Số Đời Một Hơi Thở

01/10/20203:58 CH(Xem: 5420)
Số Đời Một Hơi Thở
NHÌN ĐỜI NHƯ BỌT NƯỚC
Tác giả: ĐĐ Thích Đạt Ma Khế Định
Nhà xuất bản: Tôn Giáo

Số Đời Một Hơi Thở

Một cô Phật tử xin tôi chỉ dạy một phương pháp để tu có kết quả. Cô nói là bên vùng cô ở (nước Đức), những Phật tử có tâm tu tập đa phần là xa xứ. Khi còn ở Việt Nam thì tu rất nhiều, bây giờ qua đây, thứ nhất là bận công chuyện làm ăn, thứ hai là gia duyên ràng buộc ở quê hương còn người thân cho nên ráng cố gắng làm việc để dành chút ít tiền gửi về nuôi cha mẹ. Như vậy cũng tốt nhưng cô nói bây giờ quên tu luôn. Cho nên bài pháp ngày hôm nay mục đích là giảng cho cô Phật tử đó. Giảng xong tôi đưa lên mạng, rồi sẽ điện thoại cho cô biết để nghe. Hôm nay quý Phật tử dự thính thôi, rồi mình tùy hỉ theo công đức lành này cho cô Phật tử đó.

Trước hết, tôi xin hỏi quý Phật tử, buổi sớm mai thức dậy, niệm đầu tiên mình nhớ đến việc gì? Nếu sáng dậy mà nhớ hơi thở thì lúc này quý Phật tử không còn ở ngoài đời nữa, mà đã bỏ hết vào chùa xuất gia. Còn đằng này niệm đầu tiên là chúng ta nhớ về công ăn việc làm, cuộc sống, kế nữa là nhớ thức ăn, sáng nay ăn gì, trưa chiều ăn gì!

Trong kinh Tạp A Hàm, Đức Phật bảo các thầy khất sĩ“Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn đó là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là tư niệm thực và thứ tư là thức thực.”

Thức ăn hằng ngày mình ăn như cơm, bánh mì, phở…. chỉ là đoàn thực. Có một loại thức ăn mà mình không ăn là chết liền, đó là hơi thởTinh thần của nhà Thiền là khi chúng ta vừa thức dậy, việc đầu tiên chúng ta hít thật sâu, thở ra thật nhẹ, biết rằng mình vẫn còn sống. Cám ơn cuộc đời cho mình sống thêm một ngày nữa, đó là mình biết tu. Và trong suốt một ngày chúng ta tu tập như thế nào để có sự chuyển hóa.

Cho nên Sơ Tổ Trúc Lâm, khi ngài xuống núi khai thị đồ chúng ngài đâu có giảng gì cao siêu:

Số đời một hơi thở,

Lòng người hai biển vàng.

Cung ma dồn quá lắm,

Cõi Phật nào vui hơn.

Số đời chỉ một hơi thở thôi, hít vào mà không thở ra là chết. Số đời chỉ một hơi thở nhưng lòng mình hai biển vàng. Quý vị có tin điều đó không? Nhiều lúc chúng ta ít để ý điểm đó.

Chuyện trong Bát Tiên có kể, Lữ Động Tân đi thi rớt mãi, ông buồn lắm. Một hôm ông vào quán để uống rượu thì gặp một vị tiên trong tám vị tiên, đó là Chung Hướng Ly. Chung Hướng Ly có pháp thuật chỉ cho đệ tử gọi là điểm đá hóa vàng. Lữ Động Tân theo Chung Hướng Ly lên núi tu rồi học được pháp thuật này, ông điểm hòn đá thì hòn đá biến thành cục vàng. Học thành tài rồi ông xin thầy xuống núi để cứu độ chúng sanh. Chung Hướng Ly nói đừng xuống, cõi này chúng sanh được một đòi hai, được hai đòi ba, được ba đòi bốn, không bao giờ thỏa mãn được. Lữ Động Tân không nghe thầy, nói thầy mình nghĩ xấu cho người. Cuối cùng Chung Hướng Ly cũng đồng ý cho đi.

Khi xuống núi, người đầu tiên Lữ Động Tân gặp là một đứa bé khoảng mười lăm tuổi, đang đi xin ăn, áo quần rách rưới. Ông kêu đứa bé lại hỏi thăm. Đứa bé không còn cha mẹ, không có thân bằng quyến thuộc, hằng ngày đi xin ăn kiếm sống. Ông thương tình, điểm một hòn đá biến thành cục vàng cho đứa bé. Đứa bé nhìn sững ông, không chịu lấy. Ông nghĩ thầy mình nói sai rồi, cho đứa bé cục vàng mà nó đâu có lấy. Ông hỏi đứa bé:

– Tại sao con không lấy?

Đứa bé trả lời:

– Thưa thầy, cục vàng này con xài một thời gian cũng hết. Thầy cho con xin ngón tay của thầy. Có ngón tay của thầy con điểm đâu cũng thành vàng hết.

Rõ ràng lòng người hai biển vàng! Quý Phật tử nghiệm lại coi, trong tâm mình lúc nào cũng mong muốn làm như thế nào đó để hơn, hơn, hơn nữa, mà không bao giờ thỏa mãn. Phật nói, khi thỏa mãn cái dục là giống như cái tàn hương; khi nghe được mùi hương thì cây hương đã sắp tàn. Thử thắp cây hương, khi thắp lên chưa nghe mùi hương. Khi nghe mùi hương là cây hương bắt đầu tàn và khi nghe hết mùi hương thì cây hương sắp tắt. Đời người cũng vậy đó mà ít ai để ý, kể cả bản thân chúng tôi.

Cho nên Sơ Tổ nói số đời một hơi thở, mà lòng người thì hai biển vàng. Khi ông Bàng Long Uẩn ngộ đến điểm này, ông đem của cải đổ xuống sông Tương hết. Ông làm bài kệ:

Người đời quý trân bảo,

Ta quý sát-na tịnh.

Báu nhiều loạn lòng người,

Tịnh nhiều thấy Phật tánh.

Rồi dắt hai người con và bạn đời của ông vào trong một thôn xóm đan giỏ tre bán, sống qua ngày. Khi của cải nhiều thì tâm người loạn. Chẳng hạn bây giờ mình đang nghèo không có gì hết, cuộc sống đang bình lặng, đột nhiên mình trúng chừng hai mươi lăm triệu euro, suy nghĩ liền! Hai mươi lăm triệu euro làm cái gì bây giờ đây? Mua cái gì, sắm cái gì, nhiều khi không ngủ được.

Có hai vợ chồng làm ruộng nghèo lắm. Chiều về người chồng ăn cơm xong là ngủ một giấc tới sáng. Sáng dậy đi làm tiếp, cuộc sống rất là phẳng lặng bình ổn, vợ chồng vui vẻ hạnh phúc. Bữa nọ người chồng cuốc ruộng đào được một tượng La-hán cao khoảng một thước rưỡi, bằng vàng ròng. Từ khi đem tượng La-hán bằng vàng ròng về, ông ăn không được, ngủ không được, càng ngày càng ốm. Bà vợ sợ ông chết, bà nói:

Hồi xưa nghèo, ông ngủ được sao bây giờ giàu rồi, ông có tượng La-hán bằng vàng ròng, ông sợ gì mà không ngủ được, cứ đi ra đi vào nhìn mặt ông rất là khổ sở.

Ông nói:

– Tôi xem kinh thấy trong sử nói có mười tám vị A-la-hán, tôi lượm được một tượng, tôi suy nghĩ không biết mười bảy tượng nữa nằm ở đâu.

Cho nên ông Bàng Long Uẩn nói đúng:

Báu nhiều loạn lòng người,

Tịnh nhiều thấy Phật tánh.

Tinh thần của đạo Phật không phải để mình bi quan yếm thế, không phải để mình dừng việc làm ăn, nhưng mà có một điểm dừng bớt, bớt thôi chứ không phải mình dừng hẳn. Trong cuộc sống giữa đời thường này có những lúc chúng ta phải dừng để định vị lại mình, để từ đó thăng hoa lên chứ không chìm mãi trong biển khổ. Phật thương mình, tôi trùng tuyên lời của Phật nên tôi phải nói.

Thiền thoại Tây Tạng kể, có một vị Lạt Ma rất giỏi. Ngài có năng lực có thể đưa người còn sống về Tây phương nếu họ muốn. Trong thời giảng pháp, ngài hỏi đại chúng có ai muốn về Tây phương không, ai cũng giơ tay muốn về. Sau thời giảng ngài hỏi lại thì ai cũng bận việc, người thì còn xe, người thì còn biệt thự phải giải quyết. Người thì còn phải cưới vợ gả chồng cho con chưa đi liền được. Cuối cùng một đứa bé giơ tay nói con muốn lên. Hỏi tại sao con muốn lên? Dạ cha con chết, mẹ con chết để lại cho con một căn nhà hôm qua cháy rụi hết rồi.

Thế giới Tây phương của Đức Phật A Di Đàthế giới bình đẳng, có nghĩa là ai cũng lên được nhưng tại sao có người lên được có người không? Tại vì còn bận bịu nhiều quá. Đứa bé sở dĩ lên được vì không còn thân bằng quyến thuộc nữa, nhà cũng bị cháy không còn gì hết.

Ở nước Trung Quốc có một người buôn bán châu báu rất giàu có, đến mỗi tỉnh buôn bán ông lấy một người vợ. Một hôm tình cờ ông đến một ngọn núi, trong người rất mệt mỏi, ông thấy Phật tử tập trung lại nghe Hòa thượng Hư Vân giảng pháp rất đông. Bữa đó Ngài giảng về thế giới vô thường, mỏng manh tạm bợ, nghe xong ông giật mình, ông nhận chìm hai ghe châu báu. Ông giải tán hết, tiền bạc của cải đem cho người thân, và quyết tâm dấn thân vào con đường tu tập. Ông ghiền thuốc phiện, mỗi lần lên cơn ghiền người ta tưởng ông chết chứ không sống nổi. Ông lấy xiềng trói chân lại, ngồi kiết già suốt. Vậy mà cuối cùng ông thành tựu. Đời này có chứ không phải không. Trung Quốc có những người kỳ đặc lắm. Việt Nam mình có Sơ Tổ Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông, bỏ ngai vàng đi tu.

Như vậy giá trị đích thực của đạo pháp có một cái gì siêu việt hơn tất cả những của cải thường tình. Sư Ông Trúc Lâm nói: “Nắm được rồi nhìn lại chỉ tay không” giống như bong bóng nước vậy thôi.

Mục đích bài pháp này nhắc chúng ta ở trong cuộc đời đừng có bám víu nhiều, để khi từ giã cuộc đời chúng ta thăng hoa đi lên. Sở dĩ đứa nhỏ buông xả được là vì nó không còn dính mắc, không còn bám chắc vào thế giới vật chất này nữa thì tức khắc thần thức nó được thăng hoa, được tiến.

Khi Sơ Tổ Trúc Lâm xuống núi một lần nữa thì Ngài làm một bài kệ thứ hai, cũng bài kệ về hơi thở:

Thân như hơi thở ra vào mũi,

Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.

Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng,

Đâu phải tầm thường qua một xuân.

Quý Phật tử chỉ cần nhớ mấy bài kệ này thôi nhiều khi mình cũng dừng bớt nhiều nghiệp.

Số đời một hơi thở,

Lòng người hai biển vàng.

Cung ma dồn quá lắm,

Cõi Phật nào vui hơn.

Mấy bài kệ này tôi thuộc làu. Nhiều khi bực tức, phiền não quá mình đọc lên tự nó hết. Bởi vì số đời mình chỉ một hơi thở thôi, hít vào không thở ra thì mình buồn làm gì nữa, phiền làm gì nữa, cho nên phiền muộnđi theo hơi thở mình luôn. Đó là phương pháp chúng tôi tu, đây tôi chia sẻ.

Chỉ cần quý Phật tử nhớ được một bài kệ hay để tự nhắc nhở mình có sự hưng phấn tiếp tục trên con đường tu học và bước vào cuộc đời này. Cuộc đời này đâu phải là thế giới bằng phẳng như chúng ta tưởng tượng. Trong dòng sinh mạng chúng ta tạo nghiệp, có một lúc nào đó nghịch duyên sẽ đến với mình.

Trong kinh Bách Dụ Đức Phật kể câu chuyện:

Trong một nước nọ, có vị vua giàu có và hùng mạnh. Vợ ông chết để lại cho ông một cô công chúa mà ông rất cưng chiều. Một hôm, công chúa đang đứng trên lầu thì trời đổ mưa lớn. Cô nhìn xuống hồ nước thấy những chiếc bong bóng nước tuyệt đẹp. Cô ước ao có một xâu chuỗi bằng những chiếc bong bóng này. Cô đến găp phụ vương, nói rằng cô không thích kim cương thật nữa, chỉ cần những hạt kim cương bằng bong bóng nước thôi.

Quý Phật tử tin điều đó không? Có lúc nào chúng ta không cần kim cương thật mà cần những cái bong bóng nước không? Ông vua đó là ai? Ông vua đó là Đức Phật. Đức Phật sẵn sàng cho mình kim cương thật, mà mình không bao giờ nhận, có nhận thì cũng ném xuống biển. Một niệm phiền não hiện khởi lên mình chạy theo đắm đuối, dính mắc rồi buồn khổ; một niệm tức giận vừa phát khởi mình chạy theo nó, rồi tạo tác theo nghiệp, đó là quý Phật tử đang ném một hạt kim cương xuống biển. Kim cương Phật cho mình nhiều lắm mình không nhận, mà nhận toàn là những hạt kim cương bằng bong bóng nước.

Khi cô tự tay lượm từng chiếc bong bóng nước, lượm chiếc nào nó bể chiếc đó, cô bỗng nhiên tỏ ngộ. Từ đó về sau không bao giờ cô tìm bong bóng nước nữa.

Quý Phật tử nghiệm lại trong suốt cuộc đời của mình, lượm được bao nhiêu chiếc bong bóng nước? Nhiều hay ít? Sự nghiệp, tiền tài, danh vọng chúng ta lượm rất là nhiều. Rồi có một lúc nào đó sự nghiệp danh vọng của chúng ta cũng bể theo năm tháng giống như những chiếc bong bóng nước. Phũ phàng hơn, một lúc nào đó, chiếc bong bóng mình thương quý nhất, quý hơn người thân của mình, nó cũng sẽ bể. Nó chính là cái thân của mình. Quý Phật tử tin là mình thương mình hơn là thương chồng thương vợ mình không? Thương hơn thương con của mình nữa.

Ở phương Tây, cha mẹ mất người ta không khóc nhiều như ở Việt Nam. Không phải họ không có tình, người thân ra đi nhưng tương lai họ vẫn sáng sủa, đời sống không đến nỗi bị lệ thuộc vào người mất. Còn khi người thân mất mình nghĩ lại tương lai mờ mịt bơ vơ cho nên khóc nhiều. Khóc cho ai? Khóc cho mình! Thật sự như vậy!

Trong kinh Tương Ưng Bộ, vua Ba Tư Nặc nói với Mạt Lợi phu nhân:

– Trẫm có nhiều thê thiếp nhưng trẫm thương hậu nhiều nhất. Trên đời này không ai thương hậu bằng trẫm. Còn hậu thì sao?

Mạt Lợi Phu nhân nói:

– Hậu cũng thương bệ hạ giống như bệ hạ thương hậu. Nhưng nếu bệ hạ cho hậu nói thật, hậu sẽ nói cho bệ hạ nghe một điều phũ phàng nhất của con người sống trên cuộc đời này.

Vua Ba Tư Nặc:

– Hậu cứ nói đi.

– Hậu nói thật là hậu thương hậu nhất.

Vua ngạc nhiên:

– Sao kỳ vậy? Sao mình lại thương mình?

Mạt Lợi phu nhân:

– Bệ hạ nói bệ hạ thương hậu nhất, nhưng hôm nào đó hậu không còn yêu thương bệ hạ nữa mà đi lấy người khác thì bệ hạ như thế nào?

Vua ngồi suy nghĩ một hồi:

– Chắc chém chết chứ không còn cách gì khác.

Hai người đến gặp Phật, Phật nói đúng như vậy, mình thương cái ngã của mình nhất. Phật nói bài kệ rất hay:

Tâm ta đi cùng khắp

Tất cả mọi phương trời,

Cũng không tìm thấy được

Ai thân hơn tự ngã.

Tự ngã đối mọi người 

Quá thân thiết như vậy,

Vậy ai yêu tự ngã

Chớ hại tự ngã người.

công chúa giống như mình, khi phát hiện ra chiếc bong bóng sẽ bể, cô tỉnh ngộ. Đức Phật cũng biết chiếc bong bóng mình sẽ bể và người mình thương yêu cũng bể, cho nên Đức Phật bỏ tất cả đi tìm chân lý. Khi những việc bức ngặt đến với chúng ta, lúc đó chúng ta mới tỏ ngộ được chân lý.

Chư Thiên thấy đời sống của con người giống đời sống con thiêu thân, rất ngắn ngủi, tạm bợ. Con ve sầu nó chỉ sống có ba tháng mùa hè, đến mùa thu mùa đông nó không có mặt. Sanh già bệnh chết, bốn thời kỳ cũng chỉ ba tháng. Con chó sống được mười lăm năm, mà trong quãng đời mười lăm đó chịu đủ sự khổ. Chư thiên thấy đời sống loài người ngắn ngủi như đời sống những con vật nhỏ. Nhắm mắt, mở mắt là một trăm năm cuộc đời.

Như câu chuyệnThiên nữ bị chết giấc khi đang hái hoa. Từ lúc thần thức cô gá xuống, đầu thai trong gia đình Bà La Môn ở thành thành Vương Xá, cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi trần trở về lại thiên giới chỉ như một cái chớp mắt. Biết là tuổi thọ con người ngắn ngủi, mỏng manh tạm bợ, nhưng ít ai chịu dấn thân vào con đường tu tập để chuyển hóa thân tâm. Ít lắm, rất là hiếm.

Cho nên Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

Thân như hơi thở ra vào mũi

Đời giống mây trôi đỉnh núi xa.

Có những lúc chúng ta làm vua chúa, hoàng hậu, thái tử, đủ hết. Quý Phật tử hôm nào đó nhìn lên đám mây, thấy “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”. Khi thành hình con chó, khi thành con rồng, hay thành sư tử, dù là hình gì cũng mỏng manh tạm bợ, bởi vì bản chất của nó là vô thường duyên hợp, rồi sẽ tan rã, không có đứng yên một chỗ: “Đời giống mây trôi đỉnh núi xa”.

Nhưng chúng ta may mắn biết Phật pháp tu tập là: “Tiếng quyên từng chập vầng trăng sáng”. Tiếng quyên là động mà vầng trăng sáng là tịnh. Động tịnh mà chúng ta dung nhiếp được. Chúng ta chiếu diệu vào chỗ động tịnh đó thì tức khắc “Đâu phải tầm thường qua một xuân”. Tức là còn một cái gì miên viễn vĩnh cửu hơn nữa. Đức Phật mong muốn cho mình một thứ giống như hạt kim cương mà vua cha cho công chúa. Vua cha nói là phụ vương có kim cương thật nhiều lắm con cứ lấy mà xài, cô công chúa không chịu. Khi mà cô ngộ ra những thứ mà mình nắm bắt chỉ là bong bóng mỏng manh tạm bợ, thì cô không còn thích những chiếc bong bóng đó nữa.

Chiều lại ở các Thiền viện Hòa thượng cho đánh một hồi trống và có một vị thầy hô bài kệ sách tấn nhắc nhở việc tu.

Kinh Pháp Cú kể, một hôm trên đường đi Đức Phật thấy một con cá mắc cạn sắp chết. Đức Phật mới họp tăng chúng, nói bài kệ:

Ngày nay lại đã qua rồi,

Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khan.

Dường như cá cạn ở ao,

Khổ thêm thì có chút nào vui đâu.

Cần tu như lửa cháy đầu,

Đừng cho sái buổi như chầu Đế Vương.

Cái thân mỏng mảnh vô thường,

Sớm còn chiều mất lo toan cứu mình.

Đức Phật nêu lên cho mình thấy để còn lo tu, sợ lửa đến cháy đầu. Ở đây tôi nhìn xuống thấy cháy đầu nhiều lắm. Nhuộm tóc là mình che, chứ thật ra nó cháy rồi, cháy là tóc bạc đó. Tôi bốn mươi mấy tuổi, bây giờ tóc muối tiêu hết rồi, tức là đang cháy. Đó là lá thơ thứ nhất mà vua Diêm Vương gửi cho mình. Răng giả cũng hơi nhiều, là lá thơ thứ hai. Ngày xưa mình có thể khiêng năm chục ký được, bây giờ không nổi, đó là lá thơ thứ ba. Bây giờ ngồi sao đau lưng quá, là lá thơ thứ bốn. Lá thư thứ năm là những người thân của mình lớn tuổi, từ giã cuộc đời này. Lá thơ thứ sáu, quý Phật tử biết nằm ở đâu không? Ở bệnh viện. Hằng ngày đi ra đường mình thấy nhan nhản tai nạn, có những trận sóng thần, động đất, đó là những lá thư thứ bảy Diêm Vương gửi liên tục, gửi để cảnh báo.

Trong kinh A-hàm Đức Phật nói có bốn loại ngựa.

Loại thứ nhất là những con ngựa hay, chỉ cần thấy bóng roi là chạy, như người vừa nghe nhắc có ai đó mệnh chung, họ thấy các pháp vô thường mỏng manh liền tỉnh ngộ tu tập.

Loại thứ hai không sợ bóng roi nhưng khi nhịp nhẹ trên lưng thì sợ mà chạy, giống như người vừa thấy ai đó mệnh chung liền tỉnh ngộ tu tập.

Loại thứ ba đợi đánh đau mới sợ, như người tận mắt chứng kiến thân nhân mình mệnh chung mới tinh cần tu tập.

Loại thứ tư phải đánh thật mạnh, như người tự thân bị bệnh khổ mới tỉnh ngộ tu tập.

Trong quyển Thiền Quan Sách Tấn, Thiền sư Y Am, ngài dụng công mà chiều về mặt trời sắp lặn ngài ngồi khóc, huynh đệ hỏi tại sao sư huynh khóc. Ngài nói, ngày nay đã qua rồi mà đạo lý chưa có sáng. Ngày xưa người ta tu đạo lý chưa sáng buồn khổ nên khóc. Còn mình mai không tu thì mốt tu, bữa kia tu! Có khi nào quý Phật tử khóc không? Mình cứ hẹn ngày mai, bữa nay không tu thì mai tu, mai không tu thì mốt… cứ như vậy. Thật ra đời sống không có ngày mai. Ngày mai không có tồn tại, nó tồn tại trong ý thức vọng tưởng của mỗi người chúng ta thôi.

Tinh thần của nhà thiền là chúng ta không đợi ngày mai mà tu phải trong từng sát-na. Một niệm mê là phải ráng chuyển hóa. Không chạy theo tật đố ích kỷ xan tham, sân hận bực tức, những phiền hận chúng ta ráng hóa giải, đừng nắm bắt. Đó là tu trong từng sát-na, chớ không phải đợi ngồi thiền mới tu, mà trong từng sát-na chúng ta ráng buông xả, bớt dính chừng nào thì giải thoát chừng đó. Mỗi ngày mình bỏ ra một chút xíu dụng công sẽ thấy có kết quả. Ví như có hai người cùng đi trên một con đường, một người thấy cái gì cũng lượm bỏ vào giỏ, người còn lại không lượm. Người không lượm sẽ đi nhanh, người thấy gì cũng lượm sẽ đi chậm hơn.

Trong Thiền Tông Trực Chỉ, Thiền sư Thiên Cơ khai thị:

Hạ thủ công phu tu thiền, một ngày qua phải thấy là một ngày tinh tấn, nếu lơ là lững thữngtrải qua trăm ngàn kiếp cũng không có ngày được thành công.”

Hạ thủ công phu tu thiền, một ngày qua là một ngày thấy mình tinh tấn. Chẳng hạn như sáng nay có thời ngồi thiền một tiếng, hay giờ tụng kinh sám hối, mà khi nghe tôi nói thôi hôm nay nghỉ không ngồi thiền không tụng kinh, mình mừng vui là biết mình tu tới đâu rồi. Còn mình thấy buồn tiếc, thấy như mất mát, như thiếu thiếu cái gì, đó là đời sống của chúng ta gắn chặt vào con đường đạo. Chúng ta tinh tấn để tiến bước. Mình càng tu càng bớt những tập khí xấu dở, đó là điều kiện cho chúng ta tiến. Có nhiều người càng tu càng bực tức, càng tu càng uất hậnbiết mình dụng công sai pháp.

Thiền sư Bạch Ẩn nói:

“Nó đưa các ông vào từng hơi thở, dẫn dắt các ông xuống ba đường sáu nẻo mà các ông không khám phá ra được điều này”

Mình tu càng thấy nhẹ, ai nói gì mình xả, không dính mắc, bớt chấp là tu đúng. Còn cái gì cũng dính mắc, phiền hận rồi chứa chấp trong tâm là biết mình tu lệch, nên đi gặp những vị có năng lực lớn để thưa hỏi. Chứ không phải mình lơ là, lững thững cho qua ngày đoạn tháng, ở đây nói là trăm kiếp ngàn đời cũng không có ngày được thành công.

“Năm tháng dễ qua, ngày giờ không đợi được, việc lớn chưa sáng, ngày nào mới xong, do đó đau xót hối tiếc, lại thêm có phần cố gắng.”

Châu Văn Công nói:

“Chớ bảo ngày nay chẳng học đạo còn có ngày mai, chớ bảo năm nay chẳng học còn có năm tới, ngày tháng trôi qua, năm chẳng đợi người. Than ôi! già rồi, lỗi bởi tại ai. Công phu Phật pháp cũng như nho học, chỉ hai chữ Thời Tập là thành tựu một đời, chỉ bốn chữ ‘Hãy Đợi Ngày Mai’ là sai lầm hết cả một đời người.”

Quý Phật tử đừng có học nhiều, câu nào hay ghi lại. Chẳng hạn mình ghi câu: “Chỉ hai chữ Thời Tập là thành tựu một đời.” Thời tập nghĩa là thời nào mình cũng thực tập con đường công phuthành tựu. Hoặc mình ghi câu “Chỉ bốn chữ ‘Hãy Đợi Ngày Mai’ là sai lầm hết một đời người.” Bao nhiêu đó thôi là chúng ta tu được. Tức là trong từng thời, từng lúc phải ráng cố gắng nhìn lại để xả đi những niệm tập khíngày xưa chúng ta cho là mình. Thực tập xả bỏ được tức là thành tựu. Còn mình nói mai tôi cố gắng bỏ thì không bao giờ. Hãy đợi ngày mai là sai lầm hết một đời người.

Kinh Pháp Cú Đức Phật kể:

Có ông lão Bà La Môn rất giàu có, năm nay đã tám mươi tuổi. Như Lai biết rằng sáng nay ông sẽ chết vì bị cái đòn tay rớt trúng đầu. Ngài thương cảm nên bảo tôn giả A-nan cùng đi với Ngài đến nhà ông. Đức Phật nói với ông:

Như Lai thấy ông nhà cửa nhiều rồi mà còn cất nhà chi nữa?

Ông nói:

Bạch Đức Thế Tôn, con cất nhà không phải cho con, mà cho con trai và con gái. Con cất nhà đông, cất nhà tây, cất nhà nam, cất nhà bắc là cho con cháu chứ không phải cho con.

Đức Thế Tôn nói:

– Ông đã lớn tuổi rồi, Như Lai tặng ông một bài kệ để làm tài sản trong cuộc đời, ông chịu không?

Ông nói:

– Thôi cũng được, Thế Tôn đọc nhanh đi để con còn làm việc nữa.

Đức Phật nói bài kệ:

Con tôi, tài sản tôi,

Người ngu quá rộn ràng,

Ta còn không thật có,

Lo gì của và con.

Ông nói:

– Bạch Thế Tôn, bài kệ này hay lắm, con rất thấm thía nhưng để làm nhà xong rồi con tính.

Khi Đức Phậttôn giả A-nan đi khỏi một lúc, ông bị cây đòn tay rớt trúng đầu chết. Câu chuyện này lan khắp thành phố. Bấy giờ có năm trăm vị Phạm Chí Bà La Môn, đón đường Đức Thế Tôn nói:

Bạch Đức Thế Tôn, con nghe nói Đức Thế Tôn có một bài kệ rất hay, mà ông trưởng giả nghe xong không chịu chiêm nghiệm, rốt cuộc đi đến con đường chết, thì như vậy bài kệ đó như thế nào?

Đức Thế Tôn đọc:

Con tôi, tài sản tôi,

Người ngu quá rộn ràng,

Ta còn không thật có,

Lo gì của và con.

Tức khắc năm trăm vị chứng quả.

Bài kệ này từ kim khẩu Đức Phật nói ra, tại sao ông trưởng giả không chứng đạo, mà năm trăm vị Bà La Môn chứng đạo? Bởi vì khi ông trưởng giả nghe bài kệ này, tâm ông đang duyên theo việc cất nhà, nên không thâm nhập được tinh yếu bài kệ muốn nói gì. Nhưng năm trăm vị Bà La Môn phạm chí nghe rồi thì tức khắc xa lìa trần cấu, không còn bám chắc vào cuộc đời này nữa thì tự nhiên đạo đến.

Thân người khó được

Thân người rất là khó được. Hôm tôi giảng ở Sài Gòn có một vị cư sĩ đứng lên nói, thưa thầy, thầy nói thân người khó được mà con thấy càng ngày con người sanh ra càng đông. Nhưng quý Phật tử nghiệm lại, những loài súc sanh, như con chuột, con kiến, nó sanh ra gấp trăm ngàn lần con người. Bây giờ có những đất nước họ cản, không cho con người vào đất nước họ nữa. Điển hình ở Trung Quốc họ chỉ cho sanh một người thôi, còn ở Việt Nam chỉ cho sanh hai người. Như vậy là thân người khó được rồi.

Đức Phật nói thân người khó được, ý Ngài muốn nói, khi chúng ta mất thân này rồi, để hình thành lên một con người đầy đủ sáu căn là một chuyện rất hy hữu. Đức Phật nói giống như con rùa mù trên biển tìm bọng cây. Biển rộng bao la, trên biển nổi một cái bọng cây, có con rùa mù một trăm năm nổi lên một lần, nó tìm cách gặp bọng cây để chui vào. Mình sanh làm người đầy đủ sáu căn, đầy đủ năng lực, đầy đủ tri kiến để học hỏi Phật pháp thì Phật nói cũng khó như vậy.

Thiền sư Động Sơn khai thị đồ chúng, ngài nói, trên đời này có được thân người mà để mất là khổ nhất. Mình đã có thân người mà không chịu tu tập thăng hoa lên mà để mất đi thì rất uổng, cho nên ngài nói là khổ nhất.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật dạy những điều khó khăn nhất trong cuộc đờichúng ta khó thực hiện.

1- Nghèo hèn bố thí là khó

Nghèo khổ mà muốn bố thí cúng dường gọi là lực bất tòng tâm. Tâm mình vậy nhưng lực không đủ. Lại biết tu tập, biết chuyển hóa là điều khó hơn nữa.

2- Giàu sang học đạo là khó

Giàu sanghọc đạo càng khó. Thời Đức Phật, ông Cấp Cô Độc rất giàu có, thường khuyên con mình là công tử Cala đi học Phật pháp mà anh không bao giờ chịu đi.

Muốn cho con mình được gặp chánh pháp, ông Cấp Cô Độc nghĩ ra một cách, đề nghị con vào chùa thọ Bát quan trai trong một ngày, ông sẽ thưởng năm trăm đồng tiền vàng. Công tử Cala đến nhận tám giới xong thì đi kiếm chỗ ngủ, sáng hôm sau đến xả giới rồi về nhận tiền. Ông Cấp Cô Độc biết thế, lần sau nói công tử Cala ráng nhớ một bài kệ sẽ được thưởng một ngàn đồng tiền vàng. Công tử Cala ráng chăm chú nghe cho thuộc. Nhưng khi ra khỏi tinh xá, do năng lực của Đức Phật tác động, anh quên hết. Anh chạy vô nghe lại, chạy ra chạy vô một hồi chứng quả luôn. Chứng quả rồi, công tử đến bạch Đức Thế Tôn:

– Bạch Đức Thế Tôn! Xưa nay con không thích Ngài, bởi vì cha con gặp Ngài rồi thì bao nhiêu tiền của đem cúng dường hết. Nhưng bây giờ con thấy cha con làm đúng, con hối hận quá, con xin sám hối. Con xin thỉnh Đức Thế Tôn về nhà con. Trưa hôm nay để nhận sự cúng dường của con.

Toàn bộ tăng chúng đều ngạc nhiên. Và khi công tử Cala ôm bình bát về đến nhà, ông Cấp Cô Độc vui mừng nói:

– Thôi con khỏi cần đọc bài kệ nào hết, chỉ cần thấy con ôm bình bát đi sau lưng Đức Phật là cha vui rồi. Cha sẽ thưởng con một ngàn đồng tiền vàng ngay bây giờ. Công tử Cala nói:

– Dạ con không nhận.

Ông Cấp Cô Độc ngạc nhiên thưa với Đức Thế Tôn:

Bạch Đức Thế Tôn, hồi xưa đến giờ công tử Cala chưa bao giờ chê tiền, sao bữa nay chê tiền con không hiểu.

Đức Phật mới đọc bài kệ:

Dầu làm vua cõi Trời,

Dầu làm vua cõi Đất,

Cũng không sánh được bằng,

Người chứng quả dự lưu.

Làm vua cõi trời đất cũng không bằng người chứng quả. Trong diệu lực của pháp, khi mình bước vào, được khinh an rồi thì bao nhiêu phiền muộn ngày xưa chứa chấp tự nhiên tan biến, đúng là nghiệp chướng bỗng nay không có. Hồi xưa đọc chỗ này tôi không tin, nhưng khi trở về đất thật rồi, mình chứng nghiệm vào con đường đó thì thấy đúng là nghiệp chướng xưa nay không, bổn lai không. Đúng là bản chất nó không có thật, nó là bóng dáng thôi, là do chúng ta bám víu nhiều nó chồng chất lên, hình thành nghiệp lực đẩy mình. Nhận chưa được thì mình khổ, còn đi trong ba đường sáu nẻo. Cho nên điều đặc biệt nhất của người tu là ngồi lại để nhận diện cái gì là của mình. Chỉ bao nhiêu đó thôi.

3- Bỏ thân mạng quyết chết là khó

Bỏ thân mạng quyết chết để tu tập là rất khó. Chẳng hạn mình ngồi thiền đau chân quá mình cũng sợ không biết có bị bung gân hay bị gì không.

4- Thấy được kinh Phật thật là khó

Bây giờ kinh điển rất nhiều mà tại sao nói khó? Thấy được kinh Phật hay thấy được tâm kinh của mình, cái dòng sinh mệnh biến chuyển của mình, đó là khó. Kinh này là kinh ruột, kinh tâm chứ không phải kinh trong sách vở, đó là nói sâu một chút. Còn nói bình thường thì quý Phật tử thấy có mấy người đọc kinh, xem sách. Quý Phật tử về nhà có đọc không? Có cô Phật tử nói với tôi thầy giảng đĩa mp3 sao nhanh quá vậy. Tôi hỏi nhanh sao? Con nghe nửa tiếng hết rồi. Tôi nói chắc cô ngủ đó, tôi giảng đĩa đó gần hai năm. Cuối cùngthú thật là cô ngủ.

Mình đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung, Cô Gái Đồ Long mình đọc say sưa luôn, mà khi đọc cuốn sách, cuốn kinh của Phật chừng năm mười phút là cuốn sách rớt trên bụng, mình ngủ một giấc luôn. Coi phim có khi mình coi tới sáng không biết mệt, nhưng có khi nào bài giảng mà quý Phật tử coi sáng đêm không? Giảng pháp mà coi vậy chắc mình mau thành đạo lắm. Không bao giờ, cho nên nói thấy được kinh Phật là khó.

5- Sanh vào thời Phật là khó

6- Nhịn sắc, nhịn dục là khó

7-Thấy tốt không ham cầu là khó

Chẳng hạn mình ra siêu thị, thấy thông báo chủ nhật này bán giảm giá món đồ thật đẹp, thay vì giá bình thường là một trăm euro, chủ nhật giảm giá còn có mười euro. Mình ngồi suy nghĩ, chủ nhật có một vị Hòa thượng giảng rất hay về giảng, vậy mình đi nghe pháp hay đi mua hàng giảm giá. Nghe pháp thì ngày nào cũng nghe, mở mạng là có, qua ngày thì hàng này hết giảm giá rồi. Hòa thượng giảng cùng lắm là Tứ Diệu Đế…. Cho nên thấy tốt không ham cầu là khó.

8- Bị nhục không giận tức là khó

Người ta mắng chửi làm nhục mình mà không tức giận, đó là khó.

9- Có thế lực không ỷ lại là khó

10- Gặp việc vô tâm là khó

Chẳng hạn quý Phật tử đi tu tập ở một ngôi chùa, tinh xá, hay thiền viện nào đó. Mình nghe chuyện thị phi, rồi có người điện thoại đến mình, hồi nãy tôi nghe bà Bảy bị vậy vậy… cô có nhớ có biết gì không. Mà chúng ta vô tâm chỉ là tu thôi, rất khó chứ không dễ.

11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó

12- Trừ diệt ngã mạn rất là khó

13- Chẳng khinh người chưa học là khó

14- Thực hành tâm bình đẳng là khó

15- Chẳng nói sự phải quấy hơn thua là khó

16- Gặp được thiện hữu tri thức chỉ dạy rất là khó

17- Thấy tánh học đạo rất là khó

18- Tùy duyên hóa độ người rất là khó

19- Thấy cảnh tâm không động là khó

20- Khéo biết phương tiện rất là khó

Chúng ta nghiệm lại trong hai mươi điều khó này, có những điều chúng ta nắm bắt được và tu được, đó là phúc duyên rất tốt.

Phật pháp khó nghe

Hằng ngày chúng ta tụng bài “Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn”, quý Phật tử biết là của ai không? Của Hoàng đế Võ Tắc Thiên ghi lại, mà bây giờ chúng ta đem vào văn kinh để tụng đọc trước khi tụng đọc Bát-nhã. Võ Hậu Tắc Thiên là người rất hiểu Phật pháp. Sau này có những bộ phim dựng lên lịch sử về bà bị lệch rất nhiều. Thật ra bà là một người mộ đạo, có sự tu học và có sự chứng nghiệm về con đường thiền.

“Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp” Nay mình được rồi phải làm gì? Vâng gìn giữ”, có nghĩa là nắm bắt, không cho lui sụt tâm Bồ-đề của mình.

Cho nên tôi làm bài văn phát nguyện để nhớ lại, thúc giục phát nguyện đời đời luôn gặp Phật, chư Bồ-tát, Thánh Hiền làm quyến thuộc nhân duyên cho mình vào con đường đạo để tu học, đó là nguyện lực của mình. Khi nguyện lực phát rồi thì nó đi mãi, gắn chặt từ đời này qua đời khác trong dòng sinh mạng tương tục, Bồ-đề tâm theo mãi không mất.

Có người nói làm việc thiện thôi đâu cần tu, đâu cần quy y Tam bảo làm chi, nhưng mà trật. Mình hướng tâm quy y, và phát nguyện Bồ-đề tâm, là hơi thở của mình và cái dòng tương tục ngay trong giờ phút đó gắn chặt đời này và kiếp khác gọi là liên lũy, liên lũy mãi. Đời nào sinh ra mình cũng không quên và không mất. Cho nên mình phải phát Bồ-đề tâm, phải tu tập, phát nguyện đủ hết, nguyện lựcniệm lực lúc nào cũng đi theo.

Lão Tử nói bậc hạ mà nghe pháp cười to bỏ đi. Bậc trung nghe pháp thoạt nhớ thoạt quên. Bậc thượng nghe pháp thấm vào tứ chi, phổ ra hành động. Mình nghe pháp để nhớ rồi tư duy, chứng nghiệm, rồi phổ ra hành động việc làm hằng ngày của mình, đó là người học Phật pháp. Chứ học Phật pháptham sân si rồi đủ thứ chuyện trên đời cũng giống như ngày xưa là mình chỉ học ngoài lề.

câu chuyện ông vua thử tài thần dân. Ông để ba bức tượng giống hệt nhau, ai phát hiện bức tượng nào quý nhất ông sẽ chia nửa giang sơn và gả công chúa cho. Tất cả những người đến thử đều rớt. Cuối cùng có một anh chàng, sau khi thử anh nói tượng chính giữa quý nhất. Vua hỏi tại sao biết. Anh nói anh thử bằng cọng cỏ, đưa cọng cỏ vào lỗ tai tượng thứ nhất, cọng cỏ lọt qua lỗ tai bên kia, tượng này dở nhất. Tượng thứ hai thì cọng cỏ từ lỗ tai ra miệng, tượng này cũng không tốt. Tượng chính giữa thì cọng cỏ vào lỗ tai rồi xuống bụng. Đó gọi là nghe vào lỗ tai, thấm vào tứ chi, phổ ra hành động. Còn mình nghe xong nó rớt mất luôn. Có nghĩa là mình nghe xong không thực hiện, không chứng nghiệm.

Quý Phật tử khi chưa tu mà có những lúc mình bực tức cãi lại chồng thì ông chồng sẵn sàng tha thứ, tại mình không có tu. Nhưng khi mình đã bỏ thời gian, sắp xếp việc nhà đi tu học ở thiền viện hoặc chùa, hoặc tinh xá, về nhà tụng kinh niệm Phật liên tục mà mình còn cãi thì ông chồng rất tức giận.

Học đạo để mình thấm vào tứ chi, phổ ra hành động hằng ngày, từ cách đi, cách đứng, cách ngồi. Quý Phật tử năm sáu chục tuổi nhưng đối với tinh thần của nhà Phật, từ khi bước chân vào con đường đạo là mình mới sanh ra thôi. Bởi vì trong cách thức oai nghi, Đức Phật dạy phải tập đi, tập đứng, tập ngồi, tập nói năng và cuối cùng tập thở. Sự thực tập này đòi hỏi quá trình tu luyện rất lâu dài. Có những vị Hòa thượng vừa nhìn là mình phát tín tâm mạnh liền. Các ngài tu luyện để thấm vào tứ chi bây giờ biểu hiện ra hành động, từng bước đi.

Ngày xưa tôi làm nhà kháchTrúc Lâm, có cô này gia đình theo Công giáo ba đời. Từ khi đọc kinh sách của Hòa thượng cô mến mộ. Cô muốn tôi chỉ ngồi thiền sao cho phát hào quang để gia đình tin tưởng đi theo cô. Tôi nói tu thiền không có phát hào quang, cô cứ tập ngồi thiền. Chồng cô nói gì không vừa ýim lặng không cãi, cười vui vẻ bình thường như không có gì xảy ra. Chồng cô sẽ thắc mắc, biết cô được vậy nhờ tu thiền thì ông sẽ tu theo.

Nếu mình nói, con tu mà chồng con không chịu tu là phải coi lại mình. Mình chưa thấm vào tứ chi thì người thân phát hiện mình nhiều nhất, bởi vì lộ sơ hở. Đến đạo tràng thì mình nghiêm trang, sợ bị phát hiện nên phải giả, trong giới luật gọi là giả trang thiền tướng.

Câu chuyện trong kinh A-hàm:

Cô chủ Kasi ở thành Xá Vệ được khen là người không bao giờ sân hận bực tức, tiếng lành đồn mãi. Cô tớ gái không tin bà chủ của cô được như vậy nên muốn thử. Buổi sáng đáng lẽ bốn giờ cô phải dậy nấu nước, dọn dẹp nhà cửa, thì cô ngủ tới sáu giờ. Cô chủ này vào dặn mai phải dậy sớm. Sáng hôm sau cô tớ gái ngủ tới bảy giờ cũng chưa dậy, cô chủ cũng dặn sáng mai phải dậy sớm, nhưng hơi gằn giọng một chút. Sáng hôm sau nữa, cô tớ gái ngủ tới tám giờ, lần này cô chủ Kasi không kêu nữa mà cầm khúc củi phang lên đầu cô tớ gái chảy máu, cô tớ gái ôm đầu chạy ra đường la: “Bớ làng xóm ơi, cô chủ tôi rất là hiền thục!”

Phật nói người học đạo cũng như thế. Chúng ta học hiểu sâu rồi thì phải thấm ra hành động, để năng lực mình phổ ra người ta mới theo. Điều này khó chứ không phải dễ. Khổng Tử nói: “Sáng nghe đạo lý chiều chết cũng vui.” Đó là mình thấm vào dòng pháp của Đức Như Lai.

***

Tham Vấn

Hỏi: Bạch thầy, con có thắc mắc, hồi nãy thầy nói gia đình Bàng Long Uẩn vứt tất cả của cải xuống biển, con đọc mà con cứ thắc mắc tại sao nhiều người khổ đau mà mình vứt hết, vứt đi là không lợi lộc cho ai hết cả.

Đáp: Khi ông Bàng Long Uẩn gặp Thiền sư Thạch Đầu ông hỏi: “Người chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?” Thiền sư Thạch Đầu bịt miệng ông, ông bỗng nhiên tỉnh ngộ. Hằng ngày quý Phật tử làm bạn nhiều hay ít? Không những mình làm bạn lúc thức, mà khi ngủ cũng làm bạn luôn. Người kế bên đánh thức dậy có khi mình nổi giận vì làm mất giấc mơ đẹp. Có nghĩa là mình làm bạn suốt. Đầu óc mình suy nghĩ là mình làm bạn, vọng tưởng đến một cảnh giới nào đó tức là mình làm bạn. Còn người không cùng muôn pháp làm bạn là người gì? Muốn nhận ra được con người này chỉ là bịt cái miệng lại, tức là vô ngôn.

Thiền sư Thạch Đầu hỏi ông Bàng Long Uẩn, ông muốn làm hạnh xuất gia hay tại gia. Ông nói con làm hạnh tại gia. Một hôm Bàng Long Uẩn gặp Thiền sư Mã TổGiang Tây, ông hỏi:

– Bạch Hòa thượng, người chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Thiền sư Mã Tổ nói:

– Đợi ông một ngụm nước uống cạn sông Giang Tây ta sẽ nói cho ông nghe.

Ngay tức khắc ông triệt ngộ. Triệt ngộ rồi ông thấy quãng đời của ông liên lũy từ kiếp này đến kiếp khác. Và thấy do bị dính mắc vào phước báu mà đường tu không rốt ráo được, nó dằn vặt, sanh lên lộn xuống mãi. Khi làm từ thiện người ta ca ngợi mình rồi mình sanh tâm tiếp tục, tiếp tục nữa. Thôi mình dứt khoát đẩy xuống biển hết cho rồi. Bởi vì ông thấy dòng tương tục nó liên lũy mãi không dứt ra được. Người xưa khi đốn ngộ rồi người ta rất sợ cảnh cho nên vào ở núi để mà trưởng dưỡng thánh thai.

Hỏi: Con xin Thầy có thể giải thích thêm về tu nhà, tu trường, tu chợ và tu chùa.

Đáp: Tu nhà, tu chợ, tu chùa là nói theo dân gian, trong Phật pháp gọi là tiểu ẩn, trung ẩn và đại ẩn. Tiểu ẩn là ở chùa, trung ẩn là ở nhà, đại ẩn là ở trong quan trường. Quan trường có nhiều sự kiện, nếu tu được là đại ẩn. Ở nhà tu được là trung ẩn, còn ở chùa tu được là tiểu ẩn. Trong bệnh viện, người bệnh là tiểu ẩn, người ở nhà thăm bệnh, nuôi bệnh là trung ẩn. Chúng tôi là người bệnh nằm bệnh viện. Có người hỏi thiền viện Thầy tên gì. Tôi nói không phải thiền viện, mà là bệnh viện, Bệnh Viện Trúc Lâm Chánh Thiện. Vào đây chúng tôi ẩn để tránh các duyên, để tu tập là tiểu ẩn. Quý Phật tửnhà tu gọi là trung ẩn.

Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo nói: “Nhưng mà ở nhà có làm được trung ẩn hay không? Và ở quan trường có làm được đại ẩn hay không?” Đó là sự đòi hỏi. Ở nhà rất là khó tu mà mình tu được đó là xuất cách, còn ở quan trường mà tu được càng xuất cách hơn nữa.

Hỏi: Như hôm qua Thầy giảng, một lần thọ Bát quan trai bằng một năm tu hành. Vậy nếu một năm mình thọ Bát quan trai hai chục lần thì coi như mình tu hai chục năm?

Đáp: Kinh Bách Duyên kể câu chuyện:

Một hôm Đức Phật khi đi kinh hành với Tôn giả A-nan thì Đức Phật mỉm cười. Đức Phật thường ít mỉm cười mà Ngài cười là có sự kiện. Tôn giả A-nan hỏi:

Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay có duyên sự gì mà Thế Tôn mỉm cười?

Đức Thế Tôn:

Bạn thân của ông là Hoàng Thái Tử còn bảy ngày nữa chết. Do ăn chơi quá nên chết sẽ rớt xuống địa ngục, chịu khổ vô lượng kiếp. Ông hãy cảnh báo ông ta biết.

Tôn giả A-nan đến cảnh báo:

Thế Tônnăng lực siêu phàm, thấy biết từ quá khứ, hiện tại đến vị lai. Ngài nói bạn còn bảy ngày nữa chết, chết rồi bạn rớt xuống hỏa ngục rất là khổ, bây giờ bạn tính đi.

Ông Hoàng Tử đó khóc lóc nhờ Tôn giả về hỏi Phật có cách gì cứu ông không. Tôn giả A-nan đến trình với Phật, Phật nói có một cách duy nhất là ông ta phải xuất gia ngay. A-nan cho ông biết Đức Thế Tôn dạy nếu bạn muốn thoát cảnh khổ thì phải xuất gia. Ông nhờ Tôn giả về năn nỉ Đức Thế Tôn cho ông chơi sáu ngày nữa rồi ông sẽ xuất gia. Thế Tôn cũng đồng ý. Trong suốt sáu ngày đó ông ăn chơi tối đa. Ngày cuối cùng ông vào xuất gia, được cạo tóc đắp y, truyền giới xong, sáng hôm sau ông từ giã cuộc đời. Sau khi ông chết, tôn giả A-nan hỏi Đức Thế Tôn:

Bạch Đức Thế Tôn, người bạn của con bây giờ đi đâu?

Thế Tôn đáp:

– Nhờ túc duyên xuất gia với Như Lai, khi ông thọ giới xong rồi chết, bây giờ ông làm Thái tử con của Trời Tứ Thiên Vương chứ không bị rớt xuống hỏa ngục.

Chúng ta thọ giới Bát quan trai cũng vậy. Nghiệp lực mình giống như cái rừng, chỉ cần một đốm lửa của giới định tuệ trong một ngày đốt cháy hết. Một rừng kiến chấp mà chỉ cần chúng ta tu tập đúng với con đường giới định tuệ thì tức khắc nó đốt hết rừng kiến chấp, phiền não. Nhớ là phải tu tập đúng, tu không đúng là không được. Cho nên Như Lai nói tu một ngày Bát quan trai giới bằng một năm là có lý. Bởi vì trong giờ phút đó sự có mặt của Giới- định-tuệ, của mười phương Tam Bảo chứng minh.

Hỏi: Mô Phật, con còn phân vân ở chỗ thiền là mình tìm sự an lạc cho bản thân của mình để tiến triển vào con đường tu học. Con có nghe nhiều người nói là thiền là phải tỉnh, có nghĩa là cái gì xung quanh nó động thì mình cũng đều nghe, đều biết hết. Có nhiều người nữa nói là thiền đi vào trong thiền. Rồi có nhiều vị tu thiền hai ba chục năm hoặc là một vài trăm năm mà không chết… lúc đó thiền có an lạc không thầy?

Đáp: Thiền gọi là Thiền-na, Trung Hoa dịch là tĩnh lự. Lự là vọng tưởng nó lao lự mình. Mình ngồi yên lại giống như ly nước để yên thì cặn cáu lắng xuống. Tâm thức của mình cũng vậy, ngày xưasự kiện nào đến mình duyên theo đắm đuối, niềm vui đến mình cười, nỗi buồn đến thì khóc. Khi tu tập, ngồi thiền chúng ta nhìn lại đó là bóng dáng, tại sao mình đắm đuối nó mãi để chết chìm trong sự khát ái. Khi nhận diện nó là vọng tưởng, không có thật thì chúng ta dừng lại, dừng những cái lao lự đó, từ từ tâm được khinh an, gọi là tĩnh lự, tức là được yên ổn.

Khi ngồi thiền không phải chúng ta chặt đứt hết sáu căn mà vẫn nghe rõ tiếng chim kêu, tiếng dế gáy, tiếng người nói. Nghe hết tất cả các tướng nhưng không trụ trên tướng mà chúng ta sanh tâm, không sanh tâm bực tức, không sanh tâm thương ghét. Như thế chúng ta không diệt sáu căn, mà giống như chúng ta đứng trên một dòng nước, một con sông lớn. Chúng ta thấy rõ những đống rác lớn trôi xuống, nhưng không vớt chúng lên, mà chỉ ngắm nhìn đống rác nó đang trôi, và ngắm nhìn dòng sông nó chảy bất tận. Đặc biệt là, trong cái dòng sông vô tận trôi chảy liên tục đó có một cái bất động. Dòng sông trôi chảy nhưng lòng sông bất động, đứng yên một chỗ. Đó là tánh biết duy nhất của mỗi người chúng ta. Mỗi cái động, mỗi cái tịnh chúng ta xuyên suốt hết.

Người tu thiền mà mấy trăm năm không mất, là những vị tu tập A-la-hán. Các ngài có thể vào diệt tận định bảy tám trăm năm, hoặc một ngàn, hai ngàn năm là bình thường. Đó gọi là diệt tận định, diệt tận định là cắt đứt hết sáu căn, không còn nghe cái gì nữa hết, gọi là diệt thọ, tưởng, định. Còn tinh thần của Thiền tông, Thiền đốn ngộ là ngay nơi tâm mình, một niệm mê là chúng sanh, một niệm ngộ tức là Phật.

Phật mọi lúc mọi nơi, cho nên ngài Phó Đại Sĩ có làm bài kệ:

Đêm đêm ôm Phật ngủ,

Ngày ngày cùng Phật dậy.

Nói nín hằng theo nhau,

Mỗi mỗi cùng chung bước.

Muốn biết nơi Phật đi,

Chỉ chỗ nói năng đó.

Tức là mình đi, như nãy giờ mình đi ăn cơm, cũng có ông Phật theo mình. Các ngài nói mình xuống địa ngục Phật cũng xuống luôn. Khi xuống địa ngục mình chịu khổ, cái gì biết khổ? Nhận cái đó mình giải thoát liền, mà mình nhận không được. Mình xuống địa ngục khi bị quỷ dạ xoa tra tấn, chỉ cần mình biết cái gì biết đau, quy chiếu lại, tức khắc mình giải thoát. Ngặt một điều đau mình chạy theo cái đau, khổ chạy theo cái khổ, mà không nhận diện được cái gì biết khổ, cái gì biết buồn, cái gì biết vui. Tức là giữa cái động cái tịnh mình xuyên suốt hết, có một ông chủ hiện diện nơi thân tâm của mình, mà ông chủ đó không tàn theo bốn mùa. Dầu cho gió trăng thay đổi vẫn không tàn theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đó gọi là ông chủ hiện hữu.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/02/2021(Xem: 7240)
08/09/2015(Xem: 18135)
05/10/2014(Xem: 21418)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.