Đại Đảnh Lễ

23/01/20235:20 SA(Xem: 3427)
Đại Đảnh Lễ
BUDDHASĀSANA THERAVĀDA
ĐẠI ĐẢNH LỄ
MAHĀNAMAKKĀRA
Phrathep Pariyattimuni
Chuyển ngữ: Bhikkhu Abhisiddhi - Siêu Thành

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

Đại đảnh lễPDF icon (4)Đại Đảnh Lễ

MỤC LỤC
Lời tựa 
LỜI NÓI ĐẦU 
CHƯƠNG I: DẪN NHẬP 
CHƯƠNG II: NGUỒN GỐC NGƯỜI NÓI ĐẠI ĐẢNH LỄ 
CHƯƠNG III: ÂN ĐỨC PHẬT 
9 ÂN ĐỨC PHẬT 
3 ÂN ĐỨC PHẬT 
CHƯƠNG IV: ĐẠO LỘ TRÍ TUỆ GIÁC NGỘ LÀ SỞ SANH 
CỦA ÂN ĐỨC PHẬT 
CHƯƠNG V: CÂU ĐẠI ĐẢNH LỄ TRONG NGÔN NGỮ HỌC 
VÀ NGỮ NGHĨA HỌC 
Phân tích từ ‘Namo’
Phân tích từ ‘Tassa’ 
Phân tích từ ‘Bhagavato’ 
Phân tích từ ‘Sammāsambuddhassa’ 
CHƯƠNG VI: SỰ QUAN TRỌNG CỦA MỖI TỪ TRONG CÂU 
ĐẠI ĐẢNH LỄ 
NAMO 
TASSA 
BHAGAVATO 
ARAHATO 
SAMMĀSAMBUDDHASSA 
CHƯƠNG VII: SUY XÉT CÂU ĐẠI ĐẢNH LỄ 
CHƯƠNG VIII: QUẢ PHƯỚC CỦA CÂU ĐẠI ĐẢNH LỄ 
CHƯƠNG IX: KIỂU CÁCH ĐỌC TỤNG CÂU NAMO TRONG 
CỘNG ĐỒNG PHẬT GIÁO 

LỜI TỰA

Giác hành giả (bodhisatta) 1 của chúng ta trong quá khứ đã nỗ lực tu tập, tích lũy pháp độ, trải qua vô lượng kiếp không sao tính được, cũng vì Ngài muốn đạt đến đạo quả vô thượng Chánh đẳng giác (Sammāsambuddha) 2 , trở thành một vị Phật, rồi ‘tế độ’ chúng sanh vượt khỏi tất cả khổ trong vòng sanh tử luân hồi. ‘Tế độ’ ở đây không có nghĩa là ban bố sự an vui hay rước đi đến một nơi an lạc, mà ‘tế độ’ ở đây có nghĩa là hướng dẫn cho chúng sanh phương pháp tu tập, tích lũy pháp độ dần dần, rồi mới đủ nhân làm duyên trợ cho sự chứng đạo và quả, chấm dứt sanh tử. Vì sự từ bi muốn cho tất cả chúng sanh thoát khổ luân hồi mà Ngài phải trải qua vô lượng kiếp tu tập nên ân đức của Ngài không sao kể hết.

Những ai là tông tín đồ Phật giáo có thật sự hiểu hết ý nghĩa của ‘Phật’ là gì hay chăng? Hay chẳng qua chỉ biết một cách hời hợt và đặt niềm tin một cách cuồng nhiệt mà không suy xét, nghĩ rằng Ngài là một đấng thần linh sáng tạo, ban phước. Đó là vấn đề chung của tông tín đồ Phật giáo hiện tại, đi chùa làm phước cầu xin được phúc lành, đặng vui thoát khổ. Có chăng sự khấn vái đặt niềm tin mù quáng ấy chỉ là một cách trấn an cho bản thân khi gặp những điều không may mắn trong đời sống. Hoặc như nghĩ rằng, Ngài là đấng từ bi tế độ đưa chúng ta vào đến ngay một nơi an lạc hạnh phúc và không còn phải đi tái sanh luân hồi nữa bằng một phương tiện dễ dàng mà không cần tốn sức ra công tu tập, tích lũy pháp độ, thì quá ư là coi thường trí tuệ của đấng Thập lực.

Vậy ở đây ‘Phật’ là gì? ‘Đức Phật’ được dịch từ Pāḷi là ‘Buddha’ tức là bậc giác ngộ 1 . ‘Buddhoti kenatthena buddho’ Gọi là Phật vì có ý nghĩa ra sao? Đáp: Gọi là Phật vì có những nghĩa sau:
1. Bujjhitā saccānīti buddho – Gọi là Phật vì giác ngộ pháp chân thật.
2. Bodhetā pajāyāti buddho – Gọi là Phật vì giúp cho chúng sanh giác ngộ theo.
3. Sabbaññutāya buddho – Gọi là Phật vì biết rõ tất cả pháp.
4. Sabbadassāvitāya buddho – Gọi là Phật vì thấy rõ tất cả pháp.
5. Abhiññeyyatāya buddho – Gọi là Phật vì bậc biết pháp tột đáng biết.
6. Visavitāya buddho – Gọi là Phật vì dẫn dắt Nibbāna cho tỏ ngộ.
7. Khīṇāsavasaṅkhātena buddho – Gọi là Phật vì tận diệt pháp lậu.
8. Nirupakkilesasaṅkhātena buddho – Gọi là Phật vì xa lìa tùy phiền não.
9. Ekantavītarāgoti buddho – Gọi là Phật vì chắc chắn xa lìa tham ái.
10. Ekantavītadosoti buddho – Gọi là Phật vì chắc chắn xa lìa sân hận.

11. Ekantavītamohoti buddho – Gọi là Phật vì chắc chắn xa lìa si mê.
12. Ekantanikkilesoti buddho – Gọi là Phật vì chắc chắn diệt hết phiền não.
13. Ekāyanamaggaṃ gatoti buddho – Gọi là Phật vì đi vào đạo lộ độc nhất.
14. Eko anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddhoti buddho – Gọi là Phật vì giác ngộ tuệ vô thượng Chánh đẳng giác chỉ mình Ngài.


15. Abuddhivihatattā buddhipaṭilābhattā buddho – Gọi là Phật vì đã trừ đi vô minh, biết rõ minh.
16. Bujjhatīti buddho – Bậc giác ngộ gọi là Phật. Ngay cả đức Phật cũng từng thuyết cho Bà-la-môn Sela rằng: “Abhiññeyyaṃ abhiññātaṃ, bhāvetabbañca bhāvitaṃ, pahātabbaṃ pahīnaṃ me, tasmā buddhosmi brāhmaṇa” – Này Bà-la-môn, pháp tột cần biết ta cũng đã biết, pháp cần tu tiến ta đã tu tiến, vì thế ta được gọi là Phật”.

Ngoài ra, đức Phật còn có 32 tên gọi khác nữa, như là:
- Đấng thập lực (dasabala) vì có sức mạnh của thân bằng sức mạnh của 10 con voi Chandanta1 và có 10 sức mạnh của tuệ như thị xứ phi xứ trí lực (ṭhānāṭhānañāṇa) … (Dasa balāni assatthīti dasabalo).
- Bậc Đạo sư (satthu) vì chỉ dạy hướng dẫn tất cả chúng sanh vì lợi ích hiện tại, lợi ích vị lailợi ích cao thượng (Diṭṭhādhammikasamparāyika-paramatthehi yathārahaṃ anusāsatīti satthā).

- Đấng toàn tri giác vì biết đặng tất cả pháp như thường (sabbaṃ jānāti sīlenāti sabbaññū).

Theo Chú giải, toàn tri có 5 loại: (1) kamasabbaññū biết tử và sanh mọi thứ của tất cả chúng sanh diễn tiến theo thứ tự nghiệp. (2) sakiṅsabbaññū biết mọi thực tính pháp ở mỗi sát-na tuệ. (3) satatasabbaññū biết mọi pháp theo thực tính. (4) sattisabbaññū biết mọi thực tính pháp bằng khả năng. (5) ñātasabbaññū biết mọi thực tính pháp bằng tuệ tỏ ngộ bốn Thánh đế. Trong 5 loại toàn tri này chỉ lấy tỏ ngộ bốn Thánh đế (ñātasabbaññū). Và còn những tên khác như bậc Lưỡng Túc Tôn (dvipaduttama), Thế Tôn (bhagavantu), …

Những hồng danh (tên gọi) ấy được thấy trong những bài Kinhchúng ta hay đọc tụng hằng ngày, tất cả đều nói lên ân đức vô lượng của Phật. Nhưng chung quy lại ân đức vô lượng gồm trong ba ân đức là Bi đức, Tịnh đứcTrí đức vậy. Người Phật tử chúng ta không ai là không biết đến câu tụng mở đầu mỗi cuộc lễ hay câu tụng mở đầu một thời kinh đó là ‘Namo tassa bhagavato arahato sammā[1]sambuddhassa’. Chính câu tụng này được gọi là câu ‘đại đảnh lễ’ (mahānamakkāra) tức là câu thường đảnh lễ tán dương ân đức Phật. Câu tụng này không phải chỉ có ở thời hiện tại mà ngay ở thời đức Phật cũng được các cận sự nam, cận sự nữ hay vua quan tụng lên mỗi khi yết kiến đức Phật. Vậy câu đại đảnh lễ này có ý nghĩa, nguồn gốc như thế nào, nghệ thuật văn chương, phương thức hành trì ra sao? Trong quyển sách này sẽ phân tích những điều đó, kèm theo những mẫu truyện ngắn và lời giải thích cho dễ hiểu.

Vì sở học chưa tròn đủ, nên không sao tránh khỏi sự sai sót trong quá trình biên dịch, ngưỡng mong các bậc thiện trí tròn đủ từ bi hoan hỷ đóng góp, bổ khuyết để bản dịch được hoàn thiện. Phước thiện từ việc biên soạn và dịch lại tập sách này được thành tựu cũng do sự hộ trợ của nhiều người, nhất là như sư huynh Định Phúc (Samādhipuñño) đã đọc và chỉnh sửa, cận sự nam Thiện Hiếu giúp thiết kế bìa sách, cận sự nam Định Phong và cận sự nữ Diệu Thanh đã dò lỗi chính tả, cùng nhiều nam nữ Phật tử khác đã đóng góp tịnh tài trong việc in ấn.

Dịch phẩm này được có mặt cũng xem như món quà tinh thần để tri ân chư Phật tử thân cận hỗ trợ điều kiện vật chất lẫn tinh thần cho chúng tôi học tập tại Thái Lan được thuận tiện.
Nguyện hồi hướng phần phước này đến thầy, cố TK Ngộ Đạo (Maggabujjhano). Xin chia phần phước thiện thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân bằng quyến thuộc còn tại tiền cũng như đã quá vãng. Khi đã hay biết được rồi thì phát sanh tâm tùy hỷ, là pháp trợ duyên trong quá trình tu tiến đến thấy rõ Nibbāna trong ngày vị lai đồng đều nhau cả thảy.
Idaṃ me puññaṃ asavakkhayā vahaṃ hotu Idaṃ me puññaṃ nibbānassa paccayo hotu
Người dịch Tỳ-khưu Siêu Thành




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
17/05/2019(Xem: 10048)
06/05/2012(Xem: 113000)
06/12/2014(Xem: 15306)
05/10/2014(Xem: 11975)
22/09/2010(Xem: 127398)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.