Ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng!

12/07/20174:04 SA(Xem: 21555)
Ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng!

AI THẤY CŨNG VUI, AI GẶP CŨNG MỪNG! 
Đỗ Hồng Ngọc

 

phamduocvuongbotatĐó chính là Dược Vương Bồ-tát, vị Bồ-tát có biệt danh là ‘’Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến’’.

Nhờ đâu, nhờ gì mà ông có được cái diễm phúc đó vậy?

 Lúc bấy giờ, Tú Vương Hoa bạch Phật:

– Thế Tôn! Dược Vương Bồ-tát có gì hay mà thong dong tự tại ‘’dạo chơi’’(du hí) giữa  chốn Ta-bà đầy ác trược mà ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng vậy? Có phải ngài đó có trăm nghìn muôn ức na-do-tha hạnh khổ khó làm chăng?

Phật bèn dẫn chuyện xưa:

– Ý ông nghĩ sao? Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỉ Kiến Bồ-tát đâu phải người nào xa lạ, chính nay là ông Dược Vương Bồ-tát đó. Ông ấy bỏ thân bố thí số nhiều vô lượng trăm nghìn muôn ức na-do-tha như thế…

Thuở xa xưa có một vị Bồ-tát tên là Nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến – ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng – được nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức nói kinh Pháp Hoa. Từ đó vị Bồ tát này tu tập khổ hạnh, một lòng cầu thành Phật, đặng một thứ tam muội gọi là « Nhứt thiết sắc thân tam muội » nhưng con đường tu khổ hạnh đầy gian nan vẫn không dẫn tới đâu dù thân thể bị tàn tạ mà tâm vẫn không sao giải thoát!

Rồi ngài chợt tỉnh ngộ: “Ta dầu dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường.” Rồi ở trước đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, ngài “dùng y báu cõi trời mà tự quấn thân, rưới các thứ dầu thơm, dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân”.

‘’Đốt thân”? Ấy là đường vào Chánh định, vào “Tam ma đề” (Samadhi). Bởi giải thoát không thể bằng con đường khổ hạnh, hủy hoại thân xác mà là hướng về nội tâmhành thâm Bát-nhã Ba-la-mật, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, chính là con đường “bố thí thân mạng” (dùng thân cúng dường) để đạt đến “vô ngã”.

Hơn ai hết, Phật đã từng trải những nỗi đắng cay trong suốt nhiều năm trên con đường tu khổ hạnh: cắn chặt răng, ép lưỡi, đè nén, chế ngự, tiêu diệt những tư tưởng (bất thiện) chẳng đi đến đâu; rồi nín thở, chỉ thấy như có người khoan mạnh vào sọ bằng một lưỡi khoan thật bén, rồi tuyệt thực đến nỗi “xương sống cũng như một xâu chuỗi dựng đứng lên và cong vào, xương sườn tựa như một cái sườn nhà bị sụp đổ, khi muốn rờ da bụng thì đụng nhằm xương sống…”. Tóm lại, chỉ thấy “Thân mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ – thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ lực kiên trìcảm giác đau đớn phát sanh đến thân, nhưng những cảm giác đau đớn đó không chế ngự được tâm” (Narada, Đức PhậtPhật pháp).

Thì ra không phải Dược Vương có “trăm nghìn muôn ức công phu khổ hạnh khó làm’’ mà ngài đã chọn con đường ‘’bỏ thân bố thí’’ nên mới trở thành vị Bồ tát ‘’nhứt thiết chúng sanh hỷ kiến’’, thong dong tự tại vô  ngại dạo chơi (du hí thần thông) giữa cõi Ta-bà đầy ác trược để cứu độ chúng sanh hôm nay với lòng Từ bi vô hạn nhờ những phẩm hạnh chân thành, tôn trọng  thấu cảm.

Thứ thuốc khiến Bồ-tát trở thành ‘’vua thuốc’’ đó của Phật truyền trao qua hình tượng Dược Vương là trải nghiệm của chính đức Phật. Có trải nghiệm mới có sự chia sẻ trong sâu lắng, chân thành. Dược Vương Bồ-tát nhờ hạnh chân thành đó mà ai thấy ông cũng vui, ai gặp ông cũng mừng. Vì sao? Vì ông đã không còn chấp ngã. Vì ông đã sống một đời sống chân chính (authentic life), chân thành (genuine being), trung thực (honest)… Nụ cười ông là nụ cười toát ra tự bên trong, không làm bộ làm tịch, vẽ vời, trau chuốc, không mang mặt nạ, không nói một đằng làm một nẽo… Tóm lại, người sống Chân Thành thì Thân, Khẩu, Ý luôn nhất quán. Thân khẩu ý mà không nhất quán, thì người ta biết ngay là giả dối, là cần phải đề phòng…

Không có cách nào khác hơn là phải loại trừ ngã chấp, phải đốt cháy đến tận cùng cái ngã để đạt đến vô ngã.  Chỉ có lửa tam muội – tức ở trong thiền định- mới thấy được “ngã” đang cháy dần, cháy dần ra sao. Không dễ mà “đốt” hết. Phải đến ngàn năm mới đốt hết cái «ngã tướng” chớ chẳng phải cháy bùng lên một cái là xong! Thân của Bồ-tát lửa cháy một nghìn hai trăm năm, ánh sáng khắp soi cả tám mươi ức hằng hà sa thế giới là vậy. Các đức Phật đều khen đó là « món thí hạng nhứt ! ».

“Đốt thân” như vậy không phải là hủy bỏ thân xác, trái lại, thân xác trở thành một tháp báu để nhìn vào đó mà thấy Đa Bảo Như Lai. Chẳng có lửa gì cháy ngùn ngụt ở đây cả. Mà lửa cháy âm ỉ trong từng tế bào. Từng calo nhiệt lượng thắp sáng ngày đêm. Mỗi tế bào là một sinh vật, một kiếp sống, có ăn có thở, có tạo năng lượng tự thân. ‘’Bố thí thân mạng’’ nhiều như cát sông Hằng mới đạt tới nhân vô ngã, vẫn chưa đủ. Cần thêm một bước nữa: pháp vô ngã. Bởi còn chia chẽ, còn phân biệt, không ‘’trực tâm’’ thì chưa xong, chưa sống trong Bất Nhị, chưa phải là “Chánh đẳng”. Cho nên Dược Vương Bồ-tát bèn « đốt hai cánh tay » ! Phải mất bảy muôn hai nghìn năm mới cháy hết! Khó thay là giải trừ chấp thủ ! Khó thay là dẹp bỏ thành kiến ! Nó bám rất chặt vào từng rễ thần kinh, chằng chịt nối nhau thành một mạng lưới, dứt dây động rừng!

Dược Vương khi đã đạt nhân vô ngã, pháp vô ngã rồi thì đã có thể thõng tay vào chợ, ung dung, tự tại, vô ngại mà ‘du hí’ trong cõi Ta-bà cứu độ chúng sanh với lòng chân thành chánh trực, nên ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng là vậy!

Lúc đó thì cõi tam thiên đại thiên thế giới sáu điệu bèn vang động…

Đỗ Hồng Ngọc

(Văn hóa Phật giáo, số 276, ngày 1.7.2017)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.