Cây Chổi Của Ngài Chu Lợi Bàn Đà Già

21/03/20234:10 CH(Xem: 2457)
Cây Chổi Của Ngài Chu Lợi Bàn Đà Già

CÂY CHỔI CỦA NGÀI
CHU LỢI BÀN ĐÀ GIÀ

Huệ Trân

 

           

quet la san chua
Ảnh: Huyền Không Sơn Thượng

Ngài Chu Lợi Bàn Đà Già là vị La Hán thứ 16 trong Thập Bát La Hán. Tên của ngài (Chùdapanthaka) được phiên dịch nhiều cách khác nhau, tuỳ theo ngữ âm ở mỗi địa danh, như Châu Trĩ Ban, Tha Già, Côn Nỗ Bát, Đà Na, Trí Lợi Mãn Đài, Chu Lợi Bàn Đặc, Chu Lợi Bàn Đà Già …v…v…

            Trong kinh Tăng Nhất A Hàm có một giai thoại về vị La Hán thứ 16 này. Đó là đoạn ghi lại thời Đức Phật còn tại thế. Trong tăng đoàn có hai anh em ngài Bàn Đà. Người anh, Tỳ-kheo Đại Bàn Đà thông minh, tinh tấn còn người em, Chu Lợi Bàn Đà Già  thì rất mực chậm lụt, dù chỉ 4 câu kệ cũng quên trước, quên sau, không thể xướng tụng. Thấy em như vậy, Tỳ-kheo Đại Bàn Đà khuyên em tạm rời tăng đoàn vì không có đủ trí tuệ để đạt được cứu cánh tối thượng.

            Chu Lợi Bàn Đà Già biết mình ngu si tối dạ nhưng lại rất thiết tha được gần gũi Đức Thế Tôntăng đoàn, nên khi phải nghe lời sư huynh, chuẩn bị rời tăng đoàn thì lòng buồn bã lắm!

            Cũng buổi sáng hôm đó, Đức Thế Tôn dùng tha-tâm-thông, biết được sự tình, bèn đứng chờ Chu Lợi Bàn Đà Già trước cổng tịnh xá. Đức Thế Tôn trao một cây chổi cho Chu Lợi Bàn Đà Giàân cần nói:

            - Hãy ở lại. Ta có việc cho ông làm. Với cây chổi này, ông chỉ việc quét, quét và quét. Công việc dễ dàng, chỉ cần khi quét, hãy nói thầm trong lòng: “Phất trần trừ cấu! Phất trần trừ cấu! Phất trần trừ cấu!”, nghĩa là quét sạch bụi bẩn.

            Tới đây, cũng có chuyện tích ghi lại, là Đức Thế Tôn còn trao cho Chu Lợi Bàn Đà Già một chiếc khăn trắng, truyền ông hãy dùng khăn này lau mặt, lau mình . Khi lau, phải nhớ nói thầm: “Lau sạch bụi nhơ! Lau sạch bụi nhơ! Lau sạch bụi nhơ!”

            Những truyền thuyết ghi lại này tuy không hoàn toàn đồng nhất nhưng cùng một ý tưởng Đức Thế Tôn truyền trao, là có sự chăm sóc, lau chùi thì vườn tược, phòng ốc, thân thể … Nói chung là nơi nào bụi bám mà được lau chùi cũng đều sạch sẽ.

 Chu Lợi Bàn Đà Già mừng rỡ tuân lời Đức Thế Tôn vì công việc này không phải học, không phải nhớ những câu kệ, những bài chú mà đối với ông là quá khó! Chỉ cần vừa quét, vừa lau, vừa lẩm nhẩm “Phất trần trừ cấu! Lau sạch bụi nhơ!” thì ông có thể nhớ được và làm được.

            Chu Lợi Bàn Đà Già là người siêng năng nên từ khi tuân lời dạy của Đức Thế Tôn thì từ những lối mòn thiền hành tới các tăng xá, đâu cũng thường xuyên có lát chổi, tấm khăn của ông quét dọn, lau chùi, nên nơi nơi đều gọn gàng, sạch sẽ. Với công việc tưởng như bình thường nhưng Chu Lợi Bàn Đà Già đã đem niềm vui tới cho bao huynh đệ mà không hay!

            Hạt mầm gieo xuống đất tốt, sẽ tới ngày đơm hoa kết trái. Đó chính là ngày ở một sát na kỳ diệu, tâm Chu Lợi Bàn Đà Già bỗng bừng sáng, nhận ra rằng, bấy lâu nay ông đã sống quá hạnh phúc, quá an lạc! Điều gì đã chuyển hoá cái tâm u buồn, tâm hổ thẹn, tâm tủi thân trước kia?

Ồ, có phải từ khi tuân lời Đức Thế Tôn, siêng năng lau chùi, quét dọn trong, ngoài ? Lau quét nơi nào thì nơi đó sạch. Ta an trú trong chánh niệm khi dọn rác, lau bụi, có phải là đồng thời ta cũng đang dọn rác, lau bụi nơi tâm, nên tâm buồn đã chuyển vui ?

Như ngọn đèn vừa được bật lên trong căn phòng từng bao năm tăm tối, Chu Lợi Bàn Đà Già nhìn lại tự thân và tưởng như vừa được tái sinh, một linh hồn mới trong thân tứ đại do đất nước gió lửa tạo thành này! Những trang kinh, những bài kệ khi xưa từng xa vời, nay hiện rõ trong tâm khiến ông, không chỉ dễ dàng đọc tụng mà còn từng bước hành trì miên mật cho tới đắc quả vị A La Hán.

Đức Thế Tôn nhìn thấu, nên đã độ cho người có thể độ.

Trái tim Phật từ bi mở rộng

Vòng tay Phật nâng đỡ ân cần

Bước chân Phật chỉ đường dẫn lối

Trong Bổn Môn Pháp Hoa Kinh, phẩm Như Lai Thọ Lượng, sau 3 lần Đức Di Lặc Bồ Tát đại diện Chư Bồ Tátthỉnh cầu, Đức Thế Tôn mới nhận lời mà bảo đại chúng : “ … Tất cả thế gian đều cho Đức Phật xuất thân họ Thích, đến cội bồ đề gần thành Già Da, mà thành Chánh Giác. Nhưng thiệt từ ta thành Phật đến nay, trải qua vô lượng vô biên A-tăng- kỳ- kiếp, thường ở Ta-bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ, thuyết pháp giáo hoá vô số chúng sanh - tin nơi ta - mà khai phương tiện chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu …”

 

Thiếu niềm tin và không đủ lòng chí thành chí thiết cầu giải thoát giác ngộ thì dù từ bi, Đức Phật cũng không thể độ họ. Như trong Sám Pháp Lương Hoàng Sám, quyển Thứ Bẩy, chương thứ 10, có đoạn nói về 8 nạn khổ, mà nạn thứ 8 là “ Sanh trước Phật hay sau Phật” .

Đoạn này bổ túc cho rõ ý nạn khổ thứ 8, là thời đó, một bà già ở thành Đông, đồng sanh một thời, đồng ở một xứ với Phật mà bà không hề quan tâm tới đạo giải thoát, không nghĩ tới tìm Phật, gặp Phật; trong khi, loài rồng là súc sanh nhưng tin nơi Đạo Cả mà lên được Đạo Tràng, dự thính Giáo Pháp !   

Phàm có nạn hay không, là tại tâm. Tâm đã sanh nghi ngờ thì không phải nạn cũng thành nạn. Có niềm tin thì nạn cũng chuyển thành phi nạn.

 Là người con Phật, niềm tinchúng ta cần có là tin nơi những lời giáo huấn từ kim khẩu Đức Thế Tôn. Hơn 26 thế kỷ qua, lời Cha Lành đã không ngừng tuỳ thuận theo quốc độ, văn hoá, căn tánh chúng sanhtiếp tục truyền dạy qua bao ứng thân Bồ Tát, Đạo Sư, Sa-môn, thiện trí thức …

Lời hứa khả “Mọi chúng sanh đều sẵn có Phật Tánh như nhau”năng lực vô biên cho những ai tin nơi Chư Phật đều cố gắng nhìn lại chính mình để triển khai Phật Tánh. Ở giai đoạn này, niềm kính tin vô cùng quan trọng, là chiếc cầu nối đôi bờ giao cảm.

Khi ngài Chu Lợi Bàn Đà Già chưa được Đức Thế Tôn trao cho cây chổi nhiệm mầu thì nào ngài đã hiểu kinh, thuộc kệ, nhưng lòng tin nơi Đức Thế Tôn thì luôn vững mạnh và chí thành nên tấm lòng đó đã giao cảm được với tâm từ bi của  Đức Từ Phụ.

Sự giao cảm có thể đạt được này, vẫn nhắc nhở trên mỗi trang kinh mở đầu thời khoá hành trì khi người con Phật thành kính đảnh lễ Chư Phật:

“Năng lễ, sở lễ tánh không tịch

Cảm ứng đạo giao nan tư nghì

Ngã thử đạo tràng như đế châu

Thập phương Chư Phật ảnh hiện trung

Ngã kim ảnh hiện Chư Phật tiền

Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ”

Chúng sanh trong cõi Ta-bà vốn nghiệp dầy, phước mỏng nên những ai có duyên may gặp được Phật pháp, tin nơi Giáo pháp, vẫn phải thường xuyên nhìn lại chính mình để kịp thời chuyển hoá và ngăn chặn những điều bất thiện vì trong sáu căn, Ý được xếp cuối bảng nhưng lại như con vượn chuyền cành, không ngừng thoăn thoắt nhảy nhót mà khiến năm căn trước, chưa kịp nhận ra đã bị Ý dẫn đi xa lắc !

Những ai có duyên may đôi khi kịp chuyển sửa tâm ý mình mà chợt liên đới nghĩ tới cây chổi của ngài Chu Lợi Bàn Đà Già không?

Cây chổi đó, ở thế-giới-tích-môn, là thế giới những sự tích có thật, được ghi chép lại. Cây chổi đó đã giúp ngài Chu Lợi Bàn Đà Già chuyển buồn thành vui, chuyển ngu tối thành trí tuệ, nhờ tâm hồn trong sángniềm tin chí thành nơi Chánh Pháp.

Vậy, suốt 26 thế kỷ, qua bao quốc độ, bao thăng trầm thế sự, vẫn  không thời nào không có những chúng sanh đủ duyên may mà chuyển tâm trên con đường tìm cầu giác ngộ thì có tha lực của cây chổi khi xưa hay không? Chắc là phải có ! Cây chổi đó vẫn hiện diện ở thế-giới-bản-môn, là thế  giới tinh thần của niềm tin những gì cao đẹp tuyệt hảo đều vượt khỏi mọi không gianthời gian

Khi quán chiếu được tới đây, lòng người con nào lại không phấn khởi khi tin rằng qua màn vô minh của kiếp nhân sinh, thì tinh thần cây chổi mà Đấng Cha Lành từng trao cho ngài Chu Lợi Bàn Đà Già khi xưa, vẫn từ bi ẩn hiện quanh ta. Hãy cùng nhau vững tin và chí thành cầm lên mà “Phất trần trừ cấu!” Hãy chăm sóc quét dọn vườn-tâm như người làm vườn, không chỉ vun đất bón cây mà còn phải quan sát nhổ cỏ dại thì cây kia mới xanh, hoa kia mới trổ.

Một sáng mùa đông, khi đang quét lá sân trước, bỗng như nghe thấy âm thanh trầm bổng của 4 tiếng “Phất trần trừ cấu”. Rồi phản ứng tự nhiên của kẻ phàm phu là dừng chổi nhìn quanh !

Có ai đâu! Chỉ là ngọn gió đêm qua làm rụng bao lá vàng để sáng nay cho người được quét lá, vun lại, ủ dưới gốc cây, cho lá sẽ thành đất, đất lại nuôi cây…

Trong sự thầm lặng tuần hoàn của vạn hữu vẫn luôn có sự thầm lặng chăm sóc lẫn nhau mới tạo thành những tiếp nối “Cái này sinh, vì cái kia sinh; Cái này diệt, vì cái kia diệt” để biết đâu mai này, tới sát na vi diệu, cùng thấy nhau qua lăng kính Bát Nhã “Không sinh. Không diệt…”

 

 

Huệ Trân

(Tào-Khê tịnh thất – một sáng nắng lên, sau những ngày mưa tuyết)

          

 

Xem thêm video:
https://thuvienhoasen.org/a33423/quet-sach

     

 

 

    

 

 

 

        

 

 

   

 

 

                       

  

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/07/2011(Xem: 110015)
10/10/2010(Xem: 106221)
10/10/2010(Xem: 108639)
10/08/2010(Xem: 111510)
08/08/2010(Xem: 117116)
21/03/2015(Xem: 21921)
27/10/2012(Xem: 65165)
09/09/2017(Xem: 10914)
02/09/2019(Xem: 7791)
09/04/2016(Xem: 13903)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.