Chưa thoát sinh tử, ta còn gặp nhau

05/03/20163:25 SA(Xem: 11912)
Chưa thoát sinh tử, ta còn gặp nhau

CHƯA THOÁT SINH TỬ TA CÒN GẶP NHAU
Lama Zopa Rinpoche | Chân Như chuyển Việt ngữ

Lama Zopa RinpochePhật dạy:

Không làm điều ác,
Siêng làm điều lành.
Thanh tịnh hóa tâm,
Đây chính là lời Phật dạy.

Kirti Tsenshab Rinpoche từng nói rằng giáo lý Tiểu thừa về Tứ Thánh Đế chính là nền tảng, là giáo pháp cơ bản của Đức Phật.  Khổ hiện hữu bởi vì có những nguyên nhân rõ ràng của khổ, của nghiệp lựcvọng tưởng. Nếu như không có nhân khổ thì khổ đau đâu có hiện hữu.

Rất nhiều thiên tai hoành hành ở Mỹ. Trong khi nước Mỹ giao chiến với những nước khác thì cùng lúc nội tại của nước Mỹ cũng có nhiều hiểm họa đang diễn ra. Đối với những người không biết về giáo pháp, không hiểu luật nhân quả, không chấp nhận tái sinh và dòng tương tục của tâm thứctâm thức tiếp diễn từ những kiếp trong quá khứ sang kiếp hiện tiền và kiếp vị lai - (và vì thế không tin luân hồi), những người này gọi động đất, hỏa hoạn, bão lũ, sóng thần v.v… là “thảm họa thiên nhiên” bởi vì họ không biết tại sao những chuyện này lại xảy ra, họ không hiểu nguyên nhân.

Những thảm họa dường như như vô căn cứ song lại hoàn toàn tùy vào trình độ  nhận thức của quý vị. Cũng giống như một người có thể bị coi là điên hay không điên tùy thuộc vào người khác đánh giá y như thế nào, theo quan điểm của chánh Pháp hay theo quan điểm thế tục. Quan điểm của chánh Pháp vốn dĩ sâu xa hơn nhiều.

Lấy một ví dụ, từ lăng kính vạn pháp hiện hữu thường hằng, quan niệm chấp thường quả quyết một trăm phần trăm, không nghi ngờ, là mọi thứ đều thực có như chúng đang trình hiện. Sinh tử luân hồi, niết bàn, hạnh phúc hay khổ đau, mọi thứ đều chắc có. Theo cách nhìn thế tục, quan điểm này không sai. Song theo lăng kính của một bậc hành giả đã chứng ngộ tính không, điều này hoàn toàn sai lầm. Tính không trong Tạng ngữ gọi là Tong-pa-nyi. Tong-pa nghĩa là “tính không” và nyi nghĩa là “chỉ”, cụm từ này cắt đứt khái niệm rỗng không theo nghĩa thông thường, tức là sự rỗng không hàm ý trống không như cái ly trống rỗng, không chứa trà, cà phê hay sinh tố sữa bên trong, hay của cái bao tử trống không có thức ăn. Nghĩa rỗng không này là nghĩa thông thường, không có gì phải bàn luận ở đây cả. Tính rỗng không mà chúng ta đang đề cập ở đây là Tong-pa-nyi trong Tạng ngữ, thầy không chắc âm nyi có phải là một chữ trong tiếng Sankrit không. Tuy vậy, trong tiếng Tạng, chữ nyi trong tong-pa-nyi chặt đứt mọi trống không mang nghĩa thông thường.. .

Loại rỗng không đó là gì? Đó là loại tính không hàm chứa sự vắng mặt của một cái “tôi”tồn tại chắc thật vốn chưa từng bao giờ hiện hữu từ vô thủy sinh tử, chứ không phải sự vắng mặt của một “cái tôi”. Cái “tôi” tồn tại chắc thật chưa từng bao giờ hiện hữu và sẽ không bao giờ hiện hữu trong hiện thực, tuy nhiên cái tâm mê mờ của chúng ta lại chắc tin nó thực có. Chính vọng chấp này, vô minh này là cội rễ của sinh tử luân hồi.

Denma Locho Rinpoche và Pabongka Dechen Rinpoche cũng đã từng nhắc về điều này. Trong tác phẩm Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận - Lamrim Chenmo, sinh tử luân hồi được định nghĩa là “một phần của dòng tương tục của các uẩn cấu uế do nghiệp và vọng tưởng sinh ra.” Tại sao bộ luận này lại nói là “một phần”? Bởi vì luân hồi sinh tử không bao gồm những vị đại hành giả đã chứng đắc con đường tu tập (ND: còn gọi là “tu học đạo”), giai đoạn thứ tư trong trình tự năm giai đoạn tu bao gồm: Tư lương đạo, gia hành đạo, kiến đạo, tu học đạo và vô học đạo. Các uẩn thân và tâm của những vị hành giả này không còn quay lại sinh tử vì họ đã chứng ngộ sự tịch diệt, gột sạch những mầm mống của vọng tưởngnghiệp lực, vì vậy không còn hiện hữu dòng tương tục (của tâm thức). Họ không còn quay lại  luân hồi dưới tác động của nghiệp và vọng tưởng nữa. Điều này diễn ra khi giai đoạn tu học đạo đã thành tựu, đó là lý do vì sao Tổ Song Khapa nói rằng sinh tử luân hồi là một phần của những hợp uẩn do nghiệp và vọng tưởng dẫn dắt. Khi các uẩn còn chịu tác động của nghiệp và vọng tưởng thì sẽ có sinh tử luân hồi, nhưng khi nghiệp và vọng tưởng ngưng dứt thì không còn lăn trôi trong sinh tử nữa. Do vậy, những trường hợp của các đại hành giả được loại trừ. Cả thầy Denma Locho Rinpoche và thầy Pabongka Dechen Rinpoche đều đề cập như vậy.

Nhìn chung, hạng phàm phu chúng ta sẽ phải đi tái sinh vì dòng tương tục của những hợp uẩn cấu uế do nghiệp và vọng tưởng dẫn dắt. Đó là sinh tử luân hồi. Vòng tái sinh này là một định nghĩa ngặt nghèo của luân hồi. Những hợp uẩn này là bản chất của khổ đau vốn bị chướng ngại, nghiệp lựcvọng tưởng chi phối dẫn dắt do nhận thức sai lầm, Tạng ngữ gọi là nyon-mong-pa, cái khiến tâm ta bị mê mờ che chướng. Chức năng vận hành của nó là che chướng tâm. Thay vì khai mở tâm, nó che mờ tâm, tựa như một căn phòng tối bị đóng chặt không có ánh sáng bên ngoài rọi vào.

Điều thầy cố gắng giải thích ở đây là trong cái thấy của phàm phu, thậm chí ngay cả trong đầu óc khoa học của người Tây phương, đời người phải có bám luyến, phải có sân hận, có vô minh, con người ta là phải vậy. Làm sao có thể có một đời sống không bám luyến? Không thể có! Họ chưa từng kinh nghiệm một đời sống thiếu vắng sự bám luyến, cái bám luyến không phải để thức tỉnh tâm thức con người mà để che chướng. Thay vì mang đến giải thoát cho tâm, bám luyến cứ dính chặt vào phúc lạc và sự thoải mái sung sướng của đời này. Lời dạy của Đại sư Long Thọ là vậy.

Vì bám luyến như thế, chấp thật như thế, dính mắc như thế, làm sao chúng tahạnh phúc chân thực! Dễ thấy rằng, còn bám luyến mạnh mẽ thì không thể thực sự vui hưởng hạnh phúc và bám luyến càng kiên cố, hạnh phúc càng ít ỏi. Nếu kiểm tra tâm mình, quý vị sẽ thấy chẳng hề có chút an vui. Không có chứng ngộ trong tâm cũng không có an lạc nội tại trong đời. Tâm chấp bám càng kiên cố bao nhiêu thì càng khổ sở phiền não bấy nhiêu. Rồi khi không có được cái mình mong cầu, khi đối tượng bám luyến gặp phải trắc trở, chẳng hạn như một người thân qua đời, thật quá chừng đau khổ sầu não.

Chẳng hạn như có một cặp vợ chồng chung sống bao năm nay, rồi người chồng qua đời. Đối với người vợ, coi như chẳng còn nơi nương dựa nữa, chẳng còn ai trên đời này nữa, chỉ có người chồng này mà thôi. Từ khi thế gian này tiến hóa, chẳng có một ai trường sinh bất tử cả. Người có trí ai cũng hiểu như vậy. Nếu quý vị hỏi người điên thì là chuyện khác nhưng nếu hỏi người tỉnh táo thì đều biết người ta chẳng ai sống mãi, rằng chẳng ai sống hoài không chết, dù ở Tây Tạng, ở châu Mỹ hay châu Phi, chẳng ở đâu cả. Nhưng khi người chồng qua đời đột ngột hay chết dần dần từng khoảnh khắc thì đối với người vợ sẽ chẳng còn ai nữa, bà ấy chẳng còn ai để nương nhờ nữa. Và dù lão niên hay chưa, bà cũng có thể qua đời vài ba tháng sau vì không thể sống thọ sau cái chết của người chồng. Thầy nghe chuyện này xảy ra ở nước Mỹ, không phải tất cả trường hợp đều thế nhưng nhìn chung là như vậy.

Một đơn cử khác là khi một đứa trẻ được cha mẹ cưng quý yêu thương qua đời. Có một sự bám luyến mạnh mẽ vào “con của tôi”, nhưng rồi đứa trẻ ra đi. Bản chất của các sự vật hiện tượng là vậy. Thứ gì có sinh ra thì phải chết đi, kể cả cỏ cây và đương nhiên con người ta cũng thế. Chẳng thứ gì tồn tại vĩnh viễn. Hội ngộ rồi chia ly. Trong gia đình cũng giống như vậy.

Sự liên đới về nghiệp trong gia đình thật là thú vị. Khi nghiệp trổ quả đời này dẫn dắt ta gặp lại người nọ người kia nay lại là thân bằng khuyến thuộc, trong khi mối quan hệ của ta với họ có thể hết sức khác biệt trong các kiếp trước đó. Người chồng đời trước của quý vị có thể thành con của quý vị bây giờ và đôi khi đứa trẻ kia trong những đời quá khứ có thể là vợ hoặc là kẻ thù của quý vị. Đứa trẻ cũng có thể trở thành người mẹ, quý vị lại thành người cha, người mẹ hoặc là kẻ thù. Có rất nhiều khả năng kết hợp như vậy.

Trong đời này, gia đình quý vị - cha mẹ, anh chị em, chỉ ở trong cương vị của họ trong một quãng thời gian ngắn ngủi, đây chỉ là những mối quan hệ ngắn ngủi. Trong môt thời đoạn vài chục năm thì mọi thứ sẽ đổi thay trở lại và ở kiếp sống vị lai kế tiếp, người cha có thể thành người vợ, con gái lại thành người chồng, bằng hữu chuyển thành kẻ thù. Cứ đổi thay như thế từ kiếp này sang kiếp khác. Không phải chỉ một lần, quý vị đừng nghĩ như thế, mà từ vô thủy sinh tử, trong quan hệ của chúng ta với tất cả các chúng sinh khác là vậy. Mọi người trên thế gian này, từng người một, toàn bộ nhân loại, các loài động vật, ngạ quỷ, súc sinh, chư thiên, A tu la v.v… tất cả chúng ta đều có mối liên hệ với tất cả mọi loài chúng sinh từ vô thủy sinh tử luân hồi.

Chính chúng ta đã từng là kẻ thù, là chồng, là vợ, là con cái của họ, hết thảy các mối liên hệ từ vô thủy sinh tử với mọi loài chúng sinh. Như giáo pháp đã từng đề cập, chúng ta đã từng là bạn, thù, vợ chồng, con cái vô lượng vô số lần và chừng nào còn trong sinh tử, quý vị còn tiếp tục thành bạn, thù, chồng vợ, con cái của họ cũng như họ sẽ thành bạn, thù, chồng vợ, con cái, cô dì chú bác của quý vị. Chúng ta diễn những vai khác nhau trong những kiếp sống khác nhau.

Vì vậy, nếu có một người thân trong gia đình qua đời mà quý vị nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại họ là hoàn toàn sai lầm. Lo lắng cũng hoàn toàn vô ích, không giúp được gì cả. Nếu có một hướng để giúp đỡ người đó thì hãy giúp họ thoát đọa khổ đau của những cõi thấp, song giúp họ giải thoát khỏi khổ sinh tử lại là một lẽ khác. Đây không phải là dị đoan mê tín, không chỉ là tín tâm mà là một pháp hành chân thực và có lý trí. Nếu có phương cách nào đó để giúp đỡ thì đương nhiên chúng ta phải giúp, nhưng nếu chỉ nơm nớp lo lắng mình không được gặp lại họ nữa thì thật hoài công vô ích. Điều này chỉ khiến quý vị thêm trầm uất. Rồi từ lo lắng trầm uất lại sinh tâm phiền não, gây thêm bệnh ung thư và các bệnh tật khác nữa cho tinh thần và thể xác, vậy là quý vị không làm gì tự lợi hay lợi tha cả.

Trong tác phẩm Nhập Bồ Đề Hành Luận, ngài Tịch Thiên đã dạy rằng:

Sự việc nếu vẫn còn phương cứu chữa,
Chẳng lý do gì tâm lại không vui.
Còn nếu thật sự vô phương cứu chữa,
Thử hỏi  không vui liệu có ích gì?
(1)

Thử hỏi mong muốn ngôi nhà mình ở dát kim cương hay vàng ngọc đá quý để làm gì? Sao phải lo lắng thái quá về những việc không thể xảy ra. Thật là vô nghĩa. Biết lo lắng thật vô nghĩa, biết nó chẳng ích lợi gì thì quý vị nên bỏ lo lắng đi. Rồi bình yên sẽ đến. Điều thầy muốn nói là lo lắng chẳng có lợi lạc gì. Chừng nào còn trôi lăn trong sinh tử, chừng nào còn chưa thoát khỏi luân hồi, chúng ta sẽ còn tiếp tục liên hệ với mọi chúng sinh. Tất cả những chúng sinh đã từng là cha mẹ, anh em hay vợ chồng của chúng ta. Họ là những đứa con đã lìa đời và những người đã ra đi sẽ có những mối liên hệ khác nhau với chúng ta trong những kiếp khác. Thân xác có thể khác đi nhưng dòng tương tục của tâm thức sẽ không thay đổi. Nếu quý vị chỉ mong chờ gặp thân xác mà không nghĩ đến tâm thức thì quý vị không bao giờ gặp lại người đó trong thân xác cũ, song giữa thân xác và tâm thức thì tâm thức sẽ nương trú ở trong một thân xác mới và chúng ta sẽ còn gặp lại nhau hoài hoài cho đến khi vượt thoát sinh tử.

 

(1): Theo bản dịch Nhập Bồ Đề Hành Luận do Hồng Như chuyển Việt ngữ.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
03/09/2018(Xem: 11279)
28/01/2011(Xem: 252248)
19/04/2014(Xem: 24160)
16/09/2015(Xem: 17414)
25/05/2014(Xem: 13706)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.