Từ Bi Là Một Phương Thuốc Chữa Trị Vô Song

13/05/201412:00 SA(Xem: 15053)
Từ Bi Là Một Phương Thuốc Chữa Trị Vô Song

TỪ BI
LÀ MỘT PHƯƠNG THUỐC CHỮA TRỊ VÔ SONG

Sofia Stril-Rever
Hoang Phong chuyển ngữ

Lời giới thiệu của người dịch:

 Bài viết dưới đây được dịch từ một bản tiếng Pháp mang tựa là Compassion, medecin insurpassable (Lòng Từ Bi, một vị lương y vô song) của một học giả Phật Giáo rất uyên bác là bà Sofia Stril-Rever. Bài viết này được đăng trên tập san Dharma số 46 (tháng 10, 2003) với chủ đề Compassion et Médecine (Từ Bi và Y Khoa), độc giả cũng có thể tra cứu bài viết này trên mạng internet tại : http://www.buddhaline.net/La-compassion-une-energie-de

 Bài chuyển ngữ này là một trong loạt những bài với chủ đề "Quan điểm của Phật Giáo đối với sự đau đớn và bệnh tật". Các bài khác đã được phổ biến là:

- Đức Phật thuyết giảng về sự đau đớn (Kinh Sallatha Sutta)
- Đức Phật từng cảm nhận các giác cảm đau đớn (Kinh Sakalika Sutta)
- Giáo huấn của Đức Phật về sự đau đớn và khổ đau (Rich Heller)
- Thái độ của người Phật Giáo về sự đau đớn (Ajahn Brahmavamso Mahathera)
- Cái chết là một thứ bệnh ung thư (Ajahn Liem)
- Y khoa cũng chỉ là cách luyện đan (Khyentsé Rinpoché)
- Không nên trì hoãn sang ngày hôm sau (Eihei Dogen)

 Các bài trên đây cũng đã giúp chúng ta tìm hiểu phần nào quan điểm của Phật Giáo về chủ đề đau đớn và bệnh tật trong kinh sách cũng như của những vị tu hành thuộc các tông pháihọc phái khác nhau, xuyên qua thời gian và từ các phương trời khác nhau. Bài chuyển ngữ này sẽ giúp chúng ta nhìn vào chủ đề trên đây qua lời văn bóng bẩy của một nữ học giả Phật Giáo là bà Sofia Stril-Rever. Bà là cháu của một nữ tu sĩ Thiên Chúa Giáo rất nổi tiếng là bà Emmanuelle[i], tốt nghiệp cử nhân văn chương tại đại học Sorbonne Paris. Bà Sofia-Rever cũng tốt nghiệp tại đại học này về văn minh Ấn độ, và là một chuyên gia về Phạn ngữTây Tạng Học. Bà cũng là một văn sĩ và cũng đã từng viết chung với bà Sơ Emmanuella một số bài viết. Thế nhưng bà lại tu tập theo Kim Cương Thừa với các nhà sư Tây Tạng rất lỗi lạc ở miền bắc Ấn và đã được thụ giới kinh Thời Luân (Kalachakra). Năm 1992 bà đã may mắn được gặp Đức Đạt-lai Lạt-ma và trở thành đệ tử của Ngài, và sau đó cũng đã viết chung với Ngài nhiều sách.

sofia_stril-rever

Sofia Stril-Rever

(ảnh chụp trong một buổi phỏng vấn trên đài truyền hình Pháp)

 

TỪ BI
LÀ MỘT PHƯƠNG THUỐC CHỮA TRỊ VÔ SONG

Sofia Stril-Rever

 Hầu hết chúng ta nào có khác gì với thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha) trước khi bước vào Con Đường đưa đến Giác Ngộ. Chúng ta sống trong một khoảnh khắc thật ngắn ngủi, ngắn hơn cả một giấc mơ trong một lâu đài ảo giác.

 Ngày xưa các bức tường của cái lâu đài ảo giác ấy cũng đã từng được thân phụ của một vị thái tử tên là Tất-đạt-đa, dựng lên ở miền bắc Ấn, thế nhưng các bức tường ấy nào có giúp cho vị thái tử ấy tránh khỏi khổ đau đâu. Ngày nay giữa thế kỷ XXI này, các bức tường ấy vẫn cứ tiếp tục được dựng lên, đấy là những bức tường phi-vật-chất của sự trau chuốt cái tôi. Sự say mê trau chuốt ấy đã được đẩy mạnh đến độ trở thành cả một nỗi ám ảnh về một thân xác trẻ trung mãi mãi, một thứ thân xác được bơm bằng silicon, căng tròn và nhẵn thín, nuôi dưỡng bằng những thức ăn nhanh vội vã.

 Nấp mình phía sau sự ám ảnh về vẻ xinh đẹp và sức khoẻ dẻo dai của thân xác trẻ trung ấy, nào chúng ta có trông thấy được cái bản chất mong manh của những bức từng thành dựng lên từ sự bám víu vào cái tôi của chính mình. Sự mong manh ấy chỉ hiện ra với chúng ta khi các bức tường bắt đầu sụp đổ. Thường thì đấy là lúc mà người khác báo cho biết là mình - hay một người thân của mình - đang vướng phải một căn bệnh ngặt nghèo.

 Trong trường hợp ấy chúng ta cũng sẽ giống như thái tử Tất-đạt-đa khi bước ra khỏi tòa lâu đài của ảo giác, để trông thấy tận mắt bệnh tật, già nua và cái chết. Chúng ta nào có được chuẩn bị trước đâu, chúng ta chỉ nhận thấy được hiện thực của khổ đau khi mà chính mình phải gánh chịu sự hành hạ của ốm đau.

 Dù là các vị bác sĩ đã từng trông thấy khổ đau suốt những năm tháng dài khi còn đang học cho đến lúc hành nghề, thế nhưng không phải vì thế mà họ chấp nhận sự khổ đau dễ dàng. Chẳng qua vì sức mạnh của cơ chế đề kháng (bản năng chống lại sự biến cải)thái độ ẩn nấp phía sau cái vỏ bằng thép của mình đã khiến họ cứ dửng dưng tiếp tục sống bên cạnh khổ đau. Họ ngoảnh mặt đi trước những cảnh tượng ấy đến độ tạo ra cho mình một thái độ thật cứng nhắc trong việc chữa trị, không còn ý thức được là mình chỉ gây thêm khổ đau cho kẻ khác (trong nguyên bản là acharnement thérapeutique/fiercely therapeutic). Trong khi đó cũng có một con đường khác giúp đối đầu với hiện thực của khổ đau, đấy là cách giúp mình dần dần biết đón nhận nó, chấp nhận nó để biến cải nó. 

 Nếu bước theo con đường này thì rồi thế nào chúng ta cũng sẽ gặp được những vị thầy giúp đỡ mình. Họ sẽ bảo cho mình biết rằng ốm đau thật ra là một món quà mà sự sống đã ban tặng cho mình. Nhà sư Lama Zopa Rinpoché[ii] còn đi xa hơn thế nữa khi cho rằng bị đau ốm cũng tương tự như được tham dự một khóa ẩn cư. Trong lúc ẩn cư ấy các bức tường thành bao bọc sự ích kỷ sẽ sụp đổ, giúp mình hòa nhập cái khổ đau trong nội tâm mình với những khổ đau đang xảy ra trong bối cảnh chung quanh. Chúng ta nào có khổ đau một mình đâu, chúng ta cùng khổ đau với tất cả chúng sinh. Đấy mới đúng thật là thể dạng hiện thực của khổ đau, và chính thể dạng đó sẽ đưa chúng ta bước vào con tim rộng mở của cả thế giới này.

 Trong những lúc khó khăn xảy đến với mình, đòi hỏi mình phải có khả năng hiểu biếtthương yêu, và nếu trong những lúc đó may mắn có một vị thầy giảng dạy cho mình phép luyện tập Tong-len (một phép thiền định của Phật Giáo Tây Tạng gọi là sự "trao đổi", tức là sự tự nguyện nhận chịu mọi sự đau khổ của kẻ khác và trao lại cho họ tất cả hạnh phúc của chính mình) giúp mình biến từng hơi thở trở thành những lời ước nguyện mang lại tình thương cho tất cả chúng sinh, thì đấy quả không có gì tốt đẹp cho bằng. Qua từng hơi thở vào, chúng ta xin nhận chịu tất cả khổ đau của kẻ khác, và để đổi lại chúng ta gởi theo với từng hơi thở ra tất cả hạnh phúc của mình cho họ. 

 Cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo cũng chỉ là cách dạy cho chúng ta biết đối đầu với khổ đau, bệnh tật và cái chết. Phép thiền định do Phật Giáo đưa ra sẽ giúp biến cải khổ đau của chính mình và chia sẻ khổ đau với kẻ khác. Với tư cách một người Phật Giáo, chúng ta phải có trách nhiệm trợ giúp những người đứng ra chữa trị và cả những kẻ ốm đau. Ngay trong giây phút này, trong các bệnh viện (và kể cả dưới những túp lều của những người nghèo khổ không tiền chữa chạy), hiện đang có không biết bao nhiêu người bệnh bị bỏ quên, cô đơntuyệt vọng trước sự hành hạ của ốm đau và cái chết gần kề. Thế nhưng thật ra điều khiến chúng ta không sao chịu đựng nỗi là không có cách nào giúp mình giải thích cho họ về [nguyên nhân] những khổ đau của chính họ.

 Không một khả năng chủ động, cũng không ai an ủi, những kẻ đã hết phương cứu chữa đến một lúc nào đó chỉ còn biết cầu xin những người chữa trị cho mình hãy giúp mình được ra đi nhanh hơn. Danh sách những người muốn được chết sớm ngày càng dài thêm trong các bệnh viện trên thế giới được phép gây chết không đau (euthanasia). 

 Đấy là dịp mà những người thầy Phật Giáo phải biết khơi động tiềm năng vô biên của lòng từ bi nơi những người này hầu giúp họ đương đầu với những giây phút cuối cùng trước khi nhắm mắt. Lòng từ bi không những có thể đôi khi làm tan biến được sự đau đớn trên thân xác, mà còn là một sức mạnh vô song có thể chữa lành được căn bệnh ích kỷ trầm kha hầu mang lại cho mình một sức khoẻ tối thượng và một tâm trí an bình

Bures-Sur-Yvette, 13.05.14

Hoang Phong chuyển ngữ


[i] Sơ Emmanuelle (1908-2008), tên thật là Madeleine Cinquin, cha người Pháp, mẹ người Bỉ. riêng bà thì giữ cả hai quốc tịch. Bà được mệnh danh là "Bà Sơ của những người áo rách". Bà xả thân giúp đỡ người nghèo ở Ai Cập và được cựu Tổng Thống Moubarak trao tặng quốc tịch danh dự Ai Cập năm 1991. 

[ii] Lama Zopa Rinpoché thường được gọi bằng một tên quen thuộc hơn là Thubten Zopa, là một nhà sư rất uyên bác, sinh năm 1946 tại Nepal. Ông quay về Tây Tạng năm 1957 khi xứ này bị Trung Quốc chiếm đóng từ những năm 1950. Năm 1959 người Tây Tạng nổi dậy và bị quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu, riêng tại thủ đô Lhassa số người bị giết lên đến 15.000 người, và trên toàn quốc là 87.000 người vào năm 1960, vì thế ông lại phải trốn về Nepal. Ông giảng dạy và thành lập nhiều tu viện tại quốc gia này và nhiều nơi khác trên thế giới. Sách của ông rất được ưa chuộng tại các nước Tây Phương.

 1 emmanuelle 2lama_zopa_rinpoche_3

1- Sơ Emmanuelle 2- Lama Zopa Rinpoché

 

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
05/01/2011(Xem: 69128)
03/10/2019(Xem: 12006)
14/03/2015(Xem: 14040)
25/11/2011(Xem: 73470)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.