tâm ý siêu nhiên.

Em phô xác thân tứ đại,

Hoang mang rơi cả gậy thiền.

Hiểu rành “Tứ đại giai không” là thế, nhưng nhìn xác thân tứ đại tuyệt diễm phô ra kia, chắc gì tâm đã “tịch nhiên bất động” mà không “Hoang mang rơi cả gậy thiền.”? Xác thân tứ đại kia tác động hiển nhiên phải mạnh cái điếu tre của Dokuon hay cái “đánh rắm” của Phật Ấn. Anh đọc xong, không giận, mà gởi lại hai câu thơ, nói tôi ba lơn!

Phật giáo dạy dùng nhẫn nhục để đối trị sân, nhưng trong giới thiền lâm vẫn có thiền sư lấy sân làm công phu đạo hạnh. Sư Khế Tung (1007-1072) là một cao tăng uyên bác đời Tống, văn tàiđạo hạnh nổi bật đương thời. Vẻ mặt ông thường lộ vẻ cau có, người ta chưa từng thấy ông cười. Ta thử nghe Tô Đông Pha viết về ông: Thiền sư Khế Tung thường sân; người ta chưa từng thấy sư cười. Sư Hải Nguyệt Tuệ Biện thường vui, người ta chưa từng thấy sư giận. Tôi ở Tiền Đường, tận mắt thấy hai vị đó đều ngồi kiết già mà hóa. Khế Tung khi đã trà tỳ, lửa không hủy hoại nỗi, thêm củi cho lửa mạnh, nhưng có năm món rốt cuộc vẫn không bị hư hoại. Hải Nguyệt đến khi táng mà diện mạo vẫn như lúc còn sống, lại còn cười mĩm. Thế mới biết, hai vị đó lấy cái sân và cái hỷ mà làm Phật sự vậy”.

Tôi cho rằng đạo hạnh chân thực của một thiền sư không phải được thể hiện qua tên tuổi lúc sinh tiền, cũng không phải qua những sáng tác hay những lời thuyết giảng hùng hồn uyên bác cho đạo hữu, mà được thể hiện qua thể cách viên tịch hoặc phong cách lúc tuổi già.

Một thiền sư có thể đăng đàn thuyết pháp tràng giang đại hải về những pháp môn đem lại “thân an tâm lạc” cho mọi người, được môn độ tung hô xưng tụng, nhưng khi về già lại sống trong cảnh khổ não của lão thì giáo pháp mà họ giảng dạy cho môn đồ cũng không có giá trị gì cho lắm. Giống như vào tiệm thuốc bắc để bốc thuốc, nếu ông chủ tiệm thuốc không phải là người phương phi, hồng hào khỏe mạnh, mà là một ông lão ho hen, lọm khọm thì liệu ta có thể tin tưởng được các phương thuốc mà ông ta bán hay không? Cho nên, với tôi, Bùi Giáng vẫn là một thiền sư thực sự. Ông sống bỡn cợt giữa đời, rong chơi đầu đường xó chợ, làm thơ viết sách rồi an nhiên mà đi. Nó mang phong cách của một thiền sư. Sư Khế Tung thường giận, nhưng an nhiên ngồi kiết già mà hóa, làm lễ trà tỳ mà có năm món bất hoại, lửa không thiêu nỗi, đó mới là chân thiền sư. Cái sân của Tô Đông Pha, của Yamaoka lại giúp ta thấu ngộ được những điều mà lúc bình thường ta không hiểu nỗi. Ngẫm ra, khi có đạo hạnh cao thâm, như sư Khế Tung, thì cái sân cũng là Phật sự, đâu cần phải bỏ sân mà giữ hỷ. Đâu cần phải đợi đến lúc viên tịch mới hiểu được giá trị của cái hỷ, cái sân.

(theo Báo GIÁC NGỘ số 266)

Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/07/2011(Xem: 110008)
10/10/2010(Xem: 106206)
10/10/2010(Xem: 108617)
10/08/2010(Xem: 111496)
08/08/2010(Xem: 117096)
21/03/2015(Xem: 21904)
27/10/2012(Xem: 65160)
09/09/2017(Xem: 10906)
02/09/2019(Xem: 7775)
09/04/2016(Xem: 13897)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.