Thư Viện Hoa Sen

Để trở thành Phật tử chân chính Tập 1

07/08/20143:09 SA(Xem: 13675)
Để trở thành Phật tử chân chính Tập 1

ĐỂ TRỞ THÀNH PHẬT TỬ CHÂN CHÍNH TẬP 1

Thích Đạt Ma Phổ Giác

LỜI ĐẦU SÁCH

blankĐôi lời bộc bạch chân thành, chúng tôi viết quyển sách này cho những ai muốn trở thành người Phật tử chân chính. Bước đầu học Phật rất quan trọng, nếu đi sai lệch sẽ làm trở ngại trên bước đường tu học. Người mới bắt đầu học Phật không hiểu đúng tinh thần Phật giáo sẽ khó được thành tựu viên mãn. Người có trách nhiệm hướng dẫn không thể xem thường kẻ mới học, cần phải xây dựng cho họ nền móng vững chắc để thực hiện đúng lời Phật dạy, biết cách phân biệt chánh tà, đúng sai, tốt xấu.

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết rõ ràng về Phật giáoứng dụng lời Phật dạy trong đời sống hằng ngày mới mong trở thành người Phật tử chân chính. Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại văn minh vật chất dưới sự tiếp cận của khoa học hiện đại, do đó cần phải truyền bá Phật giáo thích hợp với căn cơ, trình độ của mọi người mà vẫn giữ được bản chất giác ngộ, giải thoát.

Mục đích của đạo Phậttìm ra lẽ thật của thân tâmhoàn cảnh. Chúng ta phải nói ra những gì chân thật để mọi người hiểu đúng Phật giáo mà không còn nghi ngờ điều gì. Phá bỏ những tập tục mê tín của các truyền thuyết khác xen vào làm mờ tối đạo Phật là việc cần thiết tối quan trọng nhằm giúp mọi người tin sâu nhân quả theo nguyên lý duyên sinh, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau.

Ai làm người cũng muốn mình là người tốt để làm tròn bổn phận đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội; tiến xa hơn nữa là thành tựu công đức viên mãn bằng cách giữ ý nghĩ trong sạch, không làm các việc ác, siêng làm các việc lành mà cùng nhau chia vui sớt khổ bằng trái tim yêu thươnghiểu biết.

Một con người muốn quy hướng về Phật giáo trước hết phải tìm hiểu ý nghĩamục đích của đạo Phật. Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rõ những lời Phật dạy về đạo làm người, sống như thế nào cho đúng trong đối nhân xử thế mà không làm tổn hại người khác.

Chúng ta muốn làm việc gì phải hiểu rõ mục đích của việc ấy. Mục đích của đạo Phậttự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, tức là phước huệ song tu hành Bồ tát đạo cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi. Khi chúng ta đã thật hiểu rồi mới phát lòng tin sâu đối với Phật phápquyết tâm thực hành tránh dữ làm lành để đem lại an vui, hạnh phúc cho chính mình, gia đình, người thân và phục vụ tốt cho xã hội.

Phật pháp trước tiên dạy chúng ta không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ ba nghiệp thân-miệng-ý được trong sạch. Như thế nào là ác? Là những ý nghĩ, lời nói và hành động làm tổn hại người khác trong hiện tạimai sau. Như thế nào là thiện? Là những ý nghĩ, lời nóiviệc làmlợi ích cho mình và người trong hiện tạimai sau. Như thế nào là ý nghĩ trong sạch? Là ý nghĩ hợp với lẽ phải, không tham lam ích kỷ, không sân giận si mê, không ganh ghét tật đố, không gây hậu quả khổ đau cho mình và người khác. Ý nghĩ trong sạch được biểu hiện qua lời nói thì lời nói hiền hòa, khi biểu hiện ra nơi hành động thì hành động chân chính làm cho mình và mọi người đều an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Chúng ta muốn thực hiện ba nguyên tắc trên cho được trọn vẹn thì trong hiện tại phải bắt đầu từ đâu? Trước tiên, chúng ta sẽ phát khởi lòng tin chân chính đối với Tam Bảo. Như thế nào là lòng tin chân chính? Là tin những lời Phật dạylợi ích thiết thực cho tất cả mọi người, như chúng ta tin gieo nhân tốt sẽ hưởng quả tốt, gieo nhân xấu sẽ lãnh quả xấu.

Nhân quả tốt xấu sẽ theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất, khi đủ duyên quả báo đến tức thì. Ngược lại, chúng ta không tin những điều mơ hồ, viễn vông có tính cách suy đoán, mơ tưởng không phù hợp đạo lý nhân quả. Như chúng ta không tin có một vị thần linh thượng đế ban phước giáng họa là đúng lời Phật dạy, vì nhân quả ai làm nấy chịu, không ai có thể thay thế cho ai được.

Khi một người biết đi chùa, thờ Phật, lễ Phật, tụng kinh, sám hối, làm phước, cúng dường, nghe Tăng Ni thuyết pháp hoặc tham dự các khóa lễ, khóa tu có nghĩa là người đó đã xác nhận mình là Phật tử. Nhưng để trở thành người Phật tử chân chính chúng ta cần phải biết rõ mục đích cốt lõi của đạo Phật là gì.

Đạo Phật không bắt buộc người Phật tử phải thực hành những điều họ chưa thể làm được, nhưng chúng ta phải cố gắng áp dụng những điều căn bản bằng cách tránh dữ làm lành để không làm tổn hại cho mình và người khác.

Có những người đi chùa nguyện cho tai qua nạn khỏi, cầu cho gia đình khỏe mạnh bình yên, cuộc sống ngày càng thêm tốt đẹp. Nguyện cầu như thế không có gì là sai nhưng không hợp với mục đích cuối cùng của đạo Phật.

Lại có nhiều người nữ nghĩ mình tội chướng ràng buộc, trong một kiếp này dễ gì giác ngộ giải thoát sinh tử nên đi chùa cầu cho kiếp sau chuyển nữ thành nam, xuất gia tu hành làm bậc đạo cao đức trọng. Họ không hiểu rằng muốn thân nữ chuyển thành thân nam thì phải từ bỏ nghiệp luyến ái chấp thân.

Có những người do hoàn cảnh đời sống gặp nhiều phiền muộn, khổ đau bởi chướng duyên nghịch cảnh nên đến chùa cầu mong hiện tạimai sau không còn gặp cảnh bất như ý nữa. Cầu như vậy cố nhiên vẫn tốt nhưng không hợp với mục đích cuối cùng của đạo Phật.

Có những người cảm thấy cuộc sống trần gian không có gì bền chắc, lâu dài, dù giàu có hay quyền cao chức trọng vẫn phải lo lắng và khổ cả thân tâm. Họ mong mỏi, hy vọng đến chùa để kiếp sau được sanh lên các cõi trời hưởng thú vui vật chất lâu dài. Cầu như thế cũng là điều tốt nhưng không hợp với mục đích cuối cùng của đạo Phật.

Khi chúng ta đã tự vạch cho mình một lối đi đúng đắn thì ta cần phải tập làm quen dần với con đường mình đã vạch ra. Bất cứ người nào lần đầu tiên đến chùa cũng cảm thấy xa lạ và bỡ ngỡ. Từ cách xưng hô đến những hình thức, lễ nghi trong chùa đều làm chúng ta ngỡ ngàng, áy náy.

Có người từ nhỏ tới lớn chưa một lần bước chân đến chùa, nay bỗng dưng tới chùa quy hướng về Tam bảo rồi làm lễ quy y tự mình xác định làm đệ tử Phật. Người có chút hiểu biết khi muốn làm việc gì họ đều tìm hiểutham khảo trước rồi sau đó mới quyết định.

Đạo Phật là đạo giác ngộ, là đạo của con người, là đạo của tình thương, vì con ngườiđạo Phật đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho những ai có đầy đủ nhân duyên. Muốn có được niềm an vui, hạnh phúc thật sự người Phật tử cần phảichí hướng thượng và cầu tiến bộ trong sự quyết tâm cao độ.

“Để trở thành Phật tử chân chính” là quyển sách được chia ra làm nhiều tập với đầy đủ nội dung về đạo làm người, tuy xúc tích và ngắn ngọn, đơn giảnthiết thực nhưng có thể giúp cho tha nhân phân biệt được chánh tà, phải quấy, tốt xấu, đúng sai để từng bước hoàn thiện chính mình mà sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Kính ghi

Thích Đạt Ma Phổ Giác

BÀI 1- ĐẠO PHẬT

Thế giới loài người đang chìm đắm trong biển khổ sông mê nên bị luân hồi sinh tử trong 3 cõi 6 đường không có ngày thôi dứt, đạo Phật ra đời là để giúp cho mọi người thoát khổ được vui mà sống trong bình yên, hạnh phúc. Đạo Phật đến với chúng sinh bằng tình người trong cuộc sống, luôn giúp chúng ta vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Đạo Phật sẽ không giúp được người khác nếu họ không tin sâu nhân quả và không tin mình là chủ nhân của bao điều họa phúc.

Đạo Phật đã có mặt trên thế gian này hơn 2600 năm mà còn vô số người nhìn nó với những cặp mắt đầy hoài nghi, song ai đã nếm trải được hương vị của Chánh pháp mới thấy công đức không thể nghĩ bàn của đạo Phật đối với mọi ngườicần thiết, là đáng trân trọngquý báu vô cùng.

Nếu nói về hành động, đạo Phậtcon đường đưa chúng ta từng bước trở về quê hương của bình yên, hạnh phúc, hay đạo Phậtphương pháp giúp mọi người tiến tu cho đến khi nào giác ngộ giải thoátthành Phật mới thôi. Đứng về thực chất của bản tâm thanh tịnh, đạo Phậttính giác sẵn có của tất cả chúng sinh, đạo Phật là tấm bản đồ giúp cho mọi người định hướng được con đường trở về quê hương giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.

Tất cả những vọng tưởng điên đảohiện tướng của tham lam, sân giận và si mê, khi vọng tưởng lặng lẽ thì tính giác hiện tiền mà vẫn thường biết rõ ràng. Tính giác hay còn gọi là tâm Phật là cái thể chẳng sanh chẳng diệt của mỗi người chúng ta, nó ẩn náu ngay nơi thân vô thường sinh-già-bệnh-chết này. Bởi tất cả chúng sinh có sẵn tính giác sáng suốt vì đánh mất chính mình mà lãng quên nên đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời chỉ dạy cho chúng ta thức tỉnh trở lại để nhận ra hòn ngọc vô giá.

Mục đích của đạo Phật là sự giác ngộ viên mãn nên được ví như hạt châu Mani, ngọn đuốc, cây đèn. Nói đến đạo Phật là nói đến sự giác ngộ, giải thoát nên mọi hình thức mê tín dị đoan hiện có trong đạo Phật là do bên ngoài xen vào, không phải của Phật giáo chân chính.

Chúng ta ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống hằng ngày sẽ được kết quả tốt đẹp tùy theo sự lựa chọn của mình. Trong giáo lý của đạo Phật có chia nhiều thứ bậc để mọi người tùy theo tâm tư, nguyện vọng mà áp dụng hành trì gồm Năm thừa Phật giáo, Tam thừa Phật giáoNhất thừa Phật giáo. Chữ “thừa” ở đây được ví dụ như chiếc xe chở người đi.

Chúng ta sau này muốn được tái sinh trở lại làm người thì phải quy y Tam bảothực hành 5 Giới. Từ vị trí con người chúng ta muốn được tái sinh về các cõi trời thì phải tu 10 Điều Lành và các bậc Thiền Định. Từ vị trí con người chúng ta muốn được quả vị của Thanh Văn thì phải ứng dụng pháp Tứ Đế để tu hành. Từ vị trí con người chúng ta muốn được quả vị Duyên Giác hay còn gọi là Bích-chi Phật thì phải tu pháp Mười Hai Nhân Duyên. Từ vị trí con người đến quả vị Bồ-tát chúng ta phải tu pháp Lục Độ Vạn Hạnh. Từ vị trí con người muốn tiến thẳng đến quả vị Phật thì chúng ta phải áp dụng phương pháp "tức tâm là Phật", tin tâm mình là Phật để tu hành.

Đạo Phật ra đời là tùy bệnh cho thuốc, tùy theo sở thích của mọi người mà lập ra nhiều pháp môn để chúng ta ưu tiên chọn lựa. Đó là phương tiện thiện xảo của đức Phật trên đường hoằng hóa độ sinh. Mục đích cuối cùng của đạo Phật là muốn mọi người đều được thành Phật viên mãn. Ở đây chúng tôi chỉ nói thẳng vào các phương pháp tu hành và những lời dạy của đức Phật được gọi là Kinh bởi hợp lý, hợp cơ và hợp thời.

Lời Phật dạy đúng chân lý nên gọi là hợp lý, song những lời dạy ấy cũng phải hợp với căn cơ, trình độ của người hiện tại thì họ mới ứng dụngthực hành được. Hợp lý, hợp cơ là hai điều kiện cần thiết mà người hướng dẫn cần phải thông suốt chỗ này.

Nếu chúng ta chỉ hướng dẫn theo sự ham thích của mọi người thì sẽ đánh mất nền tảng nhân quả, vô tình chúng ta làm cho mọi người càng thêm mê tín và làm trở ngại trên đường tu. Người truyền bá đạo Phật phải có sự trải nghiệm trong lúc tu học, nhờ vậy thân tâm được thanh tịnh, sáng suốt thì mới có thể hướng dẫn mọi người thực hành đúng lời Phật dạy.

Bất cứ trong thời đại nào chúng ta cũng có thể vận dụng Phật pháp để giúp mọi người thoát khỏi biển khổ sông mê, đó là hợp thời. Lời Phật dạy là ngọn đuốc sáng đưa con người ra khỏi si mê, tối tăm, mờ mịt. Người Phật tử có sẵn trong tay ngọn đuốc sáng chắc chắn sẽ thoát khỏi rừng u mê, tối tăm.

Chúng ta phải làm sao cho ngọn đèn Chánh pháp được nối tiếp mãi trên cõi đời này. Ơn Phật tổ là ơn khó đền, muốn đền ơn chúng ta phải dấn thân vào đời để cứu độ chúng sinh. Sự cứu độ thiết thực nhất là cùng nhau chia vui sớt khổ với những người đang có mặt trong hiện tại để họ vươn lên vượt qua số phận tối tăm mà làm mới lại chính mình. Phật giáo chân chính rất thực tế sẽ cùng đồng hành với tất cả mọi người trong vạn nẻo đường bằng trái tim yêu thươnghiểu biết.

BÀI 2- TẠI SAO TA PHẢI TIN TAM BẢO?

Tam bảo là ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo.

Phậttiếng gọi tắt của chữ Phật-đà trong tiếng Phạn ý chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni và chư vị đại Bồ-tát đã hoàn toàn giác ngộgiải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Phật là người đã hoàn thiện chính mình, không còn bị trói buộc bởi tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon, mặc đẹp và ngủ kỹ mà đa số người thế gian khó bề vượt qua nổi.

Pháp là những lời dạy chân chính, thiết thực của đức Phật giúp cho chúng ta tu tập, hành trì vượt qua nỗi khổ, niềm đau để được an vui, hạnh phúc. Pháp bảo là những lời Phật dạy trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh nhằm chỉ cho mọi người tin sâu nhân quả mà dứt ác làm lành, tu hạnh giác ngộ giải thoát và giúp đỡ mọi người không biết mệt mỏi, nhàm chán với tấm lòng vô ngã vị tha.

Tăng là những người tu hành theo đạo Phậtnhiệm vụ truyền bá những lời Phật dạy, gìn giữ chùa chiền, kinh tạng, tạo điều kiện cho mọi người thân cận Tam Bảo, học tập, hành trì những lời Phật dạy để có được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Tăng bảo là những người kế thừatiếp tục sự nghiệp của đức Phật, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn lại cho tất cả mọi người.

Thế nào là Phật bảo?

Phật bảo là chỉ cho người đã tu hành tới mức từ bi, trí tuệ viên mãn. Bất cứ chúng sinh nào cũng đều có khả năng thành Phật, song trong lịch sử thế giới hiện nay bậc được thành Phật vẫn chỉ có một mình đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Từ một kẻ phàm phu như chúng tatu hành thành Phật thì thật là chuyện hiếm thấy trên thế gian này, bởi ít có khó gặp nên mới nói là báu.

Thế nào là Pháp bảo?

Lời dạy chân chính do đức Phật truyền đạt rất đơn giản, thực tế giúp cho mọi người chuyển mê thành ngộ, chuyển xấu thành tốt, chuyển đời phàm phu trở thành thánh nhângiác ngộ giải thoát. Pháp của Phật dạy đơn giản, thiết thực, chân lý, dù trải qua bao thời đại những lời dạy ấy vẫn rất quý báu vì giúp mọi người thoát khỏi khổ đau sinh tử.

Những kẻ đang lầm đường lạc lối gặp được ngọn đuốc soi đường, người học đạo gặp được Chánh pháp cũng lại như thế. Nhân loại đang bị chìm đắm trong biển khổ sông mê do không tin nhân quả, nay gặp được những lời dạy chân chính của đức Phật giúp cho chúng ta soi sáng lại chính mình mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Thế nào là Tăng bảo?

Tăng là chỉ cho một nhóm tu sĩ học theo Phật sống chung với nhau theo tinh thần Lục hòa, vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho tất cả mọi người. Người thế gian thường sống trong tranh đua, giành giật, hơn thua nên không bao giờ họ sống vui vẻ, hòa hợp, thuận thảo với nhau được.

Lục hòa là: thân hòa cùng chung ở, miệng hòa không tranh cãi, ý hòa đồng vui vẻ, giới luật hòa cùng giữ, hiểu biết cùng chia sẻ, lợi hòa cùng chia đồng. Sáu điều này là tinh thần sống hòa hợp của chư Tăng. Chính vì thế, tu sĩ sống theo tinh thần Lục hòa thật là một điều quí báu trên thế gian này, bởi lẽ ấy nên gọi những người tu hành chân chínhTăng bảo.

Vì sao gọi Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi quý báu?

Nhân loại thường cho vàng bạc, ngọc ngà châu báu hay quyền cao chức trọng là quý. Nhưng thử hỏi khi gặp chuyện mất mát đau thương, quyến thuộc xa lìa hoặc bị giặc cướp, bệnh tật trầm kha… thì các thứ ấy có thể làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho ta được hay không?

Phật là con người đã hoàn toàn tự tại, giải thoát nhờ phước huệ song tu với tinh thần vô ngã vị tha. Pháp là những lời dạy chân chính của Phật qua sự trải nghiệm trong tu chứng nên thấy rõ chúng sinh sống chết luân hồi đều do mình tạo lấy. Tăng là những người truyền thừa thay Phật hoằng dương Chánh pháp, sống trong tinh thần Lục hòa, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần chia vui sớt khổ, phục vụ vì lợi ích chúng sinh.

Tăng là những người hiến trọn đời mình cho mục đích trên cầu thành Phật, dưới hoằng hóa độ sanh vì lợi ích con người. Nhờ có chư Tăng, Ni thay Phật hoằng truyền những lời dạy của Ngài khiến cho Chánh pháp được mở mang rộng rãi đến với tất cả mọi người. Những ai hấp thu được tinh ba của Phật pháp sẽ ngày càng được an vui, hạnh phúc hơn và sẵn sàng an ủi, sẻ chia, giúp đỡ tha nhân vì tình người trong cuộc sống.

Nhưng Tăng cũng có nhiều loại, đại khái lược có ba là Bồ Tát Tăng, Thanh Văn TăngPhàm Phu Tăng. Đây là Tăng bảo chân chánh xứng đáng được mọi người y chỉ tu họctôn kính cúng dường.

Phật tùy duyên giáo hóa và đã nhập Niết bàn, nay chỉ còn lại những lời vàng ngọc của Ngài. Chư Tăng thay Phật truyền trì Chánh pháp, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp vì lợi ích chúng sinh.

Tăng phàm phu là những người chân thật nguyện hiến đời mình cho lý tưởng giác ngộgiải thoát, đang kế thừa con đường Phật đạo, tuyên dương Chánh pháp giúp cho mọi người bớt khổ thêm vui, luôn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Phàm phu Tăng tuy chưa thành tựu đạo quả nhưng vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn mọi người biết cách dứt ác làm lành nhờ tin sâu nhân quả nên chính vì vậy ai phát tâm cúng dường phàm phu Tăng vẫn được phước báo không thể nghĩ bàn.

Thực tế trong cuộc đời này phàm phu Tăng là số đông gần gũi với chúng ta nhất. Phàm phu Tăng chân thật tu hành thuyết pháp độ sanh mang tinh thần của các vị thánh Tăng Bồ Tátthánh Tăng Thanh Văn.

Phàm phu Tăng là số đông nên quý Phật tử dễ gần gũi và tiếp cận hơn, chúng ta vẫn học hỏi được những điều hay lẽ phải để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

Nói tóm lại, tin sâu Tam Bảo là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng. Khi chúng ta tin thì không nên thần tượng hóa vì thần tượng hóa dễ sụp đổ và mất tín tâm. Ta chỉ thấy thầy mình hay, thầy mình giỏi nên dễ dẫn đến tư tưởng phê bình, chỉ trích người khác, do đó làm mất đi sự hoà hợp trong Tăng đoàn gây sự chia rẽ.

Tăng là đoàn thể sống trong an vui, hòa hợp. Vì lợi ích số đông mà nhiều người cùng sống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết với tinh thần vô ngã vị tha.

Trong cõi đời vô thường này mới thấy đó nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con xinh mà nay đã tán gia bại sản, cửa nát nhà tan, con cái chia lìa. Duy chỉ có Tam bảo Phật-Pháp-Tăng mới giúp chúng ta vượt qua biển khổ sông mê, vươn lên vượt qua số phận tối tăm để làm mới lại chính mình bằng cách dứt ác làm lành, giữ tâm ý trong sạch nên mới gọi là ba ngôi báu.

Tam bảongọn đèn sáng giúp cho con người vượt qua si mê, tối tăm, mờ mịt. Tam bảo có khả năng chuyển hóa phiền não, khổ đau thành an vui, hạnh phúc. Nhờ Tam Bảo ta biết được điều hay lẽ phải, biết rõ sự thật cuộc sống con người và muôn loài vật đều phải nương nhờ vào nhau mới bảo tồn mạng sống.

Chính vì vậy, người Phật tử chân chính cần phát triển lòng từ bi thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Do đó, Tam bảo Phật-Pháp-Tăng như ba viên ngọc quý không gì có thể so sánh được. Và Tam bảo có sáu ý nghĩa không thể nghĩ bàn:

_ Một là nghĩa hy hữu, tức là hiếm có, khó được như vàng bạc, kim cương, ngọc quý… người nghèo không thể có được. Phật-Pháp-Tăng cũng lại như vậy, dù người ở sát bên chùa nhưng thiếu phước cũng khó gặp, không thể thân cận với Tam bảo để tu học nên gọi là hy hữu.

_ Hai là nghĩa ly cấu, tức lìa xa những việc xấu ác mà hay làm những việc thiện lành, tốt đẹp như ngọc ma ni trong sáng, sạch đẹp không tỳ vết, khó vấy bẩn. Phật-Pháp-Tăng cũng lại như vậy, giúp cho chúng ta xa lìa phiền não tham-sân-si nên gọi là ly cấu.

_ Ba là nghĩa thế lực, như châu báuthế gianthế lực lớn giúp con người vượt qua nghèo khó, còn có thể dùng để trị bệnh trúng độc. Tam Bảo cũng lại như thế, có đủ Tam minh Lục thông tùy cơ ứng biến dứt kiếp nghèo khổ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi nên gọi là thế lực.

_ Bốn là nghĩa trang nghiêm, như châu báuthế gian làm đồ trang sức cho thân thể trở nên xinh đẹp, lộng lẫy, ai cũng muốn ngắm nhìn. Tam Bảo cũng lại như vậy, lấy nhân quả, nghiệp báo, nhân duyên làm nền tảng để giúp con người làm chủ bản thân, tâm trí trở nên sáng suốt, thanh tịnh, làm việc chân chính nên gọi là trang nghiêm.

_ Năm là nghĩa tối thắng, như châu báuthế gian quý hơn tất cả mọi vật nhưng xét cho cùng không quý bằng mạng sống con người. Tam Bảo cũng lại như vậy, là pháp thù thắng hơn hết có khả năng giúp đỡ mọi người vượt qua biển khổ sông mê, sống an vui, bình yên và hạnh phúc nên gọi là tối thắng.

_ Sáu là nghĩa bất biến (không thay đổi), như vàng ròngthế gian dù đập, nấu, mài, dũa vẫn không thay đổi bản chất. Tam Bảo cũng lại như vậy, người thân cận Tam Bảo tất được an vui, bình yên, hạnh phúc nhờ sống trở lại Phật tính sáng suốt nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý nên không bị vô thường chi phối, nước không thể cuốn trôi, lửa không thể thiêu đốt, do đó gọi là bất biến.

BÀI 3- QUY Y TAM BẢO ĐỂ HOÀN THIỆN CHÍNH MÌNH

blank“Quy” nghĩa là quay về, “y” nghĩa là nương tựa. Chúng ta trở về nương tựa Phật-Pháp-Tăng gọi là quy y Tam bảo.

Từ lâu, chúng ta chìm đắm trong biển khổ sông mê, mãi chạy theo tiền bạc của cải, quyền cao chức trọng, sắp đẹp, ăn sung mặc sướng, ngủ nghỉ thoải mái mà tạo nghiệp đau khổ làm tổn hại đến người và vật. Nay chúng ta hồi tâm thức tỉnh, quyết định trở về nương tựa Tam Bảo để làm mới lại chính mình.

Chính vì vậy, trước khi muốn quy y Tam bảo để trở thành người Phật tử chính thức chúng ta cần phải tìm hiểu mục đích mình muốn theo đuổi và tôn thờ. Có tìm hiểu kỹ chúng ta mới có niềm tin vững chắclâu dài, việc làm của ta mới có ý nghĩa và sự chọn lựa của mình mới thật sự là của người có hiểu biết chân chính.

Nhờ nương tựa Tam bảo nên chúng ta lần hồi chuyển hóa được những nghiệp xấu ác có tính cách làm mình và người khổ đau mà hay giúp đỡ, sẻ chia, đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người. Đây chính là sự hồi tâm tỉnh giác, phát nguyện nương tựa Tam bảo để làm mới lại chính mình mà vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng trái tim yêu thươnghiểu biết.

Chúng ta nguyện noi theo con đường đức Phật đã đi là quy y Phật, quyết tâm thực hành những lời chỉ dạy của Phật còn ghi lại trong kinh điểnquy y Pháp, tin tưởng và nghe theo sự hướng dẫn tu hành của chúng Tăngquy y Tăng. Sau khi làm lễ quy y xong, chúng ta sẽ lấy Tam bảo làm hành trang trong cuộc sống để tiến tu cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi.

Đối với Phật pháp, người Phật tử đã có niềm tin chân chính có nghĩa là không còn gì phải nghi ngờ nữa. Tăng là đoàn thể sống an vui, hòa hợp đúng với tinh thần cùng chia vui sớt khổ không còn vì lợi ích cho riêng mình. Vị thầy nào đứng ra làm lễ quy y cho quý Phật tử thì chính vị ấy đại diện cho đoàn thể Tăng, đại diện cho Phật.

Chúng ta quy y Tăngquy y với những vị thầy sống đúng theo tinh thần lục hòa, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Chúng ta tin chư Tăng nhưng không nên quá thần tượng. Phật tử có quyền học hỏi tất cả Tăng chúng, không nên hạn hẹp nơi vị thầy của mình, được vậy mới đúng tinh thần quy y Tam bảo hình thức bên ngoài.

Ngoài việc nương tựa Tam Bảo bên ngoài để học hỏi và tu sửa, chúng ta phải biết quay lại chính mình mà nương tựa Tam bảo tự tâm. Nếu chúng ta chỉ nương tựa suông Tam bảo bên ngoài để cầu khẩn, van xin mà không phát triển Tam bảo tự tâm thì chỉ uổng công vô ích giống như người nấu cát mà muốn thành cơm.

Như thế nào là Tam bảo tự tâm? Tánh giác sáng suốt sẵn có nơi chúng taPhật bảo, lòng từ bi thương xót hằng cứu giúp chúng sinhPháp bảo, tâm hòa hợp sống vui vẻ, thuận thảo với mọi ngườiTăng bảo.

Nhờ Phật bảo bên ngoài chúng ta quay trở lại chính mình để nương tựa tánh giác thanh tịnh, sáng suốtquy y Phật. Nhờ học Pháp bảo bên ngoài chúng ta mở lòng rộng lớn đối với chúng sinh để nương tựa lòng từ bi của chính mình là quy y Pháp. Do nương tựa, thân cận học hỏi chư Tăng bên ngoài chúng ta mới biết cách gạn lọc phiền não tham-sân-si mà quay trở lại điều phục tâm mình là quy y Tăng.

Phật-Pháp-Tăng bên ngoài là trợ duyên giúp chúng ta phát khởi Phật-Pháp-Tăng của tự tâm. Cũng lại như thế, có Tam bảo bên ngoài người Phật tử cố gắng quay lại Tam bảo tự tâm để chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ, từ bi mà sống an vui, hạnh phúc với tinh thần vô ngã vị tha.

Tam Bảo bên ngoài là điều kiện cần thiết đối với người Phật tử, nhưng để được giác ngộ giải thoátthành Phật thì chúng ta phải quay lại Tam bảo tự tâm, tin chính mình là Phật để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau và sống lại với tính giác sáng suốt của mình.

Nếu chúng ta chỉ biết có Tam bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý, chỉ theo hình thức suông. Một bề tin vào Tam bảo của tự tâm mà không cần biết đến Tam bảo bên ngoài là chấp lý bỏ sự, vô tình rơi vào bệnh cống cao ngã mạn. Người Phật tử chân chính phải khéo léo vận dụng sự lý hài hòa mới có thể tiến tuthành tựu được kết quả tốt đẹp.

Nếu chúng ta tin hiểu Phật pháp mà không quy y Tam bảo thì như vậy có thiệt thòi gì không? Dĩ nhiên chúng ta sẽ thiệt thòi rất nhiều, trước tiên là không được dịp thân cận chư Tăng để được học hỏitu hành theo lời Phật dạy, sau hết là không kết duyên với Tam bảo nên chúng ta dễ lầm đường lạc lối, không biết đâu là chánh tà, đúng sai, phải quấy, tốt xấu…

Người đã quy y Tam bảo và người không quy y khi phạm tội sẽ bị tội bằng nhau. Nhiều người không hiểu sợ quy y rồi thì tội sẽ nặng hơn, hiểu như vậy còn quá thiển cận. Người không quy y khi phạm tội vì không có chỗ nương tựa nên quan niệm chết là hết, do đó họ có thể tiếp tục gây tạo tội lỗi mà không biết hồi đầu, ăn năn sám hối.

Người đã quy y sẽ ý thức rằng mình là đệ tử Phật thì phải là người tốt, vì tập khí thói quen nhiều đời nên họ mới phạm tội như vậy. Nghĩ như thế nên họ biết hổ thẹn, ăn năn sám hối hứa chừa bỏcố gắng không tái phạm nữa, nhờ vậy mà tội lỗi lần hồi được tiêu trừ.

Chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay tham lam, sân giận, si mê, ganh ghét, tật đố, tranh giành, giết hại lẫn nhau. Nếu chúng ta không quy y Tam bảo, không bắt chước công hạnh độ sinh từ-bi-hỷ-xả của Phật thì sự tham lam, sân hận mỗi ngày lại tăng thêm. Sân hận lâu ngày thì sẽ mắng chửi rồi đánh đập và giết hại. Đó là nguyên nhân dẫn đến tù tội và sau này bị đọa địa ngục chịu khổ đau vô số kiếp.

Không quy y Pháp tức là không tìm hiểu lời dạy chân chính của đức phật để biết phân biệt chánh tà, đúng sai nên dấy khởi tâm tham muốn quá đáng làm cho ta trở thành kẻ ích kỷ, bỏn sẻn mà bị đọa vào chỗ thiếu thốn, đói khát là loài ngạ quỷ (quỷ đói).

Không quy y Tăng có nghĩa là chúng ta không biết nương tựa vào gương sáng của những người tu hành chân chính mà biết tin sâu nhân quả để tránh ác làm lành nên tâm si mê ngày càng thêm lớn, nhân ngu si sau này sẽ khiến ta bị đọa vào loài súc sinh để trả quả.

Vậy người muốn quy y Tam bảo phải làm sao? Trước nhất là tìm một vị tu hànhgiới hạnh trang nghiêm, học thức uyên bác thay mặt chúng Tăng bạch Phật làm lễ truyền thọ ba pháp quy y trước điện Phật. Trong lúc nghe ba pháp quy y thì mình nhất tâm hướng về Tam Bảo và thiết tha phát nguyện giữ ba pháp ấy trọn đời dù gặp hoàn cảnh nào cũng không thay đổi, như thế lễ quy y mới được thành tựu viên mãn.

Khi chúng ta đã tin Phật mà chưa quy y thì có được gọi là Phật tử không? Chỉ bắt đầu từ giờ phút nhất tâm thọ trì ba pháp quy y trước điện Phật do các vị tu hành thanh tịnh truyền thọ giới pháp thì ta mới chính thức là một Phật tử, hay nói đúng hơn là một người cư sĩ tại gia.

BÀI 4- XÁC ĐỊNH LẬP TRƯỜNG KHI QUY Y

Trọng tâm chủ yếu trong buổi lễ Quy y cho người cư sĩ tại gia là quý Phật tử sẽ quỳ trước Tam Bảo phát nguyện ba lần: "Đệ tử tên là... xin suốt đời qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng".

Ba lần phát nguyện như vậy là chúng ta đã bắt đầu gieo hạt giống từ bi, trí tuệ vào sâu trong tàng thức khiến ta luôn ghi nhớ mãi đời đời không quên. Đây là tinh thần tự nguyện, tự giác của một người khi mới bước chân vào đạo sau khi đã nhận thức rằng một người Phật tử sẽ có cơ hội sống tốt hơn để ngày càng hoàn thiện chính mình.

Hình thức nghi lễ chỉ giúp cho ta có đủ niềm tin đối với Tam bảo trong giờ phút phát nguyện ấy thôi, còn thực hành được hay không là do ta phải cố gắng, quyết tâm, kiên trì bền bỉ làm chủ bản thân từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động không làm tổn hại mình và người khác.

Câu phát nguyện này phát xuất tự đáy lòng quý Phật tử, không do sự ép buộc, xúi giục nào từ bên ngoài. Đạo Phật không bắt buộc chúng ta thề thốt nặng nề để không bỏ đạo mà kêu gọi người Phật tử phải tự ý thức trách nhiệm của mình khi muốn làm một việc gì.

Trong đạo Phật hoàn toàn không có sự dụ dỗ, ép buộc để theo đạo mà chỉ khuyên nhủ mọi người trước khi tin một điều gì phải tìm hiểu cho kỹ. Khi chúng ta đã tự nhận thức rõ ràng về đạo Phật thì sẽ phát triển lòng tin với đạo không còn nghi ngờ điều gì vì đã tin sâu nhân quả, biết làm lành tránh dữ, tin mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc.

Khi muốn làm một việc gì chúng ta trước tiên phải hiểu rõ rồi mới theo là hành động đúng đắn của người Phật tử chân chính. Sử dụng những chiêu thuật huyền bí hay phép lạ, hoặc dùng tiền bạc để dụ dỗ người vào đạo là sự lường gạt. Chư TăngPhật tử có bổn phận giải thích để người khác hiểu mà tự giác phát tâm quy y chớ không nên dùng phù phép tà ma ủy mị. Nghi thức trang nghiêm, trịnh trọng trong buổi lễ quy y chỉ là trợ duyên cho lời phát nguyện của chúng ta được thành tựu viên mãn.

Sau khi quy y Tam bảo rồi chúng ta xác định lập trường của mình một lần nữa bằng cách lặp lại câu:

"Quy y Phật, không quy y thiên, thần, quỉ, vật".

Chúng ta sau khi đã tìm hiểunhận định kỹ càng, quyết chí tu hành theo Phật vì Phật là bậc đã hoàn toàn giác ngộ, không còn bị phiền não tham-sân-si chi phối nữa. Các thiên, thần, quỉ, vật vẫn còn chịu luân hồi sinh tử khổ đau trong 3 cõi 6 đường, chính vì vậy khi quy y Phật rồi chúng ta không quy y theo thiên, thần, quỉ, vật. Tuy nhiên, vẫn có một số Phật tử đã qui y Phật rồi mà vẫn chạy theo sùng bái quỉ thần do họ chưa đủ niềm tin về Phật pháp bởi lòng tham muốn quá đáng sai sử hoặc thích sự mầu nhiệm, linh thiêng, huyền bí.

"Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo tà giáo".

Lời Phật dạychân lý do sự tu chứng mà thấy chứ không phải do suy đoán vu vơ, huyền hoặc luôn cứu giúp chúng sinh chuyển xấu thành tốt, chuyển mê thành ngộ như ông thầy thuốc giỏi chữa lành cho bệnh nhân. Vì hiểu được lẽ chân thực do gieo nhân tốt mà gặt quả tốt nên chúng ta không quy y ngoại đạo tà giáo.

Lời dạy của Phật thiết thựcchân lý dựa trên nền tảng nhân quả theo nguyên lý duyên khởi “cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt”. Do đó, chúng ta sẽ không còn mê tín dị đoantin theo ngoại đạo tà giáo như tin có ông trời ban phước giáng họa, hoặc nghe ai nói tu theo tôi từ 3 tháng đến 6 tháng là thành Phật thì ta biết những người này là tà đạo, không phải Phật pháp chân chính.

"Quy y Tăng, không quy y thầy tà bạn dữ nhóm ác".

Chúng ta đã chọn đoàn thể Tăng sống an vui, hạnh phúc theo tinh thần lục hòa. Nhờ vậy, chúng ta thường xuyên thân cận bậc có giới đức để được học hỏitu hành mà còn có cơ hội đóng góp những lợi ích thiết thực khác.

Thầy tà bạn dữ nhóm ác là những người có thể làm ảnh hưởng xấu đến sự tu học của chúng ta. Chính vì vậy, ta cần phải tránh xa vì "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Người Phật tử chân chính phải can đảm giữ vững lập trường về con đường mình đã chọn, cho dù có bị mọi người khinh rẽ, coi thường ta vẫn giữ trọn vẹn niềm tin vì khi muốn làm việc gì ta đã nghiệm xét rõ ràng, đâu phải kẻ si mê mù quáng không biết tốt xấu, đúng sai.

Quy y Tam bảo là nấc thang đầu tiên giúp ta từng bước tiến trên con đường giác ngộ, trở về quê hương cực lạc. Chính vì thế, Quy y Tam bảo có tầm quan trọng vô cùng giúp chúng ta ý thức rằng mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, do đó mà ta không ỷ lại nương tựa suông mà càng cố gắng nhiều hơn nữa.

Ai muốn đến với đạo Phật để được giác ngộ phải từ cửa quy y mà vào, nếu không như thế thì việc học Phật sẽ mất căn bản. Bởi nó đóng vai trò quan trọng như vậy nên người Phật tử phải thận trọng trong việc phát nguyện quy y với sự tự nguyện tha thiết của mình.

Nghe nói có vô lượng chư Phật trong 10 phương thế giới, vậy chúng ta nên thờ đức Phật nào là đúng nhất? Dĩ nhiên chúng ta phải thờ đức Phật Thích-ca Mâu-ni vì ngài là người khai sáng ra đạo Phật, các vị Phật khác là do đức phật Thích-ca nói lại trong các bản kinh, tùy theo quan niệm của mọi người mà việc thờ Phật được trang nghiêm hơn.

Để việc thờ được trang nghiêm ta nên thờ Tam thế Phật, Phật Thích-ca ở giữa hai vị Phật khác, hoặc thờ Phật Thích-ca ở giữa hai vị Bồ tát. Nếu chúng ta không thờ Phật Thích-ca mà thờ các vị Phật khác là có lỗi, chúng ta phải tôn trọng đức Phật lịch sửnếu không có ngài làm sao chúng ta biết được đạo Phật. Đây là cách thờ Phật đúng nguồn gốc lịch sửchúng ta là người biết cung kính, tôn trọng người sáng lập ra đạo Phật.

BÀI 5- GIỮ NĂM GIỚI LÀ NGUỒN AN VUI, HẠNH PHÚC

Thế giới loài người chúng ta từ ngàn xưa cho đến nay thường xảy ra chiến tranh binh đao, ganh ghét thù hận. Con người giết hại lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư của chính mình, gia đình mình, đất nước mình bởi do lòng tham muốn quá đáng, do sự chấp ngã là ta, là tôi, là mình…

Đức Phật đã thấy rõ thế giới này phải tương tàn tương sát lẫn nhau để bảo tồn mạng sống theo nguyên lý duyên sinh lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, ăn nuốt lẫn nhau không có ngày thôi dứt.

Một gia đình nếu có thương yêuhiểu biết thì cha mẹ luôn khuyên răn và dạy dỗ con em không nên làm các việc xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp.

Giới như ngọn đèn sáng hay phá tan tối tăm, mờ mịt. Giới như sức mạnh hay dựng đứng những gì đã ngã. Giới như ánh sáng trí tuệ hay chuyển hóa các phiền muộn, khổ đau.

Giới là phương thuốc nhiệm mầu,

Chữa lành các bệnh khổ đau ở đời.

1-Giới thứ nhất: Tôn trọngbảo vệ sự sống

5 Giới là con đường sáng hay dập tắt tối tăm, si mê, mờ mịt, là thành trì vững chắc để chúng ta thăng tiến trên con đường giác ngộthành Phật. 5 Giới là nền tảng căn bản của thế giới loài người do Phật chế ra vì lòng từ bi thương xót chúng sinh giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời để được sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Nếu chúng ta là người sống có văn hóa, có đạo đức, có nhân cách, có hiểu biết, có kết nối, có yêu thương, có đức tính từ bi thì ta phải biết tôn trọng, bảo vệ sự sống chung của muôn loài. Người Phật tử chân chính phải phát nguyện không giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, không khai thác phá hủy bừa bãi làm ảnh hưởng chung cho thế giới loài người.

Chúng ta không trực tiếp giết hại hay phá hủy môi trường, không xúi bảo người giết hại, không vui vẻ hay tán đồng khi thấy người giết hại dù chỉ là trong tâm tưởng. Cuộc sống này vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết, cớ sao ta lại đành lòng nhẫn tâm giết hại kẻ khác. Giết hại là nhân gây thù chuốc oán làm khổ đau cho nhau không có ngày cùng.

Giới thứ nhất giúp ta thấy được những khổ đau do sự giết hại gây ra nên người Phật tử chân chính quyết tâm tôn trọng, bảo vệ sự sống cho tất cả muôn loài. Chúng ta không giết người, không trực tiếp giết hay xúi bảo người khác giết, hoặc vui vẻ khi thấy người khác giết.

Người Phật tử chân chính biết hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật cho đến khi nào không còn tâm niệm giết hại nữa. Muốn được như vậy chúng ta phải tự biết xấu hổ khi cố ý hoặc vô tình làm tổn hại các loài vật khác, phải cảm thấy thẹn thùng mắc cỡ vì mình không làm được như thế khi thấy người khác biết tôn trọngbảo vệ sự sống.

Sự sống vô cùng quý giá, từ con người cho đến muôn vật ai cũng tham sống sợ chết, niềm vui căn bản của tất cả chúng sinh là được sống an vui, bình yên, hạnh phúc, mạng sống không bị đe dọa.

Khi thấy con người bị bất hạnh khổ đau đang sống trong phập phòng lo sợ, chúng ta tìm cách chia sẻ nhằm xoa dịu bớt nỗi khổ niềm đau giúp người qua cơn hoạn nạn. Chúng ta biết hiến tặng niềm vui cho kẻ khác để mọi người đều được sống an vui và hạnh phúc, biết san sẻ nỗi khổ niềm đau để làm vơi bớt sự lo lắngsợ hãi cho mọi người. Nếu chúng ta làm được như vậy thì ta đã thực hiện được 4 tâm niệm lớn của một vị Bồ tát, mà Bồ tát là người giác ngộ từng phần cho đến khi nào viên mãn bằng Phật mới thôi.

Giết hại tức hủy diệt mạng sống của một chúng sinh, quả báo đền trả tương xứng trong hiện tạimai saubệnh hoạn, chết yểubị giết hại trở lại bởi oán giận, thù hằn. Người Phật chân chính cần phải suy xét cho thấu đáo giới này vì nó là nhân của người không có lòng từ bi thương yêu bình đẳng muôn loài vật.

2-Giới thứ hai: Không được gian tham trộm cướp

Ý thức được những khổ đau do gian tham trộm cướp, lường gạt lấy của người dưới nhiều hình thức, người Phật tử chân chính nguyện mở rộng tấm lòng thương xót, không xâm hại tài sản vật chất của người khác để đem lại niềm vui sống đến với tất cả mọi người. Chúng ta phải ý thức dù là một cây kim cọng chỉ nếu không phải của mình hay người khác không cho thì không được tự ý lấy làm của riêng.

Trộm có nghĩa là canh me, rình rập lén lấy không để cho người khác thấy. Cướp có nghĩa là công khai, ngang nhiên cưỡng đoạt lấy trước mặt mọi người. Cân non bán thiếu, trốn thuế, lường gạt đều gọi là trộm. Lợi dụng quyền cao chức trọng tham ô, hối lộ, ăn chặn bắt chẹt người phải đưa tiền của đều gọi là cướp.

Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng mình là do thói quen lười biếng làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tạimai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảotúng quẫn dẫn đến tự sát.

Lại nữa, tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thângia đình, bao nhiêu năm tháng chắt chiu dành dụm giờ thì tiền mất tật mang. Sự mất mát tài sản làm cho gia đình trở nên thiếu thốn, khó khăn, nghi ngờ lẫn nhau, có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Sự đền trả xứng đáng của quả báo này là nghèo cùng vô số kiếp và nếu có nhiều tiền của thì cũng không thể tự do sử dụng.

Chúng ta nên nhớ của phù vân khó bao giờ tồn tại bởi sống trên sự đau khổ của người khác. Nhan nhãn mỗi ngày có những vụ lừa đảo, lường gạt trong xã hộibáo chí thường đăng tải là do lòng tham muốn quá đáng của con người. Con người vì lòng tham lam quá đáng nên mới dễ bị người khác lường gạt.

Quả báo của sự trộm cướp nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. Chúng ta hãy nên tin sâu nhân quả làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhân trộm cướp là việc làm xấu ác, cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, phạt tù, nặng thì tử hình, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối.

3-Giới thứ ba: Bảo vệ hạnh phúc gia đình

Ý thức được những khổ đau do xâm phạm tiết hạnh của người khác, người Phật tử chân chính nguyện chỉ sống một vợ một chồng chung thủy có đôi, không dan díu ăn nằm với người khác nếu không phải là vợ hoặc chồng. Chúng ta phải ý thức rằng tà dâm là hành động sai lầm về tình dục nam nữ làm mất đi nhân cách của con người.

Người Phật tử chân chính khi lớn khôn có quyền cưới vợ, lấy chồng, xây dựng cuộc sống gia đình. Song, ngoài vợ chồng chính thức ta không được quan hệ tình dục với người khác vì đó là ngoại tình, là phá hoại hạnh phúc gia đình người. Đi tìm thú vui trong chốn thanh lâu cho đến cưỡng bức xâm hại người khác, hoặc nam nữ đã có gia đình hay chưa có thường phóng tâm đam mê tửu sắc, chơi bời trác táng đều thuộc hạnh tà dâm.

Xưa nay, từ vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng nghèo khổ bị tan nhà nát cửa, mất nước mất thành, gia đình đổ vỡ đều do hạnh tà dâm mà ra. Nhiều vụ án xảy ra do ghen tuông mà hủy hoại nhan sắc tình địch hoặc giết người dã man.

Bản chất của chúng sinhái dục, chính vì điều đó mà chúng ta có mặt trong cuộc đời này nhưng không vì thế mà chúng ta quá lạm dụng trong vấn đề tình dục. Ai ham hưởng thụ quá đáng vấn đề khoái lạc xác thịt và đi quá đà trong chừng mực cho phép thì dễ đánh mất nhân cách, phẩm chất đạo đức. Thường như thế sẽ kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là ghen tuông, giận dỗi, mắng nhiếc, đánh đập và chia lìa, quả báo hiện đời không bao giờ có được mái ấm gia đình hạnh phúc. Vì vậy, người Phật tử chân chính hãy sống chung thủy một chồng một vợ để không bị người khác phá hoại hạnh phúc gia đình.

Việc sinh hoạt tình dục với người cùng huyết thống, tức là người thân trong gia đình, hay còn gọi là loạn luân còn tệ hại hơn cả tà dâm. Quan hệ tình dục giữa người và thú gọi là cuồng dâm vì đánh mất hết tính người. Một vấn đề hết sức tréo ngoe khác là quan hệ tình dục giữa người nam với người nam gọi là pê đê, người nữ với người nữ gọi là đồng tính luyến ái đã phá bỏ tập tục truyền giống làm người. Còn một điều tệ hại hơn nữa là quan hệ tình dục giữa người trưởng thành và trẻ em thiếu niên nhi đồng. Trường hợp này gọi là bạo dâm và không còn từ ngữ nào diễn tả xác đáng hơn nữa.

Nói chung, do hưởng thụ khoái lạc xác thịt quá đángsai lầm trong quan hệ tình dục nên phát sinh ra những trường hợp lắc léo trên. Người Phật tử chân chính nếu muốn có một nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt trong hiện tạimai sau để không rơi vào trường hợp ngoại tình và các quan hệ tình dục bất chính khác thì phải phát nguyện làm đệ tử Phật, gìn giữ 5 Giới pháp trong sạch mới không bị rơi vào hố sâu của đam mê, tội lỗi.

4-Giới thứ tư: Không nói dối và biết lắng nghe

Bồ tát Quán Thế Âm là một người do tu hạnh nhĩ căn viên thông - phản văn văn tự tánh, trở về tánh nghe của mình mà thành tựu đạo quả, sau đó phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh bằng hạnh lắng nghe và dùng lời nói nhẹ nhàng, êm dịu để giúp mọi người vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi, bất hạnh, khổ đau.

Bồ tát là một con người mẫu mực đã mở ra cánh cửa “Phổ Môn” rộng khắp thế giới Ta bà để mang lại niềm an vui, hạnh phúc chân thật cho nhiều người và sẵn sàng san sẻ để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh của tất cả chúng sinh với tấm lòng vô ngã, vị tha.

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu tỉnh giác gây ra, người Phật tử chân chính xin học và làm theo hạnh lắng nghe cùng lời nói thương yêu, hòa nhã bằng trái tim hiểu biết.

Lời nói rất quan trọng, có thể tác động tới tâm tư mọi người khiến họ hạnh phúc hay đau khổ. Do đó, chúng ta nguyện sẽ nói lời chân thật và không nói dối để tránh làm tổn hại mọi người.

Lời nói có thể mang lại niềm an vui hạnh phúc cho nhiều người, giúp họ có niềm tin, ý chínghị lực trong cuộc sống để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nói lời từ ái, hòa nhã, dễ thương làm cho con người thích gần gũi nhau hơn.

Người Phật tử chân chính nguyện không nói dối, chuyện có nói không, chuyện không nói có, hoặc hứa với người mà không giữ lời, hay hứa rồi mà tráo trở, lật lọng. Chúng ta không nói lời ly gián làm hai bên hiểu lầm nhau mà sinh ra thù hận. Việc làm này còn độc hại hơn cả rắn độc vì làm cho người thân chia lìa, gia đình ly tán, bạn bè trở thành kẻ thù, xã hội trở nên loạn lạc, lầm than vì không còn tin tưởng lẫn nhau. Ta không dùng lời nói thêu dệt, nịnh hót làm xiêu lòng người, hoặc dùng lời nói thô ác như nói nặng, mắng nhiếc, chửi rủa, dùng lời lẽ thô tục để lăng nhục người. Người Phật tử hãy học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để lắng nghe, nói lời hòa nhã từ ái và luôn đem niềm vui đến với tất cả mọi người.

5-Giới thứ năm: Nguyện giữ thân tâm trong sáng, lành mạnh

Xã hội ngày nay đang trên đà tiến bộ của nhân loại làm con người ngày càng sa đọa bởi những thói quen hưởng thụ không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và dùng các chất kích thích độc hại như xì ke ma túy. Một khi đã nghiện rượu và ma túy con nghiện sẽ làm bất cứ điều gì khi cơn ghiền đến như nói dối, lường gạt, ăn trộm, ăn cướp, hiếp dâm và ngay cả giết người.

Rượu chè, ma túy, xì ke

Say sưa, nghiện ngập khiến người ngu si.

Túng cùng chẳng biết làm sao

Lường gạt, trộm cướp, giết người như chơi.

Rượu là chỉ chung cho những chất gây say, gây nghiện làm con người mất hết lý trí, mất bình tĩnh khi đã quá đà. Rượu làm thân tâm nóng nãy dẫn đến tranh chấp, cãi vã, nói nặng lời với nhau khiến tự ái phát sinh rồi giận dỗi đưa đến xô xát gây thương tích và có thể giết người. Tai nạn giao thông chiếm 60% bởi do uống rượu lái xe. Trộm cướp, hiếp dâm, giết người do uống rượu chiếm 10%. Bạo hành gia đình chiếm 20%, gây mất trật tự an toàn lối xóm chiếm 10% cũng do uống rượu.

Rượu còn là nguyên nhân gây bạo hành gia đình làm khổ lụy vợ con, là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm làm hao tài tốn của và mau chết sớm.

Ma túy làm hao tiền tốn của, hủy diệt con người không còn lý trí, lương tâm và là tệ nạn nguy hiểm số một của nhân loại, tác hại của nó còn gấp trăm ngàn lần rượu. Vì lòng tham của con người và vì lợi nhuận quá cao nên việc mua bán ma túy là một hiểm họa diệt vong của loài người trong tương lai nếu khôngbiện pháp ngăn chặn thích đáng.

Bản chất của chúng sinhái dụcđam mê hưởng thụ. Chỉ có các bậc hiền thánh và các vị Bồ tát mới biết ngăn ngừa từ nhân vì biết rõ sự tác hại của nó.

Ma túy hủy diệt mầm sống con người nhanh nhất trong hiện tạimai sau, làm tổn thất tài sản lớn nhất hiện nay và làm cho con người mất hết phẩm chất đạo đức, nhân cách sống bình thường. Người mua bán ma túylợi nhuận quá cao nên bất chấp luân thường đạo lý đem thứ chết người gieo giắc trong thiên hạ. Người đã nghiện ma túy sẽ trở thành tội phạm đến 95%, họ có thể trộm cướp, lường gạt và giết người một cách vô tội vạ. Đã dính vào vòng này muôn người chỉ có một hai người mới thoát ra được.

Rượu tác hại một, ma túy tác hại gấp trăm ngàn lần. Chính vì vậy, chúng ta hãy ý thức được những khổ đau do uống rượu say sưa, nghiện ngập và sử dụng các chất ma túy độc hại gây ra làm cho con người mất hết lý trí, lương tâm, tự hủy diệt chính mình và làm hại nhiều người khác. Người Phật tử chân chính nguyện sẽ không dùng những chất độc hại đó để tâm trí được sáng suốt, lắng trong mà có cơ hội hoàn thiện chính mình, giúp ích cho gia đìnhxã hội.

BÀI 6- CHẮP TAY VÀ CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

A- Chắp tay xá chào Tăng Ni

Khi Phật tử gặp quý Thầy Cô thì đứng ngay ngắn trang nghiêm, hai tay chắp lại theo hình búp sen trước ngực, đầu cuối xuống và miệng niệm câu Nam mô Phật-đà.

Chắp tay hình búp sen trước ngực đầu cuối xuống là tỏ lòng thành kính đối với Tăng, Ni. Chúng ta niệm nam mô Phật-đà là cung kính tưởng nhớ đức Phật Thích-ca là con người bằng xương bằng thịt được sinh ra từ bụng mẹ tại đất nước Ấn Độ.

Nam mô có nghĩa là cung kính. Phật-đà là dịch âm tiếng Phạn của chữ ”Buddha”, dịch nghĩa là người giác ngộ, người tỉnh thức, là người có tấm lòng từ bi rộng lớn thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Nam mô Phật-đà nghĩa là chúng ta cung kính tôn trọng đức Phật, đức Phật ở đây là chỉ cho Phật Thích-ca Mâu-ni, là người đã khai sáng ra đạo Phật. Phật và chúng sinh đều có tính giác sáng suốt bình đẳng như nhau vì ngài là một con người giống như tất cả mọi người chúng ta.

Xá chào cung kính là sự khiêm cung tỏ lòng biết ơn với người đã dày công hướng dẫn Phật pháp cho chúng ta, nhờ vậy làm giảm đi sự cống cao ngã mạn của bản thân do ngu si, mê muội chấp thân tâm này làm ngã.

B- Tin tâm mình là Phật

Chúng ta tin tâm mình là Phật và tỏ lòng biết ơn, cung kính đức Phật để bắt chước công hạnh của Ngài, “trên nguyện cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh”. Chúng ta tin Phật có khả năng giác ngộ thì chúng ta cũng có khả năng giác ngộ nhờ tu hạnh Bồ tát đạo phước huệ song tu.

C- Chắp tay lễ Phật

Phật tử khi vào chánh điện lễ Phật phải đi đứng nghiêm trang, mắt nhìn thẳng, thân tâm hướng về điện Phật. Trước khi lễ Phật phải rửa mặt, tay, chân và súc miệng thật sạch. Khi lạy Phật hai tay chắp trước ngực từ từ đưa lên trước trán và từ từ hạ xuống theo năm vóc toàn thân, hai tay úp xuống khi cách đất khoảng 40 cm, đầu cúi sát đất khoảng giữa hai bàn tay và hai đầu gối phải sát đất.

Khi lạy xong chúng ta bật hai tay lên và toàn thân năm vóc theo thế đàn hồi giống như một lò xo tự động bật lên, úp xuống mà không cần phải dùng sức để trở về tư thế ban đầu hai tay chắp trước ngực.

Và cứ như thế chúng ta lễ lạy thật trang nghiêm làm cho thân tâm được an lạc, nhẹ nhàng mà không hao công tốn sức. Người bệnh cũng có thể lễ lạy thoải mái theo phương pháp này mà không bị chướng ngại nhờ thân tâm chuyên nhất theo nguyên tắc “miệng niệm, tai lắng nghe”. Đây là phương pháp lạy căn bản, toàn thân năm vóc sát đất, thân tâm cung kính lễ sẽ giúp ta tiêu trừ bệnh cống cao ngã mạnchuyển hóa phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Khi tụng kinh hai tay chắp trước ngực, ngón tay không được so le, bàn tay khít và thẳng, mắt nhìn phía trước, tâm chuyên nhất đọc theo vị chủ lễ, không được đọc trước hoặc sau, đọc kinh phải chậm rãi đều đặn, không đọc quá to cũng không đọc quá nhỏ.

Khi cầm kinh đọc thì mắt phải nhìn thẳng vào kinh y như thể chúng ta tôn trọng, cung kính Phật. Khi xá chào mọi người chúng ta tôn kính như một vị Phật. Chúng ta tuyệt đối không cầm kinh mà chào người, không được cặp kinh vào hai bên nách, khi đọc kinh xong chúng ta để lại trên bàn thờ Phật hay trong tủ thờ, không được để kinh bừa bãi sau khi đọc xong dù ở nhà hay ở trong chùa.

D- Cách xưng hô

Lời nói hay danh từ chỉ là phương tiện trong đối nhân xử thế để đảm bảo mối quan hệ mật thiết có tôn ty trật tự giữa con người với nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ danh xưng có thể thay đổi theo thời gian nên cách xưng hô trong đạo Phật cũng không có nguyên tắc cố định, tùy theo hoàn cảnh mà có sự đổi thay.

a- Khi nào quý Phật tử gọi các vị xuất gia bằng thầy, bằng cô, bằng đại đức, thượng tọa hay hòa thượng? Khi xuất gia từ 20 tuổi và bắt đầu thọ giới cụ túc thì gọi là đại đức. Thọ giới cụ túc 25 năm gọi là thượng tọa, thọ giới 40 năm trở lên gọi là hòa thượng.

b- Khi ông bà cha mẹ gọi một vị xuất gia là “thầy hay sư phụ”, người con hay cháu phải gọi là “sư ông” mới phù hợp đạo lý thầy trò.

c- Một vị xuất gia còn ít tuổi đời (dưới 30 chẳng hạn) có thể gọi một vị tại gia nhiều tuổi từ 60 tuổi trở lên bằng “con” được chăng dù người Phật tử tại gia cao niên đó xưng “con” với vị xuất gia?

d- Sau khi xuất gia, một vị Tăng hay Ni xưng hô như thế nào với người thân trong gia đình?

Trong đạo Phật có hai loại tuổi được đề cập đến, đó là “tuổi đời và tuổi đạo”. Tuổi đời là tuổi tính theo ngày tháng năm sinh ra. Tuổi đạo là tuổi thường được nhiều người tính từ ngày xuất gia vào chùa tu học. Nhưng đúng ra, tuổi đạo phải được tính từ năm thọ cụ túc giới và hằng năm phải nhập hạ hay tùng hạ theo chúng tu học mùa an cư kiết hạ, mỗi năm như vậy được tính một tuổi hạ hay tuổi đạo. Trong nhà Phật, tất cả mọi việc kể cả cách xưng hô chỉ tính theo tuổi đạo hoặc ngày xuất gia trước sau, không quan trọng tuổi đời.

Khi tiếp xúc với chư Tăng Ni, người Phật tử tại gia thường đơn giản gọi bằng “thầy hay cô” và thường xưng “con” để tỏ lòng tôn kính. Có những vị Phật tử lớn tuổi xưng “tôi hay chúng tôi” với những vị Tăng Ni trẻ để phù hợp với đạo lý làm người.

Khi đã qui y Tam bảo thọ 5 Giới tại chùa, mỗi vị Phật tử tại gia có một vị thầy cao cả, đó là Phật bảo và vị tăng truyền giớiTăng bảo chân chính. Vị ấy được gọi là “thầy Bổn sư”. Cả gia đình có thể thọ giới cùng chung một vị thầy Bổn sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng “thầy”.

Khi Tăng Ni tiếp xúc với quý Phật tử tại gia, kể cả người thân trong gia đình, chư Tăng Ni thường xưng là “tôi hay chúng tôi” (hay xưng pháp danh, pháp hiệu hoặc bần Tăng, bần Ni); cũng có khi chư Tăng Ni xưng là “thầy hay cô” và gọi quý Phật tử là “đạo hữu hay quý Phật tử”; cũng có khi chư Tăng Ni gọi quý Phật tử tại gia bằng pháp danh hay xưng hô theo địa vị xã hội, hoặc theo thứ bậc trong gia đình.

Sự việc chư Tăng Ni xuất gia ít tuổi gọi một Phật tử tại gia lớn tuổi là cha mẹ hoặc ông bà bằng “con” là không hợp với lý lẽ làm người. Chư Tăng Ni còn trẻ không nên gọi như vậy vì thiếu sự tôn trọng. Chúng ta biết mọi chuyện trên đời đều có thể thay đổi, ngôi thứ, cấp bậc cũng vậy. Nhưng giá trị tuổi đời lớn nhỏ không đổi, cứ theo thời gian mà càng tăng lên. Theo truyền thống lâu đời của người Việt Nam, tuổi đời rất được kính trọng trong xã hội dù là người Phật tử tại gia hay người xuất gia.

Tuy nhiên, trong các trường hợp tiếp xúc riêng, tùy thuận theo thế gian chư Tăng Ni có thể gọi các vị Phật Tử tại gia, kể cả người thân trong gia đình một cách trân trọng, tôn kính tùy theo tuổi tác.

Nói chung, cách xưng hô trong đạo Phật giữa người xuất giaPhật tử nên thể hiện lòng tôn kính lẫn nhau để học đạo giác ngộ, giải thoát. Nhờ vậy, chúng ta có thể phá trừ tâm cống cao ngã mạnchuyển hóa phiền não tham-sân-si thành vô ngã, vị tha.

Chư Tăng Ni phát tâm xuất gia tu hành, quý Phật tử phát tâm tu tập tại gia, như vậy đã coi thường mọi thứ danh lợi, địa vị của thế gian thì quan trọng gì chuyện xưng hô, tranh giành địa vị, đòi hỏi chức vụ nếu có trong nhà chùa. Chúng ta xưng hô như thế nào để hợp với đạo lý mà không đánh mất giá trị làm người trong tu tâm sửa tánh để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Trong đạo Phật, cách xưng hô có thể thay đổi theo hoàn cảnh mà vẫn giữ được phẩm chất cao quý của người học đạo giác ngộ, giải thoát đối với Phật tử tại gia cũng như người xuất gia.

Tăng Ni là những người vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho chúng ta biết được đạo lý làm người. Là những người tiếp tục kế thừa sự nghiệp của đức Phật để truyền dạy giới đức cho mọi người nên chúng ta phải gọi là “thầy, cô” hoặc gọi theo giới phẩm “đại đức, thượng tọa hay hòa thượng”.

Đối với thầy, cô chúng ta có thể xưng bằng “chúng con hay chúng tôi” là tùy theo tuổi tác của vị Tăng Ni đó cho phù hợp với đạo lý làm người mà vẫn một lòng tôn kính để học đạo giác ngộ, giải thoát.

BÀI 7- TINH THẦN CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Cầu nguyện là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của nhân loại, nó như một món ăn tinh thần của con người và là một nhu cầu chính đáng để giúp chúng ta luôn vững niềm tinan tâm đối với dòng đời nghiệt ngã trong bầu vũ trụ bao la này.

Mục đích của sự cầu nguyện là nhằm giải toả các ức chế tâm lý do áp lực của công việc. Hoàn cảnh cuộc sống làm cho con người không được hài lòng, như ý mà sinh ra các phiền muộn, khổ đau qua các mối quan hệ giao tiếp trong xã hội.

Cầu nguyện không phải muốn gì được đó, không phải là chúng ta xin Phật- Bồ tát giúp cho mình được toại nguyện những mong muốn quá đáng. Cầu nguyện về mặt tâm lý nhằm giải toả các ức chế nội tại, hoặc tình trạng bức xúc cao độ, hay sự tuyệt vọng quá mức dẫn đến không còn lối thoát. Cầu nguyện có thể làm giảm bớt các áp lực căng thẳng, nặng nề ấy.

Sự cầu nguyện trong đạo Phật còn là một pháp môn tu tập của người Phật tử, nhờ cầu nguyệnniềm tin tăng trưởng, nguyện lực của họ mạnh mẽ hơn, tuệ giác của Thế tôn được phát huy nên thiện nghiệp được duy trì, ác nghiệp mau sớm được tiêu trừ và từng bước tiến đến con đường giác ngộ, giải thoát mà cùng nhau chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị tha.

Nếu chúng ta khẳng định mọi sự cầu nguyện đều được như ý thì sự cầu nguyện đó là mê tín, không đúng theo tinh thần Phật dạy. Chúng ta chỉ xem những lời cầu nguyện như lời chúc lành, mong muốn mọi người được an vui, hạnh phúc để có cơ hội sống tốt với nhau trên tinh thần yêu thương nhau bằng trái tim hiểu biết.

Cầu nguyện hoặc mong cầu một cái gì đó là trạng thái tâm lý mong muốn sẽ được thành tựu viên mãn điều mình đang mơ ước và mong đợi. Nó phản ánh một thái độ vị tha mong muốn cho tất cả mọi người đều đạt được những thành tựu như ý trong cuộc sống.

Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh có thể làm lắng dịu nỗi lo âu, sợ hãi, phiền muộn, thất vọng và khổ đau. Cầu nguyện là bày tỏ những hy vọng thay đổi nhằm có đời sống tốt hơn, tạo thêm sinh lựcniềm tin cho con người vốn gặp nhiều bất hạnh, khổ đau.

Chúng ta vì quí kính ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, người thân và nhân loại mà có lòng thành cầu nguyện, mong muốn mọi nguời đều được sống an vui, bình yên và hạnh phúc. Mặc dù sự cầu nguyện đó có việc được, có việc không nhưng đã nói lên tình thương yêu nhân loại qua sự an ủi, sẻ chia và nâng đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Trong cuộc sống của chúng ta, sự cầu nguyện là một biểu hiện của lòng biết ơnđền ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy tổ, bạn bè, người thân và cộng đồng xã hội. Cầu nguyện giúp cho mọi người nâng cao đời sống tinh thần nhằm củng cố thêm niềm tinnghị lực để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời với muôn vàn sự khổ đau.

Chúng ta cầu nguyện nhằm mong muốn mọi người sống yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống. Một sự cầu nguyện như vậy là cầu nguyện chân chính vì đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng xã hội.

Chúng ta cầu cho mọi người sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết để thế giới chấm dứt chiến tranh, không còn cảnh máu đổ thịt rơi, con người tàn sát giết hại lẫn nhau. Chúng ta cầu cho mọi người luôn sống hiếu thảo với mẹ cha trên tinh thần biết ơnđền ơn thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.

Cầu dứt ác làm lành là cầu nguyện cho mình và người được phát khởi tín tâm thiện ích với tinh vô ngã, vị tha bằng trái tim yêu thươnghiểu biết để giúp ta vượt qua dòng đời nghiệt ngã với muôn vàn khổ đau mà thành tựu được mục tiêu giác ngộ giải thoát, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh.

Cầu nguyện là nhu cầu trong đời sống tinh thần của con người. Kết quả thế nào chưa biết nhưng trước mắt chúng ta cảm thấy tinh thần an ổn, nhẹ nhàng đôi chút. Chúng ta vẫn biết lời cầu nguyện chỉ giúp tâm trí mình tạm yên lắng đôi phần, nhưng với một số người cầu nguyện cốt để tâmsáng suốt hầu tìm ra giải pháp tháo gỡ mọi vấn đề khó khăn.

Đối với sự cầu nguyện chân chínhlợi ích cho mọi người thì đạo Phật không phủ nhận. Bằng chứng là ngay trong nhà chùa vẫn hay dùng phương tiện cầu an hoặc cầu siêu để dẫn dắt những người sơ cơ quay về với đạo. Trong mỗi khóa lễ sau thời tụng kinh đều có phần phục nguyệnhồi hướng công đức để tất cả chúng sinh đều được an vui, giải thoát.

Trong đạo Phật, cầu nguyện không phải là một hình thức cầu khẩn, van xin vào một thế lực nào bên ngoài mình. Chúng ta phải lấy sự nỗ lực của bản thân để làm tăng thêm sức mạnh cầu nguyện chứ không phải ngồi ỳ ra đó mà cầu khẩn, van xin.

Chúng ta cố gắng siêng năng phấn đấu vượt khó là nhân, cầu nguyện là duyên giúp cho ta không lui sụt ý chí, kết quả là đạt mục đích đề ra. Nếu chúng ta muốn thân tâm được trong sạch, việc hóa giải phiền não tham-sân-si là nhân, rồi chúng ta nương vào sự gia hộ của Phật mà quyết tâm dứt trừ vọng niệm. Bản thân mình không chịu sửa đổi tâm tham lam, ích kỷ, giận hờn, cố chấp thì dù chúng ta có tha thiết cầu Phật cứu giúp cũng không thể nào dứt được quả khổ đau.

Cầu nguyện dứt ác làm lành là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống nói lên tinh thần yêu thương bằng trái tim hiểu biết nhằm làm giảm bớt nỗi đau bất hạnh bằng tình người trong cuộc sống.

Nói tóm lại, cầu nguyện chân chínhxuất phát từ tấm lòng vô ngã, vị thatình thương yêu nhân loại không phân biệt người thân hay kẻ thù, chỉ một bề mong muốn mọi người sống an vui, hạnh phúc.

Bài 8- ĐI CHÙA LỄ PHẬT

Muốn trở thành một Phật tử chân chính chúng ta phải sắp xếp thời gian để đi chùa lễ Phật và làm nhiều công đức khác. Khi chúng ta muốn làm việc gì có kết quả tốt đẹp thì phải phát xuất từ tâm tỉnh ngộ, nếu làm việc vô nghĩa là do tâm si mê mà ra.

Chúng ta đến chùa để được nghe những lời chỉ dạy đạo lý của chư Tăng, Ni là bổn phận của người Phật tử. Phật dạy: “thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta phải khôn ngoan, sáng suốt chọn lấy một hành động có nghĩa để làm theo thì mới là người có hiểu biết chân chính. Chạy theo những việc làm thấp hèntính cách làm tổn hại người vật thì quả thực là kẻ ngu si, khờ dại.

Nếu chúng ta không ý thức được trách nhiệm và bổn phận của một con người, cứ mãi đua đòi chạy theo sự hưởng thụ xa hoa thì đến ngày thân này sắp hoại, ta sẽ không biết mình đi về đâu. Chính vì vậy, việc đi chùa lễ Phật là một việc làm cần thiết do tâm khao khát muốn được làm người tốt để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội.

Mục đích đi chùa không phải là để cúng lạy, van xin, cầu khẩn mong Phật-Bồ tát ban phước trừ họa cho chúng ta mà vì ta muốn học hỏi Chánh pháp, tập tu đức tính từ-bi-hỷ-xả để chuyển hóa phiền muộn, khổ đau thành an vui, bình yên và hạnh phúc.

Người Phật tử mới đến với đạo chưa thấm nhuần Phật pháp nếu không được sự chỉ dạy của chư Tăng, Ni thì làm sao biết cách để ứng dụng tu hành. Muốn hiểu Phật phápthấm nhuần đạo lý chúng ta hãy thường xuyên đến chùa để thưa hỏi, học tập những gì mình chưa biết hoặc có nghi ngờchúng ta phải giải bày.

Trong cuộc sống với bộn bề công việc ngoài xã hội, người Phật tử đâu đủ thời gian để nghiên cứu, học hỏi Phật pháp. Nhờ gặp chư Tăng Ni thưa hỏi đạo lý, quý Phật tử có thể học được nhiều điều rất hay để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày. Chính vì vậy, đến chùa để gặp chư Tăng, Ni là điều cần thiết không thể thiếu đối với người Phật tử tại gia.

Đi chùa có hai trường hợp:

_ Đi chùa ngày thường: Bất cứ ngày nào chúng ta cảm thấy rãnh rỗi việc nhà, hoặc tranh thủ được chút thời gian thì người Phật tử có thể đi chùa. Khi đi chùa người Phật tử chân chính phải thưa hỏi đạo lý để tìm hiểu thêm những lời Phật dạy. Những gì còn nghi ngờ và chưa hiểu người Phật tử phải đem ra thưa hỏi. Mỗi lần đến chùa người Phật tử biết cách thưa hỏi như vậy thì sự học đạo rất mau tiến bộ. Đi chùa thưa hỏi Phật pháp là đúng tinh thần tu học của người Phật tử tại gia.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đi chùa mà không thưa hỏi Phật pháp. Đây là trường hợp ngoại lệ, họ đi chùaham vui, vì thần kinh căng thẳng, hoặc quá đau khổ nên tìm đến chùa. Họ đến chùa để được ngồi yên dưới bóng mát tàn cây nghe tiếng mõ, tiếng chuông trong khung cảnh yên tĩnh giúp tâm hồn cảm thấy dễ chịu. Những người này họ không cần gặp ai để thưa hỏi Phật pháp, chính cảnh cô liêu tịch tĩnh của nhà chùa đã phần nào xoa dịu bớt những nỗi đau bất hạnh trong họ.

_ Đi chùa những ngày lễ vía và các khóa tu: Mỗi Phật tử ngày thường đều có hoàn cảnh cuộc sống gia đình riêng nên ít khi được gặp nhau để trao đổi việc tu hành, cùng nhau động viên, nhắc nhở về đức hạnh của Phật. Nhân ngày lễ vía ở chùa, toàn thể quý Phật tử tụ hội về cùng thăm hỏi nhau trong tình bạn đạo, cùng giãi bày và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm tu hành để chính mình ngày càng hoàn thiện.

Người xưa nói: "ăn cơm có canh, tu hành có bạn." Chúng ta cùng nhau đoàn tụ dưới mái chùa để cùng mến thương nhau, đoàn kết gắn bó với nhau, cùng động viên an ủi khích lệ cho nhau, cùng siêng năng tinh tấn dìu dắt nhau vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng trái tim hiểu biết.

Càng cao quý hơn nữa, chúng ta tham gia vào các khóa tu một ngày an lạc cho đến bảy ngày để được thực tập hạnh giác ngộ, giải thoát. Thật là diễm phúc thay khi quý Phật tử có những cơ hội thấm nhuần Chánh pháp bằng sự thể nghiệm trực tiếp qua sự hướng dẫn của Tăng, Ni.

Nếu chúng ta vắng mặt trong những ngày lễ vía và các khóa tu thì quả thật là một thiệt thòi đáng kể của người Phật tử. Có nghe giáo lý và có thực hành những lời Phật dạy chúng ta mới biết phương pháp tu hành, biết cách buông xả phiền não tham-sân-si mà chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.

Quý Phật tử dù đã quy y mấy mươi năm mà không chịu học hỏi giáo lý, không siêng năng nghe quý thầy cô giảng dạy và không thắc mắc, nghi ngờ thì sẽ thiệt thòi cho chính mình. Phần đông các Phật tử chưa tin sâu lý nhân quả nên khi đến chùa hay cầu khẩn, van xin mà rơi vào mê tín dị đoan. Người Phật tử chân chính phải luôn học hỏithực hành theo lời Phật dạy. Chính vì vậy, đi chùa nghe pháp và thắc mắc những gì mình chưa biết là điều cần thiết của người Phật tử tại gia.

Chúng ta lễ Phật, lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu khẩn van xin mong Phật-Bồ tát ban phước trừ họa mà ta lễ lạy để được học hỏi và bắt chước công hạnh cao cả của Ngài với tinh thần biết ơnđền ơn.

Chúng ta lễ lạy Phật để thấy mình còn ngu si, mê muội quá nhiều vì sự tham lamích kỷ để xả bỏ hết những thói quen cống cao ngã mạn, khinh thường người khác. Thói quenbản chất của mọi người là lúc nào cũng thấy mình hơn thiên hạ nên tự cao tự đại, chẳng coi ai ra gì. Đó là thói quen xấu nhiều đời nhiều kiếp đã ăn sâu vào tàng thức khiến chúng ta bị mọi người chán ghét, lánh xa.

Người Phật tử chân chính biết được khiếm khuyết này nên chúng ta lễ lạy Phật-Bồ-tát, các bậc đạo cao đức trọng để diệt trừ tâm cống cao ngã mạn. Khi lễ lạy Phật-Bồ tát hoặc người tu hành chân chính chúng ta không mong cầu điều gì mà chỉ mong học được đức hạnh cao quý của các ngài, như người xưa nói: "kính thầy mới được làm thầy". Chúng ta muốn dẹp bỏ những thói quen tật xấu, học theo đức hạnh từ-bi-hỷ-xả thì phải kính lễ những bậc đức hạnh để học hỏi những điều hay lẽ phải.

Chúng ta lễ lạy Phật vì noi theo gương sáng của Ngài với tấm lòng vô ngã, vị tha. Vì Phật đã giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán nên Ngài có đầy đủ mọi công đức từ-bi-hỷ-xả và trí tuệ viên mãn, do đó chúng ta phải lễ lạy Phật để bắt chước công hạnh của Ngài.

Như vậy, chúng ta sẽ lễ lạy Phật bao nhiêu mới xứng đáng trong việc noi theo gương sáng của Ngài? Chúng ta đời đời kính lễ Ngài cũng đâu có thiệt thòi gì, nhờ vậy ta mới lần hồi chuyển hóa được những phiền muộn, khổ đau. Đi chùa lễ lạy Phật và thưa hỏi đạo lý là điều cần thiết giúp cho chúng ta tiến bước mãi trên con đường giác ngộ cho đến khi nào thành tựu viên mãn mới thôi.

BÀI 9- NÓI NHIỀU LÀM PHIỀN LÒNG NGƯỜI KHÁC

Nói nhiều là diễn bày bằng lời nói mọi sự việc phát xuất từ những điều kiện khi thấy, khi nghe, khi ngửi, khi nếm, khi xúc chạm và suy nghĩ. Người nói nhiều đôi khi gây thiệt hại và làm phiền lòng nhiều người khác. Phụ nữthói quen nói nhiều nên được ví ba người phụ nữ xúm lại làm thành cái chợ chồm hổm. Đàn ông nói nhiều thì người ta thường gọi là bà tám và tất nhiên nhiều người không thích điều này.

Những người hay nói nhiều là những người thích nói chứ không thích lắng nghe, họ lúc nào cũng bảo vệ và cho suy nghĩ của mình là đúng nên nói năng huyên thuyên, chuyện làng trên xóm dưới gì cũng nói. Bởi do nói nhiều nên họ ít lắng nghe sự trao đổi, góp ý của người khác. Nói nhiều còn có cái bệnh là dễ làm mất lòng người khác, người xưa cũng bảo “tội từ miệng mà ra”.

Tại sao “nói nhiều” lại gây chướng ngại cho sự tu tập của chúng ta? Theo kinh nghiệm nhân gian, người nói nhiều thì dễ mắc nhiều sai lầm vì dễ mất tự chủ trong lời nói. Người Phật tử chân chính muốn đạt được sự giác ngộ, giải thoát viên mãn thì cần phải thận trọng trong trò chuyện, nói năng. Người Phật tử không nên ăn không ngồi rồi, tụ tập lại bàn tán, nói năng ồn náo mà chỉ toàn nói những chuyện tạp nhạp của thế gian.

Theo sự tìm hiểu của các nhà tâm lý, người nói nhiều chưa hẳn là nhiều chuyện vì đôi khi chỉ mỗi một chuyện mà họ có thể nói từ ngày này sang ngày khác, nhất là các vị có tài hùng biện. Còn người nhiều chuyện thì chắc chắn sẽ nói nhiều vì đó là thói quen thích chứng tỏ với mọi người là mình có hiểu biết.

Có hai vợ chồng nọ cứ mỗi lần trong nhà có đám giỗ hay tiệc tùng gì là ông chồng cứ “nhai đi, nhai lại” với bà xã chuyện nấu nướng món gì và phải mời ai. Bà vợ khổ tâm quá mới than thà bà bị điếc chắc còn khỏe hơn.

Chúng ta hãy học cách kiểm soát bản thân để không mắc bệnh nói nhiều, nó là một trong những biểu hiện của sự mất tự tin, đang lo lắng sợ hãimặc cảm tự ti. Để khỏa lấp cảm giác đó, người ta phải nói thật nhiều.

Với các bà vợ thiếu tự tin, nói nhiều không hẳn là mong muốn của họ. Họ thường biện hộ trời cho cái miệng, cái mồm để ăn, để nói thì đương nhiên họ phải nói. Đấy là lý lẽ căn bản của các bà vợ mỗi khi bị các ông chồng lên án, trách cứ sao nói nhiều quá. Nếu xét khách quan thì ai cũng thấy đại đa số phụ nữ là thích nói nhiều, điều này quả thật không sai chút nào.

Chúng ta thử xem lại coi trên cõi đời này có sinh vật nào có khả năng nói nhiều mà không biết chán như ở một số phụ nữ? Đó là do nghiệp báo nhiều đời khiến họ có một cái miệng dẻo dai hơn nam giới, miệng của họ có thể hoạt động liên tục đồng thờithế phát âm cao thấp, nhỏ to một cách rất đúng cung đúng điệu.

Phụ nữ có khả năng nói liên tục bất tận gây sự chú ý cho nhiều người bởi những tin vịt, họ có thể nói nghĩa đen để buộc người nghe phải chú ý đến để hiểu nghĩa bóng hoặc ngược lại. Họ còn có thể một lúc nói về nhiều chủ đề, họ cũng thừa sức để nói các sự cố đã, đang và sẽ xảy ra ở hàng xóm láng giềng. Nhất là đối với những người họ không ưa thích, họ nói theo kiểu miệt thị, dèm pha và hơi chảnh một chút.

Phụ nữ khi gặp buồn, vui gì thì cũng nói hoạch tẹt ra hết. Họ dùng ngôn từ trầm bổng, cao thấp để bộc lộ cảm xúc. Họ có thể diễn tả tỉ mỉ các “sự cố” mà họ đang phải đương đầu hoặc thậm chí chưa từng bao giờ gặp. Chính nhờ nói nhiều mà bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố đều theo miệng người phụ nữ mà tuôn ra ngoài khiến họ có thể tự tin “khỏe re như con bò kéo xe.”

Chúng ta đôi khi hay ngồi lê đôi mách, nhất là những phụ nữ làm việc nội trợ ở nhà một mình dễ buồn chán nên hay tìm đối tác để nói chuyện. Có người thích nghe thì mới có kẻ muốn nói. Trong chuyện ngồi lê đôi mách có sự bàn tán hứng thú riêng vì đây là dịp để chia sẻ những uất ức trong lòng do không có ai để trút bầu tâm sự.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đóng vai trò diễn nói bằng những ngôn từ chát chúa có tính cách phê bình, chỉ trích thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về chúng ta. Mọi người có thể bị kích động theo khi nghe chúng ta nói xấu một người nào đó trong làng xóm, thành ra ta trở thành kẻ nhiều chuyện.

Người nhiều chuyện khác với kẻ nói nhiều, kẻ nhiều chuyện thì luôn bới tung lên chuyện thương ghét, phải quấy đầu trên xóm dưới, chuyện nhỏ xé ra to, chuyện có nói không và ngược lại. Không ai muốn đề bạt một kẻ nhiều chuyện lên làm quyền cao chức trọng, cũng không ai tin tưởng hay thích những người nhiều chuyện vì họ không bao giờ biết giữ kín một chuyện gì khi họ đã biết.

Như vậy, người nhiều chuyện dễ làm mất uy tín, mọi người sẽ bắt đầu nghi ngờ khi người đó nói ra điều gì. Đa số người thích nhiều chuyện là do họ không có công ăn chuyện làm chính thức, họ chỉ giữ vai trò nội trợ là chính nên thời gian rãnh rỗi nhiều. Thường những kẻ muốn đâm sau lưng người khác sẽ mượn người nhiều chuyện để làm công cụ thực hiện mục đích dối trá của mình. Khi mọi việc đã vỡ lỡ, kẻ nhiều chuyện sẽ hứng chịu sự trả đũa từ mọi phía, người núp phía sau sẽ cười vào mặt kẻ bị bêu xấu, cuối cùng họ chỉ trút giận vào bao cát mà thôi.

Và còn nhiều tác hại khác của việc bàn tán xì xầm, nhỏ to, đôi khi còn thêm chút mắm muối vào để câu chuyện không có gì mà thành ra to lớn. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó, xì xầm to nhỏ là thói quen khó cưỡng của nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ được cho là nhiều chuyện số một. Đôi khi chúng ta biết rõ rất nhiều chuyện đã xảy ra nhưng cũng không nên nói, vì có nói ra cũng không có lợi, đôi khi còn phiền phức cho chính mình và ảnh hưởng xấu đến người khác.

Có nhiều người nói, nhất là chị em phụ nữ thường hay tung tin vịt rồi buột miệng rằng chuyện này bí mật đừng nói cho ai biết. Thế là tin đồn cứ thế loan đi, chuyện nhỏ xé ra to, tất cả mọi người làng trên xóm dưới không ai không biết. Muốn từ bỏ thói quen xấu này không phải chuyện dễ trong một ngày, một bữa nên tốt nhất việc gì cần nói thì nói, không cần thì thôi, còn trường hợp nói ra làm ảnh hưởng xấu đến người khác thì tốt nhất chúng ta không nên nói.

Thói quen nói xấu có một sự quyến rũcám dỗ rất lớn, với một số người họ gần như bị nghiện. Nếu trong một ngày không nói cùng ai chuyện xóm trên xóm dưới thì họ cảm thấy như bị ức chế nên dễ sinh cau có, giận hờn. Phụ nữ nói nhiều có khi sống thọ hơn phụ nữ ít nói, và nhờ nói nhiềuphụ nữ sống lâu hơn so với đàn ông. Quả thật đúng như vậy! Đàn ông họ tế nhị hơn nên vui cũng ít thổ lộ ra bên ngoài, khi buồn họ cũng nín thinh, im lặng, hoặc có nói cũng rất hà tiện lời nói, ít chịu chia sẻ điều đang ôm ấp trong lòng.

Theo các nhà tâm lý học, tất cả những cảm xúc, tư duy của con người luôn cần được bộc lộ ra bên ngoài; ngược lại, nếu bị đè nén trong lòng dễ sinh ra những hệ lụy tai hại như chứng căng thẳng, trầm cảm khiến chúng ta mau chết sớm hoặc cau có, khó chịu ra mặt. Vì thế, nụ cười là liều thuốc bổ để giảm bớt các ức chế trong lòng, đó chính là bài thuốc có thể làm cho chúng ta lạc quansống thọ.

Ca dao Việt Nam cho rằng: “đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”. Đối lập lại, nhân tướng học của phương Tây cho rằng: “Đàn bà miệng rộng thì sang”. Vậy hai học thuyết Đông và Tây cái nào đúng, cái nào sai? Chẳng qua là do tín ngưỡng của mỗi nơi có khác nên đúng và sai cũng không nhất định, chỗ này cho như vậy là đúng, chỗ kia cho như vậy là sai. Chính vì vậy, mọi việc trên thế gian này đều tương đối cả. Lại có câu ca dao: “Đàn ông lắm miệng thì tài, đàn bà lắm miệng điếc tai láng giềng”. Lắm miệng lắm mồm tức là “nói nhiều”, miệng không kịp kéo da non.

Nói nhiều mà nói móc, nói méo, nói nặng, nói nhẹ, nói thêm, nói bớt, nói để vu khống thiên hạ bằng cách nói sai sự thật làm cho chúng ta thù hằn, ghét bỏ lẫn nhau. Nhất là những người làm chính trị, họ hay nhiều chuyện, tìm đủ mọi cách để đả phá kẻ đối lập. Họ dùng mọi thủ đoạn bằng miệng lưỡi thâm sâu để hạ bệ đối thủ.

Người Phật tử chân chính việc gì cần nói thì nói, không cần thì thôi. Nói nhiều là bệnh ba hoa, khoác lác dễ làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Để đối trị được bệnh nói nhiều, chúng ta hãy nhiếp tâm niệm Phật, niệm Bồ tát, niệm hơi thở hoặc thường xuyên quán chiếu soi sáng lại chính mình, nhờ vậy biết cách làm chủ bản thân.

BÀI 10- SÁM HỐI ĐỂ TIÊU TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG

Đã làm người ai cũng có thể phạm phải lỗi lầm, nếu chúng ta can đảm đến trước bàn Phật hay gặp người có đức hạnh thành tâm phát lồ sám hối thì tội lỗi sẽ nhanh chóng được tiêu trừ. Chúng ta là những phàm phu do vô minh si ám che lấp nhiều đời, là người đang thực tập hạnh buông xả theo lời Phật dạy nên không sao tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Chúng ta biết có lỗi nên thành tâm sám hối không dám tái phạm khiến tội lỗi được tiêu trừ cho đến khi không còn nữa. Sám hốiphương pháp sách tấn mạnh mẽ nhất đối với người Phật tử chân chính, nhờ vậy ta càng ngày càng ít vấp phải lỗi lầm hơn.

Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời hoặc chối bỏ sự thật của tội lỗitìm cách sám hối để làm mới lại chính mình. Sám hối là sám lỗi trước, nguyện không cho tái phạm lỗi lầm xưa. Hối là ngăn ngừa lỗi sau, không cho phát sinh kể từ ngày hôm nay. Sám hối đúng nghĩa là phải có tâm hổ thẹn và cầu tiến.

Sám hối có nghĩa là ăn năn hối cải những tội lỗi đã làm, chúng ta biết hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm nữa. Nhờ sám hối chúng ta không phạm tội cũ, không gây lỗi mới là nhờ biết hổ thẹnxấu hổ. Chúng ta biết hổ thẹn và cầu tiến nên ta mới sám hối, sau khi sám hối dứt khoát chừa bỏ không lập lại lỗi lầm xưa.

Sám hối có thể xem như sự mạnh dạn ăn năn nhận lỗi của người thế gian khi mình làm cho người nào đó buồn phiền, tức giận. Trong Phật giáo cũng thế, ý suy nghĩ điều xấu ác, lời nói không khéo dẫn đến thân hành động sai, nay nhận ra lỗi lầm của mình ta tha thiết hối lỗi, ăn năn sám hối quyết không tái phạm nữa.

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm chúng ta có thể đổ thừa cho người khác. Ai cũng cho rằng bản thân mình đúng, thật ra người không biết nhận lỗi chính là muốn qua mặt người khác. Chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác để họ phải chịu mang tiếng xấu, đó là điều không nên làm của người Phật tử chân chính.

Bất kỳ một sai lầm nào cũng có trách nhiệm của chúng ta và không ai khác chính chúng ta biết rõ mình đang lừa dối mình và người khác, tại sao chúng ta không dám chịu trách nhiệm về những lỗi lầm đó. Đổ lỗi cho người khác là một thói quen xấu gây ra sự chia rẽ và hiểu lầm nhau mà dẫn đến oán giận, thù hằn không có ngày thôi dứt.

Chúng ta hãy học cách nhận lỗi về phía mình, hãy tự xấu hổ với chính mình và đừng bao giờ đổ lỗi cho những người xung quanh. Đó là hành động của kẻ tiểu nhân, người hèn nhát, không phải là người Phật tử chân chính.

Khi chúng ta biết nhìn nhận lỗi về phía mình, chúng ta sẽ nhìn thấy được những sai lầm của bản thân. Rất nhiều người có thói quen xấu, họ thà chết đem theo chứ không chịu nhận lỗibiết mình làm sai vì sĩ diện và vì lòng tự trọng quá cao.

Sám hối trong nhà Phật có ý nghĩa tương tợ như cách xin lỗi của người thế gian. Người thế gian lỡ phạm lầm lỗi với ai khiến họ phiền muộn thì biết mình có lỗi nên gan dạ đến xin lỗi. Nếu người rộng lượng họ sẽ tha thứ, người quá cố chấp thì cũng giảm bớt đôi chút buồn phiền. Biết ăn năn lỗi cũ, không gây tạo tội mới thì tội lỗi ngày càng được tiêu trừ theo thời gian.

Chúng ta khi làm điều gì sai quấy mà không chịu phát-lồ sám hối vì sợ người khác biết mà khinh thường, mất danh tiếng nên cố tình che giấu thì không ngờ tội lỗi ngày càng thêm chất chồng. Chúng ta hãy nhớ rằng, người có lỗi mà biết xin lỗi hoặc phát lồ sám hối là một điều tốt, cũng như chiếc áo dơ chúng ta giặt thì áo sẽ mới sạch trở lại. Khi chúng ta cố tình che giấu tội lỗi thì tội lỗi ngày càng thêm lớn và trong lòng thường ăn năn, ray rức, buồn bã không yên.

Chính vì thế, khi chúng ta có lỗi thì không được che giấu mà phải phát-lồ sám hối, phát nguyện chừa bỏ không tái phạm nữa thì tội ấy dần hồi mới được trong sạch.

Ai trong chúng ta không một lần vấp ngã dù ít hay nhiều, nhưng điều quan trọng hơn hết là khi bị vấp ngã ta có can đảm đứng lên hay không. Với lòng thành tha thiết chúng ta đảnh lễ Phật-Bồ-tát, quì gối chí tâm phát lồ sám hốiphát nguyện chừa bỏ, cầu chư Phật-Bồ-tát chứng minh để ta có đủ lòng tin vượt qua tội lỗi và không tái phạm nữa.

Tuy nhiên, khi đã thành tâm sám hối lẽ ra chúng ta không được tái phạm lỗi lầm cũ, song vì tập khí thói quen nhiều đời đã khiến cho ta phạm lại lỗi lầm xưa. Chúng ta biết mình đã dở lắm rồi, do đó phải kiên trì, bền chí thành tâm sám hối đừng nản lòng thì có ngày sẽ dứt trừ được tội lỗi.

Sám hối với tinh thần cầu tiến biết hổ thẹn và mạnh dạn vạch trần những lỗi lầm đã làm với lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm nữa, người này chắc chắn sẽ là người tốt trong hiện tạimai sau. Người biết hổ thẹn sẽ không dám để tội lỗi phát sinh hoài, nhờ vậy tội lỗi sẽ dần được tiêu trừ.

Chúng ta tu mà không gan dạ sám hối thì quả là người hèn nhát, luôn che dấu tội lỗi thì không thể nào chuyển hóa hết phiền muộn, khổ đau do tham lam, sân giận và si mê gây ra.

Người biết sám hối là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối thì dù chúng ta là người xuất gia đi nữa cũng chưa phải là người biết tu. Sám hối với tâm chí thành, một lòng tha thiết xấu hổ về những lỗi lầm đã phạm và dứt khoát không tái phạm nữa thì người này sẽ từ từ hết tội.

Nhờ sám hối mà tâm ta ngày càng trong sạch. Dám sám hối là một việc làm can đảm, khiến tâm cống cao ngã mạn, tự ti, mặc cảm, lần lần thuyên giảm, nhờ vậy ta càng ngày càng sống tốt hơn và ít phạm phải lỗi lầm.

Tu mà không gan dạ sám hối quả thật là người hèn nhát, không xứng danh là một con người. Sám hốiphương pháp sách tấn mạnh nhất, nhờ sám hối dù có tạo tội bao nhiêu chúng ta vẫn là người tốt trong hiện tạimai sau.

Trong kinh đức Phật thường tán thán: "Ở đời có hai hạng người đáng được khen ngợi. Hạng thứ nhất là người không có gây tạo lỗi lầm, hạng thứ hai là người có lỗi mà biết ăn năn sám hối hứa chừa bỏ".

Tất cả mọi chúng sinh trong đời sống hằng ngày không ai là không có lỗi do vô tình hoặc cố ý tạo nên. Người Phật tử chân chính là người dám mạnh dạn nhận ra những lỗi lầm mình đã phạm phải. Trong Phật giáo sám hối không phải là "rửa tội" hay "xá tội" như một số quan niệm của các tôn giáo khác, đây là một hành động có ý thức khi mạnh dạn nhận ra lỗi lầm để rồi sau đó tự mình sửa đổi.

Tóm lại, sám hối là một phương pháp tu hành rất thiết thực, có lợi ích cho hiện tạimai sau. Người đời vì không biết nên một khi có lỗi lầm thì ém nhẹm, giấu diếm, không cho ai biết và tìm cách che giấu tội lỗi. Vì thế, tội lỗi ngày càng thêm chồng chất, cuối cùng hết phước sẽ chịu họa khổ đau không có ngày thôi dứt.

Người xưa nói: "Dù người có gây tạo tội lỗi tới đâu mà biết ăn năn sám hối thì cũng có ngày hết tội". Ai làm người mà biết hồi đầu tỉnh thức thì khi lầm lỗi sẽ biết sám hối là điều cần thiết cho tất cả mọi người.

BÀI 11- THIỀN TRONG BỘN BỀ CÔNG VIỆC

Mỗi sáng thức dậy, chúng ta có thể hân hoan vui vẻ, trong lòng nở một nụ cười tươi tắn vì ta đã ý thức rằng một ngày mới được bắt đầu với 24 giờ sống trong tỉnh giác. Trước khi ngồi dậy sau giấc ngủ an lành, chúng ta có thể vẫn nằm yên trên giường, buông thẳng hai tay và hai chân một cách thoải mái để an hưởng một ngày mới tươi đẹp với hơi thở nhẹ nhàng. Thở vào ta cảm nhận giây phút bình yên trong lòng, thở ra ta bắt đầu cùng mọi người vui sống và làm việc.

Sau đó, chúng ta đi tiểu, đi đại để đưa hết cấu uế trong người ra và chỉ giữ lại những gì có lợi ích để nuôi dưỡng thân tâm được khỏe khoắn và trong sạch. Điều tối kỵ nhất là nín đi tiểu hoặc đi đại tiện quá lâu, sau này sẽ bị bệnh suy thận, bị trĩ, bị nóng gan. Khi đi tiểu, đi đại ta biết ta đang đưa ra những thứ cặn bã độc hại được tích tụ trong cơ thể, ngay khi đó ta cảm nhận được sự thoải mái, nhẹ nhàng.

Khi chúng ta rửa mặt, súc miệng, tắm rửa, chải đầu, thay quần áo, chúng ta cảm nhận sự tươi mát qua xúc chạm những gì trong hiện tại bằng sự nhận biết. Chỉ khoảng thời gian ngắn trong vòng nửa tiếng đồng hồ, ta khéo an trú trong từng hành động có ý thức bằng sự tỉnh giác thì sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và tự tại.

Cái thấy nghe hay biết đó là biết rõ mọi cử chỉ, hành động đem lại cho ta sự bình yên, hạnh phúc nhờ ta lúc nào cũng sống trong chánh niệm tỉnh giác. Sự tỉnh giác đó giúp ta làm chủ được những ý nghĩ, lời nói, hành động đang diễn ra ngay tại đây và bây giờ.

Tỉnh giác là như thế, khi thấy chỉ là thấy, khi nghe chỉ là nghe, ta thấy nghe hay biết trong sự định tĩnh sáng suốt, thường biết rõ ràng. Khi ta chánh niệm tỉnh giác là ta đã có mặt trong từng giây phút của sự sống, nhờ vậy mỗi giây phút của sự sống là sự bình yên, hạnh phúc. Cái hạnh phúc này là một tặng phẩm quý giá cho sự sống của chúng ta.

Đây là một việc làm rất đỗi bình thường, khi chúng ta biết tỉnh giác trong từng phút giây, chúng ta sẽ nhận diệnan trú những gì đang có trong hiện tại. Ta biết như vậy là ta đang hành thiền trong đi đứng nằm ngồi, đâu phải tìm cầu đâu xa. Tắm dưới vòi nước tươi mát, ta gội đầu, kỳ cọ, cảm nhận được dòng nước tươi mát trong sạch trong trạng thái an lạc, thoải mái, nhẹ nhàng.

Khi làm việc gì ta biết việc đó, đừng để mọi suy tư nghĩ tưởng kéo ta về quá khứ hay mơ ước, mong mỏi đến tương lai làm cho ta dính mắc vào những lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, sầu khổ và giận hờn.

Rồi chúng ta đến trước bàn thờ Phật hay một thư phòng, đốt nén tâm hương hướng về mười phương Tam bảo, nguyện cầu Phật pháp luôn được trường tồnthế gian này, ai cũng đều được thấm nhuần Phật pháp để mọi người hết khổ, được vui.

Tùy theo khả năng và thời gian chúng ta có thể ngồi thiền 10 phút, 20 phút, 30 phút cho đến 1 giờ hoặc 2 giờ. Trong lúc ngồi thiền ai niệm Phật-Bồ tát thì cứ niệm Phật-Bồ tát. Ai quán sát hơi thở thì cứ quán sát hơi thở, thở vào ta chuyển hóa phiền não tham-sân-si, thở ra ta cảm nhận được bình yên, hạnh phúc trong giờ phút hiện tại.

Ai có chiều sâu trong tu tập thì tỉnh giác trong từng phút giây bằng cách nhận diện từng vọng niệm mà không cần phải xua đuổi hay bám víu vào nó, ngay khi đó thì tâm Phật hiện tiền mà vẫn thường biết rõ ràng trong định tĩnh và sáng suốt.

Kế đến, chúng ta thực tập thiền lạy Phật-Bồ tát. Hai tay chấp ngay trước ngực rồi từ từ đưa lên trước mặt, ngang trán, hai chân đứng với tư thế hình chữ Bát. Hai tay từ từ đưa xuống cùng năm vóc toàn thân, úp hai bàn tay xuống khi cách mặt đất khoảng 40 cm, đầu cúi theo úp xuống sát đất khoảng giữa hai bàn tay, hai đầu gối chấm sát đất.

Rồi hai tay bật lên theo sự đàn hồi của nó giống như một chiếc lò xo, trở lại tư thế ban đầuchấp tay trước ngực. Và cứ như thế ta thoải mái, nhẹ nhàng lạy theo trình tự lúc ban đầu một cách đều đặn. Trong lúc lạy như vậy ai tu pháp niệm Phật-Bồ tát thì cứ niệm Phật-Bồ tát. Ai tu pháp hơi thở thì cứ quán sát hơi thở và ai có chiều sâu trong tu tập thì tự biết tỉnh giác nhận diện từng vọng niệm đưa chúng trở về bản tâm chân thật.

Phương pháp lạy Phật-Bồ tát này giúp cho ta tiết kiệm được năng lượng, sức khỏe, khỏi phải mất thời gian tập thể dục trong buổi sáng vì trong lúc lễ lạy ta đang thực tập phương pháp thể dục thẩm mỹ toàn diện. Cách lễ lạy này không làm cho ta mệt nhọc mà càng lạy ta càng thêm sức dẻo dai, tinh thần minh mẫn sáng suốt.

Khi lễ lạy như vậy ta chỉ một lòng hướng tâm vào thể tánh sáng suốt, dùng sự định tĩnh giống như chiếc lò xo đàn hồi bật lên, bật xuống đều đặn, nhẹ nhàng giúp cho máu huyết lưu thông toàn thân. Ta sẽ cảm nhận sự khỏe khoắn, sảng khoái, an nhiên trong khi đang lễ lạy.

Nếu có dư thời gian ta sẽ thực tập thiền đi, hành giả nào niệm Phật-Bồ tát thì chấp hai tay trước ngực vừa đi vừa niệm Phật-Bồ tát. Quý vị nên nhớ ta chỉ cần chú tâm vào câu niệm Phật-Bồ tát mà thôi, việc đi nhanh hay chậm không quan trọng. Chúng ta chỉ cần nhớ miệng niệm, tai lắng nghe từng tiếng niệm Phật-Bồ tát rõ ràng, chỉ chú tâm vào câu niệm Phật-Bồ tát và miệng niệm, tai lắng nghe.

Sau khi thực tập bước một đã hoàn chỉnh, đạt đến nhất niệm tương ưng trong lúc đi đứng nằm ngồi, kế đến chúng ta chuyển sang bước hai là miệng niệm tâm lắng nghe, và cuối cùngtâm niệm tâm lắng nghe mà vẫn thường biết rõ ràng, nương nơi mắt thấy chỉ là thấy, nương nơi tai nghe chỉ là nghe, mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.

Hành giả quán sát hơi thởtu pháp tỉnh giác thì không cần chấp hai tay trước ngực, chỉ vừa đi vừa quán sát hơi thở, thở vào ta xua tan bao phiền muộn khổ đau, thở ra ta an trú trong giờ phút hiện tại. Hành giả đã có chiều sâu thì nhìn vọng niệm giống như gió thoảng mây bay vì lúc nào cũng sống trong tỉnh giác, thường biết rõ ràng.

Chúng ta tập ngồi, tập lạy, tập đứng, tập đi, tập hoạt động trong vài ba ngày sẽ thấy tiến bộ liền tức khắc. Đây là một sự thật nhiệm mầu mà ai cũng có thể làm được. Chúng ta hãy tập sống sâu sắc và thảnh thơi như vậy trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày trong khi ăn uống, đi tiểu, đi đại và làm việc thì chỗ nào chẳng phải là thiền.

Chúng ta muốn được an nhiên, thảnh thơi như vậy thì tâm ý không được tiếc nuối quá khứ, không mơ ước viễn vông đến tương lai để chuyển hóa mọi phiền não, khổ đau mà an trú trong giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại chính là giây phút giúp cho ta bình yên, hạnh phúc ngay nơi cuộc sống này.

Nói tóm lại, trong nhà chúng tabàn thờ Phật thì chúng ta có thể ngồi thiền trước bàn thờ Phật, nếu khôngbàn thờ Phật để lạy thì ta chọn chỗ nào trống tùy theo không gian của gia đình.

Việc làm thức ăn và ăn sáng cũng là một loại thiền tập quan trọng không thể thiếu trong đời sống vì những việc này ta phải tự giải quyết. Khi chúng ta nấu nước sôi, pha trà, pha cà phê, nấu cháo, nấu hủ tiếu, chiên cơm nguội…, chúng ta làm việc nào biết việc đó theo thứ tự. Chánh niệm tỉnh giác trong làm việc sẽ giúp cho ta biết cách chuyển hóa, soi sáng lại chính mình với những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.

Tỉnh giác là cốt tủy của thiền tập làm cho trái tim ta hiểu biếtthương yêu hơn. Khi nấu nước sôi pha trà, chúng ta chỉ biết mình đang pha trà, không nhớ nghĩ quá khứ, không mơ tưởng tương lai, tâm ý thức việc ta đang pha trà là ta đang sống trong tỉnh giác. Nhờ tỉnh giác trong từng phút giây giúp ta sống hiểu biết hơn, yêu thương hơn và vui sống bình an, hạnh phúc với tất cả mọi người. Ai cũng có năng lực tỉnh giác, chỉ cần chúng ta kiên trì thực tập trong đều đặn thì kết quả sẽ đạt được ngoài sức tưởng tượng.

Thời gian làm thức ăn và ăn sáng có thể sẽ làm cho mọi thành viên trong gia đình đều vui vẻ vì đó là kết quả của thiền tập. Chúng ta sẽ có thể sắp xếp buổi ăn sáng cho gia đình trong vui vẻthuận thảo. Khi ăn sáng chúng ta đừng đọc báo, đừng nghe tin tức, đừng xem ti vi. Chúng ta cùng mọi thành viên ngồi thẳng lên, nhìn thức ăn trên bàn, mỉm cười và cùng mời nhau thưởng thức hương vị đậm chất ngọt ngào của buổi sáng.

Trước khi ăn chúng ta cần trao đổi, dặn dò điều cần làm trong ngày trước thì chúng ta sẽ ăn trong tỉnh giác. Khi ăn ta chỉ biết mình đang ăn, mặn lạt, chua cay, ngon dở ta đều biết hết. Ăn xong ta rửa bát, dọn bàn và sẽ cảm nhận được một ngày mới tươi đẹp bên mái ấm gia đình.

Sau khi ăn sáng xong, mọi người tiếp tục với nhiệm vụ của mình. Ta chỉ cần nhận diện mặt mũi xưa nay của chính mình, khi làm việc gì ta chỉ biết việc đó, cứ như thế ta suy nghĩ, nói năng, hành động trong tỉnh giác. Như vậy, mỗi ngày chúng ta có mặt là một ngày chúng ta có thiền, có tỉnh, có giác, có biết mà vẫn an nhiên, tự tại. Cuộc sống như thế có gì làm cho ta phiền muộn, khổ đau.

Chúng ta đã biết rõ như vậy nhưng vẫn còn tập khí, tức là thói quen. Đây là những thói quen xấu được lặp đi, lặp lại nhiều lần nên nó sai sử ta chạy theo những vọng niệm nhớ nghĩ, tiếc nuối về quá khứ hay mơ tưởng viễn vông đến tương lai mà đánh mất chính mình trong hiện tại.

Chính ta mải dính mắc vào quá khứ hay lo lắng cho tương lai nên ta không đủ khả năng để nhận diện những sai lầm đã qua mà có thể sống an lạc, trong hiện tại. Chúng ta luôn nhớ về quá khứ mà tiếc nuối trong đau buồn rồi lại suy đoán, dự kiến, chuẩn bị, mơ ước về những hoài bão trong tương lai để đạt được hạnh phúc.

Khi mới bắt đầu thiền tập và đang đi vào thiền tập, chúng ta sẽ bị những thói quen lo lắng, sợ hãi về tương lai. Chính những lo lắng, bồn chồn ấy đã làm cho ta không an trú vững chải được trong hiện tại. Tuy nhiên, ta phải kiên trì và bền bỉ để đến một lúc nào đó làm chủ được những thói quen ấy mà không bị nó lôi đi như trước kia nữa.

Có rất nhiều người luôn bị quá khứ ám ảnh với sự tiếc thương, hờn oán, hối hận và khổ đau. Chính khi ấy họ không thể sống bình yên trong giây phút hiện tại. Nếu trong quá khứ chúng ta từng bị bạc đãi, từng bị khổ đau vì chuyện tình ái, ta phải biết cách thực tập thiền để quá khứ kia tự động chìm lắng.

Chúng ta biết cách thiền tập trong đi đứng nằm ngồi, trong lúc ăn uống, làm việc hoặc nghỉ ngơi là ta luôn luôn trở về với thực tại nhiệm mầu. Khi chúng ta không tiếc nuối hay nhớ nghĩ về quá khứ, không bị tương lai làm xáo động tâm tư là ta đang được tự doan lạc trong giờ phút hiện tại.

Tóm lại, từ khi mở mắt thức dậy rồi đi tiểu, đi đại, chải răng, tắm gội, mặc quần áo, ăn uống, đi bộ, làm việc, lái xe…, chúng ta hãy để hết tâm ý vào việc chúng ta đang làm như là một thực tại trong cuộc sống. Ta chỉ tìm an lạchạnh phúc ngay trong những phút giây ấy chớ không phải mong mỏi, tìm cầu đâu xa. Đó là một thực tế ít ai ngờ đến.

Nhiều người cứ nghĩ rằng tu là phải vô chùa, ở hang sâu rừng thẳm, không ngờ tu chỉ là đơn giản như vậy. Sự đơn giản ấy là một phép nhiệm mầu và chính ta làm nên phép nhiệm mầu ấy, không ai có thể ban phước giáng họa cho ta.
Tạo bài viết
07/10/2013(Xem: 8691)
09/11/2010(Xem: 78076)
09/11/2010(Xem: 62916)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: