Thư Viện Hoa Sen

- Ngó trời phiếm luận khôn cùng

02/09/20189:51 SA(Xem: 7879)
- Ngó trời phiếm luận khôn cùng

NHỤY NGUYÊN
SƯƠNG KHÓI PHẬN NGƯỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation


Phần III
THƯ GỬI BẠN


NGÓ TRỜI PHIẾM LUẬN KHÔN CÙNG

 

1.

Ngồi cà phê nhìn mưa rỏ xuống mái hiên, tôi hỏi bạn đẹp chăng? Bạn rằng, “tuyệt”. Tôi nhớ đến những kinh điển về mưa trong tranh, thơ, nhạc… Rồi nhớ đến một chiều nắng xiên mặt sông lấp lóa, những đêm trăng vàng chái trên biển rực lên cả một vùng trời. Hỏi bạn cảnh ấy đẹp chăng? Bạn gật, “không tả xiết”. Là bởi thiên nhiên vốn dĩ hoàn hảo. Cái đẹp tự nhiên khiến ngôn ngữ bị phá sản. Mọi ngôn ngữtài năng không đủ bao dung vẻ đẹp ấy. Là bởi chúng ta muốn trang hoàng cái hoàn hảo, vượt lên khỏi mọi sự sáng tạo bằng tâm thức để vun bồi tự ngã. Hồi nhỏ đọc tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris tôi liền ước sao có thể qua Paris ngắm nhà thờ. Rồi ước sẽ viết một tác phẩm hay hơn, bạn sẽ cúi đầu như trước tháp ngà. Ừ, thì cứ cho ảo tưởng đó thành sự thật, hẳn nhiên bạn đọc được tác phẩm của tôi, thán phục, và cũng như tôi, sẽ ước được thăm Nhà thờ Đức Bà cho thỏa nguyện. Tại sao thế? Bởi không gian tác phẩm dẫu lãng mạn tới đâu cũng chỉ là bản sao của vẻ đẹp không thể diễn tả hết. Mọi tác phẩm về ngôi nhà thờ trầm mặc trước thời gian đều là sự trang hoàng trước hết cho tiếng tăm lợi dưỡng của tác giả, thực tế khó thể khiến thức giả thỏa mãn trọn vẹn so với sự hiện hữu của bóng dáng vô thường. Một ngôi đền cổ kính với nhiều chứng tích đã được thời gian phủ lên sự tịch tĩnh mang phong vị thiền, xem là tuyệt phẩm của thiên nhiên không gì thay thế. Tôi vẫn thích nhìn những tháp rêu phong đang từng khắc tàn rụi. Nó đẹp ngay ở sự biến hoại theo ngọn gió vô thường, buông theo vô thường nên trung trinh lừng lẫy. Chợt thoáng hiện bóng những vị chân tu an nhiên trên những đỉnh núi mờ xa tùy duyên tuyệt tĩnh với trần ai huyễn ảo…

 

2.

Ly cà phê có chút mà uống mãi chưa hết. Lá vẫn rơi từ bên kia đường. Cây có ghi tên đánh số. Tôi hỏi nếu bạn chưa từng biết đến tên cây này, ta có gì về nó? Tôi nghe điện thoại, một nơi gọi bài; liền nhờ bạn viết tản văn về cây Vô Ưu. Bạn bảo chưa từng biết đến loài cây ấy, hoàn toàn không có chút khái niệm gì. Ngay lúc đó có người tật nguyền bán vé số đang bước tới, tôi hỏi “bạn biết người này chứ, không nhớ à?” Bạn đang lớ ngớ lắc đầu; tôi mua một vé; rồi họ đi. Tôi hỏi bạn ngày mai gặp lại bạn biết người này chưa? Bạn ừ. Bởi bạn đã có tri thức về người này. Chỉ ba phút, nếu camera ghi lại hình ảnh. Chừng đó đủ để bạn viết bài văn ngắn, người nhiều chữ hơn thêm tả cảnh có thể lên mười trang. Bạn đọc xong rồi chứ, hay chứ; giờ tôi lại hỏi bạn, ngoài kiến thức là mười trang văn đó, bạn biết gì về người bán vé số kia? Bạn im lặng, vẻ trầm tư. Sống cùng bạn gái chục năm, bạn có thể viết bộ tiểu thuyết tình. Ngoài cái tri thức là bộ trường tình ấy, bạn biết gì về nàng? Hãy nói giùm tôi biết về nàng một câu ngoài tri thức về nàng? “Nhưng đâu phải ai cũng viết được, và còn viết hay nữa?” Phải, nhưng bạn nên tự vấn cái sự viết hay viết giỏi đó có phải nhờ tri thức khuôn mẫu, nó từ đâu ra? Bạn vừa hỏi đường, trong đầu tớ tức khắc hiện bản đồ chỉ dẫn, nhưng tớ chau mày nhăn trán lắp bắp mãi không nhớ ra ngay cái tên đường đã hiện rõ. Cái gì trong tớ hoàn thiện sẵn gần như mọi chuyện? Bạn cũng có kinh nghiệm từ đâu phóng ra câu từ những ý tưởng ta chưa hề biết đến rồi chứ; hà, điều này thì một đứa trẻ cũng có đấy nha, chúng còn thốt lên những câu “tưng tửng” mang nghĩa thâm sâu ngang với công án thiền nữa đó. Ô, lá rơi đẹp chưa kìa. Cô nhân viên chêm thêm trà, tôi nhìn, chợt trong đầu hiện lên một người con gái giông giống cô; ấy là tri thức cũng là tất cả những gì tôi biết về cô, và từ nãy giờ ngồi nhấp cà phê có liếc nàng nữa. Này, nếu bạn sống ở rừng từ nhỏ, lần đầu tiên về phố gặp nhau tớ bảo ta làm ly cà phê hè? Bạn sẽ hỏi cà phê là gì đúng không? Tớ nói mùi vị tuyệt lắm; bạn lại hỏi có giống mùi trái cây này mùi hoa nọ bạn gặp trong rừng. Còn giờ mới thoảng mùi cà phê rang xay bạn đã biết, đúng không? Vì bạn có tri thức về nó mà… Rồi, giả như một đứa trẻ lần đầu tiên nếm vị đường, trong lúc khuôn mặt nó tươi lên thì tớ hỏi, chua không con? Chua hí. Nó sẽ gật. Và cứ thế nó lớn lên lưu cửu vị ngọt với “giả danh” chua ấy, và nó sẽ cãi đến cùng để bảo vệ một khái niệm mơ hồ thực chấtbảo vệ cho cái Ngã cũng hư huyễn nốt.

Lá, vẫn rơi, như muốn nhắc lại một thông điệp nào đó. Tôi kể bạn nghe về cây đào trước nhà, năm kia tự nhiên nở rực lạ lùng. Hoa nở như chưa từng được nở, nở như chỉ còn một xuân nữa trên đời. Tự nhiên tôi linh cảm điều bất ổn. Nhưng rồi cố xua. Để chi chuyện buồn nơi tâm, phải hôn. Rồi tôi cũng bẵng quên mấy tháng cho đến ngày nhận cuộc gọi ba nhập viện, khối u trong đầu. Ba tớ đi!

Bạn nhìn ra đường vắng. Có chút nắng giữa không gian se lạnh. Bạn đã đọc bản thảo tiểu thuyết của tôi rồi chứ, nhân vật T là thật đó. Một lần tôi qua uống trà, chuyện này không có trong tiểu thuyết đâu, vì thời điểm này tôi đã viết xong rồi. Ông T từ dưới bếp lên với khuôn mặt lo lắng, chìa ra một quả trứng. “Chú mi coi gà răng đẻ quả trứng to như vịt ri hè”. Ông cứ nhắc tới nhắc lui. Tôi có kiến thức về điềm này từ trong dân gian, vẫn cố lờ để người bạn vong niên yên tâm. “Ông cho nó ăn dữ quá sướng quá thì đẻ quả trứng to thôi. Mắc chi bận tâm cho mệt. Cất đó mai mốt cho nó ấp không chừng ra con gà đặc biệt con xin chụp ảnh viết bài đăng trang nhất báo tết năm Dậu”. Nói vậy chứ tôi vẫn ngờ ngợ bởi tri thức về điềm này cứ hiện lên như một vọng tưởng. Hơn tuần sau ông lên phố hát hò, về ngã, bị dập tủy cột sống cổ; tim yếu không mổ được. Ông nằm nhà, liệt dần, chết dần và chết khá nhanh. Thời gian ông dặt dẹo sống tôi còn chứng kiến trong vườn ông, bụi chuối từ cây nhỏ đến cây to tất tật đều đua nhau trổ buồng. Không hiểu. Tớ không biết. (Chỉ cái không biết là tớ hãnh diện mà). Lúc sự ấy hiện lên tớ dú mình trong cái không biết như khoảng không trước mặt vậy. Ngoài những vật hiện hữu, khoảng không trước mặt tôi hoàn toàn không biết nên tốt nhất buông mình vào đó cảm nhận “ta” và hư không đồng thể. Bạn thì sao, có giống tớ không? “Đã không biết thì có gì tự hào?” Ừm, nghe câu này tớ rất vui. Đúng là cái không biết chẳng có gì tự hào. Có gì đâu. Mà nói có cũng đúng thôi bạn. Chẳng như hồi nãy tớ đang chụp phôn nghe giảng kinh, bạn vô thấy nói liền: Báo vừa ra lò có việc gì nữa mà làm, ra cà phê thư giãn đi. Mình đã nói gì bạn còn nhớ chứ. Câu trả lời của mình phát tức thời không dựa vào bất cứ tri thức nào: “Thì đây, mình cũng đang thư giãn đây”. Bạn tưởng phải cà phê mới là thư giãn à. Bạn tưởng bên ngoài mới có nắng mưa mới có bão bùng, còn nội giới không có bình an à. Bạn tưởng nỗi sợ trong mơ khác nỗi đau ngoài đời à? Khác sao người ta phải uống thuốc an thần để mong vừa nhắm mắt là… mở mắt thấy trời sáng? Bạn tưởng bạn vui buồn qua mắt tai mũi lưỡi và ý nghĩa trong mơ khác ngoài đời sao? Giả như bạn không gặp ác mộng mà gặp thiên đường trong mộng, bạn có muốn mơ lại giấc ấy để thụ hưởng? Có người phải chạy rồi thở hồng hộc mới là thư giãn. Có người họ biết đứng lại để thư giãn. Có người cho sự phát triển là thụt lùi; có người đi ngược với đời cho là tiến hóa vận mạng. Mà lạ nhỉ, chúng ta mỗi bước mỗi già mỗi bệnh mỗi gần hố tử; trái đất mỗi vòng quay là dấn về phía hoại không; vậy ra phát triển hay thụt lùi bạn nhỉ? Hi hi. Nào, ra cà phê. Thế đấy, thế nên giờ bạn và tớ mới ngồi nhâm nhi ngắm lá rơi đây. Mà thôi, cũng tiêu chán thời gian rồi”.

 

3.

“Chúng ta ngồi đốt thời gian đừng phiếm luận nữa, thực tế chút đi”. Bạn nhắc đến nơi chuyên mổ trâu bò, ở đó chó trong xóm đến ăn huyết bầm tươi khiến mờ mắt hết thảy. Có vị nào nghiên cứu giùm cái luận án báo cáo rộng rãi giúp bà con tỏ tường. Nhắc đến chó, lại nhớ những lời rao “Ai bánh mì đặc ruột thơm bơ”, “Ai võng xếp”, “Ai bánh bao nóng nào”, dẫu ồn bất ngờ song lũ chó chẳng bận tâm. Nhưng đầu làng mới cất tiếng “Chó bán không” lập tức bản hợp xướng sủa rầm làng, chúng ùa ra đuổi riết người mua chó. Ai cho một lời giải thích nằm ngoài cái gọi tri thức. Bạn còn kể nhà có con mèo hay lắm. Tầm bốn năm giờ sáng bạn thường dậy rửa mặt vào ngồi tĩnh tâm (nhưng vì buồn ngủ quá liền vào ngủ). Con mèo nằm trên mái. Bạn để ý mấy bận chợt thấy, bạn vào giường nằm đợi không thấy con mèo theo vô, nhưng hễ (rửa mặt xong) vào ngồi tĩnh tâm vài phút đã thấy nó cà cọ dưới chân rồi nằm xuống bên. Lạ? Bạn hỏi. Tôi cười bảo làm sao biết được chuyện trời đất. Ngoài kiến thức nghe nhìn đọc học kể cả hình ảnh khoa học minh họa hẳn hòi, tôi có gì để nói với bạn một câu ngoài thứ không phải của mình đó. Tớ chỉ có cái không biếttài sản vô ngần quý giá thôi. Nhiều lúc từ đó phóng ra những câu ngớ ngẩn lắm, chỉ biết giữ lại ở ý chứ phát ra âm thanh khéo bạn lại cho khùng mất. Này nha, bạn tớ kể có lần cô đồng nghiệp vừa vào phòng liền báo tin đặc biệt (tin này mới riêng mình cô biết). Vừa nghe bạn tớ trong chớp nhoáng, mặt lạnh lùng bảo “Biết rồi”. Cô đồng nghiệp ngớ người bởi tin này chưa thể ai biết; liền hỏi: “Ủa, sao biết?” “Đấy, thì bạn vừa nói đấy”. Hì. Mình nhớ chuyện sư cô kể về con mèo tại khoa cận tử một bệnh viện lớn ở nước ngoài. Lên báo đàng hoàng nha. Hễ con mèo tới ngồi bên bệnh nhân nào thì dẫu người đó được bác sĩ chẩn đoán “yên tâm”, ít ngày sau cũng chết! Người ta phong nó như là thần hóa hiện tiếp dẫn hương linh... “Ý ông muốn nói vạn vật hữu linh? Hư không cũng có trí?” Ủa, tớ bỏ chỗ ấy đi lâu rồi nãy giờ bạn còn đứng khúc đó trầm tư à. “Người ta bảo ai cũng có linh giác?, vấn đề là có sử dụng hay không”. Không biết. “Hay gọi là tánh giác bổn nhiên ngay cả với loài vật?” Đã bảo nâu biết. À, tớ cũng biết chút chút, là thế giới đã chứng minh Nước biết mọi ý niệm thiện ác khởi sinh trong tâm con người đó. Ngoài tin này ra, tớ nâu biết. Loại trừ cái-biết-tri-thức ra thì thân này rỗng không à. Thôi, tớ biến đây.

Tạo bài viết
07/04/2017(Xem: 16893)
07/07/2013(Xem: 22133)
26/05/2013(Xem: 15312)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: