STEP BY STEP RETURNING TO THE ORIGIN
TỪNG BƯỚC VỀ NGUỒN
(SONG NGỮ VIỆT – ANH)
Tỳ kheo THÍCH MINH ĐIỀN
Tỳ kheo Thích Thiện Trí chuyển ngữ
Written by:
BHIKKHU THÍCH MINH ĐIỀN
English Translation:
Bhikkhu Thích Thiện Trí
TỪNG-BƯỚC-VỀ-NGUỒN ấn tống 2020
Kính Hiến Dâng Lên Thầy
Tôi muốn dành tặng cuốn sách này cho Sư phụ của tôi, Hòa Thượng Thích Minh Điền, người đã hướng dẫn và dạy tôi rất nhiều trong suốt những năm qua. Ngài có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, hiểu biết và thực hành Phật Pháp của tôi. Nếu không có sự chỉ dạy của Ngài, thì tôi vẫn còn lang thang ngoài cửa Đạo, chưa biết đường vào, và cũng không nếm được một chút hương vị nào của an vui hạnh phúc trong giáo pháp của đức Phật từ Nhị thừa đến Đại thừa.
Trân trọng trình bày và hiến dâng lên Thầy lòng biết ơn vô hạn của con.
Tỳ kheo Thích Thiện Trí
Respectfully Dedicate to my Master
I would like to dedicate this book to my Master, Venerable Master Thích Minh Điền, who have guided and taught me so much throughout the years. He has a great influence on my thoughts, understanding, and practicing Buddha Dharma. If it hasn't been for his guidance, I would still be wandering outside the Path’s door, not knowing the way to enter, nor would I taste any taste of the peace and happiness in the teachings of Buddha from the Dviyana[1] to the Mahayana[2].
Respectfully presenting and dedicating to Master, my infinite gratitude.
Bhikkhu Thích Thiện Trí
MỤC LỤC
Contents
LỜI TỰA.. 7
PREFACE.. 27
VU LAN MÙA HIẾU HẠNH.. 57
ULLAMBANA: THE SEASON OF FILIAL PIETY DUTY.. 67
SỐNG VỚI NĂM NHÂN TÍNH CĂN BẢN.. 81
LIVE WITH FIVE FUNDAMENTAL HUMAN MORALS. 87
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO.. 933
BUDDHIST EDUCATION.. 101
Ý NGHĨA CỦA BẢY BƯỚC NỞ HOA SEN.. 113
THE MEANING OF SEVEN BLOOMING LOTUS STEPS. 131
TRI KIẾN PHI KIẾN.. 157
THE KNOWLEDGE BEYOND THE WORLDLY KNOWLEDGE.. 163
THIỀN.. 173
ZEN.. 179
LỜI TỰA
Tôi có nhân duyên rất đặc biệt và thù thắng được gặp và theo tu học với Hòa Thượng Bổn Sư là Ngài Thượng Minh Hạ Điền. Trong mười năm qua, Thầy đã dìu dắt chỉ dạy tôi từng bước vươn lên từ thấp đến cao. Những kiến thức tôi có sẵn Thầy phát triển thêm cho rộng sâu từ nhiều khía cạnh khác nhau, còn những chỗ tôi kém khuyết Thầy lại bổ sung bồi đắp. Thầy đã mở mắt Pháp và cho tôi cái nhìn mới và đúng về Đạo Phật, từ giáo lý của hàng Nhị Thừa làm căn bản để vươn lên trên con đường hướng thượng của Đại Thừa. Căn bản của giáo pháp Nhị Thừa là chuyển hóa thân tâm từ nội tại đến ngoại tại, không ngoài những cặp phạm trù tương đối như: từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện, từ khổ thành vui, để mang lại đời sống an vui hạnh phúc cho hiện tại và tương lai; đồng thời làm nền tảng vững chắc để bước lên trên con đường Giác Ngộ giải thoát. Nếu cái nền tảng căn bản không có thì thật khó có thể tiến lên trên phương trời cao rộng được. Bởi thân tâm luôn tạo những nghiệp nhân xấu ác để chuốc lấy khổ đau thì còn tâm trí nào để hướng đến lý tưởng giác ngộ giải thoát? Vì vậy cho nên, trước hết phải vận dụng giáo pháp Nhị Thừa để chuyển hóa nghiệp lực từ xấu sang tốt, khổ đau sang an vui; rồi mới bước tới con đường Đại Thừa của sự giải thoát giác ngộ. Chính ngay chỗ này chúng ta mới thấy giáo lý của Đức Phật thông suốt từ thấp tới cao, bởi sự hỗ tương như chim có hai cánh mới bay xa được. Chính vì thế mà đức Phật nói giáo pháp của ta là “đầu thiện, giữa thiện và rốt sau đều thiện.”
Những lời giảng dạy của Thầy cũng không ngoài lời dạy của đức Phật, bởi Thầy đã thấy và nắm được cốt lõi nơi giáo pháp của đức Phật từ nơi sự thực hành và trải nghiệm Tâm của Ngài. Và chính tôi cũng thấy được như vậy phần nào trong mười năm qua nhờ vào sự học hỏi và thực hành của chính mình. Nếu không phải nhờ thông qua lời giảng dạy của Thầy - một bậc minh sư, chủng tử căn duyên của bản thân trong quá khứ, sự chịu khó học hỏi và thực hành của chính mình trong hiện tại, thì thật khó mà tiếp thu được những giáo pháp thâm sâu, cao tột, và tuyệt vời này. Nói tóm lại, phải có cả hai sự học và hành thì mới có thể lãnh hội được Phật Pháp và thăng tiến trên con đường Đạo, bởi “tu không học là tu mù, học mà không tu là đãy đựng sách.”
Thầy tôi bao nhiêu năm qua chuyên nghiền ngẫm giáo lý của đức Phật, có chiều sâu trải nghiệm nơi tâm, và giảng dạy Phật Pháp cho cả Tăng lẫn tục. Ngài lấy những việc đó làm sự nghiệp của đời mình không mệt mỏi đúng với câu “Duy Tuệ Thị Nghiệp” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hơn 40 năm qua, thầy dịch giải nhiều Kinh Sách cũng như soạn viết những bài văn ngắn để làm tài liệu giảng dạy cho Tăng Ni và Phật Tử. Trong số đó có sáu bài văn ngắn mà tôi được đọc. Những bài ấy tuy ngắn gọn nhưng rất thâm thúy, lột tả được hết những ý chính của cả hai hệ tư tưởng Nhị Thừa và Đại Thừa. Đồng thời nó có thể áp dụng một cách thiết thực vào đời sống hằng ngày của mọi người với mọi tầng lớp, căn cơ; đặc biệt là người hữu duyên sống trên đất Mỹ (người Việt, người Mỹ gốc Việt, và người Mỹ). Vì thế nên tôi phát tâm dịch những bài đó từ tiếng Việt sang tiếng Anh để cho họ có thể học, hiểu, và thực hành; hầu mang lại lợi ích an vui giải thoát trong hiện tại và tương lai. Chính tôi cũng được lợi ích từ dịch, học, hiểu và thực hành; cũng như góp phần lăn chuyển bánh xe Chánh Pháp, hầu đền đáp một phần nào ân đức sâu dầy cao cả của đức Thế Tôn, chư Tổ, Thầy, Huynh Đệ, Tam Bảo, đàn na tín thí, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, thiện hữu và ác tri thức, kẻ oán người thân trong cả ba thời gian.
Tôi đã dịch sáu bài viết ngắn của Thầy và gom lại thành một quyển sách nhỏ này với tựa đề “Từng Bước Về Nguồn.” Đặc tên như thế là bởi vì các bài viết này là kim chỉ nam hướng dẫn mình từng bước một vươn lên từ thấp đến cao để trở về với hai cội nguồn. Cội nguồn thứ nhứt phải trở về là Tính Nhân Bản của mỗi người, mà đôi khi chúng ta đánh mất hồi nào không hay. Cội nguồn thứ hai là cội nguồn Tâm Tánh hay cũng gọi là Bản Tâm, Tự Tánh ai cũng sẵn có; chỉ vì một niệm bất giác ban đầu chạy theo trần cảnh nên bị đánh mất và lảng quên.
Muốn trở về với cội nguồn Bản Thể Tuyệt Đối Chân Tâm thì bắt buộc trước phải trở về sống với Tính Nhân Bản của một con người lương thiện. Bởi vì nếu Tính Nhân Bản mất thì việc xấu ác nào cũng dám làm, hướng cái tâm đi xuống ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) chuốc lấy hệ quả khổ đau tương ứng thì còn tâm trí nào mà vươn lên bước tới cánh cửa cao rộng của Đại Thừa hay trở về với Bản Tâm Vô Sanh bất diệt của mình được? Nói cách một cách chắc chắn rằng, nếu làm người chưa xong thì sao có thể làm Phật được? Vì thế cho nên đức Phật dạy làm con người lương thiện là bước đầu của việc học và tu hành Phật Pháp ngang qua Năm Nhân Tính Căn Bản (Năm Giới), tựu trung không ngoài bài kệ Phật dạy: “Đừng làm các điều ác, vâng làm các việc lành, tự sạch tâm ý mình, là lời chư Phật dạy” (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo).
Hai câu đầu của bài kệ ấy là dạy con người phải quay trở về với Tính Nhân Bản nơi mình, ngang qua pháp đối của Nhị Thừa bởi lý duyên sanh tương khởi. Còn hai câu sau là đưa hành giả trở về với Tâm Tánh Bản Nhiên Thanh Tịnh của chính mình bằng cách tự mình làm sạch tâm ý mình. Tự quét sạch tâm ý nghĩa là tự mình cất hết mọi sở niệm của ý thức, khiến cho nó không còn chỗ để bám chấp. Khi sở niệm đã không thì năng niệm cũng không, năng sở đều không thì Tâm Tánh Bản Nhiên Thanh Tịnh mới có thể hiển bày một cách rõ ràng trọn vẹn được. Không phải chỉ có đức Phật chỉ rõ cho mình như thế mà chư Tổ đã ngộ đạo như Ngài Quy Sơn cũng nói như thế trong bài văn Cảnh Sách: “Tâm cảnh câu quyên, mạc ký mạc ức” (tâm và cảnh đều mất, đừng nghĩ cũng đừng nhớ), hay “Nhất tâm bất sanh, vạn pháp câu tức” (Một tâm không sanh thì muôn pháp đều dứt). Tổ Động Sơn Lương Giới cũng dạy “Phi tương lương tức tọa thiền chi yếu giả” (cất hết mọi sở niệm của ý thức tức là điều quan trọng của việc ngồi thiền vậy). Tổ Tăng Xán trong Tín Tâm Minh cũng dạy “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch” (Tới chỗ cùng tột của Đạo không gì khó, chỉ sợ còn tâm phân biệt lựa chọn mà thôi). Nói trở về với hai cội nguồn Tính Nhân Bản và Tánh Phật nơi mình là lời tạm nói để phân biệt rõ ràng, chứ kỳ thật chỉ là một mà thôi. Trở về với Tánh Phật cũng tức là đã trở về với Tính Nhân Bản rồi vậy; bởi đức Phật không còn nghĩ xấu ác, nói lời ác, và làm việc ác vì ba nghiệp của Ngài hằng thanh tịnh nên sống đúng với Tính Nhân Bản tuyệt đối.
Tôi đã chọn bài “Vu Lan Mùa Hiếu Hạnh” làm bài viết đầu tiên của cuốn sách nhỏ này và cũng là bước đầu tiên quay trở về Nguồn bởi vì bài ấy nhắc nhở chúng ta hai chữ: “Tình Người”; mà tình người thì bắt nguồn từ tình thương yêu của cha mẹ. Nếu như không có tình cha mẹ lúc ban sơ, thì làm sao chúng ta được lớn khôn và có tình người trong hiện tại? Như trong bài viết Thầy tôi đã có nói rõ:
“Tình đời được sưởi ấm ngang qua con tim của mẹ trong chín tháng thai mang, ba năm bú mớm và cả chuỗi dài thơ ấu, để rồi từ đó ta có đủ tình người. Tính nhân bản bắt nguồn từ tình thương của mẹ và cha, để đến lúc lớn khôn không tự làm khổ mình, người. Hạt giống thương yêu sinh ra hoa trái nhiệm mầu quyện lấy hương vị hạnh phúc cuộc đời. Một con người không biết đâu là nguồn cội của tình thương và lẽ sống, thì đừng mong tìm ra tình đồng bào, đồng loại nơi con người ấy. Thấu rõ như thế, chúng ta mới thấy được giá trị nhân bản bắt nguồn từ tình cảm thiêng liêng của mẹ và cha.”
Một khi đã có tình cha mẹ thì bước tiếp theo là phát triển tình người hay tính nhân bản. Để làm như vậy, người ta phải trở về sống đúng theo năm nhân tính căn bản của một con người thực sự lương thiện và chân chính mà đức Phật đã dạy ngang qua Năm Nhân Tính Căn Bản (Năm Giới). Người ta phải thực hành làm người trước khi sử dụng nền tảng đó để vững bước tiến lên làm Phật. Do vậy, bài “Sống Với Năm Nhân Tính Căn Bản” được đặt làm bài viết thứ hai trong quyển sách này và cũng là bước thứ hai để trở về nguồn.
Đến đây tình cha mẹ và tình người hay năm nhân tính căn bản đã đầy đủ, điều đó có nghĩa là tức là chúng ta có đủ điều kiện để trở thành người lương thiện và chân chính. Do đó, chúng ta có thể tiến về phía trước để dự vào bậc hiền. Xuyên qua giáo pháp Nhị Thừa, chúng ta thấy đức Phật đề xướng nền giáo dục nhân bản dựa trên hai yếu tố: lý trí và tình thương. Không học, hiểu và thực hành lời dạy của Đức Phật, chúng ta sẽ không có được phàm Tuệ để phân biệt rõ đâu là chánh và tà, thiện và ác, để bỏ ác làm lành, cải tà về chánh, và biết cách hóa giải những nỗi khổ do thân vật lý và tâm tâm lý gây ra; nhằm mang lại cho mình và người một đời sống chan hòa yêu thương khỏe mạnh với niềm an vui hạnh phúc. Cũng nhờ quán chiếu về giáo pháp Nhị Thừa, chúng ta mới có thể thấy rõ lý tính Duyên Sinh của thế giới trùng duyên này. Nghĩa là tất cả vạn hữu đều tùy thuộc lẫn nhau, dựa vào nhau để tồn tại và biến chuyển. Không có gì mà tự tồn tại độc lập và riêng biệt. Trong thực tế, vạn pháp duyên sanh nên vạn pháp đều vô ngã. Thấu rõ lý tính duyên sanh vô ngã, nên chúng ta mới có thể nhận ra rõ ràng rằng những việc cá nhân làm (biệt nghiệp) đều có tác động đến cộng đồng nhân loại và ngược lại. Vậy tất cả mọi nguyên nhân và hệ quả đều do chính mình và cộng đồng mang lại, chứ không phải bởi một vị thần, nhiều vị thần hay bất kỳ thực thể siêu thực nào khác. Do vậy chúng ta không cần phải tin tưởng, van xin, gởi gắm cho thần linh hay một Đấng siêu thực nào cả. Bởi chính mình là người gieo nhân, thì chính mình là người gặt quả. Muốn có hệ quả an vui thì chính mình phải gieo hạt giống tốt lành. Ngược lại muốn chuốc lấy khổ đau thì gieo nhân xấu ác. Thế mới rõ không ai làm cho mình trở nên thánh thiện hay độc ác ngoài chính mình. Không ai mang khổ đau hay hạnh phúc an vui đến cho mình ngoài tự mình gieo nhân xấu ác hay tốt lành. Vì vậy, Thầy viết “đừng nên đổ lỗi cho một ai về những xấu ác và sai trái lỗi lầm của nhau; mà phải biết xây dựng cho mình một nền giáo dục nhân bản tuyệt đối nơi mỗi tâm hồn.” Bởi vì “một nền giáo dục nhân bản phải được xây dựng trên cơ sở lý trí và tình thương, nhằm hóa giải những nguyên nhân đưa đến thống khổ cho loài người.” Do vậy tôi xếp bài “Giáo Dục Phật Giáo” đứng thư ba. Thật ra ba bài trên đều thuộc giáo pháp Nhị Thừa với mục đích an lập ý và chuyển hóa thân tâm từ nội tại đến ngoại tại theo chiều tốt đẹp, để mang lại sự an vui hạnh phúc cho mình và người trong hiện tại và tương lai. Vì vậy nên muốn sắp xếp bài nào đứng trước hay sau gì cũng được.
Đến đây, một người đã đầy đủ tình cha mẹ, phát tâm làm một người đệ tử Phật Quy Y Tam Bảo, sống đúng với Năm Nhân Tính Căn Bản của một con người lương thiện và chân chính, và đã nắm vững những điều cơ bản của giáo lý Nhị Thừa; người này hoàn toàn đủ tư cách để tiến lên trên con đường giác ngộ và giải thoát. Từ một con người bình thường trở thành một vị Phật, người ta phải trải qua bảy bước như chư Phật của quá khứ và đức Phật Thích Ca trong hiện tại đã đi qua, và chư Phật tương lai cũng sẽ phải đi qua. Do vậy tôi xếp bài “Ý Nghĩa Bảy Bước nở Hoa Sen” làm bài viết thứ tư tiếp theo. Sự Đản Sanh của đức Phật không phải là sinh nhật của Thái Tử Tất Đạt Đa như mọi người thường hiểu lầm, mà là một tiến trình đưa đến giác ngộ giải thoát. Một người giác ngộ là một vị Phật ra đời. Vô số người giác ngộ tức là vô số vị Phật được sinh ra. Và tiến trình giác ngộ ấy được biểu trưng qua bảy bước nở hoa sen. Đây là con đường siêu tình (vượt tình thức) của Đại Thừa vậy.
Vì Đại Thừa là con đường vượt tình thức nên mới gọi là Đại, chứ không phải lớn (đại) đối với nhỏ (tiểu). Nếu lớn đối với nhỏ thì vẫn còn kẹt nơi sự đối đãi của tâm thức nhị nguyên; và nếu tình thức vẫn còn đó, thì làm sao người ta có thể giải thoát được? Thế cho nên bước trên con đường Đại Thừa thì bắc buộc mình phải từ bỏ cái tâm Nhị Thừa, tức rời xa nhị nguyên hoặc xóa bỏ tất cả các cặp phạm trù tương đối của vọng thức. Do vậy bài kế là “Tri Kiến Phi Kiến”, tức cái thấy biết nằm ngoài tình thức hư vọng. Một người đã giác ngộ Bản Tâm hay một vị Phật ra đời ngang qua bảy bước như trên, tức là vị ấy đã vượt ngoài tình thức, trở về sống thật với Bản Tâm thanh tịnh tuyệt đãi của mình. Do vậy cái thấy biết của bậc giác ngộ gọi là Phật Tri Kiến hay Tri Kiến Phi Kiến vậy. Cái thấy biết đó mới là cái thấy biết đúng như thật. Còn cái thấy biết được dựng lập bởi tình thức hay Tri Kiến Chúng Sanh do vô minh mà phát khởi, là cái thấy biết phân biệt, hư vọng và sai lầm. Chính cái tri kiến chúng sanh đó nó làm cho chúng ta khổ đau trải dài trong vô lượng kiếp sanh tử. Nên Kinh Lăng Nghiêm nói “Thấy biết mà lập biết là gốc của vô minh, thấy biết mà không lập biết chính là Niết bàn” (Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến phi kiến tư tức Niết Bàn). Cũng chính vì thế mà ở bước thứ bảy, đức Phật một tay chỉ lên, một tay chỉ xuống và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử, ư kim tận hỷ.” Thầy đã dịch rõ nghĩa: “Từ các cõi trời cho đến địa ngục (chúng sinh luôn trôi lăn trong ba cõi sáu đường) đều do vọng tâm ngã chấp chi phối; vì vậy cho nên đã trôi dài trong vô lượng kiếp sinh tử, và đến kiếp này là sinh thân cuối cùng của Ta vậy.” Đức Phật thấy rõ được ông chủ dựng xây ngôi nhà sanh tử chính là tình thức hư vọng (duy ngã độc tôn); mà chúng ta cứ cho nó là mình. Vì thế nên ngài đã vượt thoát nó, và trở về sống lại với Bản Tâm thanh tịnh của Ngài; nên từ nay không còn sanh tử nữa. Do vậy đức Phật đã xác quyết: “Sinh đã tận, lậu đã tận, gánh nặng đã để xuống, những việc nên làm đã làm; từ nay không còn trở lại sinh tử nữa.” Còn chúng ta thì chưa thấy được người chủ xây nhà sanh tử, và cũng chưa khởi bước để thâu dẹp hết những đồ nghề làm nhà (sở niệm), nên mới còn sanh tử khổ đau.
Chính nhờ sự trở về nhận ra được Tánh Giác nơi mình, nên chúng ta mới cảm nhận được một trạng thái tâm tĩnh lặng tuyệt đối, thường trực, bất biến, và phi thời – không (thời gian và không gian). Chính tâm thái tĩnh lặng tuyệt đối này là Niết Bàn, và cũng tức là Thiền vậy. Chứ Thiền chẳng phải là một tôn giáo, một nền triết học, một nền khoa học, một học thuyết, hay quan niệm thuộc tri thức. Nó chẳng phải là cái gì cả. Do vậy Thầy viết: “Danh từ Thiền cũng chỉ là tiếng rỗng tuếch, không liên hệ gì đến tâm thái tịch nhiên vắng lặng, an tĩnh và tự do tuyệt đối của tâm hồn.” Trạng thái tâm tĩnh lặng tuyệt đối hay Thiền này chỉ có thể đạt đến bằng con đường Đạo học hay thể nghiệm tâm linh với bản chứng tự tâm, chứ không phải ở nơi triết học hay qua sự suy luận của tình thức hư vọng, mang tính cách chủ quan và cục bộ của từng vỏ não cá nhân. Bởi bản chất của thiền nằm ngoài mọi cặp phạm trù tương đối của tình thức; và từ trong bản chất của thiền “nó xa lìa tướng danh tự, tướng nói năng, tướng tâm duyên, và nó bình đẳng tuyệt đối với mọi pháp.” Do vậy tôi đặt bài “Thiền” ở phần cuối cùng của cuốn sách này bởi vì nó là trạng thái tâm tĩnh lặng tuyệt đối của bậc Giác Ngộ; mà tất cả chúng ta (các đức Phật tương lai) sẽ đạt tới. Nó là mục đích tối hậu và là nguồn cội để chúng ta quay về.
Như vậy qua sáu bài viết ngắn của Thầy, chúng ta mới hiểu rõ được sự kết nối và xuyên suốt của cả hai hệ Nhị Thừa và Đại Thừa mà đức Phật Thích Ca đã dạy trong suốt 45 năm và trải dài hơn 25 thế kỷ. Từng bước một, đức Phật đã hướng dẫn chúng ta hướng lên trên con đường Giác Ngộ Giải Thoát, từ địa vị phàm phu cho đến quả Phật; sự trở về cội nguồn Tâm Tánh mà chúng ta đã đánh mất từ bấy lâu nay. Có thể nói, sáu bài viết này là cốt lõi của nền giáo dục Phật giáo mà đức Phật đã đề xướng, chư Tổ hoằng truyền, và Thầy cũng hướng dẫn và trao lại cho chúng ta. Đây cũng là kiến thức sở học quan trọng, cốt lỗi của sự giảng dạy và kinh nghiệm tu hành thiết thực của Thầy hơn 40 năm qua.
Tôi đã cố gắng hết sức dịch những bài viết này sang tiếng Anh. Thú thật nó quả là một việc khó làm, bởi không phải biết tiếng Anh là có thể dịch được. Có nhiều từ ngữ Phật giáo chuyên môn (ví dụ: nhị thừa, duyên sanh), từ ngữ âm Hán-Việt (ví dụ: thiền, tri kiến phi kiến, quy túc), hay thuần Việt (ví dụ: chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau) rất khó dịch. Lại thêm những từ ngữ đó hoàn toàn xa lạ với tiếng Anh. Nói cách khác là các từ tiếng Anh không đủ để lột tả được những thuật ngữ Phật giáo chuyên môn, từ vựng thuộc âm Hán-Việt và từ ngữ tiếng Việt thuần túy. Và cái quan trọng nhất là nó đòi hỏi người dịch phải có chiều sâu nghiên cứu Phật Pháp và có sự trải nghiệm Tâm linh qua sự tu hành. Bởi mặc dù một người thành thạo nhiều ngôn ngữ và có nhiều từ điển hỗ trợ, nhưng không có kinh nghiệm tâm linh và sự thực hành, người ta sẽ không thể hiểu được giáo lý tinh hoa của Đức Phật để truyền đạt chúng một cách chính xác được. Nhưng tôi đã cố gắng hết sức để làm sao dịch cho đúng với bài văn và cả ý nghĩa nội dung chính của chúng. Những từ ngữ Phật giáo chuyên môn nào không có trong tiếng Anh, thì tôi tìm chữ gốc tiếng Phạn để thay vào và kèm theo phần chú thích cho dễ hiểu. Tôi cũng hỏi Thầy dịch nghĩa cho tôi hiểu những từ ngữ Phật giáo chuyên môn, Hán-Việt, và thuần Việt để hiểu rõ hơn và dịch chúng sang tiếng Anh một cho đúng. Đồng thời tôi cũng tra từ điển Hán-Việt, từ điển tiếng Việt, từ điển Anh-Việt, từ điển Việt-Anh, từ điển Phật Học để hỗ trợ cho sự dịch thuật của tôi. Và một phần cũng nhờ kiến thức học Phật và từ sự thực hành kinh nghiệm tâm 17 năm qua. Do vậy tôi nghĩ là những bài dịch này có thể dùng tạm cho những người Mỹ gốc Việt hoặc người Mỹ bản xứ đọc và hiểu được nội dung chính của những bài viết này một phần nào.
Dẫu đã cố gắng và cẩn thận hết mình để chuyển dịch mấy bài viết này cho đúng văn từ tiếng Anh tương ứng, nhằm chuyển tải được nội dung đúng với Phật Pháp, nhưng chắc sẽ không sao tránh khỏi nhiều lỗi lầm sai sót. Vì thế kính xin những bậc cao minh, các bậc tiền bối, các bậc thầy, các vị thiện hữu tri thức gần xa, từ bi lượng thứ và thương tình góp ý chỉ dạy những chỗ sai sót của chúng tôi, để làm cho những bài dịch này được thêm phần sáng tỏ, hầu mang lại lợi ích cho tất cả mọi người được ân triêm pháp lạc.
Sau cùng, chúng con xin thành tâm cảm niệm ân đức cao cả của Ba Đời Mười Phương Tam Bảo đã làm chỗ quy hướng tinh thần cho chúng con trên bước đường tu Đạo. Chúng con xin thành kính cảm niệm ân đức sâu dày của đức Phật Thích Ca đã khó khăn thị hiện, dùng nhiều phương tiện, nhẫn nại dìu dắt, và từng bước đưa chúng con đến con đường Giác Ngộ Giải Thoát thông qua giáo pháp của Ngài.
Chúng con thành kính cảm niệm công đức của Hòa Thượng Bổn Sư, ngài Thượng Minh Hạ Điền (Ôn Quy Nguyên) đã viết những bài văn thâm thúy này cho chúng con được tu học. Chúng con xin nguyện y giáo phụng hành để đáp đền thâm ân cao cả của Thầy.
Chúng con xin thành kính tri ân Thượng Tọa Thích Chúc Thiện và đại chúng Liên Hoa Đạo Tràng đã cho phép chúng con có chỗ ăn ở yên ổn tu hành; cũng như thành kính tri ân tất cả những đàn na tín thí đã bố thí cúng dường tịnh tài phẩm vật.
Chúng con cũng xin thành kính tri ân những bậc Thầy lành bạn tốt đã không ít nhiều cũng có phần ảnh hưởng cái thiện cái lành đến chúng con, và chúng con cũng học hỏi được nhiều từ quý Thầy và các bạn.
Cuối cùng xin thành kính tri ân Bác Sĩ Nguyên Tâm (A Phương), một hiền đệ của chúng tôi ở Việt Nam tuy vẫn còn trẻ nhưng tâm đạo thuần hành ở trong Phật Pháp đã phát tâm lo cho việc ấn tống này được hoàn thành tốt đẹp.
Nếu có chút phước lành nào trong việc dịch thuật những bài văn này, chúng con xin nguyện hồi hướng và chia sẽ đến tất cả các bậc thầy, huynh đệ, đàn na, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, thiện hữu và ác tri thức, tất cả kẻ oán người thân, oan gia trái chủ nhiều đời, cùng pháp giới chúng sanh đều được lợi ích an vui giải thoát. Xin nguyện từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật kết làm Bồ Đề Quyến Thuộc của nhau và từ bi thương xót dìu dắt nhau cùng tiến bước trên con đường Giác Ngộ Giải Thoát.
Trước đã không biết đường hướng tu hành còn bôn ba khắp nơi ở ngoài cửa Đạo hay tự đào xới tâm hồn mình bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nhưng nay đã có kim chỉ nam trong tay và biết đường để trở về nguồn. Vậy thì mỗi cá nhân chúng ta phải cố gắng nỗ lực tiến bước trở về ngôi nhà Tâm Tánh của mình.
Đừng chần chờ gì nữa! Bởi cuộc đời là vô thường, trong khắp cả vũ trụ không có vật gì tồn tại mãi mãi. Ngay cả thân ta cũng vô thường, nó mong manh như sương mai, tạm bợ tợ nắng chiều, thật không bền chắc, trẻ mạnh rồi cũng phải già yếu, sanh già bệnh chết không hẹn mà đến và cũng không chờ bất cứ một ai. Vậy thì ai sẽ trừ khử những nỗi khổ ấy cho ta? Rốt cuộc thì không có ai có thể giải quyết được những nỗi khổ ấy cho mình ngoài chính mình. Bởi không ai có thể nhảy vào tâm mình mà dẹp hết những sở niệm thuộc tình thức nơi mình được ngoài chính mình. Do vậy nếu không tự thân nỗ lực cố gắng tiến bước trên con đường Giác Ngộ giải thoát, thì làm sao mà giải trừ những nỗi khổ ấy được? Thoát ly sanh tử được? Giác ngộ giải thoát được? Vậy kính mong đại chúng, suy xét cho thấu đáo, thường nghĩ vô thường, tận dụng thời gian quý báu của mình còn lại trong cuộc đời này, mà tự cố gắng nỗ lực tu hành, đồng được giải thoát an vui. Đừng chần chờ gì nữa! Hãy bước tới về phía trước để được giác ngộ và giải thoát!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tháng Giêng năm 2020
Khóa Tu Mùa Đông 2019
tại Liên Hoa Đạo Tràng
San Antonio, Texas, Hoa Kỳ
Tỳ kheo Thích Thiện Trí kính viết![1] Dviyana – is a Sanskrit word which means two vehicles which are Sravaka and Pratyeka-buddha. In this paper, we have to understand Dviyana does not mean Sravaka and Pratyeka-buddha vehicles, however, it implies that any meditative practice which still has the existence of the censoring person (subject) and the thing being censoring (object) all belongs to Dviyana or two vehicles.
[2] Mahayana – is a Sanskrit word literally means “Great Vehicle”. The word maha means great and yana means vehicle. Its name implies that it is “great” in both the interpretation of Buddha’s teachings and its openness to broader group of people, especially lay people. Mahayana Tradition first arose in the 1st century with the idea of first practicing Buddha’s teachings to become enlighten and also helping other become free from their sufferings. It is motivated by compassion and informed by deep wisdom (prajna). Its teachings focus the emptiness of all phenomena (shunyata), the importance of compassion (karuna), and the universality of Buddha Nature. However, my Master explains Mahayana differently. The word “Maha” doesn’t mean big versus small but rather a transcendent state of mind beyond the false and subjective consciousness. The word “Yana” means the teachings or pathways that lead to the clearance of the objects of the mind and the consciousness itself. Therefore, in the Preface, I explained: “Because Mahayana is the path to escape from consciousness, it is called Maha (great), not big against small. If big against small, then it is still stuck in the relativeness of dualistic consciousness, and if the consciousness is still there, then how can one be liberated? Therefore, stepping up on the path of Mahayana, one has to escape the mind of Divayana, that is, leaving all relative category pairs of the consciousness (false mind).”
- Từ khóa :
- Từng Bước
- ,
- về nguồn
- ,
- step by step
- ,
- returning
- ,
- the origin