Thư Viện Hoa Sen

Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (6)

29/08/20152:15 CH(Xem: 15540)
Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (6)

blank

 

7- Ngày thứ 7 (Bài thứ sáu)

- Chiều ngày 22/6/ÂL

ngoi thien hkst 02
Chư sư và chư ni đang ngồi thiền trong khoá an cư kiết hạ 2015
tại Huyền Không Sơn Thượng (ảnh: Huyền Không Sơn Thương)

Để thêm đức tin và thêm trí tuệ cho chúng ta khi đang theo dõi hơi thở, bám sát hơi thở, hôm nay thầy sẽ nói đến 5 quyền (căn) và 5 lực: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Từ quyền (xưa nay ai cũng dịch là căn) là dịch chữ Pāḷi Indriya. Indriya là khả năng kiểm soát, là khả năng dẫn đạo, nó có quyền lực chi phối các tâm sở khác... Ví dụ như tín, tín tâm sở. Khi tín tâm sở được củng cố, huân trưởng... khởi lên, thì nó có một quyền lực, một sức mạnh dẫn dắt, điều động các tâm sở khác bắt chúng phải tuân phục, đi theo. Tín có chánh tín và tà tín. Chánh tín của người Phật tử khi đã có rồi, vững chắc rồi, thì sẽ vượt qua tất thảy mọi khó khăn. Họ có thể thiếu cơm, rách áo mà không chau mày khi theo Phật. Họ có thể nhảy vào lửa, có thể vượt qua vực thẳm chông gai. Hình ảnh những người Tây Tạng quỳ lạy bằng cách nằm sấp trên đường để đến chỗ hành hương cả ngàn dặm sẽ minh chứng cho sức mạnh của đức tin ấy. Còn một số ngoại đạo, tà giáo cuồng tín thì sẵn sàng ôm bom tự sát, khủng bố... vì họ tin sẽ tới được với thánh Allah.

Gần vấn đề tu tập hơn. Khi ngồi thiền, mình tin vào bản thân mình, tin vào pháp, tin vào đề mục mà mình đã lựa chọn, tin vào vị thầy đang dẫn dắt mình. Chính những đức tin ấy tạo cho mình một sức mạnh, để kiên quyết không lơ là, không giải đãi, không buồn ngủ, không phóng dật... để cho tâm nhẹ nhàng an trú. Tín tâm sở, một tâm sở thiện, có sức mạnh (quyền lực, indriya) thì nó sẽ kéo theo, điều động các tâm sở thiện khác.

Vậy thì do tín của ta chưa có hay chưa đủ? Chính chưa có hoặc chưa đủ nên các triền cái mới nẩy móng, sanh vuốt phá hoại sự an lành, an toàn của các thiện tâm sở.

Trường hợp khác, khi tín đã có rồi nhưng còn yếu thì ta sử dụng thêm năng lực thứ 2 đó là tấn tâm sở (trong tín, tấn, niệm, định, tuệ).

 Tấn ở trong thiền, trong ngũ quyền khác với tấn trong Tứ Chánh Cần. Tấn trong Tứ Chánh Cần có 2 vế, thiện và ác. Vế thiện thì, khi thấy thiện chưa sanh thì làm cho thiện được sanh khởi; khi thiện đã sanh rồi thì làm cho nó tăng trưởng. Vế ác, khi ác chưa sanh thì làm cho nó đừng sanh, khi ác đã sanh rồi thì làm cho nó diệt mất. Tứ Chánh Cần là một năng lực hữu vi, một nỗ lực, một sự cố gắng để làm lành lánh ác. Trong đời sống, trong sinh hoạt tu tập thường nhật là Tứ Chánh Cần này. Khi tu tập riêng lẻ cũng Tứ Chánh Cần nầy.

Còn tấn khi hành thiền thì nó “nhẹ nhàng” hơn nhiều. Có một cái rất tinh tế, vi tế ở đây, là nếu khởi nỗ lực hữu vi thì bên trong tiềm tàng bản ngã và sở đắc, bên trong ẩn giấu động lực của tham tâm sở. Thấy chưa? Nguy hiểm chưa? Vậy nên thầy dùng từ “nhẹ nhàng” ở trên, và khi ngồi thầy có dặn là để tâm rỗng không, “ngồi như chơi” đó sao! Tấn, trong không gian sinh hoạt này là buông thư, thanh thản để tâm nhẹ nhàng vào ra, xuống lên với hơi thở. Chỉ cần dính khít liên tục là đã toát lên công năng của tấn tấm sở rồi. Và khi tấn tâm sở được duy trì liên tục, ngoài việc hỗ trợ cho tín tâm sở, nó còn làm cho đau nhức lắng dịu, mà hôn trầm, thuỵ miên cũng phải tỉnh thức dậy.

Tấn tạo đủ năng lượng sẽ đưa đến niệm. Niệm đây cũng là Chánh Niệm trong Bát Chánh đạo; cũng là niệm trong Tứ Niệm Xứ. Tuy nhiên, niệm trong khi theo dõi hơi thở chỉ có nghĩa là ghi nhận, nắm bắt hơi thở liên tục, không gián đoạn. Và nhờ công năng của niệm mà định xuất hiện, sau đó là tuệ (có nhiều loại tuệ, cấp độ của tuệ chưa bàn ở đây).

Và khi mà 5 quyền đủ thuần thục, đúng độ thì phát sanh 5 lực. Ở đây, trong 37 trợ đạo phẩm gọi là 5 quyền, 5 lực. Có lực (bala) chúng mới mang sức mạnh thật sự. 5 quyền, 5 lực này giúp ta thành tựu các bậc thiền từ thấp lên cao cùng mở ra cánh cửa Tứ thánh đạo quả.

- Tối ngày 22/6/ÂL

Hôm nay có 2 người trình pháp. Thầy không cần thiết phải nói tên hành giả ra đây – mà thấy đây là 2 trường hợpmọi người ai cũng có thể vấp phải. Hôm nay chỉ nói một.

Người thứ nhất nói rằng: “Khi con theo dõi hơi thở một thời gian thì con thấy trong ‘không gian võng mạc’ xuất hiện một bầu trời, hơi sáng, màu sắc loãng, nhạt; sau đó nó sáng dần lên, trông như một góc trời mà mây được vén ra. Một khoảng nhỏ thôi không có hình dạng rõ ràng... Đôi khi con lại thấy nhiều màu sắc, nhiều hình ảnh... không biết tại sao? Có nên trú vào cái ánh sáng ấy chăng? Có nên ngắm xem những hình ảnh ấy chăng?”

Về việc ánh sáng, màu sắc và hình ảnh, thầy sẽ nói rộng ra cho mọi người cùng nắm bắt.

Trong 10 đề mục biến xứ (kasiṇa) làm đối tượng cho thiền định (đất, nước, lửa, gió, xanh, đỏ, trắng, vàng, hư không, ánh sáng) có đề mục ánh sáng. Ánh sáng có nhiều cách tạo ra:

- Ngồi trong nhà, khoét một lỗ tròn nơi vách, tường, đường kính cỡ chừng 25-30 cm. Ánh sáng tròn ấy chính là đối tượng để cho hành giả nhìn ngắm, chú tâm, nhiếp tâm vào đấy.

- Có thể dùng ánh sáng đèn chiếu qua một vòng tròn trên tấm gỗ, ván... hay carton cũng được.

- Có người vận dụng ngồi nhìn ngọn đèn sáng trước mặt, cũng được (Có người vận dụng, biến kasiṇa thành cục thuỷ tinh tròn. Chùa Dhammakaya ở Thái Lan vận dụng cục thuỷ tinh này đi qua các luân xa nên rất nhiều người đắc định. Chỉ lạ một điều, trong Tam Tạng và cả chú giải, giáo pháp Nguyên thuỷ không hề nói đến các luân xa và chuyện mở luân xa!)

Vấn đề là cần có ánh sáng trong khoản giới hạn nào đó, mà khi nhìn, mình dễ nắm bắt toàn bộ ánh sáng ấy. Nhìn chăm chú, liên tục... khi mình nhắm mắt lại, lần thứ nhất, ánh sáng có trong tâm nhưng mờ nhạt rồi mất hẳn. Nhìn lại, chăm chú thêm nữa; nhắm mắt lại lần hai, cái tròn ánh sáng ấy hiện ra rõ hơn nhưng rồi mờ nhạt, lại mất. Lần 3,4, 5, 6, 7...10... cho đến khi nhắm mắt lại, ánh sáng tròn, tuy không sáng lắm nhưng nó hiện rõ trong tâm.

Ánh sáng, đối tượng bên ngoài (cái có thực) Abhidhamma gọi là sơ tướng (tướng ban đầu); ánh sáng hiện rõ trong tâm (do tưởng tập trung mà có) được gọi là thô tướng (còn thô tháo, chưa rõ). Giai đoạn 3 là chú tâm như nhất vào cái tướng sáng trong tâm ấy cho đến khi nó sáng viên mãn như viên bạch ngọc (như mảnh trăng rằm giữa trời) thì lúc ấy quang tướng đã tựu thành. Lúc này, ý môn của hành giả nắm bắt quang tướng để đi vào cận hành định, an chỉ định. Vậy, có quang tướng mới có định, không có quang tướng không có định.

Khi ngồi thiền sổ tức hay tuỳ tức, do nhắm mắt lại nên “không gian võng mạc” thường tối đen. Tuy nhiên, do mắt nhắm không khít nên ánh sáng bên ngoài xen vào qua kẽ hở rất nhỏ mà ta thấy mờ mờ hoặc hiện ra màu sắc này, màu sắc nọ không có gì lạ cả. Cũng có thể, mắt nhắm rất khít nhưng lần hồi màu này, màu kia hiện ra... hoặc chúng đổi màu không rõ ràng là do “tâm thức nghiệp cảm” từ quá khứ của vị ấy. Thầy nhớ trong Thanh Tịnh Đạo có kể một vị tỳ-khưu già, xuất gia chưa được bao lâu (chưa hề hành thiền trong hiện kiếp), bước vào ngôi chùa kia trông thấy một bình hoa vàng. Vị ấy chợt nhìn bình hoa, một hồi, vị ấy đứng đắc định tại chỗ luôn. Không có gì lạ cả, vì nhiều kiếp trước, vị ấy đã từng lấy đề mục “màu vàng” làm đối tượng thiền định. Bình hoa vàng ngoại cảnh, tác động, duyên khởi chủng tử trong vô thức - đề mục màu vàng – nên vị ấy trú tâm, nhiếp tâm “quang tướng” ấy nên đi vào định!

Hình ảnh, cũng vậy! Khi những chướng ngại như đau nhức, hôn trầm, thuỵ miên không còn nữa – tâm tạm thời lắng dịu thì trong vô thức nó trào vọt ra đủ thứ chuyện lạ! Thuở còn thanh niên, thầy đã ngồi thiền rồi, hễ cứ ngồi yên một chút thì thầy thấy những hình ảnh hiện ra. Ảnh này ảnh kia kế tục xuất hiện, tấm hình này, tấm hình nọ hiện ra rõ mồn một như xem một tập hình. Nhưng lạ lùng, có những cảnh quen quen... tảng đá mình từng ngồi, cái góc cảnh có con suối này cũng vậy, góc rừng kia cũng thế, quen lắm... Rõ ràng đều là những hình, những ảnh không có trong kiếp hiện tại! Từ vô thức nó trào vọt ra đấy! Có dịp thầy sẽ kể thêm, nhiều lắm, lạ lắm!

Thuở ấy, thầy mải mê xem, thích lắm. Nhưng sau này, khi chúng hiện ra, cứ nhìn ngắm tự nhiên, điều chỉnh lại hơi thở, không thủ, không xả, chúng tự mất.

Trường hợp người trình pháp hôm nay, thầy thấy vị ấy chưa có một đối tượng rõ ràng, tâm đang còn nhìn ngắm lan man. Qua câu chuyện kể của thầy vừa rồi, thầy muốn vị ấy tự chiêm nghiệm để rút ra bài học tu tập cho mình. Có màu sắc thì nên ghi nhận như vậy để cho nó tự đi. Có hình ảnh, hãy ghi nhận hình ảnh như vậy rồi để cho nó tự đi. Tuy nhiên, nếu muốn màu sắc xanh, đỏ, trắng hay vàng... thì phải tự tạo kasiṇa. Còn ánh sáng, cũng vậy, nên ngồi nhìn biến xứ kasina ánh sáng để đi lại từ đầu qua ba giai đoạn sơ tướng, thô tướngquang tướng như đã nói ở trên.

Còn những người khác, nếu có cái gì lạ nữa xuất hiện thì trình pháp tiếp, rồi thầy sẽ kể chuyện tiếp.

MỤC LỤC



Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: