Mục đích của quyển sách này là trình bày phương phápthực hànhthiền quán vipassana. Đây là một kim chỉ nam thiền tập, là những lời hướng dẫn chi tiết, từng bước từng bước một cho phương phápthiền quán (insight meditation).
Trong quyển sách này chúng tôi chỉ đặc biệt nói về thiền vipassana trong truyền thốngPhật giáoNam tông. Vipassana thường được dịch từ tiếng Pali sang là Minh Sát Tuệ, hay còn gọi là thiền quán. Mục đích của loại thiền này là mang lại cho hành giả một tuệ giác, hiểu được tự tánh của mọi vật và nhìn thấy sâu sắc được sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống.
Điểm khác biệt giữa thiền quán, vipassana, và những loại thiền khác rất là quan trọng, mà chúng tacần phải hiểu cho thật rõ điều này. Trong đạo Phật có hai loại thiền (meditation) khác nhau. Chúng khác nhau về phương phápthực hành, về cách hoạt động, và về những trạng tháitâm thức. Hai loại thiền ấy là thiền quán (vipassana) và thiền định (samatha). Thiền quán, vipassana, còn được dịch là thiền Minh Sát, có nghĩa là một ý thức, một cái thấy rõ ràng và chính xác về những gì đang xảy ra. Thiền định, samatha, còn được dịch là thiền tĩnh lặng hay thiền chỉ, có nghĩa là dừng lại. Đây là một trạng thái khi tâm ta tập trung vào một đối tượng duy nhất nào đó, dừng lại, và không đi ra ngoài đối tượng ấy. Khi làm được như vậy, một trạng tháian lạc sẽ lan tỏa khắp thân tâmhành giả. Một trạng thái tĩnh lặng rất sâu sắc mà ta phải tự chính mình kinh nghiệm mới có thể hiểu được. Và đa số thì những phương pháp thiền của chúng ta đều được dựa trênyếu tố định này. Theo phương pháp này thì hành giả tập trung tâm ý mình vào một đối tượng duy nhất nào đó, như là một lời cầu nguyện, một bài kinh, một ngọn nến, hoặc là một linh ảnh nào đó, và loại bỏ hết tất cả những tư tưởng và nhận thức khác ra khỏi tâm thức của mình. Và kết quả là hành giả sẽ cảm thấy một sự hỷ lạc rất lớn, nhưng nó chỉ có mặt cho đến khi ta xả thiền. Cảm giác ấy rất là nhiệm mầu, tốt đẹp, nhiều ý nghĩa, và lôi cuốn, nhưng nó cũng chỉ là tạm bợ mà thôi.
Thiền quán, vipassana, thì chú tâm vào yếu tố kia: tuệ giác. Hành giảthực tậpthiền quán chỉ dùng yếu tố định như là một phương tiện, giúp cho chánh niệm của họ có thể lần hồi đục vỡ đi bức tường vô minh, đã hằng che ngăn ánh sáng của thực tại. Đây là một tiến trình từ tốn và đều đặn. Nó mất nhiều năm tháng, nhưng rồi sẽ có một ngày, một nhát búa của hành giả sẽ làm bức tường vô minh ấy sụp đổ, và không gian chung quanh sẽ ngập tràn ánh sáng. Con đườngchuyển hóa được hoàn tất. Ta gọi đó là giải thoát và nó sẽ rất vững bền. Giải thoát là mục tiêu của mọi trường phái trong đạo Phật. Nhưng con đường đi đến đó có rất nhiều lối rẽ khác nhau.
Trong đạo Phật có rất nhiều trường phái khác biệt nhau. Chúng được phân chia ra làm hai dòng tư tưởng lớn là Bắc tông (Mahayana) và Nam tông (Theravada). Phật giáoBắc tông được truyền qua khắp các vùng Đông Nam á, ảnh hưởngsâu rộng đến nền văn hóa của những quốc gia như là Trung hoa, Đại hàn, Nhật bản, Tây tạng và Việt nam. Một tông phái lớn của đại thừa là Zen, được truyền básâu rộng ở Nhật bản, Đại hàn và Việt nam. Và Phật giáoNam tông thì được du truyền qua những quốc gia miền Nam á và Đông Nam á như là Tích lan, Thái lan, Mã lai, Lào và Cam bốt. Và quyển sách này là đặc biệt nói về phương pháp hành thiền của Phật giáoNam tông.
Những kinh điển thuộc truyền thốngNam tông đều có nói đến cả hai phương pháp hành thiền: định (samatha) và quán (vipassana). Kinh điển Pali có nói đến bốn mươi đề mục thiền khác nhau. Đây là những đề mục dành cho cả thiền định và thiền quán giúp dẫn đến tuệ giác. Nhưng quyển sách này là một kim chỉ nam căn bản, vì vậychúng ta sẽ giới hạnđề mục của thiền quán vào một đối tượng chủ yếu và cơ bản nhất: hơi thở. Quyển sách này sẽ giới thiệu đến các bạn một phương phápthực tậpchánh niệm qua sự chú ý đơn thuần, và một ý thứcrõ ràng về tiến trình của hơi thở. Chỉ cần dùnghơi thở làm một đối tượng thiền quán, là hành giả cũng có thể quán chiếu được hết toàn thể tiến trình nhận thức trong vũ trụ riêng của chính mình. Hành giả sẽ nhìn thấy được những thay đổi đang xảy ra trong mọi kinh nghiệmvật lý, cảm thọ, và tri giác, cũng như những biến chuyển trong chính tâm thức của mình. Tất cả những đổi thay này lúc nào cũng đều đang có mặt trong mỗi kinh nghiệm của chúng ta, trong mỗi giây và mỗi phút.
Thiền (meditation) là sự sống. Nó là một sinh hoạt mà không thể nào được đem ra giảng dạy như một môn học chỉ có tính cáchhàn lâm. Trái tim của thiền học phải được xuất phát từ những kinh nghiệmbản thân của chính vị thầy. Tuy vậy, chúng tamay mắn đã có được một số lượng lớn tài liệu về thiền học, được trao truyền bởi những vị có tuệ giác lớn đã từng bước đi trên mặt đất này. Số văn liệu này là một kho tàng quý giá giúp cho sự tu học của chúng ta. Đa số những điểm được nêu ra trong quyển sách này đã được lấy ra từ Tam tạng kinh (Tipitaka), đó là ba bộ kinh điển chứa đựng toàn bộgiáo lý của đức Phật. Tam tạng kinhgồm cóGiới luật (Vinaya), những giới cấm dành cho các hàng tăng, ni và cư sĩ, Kinh (suttas), những bài giáo pháp của Phật, và Luận (Abhidhamma), những giáo lý về môn tâm lý học Phật giáo.
Vào thế kỷ thứ nhất, có một nhà học Phật nổi tiếng tên là Upatissa, viết quyển Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga), trong đó ông tóm tắt lại hết những giáo lý của đức Phật đã dạy về thiền tập. Vào thế kỷ thứ năm, có một học giảnổi danh khác là ngài Buddhaghosa, cũng đã viết thêm một bộ luận rất quan trọng về thiền tập, đó là quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), mà cho đến ngày nay vẫn được xem là một quyển sách gối đầu giường của các thiền giả.
Quyển sách này sẽ giúp bạn đặt một bước chân thậtvững vàng trên ngưỡng cửa của thiền tập. Còn những bước chân kế tiếp trên con đường khai phá ra ta là ai và ý nghĩa của sự sống, là hoàn toàntùy thuộc ở chính bạn. Và đây là một hành trình rất quan trọng. Chúc các bạn sẽ thành công.
Mục lục.
Lời Giới Thiệu 1 Tại Sao Ta Lại Cần Phải Thiền? 9 Thiền Không Phải là Những Gì? 27 Thiền là Gì? 47 Thái Độ 65 Sự Thực Tập 73 Phương Cách Điều Thân 99 Phương Pháp Điều Tâm 107 Ngồi Thiền 123 Chuẩn Bị Trước Khi Ngồi Thiền 135 Những Khó Khăn Trong Lúc Ngồi Thiền 149 Đối Trị Với Những Xao Lãng Trong Lúc Ngồi Thiền I 177 Đối Trị Với Những Xao Lãng Trong Lúc Ngồi Thiền II 185 Chánh Niệm (Sati) 211 Niệm và Định 229 Thiền TậpTrong Đời Sống Hằng Ngày 243 Được Gì Cho Ta 263 Năng Lực của Tâm Từ 273
Trích đoạn sách hay.
“… Thiền là một danh từ. Và từ ngữ thì được sử dụng qua nhiều cách khác nhau, bởi nhiều người khác nhau. Điều này nghe qua có vẻ rất tầm thường, nhưng không phải vậy. Lúc nào chúng ta cũng cần phải hiểu được chính xácý nghĩa của những từ ngữ mà một người nào đó sử dụng. Điều ấy rất quan trọng. Có thể là trên toàn thế giới này, bất cứ một nền văn hóa nào cũng có những phương pháp đào luyện tâm linh, mà họ gọi là thiền (meditation). Nó tùy theo bạn định nghĩa thiền là như thế nào. Người ta có thể dùng theo một nghĩa rất rộng. Phương pháp thiền thì trên thế giới này có rất nhiều, nhưng tôi không muốn bàn đến chúng hết nơi đây. Có nhiều quyển sách khác đã làm việc ấy. Ở đây, chúng ta chỉ giới hạn vào những phương pháp thiền quen thuộc và phổ thông đối với người Tây phương.
Trong truyền thốngThiên chúa giáo, chúng ta thấy có hai phương pháp chồng lấn lên nhau, đó là cầu nguyện (prayer) và trầm tư (contemplation). Cầu nguyện là một hình thức dâng lên hoặc nói chuyện trực tiếp với một đấng linh thiêng nào đó. Trầm tư là một thời gian dài trầm tư mặc tưởng, suy tư về một đề tài nhất định, thường thì là những lý tưởngtôn giáo hoặc một đoạn kinh nào đó. Theo quan điểm của thiền tập thì cả hai phương pháp trên đều là những bài tập thuộc về thiền định. Những tư tưởng tạp nhạp, ồn ào trong đầu đều bị hạn chế, hành giả đem tâm ý mình tập trung vào một đề mụcduy nhất. Và kết quả cũng giống với những gì ta tìm thấy trong mọi phương phápthiền định khác: một sự tĩnh lặng sâu sắc, những hoạt động tâm sinh lý chậm lại, và một cảm giác rất an lạc và đầy đủ.
Trong truyền thốngẤn độ giáo (Hindu) ta có pháp môn yoga, và đây cũng là một pháp mônthuần túy thuộc về thiền định. Phương phápthực tậpcăn bản là đem tâm ý tập trung vào một đối tượng duy nhất - như là một hòn đá, một ngọn nến, một âm thanh, hay là gì đó - và không cho nó suy nghĩ lan man. Sau một thời gianthực hànhthuần thục, hành giả sẽ tiếp tụcnới rộng sự thực tập của mình ra bằng cách chọn những đối tượng khác phức tạp hơn - như là những bài kinh, những hình ảnhtâm linh màu sắc, những luân xa trong người... Nhưng cho dù đề mụcthiền tập của họ có phức tạp, cầu kỳ đến đâu, phương pháp cũng vẫn chỉ là một, thuần túy đó chỉ là những bài tập về định.
Trong truyền thống của đạo Phật thì thiền định có một giá trị rất cao. Nhưng nó còn có cộng thêm một yếu tố mới, và được nhấn mạnh hơn, đó là yếu tốtỉnh giác. Tất cả những phương phápthiền tập trong đạo Phật đều nhắm đến cùng một mục tiêu là sự phát triển tuệ giác, và định lực được dùng như là một công cụ để đi đến đó. Pháp môn của đạo Phật thì rất mênh mông, và vì vậy mà có nhiều con đường khác nhau để đi đến mục tiêu ấy. Trong truyền thống của Zen thì người ta sử dụng hai phương cách. Cách thứ nhất là trực tiếp đi thẳng vào tâm thức bằng nghị lực và ý chí của chính mình. Ta chỉ việc ngồi xuống, và cứ ngồi yên đấy, có nghĩa là ta bỏ ra ngoài hết tất cả những gì trong đầu, chỉ trừ ra cái ý thứctỉnh giác về sự ngồi thiền của mình mà thôi. Nghe thì có vẻ rất là giản dị. Nhưng thật ra nó rất là khó. Nếu bạn không tin cứ thử ngồi xuống thực hành trong giây lát đi, bạn sẽ hiểu những gì tôi nói. Phương cách thứ hai, được dùng trong truyền thốngthiền Lâm tế, là khéo léo lừa tâm ý của ta ra khỏi những lối suy nghĩ thông thường và đi vào một sự tỉnh giácđơn thuần. Theo phương cách này người ta sử dụngcông án, tức là những vấn đề không thể giải đáp được, những câu hỏi không có câu trả lời, và thiền sinhbị bắt buộc phải giải quyết, trong một hoàn cảnh huấn luyện rất gian nan. Và vì thiền sinh không thể nào trốn chạy đi đâu được, họ bắt buộc phải nhảy thẳng vào cái kinh nghiệm thật của giây phút hiện tại, chứ đâu còn một nơi nào khác hơn nữa! Zen là một pháp mônthực tập khá gian nan. Nó có thể mang lại hiệu quả cho nhiều người, nhưng Zen là một pháp môn rất cam go.
Một pháp môn khác nữa là Phật giáoMật tông, tantric buddhism, phương pháp này thì hoàn toàn trái ngược lại. Những tư tưởngbình thường, thường ngày của ta, là những biểu hiện của một tự ngã, một cái "Tôi", mà ta nhận đó là mình. Mọi ý thức của ta đều có liên hệ đến một ý niệm về cái ngã. Thật ra ý niệm về một cái tôi, hay cái ngã, chỉ là những phản ứng và những hình ảnh đã được đặt lên trên những ý thứcđơn thuần của mình. Pháp môn tantra này cố gắng đập tan đi những hình ảnh đó, để giúp ta trở về với cái ý thứcthanh tịnh. Và phương pháp của họ dùng là quán tưởng. Thiền sinh được trao cho một hình ảnhthiêng liêng nào đó để quán tưởng, ví dụ như là một vị thần trong truyền thống của họ. Người thiền sinh sẽ thực tậpcho đến khi nào họ trở thành là vị thần linh ấy. Ta bỏ cái ngã của mình đi và mang lên một cái ngã khác. Công việc này, như bạn thấy nó đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng rất có hiệu quả. Qua tiến trình ấy, hành giả sẽ nhìn thấy được đường lối mà một cái ngã được xây lên và bắt đầu hoạt động. Từ đó, họ có thể nhận diện được tính chất vô nền tảng của một cái ngã, ngay cả của chính mình, và nhờ đó mà ta có thể giải thoát được. Ta cũng nhận thức rằng, ta có thể chọn lấy bất cứ một cái ngã nào nếu muốn, và ta cũng có thể không chọn một cái nào hết, tùy tiện. Và kết quả là một ý thứcđơn thuần. Nhưng pháp môn tantra này cũng không phải là dễ.
Thiền quán vipassana là một pháp mônthiền tập xa xưa nhất của đạo Phật. Phương pháp này bắt nguồn từ quyển kinh Bốn Lãnh VựcQuán Niệm, Satipatthana Sutta, do chính đức Phật dạy. Thiền quán vipassana là một phương pháp trực tiếp và từ tốn, nó nuôi dưỡng và giúp ta phát triển chánh niệm và tuệ giác. Thiền quán là một phương pháp chẫm rãi tiến từng bước, từng bước một, qua nhiều năm tháng. Hành giả đem sự chú ý của mình chiếu soi thật cặn kẽ vào một số phương diện nào đó trong sự sống của chính mình. Ta ghi nhận mọi kinh nghiệm của sự sống. Thiền quán là một pháp môn rất nhẹ nhàng, nhưng nó cũng rất là tỉ mỉ và hoàn toàn. Nó là một pháp môncổ truyền và là một truyền thống rất nghiêm túc, gồm những bài thực tập giúp ta phát huy chánh niệm, và ý thức được những kinh nghiệm trong cuộc sống mình rõ ràng hơn. Đó là nhờ ta biết lắng nghe chăm chú hơn, quan sáttỉnh thức hơn, và thực nghiệm kỹ càng hơn. Chúng tathực tập ngửi nếm mùi vị tinh nhuệ hơn, xúc chạm trọn vẹn hơn, và ý thức được hết những biến đổi xảy ra trong tất cả những kinh nghiệm ấy. Chúng ta học cách lắng nghe những tư tưởng của mình mà không bị vướng mắc vào chúng.
Mục đích của thiền quán là để thấy được tự tánh của vô thường, vô ngã và bất toại nguyện có mặt trong tất cả mọi hiện tượng. Chúng ta cứ tưởng rằng mình đã biết hết chúng rồi, nhưng thật ra đó chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Trong cuộc đời, chúng ta rất ít khi nào chú ý đến những kinh nghiệm sống của mình, nhiều khi chúng ta hành xử như một người đang mơ ngủ. Chúng ta không có chánh niệm đủ để ý thức được rằng mình không có chánh niệm!
Qua sự thực tậpchánh niệm, dần dầnchúng ta sẽ ý thức được mình là ai. Chúng ta sẽ nhìn xuyên qua được tấm màn của tự ngã. Ta tỉnh dậy và tiếp xúc với sự sống đang có mặt. Cuộc sống không phải chỉ là những cuộc thăng trầm, hơn thua, còn mất. Chúng không thật. Sự sống sâu sắc hơn thế, nếu ta biết nhìn, và nhìn bằng một con mắt quán chiếu.
Thiền quán là một phương pháp tôi luyện tâm ý, dạy cho ta biết kinh nghiệm sự sống này qua một đường lối hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên, ta sẽ thực sự kinh nghiệm được những gì đang xảy ra cho ta, chung quanh ta và trong ta. Nó là một tiến trình tự khám phá, một sự khảo sát mà trong đó ta vừa quan sát những kinh nghiệm của mình, lại vừa trực tiếp tham gia vào đó. Chúng tathực tập với một thái độ, "Không cần biết những gì tôi đã học. Bỏ qua hết một bên những lý thuyết, ý niệm và thành kiến của mình. Tôi chỉ muốn hiểu được tự tánh của sự sống này. Tôi muốn biết được thế nào mới là một kinh nghiệm sống thực sự. Tôi muốn được hiểu thấu và sâu sắc tính chất của cuộc đời này, và tôi không muốn chỉ nghe lờigiải thích của bất cứ một người nào khác. Tôi muốn tự chính mình nhìn thấy." Và nếu bạn theo đuổicon đườngthực tậpthiền quán với một thái độ ấy, tôi tin chắc bạn sẽ thành công. Bạn sẽ biết cách nhìn sự vật bằng một con mắt khách quan, như chúng thật sự là - biến chuyển và thay đổi trong từng mỗi giây phút. Cuộc sống lúc ấy sẽ tự nhiên trở nên vô cùngphong phú và kỳ diệu. Ngôn ngữ không thể nào diễn tả nổi, ta chỉ có thể kinh nghiệm mà thôi.
Trong tiếng Pali, danh từ chuyên môn của thiền quán là vipassana bhavana. Bhavana có chữ gốc là chữ bhu, có nghĩa là tăng tiến hay trở thành. Vì vậy, bhavana có nghĩa là một sự tôi luyện, và luôn luôn nó được dùng có liên quan đến tâm ý. Bhavana có nghĩa là sự đào luyện tâm ý. Chữ vipassana được ghép từ hai chữ gốc. Passana có nghĩa là thấy, hay là nhận biết. Vi là một tiếp đầu ngữ (prefix) bao gồm nhiều nghĩa mà ta có thể tạm dịch là "bằng một cách đặc biệt", và cũng có thể là "đi vào" hay "xuyên qua một cách đặc biệt." Toàn nghĩa của chữ vipassana là nhìn thẳng vào một vật, hay một đối tượng nào đó, một cách rõ rệt và chính xác, thấy rõ được từng mỗi yếu tố riêng biệt, và xuyên thấu qua hết tất cả, để nhận diện được bản chấtthực tại của nó. Vipassana còn được dịch là minh sát tuệ. Tiến trình ấy dẫn ta đến một tuệ giác về tự tánhcăn bản của đối tượng mà ta đang quán sát. Đem hai chữ ấy lại với nhau, vipassana bhavana, có nghĩa là sự đào luyện tâm ý, giúp ta nhìn sự vật qua một đường lối đặc biệt, để mang lại tuệ giác và một sự hiểu biếttrọn vẹn.
Trong thiền quán vipassana, chúng tathực tập một lối nhìn đặc biệt đối với sự sống. Chúng ta tập tiếp xúc với thực tại như chúng là, và ta gọi lối nhìn này là chánh niệm. Chánh niệm là một cách nhìn mới mẻ, khác với lối nhìn thông thường của ta. Thường ngày, chúng ta có nhìn nhưng không thấy được những gì đang thật sự có mặt ở ngay trước mắt mình. Chúng ta nhìn cuộc đời qua một lăng kính của tư tưởng và ý niệm, và rồi ta nhầm lẫn chúng với lạithực tại. Chúng ta bị chìm trôi trong một dòng sông ý tưởng bất tận này, trong khi thực tại vẫn vô tình đi ngang qua mà ta không hề hay biết đến. Ta miệt mài trong những sinh hoạt của đời sống, đeo đuổi theo những thú vui và sự thoả mãn, trốn tránh những khổ đau và sự thất vọng. Chúng ta bỏ hết năng lực ra để cố gắng làm sao cho mình được dễ chịu hơn, che dấu đi hết những lo lắng và sợ hãi, và không ngừng tìm kiếm một sự an ninh. Trong khi ấy, thực tại của ta vẫn đi ngang qua, mà ta không hề tiếp xúc, không hề hay biết đến. Trong thiền quán vipassana, chúng tathực tậpbuông bỏ hết những động cơ thúc đẩy, muốn mình được dễ chịu hơn, để có thể tiếp xúc trực tiếp với thực tại. Điều trớ trêu là một hạnh phúc thật sự chỉ có mặt khi nào chúng ta không theo đuổi nó nữa.
Khi ta biết dừng lại, không để lòng ham muốn vào những cảm giácdễ chịu xô đẩy mình nữa, một hạnh phúc thật sự sẽ có mặt. Khi chúng ta thôi không còn theo đuổingoại cảnh, sự sống mầu nhiệm sẽ bắt đầu hiển lộ. Khi ta sẵn sàng muốn biết một thực tạitrọn vẹn, không ảo tưởng, gồm cả những đau đớn và hiểm nguy, chừng ấy, một tự do và an ninh thật sự sẽ là của ta. Đây không phải là một chủ thuyết nào mà tôi muốn nhồi vào bạn, nhưng nó là một sự thật có thể nhìn thấy được, bạn có thể và hãy nên tự chính mình kiểm chứng điều ấy.
Đạo Phật đã có trên 2,500 năm nay, và bất cứ một hệ thốngtư tưởng nào đã được trao truyền lâu đời như vậy, cũng đã có thời gian để tạo dựng nên nhiều tầng lớp học thuyết, giáo lý và các nghi thức. Nhưng dù vậy, thái độcăn bản của đạo Phật vẫn là sự thực nghiệm và không nương vào thần quyền. Đức PhậtCồ Đàm (Gotama) là một cá nhân rất chống đối truyền thống và đi ngược lại tôn giáo. Ngài không bao giờ xem những lời dạy của mình như là những tín điềuđộc đoán, mà chỉ xem chúng như là những mệnh đề mà mỗi chúng ta phải tự mình kiểm chứng. Lời mời gọi của đức Phật lúc nào cũng vẫn là "Hãy đến và thấy." Một trong những lời dạy của ngài cho học trò mình là "Đừng bao giờ đặt thêm lên đầu mình một cái đầu nào khác nữa." Có nghĩa là ta đừng bao giờ chấp nhận lời giải thích của bất cứ một ai khác. Hãy tự mình thấy…”
Thông tin tác giả. Tác giả Ven. Henepola Gunaratana, là một thiền sưnổi tiếng người Sri Lanka, thọ cụ túc giới vào năm 12 tuổi, trong một ngôi chùa nhỏ ở Sri Lanka. Ngài hoàn tấtchương trìnhgiáo dục tại đại học Vidyalankara và đại họcPhật học ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Ngài đã sang Ấn độ để làm việc thiện nguyện cho hội từ thiện Mahabodhi, sang Malaysia làm cố vấntôn giáo cho hội Sasana Abhivurdhiwardhana, hội từ thiệnPhật giáo, Liên đoàn thanh niên Phật tử Malaysia và dạy tại Phật pháp tại thủ đô Kuala Lumpur. Năm 1968 Thượng tọa Gunaratana đã đến Hoa kỳ làm Tổng thư kýdanh dự cho hội Phật giáo Vihara ở thủ đô Washington và giảng dạy Phật pháp tại Mỹ cùng nhiều nơi trên thế giới như Canada, Âu châu, Úc châu và New Zealand. Hiện nay, ngài là chủ tịch hội Bhavana ở West Virginia, hướng dẫn thiền tập và những khóa tu học tại đây. Ngài đã viết rất nhiều sách dạy về thiền và Phật pháp như: Bát chánh đạo – Con đường đến hạnh phúc (tự truyện), Chánh niệm – thực tậpthiền quán là cuốn sách nổi tiếng nhất của Ngài về thiền quán.
Dịch giả Nguyễn Duy Nhiên là một tác giả, dịch giả chuyên dịch các tác phẩmPhật giáonổi tiếng. Rất nhiều tác phẩm dịch của ông đã trở thành sách gối đầu giường cho các Phật tử, thiền sinh như: Chánh niệmthực tậpthiền quán (Henepola Gunaratana – tái bản rất nhiều lần); 30 ngày thiền quán (Jack Kornfield ), Kinh nghiệmthiền quán; Trái tim thiền tập, Lời kinh xưa buổi sáng nay, Đức Phật bên trong, Gửi người bạn tu học, Nơi ấy là bây giờ và ở đây, Thiền quán thực hành….
Cuộc hành hương 14 ngày đến xứ sở hạnh phúc Bhutan và thủ đô Nepal Kathmandu từ ngày 04-Sept- 2023 đến ngày 17-Sept- 2023 do Thầy Thích Tánh Tuệ hướng dẫn. Đoàn sẽ khởi hành từ cảng hàng không Los Angeles LAX.
Tòa Bạch Ốc đã tổ chức đại lễ Vesak lần thứ ba vào thứ Sáu, ngày 5 tháng 5 năm 2023 và chia sẻ với một tuyên bố từ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony J. Blinken về ngày lễ tôn vinh ba sự kiện trọng đại của Phật giáo: đản sinh, giác ngộ và niết bàn của Đức Phật. Lời Tuyên bố từ Bộ trưởng Ngoại giao Blinken đọc như sau:
Trong bối cảnh nhân loại vừa trải qua đại dịch Covid-19 và chiến tranh, xung đột còn diễn biến phức tạp đây đó trên thế giới; noi theo hạnh nguyện của Bồ-tát Thích Quảng Đức, tất cả Tăng Ni, Phật tử chúng ta cùng nhau dấn thân hơn nữa trên con đường thực hành Bồ-tát hạnh như lời Đức Thế Tôn đã dạy trong kinh Tư Ích Phạm Thiên sở vấn: “Bồ-tát là người có thể chịu đựng khổ đau thay cho tất cả chúng sinh, vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh mà hy sinh hạnh phúc của bản thân mình”. Tôi kêu gọi Tăng Ni, Phật tử các giới càng nên ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình tự thân để kết nên một đài sen cúng dường Đức Thế Tôn trong mùa Phật đản năm nay.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.