An tâm

16/01/20169:00 SA(Xem: 15116)
An tâm

AN TÂM
Chân Hiền Tâm

 

Duc PhatThằng nhóc nắm lấy tay tôi săm soi rồi nói: “Lấy cái khoảng mười năm của tuổi ba mươi làm mốc…” - ý thằng nhóc là trong cái khoảng từ 31 đến 39, trong khoảng thời gian đó, có một thời điểm, được định dấu bằng một dấu chấm sâu trong lòng bàn tay của tôi - “… có một sự thay đổi lớn trong đời cô”. 

Thấy tôi không nói gì, hắn chỉ chỉ để chứng minh cho lời hắn nói: “Cô coi đi nè! Cô thấy cái khúc này không? Nó sọc ngang sọc dọc chĩa chọi tùm lum, còn khúc này chỉ là một đường thẳng tắp. Đoạn trước lên voi xuống chó ít có sự an bình. Đoạn sau yên ổn an bình cho tới chết…”.

An bình cho tới chết? Có chắc là an bình cho tới chết không, khi mình đánh giá tương lai chỉ bằng những hiện tướng trong hiện tại mà những hiện tướng đó lại có thể thay đổi tùy theo phước nghiệp của từng người? Hiện tại đang tu hành yên ổn thì hiện tướng nó như thế. Nhưng giả như trên đỉnh cao của phước nghiệp, mình trở thành kẻ ngạo mạn, coi thường tất cả, để tham sân tật đố lộng hành thì liệu lời tiên đoán đó có còn chính xác? Tôi không tin bói toán, không phải vì nó thiếu tính chính xác. Chỉ là vì mọi thứ đều do duyên hợp, duyên thay đổi thì mọi thứ thay đổi. Trong khi bói toán chỉ có thể phán vào thời điểm mà duyên hiện tại đang chi phối

Vì thế với những gì thuộc định nghiệp thì có thể nó chính xác, nhưng với bất định nghiệp thì chưa chắc. Đó là lý do tôi thờ ơ với bói toán hoặc tin nó với cái nhìn thời vụ, tức chỉ tin những gì đã thuộc quá khứ hay ngay trong thời điểm hiện tại mà thôi. Còn những gì thuộc tương lai tôi ít quan tâm. Song quá khứ đã qua, tin hay không tin cũng không nghĩa lý gì nữa. Hiện tại thì thời điểm nào mới thực là hiện tại? Trước một chút hay sau một chút đã rơi vào quá khứ hay tương lai. Khó mà định hình được chính xác cái gọi là hiện tại. Mọi thứ đều nằm trong thế tương đối… 

Tôi không quan tâm lắm vào những gì hắn nói, nhưng tôi thích những gì hắn nói.

Việc đầu tiên là hắn không xác định chính xác khoảng thời gian cuộc đời tôi thay đổi. Đúng là không thể xác định được, dù mọi thứ đã thuộc về quá khứ. Bởi thay đổi có khi là cả một quá trình. Nhân đã gieo nhưng chỉ hiện rõ khi quả thành hình. Và thường thì chúng ta chỉ nhận ra sự thay đổi khi cái quả thành hình đó. Ít người nhận được khi nó mới là cái nhân.

Đúng là đã có một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của tôi. Năm 36 tuổi. Nhưng để hình thành nên bước ngoặt ấy, nó đã bắt đầu từ đâu đóbản thân tôi cũng không định hình được. Có thể là vào một buổi chiều nào đó, khi nhìn mây trắng bay, chợt nhận ra cuộc đời một người cũng như những tảng mây kia, tụ rồi tán… Đã có những mầm mống thay đổi nhen nhúm mà mình không biết, cho đến khi nó thành một bước ngoặt lớn trong đời mình, để kịp nhận ra đã có một sự thay đổi rồi.    

Thứ hai, là sự an bình. Lên voi xuống chó nên ít có sự an bình. Ừ, sự an bình không thể có với một người bình thường khi họ phải “lên voi xuống chó” quá nhiều bận. Một nhóm từ được dùng để chỉ cho thứ gì đó không được bằng phẳng. Lên voi thì cao xuống chó thì thấp. Đang ở trên đỉnh cao danh vọng và tiền bạc bỗng dưng mất sạch mọi thứ thì nhất định khó có sự an bình. Bởi “bình” là nói về một thứ gì đó bằng phẳng, đều đều, ngang ngang. “An” là chỉ cho sự yên ổn. “An” thường đi đôi với “bình” mà thành bình an hay an bình. Từ “có” chuyển thành “không” thì cái đều đều ngang ngang đã mất. Một sự thay đổi đã xuất hiện khiến mọi thứ xáo trộn

Có người đã tự sát vì không chịu được sự xáo trộn đó. Chỉ là một xáo trộn bên ngoài nhưng vì bao lâu nay, mình đã để tâm an trụ quá lâu ở cái ngưỡng bên ngoài đó, nên khi nó đổ, mình ngã quỵ theo. Nếu thấy có, không, được, mất chỉ là cảnh bên ngoài, đủ duyên thì có, hết duyên liền không, còn tâm vẫn là tâm, không phải vật cũng không phải cảnh thì sự thay đổi nơi cảnh không khiến tâm thấy bất an mà thành như thế.

Dù có được ngồi voi dài hạn chăng nữa thì ở đó không hẳn đã có sự an bình. Ngày cha còn sống, đang ở trên đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc, ông đã nghĩ đến một miếng vườn để yên ổn lúc tuổi già. Không ít người đã có tư tưởng như ông khi đang còn trong nhung lụa. Có người đã thực hiện việc đó ngay trong điều kiện hiện tại để tìm thấy sự yên ổn cho mình khi có thời gian, dù chỉ dăm ba ngày. Một đại gia đã nói với tôi, ông luôn thấy bất an dù mọi thứ chung quanh đều thành công và đầy đủ, dù ông đã và đang làm nhiều việc phước thiện cũng như thực hành việc thiền định

Thiền định nếu được thực hành đúng mức, bình an nhất định có. Nhưng có lẽ với năng lựcđiều kiện hiện tại không cho phép ông thực hành việc thiền định đúng nghĩa của nó, nên không thể tìm thấy bình an... Điều đó cho thấy ngay trong những thứ mình thấy có vẻ đều đều bình bình kia, ngay trong những thứ mà nhiều người vẫn mong muốn sở hữu, nghĩ sở hữu được, nó sẽ giúp mình an vui… vẫn tồn tại một sự bất an, có khi rất lớn. “Vinh quang càng cao. Bất hạnh càng lớn”. Đó là câu nói của một diễn viên điện ảnh nổi tiếng, Alain Delon, khi ông đang trên đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc. Không đợi mọi thứ xáo trộn, bất an mới xuất hiện

Hai loại bình an

Khi chúng ta không lo âu, sợ hãi v.v… thì bình an xuất hiện. Tuy cùng gói gọn trong chữ bình an nhưng trạng thái bình an ở mỗi người không như nhau. Có thứ bình an lệ thuộc vào cảnh, có thứ bình an không lệ thuộc vào cảnh. Chỉ chừng đó đã thấy có hai loại bình an. Trong mỗi loại bình an, còn có vô số trạng thái bình an khác nhau. Là do nó lệ thuộc vào duyên nghiệp của từng người. Nói theo cách bây giờ là tùy quan niệm của từng người mà chúng ta có những loại bình an với mức độ khác nhau.   

Loại bình an lệ thuộc cảnh

Với loại bình an này, khi duyên bên ngoài thuận lợi tương hợp với mình, mình thấy bình an. Duyên bên ngoài không như ý thì mình thấy phiền não. Có người tìm thấy sự bình an khi có được một gia đình hạnh phúc thì chỉ cần gia đình hạnh phúctìm thấy bình an. Có người chỉ tìm thấy bình an khi đọc học kinh sách thì đọc học kinh sách mới là thứ giúp họ thấy bình an. Có người, việc công quả ở các thiền viện mới giúp họ tìm thấy bình an. Có người lấy việc không thấy không nghe những gì không thích làm chỗ bình an. Có người lấy việc nương tựa vào một ai đó làm chỗ bình an...

Một đứa nhóc đã nói với tôi, khi nhìn thấy cảnh thằng nhóc bị xe cán qua đầu và mẹ nó thì như người mất hồn ngồi bên cạnh, con thấy bấn loạn hết cả người, nhưng vừa lúc đó, thấy bóng cô bên kia đường, con thấy bình an lập tức. Khá nhiều người đã tìm thấy bình an theo cách như thế. Ngày trước, xuống thiền viện là nhu cầu rất lớn của tôi mà có lẽ cũng là nhu cầu của nhiều người. Đơn giảnchúng tôi tìm thấy ở đó một sự bình an. Chỉ cần bước vào cổng thiền viện Thường Chiếu, tôi đã cảm nhận được hôm nay Hòa thượng Trúc Lâm về. Một cái gì đó lan tỏa trong tâm khác hẳn ngày thường. Còn bình thường thì tìm thấy sự bình an nơi Hòa thượng Thường Chiếu

Một người đã nói: “Tôi có cảm giác đến với Hòa thượng như luôn có điều gì ngăn ngại. Rồi chạy về thầy trụ trì để thấy ‘tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng…”1. Thằng nhóc em tôi cũng nói: “Sao ngồi bên Hòa thượng Thường Chiếu thì thấy an lành mà ngồi cạnh thầy TH em thấy không yên…”. Đa phần siêng đến thiền việntìm thấy ở đó một sự bình yên.

Tuy vậy, không phải ai cũng tìm thấy sự an bình nơi Hòa thượng Thường Chiếu như chúng tôi. Có người cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với ngài. Con nhóc cứ cúi sát đầu như tránh né một việc gì đó trong khi Hòa thượng đang rất an bìnhtừ bi giảng giải mọi thứ. Bản thân tôi cũng vậy, không phải thiền viện nào cũng khiến tôi thấy an bình như ở Thường Chiếu. Có nơi, mới đặt chân xuống đã thấy nóng bức bực bội dù không ai làm gì mình.

Tất cả đều không ngoài hai chữ duyên nghiệp.

Vì hai chữ “duyên nghiệp” này mà người thì tìm thấy an bình ở nơi này, người thì tìm thấy an bìnhnơi khác. Người thì tìm thấy an bình nơi Đức Phật, người thì chỉ có Đức Jesus mới mang lại an bình cho họ. Cùng ở một người mà kẻ khi ở gần lại thấy sợ hãi, kẻ lại thấy bình yên dễ chịu v.v...

Vì có thể tìm thấy sự an bình khi có được một hoàn cảnh tương hợp, nên người đời thường có khuynh hướng hướng ngoại tìm cầu hơn là quay vào trong điều phục tâm mình. Chúng ta trở thành những kẻ thích lang thang, tránh cảnh này tìm cảnh nọ. Hy vọng có thể tìm một cảnh giới nào đó có thể mang lại sự bình an cho mình. Song tìm ra được cảnh giới đó rồi thì chưa chắc đã có bình an lâu dài. Bởi thứ gì còn lệ thuộc vào cảnh, thứ đó chỉ mang tính tương đối, luôn chịu sự chi phối của vô thường nên không bền chắc. Nó sẽ thay đổi khi cảnh thay đổi. Có khi cảnh không thay đổi nhưng tâm mình lại thay đổi, nên việc đi tìm bình an lại tiếp tục.

Với loại bình an lệ thuộc cảnh này, muốn có sự bình an lâu dài, cần gieo những cái nhân giúp cảnh luôn được thuận hợp với tâm để giữ sự an bình. Nhân tốt không gì bằng thực hành Thập thiện. Tùy mức độ thực hànhchúng taquả báo tương thích nhiều hay ít. Sự tương thích ấy giúp chúng ta thấy bình an. Ngoài ra, trong các bài kinh thuộc hệ A-hàm, Phật cũng nói đến tâm bất an là do chúng ta không giữ gìn năm giới. Nếu phạm vào một trong năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không nghiện ngập một thứ gì đó như rượu v.v…) thì không tìm thấy bình an. Tùy mức độ vi phạmquả báo theo đó có sai khác. Vì thế, muốn có bình an, cần giữ gìn năm giới.        

Có khá nhiều loại bình an hình thành từ duyên nghiệp của mỗi người, nên bình an thành có thô tế không đồng. Không phải chỉ với loại bình an lệ thuộc cảnh mới có mức độ thô tế khác nhau, ngay loại bình an không lệ thuộc cảnh, cũng có mức độ thô tế không đồng. Mức độ thô tế này y cứ vào sự thanh tịnh của tâm mà lập. Tâm càng thanh tịnh, mức an bình càng cao.    

Loại bình an không lệ thuộc cảnh

Huệ Khả là vị Tổ thứ hai trong sáu vị Tổ ở Đông độ. Lần đầu gặp Tổ Đạt Ma, ngài đã thỉnh cầu:

- Tâm con không an, xin thầy cho con pháp an tâm.

Tổ Đạt Ma nói:

- Đem tâm ra đây, ta an cho.

Tổ Huệ Khả thưa:

- Con tìm tâm không thể được.

Tổ Đạt Ma nói: 

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Tâm không an và muốn an. Đó là tình trạng mà khá nhiều người trong chúng ta hiện nay đang gặp trong đời sống thường nhật của mình. Đang yên lành bỗng thấy nôn nóng bất an, liền nghĩ ngay đến một phương cách nào đó có thể giúp mình thoát khỏi tình trạng hiện tại. Có người tìm đến chốn ăn chơi để khỏa lấp tình trạng đó. Có người lại dùng thuốc để quên đi hiện tại khó chịu. Có người tìm đến chùa chiền. Có người điện thoại hay tìm gặp một nhân vật có thể giải quyết trạng thái bất an của mình v.v... Khá nhiều phương cách được nghĩ đến để giải quyết tình trạng bất an

Song ít ai có cách làm như Tổ Đạt Ma. “Mang tâm ra ta an cho”. Ngươi nói tâm ngươi bất an, vậy mang cái tâm bất an đó ra đây. Tổ không hề bảo về giữ ngũ giới cho kỹ hay “đến lúc phải nhập thất rồi con”, mà là mang cái tâm bất an đó ra đây. Chỗ nào thấy bất an thì cứ ngay đó mà xử lý, không nương tìm đâu khác. Tổ Huệ Khả tìm không thấy. Tâm bất an không có, đồng nghĩa với tâm bình an hiện tiền. Thẳng tắt và đơn giản. Cho nên, Tổ nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Song đó không phải là phương cách mà ai cũng có thể thực hành. Vì tâm chúng sinh nhiễm ô quá nhiều, lực của dòng vọng tưởng quá mạnh, đủ duyên liền khởi. Khó mà chỉ ngay tâm điều phục, không cần nương cảnh tịnh ổn tâm. Nên người đời thường có khuynh hướng mượn cảnh để chỉnh tâm, cho đến khi tâm đạt được loại bình an không lệ thuộc cảnh. Nếu đạt được loại bình an này thì dù ở trong cảnh náo loạn, mình vẫn thấy bình an.

Sa-di Cao đến tham vấn Thiền sư Dược Sơn, Dược Sơn thượng đường gọi:

- Sa-di mới đến ở đâu?

Sư ra khỏi chúng đứng im.

Dược Sơn hỏi:

- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?

Sư thưa:

- Nước con an ổn.

“Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, kinh Duy Ma nói như vậy. Nếu tâm thật sự an thì cảnh giới bên ngoài cũng an. Vì “Tam giới duy tâm. Vạn pháp duy thức”. Nhưng mọi thứ không đơn giản chỉ có thế, vì còn lời nguyện độ sinh của chư Bồ-tát như Quán Âm, Địa Tạng v.v… Vì thế tâm an mà cảnh bên ngoài có khi vẫn không an, nhưng trong cái không an đó tâm vẫn an. Một loại an không lệ thuộc vào cảnh. Không cần phải có một hoàn cảnh phù hợp với tâm ý thức của mình, mình mới an. Dù ngoài có sao chăng nữa thì an vẫn là an. Đó là loại an mà Sa-di Cao và Dược Sơn đang đề cập đến.  

Dược Sơn hỏi tiếp

- Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?

trả lời:

- Chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được.

Loại bình an Sa-di Cao đang sở hữu không thể mang từ ngoài vào, không y cảnh mà có. Nó không phải là loại bình an thu lượm được khi tụng đọc một bài kinh hay xem vài trang sách, như “Khi thấy bất an, chỉ cần tụng một bài kinh, tâm liền thấy an”, hoặc “Lấy các bài của Hòa thượng ra đọc, tâm liền thấy an v.v…”. Đây không phải là những loại bình an đó. Nó không lệ thuộc vào duyên, chỉ là cái sẵn đủ nơi mọi người. Hãy nghe Sa-di Cao trả lời.

Dược Sơn nói:

- Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, sao chẳng được?  

trả lời:

- Đừng nói họ chẳng được, chỉ vì không chịu thừa nhận.

Nói đến mấy chữ “chẳng được” và “thừa nhận” thì ắt hẳn “cái đó” phải sẵn đủ. Đúng là mọi người đều sẵn đủ tâm đó. Một cái tâm sở hữu bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Là tâm ma-ha Lục tổ nói trong kinh Pháp bảo đàn, tâm chân như nói trong luận Đại thừa khởi tín v.v... Tuy vậy, chúng ta đã quên nó từ lâu, chỉ chạy theo những dao động của bất giác và nhận những dao động đó là mình. Nhận những phiền não chướng cho là tình cảm của mình. Nhận những sở tri chướng cho là tư tưởngsuy nghĩ của mình. Mải miết theo đó, cảnh bên ngoài y đó mà hiện. Không biết chúng chỉ là những bóng ảo không có chất thật, đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không. Ngay khi đang hiện cũng đã không. Do lầm chấp như thế nên tùy cảnh mà đổi tâm. Tâm cứ đó mà nổi sóng mòi, lưu chuyển tương tục không dứt. Huân rồi biến. Biến rồi huân. Dao động càng lớn, bất an càng nhiều.  

Nếu tâm đó sẵn đủ như Sa-di Cao đã nói, tức bình an cũng thường đủ, vì sao hiện nay ít ai cảm nhận được nó mà phải bươn chải kiếm tìm? 

Theo luận Đại thừa khởi tín, bình an là tướng và dụng của tâm chân như. Cội nguồn chân thật ấy vốn không có sinh diệt, do không tự tánh nên không tự giữ, bất giác động niệm huân thành vô minh mà có sinh diệt. Sinh diệt chẳng lìa không sinh diệt. Từ đó mới có chúng hữu tình và cảnh giới chúng sinh… Luận đã diễn tả quá trình đó thành ba tướngVô minh nghiệp tướng, Kiến tướngCảnh giới tướng.

Vô minh nghiệp tướng, là cái bất giác làm tâm động, từ đó có sự lưu chuyển không ngừng. Động liền có khổ, vì quả không lìa nhân. Bất an y đó mà lập. Nó là nhân để Kiến tướngCảnh giới tướng xuất hiện

Kiến tướng, là chỉ cho tâm năng biết. Tâm năng biết hiện nay của chúng ta là phần nhiễm ô của tâm Kiến tướng này. Vì nó chất đầy phân biệtchấp thủ. Tâm chúng sinh, đa phần đều đầy đủ 9 tướng bất giác, không phải chỉ có 3 tế như thánh nhân mà còn thêm 6 thô là Trí tướng, Tương tục tướng v.v…

Cảnh giới tướng, chỉ cho thân và cảnh giới của một chúng hữu tình. Tế hơn là chỉ cho hư không và tứ đại2. Như hiện nay, chúng ta đang sở hữu một chiếc thân mấy chục ký với một hoàn cảnh gia đình, xã hội, đất nước như thế này hay thế kia…, tất cả đều thuộc Cảnh giới tướng.

Cảnh vốn từ tâm mà hiện, tâm vốn không sinh diệt, chỉ do bất giác mà thành sinh diệt. Chúng sinh lại ngay nơi cái sinh diệt đó mà nhận là mình. Bất an mới xuất hiện. Vì thế chư vị thánh nhân không nương cảnh tìm bình an mà quay lại hàng phục tâm mình, trừ cho sạch cái sinh diệt. Sinh diệt diệt rồi thì tịch diệt hiện tiền an vui.

Tùy mức độ hàng phục sinh diệt, bình an theo đó mà lập. Vì thế loại bình an này cũng không tránh được thứ lớp thô tế.

Bình an trong Tứ thiền có sự sai khác ở bốn quả vị.

Bình ancõi trời Vô tưởng không như bình anquả vị La-hán.

Chư vị La-hán và thánh Thập địa vẫn còn chịu sự chi phối của Biến dịch sinh tử. Vì thế tuy chư vị nhận được sự bình an không lệ thuộc cảnh. Nhưng bình an ở các quả vị đó không thường hằngrốt ráo như ở quả vị Phật.

Chư vị La-hán diệt dòng sinh diệt để có sự an bình.

Chư vị Bồ-tát đăng địa, nhất là từ Bát địa trở về sau, nhận ra được thực tướng của sinh diệt. Vì thế tuy cũng diệt sinh diệt mà chỉ là diệt cái lực của sinh diệt. Vẫn lưu hoặc rồi dùng nguyện lực độ sinh. Kinh Duy Ma nói: “Bồ-tát hành phi đạothông đạt Phật đạo… Đến nơi địa ngục mà không có tội cấu. Thị hiện xan tham mà xả hết của cải trong ngoài không tiếc thân mạng. Thị hiện sân nhuế mà thường từ bi nhẫn nhục… ”. Chính là nói về việc lưu hoặc độ sinh. Tướng thị hiện là thế mà tâm không như thế. Trong cảnh bất an, tâm vẫn an.     

Bình an của chúng sinhpháp duyên khởi

Ngoại trừ Phật, còn lại đều gọi là chúng sinh.

Bình an lệ thuộc vào quan niệmtâm thức của từng người, nên nói đến bình an là nói đến pháp duyên khởi, tức tùy duyên mà có bình an, bình an không có tướng cố định. So với tâm loạn động của chúng sinh thì tâm ở quả vị Sơ thiền được gọi là bình an. Nếu đạt được quả vị Nhị thiền, sẽ thấy tâm ở quả vị Sơ thiền không còn gọi là an. Tương tự, tâm chư vị La-hán, diệt được dòng sinh diệt, đạt được chỗ tịch diệt, gọi là an. Nhưng so với Phật thì tâm ấy chưa thể gọi là an vì vẫn bị chi phối bởi dòng Biến dịch sinh tử mà chư vị không biết.

Tìm bình an cho chính mình  

Những ngày mà cuộc sống của tôi quá xáo động, công việc căng thẳng, gia đình không yên… lo lắng, sợ hãi trở thành một thứ gì đó quen thuộc hơn tất cả. Quen thuộc đến nỗi, ý niệm bình an không có trong tôi, tôi không còn hình dung hay mong muốn một sự bình an nào nữa. Sợ hãi, lo lắng v.v… chính là bình an của tôi. Cho đến khi công việc bị đình trệ, tôi thong thả một chút với khoảng thời gian bên gia đình, mới nhận ra hai chữ bình an. Càng nhận ra giá trị của bình an khi phải tiếp xúc lại với cái gọi là lo lắngsợ hãi.

Nhận ra bình an rồi thì cũng không hết bất an khi gia đình hạnh phúc. Bởi cuộc sống vô thường và không ai là không chết. Nạn tai, chết chóc luôn rình rập quanh mình. Không biết nó sẽ đến với bản thân và người thân mình lúc nào. Dù tin vào nhân quả và đã bù đắp các khoản lo lắng bằng những việc phước thiện, cũng chưa thoát khỏi phiền não. Vì không ai biết mình đã làm gì trong quá khứ và việc gieo nhân đó có là định nghiệp? Đã là định nghiệp thì kiếp này không thể tránh được trả báo. Tôi đã chứng nghiệm việc đó khi người thân mình ra đi bằng những cái chết không được báo trước. Bất an không thể tránh được trong cuộc sống thường nhật của mình.

Một vị Ni đã thắc mắc vì sao tôi bỏ mọi thứ để tu tập thiền định khi tôi nói với vị Ni ấy rằng tôi đang có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đơn giản vì, nếu mình đã cảm nhận được hạnh phúc gia đình thì khi có sự chia lìa mất mát xảy ra, mình không thể tránh khỏi đau khổ. Hạnh phúc càng nhiều, đau khổ càng lớn. Đó là quy luật đối đãithế gian này. Trèo càng cao, té càng đau. Song có ai không chết? Chia lìa sao tránh được? Rốt cuộc, sống ở đời mà đau khổ thì đau khổ đã đành mà được hạnh phúc thì chưa chắc đã hạnh phúc. Chỉ là khổ trước hay khổ sau mà thôi. Chỉ là trải dài hay gom cục lại chịu một lần mà thôi. Vì suy nghĩ đó, hạnh phúc gia đình luôn lợn cợn những phút bất an.

Ai đã từng cảm nhận sự an ổn trong tâm hồn, dù chỉ là loại an ổn nương cảnh thô phù, vẫn thấy không có gì quý bằng bình an. Trong khi không phải mình không có sẵn bình an. Trong kinh Pháp bảo đàn, Tổ đã nói nơi mỗi người đều có cái tâm ma-ha mà nếu sống lại được với nó, chúng ta không còn khổ nữa, dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ là hiện tại chúng ta “không chịu thừa nhận” và chưa sống lại được với nó mà thôi.

Đó là một trong các lý do khiến tôi tìm đến đạo.    

Hiểu được nhân quả, làm các việc phước thiện, chấp nhận cái chết như một quy luật thường tình, cũng mang lại ít nhiều bình an cho chính mình. Nhưng bình an thực sự chỉ được tìm thấy, khi chúng ta có thể nhìn thấu được bản chất của các pháp. Không ai còn thấy hoảng sợ hay lo lắng khi trong cơn mộng, mình biết mình đang mộng.  

Muốn thấu được bản chất các pháp không thể khôngthiền định.

Nương cảnh điều phục tâm

Huệ Khả, trước khi gặp Tổ Đạt Ma đã tinh thông Lão Trang, kinh luận, từng trọn ngày thiền quán trên núi suốt 8 năm. Cũng đã có những điềm lạ khi Sư sinh ra hay trước khi gặp Tổ Đạt Ma. Vì thế khi hỏi pháp an tâm, Tổ Đạt Ma chỉ thẳng: “Đem tâm ra ta an cho”. Vì là chỗ chỉ thẳng, nên không phải ai cũng có khả năng làm được việc đó khi tâm còn quá loạn động. Đa phần lúc đầu, ai cũng phải nương vào cảnh mà điều phục tâm.

Nhập thất

Nhà thiền thường nói đến từ “nhập thất”. Ở một mình trong căn thất nhỏ, tránh giao tiếp các duyên bên ngoài, gọi là nhập thất. Việc tránh duyên này cũng có thô tế khác nhau.

Có người nhập thất, chỉ là không tiếp xúc với mọi người. Vẫn tụng kinh, niệm Phật hay đọc học kinh sách cũng như làm các việc lặt vặt khác.

Có người nhập thất, không tiếp xúc với mọi người, không đọc học kinh sách nhưng vẫn còn tụng sám hối, không đặt vấn đề nhiếp tâm.

Có người nhập thất, không tiếp xúc với mọi người, không đọc kinh sách, nhưng vẫn tụng sám hốinhiếp tâm trong các thời tọa thiền cũng như kinh hành, còn lại thì thả tâm.

Có người nhập thất, không tiếp xúc với mọi người, không đọc bất cứ thứ gì, cũng không tụng sám hối, chỉ làm một việc nhiếp tâm suốt tất cả thời, ngoại trừ khi ngủ. Cũng có người dụng công ngay cả khi ngủ.

Trong các cách nhập thất, ngoại trừ hai cách sau, còn lại nếu tìm thấy bình an thì bình an đó chỉ có trong lúc nhập thất, khó mà điều được tâm an khi gặp duyên bên ngoài. Chỉ khi nhập thất mà có phần dụng công điều phục tâm thì bình an mới xuất hiện mạnh. Việc nương cảnh tịnh tâm mới có giá trị, mới đạt được loại bình an không nương cảnh. 

Điều phục tâm

Còn gọi là nhiếp tâm, không gì ngoài việc nhận ra các niệm khởi trong tâm và không để nó tương tục. Sự nhận ra đó gọi là quán. Không để nó tương tục gọi là chỉ. Đa phần các bậc tiền bối đều khuyên, đối với các niệm khởi không nên dừng chỉ nó mà chỉ nên quán sát và không theo nó, dù ý nghĩa của từ chỉ là dừng lại. Việc đó không sai, nó tránh tình trạng căng thẳng cho hành giả. Nhưng thực tế thì không phải ai mới nhập cuộc, vọng niệm cũng trở thành đối tượng để mình quan sát hay không theo dễ dàng như thế. Bởi trước giờ, mình đã coi nó là chính mình. Mình nhập chung làm một với nó rồi. Chính vì nhập chung với cái sinh diệt này mà mình đánh mất sự an ổn thường hằng của mình. Giờ bắt cho được cái sinh diệt ấy là cả một vấn đề. Nhận được rồi thì ngay khi nhận đó, niệm liền mất. Nghĩa là dù muốn dù không mình cũng đã dừng chỉ nó. 

Căng thẳng khó tránh khỏi. Nhưng đó là những gì mình phải trải quachịu đựng trong thời gian đầu. Như người nghiện thuốc, thời gian đầu phải chịu khổ sở do việc cai thuốc, để được an ổn lâu dài về sau. Song nhiều người đã không vượt qua được giai đoạn này. Trong tình trạng căng thẳng, niệm nghi bắt đầu xuất hiện. Nghi pháp mình dùng không đúng. Nghi rồi, tâm sinh thối thất, hoặc là bỏ cuộc nửa chừng hoặc tìm một pháp giúp tâm an hòa hơn và an phận với những gì đang an hòa đó.

Dụng công miên mật và lâu dài thì dòng tương tục sẽ dứt. Cái gọi là vọng sẽ hiện đúng hình là vọng. Vì cái lực bắt nguồn từ sự tương tục đã dứt. Khéo một chút mình tìm thấy sự an bình được tương tục hơn. Cũng ngay nơi đây mà phát huy được cái dụng làm lợi ích cho chúng hữu tình. Bởi bất an nếu có, cũng chỉ là sở biết (đối tượng được nhận biết) của một cái năng biết, và chúng sinh trong tâm không khác tâm chúng sinh bên ngoài.

Mong rằng tất cả chúng ta đều sống lại được với tâm bình an sẵn có của mình. 

 Chân Hiền Tâm

_________________

(1) Thường Chiếu trong tôi - An Quang. Viết cho Kỷ yếu 25 năm thiền viện Thường Chiếu

(2) Đại sư Hám Sơn - Luận Đại thừa khởi tín trực giải.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.
Thầy là một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo dục và là nhà từ thiện. Và cứ mỗi mùa Tết, Thầy Thích Nhuận Tâm lại ngồi viết thư pháp để tặng cho người yêu thích những dòng chữ mừng xuân. Năm nay, Hòa Thượng Thích Thông Hải, trụ trì Chùa Bảo Quang ở Garden Grove, đã mời Thầy Thích Nhuận Tâm tới vui xuân.