Thư Viện Hoa Sen

Ngồi thật yên và nghĩ lại mình

05/03/20153:27 CH(Xem: 18909)
Ngồi thật yên và nghĩ lại mình
NGỒI THẬT YÊN VÀ NGHĨ LẠI MÌNH
Minh Niệm
blank
Hãy chọn một góc nhỏ yên tĩnh nào đó trong
khu vườn nhà, hoặc bên khung cửa sổ nơi
có thể nhìn thấy sự sống đang diễn ra
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường hay chọn cách “ngồi thật yên” hay “ngồi nghĩ lại mình” để tạo dựng niềm vui cho bản thân mỗi ngày. 
Tuy ta không phải là nhạc sĩ, còn khối việc phải làm, nhưng ta cũng nên thử xem “ngồi thật yên” và “ngồi nghĩ lại mình” có thể xếp vào “thực đơn” cho những ngày không quá bận rộn này không. Biết đâu đó chính là “thực đơn” cần thiết để thay đổi hương vị cho một năm mới? Và biết đâu, đó sẽ là “thực đơn” mỗi ngày của ta cũng không chừng!

Ngồi thật yên

Hãy tạm gác mọi việc qua một bên, quyết tâm cho mình một cơ hội để thực sự ngồi yên xuống. Để làm được điều này thật không dễ dàng gì, bởi đối với ta việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng cần phải làm ngay cả. Nhưng nếu ta phải nhập viện vì một cơn bạo bệnh nào đó, hay kiệt sức vì lao tác, thì sao? Phải dừng lại thôi! Cơ thể ta đang cần như vậy và tâm hồn ta cũng cần như vậy. 

Thật ra chúng nó đã kêu than từ lâu lắm rồi, nhưng ta vẫn chưa chịu nghe, chưa chịu dừng lại để giúp đỡ. Dừng lại một khoảng thời gian vừa đủ để ta lấy lại sức, lấy lại sự cân bằng rồi đi tiếp, làm tiếp. Dừng lại để làm mới lại chính mình, để tạo sinh năng lượng mới từ cái nhìn mới về bản thân và cuộc sống. Dừng lại, ngồi yên và nhìn sâu vào chính mình thật ra vốn là nhu yếu của mỗi người muốn vươn tới giá trị chân thậtbền vững

Hãy chọn một góc nhỏ yên tĩnh nào đó trong khu vườn nhà, hoặc bên khung cửa sổ nơi có thể nhìn thấy sự sống đang diễn ra một cách màu nhiệm trên từng chiếc lá, nụ hoa, giọt sương, cánh bướm…

Hãy ngồi cho thật yên, đừng cựa quậy, đừng dịch chuyển nếu không thật cần thiết. Cứ ngồi yên như pho tượng, nhưng thả lỏng. Ngồi trên một chiếc gối, trên ghế hay dưới đất cũng được. Để cho tâm ý cũng yên lắng như thân, ta nên chọn một đối tượng nào đó xung quanh để quan sát, như một nụ hoa hay một chiếc lá chẳng hạn. Quan sát trong sự tươi tỉnh, thư giãn. Quan sát và cảm nhận mà không suy tưởng. Chỉ ý thức rằng ta đang ngồi đây, có mặt thực sự trong giây phút này, cảm nhận sự sống đang diễn ra đích thực. 

Nếu thấy tâm vẫn cứ bay nhảy lung tung thì ta hãy chú ý vào các cơ bắp trên gương mặt, hoặc đôi mắt đang khép hờ, đôi môi đang cười mỉm. Sự chú ý đi tới đâu thì sự thư giãn xảy ra tới đó. Giây phút ta cảm nhận từng sự máy động nhè nhẹ trên gương mặt, cảm thấy thoải mái dễ chịu, là giây phút ta dừng lại những vọng động lo nghĩ về quá khứ hay tương lai, giây phút ta dừng lại những mong cầu không cần thiết, giây phút ta được trở về với chính ta.

Từ lâu rồi đã không có cảm giác này, cảm giác an toàn như đứa trẻ đi xa được trở về nhà. Điều quan trọng hơn là ta đã bắt đầu tỉnh thức để nhận biết những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta, những thứ hết sức giản đơn nhưng lại là một phần của sự sống mà ta đã lãng quên, không màng đến. Trong giây phút ấy, ta sẽ nhận ra rằng chỉ cần đôi chân này không còn lành lặn, chỉ cần hơi thở ra đi mà không quay lại, chỉ cần vài thứ quanh ta tàn hoại thì ta đâu thể nào sống nổi, đâu còn gì để tranh đấu hơn thua?

Ngồi nghĩ lại mình!

 Ta hãy viết cho mình một lá thư tay. Viết thư cho chính mình là cơ hội để ngồi xuống nhìn kỹ lại mình. Cuộc sống quá bận rộn khiến cho người thân xung quanh ta ai nấy cũng luôn quay cuồng nên không có nhiều năng lượng để quan sát, cảm nhận hay thấu hiểu ta. Đôi khi họ cũng có góp ý, nhưng ta khó tiếp nhận vì ta mệt mỏi và họ cũng mệt mỏi. Người nghe không hết lòng mà người nói cũng không thành khẩn

Thế nên, ngồi lại để tự soi sáng bản thân là điều hết sức cần thiết. Soi sáng là nhìn nhận một cách khách quan về những năng lượng tích cựctiêu cực trong ta, là công tâm thừa nhận những gì ta đã làm được và chưa làm được, là đánh giá một cách trung thực những bước tiến và lùi của ta trong thời gian qua.

Hãy đi thẳng vào câu hỏi trọng tâm nhất, đó là ta đã làm gì để đem lại hạnh phúc cho chính mình và những người thân yêu của mình. Chỉ khi ngồi yên trong tĩnh lặng thì ta mới nhớ đến điều quan trọng hàng đầu này. Bởi ta thường bị cuốn trôi theo hoàn cảnh, đánh đồng giữa phương tiện sống và mục đích sống.

Ta sống để làm gì? Ta thương yêu để làm gì? Sống đâu phải để đi làm, để chỉ biết có công việc, để kiếm thật nhiều tiền, để thăng quan tiến chức, để khiến người khác phải ngưỡng mộ! Sống kiểu đó thì tạm bợ và mệt mỏi lắm. Trong khi đời sống đúng nghĩa là chỉ cần vài tiện nghi đơn sơ nhưng tâm hồn lúc nào cũng thanh thảnchan chứa yêu thương

Yêu thương là hiến tặng những cái hay - cái đẹp - cái lành cho người ta thương. Yêu thươngcảm thông, là nâng đỡ, là chấp nhận những khó khăn của nhau. Chứ không phải kiểu yêu thương mà cứ làm khổ nhau triền miên, cho thì ít mà đòi hỏi thì nhiều.

Ta hãy thật lòng xin lỗi với con người vốn rất dễ thươngtrong trẻo của mình rằng, thời gian qua vì thiếu tỉnh thức, thiếu nhìn lại, thiếu làm chủ cảm xúc mà ta đã đối xử tệ bạc với chính mình. Do không cưỡng lại nổi những ham muốn mà ta đã tự hành hạ bản thân rất nhiều. Không cho nó nghỉ ngơi, không cho nó thưởng thức trọn vẹn bữa ăn hay giấc ngủ, không cho nó tập thể dục, không cho nó nạp những “sinh tố” mà trái lại toàn là “độc tố” từ sách báo, phim ảnh và chuyện trò. 

Ngoài ra, ta cũng tự sám hối với lòng rằng một năm qua ta cũng làm khổ người thân yêu của ta rất nhiều. Dù rất thương yêu nhưng ta vẫn không ngừng mang lại cho họ những năng lượng tiêu cực, độc hại. Nhưng may là ta vẫn còn cơ hội để nhìn lại, để sửa chữa, để bù đắp. Tự hứa với lòng sẽ sắp xếp cuộc sống ngăn nắp lại, như lời dạy của cụ Nguyễn Du, “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Ta sẽ dành nhiều thời gian để vun đắp khu vườn tâm của mình, để ta hiến tặng những người thân yêu của ta bằng chính con người dễ thương của mình. Đó là món quà quý giá nhất mà người thương ta cần nhất. Bởi ta sống là vì tình thương yêu chứ không phải vì những hư danh hay những món vật chất vô tri kia.

Một năm nhìn lại từ những giây phút lắng đọng như vậy chắc chắn sẽ mang lại cho ta những cảm nhận và cảm xúc mới về bản thân và cuộc sống. Lúc ấy, tâm vị kỷ sẽ rơi rụng bớt để nhường chỗ cho tâm vị tha, và cả ý muốn phục vụ cộng đồng cũng sẽ trở lại, như Trịnh Công Sơn đã từng nhìn rõ quê hương” mà biết rằng “đất nước cần một trái tim” mỗi khi ngồi yên.

Đó là những cảm nhận và cảm xúc rất thật. Làm mới tâm hồn là làm mới cái nhìn về cuộc sống và cả thái độ sống. Ta hãy tự chúc mình có những bước đi tỉnh thứcvững vàng trong năm mới!

Minh Niệm (PNNN)

 
Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: