Quán Pháp - Năm Triền Cái

12/01/20224:28 SA(Xem: 5628)
Quán Pháp - Năm Triền Cái

QUÁN PHÁP - NĂM TRIỀN CÁI
Ni sư Pháp Hỷ giảng bài kinh Tứ Niệm Xứ về 5 Triền Cái, ngày 29/10/2021

phap-hy (2)Trong phần quán pháp, đầu tiên của phần quán pháp đó là quán (thấy rõ) 5 Triền cái. Triền cái là những thứ che lấp tâm. Tâm của chúng ta bản chất của nó là sáng, rõ và biết mọi hiện tượng xảy ra trong sự tương tác với môi trường chung quanh, biết qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nhưng thường chúng ta không biết như thực được vì chúng ta có 5 thứ che lấp tâm mình.  Năm thứ này (trong tiếng Anh gọi là Emotion- các tình cảm). Khi có tình cảm rồi thì thường là chúng ta không thể thấy rõ nữa. Tiếng Việt nói “khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét bồ hòn cũng méo”; “khi thương thì thương cả đường đi lối về, khi ghét thì ghét cả tông chi họ hàng”. 

Tâm của chúng ta không bình đẳng, không trong sáng, vì sao? Vì nó có 5 pháp che ngăn này. Ở đây các phiền não, các thứ che ngăn cũng được gọi là pháp nhưng nó là pháp bất thiện, pháp khiến cho tâm chúng ta không trong sáng, không lành mạnh và không có sự công bằng nữa. Khi chúng ta thích ai đó thì chúng ta chỉ thấy cái tốt đẹp mà thôi, chúng ta thích cái gì đó chúng ta chỉ thấy cái mặt tốt đẹp của đối tượng mà chúng ta đang thích mà thôi mà chúng ta không thấy được những khiếm khuyết của nó. Còn khi chúng ta đang ghét ai đó thì chúng ta thấy cái xấu của họ mà thôi, cái đáng ghét, cái khiếm khuyết của họ mà thôi mà chúng ta không thấy được những phần tốt đẹp, dễ thương của họ. Cái thấy như vậy có công bằng không? Cái thấy mà có thích, có ghét, có sân trong đó thì không còn công bằng, không còn trong sáng. Cái thấy đó không phải là cái thấy trí tuệ, cái biết đó là cái biết qua tình cảm của mình, biết qua sự yêu ghét, qua cái lăng kính của bản ngã mà lăng kính này là lớp thứ hai qua lớp tình cảm. Lớp thứ nhất là lớp xác thịt, lớp thứ hai là lớp tình cảm hay là cảm xúc của chúng ta

 Năm triền cái này là những biểu hiện khác nhau của cung bậc cảm xúc. Thật ra cảm xúc có nhiều cung bậc hơn nhưng tổng hợp lại có 5 cung bậc được nhắc đến trong bài kinh Tứ Niệm Xứ, được gọi là 5 Triền cái, 5 thứ che lấp tâm của chúng ta.

1/ Tham Dục (Kāmacchando): Khi ta thích một đối tượng nào đó, tham một đối tượng nào đó thì có tình cảm sanh khởi rồi, khi có tình cảm sanh khởi rồi thì cái nhìn và cảm nhận của chúng ta cũng bắt đầu méo mó theo cái thích và cái tham đó. Khi chúng ta không thích một ai đó, một đối tượng nào đó thì tình cảm và cái nhìn của chúng ta cũng bị ảnh hưởng cũng bị méo mó bởi cái không thích đó.

Các tình cảm đó cũng có nhiều cung bậc khác nhau, như sân từ nhẹ cho đến nặng. Nhưng dù cho nó ở cung bậc nào đi nữa thì nó cũng làm cho tâm hồn ta khuấy động, nóng dần lên, và cái thấy, cái biết từ một cái tâm như vậy thì khoogn còn đúng, không còn chính xác nữa.

Thích là nhẹ của tham gọi là Kāmacchando, thích cái này cái kia, chẳng hạn như thích ăn kem, thích đồ ngọt, thích ăn, uống, nhìn, nghe, thích tiếp xúc, ngửi, nếm, thích ai đó. Tính riêng ra thì theo từng giác quan còn tổng thể là ta thích người nào đó, một đối tượng nào đó. Khi thích thì chúng ta chỉ thấy phần tốt đẹp của nó mà không thấy phần xấu xa, độc hại của nó. Chằng hạn thích ăn kem nhưng ăn nhiều sẽ bị tiểu đường, đó là phần nguy hiểm của nó, khi chúng ta thích chúng ta không thấy phần nguy hiểm của nó. 

2/ Sân (Byāpādo): Khi chúng ta có tham có sân thì  chúng ta bị vẩn đục các tình cảm sinh khởi trong thân tâm của chúng ta, nó không chỉ có tham sân mà nó có nhiều hơn như vậy nữa ở các cung bậc khác nhau. Khi chúng ta đang sân đang bực bội đang khó chịu, chúng ta chỉ thấy mặt xấu, mặt khiếm khuyết của đối tượng, mà không thấy mặt tốt đẹp của nó. Càng nhìn vào mặt khiếm khuyết, mặt xấu của nó thì chúng ta lại càng sân hơn nữa. 

3/ Hôn trầm (Thinamiddha): Ngoài tham và sân còn có thêm cung bậc tình cảm chán chường, buồn bã, giãi đãi, không hứng thú, và không có năng lượng để làm bất cứ chuyện gì. Nhẹ thì là lười biếng, mệt mỏi, nặng thì là trầm cảm, u uất, chán chường.

4. Lo lắng -bất an, trạo cử (Uddhaccakukkuccaṁ) là trạng thái tâm không yên do ân hận, dày vò vì chuyện đã qua, hay do lo lắng, bồn chồn cho chuyện chưa đến. Đây là cái tâm không thể trú trong hiện tại, bị những chuyện trong quá khứ, hay vọng tưởng về tương lai chi phối, khiến cho nó cứ chộn rộn, không thể nào tĩnh tại được.

5. Nghi hoặc (Vicikicchā), không phân định, là cái tâm khôngniềm tin, không chắc chắn, nghi ngờ, phân vân.

Một người thiền quán pháp chỉ thấy tham và sân như nó đang sanh khởi mà không đồng hoá với nó, không đồng hoá với nó là không bị chìm đắm trong đó. Bình thường nếu không tu thiền quán thì cái gì sanh lên là ta bị chìm đắm ngay lập tức, đồng hoá với nó ngay lập tức, bị nó kéo trôi tuồn tuột luôn, không có chỗ đứng nào nữa hết, tham thì chìm đắm trong tham, sân thì chìm đắm trong sân và không biết là mình đang có tham, đang có sân. Còn một người tu quán pháp thì họ vẫn có tham có sân, nhưng khi có tham họ biết họ có tham, có sân họ biết họ có sân. Biết để làm gì? đế đừng bị nó kéo trôi tuồn tuột trong đó. Do đó họ dừng lại những việc không cần thiết hay những thứ độc hại, những thứ mà họ biết được kết quả của nó sẽ là nguy hiểm, không được tốt đẹp

Người tu là biết dừng lại khi họ thấy pháp, khi họ thấy pháp họ mới học cách dừng lại. Có những người mới tu họ thấy pháp nhưng không dừng được, vì sao?  Vì họ bị dòng chảy của nghiệp lực mạnh quá mà không có cách gì dứt ra được. Họ phải đi cho đến hết đoạn đường đến nỗi bị bầm dập tan nát rồi họ mới ngoi đầu lên, còn bình thường họ bị chìm đắm trong tham, sân hay cái buồn chán, mệt mõi, dã dượi, buồn ngủ, boring. 

Nhất là trong thời gian chống dịch, cách ly thì pháp buồn chán nổi trội nhất , không phải là bực tức, khó chịu, ta ít có cơ hội ra ngoài nên ít tiếp xúc nên ít tham sinh khởi, ít tiếp xúc nên ít sân sinh khởi. Nhưng thời gian qua buồn chán, mệt mỏi, ngán ngẩm, đó là những pháp nổi trội nhất, thịnh hành nhất. Đây là chướng ngại thứ ba khiến cho tâm không thanh tịnh, yếu lược, mờ tối.

Khi có trạng thái như vậy, một người quán pháp, người tu thiền sẽ biết được mình có buồn chán, mình có mệt mỏi, có khó chịu không? Nó không tập trung được gì cả, tâm cứ trôi nổi từ đề mục này sang đề mục khác. Hoặc tâm sẽ trượt qua bên ngoài, lơ mơ buồn ngủ, suốt ngày ngủ, cái gì cũng không rõ ràng hết. Một người lơ mơ như vậy sống như chết rồi, vật vờ giống như không có sống, không tồn tại. Khi trong trạng thái như vầy ta không học được bất cứ gì hết, không nghe được gì hết, cái biết của chúng ta lờ mờ, thậm chí nó không biết gì hết cả, nó trơ lì ra. Khi có trạng thái như vậy một người tu thiền quán sẽ biết mình đang có trạng thái như vậy và cũng có cách để ra. 

Hôm nay Sư chỉ cho quí vị nhận biết những điều đó đang có mặt, đang sinh khởi, đang tồn tại như thế nào. Sau khi nhận biết rồi chúng ta sẽ học cách làm như thế nào để đừng bị nó nhấn chìm, đừng bị nó lôi kéo, đừng để con người của chúng ta bị chìm đắm trong đó và trở thành bất thiện. Để tránh tình trạng này, hãy gia tăng tinh tấn, ngồi thiền, đi thiền nơi có ánh sáng, có sự thông thoáng. Có thể đọc, xem hay nghe những pháp khiến cho tâm hồn vui vẻ, hoạt bátlinh động hơn.

4/ Lo lắng, bất an: Theo Sư Cô được biết, vừa rồi ở VN dịch bệnh xảy ra như vậy thì trạng thái lo lắng, bất an này nổi trội nhất, có trên 40% người VN rơi vào trạng thái lo lắng bất an. Nếu như gọi buồn bã, chán nản là một dạng thức của trầm cảm thì cái này gọi là tăng động (over active), thường con người ta bị dao động từ trầm cảm đến tăng động. Hai dạng thức tâm trạng này nhảy từ đầu này đến đầu kia mà không ở giữa, khi chán nản khi lại tăng động, khi trầm cảm khi quá khích, bị kích hoạt nhiều quá, khi khác lại không được kích hoạt một chút nào cả. Ở trạng thái như vậy tâm chúng ta không bắt kịp cái gì đến nơi đến chốn, cái gì cũng biết hết (gọi là rối loạn cảm xúc lưỡng cực). 

Khi chúng ta biết niệm pháp  và coi đó chỉ là những pháp/ hay các trạng thái tâm mà thôi mà thôi, không cần đồng hoá với nó, không nói tôi như thế này tôi như thế kia. Niệm phápnhận diệnpháp như vậy đang sanh khởi trong tâm, có hiện tượng như vậy đang tồn tại trong tâm của chúng tachúng ta không đồng hoá mình với nó, không chìm đắm trong đó.

5/ Nghi ngờ: Nghi: vì không biết rõ 4 cái kia, bị che lấp rồi nên sanh ra nghi. Chẳng hạn như mấy hôm trước Sư Cô đi ra thất thấy con rắn, đó là con rắn thiệt, nhưng nếu tâm hồn bị ám ảnh bởi con rắn đó thì lần sau thấy cái dây thôi mình cũng tưởng con rắn và sợ hãi sẽ sanh ra. Hoặc một người nào đó trước đây mình rất thích và bây giờ thấy bóng lưng của người khác ta cũng nghĩ là người đó và có chút kích động trong tâm, nghi là người đó. Nhưng nghi ở đây không phải nói về những đối tượng bên ngoài như vậy, mà đây là cái nghi đặc biệt.

Nghi là Phật có tồn tại hay không, có người giác ngộ hay không, pháp là cái gì, pháp nói ra mấy ngàn năm trước bây giờ còn áp dụng hay không, có bổ ích hay không, pháp của Phật có còn hữu ích nữa hay không. Tăng có ai tu hành đắc đạo thiệt hay không hay tu sơ sơ tu giả vậy thôi hay tu đến đâu rồi. Nghi Phật, nghi Pháp, nghi Tăng rồi nghi chính bản thân mình, mình có thực hành được hay không, mình đang bị nhiều chuyện trói buộc như thế này mình có đủ căn cơ để tu thiền hay không, đây là cái nghi tai hại nhất. Vào thời mạt pháp rồi mình tu có được nữa hay không, tu thiềnđắc đạo đắc quả hay không hay tu bị tẩu hoả nhập ma… 

Tất cả những nghi ngờ này sẽ khiến cho chúng ta chùn bước, không dấn thân vào con đường học đạohành đạo. Cái nghi này hiện tại đang rất phổ biến trên thế giới và những gì Đức Phật nói có vẻ hay ho và cao thượng lắm nhưng trong thời đại cám dỗ của chúng tathực hành được hay không, học rồi để xó đó, có áp dụng được hay không, có làm cho mình hết khổ được hay không. Tất cả những nghi ngờ đó khiến cho chúng ta cứ nắm bắt đối tượng này đối tượng kia mà không thực sự tập trung trên một đối tượng pháp hành của ta. Cái nghi này khiến tâm chúng ta không bám vào đâu hết cả và nó nổi trôi, cái lo lắng bất an khiến cho nó nổi trôi và cái nghi này lại làm cho nó giống như trận tsunami, phá nát hết tất cả, làm ta không có điểm bám trụ nào hết. cái nghi khiến cho chúng ta trôi dạt, lạc đường trong sa mạc của cuộc đời

Nghi này là nghi hết 5 đối tượng: Phật, Pháp, Tăng, phương pháp thực hành và mình có khả năng thực hành hay không, đó là cái nghi được nhắc đến trong kinh điển. Còn trong đời sống hàng ngày chúng ta có thể có nhiều cái nghi, cái nghi của chúng ta có thể thiên hình vạn trạng hơn và khi có cái nghi như vậy thì đương nhiên chúng ta không thể nào thấy biết rõ ràng, không thể nào đánh giá sự việc cho chắc chắn được.

Để tránh nghi ngờ bất thiện, hãy học hỏi cho thấu suốt, hãy tự mình dấn thân vào thực hành một cách kiên nhẫnchân thực. Chỉ như vậy mới phá nghi được.

Tham dục (Triền cái thứ 1), tình cảm thứ 1 che lấp tâm ta được ví như mắc nợ, tại sao? Vay thì có trả, tham thì có thâm, chúng ta lạm dụng nhiều thì có lúc chúng ta phải trả cho nên tham dục giống như mắc nợ, cứ đến đòi nợ chúng ta hoài, thiếu nợ thì bị đòi hoài. 

Sân được ví như người bị bệnh, ăn cái gì cũng không ngon, người bệnh lưỡi bị đắng nên ăn gì cũng không ngon. Người đang sân cũng vậy, nhìn thấy gì cũng không vừa ý hết, không hưởng thụ được cái gì, khi đó món ngon nhất cũng thấy dỡ, người đẹp nhất cũng thấy xấu, lời dễ thương nhất cũng thấy chua chát khó nghe. Khi đang sân người ta nói lời dễ thương thì mình lại bảo người ta mỉa mai mình, còn họ nói lời khó nghe thì ta càng sân hơn nữa, cái tâm đang sân thì cái gì chúng ta cũng đổ lỗitrách mắng cho dù đối tượng có làm bất cứ gì thì chúng ta vẫn khó chịu, cái khó chịu đó nằm ở đối tượng hay trong tâm của chúng ta?- Nó nằm trong tâm của chúng ta, tâm chúng ta thường đổ lỗi cho đối tượng và trừng phạt đối tượng, đó là cái vô minh rất tai hại cho người không biết pháp, không biết tu, không biết học đạo. Họ tìm cách để trừng phạt đối tượng, ruồng bỏ đối tượng chứ họ không biết được tất cả những thứ đó là ở trong tâm của họ. Tham cũng vậy. 

Cho nên người quán pháp phải thấy “Nội tâm tôi có tham, nội tâm tôi có sân” chứ không nói đối tượng làm cho tôi tham hay làm cho tôi sân. Đây là điểm khác nhau rất lớn ở người có tu và không tu là ở chỗ có nhận biết này. Chúng ta không trách đối tượng bên ngoài, không nói đối tượng khiến cho tôi tham hay khiến cho tôi sân mà chỉ thấy tâm tôi đang có tham hay tâm tôi đang có sân mà không để ý nhiều đến đối tượng. Mà để ý nhiều đến những gì đang có trong mình, để làm gì? Để tự chịu trách nhiệm cho những điều đó chứ không phải tu theo phái đổ thừa. 

Chúng ta tu theo pháp nguyên thuỷ, pháp sanh như thế nào chúng ta biết nó sanh như vậy, nhận diện pháp đó như nó đang là mà không khoác cho nó bất cứ áo khoác nào hết. Không tô vẽ, không bôi đen nó, không tô hồng cho nó đẹp lên, cố làm cho nó dễ chịu hơn, còn bôi đen là vô tình làm cho nó xấu xí hơn hoặc cố tình làm cho nó xấu xí hơn. Khi ghét ai thì khi người khác hỏi về người đó chúng ta sẽ miêu tả họ trong những từ xấu xí nhất, chúng ta kể một câu chuyện tồi tệ nhất về họ. Họ không phải như câu chuyện chúng ta kể mà do tâm chúng ta bị ấn tượng xấu mà tạo ra thôi. Nhưng vô minhchúng ta tin chắc họ là như vậy, cho nên sai lầm vô minh lớn nhất của chúng ta là tin vào những câu chuyện do tâm mình thêu dệt nên và chúng ta không thấy pháp như nó đang là. Khi chúng ta thấy pháp như nó đang là thì ta có minh hay có trí tuệ, còn chúng ta cứ tin tưởng vào những câu chuyệnchúng ta thêu dệt nên qua 5 triền cái, qua 5 tình cảm làm vẩn đục tâm hồn của chúng ta, đó là:1/Tham, 2/sân, 3/Buồn chán, trầm cảm, mệt mỏi, 4/Trạo cử, khi lo lắng bất an thì nhìn gà hoá quốc. Thấy cái này liên tưởng đến cái kia và tâm không đậu vào đâu hết, tâm không yên được. cái lo lắng bất an, sợ hãi này có những người trở thành bệnh lý, ngày mai sắp đi đâu đó là đêm nay nằm mơ thấy trễ tàu trễ xe rồi, ngủ không được. Ngày mai sẽ  gặp ai đó làm gì đó thì đêm nay ngủ không được nằm mơ thấy tùm lum hết cả. Đó là tâm thức ta bị kích hoạt không yên mà tâm không yên thì trong giấc mơ ta thấy mình bị trễ tàu trễ xe, quên cái này, quên cái kia khiến cho chuyến đi của mình không tốt đẹp hay sắp gặp gỡ ai đó vì lo lắng sợ hãi khiến cho tâm mường tượng ra những điều xấu rồi. Trên thực tế nó có xấu như chúng ta tưởng tượng, lo lắng, sợ hãi vậy không? Không. Cho nên đó là điều rất nhiều người bị và khi bị vậy ta tưởng tượng ra những cái xấu. Tất cả chỉ là do ta quá lo lắng bất an mà mường tượng ra vậy thôi.

Khi một người tu thiền khi có lo lắng bất an nhận biếtlo lắng bất an mà không tin vào những câu chuyện tâm vẽ ra, không tin vào những bức tranh mà tâm hoạ ra. Không tin thì nó sẽ dần dần chấm dứt, còn tin thì nó lại phóng đại hơn nữa, đó là nguy hiểm của người không thấy pháp, người không tu. Còn khi quán pháp ta thấy nó chỉ là những pháp sanh khởi trong tâm chúng ta mà không phải là thực tế bên ngoài, khi thấy biết và phân biệt rõ ràng như vậy chúng ta đi ra khỏi nó một cách dễ dàng hơn so với người không có tu, không có học đạo

5/ Nghi ngờ: Cực kỳ tai hại, vì khi có nghi ngờ, một người không ăn cắp mà ta nghi họ ăn cắp thì tất cả hành vi, ánh mắt, lời nói nào của người đó chúng ta cũng nghĩ họ sẽ  ăn cắp, đang ăn cắp hay là nó như vậy vì nó có ý đồ ăn cắp. Chúng ta rất dễ bị rơi vào  cái tưởng đó, cái tưởng như vậy cực kỳ nguy hiểm vì nhận thức của chúng ta cực kỳ sai lầm. Khi trong tâm chúng ta còn 1 trong 5 triền cái này hay vài ba cái, thường không có 5 cái vì 2,3 cái đầu tự loại trừ như có tham thì không có sân, chỉ khi tham không được thì sân mới sanh lên, sân không được thì mệt mỏi nghi ngờ, lo lắng. Tham không được cũng sanh ra trầm cảm, hai cái đầu làm nhân làm duyên cho 2 cái sau sanh khởi. 5 cái này có quan hệ nhân quả với nhau và một số cái có quan hệ loại trừ nhau, có cái này thì không có cái kia, có cái này sẽ tạo duyên cho cái kia sanh ra.

Do đó khi quán pháp thấy như thế nào, thấy tâm chưa sân thì bây giờ có sân, trước đây có sân giờ sân diệt rồi và sân diệt rồi giờ không sanh lên nữa thì biết sân không sanh lên nữa. Khi thấy sáng suốt rõ ràng như vậy là chúng ta đang quán pháp trong các pháp, chúng ta thấy pháp chứ không thấy người. Nếu thấy người khác sân chúng ta nói người đó đang sân chứ không nói người đó sân, vì sao? Khi chúng ta nói người đó sân thì lần sau gặp lại ngay lập tức chúng ta nghĩ ngay người đó luôn luôn sân, còn nói người đó đang sân và cái sân đó có thể chấm dứt, lần sau gặp có thể người đó không sân nữa, hoàn toàn khác rồi. 

Nếu chúng taquán pháp thì tâm của chúng ta sẽ được làm mới trong mỗi sát-na, còn tâm khôngquán pháp thì tâm chúng ta ăn toàn đồ cũ, đồ thiu ôi thối, đồ thừa, thật tai hại! Khi quán pháp và làm cho nó dừng lại, khi chánh niệm và tỉnh giác của ta sắc bén, mạnh mẽ đến mức thấy pháp nào là pháp đó biến mất liền chúng ta sẽ luôn luôn được ăn đồ mới, luôn luôn tươi mới, cuộc sống không có gì cũ hết. Ta chỉ nhảy xuống sông 1 lần trong đời mà thôi, vì sao? Vì khúc sông luôn luôn trôi chảy, da thịt ta cũng luôn luôn thay đổi không có gì là cũ nhưng vì tâm của chúng ta giữ lại, níu kéo đồng hoá với những pháp của quá khứ, chúng ta chìm đắm trong quá khứ do đó chúng ta mới ăn đồ thiu đồ thối. Còn khi tâm chúng taquán pháp thấy pháp nào đang sanh, pháp nào đang tồn tại, pháp nào đang biến diệt, thấy được như vậy thì tất cả đều mới hết, như vậy chúng ta sẽ không bị buồn chán, mệt mỏi, trầm cảm cũng không có nghi ngờ.

Quán pháp để thấy tất cả những cái đó chỉ là pháp mà thôi. Mà pháp thì có nhân có duyên, hiện khởi do các nhân các duyên chứ nó không tự như vậy. Khi thấy biết như vậy, chúng ta không chấp vào gì nữa hết, quán pháp để thấy vô ngã là như vậy, không có tôi không có ta không có ai trong đó hết, chỉ có các pháp đang hiện khởi mà thôi, khi đó chúng ta bỏ được cái chấp rất nhiều. Nhưng để đi đến trình độ như thế này cần công năng tu tập, còn không thì pháp nào sanh lên ta bị chìm đắm trong pháp đó và không ra khỏi nó được vì bị nó lôi tuồn tuột, nó nhấn chìm trong đó, ngụp lặn trong đó. Do đó, tu để thấy pháp là điều cực kỳ quan trọng, không thấy pháp không bao giờ chúng ta sống vô ngã được hết, chỉ khi thấy pháp rồi chúng ta mới thực sự sống vô ngã và thấy đời sống này là vô ngã. Khi sự sống vô ngã và thấy đời sống này là vô ngã chúng ta không còn lăn tăn gì nữa hết, chúng ta có thể sống hồn nhiênmọi nơi, ở mọi đối tượng. Sống vô tư trong sáng, đó chính là cái duyên lớn nhất của mỗi người. Chúng ta vô duyênchúng ta có tham, có sân, có si, có nghi ngờ, có lo lắng bất an khiến chúng ta trở nên vô duyên kệch cỡm. 

Khi không có 5 triền cái này chúng ta cực kỳ có duyên, ta mới thật sự có nết, “cái nết đánh chết cái đẹp” và cái nết này rất cao thượng, nết của người tu, chỉ được biểu hiện ở những người tu tập còn người chưa tu tập không bao giờ có cái nết này. Muốn có nết này thì phải tu, học quán pháp biết pháp như nó là chứ đừng để mình bị cuốn trôi, chìm đắm trong đó, và chỉ khi như vậy chúng ta mới thật sự sống trong sáng, vô tư, hồn nhiên, bình antự tại được. Khi đang có tham, có sân, có bực bội chán nản, đang có thích thú, dã dượi hay đang có nghi ngờ, chúng ta nhìn mọi thứ chung quanh chúng ta hay trong chúng ta một cách méo mó, không thấy được sự thật, và những đánh giákết luận của chúng ta đều là sai lầm hết, và càng nhiều sai lầm thì các phản ứng của chúng ta  càng thiếu thiện xảo và càng thiếu thiện xảo xảy ra thì đau khổ trong  cuộc đời ta càng nhiều hơn. Chỉ khi chúng ta học pháp, có tu tập và có loại bỏ dần những cái thiếu thiện xảo thay thế vào những thứ thiện xảo chúng ta sống sẽ có duyên hơn, sống có nết hơn, đời sống của chúng ta dần dần sẽ trở nên an ổn, ít đau khổ hơn, ít sầu lo hơn, ít chông gai nghiệp chướng hơn.

Sư Cô mong sau thời pháp này thì đại chúng biết quán pháp, thấy pháp như là các pháp chứ không thấy tôi, không thấy người, không đổ lỗi cho đối tượng, thấy pháp sanh khởi trong tâm mình, thấy pháp sanh khởi trong tâm người khác mà không đồng hoá với nó, không chấp thủ vào nó. Thấy sự sanh diệt của các pháp mà vẫn có thể khách quan và bình thản được, đó là điều quan trọng nhất của người tu: khách quan và bình thản trước mọi việc đến và đi trong cuộc đời. Vì chúng ta biết chúng ta cũng đến và cũng đi và các pháp khác cũng như vậy, nó đến và đi mà không lệ thuộc vào ai hết, nó đến đi vì các nhân duyên của nó. Khi quán pháp chúng ta sẽ học để thấy những cái nhân như thế nào, duyên như thế nào khiến cho pháp hiện khởi như vậy. 

Nhân gì duyên gì khiến cho tham sanh khởi? Nhân tham sanh khởi do có ý thích và đối tượng vừa ý, đối tượng chỉ là duyên thôi, còn cái thích đã có sẵn trong tâm ta rồi, ta đã mường tượng ra điều đó rồi, ta đã có ý tưởng như vậy rồi và gặp phải đối tượng vừa ý thì tâm ta bám ngay lập tức, tham sanh khởi.

Nhân gì duyên gì khiến cho sân sanh khởi? Trong tâm chúng ta đã có sự bực tức, khó chịu rồi, không thích rồi, gặp đối tượng có vẻ như khẳng định điều đó làm cho cường độ cái không thích trong tâm của chúng ta bùng phát. Bình thường khi chúng ta không có sân, không có sự khó chịu thì lời  nói như vậy không khiến chúng ta khó chịu nhiều đến như vậy, Khi đã có khó chịu rồi, cũng lời nói như vậy, chúng ta nghĩ là lời mỉa mai, lời châm chọc, miệt thịchúng ta sẽ sân nhiều hơn. Đối tượng là cái kích thích, cái duyên để làm bùng nổ nhân bên trong của chúng ta. Nhân như vậy, phi như lý tác ý, nhìn vào điều xấu, nhìn vào mặt không thiện cảm và đối tượng bên ngoài kích thích nữa thì cái sân bùng khởi.

Nhân gì duyên gì khiến cho ta bị trầm cảm, buồn chán, mệt mỏi? Tâm của chúng ta không có động cơ, động lực gì hết. Khi tâm không có động cơ, động lực gì hết và đời sống chung quanh chúng ta lại bình bình không có sự thay đổi gì hết, không có gì kích thích cả thì tâm chúng ta đi đến chỗ trầm cảm, chúng ta không tìm thấy một thú vui nào hết, không có cái gì kích thích mạnh mẽ và chúng ta không nắm bắt vào đâu hết thì ta đi đến mệt mỏi, buồn chán. Cái điều kiện bên ngoài chỉ là duyên, điều căn bản chính là nhân trong tâm của chúng ta.

Lo lắng, bất an cũng vậy, nhân đã có sẵn rồi và chỉ cần duyên bên ngoài kích thích nó thôi, nó sẽ bùng nổ, sanh khởi.

Nghi ngờ cũng như vậy,  tất cả đều có nhân có duyên. Và để cho nó không tồn tại nữa, chúng ta phải loại trừ cái nhân và tránh cái duyên. Nếu như gặp người đó, đối tượng đó hay sân thì đầu tiên nếu chúng ta chưa nhổ được cái gốc khó chịu trong tâm thì chúng ta phải tránh điều kiện bên ngoài, tránh duyên khiến nó dễ sanh. Sau đó, biết được nó chỉ là duyên mà thôi không đáng trách, đáng trách là sự khó chịu trong tâm ta, ta phải tự chịu trách nhiệm về sự khó chịu, bực bội trong tâm ta  bằng cách tu tập tâm từ, bằng cách học nhìn vào những điểm tốt, điểm đẹp của người khác hay của đối tượng.

Để trị bệnh tham như thế nào? (khó hơn trị bệnh sân), trị bệnh trầm cảm như thế nào? Biết cái gì là nhân, là duyên rồi thì ta thay đổi những nhân duyên đó thì pháp đó mới thay đổi được. Còn chúng ta cứ đòi thay đổi pháp mà không biết nhân duyên của nó thì ta sẽ không thay đổi được mà chỉ thêm mệt mỏi, chán chường, nghi ngờ nhiều hơn mà thôi. Do đó tất cả đều phải học hết, học làm quen với các trạng thái tâm của mình, học nhìn để biết một cách khách quan vì sao nó như vậy và học cách thay đổi các nhân duyên khiến  cho nó đừng như vậy nữa. Biết xoay chuyển để nó có trạng thái tốt đẹp hơn, thiện xảo hơn. 

Tu thiền không có gì khác là học và đọc cuốn sách của chính cuộc đời mình. Cuốn sách của cuộc đời mình có sẵn,  mình có biết cách đọc hay không, và khi quán pháp chính là chúng ta đang đọc cuốn sách của cuộc đời mình, cuốn sách viết về cuộc đời mình. Đọc nó một cách công tâm nhất, khách quan, công bằng, nhiệt tình và thấy thú vị. Điều quan trọng nhất là thấy thú vị mới làm được, đọc cuốn sách của cuộc đời mình trong từng sát-na, trong từng giây phút mỗi ngày để thấy được những điều thú vị trong đó , ngay cả khi hoàn cảnh không như ý mình, mình vẫn thấy được những khía cạnh thú vị thì mình sẽ không rơi vào buồn chán, trầm cảm, lo lắng, bất an, nghi ngờ hay cái bẫy của tham và sân. Đó là trí tuệ.

Quán pháp hay niệm pháp chính là học cách đọc cuốn sách của cuộc đời mình trong sự tương tác với thế giới chung quanh mình. Hãy đọc nó,  tìm ra những tình tiết thú vị. Hãy nghiên cứu nó, làm như thế nào để nó biểu hiện tốt nhất. Việc tu hành như thế thú vị không? Tu hành không phải là ướp xác, không phải là khổ hạnh, không phải ăn chay trường hay là cái gì hết, không phải tin vào cái này tin vào cái kia, mà tu hành chính là học cách đọc sách của cuộc đời mình một cách công tâm nhất. Khi thấy việc tu Phật đơn giản như vậy chúng ta sẽ làm mà không nghĩ là mình đang theo tôn giáo nào hết. Khi thấy pháp thì không phải tôn giáo nào hết, không có đức tin nào hết, nó chỉ là trí tuệ soi sáng thực tại đang là. Để đọc cuốn sách cuộc đời mình và hướng đi của mình, tạo ra kịch bản mới, viết ra những trang mới. Nếu chúng ta làm được điều này thì mọi thứ trở nên thú vị, và khi thấy nó là thú vị thì chúng ta làm nó một cách sống tốt đẹp hơn, không bị vẩn đục bởi những tình cảm thích ghét, giận hờn vu vơ. Không bị vẩn đục bưởi những tình cảm chán chường, dã dượi, trầm cảm hay bị kích động, tăng động do lo lắng bất an, hay bị phớt lờ, trở nên nghi hoặc

Khi đã học được những điều này rồi, chúng ta đi trong cuộc đời này với tâm  trong sáng, vô tư, hồn nhiên rất nhiều, đời sống nhẹ nhàng hơn, rủ bỏ được 5 thứ tình cảm vẫn đục này tâm của chúng ta trở nên trong sáng và cực kỳ nhẹ nhàng luôn, không còn chấp thủ vì ta đã bỏ 5 cục đá này rồi. Năm tảng đá mà ta cứ ôm khư khư, tưởng là tôi là ta, chấp vào đó và cố chứng tỏ thế này thế kia, đó là vô minh. Học pháp là để có minh để sống không còn chìm đắm trong vô minh nữa./.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.