ĐỖ HỒNG NGỌC
BÔNG HỒNG CHO MẸ &
NHỮNG CẢM NHẬN HỌC PHẬT
Những Bài Viết Trên Từ Quang Tục Bản (2012-2022)
CHÙA PHẬT HỌC XÁ LỢI TP. HCM
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC
Bông Hồng Cho Mẹ & Những Cảm Nhận Học Phật
DUYÊN KHỞI
(THAY LỜI TỰA)
Cơ duyên đưa đẩy, tôi được gặp rồi quen thân với Bs Đỗ Hồng Ngọc hơn chục năm nay. Khi Phật học Từ Quang tục bản (số 1, 2012), đến nay tròn 10 năm, số nào cũng có bài viết của anh. Tôi mời anh và anh cũng hoan hỉ tham gia Ban Phật Học (Cố vấn), phụ trách Nhóm Học Phật và là người đồng hình thành lớp “Phật học và Đời sống”, đến nay vẫn hoạt động tốt.
Mấy năm gần đây, anh là một trong số cư sĩ được mời tham gia hướng dẫn lớp An cư kiết hạ truyền thống hằng năm dành cho các tu sĩ tại Chùa Phật học Xá Lợi Tp. Hồ Chí Minh.
Từ những bài viết của anh đăng trên Phật học Từ Quang được tập hợp để có cuốn sách “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật” này, tôi tin người đọc dễ thấy Đỗ Hồng Ngọc học Phật qua lăng kính của nhà thơ, nhà khoa học, của người thầy thuốc tận tâm. Trong bài “Thiền và thở”, anh viết: “Các nghiên cứu y sinh học cho thấy các nhà sư có thể làm giảm nhu cầu oxygen đến 40% trong lúc thiền. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ thiền chắc cũng giống như ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng thật ra khác hẳn! Thiền khoảng 30-40 phút thì mức lactate trong động mạch giảm, phenylalanine tăng 20%, giảm các hoạt động hệ giao cảm trên bề mặt da, giảm nhịp tim và hô hấp đáng kể”, đến bài “Trời cao đất rộng một mình tôi đi…”, anh lý giải tường tận hơn và đậm vị thiền hơn: “Loài người có trí thông minh vượt trội là nhờ vỏ não phát triển, với hàng trăm tỷ tế bào thần kinh, hàng trăm nghìn tỷ tỷ các mối nối... dày đặc nhưng sự điều hành hô hấp của ta lại không nằm ở vỏ não. Nó nằm ở hành tủy, dưới vỏ não. Các trung khu hô hấp nằm ở đó, điều hành sự thở. Vì thế mà dù vỏ não không hoạt động (ngủ, hôn mê...) thì sự thở (hô hấp) vẫn được duy trì. Khi tập trung (Sati) vào hơi thở là ta đã giải phóng cho vỏ não được nghỉ ngơi!
Từng bước, Đỗ Hồng Ngọc đưa người đọc đến với giáo lý Phật đà một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ thực hành: “Có tưởng là bắt đầu sinh sự. Tưởng vô vàn. Tưởng vô tận. Muốn thiên đàng có thiên đàng. Muốn địa ngục có địa ngục. Cho nên tu là tu Tâm. “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả là do tâm bày vẽ ra. Phật từ thời Hoa Nghiêm đã nói rõ như thế. Hạnh phúc khổ đau từ đó. So sánh hơn thua, chém giết nhau từ đó. Tiếng Việt ta còn hay hơn: Tướng và Tưởng, chỉ khác nhau có mỗi cái dấu sắc, dấu hỏi… Mà đã ngàn trùng cách xa! Vô tâm thì vô sự. Vô sự thì bình an. Bình an vô sự.
Người ta chúc nhau như vậy” (“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”). Về “luân hồi sanh tử”, Đỗ Hồng Ngọc cũng có cách nhìn, cách nghĩ khác với nhiều người ngày ngày đến chùa lễ Phật, tụng kinh: “Luân hồi sanh tử, nghiệp báo oan gia các thứ… ở đâu mà ra? Thì ở đâu nữa! Ở ngay trong ta thôi. Trong tứ đại, ngũ uẩn. Trong các hợp chất carbon, hydro, oxy, nitrogen (C, H, O, N) và mấy chục nguyên tố đồng, chì, sắt, kẽm, mangan, manhê, vôi vữa… các thứ trong thân ta đó thôi. Ôi, cát bụi tuyệt vời! Khi vẽ được bản đồ hệ gene người, các nhà khoa học bật ngửa thấy tinh tinh, chuột bọ, cải ngồng, cổ thụ… đều có những gene y như vậy với một tỷ lệ khác nhau nhiều ít. Tinh tinh có đến 99% cấu trúc gen giống hệt bộ gen người, chuột bọ thì có đến 97,5% gen người… Ai dám bảo hôm nào đó chẳng “luân” chẳng “hồi” một phen, cho tinh tinh thành cải ngồng, cải ngồng thành chuột bọ…? (“Luân hồi sanh tử”). Vậy muốn thoát khỏi “luân hồi sanh tử” thì phải làm sao? Đỗ Hồng Ngọc nghĩ rất đơn giản nhưng rất đúng với tinh thần nhà Phật: “Rõ ràng để “giải thoát luân hồi sanh tử” chỉ có mỗi một cách là phải “tu”. Nghĩa là phải “sửa” mình (“Luân hồi sanh tử”).
Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ai cũng có thể thành Phật nếu đi theo con đường tu tập của Ngài. Phật không có quyền năng định đoạt số mệnh của ai hay ban ân huệ cho riêng ai. Đức Phật cũng chỉ là một người bình thường như chúng ta, nhưng là một người đã tu hành đắc đạo, đã giác ngộ. Sự khác biệt giữa chúng sinh và Phật không phải do nơi bản thể, nơi chân tâm, mà do ở sự sai biệt giữa giác ngộ sáng suốt và ngu tối mê lầm. Nhưng để hiểu được điều này không dễ. Trong bài “Tôi học Phật”, Đỗ Hồng Ngọc cho biết: “Tôi có chút “duyên” với Phật, nhưng đến với Phật rất trễ”, mãi “Đến năm tuổi gần 60, sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi. Tôi đọc Tâm Kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Và với Tâm Kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ Không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc”. Và Đỗ Hồng Ngọc đã… đi từng bước: “Ở Kim Cang học Vô ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã), và Thiền định. Dĩ nhiên không thể không học những bước cơ bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… Không có Chánh định làm sao có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ... Con đường từ thể nghiệm, thực nghiệm đến ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Ở Pháp Hoa học Vô tướng thực tướng, gặp Như Lai Đa Bảo của mình như luôn tủm tỉm cười chọc quê mình! Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Diệu Âm, Quán Thế Âm… để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp cho sáng tỏ hơn… Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp”…
Và anh đã rút ra chút kinh nghiệm trong quá trình học Phật: “Khi được hỏi “kinh nghiệm” về học Phật, tôi nghĩ trước hết cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là thực hành, ứng dụng vào đời sống, ở đây và bây giờ…”.
Với tôi, đây là kinh nghiệm quý cho những người muốn học Phật. Nhân mùa Vu lan này (2022, PL 2566), Quỹ Ấn tống Hoa Sen (Chùa Phật học Xá Lợi) cùng với Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành cuốn sách “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật” của nhà thơ Đỗ Nghê – bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trên tinh thần bố thí pháp của nhà Phật. Trong Kinh Tap A Hàm (số 299), đức Phật trả lời cho một vị Tỳ kheo hỏi về pháp Duyên khởi, Ngài có nói: “Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi”, nên “Bông hồng cho Mẹ & Những cảm nhận học Phật” của Đỗ Hồng Ngọc đến với bạn đọc chính là như thế./
HT-TS THÍCH ĐỒNG BỔN
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
MỤC LỤC
Duyên Khởi
1. Mùa Vu Lan: “Bông Hồng Cho Mẹ”
2. Cha Mẹ & Con Cái
3. Thương Nhớ Đòn Roi
4. Già Mà... “Sướng”!
5. Hạnh Phúc Có Thể Đo Đạc Được!
6. Thêm Một Tuổi Mới.
7. Vè Thiền Tập
8. Mối Tình Đầu Của Hải Thượng Lãn Ông
9. Nói Thêm Về Thở Bụng
10. Thiền Và Thở.
11. “Luân Hồi Sanh Tử”
12. Trời Cao Đất Rộng Một Mình Tôi Đi
13. Chọn Những Nụ Cười
14. Độc Cư.
15. “Không Nghĩ Thiện, Không Nghĩ Ác”
16. Xả “Stress”
17. Tôi Học Phật
18. Với Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
19. Quán Thế Âm Bồ-Tát
20. Diệu Âm Bồ-Tát
21. Thường Bất Khinh Bồ-Tát
22. Dược Vương Bồ-Tát, “Ai Thấy Cũng Vui, Ai Gặp Cũng Mừng”
23. Với Kinh Kim Cang Bát Nhã
24. Chúng Sanh.
25. “Ưng Vô Sở Trụ...”
26. “…Ưng Tác Như Thị Quán!”
27. Với Kinh Duy-Ma-Cật Sở Thuyết
28. Tinh Thần Phê Phán.
29. Phương Tiện Thiện Xảo
30. Cơm Hương Tích.
31. Học Được Gì Từ Kinh “Duy Ma Cật Sở Thuyết”
32. Phật Và Như Lai.
33. “Chẳng Dứt Hữu Vi, Chẳng Trụ Vô Vi’’
34. Xá-Lợi-Phất Và Duy-Ma-Cật.
35. “Bốn Lời Nguyện Rộng Lớn”
36. Mười Hạnh Bồ-Tát Phổ Hiền.
37. Đọc Trăng Vàng Thuyền Không
Sa Môn Thích Giác Toàn
- Từ khóa :
- Bông Hồng
- ,
- Cho Mẹ
- ,
- Đỗ Hồng Ngọc