Rộng Mở Tâm Hồn Khai Phóng Thức Tâm

28/09/20215:59 SA(Xem: 5739)
Rộng Mở Tâm Hồn Khai Phóng Thức Tâm

RỘNG MỞ TÂM HỒN
KHAI PHÓNG THỨC TÂM
Nguyên tác: Open Heart – Clear Mind
Tác giả: Ni sư Thubten Chodron
Phóng tác: Thích nữ Minh Tâm

Rong Mo Tam Hon Khai Phong Thuc Tam

 

ÍT LỜI CẢM THÁN

Khi bắt đầu dịch quyển sách này, tôi chợt nhớ lại cảm giác thật hụt hẫng, thật mất mát, thật trống vắng, thật ngỡ ngàng khi đứng trước cửa tiệm sách Barnes & Noble Book Store (San Jose, CA) bị phá sản đóng cửa vào một buổi chiều tháng 8/2012. Cái cảm giác đó thực sự rất khó chịu, đau đớn y như có ai ngoáy vào vết thương đang mưng mủ trong tim. Tiệm sách bị đóng cửa vì ế quá, quá ít người mua sách. Đây là tiệm sách thứ hai bị đóng cửa tại thành phố này trong thời gian chưa đến hai tuần. Khi đang đứng bất động như vậy thì có một thanh niên người Mỹ trờ tới và cũng đứng sững như tôi trước cảnh tượng tiêu điều, bừa bãi chưa dọn dẹp sạch hết của tiệm sách: giấy, bút, sách, báo, bao ni lông vất bỏ tứ tung... Anh ta hỏi tôi: “Tại sao vậy?” Tôi chẳng biết trả lời thế nào. Tại sao? Tại sao?

Tôi đã linh cảm sẽ có ngày như thế này, nhưng không ngờ nó đến nhanh như vậy. Đúng là nhanh như điện tử trong cái thời đại văn minh tiên tiến kỹ thuật vi tính đang tràn ngập thế giới ngày nay. Từ thế kỷ 21 trở đi, là thời đại hoàng kim của kỹ thuật, của điện toán, của vi tính, của hạt nhân nguyên tử. Ngày nay, đâu còn ai cầm quyển sách trên tay làm gì, họ cầm một cái máy điện thoại đời mới với những ký hiệu 10, 11, 12 (và sẽ còn bao số nữa, lại những con số) là có đủ hết những gì họ cần.

Thế mà tôi vẫn mãi đi tìm cái huyền thoại một thời đó, chẳng biết để làm gì? Có lẽ để hoài niệm tuổi trẻ, lý tưởng, hoài bão của riêng tôi chăng? Biết là những gì mình viết ra có thể không ai thèm đọc, biết sách mà mình cố gắng in ra có thể không ai thèm nhận, thèm nhìn nhưng tôi vẫn muốn viết, muốn in sách chỉ với một ước mơ, một hy vọng nhỏ nhoi là có thể trong một trăm người sẽ có được một người còn vui khi được nhận sách, còn đọc sách. Thế là đủ rồi. Chỉ vậy thôi là mãn nguyện rồi. Vì thế tôi vẫn mài miệt viết, mài miệt dịch những quyển sách giá trị, hữu ích, vẫn tận sức đi quyên góp từng đồng của các vị Phật tử hảo tâm giúp tôi hoàn thành tâm nguyện này.

Thật buồn muốn khóc! Những tiếng khóc uất nghẹn không thành lời, những giọt nước mắt kiềm chế không cho chảy ra, vì tôi là một tăng sĩ nên không được khóc, phải không? Hay là khóc để làm gì? Quy luật vô thường mà: có có không không, có ngày thì phải có đêm, có lên ắt có xuống, có hợp phải có tan, có thành ắt phải có bại, có sống là có chết...

Một ít lời chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng tha nhân.

Một cảm xúc muốn hòa chung vào biển khổ nhân loại.

Một lời thành kính tri ân những người đồng cảm với riêng tôi.

Một ân sủng của Phật, của Thầy Tổ, của chúng sinh đã ban bố và giúp tôi đứng vững giữa dòng xoáy vẩn đục vật chất.

Một câu Nam mô A Di Đà Phật.

 

MỤC LỤC

Lời ngỏ
PHẦN MỘT Sự tiếp cận của Đạo Phật.
PHẦN HAI Thực hành hiệu quả với những cảm xúc
1. Hạnh phúc ở đâu: Hãy nhìn thật rõ kinh nghiệm sống của chúng ta
2. Khai phóng nỗi đau của lòng chiếm hữu: Sống một đời sống nội tại thăng bằng
3. Tình thương khác Ràng buộc: Phân biệt sự quan tâm đơn thuần khỏi những suy tính phi lý, không thực tế
4. Điều ngự lòng sân hận: Chuyển hóa sợ hãi và ghét bỏ
5. Lòng hẹp hòi thiển cận: Đối phó với những khó khăn
6. Đúng đắn nhìn lại chính mình: Thuốc giải độc kiêu mạn
7. Từ ganh tị đến an lạc: Hãy để nỗi đau trong lòng thoát đi!
8. Bắt được kẻ cắp: Nhận diện được những tâm thái bất ổn
9. Kẻ tội nhân: Lòng ích kỷ
PHẦN BA Tình cảnh hiện tại
1. Tái sinh: Nhịp cầu từ kiếp sống này đến kiếp sống khác
2. Hành nghiệp: Nhân và Quả
3. Bánh xe luân hồi: Vòng quay bất tận khổ đau của kiếp sống


PHẦN BỐN Tiềm năng khai phát
1. Phật tính: Bản chất lương thiện sẵn có trong con người
2. Đời sống con người thật quý báu: Phải biết tận dụng duyên may!
PHẦN NĂM Con đường giác ngộ
1. Tứ Diệu Đế: Lời dạy của những bậc đạt đạo.
2. Quyết Tâm Muốn Được Tự Do: Khai triển lòng can đảm giải thoát chúng ta khỏi những tình huống xấu.
3. Đạo đức: Liên kết hữu ích với tha nhân
4. Nuôi dưỡng lòng vị tha: Tâm hồn rộng mở từ bitình thương
5. Trí tuệ nhận thức thực tại: Cắt bỏ cội rễ vô minh
6. Thiền định: triển khai sức tập trung và sự sáng suốt
7. Quy y Tam Bảo: Cội nguồn con đường giác ngộ
Lời kết

 

LỜI NGỎ

 

Open Heart-Clear MindQuyển sách mà quý vị đang cầm trên tay đã được phóng tác từ nguyên bản tiếng Anh “Open Heart-Clear Mind” của Ni sư người Hoa Kỳ, Thubten Chodron, một nữ tu Phật giáo Tây Tạng.

Ni sư sinh ngày 18 tháng 9 năm 1950 tại Cheryl Greene, thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ. Tốt nghiệp Cử nhân môn Sử tại đại học California (Los Angeles) năm 1971, một năm rưỡi sau học tiếp lên Cao học, Ni sư đồng thời vừa học vừa đảm nhiệm dạy tại trung tâm hệ thống giáo dục Los Angeles. Năm 1975, Ni sư tham dự một khóa tu thiền hướng dẫn bởi hai vị Lạt Ma Thubten Yeshe và Kyabje Thubten Zopa Rinpoche. Trực ngộ giáo lý nhà Phật, năm 1977, Ni sư xuất gia với Lạt Ma Kyabje Thubten Zopa và năm 1986, Ni sư được truyền thụ giới Tỳ Khưu Ni tại Dharamshala.

Ni sư đã viết và xuất bản trên 25 quyển sách, trong đó có hai quyển cùng viết với ngài Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14.

Ni sư hiện đang dạy đạo tại nhiều nơi và năm 2003, Ni sư đã xây dựng tu viện Sravasti tại thành phố Newport, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, và đảm nhiệm chức vụ trụ trì tu viện này từ ngày đó cho đến nay.

Những quyển sách mà Ni sư viết rất được hoan nghênh, trong đó có quyển “Open Heart - Clear Mind” này. Trong suốt 09 năm liền (1990-1999), nguyên tác này đã được tái bản đến chín lần. Có thể nói đây là một trong rất ít sách có giá trị mang tầm vóc quốc tế, và không những thế, đến nay quyển sách này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm trong tư tưởng người Phật tử Hoa Kỳ nói riêng, và các độc giả nhiều nước khác nói chung.

Khi đọc quyển sách này, chỉ mấy trang giấy đầu thôi, tôi nhận thấy có nhiều cảm xúc khác nhau đan xen lẫn lộn trong tôi: thích thú, phấn khởi, xấu hổ, hoan hỷ, thán phục, ngán ngẩm, buồn cười... Có thể nói Ni sư Thubten Chodron với kinh nghiệm hành trì quán chiếu tự thân, đã thấu tình đạt lý khi viết những nhận xét tư duy về tâm lý con người một cách chuẩn mực, chính xác vô cùng hoàn hảo với những lập luận, ví dụ vững chắc đúng đắn.

Tôi biết có nhiều bậc cao nhân, dịch giả uyên thâm đã dịch quyển sách này, tuy nhiên chân lý đạo Phật tỏa sáng như viên kim cương nhiều mặt, tôi an nhiên sống theo cảm tính tư duy và ước muốn của mình, cứ phóng tác quyển sách này, nếu may mắn tình cờ được rơi vào tay và hợp với sở thích của những ai còn tu học thấp lè tè sát đất (lời của Tổ Sư Ấn Quang) như tôi, thì kể ra cũng tạm gọi là có chút phúc duyên gặp nhau khi trót sinh ra trên cõi đời ô trược này, và nếu vô tình lọt vào mắt của những bậc thức giả thì rất mong được chỉ dạy thêm để những bản dịch sau thêm phần tố hảo.

Kính nguyện trọn đời phụng sự hầu ngôi Tam Bảo và xin hồi hướng chút công đức này trang nghiêm Phật tịnh độ, trên báo bốn ân trọng, dưới giúp khổ ba đường, và xin nguyện cho các bậc Ân Sư, Phụ Mẫu, thân bằng quyến thuộc, các vị liên hữu, oán gia trái chủ... từ vô lượng kiếp cũng như hiện đời của con đều được giải thoát sinh tử luân hồi, vãng sinh Tây phương Cực Lạc quốc.

Nam mô A Di Đà Phật.
TN Minh Tâm cẩn bút.

pdf_download_2
Rộng mở tâm hồn - khai phóng thức tâm




Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.