Chương 1: Không Có Kẻ Thù

07/02/201112:00 SA(Xem: 15762)
Chương 1: Không Có Kẻ Thù

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
KHÔNG CÓ KẺ THÙ
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2011

Chương 1: Không có kẻ thù 

Ngày 11-9-2001, ai cũng đều biết đến bản tin những kẻ khủng bố đã gây ra nỗi kinh hoàng tại hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại của Mỹ. Nghiên cứu nguyên nhân sâu xa, ta thấy sự khủng bố có mặt trên cuộc đời này từ khi con người biết yêu và ghét. Thù hận được gieo rắc trong các tình huống khác nhau, phát triển rất nhanh chóng và được nuôi dưỡng dưới hình thức xung đột về ý thức hệ chính trị, ý thức hệ tôn giáo và giữa bản ngã của các cá nhân. Bất cứ khi nào, nơi đâu lòng thù hận chưa được rửa sạch thì nỗi khổ niềm đau và tình trạng khủng bố sẽ có mặt.

Qua chuyên đề này chúng tôi xin chia sẻ lời Phật dạy về cách thức hóa giải lòng hận thù. Đây là những viên thuốc rất bổ dưỡng cho tâm linh. Phục hồi sức khoẻ tinh thần chính là tiến trình tìm lại cuộc sống yêu thương vốn có. Như trong buổi pháp thoại, vị Hòa thượng giảng về đề tài Xóa bỏ hận thù, xong ngài hỏi các Phật tử:

- Ở trong đây ai đã xóa được lòng hận thù?

Có ông lão khoảng 80 tuổi, đứng dậy xung phong trình bày. Rất nhiều cặp mắt hướng về phía ông với thái độ ngạc nhiên.

- Thưa thầy tôi không còn hận thù nữa. Hòa thượng hỏi:

- Ông tu tập phương pháp nào mà hoá giải được hận thù hay thế?

- Thưa thầy, những kẻ phá phách tôi, hại tôi, muốn giết tôi đều bị Diêm Vương bóp cổ chết hết trơn rồi!

Câu trả lời như khôi hài, nói lên trạng thái tâm lý mà nhà Phật gọi là hận thù. Nó được tiềm tàng dưới dạng cảm xúc “Tuỳ miên,” tức ngủ ngầm, luôn bám víu theo. Rõ ràng ông lão chưa dứt được lòng hận thù. Đối tượng tạo ra sự thù hận cho ông không còn trên cuộc đời, nên lòng hận thù đó tạm thời được nguôi ngoai. Nếu như những người đó chưa chết thì lòng hận thù có thể lớn và trưởng thành một cách rất trung thành theo cuộc sống của ông. Nghĩa là sau khi ông qua đời nó tiếp tục trở thành người đồng hành và nỗi khổ niềm đau vẫn tiếp tục tiềm ẩn dưới dạng tùy miên.

Nếu phân tích theo ngôn ngữ triết học Phật giáo, tùy miêntrạng thái tâm lý ngấm ngầm, luôn bám víu theo con người. Khi ta không thấy sự biểu đạt của lòng sân thông qua lời nói cộc cằn, hành động thô lỗ thì cứ tưởng sân hận không còn trong lòng. Nhưng mỗi khi nghe người nào đó khơi lại nỗi khổ đau khó quên trong quá khứ như bị cướp, giết, hãm hại đến nỗi mất hết tất cả nhân quyền, nhân phẩm lúc ấy, nỗi khổ đau và thù hận bắt đầu được kích hoạt sống dậy. Tình trạng đó nhà Phật gọi là tùy miên được thể hiện như một trạng thái trương phồng của bong bóng cảm xúc.

Nếu như có chất xúc tác của những người xung quanh, lập tức khí sân hận sẽ được bơm vào trong bong bóng tâm của chúng ta. Đến khi lực chứa không còn chịu đựng được nữa thì bong bóng này có thể bị nổ tung thành từng mảnh.

Lòng thù hận kích hoạt trong tâm thức con người rất nguy hiểm. Đến khi nào tất cả mọi chất xúc tác không còn ảnh hưởng được nữa, hoặc đứng trước những hành động xúc tác đó mà tâm vẫn không lay động thì ta mới có thể tin tưởng được rằng mình đang sống trong trạng thái cảm thông, hỷ xả, bao dung. Lúc đó an lạc bắt đầu có mặt, như là một dòng tĩnh lặng không hề gợn sóng trên bề mặt tâm thức.

Tùy miên làm cho con người phải chạy theo quán tính. Quán tính này được nuôi dưỡng bởi sự biện hộ thông qua phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, là phải trả thù, phải răng đền răng, máu đền máu, ai mang nỗi khổ cho mình thì phải đền trả lại nỗi khổ cho người đó. Dĩ nhiên, kể cả chủ nghĩa yêu nước cũng được đặt trên nền tảng của lòng hận thù.

Nhà Phật dạy ta uống nước phải nhớ nguồn, yêu quê hương, tổ quốc, giống nòi, yêu tất cả các loài động vật, môi trường và thiên nhiên. Nhưng, khi đứng trước hoàn cảnh bi đát của lịch sử, giặc ngoại xâm đang thôn tính, mang lại nỗi khổ niềm đau cho dân tộc thì phản ứng tự vệ để ngăn cản tất cả những cưỡng lực ngoại xâm trỗi dậy. Sự dấn thân của những người yêu nước có thể được chấp nhận dưới hình thức làm vì nghĩa lớn. Trong nghĩa lớn vì dân tộc đó, nếu được cộng thêm tinh thần từ bi của đức Phật dạy, thì nghiệp sát sanh có thể được giảm đi rất nhiều.

Trong tình huống bộc lộ cảm xúc quá mạnh, không kiềm chế được, ta có thể quát tháo, chửi bới, đánh đập và thể hiện bất cứ điều gì để cho nỗi khổ niềm đau được lắng dịu xuống. Nên biết rằng, cách thức đó chỉ làm hả cơn giận chứ không phải là phương pháp để chữa trị bệnh thù hận, đang ngấm ngầm hoạt động trong cơ thể.

Trong kinh Tăng Chi, đức Phật dạy có bốn tình huống, theo đó, lòng thù hận được trưởng dưỡng và rất khó tháo gỡ khỏi mảnh đất tâm của con người.

Tình huống thứ nhất: Thái độ tâm lý lấy mình làm hệ quy chiếu, coi giá trị hạnh phúc, mạng sống, tuổi thọ là tất cả, bất cứ người nào đụng đến bản ngã đó thì xem nhưđối thủ của mình. Mỗi khi nhớ lại những cảnh tượng đã tạo cho mình khổ đau, hận thù sẽ được nhen nhúm và thể hiện.

Tình huống thứ hai: Xuất hiện dưới dạng thức ngã sở hữu. Những người thân, đồng loại... bị kẻ thù làm thương tổn, được quan niệm như đã từng làm thương tổn đến bản thân mình. So hai tình huống, đôi lúc kẻ thù làm thương tổn chính mình thì có thể tha thứ, vì nỗi khổ niềm đau có thể được xoa dịu theo năm tháng. Nhưng khi nhìn thấy những người thân thương bị cùng cảnh huống khổ đau đó, ta không dằn được cảm xúclập tức lòng thù hận gia tăng.

Tình huống thứ ba: Phức cảm tâm lý, xảy ra khi ta biết được ai đang hỗ trợ cho người mà ta không ưa thích. Trạng thái không ưa thích kẻ thù dẫn đến không ưa thích những người liên hệ đến kẻ thù, làm cho ta không tùy hỷ với những thành công của người. Trạng thái này tiềm ẩn dưới hình thức rất vi tế là lòng đố kỵ, tánh ganh đua, sự cạnh tranh. Họ không muốn người khác hơn mình, thay thế vị trí của mình trong xã hội.

Tình huống thứ tư: Đối với những người ta thương yêu nhưng lại được người khác chăm sóc vỗ về, cảm xúc ghen tuông lập tức có mặt. Ta chỉ muốn biến người đó trở thành sở hữu của tình yêu mà không người nào được quyền hưởng đặc ân đó. Như vậy dòng cảm xúc muốn chiếm hữu dễ trở thành thù hận.

 Bốn tình huống vừa nêu làm cho con người sống quán tính theo hai thái cực: bên bạn, bên thù; một bên chấp nhận và một bên loại trừ. Tính cách chấp nhận và loại trừ đẩy ta vào tình thế đối lập với người khác, giống như mặt trờimặt trăng, đêm và ngày.

CHỦ NGHĨA CỰC ĐOAN

Con người hay lấy bản ngã của mình làm trục xoay, cân đo tất cả hệ giá trị của cuộc đời. Trục xoay xung quanh hệ ý nghĩa của bản ngã làm con người trở nên cực đoan, không chấp nhận người khác, chỉ chấp nhận chính mình và cho mình là chân lý. Đó là lý do tại sao Adolf Hitler lại không thích người Do Thái. Vì nếu người Do Thái còn tồn tại thì trí khôn của Hitler đâu có là gì so với dân tộc đó.

Từ Thứ bị Tào Tháo ghét bỏ vì Từ Thứ là người lương thiện có tài, lại thường phát hiện lỗi của Tào Tháo. Những chiến lược của Châu Du luôn bị Khổng Minh vô hiệu hoá nên ông phải thốt lên lời than “Trời đã sanh Du rồi sao lại còn sanh Lượng nữa”.

Thái độ đặt mình trên bàn cân với người khác và muốn trọng lượng nghiêng về bản ngã của mình, sẽ làm cho ta không nhìn được sự thật. Có rất nhiều người trong cuộc đời này giỏi hơn, tài hơn ta nhưng vì lòng đố kỵ đã biến ta thành kẻ ganh ghét những ai tài giỏi hơn. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, ông vua nào đề cao bản ngã thì khổ đau sẽ có mặt khắp đất nước. Cho đến lúc nào trục xoay bản ngã vẫn còn lăn trên bề mặt của cuộc đời thì vẫn còn sự gập ghềnh cảm xúc khổ đau, bất hạnh.

Như vậy vận mệnh, cộng nghiệp của dân tộc, của quốc gia trong bước ngoặt lịch sử bị cuốn hút bởi những trục xoay bản ngã lớn. Nó để lại nỗi khổ niềm đau cho rất nhiều người, mỗi khi nghe đến những con người đó, ta khó có thể quên được. Điều này đã làm cho nhiều người bất đắc chí, không còn lối thoát, đến nỗi phải cúng dường cho cá (đi vượt biên chết) mà không cần đốt nhang. Nhớ đến những cảnh tượng đó đôi lúc ta ăn không ngon, ngủ không yên dòng cảm xúc cứ tiếp tục vận hành và khống chế đời sống hạnh phúc rất nhiều.

Mỗi lần, liên tưởng đến cảnh tượng tòa tháp đôi của Mỹ bị sụp đổ chỉ trong vài phút, cả thế giới kinh hoàng sửng sốt - nỗi sợ bắt đầu len lỏi trong từng mạch máu. Nỗi sợ hãi đó đã làm cho người ta bị đóng băng, không dám đi đến những nơi công cộng vì việc đánh bom, tự sát có thể xảy ra... Cái tôi loại trừ đã làm cho nhân loại trở thành nạn nhân và khổ đau cứ tiếp tục gia tăng, sự thù hận cũng theo đó mà bùng phát.

Làm sao không thù được, khi người thân của mình đột ngột qua đời, gia tài sự nghiệp cũng theo đó mà bị ảnh hưởngđời sống sa sút, kéo theo cả một vùng khổ đau nên ta giận cũng phải lắm chứ! Đó là tâm lý của con người.

Tâm lý học Phật giáo dạy chúng ta phải có cái nhìn thật bình tĩnh, để cứu mình trong những biến cố khổ đau. Con người đôi lúc không đủ sức để tránh được những biến cố, dẫn đến bế tắc và giao phó thân mạng cho may rủi. Họ tự an ủi theo cách thức tâm niệm của dân gian “Trời kêu ai nấy dạ,” nghĩa là cái hoạ, cái chết đã được an bài, dầu có trốn tránh cũng chưa chắc thoát khỏi. Quan niệm về sự an bài đó tạo cho ta cảm giác an toàn nhất thời. Cứ đi chợ, sinh hoạt, du lịch, ngoại giao, làm kinh tế rồi chuyện ra sao thì ra.

Dĩ nhiên trạng thái đó chỉ giúp mình vượt qua khỏi những biến cố ở một mức độ. Phân tích bề mặt sâu thẳm của dòng chảy cảm xúc, thì ta biết trạng thái an lạc đó chỉ là tạm thời. Nó được phủ trùm bởi một cưỡng lực trấn an có ý thức của con người là “Cứ liều đi, bây giờ mình có làm gì cũng đâu khác hơn được”. Ứng phó như vậy là chưa tìm cho mình giải pháp thật sự hiệu quả.

Ta hãy phân tích bản chất của cuộc sống như quy luật vận hành tiến trình theo chu kỳ: Sanh, trụ, dị, diệt. Sanh ra, lớn lên, già bệnh và chết đi. Vũ trụ có sự hình thành chuyển biến rồi tan hoại. Không có cái nào thoát khỏi quy trình đó.

Như vậy liệu sự sợ hãi cái chết có thể giúp cho con người thoát khỏi nỗi khủng hoảng của nạn khủng bố hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Như vậy, chẳng có lý do gì để đổ dồn cảm xúc vào sợ hãi. Hãy tập trung bồi dưỡng đời sống đạo đức, tuệ giác, để gieo trồng tất cả những phước lực cần có trong cuộc đời. Phước lực này chính là hàng rào hộ vệ mạng sống và tuổi thọ con người.

Người xưa thường nói: “Đức trọng quỷ thần kinh,” đức của mình sẽ vượt ra khỏi mọi biến cố cộng nghiệp; người ta có thể bị mất mạng, nhưng mình chỉ bị thương tật; người ta có thể bị thương tật, mình chỉ bị trầy xước; người ta có thể bị té ngã còn mình vẫn không hề hấn gì. Sự khác nhau trong cùng những biến cố đó khẳng định một điều là do nền tảng của đời sống phước đức ta gieo trồng trong cuộc đời một cách có ý thức hay không.

Hiểu được như vậy ta vẫn cứ làm, sinh hoạt, đối tác, ngoại giao, di chuyển mà không hề sợ bất cứ điều gì. Trạng thái đó hoàn toàn khác hẳn với tâm lý liều mạng, cuốn theo chiều gió như định mệnh đẩy đưa.

NGHỆ THUẬT BUÔNG XẢ

Dòng cảm xúc hận thù tùy thuộc rất nhiều vào thái độ sống và tâm lý ứng xử của con người. Cũng trong một biến cố, nỗi khổ niềm đau như nhau, thế mà có người có thể quên đi trong vòng vài ngày, có người vài năm, có người vài mươi năm, có người mang theo đến đời sau, khi sanh ra tiếp tục mang hận thù mà mình không hề biết tại sao mình lại hận thù họ. Có những giao thoa từ hận thù tạo ra sự tắc nghẽn trong mối quan hệ đối tác. Điều này đã làm cho rất nhiều người bị khổ đau kéo dài từ đời này sang kiếp nọ. Để có trạng thái an lạc, thảnh thơi, đức Phật dạy hãy chuyên tâm thực hành buông xả. Nếu muốn giảm tối thiểu lòng hận thù thì phải trưởng dưỡng sự buông xả một cách có ý thức và có nghệ thuật.

Sự buông xả được ví như cách ta xé mảnh giấy nợ của ân oán giang hồ giữa ta và người. Người tạo ra khổ đau có thể nghĩ rằng họ làm vì công bằng, hoặc không có lựa chọn nào khác; trong khi đó ta là nạn nhân hoàn toàn bị động. Cái chết ập đến, khổ đau chầu chực, bất hạnh có thể diễn ra với ta theo cách thức này hay cách thức khác dưới sự chủ đạo ý thức của người kia, do đó nỗi khổ niềm đau của ta dễ dàng gia tăng.

Buông xả được thiết lập thì món nợ được an bài. Nếu mạnh dạn xé đi giấy nợ, thì tâm ta sẽ được thoải mái, an lạc. Còn giữ nó là đang nuôi ong tay áo, có ngày bị chích đau điếng; hoặc như đang giữ ngọn lửa trong căn nhà, có thể tạo ra hỏa hoạn.

Trong sự thiêu cháy của lòng sân. Kẻ thù chưa chắc đã bị đốt, trái lại, người ôm hận đang nỗ lựcý thức thiêu đốt chính mình và người thân. Truyền dòng cảm xúc hận thù đó cho người thân hay bất kỳ ai, thì hận thù tiếp nối hận thù không tháo gỡ được. Trong kinh Đại Bảo Tích, đức Phật đưa ra ẩn dụ về con khỉ đang nhảy từ cành này sang cành khác, bất thình lình, cành cây gãy, nó bị rơi xuống đầm lầy. Nó càng vẫy vùng thì càng bị chìm sâu, cho đến lúc không còn đủ sức để vẫy vùng nữa thì chết. Đức Phật dạy, dòng cảm xúc khổ đau của hận thù cũng như vậy.

Khi ta bị một mũi tên của hận thù bắn vào tim thì sự đau nhói làm cho ta giãy giụaĐức Phật dạy nghệ thuật tháo gỡ bằng cách đừng dùng đuôi của mũi tên để kéo ra, vì kéo như vậy mũi tên theo thế nghịch sẽ xé da thịt bên trong. Tốt nhất phải chịu đựng, có bản lãnh cầm lấy mũi tên bẻ gãy phần đầu, sau đó mới dùng hết sức bình sinh, rút mũi tên ra. Chịu đau một chút nhưng sau đó ta còn có cơ hội để chữa lành. Nếu lúc đó ta vội vàng giãy giụa, muốn trả đũa, thể hiện tất cả nỗi khổ niềm đau, là chính ta đã tự biến mình thành nạn nhân lần thứ hai. Mỗi lần tâm niệm hận thù xuất hiện thì ta trở thành nạn nhân lần nữa, dẫn đến tự hoại lần hồi mà không hay. Như vậy, ý thức về tác nhân gây ra khổ đau là nguyên nhân sinh ra nỗi hận thù rất lớn.

Để xóa bỏ hận thùhiệu quả, trước nhất hãy quán tưởng không có tác nhân gây ra. Dù họ có cố ý hay vô tình cũng không thành vấn đề. Quán như vậy, để ta không gieo hận thù. Nếu không buông xả thì mắt xích khổ đau giữa ta và người sẽ gút mãi, sau đó nhân lớn vòng mắt xích này liên thông qua gia đình mình, dẫn đến hễ ghét người nào là ghét luôn cả dòng họ.

Từ một cảm xúc của khổ đau nhỏ nhoi biến thành một vùng từ trường ảnh hưởng lây lan rất lớn, đến độ gặp những người không hề liên can trực tiếp ta vẫn cảm thấy khó chịu khi biết được giữa họ có cùng ý thức hệ, quan điểm, khuynh hướng trong cuộc sống.

Như vậy, tác nhân của nỗi khổ niềm đau, dưới góc độ tâm lý trị liệu, không phải do kẻ thù, mà chính nạn nhân không buông bỏ được cảm giác hận thù tạo ra. Vì vậy sự trả đũa không phải là giải pháp lâu dài. Trong kinh Pháp Cú có câu:

Hận thù diệt hận thù
Đời này không được
Từ bi diệt hận thù
định luật nghìn thu”.

Chỉ có tình thương, lòng từ bi, sự tha thứ mới có thể chấm dứt hận thù một cách vĩnh viễn. Đây là quy luật của muôn đời, nghĩa là nó không chỉ có giá trị trong hiện tại mà còn tiếp tụcgiá trị vĩnh viễn trong tương lai.

Để tháo gỡ lòng hận thù, thực tập pháp quán khôngtác nhân tạo ra khổ cho mình, sẽ có hiệu quả nhanh chóng và lâu dài. Không nên nghĩ rằng “Tôi cần phải trả thù vì tôi yêu nước, hoặc là tôi phải trả thùlòng hiếu thảo đối với cha mẹ đã qua đời”. Tư duy về tác nhân là một trong những cách làm cho con người bị bế tắc, trong hướng giải quyết vấn đề toàn triệt. Quán chiếu như vậy để thấy rằng kẻ thù của nhân loại hay kẻ thù của khổ đau chính là lòng tham không đáy, lòng sân như lửa bỏng, sự si mê đắm nhiễm, chứ không phải là con người. Con người chỉ là công cụ của ý thức mà thôi.

Muốn tháo gỡ hận thù và không gieo rắc khổ đau cho người khác, tốt nhất ta chuyển ý thức từ cực đoan trở thành ý thức khoan dung, rộng mở, biết tôn trọng sự sống. Có như thế ta mới bước vào và mở rộng bầu không gian an lạc vô cùng tận.

KHOANH VÙNG CẢM XÚC

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật dạy nghệ thuật không nhân lớn khổ đau. Nghệ thuật đó có thể được triển khai dưới nhiều góc độ tâm lý:

Thứ nhất là khoanh vùng cảm xúc khổ đau để lòng hận thù chỉ có mặt trong vùng này thôi. Cách thức đó, có thể hình dung giống như đưa vi khuẩn vào cơ thể qua tiêm chủng, tạo ra vùng kháng thể, cô lập hoàn toàn vi trùng độc hại xâm nhập vào. Tương tự, khoanh vùng cảm xúc của lòng thù hận lại để nó không lan truyền cho thân bằng quyến thuộc. Nếu để nó truyền, chẳng những mình mà người khác cũng bị khổ đau tương tự. Nếu thương thân bằng quyến thuộcbản thân thì trước hết hãy khoanh vùng cảm xúc giận dữ đó lại.

Khoanh vùng như thế, tạo cảm giác an toàn khi ta chưa đủ sức chuyển hóa nó bằng cách quán “Không có tác giả” thì ít nhất ta vẫn có thể sống được yên ổn. Quán tưởng nhiều về cảnh giới của sự sống, bỗng dưng ta cảm thấy mình cần có tình thương yêu để thay thế những nỗi khổ đau trong quá khứ.

Khi quan niệm về tình thương yêu, ta có thể tự an ủi rằng: Có lẽ trong kiếp nào đó, mình đã từng tạo ra cảnh ngang trái cho người khác. An ủi như thế giúp cho mình buông đi nỗi thù hận ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu ai quy hết trách nhiệm về quá khứ thì người đó sẽ rơi vào chủ nghĩa định mệnh, không phát khởi nỗ lực rằng “Tôi phải làm lại cuộc đời, phải cách tân, thay đổi, phấn đấu, vươn lên”.

Quy trách nhiệm về quá khứ chính là kẻ thù của sự tiến hóa. Dù tin vào nhân quả nhưng ta phải xác định rõ những hạt giống đã gieo trồng trong quá khứ. Nó sẽ tồn tại dưới dạng thức năng lựcnăng lực này được kích hoạt theo quán tính của thói quen. Quán tính đó có thể chi phối đời sống sinh hoạt, tư tưởng, ý thức của ta khoảng 30% đến 50% là hết. 50% đến 70% còn lại lệ thuộc rất nhiều vào ý thức tư duy, hành động, lời nói, việc làm, cử chỉ và cách thức giao tế.

Ý thức được như vậy thì ta không đổ lỗi cho quá khứ. Đổ lỗi cho quá khứ có thể dẫn đến tình trạng đổ lỗi cho thời cuộc, hoàn cảnh, bất cứ cái gì mà ta có thể gán ghép. Người như thế sẽ rơi vào tình trạng bế tắc không có lối thoát.

Hóa giải hận thù là nhu cầu rất cần thiết. Hãy bình tĩnh để phân tích rõ ràng nguyên nhân chủ quan, khách quan, nguyên nhân cộng nghiệp của một thời đại, giai đoạn lịch sử hay nỗi bất hạnh chung cho cộng đồng. Khi thấy được chân tướng của các nguyên nhân rồi ta hãy bắt tay làm mới cho cuộc đời mình, tập sống trong trạng thái vô úy. Lúc đó ta sẽ không còn bị chi phối bởi những biến cố đau thương trong đời.

Nếu bế tắc thuộc bóng tối hãy hướng tâm mình về mặt trời; nếu bế tắc là khổ đau thì hướng tâm về hạnh phúc; nếu bế tắc là thù hận thì hãy hướng tâm về sự tha thứ; nếu bế tắc là sự ngột ngạt đơn lẻ thì hãy hướng tâm về một bầu không gian vô tận. Ở đó ta không hề thấy sự trói buộc ngang trái giao thoa với nhau.

Cứ để tâm mình vào hư không rỗng lặng thì hận thù sẽ không có chỗ để bám víu. Dù muốn bám víu đi nữa cũng bị rơi vào trạng thái chân không, không bị lực hút của trái đất chi phối. Lực hút của trái đất trong tình huống này là sự thù hận, tật đố, trạng thái bất an. Bỏ hết tất cả những dây mơ rễ má này, ta sẽ tồn tại trong trạng thái chân không, không còn dín dáng gì những biến cố cuộc đời. Lúc đó ta sẽ biết tôn trọng và chăm sóc cảm xúc của mình trong bất cứ trường hợp nào. Đây cũng là yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công trong ứng xử.

Nếu bất hạnh sanh ra trong truyền thống văn hóa tương tự Hồi giáo, ta khó có cơ hội chăm sóc cảm xúc, vì đã bị tiêm

chủng bằng chủ nghĩa cực đoankhủng bố. Người theo các giáo phái cực đoan có thể được nhồi sọ rằng, giết kẻ thù nhiều chừng nào thì sẽ sớm có visa vào thiên đàng chừng đó. Tâm trí si mê cuồng tín này đã làm cho con người dấn thân vào khổ đau, tạo ra sự bế tắc mà họ lại vui mừng hân hoan tình nguyện.

Quan niệm về Thánh chiến trong Hồi giáosai lầm. Không có chiến tranh nào là thánh thiện. Tất cả chiến tranh đều mang lại khổ đau và nạn nhân chính là những người dân vô tội. Dù chiến tranh đó là chánh nghĩa thì khổ đau vẫn luôn có mặt. Nhân chiến tranh lên thành một chân lý tôn giáo đã làm cho rất nhiều người bất hạnh. Nỗi bất hạnh đó kết thành vòng từ trường của thù hận.

Khi những chiến sĩ qua đời với lòng thù hận thì trong kiếp sau họ lại tiếp tục có những trạng thái tâm lý thù hận. Cứ thế mà kết thành dây mơ rễ má từ kiếp này sang kiếp nọ rất nguy hiểm.

Tóm lại, khoanh vùng nỗi khổ niềm đau là cách ngắn nhất, theo đó ta không nhân bản, không lan truyền khổ đau cho người thân. Những gì của quá khứ, hãy để nó thuộc về quá khứ. Ta là nạn nhân thì đã chấp nhận nó rồi, còn thế hệ sau là những người không nên chịu cùng một số phận đó, nên ta đừng để thù hận lây lan cho người không liên can.

QUÁN ÂN NGHĨA

Phương pháp quán này là nghệ thuật tìm kiếm những giá trị tích cực ở người đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho ta. Nhân gian có câu “Hơi đâu mà giận người dưng nước lã,” câu nói này đôi khi cũng đắc dụng. Ví dụ mình đang giận ai đó, mình nói “Ôi, người dưng nước lã giận làm chi”. Mặt khác, nó cũng có tác dụng phụ mà ta cần phải lưu ý, vì ngay khi dựa vào câu đó là mình đã vô tình dựng lên một chân lý mới đó là “Tôi phải giận những người thân, nếu họ làm tổn thương mình thì sẽ không tha thứ được”. Vậy là tránh vỏ dưa gặp vỏ chuối.

Ta tự biện hộ cho mình được quyền giận, hận thù những người mà mình thương nhất, bởi vì họ đã từng hiểu được ta, từng chung sống với ta, vậy mà họ lại gây ra những trái ngang cho nên nỗi thù hận đó được gia tăng. Theo cách nhìn tích cực, ta hãy lập luận đối nghịch lại, vì họ là những người thân cho nên được quyền làm những chuyện đó, còn người dưng đâu dám làm, phải thủ lễ, ngoại giao đàng hoàng. Quan niệm mới để tìm thấy giá trị tích cực ở người kia, và lòng hận thù giảm đi rất nhiều.

Đạo Phật dạy phải nhận rõ rằng, cái tốt hay không chỉ có giá trị về mặt tương đối. Tốt trong tình huống này nhưng sẽ không tốt trong tình huống khác. Ở những xứ văn minh về khoa học và vật chất, thì sự khổ đau đó được hỗ trợ bằng hệ thống an sinh xã hội. Ngược lại, những quốc gia nghèo lập luận rằng, phải cho người dân khổ đau để họ có sức chịu đựng. Họ cho hệ thống an sinh xã hội này là nguy hiểm vì sẽ làm người ta ỷ lại. Lý luận nào cũng có chỗ đúng và sai. Hệ thống an sinh xã hội được đặt trên nền tảng tương thân, thuộc cùng chất liệu với lòng từ bi. Nhu cầu đó không thể thiếu, mặc dù phải loại trừ những con người lợi dụng vào lòng tốt của chính sách, nhưng chuyện đó là chuyện phụ.

Đối với vai trò một quốc gia, tất cả những hỗ trợ tương tác, lấy lương bổng cao của những người có công ăn việc làm hỗ trợ người thất nghiệp nghèo đói hay bệnh tật là điều cần thiết. Đặt con người trong tình huống làm quen với nỗi khổ niềm đau để cho họ đứng vững, thực chất chỉ là một lập luận để an ủi.

Nếu ai lý luận rằng, hạnh phúc phải có mặt từ khổ đau thì người đó sai lầm, bởi khổ đau không thể tạo ra hạnh phúc. Khổ đau có thể được sử dụng như một công cụ để ta vươn lên, tìm thấy hạnh phúc. Nếu nói rằng, trong khổ đau ta có được hạnh phúc thì sai lầm. Đó cũng là sai lầm của Ấn Độ giáo và nhiều tôn giáo khác. Chẳng hạn như cho rằng, cứ đè nén thân thể bằng cách khổ hạnh ép xác như đứng một chân, quanh năm suốt tháng không hề tắm, nằm trên chông gai để cho cảm xúc về tính dục không còn hiện hữu... và bấy giờ trạng thái hạnh phúc tối hậu sẽ bắt đầu có mặt.

Trên thực tế, trạng thái hạnh phúc chỉ có mặt khi dòng khổ đau được chuyển hoá. Đặt nền tảng hạnh phúc trên khổ đau là ta đã sai lầm ngay từ căn bản của cách thức đặt vấn đề. Đừng rơi vào trạng thái sai lầm đó, hãy gieo những nhân hạnh phúc để ta có được an vui.

Trong những biến cố khổ đau, nếu biết cách tỉnh thức để quán chiếu về nhân quả, nghiệp duyên, điều kiện, hoàn cảnh... và dấn thân một cách tinh tấn không mỏi mệt, chán nản thì ta sẽ có cơ hội làm mới những gì mọi người nghĩ rằng sẽ không làm được. Như thế hai khuynh hướng ứng xử khác nhau sẽ dẫn đến hai hệ quả hoàn toàn trái ngược.

Quán về ân nghĩa, để ta không rơi vào tình trạng vong ân bội nghĩa. Uống nước phải nhớ nguồn. Tìm một cử chỉ đẹp của người tạo ra nỗi khổ đau cho mình, để nỗi hận thù không trương sình lên mức tối đa.

Chẳng hạn như trong Tam Quốc Chí, Quan Vân Trường biết Tào Tháo là kẻ gian hùng, nhưng ông vẫn tìm kiếm những giá trị tích cực của Tào Tháo để xóa bớt hận thù. Ông luôn nhớ thời hàn vi, Tào Tháo rất trọng thị ông. Bây giờ biết Tào là kẻ hiểm ác, muốn trừ hậu hoạ là phải giết, nhưng giết vì chánh nghĩa chứ không phải giết vì thù hận. Trước khi ra tay, ông tìm cách trả ơn trước, bằng cách tha tội chết cho Tào Tháo. Gia Cát Lượng có ý muốn giúp giải tâm lý Quan Công và cũng hiểu được thâm tình của Lưu Bị nên yêu cầu ông ta ký vào hiệp ước “Nếu kháng quân lệnh sẽ bị chém đầu”. Cuối cùng ông đã chống trái và bị Gia Cát Lượng ra lệnh chém đầu, rất may nhờ Lưu Bị xin tha và được thoát chết.

Trong câu chuyện trên, Quan Công đã quán về ân nghĩa, tìm kiếm những giá trị tích cực của người xấu để nỗi khổ niềm đau giữa mình và người kia được tháo gỡ. Trên chiến trường bên nào cũng phải bóp cò, ai nhanh thì sinh tồn, ai chậm thì chết, nhưng phải có tâm chiến đấu vì chính nghĩa chứ không nên dùng tâm hận thù. Như thế lòng thù hận sẽ được tháo gỡ và oan khiên không kết chặt.

Có vị tướng trước khi qua đời đã làm hai câu thơ:

Còn chút rượu nồng xin rót cạn
Giải oan cuộc thế bể dâu này.

Đối với chiến sĩ, rượu là một trong những người bạn giúp họ quên đi nỗi thương vợ, nhớ con để hướng về trách nhiệmbiên cương. Rượu còn là phương tiện để dồn nén lòng sân hận đối với kẻ thù. Nhưng ông ta xin tình nguyện rót hết những ly rượu nồng của sự thù hận đó để mong sao giải oan cuộc thế bể dâu, mong cho cuộc đời không còn đau thương nữa.

Theo đức Phật, nếu ta giải oan bằng lòng sân thì lòng sân đó gia tăng. Giải oan cuộc thế bằng những viên đạn thì oan khiên đó sẽ tiếp tục sinh trưởng. Chỉ có giải oan bằng lòng từ bi, bằng sự tha thứ, bằng cách thức quán ân nghĩa thì ta mới thoát khỏi ách tắc trong đời sống cảm xúc của chính mình.

GIEO TÂM QUẢNG ĐẠI

Tâm quảng đại là một trong những yếu tố quan trọng của bậc Bồ-tát. Tâm quảng đại đó thường được gieo trồng bằng cách quán đại địa không có sự phân biệt. Quả đất này là nơi dung chứa tất cả những thứ quý báu như vàng bạc, đá quý hoặc chứa những chất thải của con người, vậy nên không hề có chút gì khác biệt về tác dụng.

Kinh Tâm Địa Quán cũng như kinh Hoa Nghiêm Phật dạy, phải quán tâm quảng đại của mình như quả đất để có thể chứa tất cả nỗi khổ niềm đau, thích và không thích, tích cựctiêu cực của những người khác đối với mình. Cũng như rác mà bỏ dưới lòng đất sau một thời gian thì tất cả sẽ bị hư hoại hết và trở về với đất. Ta có thể tạo dựng hệ thống tự đào thải tất cả những bợn nhơ tâm lý bằng cách nhân lớn tâm quảng đại của mình, theo cách sánh ví nó như bầu không gian vô cùng tận. Không gian vật lý thì có khoảng cách, mặc dù đến bây giờ chưa biết được biên độ giãn nở của nó là bao nhiêu nhưng ta tin chắc rằng nó vô cùng.

Khi quán rằng tâm quảng đại của mình vô cùng tận thì nỗi khổ niềm đau chỉ là những vật rơi của định tinh nào đó ở trong không gian, thỉnh thoảng ngẫu nhiên rơi trúng ngay địa cầu mà mình đang sống. Cứ nghĩ như vậy thì không có lý do gì để thù hận cái mảnh thiên thể khổ đau đó rớt trên đầu, ngôi nhà, đổ dồn lên trên cộng đồng của mình. Quan niệm như vậy là thái độ ứng xử tích cực để tháo gỡ khổ đau.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam vào thời Lý, vua Lý Nhân Tông được sự hỗ trợ đắc lực của Lý Thường Kiệt, Việt Nam đã chiến thắng khỏi ách nô lệ Trung Hoa. Nhà vua rất hiểu đạo lý Phật giáo nên ông tập theo hạnh Bồ tát, thay vì giữ thế đối đầu với Trung Hoa thì ông đã dâng sớ cầu hòa. Hiệp ước hòa bình đó được thiết lập bằng tâm quảng đại chứ không phải thủ thuật của chiến tranh. Đây không phải là tình thế khi thế lực không cân bằng, tốt nhất là người ta hoãn binh hay tìm cách khác để thương lượng. Ở đây vua Lý Nhân Tông phát xuất từ lòng thương yêu nhân dân của hai nước. Chiến tranh sẽ mang lại chết chóc và khổ đau nên ông phải hạ mình cầu hòa để nước Trung Hoa không uất hận mà sanh ra trả thù, hầu mưu cầu sự thái bình, an vui và hạnh phúc cho dân tộc.

Tinh thần cầu hòanghĩa cử rất cao thượng, chỉ những người có chất hùng dũng mới dám làm. Dĩ nhiên cũng có rất nhiều người bán nước cầu vinh, phải trở thành thuộc hạ, nô lệ cho một ý thức hệ nào đó. Lý Nhân Tông đã sáng suốt thấy vận mệnh đất nước, chỉ có đặt trên nền tảng tình thương yêu và lòng quảng đại mới có hoà bình thật sự, giúp cho con người tháo gỡ được bế tắc trong cuộc sống.

Trong kinh Đại Bảo Tích, đức Phật kể câu chuyện ngụ ngôn về phản ứng của con chó và sư tử.

Có anh chàng nọ rất phiền não vì tiếng sủa, tiếng chạy đùa giỡn của mấy con chó, nó đã làm anh mất ngủ nên anh muốn trả thù. Anh dùng cục xương to và cầm ná để bắn chúng. Chó bị đau, phản ứng thông thường là phải tìm những gì đã tạo ra cơn đau. Chúng thấy đó là cục xương nên nhào tới cắn xé. Càng cắn xé thì răng chúng lại càng đau hơn, nỗi đau của thân thể chưa giảm thì nỗi đau của răng lại bắt đầu có mặt.

Nếu dùng cục xương đó bắn vào con sư tử, ta thấy phản ứng hoàn toàn khác biệt. Nó sẽ không cắn cục xương, cũng không giãy giụa, kêu la thất thanh trong hoảng hốt. Cặp mắt nó sẽ nhìn liếc để định hướng vị trí cục xương từ đâu lao tới. Nó biết tác nhân chính của nỗi khổ niềm đau này không phải là cục xương mà hẳn có kẻ đang tác động.

Cách thức ứng xử của sư tử và chó khác nhau rất xa. Chó vì thiếu khôn ngoan nên làm cho nỗi khổ niềm đau gia tăng. Sư tửbình tĩnh, tìm cách truy nguyên nguồn gốc khổ đau nó gặp phải. Hai phản ứng khác nhau tạo ra hai kết quả và giá trị khác nhau.

Đệ tử Phật nên ứng xử ít ra như sư tử. Đừng bắt chước chó, mà trở nên thiển cận. Loài chó thường có tính cách a dua, một con sủa thì cả đàn sủa theo. Thế giới của loài chó là thế giới của biên cươngtranh giành, chủ quyền quản lý biên cương đó theo cách tự khoanh vùng như các sứ quân”.

Ví dụ trong làng ấp nào có 100 con chó, thì chúng sẽ bầu lên chó “tổng thống,” rồi đến các bộ trưởng. Các cư dân của chúng đều có hộ chiếu, quốc tịch đàng hoàng. Để bảo vệ biên cương bờ cõi của chúng, bất cứ con nào ở chỗ khác tới, chúng sẽ theo dõi, cô lập và tấn công. Nếu con chó lạ không đủ sức kháng cự lại đàn chó này thì nó phải vĩnh viễn đi chỗ khác, không có cơ hội tìm kiếm những thức ăn rơi rớt ở trong khu vực đã có chủ.

Thái độ liên minh này thường tạo ra những phản ứng gây khổ đau. Có thêm liên minh trong sân hận như có thêm những hỗ trợ của vùng từ trường tiêu cực, thì người nối kết liên minh sẽ càng gia tăng nỗi khổ niềm đau.

Trở lại câu chuyện, khi các con chó nghĩ rằng tác nhân gây ra nỗi khổ niềm đau của mình là cục xương, chúng giành giật cắn cục xương đó. Thấy cục xương này có mùi vị thơm ngon nên từ chỗ trả thù dẫn đến chỗ tranh chấp lẫn nhau. Như vậy, từ bế tắc thứ nhất kéo theo bế tắc thứ hai. Nói cách khác, từ bế tắc của lòng sân dẫn đến bế tắc của lòng tham, muốn trở thành chủ nhân của cục xương, nhưng không ngờ đó lại là đầu mối của rắc rối. Cuộc đời này cũng thế. Có nhiều người nghĩ sai lầm muốn biến mình trở thành chủ nhân của cảm xúc tiêu cực, nhưng không ngờ lại thành nạn nhân không lối thoát.

Nhìn thấy tác nhân gián tiếp không chỉ là cái nhìn phiến diện, mà còn là phản ứng đôi lúc trở nên thiển cận. Hãy theo hạnh sư tử, không thù hằn cục xương, vì sự hận thù và trả đũa đó là hoàn toàn vô ích. Cục xương chỉ là công cụ của anh chàng cầm ná.

Nên hướng về tác nhân trực tiếp và chính yếu là cách thức ta nhận diện để tháo gỡ nỗi khổ niềm đau thật sự. Dĩ nhiên, tác nhân đó không phải là nhân vật cụ thể. Phật dạy rằng, đừng nên quan niệm tác nhân khổ đau là con người mà là lòng tham sân si, là thái độ thiếu sáng suốt. Hiểu được điều đó, ta sẽ bình tĩnh như con sư tử, mắt không nháy, thân thể an nhiên bất động, đi từng bước chậm rãi để định hướng và tìm giải pháp an toàn và bền vững cho niềm đau nỗi khổ của mình.

Cách thức ứng xử đó tuy đơn giản nhưng có hiệu quả cao. Đừng như hai con gà, hễ mạnh thắng, yếu thua. Trong chiến tranh, cả kẻ chiến thắng và người thua đều là nạn nhân, chứ không phải chỉ có người thua mới là nạn nhân. Chỉ có cách dàn trải tình thươngtháo gỡ lòng hận thù mới thật sự là chiến thắng oanh liệt nhất.

Muốn được như vậy, ta đừng tạo tâm lý lây lan hận thù. Đừng đem hận thù của mình gieo rắc cho những người thân. Không khéo, ta sẽ biến người thân trở thành tấm thớt của cơn tức giận, có gốc từ người dưng nước lã.

Khi muốn chia sẻ vấn đề gì đó cho người thân, phải chắc chắn rằng người đó hiểu mình như thiện hữu tri thức. Nếu không, ta không đón nhận được những gì mong đợibực tức bắt đầu có mặt. Lúc đó, thay vì giận kẻ thù, người giận cá chém thớt sẽ giận những người thân.

Như vậy trạng thái của lòng hận thù được chuyển sang một bước ngoặt thứ hai. Nó tiếp tục bị thay hình đổi dạng vì được đặt trên nền tảng của chủ nghĩa cực đoan. Tức, cho rằng mình là chân lý; những gì ta chủ trương phải là đúng; ai không theo là sai lầm nên ta chuyển hướng tấn công những người không theo mình và biến họ thành kẻ thù.

Thay vì kẻ thùtác nhân đầu tiên, ta lại nghĩ những người không tán đồng mình là những người tạo ra cho mình sự bực dọc. Cách thức ứng xử đó kéo theo dây chuyền của sự bế tắc, không lối thoát. Trong mọi tình huống ta cứ điềm nhiên, định tĩnh, đem trí tuệ để giải quyết mọi việc một cách chính đáng thì tất cả đều qua đi nhẹ nhàng.

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác có một câu chỉ bốn chữ nhưng rất hay “Quốc độ nguy thúy”. Khái niệm “Quốc độ” trong ngữ cảnh này có thể theo hai nghĩa. Theo nghĩa địa lý, quốc độ là hành tinh ta đang có mặt, trong khi “Nguy thúy” mô tả tính chất tạm bợ, không bền bỉ của vô thường. Nghĩa là hành tinh nào, định tinh nào dù có theo quỹ đạo của nó, cuối cùng rồi cũng đến lúc bị tan rã thành những mảnh như thiên thể rơi trong không gian.

Theo nghĩa phát sinh, “Quốc độ” là quốc gia có chính thể với ý thức hệ chính trị. “Nguy thúy” trong ngữ cảnh này có thể hiểu là bất kỳ chính thể nào không thể tồn tại vĩnh hằng với thời gian. Nói cách khác, khổ đau dù do chính thể nào gây ra sẽ không là vĩnh viễn hay mãi mãi với ta trong đời.

Tin tưởng nguyên lý vô thườngniềm tin tích cực. Con người sẽ không còn buồn về những nỗi đau trong quá khứ. Nếu không có những chiếc lá rơi trong mùa thu, đông sẽ không có được những chiếc lá xanh non mơn mởn trong mùa xuân. Quy trình thay đổi của vũ trụ diễn ra theo cách thức riêng mà ta không thể nào đặt ý thức chủ quan bắt nó chạy theo những gì mà mình muốn được.

Hãy quán chiếu sự vô thường của cuộc đời, vũ trụ, vạn vật để không bị cuốn hút theo nỗi khổ niềm đau. Ta tin tưởng rằng sau những chiếc lá rụng đó sẽ có lá xanh xuất hiện. Nhờ vậy đời sống mới bắt đầu có mặt, ánh sáng xuất hiện và niềm hy vọng sẽ bừng lên.

THÁO DÂY OAN TRÁI

Đức Phật dạy hãy nỗ lực tháo gỡ thù hận với những người đã cố ý tạo ra cho ta. Sự tháo gỡ là một trong những nhu cầu rất quan trọng. Ngài nhìn thấy trong đời, rất nhiều người có động cơ sai trái, đến độ họ không chấp nhận người khác được hạnh phúc, thành công nên mới đẩy họ vào trạng thái không có lối thoát, vì vậy khổ đau cứ mãi gia tăng từ kiếp này sang kiếp khác. Thấy rõ điều này, đức Phật dạy ta tháo gỡ hận thù để cuộc sống được hạnh phúc, an vui.

Kế đến, muốn cho cảm xúc khổ đau không lây lan thì phải biết rõ tính cách tích cực của tác nhân bằng cách tìm những giá trị cao đẹp của người đó để ta vơi bớt niềm đau từ từ và loại trừ chúng một cách triệt để.

Nếu không có được thói quen nhìn thấy những tích cực hay giá trị của người khác, thì ít nhất ta cứ nghĩ rằng mình là một vị Bồ-tát có tâm lượng rộng lớn. Thay vì giận hờn trả đũa thì có thể bỏ qua theo cách thức “đừng đánh người dưới ngựa”. Thái độ anh hùng đó có thể làm cho ta bỏ được hận thù. Nếu là Bồ-tát thật sự thì ta không lấy chủ nghĩa anh hùng của võ lâm, mà phải lấy chủ nghĩa anh hùng của lòng từ bi để đối đãi. Như thế sẽ không có thù và thân. Lúc đó khổ đau dù có mặt đi nữa thì cũng giống như viên sỏi thả xuống mặt hồ tĩnh lặng. Dĩ nhiên viên sỏi sẽ làm cho nước loang ra nhưng chỉ một lúc sau sẽ tĩnh lặng lại như trước. Nếu ta quán được như thế thì dù kẻ thù có còn đó, khổ đau cũng sẽ nhanh chóng được tan biến trong ta.

Đừng chụp lại những hình ảnh khổ đau trong quá khứ, càng chụp lại thì những hình ảnh đó càng loang lổ nhiều thêm trên bề mặt tâm thức. Như vậy là ta đang biến khổ đau thành cái gì đó thường còn bất biến. Ta càng ghi nhận hình ảnh khổ đau lâu dài bao nhiêu thì sai lầm càng chồng chất lên bấy nhiêu. Do vậy, cần phải loại trừ chúng ra khỏi tâm thức của mình càng nhanh càng tốt.

Ba kỹ năng thực tập tâm lý đó, đức Phật dạy rất nhiều trong kinh với nhiều ẩn dụ minh họa, người biết quý trọng hạnh phúc nên áp dụng.

Cuộc khủng bố bằng máy bay làm sụp hai tòa nhà thương mại của Hoa Kỳ, không chỉ nhắm đến nước này, mà còn đối với những liên minh của Mỹ, trong đó Anh là đối tác quan trọng. Đứng từ phía những người dân vô tội, ta cảm thấy rất căm phẫn những kẻ đã tạo ra khủng bốbạo động, chỉ vì hận thù cá nhâncuồng tín tôn giáo. Nếu ta cất cùng tiếng nói của sự hận thù thì chắc chắn những bế tắc đó sẽ không được tháo gỡ.

Trong khi lên án những người cuồng tínsai lầm, ta vẫn lên án sự khủng bố đã gieo rắc nỗi khổ niềm đau. Mục đích của việc lên án là để tìm kiếm giải pháp từ chất liệu của lòng từ bi, chứ không phải của thù hận. Chỉ có chất liệu từ bi mới có thể mang lại cho thế giới sự bình ổn thật sự. Mang lại công lý bằng bạo lực mạnh để chiến thắng bạo lực yếu, hẳn không phải là giải pháp lâu dài.

Ta có thể lấy oai quyền của người lớn ra lệnh cho con em đang cười giỡn to tiếng, làm mất giấc ngủ phải ngưng ồn ào ngay lập tức. Dĩ nhiên con em ta sẽ sợ và không dám làm ồn. Trong sự ngừng và không dám làm ồn đó, nó vẫn ấm ức, khó chịu bên trong. Nếu bị hà hiếp quá đáng, nỗi bực dọc đó sẽ được nuôi lớn. Đến lúc trưởng thành, được luật pháp bảo vệ, tự do cá nhân được tôn trọng, nó có thể kháng cự hoặc nổi loạn theo cách thức này hoặc là cách thức nọ. Sự nổi loạn đó được thể hiện đối lập giữa hai ý thức hệ của người lớn tuổi và người trẻ.

Vì thế, phải thấy được nỗi khổ của những nạn nhân cũng như của những kẻ đã tạo ra nỗi khổ đau để tìm cách tháo gỡ. Sống trong vô minh, cuồng tín và bế tắc, không có lối thoát, con người có thể gieo rắc những ngang trái trong cuộc đời. Phải thương họ nhiều hơn, để họ thấy vẫn còn cái phao rộng lượng, sẵn lòng giúp họ quay đầu về sự sống tốt đẹp. Chỉ có cái nhìn đúng đắnrộng lượng mới giúp những kẻ khổ đau và tội lỗi tìm thấy được miền đất hứa, giúp họ làm mới lại cuộc đời.

Các vị Bồ-tát luôn phát nguyện vào địa ngục, cứu vớt chúng sanh. Địa ngục hay thiết thực hơn là tù ngục, là nơi hội tụ của những kẻ đầu trâu mặt ngựa, những người đâm thuê chém mướn, hay cuồng tín độc đoán. Nếu không có những bậc Bồ- tát phát tâm hoá độ thì có lẽ cuộc đời của họ sẽ tàn tệ hơn nữa. Những người này thường nghĩ cuộc đời của họ đã hết rồi, nên họ từ bất cần, bất chấp, dẫn đến sự gia tăng hành vi gây khổ đau nhiều hơn cho mình và cuộc đời.

Phải có những người mang tâm niệm Bồ-tát gần gũi, chia sẻ và hiểu được tại sao họ bạo động, khủng bố để thiết lập nhịp cầu tình thương, lần lần chuyển hóa rốt ráo. Cầm tù kẻ phạm pháp không phải là giải pháp dứt điểm. Nếu nhà tù được quan niệm như sự trừng phạt là sai lầm lớn. Sự trừng phạt làm cho các tù nhân không dám làm điều xấu ác, chứ không xóa được tâm xấu. Nhà tù nên được quan niệm như công cụ hay phương tiện tốt để giáo dục tội phạm. Phương pháp giáo dục tội phạm phải được nuôi dưỡng bằng chất liệu từ bituệ giác, thì sự chuyển hóa mới thành công viên mãn.

Các vị Bồ-tát dấn thân, gần gũi những kẻ xấu thì mới tháo gỡ được nỗi khổ niềm đau một cách trọn vẹn và dứt điểm. Nếu trong quá khứ ta đã lỡ gây ra khổ đau cho người khác thì nên học hạnh sám hối và không tái phạm trong tương lai

Nếu ta đã từng là nạn nhân thì nên tâm nguyện rằng: “Tôi xin tha thứ cho bạn và những ai đã tạo ra nỗi khổ niềm đau cho tôi và người thân để gút mắc, oan trái được tháo gỡ ngay trong kiếp này”. Nếu người Phật tử hiểu được đạo lý, tình thương của đức Phật mà không phát nguyện như thế, đến khi sanh ra ở kiếp sau, nếu không còn là Phật tử nữa thì chưa chắc oan trái đó được tháo gỡ.

Hãy tận dụng những cơ hội để tháo gỡ oan trái một cách khôn ngoan. Được vậy, những biến cố, khổ đau dù có xảy ra cũng không làm ta lao đao thêm lần nữa. Lúc đó, ta sẽ là một chiến sĩ khải hoàn, không có đối thủ, không có kẻ thắng người bại, mà chỉ có sự an lạc, hạnh phúc.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
31/05/2014(Xem: 14377)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.