Đừng chấp cái tôi thái quá!

21/05/20173:59 SA(Xem: 13140)
Đừng chấp cái tôi thái quá!
ĐỪNG CHẤP CÁI TÔI THÁI QUÁ!
Thích Hạnh Tuệ

ego egoNhững khổ đau bất an trong cuộc đời mỗi người đa phần xuất phát từ chấp thủ cái tôi, cái của tôi, và không hiểu biết một cách rõ ràng như thật về chúng gây ra. Chúng ta hãy tự tỉnh giác quan sát một cách sâu sắc chính bản thân mình xem có đúng như vậy không?

Cái tôi gây ra phiền não khổ đau trong đời sống hàng ngày mà ai cũng dễ dàng thấy được như:

Mình muốn mọi người xung quanh làm theo ý mình, muốn người khác nghe lời của mình, nếu nghịch ý là mình bực bội sân hận.

Mình tự xem mình là trung tâm, là quan trọng, ai cũng phải kính trọng, khen tặng, chú ý đến mình, xem trọng mình, đến đâu mình cũng phải được chào đón vồn vã. Mình sẽ khó chịu nếu bị những người khác lơ là hoặc xem thường.

Trong giao tiếp xã hội, công việc, bạn bè, gia đình, lúc nào mình cũng muốn nâng cao cái tôi của mình lên.

Nếu ai đụng chạm vào cái tôi của mình, thì mình sẽ ăn thua đến nơi đến chốn.

Đến xây mồ mả cho ông bà, mình cũng phô cái tôi của mình ra, phải xây cao hơn, to hơn hoành tráng hơn những mồ mả bên cạnh. Nghĩ lại, thật là đáng thương cho cái tôi vô minh.

Thậm chí có người còn nghĩ theo hướng phải nâng niu, tô bồi đánh bóng cái tôi của mình, thì mới được mọi người kính trọng, nể vì; nếu không sẽ bị khinh thường.

Xu hướng sống thích phô trương hình thức bề ngoài cho hoành tráng nhưng thực chất thì chỉ là thùng rỗng kêu to, phổ biến trong đời sống hiện đại ngày nay, nhất là trong giới trẻ cũng do không hiểu biết như thật về cái tôi mà phát sinh thành trào lưu, gây ra không biết bao nhiêu tai hại cho bản thânxã hội.

Biểu hiện dính mắc thái quá vào cái của tôi trong đời sống thì càng dễ thấy: Thân thể của tôi, sắc đẹp của tôi, chức vụ của tôi, người thân của tôi, tài sản - tiền bạc - nhà cửa của tôi, ý kiến của tôi, cấp dưới của tôi, cấp trên của tôi, tương lai của tôi…

Gốc rễ của sự phô trương đánh bóng cái tôi, sự dính mắc chấp thủ cái của tôi, nói theo thuật ngữ Phật học là sự chấp ngãngã sở phát sinh từ sự không hiểu biết như thật về bản chất của cái tôi, cái của tôi và tác hại của sự cố chấp dính mắc thái quá gây ra cho mình và người.

Đức Phật luôn dặn dò các đệ tử: Chấp ngãngã sở là một trong những nguồn gốc căn bản của mọi sự luân hồi, khổ đau, buồn phiền, sầu não. Người tu tập vượt qua ngã chấp là thành bậc Thánh La-hán vượt qua biển khổ luân hồi sinh tử.

Trong đời sống bình thường, nếu nói hoàn toàn không chấp vào cái tôi và cái của tôi thì quá khó, hiếm người làm được. Nhưng ta nên hiểu một cách rõ ràng minh bạch rằng, càng chấp cái tôi và cái của tôi thì càng khổ, bớt chấp được chừng nào thì bớt khổ chừng ấy. Trước tiên, ta phải có tâm thế này, rồi ta học theo lời Phật dạy, thực hành tu tập pháp quán vô ngã để ta bớt chấp dần dần tiến tới không còn chấp nữa.

Khởi đầu Bát-nhã tâm kinh: Bồ-tát Quán Tự Tại đi sâu vào tuệ giác như thật, thấy rõ năm uẩn không thật có nên vượt ra ngoài mọi mọi sự đau khổ. Tinh yếu cốt tủy của bản kinh nằm ở mấy dòng này.

Năm uẩn ở đây gồm: sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (tâm tư), thức (nhận thức). Muốn bớt chấp ngã, dần đến không còn chấp ngã thì phải quán chiếu thật rõ ngã vốn không thật có, chỉ là tổ hợp của năm yếu tố vốn giả hợp tạo thành.

Chúng ta có thể tập quán chiếu như lời Đức Phật dạy trong kinh Vô ngã:

- Hãy quán chiếu thật rõ ràng rằng bản chất của thân thể này vốn vô ngã, vốn không thật có. Nếu thân là ngã thì trên đời này không có tình trạng thân bị bệnh tật và ta có được một thân thể khỏe mạnh như ta mong muốn: Thân thể của tôi phải như thế này, hoặc thân thể này phải như thế kia… Nhưng trên thực tế, không phải như vậy. Chúng ta phải thấy rõ rằng vì thân thể vốn không thật có, không có tự ngã nên thân sẽ có bệnh, sẽ biến hoại, sẽ già nua, sẽ chết chóc; những gì ta mong muốn về thân thể này không thể được như ý ta muốn.

- Hãy quán chiếu như thật rằng bản chất của cảm giác con người vốn là vô ngã, vốn không thật có. Nếu các cảm giác đều có tự ngã thì trên đời này không có tình trạng cảm giác bị khổ và ta có được các cảm giác tốt đẹp như ta mong muốn: Cảm giác của tôi phải như thế này, hoặc cảm giác này phải như thế kia… Nhưng trên thực tế, không phải như vậy. Chúng ta phải thấy rõ rằng, cảm giác này vốn không có tự ngã, không thật có nên dòng cảm giác bị khổ chi phối; những gì ta mong muốn về  cảm giác này không thể được như ý ta muốn.

- Hãy quán chiếu như thật rằng bản chất của tri giác con người vốn là vô ngã, vốn không thật có. Nếu các tri giác đều có tự ngã thì trên đời này không có tình trạng tri giác bị khổ và ta có được một tri giác tốt đẹp ta mong muốn: Tri giác của tôi phải như thế này, hoặc tri giác này phải như thế kia… Nhưng trên thực tế, không phải như vậy. Chúng ta phải thấy rõ rằng tri giác này vốn không có tự ngã, không thật có nên những tri giác bị khổ chi phối; những gì ta mong muốn về những tri giác không thể được như ý ta muốn.

- Hãy quán chiếu như thật rằng bản chất của tâm tư con người vốn là vô ngã, vốn không thật có. Nếu các tâm tư đều có tự ngã thì trên đời này không có tình trạng tâm tư bị khổ và ta có được một tâm tư tốt đẹp như ta mong muốn: Tâm tư của tôi phải như thế này, hoặc tâm tư này phải như thế kia… Nhưng trên thực tế, không phải như vậy. Chúng ta phải thấy rõ rằng tâm tư này vốn không có tự ngã, không thật có, nên những tâm tư bị khổ chi phối; những gì ta mong muốn về những tâm tư không thể được như ý ta muốn.

- Hãy quán chiếu như thật rằng bản chất của nhận thức con người vốn là vô ngã, vốn không thật có. Nếu các nhận thức đều có tự ngã thì trên đời này không có tình trạng nhận thức bị khổ và ta có được một nhận thức tốt đẹp như ta mong muốn: Nhận thức của tôi phải như thế này, hoặc nhận thức này phải như thế kia… Nhưng trên thực tế, không phải như vậy. Chúng ta phải thấy rõ rằng nhận thức này vốn không có tự ngã, không thật có, nên những nhận thức bị khổ chi phối; những gì ta mong muốn về những nhận thức không thể được như ý ta muốn.

Chúng ta quan sát một cách tỉnh táo và sâu sắc sẽ thấy rõ, thân thể của ta vốn vô thường, mang đến khổ đau, chịu sự biến hoại như một quy luật. Để vượt qua những nỗi khổ do thân thể vô thường, ta hãy thường tự nói với mình rằng: Thân thể này không phải là tôi, không phải của tôi, cũng không phải là tự ngã của tôi. Và ta tiếp tục quan sát sâu sắc để thấy rõ cảm giác vô thường, tri giác vô thường, tâm tư vô thường, nhận thức vô thường mang đến khổ đau, chịu sự biến hoại như một quy luật. Để vượt qua khổ não do sự vô thường của mọi cảm giác, tri giác, tâm tư, và các nhận thức, ta hãy thường tự nói với mình rằng: Tất cả thứ này không phải là tôi, không phải của tôi, cũng không phải là tự ngã của tôi.

Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta hãy tập thêm:

Bỏ ngay cái kiểu sống sĩ diện hão, thể diện hão, đẳng cấp hão, vì đó là dối trá. Mình có thể thể hiện cái tôi đúng với thực chất, đúng với hoàn cảnh thực tế. Miễn cưỡng đời thường mà nói, nhu cầu cái tôi và cái của tôi được tôn trọng đúng mức là nhu cầu tương đối có thể chấp nhận nhưng phải đúng với thực chất.

Hơn nữa là dù người khác có đụng chạm vào cái tôi và cái của tôi, nếu không quá đáng, thì mình độ lượng khoan dung bỏ qua, dù được kính trọng hay xem thường mình cũng hoan hỷ không chấp. Tức là mình sẽ bớt bực mình khổ não.

Dù mình thật sự có đạo đức, tài trí hơn người thì mình cũng phải tỉnh giác tập bỏ tính tự phụ, kiêu căng, cao ngạo mà đối xử bình đẳng với mọi người.

Dù ở trong hoàn cảnh nào, vị trí nào, môi trường nào nếu sống với cái tôi và cái của tôi càng lớn thì càng khổ não, càng trở ngại; sống với cái tôi càng nhỏ, càng khiêm tốn thì càng vui vẻ, càng hạnh phúc thuận lợi.

Hàng ngày tu tập đức khiêm hạ, tiêu mòn bớt ngã chấp thì sẽ đến gần với đạo hơn, gần bờ giải thoát hơn, cuộc sống sẽ an vui hạnh phúc hơn.

đệ tử Phật, chúng ta thường xuyên tỉnh giác thực tập không dính mắc vào thân thể, không dính mắc vào cảm giác, không dính mắc vào tri giác, không dính mắc vào tâm tư, không dính mắc vào nhận thức. Chính nhờ không bị dính mắc, không bị trói buộc bởi năm uẩn, chúng ta dần dần sẽ đạt được trạng thái an vui, hạnh phúcgiải thoát từng phần tiến đến giải thoát hoàn toàn.

Thật là:

Thấu lẽ không chấp ngã

Khổ não bám vào đâu

Băng ngã chấp tan dần

Ưu phiền theo gió bay.


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.