7. Giáo Huấn Của Đức Phật Về Sự Đau Đớn Và Khổ Đau

21/06/20149:21 SA(Xem: 12024)
7. Giáo Huấn Của Đức Phật Về Sự Đau Đớn Và Khổ Đau
QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO
VỀ SỰ ĐAU ĐỚN VÀ BỆNH TẬT
Nhiều tác gỉa
Hoang Phong chuyển ngữ
Nhà xuất bản Hồng Đức 2014

7
GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT

VỀ SỰ ĐAU ĐỚN VÀ KHỔ ĐAU
Rick Heller

Lời giới thiệu của người dịch:

Trong những bài trước đây về chủ đề "Quan điểm Phật Giáo đối với sự khổ đau và bệnh tật" chúng ta đã có dịp tìm hiểu một vài khía cạnh về vấn đề này trong kinh sách và theo quan điểm của một số nhà tu hành thuộc các tông pháihọc phái khác nhau.

Bài chuyển ngữ dưới đây sẽ tiếp tục đưa chúng ta bước vào một thế giới khác của vấn đề này liên quan đến các hiểu biết khoa học tân tiến ngày nay. Bài viết mang tựa là Buddhism's Pain Relief do một học giả Phật Giáo là Rick Heller viết và đã được phổ biến vào năm 2010 (có thể xem bản gốc tiếng Anh trên mạng internet : http://palousemindfulness.com/docs/buddhism-pain.pdf). Bài này cũng đã được một số trang web về Phật Giáo và về Tâm Lý Học đăng lại, và đặc biệt nhất là đã được hội thiền Daisin (Đại Tâm) ở Pháp rút ngắn và chuyển sang tiếng Pháp trên trang web của hội(http://www.larbredeleveil.org/daishin/bulletin/spip.php?article419) năm 2012, với tựa đề là Douleurs, Souffrance et Enseignements du Bouddha (Giáo huấn của Đức Phật về sự đau đớn và khổ đau). Trong bài rút ngắn này, các đoạn mang nặng tính cách chuyên môn và kỹ thuật đã bị cắt bớt, phải chăng là nhằm để thích ứng với một số đông người đọc? Dầu sao thì bài rút ngắn bằng tiếng Pháp này đã đánh mất đi đôi chút mạch lạc và tinh thần khoa học của bài viết. Do đó bài chuyển ngữ sang tiếng Việt dưới đây được dựa vào toàn bộ bản gốc tiếng Anh của Rich Heller.

Tác giả Rick Heller tốt nghiệp về ngành báo chí tại đại học Boston, sau đó ông học thêm và tốt nghiệp về các ngành Tâm Lý Học và Thần Kinh Học tại các đại học Harvard và MIT. Ông viết cho nhiều báo chí và các trang web Phật Giáo cũng như Tâm Lý Học và Thần Kinh Học ở Mỹ, và là chủ bút của tập san The New Humanism (Nền Nhân Bản Mới) của đại học Harvard. Đồng thời ông cũng là thành viên và sáng lập viên của nhiều hội thiền, nhất là tại một vài đại học danh tiếng ở Mỹ, và điều này phải chăng chứng tỏ ông cũng là một người hành thiền chuyên cần. Ông cũng có một trang web riêng mang tên là Seeing the roses (Nhìn những cánh hoa hồng) (www.seeingtheroses.org).

Sau phần chuyển ngữ thì người dịch cũng xin mạn phép đưa ra một vài ghi chú nhỏ liên quan đến vài khía cạnh trong bài viết này. Tác giả Rick Heller đã trích dẫn khá nhiều các công trình khảo cứu của hơn mười học giả, chuyên gia và khoa học gia khác, do đó người dịch cũng xin mạn phép trình bày trong phần phụ lục chân dung và vài hàng tiểu sử của các vị này nhằm giúp người đọc cảm nhận được chút ít về tầm ảnh hưởng của Phật Giáo trong nền văn hóa duy lý của thế giới Tây Phương ngày nay.

Bài viết của Rick Heller (1)

Nhiều tôn giáo xem trọng phép nội quan (introspection/phép quan sát nội tâm của chính mình) thế nhưng các khoa học gia thì không tin điều này cho lắm . Đối với những gì mang tính cách chủ quan và không mang ra cân đo được thì quý vị có tin là thật hay không? Dầu sao đi nữa thì sự quán thấy sâu xa của Đức Phật cũng đã phát xuất từ sức mạnh nội quan của chính Ngài. Cho mãi đến gần đây, sự quán thấy ấy vẫn còn thuộc vào một lãnh vực vượt ra ngoài khả năng kiểm chứng của khoa học. Thế nhưng ngày nay các tiến bộ kỹ thuật giúp ghi nhận sự vận hành của não bộ bằng hình ảnh MRI (Magnetic Resonance Imaging/IRM/Imagerie par Résonance Magnétique/ Kỹ thuật Y Khoa ghi nhận bằng hình ảnh các cơ quan trong cơ thể cũng như sự vận hành của não bộ dựa vào nguyên tắc cộng hưởng từ tính) có thể giúp kiểm chứng được các tác động của phép nội quan trên phương diện khoa học, và đồng thời cũng giúp thẩm định các kết quả mang lại từ phép nội quan, song song với các phương pháp trắc nghiệm mang tính cách khách quan hơn.

Bốn Sự Thật Cao Quý là một trong số các lời giáo huấn đầu tiên do Đức Phật đưa ra sau khi đạt được Giác Ngộ và ba Sự Thật đầu tiên trong số bốn Sự Thật này là: tính cách cùng khắp của khổ đau, nguồn gốc phát sinh của nó và sự chấm dứt của nó. Tất cả Ba Sự Thật này ngày nay đã được chứng minh là đúng thật một cách dứt khoát bởi các kết quả khảo cứu do khoa Thần Kinh Học mang lại. Điều đáng lưu ý hơn hết là quan điểm do Đức Phật nêu lên về tính cách kết hợp giữa khổ đau [trong tâm thần] và các giác cảm đau đớn trên thân xác chẳng những vô cùng chính xác mà còn có thể xem như tiến bộ hơn nhiều so với các quan điểm của thế giới Tây Phương về vấn đề này - nhất là đối với các chủ thuyết khoa học đã được đưa ra vào thập niên 1960 (nay đã lỗi thời).

Trong vòng năm mươi năm gần đây, nhất là trong thập niên sau cùng, các khoa học gia nghiên cứu về não bộ đã dồn mọi nỗ lực trong việc tìm hiểu nguyên nhân của khổ đau là gì, và cũng thật hết sức bất ngờ là những gì mà họ khám phá ra hoàn toàn đúng với khái niệm về hai mũi tên mà Đức Phật đã nêu lên nhằm chuyển tải một phương pháp vô cùng khéo léo giúp chúng ta đối đầu với sự đau đớn trên thân xác. Đức Phật giảng rằng sự đau đớn trên thân xác cũng tương tự như bị một mũi tên đâm vào người. Chẳng hạn như một người nào đó dù không vượt qua được các giác cảm đau đớn trên thân xác thì cũng chỉ cảm thấy một mũi tên đâm vào người thế thôi. Thế nhưng thông thường thì hầu hết mọi người trong chúng ta lại ghép thêm vào sự đau đớn ấy những thứ khổ đau khác thuộc vào lãnh vực xúc cảm. Những nỗi kinh hoàng do sự đau đớn trên thân xác gây ra có thể xem như là bị một mũi tên thứ hai bắn trúng.

Thông thường chúng ta cảm nhận sự đau đớn xảy ra trên thân xác như là một hiện tượng đơn thuần, thế nhưng sự đau đớn ấy thật ra là một sự kết hợp gồm nhiều thành phần khác nhau, ngoài các giác cảm về sự đau đớn ra còn có cả sự thù ghét [sự đau đớn ấy nữa] mà chúng ta gọi là khổ đau. Sự thù ghét đó không những chỉ gây ra thêm khổ đau - tức là mũi tên thứ hai - mà còn cho thấy ngày càng rõ ràng hơn là thái độ của người bị trúng tên cũng có thể tạo ra các tác động ảnh hưởng đến cả mũi tên thứ nhất, tức là đối với những giác cảm đau đớn trên thân xác.

Ronald Siegel (2) (xem phụ lục) một Phật tử trung kiên và cũng là Bác Sĩ tâm thần thuộc phân khoa trị liệu của Trường Đại Học Y Khoa Harvard (Harvard Medical School), cho biết rằng phép luyện tập tâm linh tỉnh thức (mindfulness/tỉnh giác/chánh niệm...)chẳng những có thể làm nhẹ bớt khổ đau, mà trong một số trường hợp còn có thể là giảm bớt số lượng cảm nhận cả về sự đau đớn trên thân xác nữa. Ngoài ra ông cũng là một chuyên gia chữa trị các chứng đau lưng mãn tính, và theo ông thì hầu hết các chứng đau đớn kinh niên này là do các cơ bắp ở lưng bị căng thẳng và không nhất thiết là do tình trạng bất quân bình của cơ thể gây ra. Đau lưng cũng như nhiều triệu chứng đau đớn khác thường là do các sự rối loạn [tâm thần] gây ra, đấy là hậu quả mang lại bởi sự níu kéo của một sợi dây thòng lọng tạo ra bởi các tư duy tiêu cực và sự sợ hãi, và đã khiến cho các cơ bắp bị co thắt.

Ronald Siegel cho biết: "Mỗi khi cảm nhận được một cảm giác đau đớn trên thân thểchúng ta nghĩ rằng nguyên nhân là do một sự chấn thương gây ra, thì tức khắc chúng ta sẽ hướng tất cả sự chú tâm của mình vào đúng chỗ ấy. Sự kiện dồn mọi sự lo lắng vào chỗ đau chỉ khiến cho các giác cảm đau đớn càng gia tăng thêm mà thôi. Sự sợ hãi chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng bất an kéo dài".

Ronald Siegel cho rằng đối với các trường hợp này thì chỉ cần thay đổi thái độ (tức không dồn sự chú tâm vào sự đau đớn) thì cũng đủ khiến cho khổ đau và cả các giác cảm đau đớn do cơ bắp co thắt phải giảm xuống. Ông cho biết thêm: "Nếu nhìn thẳng vào các giác cảm tạo ra sự sợ hãi cho mình và thành thật nói lên là mình "đồng ý" với chúng, thì toàn bộ các phản ứng thù ghét (oán giận, sợ hãi) tất sẽ giảm xuống ngay".

Ronald Siegel khuyên những người thường hay cảm thấy đau đớn nhưng không biết nguyên nhân là gì, trước hết nên đi khám bác sĩ xem sự đau đớn ấy có phải là triệu chứng của một căn bệnh ngặt nghèo nào đó hay không. Nếu bác sĩ không tìm thấy gì bất bình thường cần phải chữa trị, và các cơn đau nhức cũng như các giác cảm khó chịu vẫn cứ tiếp tục hành hạ mình, thì phương pháp chữa trị bằng phép luyện tập tâm linh tỉnh thức (tỉnh giác/chánh niệm, nói chung là các phép hành thiền) sẽ mang lại hiệu quả.

Dầu sao đi nữa thì đấy cũng không phải là một phương pháp vạn năng. Thật cũng khá trớ trêu, trước đây chính Ronald Siegel - lúc đó cũng đã là một người tu tập Phật Giáo trung kiên - lại bị đau lưng gần như liệt giường trong suốt nhiều tháng liền. Theo những gì trong quyển sách của ông mang tựa là "Back Sense" (Giác Cảm của Lưng) cho biết thì chính những cơn đau lưng của ông trước đây đã giúp ông khám phá ra phương pháp chữa trị chứng bệnh này và mang lại cho ông một cuộc sống bình thường. Và đấy cũng là phương pháp mà hiện nay ông đang quảng bá. Ông cho biết: "Đấy là cách cứ để mặc cho sự đau đớn xâm chiếm mình, dù là đang trong lúc hành thiền cũng thế". Ông nói thêm: "Trước đây tôi cũng đã cố gắng ngồi thiền trong lúc sự đau đớn đang hành hạ, thế nhưng trong những lúc ấy tôi cứ nghĩ rằng nếu không cố gắng ngồi yên và cứ cử động thì sẽ khiến mình bị chấn thương thêm" (câu này có nghĩa là nếu "gồng mình" ngồi cho thật yên thì đấy chỉ là cách khiến cho mình càng cảm thấy đau đớn nhiều hơn. Ngồi thiền là cách hòa mình với sự chuyển động tự nhiên trên thân xác và trong tâm thức mình, đồng thời phát động sự chú tâmbuông xả).

Phản ứng sai lầm trên đây chỉ khiến cho sự đau đớn kéo dài thêm. Ronald Siegel khẳng định như sau: "Vì thế nên sự hiểu biết đúng đắn (về phép hành thiền) thật hết sức quan trọng. Sở dĩ việc tu tập của tôi đã mang lại hiệu quả ấy là nhờ tôi đã nhận thấy được nguyên nhân thật sự là gì" (sợ hãi sự đau đớntìm cách cưỡng lại chỉ là cách làm cho sự đau đớn gia tăng thêm).

Quả cũng lạ là chúng ta có thể cảm thấy đau đớn thật dữ dội nhưng lại chẳng có bệnh tật gì cả. Trong thế giới Tây Phương, và cho mãi đến gần đây, thì sự đau đớn vẫn còn được xem như là một dấu hiệu cảnh báo có một cơ quan nào đó trong cơ thể bị chấn thương, và một cơn đau thật gay gắt là dấu hiệu cho biết là có một sự chấn thương trầm trọng hơn nữa. Mô hình này còn được gọi là thuyết đặc thù[i] (specificity theory) được xây dựng dựa vào các quan điểm triết học do triết gia người Pháp là René Decartes nêu lên. Thuyết này bắt đầu bị lung lay sau Thế Chiến Thứ II, nguyên nhân là do một số nhận xét của một vị bác sĩ gây mê trong Quân Lực Hoa Kỳ là Henry K. Beecher (3) tốt nghiệp tại Đại Học Y Khoa Harvard, nêu lên về trường hợp của một số binh sĩ bị thương rất nặng trong các trận chiến, thế nhưng thật hết sức lạ lùng là họ tỏ ra không đau đớn quá đáng vì các vết thương mà họ đang phải chịu đựng.

Người đầu đàn hiện nay trong việc nghiên cứu về sự đau đớn là Ronald Melzack (4), một khảo cứu gia về tâm lý học tại Đại Học McGill Gia Nã Đại. Năm 1960, Ronald Melzack cùng với một bác sĩ giải phẫu thần kinh là Kenneth Casey (5), nêu lên quan điểm cho rằng sự cảm nhận đau đớn gồm có hai thành phần khác nhau, một thành phần là giác cảm và một thành phần là xúc cảm (Đức Phật đã nói đến hai mũi tên từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước). Đồng thời Ronald Melzach cũng phối hợp với một đồng sự khác của mình là Patrick Wall (6) tốt nghiệp trường MIT (Massachusetts Institute of Technology Hoa Kỳ) đưa ra một học thuyết gọi là "cổng kiểm soát" (gate control theory), nhằm giải thích tại sao sự đau đớn lại được khuếch đại thêm song song với sự gia tăng của tổng lượng (mức độ) của sự chú tâm hướng vào sự đau đớn ấy (càng chú ý đến sự đau đớn thì càng cảm thấy đau đớn nhiều hơn. Trên phương diện tâm thần cũng thế, càng nghĩ đến hận thù thì chỉ là cách nuôi dưỡng nó ngày càng lớn mạnh hơn..., đến một ngày nào đó nó sẽ bùng lên và mang lại mọi thứ tai hại cho mình và cho cả người khác. So với sự chú tâm vào chỗ đau trên cơ thể thì sự chú tâm vào hận thù trong tâm thức sẽ nguy hiểm hơn nhiều).

Sở dĩ Ronald Melzack khám phá ra được sự khác biệt thật tinh tế giữa sự đau đớn dưới hình thức giác cảm và sự khổ đau [dưới hình thức xúc cảm trong tâm thần] là nhờ vào việc phân tích các thuật ngữ mà các bệnh nhân của ông sử dụng nhằm nói lên sự đau đớn của họ, chẳng hạn họ sử dụng các từ như "bắn" (shooting) hay "co rút" (cramping) để chỉ các phẩm tính của giác cảm, hoặc các từ như "trừng phạt" (punishing) hay "làm khiếp sợ" (terrifying) để chỉ các phản ứng xúc cảm. Nhằm thiết lập bảng liệt kêhệ thống hóa các từ chuyên biệt trên đây Ronald Melzack đã căn cứ vào Bảng Câu Hỏi Về Sự Đau Đớn do đại học McGill thiết kế (các câu trả lời của bệnh nhân về các câu hỏi được quy định sẵn trong "Bảng Câu Hỏi" sẽ giúp chẩn đoán tình trạng sức khoẻ tâm lý của họ)đồng thời cũng dựa vào khái niệm về sự cảm nhận mang tính cách đa phương của sự đau đớn (giác cảm đau đớn và xúc cảm khổ đau).

Các công cuộc nghiên cứu được thực hiện sau đó đã xác nhận giả thuyết của Ronald Melzack nêu lên bản chất cấu hợp (giác cảm và xúc cảm) của sự đau đớn là đúng. Các khoa học gia ngày nay không còn nói đến "trung tâm cảm nhận sự đau đớn" ("pain center") trong não bộ nữa mà gọi là "vùng tập trung sự cảm nhận đau đớn" ("pain matrix"), nhằm nói lên là có nhiều vùng khác nhau trong não bộ mang chức năng cảm nhận sự đau đớn (não bộ không phân chia thành các "trung tâm" cảm nhận độc lập mà được xác định thành từng "vùng" hay "khu vực" cùng tương tác và trao đổi tín hiệu với nhau).

Các đường dây thần kinh dẫn truyền các tín hiệu đau đớn từ xương sống lên não bộ đến một điểm tỏa nhánh [của các dây thần kinh] thật quan trọng gọi là "đồi não" (thalamus/ cấu trúc chất xám thuộc vùng trung tâm não bộ, giữ vai trò tiếp vận các tín hiệu giác cảm, điều hòa tri thức, sự tỉnh giác, giấc ngủ...). Bắt đầu từ điểm này các tín hiệu đau đớn di chuyển dọc theo một con đường đưa đến một vùng gọi là "cortex somato-sensoriel" (vùng vỏ não giữ chức năng cảm nhận về thân xác), là một vùng của não bộ cất chứa bản đồ của cơ thể (một vùng gồm các tế bào thần kinh cảm nhận và chuyển vận các tín hiệu đưa đến từ mặt ngoài của thân thể). Vùng này sẽ ghi nhận các giác cảm đau đớncho biết là sự đau đớn ấy xảy ra ở chỗ nào [trên cơ thể]. Một con đường dẫn truyền khác của vùng "đồi não" (thalamus) đưa đến một vùng vỏ não khác gọi là "cingulate cortex" (một vùng được xem là liên hệ đến sự cảm nhận mang tính cách chủ quan về sự đau đớn). Vùng này giữ vai trò cảm nhận thể dạng không thích thú mang lại bởi sự đau đớn - nói cách khác là cho biết mình đang bị chấn thương.

Thật hết sức lạ, một người bị chấn thương ở vùng "cingulate cortex" (giữ chức năng cảm nhận sự đau đớn chủ quan) thường kêu đau nhưng [cơ thể] không hề bị chấn thương. Điều này cho thấy là khi nào chú tâm thì người này mới nhận ra các giác cảm trên cơ thể liên quan đến sự đau đớn ấy (các giác cảm này chỉ mang tính cách "tưởng tượng", bởi vì vùng cingulate cortex bị chấn thương không còn giữ được chức năng bình thường của nó). Thế nhưng đối với người này thì sự đau đớn ấy không mang tính cách khẩn cấp cần phải quan tâm đến. Bà Alice Flaherty (7), một nhà thần kinh học tại Bệnh Viện Đa Khoa của tiểu bang Massachusetts (Massachusetts General Hospital) nói với tôi rằng: "Các bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật thần kinh(limbic leucotomie/phẫu thuật nhằm cắt đứt cấu trúc limbic của hệ thần kinh giữ vai trò điều hành thái độ, xúc cảm, trí nhớ, v.v..., nhằm làm giảm bớt hoặc chận đứng sự đau đớn của bệnh nhân) thường cho biết rằng: 'Tôi không còn biết sợ đau đớn nữa. Tôi vẫn cảm nhận được nó, thế nhưng nó không còn là một sự khó chịu đối với tôi nữa' ".

Chữ cingulate (trong chữ "cingulate cortex" trên đây chỉ định một vùng vỏ não có hình vòng cung) - là một từ có nguồn gốc tiếng La Tinh và có nghĩa là dây lưng (belt/ceinture) - là một vùng rất phức tạp và giữ nhiều chức năng khác nhau, tuy nhiên các hình chụp theo phương pháp cắt lát (scan method) và các công cuộc nghiên cứu của khoa giải phẫu học cho thấy một trong các chức năng của nó là tạo ra các tín hiệu báo động thần kinh. Sự đau đớn trên thân xác sẽ kích hoạt hệ thống báo động này, tuy nhiên theo các kết quả khảo cứu của bà Naomi Eisengberger (8), một chuyên gia về tâm lý học tại đại học UCLA (University of California - Los Angeles) thì kể cả các xúc cảm mang tính cách khổ đau, chẳng hạn như các sự thương tổn hay tình trạng bị hất hủi (ngược đãi) do xã hội gây ra cũng có thể kích hoạt hệ thống báo động này. Chữ "khổ đau"[ii] (suffering/souffrance) có thể là một từ thích nghi nhất để chỉ định tính cách tổng hợp của sự ghét bỏ, trong đó gồm có sự đau đớn thể xác và các xúc cảm [trong tâm thần].

Các phản ứng về sự sợ hãi và các phản ứng về sự đau đớn (tức xúc cảm và giác cảm) vận hành chồng lên nhau trong một vùng phụ thuộc (subregion) nằm bên trong vùng "cingulate cortex" trên đây. Vùng phụ thuộc này giữ vai trò thúc đẩy cơ thể "chạy trốn". Mỗi khi có báo động thì các cơ bắp sẽ căng lên nhằm chuẩn bị giúp chúng ta bỏ chạy cho nhanh. Thế nhưng Ronald Siegel cũng cảnh giác chúng ta là nếu cứ để cho các cơ bắp căng thẳng quá lâu thì sẽ tạo ra thêm các sự đau đớn khác (đau đớn và nếu gồng mình để chống lại sự đau đớn thì ngoài sự đau đớn do sự chấn thương gây ra còn phải gánh thêm sự mệt mỏi nữa). Tuy nhiên cũng có một điều đáng lạc quan là sự nhận biết các tín hiệu báo động mang tính cách tự động, và do đó có thể cứ để cho nó trôi qua (báo động nhưng không để ý đến, vẫn giữ các cơ bắp thư giãn).

Bà Naomi Eisenberger và một số các khoa học gia khác cũng đã khám phá ra rằng các vùng trước trán của não bộ - tức là các vùng liên hệ đến tư duy tỉnh thức - được nối kết với các vùng phát sinh ra xúc cảm và giữ vai trò điều hành các vùng này. Mỗi khi các giác quan nhận biết một thứ gì đó có thể là nguy hiểm thì "vùng thắt lưng" (cingulate region) sẽ tạo ra các cảm nhận khổ đau nhằm lôi kéo sự chú tâm của chúng ta. Sau đó các vùng trước trán sẽ xét đoán xem đấy có đúng là một sự đe dọa hay không.

Nếu sự cảm nhận đau đớn ấy không có gì đáng để sợ hãi (không phải là một sự nguy hiểm hay đe dọa), thì ý nghĩa của sự khổ đau sẽ tan biến hết (các vùng trước trán sẽ ngăn chận các tín hiệu báo động của vùng thắt lưng cingulate và mình sẽ không cảm thấy khổ đau nữa). Đó là căn bản vận hành trên phương diện sinh học, phản ảnh khái niệm về hai mũi tên [do Đức Phật nêu lên]. Tác động của mũi tên thứ hai là do sự đề kháng của chúng ta gây ra (dù có cảm nhận được sự đau đớn thật sự đi nữa, thế nhưng nếu chúng ta biết giữ các cơ bắp được thư giãn, hóa giải sự khổ đau "thần kinh" phát sinh tự động từ các vùng trước trán, không cho chúng kích hoạt hệ thống báo động của "vùng thắt lưng cingulate" thì chúng ta sẽ ngăn chận được sự phát sinh của toàn bộ các cảm nhận đau đớn, sợ hãi và khổ đau).

Sự khám phá trên đây đã đưa đến phương pháp "Giảm đau bằng cách phát huy Tâm linh Tỉnh thức" (Mindfulness-Based Stress Reduction/MBSR/phương pháp làm giảm đau bằng thiền định) do Jon Kabat-Zinn (9) đưa ra, và ngày nay đã được nhiều trung tâm bảo vệ sức khỏe (tác giả muốn nói đến các bệnh viện cũng như các trung tâm dạy thiền ở Mỹ) mang ra áp dụng. Nhà nghiên cứu tâm lý học J. David Creswell (10) của đại học Carnegie Mellon (CMU/Carnegie Mellon University/thuộc tiểu bang Pennsylvania Hoa Kỳ) đã mang ra kiếm chứng phương pháp giảm đau MBSR trên đây của Jon Kabat-Jinn và cho biết rằng: "Dường như có một mô hình khá phù hợp cho thấy là phép luyện tập tâm linh tỉnh thức có thể làm giảm bớt các triệu chứng đau đớn của những người bị chứng bệnh kinh niên này".

Tuy nhiên J. David Creswell cũng cho biết thêm là tâm linh tỉnh thức không thật sự làm nhẹ bớt các giác cảm đau đớn: "Theo tôi thì nếu phát động được thể dạng tâm linh tỉnh thức về sự đau đớn thì đấy chỉ là cảch giúp mình cảm nhận được nó một cách trực tiếp hơn thế thôi" (có nghĩa là cảm nhận sự đau đớn trong sự toàn vẹn của nó). Trái lại, đối với thành phần khổ đau trên phương diện xúc cảm - tức là mũi tên thứ hai do Đức Phật nêu lên - luôn đi kèm với sự đau đớn trên thân xác, thì một tâm linh tỉnh thức sẽ có thể làm cho nhẹ bớt đi. Ông còn nói thêm: "Theo tôi thì mỗi khi chúng ta phát huy được thể dạng tâm linh tỉnh thức thì sẽ xảy ra một sự tách biệt nào đó giữa giác cảm đau đớn và các phản ứng mang tính cách xúc cảm đối với chính sự đau đớn ấy".

J. David Creswell dựa vào một số bằng chứng gián tiếp mang lại từ phương pháp chụp hình não bộ do chính ông đứng ra thực hiện nhằm tìm hiểu phương cách tác động của tâm linh tỉnh thức đối với các xúc cảm gây ra bởi sự đau đớn, đã chứng minh cho thấy sự kiện trên đây (sự tách biệt giữa sự đau đớn và các xúc cảm khổ đau)hoàn toàn đúng thật. Ông ước tính cường độ của các tác động này bằng cách dựa vào một thước đo mức độ chú tâm tạo ra bởi tâm tinh tỉnh thức. Ông ước tính khả năng tập trung vào thời điểm hiện tại của một người nào đó chẳng hạn, bằng cách căn cứ vào một loạt các câu hỏi như: "Tôi có thể vừa nghe một người nào đó nói chuyện bên tai và đồng thời thì cũng cứ tiếp tục làm một công việc khác hay không?" Phương pháp ước tính căn cứ vào "thước đo" trên đây, thực hiện song song với việc chụp hình não bộ, đã được đem ra trắc nghiệm với một số người tình nguyện trong khi họ đang chơi các trò chơi điện tử nhằm tạo các xúc cảm thật căng thẳng. Kết quả cho thấy là những người có khả năng phát huy tâm linh tỉnh thức dễ dàng sẽ ít bị căng thẳng hơn. Đồng thời các hình chụp não bộ của vùng phụ thuộc nằm trong vùng cingulate cortex (vùng cảm nhận các xúc cảm chủ quan) của họ liên hệ đến các cảm nhận khổ đau cũng cho thấy một sự hoạt động thấp hơn.

Dường như chính vùng ảnh hưởng của sự chú tâm tỉnh giác trên đây đã tạo ra các tác động ảnh hưởng đến mũi tên thứ hai, tức là sự ghét bỏ (sợ hãi) sự đau đớn trên thân xác. Hiện nay J. David Creswell còn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu thêm về sự kiện này bằng cách khảo sát mức độ phản ứng của một số người đối với sự đau đớn trên thân xác, trước và sau khi họ theo học một khóa luyện tập về tâm linh tỉnh thức MBSR.

Người ta có thể nghĩ rằng nếu duy nhất chỉ có sự chú tâm đơn thuần thì thể dạng này tất sẽ phải mang tính cách thụ động (có nghĩa là sự chú tâm đơn thuần không gây ra được một tác động nào cả), thế nhưng thật ra mỗi khi phát động sự chú tâm thì não bộ cũng sẽ trở nên linh hoạt hơn. J. David Creswell cho biết: "Chẳng hạn như chỉ cần đơn giản chú tâmtìm cách trả lời một câu hỏi nào đó thì cũng đủ để kích hoạt các nguồn năng lượng giúp mình sắp xếp câu trả lời" (có nghĩa là phải suy nghĩ để mang lại sự chính xác và mạch lạc trong câu trả lời, điều này cho thấy là sự chú tâm luôn đòi hỏi một sự năng hoạt nào đó của não bộ, và tâm linh tỉnh thức không nhất thiết chỉ là một sự yên lặng thụ động).

J. David Creswell tham dự một cuộc họp tổ chức vào tháng 12 năm 2008 tại Toronto (Gia-nã-đại) quy tụ khoảng ba mươi lăm bác sĩ và các khoa học gia về thần kinh học nhằm hoạch định các đường hướng khảo cứu trong tương lai về tâm linh tỉnh thức. Trong số những người tham dự có một khảo cứu gia về khoa thần kinh học là bà Catherine Kerr (11) thuộc trường Đại Học Y Khoa Harvard. Nếu J. David Creswell xem phép luyện tập tâm linh tỉnh thức chỉ là một phương pháp nhằm chống lại các thứ khổ đau mang tính cách xúc cảm biểu trưng bởi mũi tên thứ hai, thì bà Catherine Keer lại nghĩ khác hơn và cho rằng phát huy tâm linh tỉnh thức cũng có thể tạo ra các tác động ảnh hưởng đến cả mũi tên thứ nhất, tức là làm nhẹ bớt sự gay gắt của các giác cảm đau đớn. Bà Catherine Keer thực hiện một cuộc nghiên cứu nhằm chứng minh sự kiện này bằng cách chụp hình não bộ của một số người tình nguyện khi họ chuyển sự chú tâm tỉnh thức của mình từ bộ phận này sang bộ phận khác trên cơ thể. Thật ra phương pháp chụp hình cơ thể theo lối cắt lát (scan method) trên đây cũng đã từng được thực hiện trong chương trình MBSR (luyện tập tâm linh tỉnh thức giúp làm giảm đau). Phương pháp này dựa vào sự chú tâm hướng tuần tự từ bô phận này sang bộ phận khác của cơ thể, từ đỉnh đầu cho đến các ngón chân (người tình nguyện chú tâm vào từng bộ phận trên cơ thể và đồng thời thì máy MRI/IRM chụp hình các phản ứng trong não bộ của người này).

Bà Catherine Keer cho biết thêm: "Trong khi chụp hình sự vận hành của não bộ theo từng lát cắt thì người tình nguyện tập trung trước hết vào các ngón chân, sau đó thì buông xả sự chú tâm này ra và hướng sự chú tâm khác vào mắt cá chân hay gan bàn chân, và sau đó lại buông xả, và cứ tiếp tục như thế. Điều quan trọng là phải dồn sự chú tâm thật mạnh vào một bộ phận của cơ thể và sau đó thì buông nó ra. Ngay cả đối với việc tập trung thì cũng cần phải tập, chẳng hạn như khuếch đại một bộ phận nào đó của cơ thể, hoặc thu nhỏ nó lại. Sự thu nhỏ đó cũng giữ một tác năng quan trọng tương đương với sự khuếch đại, nhất là đối với những người mang các thể loại đau đớn kinh niên (thu nhỏ hay khuếch đại phần cơ thể bị đau đớn).

Bà Catherine Keer đưa ra các bằng chứng thật chính xác cho thấy là bản đồ cơ thể con người đã bị vùng vỏ não mang chức năng cảm nhận các giác cảm trên thân xác (brain's somato-sensory cortex) làm cho biến đổi khác đi tùy theo tổng lượng (mức độ) của sự chú tâm hướng vào từng bộ phận trên cơ thể (mỗi bộ phận cơ thể có một khả năng cảm nhận giác cảm không đồng đều nhau, do đó nếu dựa vào khả năng cảm nhận của não bộ đối với từng bộ phận để vẽ ra thân thể con người, thì "bản đồ" này sẽ trở nên hoàn toàn méo mó và khác hẳn với "hình tướng" mà chúng ta đang có). Chẳng hạn như đối với những người chuyên đọc chữ nổi (braille) của người mù thì sẽ có một vùng giác cảm phát triển quan trọng hơn ở bàn tay (do đó bàn tay sẽ biểu trưng cho một vủng giác cảm rộng hơn bình thường trên bản đồ cơ thể). Cũng tương tự như thế, những người mang chứng đau lưng mãn tính sẽ có nhiều tế bào thần kinh giữ chức năng điều hành bộ phận lưng. Nhằm giúp hình dung ra sự méo mó trên đây chúng ta có thể so sánh bản đồ giác cảm của cơ thể với bản đồ cử tri [của nước Mỹ] theo từng tiểu bang. Chẳng hạn như trong bản đồ này tiểu bang New Jersey (22.608 km², dân số 8.791.000 người, mật độ 389 người/km²) sẽ to lớn hơn gấp bội so với tiểu bang Alaska (1.717.854 km² với dân số 731.000 người, mật độ 0.43 người/km²). Tóm lại là bản đồ méo mó về giác cảm của những người bị các chứng đau đớn kinh niên sẽ cho thấy là các phần trên cơ thể bị đau được khuếch đại một cách quá đáng. Nếu phát động sự chú tâm đồng đều trên tất cả các vùng trên cơ thể và sử dụng phương pháp chụp hình theo cách cắt lát thì sẽ thiết lập được một bản đồ méo mó của toàn bộ cơ thể (phát động sự chú tâm đồng đều, thế nhưng các phần trên cơ thể lại có khả năng cảm nhận giác cảm khác nhau, do đó bản đồ cảm nhận giác cảm của cơ thể cũng hoàn toàn méo mó không giống với hình tướng của của một cá thể như mình vẫn quen hình dung).



Bà Catherine Kerr cho biết: "Giả thuyết mà chúng tôi muốn nêu lên là phép thiền định nếu được thực thi đúng đắn thì sẽ có thể tạo ra một khả năng thật bén nhạy mang lại sự thanh thản trong lãnh vực giác cảm (nếu khả năng cảm nhận giác cảm của mỗi bộ phận trên cơ thể tùy thuộc vào tâm thần, thì ngược lại tâm thần cũng có thể tạo ra ảnh hưởng đối với khả năng giác cảm của các bộ phận ấy). Đấy cũng là những gì mà chúng tôi đang tìm cách để chứng minh".

Ngoài raít nhất cũng có hai trường hợp khác cho thấy sự chú tâm có thể tạo ra các tác động ảnh hưởng đến mũi tên thứ nhất, tức là sự đau đớn dưới hình thức giác cảm đơn thuần. Ronald Melzach và người đồng sự của ông là Patrick Wall cho biết là các tín hiệu đau đớn cực mạnh đều được gạn lọc trước khi được truyền lên não bộ. Có thể hình dung sự kiện này với hình ảnh những người tham dự một buổi họp bạn đang dàn hàng ngang trước cửa một hộp đêm nhằm tạo ra một hàng rào cản khả ái (trong nguyên bản là chữ nhung lụa/velvet ropes) ngăn chận các tín hiệu đau đớn đang hăm hở chực xông vào tham dự. Những người gác cổng của cột xương sống chỉ cho phép các tín hiệu ấy được vào khi nào có lệnh từ trên cao (tức là não bộ). Trong trường hợp sự đau đớn xảy ra, thì các tín hiệu từ não bộ sẽ truyền xuống cột xương sống và thông báo cho những người gác cổng biết là nên chận lại. Tarek Samad (12) một khảo cứu gia về dược phẩm học và cũng là cựu phó giáo sư về khoa gây mê của trường Đại Học Y Khoa Harvard cho biết rằng: "Con đường dẫn xuống [từ não bộ] thông thường là một con đường được quy định rõ rệt. Nó có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi [cho sự dẫn truyền] hay ngược lại là tìm cách ngăn chận [các tín hiệu đau đớn]. Đấy chính là cách mà tình trạng xúc cảm, bối cảnh hay môi trường gây ra tác động ảnh hưởng đến các giác cảm đau đớn" (câu này khá cô đọng và có nghĩa là các tín hiệu - thuận lợi hay bất thuận lợi - từ não bộ truyền xuống cột xương sống sẽ chịu ảnh hưởng của tình trạng xúc cảm trong tâm thần của một cá thể và cả bối cảnh đang xảy ra chung quanh cá thể ấy). Tóm lạitùy theo thái độ cũng như sự mong muốn của mình mà chúng ta có thể gạn lọc các sự đau đớn trước khi chúng thâm nhập vào tri thức mình. Nếu chúng ta phát động sự chú tâm hướng vào sự đau đớn thì đấy là cách mà chúng ta ra lệnh mở cửa cổng thật rộng. Hậu quảchúng ta sẽ càng cảm nhận sự đau đớn gay gắt hơn.

Trường hợp thứ hai là cách mà chúng ta có thể làm cho sự đau đớn gia tăng thêm là qua sợi dây thòng lọng mà Ronald Siegel đã nêu lên. Mỗi khi chúng ta cảm nhận sự sợ hãi thì não bộ sẽ phát ra các tín hiệu ra lệnh cho các cơ bắp phát động sự căng thẳng. Thế nhưng nếu các cơ bắp phải giữ tình trạng căng thẳng quá lâu thì tất chúng sẽ bị thương tổn, và khi sự thương tổn xảy ra thì chúng ta sẽ sợ hãi, và sự sợ hãi lại càng thúc đẩy chúng ta tiếp tục gia tăng thêm sự căng thẳng của các cơ bắp.

Mô hình Cartesian đã lỗi thời (Cartesian model/tức là chủ thuyết cơ học - mechanism theory - do triết gia René Decartes nêu lên đã được nói đến trên đây) về sự đau đớn tuy khá đơn giản thế nhưng lại thường bị hiểu sai. Cách vận hành đúng thật của hệ thống gây ra sự đau đớn không hề mang tính cách hoàn toàn bản năng (máy móc), điều này đã khiến cho chúng ta càng thêm kinh ngạc trước sự hiểu biết thâm sâu của Đức Phật (các giác cảm đau đớn và các cảm nhận khổ đau không nhất thiết là các phản ứng bản năng mà do chính chúng ta tạo ra chúng. Trong khi đó theo chủ thuyết cơ học của Decartes thì tất cả mọi hiện tượng đều xảy ra một cách tự động, máy móc và vật lý theo quy luật nguyên nhân hậu quả. Sự nhận xét này đã khiến cho tác giả Rick Heller càng thêm khâm phục trí tuệ của Đức Phật. Theo các nhận xét khoa học trên đây thì sự khổ đau không nhất thiếtbản năng mà mang tính cách "chủ quan", tức có nghĩa là có thể xóa bỏ được nó và đấy cũng chính là Sự Thật Thứ Ba trong Bốn Sự Thật Cao Quý nêu lên sự đình chỉ (nirodha) của khổ đau).

Reya Stevens là một phụ nữ gốc người Boston (thủ đô của tiểu bang Massachusetts Hoa Kỳ) tu theo Phật Giáo Theravada và chuyên giảng dạy về các phương pháp đối đầu với bệnh tật, có nói như sau: "Bám víu có nghĩa là mình muốn một thứ gì đó sẽ phải xảy ra đúng là như thế, hoặc là muốn một thứ gì đó phải giữ được sự toàn vẹn đúng là như thế - chuyện đó không thể nào có thể xảy ra được, chẳng qua là vì tất cả mọi sự đều biến đổi không ngừng".

Tìm cách gạt bỏ những gì không thích thú là chuyện hết sức tự nhiên, thế nhưng thường thì đấy cũng chỉ là một thứ boomerang(một loại vũ khí của thổ dân Úc, khi ném ra nó sẽ bay đến mục tiêu và sau đó sẽ bay ngược trở lại chỗ cũ/gậy ông đập lưng ông). Bà Reya Stevens cho biết: "Nếu chúng ta tìm cách đương đầu với một thứ gì đó, chẳng hạn như muốn loại bỏ hay lẩn tránh một thứ gì đó, thì thật ra đấy cũng chỉ là cách khiến nó càng trở thành tệ hại hơn".

Nhà tâm lý học Daniel Wegner (13) thuộc trường đại học Harvard là một trong số các nhà tâm lý học đã từng nghiên cứu về những gì sẽ xảy ra [đối với một người nào đó] khi [người này] tìm cách loại bỏ các tư duy của mình. Não bộ vận hành níu kéo nhau qua hình ảnh của một sợi dây thòng lọng. Trên dòng níu kéo và trói buộc đó chúng ta thường xuyên kiểm soát xem tình trạng hiện tại của mình có đi ngược lại với chủ đích mà mình mong muốn hay không. Thế nhưng tình trạng này lại có thể tạo ra một hậu quả thật hết sức nghịch lý, đấy là vì các chủ đích của mình lại quay ngược lại để kiểm soát các tư duy của chính mình. Thông thường chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến là chuyện con voi có màu hồng. Nếu cố gắng không nghĩ đến nó nữa, thế nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại tự hỏi: "Có phải là mình đang nghĩ đến con voi màu hồng hay không?". Câu hỏi này tự nó đã tạo ra cho mình một thứ tư duy mà mình không muốn có nó (sau khi đọc câu chuyện con voi màu hồng trên đây thì người đọc sẽ còn bị "ám ảnh" trong một thời gian nào đó - có thể rất ngắn nhưng cũng có thể thật lâu dài - về một con voi màu hồng, mà trước đó "mình chưa bao giờ nghĩ đến". Nói chung đấy là các "thắc mắc" mang tính cách "ám ảnh" phát sinh thường xuyên trong trí mình. Thí dụ như tự hỏi hay thắc về sự trừng phạt hay thương xót của một vị Tối Cao đối với mình, thì mình sẽ bị ám ảnh thường xuyên một cách thật sâu kín bởi sự "thắc mắc" ấy, và đấy chính là cách vận hành mang tính cách "ám ảnh" của tâm thức nêu lên trên đây, tức là chuyện con voi màu hồng. Sự ám ảnh hay thắc mắc ấy sẽ đưa đến những phản ứng đủ loại: cầu xin, mong đợi, lo lắng, hân hoan, tin tưởng, hăng say..., hoặc những phản ứng khác mà mình không ngờ được chẳng hạn như khuyến dụ người khác chấp nhận quan điểm của mình với mục đích làm nhẹ bớt sự hoang mang và lo lắng của chính mình. Đấy là một hình thức khổ đau rất tinh tế mà chỉ có thiền định mới giải tỏa được mà thôi). Các khảo cứu gia của Darmouth (tức là trường Darmouth College/một trường đại học nổi tiếng của tiểu bang New Hampshire của Hoa Kỳ) đã khám phá ra rằng thái độ tự kiểm ấy sẽ tác động đến các tế bào thần kinh thuộc "vùng thắt lưng cingulate", thế nhưng tác động này đã gây ra ảnh hưởng như thế nào đối với hệ thống tạo ra sự đau đớn thì không được biết rõ.

Các khảo cứu gia tại Đại Học Dalhousie tại Nova Scotia (Gia-nã-đại) và cả ở nhiều nơi khác đã chứng minh cho thấy là càng tìm cách không nghĩ đến sự đau đớn thì thật ra lại càng khiến mình suy nghĩ nhiều hơn về sự đau đớn ấy của mình (như đã được nói đến trên đây: càng tin tưởng vào một sức mạnh thiêng liêng thì lại càng thắc mắc một cách vô cùng sâu kín về chính sự thắc mắc ấy, phản ứng mang lại là càng tin tưởng hơn nữa vào sức mạnh thiêng liêng ấy nhằm để che dấu sự thắc mắc và hoang mang trong tiềm thức của mình. Đây là sự khổ đau đày đọa con người một cách khủng khiếp nhất. Cứ nhìn vào các công trình kiến trúc đồ sộ - chẳng hạn như kim tự tháp -, các thuyết siêu hình về thần học, các sinh hoạt văn hóa với ít nhiều liên hệ đến tôn giáo sẽ nhận thấy điều này dễ dàng). Các xúc cảm mang tính cách tiêu cực về sự đau đớn sẽ làm cho sự đau đớn trở nên nặng nề thêm. Trong toán học, âm và âm sẽ tạo ra dương, đối với sự đau đớn thì hoàn toàn ngược lại. Đau đớn là một hình thức báo động, và việc cảm nhận các tín hiệu báo động của sự đau đớn chỉ là cách mang các sự đau đớn này (tức của các tín hiệu báo động) ghép thêm vào sự đau đớn đang có sẵn.

Nếu tìm cách loại trừ sự đau đớn thì cũng chỉ là cách khuếch đại thêm, vậy thì nếu hướng sự chú tâm vào sự đau đớn thì đấy có phải là cách làm khổ đau nhẹ bớt hay không?

Bà Stevens cho biết nhất định là có, thế nhưng kết quả không xảy ra tức khắc (thật hết sức dĩ nhiên, tu tập và sự buông xả đích thật đòi hỏi sự kiên trì chứ không phải là một phép lạ).

Bà Reya Stevens cho biết: "Vấn đề gây ra khó khăn cho một số người là họ cứ chờ đến khi nào sự đau đớn trở nên không còn chịu đựng được nữa thì mới bắt đầu nghĩ đến việc luyện tập thiền định. Hầu hết trong số họ sẽ không sao thực hiện việc hành thiền đúng đắn được, bởi vì họ chỉ mới khởi sự giai đoạn đầu trong việc luyện tập tâm linh tỉnh thức giúp đối đầu với các giác cảm đau đớn đơn thuần, và lúc đó thì [tâm thức] họ đã bị chi phối quá nhiều bởi sự ghét bỏ (thù ghét, ác cảm, sợ hãi...trước sự đau đớn). Tóm lại là phải luyện tập thiền định trước khi bị sự đau đớn hành hạ thì mới có thể mang lại cho mình các phản ứng thuận lợi giúp mình đối đầu với sự đau đớn khi nó xảy đến với mình".

Ngoài ra còn có một điểm khởi đầu khác nữa cần phải thực hiện, đó là việc phát động tâm linh tỉnh thức đối với các thể dạng - dù là không mang tính cách đau đớn trên thân xác đi nữa - mà mình thường cảm nhận được dưới các hình thức bất toại nguyện, chẳng hạn như các sự ồn ào ngoài đường phố.

Bà Reya Stevens nêu lên thắc mắc như sau: "Vậy đấy là sự ồn ào hay là âm thanh? Thuật ngữ ồn ào tự nó đã ẩn chứa bên trong nó sự thù ghét của bạn đối với nó rồi đấy. Bạn gán ngay cho nó một nhãn hiệu mang tên là bất toại nguyện".

Chính bà Reya Stevens cũng phải thường xuyên chịu đựng thật nhiều đau đớn gây ra bởi một căn bệnh trầm kha xảy đến với bà khi còn thơ ấu.

Bà kể rằng: "Tôi vẫn còn nhớ có nhiều đêm tôi cảm thấy đau buốt khủng khiếp thế nhưng sự đau đớn chỉ xảy ra ở nửa phần bên phải của cơ thể. Tôi bèn dồn tất cả sự chú tâm vào bên trái và cố gắng giữ thể dạng tỉnh thức tập trung đó vào bên trái của thân thể. Sự căng thẳng mà tôi cảm nhận được từ sự đau đớn ở nửa người bên phải liền tan biến hết, nguyên nhân là sự chú tâm của tôi vào nửa người bên trái đã hội đủ sự vững vàng và nó đã để yên cho nửa phần bên phải tự tìm lấy sự thư giãn và buông xả. Sau đó tôi lắng vào giấc ngủ, với sự đau đớn và cả mọi thứ khác.

Shinzen Young (14) một vị thầy giảng dạy về tâm linh tỉnh thức ở Burlington thuộc tiểu bang Vermont, có đưa ra các lời giải thích về phép chữa trị của ông đối với những người bị chứng đau đớn kinh niên. Trong quyển Break Through Pain (Vượt Thoát Sự Đau Đớn), ông có kể lại sự vượt thoát này của chính mình sau một khóa ẩn cư kéo dài một trăm ngày tại một ngôi chùa ở Nhật Bản trong một bối cảnh thật khắc nghiệt giữa mùa đông. Ông nhận thấy mỗi khi phát huy được sự tập trung thì sự đau đớn cũng sẽ hòa tan vào một thứ năng lượng tương tự như một thể dạng ngây ngất (runner's high).

Ông cho biết rằng: "Trường hợp trên đây cũng chẳng khác gì như một người đang bị một cơn đau khủng khiếp hành hạ, bất chợt cảm thấy chất gây mê (endorphin) trong người dâng cao đến độ "xuyên thủng cả mái nhà" (có thể đây là các ảo giác sảng khoái sâu xa hiện ra trong thể dạng "hòa nhập" của thiền định gọi là samatha hay "định").

Một cuộc nghiên cứu bằng cách chụp hình não bộ của các lực sĩ ở Munich (Đức quốc) cho thấy là sự hứng khởi (euphoria) phát sinh trong khi tập luyện thật hăng say là do các chất opinoid trong cơ thể (các chất tương tự với nha phiến tạo ra các tác động sảng khoái trong tâm thần), chẳng hạn như chất gây mê endorphin, được dẫn truyền đến vùng "vỏ não cingulate" và các vùng khác. Thuốc giả (placebo/nhằm đánh lừa người bệnh) cũng có thể mang lại hiệu quả đối với sự đau đớn, và đồng thời cũng cho thấy là có thể làm gia tăng việc dẫn truyền các chất hóa học của cơ thể cùng một thể loại với chất morphin, và sự kiện này cũng đã được chứng thực. Do đó dù cho học thuyết trên đây của vị thầy Shinzen Young chưa được chứng nghiệm một cách thật xác thực trong phòng thí nghiệm đi nữa, thế nhưng dường như cơ thể của chúng ta cũng có thể tiết ra các chất chống đau bằng cách chỉ cần phát huy một tâm linh tỉnh thức thật đúng đắn.

Vị thầy Shinzen Young còn cho biết rằng nếu muốn đối phó hữu hiệu với sự đau đớn thì cần phải hội đủ ba điều kiện: sự sáng suốt trong việc gỡ rối từng thành phần giác cảm (trên thân xác và trong tâm thức), sự tập trung hướng vào từng thành phần, và sự thanh thản khi cảm nhận từng thành phần một nhưng không để cho bất cứ một sự khổ đau nào có thể hiện ra. Ngoài các giác cảm về sự đau đớn và các thành phần xúc cảm ra thì vị thầy Shinzen Young còn nêu ra thêm các yếu tố khác nữa, đấy là sự tự truyện (các thắc mắc do mình nêu lên với chính mình) và các hình ảnh tâm thần (các sự tưởng tượng và hình dung) phát sinh từ sự đau đớn. Nếu chúng ta có thể phát động thể dạng tâm linh tỉnh thức đối với từng thành phần một, thì chúng ta sẽ có thể lần lượt loại bỏ được chúng (ngoài việc ý thức các thể dạng đau đớn phát sinh từ giác cảm, chúng ta còn phải quán thấy các hình thức khổ đau dưới dạng xúc cảm phát sinh trong tâm thần như: lo buồn, tức tối, sợ hãi... - tức là mũi tên thứ hai - và sau đó còn phải phân tích các thắc mắc bùng lên trong đầu mình chẳng hạn như: tại sao lại xảy ra sự đau đớn và các thứ khổ đau ấy, nguyên nhân của chúng là gì v.v.., và các sự suy diễn và tưởng tượng của mình chẳng hạn như: nếu bị mổ xẻ hay là tật nguyền thì người khác sẽ nghĩ gì về mình v.v..., để mà loại bỏ từng thứ một).

Vị thầy Shinzen Young khuyên chúng ta nên nhìn thẳng vào sự đau đớnchấp nhận nó và hãy xem đấy như là một chiến lược then chốt [giúp đối đầu với sự đau đớn]. Thế nhưng ông cũng cho biết rằng chúng ta cũng có thể ngoảnh mặt đi với sự đau đớn và tập trung vào một đối tượng khác thích thú hơn, chẳng hạn như hơi thở. Đấy không phải là một cách mượn sự xao lãng để quên đi sự đau đớn, bởi vì sự làm ngơ đó dù có mang lại hiệu quả đi nữa thì cũng chỉ là tạm thời mà thôi, trái lại nếu phát huy được một sự chú tâm thật mạnh (hòa nhập với hơi thở của mình và không còn cảm thấy bất cứ gì khác nữa) thì sẽ có thể khắc phục được sự đau đớn lâu dài hơn.

Vị thầy Shinzen Young còn cho biết thêm rằng một tâm linh tỉnh thức cũng có thể được xem như là một "tri-thức-không-phán-đoán", nói một cách chính xác hơn thì đấy là những gì liên quan đến thể dạng thanh thản. Và ông đã xác định thêm như sau: "Thể dạng tâm-thần-không-phán-đoán có thể là một yếu tố mang lại sự thanh thản, thế nhưng chính sự thanh thản cũng là một khái niệm thật bao quát".

Sự thanh thản không phải là một thái độ thụ động. Vì thế nếu xảy ra trường hợp một người nào đó bị thương tích trên cơ thể, kể cả các dấu hiệu đau đớn cho biết là người này đang bị nhồi máu cơ tim, thì thay vì hoảng hốt chúng ta phải phát huy một tâm linh tỉnh thức giúp mình phán đoán tình trạng thật tỉnh táo để biết mình nên làm gì.

Vị thầy Shinzen Young nói thêm: "Quý vị chỉ có thể mang lại sự thanh thản đối với các giác cảm trên thân xác, cũng như các tư duy và xúc cảm trong tâm thần, khi nào quý vị tạo được sự khách quan trong các hành động của mình".

Hành động uống một viên thuốc để giảm đau tự nó không mang một sự sai lầm nào cả. Bất cứ một người nào cũng có thể đặt vào miệng mình một viên thuốc và hớp một ngụm nước để nuốt viên thuốc. Thế nhưng nếu sự chú tâm cũng có thể loại bỏ được những nỗi khổ đau tạo ra bởi sự đau đớn, và đôi khi cũng có thể làm tan biến cả các giác cảm đau đớn nữa, thì tại sao lại không thử thực hiện xem sao? Ngoài ra phép luyện tập tâm linh tỉnh thức cũng có thể giúp cho việc chữa trị bằng y dược mang lại nhiều hiệu quả hơn. Trong trường hợp nếu sự đau đớn quá sức nặng nề và việc sử dụng các chất ma túy không còn đủ sức chận đứng được sự đau đớn nữa (thuốc morphin dùng trong các bệnh viện là một chất ma túy). Khi nào các chất ma túy không còn hiệu nghiệm nữa thì biết đâu khi đó một tâm linh tỉnh thức cũng có thể là một giải pháp hữu hiệu.

Việc luyện tập tâm linh tỉnh thức nhằm đối phó với sự đau đớn phải được thực hiện trước khi sự đau đớn trở nên quá gay gắt. Hãy xem việc luyện tập ấy như một túi thuốc men phòng ngừa khi khẩn cấp (emergency kit) mà mình mang theo bên người phòng những lúc không may. Tất cả chúng ta đều mang bản chất luôn trở thành già nua, gặp phải ốm đau và cái chết. Không mấy ai trong chúng ta có thể tránh khỏi những sự đau đớn trầm trọng trên thân xác xảy đến với mình vào một lúc nào đó. Chuẩn bị trước sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Nếu chỉ để cho một mũi tên duy nhất bắn trúng mình thì chẳng phải là tốt hơn hay sao?

Vài lời ghi chú của người dịch

Qua bài viết trên đây của Rick Heller chúng ta có thể nhận thấy ba điểm nổi bật và đáng lưu ý.

Trước hết chúng ta thấy rằng Đức Phật trong Bài Kinh về Mũi Tên (Sallatha Sutta, Tương Ưng Bộ Kinh, SN 36.6) đã phân tích thật hết sức rõ ràng là sự khổ đau gồm có hai thể dạng khác nhau: sự đau đớn trên thân xác và các xúc cảm trong tâm thần. Ngài so sánh hai thể dạng ấy với hai mũi tên: mũi tên thứ nhất là những sự cảm nhận đau đớn tự nhiên của thân xác cấu hợp và mũi tên thứ hai là những nỗi đau buồn và lo lắng do mình tạo ra trong tâm thức của chính mình, tức là những thứ khổ đau mà mình đem ghép thêm vào sự đau đớn phát sinh trên thân xác.

Bài viết trên đây chỉ tìm cách giải thích thêm về hai thể dạng khổ đau đó dựa vào các sự hiểu biết mang lại từ các ngành khoa học tân tiến ngày nay như Tâm Lý Học, Phân Tâm Học, Thần Kinh Học, v.v.... Nói một cách khác là các nỗ lực của khoa học gia uyên bác ngày nay với những khối óc thật thông minh, xuất thân từ những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, được trang bị bởi các kỹ thuật hiện đại và tinh xảo nhất chẳng hạn như máy chụp hình não bộ bằng từ tính, cũng chỉ là để đẩy một cánh cửa mà Đức Phật đã mở sẵn cho chúng ta đã hơn hai mươi lăm thế kỷ trước.

Điểm thứ hai cần phải lưu ý là sự đau đớn và các xúc cảm khổ đau phát sinh từ sự đau đớn ấy cũng chỉ là các hình thức khổ đau thô thiểnlộ liễu nhất gọi là "khổ đau của khổ đau", bởi vì Phật Giáo quan niệm khổ đau còn mang những thể dạng tinh tế và sâu kín hơn thế rất nhiều: đó là "khổ đau vì vô thường" và "khổ đau vì sự hiện hữu trói buộc". Các khoa học gia trên đây dù đã chứng nghiệm được sự thật về hai mũi tên thì cũng vẫn còn lẩn quẩn với nhau trong các thể dạng thô thiển nhất của khổ đau mà thôi.

Thật vậy thiền định hay việc luyện tập tâm linh tỉnh thức nhằm đối đầu với các thứ khổ của khổ đau hầu mang lại cho mình sự thanh thản chưa hẳn là Phật Giáo. Đấy cũng chỉ là một cách đánh lạc hướng chủ đích cao quý và tối thượng trong giáo huấn của Đức Phật là sự Giác NgộGiải Thoát. Khuynh hướng áp dụng giáo huấn Phật Giáo vào việc tìm kiếm sự thoải mái trên đây phản ảnh một góc cạnh nào đó về sự phát triển hiện nay của Phật Giáo trong thế giới Tây Phương.

Bures-Sur-Yvette, 11.05.14

Hoang Phong chuyển ngữ


[i] (specificity theory/théorie de la spécificité/thuyết đặc thù hay chuyên biệt phát sinh từ quan điểm triết học của triết gia Décartes (1596-1650) chủ trương tính cách "cơ học" (mechanism/cơ giới) của tất cả các hiện tượng qua sự liên kết giữa nguyên nhânhậu quả. Quan điểm triết học này đã đưa đến một cuộc cách mạng khoa học trọng đại ở Âu Châu vào thế kỷ XVII, đặc biệt nhất là trong các lãnh vực Thiên Văn, Vật Lý và Y Khoa. Quan điểm triết học này của Décartes đã ảnh hưởng sâu đậm đến toàn bộ các nền văn hóa, khoa học và tư tưởng Tây Phương. Tính cách "duy lý" (cơ học/cơ giới) đó cũng đã ít nhiều đi ngược lại với tín ngưỡng độc thần của Âu Châu vào thời bấy giờ, có nghĩa là sự vận hành của mọi hiện tượng mang tính cách máy móc và không tùy thuộc vào một "ý chí tối thượng" nào cả. Trở lại với lãnh vực Y khoa thì quan điểm triết học trên đây cho rằng sinh vật là một bộ máy (animal-machine/động vật máy), từ đó đã làm phát sinh ra ngành Y Khoa Cơ Học (medicine-mechanisthic/médecine-mécanique) và sau đó đã chuyển dần sang một hình thức tân tiến hơn là ngành Y Khoa Khoa Học (Medical-Scientific/Médecine Scientifique) như ngày nay. Theo ngành Y Khoa Cơ Học thì tất cả các hiện tượng bệnh lý đều là do các nguyên nhân mang tính cách vật lý gây ra. Theo bài viết trên đây thì sự đau đớn đôi khi không nhất thiết phát sinh từ một nguyên nhân mang tính cách vật lý mà là những sự "tạo tác tâm thần", chẳng hạn như những chứng đau đớn nhưng không có một sự chấn thương nào xảy ra (ghi chú của người dịch).

[ii] Chữ khổ đau/suffering/souffrance chỉ là một từ thông dụng. Ý nghĩa của sự "khổ đau" trong giáo lý Phật Giáo (tiếng Phạn làdukkha tiếng Pali là duhkha) gồm có ba thể dạng: 1) Dukkha dukkha: là các thứ khổ đau thô thiển nhất trên thân xác và cả trong tâm thần: đau đớn và các xúc cảm đủ loại, kể cả sự sinh, bệnh tật, sự già nua và cái chết, tóm lại là sự khổ đau này được biểu trưng bởi cả hai mũi tên: một đâm vào thân xác và một đâm vào tâm thần; 2) Viparinama dukkha: là những thứ khổ đau mang lại từ bản chất vô thường của mọi hiện tượng, sự khổ đau này thường được diễn đạt bằng thuật ngữ "bất toại nguyện". Đối với Phật Giáo, sự khoái cảm - kể cả các thứ lạc thú dục tính - sự thanh thản hay hạnh phúc... cũng là khổ đau, bởi vì mình muốn những thứ thứ này phải kéo dài thế nhưng chúng lại không kéo dài như mình mong muốn; 3): Sankhara dukkha: là khổ đau của sự hiện hữu, một thể dạng khổ đau thật tinh tế, sâu kín và cùng khắp, liên quan đến tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ và trong tâm thần của mỗi cá thể, xuyên qua quy luật của sự tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng (pratityasamutpada), còn gọi là sự "tạo tác do điều kiện mà có", tóm lại là sự hiện hữu của chúng ta là một sự trói buộc vô cùng chặt chẽ với sự hiện hữu của tất cả các hiện tượng khác, từ hữu hình cho đến vô hình. Thuật ngữ "Giải Thoát" trong Phật Giáo có nghĩa là vượt thoát khỏi tất cả mọi hình thức trói buộc mang tính cách khổ đau đó, tức là Sự Thật Thứ Ba trong Bốn Sự Thật Cao Quý.

Trong bài kinh Rahogata Sutta (Samyutta Nikaya, SN 36.11) có kể lại chuyện một vị tỳ kheo bắt bẻ Đức Phật rằng nếu đã gọi năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) là khổ đau, tại sao giác cảm (vedana) lại được phân loại là thích thú, khó chịu và trung hòa, có phải đấy là một sự nghịch lý hay không? Đức Phật giải thích rằng vô thường (anicca) và sự trói buộc của mọi hiện tượng(pratityasamutpada) đều là khổ đau, do đó "tất cả những gì thuộc vào thể loại giác cảm cũng đều thuộc vào các thể loại ấy", có nghĩa là giác cảm cũng chỉ đơn thuần là một hiện tượng trói buộc vô thường, dù là mang tính cách thích thú, đau đớn hay trung hòa. Tuyệt vời thay!

Ngoài ra trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (Digha Nikaya/Trường Bộ Kinh - phẩm 16.2.1/bài kinh giảng ờ làng Koti trong Đại Bát Niết-bàn Kinh) Đức Phật cho biết rằng sở dĩ chúng sinh bị vướng mắc trong cõi luân hồi và không sao đạt được giác ngộ ấy là vì họ không quán triệt được sâu xa ý nghĩa của dukkha/khổ đau là gì.

Tóm lại những gì nêu lên trong bài viết trên đây cũng chỉ lẩn quẫn ở thể loại khổ đau thứ nhất tức là dukkha dukkha mà tác giả Rich Heller gọi là suffering trong đó gồm có sự đau đớn trên thân xác và xúc cảm trong tâm thần. Giải thoát khỏi những thứ khổ đau này cũng chỉ mang lại một sự thanh thản, và đấy chưa phải là cách giúp mình đạt được sự Giác Ngộ.

Phụ Lục

Chân dungtiểu sử ngắn gọn của một số các nhân vật

nêu lên trong bài viết của Rick Heller

blank
H.1
- Rick Heller: tác giả bài viết trên đây.

H.2 - Ronald Siegel: Phó Giáo Sư và bác sĩ trị liệu tại Đại Học Y Khoa Harvard (Harvard Medical School) và cũng là một Phật tử trung kiên. Một số sách của ông được nhiều người biết đến, chẳng hạn như các quyển Back Sense (Giác Cảm của Lưng,Broadway Books, 2002), Mindfulness and Psychotherapy (Tâm linh tỉnh thứcTâm lý trị liệu, 2nd Ed., Guilfort Press, 2013), Wisdom and Compassion in Psychotherapy (Trí tuệTừ bi trong ngành Tâm Lý Trị Liệu, Guilfort Press, 2012),...

H.3 - Henry K. Beecher (1909-1976): tốt nghiệp Đại Học Kansas về Hóa Học, trình luận án tiến sĩ Hóa Học tại Đại Học Sorbonne Paris, học trở lại ngành Y Khoa tại Đại Học Y Khoa Harvard năm 1928 và trở thành bác sĩ trong quân lực Hoa Kỳ, sau đó là bác sĩ trưởng khoa gây mê và Giáo Sư giảng dạy về khoa này tại Đại Học Y Khoa Harvard.

H.4 - Ronald Melzack (1929 - ...): bác sĩ và khảo cứu gia về thần kinh học Gia-nã-đại.

H.5 - Kenneth Casay: bác sĩ giải phẩu thần kinh Hoa Kỳ.

H.6 - Patrick Wall (1925-2001): nhà thần kinh học người Anh, từng được xem là một trong số các chuyên gia lỗi lạc nhất thế giới thời bấy giờ về các chứng bệnh đau đớn và cũng là người đã góp phần đưa ra học thuyết về "cổng kiểm soát sự đau đớn" (Gate control theory of pain).

H.7 - Alice Flaherty: tốt nghiệp bác sĩ Y Khoa tại đại Học Harvard và tiến sĩ thần kinh học tại đại học MIT, hiện là phó giáo sư khoa Thần Kinh Học tại Đại Học Y Khoa Harvard.

H.8 - Naomi Eisengberger: Phó Giáo Sư khoa Tâm Lý Học tại đại học UCLA (University of California - Los Angeles).

H.9 - Jon Kabat-Zinn (1944,...): Giáo sư danh dự Y Khoa, sáng lập viên Bệnh Vìện về chứng Căng Thẳng Thần Kinh (Stress Reduction Clinic) và Trung Tâm luyện tập Thiền Định ứng dụng vào Y khoa (Center for Mindfulness in Medicine)

H.10 - J. David Creswelllllll: Phó Giáo Sư Đại Học Carnegie Mellon.

H.11 - Catherine Kerr: tốt nghiệp tiến sĩ đại học Johns Hopkins, hậu tiếnđại học Harvard, phó giáo sư và khảo cứu gia về thần kinh học.

H.12 - Tarek Samad: khảo cứu gia về thần kinh học của viện bào chế Pfizer

H. 13 - Daniel Wegner (1948-2013): giáo sư tâm lý học tại đại học Harvard.

H.14 - Shinzen Young: thiền sư người Mỹ, cha mẹ gốc Do Thái, tốt nghiệp đại học UCLA (University of California - Los Angeles), trình luận án tiến sĩ về Phật Giáo tại đại học Wisconsin. Tu thiền tại Nhật và được thụ phong tỳ kheo năm 1970, ông thông thạo về tất cả các tông pháihọc phái Phật Giáo, từ Kim Cương Thừa đến Thiền học Zen và cả phép thiền định Vipassana của Phật Giáo Theravada.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.