- Lời Đầu Sách
- Dẫn Nhập
- Chương I: Phước Đức Đạo, Giải Thoát Đạo và Bồ-Tát Đạo
- Chương II: Quan Niệm Về Vô Thường Theo Thế Gian
- Chương III: Nhất Kỳ Vô Thường và Sát-Na Vô Thường
- Chương IV: Từ Vô Thường Đến Vô Ngã và Giải Thoát
- Chương V: Vô Thường: Sự Thực Không Dễ Chấp Nhận
- Chương VI: Thiền Quán Vô Thường: Con Đường Giải Thoát
- Kết Luận
- Phụ Lục 1: Phật Nói Kinh Vô Thường
- Phụ Lục 2: Phẩm Vô Thường Kinh Pháp Cú Thí Dụ
- Phụ Lục 3: Nghi Thức Tụng Kinh Bát Đại Nhân Giác
- Tri Ân Thầy
- Lời Bạt
Thượng Tọa Thích Minh Quang
Nhà xuất bản Bồ Đề Tâm
Tu Viện Thiện Tường, Champagne, IL 61824
Chương II
Quan Niệm Về Vô Thường Theo Thế Gian
Nhận thức vô thường không phải chỉ có trong Phật Pháp. Các triết gia, văn nhân và thi sĩ từ xưa đến nay, với đầu óc quán sát tinh tế và trái tim mẫn cảm hơn người, đều có thể nhận ra vô thường. Ví dụ, Heraclitus (535-475 BCE), một triết gia Hy Lạp xưa từng có câu nói nổi tiếng: “Không ai bước xuống hai lần cùng một dòng sông.” (You could not step twice into the same river). Khổng tử một hôm đứng bên bờ sông, nhìn dòng nước chảy, cảm thán bảo: “Trôi chảy mãi như thế chừ, ngày đêm không trở lại.” (thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ. Luận Ngữ, thiên Tử Hạn). Các văn nhân thi hào như Trần Tử Ngang, Lý Bạch hay Đỗ Phủ v.v… đều nói đến vô thường trong văn thơ của mình. Ví dụ, Thi tiên Lý Bạch nói:
Anh thấy chăng?
Hoàng hà nước tự trời cao
Trôi ra biển cả, chẳng bao giờ về.
Anh thấy chăng?
Cha soi kính: tóc bạc phơ
Sớm tơ, tối tuyết: ngẩn ngơ chợt buồn!
(Quân bất kiến?
Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hoàn.
Quân bất kiến?
Cao đường minh kính bi bạch phát
Triêu như thanh ti, mộ thành phát!)
(Tương Tiến Tửu-Lý Bạch)
Nhưng vô thường mà các triết gia, văn nhân và thi sĩ xưa nay nói không phải vì mục đích tu tập thiền quán, để dứt trừ ngã chấp, ra khỏi đau khổ trong sinh tử luân hồi như trong Phật Pháp.
Vô thường được các triết gia nhận ra là tri thức hiểu biết về quy luật phổ quát của vũ trụ nhân sinh, sản phẩm của óc quan sát, suy luận hay cảm nhận nhạy bén. Các nhà khoa học có thể vận dụng những tri thức này vào ứng dụng công nghệ nhằm đem lại những tiện ích cho đời sống vật chất của con người. Nhưng kiến thức vô thường như vậy không giúp con người dứt trừ phiền não tham sân si vì không được vận dụng để quán chiếu phá trừ ngã chấp.
Các văn sĩ và thi nhân có khả năng cảm nhận vô thường tinh tế và nhạy bén hơn người bình thường. Ví dụ, một thi nhân đời Đường bảo:
Ngô đồng một lá rụng,
Thiên hạ đã biết thu.
(Ngô đồng nhất diệp lạc,
thiên hạ cộng tri thu).
Chỉ cần một chiếc lá rơi là thi nhân có thể nhận ra sự thay đổi của cả đất trời. Song nhận ra vô thường chỉ đưa nhà thơ đến cảm xúc thương cảm cho kiếp nhân sinh đổi thay, ngắn ngủi, mà không tìm ra con đường giải thoát. Một Lý Bạch mơ mộng đã kết thúc đời mình trong cơn say rượu. Lúc ngồi thuyền uống rượu ngắm trăng, ông đã ngỡ ánh trăng dưới nước là thực nên nhào xuống ôm trăng, ai ngờ cuối cùng chết đuối!
Một nhà thơ nổi tiếng khác là Trần Tử Ngang. Một hôm ông leo núi chơi, đứng trên đỉnh núi cao, nhìn ra trời đất mênh mông, cảm thương thân phận nhỏ nhoi và kiếp người ngắn ngủi, ông đã sáng tác bài thơ nổi tiếng:
Trước: chẳng thấy người xưa
Sau: không gặp ai đến
Ngẫm trời đất mênh mông
Riêng đau lòng rơi lệ.
(Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả
Niệm thiên địa chi mang nhiên
Độc thương nhiên nhi thế hạ).
(Đăng Cao-Trần Tử Ngang).
Vâng, Trần Tử Ngang đã nói lên sự thực vô thường của cuộc đời. Có ai trong chúng ta có thể thấy được người một trăm năm về trước? Hay biết được người một trăm năm sau này? Trong vòng một trăm năm mình đã không thể thấy biết, huống chi là người từ ngàn vạn năm xưa và ngàn vạn năm sau? Cho nên, gẫm lại giữa trời đất vô cùng, kiếp người thực là ngắn ngủi và mong manh. Đó là lý do khiến Trần Tử Ngang cảm thương rơi lệ.
Như vậy, Trần Tử Ngang thấy được vô thường, nhưng cũng để thở than sầu não, không tìm ra được lối thoát. Thái độ bi quan trước cuộc đời này, hoàn toàn không phải là lập trường và thái độ của Phật Pháp.
Lại nữa, một hôm, Yến Tử theo vua Tề Cảnh Công lên núi Ngưu dạo chơi. Tề Cảnh Công đứng nhìn về phía bắc của đất nước mình, chợt buồn thương rơi lệ. Vua cảm thán bảo: “Đất nước rộng lớn như thế, sao ta có thể bỏ đi sau khi chết?” Lúc đó, hai vị đại thần đi theo là Ngãi Khổng và Lương Khưu Cứ cũng khóc theo, chỉ có Yến Tử đứng kế bên cười. Tề Cảnh Công lau nước mắt nhìn sang Yến Tử nói: “Quả nhân hôm nay đi chơi, buồn thương, hai ông Khổng và Cứ đều khóc theo Quả nhân, riêng ông vì sao lại cười?”
Yến Tử đáp: “Giả như bậc hiền có thể giữ mãi được đất nước này, thì Tề Thái Công và Tề Hoàn Công đã có thể giữ mãi. Giả như kẻ dũng có thể giữ mãi được đất nước này, thì Tề Trang Công và Tề Linh Công đã có thể giữ mãi. Nếu những vị vua đó có thể giữ đất nước này mãi, thì làm sao vua có được ngôi vị này ngày hôm nay? Do những vị đó lần lượt ngồi vào ngai vị rồi lần lượt rời bỏ ngai vị nên mới truyền đến vua ngày nay. Nhưng chỉ riêng vua là khóc lóc, đó là không có lòng nhân. Thấy một vị vua không có lòng nhân, lại thấy hai bề tôi lại dua nịnh theo, nên hạ thần mới trộm cười một mình.”[1]
Thấy đời vô thường ngắn ngủi, sợ chết rồi sẽ mất đi tất cả nên buồn thương, than khóc. Đây không phải là thái độ đúng đắn của người học Phật. Thực ra, đó là thái độ ích kỷ, tham sống sợ chết, không muốn mất đi tất cả những gì mà mình đã cố gắng chiếm hữu cho bản ngã trong suốt cuộc đời. Cho nên, Yến Tử mới phê bình Vua Tề Cảnh Công không có lòng nhân. Thông thường người càng giàu, càng có địa vị, quyền lực lại càng sợ chết!
Thậm chí, có người nhận ra vô thường, song vì kiến chấp đoạn diệt, không tin nhân quả, họ lại chạy theo chủ nghĩa hưởng lạc, tranh thủ thời gian ngắn ngủi của kiếp người để ăn chơi sa đọa. Ví dụ, Lý Bạch nói: “Phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà” tức “kiếp phù sinh như giấc mộng, cuộc vui nào có bao lâu?” Mới nghe qua dường như rất tỉnh thức vô thường, phù hợp Phật Pháp. Nhưng tiếp theo, Lý Bạch bảo: “Cổ nhân bĩnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã,” tức “người xưa cầm đuốc chơi đêm, thực là có lý do vậy!” (Xuân Dạ Yến Chư Tùng Đệ Đào Hoa Viên Tự-Lý Bạch).
Như vậy, ý Lý Bạch nói, đời người giả tạm như một giấc mơ, cuộc vui con người ngắn ngủi, cho nên cần phải mau mau hưởng lạc, “chơi ngày không đủ, tranh thủ chơi đêm!”
Tương tự như Lý Bạch, Nguyễn Công Trứ (1778-1858), một nhà Nho của Việt Nam, cũng nói lên quan điểm nhân sinh của mình:
Ngẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật
Đã sinh người lại hạn lấy năm
Kể chi thằng lên bảy, đứa lên năm
Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc?
Lại mang lấy lợi danh, vinh nhục
Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan
E đến khi hoa rữa trăng tàn
Xuân một khắc, dễ nghìn vàng đổi chác?
Mới đọc qua chúng ta thấy quan điểm Nguyễn Công Trứ dường như rất giống với Đạo Phật. Nhưng khi đọc tiếp chúng ta biết là không phải. Ông chỉ chủ trương hành lạc kịp thời, khác hẳn tinh thần cầu đạo giải thoát giác ngộ trước cảnh vô thường:
Tế suy vật lý tu hành lạc
An dụng phù danh bạn thử thân
Song bất nhân mà lại chí nhân
Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy
Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy
Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù?
Nghề chơi cũng lắm công phu![2]
Rõ ràng đây là tư tưởng của chủ nghĩa hưởng lạc, hoàn toàn khác với ý nghĩa, mục đích của vô thường mà đức Phật chỉ dạy.
Tóm lại, thái độ về vô thường của thế gian hoặc bi quan chán nản hay sống vội để hưởng thụ. Giờ đây, chúng ta thử tìm hiểu vô thường đức Phật dạy trong Phật Pháp có ý nghĩa, mục đích, và ứng dụng ra sao.
----------------------
[1] Yến Tử Xuân Thu, “Cảnh Công Đăng Ngưu Sơn Bi Khứ Quốc Nhi Tử” (Cảnh Công lên núi Ngưu buồn vì phải chết bỏ lại đất nước), Yến Tử Can Gián, bài 17.
[2] Nguyễn Công Trứ, Chơi Xuân Kẻo Hết Xuân Đi.