X: Đại Tạng Kinh

24/06/20229:34 SA(Xem: 2316)
X: Đại Tạng Kinh

VŨ THẾ NGỌC
KINH PHẬT
NGUỒN GỐC và PHÁT TRIỂN
Buddhist Sutras: Origin and Development

 

CHƯƠNG X

HOÀN THÀNH ĐẠI TẠNG KINH

 

1. ĐẠI TẠNG KINH QUA CÁC THỜI ĐẠI

Trước khi được khắc in mộc bản – là nội dung chúng ta sẽ thảo luận trong chương này – thì hình thức đại tạng kinh chép tay xuất đã xuất hiện từ thời Nam Bắc Triều (317-589). Danh từ Đại Tạng Kinh (大藏經) có nghĩa là “toàn thể kinh Phật trong ba tạng Kinh Luật Luận” bắt đầu dùng từ thời nhà Đường (618-907), triều đình lại còn ra lệnh các kinh Phật mới dịch hoặc các sớ luận quan trọng của các danh sư đều phải nộp một bản vào đại tạng. Trong thời Nam Bắc Triều (317-589), ở miền bắc vua Bắc Ngụy là Hiếu Minh Đế (tại vị 515-528), ở miền nam vua Nam Tề là Minh Đế (tại vị 494-498) đều từng cho lệnh biên chép đại tạng kinh. Sử còn ghi các vua Vũ Đế (tại vị 557-559), Văn Đế (tại vị 559-566), vua Huyền Đế (tại vị 568-582) của nhà Trần đều cho lệnh chép đại tạng kinh phân phối cho các chùa. Sử Trung Hoa còn ghi rõ khi thống nhất đất nước, chấm dứt thời Nam Bắc Triều, Tùy Văn Đế (tại vị 581-604) đã ra lệnh chép 64 bộ Đại Tạng Kinh để cúng dường các đại tự trong lãnh thổ mà ông mới thống nhất.

Lịch sử hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán là một kết quả trọng yếu của lịch sử Phật Giáo Trung Hoa trải qua các triều đại Hán, Ngụy, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, Tùy, Đường, Ngũ Đại. Mỗi thời kỳ trong quá trình hình thành Đại Tạng Kinh này cũng là những giai đoạn phát triển Phật Giáo Trung Quốcchúng ta vừa xem qua lịch sử phát triển các Kinh Lục trong chương trước. Cho nên việc khắc in toàn bộ tam tạng kinh luật luận gọi là Đại Tạng Kinh chính là kết quả cuối cùng của lịch sử phát triển và hình thành kinh điển Phật giáo Hán Tạng.

Việc tổ chức in mộc bản toàn thể các kinh luận xứng đáng gọi là Tam Tạng Kinh (Tripiṭaka) là một công tác vô cùng lớn lao. Bình thường thì chỉ có triều đình mới có khả năng khắc in mộc bản toàn thể một Đại Tạng Kinh gồm có cả ngàn bộ kinh như thế. Tuy nhiên sau đó nghề in mộc bản cũng tiến bộ hơn, tư nhân và tự viện cũng thường tự đứng ra khắc in. Truyền thống đó tiếp tục cho đến thời hiện tại, cho nên đại đa số các cơ sở in ấn Đại Tạng Kinh ngày nay đều là các tổ chức công cộng phi lợi nhuận. Trước thế kỷ thứ mười, Trung Hoa đã tổ chức nhiều lần khắc in kinh Phật riêng rẽ, nhưng cho đến năm 971 Trung Hoa mới có khả năng in toàn bộ Tam Tạng Đại Tạng Kinh lần đầu tiên. Đó là đại tạng kinh có tên là Thục Bản (蜀版) tên đầy đủ gọi là Thục Bản Đại Tạng Kinh (蜀版蜀版大藏經) vì được khắc in ở đất Thục (Tứ Xuyên) vào năm 971. Thục Bản Đại Tạng Kinh đại tạng được in lần đầu tiên và có tiêu chuẩn rất cao trong thời đại đó, vì vậy Thục Bảnảnh hưởng rất lớn trên các Đại Tạng Kinh in sau, dù khắc in ở Trung Hoa hay ở nước ngoài như Nhật Bản hay Cao ly.

Những bản kinh của Thục Bản cũng như các Đại Tạng Kinh cổ cuối cùng ở Trung Hoa đã bị cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông tìm thấy và đốt gần hết. Nhưng may mắn chúng ta vẫn nhờ Nhật Bản còn giữ lại được một số. Mới đây, năm 2018, Thư Viện Quốc Gia Trung Ương Bắc Kinh nhờ sự hỗ trợ của Phật Giáo Nhật Bản đã hoàn tất việc phục chế ấn bản Tư Khê Viên Giác Đại Tạng Kinh (思溪圓覺大藏經) do chùa Viên Giác ở Triết Giang khắc in hoàn toàn vào năm 1132 cuối đời Bắc Tống. Đại tạng kinh Viên Giác tuy không phài là đại tạng kinh đầu tiên, nhưng nó vừa lấy tiêu chuẩn Thục Bản (Đại Tạng Kinh khắc in đầu tiên) vừa bổ túc được nhiều sai sót của bản này, nên từ xưa vẫn được đánh giá quan trọng hơn cả Thục Bản.

Nhưng bản khắc in (mộc bản) thì vì nhiêu khê nặng nề và thời gian mối mọt, chúng ta hầu như khó có thể giữ được, trừ một kỳ công là mộc bản của Cao Ly Tạng (高麗藏) là Đại Tạng Kinh của Triều Tiên. Cao Ly Tạng được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mang nhiều dấu vết của đại tạng kinh đầu tiên in bằng mộc bản là Thục Bản. Tuy nhiên điều thần kỳ ở đây không phải chúng ta chỉ còn giữ ấn phẩm in giấy mà còn giữ được toàn vẹn hơn 82 ngàn bản khắc gỗ của đại tạng này từ thế kỷ XIII, hiện được tàng giữ tại chùa Hải Ấn (海印寺) Nam Triều Tiên. Trong luận Bát Nhã Tâm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng mới xuất bản (2019) tôi cũng đã giới thiệu về bộ kinh độc đáo này.  Sau đây chúng ta sẽ lược qua các Đại Tạng Kinh Hán ngữ quan trọng đã được khắc in trong lịch sử Trung Hoa.

ĐẠI TẠNG KINH IN THỜI NHÀ TỐNG

Triều nhà Tống (960-1279) có tám lần khắc in Đại Tạng là: 1. Khai Bảo Tạng (Thục Bản), 2- Sùng Ninh Vạn Thọ Tạng (Đông Thiền Tự Bản), 3- Tỳ Lô Tạng (Phúc Châu Khai Nguyên Tự Bản), 4- Viên Giác Tự Đại Tạng Kinh (Viên Giác Tạng), 5- Tư Phúc Tạng (Tư Khê Pháp Bảo Tự Bản), 6- Thích Sa Tạng, 7- Khất Đan Tạng (Liêu Tạng), 8- Triệu Thành Tạng (Kim Tạng). Trừ bộ Khai Bảo Tạng là do triều đình khắc in các đại tạng còn lại phần nhiều đều do tư nhân khắc in.

971- Thục Bản Đại Tạng Kinh 蜀版大藏經 (971-983)

Thục Bản Đại Tạng Kinh hay Khai Bảo Tạng Tam Tạng Đại Tạng Kinh đầu tiên được khắc in mộc bản vào năm 971 ở Ích Châu, Thành Đô Tứ Xuyên. Tứ Xuyên tên cũ là Thục nên tam tạng kinh còn có tên là Thục Bản (蜀版) hay Tứ Xuyên bản (四川版). Thục Bản cũng gọi là Tống Quan Bản (宋官版) vì là do vua Tống Thái Tổ (960-976) cho in. Khi in đại tạng này người ta đã phải dùng đến 130,000 bảng gỗ khắc. Từ khi khắc gỗ đến khi hoàn thành kéo dài đến 12 năm (971-983). Thục Bản Đại Tạng Kinh gồm có 5,586 bộ kinh luận (trong đó có 5,048 bộ đã có tên trong Khai Nguyên Thích Giáo Lục của Trí Thăng viết năm 730). Thục Bản như vậy gồm 279 bộ mới chưa hề có trong các liệt kê Kinh Lục cũ. Là bản in mộc bản đầu tiên, và phải cần đến 13 năm để hoàn thành, cho nên chúng ta thấy Thục Bản Đại Tạng Kinhtiêu chuẩn rất cao trong thời đại đó. Vì vậy Thục Bảnảnh hưởng rất lớn trên các bản Đại Tạng Kinh in sau, dù khắc in ở Trung Hoa hay ở nước ngoài như Nhật Bản hay Cao ly. Cũng vì được in mộc bản nên số lượng Thục Bản Đại Tạng Kinh có khá nhiều nên cũng được phân phối rất rộng. Triều TiênNhật Bản nhờ có được toàn bộ Đại Tạng Kinh này nên sau đó Phật học đều tiến bộ. Riêng về việc in kinh ở hai quốc gia này, sau đó phát triển rất tốt. Trong đó có Cao Ly Bản Đại Tạng Kinh từ thế kỷ XIII chúng ta đã giới thiệu ở trên. Cao Ly Tạng có thể gọi là Đại Tạng Kinh tốt nhất cho đến khi Đại Chính Tạng của Nhật Bản xuất hiện vào đầu thế kỷ XX. Việt Nam cũng đã ba lần xin được Đại Tạng Kinh nhưng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam chưa hề thấy có ai tham khảo Đại Tạng Kinh.[1]

            Thục Bản Đại Tạng Kinh được mang tặng vua Triều Tiên Songjong của triều đại Cao Ly (918-1392) vào năm 990. Thục Bản chính là cơ sở cho việc khắc in Cao Ly Tam Tạng Kinh thường được thế giới gọi là “Cao Ly Tạng” (Goryo Tripitaka 高麗藏). Cao Ly Tạng được in khắc trong hơn nửa thế kỷ (1011-1087). Thời gian sở dĩ kéo dài như thế vì thật ra trong thời gian này Triều Tiên đã khắc in chính thức đến ba lần. Lần thứ nhất là do vua Hiển Tông nước này sau khi đuổi được quân Khiết Đan về nước, nhà vua liền phát nguyện khắc in Đại Tạng Kinh. Lần thứ nhì khi vua Cao Tông vừa phát động in thì Triều Tiên bị quân Mông Cổ xâm lăng và đốt hết nên phải đợi ba năm sau mới tiến hành việc in kinh. Lần in cuối cùng cũng hoàn thành được công tác lớn lao này vào năm 1251. Cao Ly Đại Tạng Kinhtổng số chữ là 52,382,960 chữ Hán được khắc trên 81,137 tấm mộc bảng. Điều kỳ diệu của Đại Tạng này là hơn 52 triệu chữ Hán đó không hề có chữ nào bị khắc sai. Điều kỳ diệu khác còn thần bí hơn nữa là từ năm 1399 tám mươi hai ngàn tấm mộc bản đó được di dời về Hải Ấn Tự (海印寺) cho đến ngày nay, trải qua gần tám trăm năm chiến tranh lớn như thế mà Đại Tạng vẫn còn như nguyên vẹn. Đại Tạng Kinh danh tiếng hiện đại Đại Chính Tạng của Nhật Bản có được cũng là nhờ phần tham khảo bộ kinh cổ kính này.

1080- Đông Thiền Bản (東禪版)

Đông Thiền Bản còn gọi là Tôn Ninh Bản hay Phúc Châu Đông Thiền Tự Bản (福州東禪寺版) được khắc in cuối đời Bắc Tống, gồm 1,450 bộ (6,434 quyển). Đây là đại tạng lần thứ hai sau Thục Bản được khắc in và là đại tạng đầu tiên do tư nhân đứng khắc in, cho nên thời gian hoàn tất kéo dài đến 23 năm (1080-1103),

            Ở Trung Hoa thì sau Thục Bản chúng ta phải kể đến đại tạng kinh gọi là Đông Thiền Tự Bản (東禪寺版) vì vốn được in ở chùa Đông Thiền thuộc thủ phủ Phúc Châu (福州) của tỉnh Phúc Kiến ngày nay, nên cũng thường được gọi là “Phúc Châu Đông Thiền Tự Bản” (福州東禪寺版). Đông Thiền Tự Bản được khắc in trong thời gian 24 năm từ năm 1080 đến năm 1103. Đại tạng kinh Đông Thiền Tự lấy mẫu mực từ Thục Bản, nhưng Đông Thiền Tự Bản có đến 6,434 quyển so với 5,586 quyển của Thục Bản in năm 971. Như thế thì trong hơn trăm năm số lượng kinh đã tăng đến 848 quyển. Tuy nhiên việc có ý nghĩa hơn là Đông Thiền Tự BảnĐại Tạng Kinh đầu tiên do tư nhân tự đứng lên huy động khả năng để tự in và cũng là đầu tiên sử dụng cách thức xếp lại thành sách (như sách ngày nay, mặc dầu theo truyền thống vẫn gọi là quyển). Đời sau, vào các năm 1156, 1172 và 1176 đều có tu bổ, khắc thêm và in lại.

1112- Phúc Châu Tạng 福州藏

Phúc Châu Tạng hay còn gọi là Tỳ  Lô Tạng hay Phúc Châu Khai Nguyên Tự Bản, do ngài Bản Minh trụ trì chùa Khai Nguyên ở Phúc Châu, bắt đầu khắc in vào thời Tống Huy Tông Chánh Hoà năm thứ hai (1112) và hoàn tất vào năm 1150. Sau đó cũng được khắc thêm và in lại hai lần. Tổng cộng Phúc Châu Tạng có 1,451 bộ (6,132 quyển). Hiện nay toàn tạng đã mất

1231- Thích Sa Duyên Thánh Viện Bản 磧砂延聖院版

Thích Sa Duyên Thánh Viện Bản gọi tắt là Thích Sa Tạngđại tạng do Ni Sư Hoằng Đạo ở Trần Hồ Phủ Bình Giang (nay là Trần Hồ ở Giang Tây) khắc in trong 79 năm từ đời Nam Tống (1231-1322) và hoàn tất vào thời nhà Nguyên, gồm có 1,532 bộ  (6,362 quyển).  

1132- Tư Khê Viên Giác Tạng (思溪藏)

Tư Khê Viên Giác Đại Tạng Kinh (思溪圓覺大藏經) do chùa Viên Giác ở Hồ Châu (Nay là Ngô Hưng Triết Giang) được khắc in hoàn toàn vào năm 1132 vào cuối đời Bắc Tống (960-1126). Tất cả mộc bản và bản in đã mất từ lâu ở Trung Hoa. Tuy nhiên một bản in còn giữ được tại chùa Iwaya-ji ở tỉnh Ehime Nhật Bản do nhà ngoại giao nhà Thanh là Yang Shoujing (1839-1915) tặng. Từ Khê Tạng gồm có 1,433 bộ (5,824 quyển).

Tháng 6 năm 2018 ủy ban liên hợp giữa Thư Viện Quốc Gia Trung Hoa Bắc Kinh và các chuyên gia Nhật Bản trong buổi lễ tổ chức ở tòa thị chính Hồ Châu thông báo họ đã hoàn thành việc tái tạo bản Tư Khê Tạng sau bẩy năm nỗ lực. Quả thật đây là tin vui cho những người nghiên cứu Phật học vì Tư Khê Tạng hiện nay được coi là cổ bản Đại Tạng Kinh Hán ngữ cổ nhất còn hiện hữu đầy đủ sau cả ngàn năm. Bà Xu Liling giám chế chương trình hợp tác đã cảm động rơi lệ cho biết “Khi tôi nhận được hộp đĩa cứng chứa đựng bộ Đại Tạng quí báu này từ Nhật gửi qua tôi chỉ biết run rẩy ôm nó mà không thể nói được gì.”

1237- Tư Khê Pháp Bảo Tự Bản (思溪法寳寺版)

Tư Khê Pháp Bảo Tự Bản còn gọi là Tư Phúc Tạng vì do Tư Phúc Thiền Tự tại Tư Khê khắc in giữa những năm Nam Tống, khắc in từ năm 1237 cho đến 1252 mới hoàn thành. Đại Tạng này gồm 1,459 bộ (5,740 quyển). Có người cho rằng chùa Tư Phúc chính là hậu thân của Tư Khê Viên Giác thiền việnhình thức của bản Viên Giác và bản Tư Phúc tương đồng.

Ở Trung Hoa, các mảnh kinh sót lại của hai bộ Đại Tạng Kinh Tư Khê đã bị phong trào cách mạng văn hóa thời Mao Trạch Đông đốt gần hết, nhưng nhiều bản Tư Khê mang đến Nhật Bản hãy còn được gìn giữ ở các chùa như Zōjō-ji ở Tokyo, Hase-Deera gần Nara, Kita-in ở hạt Saitama. Tại Nhật Bản thời Edo (1603-1868) sư trưởng Tenkai của chùa Kan’eiji cũng cho in một Đại Tạng Kinh bằng kỹ thuật hoạt tự (chữ rời thay vì khắc thành bản) gọi là “Ban Tenkai” dựa trên nội dung của bản Thư Khê Pháp Bảo Tự.

- Liêu Tạng

Nhà Tống Trung Hoa bị các quốc gia phía bắc Liêu, Kim, Mông lần lượt chiếm giữ. Sau lui về miền nam gọi là Nam Tống rồi lại bị Mông Cổ hoàn toàn chiếm giữ và lập ra triều đại nhà Nguyên. Cho nên sử Trung Hoa, trong đó có sử Phật giáo Trung Hoa cũng lẫn lộn các danh từ nhà Liêu, nhà Kim với nhà Tống. Cho nên có hai Đại Tạng Kinh do nước Liêu và Kim khắc in, cũng được gọi là “Tống” như hai Đại Tạng Khất Đan và Kim. Liêu Tạng tức Khất Đan Đại Tạng Kinh bắt đầu khắc từ thời Liêu Thánh Tông và hoàn thành vào đời Liêu Đạo Tông, tổng cộng có khoảng 1,373 bộ (6,006 quyển).

- Kim Tạng

Kim Tạng này do chùa Thiên Ninh ở Giải Châu đời Kim khắc in. Kim Tạng bắt đầu khắc vào năm 1149 và hoàn thành vào năm 1173 gồm 1,570 bộ (6,900 quyển).

ĐẠI TẠNG KINH IN THỜI NHÀ NGUYÊN

Nhà Nguyên (Mông Cổ) khi đô hộ Trung Hoa lấy Phật giáo Mật tông Tây Tạng là  quốc giáo nhưng cũng có khắc in đại tạng kinh Hán ngữ. Lần thứ nhất là Hoằng Pháp Tạng do vua Nguyên Thế Tổ hạ chỉ khắc bản tại chùa Hoằng Pháp ở Bắc Bình vào năm 1277. Các đại tạng khắc in vao thời nhà Nguyên sau đây chúng ta chỉ biết được tên, vì hiện nay các bản khắc vào thời nhà Nguyên đều không còn.

1277- Hoằng Pháp Tự Bản (弘法寺版).

            Đến đời nhà Nguyên (1279-1368) cho in Đại Tạng ở chùa Hoằng Pháp Bắc Kinh gọi là Hoằng Pháp Tự Bản (弘法寺版). Đại Tạng Kinh này gồm 1,654 bộ (7,128 quyển) in vào những năm 1277-1294.

1278- Đại Phổ Ninh Tự Bản (大普薴寺版).

Đại Phổ Ninh Tự Bản do chùa Đại Phổ Ninh ở  Hàng Châu khắc in nên có tên đầy đủ là Hàng Châu Dư Hàng Huyện Bạch Vân Tông Nam Sơn Đại Phổ Ninh Tự Đại Tạng Kinh. Đại Tạng này được khắc in vào khoảng năm 1278-1294. Toàn tạng gồm có 1,278 bộ (6,010 quyển).

1330- Nguyên Quan Tạng (元官藏).

            Nguyên Quan Tạng tên gọi đủ là Nguyên Đại Quan Khắc Bản Đại Tạng Kinh, bắt đầu khắc khoảng đời Nguyên Văn Tông Thiên Lịch thứ 3 (1330) và hoàn thành vào năm 1336.

ĐẠI TẠNG KINH IN THỜI NHÀ MINH

Đời Minh có sáu lần khắc in Đại tạng kinh: Nam Minh Bản (Hồng Vũ Nam Tạng), Bắc Minh Tạng (Vĩnh Lạc Nam Tạng), Vĩnh Lạc Bắc Tạng, Vũ Lâm Tạng, Vạn Lịch Tạng (Lăng Nghiêm Tự Bản) và Kính Sơn Tạng (Gia Hưng Tạng). Ngày nay các tạng này tại Trung Hoa cũng thất lạc gần hết. Duy Vạn Lịch TạngKính Sơn Tạng còn giữ được ờ một vài chùa ở Nhật Bản.

1372- Nam Minh Bản (南明版) (1372-1403)

            Nam Minh Bản được khắc ở Nam Kinh vào đời Hồng Vũ thứ năm (1372) nên còn được goi là  Hồng Vũ Nam Tạng. Chu Nguyên Chương (làm vua 1368- 1398) sau khi thành lập nhà Minh (1368 -1644) cho in Tam Tạng KinhNam Kinh đựa trên bản Đông Thiền Tự Bản (1080). Nam Minh Tạng đến mãi năm 1403 mới hoàn thành, gồm có 1,610 bộ (7,000 quyển).

1421- Vĩnh Lạc Nam Bản (北明版) (1412-1417)

            Vĩnh Lạc Nam Bản khắc in từ năm 1412 đến năm 1417 dưới triều Vĩnh Lạc làm vua (1403-1424). Toàn tạng gồm 1,625 bộ. Thật ra đây chỉ là Nam Minh Tạng có thay đổi đôi chút.

1421- Vĩnh Lạc Bắc Bản (北明版) (1421-1440)

Đại tạng này được gọi là Vĩnh Lạc Bắc Tạng vì vua dời đô lên Bắc Kinh. Tạng này bắt đầu khắc từ năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421) đến năm Chính Thống thứ năm (1440) thì mới hoàn tất. Vĩnh Lạc Bắc Tạng tổng cộng có 1,621 bộ (6,361 quyển).

1422- Vũ Lâm Tạng

Vũ Lâm Tạngđại tạng do tư nhân khắc ở Vũ Lâm (Hàng Châu) tỉnh Triết Giang được khắc in khoảng năm Vĩnh Lạc thứ 20 (1422). Vũ Lâm Tạng dựa vào bản Hồng Vũ Nam Tạng mà phục khắc.

1589- Vạn Lịch Bản 萬歴版 (1589-1657)

Vạn Lịch Bản còn gọi là Lăng Nghiêm Tự Bản (楞嚴寺版) vì khắc in ở chùa Lăng Nghiêm và cũng gọi là Kính Sơn Tạng vì in ở Kính Sơn huyện Dư Khang tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là Đại Tạng do tư nhân là chùa Lăng Nghiêm ở Triết Giang khắc in nên cũng là bộ đại tạng từ khi bắt đầu khắc đến khi hoàn tất rất lâu – Kéo dài từ cuối đời nhà Minh Vạn Lịch thứ 17 (1589) qua thời nhà Thanh Thuận Trị 14 (1657). Bản đại tạng này cách mạng lối sắp xếp là tuy là cũng in một mặt nhưng gấp lại nên khi mở ra giống như quyền sách ngày nay. Vạn Lịch Tạng tổng cộng có 1,659 bộ (6,234 quyển). Vạn Lịch Tạng cũng chữa được các lỗi trong Tống Bản lại phát hành giá khá rẻ nên rất phổ biến. Nhiều bản được mang đến Nhật, làm nồng cốt cho bộ Đại Tạng in ở Nhật sau đó là Obaku Bản (Hoàng Bá bản)

1589- Kính  Sơn Tạng (1589-1676)

Kính Sơn Tạng còn gọi là Gia Hưng Tạng còn gọi là Kính Sơn Tạng, do tư nhân khắc in vào cuối đời nhà Minh đầu đời Thanh. Đại tạng được khởi sự khắc bản tại Ngũ Đài Sơn rồi rời đến Kính Sơn, Dư Hàng Triết Giang, mãi tới niên hiệu Khang Hy thứ 15 (1676) mới hoàn tất tại chùa Lâm Nghiêm - Gia Hưng. Toàn Tạng phân làm 3 bộ: chánh, tục và hựu tục. Đặc điểm của tạng này là hai bộ tục và hựu tục thu thập rất nhiều điển tịch ngoài tạng nên là một tài liệu rất quí cho người nghiên cứu. Hiện vẫn còn đầy đủ ở Nhật Bản

ĐẠI TẠNG KINH IN THỜI NHÀ THANH

1735- Càn Long Đại Tạng Kinh (1735-1738)

Càn Long Đại Tạng Kinh còn gọi Long Tạng, tên gọi đầy đủ là Càn Long Bản Đại Tạng Kinh, do triều đình đứng khắc in. Long Tạng khởi sự khắc vào năm Ung Chính thứ 13 (1735) hoàn thành năm Càn Long thứ ba (1738). Toàn tạng gồm có 1,669 bộ (7,168 quyển). Tạng này gần như khắc in lại Bắc Tạng của đời Minh.

1909- Tần Già Tạng (1909-1913)

Tần Già Tạng tên gọi đầy đủ là Tần Già Tinh Xá Hiệu San Đại Tạng Kinh là đai tạng kinh do tư nhân in. Khởi in vào vào năm cuối cùng của nhà Thanh trước khi độc lậphoàn thành năm Dân Quốc thứ 2 (1913). Toàn tạng gồm có 1,916 bộ, (8,416 quyển). Tạng này do Tinh Xá Tần Già ở Thượng Hải căn bản là theo Hoằng Giáo Tạng của Nhật Bản.

ĐẠI TẠNG KINH IN THỜI DÂN QUỐC

Trung Hoa Đại Tạng Kinh 中華大藏經

            Trung Hoa Đại Tạng Kinh được in dưới thời Trung Hoa Dân Quốc, sau khi thoát được nô lệ trong ba trăm năm dưới thời nhà Thanh Mãn Châu. Tạng này đặc biệt thu thập những trước tác dịch thuật về Phật học thời cận hiện đại. Đại Tạng lấy bản Triệu Thành Tạng làm bản gốc và dùng tám bộ đại tạng tiêu biểu làm đối chiếuPhòng Sơn Thạch kinh, Tư Phúc Tạng, Thích Sa Tạng, Phổ Ninh Tạng, Vĩnh Lạc Nam Tạng, Gia Hưng Tạng Cao Ly Tạng. Đây là bộ đại tạng kinh thu thập kinh điển phong phú nhất từ trước đến này của Trung Hoa.

Phật Giáo Đại Tạng Kinh 佛教大藏經

Khởi in từ năm 1977 đến năm 1983 tại Đài Loan gồm cả Chính Tạng lẫn Tục Tạng, gồm 162 tập (2.643 quyển). Đây là bộ Đại Tạng tương đối hoàn chỉnh nhất vì đã tổng hợp các bản Đại Chính Tạng, Tích Sa Tạng, Gia Hưng Tạng, Vạn Tự Chính và Tục Tạng. Điểm độc đáo của tạng này là có cả kinh tạng Pali và Tạng ngữ.

Phật Quang Sơn Đại Tạng Kinh 佛光山大藏經

Do pháp sư Tinh Vân của hội Phật Giáo Phật Giáo Phật Quang Sơn chủ biên. Nội dung công phu. Có lẽ sau Đại Chính Tạng Tạng Chữ Vạn đại tạng Phật Quang Sơn phổ biến rất rộng nhất hiện nay.

Đài Loan Phật Giáo Đại Tạng Kinh 臺灣佛教大藏經

Được in từ lễ Song Thập năm 1977 do Phật giáo Thư Cục Đài Loan xuất bản, gồm 82 tập. Tạng này lấy Tần Già Tạng làm nền, dùng Đại Chánh tạng, Thích Sa tạng Gia Hưng tạng để hiệu đính.

DANH SÁCH CÁC ĐẠI TẠNG KINH QUAN TRỌNG

971 Thục Bản Đại Tạng Kinh (蜀版大藏經) là Đại Tạng Kinh lần đầu tiên được in mộc bản, in khắc trong thời gian 971-983 ở Tứ Xuyên, gồm 5,586 quyển.

1080 Đông Thiền Bản (東禪版) tức Phúc Châu Đông Thiền Bản (福州東禪寺版). Đây là Đại Tạng Kinh đầu tiên do tư nhân đứng khắc in trong thời gian 23 năm (1080-1103), gồm 1,450 bộ (6,434 quyển)

1112 Khai Nguyên Tự Bản (開元寺版) còn gọi là Phúc Châu Khai Nguyên Tự Bản (福州開元寺版) khắc in trong thời gian 1112-1148  do chùa Khai Nguyên tổ chức, gồm 1,429 bộ (6,117 quyển)

1132- Tư Khê Viên Giác Viện Bản (思溪圓覺院版) Nam Tống Đại Tạng Kinh gồm 1,433 quyển (5,824 quyển) in  khoảng năm 1132-

1149 Kim Bản Đại Tạng Kinh (金版大藏經) in khắc trong thời gian 1149-1173 nhà Kim

1231 Thích Sa Duyên Thánh Viện Bản (磧砂延聖院版) soạn vào đời Nam Tống (1231-1322), gồm có 1,532 bộ kinh (6,362 quyển)

1237 Tư Khê Pháp Bảo Tự Bản (思溪法寳寺版) Đại Tạng Kinh do chùa Pháp Bảo in khắc in trong khoảng 1237-1252 thời Nam Tống gồm 1,459 bộ (5,740 quyển)

1277 Hoằng Pháp Tự Bản (弘法寺版) do chùa Hoằng Pháp ở Bắc kinh khắc in trong thời gian 1277-1294 gồm 1,654 bộ (7,182 quyển)

1278 Đại Phổ Ninh Tự Bản (大普寧寺本) còn gọi là Nguyên Bản Đại Tạng Kinh (元版大藏經) do Đại Phổ Ninh Tự khắc in trong thời gian 1278-1294, gồm 1,422 bộ (6,010 quyển). 

1372 Nam Tạng (南藏) Đại Tạng Kinh khắc in ở Nam Kinh trong thời gian 1372-1403, dưới thời nhà Minh, gồm 1,612 bộ.

1420 Bắc Tạng (北藏) Đại Tạng Kinh khắc in ở Bắc Kinh trong thời gian 1420-1440, trong thời nhà Minh, gồm 1,615 bộ.

1586 Lăng Nghiêm Tự Bản (楞嚴寺版大藏經) còn gọi là Vạn Lịch Bản Đại Tạng Kinh (萬藶版大藏經) khắc in 1586-1620, gồm 1655 bộ.

ĐẠI TẠNG KINH TRIỀU TIÊN

Trong lịch sử thành lập đại tạng kinh Hán tạng, Triều Tiênquốc gia thứ hai khắc in đại tạng Hán ngữ sau Trung Hoa và khắc in đến ba lần. Lần thứ nhất đại tạng kinh được in phỏng theo Khất Đan Tạng (Khất Đan lay Liêu lúc này cai trị miền bắc Trung Hoa). Ngày nay tạng này không còn dấu vết. Tuy nhiên chính thức là lần in Đại Tạng Kinh thứ hai trải dài từ 1011 đến 1087 gọi là Cao Ly Tam Tạng Kinh (Goryo Tripitaka), còn được gọi là Cao Ly Tạng (高麗藏). Cao Ly Tạng được in khắc trong hơn nửa thế kỷ (1011-1087). Thời gian sở dĩ kéo dài như thế vì thật trong thời gian này Triều Tiên đã khắc in chính thức đến ba lần. Lần thứ nhất là do vua Hiển Tông nước này sau khi đuổi được quân Khất Đan về nước, nhà vua vua liền phát nguyện khắc in Đại Tạng Kinh. Toàn tạng kỳ này gồm 5,924 mộc bản. Đến năm 1086 Cao Ly lại cho khắc in thêm Cao Ly Tục Tạng do pháp sư Nghĩa Thiên biên tập. Nghĩa Thiên là hoàng tử con vua Văn Tông đi sứ Trung Hoa về có thu thập được rất nhiều kinh sách, nên sư xin triều đình tổ chức cho in Tục Tạng để bổ túc những kinh luận mới mà chính tạng chưa có. Cao Ly Tạng (高麗藏) được in lần thứ hai do vua Cao Tông vừa in thì Triều Tiên bị quân Khidan (Mông Cổ) xâm lăng và đốt phá (năm 1232) nên phải đợi ba năm sau mới tiến hành việc khắc in kinh bổ túc vào năm 1236. Bộ kinh này tổng số về lượng có 1,524 bộ (6,589 quyển). Tạng cuối cùng này được khắc bản từ năm 1236 và xong vào năm 1251.[2]

Cao Ly Đại Tạng Kinhđại tạng cuối cùng, có tổng số chữ là 52,382,960 chữ Hán được khắc trên 81,258 tấm mộc bản. Mỗi tấm có kích thước 70x24 cm, dày từ 2,6 đến 4 cm, nặng khoảng 3-4 kg. Điều kỳ diệu của Đại Tạng này là hơn 52 triệu chữ Hán đó không hề có chữ nào bị khắc sai. Điều kỳ diệu khác còn độc đáo hơn là từ khi năm 1399 được di dời về Hải Ấn Tự (海印寺) cho đến ngày nay, dù trải qua gần tám trăm năm chiến tranh lớn và 7 lần Hải Ấn Tự bị cháy, như thế mà Đại Tạng vẫn còn như nguyên vẹn. Đại Tạng Kinh danh tiếng hiện đại Đại Chính Tạng của Nhật Bản cũng phải tham khảo bộ kinh cổ kính này. Hiện nay có hai chương trình lớn là số hóa /digitalize  đại tạng (đã hoàn thành năm 2009) và đúc lại bằng đồng (đang tiến hành). Triều Tiên ngày nay là một quốc gia có lực lượng chủ động là Thiên Chúa Giáo,[3] nhưng cổ thời là một quốc gia Phật giáo quan trọng, từng có nhiều đại sư đi truyền giáo tận Trung Hoa hay Nhật Bản.

 

ĐẠI TẠNG  KINH NHẬT BẢN

Nhật Bản bắt đầu biết đến Phật giáo từ Trung Hoa qua cửa ngõ Triều Tiên. Ngôn ngữ người Nhật không có liên hệ chủng tộc gì với người Hoa nhưng vì không có chữ viết riêng người Nhật phải dùng chữ Hán giống như người Việt phải dùng nhờ Hán văn. Thời trước, từ kinh sách đến biên chép họ đọc và dùng Hán tự như người Hoa, cho nên kinh luận Phật giáo bằng Hán tự phổ biếnNhật Bản cũng giống như ở Trung Hoa.[4] Tuy nhiên cũng khác với Việt Nam có rất ít người đến Trung Hoa để học Phật, nhiều tăng sĩ Nhật Bản liên tiếp đến Trung Hoa học pháp. Vì thế nhiều kinh luận Hán ngữ đã mất hết ở Trung Hoa hiện nay vẫn còn được tồn giữ ở Nhật Bản khá nhiều. Cũng khác với Việt Nam không có duyên với học thuật, các đạo sư Nhật Bản đã để lại nhiều danh tác Phật học, trong đó có việc biên tập Đại Tạng Kinh. Nhật Bản từ trước Đại Chính tạng đã nổi tiếng về nghiên cứu Phật học. Họ đã khắc in nhiều đại tạng quan trọng.

Nhật Bản từ thời Kamakura (1185-1336) đã khắc in nhiều kinh nhưng chưa bao giờ in toàn đại tạng. Cho đến thời Giang Hộ (Edo 1603-1867) họ mới bắt đầu in toàn bộ đại tạng. Cho nên đến năm 1637 Tenkai (天海 1536-1643) vị trụ trì chùa Kan’ei-ji ở Tokyo mới bắt đầu lần đầu tiên cho khắc in toàn bản đại tạng bằng Hán ngữ. Trước sau Nhật Bản biên tập và cho in đại tạng kinh đến 9 lần. Đến thời cận đại thì các đại tạng do Nhật Bản in trở nên hoàn bị hơn các đại tạng in ở Trung Hoa. Dù từ thời Giang Hộ (Edo 1603-1867) Nhật Bản đã phát triển dùng loại chữ riêng của họ (gọi là Katakanahiragana), nhưng trong đó còn một phần tự căn bản gọi là Kanji (Hán tự) cho nên đến tận ngày nay họ còn đọc được chữ Hán. So với các đại tạng chữ Hán trong thời cận đại thì nhiều đại tạng do Nhật Bản biên tập cũng trở nên phổ biến vì cách sắp xếp được tổ chức theo hình thức thư viện học.

        Trước khi có công trình nổi tiếngĐại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 大正新修大藏經 (gọi tắt là Đại Chính tạng) người Nhật cũng có nhiều công trình in các đại tạng danh tiếng khác. Từ năm 1911 đến năm 1922 người Nhật cũng xuất bản Dai Nihon Bukkyo Zensho (Đại Nhật Bản Phật Điển Thiền Thư) gồm 150 tập khổ lớn, gồm bản dịch Nhật văn kinh Phật và luận viết từ đất Nhật của các đại sư Phật giáo Nhật Bản. Năm 1919 đến năm 1921 họ cũng cho xuất bản 51 tập đại tạng kinhNihon Daizokyo (日本大藏經 Nhật Bản Đại Tạng Kinh). Năm 1953-1941 giáo sư Takakusu Jujiro, người biên tập Đại Chính Tạng, cũng cho xuất bản bộ dịch Nhật văn toàn bộ Đại Tạng Pali tên là Nanden Daizokyo (Nam Truyền Đại Tạng Kinh). Trước sau ngoài công trình in và dịch Đại Tạng Pali và Đại Tạng Tạng ngữ, Nhật Bản đã biên tập 9 đại tạng kinh chữ Hán Văn. Nhiều đại tạng đã được liên tiếp trùng tu và tái bản ở Nhật Bản cũng như ngoại quốc. Sau đây là danh sách chín đại tạng chữ Hán do người Nhật biên tập đã xuất bản.

           

1. Khoan Vĩnh Tự Bản 寬永寺版 (1637-1648)

Khoan Vĩnh Tự Bản (Kan’ei-ji-ban) hay Thiên Hải Bản (天海版) được khắc in tại chùa Khoan Vĩnh, Nhật Bản. Toàn tạng gồm có 1,453 bộ (6,323 quyển) hiện nay còn đầy đủ. Để ghi nhớ Tenkai (天海) người đầu tiên khắc in đại tạng kinh, tạng này còn có tên là Thiên Hải Bản (天海版). Đại tạng kinh Tenkai trên nguyên tắc là bản in theo Nam Tống Tư Khê Pháp Bảo Tự Bản 思溪法寳寺版 (in năm 1234-1252). Tuy nhiên đặc điểm của bản Tenkai có lẽ là bản Đại Tạng Kinh đầu tiên không in bằng nguyên bản mộc bản khắc nguyên khối mà in bằng hoạt tự - các chữ rời ghép lại thành bản vỗ, in xong lại tháo rời các chữ ra.[5] Lối này in nhanh và bớt nhiều công sức. Tuy nhiên khuyết điểm của nó là không in lại được. Lối in mộc bản cũ thì chỉ cần dùng bản gỗ có sẵn (mộc bản).

2. Hoàng Bá Bản Đại Tạng Kinh 黄檗版大藏經 (1669-1681)

Hoàng Bá Bản Đại Tạng Kinh (Obaku-ban Daizokyo) còn gọi là Thiết Nhãn Bản (鉄眼版) được khắc in theo khuôn mẫu Kính Sơn Tạng đời Minh của Trung Hoa. Toàn tạng gồm có 6,771 quyển do thiền sư Tetsugen (鉄眼) của Hoàng Bá Tông (Obaku) biên tậpquyên góp khắc in. Tuy nhiên ngài đã phải tốn rất lâu để quyên góp đủ tiền in kinh, vì trong hai lần đầu vừa khởi công khắc ván thì Nhật Bản lại gặp thiên tai, ngài đều mang hết tiền in kinh để cứu trợ. Cho nên người Nhật thường kể câu chuyện này mà kết luận “hai lần in kinh vô tự của sư có công đức còn lớn hơn lần in thứ ba”.[6] Dù sao, đến lần thứ ba năm 1669 ngài cũng bắt đầu khắc in và năm 1681 thì hoàn thành, một năm trước khi ngài qua đời. Mộc bản của đại tạng này ngày nay hãy còn được tàng giữ ở chùa Mampuku-ji.

3- Súc Loát Tạng Kinh 縮刷藏經 (1880-1885)

Súc Loát Tạng Kinh (Shukusatsu zokyo) có tên đầy đủ là “Đại Nhật Bản Giáo Đính Đại Tạng Kinh” [7] (Dai Nippon Kotei Daizokyo - 大日本校訂大藏經). Nguyên nhân là do Nhẫn Trừng thượng nhânSư Tử cốc ở Kyoto phỏng theo Minh TạngCao Ly Tạng để hiệu đính trong 15 năm (1706-1720). Sau đó hơn một thế kỷ, đến năm Vạn Chánh thứ chín (1836) sư Thuận Huệ ở chùa Kiến Nhân mới trùng hiệu (1836-1847). Đến năm 1880-1885 Shimada Mitsune và Kufuda Gyokai cho in ở Tokyo. Toàn tạng in thành 418 tập, gồm có 1,916 bộ (8,534 quyển). Học giới Tây phương quen gọi đại tạng kinh này là “bản Tokyo” (Tokyo Edition).

4- Vạn Tự Tạng Kinh 卍字藏經 (1902-1905)

Vạn Tự Tạng Kinh (Manji-zokyo) tên đầy đủ là “Đại Nhật Bản Giáo Đính Tạng Kinh (Dai Nippon Kotei Zokyo-大日本校訂藏經) do Kinh Đô Thư Viện Tàng Kinh ấn hành từ năm 1902 đến năm 1905. Toàn tạng in thành 347 tập, gồm có 1.625 bộ (7,082 quyển). Năm 1905-1912, lại in thêm Tục Tạng Kinh. Qua đời Minh Trị thứ 35 (1902) Kinh Đô Tàng Thư Viện căn cứ vào bản của ngài Thuận Huệ, song đổi ra hình thức, chia toàn tạng ra làm 36 bộ, mỗi bộ 10 cuốn, bộ thứ nhất có hai cuốn mục lục và bộ thứ 36 có 3 cuốn mục lục. Về tổ chức thì Vạn Tự Tạng dùng kinh mục theo Minh tạng, kinh văn và kinh danh thì theo Cao Ly Tạng. Vạn Tự Tạng in xong vào thời Minh Trị Thiên Hoàng thứ 38 (1905) do Hamada Chikuha và Yoneda Mujo xuất bản.

5- Vạn Tự Tục Tạng 卍字續藏 (1905-1912)

Vạn Tự Tục Tạng tên đầy đủ là “Đại Nhật Bản Tục Tạng Kinh” (Dai Nippon Zoku Zokyo). Sau khi Vạn Tự Tạng Kinh ra đời, Kinh Đô Tàng Thư Viện tiếp tục biên tập Tục Tạng (續藏) tức Vạn Tự Tục Tạng. Tạng này thu thập tư liệu hết sức rộng, cứ thấy bất cứ tài liệu nào Vạn Tự chính tạng chưa có thì đều thâu vào tạng này. Cho nên dù sau này có Đại Chính Tạng (Đại Chính Tạng) người ta vẫn tiếp tục sử dụng Vạn Tự Tạng để tìm xem các kinh luận Trung Hoa sáng tác không có trong Đại Chính Tạng. Sau khi tục tạng xuất bản (1912), họ cho hợp với chính tạng và thành ra 750 tập do Maeda Eun và Nakano Tatsue xuất bản. Vạn Tự Tạng gồm có 1,750 bộ (7,140 quyển) xuất bản năm 1912 và được trong nước và ngoại quốc tái bản nhiều lần.

Cùng với Đại Chánh Tạng bản này thường được đối chiếu để khảo cứu. Từ đó chúng ta quen gọi tắt chung là “Tạng Chữ Vạn” (卍字藏). Vạn Tự Tạng đã được Thương Vụ Ấn Thư Quán của Trung Hoa và các tăng ni ở Hương Cảng và Đài Loan ảnh ấn lại. Năm 1979, Tân Văn Phong Xuất Bản Công Ty dùng cả chính tạng và tục tạng ảnh ấn lại toàn bộ, gồm Vạn Tự Chính Tạng 70 tập và Vạn Tự Tục Tạng 81 tập, tổng cộng 151 tập.

6. Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 大正新修大藏經

            Đại Tạng Kinh này được chuẩn bị in trong mười năm (1924-1934), khi hoàn tất gồm có 100 tập, gồm 3,053 bộ (11,970 quyển). Cho đến ngày nay Đại Chính Tạng đã trở nên tiêu chuẩn của giới nghiên cứu Phật học. Chúng ta sẽ có bài giới thiệu riêng.

7- Chiêu Hoà Súc Loát Tạng 昭和縮刷藏

Ba đại tạng có tên sau đây Chiêu Hòa Súc Loát Tạng, Thánh Ngữ Tạng Cung Tạng thường ít người biết vì được coi là “chuyên tạng” chỉ dùng cho một số chuyên viên. Chiêu Hòa Súc Loát Tạng (gọi tắt là Chiêu Hòa Tạng) do hội Súc Loát Đại Tạng Kinh xuất bản vào năm 1935 (Chiêu Hòa năm thứ 10). Về nội dung hình thức Chiêu Hòa Tạng đều giống với Súc Loát Tạng Kinh (縮刷藏經 Shukusatsu zokyo 1880-1885) đã được giới thiệu ở trên, tạng mới chỉ thêm vào phần đính chính, cho nên đây chỉ coi là tái bản lại Súc Loát Tạng.

8- Thánh Ngữ Tạng  

Thánh Ngữ Tạng (聖語藏) là một tạng kinh gồm những bản kinh viết tay (tả bản) của Trung Hoa và Nhật Bản. Vì là nguồn gốc là bản chép tay nên có khi cùng một kinh nhưng có hai ba tả bản.

9- Cung Tạng

Cung Tạng (宮藏) là những bản kinh tàng trữ ở cung đình hoàng gia (Thư Viện Tỉnh Cung Nội). Theo Chiêu Hoà Pháp Bảo Tổng Mục Lục thì đây là sự hợp lại của Sùng Ninh Vạn Thọ Tạng và Tỳ Lô Tạng của đời Bắc Tống, Trung Hoa.


ĐẠI CHÍNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH

大正新修大藏經

            Đến thế kỷ XX thế giới bắt đầu tiến vào thế kỷ hiện đại, giới học thuật Phật học chuyển mình với sự tham dự của các học giả Tây Phương. Có thể nói rằng ngoài việc cải cách học thuật, ngay cả cuộc cách mạng đổi mới giáo chế giáo sản như phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Hoa “Phật Giáo Nhân Gian” của ngài Thái Hư chủ xướng cũng có một phần do ảnh hưởng tác động từ trào lưu Tây phương hướng về văn hóa tôn giáo phương đông. Trong bối cảnh đó Đại Chíng Tân Tu Đại Tạng Kinh 大正新修大藏經 hay Đại Chính Tam Tạng Kinh (Taishō Tripiṭaka) gọi tắt là Đại Chính Tạng xuất hiện như một đại tạng kinh của thời đại mới.

Lúc này, về học thuật, các nghiên cứu hàn lâm của những nhà nghiên cứu Tây phương đã trở thành mẫu mực cho các nghiên cứu Phật học mới. Mặc dù nhiều nghiên cứu Phật học của Tây phương khởi đầu từ các nhà truyền giáo Tây phương. Họ nghiên cứu Phật học chỉ là hoạt động với ý đồ tìm hiểu về văn hóatôn giáo con người Á Đông cho mục đích truyền giáo. Cho nên phần lớn các nghiên cứu trong giai đoạn đầu thường vừa cố tình xuyên tạc vừa cố tình đề cao văn hóa Thiên Chúa giáo. Nhưng cuối cùng nghiên cứu vẫn là nghiên cứu, các thiên kiến đen tối không thể che dấu lâu dài được phần bản chất. Các nghiên cứu chân chính lần lượt xuất hiện. Sau đó nhiều học giả Tây phương bắt đầu tham dự vào việc nghiên cứutìm hiểu Phật giáovăn hóa Đông phương. Cuối cùng là cả một phong trào tìm hiểunghiên cứu Phật học một cách khoa học và khách quan ra đời và phát triển. Mỹ từ “Ánh Sáng Đến Từ  Phương Đông” đã trở nên một khẩu hiệu mới cho trào lưu này. Cho nên tác giả luận Trí Tuệ Giải Thoát đã mở đầu luận này “Sử gia Arnold Toynbee (1889-1975), người đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử làm thay đổi hướng đi của lịch sử nhưng cuối đời ông cũng phải nói ‘Cuộc xâm nhập Phật Pháp vào Tây phương là một sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ hai mươi’”.[8]

Lẽ dĩ nhiên có rất nhiều công trình, nhiều tác phẩm của nhiều cá nhân cũng như tập thể ở phương đông lẫn phương tây đã đóng góp cơ bản vào công cuộc nghiên cứu này, nhưng trong khuôn khổ của quyển sách viết về Kinh Phật, tôi chỉ muốn giới thiệu về một tác phẩm lớn có tên là Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 大正新修大藏經 (Taishō Tripiṭaka) gồm một trăm tập sách khổ lớn dầy hơn ngàn trang mỗi tập, ấn loát trong mười năm trời (1924-1934). Hiện nay tạng này tiếp tục được cải tiến và phát hành tự do dưới các hình thức các ấn bản điện tử, phổ biến trên các mạng điện tử mà tất cả các máy điện toán cá nhân, kể cả điện thoại cầm tay đều có thể cập nhật xem hay sưu chép. Đây là một tác phẩm cơ bản đã giúp thế giới một phương tiện thâm cứu về Phật giáo trong một trăm năm vừa qua.

            Đã có nhiều sách báo giới thiệu về bộ Đại Tạng Kinh danh tiếng này như môt trợ thủ, một phương tiện đồng hành của tất cả các nhà nghiên cứu Phật học trong cả trăm năm qua, cho nên ở đây tôi chỉ muốn lập lại lời tựa cuốn Mục Lục Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh (1921) của người chủ biên là tiến sĩ Takakuru Junjirō, đã tóm tắt 5 đặc điểm ưu việt của Đại Tạng này:

1. Nghiêm mật sâu rộng:

Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh rất đầy đủ, vì nó không những thu nhặt kinh điển từ nhiều Đại Tạng Kinh xưa mà còn có thêm cả các tài liệu mới phát hiện ở các di chỉ khảo cổ Phật giáo như Đôn Hoàng, Vu Điền, Qui Tư, Cao Xương ... và cả những mảng văn liệu tản mát ở những chùa xưa tháp cũ. Đại Tạng Kinh chia làm ba phần:

Phần I có 55 tập, gồm 2,184 bộ là kinh điển Đại Tạng Hán ngữ. Phần này có hai nhóm. Nhóm đầu 32 tập gồm kinh, luận dịch từ Phạn ngữ, nhóm sau 22 tập gồm kinh luận viết từ Trung Hoa. Nhóm đầu 32 tập (từ A-Hàm Bộ đến Luận Sớ Bộ) đã có 1,692 bộ, tức là gấp rưỡi so với 1,076 bộ đã liệt kê trong Khai Nguyên Thich Giáo Lục danh tiếng năm 730 của Trí Thăng.[9]

Phần II có 30 tập, gồm 736 bộ là luận của các đại sư người Nhật, cũng như các tác phẩm thu được từ Đôn Hoàng khi động này được tái khám phá vào năm 1900. Phần III có 12 tập, gồm 363 hình tượng tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo. Phần IV có 3 tập, gồm 77 biểu đồ và thư mục.

Tổng cộng Đại Chính Tạng có 100 tập khổ lớn, mỗi tập trên dưới 1000 trang, tổng cộng gồm 3,360 tác phẩm kinh luận chú sớ Hán ngữ. Đây là một Đại Tạng Kinh đồ sộ, đầy đủ và tổ chức khoa học nhất từ trước cho đến nay. Có thể nói Đại Tạng Kinh này đã cố thu góp hầu như tất cả những gì cần có (lẽ dĩ nhiên không thể tất cả). Thí dụ điển hình như về Bát Nhã Tâm Kinh, thì Đại Tạng Kinh này thu nhập đầy đủ các 8 bản dịch tiêu chuẩn có tromg tập VIII là:

1. T. 250 摩訶深般若波羅蜜大明呪經 “Ma ha bát nhã ba la mật đại minh chú Kinh” do Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) dịch vào khoảng năm 412, có 299 chữ Hán.

2. T. 251 深般若波羅蜜多心經 “Bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh” Huyền Trang dịch vào năm 649, có 260 chữ Hán.

3. T. 252 普遍智藏般若波羅蜜多心經 “Phổ biến trí tạng bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh” do Pháp Nguyệt (Dharmacandra) dịch năm 732, có 648 chữ Hán.

4. T. 253 般若波羅蜜多心經 “Bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh” do Bát Nhã (Prajñā) và Lợi Ngôn dịch năm năm 790, có 545 chữ Hán.

5. T. 254 般若波羅蜜多心經 “Bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh” do Trí Tuệ Luân (Prajñācakra) dịch năm 850, có 562 chữ Hán.

6. T. 255 般若波羅蜜多心經 “Bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh” do Pháp Thành dịch năm 856, có 562 chữ Hán.

7. T. 256 唐梵飜對字音深般若波羅蜜多心經 “Đường Phạm phiên đối tự âm bát nhã ba la  mật đa Tâm Kinh” của Bất Không (Amoghavajra) dịch khoảng năm 7000. Bản này như thế là gồm hai bản: bản phiên âm Phạn văn và bản dịch Hán văn.

8. T. 257 佛説聖佛母般若波羅蜜多經 “Phật thuyết thánh mẫu bát nhã ba la mật đa Kinh” do Thí Hộ (Dānapāla) người Tây Thiên dịch, có 627 chữ Hán.

2. Chu đáo mới lạ:

Trong Đại Chính Tạng các kinh luận đều được đối chiếu, cân nhắc và chia thành bộ loại như A-hàm, Bát-nhã, Pháp-Hoa v.v. và sắp theo thứ tự thời gian trước sau (xem thí dụ về kinh Bát Nhã Tâm Kinh ở trên) và cũng không chia rẽ rạch ròi kinh Tiểu thừa hay Đại thừa. Kinh luận nào đoán là ngụy tạo cũng sẽ được thu nạp, nhưng sẽ được in ở chỗ khác (Tập 85b) chứ không để xen lẫn với các kinh luận chính thống. Nếu có câu hay chữ nào sai khác giữa các bản, thì đều có cước chú ở dưới trang. Tôi muốn các tác giả người Hoa của tôi học được cách cần phải chú thích như thế.

3. Phạn Hán đối chiếu:

Đây là phần rất cần cho học giả, như trong các luận tôi thường phải chú giải khá nhiều vì nhiều dịch giả chữ Hán đã mượn các thuật ngữ có sẵn trong văn hóa Trung Hoa mà không cần chú thích. Cho nên trong Đại Chính Tạng các thuật ngữ Hán tự thường đều được đối chiếutìm ra nguyên tự Sanskrit hoặc Pāli giúp người sử dụng hiểu chính xác và đúng ý nghĩa theo nguyên tác Phạn văn. Rất mong đây là bài học căn bản cho thế hệ học Phật tương lai của chính giới học Phật ở Trung Hoa. Cá nhân tôi từng dạy sinh viên người Hoa – Lẽ dĩ nhiên Hoa văn là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, nhưng đến khi có dịp thảo luận sâu hơn thì thật ra họ chỉ rất giỏi về chữ Hoa chữ Hán (lẽ đương nhiên), nhưng về “Hán Phật” thì rất nhiều khi họ hiểu lạc cả căn bản. Thí dụ hầu như tuyệt đại “nghiên cứu sinh” của tôi không phân biệt được tự tính (自性) của Hán văn với tự tính (自性 svabhāva) của “Hán văn Phật học”, hữu-vô (有無) của Đạo học Trung Hoa với hữu-vô (bhava, abhāva) của tư tưởng Trung Quán - Xem phần viết về “Cách Nghĩa” 格義 -

4. Có ghi xuất xứ:

Cũng như điểm 2 và 3 ở trên, nội dung và thuật từ trong Đại Chính Tạng đều được đối chiếu và trưng dẫn xuất xứ. Vì các sách Hoa ngữ về Phật học thường không đối chiếu và trưng dẫn xuất xứ, cho nên thí dụ như họ không phân biệt được “Lục Hạnh” (bố thí, trì giới, tinh tiến …) với “Lục Độ” (ādpāramitā: Bố thí ba la mật, trì giới ba la mật …) – Xem Bát Nhã Tậm Kinh: Tổ Long Thọ Giảng, tr. 62-64

5. Tiện lợi:

            Tóm lại Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh rất tiện lợi cho việc tra cứu và trích dẫn. Đây là một Đại Tạng được biên tập và tổ chức giúp người nghiên cứu, trích dẫn và đi vào chi tiết nội dung.

Nội Dung Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh

Tập

Số Bộ

Hán

 

 

Sanskrit

Bộ

T01–02

1–151

阿含部

 

 

Āgama

A-hàm

T03–04

152–219

本緣部

 

 

Jātaka

Bản Duyên

T05–08

220–261

般若部

 

 

Prajñapāramitā

Bát Nhã

T09a

262–277

法華部

 

 

Saddharma Puṇḍarīka

Pháp Hoa

T09b–10

278–309

華嚴部

 

 

Avataṃsaka

Hoa Nghiêm

T11–12a

310–373

寶積部

 

 

Ratnakūṭa

Bảo Tích

T12b

374–396

涅槃部

 

 

Nirvāṇa

Niết Bàn

T13

397–424

大集部

 

 

Mahāsannipāta

Đại Tập

T14–17

425–847

經集部

 

 

Sūtrasannipāta

Kinh Tập

T18–21

848–1420

密教部

 

 

Tantra

Mật Giáo

T22–24

1421–1504

律部

 

 

Vinaya

Luật Bộ

T25–26a

1505–1535

釋經論部

 

 

Sūtravyākaraṇa

Thích Kinh

T26b–29

1536–1563

毗曇部

 

 

Abhidharma

A Tỳ Đàm

T30a

1564–1578

中觀部類

 

 

Mādhyamaka

Trung Quán

T30b–31

1579–1627

瑜伽部類

 

 

Yogācāra

Duy Thúc

T32

1628–1692

論集部

 

 

Śāstra

Luận Tập

T33–39

1693–1803

經疏部

 

 

Sūtravibhāṣa

Kinh Sớ

T40a

1804–1815

律疏部

 

 

Vinayavibhāṣa

Luật Sớ

T40b–44a

1816–1850

論疏部

 

 

Śāstravibhāṣa

Luận Sớ

T44b–48

1851–2025

諸宗部

 

 

Sarvasamaya

Chư Tông

T49–52

2026–2120

史傳部

 

 

 

Sử Truyện

T53–54a

2121–2136

事彙部

 

 

 

Sự Vựng

T54b

2137–2144

外教部

 

 

 

Ngoại Giáo

T55

2145–2184

目錄部

 

 

 

Mục Lục

T56–83

2185–2700

續經疏部

 

 

 

Nhật Bản

T84

2701–2731

悉曇部

 

 

Siddhaṃ

Tất Đàn

T85a

2732–2864

古逸部

 

 

 

Cổ tập

T85b

2865–2920

疑似部

 

 

 

Nghi Kinh

T86–97

 

圖像部

 

 

 

Ảnh Tượng

T98–100

 

昭和法寶
總目錄

 

 

 

Tài liệu thêm

 

 

 

 

 

 

 

            Chú thích cuối: Tổ chức ấn hành Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh là một tổ chức quốc tế vô vụ lợi chỉ nhằm phổ biến kinh luận Phật giáo đến tay từng mỗi người. Cho nên toàn bộ đại tạng không hề giữ bản quyền hay tác quyền. Hơn nữa từ khi kỹ thuật điện toán phát triển họ còn tổ chức phát hành những đĩa CD, DVD phát không cho mọi người. Hiện nay nhờ hệ thống internet phát triển, tất cả mọi người có thể đọc, sao chép tự do tất cả những gì có trong Đại Tạng chỉ bằng điện thoại cầm tay. Đặc biệt là ấn bản điện tử (web-page) Đại Chính Tạng luôn luôn được cập nhật liên tục để sửa sai những sai lầm có trong ấn bản cũ. Tổ chức còn mở ra cả một trang mạng làm nơi trao đổi các tin tức nghiên cứu liên quan đến Đại Tạng.

ĐẠI TẠNG VIỆT NGỮ

Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

            Cuối cùngtin mừng chung cho người Việt Nam là sau 20 năm công phu (1994-2014) Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh (nguyên là sinh viên khóa đầu tiên của Đại học Vạn Hạnh đi du học ở Đài Loan từ 1967) giáo sư văn học đại học quốc lập Đài Loan và viện trưởng Linh Sơn Đại Học Viện Đài Loan, đã điều hànhhoàn tất bản dịch Việt ngữ của Đại Chính Tạng dưới tên Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (do Hòa Thượng Quảng Độ giới thiệu). Đặc điểm của tạng Việt ngữ này là kết hợp tất cả các bản dịch Việt văn các kinh riêng rẽ trước đây của các tiền bối vào đại tạng này. Công trình hai mươi năm tổng hợp thành 203 tập lớn, mỗi tập dày khoảng 1000 trang khổ 17X26 cm hiện đang được phân phối rất rộng rãi. Thành quả này là tâm nguyện ao ước của biết bao thế hệ người Việt học Phật xưa nay.[10]

Việt ngữ Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh (203 tập)

Hán văn Càn Long Đại Tạng Kinh (168 tập, 1669 kinh)



[1] Người Việt dường như không có duyên với học thuật, ngay cả Nho học dù là cái học chính thống của triều đình vốn có rất nhiều tiến sỉ trạng nguyên nhưng thường chỉ có tên trên bia đá nên trừ thi ca mà không có tác phẩm học thuật nào (cũng có thể vì tính khiêm nhượng của Nho gia Việt Nam)

[2] Lancaster, Lewis and Sung-bae Park. The Korean Buddhist Canon: A Descriptive Catalog, California Uiversitry Press, 1979 được bổ túc thêm số liệu mới năm 2015 của Cục Văn Vật Hàn Quốc

[3] Nam Triều Tiên có 15,5 % Phật giáo và 27,6% Thiên Chúa giáo (Tin Lành 19,7%. Công giáo 7,9%)

[4] Chính vì Phật giáo phổ biến ở Nhật mà loại văn pháp Kojiki phát triển từ thế kỷ thứ tám đã là một phần nguyên nhân thúc đẩy người Nhật phát triển ra văn tự sau này của họ.

[5] Lối in hoạt tự là một cách mạng nhỏ trong việc ấn loát bằng mộc bản. Tuy nhiên có lẽ vì khó tái bản nên sau đó không thấy ai tiếp tục – Mộc bản khắc nguyên cả tấm bản, mỗi lần in thêm chỉ cần mang ra in, còn dùng chữ rời khi in xong là phải tach rời các chữ trả lại.

[6] Vũ Thế Ngọc, Góp Nhặt Cát Đá, nxb Phương Đông 2009, tr. 64

[7] Người Việt thường đọc  là “hiệu”

[8] Trang 7

[9] Có vài học giả người Hoa phê bìnhĐại Chính Tạng bỏ sót một số tác phẩm của vài tác giả người Hoa. Lẽ dĩ nhiên không thể có tạng nào có thể bao gồm tất cả các sách luận của tất cả các tác giả người Hoa, cũng vì vậyhọc giả nghiêm chỉnh cần phải ít nhất xem thêm Tạng Chữ Vạn.

[10] Công trình Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh vừa hoàn tất thì vị chủ trương (H.T. Tịnh Hạnh) và vị giám chế (Tiến Sĩ Nguyên Hồng Lý Kim Hoa) cũng bất ngờ lần lượt ra đi. 故人還不見長江日東流

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/07/2011(Xem: 110006)
10/10/2010(Xem: 106202)
10/10/2010(Xem: 108607)
10/08/2010(Xem: 111490)
08/08/2010(Xem: 117091)
21/03/2015(Xem: 21893)
27/10/2012(Xem: 65150)
09/09/2017(Xem: 10887)
02/09/2019(Xem: 7760)
09/04/2016(Xem: 13886)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.