Thích Phước Thái
Nhà xuất bản Quang Minh
41. Vấn đề xả tang theo ý muốn?
Hỏi: Kính thưa thầy, chúng con thường đi hộ niệm thấy có nhiều trường hợp con cháu của người mất, sau khi chôn cất hoặc hỏa táng xong, thì họ muốn xả tang ngay. Vì họ cho rằng để tang sẽ không được may mắn. Như vậy, thì mình có nên xả tang theo ý muốn của họ hay không?
Đáp: Theo tôi, nếu họ muốn xả tang ngay thì mình cứ xả tang cho họ không có gì trở ngại. Thật ra vấn đề cư tang, phải nói rõ, đây không phải là tục lệ của Phật giáo bày ra. Tục lệ nầy bắt nguồn từ người Trung Hoa. Vì người Trung Hoa đã có mặt lâu đời trên đất nước Việt Nam. Căn cứ theo sử liệu cho biết, thì họ đã xâm chiếm và cai trị đất nước Việt Nam ta trải dài có cả một ngàn năm. Thường người ta hay gọi là một ngàn năm Bắc thuộc. Do đó, nên những phong tục tập quán lễ nghi của họ, tất nhiên, là người mình đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm. Hơn nữa, trong thời kỳ Tam giáo đồng nguyên: Nho, Phật và Lão, cả ba nguồn văn hóa nầy đều có sự sinh hoạt trộn lẫn hòa quyện với nhau một cách rất chặt chẽ khắng khít.
Vì thế, nên việc cư tang đây là theo tập tục văn hóa của Nho giáo. Theo Nho giáo chủ trương, thì con người phải lấy việc hiếu thảo làm đầu. “Thiên kinh vạn quyển hiếu nghĩa vi tiên”. Nghĩa là ngàn quyển kinh hay vạn quyển sách đều phải lấy việc hiếu nghĩa làm trước. Cho nên, người ta cư tang với mục đích là để bày tỏ nỗi lòng hiếu thảo của những người còn sống đối với người đã chết. Vì họ quan niệm “sự tử như sự sanh”. Nghĩa là lúc còn sống đối xử với nhau như thế nào, thì khi chết cũng phải đối xử như thế ấy. Xét thấy, việc chủ trương lấy đạo hiếu làm nền xây dựng đạo đức nhân bản, nó rất phù hợp với nền văn hóa của dân ta. Nên từ đó, người mình mới bắt chước làm theo. Và cũng từ đó, nó trở thành một phong tục tập quán lâu đời và truyền mãi cho đến hôm nay. Phải nói, vấn đề cư tang, với thâm ý là người ta muốn biểu lộ tấm lòng chân thành của người còn sống, hằng nhớ đến thâm ân của người đã khuất. Nhưng việc cư tang nầy, hiện nay, người ta không còn giữ đúng như tục lệ ngày xưa nữa.
Xưa kia, con cháu phải để tang cho ông bà cha mẹ thời gian ít nhất là phải hai năm. Nghĩa là phải qua cái lễ giỗ đại tường, thì con cháu mới được xả tang. Và trong thời gian cư tang nầy, con cháu không được cưới hỏi, vì người ta cho rằng đó là điều không tốt. Cho nên, đối với người đang cư tang, họ kiêng cử đủ thứ. Ngày nay, vì công việc làm ăn, học hành thi cử, hoặc cưới hỏi, hơn nữa phần lớn ảnh hưởng theo nếp sống của người Tây phương, nên vấn đề cư tang không trở nên gò bó theo tục lệ xưa. Phần nhiều là sau 49 ngày, tức xong cái lễ chung thất, thì người ta xin xả tang. Không có ai chịu cư tang cho qua cái lễ giỗ đầu. Có người còn xin xả tang liền, sau khi mai táng hoặc hỏa táng xong. Lý do là vì họ coi việc để tang là một việc không mấy may mắn trong những việc như: cưới hỏi, thi cử, khai trương cửa tiệm, hoặc đi làm ăn ở phương xa v.v…
Do đó, tục lệ cư tang tùy theo thời đại mà nó có sự thay đổi. Vì thế, tùy theo yêu cầu ý muốn của tang quyến mà chúng ta làm theo, thiết nghĩ, cũng không có gì là lỗi đạo sai trái. Vấn đề thời gian ngắn hay dài, lâu hay mau không thành vấn đề nữa. Thật ra hiếu thảo hay không là ở nơi lòng người. Còn tang chế, cũng như các hình thức lễ nghi khác, tất cả chỉ là biểu lộ cho tấm lòng của con người mà thôi. Điều quan trọng là việc hành xử của con người có theo đúng lễ giáo đạo đức hay không. Đó mới là điều quan trọng đáng nói. Có nhiều khi, ông bà cha mẹ mới chết, mà con cháu lại tranh chấp đấu đá tranh giành hơn thua với nhau, hoặc giả sát sanh hại vật cúng tế linh đình. Việc làm đó chỉ làm khổ cho người mới chết mà thôi, chớ không có ích lợi chi cả!
Nếu là người Phật tử thì chúng ta nên cẩn thận việc làm nầy. Chúng ta phải hết lòng giúp cho hương linh của người mất chóng được siêu thoát. Việc cúng kiến ta nên hạn chế tối đa, chỉ làm theo lễ nghi đơn giản theo lời Phật dạy mà thôi. Nhất là không được sát sanh hại vật để cúng tế linh đình cho người mất. Vì như thế, người mất sẽ mang trọng tội khó mà siêu thoát vậy.
Tóm lại, chúng ta cứ làm theo ý muốn của họ, muốn xả tang lúc nào cũng được. Theo tôi, việc làm nầy không có gì là chống trái hay có lỗi với người quá cố cả.
42. Sự báo hiếu giữa Kinh Vu Lan và Kinh Địa Tạng khác nhau như thế nào?
Hỏi: Xin thầy hoan hỷ cho biết sự khác biệt qua hai hình ảnh của hai người con báo hiếu cho mẹ ở trong Kinh Vu Lan và Kinh Địa Tạng khác nhau như thế nào?
Đáp: Trong Kinh Địa Tạng, có nêu ra hai hình ảnh của hai người con báo hiếu cứu mẹ. Một là, ở phẩm thứ nhứt, tiết mục 5, nói về Bà la môn nữ cứu mẹ. Hai là, ở phẩm thứ tư, tiết mục 4, nói về Quang Mục cứu mẹ. Nhưng trong câu hỏi của Phật tử, Phật tử không có nêu rõ là người con nào ở trong Kinh Địa Tạng, Bà La Môn Nữ hay là Quang Mục ? Vì không nêu rõ, nên ở đây, tôi xin nêu ra hiếu tử Quang Mục, để tạm so sánh sự dị đồng giữa hai người con như Phật tử đã hỏi.
Nếu xét trên tinh thần và mục đích báo hiếu giữa hai người con, nhằm hướng đến cứu thoát mẹ mình khỏi tội để được giải thoát, thì ta thấy cả hai đều giống nhau. Tuy nhiên, nếu luận về chi tiết qua thời gian, không gian và hoàn cảnh, nhân vật, phát nguyện, phương pháp hành sự, và người chịu khổ v.v… thì ta thấy có những điểm khác nhau.
1. Xét về thời gian, và hoàn cảnh, ta thấy có sự khác biệt. Thời gian, và hoàn cảnh của nàng Quang Mục trong kinh Địa Tạng nói, so với thời gian, và hoàn cảnh của Tôn giả Mục kiền liên, trong Kinh Vu lan nói, thì khác biệt rất xa. Chuyện của Quang Mục cứu mẹ là việc xảy ra trong vô lượng kiếp về quá khứ, thời của một vị Phật hiệu là Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Đó là chuyện xảy ra quá xa xưa và chỉ là một chuyện truyền thuyết, chớ không phải là chuyện xảy ra trong lịch sử. Ngược lại, chuyện của Tôn giả Mục kiền liên cứu mẹ là việc xảy ra trong thời kỳ đức Phật Thích Ca còn tại thế. Đó là câu chuyện có thật trong lịch sử loài người.
2. Xét về nhân vật cũng có sự khác biệt. Quang Mục là một nhân vật người nữ không có trong lịch sử hiện thực. Đó chỉ là tiền thân của Bồ tát Địa Tạng. Còn Tôn giả Mục kiền liên là một nhân vật lịch sử có thật. Có quá trình xuất gia tu học và đắc quả, được sử liệu ghi chép rõ ràng. Và Ngài đã được nhơn loại thừa nhận là một nhân vật lịch sử trong thời đại đức Phật Thích Ca. Và Ngài do công phu tu hành mà có được thần thông đệ nhất. Chính Ngài dùng huệ nhãn thấy rõ sự đọa lạc thọ khổ của mẹ Ngài. Còn nàng Quang Mục phải dâng phẩm vật cúng dưòng và nhờ đến vị La Hán chỉ bảo mới biết mẹ mình thọ khổ.
3. Xét về phương pháp hành sự cứu mẹ thoát khỏi tội khổ, thì giữa hai người cũng khác nhau. Ngài Mục kiền liên thì dâng theo lời dạy của Phật, đích thân Ngài thỉnh Phật và chúng Tăng, sắm sanh phẩm vật thiết lễ cúng dường trai tăng để cầu nguyện cho mẫu thân của Ngài. Ngài tổ chức một buổi đại lễ trai tăng rất trang nghiêm trọng thể vào ngày lễ Tự tứ mãn hạ của chư Tăng. Ngược lại, nàng Quang Mục thì vâng theo lời dạy của vị La Hán vẽ đắp hình tượng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai và khóc than chiêm ngưỡng tượng Phật để cầu nguyện. Sau đó, nàng chiêm bao thấy Phật chỉ bảo cho biết là thân mẫu của nàng sẽ thác sanh vào trong nhà của nàng. Quả nhiên, người tớ gái trong nhà sanh ra một đứa con trai, chưa đầy ba tuổi đã biết nói. Đứa trẻ đó chính là bà mẹ của Quang Mục. Bà mẹ cho biết, năm 13 tuổi sẽ chết và đọa vào địa ngục. Biết rõ đó là mẹ mình, nên Quang Mục vì cứu mẹ mà phát đại nguyện là sẽ cứu các tội khổ chúng sanh ở trong địa ngục. Như thế, phương pháp và hành sự cũng như bản nguyện cứu mẹ giữa hai người có khác nhau.
4. Nhân vật thọ khổ xét vể nguyên nhân tạo nghiệp ác thì có phần giống nhau. Nhưng cách thọ khổ cũng như sự tái sinh giữa hai người có khác nhau. Bà Thanh đề do lòng tham lam bỏn xẻn gây tạo nghiệp ác mà đọa làm thân ngạ quỷ. Đói khát đau khổ trăm bề. Trong khi đó, bà mẹ của Quang Mục vì tội sát sanh hại vật quá nhiều, ăn các loài cá trạnh, mà phải bị đọa vào địa ngục vô gián. Sau khi mãn kiếp địa ngục thác sanh vào trong nhà làm con của một người tớ gái. Còn bà Thanh Đề nhờ thần lực chú nguyện của Phật và Thánh Tăng mà đánh động được lương tâm của bà. Nhờ bà ăn năn cải hối chuyển đổi tâm ý mà được thoát khổ sanh lên cõi trời hưởng phước báo. Ngài Mục kiền liên thì không có phát đại thệ nguyện như Quang Mục. Nhờ sự phát nguyện của Quang Mục, mà đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa cho biết là sau 13 tuổi bà mẹ sẽ chết và tái sanh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó, sẽ sanh về cõi nước Vô Ưu sống lâu không thể tính kể. Như vậy, việc hướng đến môi trường tái sanh của hai người cũng khác nhau.
Tóm lại, mục đích báo hiếu giữa hai người con cứu thoát mẹ mình, trên căn bản thì giống nhau. Cả hai đều đạt được mục đích và biểu lộ với tất cả tấm lòng của một người con chí hiếu, dù bản nguyện, cách thức, việc làm và đối tượng cầu nguyện có phần khác nhau.
43. Dùng hoa quả giả chưng cúng Phật có lỗi không?
Hỏi: Thưa thầy, nếu con dùng nhang điện, hoa trái giả để chưng trên bàn thờ cúng Phật, như vậy có mất đi vẻ trang nghiêm, bất kính với Phật không? Và như thế có lỗi không?
Đáp: Như ở câu hỏi số 33 trên, chúng tôi có thưa qua về việc cúng Phật bằng những hình thức lễ nghi phẩm vật, mục đích là nhằm biểu lộ tấm lòng thành kính của chúng ta. Tuy đó là hình thức lễ nghi bề ngoài, nhưng chúng ta cũng phải giữ gìn cho trang nghiêm tinh khiết. Thật ra, nếu chúng ta chưng bày thiết cúng bằng nhang điện hay hoa quả giả, nếu so với phẩm vật tươi, thì nó kém đi phần trang nhã tươi mát và xinh lịch hơn. Tuy nhiên, vấn đề nầy còn tùy thuộc vào tâm nguyện, hiểu biết, sở thích, khung cảnh không gian và hoàn cảnh của mỗi người. Bất kính hay là có lỗi không, thì hoàn toàn ở nơi cõi lòng của Phật tử, chớ không phải ở nơi đồ vật. Phật tử nên tự hỏi lại cõi lòng của Phật tử. Nếu như Phật tử dâng cúng những phẩm vật sang trọng, đẹp đẽ, giá trị, tinh khiết, mà Phật tử không có lòng chí thành trong khi dâng cúng, thì đó mới là mất trang nghiêm, bất kính và có lỗi. Không phải Phật tử có lỗi với Phật, vì Phật có bao giờ bắt lỗi Phật tử đâu, nhưng chính Phật tử có lỗi với lương tâm của Phật tử. Thế nên, làm bất cứ điều gì, cần nhứt là ở nơi tâm thành. Người xưa nói: “chí thành thông thánh” là vậy.
Xưa kia, thời Phật còn tại thế, có một bà già đi ăn xin, bà nhịn ăn trong ngày để dành tiền mua dầu cúng Phật. Cúng xong, tất cả những cây đèn của vua chúa, trưởng giả, những nhà quý phái giàu có sang trọng, tất cả những ngọn đèn đó, ngài Mục Kiền Liên đều quạt tắt hết. Chỉ có ngọn đèn của bà già ăn xin kia, Ngài quạt hoài không tắt. Thậm chí Ngài dùng đến thần thông quạt mà nó cũng không tắt. Thấy thế, Ngài bạch trình với Phật. Phật nói, ngọn đèn đó là của một bà già ăn xin. Thay vì bà dùng đồng tiền xin được để mua thức ăn, nhưng bà lại nhịn đói để mua dầu cúng dường. Do lòng chí thành tha thiết đó, nên kết quả bà mới được công đức vô lượng tốt đẹp như thế.
Hiện chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật điện tử, nên thường người ta trần thiết trang trí bày biện những vật dụng để cúng Phật, phần nhiều là bằng những loại mang tính chất điện tử cả. Như đèn, nhang, hào quang v.v… mọi thứ đều được thiết trí bằng những hình thức giả tạo.
Điều nầy, nếu xét trên phương diện hình thức, ta thấy cũng rất trang nghiêm và đồng thời cũng giữ cho môi trường sinh hoạt được tinh khiết trong lành. Đây cũng là điều rất quan trọng để bảo vệ cho sức khỏe của mọi người. Thường trong nhà, nếu ta thắp nhang đèn, thì lượng khói của nó sẽ lan tỏa ra khắp không gian làm cho chúng ta bị choáng ngợp rất là khó thở. Lý do, là vì khung cảnh không gian trong nhà quá chật hẹp. Do đó, mà mùi khói khó có lối thoát. Hơn nữa, có nhiều người dễ bị dị ứng mùi khói nhang. Theo các nhà khoa học cho biết, mùi khói nhang cũng dễ gây ra cho người ta bị bệnh. Do đó, ngay cả trong chùa, chư Tăng Ni cũng vẫn thường sử dụng thiết trí các loại nhang đèn bằng điện. Ngoại trừ những buổi lễ quan trọng, thì người ta mới thắp nhang thiệt và tối đa chỉ có 3 cây thôi.
Có nơi, sau khi nguyện hương xong, người ta đem cấm nhang ở một nơi khác, chớ không có cấm vào cái lư hương trên bàn thờ Phật ở chánh điện. Vì để tránh mùi khói nhang gây ra làm cho mọi người khó chịu. Tuy nhiên, vấn đề nầy, vào những ngày đại lễ quan trọng ở trong chùa, đối với người Phật tử thì có khác. Cần nói thêm, theo lệ thường ở Việt Nam, mỗi khi người Phật tử đến chùa lễ Phật, trước tiên là họ thắp hương đem cắm vào các bàn thờ Phật và nhất là các bàn thờ vong. Rồi sau đó họ mới đến bàn thờ chánh để lạy Phật.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin được mạng phép góp chút thành ý trong vấn đề thắp hương của người Phật tử chúng ta. Theo phong tục của người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, vào ngày đầu năm Tết Nguyên đán, nhất là tối đêm giao thừa, chúng ta thấy trong chùa chỗ nào cũng đầy mùi khói nhang bay nghi ngút mịt mù. Phần thì số lượng người quá đông đảo, phần thì hít thở hưởng mùi khói nhang ai nấy đều muốn nghẹt thở. Vẫn biết, đây là một phong tục cổ truyền lâu đời khó bỏ, nhưng nếu mạnh ai nấy thắp, nhất là những người Hoa, họ thắp rất nhiều nhang. Thế thì, bảo sao không gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường chung quanh cho được? Và nhất là rất có hại cho sức khỏe của con người. Dĩ nhiên, trong đó cũng có họ nữa.
Tuy biết đây là phong tục, nhưng nếu chúng ta xét thấy, điều gì bất lợi không còn phù hợp vệ sinh cho môi trường sống nữa, thì chúng ta cũng nên suy xét mà cải thiện giảm bớt đi. Chúng ta không nên quá câu nệ cố chấp vào hình thức mà gây nên tai hại chung cho tập thể. Nếu chúng ta chưa có thể bỏ hẳn được, thì chúng tôi xin đề nghị là nên giảm bớt. Giảm bớt như thế nào? Giả như, có nhiều thành viên trong một gia đình cùng đi chùa lễ Phật, thì chỉ một người đại diện thắp một cây nhang là đủ. Còn những người khác thành tâm chấp tay khấn nguyện, xong rồi, mọi người đồng lạy Phật. Còn nếu là cá nhân không phải chung trong gia đình, thì mỗi người chỉ nên thắp một cây nhang thôi, không nên thắp nhiều quá.
Xin thưa, việc cầu nguyện là do ở nơi lòng thành của chúng ta, chớ không phải ở nơi thắp nhang nhiều hay ít. Không phải thắp nhiều chư Phật mới chứng minh, còn thắp ít thì chư Phật không ngó tới. Có người sợ thắp ít nhang quá, thì Phật không chứng minh cho lời cầu nguyện của mình. Đó là một quan niệm rất sai lầm, thật quá mê tín, ta cần nên bỏ. Người Phật tử chúng ta nên ý thức và hiểu rõ điều đó. Nếu mỗi người ý thức giảm bớt tối thiểu, thì quả đó là chúng ta tiếp tay đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, và tạo nên bầu không khí trong lành để mọi người cùng chung cộng hưởng.
Tóm lại, việc làm của Phật tử, theo tôi, thì không có gì là mất trang nghiêm, bất kính hay có lỗi cả. Có lỗi hay không là ở nơi tâm ý, thái độ, và việc làm của chúng ta. Điều quan trọng là ở nơi tấm lòng thành kính của Phật Tử. Tổ Ấn Quang thường dạy, có một phần cung kính là có thêm một phần phước đức. Tuy nhiên, tôi xin đề nghị với Phật tử là ngày thường thì Phật tử có thể chưng bày như thế được, nhưng đến những ngày sóc vọng rằm hay ba mươi (nếu tháng thiếu là 29), Phật tử nên mua hoa quả tươi cúng Phật thì hay hơn. Hình thức tuy cũng rất cần, nhưng tùy hoàn cảnh mà chúng ta khéo léo linh động cho phù hợp với môi trường và hoàn cảnh nếp sống của chúng ta. Kính chúc Phật tử vui sống trong an lành và hạnh phúc.
44. Vì bảo vệ đàn chim đuổi con mèo có lỗi không?
Hỏi: Kính thưa thầy, có một hôm con đang cúng thí thực gạo muối, xong rồi rảy cho chim ăn, bỗng có một con mèo hoang gầy ốm nhảy đến chụp đàn chim, liền đó con đuổi con mèo chạy đi nơi khác, để đàn chim được tự nhiên ăn. Hành động đó của con, không biết con có lỗi với con mèo không?
Đáp: Nếu bảo có lỗi với con mèo không, theo tôi, thì hành động đó dĩ nhiên là có lỗi rồi. Lỗi ở chỗ là tình thương của Phật tử còn thiên vị không công bằng. Như Phật tử nói, con mèo đó lại là con mèo hoang gầy ốm nữa. Như thế, chứng tỏ trong những ngày qua, nó rất là đói khát đau khổ. Thật là đáng thương xót! Nó không có thức ăn. Nó rất cần đến thức ăn của chúng ta ban cho. Nay nó thấy Phật tử rảy thức ăn, nó không cần biết thức ăn đó là gì, cho nên nó mới nhảy vô tranh giành với đàn chim. Đó là bản năng sinh tồn của nó. Nhưng khi nó đến giành ăn với đàn chim, thì bị Phật tử nhẫn tâm lại đuổi nó đi. Hành động đó, theo tôi, thì Phật tử có hơi tàn nhẫn. Bởi sự giành ăn giữa các loài thú vật với nhau, đó cũng chỉ là bản năng bảo vệ mạng sống rất thường tình của chúng mà thôi. Nói rõ ra, đó là nghiệp quả của chúng.
Nếu chúng ta cho sự giành ăn của con mèo, là ỷ mạnh hiếp yếu, thì Phật tử thử xét lại xem, hành động của loài người chúng ta có ỷ mạnh hiếp yếu hay không? Chúng ta có tranh giành cấu xé sát hại lẫn nhau không? Chúng ta mệnh danh là con người tinh khôn gấp mấy ngàn lần loài vật, thế thì, chúng ta thử tự hỏi về lãnh vực nầy, chúng ta có hơn chúng nó không? Hay là chúng ta hành xử với nhau còn tệ hơn chúng nó? Đó là những vấn đề, thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên quán chiếu suy tư chín chắn!
Nếu như Phật tử sợ những con chim bị con mèo làm mất miếng ăn mà chúng nó đói khát, thì tại sao Phật tử không tìm thức ăn khác cho con mèo? Nếu Phật tử có tình thương trang trải mở rộng tấm lòng của người Phật tử, Phật tử kiếm thức ăn khác cho con mèo ăn, thì tôi nghĩ, con mèo nó sẽ đội ơn Phật tử biết là ngần nào! Vì nó đang cần đến thức ăn tình thương của Phật tử ban cho. Như một ngưòi đang đói khát, họ cũng cần đến tình thương của người khác ban cho. Nếu luận về nhu cầu cho sự sống để nuôi thân, thì giữa loài người và loài vật đâu có gì khác biệt nhau? Vì loài nào cũng cần đến sự sống kia mà! Luận cho cùng, khi lâm vào cảnh khổ đói khát, thì loài nào cũng cần đến sự giúp đỡ thi ân của kẻ khác. Nhất là loài người của chúng ta.
Trường hợp nầy, nếu như lần sau, có xảy ra tương tự như thế, thì tôi thành thật khuyên Phật tử nên xử sự cho công bằng. Bằng cách là Phật tử nên ban bố tình thương của mình cho đồng đẳng. Như thế, thì con vật nào đói khát cũng được Phật tử bố thí cho ăn. Được vậy, thì nó sẽ cám ơn Phật tử vô cùng. Phật tử cũng đã từng nghe qua những mẫu chuyện cổ tích, nói về chuyện cứu vật, cứu người. Như câu chuyện “cứu vật thì vật trả ân, cứu nhân thì nhân trả oán”. Tuy đây là chuyện cổ tích, nhưng không phải là không có xảy ra trong thực tế. Mong Phật tử suy xét để thể hiện hành động đúng theo tinh thần từ bi bình đẳng của đạo Phật. Kính chúc Phật tử vạn sự an lành.
45. Con cái chưa xong bề gia thất, mình bỏ đi xuất gia có lỗi không?
Hỏi: Kính bạch thầy, người bạn đời của con đã mất, các con của con chưa lập gia đình mà con đi xuất gia, như vậy con có thiếu bổn phận của một người mẹ đối với con của con không? Con có ích kỷ chỉ lo cho bản thân mình không? Kính mong thầy giảng giải nỗi thắc mắc cho con.
Đáp: Nếu bảo Phật tử thiếu bổn phận hay ích kỷ, theo tôi nghĩ, thì không hẳn như thế. Tuổi trẻ đối với xã hội nầy, thật ra, chúng nó cũng không cần đến sự bảo hộ chăm sóc của cha mẹ về vấn đề vật chất. Bởi vật chất ở xứ Úc nầy, đâu có gì thiếu thốn. Còn nói về tinh thần, thì đâu phải Phật tử vào chùa xuất gia tu hành là không còn quan tâm gì đến con cái. Người xuất gia, tuy trang trải tình thương rộng khắp, nhưng đối với những người thân ruột thịt của mình, tất nhiên, mình cũng phải có sự quan tâm đến trước. Nếu không có tình thương yêu như thế, thì đừng nói đến tình thương yêu rộng lớn khắp cả chúng sanh. Trong Kinh Phật thường nói, Phật thương tất cả chúng sanh như thương yêu La Hầu La. La Hầu La là con trai của Phật. Như vậy, đức Phật thương yêu La Hầu La như thế nào, thì Phật thương chúng sanh cũng như thế đó. Nếu không được vậy, thì đó chẳng qua chỉ là một lời nói suông mà thôi!
Cũng như, bản thân mình, mình không biết quan tâm chăm sóc thương mình, thì đừng nói đến tình thương người khác. Có những người họ đang hủy hoại tàn hại bản thân của họ. Như họ đang bị bệnh gan nặng mà họ vẫn tiếp tục uống các thứ rượu mạnh. Như có người bị bệnh lao phổi mà họ vẫn không chịu bỏ hút thuốc lá. Như thế, có phải là họ đang tự hủy hoại tàn hại họ chết dần chết mòn hay không? Họ có biết tự thương họ không?
Tự thương và khéo chăm sóc cho mình cả hai lãnh vực: thể xác và tinh thần, thì đó không phải là ích kỷ. Mình có tu sửa, có an lạc hạnh phúc, thì mình mới chia sẻ hiến tặng sự an lạc hạnh phúc đó đến cho mọi người. Nếu nói Phật tử đi xuất gia, không lo tròn cho con cái là thiếu trách nhiệm bổn phận, điều đó, theo tôi, cũng chưa hẳn là đúng. Thử hỏi biết đến bao giờ Phật tử mới lo cho tròn trách nhiệm bổn phận đây? Hơn nữa, Phật tử đâu phải là người còn trẻ, tuổi đời cũng đã cao. Như thế, thì cái chết cũng gần kề, nếu không tự lo cho mình, thì thử hỏi biết đến bao giờ mới tự lo cho mình? Phật tử không tự lo thì ai là người lo cho Phật tử? Khi Phật tử rơi vào hoàn cảnh đau khổ, có đứa con đứa cháu nào, có thể thay thế nỗi khổ đau đó cho Phật tử hay không? Theo định lý nhân quả ai gây nhân nào thì người đó sẽ gặt hái quả đó. Ai ăn nấy no, ai học nấy biết chữ. Ai làm nấy chịu, không ai thay thế cho ai.
Theo như Phật tử nói, các đứa con của Phật tử tuy chưa có lập gia đình hết, nhưng các người con cũng đã lớn khôn. Chúng nó tự lo bảo vệ chăm sóc cho chúng nó được. Nếu trường hợp con của Phật tử tuổi còn nhỏ dại mà Phật tử bỏ đi như thế, tất nhiên là Phật tử thiếu trách nhiệm bổn phận của một người mẹ. Vì tuổi đó còn cần phải có sự chăm sóc bảo dưỡng trực tiếp của cha mẹ. Còn nếu tuổi của chúng nó đã trưởng thành, thì không có gì gọi là thiếu bổn phận cả.
Phật tử nên nhớ rằng, tuổi trẻ ở xứ nầy, chúng nó thích sống đời sống tự do độc lập hơn là có cha mẹ bên cạnh. Có mình ở bên cạnh, đôi khi lại trở thành sự cản trở cho chúng nó không được tự do thoải mái với bạn bè. Vả lại, khi Phật tử quyết định xuất gia, thì Phật tử cũng đã thảo luận rõ ràng ý nguyện của Phật tử cho chúng nó biết, và chúng nó cũng rất vui vẻ đồng ý để cho Phật tử được tròn sở nguyện. Nếu chúng nó là những đứa con ngoan hiền hiếu thảo, chắc chắn là chúng nó sẽ rất vui khi thấy Phật tử quyết định như thế. Phật tử thử nghĩ, việc đời biết lo sao cho đầy đủ trọn vẹn! Giả sử như Phật tử không còn có mặt trên cõi đời nầy nữa, thì chả lẽ chúng nó không sống được sao? Chúng nó không biết tự lo bảo vệ cuộc sống của chúng nó sao? Vì mỗi người ai cũng có một cuộc sống riêng.
Hơn nữa, việc xuất gia của Phật tử, đâu phải là chỉ nghĩ cho riêng mình. Vì người xuất gia là người của tất cả mọi người. Không có cái ta sở hữu riêng biệt. Đó là hạnh nguyện cao cả tuyệt vời của người xuất gia. Đó cũng là con đường chơn hạnh phúc cứu mình giúp người rộng ra là giúp cả muôn loài đều được giải thoát. Như thế, Phật tử không phải chỉ hưởng niềm vui riêng mà còn đem lại nguồn an vui chung cho mọi loài, tất nhiên, trong đó có con cháu của Phật tử rồi. Độ mình, độ người mà trước mắt là độ những đứa con và thân nhân ruột thịt của mình trước đã. Và sau đó độ cho mọi người đều được an vui thoát khổ. Đó là một lý tưởng cao đẹp nhất trên cõi đời nầy. Lẽ ra, chúng nó rất vui mừng mới phải, chớ đâu có lý nào chúng nó lại trách cứ Phật tử đâu mà Phật tử phải lo sợ.
Tóm lại, theo tôi, thì việc xuất gia của Phật tử không phải là ích kỷ hay thiếu bổn phận với con cái. Điều quan trọng là sau khi xuất gia, Phật tử có làm tròn hạnh nguyện cao đẹp của người xuất gia hay không? Điều đó mới là điều quan yếu, mà Phật tử cần phải ý thức tư duy về việc làm phát nguyện của mình. Nếu sau khi xuất gia, Phật tử cố gắng tu học đàng hoàng để được lợi mình, rồi sau đó làm lợi ích cho mọi người. Đó là Phật tử thật hành hạnh nguyện cao cả của Bồ tát đạo. Được vậy, thì con cháu của Phật tử chúng nó rất vui mừng khi nhìn thấy Phật tử đã được tròn sở nguyện. Kính chúc Phật tử tinh tấn tu hành chóng đạt được giác ngộ và giải thoát, theo hạnh nguyện của người xuất thế.
46. Đồ ăn dư cho chim ăn có mang tội hủy của hay không?
Hỏi: Kính bạch thầy, khi ăn đồ ăn dư, như cơm, bún v.v.. con thường đem ra để ngoài trời cho chim ăn. Như vậy, không biết con có mang tội phí phạm hủy của hay không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp nỗi thắc mắc nầy cho con. Cám ơn thầy.
Đáp: Thật ra, đây không phải là tội phí phạm hủy của. Tội hủy của là khi nào món đồ đó còn dùng xài được mà Phật tử lại hủy bỏ một cách phung phí không tiếc. Như vậy mới gọi là tội hủy của. Ngược lại, đồ ăn dư thừa không thể dùng được nữa, thì Phật tử đem bố thí cho chim ăn, thì không có gì là mang tội. Vì những loài vật nầy, chúng nó cũng rất cần thức ăn của Phật tử ban cho. Điều nầy, ít ra, Phật tử cũng còn có chút từ tâm, vẫn còn nghĩ đến thương các loài sinh vật. Do đó, nên Phật tử không bỏ vào sọt rác. Tuy nhiên, có điều Phật tử nên biết rằng, cơm là thức ăn nhu cầu chính yếu đối với người Việt mình. Do đó, nên từ xưa tới nay, tổ tiên ông bà mình rất quý trọng hạt gạo cho đó là hạt ngọc trời cho. Các trẻ con khi đang ăn lỡ làm đổ tháo một vài hạt cơm rơi xuống đất, thì liền bị cha mẹ ông bà la rầy quở trách ngay. Vì ông bà rất sợ tội phung phí hạt cơm trời cho. Nếu thế, thì sau nầy sẽ bị mang tội trả quả báo nghèo khổ đói khát không có cơm ăn.
Sự quý trọng đó không phải là không có lý do. Vì hôm nay chúng ta có được hạt cơm ăn, phải nói công lao của nhà nông, họ đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Họ phải cật lực lam lũ vất vả ngày đêm dầm mưa dãi nắng, cực khổ trăm bề. Phật tử cứ thử nghĩ, từ lúc gieo hạt cho đến khi có được hạt cơm chúng ta ăn, phải trải qua không biết bao nhiêu là công lao cực khổ mới có được. Công sức không chưa đủ, mà còn phải tùy thuộc vào thời tiết mưa thuận gió hòa nữa. Nếu không nhờ mưa thuận gió hòa, chỉ cần bị hạn hán hay mưa bão, lụt lội, thì ôi thôi! thử hỏi làm sao chúng ta có cơm xơi đây? Bởi thế, nên ông bà ta mới nói đó là những hạt ngọc trời cho.
Trời nói ở đây, xin Phật tử chớ vội hiểu là có một ông Ngọc Hoàng Thượng Đế hình thù kỳ dị, tác oai tác quái, làm mưa làm gió thưởng phạt muôn loài. Trời mà tổ tiên ông bà ta nói ở đây, là ám chỉ cho thiên nhiên tức khí hậu thời tiết. Thuận mùa thì no bụng dạ, nghịch mùa thì đói chết khô. Như vậy, câu nói trời cho mới nghe qua ta cho là vô lý. Vì người ta phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức làm lụng vất vả mới có lúa gạo ăn sao lại nói trời cho? Và đến chúng ta là những người tiêu thụ cũng phải bỏ tiền ra mua mới có gạo nấu cơm ăn. Thế thì tại sao lại nói là trời cho? Sự thắc mắc đó không phải là vô lý, nhưng nếu chúng ta bình tâm xét kỹ như trên chúng tôi đã nói, thì quả thật phải do trời (thời tiết khí hậu thiên nhiên) cho mới có được. Nếu nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì phải hội đủ nhân duyên tốt, tức thuận duyên mới có được. Nhân tốt đã đành, mà cũng cần phải có các trợ duyên tốt nữa. Chánh nhân là người gieo hạt, còn lại tất cả đều là trợ duyên.
Nói thế, để Phật tử thấy rằng, chúng ta có được hạt cơm ăn, thật là cả một vấn đề khó khăn trải qua không biết bao gian lao nhiêu khê cực khổ mới có được. Do đó, nên chúng ta sử dụng cần phải cẩn thận đừng để phung phí thừa thải mà mang tội. Nói về bố thí thức ăn cho các loài sinh vật như chim muông v.v… thì có nhiều loại thức ăn khác mà chúng ta cũng có thể bố thí cho chúng. Còn riêng cơm hay bún như Phật tử đã nói, khi nào bất đắc dĩ lắm thì ta mới cho chúng nó ăn mà thôi. Vì ta cũng cần phải có lòng quý trọng hạt ngọc trời cho như tổ tiên ông bà ta đã từng nhắc nhở răn dạy con cháu vậy.
47. Nhà có nhiều chuột phải giải quyết như thế nào không còn chuột mà khỏi phải mang tội sát sanh?
Hỏi: Kính thưa thầy, nhà hàng xóm của con có nuôi chim biết nói nên họ rất thích và cho ăn đồ ăn thừa thải, do đó, gây ra tình trạng có nhiều chuột xuất hiện ở phía sau nhà của con. Để chuột con nhiều thì mất vệ sinh, mà báo cho council thì sợ mích lòng hàng xóm, bỏ thuốc cho chuột ăn thì sợ nó chết mang tội sát sanh. Như vậy con phải làm sao? Kính xin thầy cho con một lời khuyên.
Đáp: Qua những vấn đề Phật tử nêu trên, tuy rất khó giải quyết cho mọi việc được ổn thỏa lưỡng toàn, nhưng nếu muốn tránh mọi việc có thể gây ra không tốt, theo tôi, thì chỉ có một phương cách giải quyết duy nhất. Cách nầy, không phải do đích thân chúng tôi làm, mà chúng tôi chỉ nghe người khác đã làm và nói lại. Nay, Phật tử đã hỏi, thì chúng tôi cũng xin nêu bày về cách làm của người đó. Rồi tùy ý Phật tử quyết định lấy. Theo người đó kể lại, thì việc làm của họ, tuy đơn giản nhưng rất có kết quả hiệu nghiệm tốt.
Việc làm nầy, không cách gì khác hơn là họ mua một loại thuốc có mùi hôi làm cho chuột chịu không nổi mùi hôi mà chúng nó tự động bỏ đi nơi khác. Loại thuốc nầy, thú thật, tôi không còn nhớ rõ nhãn hiệu của nó. Phật tử có thể hỏi tìm kiếm ở các cửa hàng chuyên bán về các loại thuốc diệt trùng. Hoặc giả Phật tử có thể hỏi những người đã từng có kinh nghiệm làm qua trong việc nầy. Thậm chí, có chùa khi chuột vào nhiều, thì không có cách nào hơn, cũng phải làm như thế thôi. Phật tử hãy tìm kiếm hỏi mua và thí nghiệm thử.
Theo tôi, chỉ có cách đó thì mới có thể tạm giải quyết tương đối ổn thỏa thôi. Ngoài ra, còn có cách nào khác hay hơn nữa, thú thật, tôi không rõ lắm. Phật tử làm như thế, tất nhiên là tránh khỏi phải mang tội sát sanh. Thật ra, sống ở cõi đời tương đối nầy, không có cách chi mà chúng ta có thể giải quyết một cách hoàn hảo hết được. Bởi mỗi loài sinh vật đều có nghiệp quả riêng của nó. Là Phật tử, thiết nghĩ, chúng ta nên cố tránh sát hại chúng sanh được chừng nào thì quý tốt chừng đó. Tấm lòng từ bi tránh sát hại sinh vật của Phật tử như thế, theo tôi, cũng đã là quý tốt lắm rồi. Nếu như gặp những người không có lòng từ bi như Phật tử, thì họ có thể giết hại bao nhiêu con chuột lại không được. Phật tử dùng cách đuổi chúng nó đi nơi khác, thì cũng là điều quý tốt lắm rồi. Kính chúc Phật tử luôn vui sống và sẽ được toại nguyện.
48. Ý nghĩa chơn tâm và bản tánh như thế nào?
Hỏi: Kính thưa thầy, con có một thắc mắc về chơn tâm và bản tánh. Sao gọi là chơn tâm? Sao gọi là bản tánh? Vậy giữa chơn tâm và bản tánh giống nhau hay khác nhau? Con hay nghe cái tánh Phật của mọi người nó bất sanh bất diệt, thế nào là bất sanh bất diệt?
Đáp: Giữa chơn tâm và bản tánh tuy hai danh từ có khác nhưng ý nghĩa thì không khác. Nói chơn tâm là đối với vọng tâm mà nói. Chơn là chơn thật không biến đổi đó là nghĩa thường hằng bất sanh bất diệt. Tâm là biết, cái biết nầy nó lặng lẽ trong sáng không bị ngoại cảnh chi phối. Nếu trong lúc ngồi thiền, khi tâm chúng ta chưa dấy động khởi nghĩ bất cứ thứ gì, mà lúc đó chúng ta vẫn có cái biết sáng suốt hiện tiền, chính đó mới là cái biết chơn thật. Trong Kinh thường gọi cái “biết” nầy là chơn tâm. Còn khi chúng ta khởi niệm nghĩ đến chuyện lành dữ, phải trái, hơn thua v.v… thì cái biết đó trong kinh gọi là vọng tâm. Nghĩa là cái biết duyên theo trần cảnh đối đãi mà có. Kinh Viên Giác nói: “Cái tâm nầy nó do duyên theo bóng dáng sáu trần, mà có ra cái tướng tự tâm”. Nên nói nó là vọng tưởng. Chính nó do duyên sanh, nên bản chất của nó là không thật. Vì không thật, cho nên nó khởi sanh, khởi diệt, chợt có, chợt không, sanh diệt biến đổi liên miên không dừng.
Còn nói bản tánh là vì cái tánh “Biết” nó sẵn có từ hồi nào đến giờ. Trong kinh gọi là Phật tánh hay chơn như. Bản tánh là tên khác của Phật tri kiến hay Viên giác v.v… Thí như trong quặng nhơ sẵn có chất vàng ròng trong đó. Đứng về mặt bản thể của sự vật, thì nói là bản tánh. Thí như nước và sóng, nếu đứng về mặt bản thể, thì người ta gọi là nước. Nhưng nếu đứng về mặt hiện tượng thì người ta gọi là sóng. Như vậy, sóng và nước không thể ly khai ra mà có. Chính trong lúc sóng nổi lên, thì nó mang sẵn chất nước tiềm tàng ở trong sóng. Nếu không có nước thì làm gì có sóng? Nhưng nói sóng là nước thì không đúng.
Cũng thế, khi phiền não (dụ cho sóng) dấy khởi thì nó che phủ mờ tánh giác sẵn có. Ngay khi phiền não dấy lên, thì mình không thể nói phiền não là chơn tâm hay bản tánh được. Nhưng bản tánh cũng không rời phiền não mà có. Như nước trong không rời lìa nước đục mà có. Muốn có nước trong cần phải lóng. Lóng có nghĩa là tu, tu là chuyển hóa những thứ phiền não nhiễm ô, để cho tâm ta được thanh tịnh sáng suốt. Hai thực thể nầy không thể ly khai mà có. Đây là lý “Bất Nhị” hay pháp môn “Không Hai” của Kinh Duy Ma Cật đã nói. Và đây cũng chính là yếu lý “Tương Tức Tương Nhập, hay Lý Sự vô ngại” của hệ tư tưởng giáo lý trong Kinh Hoa Nghiêm. Vì thế, nên nói một là sai, mà nói hai thì không đúng.
Thí dụ như lúc mình nổi giận, thì cái tánh không giận nó tiềm tàng sẵn có trong cái phiền não giận. Giận là hiện tượng dấy khởi từ bản thể. Bản thể vốn vắng lặng. Vì nó sẵn có nên khi hết giận thì cái tánh không giận (trước khi nổi giận) nó trở lại với cái tánh không giận. Sở dĩ giận là vì tại mình không khéo gìn giữ ở nơi cái tánh không giận, nên để cho tập khí giận nổi lên.
Nói giận là để tiêu biểu cho tất cả những thứ phiền não khác. Giận là vì nó gặp nghịch cảnh cho nên khởi giận. Cũng như nước vốn không phải sóng, nhưng vì gặp gió thổi nên nước mới nổi sóng. Khi sóng dừng lại thì tánh nước sẽ hiện bày trở lại như cũ, nghĩa là như cái lúc mà nước chưa khởi thành sóng. Cho nên trong kinh nói:“Phiền não tức Bồ đề, sanh tử tức Niết bàn” là ý đó. Sóng thì khi có, khi không, nhưng nước thì lúc nào cũng vẫn có. Nước là dụ cho bản tánh hay chơn tâm, còn sóng là dụ cho vô minh hay phiền não. Muốn hết phiền não thì phải dừng vô minh. Muốn không có sóng thì gió phải dừng lại.
Đó là ý nghĩa của sự tu hành là diệt trừ phiền não. Tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, hay trì chú v.v… vô lượng pháp môn Phật dạy cũng nhắm thẳng vào một mục đích duy nhất đó. Nói rõ hơn là Phật muốn cho chúng sanh nhận và hằng sống lại với cái thể tánh chơn thật sáng suốt hằng hữu bất sanh bất diệt sẵn có của chính mình. Sở dĩ nói bất sanh bất diệt là vì cái thực thể nầy vốn nó không có hình tướng, giống như hư không. Hư không thì không có sanh có diệt. Tuy nhiên, hư không thì vô tri, nhưng tánh giác thì hằng tri hằng giác. Khác nhau là ở chỗ đó. Thế nên, Kinh Bát Nhã nói: “Thị chư pháp Không Tướng, bất sanh, bất diệt” v.v… Tướng của các pháp thì giả có, nhưng tánh của các pháp thì không. Nhưng cái “Tánh Không” nầy, xin chớ vội lầm hiểu là không trơn như lông rùa sừng thỏ. Mà cái “Không” nầy là cái “Không Chơn Thật” của vạn pháp.
Đứng về mặt tu hành mà nói, thì cái chánh nhân Phật tánh tuy sẵn có, nhưng vì bị vô minh phiền não che lấp, nên có đó mà cũng như không. Đây là nghĩa Như Lai tại triền (tánh giác còn bị các thứ phiền não trói buộc). Khi nào hành giả nỗ lực gia công tu hành chuyển hóa hết vô minh phiền não, thì cái thể tánh thanh tịnh sáng suốt kia mới hiện bày. Đây là nghĩa Như Lai xuất triền (tánh giác ra khỏi phiền não nhiễm ô ràng buộc). Cũng thí như mây tan, thì trăng hiện, chỉ cần vẹt tan mây mù vô minh, thì ánh trăng Chơn Như sẽ hiện bày.
49. Minh tâm kiến tánh là nghĩa gì?
Hỏi: Kính thưa thầy, xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con hiểu về ý nghĩa của minh tâm kiến tánh như thế nào?
Đáp: Minh tâm hay kiến tánh ý nghĩa không khác mấy. Minh tâm là nhận rõ cái bản tâm hay bản tánh chơn thật nói ở trên. Nghĩa là phải biết rõ cái tâm nào chơn thật và cái tâm nào giả dối. Kiến tánh là ngầm nhận hay thấy rõ cái tánh chơn thật của chính mình. Hiện tại mình đang sống cuốn hút theo dòng vô minh vọng động, không phút giây nào tâm thức mình yên cả. Dù mình sẵn có cái bản tánh chơn thật đó, nhưng mình có nhận được đâu. Bởi do không nhận được nên mình cứ mãi bám theo vọng tưởng lăng xăng tạo nghiệp lành dữ để rồi mãi trôi lăn trong dòng sanh tử khổ đau. Phật muốn cho mình nhận được cái bản tánh chơn thật đó, nên Phật dạy bao nhiêu kinh điển cũng chỉ nhắm thẳng vào một mục đích chính duy nhất đó mà thôi.
Nghĩa lý nầy rất thâm áo, không phải chỉ nói trên lý thuyết mà có thể hiểu được. Muốn hiểu, cần phải có sự thật hành. Phải đi sâu vào đời sống tâm linh. Phải có những thời giờ yên tịnh thiền quán, thì may ra chúng ta mới có thể nhận hiểu được chút ít phần nào. Như người uống nước lạnh nóng tự biết. Tuy nhiên, nếu Phật tử muốn hiểu rõ hơn về vấn đề nầy, thì Phật tử có thể tìm đọc quyển Kiến Tánh Thành Phật của Thiền Sư Chân Nguyên soạn vào đời Hậu Lê ở nước ta, do Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng giải xuất bản năm 2000, để nghiên cứu tìm hiểu cặn kẽ thêm.
Kính chúc Phật tử luôn được dồi dào sức khỏe và luôn tinh tấn trên con đường tu học trau dồi Phật pháp ngày càng thêm tiến bộ.
50. Tụng kinh cầu siêu khác ngôn ngữ, người chết có nhận hiểu hay không?
Hỏi: Kính bạch thầy, cha mẹ hai bên của con là người Hoa, không biết nói và hiểu tiếng Việt, mà quý thầy tụng kinh bằng tiếng Việt, vậy không biết họ có hiểu hay không? Nếu không hiểu thì làm sao họ siêu thoát? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.
Đáp: Đó là quan niệm theo nhận thức phân biệt thường tình của chúng ta. Điều nghi ngờ nầy, không phải là vô lý. Vì ai cũng biết, lúc còn sống trong khi giao tiếp với những sắc dân có các nguồn gốc ngôn ngữ khác nhau, nếu mình không học hỏi những ngoại ngữ đó thì làm sao mình hiểu biết được. Trên thế giới, cứ mỗi một sắc dân là có một loại ngôn ngữ riêng biệt của họ. Thế thì, một người thường làm sao có thể thông hiểu cho hết mọi thứ ngôn ngữ trên đời? Lúc còn sống đã thế, khi chết thì sao? Tụng kinh khác ngôn ngữ của mình, liệu họ có thể nghe hiểu được không?
Xin thưa, không có gì là trở ngại không hiểu cả. Vì sao? Vì con người sau khi chết, nếu không phải là người cực thiện hay cực ác, thì tất cả đều rơi vào trung ấm thân. Mà cái thân trung ấm nầy, trong kinh nói, nó rất là thông minh lanh lợi sáng suốt bén nhạy. Không có thứ gì mà nó không hiểu biết. Vì trung ấm thân có thần thông không giống như cái xác thân tứ đại (tiền ấm) của chúng ta. Kinh Địa Tạng nói: cái thân trung ấm nầy nó chỉ tồn tại được trong khoảng thời gian 49 ngày. Và sau đó, tùy theo nghiệp thiện ác đã gây tạo mà nó sẽ chiêu cảm thọ báo thân khác. Trong thời gian 49 ngày nầy, cứ mỗi 7 ngày là nó sẽ chết đi sống lại một lần. Thân trung ấm, nếu nhìn bằng nhục nhãn ta không thể nào thấy được. Chỉ có Phật và Bồ tát dùng huệ nhãn mới có thể thấy biết được hình thể của nó rất rõ ràng mà thôi.
Đã thế, thì mọi thứ ngôn ngữ trên đời, không có thứ ngôn ngữ gì mà thân trung ấm không hiểu biết. Sự hiểu biết của thân trung ấm không có ngăn ngại như chúng ta tưởng. Tuy rằng, ta không thể chứng minh cụ thể được. Chúng ta chỉ nên nghe theo lời Phật Tổ chỉ dạy mà thôi. Vì lời dạy của chư Phật là Thánh giáo lượng. Các Ngài không bao giờ nói sai sự thật. Chúng ta nên tin chắc điều đó. Như bình thường chúng ta không nghe thấy những hình ảnh và các thứ tiếng bàng bạc khắp trong không gian, chả lẽ vì không thấy, không nghe mà chúng ta cho là không có sao? Nếu muốn thấy nghe, thì chúng ta phải nhờ đến công cụ phương tiện máy móc như radio hay tivi v.v… Chỉ cần có những thứ phương tiện máy móc nầy là chúng ta sẽ thấy hình ảnh và nghe các thứ âm thanh ngay. Cũng thế, đối với con mắt thịt thường tình của chúng ta, thì chúng ta không thấy, nhưng với con mắt trí huệ của Phật và Bồ tát thì các Ngài thấy biết rất tường tận. Do đó, nên các Ngài mới nói lại cho chúng ta biết. Tin hay không đó là quyền quyết định của mỗi người.
Tóm lại, Phật tử đừng lo họ không hiểu. Tuy nhiên, hiểu là một chuyện, còn có chịu hồi tâm tỉnh giác hướng thiện tu hành hay không lại là một chuyện khác. Cũng như hiện tại chúng ta còn sống đây, không phải ai nghe kinh điển hiểu biết rồi phát tâm tỉnh ngộ tu hành hết. Có đôi khi chúng ta chỉ nghe hiểu biết suông trên văn tự chữ nghĩa không thôi. Vì vậy, điều quan trọng là phải hồi tâm tỉnh thức hướng về con đường lành tu hành giải thoát, đó mới là điều quan trọng đáng nói mà thôi.
Kính chúc Phật tử đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong đời sống hướng thiện.