Một Số Vấn Đề Trong Truyền Thọ Giới Tỳ Kheo Ni Hiện Nay

27/04/20224:20 SA(Xem: 2240)
Một Số Vấn Đề Trong Truyền Thọ Giới Tỳ Kheo Ni Hiện Nay
MỘT SỐ VẤN ĐỀ
TRONG TRUYỀN THỌ GIỚI TỶ-KHEO-NI HIỆN NAY
Thích Chơn Trí

ni gioiKhi nữ giới được phép xuất gia, đắc giới Cụ túc như Pháp phải dựa trên nền tảng Bát kỉnh pháp 1, kể từ đó Tỷ-kheo-ni chính thức trở thành thành viên của Tăng đoàn, nhưng Luật có những quy định riêng biệt giữa Tăng và Ni.

Luật tạng đưa ra một trong những điều kiện chính yếu để đắc giới Tỷ-kheo-ni đó là giới tử Ni đến giữa hai bộ Tăng (Tăng Tỷ-kheo và Tăng Tỷ-kheo-ni) để cầu thọ giới. Tức là sau khi Sa-di-ni đã thọ học giới Thức-xoa-ma-na đủ hai năm thanh tịnh, được phép thọ Cụ túc trước hai bộ Tăng gồm 10 vị Tỷ-kheo và 10 vị Tỷ-kheo-ni; nơi biên địa thì mỗi bộ Tăng gồm 5 vị2. Việc truyền thọ giới Tỷ-kheo-ni được chia làm hai giai đoạn: Bản bộ Yết-ma (tác pháp Yết-ma giữa Ni bộ, thuật ngữ chính xác là Tăng Tỷ-kheo-ni) và Chánh pháp Yết-ma (tác pháp Yết-ma giữa Tăng Tỷ-kheo).

Về phần Bản bộ Yết-ma, chỉ gồm 8 mục trong quá trình Yết-ma3: 1-Thỉnh Hòa thượng Ni; 2-Yết-ma sai giáo thọ Ni; 3-Giáo thọ Ni hướng dẫn giới tử về các già nạn; 4-Đơn bạch gọi giới tử đến trước Tăng ; 5-Giới tử bạch Tăng xin giới; 6-Đơn bạch chính thức hỏi các già nạn trước Tăng (chữ Tăng ở đây là Ni bộ-Tăng Tỷ-kheo-ni); 7-Chính thức hỏi các già nạn; 8-Bạch tứ Yết-ma trao giới Cụ túc.

Sau khi Ni bộ bạch tứ Yết-ma thì dứt phần Bản bộ Yết-ma. Ngay hôm đó, Ni bộ dẫn các giới tử Ni sang giữa đại Tăng Tỷ-kheo để xin tác Chánh pháp Yết-ma, không được cách đêm. Các tiết mục khác như nói tám Ba-la-di, các pháp sở y, tám kỉnh pháp… phải do Tăng Tỷ-kheo trong phần Chánh pháp Yết-ma này4.

Túc số Tăng Tỷ-kheo ở đây là 10 vị, trong đó chỉ cử ra một vị làm Yết-ma, các vị khác đều làm tôn chứng chứ không có Hòa thượng truyền giới.

Sau khi dẫn giới tử Ni đến trước Tăng Tỷ-kheo xong, theo Luật Tứ phầnTăng Tỷ-kheo sẽ hỏi giới tử Ni có thanh tịnh không? Tiếp đến hỏi vị Giáo thọ Ni xem các giới tử này có thanh tịnh không? Đến ngang đây, phận sự Ni bộ xem như tạm xong. Các giới sư Ni phải tạm ra khỏi giới trường, để Tăng Tỷ-kheo tiến hành tác pháp Yết-ma, vì Tăng và Ni không được chung một giới trường mà Yết-ma, bởi Yết-ma như vậy là phi pháp.

Vấn đề hướng dẫn giới tử Ni tiến hành các thủ tục cầu thỉnh được mạch lạc thì giới đàn hiện nay đã có vị dẫn thỉnh. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà hiện nay một số giới đàn lại để giới sư Ni ngồi chung trong giới trường, ở trên thì Tăng Tỷ-kheo vẫn tác pháp Yết-ma? Thậm chí có một số giới đàn thuộc một hệ thống Tăng - Ni có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, cũng rất xem nhẹ việc này, trong một giới đàn truyền thọ giới Cụ túc, ngay trong giới trường mà Tăng - Ni ngồi chung, và làm chung một Yết-ma. Yết-ma như vậy nếu căn cứ theo Luật thì được xem là phi pháp. Yết-ma đã phi pháp thì liệu rằng giới tửđắc giới không? Cụm từ “Thọ giới giữa hai bộ Tăng” ở đây cần hiểu là trình diện với hai bộ Tăng, chứ không phải hai bộ Tăng cùng trong giới trườngtác pháp Yết-ma.

Một vấn đề khác ở đây, sau khi Tăng Tỷ-kheo bạch tứ Yết-ma xong, lúc đó giới thể Tỷ-kheo-ni mới thành tựu, giới tử Ni chính thức trở thành Tỷ-kheo-ni. Giới thể thành tựu, Tăng Tỷ-kheo mới bắt đầu nói về giới tướng, gồm tám ba-la-di, các pháp sở y, tám kỉnh pháp, và các vấn đề y bát cũng được tiến hành ở đây. Tức là giới thể đã thành tựu thì mới lãnh thọ giới tướng.

Nhưng hiện nay một số giới đàn lại làm khác với điều này, tức Ni bộ truyền luôn tám ba-la-di, các pháp sở y, và y bát, tọa cụ… ngay tại phần Bản bộ Yết-ma. Người viết từng thắc mắc điều này khi thấy một giới đàn làm như vậy, một vị có chức trách trong giới đàn đó cho biết, và đem luôn một cuốn sách ra làm căn cứ, vị ấy cho rằng đang tiến hành theo Nghi thức truyền giới do Hòa thượng Đỗng Minh tập thành5. Đa số các tỉnh miền Trung đều sử dụng nghi thức này.

Tìm đọc cuốn Nghi thức truyền giới này, người viết thấy rằng, sách được tái bản nhân lễ đại tường của Hòa thượng, do ban phiên dịch đứng tên. Về thẩm quyền Giới luật của Hòa thượng tác giả thì ngài là một trong những bậc thầy đi đầu trong công cuộc hoằng truyền Luật học. Tuy nhiên người viết là kẻ hậu học không đủ túc duyên diện kiến ngài lúc sinh tiền nên có nhiều khúc mắc trong cuốn sách này mà chưa được giải đáp. Ví dụ như giới tử Ni thọ y bát ở giữa Bản bộ Yết-ma, xưng “con là Tỷ-kheo-ni….”. Tuy nhiên, khi đến giữa Tăng Tỷ-kheo thì lại xưng “con là Thức-xoa-ma-na….”. Tức mới vừa bên Ni thì giới tử xưng bản thân là Tỷ-kheo-ni, một lúc sau sang giữa Tỷ-kheo Tăng thì lại xưng bản thân là Thức-xoa-ma-na? Và mặc dù xưng là Thức-xoa-ma-na nhưng trên thân giới tử đã khoác y Tỷ-kheo-ni?6

Một ví dụ khác, phần Giáo thọ Ni dẫn giới tử Ni vào giới trường, sách viết: “Giáo thọ Ni đến trước Tăng, lạy một lạy, quỳ chắp tay bạch: “Kính bạch chư Đại đức Ni lắng nghe…. Bạch như vậy, tác bạch có thành không?”. Tôn chứng Ni đáp: “Thành7”. Đoạn này có vấn đề như sau: Ở đây vị Giáo thọ Ni chỉ làm nhiệm vụ đơn bạch, tức là thưa giữa Ni bộ việc có giới tử cầu thọ giới Cụ túc, chứ không phải là Yết-ma nên không thể hỏi đáp theo hình thức Yết-ma như vậy được. Sau khi vị Giáo thọ ra giữa Ni bộ thưa xong, Ni bộ chấp thuận cho giới tử vào thì vị Giáo thọ về ngồi lại vị trí của mình, gọi giới tử vào, lúc đó mới bắt đầu tác pháp Yết-ma. Giả sử như xem việc Giáo thọ Ni thưa giữa Ni bộ là một Đơn bạch Yết-ma, thì việc Yết-ma cũng thành phi pháp, bởi vì vị Giáo thọ quỳ, còn các vị tôn chứng đang ngồi. Trong số các vị được kể vào túc số tác pháp Yết-ma cùng hiện diện trong một giới trường thì việc người ngồi, người quỳ để Yết-ma thì Yết-ma đó sẽ phi pháp.

Tóm lại, giới thể Tỷ-kheo-ni chỉ thành tựu khi Bạch tứ Yết-ma ở phần Chánh pháp Yết-ma đã hoàn tất, chứ không phải giới thể Tỷ-kheo-ni thành tựuBạch tứ Yết-ma giữa phần Bản bộ Yết-ma. Nếu giới thể chưa thành tựu thì không có việc giới tướng được truyền trao, tức là chưa chính thức trở thành Tỷ-kheo-ni thì không được đắp y Tỷ-kheo-ni và tự xưng bản thân là Tỷ-kheo-ni với Giới sư Ni? Còn nếu như đã đắp y Tỷ-kheo-ni trên người rồi thì lúc sang giữa Tăng Tỷ-kheo không thể xưng “con là Thức-xoa-ma-na….”?

Trước thực tế còn tồn tại những điều bất nhất như đã nêu, thiết nghĩ, đã đến lúc Hội đồng Giám luật và các vị có đủ thẩm quyền về Luật tạng hãy cùng nhau ngồi lại và thống nhất về một nghi thức truyền giới, ít nhất trong phạm vi một tổ chức, để cho pháp Phật được truyền thừa một cách có hệ thốngchuẩn xác hơn.

Mặc dù “phương tiện tùy nghi”, tức là tùy điều kiện, hoàn cảnh lúc đó để áp dụng cho phù hợp, thuận tiện nhưng cần “vô thi bất khả”, tức nếu khônglý do chính đáng thì không thể giản lược một cách tùy tiện được. Những tình tiết nêu trên tưởng chừng như nhằm mục đích đơn giản, rút gọn thời gian lúc tiến hành truyền thọ giới, nhưng có thể sinh ra nhiều điều không hay về lâu dài, mà nói theo ngôn ngữ Luật là “bất đắc vi việt”, không thể vượt qua vậy.

-------------------------------

1 Đại, T22n1428. Tứ phần luật, quyển 48;

Tham chiếu: Tứ phần, quyển 48; Ngũ phần, quyển 29 (Đại, T22n1421); Ma-ha-tăng-kỳ, quyển 36 (Đại, T22n1425).

3 Thích Trí Thủ (2011). Yết-ma yếu chỉ. Thích Đỗng Minh, & Thích Tuệ Sỹ (đồng biên tập). Nxb.Phương Đông. Tr.192.

Tham chiếuTứ phần luậtquyển 31. Ngũ phần luật, quyển 15. Tứ phần Tỳ-kheo ni Yết-ma pháp, phần Thọ giới pháp (Đại, T22n1434). Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất Yết-ma, quyển 3 (Đại, T24n1453).

5 Thích Đỗng Minh (tập thành) (2007). Nghi thức truyền giới, Nxb Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh.

6 Sđd. Phần Giới đàn ni.

7 Sđd. Tr.126.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
31/10/2010(Xem: 29203)
20/12/2019(Xem: 10260)
18/02/2020(Xem: 7500)
27/06/2021(Xem: 13888)
12/01/2015(Xem: 17566)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.