- 1. Hương Hoa Cúng Dường Chư Phật
- 2. Vượt Trên Cả Chư Thiên
- 3. Chánh Niệm Trong Thiền Việt Nam
- 4. Đoạn Tận Lậu Hoặc Lập Tức
- 5. Chỉ Một Phút Thôi
- 6. Đức Phật Dạy Pháp Niết Bàn Tức Khắc
- 7. Tâm Từ: Đọc Trong Mùa Vu Lan
- 8. Ai Bố Thí Qua Bờ Bên Kia
- 9. Giữa Các Ngã Rẽ Phân Hóa
- 10. Để Ngộ Tông Chỉ Phật
- 11. Chánh Ngữ Trong Đời và Đạo
- 12. Thiền Tông Như Bè Pháp Qua Sông
- 13. Như Tranh Vẽ Trên Hư Không
- 14. Không Cửa Để Vào, Không Lời Để Nói
- 15. Huệ Khả Cầu Pháp: Đọc Từ Tạng Pali
- 16. Tin Phật, Tin Pháp, Tin Tăng
- 17. Phụ Nữ Trong Chánh Pháp
- 18. Khi Thiền Ni Chiyono Chứng Ngộ
- 19. Tỉnh Thức Rực Rỡ: Đọc Sách "Vivid Awareness"
- 20. Kinh Phật Nói Gì Về Vong Linh
- 21. Sống, Chết, Tái Sinh, Trung Ấm
- 22. Nghiệp Và Giải Nghiệp
- 23. Xây Chùa Và Xây Đạo Tràng
- 24. Vượt Qua Mười Hai Xứ
- 25. Đọc Sách "Essence of the Heart Sutra"
- 26. Đọc Thơ Cụ Mộc Đạc, Nghĩ Về Phật Giáo Dân Gian
- Về Tác Giả
ĐỂ NGỘ TÔNG CHỈ PHẬT
NGUYÊN GIÁC
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2020
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
Trong Phật giáo, chúng ta thường nghe nói có tới 84 ngàn pháp môn (*) để chỉ các truyền thống tu tập, các phương tiện khác nhau trong đạo Phật, và cho rằng bất kỳ pháp môn nào, bất kỳ truyền thống nào hay bất kỳ phương tiện nào cũng đưa đến mục đích cuối cùng là giác ngộ giải thoát. Có thể nói tám mươi tư ngàn pháp môn, thích ứng với tất cả nghiệp lực của chúng sanh từ địa ngục A tỳ đến các địa Bồ-tát, ai tu cũng được và tu hình thức nào đầy đủ công đức đều được giải thoát thành Phật, không thể thành gì khác ngoài Phật.
Cư sĩ Nguyên Giác đã dày công đọc nhiều kinh, nhiều sách cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh của các truyền thống tu tập gom góp lại thành 26 bài, rút ra từ những đoạn văn về giáo pháp ngắn và dài của Đức Phật dạy khi ngài còn tại thế đến những lời giảng ngắn gọn của Chư Tổ thời xưa và cận đại. Tác giả đã khéo léo lấy kinh chứng kinh nhằm chỉ bày giáo nghĩa giải thoát của Đức Thế Tôn xuyên qua thời gian và không gian luôn luôn xuyên suốt.
Tập sách dày 276 trang, được viết bằng ngôn ngữ đời thường nhằm giúp độc giả có được hiểu biết một cách tương đối đầy đủ và chính xác về các pháp tu của Đức Phật và của chư Tổ nằm rải rác ở các kinh sách Nam Truyền (Pali), Bắc Truyền (Sanskrit), và Tạng Truyền để có thể ứng dụng trong đời sống hàng ngày.
Lật giở từng trang sách, ngoài những bài học về Thiền tập và niệm Phật độc giả có thể cùng chiêm nghiệm nhiều vấn đề mà tác giả trình bày như: “beyond the gods” nói về chư thiên, về thượng đế sáng tạo; về vong linh; sống, chết, tái sinh, trung ấm; về nghiệp và giải nghiệp; về xây chùa và xây đạo tràng; về Phật giáo dân gian và về một câu hỏi khá lý thú là làm sao để ngộ, liệu chỉ có tuệ, không có định có thể giải thoát thành Phật được không?...
Quan trọng hơn hết vẫn là các pháp hành đề cập đến trong tập sách này mà chúng ta có thể dễ dàng thực hành và có thể giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại (theo như kinh nói). Đó là phương cách đoạn trừ phiền não trong tâm (tức diệt các lậu hoặc – thuật ngữ nhà Phật) mà không cần tu Tứ niệm xứ hay Tứ thiền bát định. Phương cách đó được Đức Phật đưa ra là phải thấy các pháp là “vô thường, hữu vi, do duyên sanh” – (Kinh SN 22.81 Kinh Tất Cả Lậu Hoặc).
Đoạn trừ các phiền não trong tâm để tâm không còn dính mắc, bám víu vào bất cứ cái gì, tâm không còn trụ vào bất kỳ pháp nào, cụ thể là không trụ vào sắc thọ tưởng hành thức, điều mà kinh Kim Cang nói: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là hoàn toàn giải thoát khỏi các lậu hoặc.
Ngay nơi bài đầu tiên, tác giả đã đưa chúng ta về thời bình minh của đạo Phật với những câu kinh ngắn mà chư tăng thời đó dùng làm nhật tụng trong việc tu tập hàng ngày. Đó là: Hãy giữ tâm “vô sở trụ” hãy “như giọt nước trên lá sen, như nước không dính vào bông sen; những gì được thấy, nghe, nhận biết không dính mắc gì vào người trí.”
Tác giả cho rằng đây cũng là pháp tu “Đối cảnh vô tâm” của Thiền Tông Việt Nam. Bởi vì “không khởi niệm”. Ngài Trần Nhân Tông gọi đó là “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”. Ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng gọi đó là Thiền Vô niệm, và Kinh Kim Cang gọi đó là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Giống hệt như Kinh Bahiya khi đối cảnh, thì chỉ có cái được thấy và cái được nghe, và không hề có ai thấy, không hề có ai nghe. “Đối cảnh vô tâm” cũng có nghĩa là sống với cái hiện tiền, tức là sống với dòng vô thường lưu chảy qua thân tâm mình, cũng là buông hết cả quá khứ (cái đã qua), không mơ tưởng gì tương lai (cái chưa tới) và không níu giữ gì hiện tại (vì cái hiện tại tức khắc liền trở thành quá khứ) -- nơi đó dứt bặt tất cả các lao xao suy nghĩ, vì các lao xao suy nghĩ chỉ là sản phẩm của ngũ uẩn quá khứ.” tác giả giải thích thêm. [2]
Nơi bài khác, cũng trong thời kỳ đầu hoằng pháp, “Đức Phật đã dạy về pháp Niết Bàn tức khắc ngay trong hiện tại, giải thoát ngay ở đây và bây giờ. Đức Phật dạy rằng theo thứ tự trước tiên là tâm phải ly tham, rồi phải ly sân, rồi phải tập hơi thở để ly niệm, và tận cùng là quán vô thường. Tuy bài pháp này nói riêng cho ngài thị giả Meghayi, nhưng sẽ thích nghi với nhiều người chúng ta. Rằng không nhất thiết phải tu tứ thiền bát định. Rằng niệm hơi thở không cần phức tạp, chỉ cần niệm hơi thở ra và vào để tới mức ly niệm (không nên hiểu là xóa sổ niệm, chỉ nên hiểu tương đối là khi thở, để tâm phẳng lặng như mặt hồ là đủ). Và quán vô thường là sẽ thấy vô ngã, là Niết bàn tức khắc.” (Bài Đức Phật dạy pháp Niết Bàn tức khắc)
Cũng cần chú thích thêm ở đây ly niệm là giữ tâm trong chánh niệm như những nhà khoa học, nhìn sự vật như nó là, mà không phán xét (see things as they are).
Chưa hết, tác giả còn đưa chúng ta về với chư Tổ xưa của Việt Nam để tham học các ngài về đường đi giới-định-tuệ để giải thoát… trong đó, chìa khóa là chánh niệm tỉnh giác, vì trí tuệ là “chiếc gương bằng đồng trước phải nhờ mài giũa, sau mới trong sạch soi sáng.” (Khóa Hư Lục). Tất cả các ngài đều dạy Thiền tập để xa lìa tham sân si.
Và còn nhiều bài khác nữa, mỗi bài là một pháp tu, mỗi bài là một đóa thanh lương để chờ quý độc giả ngắm nhìn, thưởng thức và đem về nhà ôm ấp, tưới tẩm, thực hành.
Nếu quý độc giả ưa thích đọc kinh Phật mà không có nhiều thì giờ, ưa thích những đối chiếu về giáo điển bằng các ngôn ngữ khác nhau, tiếng Anh, tiếng Việt hay muốn tìm kiếm một phương pháp tu tập thích hợp với sở thích và hoàn cảnh riêng của mình; hiển nhiên đây là một tác phẩm không thể bỏ qua, gần như tất cả những gì Cư sĩ Nguyên Giác viết xuống đều rất mực trân trọng, có sức thuyết phục cao qua việc lấy kinh chứng kinh và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khả tín khác nhau.
Trân trọng kính giới thiệu.
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation | Tâm Diệu
___________________________
Chú thích:
[*] Tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng có nghĩa là 84 ngàn đoạn văn về giáo pháp, 84 ngàn phương tiện đối trị 84 ngàn phiền não (trần lao).
[2] Kinh Tập, với Kinh Sn 4.15, trong đó có bài Kệ 949: Hãy để lụi tàn những gì đã qua, hãy để mặc kệ những gì chưa tới, không dính mắc tới những gì hiện tại, ngươi sẽ sống trong an tĩnh hòa bình.
Ấn bản phát hành tại Việt Nam
Ấn bản phát hành ngoài Việt Nam
Mong muốn pháp được lưu truyền rộng rãi, tác giả và nhà xuất bản không giữ bản quyền sách. Giá bán khi độc giả đặt mua là giá thành tối thiểu của Amazon nhằm trang trải chi phí in ấn cho một quyển theo hình thức POD (Print on Demand).
Quý độc gỉa có thể tiếp cận được sách qua ba nguồn sau: (1) Đọc online, cột bên tay phải bên trên, (2) Download phiên bản PDF về máy nhà và (3) Đặt mua sách trên mạng Amazon: https://www.amzn.com/1651368856