Văn Hóa Công Vụ Dưới Lăng Kính Chánh Nghiệp

14/02/20195:13 CH(Xem: 7937)
Văn Hóa Công Vụ Dưới Lăng Kính Chánh Nghiệp

 VĂN HÓA CÔNG VỤ
DƯỚI LĂNG KÍNH CHÁNH NGHIỆP

Nguyên Cẩn

van-hoa-phat-giao-so-315-ngay-15-02-2019_Page_32Vì sao văn hóa công vụ ?

Báo Thanh Niên ngày 20/12/2018 phản ánh một vụ tai nạn: một cháu bé 12 tuổi đi xe máy trên đường cán qua dây cáp quang bị trượt té, đúng lúc bị một xe tải chạy cùng chiều va chạm gây tử vong. Sự việc xảy ra ngày 7/12/2018, người thân đã liên tục xin đi xin lại các loại giấy tờ xác nhận của cơ quan công an, bệnh viện… nhằm làm thủ tục chứng tử cho nạn nhân, song đến ngày 18/12/2018 vẫn bị cán bộ phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, thành phố Bình Dương) từ chối với lý do rằng “giấy tờ làm tầm bậy, tầm bạ”, hay “công an xác nhận nội dung không đúng”.

Quá tam ba bận, nhưng đến lần thứ tư đưa đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu cho cán bộ phụ trách, người thân của nạn nhân xấu số vẫn tay trắng ra về. Thậm chí đến sáng 19/12/2018, vị chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường này vẫn khẳng định cán bộ của phường làm đúng theo quy định. Sau khi có người dẫn ra quy định pháp luật thì lãnh đạo phường mới thừa nhận cấp dưới của mình “thiếu sót” và mong được “thông cảm”.

Bài báo đặt ra câu hỏi là tình người ở đâu? Sự thờ ơ, vô cảm không thể chấp nhận được. Dẫu cho chính quyền phường, xã khẳng định họ đã giải quyết “đúng quy định” của pháp luật đi chăng nữa thì sự cứng nhắc của cán bộ cũng khiến không ít người phiền lòng. Hay nhiều câu chuyện khác trên các trang mạng Tuổi Trẻ Online hay Dân Trí nêu về tình trạng thờ ơ của một “bộ phận không nhỏ” cán bộ khi tiếp dân, thậm chí cố tình gây khó dễ cho người dân và nhất là doanh nghiệp… Họ thường đưa ra những câu trả lời cộc lốc, khó chịu với dân chúng bất kể tuổi tác. Người dân vì thế đâm ra ngán ngại mỗi khi có việc gặp cơ quan công quyền. Đó là chưa kể đến tệ nạn “phong bì” mà chúng ta thường nghe từ việc lớn đến việc nhỏ: từ nghiệm thu các hạng mục công trình nhà nước cho đến kiểm tra phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường hay thuế vụ… ở đâu cũng nghe râm ran những câu chuyện “bồi dưỡng” như một quy định ngầm, bất thành văn mà ai cũng phải hiểu và phải “biết điều”.

Phải chăng đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa Công vụ (VHCV). Đây được coi là cơ sở quan trọng khắc phục tình trạng thờ ơ, vô cảm, lấy “hành” dân là “chính”, góp phần nâng cao VHCV, hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”. Trong giao tiếp với người dân, CBCCVC phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “bốn xin, bốn luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đã có một định nghĩa được đưa ra: “Văn hóa công vụ là một hệ thống những giá trị về đạo đức, trách nhiệm, kỷ luật, truyền thống, phong cách, biểu trưng, ngôn ngữ… hình thành và chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong quá trình xây dựng và phát triển nền công vụ, có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành vi và hình thành đặc thù riêng của người thực thi công vụ và nền công vụ”. Định hình “VHCV” để đáp ứng yêu cầu kiến tạo nề n hà nh chí nh chí nh quy hiệ n đạ i, cán bộ và công chức phải đẩy mạnh học tập và hành động hướng tới các mục tiêugiá trị: đạo đức, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, trung thực, khách quan, hiệu quả và mang tính phục vụ. Về đạo đức, yêu cầu tối thượng đưa ra là “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Còn những thuộc tính khác của VHCV thì chắc không cần bàn sâu vì chúng ta đã từng nói nhiều về “lương tâm chức nghiệp” “hành chính hiệu quả”, “thể chế minh bạch”. Chỉ những “xin” và “luôn” cũng đã đòi hỏi những cố gắng mang tính cách mạng và lớn lao biết chừng nào!

Thực hiện “bốn xin và bốn luôn” một cách thường xuyên và khắp nơi quả thật không hề dễ dàng vì thói quen lạnh lùng, kênh kiệu đã thấm vào máu không ít người trong bộ máy công quyền. Thậm chí có người còn cho rằng DNA “vô cảm” đã là thuộc tính di truyền của cán bộ hay khối u “phong bì” đã di căn nhiều đời nên khó loại bỏ! Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có lần nói “Họ ăn không từ thứ gì!”. Cố Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh có lần phát biểu rằng cán bộ không nên giống như những con cá heo bởi vì “những con cá heo này cứ phải cho ăn rồi mới diễn, còn không cho ăn thì thôi,…”.

Quan trọng nhất trong việc thực hiện VHCV là sự tự giác và phương thức kiểm tra, giám sát, đánh giá; và cách giám sát tốt nhất và hiệu quả nhất là từ dân. Nếu còn sợ dân ghi hình mà cấm đoán thì chẳng bao giờ VHCV có thể hiện diện nơi công sở!

Đề án yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện VHCV theo chương trình, kế hoạch hàng năm của Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở Nội vụ. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về VHCV tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu “Đối với lãnh đạo cấp trên, CBCCVC phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên. Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Ngoài ra khắc phục bệnh dối trá, đạo đức giả, nói không đi đôi với làm.

Dưới lăng kính Chánh nghiệp

Chánh nghiệp (Samma Kammanta) là hành động chân chánh nhằm tạo ra quả lành, không tạo nghiệp ác. Chánh nghiệp là pháp tu thứ tư trong Bát Chánh đạo thuộc nhóm giới đức nhằm kiểm soát thân. Hành động có tác ý là nghiệp, sẽ sanh ra quả báo ví như bánh xe lăn theo dấu chân con bò. Chánh nghiệp gồm có ba nội hàm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Căn bản của chánh nghiệplòng từ bi nên không gây tổn hại, không lấy của người và giữ đời sống trong sạch. Người sống với chánh nghiệp vừa rèn luyện đức hạnh chính mình, vừa tạo hòa bình, an vui cho kẻ khác. Người có chánh nghiệp là người sống trong bình an, không lo sợ. Người không có chánh nghiệp khó nghiêm trì giới luật vì bị tâm tham, sân, si lôi cuốn.

Một cán bộ sống theo chánh nghiệp sẽ không chạy theo dục vọng cá nhân, tham quyền đoạt chức, vơ vét túi riêng cho cá nhângia đình mình. Người ấy sẽ phải kiểm soát tâm mình, không tạo những hành động bất thiện. Phạm giới trộm cắp hay lấy của người khác hay của công làm của mình là nguyên nhân của “tham nhũng” vặt hoặc lớn hơn là “biển thủ công quỹ”. Thậm chí kẻ trộm cướp đôi khi trở nên hung bạo và phạm luôn giới sát sanh khi muốn loại bỏ địch thủ trên chính trường. Và cán bộ khi có nhiều tiền sẽ phát sinh tà dâm, giới cấm thứ ba trong chánh nghiệp. Dục vọng làm con người nô lệ thể xác, làm bậc hiền triết trở thành kẻ hạ lưu, xui khiến quan chức thay vợ đổi chồng và chọn cho mình những người bạn đời đua đòi, thiếu tư cách, xúi giục kẻ sa ngã ngày một dấn sâu vào con đường tội lỗi. Một khi không giữ chánh nghiệp, cán bô sẽ phạm “tà ngữ” như có lần chúng tôi đã viết “Trong công sở hay những buổi họp nhân dân, chúng ta chứng kiến hay nghe bên tai hàng ngày bao nhiêu lời nói dối từ những bản tổng kết, những hứa hẹn của các quan chức, nào là tăng phúc lợi xã hội, cho đến chống ngập, chống kẹt xe… Rồi trong đời sống chúng ta nghe nhìn những quảng cáo bán hàng trên mạng, trên ti-vi, đầu đường góc phố… Lời nói nào cũng tốt cũng hay nhưng thực tế thì… Đấy có phải là phương tiện hay mục đích của kinh doanh và chính trị? Chính trị có đồng nghĩa với “nói dối” không? Có lần chúng tôi đã đề cập đến mục đích của chính trị. Căn bản trong học thuyết Khổng Tử thời phong kiến là người lãnh đạo hay “quân tử” khi cầm quyền phải có kỷ luật, nên cai trị người dân của mình bằng chính tấm gương của mình, và nên đối xử với họ bằng tình thương và sự quan tâm. Niềm tin chính trị của ông gắn chặt với luân thường đạo lý và đạo dức cá nhân. Mà ngôn ngữ của quân tử là “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Hứa thì phải làm!”.

Đã có thời chúng ta lên án lối sống tha hóa theo những giá trị ảo hay giả dối mà Jean Paul Sartre gọi là “ngụy tín” (mauvaise foi).

Nếu sống theo chánh nghiệp thì chúng ta sẽ không bị chi phối bởi thứ “văn hóa quyền lực” như chúng tôi có lần đề cập đến là nó thúc đẩy con người tôn thờ quỵ lụy quyền lực, từ đó thoái hóa và tha hóa bản thân, nghĩa là lao mình vào cuộc chơi mua quan bán tước khi hiểu ra vai trò của quyền thếquyền lợi hay cụ thể là tiền tệ. Thế nên, phải chăng việc Thủ tướng yêu cầu cán bộ “không nịnh bợ” cũng nằm trong hệ luận ấy?

Cao Bá Quát ngày xưa khi viết Tài tử đa cùng phú đã từng phải thốt lên những lời chán chường, “Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn. Quản bao người mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ” hay Nguyễn Du trong Truyện Kiều từng thốt lên những lời tâm sự của Từ Hải “Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, Vào luồn ra cúi công hầu mà chi”.

Văn hóa quyền lực còn kéo theo văn hóa quyến thuộc khi dân gian vẫn nói câu: Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ; còn lại là mặc kệ”. Chúng ta chợt hiểu vì sao có người thống kê sơ bộ rằng tới 30% CBCCVC không làm được việc. Có thể con số còn cao hơn chăng?

Chúng ta cần rạch ròi quyền lợiquyền lực để tránh rối rắm cho sự vận hành của guồng máy hành chính công vì một khi đồng tiền hay lợi ích nhóm thống trị những quan hệ cương thường… biến tất cả mạng lưới thành những ê-kíp “khép kín”, mọi công trình thành những cú áp-phe, biến công vụ thành “chùm khế ngọt”! Đúng như luật gia Acton viết: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.

Thế nên, để kiểm soát VHCV, thiết nghĩ cần phảihệ thống hay những thể chế phù hợp mà trong đó có sự giám sát của nhân dân, hay của các tổ chức xã hội dân chủ, và của các cơ quan tư pháp hay lập pháp. Xây dựng văn hóa cách chức và nhất là từ chức. Ở các nước, dù không có trách nhiệm trực tiếp nhưng nếu để xảy ra sai phạm, người quản lý cũng sẽ từ chức. Bởi đó là đạo đức, là lòng tự trọng chứ không phải sợ mất đi quyền lợi như quan niệm hiện nay. Nếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm có nghĩa là dung túng, vô tình hay cố ý. Ngoài ra phải kiểm soát quyền lực, vì quyền lực về cơ bản hiện nay chưa được kiểm soát, nên cán bộ tha hóa và làm tê liệt các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo.

Một vấn để cần nêu lên trong VHCV là phẩm giá con người, cụ thể là cán bộ. Người xưa đã phân biệt rạch ròi rằng “Cái phẩm giá của người ta đối với cái phẩm trật ông quan, thì cái phẩm giá người đáng tôn quí lắm. Cho nên người làm quan đã có phẩm trật ông quan mà lại có được phẩm giá con người thì mới là đáng trọng. Chớ nếu làm quan mà để cho cái danh lợi làm mất hết cái nhân cách, phẩm trật quan làm trôi mất phẩm giá người, thì danh tuy gọi là quan mà thực không bằng người bạch đinh vẫn còn giữ trọn phẩm giá. Ôi! Người làm quan chẳng nên đọc Chúc Tử, cân nhắc hai bên phẩm trật và phẩm giá mà tư tưởng hành động cho phải hay sao! (Nguyễn Văn Ngọc - Cổ học tinh hoa).

Mà phẩm giá suy cho cùng phải xây dựng trên lương tâm hay cái thiện.

Phẩm giá ấy đòi hỏi người làm quan hay làm cán bộ phải sống với những điều mình tâm huyết với lý tưởng lúc ban đầu, sống đúng và sống thực, luôn tinh tiến trong công việc, thức tỉnh trước mọi cám dỗ, trọn vẹn với xã hội (Tận kỳ sở năng và toại kỳ sở nhu). Có như thế mới lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân, kiến lập văn minh trong cộng đồng xã hội. Ngoài ra, còn phải tôi luyện ý chí trước mọi trở ngại một khi quyết định sống vì dân và cho dân, rèn luyện khả năng giải quyết công việc vì cái chung, vì lợi ích số đông… Nếu tự hào là người cách mạng thì phải biết tu dưỡng trọn vẹn, như cha ông ta ngày xưa gọi là “chính kỳ sở mệnh”, vượt lên trên những dục vọng tầm thường cá nhân. Sau chánh nghiệp, Phật dạy đến chánh mạng (Samma Ajiva).

Chánh mạngđời sống chân chánh, là pháp tu thứ năm trong Bát Chánh đạo. Chánh mạng là không hành nghề tổn hại đến chúng sanh để làm giàu cho mình như buôn bán vũ khí, buôn bán thú cấm, buôn người, buôn bán các chất gây nghiện hay thuốc độc, không mai mối hay bói toán.

Tóm lại, không làm nghề gì có hại cho số đông chúng sinh. Còn đối với các bậc lãnh đạo, họ phải có đời sống chân chánh.

Đức Phật dạy mười đức tánh cần có: bố thí, giới luật, hy sinh, chân thật, hiền hòa, không sống xa hoa, tự chế ngự, không sân hận, nhẫn nhục, rộng lượng. Phật dạy họ phải sống theo giáo pháp, tránh làm điều ác: Nếu người lãnh đạo sống chân chánh, nhiều người sẽ noi theo, và xã hội sẽ an lạc. Bậc vua chúa hãy đối xử với thần dân như con và tránh xa bốn điều tai hại khi cai trị: tham lam, sân hận, lo sợ, ảo tưởng”.

Cùng với chánh mạng, khi sống theo chánh nghiệp tức là người cán bộ sẽ hành động qua thân, khẩu, ý để trở thành toàn thiện, như phải có lòng từ bi đối với chúng sinh, ở đây là nhân dân, giúp đỡ mọi người, tạo môi trường làm việc cho đồng sự trong tinh thần phục vụ, khuyên dạy mọi người làm điều tốt, sống trung thực, không gây hờn oán cho người khác… và luôn nghĩ đến điều thiện, không toan tính làm điều ác, điều lợi riêng cho mình ..

Đức Phật giải thích rằng bất cứ hành động nào gây tổn hại cho người khác - như là phá rối, hăm dọa người dân là sai. Ngoài ra còn có các hành động đạo đức ở mức độ vi tế hơn, như sự thờ ơ vô cảm trước nỗi đau hay sự cấp bách của người khác cũng là những hành vi bất thiện cần loại trừ. Thực hành chánh nghiệp, chúng ta cần biết rằng những hành động bất thiện sẽ mang đến sự bất hạnh cho chính mình và cho những người xung quanh, ở hiện tại cũng như tương lai. Chúng ta thực hành chánh nghiệp vì muốn cuộc sống của mình có ích và hòa hợp, không phải để tự tôn vinh hay xác lập uy quyền, hay hành hạ kẻ khác và vì chúng ta muốn tâm được thanh tịnh, an lạc, không bị phiền nãohối hận, ăn năn.

Văn hóa công vụ, nếu thực hiện trong tinh thần ấy, là điều đáng mơ ước của bất kỳ chế độ xã hội nào. Chúng tôi chợt nhớ bài điếu văn mà Tổng thống Bush đọc trước linh cữu cha mình ngày 5 tháng 12 năm 2018 đã nhấn mạnh bài học đặc biệt nhất mà Tổng thống Bush “cha” dạy cho ông về ý nghĩa của việc làm tổng thống, là phải phục vụ quốc gia với sự liêm chính, lãnh đạo với lòng can đảm, và hành động với trái tim chứa đầy tình yêu dành cho đồng bào. Ông Bush “con” kể lại rằng trong ngày nhậm chức cha mình đã phát biểu: “Chúng ta không thể hi vọng để lại cho con chiếc xe to hơn, một tài khoản lớn hơn trong ngân hàng. Chúng ta phải cho chúng biết ý nghĩa của một người bạn trung thành, một người làm cha làm mẹ biết yêu thương, một công dân biết xây dựng căn nhà của mình, cộng đồng của mình, khu phố của mình tốt hơn”. Đó phải chăng cũng là tinh thần chánh nghiệp?

Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giáo số 315 ngày 15-2-2019

Thư Viện Hoa Sen

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.