Đối mặt với sự thách thức của coronavirus

13/04/20206:07 SA(Xem: 11149)
Đối mặt với sự thách thức của coronavirus

ĐỐI  MẶT VỚI  SỰ  THÁCH THỨC CỦA CORONAVIRUS
(Facing the Challenge of the Coronavirus)

 

bhikkhu-bodhi-2Giới thiệu : Đây là bài  đầu tiên trong loạt bài nói chuyện về đề tài “ Một vài suy tư trước đại  dịch Covid 19” của Bhikkhu Bodhi, Chủ tịch Hội Phật Giáo Hoa Kỳ ( Buddhist Association of the United States - BAUS), tại Tu viện Chuang Yeng ở New York . Bài nói chuyện được thực hiện qua kênh You Tube .

******************

Thành Kính Đảnh Lễ Đức Thế Tôn, Bậc A-la-hán Chánh Đẳng Chánh Giác

Vào thời điểm rất khó khăn này, tôi xin gởi lời cầu chúc tất cả các bạn được khỏe mạnh, bình an. Tôi muốn dành vài phút để chia sẻ với các bạn một vài suy tư của tôi về cách làm thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh Coronavirus hiện nay.

Việc đầu tiên là chúng ta phải rất tinh tấncẩn thận làm theo lời hướng dẫn của các chuyên gia y tế. Mối quan tâm hàng đầu của họ là sức khỏe của chúng ta, mặc dù những lời hướng dẫn của họ có lẽ hơi khó thực hiện . Nhưng để ngăn chặn sư lây nhiễm của dịch bệnh, chúng ta cần theo sát lời chỉ dẫn  của họ thật tinh tấn và có ý thức. Con virus này có thể lây nhiễm rất nhanh chóng và rộng khắp nếu chúng ta không cẩn thận, nhưng nếu chúng ta cẩn thận  và tinh tấn làm theo lời chỉ dẫn của họ, thì chúng  ta có thể từ từ làm giảm được sự lây nhiễm của virus này, nghĩa là thay vì  để cho sự lây nhiễm tăng vọt lên cao, thì chúng ta cố gắng làm cho nó tăng chậm lại, rồi tốc độ  lây nhiễm của virus sẽ giảm dần và hy vọng nó sẽ tiếp tục giảm  cho đến khi biến mất.

Con virus này không phải lây nhiễm một cách tiệm tiến hiền hòa, mà nó lây nhiễm theo cấp số nhân rất nhanh chóng, một người lây bệnh cho 3 người, 3 người lây cho 9 người, 9 người lây cho 27 người…, cứ như thế. Vì vậy chúng ta phải tuân theo lời hướng dẫn của các chuyên gia y tế để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus. Một số lời khuyên chính  mà các chuyên gia y tế chỉ dẫn cho chúng ta là :

Đầu tiên gọi là “ Giữ khoảng cách an toàn xã hội”  ( social distancing ), nghĩa là chúng ta phải giữ một khoảng cách được ấn định giữa ta và những người khác. Khuynh hướng tự nhiên của con người là hòa mình với xã hội, đến gần nhau , bắt tay nhau khi chúng ta gặp mặt, ôm nhau, nói với nhau những lời thân ái, họp mặt theo từng nhóm vv…  Nhưng bây giờ nếu chúng ta làm như vậy chúng ta sẽ trở thành tác nhân nhận virus cho chính mình và truyền nó cho người khác. Bởi vậy, để tránh việc này, chúng ta phải tuân theo nguyên tắc  “giữ khoảng cách an toàn xã hội ”, giữ một khoảng cách giữa ta và người khác, không tham gia sinh hoạt nhóm, không đi đến những nơi công cọng hay những cuộc hội họp công cọng, nhưng là cố gắng hết sức để ở trong nhà, ở trong phòng của mình.

Nguyên tắc thứ hai mà các chuyên gia y tế hướng dẫn chúng ta là : phải rửa tay thường xuyên và rửa tay với xà-phòng.  Lý do chúng ta phải rửa tay với xà-phòng là vì bọt xà-phòng cuốn theo virus và tiêu diệt nó, rửa  tay với nước mà thôi sẽ không tiêu diệt được virus. Hãy dùng xà-phòng và xoa hai bàn tay với nhau trong 20 giây để tạo ra lớp bọt trước khi rửa sạch tay.
 

Như vậy,  làm theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế trước tiên là để chăm sóc cho chính mình, và bằng cách chăm sóc cho chính mình, chúng ta cũng đang chăm  sóc cho người khác. Chúng ta bảo vệ mình khỏi bị nhiễm virus, và bằng cách tránh khỏi bị nhễm virus cho chính mình, chúng ta cũng đang bảo vệ người khác, vì chúng ta không trở thành tác nhân truyền virus cho người khác. Chăm sóc cho chính mình có vẻ như là một hành động ích kỷ, nhưng thật ra đây là một hành động từ bi đích thực, là một cách bảo vệ người khác.

Chúng ta có thể thấy điều này được minh họa trong một bài kinh do Đức Phật thuyết giảng, đó là kinh Sedaka-Sutta ( Tương Ưng Bộ Kinh, Chương III, Tương Ưng Niệm Xứ - 19(9)- Kinh Sedaka ). Trong kinh này, Đức Phật kể lại câu chuyện của hai người biểu diễn xiếc nhào lộn ở một thị trấn, một người là thầy, người kia là đệ tử. Họ đi đến thị trấn này và dựng lên một cây cột tre, rồi người thầy nói với người đệ tử : “Con hãy leo lên vai ta”, người đệ tử leo lên vai người thầy. Rồi người thầy nói tiếp : “Con hãy bảo vệ ta, và ta sẽ bảo vệ con, và bằng cách bảo vệ cho nhau,  chúng ta có thể biểu diễn nhào lộn bằng đôi chân, và rồi chúng ta sẽ trèo xuống cột tre an toàn, và kiếm được tiền”. Nhưng người học trò nói với người thầy : “Thưa thầy, cách đó không đúng đâu,  thầy phải tự bảo vệ thầy, và con phải tự bảo vệ con, khi mỗi người tự bảo vệ  mình, chúng ta sẽ được bảo đảm an toàn . Bằng cách này, chúng ta có thể biểu diễn nhào lộn bằng đôi chân, và chúng ta sẽ kiếm sống được”.

Rồi Đức Phật dạy : “Lời nói ấy của người đệ tử là cách đúng đắn để biểu diễn xiếc nhào lộn bằng đôi chân”. Rồi Đức Phật áp dụng chuyện này vào đời sống hằng ngày của chúng ta, Ngài nóí : “Cũng vậy, các ông hãy bảo vệ chính mình, và bằng cách bảo vệ chính mình, các ông cũng bảo vệ người khác; và bằng cách bảo vệ người khác, các ông cũng bảo vệ chính mình”.

Như vậy, bằng cách bảo vệ chính mình đúng đắn, chúng ta cũng bảo vệ gia đình mình, các thành viên trong cộng đồng của mình, thành viên của thành phố, thị trấn, và mọi người trong đất nước mình.

Giờ đây, khi chúng ta phải đối mặt vớí đại dịch coronavirus này, chúng ta đang bị nỗi sợ hãi, lo âu đè nặng , thậm chí đôi lúc có tâm trạng kinh hoảng . Vậy làm thế nào giải quyết  vấn đề này theo Giáo pháp của Đức Phật, chúng ta sẽ áp dụng Phật pháp như thế nào để giúp chúng ta vượt qua được nỗi sợ hãi, lo âu, để có thể sống trong an bình và thanh thản?

Tôi muốn đề cập đến ba phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp sẽ thích hợp tùy theo khuynh hướng của mỗi người, phương pháp thứ nhất dựa  trên đức tin và sự thuần thành, phương pháp thứ hai dựa trên chánh niệmthiền định , và phương pháp thứ ba dựa trên trí tuệthiền quán. Dĩ nhiên, ba yếu tố này cần được đan quyện với nhau : tín,  niệm và  tuệ. Nhưng mỗi người với khuynh hướng khác nhau sẽ có sự chú trọng khác nhau đối với từng phương pháp.

Phương pháp thứ nhất, đối với những người có khuynh hướng chú trọng về đức tin và sự  thuần thành thì phương cách để giữ tâm được vững chải, bình tĩnh và an vui là hướng tâm đến những phẩm chất và đức hạnh cao quý của Tam Bảo. Như vậy họ sẽ hướng tâm đến   Đức Phật, là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác với lòng từ bi vô lựợng. Họ hướng tâm đến Giáo Pháp,  là con đường tu tập đưa  đến giải thoátgiác ngộ; và họ hướng tâm đến Tăng Đoàn, là cộng đồng cûa những vị A-la-hán đã giải thoát, hay là cộng đồng của những vị Bồ-tát thanh tịnhtừ bi. Họ hướng tâm đến đức hạnh thanh tịnh,  trí tuệ, lòng từ bi, cũng như công phu tu tậphạnh nguyện của các vị ấy. Và khi  hướng tâm về Tam Bảo, chúng ta có thể chọn bất cứ đối tượng nào mà ta ưa thích, Phật, Pháp hoặc Tăng; điều này sẽ giúp chúng ta khởi sinh lòng tịnh tín và một niềm hoan hỷ thầm lặng, một sức mạnh nội tâm giúp chúng ta giữ được bình tĩnhan ổn giữa thời điểm khủng hoảng này.

Phương pháp thứ hai nhấn mạnh vào thực tập chánh niệm đưa đến nội tâm an bình vững mạnh và ổn định tâm. Vì vậy, theo phương pháp này, chúng ta ngồi xuống gối thiền ( bồ đoàn) và thiết lập chánh niệm. Trước tiênniệm thân, ghi nhận toàn bộ cảm giác về thân, bạn có thể rà soát toàn bộ cảm giác về thân, cảm nhận sự va chạm của bàn tọa trên gối thiền, của đôi chân trên mặt tấm nệm, rồi bạn có thể hướng sự chú ý vào hơi thở. Khi thở vào  bạn chú tâm biết rõ  hơi thở vào, khi thở ra bạn chú tâm biết rõ hơi thở ra, khi một ý tưởng khởi lên, ý tưởng lo âu, sợ hãi, sân hận, bực tức …, bất cứ ý tưởng nào khởi lên bạn chỉ cần nhận biết rõ và để cho nó đến, rồi để nó đi, ý tưởng sẽ biến mất, và bạn đưa tâm trở về với đối tượng quán niệm, trở về với cảm giác toàn thân, rồi chuyển từ thân đến hơi thở. Nếu bất cứ ý tưởng sợ hãi, lo âu nào trở nên quá mạnh, bạn có thể bỏ qua hơi thở và tập trung sự chú ý vào chính ý tưởng sợ hãi đó, biến ý tưởng ấy thành đối tượng quán niệm, hoặc là bạn có thể chú tâm vào cảm giác của thân thể khi ý tường ấy đang xâm nhập vào tâm, bạn cảm nhận sự mệt mỏi, sự co thắt, sự căng thẳng trong thân, rồi bạn dùng tâm để thoa dịu thân, và khi bạn cảm thấy bớt căng thẳng, bạn có thể đem tâm trở về với hơi thở. Bằng cách này, bất cứ điều gì xảy ra bên ngoài, bạn vẫn có thể giữ được cảm giác nhẹ nhàng, bình tĩnh, an ổn  và thanh thản.

Phương pháp thứ ba là sử dụng trí tuệ hoặc suy tư về nỗi lo âu / như lý tác ý (yoniso manasikara) như là một phương cách để đối phó với cuộc khủng hoảng do coronavirus mang lại . Như vậy, với những suy tư sâu rộng hơn, chúng ta có thể thấy rằng môi trường  đang dạy cho chúng ta bản chất đích thật của đời sống. Thông thường trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn tiếp tục những sinh hoạt của mình và tưởng rằng mọi việc sẽ tiếp diễn bình thường không bao giờ bị gián đoạn, chúng ta cho rằng mọi việc luôn luôn an toàn và ổn định. Nhưng  những gì Đức Phật dạy là, bên dưới bề mặt an bình của đời sống hằng ngày, luôn luôn có những mối nguy hiểm tiềm ẩn . Vì vậy, bây giờ con virus này là mối nguy hiểm đã bước ra khỏi chỗ ẩn núp, và xuất hiện giữa cuộc đời.

 Đức Phật đã dạy các đệ tử của Ngài cần quán chiếu hằng ngày rằng : “ Tôi phải chịu lệ thuộc vào tuổi già, tôi không thể nào thoát khỏi tuổỉ già. Tôi phải chịu lệ thuộc vào bệnh tật, tôi không thể nào thoát khỏi bệnh tật. Tôi phải chịu lệ thuộc vào cái chết, tôi không thể nào thoát khỏi cái chết.” Như vậy, chúng ta  mang hình hài này lúc chào đời, rồi mang tấm thân này sống trong cuộc đời, chúng ta cũng bị lệ thuộc vào tuổi già, bệnh tật và cái chết. Bây giờ, con virus này đang lây lan khắp thế giới, chúng ta đang đối mặt với thực tại của đời sống, đặc biệt là bệnh tật và có tiềm năng đưa đến cái chết. Vì thế , chúng ta cần phải giữ tâm vững chải và chuẩn bị tâm đối mặt với thực tại này.

Một đề mục thứ tư mà Đức Phật dạy chúng ta nên quán chiếu là : “ Có ngày tôi sẽ phải xa lìa tất cả những người tôi yêu mến.” Ngay cả nếu chúng ta vẫn còn sống, nhưng những người thân yêu, bà con, bạn bè của chúng ta cũng chịu lệ thuộc vào cái chết. Vì thế, khi những người ấy qua đời, chúng ta sẽ như thế nào ? Nếu chúng ta không  chuẩn bị tinh thần, thì khi những người thân yêu của chúng ta qua đời, chúng ta sẽ bị tràn ngập niềm đau thương, khổ lụy, và thậm chí còn bị trầm cảm. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể đem đề mục này để quán chiếu hằng ngày, thì khi người thân yêu của chúng ta qua đời, dĩ nhiên  chúng ta sẽ rất buồn, nhưng chúng ta có thể duy trì được sức mạnh và sự quân bình nội tâm trước nỗi khổ niềm đau ấy, để có thể đứng lên mạnh mẽ hơn và sẵn sàng đối mặt với những thách thức của đời sống.

Đề mục thứ năm mà Đức Phật đã dạy chúng ta là :” Khi chúng ta qua đời, tất cả những gì chúng ta có thể mang theo đến kiếp sau là Nghiệp , đó là di sản của những hành động thiện và bất thiện của chúng ta.” Khi chúng ta suy nghĩ về  điều này, chúng ta thấy rằng ngay bây giờ, chúng ta có thể bắt đầu  làm vài việc thiện lành, như là đóng góp vào các tổ chức từ thiện đang nỗ lực giúp đỡ giải quyết cuộc khủng hoảng do virus này gây nên,  hoặc các cơ quan y tế, các tổ chức chăm sóc sức khoẻ , các trung tâm phân phối thực phẩm cho người nghèo …, để giúp đỡ những người đang bị khốn khổ vì dịch bệnh này.

Chúng ta có thể chọn bất cứ phương pháp nào chúng ta thích, phương pháp dựa trên đức tin và sự thuần thành, phương pháp thực tập chánh niệmđịnh tâm , hay phương pháp  tuệ quán, để giữ nội tâm an bình và tĩnh lặng, và có đủ nội lực để đối mặt với cuộc khủng hoảng này một cách can đảm. Khi chúng ta có được một tâm thức bình tĩnh, mạnh mẽ và can đảm thì điều này sẽ tăng cường hệ miễn nhiễm của chúng ta, giúp chúng ta giảm bớt nguy cơ lây nhiễm virus này nếu chúng ta phải đối mặt nó.

Tôi hy vọng rằng tất cả các bạn đang lắng nghe bài nói chuyện này sẽ được an toàn, mạnh khoẻ, và các chuyên gia y tế sẽ sớm tìm ra thuốc chủng để loại trừ con virus này và chúng ta sẽ có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Tôi muốn chấm dứt bài nói chuyện này bằng một bài tụng kinh, cầu nguyện uy lực của Tam Bảo phù hộche chở cho những ai lắng nghe bài nói chuyện này. Bài kinh  bằng tiếng Pali, với ý nghĩa như sau :

                        Cầu nguyện cho tất cả các bạn thoát khỏi mọi bệnh tật,

                        Và vui hưởng thọ mạng lâu dài,

                        Nhờ vào sự phò hộ của Phật, Pháp Tăng,

                        Và với sự che chở của Chư Thiên,

                        Tất cả các bạn sẽ được an toàn, khoẻ mạnh.

Cầu nguyện tất cả các bạn sẽ vượt qua cơn khủng hoảng này, với nội lực vững mạnh hơn, và  tinh thần trách nhiệm lớn hơn đối với nhau, với trái tim tràn đầy lòng từ bi, và với quyết tâm làm việc để xây dựng một cộng đồng, một xã hội, một thế giới trong đó mọi người có thể phát triển và thực hiện được ước mơ của mình.

 

Sources : https://www.youtube.com/watch?v=fb--8cQovOc  (nhấn ctrl + click vào đường dẫn này để nghe bài nói chuyện)
Click vào CC để xem phụ đề tiếng Anh:



MỤC LỤC
PHẬT GIÁO & CƠN ĐẠI DỊCH CORONAVIRUS




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.