Mục lục
Lời Phi Lộ
Nhìn Đời Như Bọt Nước
Số Đời Một Hơi Thở
Phật Pháp Căn Bản
Tâm Phật và Tâm Ma
Tâm Kinh Bát Nhã
Lời Phi Lộ
Núi rừng tĩnh mịch, đồi núi thâm u thông thẳng đến tâm Phật của người tu thiền. Nơi ấy có sông, suối, ao hồ, rừng cây, chim ca, sóc nhảy… Ở chốn núi rừng này một sớm mai thức dậy ta bỗng thấy trên từng ngọn cỏ, lá cây sương giăng phủ kín. Song khi mặt trời xuất hiện chiếu soi vào vạn vật thì sương mù liền tan biến.
Đức Thế Tôn dạy: Cõi đời này khi mê thấy toàn sương mù giăng lối. Không biết đâu là lối về, đâu là cố hương muôn thuở! Nhưng khi tỉnh ra như mặt trời chiếu soi vạn tượng, tức khắc sương mù tan biến hiện rõ lối đi. Nên Tổ Bá Trượng nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”, nghĩa là đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ liền xuất hiện.
Đã là người ai cũng mang trong mình bốn tướng Sanh-già-bệnh-hết, dù cho người trí hay ngu, dù cho sang hay hèn tôn giáo hay không tôn giáo… tất cả đều là mầm mống của khổ đau, vì bản chất của tướng già – bệnh – chết là tướng hoại diệt là tướng vô thường, đã là tướng vô thường, là tướng hoại diệt, thì đều là tướng của khổ đau.
Song nhờ thâm nhập vào lời dạy của Đức Thế Tôn, hành giả tu tập phải quán chiếu vào tận cùng ngõ ngách của vạn pháp và trang bị cho mình một cái nhìn, nhìn gì? Nhìn đời như bọt nước, nhìn đời như ảo ảnh… để hành giả bớt chấp ngã, chấp pháp, ta người…. và chứng nghiệm thực tại ngay tại đây và bây giờ.
Quyển sách này là ghi lại từ nhân duyên chuyến hoằng pháp tại các nước Pháp, Đức, Áo, Bỉ… Trong phần này, nói về sự vô thường của vạn pháp, để chúng ta quán chiếu và chứng nghiệm trong dòng sống động của vạn loài.
Vì ghi lại từ đĩa giảng chắc chắn không tránh khỏi những điều thiếu sót. Kính mong các bậc thiện tri thức trong thiên hạ bỏ qua cho. Chúng con thành kính tri ân.
Đầu hạ năm Kỷ Hợi
Trúc Lâm Chánh Thiện
Cẩn bút